Tin khắp nơi – 16/03/2020
Monday, March 16, 2020
5:33:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Kết quả xét nghiệm coronavirus của Tổng thống Trump:
Âm tính
Tin từ Washington/ New York – Vào hôm thứ bảy (14 tháng 3), bác sĩ của Tổng Thống Trump cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy ông âm tính với coronavirus.Trước đó, trong buổi họp báo sáng cùng ngày ở Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói ông đã xét nghiệm coronavirus vào tối thứ sáu (ngày 13 tháng 3), sau đó bác sĩ Sean Conley đã xác nhận kết quả âm tính vào hôm thứ bảy.
Tổng thống Trump đã gặp một phái đoàn Brazil vào tuần trước, ít nhất một thành viên trong số đó đã xét nghiệm dương tính với loại virus mới. Đồng thời, Tổng Thống Trump cũng khuyến cáo người dân Hoa Kỳ xem xét những chuyến du lịch không cần thiết, và chính quyền của ông cũng đang xem xét đưa ra lệnh cấm du lịch trong nước.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ đã ghi nhận 2,226 trường hợp nhiễm coronavirus mới nhưng chưa đạt đến cao điểm của đợt bùng phát. Bên cạnh đó, bác sĩ phẫu thuật Jerome Adams cho biết “dịch bệnh sẽ còn tiếp tục lan rộng, nhưng 99% số người mắc bệnh sẽ hồi phục.”.
Cũng trong cuộc họp báo, Phó Tổng Thống Mike Pence cho biết thêm rằng chính quyền Tổng Thống Trump đã mở rộng lệnh cấm du lịch đến Anh Quốc và Ireland. Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng Thống đã nói chuyện với Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, về lệnh cấm mới. (BBT)
https://www.sbtn.tv/ket-qua-xet-nghiem-coronavirus-cua-tong-thong-trump-am-tinh/
Trump kêu gọi
người Mỹ ngừng tích trữ lương thực, thực phẩm
Tổng thống Donald Trump đang kêu gọi mọi người ngừng tích trữ hàng hóa, thực phẩm giữa lúc một trong những quan chức y tế công cộng cấp cao nhất kêu gọi người Mỹ hãy hành động khẩn trương hơn để bảo vệ chính bản thân họ và những người khác trước dịch virus corona.Tiến sĩ Anthony Fauci nói ông muốn nhìn thấy các biện pháp tích cực như cả nước Mỹ đóng cửa trong 14 ngày.
“Quý vị không cần phải mua nhiều như vậy”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo. “Hãy bình tĩnh. Cứ thong thả”.
Sau khi nói chuyện với các giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng tạp hóa, ông Trump cam đoan với người Mỹ rằng các cửa hàng vẫn sẽ mở cửa và chuỗi cung ứng vẫn hoạt động bình thường.
Phát biểu trong cùng một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mike Pence kêu gọi người Mỹ chỉ mua những vật phẩm cần thiết cho tuần tới.
Phát biểu của tổng thống Mỹ được đưa ra vào Chủ nhật (15/3) sau khi chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ nói rằng ông muốn thấy người Mỹ chú tâm hơn nữa trong việc giúp làm chậm sự lây lan của virus corona.
Tuy nhiên theo ông Fauci, việc hạn chế đi lại ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như đến và đi từ tiểu bang Washington và California, nơi bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, có lẽ chưa cần thiết lúc này.
Các giới chức ở Washington đang chuẩn bị cho dịch bệnh được dự đoán là cần một nỗ lực lâu dài để ngăn chặn virus đang tác động lên đời sống trên toàn cầu.
Trong khi đó, ông Trump lại đưa ra một triển vọng lạc quan ngay cả khi các giới chức cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở Hoa Kỳ đang gia tăng.
Tổng thống thừa nhận rằng virus này “rất dễ lây lan”, nhưng khẳng định chính quyền của ông có thể “kiểm soát cao” sự lây lan của dịch bệnh.
Ông Trump bày tỏ vui mừng khi Cục Dự trữ Liên bang hôm 15/3 tuyên bố đang thực hiện hành động khẩn cấp để giảm lãi suất cơ bản xuống gần bằng không. Động thái nhằm giúp nền kinh tế Mỹ chống lại dịch virus corona được đưa ra một ngày sau khi ông Trump một lần nữa đe dọa sẽ sa thải hoặc hạ cấp Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell.
Sáng 15/3, ông Trump đã tổ chức một cuộc họp với hơn hai chục giám đốc các cửa hàng tạp hóa và chuỗi cung ứng để thảo luận về phản ứng của họ đối với sự bùng phát của virus corona.
Các nhà bán lẻ báo cáo rằng người tiêu dùng đã đổ xô đến các cửa hàng để dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Người tiêu dùng cũng bày tỏ thất vọng rằng một số mặt hàng như nước rửa tay và giấy vệ sinh đang trở nên khan hiếm hơn.
Chính quyền của ông Trump cho biết hàng triệu bộ xét nghiệm virus corona mới sẽ được cung cấp trong vài tuần tới, bao gồm cả việc xử lý nhanh hơn các mẫu xét nghiệm, nhưng khuyến khích người dân Mỹ nên giúp kiềm chế dịch bệnh hơn là tìm kiếm xét nghiệm.
Phó tổng thống Mike Pence cho biết chính phủ liên bang sẽ phát hành hướng dẫn cập nhật liên quan đến các nhà hàng, quán bar và các cơ sở khác vào ngày 16/3.
Cũng kể từ ngày 16/3, những người đi vào khu vực Nhà Trắng sẽ được đo nhiệt độ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Quốc hội đã bắt đầu làm việc với gói viện trợ mới sau khi một gói cứu trợ vừa được Hạ viện phê duyệt vào đầu ngày thứ Bảy, dành để trả lương và các cứu trợ khác cho công dân phải lấy ngày nghỉ bệnh. Gói cứu trợ này đang chờ được thông qua tại Thượng viện.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-ng%E1%BB%ABng-t%C3%ADch-tr%E1%BB%AF-l%C6%B0%C6%A1ng-th%E1%BB%B1c-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m/5330837.html
Covid-19: Los Angeles và New York
đóng cửa các điểm tụ hợp công cộng
Thanh HàThị trưởng Los Angeles và New York, hai thành phố lớn nhất tại hai bờ đông và tây Hoa Kỳ, ngày 15/03/2020, cùng thông báo đóng cửa các điểm tụ hợp công cộng. Trên toàn nước Mỹ, hơn 3.000 người bị nhiễm virus corona, 65 người thiệt mạng.
Giáo sư Anthony Faucy, một trong những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ, hôm 15/03/2020 cảnh báo “tình hình sẽ còn xấu đi thêm trong tương lai”. New York và Los Angeles ban hành những biện pháp mạnh do chính quyền hai thành phố lớn này đánh giá, những điểm tập hợp đông người đều là những kênh lây nhiễm đáng gờm. Thị trưởng thành phố Los Angeles, Eric Garcetti, trong cuộc họp báo nhấn mạnh từ nhà hàng, quán cà phê, quán rượu đến các rạp xi-nê, nhà hát và cả các phòng tập thể dục… đều phải đóng cửa kể từ 12 giờ đêm qua cho đến ngày 31/03/2020. Đồng nhiệm của ông tại New York nói đến “mối đe dọa chưa từng thấy” có thể diễn ra cho thành phố này. New York có hơn 50.000 hiệu ăn, bảo đảm công việc làm cho 800.000 nhân viên.
Chính quyền bang New York còn ban hành lệnh đóng cửa tất cả các trường học kể từ hôm nay. New York phát hiện 730 ca nhiễm virus corona. Thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm thông tin :
“Các quyết định lần lượt được đưa ra. Trong vài giờ, những biện pháp vừa được ban hành làm thay đổi hẳn nếp sống của 8 triệu dân tại New York. Liên tục chịu áp lực trong suốt hai ngày cuối tuần, thị trưởng thành phố rốt cuộc đã phải ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học kể từ hôm nay. Hệ thống giáo dục công tại bang New York, với hơn 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc diện quan trọng nhất trên toàn quốc.
Thành phố chuẩn bị một số biện pháp để giúp các phụ huynh phải đi làm có thể gửi con. Biện pháp này đặc biệt dành ưu tiên cho nhân viên y tế trực tiếp tham gia vào công cuộc chống khủng hoảng do virus corona gây nên. Các thầy cô giáo chuẩn bị bài cho học sinh để giảng dậy từ nhà. Tất cả các trường học sẽ đóng cửa cho đến ngày 20/04/2020. Tuy nhiên thị trưởng New York, Bill de Blasio, không loại trừ khả năng, biện pháp này sẽ được áp dụng cho đến cuối năm học.
Các bệnh viện được lệnh hủy tất cả các ca phẫu thuật không thuộc diện khẩn cấp. Tòa án cũng hoãn lại đa số các phiên xử. Một giới hạn khác cũng được thông báo đó là lệnh đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim, hộp đêm. Hiệu ăn, quán cà phê và quán ba thì chỉ được quyền giao hàng hoặc có người vào mua rồi mang đi. Biện pháp này được áp dụng kể từ ngày mai, Thứ Ba (17/03/2020). Ông Bill de Blasio giải thích : đây là quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết để bảo vệ những người chung quanh, và những người có sức khỏe yếu nhất”. New York bị đặt trong tình trạng cách ly, và cũng có khả năng trong những ngày tới chính quyền ban hành lệnh giới nghiêm”.
Phó tổng thống Mike Pence cho biết chính quyền liên bang tăng cường các biện pháp phát hiện những trường hợp lây nhiễm. Hơn 2.000 phòng thí nghiệm trên toàn quốc có khả năng tiến hành các ca xét nghiệm, và 10 bang đã có thể thực hiện các ca thử nghiệm mà đương sự không cần bước ra khỏi xe hơi.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200316-covid-19-los-angeles-v%C3%A0-new-york-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-c%C3%A1c-%C4%91i%E1%BB%83m-t%E1%BB%A5-h%E1%BB%A3p-c%C3%B4ng-c%E1%BB%99ng
Thủy thủ đầu tiên trên chiến hạm Mỹ
dương tính với virus corona
Thủy thủ Mỹ đầu tiên trên một chiến hạm vừa thử nghiệm dương tính với virus corona, Reuters dẫn nguồn tin từ Hải quân Hoa Kỳ cho biết hôm 15/3, khi lực lượng này công bố trường hợp một thủy thủ đã được chỉ định lên một chiến hạm tấn công đổ bộ tại cảng San Diego.Hải quân Mỹ cho biết thủy thủ này đã được cách ly tại nhà và những người tiếp xúc gần gũi với người này đã được thông báo và đang tự cách ly tại nhà.
“Hiện tại không ai trong số họ đang có mặt trên tàu. Các tàu của Hải quân Hoa Kỳ đều tiến hành các quy trình vệ sinh hàng ngày để giữ gìn sức khỏe và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm lây lan”, Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Theo hải quân Mỹ, thủy thủ trên đã được chỉ định lên chiến hạm USS Boxer.
Tuy nhiên, một quan chức Hoa Kỳ cho biết chiến hạm đang ở tại cảng, một tình huống được xem là ít rủi ro hơn so với khi đang ở trên biển.
Vẫn chưa rõ liệu thủy thủ này có ở trên tàu toàn thời gian hay chỉ làm việc trên tàu vào ban ngày.
Đây là trường hợp được xem là ví dụ mới nhất về việc quân đội Hoa Kỳ đang vật lộn với các trường hợp virus corona trên khắp thế giới, từ một thủy quân lục chiến làm việc tại cơ quan quốc phòng chủ chốt gần Lầu Năm Góc cho đến một người binh sĩ được chỉ định cho trụ sở quân đội Mỹ ở châu Âu tại Wiesbaden, Đức.
Chủng virus nguy hiểm hiện diện trên tàu chiến là một quan ngại đặc biệt, khi các thủy thủ hoạt động gần nhau.
Hải quân Mỹ cho biết USS Boxer đang tiến hành làm vệ sinh kỹ lưỡng, theo hướng dẫn cụ thể từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và Trung tâm Y tế Công cộng Hải quân-Thủy quân lục chiến.
Hải quân cũng cho biết quân đội đang tiến hành truy tìm để xác định xem còn có ai khác có thể đã liên lạc gần với thủy thủ trên hay không.
“Tùy vào kết quả điều tra đó mà có thể thực hiện các biện pháp bổ sung”, Hải quân Mỹ cho biết thêm.
https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A7y-th%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-tr%C3%AAn-chi%E1%BA%BFn-h%E1%BA%A1m-m%E1%BB%B9-d%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%ADnh-v%E1%BB%9Bi-virus-corona/5330494.html
Công dân Hoa Kỳ về nước phải chờ nhiều tiếng đồng hồ
để kiểm tra coronavirus tại các phi trường
Trong lúc người dân Hoa Kỳ được khuyến cáo hãy giữ khoảng cách với nhau, khách du lịch quay trở lại trên các chuyến bay từ châu Âu nói rằng họ phải chờ nhiều tiếng đồng hồ tại các trạm kiểm soát đông đúc ở phi trường trong nước để được kiểm tra coronavirus.Nhiều người nói với CNN rằng khi họ về đến phi trường ở Dallas, Chicago và New York, họ đã phải đối mặt với những hàng chờ dài và sự hỗn loạn. Tổng thống Trump đã thông báo những người có quốc tịch của 26 quốc gia châu Âu sẽ phải đối mặt với những hạn chế khi đến Hoa Kỳ, và danh sách này sẽ mở rộng thêm đối với người dân đến từ Ireland và Anh Quốc vào nửa đêm thứ hai (ngày 16 tháng 3).
Lệnh cấm du lịch đối với châu Âu có hiệu lực vào nửa đêm thứ Sáu (ngày 13 tháng 3), nhưng thông báo ban đầu đã gây ra sự hỗn loạn tại các sân bay châu Âu khi người dân Hoa Kỳ tìm cách trở về nước trước khi lệnh này có hiệu lực. Công dân Hoa Kỳ và thường trú nhân được phép bay về nước nhưng phải đi qua một trong 13 phi trường quá cảnh để kiểm tra coronavirus, khiến các phi trường này quá nghẹt người.
Karen Rogers, một hành khách trở về từ Paris, đã xếp hàng chờ đợi ít nhất năm giờ đồng hồ để được kiểm tra tại Phi Trường Quốc Tế O’Hare của Chicago và được cho biết cô sẽ phải chờ ít nhất 1 giờ nữa.
Ủy Viên Cơ quan Hải quan và Biên Phòng Hoa Kỳ Mark Morgan cho biết cơ quan này biết về những hàng chờ dài ở các phi trường và đã thành công trong việc giải quyết sự chậm trễ tại một số nơi. Ông cho biết cơ quan sẽ tìm cách “cân bằng tính hiệu quả của việc kiểm tra với việc đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của tất cả công dân trong nước.” (BBT)
https://www.sbtn.tv/cong-dan-hoa-ky-ve-nuoc-phai-cho-nhieu-tieng-dong-ho-de-kiem-tra-coronavirus-tai-cac-phi-truong/
Một người đàn ông tích trữ 17,700 chai nước rửa tay
nhưng không thể bán lại do lệnh cấm từ Amazon
Tin từ New York – Vào ngày 1 tháng 3, một ngày sau khi trường hợp tử vong do coronavirus đầu tiên ở Hoa Kỳ được công bố, anh em Matt và Noah Colvin đã lên đường trong một chiếc SUV màu bạc để mua nước rửa tay. Lái xe vòng quanh thành phố Chattanooga, Tennessee, họ đã mua hết nước rửa tay tại siêu thị Dollar Tree, Walmart, Staples và Home Depot.Trong ba ngày tiếp theo, anh Noah Colvin đã thực hiện một chuyến đi dài 2,090km xuyên qua Tennessee và tới Kentucky để mua hàng nghìn chai nước rửa tay và khăn lau kháng khuẩn, đủ để chất đầy một chiếc xe U-Haul.
Anh Matt Colvin sau đó tiến hành bán số vật phẩm này trên Amazon với giá từ 8 mỹ kim đến 70 mỹ kim/chai, gấp nhiều lần số tiền anh em họ phải bỏ ra. Với anh Matt Colvin, “đây là một món hời lớn”, nhưng nhiều người khác cho rằng anh em họ đang trục lợi từ bệnh dịch.
Một ngày sau đó, Amazon đã gỡ các bài đăng bán nước rửa tay, khăn lau và khẩu trang của anh khỏi trang web của họ. Công ty đồng thời đình chỉ tài khoản của một số người bán các vật phẩm tương tự và khuyến cáo nhiều người khác rằng nếu họ tiếp tục tăng giá, họ sẽ mất tài khoản vĩnh viễn.
EBay cũng thực hiện những hành động tương tự nhưng thậm chí còn nghiêm ngặt hơn bằng cách nghiêm cấm mọi hoạt động bán khẩu trang và nước rửa tay tại Hoa Kỳ. Giờ đây, trong khi hàng triệu người tìm kiếm nước rửa tay trong vô vọng thì anh em Colvin lại có đến 17,700 chai nhưng không có chỗ để bán. (BBT)
https://www.sbtn.tv/mot-nguoi-dan-ong-tich-tru-17700-chai-nuoc-rua-tay-nhung-khong-the-ban-lai-do-lenh-cam-tu-amazon/
Virus corona: Mỹ giảm lãi suất gần 0
và tung gói kích thích khổng lồ
Hoa Kỳ đã cắt giảm lãi suất xuống gần như bằng không và tung ra gói kích thích trị giá 700 tỷ đô la nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của virus corona.Động thái này là một phần trong các hành động nhằm phối hợp với những nỗ lực của Anh, Nhật Bản, khu vực đồng tiền chung châu Âu, Canada và Thụy Sĩ.
Covid-19: Mạng xã hội Việt Nam, những ngày nóng dịch
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
Virus corona: Vì sao phụ nữ và trẻ em ít bị nhiễm?
Trong một cuộc họp báo công bố động thái trên diễn ra hôm Chủ nhật, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell nói rằng, đại dịch đang tác động “rất lớn” đến nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nói rằng, hành động khẩn cấp nói trên “khiến tôi rất vui”.
FED đã cắt giảm lãi suất xuống biên độ 0-0,25% và cho biết, họ sẽ bắt đầu mua trái phiếu – một động thái bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế.
FED đã giảm lãi suất xuống một nửa phần trăm sau cuộc họp khẩn vào ngày 3/3.
Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên không phải sau cuộc họp chính thức thường xuyên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thị trường chứng khoán sụt giảm trong những ngày gần đây giữa bối cảnh lo ngại rằng, sự tê liệt của nền kinh tế do dịch bệnh sẽ thổi bay lợi nhuận của công ty và gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
•Cập nhật liên tục về tình hình dịch virus corona
Virus corona: Làm thế nào để tránh lây nhiễm
Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết
Covid-19: Tự cách ly khi nào, thế nào cho đúng?
Phát biểu sau cuộc họp khẩn cấp, được tổ chức thay cho cuộc họp nhằm quyết định việc thiết lập lãi suất của FED, dự kiến diễn ra trong tuần này, ông Powell cảnh báo rằng, dù rõ ràng dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định là mức ảnh hưởng đến đâu.
“Triển vọng của nền kinh tế đang diễn tiến hàng ngày và nó phụ thuộc vào tình hình lây lan của virus… đó không phải là điều có thể biết được ngay”, ông nói.
Nằm trong một phần của thông báo vào Chủ nhật, FED sẽ làm việc với các ngân hàng trung ương khác để tăng tính khả dụng của đồng đô la cho các ngân hàng thương mại.
Những cái gọi là ‘hoán đổi tiền tệ’ này là một công cụ quan trọng để duy trì sự ổn định tài chính sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Hành động phối hợp mà các ngân hàng trung ương lớn thực hiện hôm nay sẽ cải thiện thanh khoản toàn cầu bằng cách hạ lãi suất và kéo dài tối đa thời hạn cho vay bằng đồng đô la Mỹ”, Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho biết trong một tuyên bố chung với Andrew Bailey, người kế nhiệm ông làm Thống đốc Ngân hành Trung ương Anh từ hôm nay 16/3.
Phân tích của Faisal Islam, biên tập viên kinh tế
Vậy là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tung hầu hết các ‘vũ khí sắc bén’ cuối cùng của họ để kích thích nền kinh tế Mỹ nhằm ứng phó với cú sốc tài chính nghiêm trọng do dịch virus corona.
Lãi suất đã bị cắt giảm từ một điểm phần trăm xuống chỉ còn hơn không, và ngân hàng cũng đã khởi động lại việc bơm hàng trăm tỷ đôla vào thị trường tài chính.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu, trong đó có cả Ngân hàng Trung ương Anh, đã tham gia vào động thái này.
Đây là bộ công cụ khủng hoảng được thiết kế đầy đủ, nhằm gia thêm niềm tin cho thị trường vốn hỗn loạn hồi tuần trước, khi dịch bệnh bùng phát thành đại dịch toàn cầu.
Dù các động thái như vậy sẽ làm dịu căng thẳng tài chính của doanh nghiệp Mỹ, nhưng chúng cũng phản ánh rằng, tình trạng khẩn cấp về y tế ở Hoa Kỳ đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều so với dự kiến và cho thấy, chính quyền Mỹ đang thiếu các lựa chọn trong tay.
Cắt giảm lãi suất là một ‘công cụ cùn’ để đối phó với đại dịch, và chủ yếu vẫn nằm ở kỳ vọng của Quốc hội và nhất là Nhà Trắng.
Tổng thống Trump hoan nghênh việc cắt giảm, nhưng chính quyết định cấm hành khách từ châu Âu của ông đã gây ra đợt bán cổ phiếu kỷ lục mới nhất hôm thứ Năm.
Có một số hy vọng rằng, cuộc họp sau đó qua video giữa các nhà lãnh đạo của nhóm G7, mà trong đó cả Tổng thống Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng dự, sẽ đưa ra một cách tiếp cận mang tính toàn cầu hơn về virus.
Hôm nay, giới hữu trách, trong đó có ông Bailey trong ngày đầu tiên nhận nhiệm sở,sẽ theo dõi sát sao thị trường.
Michael Hewson, Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại công ty phân tích thị trường CMC, trụ sở tại Anh, đã mô tả động thái phối hợp lần này là vội vã tung hết mọi các quân bài ra, “chỉ nhấn thêm sự nghiêm trọng của những cú sốc kinh tế sắp xảy ra”.
Còn tại Mỹ, Greg McBridge, nhà phân tích tài chính của Bankrate.com cho rằng:
“Các biện pháp tuyệt vọng giữa những thời khắc tuyệt vọng và FED đang làm điều đó trong nỗ lực giữ cho thị trường tín dụng hoạt động và ngăn tình trạng khủng hoảng thanh khoản, vốn đã gần như lật đổ nền kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái năm 2008′.
“Giảm lãi suất cho vay sẽ giảm bớt gánh nặng của các khoản nợ hiện tại đi một chút. Tuy nhiên, điều đó lại không thể thúc đẩy sự gia tăng của khoản vay thông thường, giữa khi mà người tiêu thụ và các doanh nghiệp đang vật lộn với đà sụt giảm trong hoạt động của nền kinh tế Mỹ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51903779
Tòa án chặn điều luật cắt giảm phiếu thực phẩm
của Tổng thống Trump vì coronavirus
Một tòa án liên bang đã ngăn chặn một điều luật của chính quyền Tổng Thống Trump nhằm hạn chế quyền truy cập vào chương trình phiếu thực phẩm food stamp, hay còn gọi là Chương trình tiếp cận dinh dưỡng bổ sung (SNAP) của 700,000 người dân Hoa Kỳ.Chánh án Tòa Án Quận Columbia, bà Beryl A. Howell, đã viện dẫn đại dịch coronavirus trong quyết định ngăn chặn điều luật trên. Thẩm phán Howell cho biết “chính phủ liên bang và tiểu bang cần phải linh hoạt để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng của cư dân và bảo đảm sức khỏe của họ thông qua các chương trình như SNAP, đặc biệt là trong lúc này khi dịch coronavirus lây lan.
Theo luật hiện hành, nhóm người từ độ tuổi 18 đến 49 phải làm việc ít nhất 20 giờ một tuần trong hơn ba tháng trong khoảng thời gian 36 tháng để đủ điều kiện nhận phiếu thực phẩm, nhưng nhiều tiểu bang đã miễn trừ điều kiện này cho người dân tại những khu vực phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao.
Luật mới của Tổng Thống Trump sẽ cấm các tiểu bang bỏ qua các tiêu chuẩn đó, thay vào đó chỉ cho phép họ sử dụng Food Stamps ở những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp 6% hoặc cao hơn. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, luật mới sẽ tiết kiệm cho chính phủ 5.5 tỷ mỹ kim trong 5 năm, và một phát ngôn viên của cơ quan này cho biết họ “không đồng ý với lý lẽ của tòa án và sẽ kháng cáo phán quyết này.”
Trong khi đó, một dự luật do Hạ Viện đề ra nhằm đối phó với coronavirus sẽ củng cố SNAP và các sáng kiến an ninh lương thực khác. Tổng Thống Trump đã tỏ ý sẽ ký thành luật nếu dự luật này được thông qua tại thượng viện. (BBT)
https://www.sbtn.tv/toa-an-chan-dieu-luat-cat-giam-phieu-thuc-pham-cua-tong-thong-trump-vi-coronavirus/
Bầu cử 2020: Biden nói muốn có nữ phó tổng thống
trong tranh luận sôi nổi với Sanders
Anthony ZurcherPhóng viên Bắc MỹChín tháng sau khi 20 ứng cử viên đảng Dân chủ tập trung cho cuộc tranh luận đầu tiên của mùa bầu cử sơ bộ năm 2020, cuộc đua giờ chỉ còn là giữa hai ứng cử viên – Bernie Sanders và Joe Biden.
Trong hoàn cảnh này, người ta có thể dự đoán cuộc tranh luận sẽ ảm đạm với những bất đồng ý kiến được phát biểu trong tinh thần tôn trọng nhau.
Thay vào đó tranh luận giữa Biden và Sanders là tranh cãi đầy sôi nổi, trong đó Sanders tấn công vào Biden theo kiểu mà ông chưa bao giờ làm bốn năm trước, trong chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công chống lại Hillary Clinton.
Nếu cuộc ”cách mạng Bernie” đang trong tình trạng chỉ mành treo chuông, thì ứng cử viên – người chỉ mới vài tuần trước được coi là ứng cử viên hàng đầu – sẽ không chịu thua mà không đánh một trận chí chết.
Hai ứng cử viên thảo luận về những bước mà cá nhân họ – với tư cách là những người cao tuổi đầy nguy cơ – đang thực hiện để tránh bị nhiễm virus corona, gồm hạn chế gặp gỡ quần chúng, cho nhân viên làm việc từ xa, và tổ chức các cuộc vận động tranh cử trên diễn đàn trực tuyến.
Cả hai ứng cử viên thất thập cổ lai hy có một vài điều nhầm lẫn. Biden gọi cúm lợn năm 2009 là N1HI, không phải H1N1. Sanders tại một thời điểm, liên tục gọi virus corona là “Ebola”.
Biden đã tạo được tin nóng bỏng bằng cách hứa sẽ chọn một nữ ứng cử viên phó tổng thống nếu giành được đề cử của đảng Dân chủ. Sanders thì không cam kết như vậy, mặc dù cũng nói rằng mình có “xu hướng mạnh mẽ đi theo hướng đó”.
Dưới đây là một số điểm quan trọng và xung đột trong cuộc tranh luận.
Tranh luận thời buổi virus corona
Không có gì ngạc nhiên khi đại dịch virus corona – và kế hoạch giải quyết vấn đề này của các ứng cử viên – chi phối cuộc tranh luận.
Biden nói về việc mở rộng thử nghiệm, bao gồm bắt buộc phải có ít nhất 10 địa thử nghiệm theo kiểu ”drive through” ở mọi tiểu bang, tập hợp các nhà lãnh đạo và chuyên gia toàn cầu để tạo ra một phản ứng quốc tế chống lại virus và xây các bệnh viện mới.
Sanders đồng ý, thêm rằng bệnh viện cần được cung cấp đủ thiết bị và nhân sự để đối phó với sự gia tăng của bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch sắp xảy ra. Ông cũng nói Hoa Kỳ nên “đảm bảo” tiền lương cho những người Mỹ mất việc vì thiệt hại kinh tế từ khủng hoảng bệnh dịch.
Tuy nhiên, sau khi hai bên tranh luận được một lúc thì sự khác biệt cơ bản giữa hai ứng cử viên được thấy rõ – điều không phải là một cú sốc lớn với những ai theo dõi các ý kiến khác biệt về chăm sóc sức khỏe trong bất kỳ cuộc tranh luận Dân chủ nào trước đây.
Biden nói rằng virus corona là cuộc khủng hoảng khẩn cấp đòi hỏi chính phủ liên bang phải trả tất cả các chi phí xét nghiệm và điều trị.
Hoa Kỳ giảm lãi suất xuống gần bằng không và tung gói kích thích kinh tế khổng lồ
Sân bay Mỹ hỗn loạn vì kiểm tra sức khỏe
Tuy nhiên, đối với Sanders, đại dịch virus corona phản ánh “sự yếu kém và rối loạn chức năng” đáng kinh ngạc của toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ, được cấu trúc xung quanh một ngành công nghiệp tư vì lợi nhuận. Ông muốn chính phủ trả tiền cho mọi bệnh tật, không chỉ cho virus này.
“Trong một năm tốt, không có dịch bệnh, khoảng 60.000 người chết mỗi năm vì họ không có tiền đi bác sĩ kịp thời,” Sanders nói. “Rõ ràng cuộc khủng hoảng này chỉ làm cho một tình huống xấu trở nên tồi tệ hơn.”
Biden phản bác rằng chăm sóc sức khỏe do chính phủ điều hành không phải là giải pháp, lưu ý rằng Ý có hệ thống chăm sóc sức khỏe do chính phủ điều hành theo kiểu Sanders, nhưng hiện đang bị virus tràn ngập.
Biden muốn một một chính sách lựa chọn bảo hiểm y tế được điều hành công khai cạnh tranh cùng với các công ty bảo hiểm tư nhân. Sanders muốn chính phủ thay thế hoàn toàn bảo hiểm tư nhân. Cuối cùng, thì virus corona chỉ trở thành một gạch đầu dòng mới trong cuộc tranh luận lớn hơn nhiều này trong Đảng Dân chủ.
Kết quả hay cách mạng
Tại một thời điểm sớm trong cuộc tranh luận, Biden đã kết tinh sự khác biệt chính giữa hai ứng cử viên – không chỉ về chăm sóc sức khỏe mà trên toàn bộ triết lý quản trị của họ.
“Mọi người đang đi tìm kết quả, chứ không phải đi tìm cuộc cách mạng,” ông nói. “Họ muốn đối phó với kết quả họ cần có ngay bây giờ.”
Biden là người theo chủ nghĩa tiệm tiến. Là một nhà chính trị chuyên nghiệp, ông có khuynh hướng làm việc trong hệ thống và coi chính trị là nghệ thuật làm được những gì có thể.
Sanders, từ trong sâu thẳm trái tim, là một nhà cách mạng. Ông cho rằng hệ thống chính trị và kinh tế hiện tại đã bị hỏng và cần phải có một cuộc cải cách sâu rộng. Quan điểm của Sanders cách mạng chính xác là những gì cần thiết để mang lại sự thay đổi cơ bản.
Bầu cử 2020: Ứng cử viên Bernie Sanders là ai?
Các ứng viên Dân chủ ‘thiên tả’ đến đâu?
“Nếu bạn muốn tạo ra những thay đổi thực sự ở đất nước này; nếu bạn muốn tạo ra một nền kinh tế phù hợp cho tất cả mọi người, không chỉ một số ít; nếu bạn muốn đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, không tạo ra lợi nhuận 100 tỷ đôla cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, bạn có biết cần phải làm gì? ” Sanders hỏi.
“Bạn cần phải đối đầu với Phố Wall; bạn cần phải đối đầu với các công ty dược phẩm, các công ty bảo hiểm và ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.” Và tự trả lời.
Câu hỏi đặt ra là liệu người Mỹ có sẵn sàng cho loại thay đổi thực sự mà Sanders đang kêu gọi. Nếu kết quả bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ cho đến nay có thể cho thấy dấu hiệu nào, thì có thể cử tri Mỹ đang không quá tham vọng về những thay đổi Sanders cổ động.
“Người dân Mỹ biết hồ sơ của tôi”
Trao đổi sắc nét nhất xảy ra khi hai người tấn công nhau về số phiếu và quan điểm chính trị trong quá khứ.
Sanders đánh vào sự hỗ trợ trước đây của Biden về việc xem xét cắt giảm chương trình hưu trí An sinh xã hội do chính phủ điều hành, cũng như phiếu bầu của ông về lệnh cấm kết hôn đồng tính, Chiến tranh Iraq, cải cách phá sản nghiêm ngặt, tự do thương mại tự do và cấm tài trợ phá thai từ công quỹ.
“Người dân Mỹ biết hồ sơ của tôi, OK?” Sanders nói. “Trong suốt 30 năm, tôi đã sát cánh cùng các gia đình lao động của đất nước này. Tôi đã đối đầu với mọi nhóm lợi ích trong xã hội. Và đó là những gì tôi sẽ làm trong Nhà Trắng. Đó là một kỷ lục rất khác so với của Joe.”
Liệu hồ sơ chính trị của Joe Biden có gây bất lợi cho ông?
Cuộc đua vào Nhà Trắng lần thứ ba của Joe Biden
Biden đáp lại bằng cách tấn công Sanders vì sự phản đối của ông trong quá khứ với luật kiểm soát súng và một cuộc bỏ phiếu gần đây chống lại việc trừng phạt Nga vì can thiệp bầu cử năm 2016.
“Truy cập YouTube ngay bây giờ”, Sanders nói tại một thời điểm, kêu gọi người xem xem các bình luận về An sinh xã hội năm 1995 của Biden trên sàn Thượng viện Hoa Kỳ.
Biden, người đã có những quan điểm trong sự nghiệp chính trị gần 50 năm giờ đây không còn phù hợp với quan điểm hiện tại của Đảng Dân chủ, cuối cùng đã tự bảo vệ mình bằng cách tìm cách thay đổi trọng tâm.
“Câu hỏi là,” ông nói, “chúng ta làm gì từ thời điểm này?
Đây có phải là kết thúc?
Cuộc tranh luận sơ bộ này của đảng Dân chủ này – tiến hành dưới cái bóng sự bùng phát của virus corona, được chuyển từ Phoenix đến một phòng thâu tại Washington, DC, vào phút cuối, và được tổ chức mà không có khán giả hay báo chí từ phòng quay liền kề – có thể trở thành tranh luận cuối cùng của chu kỳ bầu cử này.
Nếu vậy, đây là một kết cục thật kỳ lạ và bất ngờ cho cuộc vận động tranh cử kéo dài hơn 14 tháng của hàng chục ứng cử viên.
Các cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc cho thấy Biden có một vị trí dẫn đầu khá lớn, dấu hiệu cử tri Dân chủ đã sẵn sàng cho cuộc đua này kết thúc và cho cuộc bầu cử phổ thông chống lại Donald Trump – người chỉ thỉnh thoảng được đề cập trong cuộc tranh luận này – bắt đầu.
Kết quả thăm dò chỉ ra rằng hôm thứ Ba, Biden sẵn sàng ở vị trí thống trị Sanders ở các tiểu bang Florida, Ohio, Illinois và Arizona, tiếp tục mở rộng vị trí dẫn đầu của mình trong số lượng đại biểu quan trọng cho hội nghị đảng toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng Bảy.
Tất nhiên, trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc tranh luận, Sanders cho rằng ông không nghĩ việc tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ trong tuần này ”hợp lý lắm” vì sự bùng phát của coronavirus, nơi nhiều cử tri – bao gồm người già – có thể sẽ phải tiếp xúc với đám đông. Hai cuộc bầu cử sơ bộ sẽ dự trù được tổ chức vào cuối tháng, tại Georgia và Louisiana, đã bị trì hoãn.
Nếu điều đó xảy ra, có lẽ cuộc đua của đảng Dân chủ – trong khi gần kết thúc – có thể kéo dài trong tình trạng bị đình chỉ trong một thời gian tới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51903717
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố kêu gọi
VN trả tự do ngay cho ông Trương Duy Nhất
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 16 tháng 3 ra tuyên bố về việc Hà Nội kết án 10 năm tù đối với ông Trương Duy Nhất, một blogger và là cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do.Tuyên bố báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết: ‘Chúng tôi thất vọng về việc kết tội blogger và cộng tác viên Đài Á Châu Tự Do Trương Duy Nhất, cũng như bản án 10 năm tù giam tuyên cho ông này. Việc kết án dựa theo những cáo buộc mơ hồ liên quan đến cáo buộc từ gần 20 năm trước. Chúng tôi tiếp tục quan ngại về việc ông Nhất đột ngột mất tích tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 25 tháng 1 năm 2019, thời điểm sau khi ông có yêu cầu đăng ký với Văn Phòng Cao Ủy Liên hiệp quốc về người tỵ nạn; ba tháng sau đó ông xuất hiện tại một nhà tù Việt Nam.’
Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay cho ông Nhất và tất cả những tù nhân lương tâm; cho phép tất cả các cá nhân trong nước được quyền bày tỏ quan điểm của họ một cách tự do, được quyền tập trung ôn hòa mà không bị đe dọa trả thù theo đúng những nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế cũng như Hiến pháp Việt Nam.
Vào sáng ngày 9 tháng 3, Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên ông Trương Duy Nhất phải chịu 10 năm tù giam với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hội đồng xét xử quy kết, ông Trương Duy Nhất đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Trưởng văn phòng đại diện Trung Trung bộ của báo Đại Đoàn Kết, làm trái công vụ, tự ý ký ba công văn gửi UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc đề nghị được mua nhà đất công sản.
Ngoài ra, theo báo Tuổi trẻ ông Nhất còn thỏa thuận với ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) thông qua các hợp đồng nguyên tắc với nội dung thông báo sẽ bán nhà đất số 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79 bằng với giá được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 2 luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất viết trên Facebook cá nhân rằng ông Nhất bác bỏ hoàn toàn cáo trạng.
Cũng theo luật sư trong lời nói sau cùng tại tòa, ông Nhất phát biểu cùng lời thơ cảm tác từ chí sĩ Phan Châu Trinh:
“Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm tin tưởng đến số phận pháp lý của tôi, điều đó giúp cho tôi thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua khổ nạn này.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con
Vụ án chỉ là một đòn thù chính trị đê hèn!”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/sentencing-of-blogger-and-radio-free-asia-contributor-truong-duy-nhat-03162020101424.html
Mỹ duy trì hai biệt đội tàu sân bay
ở Vùng Vịnh chống Iran
Lầu Năm góc tuyên bố sẽ duy trì hai biệt đội tàu sân bay ở Vùng Vịnh nhằm đối phó với các cuộc tấn công ủy nhiệm của Iran.Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 13/3 cho biết, hai biệt đội tàu sân bay sẽ ở lại Vùng Vịnh một thời gian trong bối cảnh các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn bị cáo buộc thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhằm vào nơi đóng quân của Mỹ ở Iraq.
Trước đó cùng ngày, quân đội Mỹ đã mở các cuộc không kích nhằm vào những cơ sở cất trữ vũ khí của Kataeb Hezbollah, một nhóm vũ trang người Iraq được Tehran bảo trợ. Động thái nhằm trả đũa một vụ pháo kích hôm 11/3, được tin do Kataeb Hezbollah tiến hành, khiến 2 lính Mỹ và một binh sĩ Anh tại căn cứ không quân Taji, Iraq thiệt mạng.
Theo trang tin France24, Tướng McKenzie đã cho các phóng viên xem những bức ảnh do thám chụp 5 cơ sở của Kataeb Hezbollah trước và sau khi hứng đạn pháo của Mỹ. “Chúng tôi tin đã phá hủy thành công những cơ sở này và hy vọng chúng không thể cất trữ các loại vũ khí tân tiến do Iran cung cấp nữa”, người đứng đầu CENTCOM nói.
Ông McKenzie cáo buộc Tehran đang tiếp tục hậu thuẫn cho các cuộc tấn công chống lại Mỹ và liên quân thông qua những lực lượng ủy nhiệm tại Iraq. Vị tướng này nói, những mối đe dọa như trên rất cao, buộc Bộ Quốc phòng Mỹ phải triển khai kế hoạch duy trì hai biệt đội tàu sân bay ở Vùng Vịnh lần đầu tiên kể từ năm 2012 nhằm đối phó chúng.
Quan hệ vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nước đã xấu đi nghiêm trọng sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5/2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA ký với Iran từ năm 2015. Washington sau đó cũng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo nhằm thực hiện chính sách gây áp lực tối đa, bao gồm cả đóng băng các tài sản của Tehran ở nước ngoài, làm tê liệt lĩnh vực ngân hàng của Iran và khiến thương mại dầu mỏ của họ về số 0.
Căng thẳng leo thang hồi đầu năm nay khi ông Trump ra lệnh không kích sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani, một tư lệnh hàng đầu của quân đội Iran hôm 3/1 ở Iraq và Tehran trả đũa bằng cách tấn công các căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại nước láng giềng 5 ngày sau đó.
http://biendong.net/bi-n-nong/33559-my-duy-tri-hai-biet-doi-tau-san-bay-o-vung-vinh-chong-iran.html
Ba binh sĩ Hoa Kỳ bị thương trong cuộc tấn công
hỏa tiễn nhắm vào căn cứ Taji ở Iraq
Tin từ Baghdad/Washington – Hôm thứ Bảy (14/03/2020), các viên chức Hoa Kỳ và Iraq cho biết 3 binh sĩ Hoa Kỳ và một số quân nhân Iraq đã bị thương trong cuộc tấn công hỏa tiễn lớn thứ hai trong tuần qua nhắm vào một căn cứ của Iraq ở phía bắc Baghdad, làm tăng khả năng leo thang chu kỳ tấn công và trả đủa qua lại.Bộ Chỉ huy Chiến dịch chung Iraq cho hay 33 hỏa tiễn Katyusha đã được phóng gần một khu vực của căn cứ Taji có binh sĩ Hoa Kỳ hoạt động. Họ cho biết quân đội đã tìm thấy 7 dàn phóng hỏa tiễn và 24 hõa tiễn không sử dụng ở khu vực Abu Izam gần đó.
Theo quân đội Iraq, một số quân nhân phòng không Iraq bị thương nặng. Ngũ Giác Đài cho biết hai trong số ba binh sĩ Hoa Kỳ bị thương nặng. Các cuộc tấn công diễn ra chưa đầy hai ngày sau khi Hoa Kỳ tiến hành các cuộc không kích trả đũa tại các căn cứ ở Iraq được cho là có lực lượng dân quân Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn, lực lượng mà Ngũ Giác Đài đổ lỗi cho cuộc tấn công Taji hôm thứ Tư (11/03/2020).
Hôm thứ Bảy (14/03/2020) quân đội Iraq tuyên bố rằng cả Hoa Kỳ và các lực lượng nước ngoài khác không nên sử dụng cuộc tấn công mới nhất như một cái cớ để thực hiện hành động quân sự mà không có sự chấp thuận của Iraq, và quốc hội Iraq nên thực hiện nghị quyết trục xuất họ.
Mâu thuẫn lâu dài giữa Hoa Kỳ và Iran chủ yếu diễn ra trên đất Iraq trong những tháng gần đây. Nhiều người Iraq nói rằng chính họ phải chịu nhiều thiệt hại nhất từ căng thẳng giữa Hoa Kỳ-Iran và một số người, bao gồm cả thủ tướng Iraq, Adel Abdul Mahdi đã kêu gọi quân đội Hoa Kỳ rút quân. (BBT)
https://www.sbtn.tv/ba-binh-si-hoa-ky-bi-thuong-trong-cuoc-tan-cong-hoa-tien-nham-vao-can-cu-taji-o-iraq/
Virus corona: Các quốc gia dân chủ học gì
từ nền chuyên chế TQ cách ứng phó bệnh dịch?
Pablo UchoaBBC Thế giới VụKhi Trung Quốc ban hành các biện pháp chưa từng có tiền lệ để ngăn chặn sự lây lan của virus corona vào tháng 1, nhiều nhà bình luận nhận định rằng việc áp dụng các biện pháp trên sẽ rất khó khăn ở các nền dân chủ trên thế giới.
Các biện pháp này bao gồm cách ly toàn bộ tỉnh Hồ Bắc với 56 triệu dân và xây dựng một bệnh viện dã chiến chỉ trong 10 ngày để điều trị cho người nhiễm bệnh.
Từ đó, dịch bệnh dường như đã nằm trong tầm kiểm soát ở Trung Quốc trong khi nó đã tăng vọt gấp 13 trong vòng hai tuần ở những nơi khác trên thế giới.
Người đứng đầuTổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus, đã tuyên bố virus corona là đại dịch toàn cầu và kêu gọi “các nước phải có hành động khẩn cấp và mạnh mẽ”.
Vậy các nền dân chủ rút được bài học gì từ Trung Quốc để chống lại virus corona?
Trung Quốc: đã qua thời điểm tồi tệ nhất?
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến tâm chấn của vụ dịch vào ngày 10 tháng 3 là một nỗ lực để báo hiệu cho thế giới biết tình trạng khẩn cấp quốc gia đã kết thúc.
Theo dữ liệu chính thức, các ca mới nhiễm virus corona đã giảm xuống chỉ còn vài chục ca mỗi ngày.
Nhưng Yanzhong Huang, thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, nói với BBC rằng kinh nghiệm của Trung Quốc khó có thể thực thi rộng rãi ở các quốc gia khác.
Ông nói: “Ngày nay, rất ít quốc gia, dù dân chủ hay phi dân chủ, có thể đi sâu vào lòng xã hội một cách hiệu quả và triệt để.
“Mặc dù một số nhà lãnh đạo dân chủ có thể cân nhắc đến việc áp dụng cách tiếp cận của Trung Quốc, họ không đủ quyền lực và thẩm quyền để làm như vậy.”
‘Không cần là chế độ độc tài’
Nhưng Tiến sĩ Roberto Buriani, giáo sư Vi sinh học và Vi-rút tại Đại học Vita-Salute San Raffaele, ở Milan, nói rằng họ không cần là một chế độ độc tài để chống lại virus corona.
Ý đã áp dụng biện pháp đóng cửa hà khắc nhất châu Âu khi đưa toàn bộ 60 triệu dân số vào tình trạng phong tỏa. Tất cả các cửa hàng sẽ đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc.
Các hoạt động tụ tập nơi công cộng bị cấm và người dân được khuyên ở trong nhà. Bất cứ ai đi lại cần mang theo giấy tờ. Các trường học và trường đại học vẫn đóng cửa.
“Trên thực tế, sự độc tài đang hiện hữu chính là virus tước đi những cái ôm, những nụ hôn, những buổi tối với bạn bè, những ly rượu và những buổi hòa nhạc, [những buổi tối tại nhà hát] La Scala. Mỗi người chúng ta cần làm phần của mình và ngày chiến thắng sẽ vô cùng tươi đẹp”, ông viết trên Twitter.
‘Vấn đề là tốc độ’
Tiến sĩ Bruce Aylward, một cố vấn cấp cao của người đứng đầu WHO, nói rằng các biện pháp phòng dịch không chỉ đơn thuần ở việc họ là chế độ dân chủ hay chế độ độc đoán.
Tiến sĩ Aylward, người đứng đầu nhóm đến tìm hiểu thực tế ở Hồ Bắc, nói rằng thế giới vẫn chưa học được bài học kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc.
“Tất cả những gì chúng tôi học được từ Trung Quốc là về tốc độ. Ít nhất bạn có thể kiểm soát mầm bệnh lây qua đường hô nếu kịp xác định những trường hợp tiếp xúc gần gũi và cách ly tất cả” ông nói với BBC.
“Người dân phải ý thức được thứ cả nước đang đối mặt – khi họ hiểu được nó thực sự nghiệm trọng, họ sẽ hợp tác với chính phủ để thực thi các biện pháp một cách hiệu quả”
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
TQ: ‘Mất tích’ sau khi chỉ trích cách chính quyền xử lý dịch corona
Dịch viêm phổi từ Vũ Hán đã đến đâu ở Việt nam?
Tiến sĩ Aylward cũng cho biết ông rất ấn tượng trước nỗ lực tập thể của người dân Trung Quốc trong việc tự giác thực hiện các biện pháp khi đối mặt với sự đe dọa của dịch bệnh.
“Người dân không sợ chính phủ. Người dân sợ virus và họ sợ nếu không hợp tác thì sẽ thất bại trong việc kìm hãm sự lây lan. Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc định hướng, nhưng đây thực sự là nỗ lực tập thể.”
Theo dõi những người nghi nhiễm
Ở Hàn Quốc, nhà chức trách đang thắng thế trong cuộc chiến với virus mà không cần áp dụng biện pháp phong tỏa. Đất nước này có số ca nhiễm virus corona cao thứ tư sau Trung Quốc, Ý và Iran.
Chính phủ Hàn Quốc đang xét nghiệm hàng trăm ngàn người trên đường phố và các tài xế xe hơi và những người nghi nhiễm được theo dõi và kiểm soát thông qua công nghệ vệ tinh và điện thoại thông minh. Tổng thống Moon Jae-In đã mô tả nỗ lực này là “tiến hành một cuộc chiến” chống lại mối đe dọa.
Đất nước này có dân số khoảng 50 triệu người – tương đương với Ý – nhưng chưa đến 30.000 người bị cách ly.
Các ca nhiễm mới hàng ngày được ghi nhận giảm hẳn – chỉ còn 110 vào thứ Sáu ngày 13/3. Đây là số ca nhiễm hàng ngày thấp nhất trong hơn hai tuần. Hiện tại có nhiều bệnh nhân được xuất viện hơn là số ca bị nhiễm bệnh.
Giáo sư Huang chỉ ra rằng, các biện pháp trên không chỉ là để ngăn chặn virus lây lan mà họ đang cố gắng bảo vệ nền kinh tế.
Seoul “nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải cân bằng giữa việc ngăn chặn virus và việc chống lại các tác nhân gây hậu quả với nền kinh tế và xã hội,” ông nói.
Giáo sư Huang cũng nói rằng một số biện pháp hà khắc được Trung Quốc áp dụng chủ yếu ở các vấn đề thứ yếu. Chẳng hạn như việc hệ thống y tế ở Vũ Hán bị quá tải – góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong trong thành phố – điều mà các quốc gia khác không muốn áp dụng.
“Mô hình của Trung Quốc không chỉ khó để sao chép mà nó không phải là tiêu chuẩn vàng để kiểm soát bệnh hiệu quả”, ông nói.
Các quốc gia khác ứng phó ra sao?
Ở những nơi khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lệnh tạm cấm nhập cảnh với du khách từ 26 quốc gia châu Âu, thành viên khu vực Schengen để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Nhưng ông bị chỉ trích vì không có những hành động quyết định trong nội bộ nước Mỹ.
Đảng viên Dân chủ kỳ cựu cho biết thật “đáng báo động” rằng Tổng thống Trump đã không giải quyết được tình trạng thiếu hụt bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona.
“Cách tốt nhất để giúp giữ an toàn cho và đảm bảo an ninh kinh tế cho công dân Mỹ là tổng thống nên tập trung chống lại sự lây lan của virus corona”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer nói trong một tuyên bố.
Về lệnh cấm nhập cảnh, Lawrence Gostin, một chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Georgetown, đã viết trên Twitter: “Hầu hết các nước châu Âu đều an toàn như Mỹ. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến Mỹ … virus không quan tâm đến biên giới lãnh thổ.”
Ở những nơi khác, Iran đã bị chỉ trích vì không cách ly hoàn toàn tỉnh Qom phía bắc, tâm chấn của vụ dịch tại Iran. Chính phủ đã thiết lập các trạm kiểm soát y tế và yêu cầu mọi người hạn chế việc đi lại.
Những nơi khác đã phong tỏa thành phố và đóng cửa trường học.
Ả Rập Saudi đã đóng cửa tỉnh Qatif, nơi hầu hết các trường hợp dương tính được ghi nhận.
Nhật Bản đã ra lệnh các trường học phải đóng cửa cho đến tháng Tư, và các biện pháp tương tự đã được thực hiện trên khắp Trung Đông và Châu Á.
Theo Unesco, hơn 330 triệu trẻ em đang bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học tại 29 quốc gia, chưa kể đến 60 triệu sinh viên đại học.
Trong khi đó, các chính phủ châu Âu khác đang cân nhắc kỹ lượng việc thực hiện các biện pháp hà khắc như Ý đang áp dụng.
Chính phủ Anh đang yêu cầu những người đã tới Ý tự cách ly trong 14 ngày và đã thông qua một đạo luật để hợp pháp việc cách ly bắt buộc, nhưng các quan chức đã nói rằng việc đóng cửa trường học là “quá sớm”.
“Nếu cấm việc tụ họp động người là biện pháp can thiệp hiệu quả thì chính phủ vốn dĩ nên đưa ra quyết định. Nhưng đó không phải hình mẫu mà chúng tôi gợi ý. Chúng tôi đang cố gắng bám sát khoa học”, Phó Giám đốc Y khoa của Anh, Tiến sĩ Jenny Harries, nói với BBC.
Hợp tác tập trung
Chính phủ Anh đang kỳ vọng các trường hợp nhiễm virus corona sẽ tăng, nhưng bác sĩ Harries cho biết Anh đã có sự chuẩn bị. Ông cũng chỉ ra sự khác biệt giữa các hệ thống y tế của Anh và Ý.
“Các dịch vụ y tế của họ, được địa phương hóa, và họ phải mất một chút thời gian để có được sự thống nhất. Chúng tôi có một cơ chế chỉ huy và kiểm soát duy nhất, thông qua chính phủ và thực thi toàn diện ở các dịch vụ y tế khắp đất nước, “cô nói.
Tiến sĩ Ghebreyesus của WHO nói rằng đại dịch có thể được kiểm soát và đang khuyến khích các chính phủ điều chỉnh các phản ứng phù hợp với nhu cầu của chính quốc gia và cơ chế của họ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51903909
Từ Virus Vũ Hán đến COVID – 19:
Chiến dịch “gắp lửa bỏ tay người”
Nguyễn HoàngNhững ngày cuối tuần qua, những ai có lương tri đều không khỏi bất ngờ trước sự tráo trở đáng kinh ngạc của Trung Quốc. Ngày 14/3/2020, chính phủ Mỹ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải tới Bộ Ngoại giao để phản đối luận điệu của chính quyền Bắc Kinh: i) ám chỉ quân đội Mỹ gây ra đại dịch Covid-19 và ii) tìm cách làm cho thế giới quên khái niệm “Virus Vũ Hán”. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell, đã nêu lập trường nghiêm khắc của chính phủ Mỹ với đại sứ Thôi Thiên Khải.
Qua tuyên bố của người phát ngôn, Bộ Ngoại giao Mỹ, vạch rõ Trung Quốc đang cố đánh lạc hướng các chỉ trích liên quan đến trách nhiệm của Bắc Kinh gây ra đại dịch toàn cầu nhưng lại muốn “gắp lửa bỏ tay người”, đổ trách nhiệm ấy cho phía Mỹ. Theo phát ngôn viên của chính quyền Trump, dựng lên thuyết âm mưu ấy là ý đồ nguy hiểm và nực cười của Trung Nam Hải. Chính phủ Mỹ sẽ không tha thứ cho hành động này, vì lợi ích của chính dân Trung Quốc lẫn cộng đồng quốc tế.
Và chính cái ngày 14/3/2020 đã đi vào lịch sử như một trong những ngày đáng ghi nhớ trong đợt chống dịch khẩn trương này. Ngày 14/3, chủ tịch Hiệp hội Y tế Ý vừa qua đời vì Virus Vũ Hán. Phu nhân của Thủ tướng Canada bị dương tính với con virus này và bản thân ông Thủ tướng cũng bị cách ly. Bộ trưởng Úc, bộ trưởng Pháp đều bị dương tính với Virus Vũ Hán cách đó vài ngày. Luật sư của Tổng thống Brazil bị lây nhiễm nhưng bản thân Tổng thống vẫn chối bỏ tin ông bị dương tính.
Ban Lan chính thức đóng cửa biên giới và cho cảnh sát đi tuần trên toàn quốc để bảo đảm không cho ai ra ngoài đường. Một số nước trên thế giới thừa nhận, cho đến thời điểm 14/3, chưa chữa được bất kỳ một ca Virus Vũ Hán nào. Con Virus này đã đổ bộ lên đất châu Phi, nâng tổng các quốc gia bị lây nhiễm lên 146. Cho đến nay, Anh là nước duy nhất khá hờ hững với virus corona và dám tuyên bố, nước mình
có cách đối phó chống dịch khác biệt với thế giới. Dư luận cho rằng, nước Anh sẽ hối hận và trả giá đắt vì điều này.
Từ hơn một tuần lễ nay, Trung Quốc đã tung ra một chiến dịch ngoại giao và truyền thông, đã vận động cấp tập để bắt đầu xóa khỏi ký ức tập thể của cả người Trung Quốc lẫn người nước ngoài, về nguồn gốc và bản chất Trung Quốc của Virus Vũ Hán. Các đại sứ Trung Quốc ở các nước đều phải dùng tài khoản Twitter của mình (vốn bị cấm ở trong nước) để truyền đi thông điệp với nội dung “Cho dù con virus corona đã xuất phát từ Vũ Hán, nhưng nguồn gốc thực sự của nó vẫn chưa được biết. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chính xác virus đến từ đâu
Đã có nhiều nghi vấn chủng virus mới này là nhân tạo và xuất hiện từ phòng thí nghiệm P4 của chính phủ Trung Quốc ở Vũ Hán. Hẳn nhiên Trung Quốc đã phản đối. Vừa qua là giai đoạn gieo rắc nghi ngờ để giúp nuôi dưỡng đủ loại thuyết âm mưu đang được lan truyền hiện nay, rằng Virus Vũ Hán có nguồn gốc từ… Mỹ! Thậm chí đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo tuần trước còn gửi cho tất cả các Hoa kiều tại Nhật một số chỉ thị cần áp dụng, nếu phải đối phó với “Virus Nhật Bản”. Cứ như là con Virus Vũ Hán sau khi tràn sang Nhật đã nhập quốc tịch Nhật Bản.
Theo đà quán tính ấy, đối với ĐCSTQ, việc bị điểm mặt chỉ tên là nguồn gốc phát sinh ra virus corona chủng mới là không thể chấp nhận được. Tất cả những gì chỉ ra mối liên hệ giữa Trung Quốc và con virus này cần phải được đặt dấu hỏi và sau đó phải xoá bỏ mối liên hệ này ra khỏi tất cả sử sách và trí nhớ của loài người. Trong số những vụ tẩy xóa lịch sử khác kể từ năm 1949, Bắc Kinh thành công nhất là xóa được vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 ra khỏi tâm trí của tất cả các thế hệ được sinh ra sau sự kiện đó.
Và như thường lệ, luận điệu được đưa ra sẽ là nhờ có ĐCSTQ mà đại dịch Covid-19 được kiểm soát, còn các nước khác thì đang vất vả chống dịch. Hai giáo sư Tàu mới đây còn tuyên bố, chủ nghĩa Mác sẽ đánh bại con virus corona! Tờ báo hung hăng nhất của ĐCS là “Global Times” tuần rồi còn nhấn mạnh “các nước châu Âu không thể nào áp dụng được những biện pháp triệt để như Trung Quốc”. Ý muốn nói chế độ cai trị của Bắc Kinh là ưu việt hơn các chế độ dân chủ phương Tây.
Trước các chiến dịch tuyên truyền như vậy của Bắc Kinh, nhà Trung Quốc học Steve Tsang, giáo sư Viện Trung Quốc từ London giải thích: “ĐCSTQ luôn muốn độc quyền sự thật, độc quyền lịch sử và họ chối phăng việc che giấu nạn dịch ngay từ đầu. Các quan chức đảng luôn nghĩ rằng mình có lý, ngay cả khi họ sai rành rành. Những “sự thật” theo kiểu Trung Quốc cần phải được đặt lại ở phương Tây. Chính tất cả thế giới dân chủ, phải vạch trần luận điệu tuyên truyền này của ĐCSTQ”.
Lịch sử đã từng tiên tri và dự ngôn về năm 2020. Cuốn tiểu thuyết viễn tưởng kinh dị xuất bản gần 40 năm trước (1981) đang gây bão trên mạng khi mô tả về loại virus chết người có nguồn gốc từ Vũ Hán. Tên cuốn sách “The Eyes Of Darkness” (Đối mắt của bóng đêm) đã dự báo về đại dịch Covid-19. Thật ra, đây là một cuộc thanh toán giữa cái thiện và cái ác chất chồng từ lịch sử. Quốc gia nào trên thế giới có lòng hổ thẹn sẽ không a dua theo các nhà độc tài Trung Quốc, còn những nhà lãnh đạo xứ nào đó, có thể hành động ngược lại. Điều này, tuỳ vào phúc phận dày hay mỏng, may hay rủi của từng quốc gia – dân tộc!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/rom-wuhan-virus-to-covid-19-03152020123215.html
Dường như virus Vũ Hán nguy hiểm hơn
đối với những nước ủng hộ Trung Quốc
Hương ThảoBáo Epoch Times ngày 11/3 cho rằng: “Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc đều có chung một đặc điểm là có mối quan hệ chặt chẽ hoặc cùng chung lợi ích với chính quyền Bắc Kinh”.
Từ cuối năm 2019, dịch virus corona chủng mới đã xảy ra tại thành phố Vũ Hán, nằm giữa đất nước Trung Quốc. Trong khi cả thế giới chào đón một năm mới, thì chính quyền Trung Quốc đã chọn cách bưng bít thông tin về cuộc khủng hoảng mới cho đến khi nó không còn có thể che đậy được nữa.
Gần hai tháng sau khi chính quyền Trung Quốc thừa nhận sự bùng phát của dịch và sự tồn tại của virus truyền nhiễm, cuộc khủng hoảng đã lan ra khắp thế giới. Số lượng người nhiễm dịch bên ngoài biên giới Trung Quốc hiện đã lên đến gần trăm ngàn người, với hơn ba nghìn người đã gục ngã vì virus. Thị
trường chứng khoán lao dốc khi các chuyên gia cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu. Một loạt các yếu tố đã tạo điều kiện cho sự lây lan nhanh chóng của virus Vũ Hán, được gọi chính thức là SARS-CoV-2 và căn bệnh mà nó gây ra được gọi là COVID-19. Toàn cầu hóa đã đưa các dân tộc trên thế giới tiếp xúc gần với nhau hơn, làm tăng nguy cơ lan tràn của dịch bệnh.
Nhưng các khu vực khác nhau bị ảnh hưởng khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có một giả định cho rằng các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc đều có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền cộng sản Bắc Kinh.
Khủng hoảng y tế, hiểm họa chính trị
Dưới ảnh hưởng chính trị hoặc kinh tế từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), nhiều thực thể và chính trị gia nước ngoài, bao gồm cả các tổ chức quốc tế đã ủng hộ, nâng đỡ chế độ độc tài nguy hiểm này và nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác không thể kể xiết của chính quyền Bắc Kinh.
Những thập kỷ gần đây đã chứng kiến Trung Quốc mở rộng đáng kể sức mạnh của mình trong các vấn đề kinh tế và địa chính trị. Họ lừa dối thế giới bằng câu chuyện về “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, chế độ này đã dụ dỗ các chính phủ nước ngoài và các công ty quốc tế đầu tư vào Trung Quốc.
Nhưng ĐCSTQ chưa bao giờ từ bỏ các nguyên lý tư tưởng của cuộc đấu tranh giai cấp và kiểm soát toàn trị. Trong 30 năm kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn, và sau đó là cuộc đàn áp nhóm người tu luyện Pháp Luân Công năm 1999 cho đến ngày nay, các cuộc đàn áp tàn nhẫn và có hệ thống đã được thực hiện đối với tất cả các tín ngưỡng và tư tưởng độc lập, làm hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ.
Liên hệ với những vùng địa chính trị từng bị ĐCSTQ dụ dỗ, bản đồ sự lan tràn của đại dịch Vũ Hán làm nổi bật mối nguy hiểm đối với những nước có liên quan với chế độ này.
Bên ngoài Trung Quốc, sự lây lan của COVID-19 là nghiêm trọng nhất ở Ý, Iran và Hàn Quốc. Không phải tất cả các quốc gia này đều nằm gần Trung Quốc, nhưng tất cả họ đều có lợi ích sâu rộng đối với Trung Quốc.
Ý, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc kể từ ngày 10/3/2019, là quốc gia G7 đầu tiên (và duy nhất) ký thỏa thuận với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng. Trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu, Ý cũng đã tìm cách chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc để bán hàng hóa xa xỉ. Nhưng sự bùng phát dịch bệnh hiện nay buộc Rome phải đặt quốc gia này vào tình trạng phong tỏa. Ý đã từng ký kết các thỏa thuận thành phố kết nghĩa với Trung Quốc, trong số đó có các thành phố Milan, Venice và Bergamo, và đây là những khu vực bị virus tấn công mạnh nhất.
Ở Trung Đông, Iran đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các ca nhiễm, đặc biệt là đối với các quan chức chính phủ. Chế độ Iran đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc kể từ năm 2016, những mối quan hệ với Bắc Kinh đã bắt đầu từ nhiều năm trước đó. Vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế, Iran đã nhập khẩu nguyên liệu bị cấm vận từ Trung Quốc, đồng thời tiếp tục bán dầu cho Trung Quốc. Nước cộng hòa Hồi giáo này cho phép các chuyến bay Trung Quốc di chuyển đến cuối tháng Hai.
Các cảnh quay được thực hiện bởi người dân Iran gợi nhớ đến thảm kịch diễn ra ở Vũ Hán, các nhân viên y tế làm việc quá sức, bệnh nhân tuyệt vọng và túi đựng xác bệnh nhân nằm trên sàn bệnh viện.
Trong khi các số liệu chính thức được chính quyền Iran công bố cho thấy các trường hợp tử vong và các trường hợp được xác nhận chỉ đứng sau con số của Ý, thì có khả năng quy mô thực sự của dịch vẫn chưa được báo cáo đầy đủ. Xem xét dữ liệu có sẵn, một nhà dịch tễ học được trích dẫn bởi Washington Post ngày 5/3, ước tính rằng số người thực sự bị nhiễm bệnh ở Iran có thể lên tới 28.000, gần gấp năm lần so với các báo cáo của chính quyền.
Ở Hàn Quốc, công chúng ngày càng chỉ trích Tổng thống Moon Jae-in vì đã không cấm khách du lịch Trung Quốc với quy mô lớn mà thay vào đó chỉ cấm nhập cảnh những người du lịch đến từ tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh ở Trung Quốc. Hơn 1,4 triệu người đã ký một bản kiến nghị tới Nhà Xanh của Tổng thống kêu gọi luận tội ông Moon. Văn bản kiến nghị có nội dung: “Xem cách đối phó của Moon Jae-in đối với dịch bệnh, chúng tôi cảm thấy ông là một tổng thống của Trung Quốc hơn là Hàn Quốc.”
Những bài học lịch sử
Mặc dù gần gũi và có kinh doanh rộng khắp với Trung Quốc đại lục, Đài Loan đã chứng kiến một số lượng ca nhiễm tương đối nhỏ. Vào ngày 26/1, Đại học John Hopkins xác định Đài Loan có nguy cơ dịch bệnh cao thứ hai bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ đã chứng minh được tính hiệu quả.
Các quan chức Đài Loan bắt đầu rà soát máy bay và phân loại hành khách vào ngày 31/12/2019, sau khi chính quyền Vũ Hán lần đầu tiên xác nhận vụ dịch. Đầu tháng 2, Đài Loan đã cấm nhập cảnh các công dân nước ngoài đã từng đến Trung Quốc. Tính đến ngày 16/3, chỉ có 59 trường hợp nhiễm virus được xác nhận tại Đài Loan. Hòn đảo tự trị này đã được tổ chức như một mẫu hình để kiểm soát dịch bệnh, mặc dù họ liên tục bị từ chối tham gia vào WHO vốn thân thiện với ĐCSTQ.
Như nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc Heng He nói, Đài Loan hiểu rõ về chế độ cộng sản và có thể là quốc gia duy nhất học được những bài học về sự bùng phát SARS năm 2003 bắt đầu ở Trung Quốc.
Tại Hồng Kông, nơi chứng kiến hàng triệu cư dân đứng lên biểu tình trước sự xâm lấn của Bắc Kinh đối với nền tự do và luật pháp của đặc khu hồi năm ngoái, vụ dịch đã bị khuất phục theo cùng một cách.
Ngược lại, Nhật Bản, mặc dù không thật gần về mặt địa lý với Trung Quốc, đã đặt lợi nhuận lên trên sự thận trọng. Với hàng triệu người Trung Quốc đến Nhật Bản để mua sắm và tham quan hàng năm, quốc gia này đã chậm đóng cửa biên giới với các du khách từ đại lục.
Gần đây, ĐCSTQ đã cố gắng tô vẽ cho cách xử lý hà khắc của nó đối với dịch virus corona Vũ Hán như một chiến thắng của hệ thống mệnh lệnh của Đảng. Nhưng sử sách của Trung Quốc luôn tỉnh táo hơn. Trong suốt nhiều thế kỷ, những bệnh dịch và thiên tai khác đã luôn báo hiệu trước sự sụp đổ của các triều đại hủ bại.
Dùng lịch sử làm gương soi, các học giả nghiên cứu Trung Quốc thời cổ đại đã chỉ ra, dường như đại dịch virus corona Vũ Hán là một tai họa liên quan đến ĐCSTQ và 70 năm cai trị tàn bạo của nó. Và ngày nay, thế giới là một cộng đồng kết nối. Bất kỳ quốc gia, cộng đồng hoặc tổ chức nào quá gần gũi với Bắc Kinh và rơi vào sự lừa dối của nó, dường như sẽ nếm trái đắng của sự thân tình này.
Theo Epoch Times
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/duong-nhu-virus-vu-han-nguy-hiem-hon-doi-voi-nhung-nuoc-ung-ho-trung-quoc.html
WHO: Không có bằng chứng
Mỹ ‘lây’ virus Corona mới sang TQ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ đã mang virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây COVID-19 vào Trung Quốc.Người phát ngôn WHO, ông Christian Lindmeier nói không có bằng chứng để chứng minh thuyết âm mưu Mỹ đưa virus Corona mới sang Trung Quốc
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy cáo buộc cũng như bất kỳ bằng chứng nào để củng cố giả thuyết Mỹ mang SARS-CoV-2 gây COVID-19 vào Trung Quốc”, người phát ngôn WHO, ông Christian Lindmeier nói với tờ The Washington Times ngày 15.3.
Ông Lindmeier nhấn mạnh WHO đã điều nhóm chuyên gia đến Trung Quốc để tìm hiểu cơ chế lây lan của COVID-19, đến nay lây nhiễm cho hơn 162.600 người và làm chết hơn 6.000 người trên thế giới.
Tuy nhiên, Anthony Fauci, giám đốc Viện nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ vẫn khẳng định SARS-CoV-2 chắc chắn có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Trước đó, trên Twitter ngày 12.3, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, viết: “Biết đâu chính quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán”, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13.3 đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải để làm rõ về việc ông Triệu tung ra giả thuyết là SARS-CoV-2 bắt nguồn từ Mỹ.
Hiện nguồn gốc thật sự của SARS-CoV-2 vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải đáp. Hồi tháng 1, ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, nói: “SARS-CoV-2 xuất phát từ động vật hoang dã được bán tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán”. Sau đó, hơn 56 triệu người dân bị cách ly nghiêm ngặt tại Vũ Hán cùng khu vực lân cận ở tỉnh Hồ Bắc kể từ ngày 23.1.
Đến ngày 27.2, ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc, lại nói dù dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán cuối năm ngoái, nhưng SARS-CoV-2 có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc, theo tờ Hoàn Cầu thời báo.
WHO đồng thời tuyên bố vẫn chưa thể chứng minh giả thuyết virus này “nhảy” từ con vật sang người ở chợ Hoa Nam trước khi lan rộng ra toàn cầu.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mike Pompeo luôn gọi SARS-CoV-2 là “virus Vũ Hán”, khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc kịch liệt phản đối, gọi cách dùng từ này là “đáng khinh bỉ” và “thiếu tôn trọng khoa học”.
Bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc, giới chức Mỹ vẫn tiếp tục dùng từ “virus Trung Quốc” hoặc “virus Vũ Hán”. Hôm 11.3, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định sự bùng phát dịch Covid-19 “bắt nguồn từ Trung Quốc”.
Các nhà phân tích đánh giá Trung Quốc đang cố làm chệch hướng dư luận để không bị quy trách nhiệm là làm lan truyền COVID-19 khắp thế giới, còn Washington muốn đổ lỗi cho Bắc Kinh vì bị dư luận chỉ trích thiếu biện pháp dập dịch ở Mỹ, theo AFP.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33544-who-khong-co-bang-chung-my-lay-virus-corona-moi-sang-tq.html
Các nước trên thế giới siết chặt đi lại vì COVID-19
Hải LamNối gót nước Ý, Tây Ban Nha và Li Băng áp lệnh phong tỏa toàn quốc, Úc yêu cầu cách ly người nước ngoài trong khi nhiều quốc gia khác mở rộng đối tượng cấm nhập cảnh nhằm ngăn dịch COVID-19.
Reuters cho biết, Tây Ban Nha ngày 14/3 quyết định phong tỏa 47 triệu dân, buộc mọi người phải ở nhà trong nỗ lực chưa từng có nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Đường phố ở Madrid và Barcelona hôm 15/3 trở nên vắng lặng. Tất cả các trang báo lớn của nước này đều kèm theo một tờ bìa bên trên trang nhất có in khẩu hiệu được chính phủ quảng bá: “Tất cả chúng ta cùng nhau đánh bại virus”. Hiện nước này là ổ dịch lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Ý, với 7.845 ca bệnh và 292 người đã tử vong, theo cập nhật của worldometer 12h36 (giờ Việt Nam) ngày 16/3.
Pháp sẽ đóng cửa các cửa hàng, quán ăn và cơ sở giải trí từ 15/3. Ngoài ra, 67 triệu người được khuyến cáo ở nhà. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết chính phủ không có lựa chọn nào khác sau khi giới chức y tế hôm 15/3 báo cáo 91 người đã tử vong trong khi gần 4.500 người đã nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, cuộc bầu cử cấp địa phương của Pháp vẫn diễn ra. Theo cập nhật của worldometer 12h36 (giờ Việt Nam) ngày 16/3, Pháp ghi nhận 5.423 ca nhiễm và 127 ca tử vong.
Anh chuẩn bị cấm tụ họp đông người. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết nước này có thể cách ly người trên 70 tuổi tới 4 tháng để bảo vệ họ khỏi virus corona.
Cộng hòa Séc từ ngày 16/3 cũng yêu cầu hơn 10 triệu dân nước này hạn chế ra khỏi nhà và tránh tụ tập đông người.
AFP đưa tin, Đức áp dụng lại các biện pháp kiểm soát biên giới với Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Luxembourg và Đan Mạch từ 16/3. Lệnh kiểm soát biên giới nhằm hạn chế tối đa số người qua lại, nhưng được miễn trừ cho hàng hóa cùng “công dân Đức và những người có giấy phép cư trú”.
Theo Reuters, Thủ tướng Áo kêu gọi mọi người tự cách ly và tuyên bố cấm các cuộc tụ họp từ 5 người trở lên cũng như siết quy định nhập cảnh vào nước này.
Tất cả các buổi lễ Phục sinh do Giáo hoàng Phanxicô cử hành vào tháng tới không có tín hữu tham dự, Vatican cho biết vào hôm 15/3. Sự kiện này thường thu hút hàng chục ngàn người đến các địa điểm ở Rome và tại Vatican.
Argentina cấm nhập cảnh với người không cư trú (non-resident) từng ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh trong 14 ngày qua. Trong khi đó, Colombia sẽ trục xuất bốn người châu Âu vi phạm các biện pháp kiểm dịch bắt buộc, vài giờ sau khi Tổng thống Colombia cuối ngày 13/3 (giờ địa phương) thông báo nước này đóng cửa biên giới với Venezuela.
Theo AFP, hôm 15/3, nhà lãnh đạo Venezuela Nicolas Maduro ra lệnh cách ly, ngừng mọi hoạt động tại 7 trong 23 bang để ngăn COVID-19 sau khi nước này ghi nhận 17 ca nhiễm. Nước này tuần trước đã cấm mọi chuyến bay đến và đi từ châu Âu, Colombia, Panama và Cộng hòa Dominica. Các trường học đã phải đóng cửa, nhiều sự kiện thể thao cũng bị hủy.
Reuters cho hay, Thủ tướng Úc Scott Morrison đêm 15/3 thông báo, khách du lịch quốc tế đến nước này phải cách ly trong 14 ngày và các tàu du lịch nước ngoài sẽ bị cấm trong 30 ngày, do các ca bệnh “nhập khẩu” tăng.
Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Li Băng Manal Abdul Samad tại một cuộc họp báo ngày 15/3 cho biết, chính phủ nước này quyết định phong tỏa đất nước cho đến nửa đêm ngày 29/3. Nước này ra lệnh đóng cửa biên giới, các cảng, sân bay và kêu gọi người dân ở trong nhà trong 2 tuần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Các hoạt động cả công cộng và tư nhân tập trung đông người bị cấm, trong khi các văn phòng chính phủ, ngoại trừ cơ quan an ninh, y tế và một số cơ quan dịch vụ, phải đóng cửa. Tất cả các công ty thương mại tư nhân, ngoại trừ các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, chế biến thực
phẩm, phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian này. Đây là quốc gia thứ 3 trên thế giới ra lệnh phong tỏa toàn quốc.
Bắt đầu từ 15/3, Hàn Quốc siết chặt nhập cảnh đối với du khách từ Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan, sau khi áp dụng các biện pháp tương tự với người đến từ Trung Quốc, Ý và Iran. Du khách đến từ các quốc gia trên cần tải xuống một ứng dụng và báo cáo xem họ có triệu chứng nhiễm bệnh hay không.
Trung Quốc siết chặt kiểm tra đối với du khách quốc tế đến sân bay Bắc Kinh vào hôm 15/3, sau khi số ca nhiễm virus Vũ Hán “nhập ngược” vượt quá số ca lây nhiễm tại địa phương trong ngày thứ hai liên tiếp.
Một quan chức cho biết, bắt đầu từ ngày 16/ 3, bất cứ ai từ nước ngoài đến Bắc Kinh sẽ được đưa trực tiếp đến một cơ sở kiểm dịch trong 14 ngày để theo dõi.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cac-nuoc-tren-the-gioi-siet-han-che-di-lai-vi-covid-19.html
Đến lúc Châu Âu
theo chiến thuật dập dịch Covid-19 của TQ?
Bắc Kinh tin rằng một số quốc gia phương Tây đã phản ứng quá chậm chạp, không đủ nỗ lực để ngăn dịch và điều họ cần làm hiện nay là học hỏi cách làm của Trung Quốc.Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuần trước tuyên bố châu Âu là tâm dịch Covid-19 mới, định danh mà thời gian trước gắn chặt với Trung Quốc.
9 quốc gia ở lục địa già ghi nhận trên 1.000 ca bệnh. Nghiêm trọng nhất là Italy với hơn 24.000 người mắc Covid-19. Nhiều quốc gia tuyên bố phong tỏa cả nước, một số đóng cửa biên giới.
Trong khi số ca nhiễm ở nhiều nước châu Âu tăng lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trường hợp mỗi 24 giờ, nhiều ngày qua, số bệnh nhân mới của Trung Quốc luôn ở dưới ngưỡng 20.
Hiện tại, quốc gia tỷ dân chuyển trọng tâm sang việc ngăn chặn các ca bệnh “nhập khẩu”. Bắc Kinh hôm 11/3 tuyên bố, tất cả người nước ngoài tới thành phố sẽ bị cách ly 14 ngày.
Gu Su, giáo sư chính trị của Đại học Nam Kinh cho biết Trung Quốc đang cố gắng “xuất khẩu kinh nghiệm” của họ để giúp thế giới chống dịch.
Trên tài khoản Wechat của mình hôm 14/3, đài truyền hình CGTN của Trung Quốc khẳng định một số quốc gia nhận thức không đủ về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và các nỗ lực toàn cầu vẫn chưa được đồng bộ hóa.
Đài này nhấn mạnh các chuyên gia y tế Trung Quốc đã công bố các thông tin về chẩn đoán và điều trị bệnh trong những ấn phẩm toàn cầu nhưng không thu hút được nhiều sự quan tâm.
CGTN dẫn lời Qiu Haibo, chuyên gia chăm sóc tại Bệnh viện Trung Đại ở Nam Kinh, lo ngại một số quốc gia có thể phải học lại các bài học của Trung Quốc.
Một số nhà phê bình chê trách sự chuẩn bị và cách đối phó dịch của phương Tây.
Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng các nước như Anh và Thụy Điển đang mắc sai lầm nghiêm trọng khi từ bỏ nỗ lực chống lại dịch Covid-19.
Theo Hu, chiến lược “miễn dịch bầy đàn” nếu được áp dụng sẽ phá vỡ các nỗ lực ngăn chặn toàn cầu, gây áp lực trở lại với Trung Quốc.
Zhang Wenhong, Giám đốc khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Hóa Sơn Thượng Hải nói rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với các ca bệnh “nhập khẩu” và đại dịch khó có thể kết thúc vào mùa hè này.
“Chúng tôi từng nghĩ rằng thế giới sẽ đồng bộ hóa các biện pháp kiểm soát với các biện pháp được thực hiện ở Trung Quốc – theo cách mà Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm. Nhưng châu Âu đã trở thành tâm dịch mới và mang đến cho chúng ta những bất ổn lớn”, ông nhấn mạnh.
Người phát ngôn của WHO, Tarik Jasarevic, trong tuyên bố mới đây kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực chống dịch và cùng nhau tìm ra giải pháp thay vì đùn đẩy trách nhiệm.
Ông Gu tin rằng truyền thông Trung Quốc không hề làm quá trong thông điệp của họ.
“Họ hiểu phương Tây cần học hỏi từ kinh nghiệm của Trung Quốc nhưng vấn đề là liệu họ có làm được điều đó hay không”, Gu nhấn mạnh.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33554-den-luc-chau-au-theo-chien-thuat-dap-dich-covid-19-cua-tq.html
Đóng biên giới chống Covid-19:
Biện pháp y tế hiệu quả hay ý đồ chính trị cực đoan?
Anh VũDịch Covid -19 lây lan nhanh chóng ở Châu Âu đã khiến nhiều quốc gia phải đưa ra các biện pháp hà khắc. Một số nước đã bắt đầu thông báo đóng cửa biên giới.
Những quyết định đơn lẻ, có phần trái ngược với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như của Liên Hiệp Châu Âu, có thực sự hiệu quả về mặt y tế hay chỉ thuần túy chính trị ?
« Châu Âu đã trở thành tâm đại dịch (…) Số ca nhiễm mới phát hiện mỗi ngày giờ đây cao hơn cả Trung Quốc vào thời điểm đỉnh dịch ». Những tuyên bố như trên của tổng giám đốc WHO hôm 13/03 đã gây ra một làn sóng sốc tại châu Âu. Cho dù ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã rất chú trọng cảnh báo những biện pháp riêng lẻ, nhưng nhiều quốc gia ngay sau đó đã chuyển các khuyến cáo đó thành các thông báo tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu và thậm chí đóng luôn biên giới. Đó là trường hợp của Đan Mạch, Slovakia, Cộng Hòa Séc hay Ba Lan. Con số này trong những ngày tới sẽ còn tăng thêm cùng với chiều hướng lây lan của bệnh dịch.
Một biện pháp không có giá trị khoa học ?
Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron hôm 12/03 đã thông báo đóng cửa trường học vô thời hạn từ ngày hôm nay (16/03). Nhưng không hề một quyết định nào để kiểm soát biên giới nước Pháp. Trả lời chất vấn của truyền thông ngày 13/03, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran đã bảo vệ chủ trương của chính phủ như sau : « Virus không có biên giới. Nó lưu thông ở Ý, ở Tây Ban Nha, Đức nhưng cả với những nước có biên giới với châu Âu như Thụy Sĩ…. Về mặt khoa học mà nói thì điều đó không có ích gì ».
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giờ đây cho rằng phương pháp khoanh vùng cách ly trên diện rộng như Trung Quốc triển khai làm đã chứng minh có hiệu quả và cần phải làm theo. « Tạo khoảng cách trong môi trường xã hội là điều cốt lõi để giảm lây lan », trả lời phỏng vấn của France 24 TV, StergiosMosschos, giáo sư Y khoa thuộc Đại học Northumbrie, Anh Quốc giải thích: « Rào chắn đã có tác dụng với Trung Quốc, cấm đi lại giữa Hồ Bắc và các tỉnh khác đã giúp cho giảm mức độ lây nhiễm ».
Một số nhà khoa học khác tỏ ra thận trọng hơn về mô hình Trung Quốc, như Henri Julien, chủ tịch hội Y Học Thiên Tai của Pháp cho rằng : « Dịch bệnh dừng lại sau khi đã có một số lượng người bị mắc bệnh và họ kháng được virus thì sẽ không lây truyền virus nữa. Ở Trung Quốc, con số này đã vượt quá ngưỡng, dân chúng bắt đầu được miễn dịch và thế là dịch đã thuyên giảm đi rất nhiều. Ở khía cạnh này khó có thể đánh giá được hiệu quả thực sự của các biện pháp phong tỏa cách ly ở Trung Quốc ».
Bài học Trung Quốc dường như đang được noi theo ở Ý, ổ dịch virus corona lớn thứ 2 thế giới. Chính phủ Ý đã đưa ra các biện pháp theo trình tự như ở Trung Quốc. Trước tiên là khoanh vùng cách ly nhiều vùng miền Bắc, rồi tiếp đó là toàn quốc. Thế nhưng, theo ông Ronys Brauman, đồng sáng lập viên của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins Sans Frontières) thì điều cốt lõi là phân biệt được giữa các biện pháp bên trong những nước bị dịch và việc đóng cửa biên giới của một quốc gia. Ông phân tích: « Việc cách ly một bộ phận dân cư thích ứng với hoàn cảnh từng địa phương có thể giúp ngăn chặn được dịch. Trái lại, ở quy mô cả một nước, biện pháp như vậy chỉ là hão huyền. Ngay cả trong giả định người ta có thể phong tỏa được toàn bộ di chuyển của dân trên bình diện quốc gia, như thế sẽ phải đóng cửa đất nước, trước khi virus lan truyền thì mới có hiệu quả thực sự. Cuối cùng, tác động về mặt con người và kinh tế có nguy cơ lớn hơn nhiều so với ích lợi thu được trên mặt y tế công cộng».
Tranh luận xung quanh vấn đề đóng cửa biên giới
Không phải bây giờ khi gặp phải thác thức lớn về sức khỏe cộng đồng mới nảy sinh ra các tranh luận xung quanh chuyện kiểm soát biến giới. Vấn đề này đã khấy động giới chính trị từ bấy lâu nay. Tổng thống Mỹ Doanld Trump dường như đã khá vụng về khi cho rằng dịch virus corona là « virus ngoại quốc ». Khi thông báo đóng cửa lãnh thổ Mỹ với 26 nước trong khu vực Schengen, hôm 11/03, ông Doanld Trump chỉ trích Liên Âu đã đánh giá thấp đe dọa từ Trung Quốc. Phản ứng với quyết định trên của chính quyền Trump, Liên Hiệp Châu Âu đã ra thông cáo kêu gọi hợp tác hơn là đưa ra các biện pháp đơn phương.
Theo chuyên gia Henri Julien, chắc chắn những thông báo kiểu như vậy chỉ thuần túy mang tính chính trị : « Trump cấm người đến từ khu vực Schengen vào lãnh thổ Mỹ, nhưng lại không cấm những nước bên cạnh không gian Schengen hiện cũng bị dịch như Rumani chẳng hạn. Nước Nga thì thông báo đóng biên giới với hai nước thôi… Những biện pháp như vậy có thể làm mọi người thấy yên tâm hơn, khiến
họ chú ý hơn đến dịch và tạo cảm giác là có Nhà nước ở bên cạnh, nhưng ta biết các quyết định đó không có mấy hiệu quả về mặt y học ».
Tương tự tại Pháp, vấn đề kiểm soát biên giới cũng đã làm dấy lên nhiều tranh luận trong giới chinh trị. Những chính khách cánh hữu và cực hữu tuyên bố ủng hộ kiểm soát biên giới. Họ chỉ trích chính phủ chỉ « ám ảnh » với suy nghĩ tái lập đường biên giới quốc gia.
Theo Jean Petaux, nhà nghiên cứu chính trị tại Trường Khoa Học Chính Trị Bordeaux ( Sciences Po), cuộc khủng hoảng dịch virus corona đã làm kịch phát các chia rẽ chính trị. Ông phân tích : « Có mối liên hệ rất lớn giữa đại dịch và cực đoan hóa chính trị. Đây là hiện tượng nhân chủng học phổ biến, bởi vì sự không hiểu biết kích thích sợ hãi và phủ nhận. Một số đảng phái chính trị lợi dụng hiện tượng đó. Để đối phó, những người có xu hướng thân châu Âu giơ cao lá bài đoàn kết thống nhất để tự vệ trước khủng hoảng ».
Trong một phản ứng ám chỉ xa xôi đến những chỉ trích của phe cực hữu trong diễn văn toàn quốc hôm 12/03, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tránh rơi vào thái độ dân tộc chủ nghĩa. Một lần nữa tổng thống Pháp khẳng định cam kết của Liên Âu rằng: « Chúng ta chắc chắn sẽ có biện pháp kiểm soát, đóng cửa biên giới, nhưng phải đưa ra vào vào thời điểm xác đáng và phải đồng bộ với các quyết định trên phạm vi châu Âu. Vì chỉ trên quy mô đó chúng ta mới xây dựng được các quyền tự do và các phương thức bảo vệ chúng ta. ».
(Theo France 24)
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200316-virus-corona-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-y-t%E1%BA%BF-hay-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B
Virus corona: Bộ Ngoại giao Anh
hướng dẫn công dân về tình hình Covid 19 ở VN
Hiện có 13 công dân Anh đang được theo dõi, điều trị tại Việt Nam liên quan tới dịch cúm Covid-19, theo thông báo chính thức của nhà chức trách sở tại.Trong số này, có một người đang trong tình trạng nghiêm trọng.
Virus corona: Dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan đến đâu ở VN?
Virus corona: Chính phủ Anh đang khuyến cáo người dân làm gì?
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
Virus corona: Anh sẽ yêu cầu tất cả người trên 70 tuổi tự cách ly
Người đàn ông 69 tuổi được nhắc tới trên truyền thông Việt Nam bằng con số 25, là số thứ tự đánh dấu việc ông có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 ở Việt Nam.
Việt Nam đang đương đầu với làn sóng Covid-19 thứ hai, sau đợt đầu kết thúc vào ngày 25/2 với 16 trường hợp dương tính đã bình phục hoàn toàn.
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, từ đêm 6/3 đến đêm 15/3, Việt Nam phát hiện 41 ca mới, hiện đang được theo dõi, điều trị, trong đó lượng người nước ngoài chiếm khá đông, 17 trường hợp.
Nhiều người được cho là nhiễm bệnh do có quá trình tới Anh hoặc tiếp xúc với người từ Anh tới trong thời gian gần đây.
Bộ Ngoại giao Anh ra các khuyến cáo cụ thể cho công dân nước họ khi tới hoặc định tới Việt Nam:
Cách ly
Bên cạnh việc nhắc nhở rằng giới chức Việt Nam đang áp dụng chung các lệnh hạn chế đi lại và cách ly để kiểm soát tình hình lây lan bệnh dịch, khuyến cáo của Bộ Ngoại giao nói:
“Có khả năng cao là các công dân Anh sẽ bị đưa vào cách ly 14 ngày, hoặc là lúc bạn vừa tới nơi, hoặc là trong khi bạn đang đi ở Việt Nam, bất kể hành trình của bạn là thế nào.”
“Các trung tâm cách ly của Việt Nam thì an toàn, nhưng chỉ ở mức dịch vụ căn bản, và không được đảm bảo là đáp ứng các tiêu chuẩn Y tế Công của Anh.”
“Cũng có nguy cơ là các công dân Anh bị từ chối cho vào, hoặc bị yêu cầu phải rời khỏi khách sạn ở Việt Nam.”
“Bạn có nguy cơ bị cách ly kiểm dịch hoặc bị yêu cầu tự cách ly trong vòng 14 ngày kể cả khi bạn đã vào Việt Nam rồi, nếu bạn có các triệu chứng giống như bị cúm, hoặc bị nghi là đã tiếp xúc với người được xét nghiệm virus corona.”
Nhập cảnh
Khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Anh cũng nhắc rằng những ai muốn tới Việt Nam cần hiểu rõ chính sách nhập cảnh hiện tại tránh những rắc rối không cần thiết.
Cụ thể, kể từ 12/3/2020, Việt Nam ngưng chương trình miễn thị thực cho công dân Anh, trong lúc “visa điện tử cũng đã tạm ngưng, và Đại sứ quán Việt Nam tại London sẽ không xét đơn xin visa cho tới khi có thông báo mới”, khuyến cáo của Bộ Ngoại giao nói.
Với các trường hợp được xét đơn, thì “không rõ về tiến trình xét duyệt [thay cho việc nộp đơn xin visa điện tử] cũng như thời gian xét duyệt các đơn đó là thế nào”.
Trong số các biện pháp hạn chế và cách ly mà Việt Nam hiện áp dụng, có việc từ chối nhập cảnh đối với bất kỳ ai từng tới Anh và các nước trong khối sử dụng visa EU chung, Schengen, Trung Quốc, Iran hoặc thành phố Daegu của Hàn Quốc trong thời gian 14 ngày trước thời điểm nhập cảnh.
Điều kiện chữa trị y tế
Về công tác chữa trị y tế tại Việt Nam, khuyến cáo của Bộ Ngoại giao nói rằng hệ thống chăm sóc y tế ở các thành phố đáp ứng được các trường hợp bệnh nhẹ.
Tuy nhiên, “việc chữa trị phức tạp có thể cần tới việc đưa sang một nước khác”.
“Hệ thống y tế ở các vùng nông thôn là cực kỳ sơ sài. Nhiều bệnh viện yêu cầu phải có bảo lãnh thanh toán trước khi họ chữa trị.”
“Hãy đảm bảo là bạn có bảo hiểm y tế du lịch và khoản tiền để chi trả chi phí chữa trị y tế ở nước ngoài và chi phí đưa bạn về nước,” khuyến cáo của Bộ Ngoại giao nói.
Ngoài ra, trang khuyến cáo cũng nhắc công dân Anh thận trọng với món rượu gạo ở Việt Nam.
“Một số loại rượu không nhãn mác uy tín thì được xác định là có nồng độ methanol rất cao, trong một số trường hợp có thể gây tử vong.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51911981
Virus corona:
Khuyến cáo của chính phủ Anh cho 66 triệu dân
Nick TrigglePhóng viên y tếVirus corona đang lây lan ở Anh, và có thể sẽ xảy ra trận dịch lớn.
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
Virus corona: Dân chủ kém Độc tài trong đối phó dịch bệnh?
Virus corona: Anh Quốc hướng dẫn công dân về tình hình VN
Virus corona: Các quốc gia dân chủ học gì từ nền chuyên chế TQ cách ứng phó bệnh dịch?
Một kịch bản xấu nhất là 80% dân số Anh có thể bị nhiễm virus nếu chính phủ không làm gì.
Anh quốc đang làm gì?
Mục tiêu của chính phủ Anh là làm chậm lại sự lây lan của bệnh dịch, và giảm bớt đỉnh dịch (là khi số ca lên cao nhất).
Cũng có có một số biện pháp thực hiện rồi, nhưng chính phủ đang nghĩ sẽ làm gì tiếp, dựa theo lời khuyên của hai cố vấn trưởng khoa học và y tế.
Hiện nay:
Tất cả những ai có triệu chứng cúm – nhiệt độ trên 37,8C hay ho liên tục – cần tự cách ly ở nhà trong 7 ngày.
Trường học vẫn mở nhưng không nên đi nước ngoài.
Người già và người có tiền sử bệnh cần tránh đi du thuyền.
Ở giai đoạn tiếp theo:
Người trên 70, “trong vài tuần nữa”, sẽ được yêu cầu ở nhà trong thời gian dài.
Nếu có người trong nhà bạn bị ốm, cả nhà sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày.
Chính phủ hy vọng những việc này có thể giảm nhiều số ca bị nhiễm, và có thể giảm một phần ba số người chết.
Y tế nhà nước sẽ điều trị bệnh nhân bị nặng ra sao?
Hiện nay chưa có thuốc chữa, nên các bệnh viện chỉ cố gắng làm dịu triệu chứng.
Tại năm địa chỉ có thiết bị ECMO (tim phổi nhân tạo) cho các bệnh nhân suy tuần hoàn.
Chính phủ nói họ hy vọng sẽ cung cấp thêm hàng ngàn máy thở cho các bệnh viện công.
Nếu xảy ra tình trạng lây nhiễm diện rộng, các bệnh viện có thể sẽ hủy các ca điều trị thông thường để ưu tiên cho bệnh nhân virus corona.
Ước tính một trên 20 bệnh nhân có thể nguy kịch, và làm y tế công quá tải.
Anh quốc chỉ có hơn 4.000 giường chăm sóc đặc biệt.
Các bác sĩ cảnh báo có thể phải ra quyết định khó khan về việc chữa cho ai.
Anh quốc hy vọng đạt được gì?
Nếu làm chậm lại đỉnh dịch cho tới mùa hè, thì y tế công có thể bớt sức ép.
Người ta đang cố gắng tìm ra vaccine.
Nhưng nếu số ca nhiễm lại bị giảm bớt quá mức, thì người ta lo ngại đợt nhiễm thứ hai có thể xảy ra vào mùa đông tiếp theo. Tuy nhiên, một số chuyên gia thì không đồng tình với chiến lược của chính phủ.
Làm sao để có sự cân bằng, sẽ thật là khó khăn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51912406
Quyết định không đóng cửa trường học
của chính quyền Anh gây phẫn nộ
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào ngày 16/3 về quyết định mở cửa trường học, khi các phụ huynh tức giận giữ con cái họ ở nhà và than phiền rằng các quốc gia khác đang làm nhiều hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, theo Reuters.Anh đã ghi nhận 1.372 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona và 35 trường hợp tử vong, ít hơn so với Ý, Tây Ban Nha và Pháp, nơi các trường học đã bị đóng cửa, mặc dù số lượng người Anh bị nhiễm bệnh dự kiến sẽ tăng lên.
Phát ngôn viên của ông Johnson nói rằng theo lời khuyên của các nhà khoa học, việc đóng cửa trường học không phải là bước mà chính phủ Anh nên thực hiện vào thời điểm này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ huynh từ chối đưa con đi học.
Tại Doncaster, miền bắc nước Anh, bà Suzana Ilieva đã giữ đứa con trai sáu tuổi của mình ở nhà kể từ thứ Sáu, vì sợ rằng cậu bé có thể truyền virus cho một người thân lớn tuổi trong gia đình.
“Tôi cho rằng chính phủ vô trách nhiệm và mục đích bảo vệ nền kinh tế đang gây thiệt hại lên tính mạng của người dân”, Reuters dẫn lời bà Ilieva nói. “Tôi với chồng đã đưa ra quyết định riêng của mình”.
Tại Anglesey, phía bắc xứ Wales, bà Helen Wright đang ở nhà với đứa con trai 10 tuổi và đã yêu cầu trường học gửi cho bà một chương trình giáo dục tại nhà.
“Tôi không tin tưởng vào các hướng dẫn của chính phủ và chính phủ trong cách xử lý vấn đề của họ”, bà nói.
Nhiều giáo viên mà Reuters tiếp xúc cho biết số trẻ em vắng mặt vào thứ Hai nhiều hơn bình thường. Các giáo viên giấu tên này cho biết các nhà quản lý yêu cầu nhân viên không được nói chuyện với truyền thông.
Trên trang web của Quốc hội Anh, một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ đóng cửa các trường học và cao đẳng đã thu hút hơn 590.000 chữ ký và con số này đang tăng lên nhanh chóng.
Theo luật, bất kỳ kiến nghị nào trên trang web nhận được hơn 100.000 chữ ký đều phải được xem xét để tranh luận tại quốc hội.
Sáng 16/3, Bộ Giáo dục Anh cho biết các hướng dẫn chính thức không thay đổi.
“Lời khuyên của chúng tôi đối với các trường học là vẫn mở cửa trừ khi có hướng dẫn khác của Bộ Y tế Công cộng”, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ nói.
Một số trường học đã đóng cửa do một thành viên trong đội ngũ nhân viên hoặc học sinh hay người thân có triệu chứng nhiễm virus corona, nhưng người phát ngôn từ chối cho biết có bao nhiêu trường đã đóng cửa.
“Đây là tình huống còn diễn biến tiếp. Chúng tôi sẽ không đưa ra con số cụ thể. Một số trường đang mở cửa, đóng cửa, rồi mở cửa lại”, phát ngôn viên này nói thêm.
Bộ trưởng giáo dục Gavin Williamson, sẽ gặp đại diện các trường vào cuối ngày thứ Hai, và thông tin sẽ được cung cấp cho công chúng sau cuộc họp này, theo người phát ngôn.
Một số phụ huynh nói việc cho con nghỉ học là một lựa chọn khó khăn.
https://www.voatiengviet.com/a/quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-kh%C3%B4ng-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BB%8Dc-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-anh-g%C3%A2y-ph%E1%BA%ABn-n%E1%BB%99/5330988.html
Anh tính cách ly các cụ hơn 70 tuổi tới bốn tháng
Anh sẽ cách ly những người cao tuổi “trong vòng vài tuần tới” và buộc cách ly bất kỳ ai được chuẩn đoán nhiễm virus Corona, Reuters đưa tin, dẫn lời chính phủ.Hãng tin Anh nói rằng động thái này tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà tới nay kém quyết liệt hơn nhiều nước châu Âu khác.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói rằng những người trên 70 tuổi nên tránh bị lây nhiễm bằng cách tự cách ly lên tới 4 tháng. Ông Hancock nói thêm rằng việc thông báo về biện pháp này sẽ có “trong những tuần tới”.
XEM THÊM:
Đức chặn Mỹ lôi kéo công ty nghiên cứu vaccine chống virus Corona
Anh có cách tiếp cận chống COVID-19 khác với các nước châu Âu khác như Italia, Tây Ban Nha và Pháp, vốn có các biện pháp phong tỏa quyết liệt để ngăn chặn virus Corona.
“Chúng tôi sẽ công bố thêm các chi tiết vào thời điểm thích hợp vì chúng tôi thấy rõ rằng đây là yêu cầu rất lớn đối với người có tuổi và dễ bị tổn thương, và đó cũng là để bảo vệ chính họ”, ông Hancock nói với Sky News.
Theo Reuters, chính phủ Anh tuần này sẽ ra chỉ thị buộc cách ly những ai được chẩn đoán nhiễm COVID-19 và đã sẵn sàng cấm việc tụ tập đông người.
Anh đã có gần 1.200 ca nhiễm virus Corona với 21 trường hợp tử vong.
https://www.voatiengviet.com/a/anh-t%C3%ADnh-c%C3%A1ch-ly-c%C3%A1c-c%E1%BB%A5-h%C6%A1n-70-tu%E1%BB%95i-t%E1%BB%9Bi-b%E1%BB%91n-th%C3%A1ng/5329744.html
Pháp đóng cửa nhà hàng, cửa hàng
và yêu cầu người dân ở nhà
Tin từ Paris – Hôm Chủ nhật (15/03/2020), Pháp bắt đầu đóng cửa các nhà hàng, cửa hàng và các cơ sở giải trí, đồng thời yêu cầu 67 triệu người dân ở nhà để ngăn chặn tốc độ lây lan của coronavirus, khi quốc gia này hiện có số người nhiễm tăng gấp đôi chỉ trong 72 tiếng.Thủ tướng Edouard Philippe cho biết chính phủ không còn lựa chọn nào khác sau khi cơ quan y tế công cộng ghi nhận 91 ca tử vong, và gần 4,500 người bị nhiễm virus. Những trường hợp ngoại lệ không phải đóng cửa bao gồm cửa hàng thực phẩm, tiệm thuốc tây, trạm xăng và tiệm bán thuốc lá.
Thủ tướng Pháp nói chính phủ không còn lựa chọn nào khác vì có quá nhiều người vẫn đi ra ngoài đường và không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa được ông thông báo gần đây, trong đó có việc giữ khoảng cách an toàn với nhau, mà ông cho là khiến virus lây lan nhanh hơn.
Nổi bật là việc nhiều quán bar vẫn chật cứng sau thông báo của ông Philippe, và có một số báo cáo về lượng người đến quán bar gia tăng đột biến sau khi lệnh đóng cửa được công bố, vì họ đến uống một ly cuối cùng mặc cho lời khuyên tránh đám đông. (BBT)
https://www.sbtn.tv/phap-dong-cua-nha-hang-cua-hang-va-yeu-cau-nguoi-dan-o-nha/
Chống Covid-19:
Câu hỏi đặt ra đối với chiến lược của Pháp
Minh AnhĐóng cửa trường học từ nhà trẻ cho đến bậc đại học ; Đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không cần thiết ; Yêu cầu hạn chế đi lại, tránh các cuộc tiếp xúc xã hội ; Cấm các cuộc tập hợp trên 100 người… nhưng bầu cử cấp địa phương vòng một, ngày 15/3/2020, vẫn diễn ra.
Nhiều câu hỏi đặt ra: Vì sao chính phủ tổng thống Macron lại có những chỉ thị đầy « mâu thuẫn » ? Phải chăng nước Pháp vẫn chưa có một chiến lược chống dịch hiệu quả ?
Trong hai ngày 12 và 13/3/2020, chính phủ Pháp liên tục đưa ra các biện pháp triệt để nhằm ngăn chận đà lây nhiễm virus Covid-19. Với những quy định trên, nước Pháp chuyển sang giai đoạn 3, mức cao nhất với các biện pháp triệt để nhất trong kế hoạch chống dịch, với hệ quả là cuộc sống thường nhật của người dân sẽ có những tác động nặng nề trong những ngày sắp tới.
Thế nhưng, việc tổng thống Pháp vẫn duy trì tổ chức bầu cử cấp địa phương vòng một ngày 15/3 đã làm dấy lên nhiều chỉ trích. Nguyên thủ Pháp giải thích là đã có tham khảo ý kiến các chuyên gia khoa học, cũng như là lãnh đạo các chính đảng.
Vậy những chuyên gia đó đã đề nghị những gì, cho đến giờ không ai được biết. Le Monde ngày 14/3/2020 đặt ra nhiều câu hỏi: Dựa trên những dữ liệu khoa học, y khoa, dịch tễ nào mà chiến lược chống dịch hiện nay đã được thực hiện tại Pháp, cũng như là tại châu Âu? Tại sao giới chức y tế ở Pháp và châu Âu lại quyết định không nghe theo các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như là không đi theo mô hình của Trung Quốc ?
Hai chiến lược
Giải pháp của Trung Quốc tuy có phần thô bạo nhưng cho hiệu quả nhanh chóng. Bắc Kinh đề ra một loạt các biện pháp triệt để rất rõ ràng và cho áp dụng trên diện rộng: Tiến hành xét nghiệm phát hiện nhanh các ca bị nhiễm nhằm phân tách với những trường hợp có triệu chứng, nhưng chưa được xét nghiệm, rồi cho cách ly hoàn toàn tránh mọi tiếp xúc.
Những biện pháp nghiêm ngặt này của Trung Quốc, đôi khi đã bị phương Tây chỉ trích mạnh mẽ là « thô bạo », nhưng đã cho phép dập tắt được ổ dịch ở Hồ Bắc. Việc nghiêm cấm toàn diện mọi di chuyển từ Hồ Bắc sang những vùng khác cho phép Bắc Kinh kiểm soát hiệu quả các « ổ dịch thứ phát ».
Tại Pháp, sau một thời gian thực hiện chiến thuật này của Trung Quốc như tại điểm chơi trượt tuyết Contamines-Montjoies (Haute-Savoie) cho những kết quả đáng chú ý, chính quyền Paris đột ngột đổi hướng chỉ tập trung vào những ca nào có những biểu hiện nghiêm trọng. Giới y khoa tại Pháp đặt cược vào cái gọi là « miễn dịch cộng đồng ». Nghĩa là, trông chờ một bộ phận dân chúng đã nhiễm virus, rất có thể sẽ được miễn dịch và như vậy hy vọng có thể dập tắt được đại dịch.
Minh bạch: Công cụ chống dịch hiệu quả ?
Tại sao và trong những điều kiện nào, chính phủ Pháp lại quyết định từ chối chiến lược được thực hiện tại Trung Quốc ? Những quyết định này luôn được tổng thống, thủ tướng khẳng định là đã tham khảo ý kiến các chuyên gia. Chỉ có điều những ý kiến đó lại bị bảo mật và không được mở rộng tham khảo trong giới chuyên ngành.
Giải pháp của Trung Quốc có phù hợp với một nền dân chủ phương Tây hay không ? Đây có lẽ chính là điều khiến Pháp và nhiều nước phương Tây phải do dự. Sự lúng túng trong chiến lược này của Pháp thể hiện rõ qua việc ngày 14/3/2020, nguyên thủ Pháp đã có trao đổi điện đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-In nhờ chia sẻ kinh nghiệm.
Cuộc chiến chống virus còn là một cuộc chiến công luận. Người dân Pháp chỉ tin tưởng vào chính phủ Pháp khi mọi thông tin phải được minh bạch mà bài học từ Trung Quốc là ví dụ điển hình. Trong bối cảnh nhiều lời đồn đoán rộ lên rằng Paris có thể điều quân đội để giám sát mọi di chuyển của người dân, chính phủ tổng thống Macron cam kết sẽ công bố các ý kiến của Hội đồng Khoa học.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200316-ch%E1%BB%91ng-covid-19-c%C3%A2u-h%E1%BB%8Fi-%C4%91%E1%BA%B7t-ra-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-c%E1%BB%A7a-ph%C3%A1p
Dịch Covid-19: Pháp vất vả chiến đấu
với con virus khủng khiếp từ Vũ Hán
Thụy MyMối đe dọa của đại dịch virus từ Vũ Hán bao trùm lên nước Pháp, khiến các báo Paris dù đã đề cập nhiều góc cạnh trong những tuần lễ qua, hôm nay 16/03/2020, tiếp tục là chủ đề lớn, thậm chí chiếm toàn bộ tờ báo – một sự kiện hiếm thấy.
Le Figaro đăng ảnh một người đeo khẩu trang trước Khải Hoàn Môn, với hàng tít trang nhất « Virus corona, thử thách lớn lao ». Libération dành 10 trang báo, chạy tựa « Virus corona : Tình trạng vô ý thức ». Đám đông vẫn chen chúc trong các chợ, công viên đầy người dạo chơi… Mặc cho tình trạng trầm trọng hiện nay, người Pháp vẫn không tự hạn chế việc đi lại, và khiến dịch bệnh có nguy cơ tăng theo cấp số nhân.
La Croix nói về « Một ngày Chủ nhật dưới cái bóng của Covid-19 »: cử tri Pháp được kêu gọi tham gia cuộc bầu cử địa phương, trong bối cảnh siết chặt các biện pháp chống dịch bệnh. Le Monde ra từ cuối tuần trước, nhấn mạnh « Trở thành tâm dịch, châu Âu đóng cửa ». Riêng Les Echos dành toàn bộ 32
trang báo cho nạn dịch virus Vũ Hán. Trang nhất của tờ báo là một bóng đen mang khẩu trang, với dòng tựa « Cuộc chạy đua với thời gian ».
Đại dịch virus corona tại Pháp đang tăng theo cấp số nhân
Quỹ đạo theo cấp số nhân của đại dịch chưa có dấu hiệu nào dừng lại. Le Figaro dẫn lời giáo sư Jérôme Salomon, tổng giám đốc phụ trách y tế (thuộc bộ Y Tế), cho biết số ca nhiễm tăng gấp đôi mỗi 72 giờ. Có nghĩa là trong ba ngày tới tại Pháp sẽ có 9.000 ca dương tính, 72.000 ca trong 12 ngày nữa, 144.000 ca trong hai tuần tới – trên đây là các số thống kê dự báo những ca khá nặng, trong đó đa số sẽ có khả năng phải nhập viện cho thở oxy.
Với tốc độ này, từ 300 ca điều trị tích cực hiện nay sẽ tăng lên 5.000 ca trong hai tuần nữa. Không chỉ những người già mới là nạn nhân, phân nửa số bệnh nhân phải thở máy dưới 60 tuổi. Nếu hiện nay đa số bệnh nhân trẻ tuổi thoát hiểm được là nhờ được giúp thở tại khoa hồi sức trong nhiều ngày.
Cả nước Pháp chỉ có được 5.000 giường hồi sức, 7.000 giường điều trị tích cực, nhưng đa số đều đã bận. Các bác sĩ bệnh viện Mulhouse báo động tỉ lệ phải nhập viện sau khi khám ở khoa cấp cứu là 40%. Cách đó 40 km, khoa hồi sức của bệnh viện Colmar có 45 giường, hiện toàn bộ là bệnh nhân bị virus corona.
Nguy cơ « vỡ trận » và vấn đề đạo đức
Les Echos cho biết các công ty sản xuất thiết bị trợ giúp hô hấp đang chạy hết tốc lực : Dräger, Löwenstein (Đức), Getinge (Thụy Điển), GE Healthcare, Metronic (Mỹ) và Mindray (Trung Quốc). Löwenstein phải tuyển thêm người, hiện công ty cố gắng tránh cho công nhân bị lây nhiễm chéo : ba ê-kíp thay ca không hề gặp nhau.
Bác sĩ Geffroy-Wernet, chủ tịch nghiệp đoàn bác sĩ gây mê hồi sức giải thích cho La Croix, bệnh nhân bị virus corona phải chữa trị rất lâu, khoảng hai, ba tuần, đôi khi cả tháng. Do đút ống để thở máy, phổi của bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, nên thời gian trợ giúp hô hấp kéo dài hơn thường lệ. Còn bác sĩ Serge Alfandari, chuyên khoa nhiễm của bệnh viện Tourcoing nhắc nhở, dù có số giường hồi sức gấp đôi Ý, Pháp vẫn có nguy cơ lâm vào cùng một tình trạng như nước láng giềng.
La Croix đặt ra vấn đề đạo đức trong thời kỳ dịch bệnh virus corona, khi đội ngũ y bác sĩ trong thế lưỡng nan như ở Ý – phải chọn lựa bệnh nhân để cứu. Tờ báo Công Giáo nhắc nhở năm 1799 trong chiến dịch Ai Cập, dịch hạch hoành hành, Bonaparte đòi hỏi bác sĩ Desgenettes kết liễu những người lính bị bệnh để khỏi lây cho người khác, nhưng Desgenettes từ chối ngay, nói rằng nghĩa vụ của bác sĩ là cứu người. Năm 2005 khi trung tâm y tế New Orleans bị cô lập vì bão Katrina, cơ sở có 317 giường lão khoa này không có điện, nhiệt độ lên tới 38°C. Những y tá « giúp giải thoát » nhiều người già đã bị khởi tố vì tội sát nhân.
Pháp đang trong tình trạng chiến tranh
« Cần ý thức rằng chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh », đó là khuyến cáo của giáo sư William Dab, cựu tổng giám đốc phụ trách y tế trong thời kỳ dịch SARS. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, ông tỏ ra hết sức lo ngại, và hy vọng việc cách ly sẽ thành công tại Pháp kẻo dịch corona sẽ biến thành thảm họa.
Giáo sư Dab nhận định tình hình rất trầm trọng, khiến ông chưa bao giờ lo sợ như thế. Đô thị hóa hàng loạt, giao thương quốc tế nhộn nhịp, dân số tăng nhanh : mọi điều kiện đều hội đủ, và bây giờ thì đại dịch đã đến. Nhưng hầu hết vẫn chưa ý thức được, vẫn cho rằng « cũng như cúm thông thường » mà thôi, các nhà hàng vẫn đầy người.
Vấn đề là con virus đang lây lan ồ ạt thông qua những người đã bị nhiễm, nhưng không có triệu chứng nào, và loài người chưa có được thuốc chữa. Hồi 2003, khi hiểu rằng virus SARS không lây khi chưa phát ra triệu chứng, có thể yên tâm là những rào chắn sẽ hiệu quả. Nhưng lần này thì không, người bị nhiễm nhiều ngày sau mới thấy có dấu hiệu. Cuối tháng Giêng, biết được điều ấy, ông Dab đã cảnh báo, nhưng không được quan tâm.
Sẽ có 300.000 người chết ?
Theo giáo sư Dab, cần nói thẳng ra là một kịch bản với 300.000 người chết tại Pháp hoàn toàn có thể xảy ra. Với tốc độ lây nhiễm hiện nay, virus có thể lây cho 30 triệu dân Pháp và với tỉ lệ tử vong 1%, con số trên là hiện thực thậm chí là lạc quan, với điều kiện các bệnh viện chịu đựng nổi – một điều không thể bảo đảm. Chưa kể đến số nạn nhân gián tiếp : những người bị các loại bệnh nặng khác tử vong vì thiếu giường bệnh.
Ông cho rằng vẫn có thể giúp giảm tải cho bệnh viện, nhưng còn tùy sự hợp tác của người dân. Chính phủ đã nhận lấy trách nhiệm, nay đến lượt từng người một phải nghiêm túc tôn trọng quy định tự cách ly, chứ không phải Nhà nước tiêu hủy được con virus. Nếu chúng ta chấp nhận vài tuần lễ tương đối mất tự do, tỉ lệ lây nhiễm sẽ giảm.
Cần phải chờ đợi ba tuần lễ nữa mới biết được những biện pháp hiện nay có hiệu quả hay không, trong khi đó dịch bệnh corona vẫn tăng theo cấp số nhân. Quả là thô bạo, nhưng cần nhớ trong đầu là chúng ta đang trong chiến tranh, đang bị một kẻ thù vô hình xâm lược, cần phải tổng động viên.
« Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà ! »
Nếu chặn đứng được nạn dịch và dưới 30% dân số bị nhiễm và được miễn dịch, con virus Vũ Hán vẫn có thể quay lại vào mùa thu. Ngược lại, nếu 60-70% dân số bị dương tính trong đợt đầu, có thể trở thành miễn dịch cộng đồng, với cái giá nhân mạng như đã nói ở trên. Đợt dịch thứ hai, nếu có, sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Một kịch bản đáng ngại khác là con virus biến thể, như vậy miễn dịch trong đợt đầu chỉ là một phần mà thôi, và nó gây tử vong gấp 10 lần cúm mùa. Không nên quá trông cậy vào giả thiết khi thời tiết ấm dần tình hình sẽ ổn, kịch bản lạc quan nhất là nạn dịch tạm ngưng tăng một thời gian và thế giới chế ra được vaccin.
Vũ khí duy nhất của chúng ta hiện nay là hạn chế tiếp xúc. Cần phải ở yên một chỗ, không đi ra ngoài gặp bạn bè, người thân, trừ vợ chồng con cái trong nhà. Giáo sư William Dab kết luận, khẩu hiệu là rất rõ : Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà !
Libération trong bài xã luận than thở, mặc dù chính phủ đã có những biện pháp nghiêm khắc từ thứ Bảy 14/3 – đóng cửa những cơ sở thương mại không thiết yếu – vẫn có một số lượng đáng ngạc nhiên người Pháp không thận trọng ở nhà mà lại vô tư đổ ra công viên, bờ sông, tranh thủ những dấu hiệu mùa xuân vừa đến. Trong khi đây là một thách thức lịch sử, một nước Pháp bị cách ly, cắn móng tay ngồi nhìn con quái vật từ Vũ Hán tác oai tác quái.
Sau trận đại chiến này, thế giới sẽ không còn như xưa
Tương tự, xã luận của Les Echos mang tựa đề ngắn gọn : « Một cuộc chiến ». Hệ thống y tế đang trên tuyến đầu đối phó với đại dịch sẽ không thể chống chọi nổi, nếu không có được tính kỷ luật của cộng đồng.
Chiến tranh là gì, nếu không phải là sự kết thúc thời kỳ vô tư lự ? Trong thời chiến, không còn những thú vui thường nhật. Cuộc sống bỗng chốc thay đổi hẳn, một vòm trời u ám và lạnh giá bỗng bao trùm lên cả nước, những biên giới lần lượt đóng cửa. Cần phải sống với mối đe dọa vô hình và tai quái ấy. Kẻ thù là người khác, là bạn, là đồng nghiệp, hàng xóm của ta. Không phải là con virus, mà là người chuyển nó sang ta, và địch thủ thường mang khuôn mặt một đứa trẻ ngây thơ. Than ôi, nhiều người không hình dung được mối đe dọa này !
Chiến tranh là tổng động viên, là sẽ có hàng ngàn, hàng chục ngàn nạn nhân ; nhưng nhân viên y tế là những chiến binh trên tuyến đầu hiểu rõ rằng thiệt hại còn tùy thuộc vào thái độ của từng người. Bệnh nhân tăng theo cấp số nhân, phải triệt để hạn chế các tương tác xã hội. Các bệnh viện vùng Grand Est và Hauts-de-France hiện đã quá tải, cần tránh việc số ca nặng vượt quá năng lực chữa trị.
Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu của chiến tranh. Đó vừa là một cuộc chạy đua với thời gian, vừa là một cuộc chiến khủng khiếp về sức bền mà người dân Pháp phải chịu đựng, trong khi phương tiện chưa hẳn đã đủ. Liệu có đủ khẩu trang, máy thở, và cả nhân lực ? Và còn phải chống chọi trong bao lâu – ba tháng hay hơn nữa ? Chúng ta đang rơi vào một cõi khác. Sau cuộc đại chiến này, thế giới sẽ không bao giờ còn như xưa nữa.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200316-covid-19-ph%C3%A1p-v%E1%BA%A5t-v%E1%BA%A3-chi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A5u-v%E1%BB%9Bi-virus-kh%E1%BB%A7ng-khi%E1%BA%BFp-t%E1%BB%AB-v%C5%A9-h%C3%A1n
Virus corona:
“Tình hình đang xấu đi rất nhanh” tại Pháp
Thanh HàVới 127 người chết, hơn 5.400 ca nhiễm virus corona, tính cho đến hết ngày 15/03/2020, tổng cục trưởng Tổng Cục Y Tế Pháp, Jérôme Salomon, sáng nay tuyên bố “tình hình đang rất đáng lo ngại và đang xấu đi rất nhanh”.
Trong ngày đầu tiên tất cả các học sinh trên toàn nước Pháp phải nghỉ học, các công sở hoạt động tối thiểu, phát biểu trên đài phát thanh France Inter vào sáng nay, tổng cục trưởng Tổng Cục Y Tế Pháp, Jérôme Salomon, kêu gọi tất cả mọi người thực hành nghiêm chỉnh các chỉ thị của chính phủ nhằm nỗ lực giảm tốc độ lây lan của virus corona. Một lần nữa ông nhấn mạnh “tất cả mỗi người đều có thể là một rào cản ngăn ngừa dịch lan nhanh. Nhưng mỗi người cũng có thể là một “mầm mống lây nhiễm cho những người chung quanh”, vào thời điểm mà “tình hình dịch bệnh tại Pháp đã rất đáng lo ngại và đang chuyển biến xấu nhanh chóng (…) Cứ ba ngày một lần, số ca nhiễm tăng lên gấp đôi“.
Ở vào thời điểm này, Jérôme Salomon, lưu ý “các bệnh viện đã gặp khó khăn” vào lúc các ca bệnh liên tục tăng lên theo từng giờ. Tổng cục trưởng Tổng Cục Y Tế Pháp nhấn mạnh “sẽ là một tai họa“, nếu các khoa cấp cứu lâm vào cảnh phải chọn nên chữa trị cho cho ai, nên bỏ ai bởi vì “không đủ phương tiện để điều trị cho tất cả các bệnh nhân“.
Lời kêu gọi này được đưa vào lúc từ các vườn trẻ đến trường đại học ở Pháp bắt đầu đóng cửa hôm nay. Các công sở cũng chỉ hoạt động tối thiểu. Ngoại trừ các trạm xăng, siêu thị hay hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, hiệu bán thuốc lá, tất cả các cửa hàng mua bán khác đều đóng cửa. Bể bơi, trung tâm thể thao, sân vận động hay rạp chiếu phim, nhà hát… cũng đóng cửa. Giao thông công cộng đang từng bước giảm chuyến.
Tại các công sở, nhân viên được khuyến khích làm việc tại nhà. Nhiều nhà máy thông báo tạm ngưng hoạt động. Hãng lốp xe Michelin chẳng hạn vừa thông báo đóng cửa các nhà máy tại Pháp và Tây Ban Nha tối thiểu một tuần.
Vào trưa nay, tổng thống Emmanuel Macron triệu tập hội đồng quốc phòng tại điện Elysée nhằm chuẩn bị ban hành thêm một số các biện pháp chống Covid-19. Cũng trong ngày, lãnh đạo Pháp sẽ có một cuộc họp qua video với các lãnh đạo trong Liên Hiệp Châu Âu. Các bên sẽ tập trung vào việc phối hợp về chính sách đóng cửa biên giới hay không. Chiều nay, tổng thống Macron sẽ điện đàm với tổng thống Trump, đương kim chủ tịch luân phiên 7 cường quốc công nghiệp thế giới G7. Nguyên thủ hai nước sẽ thảo luận về khủng hoảng y tế ở quy mô toàn cầu hiện nay.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200316-virus-corona-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-%C4%91ang-x%E1%BA%A5u-%C4%91i-r%E1%BA%A5t-nhanh-t%E1%BA%A1i-ph%C3%A1p
Bầu cử Pháp:
Covid-19 tác động mạnh, cử tri bỏ phiếu ít
Tú AnhTại Pháp, số cử tri đi bầu chính quyền thành phố, làng xã hôm Chủ Nhật, 15/03/2020, thấp kỷ lục trong bối cảnh dịch siêu vi corona tiếp tục lây lan. Tỷ lệ vắng mặt có thể là 55%.
Các thị trưởng mãn nhiệm và các ứng cử viên phong trào môi trường thắng thế. Đảng Cộng Hoà Tiến Bước thất thế, như dự báo, trừ hai bộ trưởng đắc cử ngay vòng đầu ở địa phương của mình.
Việc chính phủ trấn an các biện pháp vệ sinh chống dịch nghiêm ngặt ở phòng phiếu đã không làm cử tri an tâm. Từ 53% đến 56% cử tri không đi bầu, một tỷ lệ vắng mặt rất cao so với lần cuối cùng vào năm 2014 (38,77%).
Tại thành phố Le Havre, danh sách của thủ tướng Edouard Philippe về đầu với 43% phiếu, hơn đối thủ là dân biểu Jean-Paul Lecoq của đảng Cộng Sản 11 điểm.
Phát ngôn viên chính phủ cho đây là một kết quả đáng khích lệ trong hoàn cảnh đặc biệt. Hai kết quả tốt khác là bộ trưởng bộ Ngân Sách Gérard Darmadin và đồng sự bộ Văn Hóa Franck Riester đắc cử ngay vòng một ở Tourcoing và Coulommiers (quê nhà).
Theo các thẩm định, phe đa số của tổng thống bị thất thế ở Paris, Lille và Lyon. Tại Paris, đô trưởng mãn nhiệm Anne Hidalgo và tại Lille, thị trưởng mãn nhiệm Martine Aubry về nhất. Trong khi đó tại Lyon, một lãnh đạo phong trào môi trường, ông Gregory Doucet, dẫn đầu.
Phe cực hữu củng cố được uy thế ở các đô thị cấp trung.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 mỗi ngày mỗi nghiêm trọng, liệu vòng hai có được duy trì vào ngày 22 tháng 03 hay không ?
Trong cuộc họp báo sáng nay, phát ngôn viên chính phủ Pháp từ chối trả lời. Tuy nhiên, theo thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố tối Chủ Nhật, quyết định sẽ được loan báo sau khi chính phủ tham khảo ý kiến với Hội đồng khoa học và lãnh đạo các đảng phái vào đầu tuần này.
Điểm khó là theo quy định của Hiến pháp, hai vòng bầu cử không được cách nhau hơn hai tuần.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200316-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-ph%C3%A1p-covid-19-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-m%E1%BA%A1nh-c%E1%BB%AD-tri-b%E1%BB%8F-phi%E1%BA%BFu-%C3%ADt
Covid-19:
Hơn 1.800 người tử vong tại Ý, bệnh viện quá tải
Mai VânTại Ý, những biện pháp nghiêm ngặt đưa ra từ gần một tuần lễ nay chưa cho thấy hiệu quả, con số tử vong vì Covid-19 tiếp tục tăng cao, đã lên đến 1.809 người, theo thông báo của chính quyền vào hôm qua, 15/03/2020.
Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, đã có thêm 368 bệnh nhân thiệt mạng, và gần 3.600 ca nhiễm mới, đưa tổng số người bị lây nhiễm lên thành 24.747. Vùng Lombardia vẫn là nơi bị nặng nhất với 1.218 ca tử vong, và 13.272 ca nhiễm.
Theo Anne Le Nir, thông tín viên RFI tại Roma, bệnh viện tại Ý đang quá tải, buộc chính quyền phải đưa ra những biện pháp tăng cường hệ thống y tế vào hôm nay, 16/03.
“Chính quyền sẽ nhờ đến bác sĩ quân y chứ không chỉ kêu gọi những người đã về hưu hay sinh viên y khoa năm cuối. Ngoài ra, Ý cũng thông báo nhập thêm máy trợ giúp hô hấp từ nhiều quốc gia, thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế sẽ được cung cấp.
Chính quyền trung ương cũng yêu cầu các vùng tự trị Trente và Bolzano tăng thêm giường bệnh, tăng 50% ở khu điều trị tích cực và 100% tại khu chữa trị về phổi và nhiễm khuẩn.
Tất cả những bệnh viện tư sẽ giúp các bệnh viện công về thiết bị và nhân viên y tế của mình.
Ngoài ra, khách sạn hay những nơi ở khác cũng có thể được trưng dụng cho những bệnh nhân không cần hay không còn cần ở bệnh viện nữa, nhưng vẫn phải cách ly với gia đình. Và điểm cuối cùng là những bệnh viện dã chiến mới sẽ được thành lập ở các vùng phía bắc và trung nam”.
Trong bài phỏng vấn trên tờ IL Corriere della Sera, ra hôm nay, thủ tướng Ý Giuseppe Conte kêu gọi sự phối hợp của châu Âu trong lãnh vực y tế cũng như kinh tế để đối phó với virus corona. Theo ông, đà lây nhiễm ở vẫn “chưa lên đến đỉnh cao”.
Vào hôm nay thủ tướng Ý tham gia qua video cuộc họp đặc biệt của lãnh đạo nhóm G7 để phối hợp công cuộc đối phó với Covid-19 trong lãnh vực y tế, cũng như kinh tế, tài chính và nghiên cứu.
Tây Ban Nha tự cô lập và phong tỏa toàn bộ đất nước
Cũng tại châu Âu, tình hình lây nhiễm tại Tây Ban Nha đột ngột tăng vọt, biến quốc gia này thành nước đứng thứ nhì Châu Âu về dịch Covid-19.
Theo số liệu mới của Trung Tâm Mỹ Johns Hopkins Coronavirus Resource Center, tính đến 10 giờ (giờ Paris) sáng nay 16/03/2020, Tây Ban Nha có tổng cộng 7.844 ca nhiễm. Số ca tử vong cũng tăng vọt, lên thành 292 nạn nhân.
Thủ tướng Pedro Sanchez, ngay tối 14/03, đã ban hành lệnh cô lập toàn quốc. Việc đi lại bị giới hạn tối đa, con số 46 triệu dân chỉ được ra khỏi nhà để đi làm, mua thức ăn, đi mua thuốc, đi chữa trị. Tất cả các cửa hàng không cần thiết đều bị đóng trên toàn bộ lãnh thổ, cũng như trường học, viện bảo tàng, cơ sở thể thao…
Đức kiểm soát chặt biên giới với 5 láng giềng châu Âu, trong đó có Pháp
Theo sau Tây Ban Nha là Đức, cũng đang trở thành quốc gia bị Covid-19 tác hại nặng nề. Đến sáng nay, Đức ghi nhận 5.813 ca mắc bệnh, với 13 trường hợp tử vong. Nhằm ngăn chặn đà bùng nổ của dịch bệnh, Đức đã quyết định tạm đóng cửa biên giới với 5 nước láng giềng – Pháp, Áo, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch và Luxembourg – kể từ 8 giờ sáng nay. Việc qua lại biên giới được kiểm soát nghiêm ngặt.
Trước mắt chỉ những người đi làm việc và những xe chở hàng được qua lại. Bộ trưởng Nội vụ Đức Seehofer, hôm qua, nói rõ: “Những ai không có lý do đặc biệt thì không được vào Đức”.
Phóng viên AFP có mặt sáng nay ở ngõ vào Kehl, thành phố biên giới phía Đức đối diện với Strasbourg của Pháp, đã chứng kiến cảnh cảnh sát Đức chận từng chiếc xe hơi hỏi giấy tờ và lý do vào Đức. Nhiều xe đã phải quay đầu trở về Pháp.
http://www.rfi.fr/vi/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20200316-okcovid-19-s%C3%B4%CC%81-ca-t%C6%B0%CC%89-vong-v%C6%B0%C6%A1%CC%A3t-1800-ng%C6%B0%C6%A1%CC%80i-ta%CC%A3i-y%CC%81-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-qu%C3%A1-t%E1%BA%A3i
Hà Lan đóng cửa ‘phố đèn đỏ’
để ngăn virus Corona lây lan
Hà Lan hôm 15/3 đã tăng cường các biện pháp ngăn virus Corona lây lan, yêu cầu các câu lạc bộ thoát y và nhà thổ ở “phố đèn đỏ” tại Amsterdam phải đóng cửa, theo Reuters.Ngoài ra, chính phủ cũng ra chỉ thị, yêu cầu tất cả các nhà hàng, quán café và trường học đóng cửa cho tới ngày 6/4.
Hãng tin Anh đưa thêm rằng các nơi chịu ảnh hưởng bởi lệnh mới này cũng gồm có cả các cửa hàng bán cần sa.
Bộ trưởng Y tế Arie Slob được trích lời nói rằng các cơ sở trên được yêu cầu ngưng phục vụ khách hàng vào lúc 6 giờ tối (giờ địa phương) ngày 15/3.
XEM THÊM:
Đức chặn Mỹ lôi kéo công ty nghiên cứu vaccine chống virus Corona
Tin Reuters cho hay, “phố đèn đỏ” thu hút hàng triệu người tới xem các show khiêu dâm, các câu lạc bộ dành cho người lới và các nhà thổ, nơi gái bán dâm ăn mặc hở hang đứng sau các cửa sổ trong ánh đèn màu đỏ.
Một tuyên bố của de Otten Groep, tập đoàn điều hành một số hộp đêm, cho biết quyết định đóng cửa “vì sức khỏe của nhân viên cũng như của khách hàng”.
Con số các ca nhiễm COVID-19 ở Hà Lan đã tăng thêm 176, lên 1.135 ca hôm 15/3, với 20 ca tử vong.
Ngoài ra, ngành sản xuất hoa nổi tiếng của Hà Lan hôm 15/3 cũng cảnh báo về thiệt hại lớn vì nhiều hợp đồng mua hoa bị hủy.
https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0-lan-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-ph%E1%BB%91-%C4%91%C3%A8n-%C4%91%E1%BB%8F-%C4%91%E1%BB%83-ng%C4%83n-virus-corona-l%C3%A2y-lan/5329865.html
Tây Ban Nha phong tỏa để chống coronavirus
Tin từ Madrid – Hôm thứ Bảy (14/03/2020), Tây Ban Nha phong tỏa một phần 47 triệu dân cư trong 15 ngày tuyên bố tình trạng khẩn cấp, để chống lại coronavirus ở quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai sau Ý.Lệnh phong tỏa có hiệu lực ngay lập tức, tất cả người Tây Ban Nha phải ở nhà ngoại trừ việc đi mua thực phẩm, thuốc men, đi làm, đến bệnh viện hoặc phải ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Các quán bar, nhà hàng và cửa hàng bán bất cứ thứ gì trừ thực phẩm và các mặt hàng chủ lực khác đều phải ngừng hoạt động. Tất cả các hoạt động giải trí và thể thao cũng phải đóng cửa, bao gồm rạp chiếu phim, nhà hát, hồ bơi hoặc sân túc cầu.
Tính đến nay, Tây Ban Nha đã có 193 ca tử vong do coronavirus và 6,250 ca nhiễm. Hôm thứ Năm (12/03/2020) các trường học đóng cửa trên khắp Tây Ban Nha, và một biện pháp giúp đỡ kinh tế đầu tiên đã được công bố.
Trong thông báo hôm thứ Bảy (14/03/2020) vận tải nội địa sẽ bị giới hạn từ thứ Hai (16/03/2020), các hãng hàng không, hỏa xa và tàu thủy được yêu cầu cắt giảm dịch vụ ít nhất một nửa. Xe buýt thành phố và tàu điện ngầm vẫn sẽ hoạt động bình thường và các chuyến bay quốc tế không bị ảnh hưởng. Công ty phải để nhân viên làm việc từ xa và chính phủ cho biết mọi người nên chọn cách đó bất cứ khi nào có thể.
Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez cho biết các biện pháp mới sẽ có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp, nhưng ông hứa rằng chính phủ sẽ nỗ lực giảm thiểu các tác động ấy. Ngoài siêu thị và trạm xăng thì tiệm làm tóc vẫn được cho phép mở cửa. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tay-ban-nha-phong-toa-de-chong-coronavirus/
Thêm 368 người ở Ý tử vong vì COVID-19
Hương ThảoGiới chức Ý hôm 15/3 (giờ địa phương) ghi nhận thêm 368 người chết vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.809.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý hôm 15/3 cho biết số ca nhiễm virus Vũ Hán tại nước này là 24.747, tăng 3.590 ca so với hôm trước. Số ca tử vong tăng 25%, từ 1.441 lên 1.809. Hiện Ý là ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và lớn nhất tại châu Âu.
Ông Silvio Brusaferro, Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Ý cho biết phần lớn ca tử vong vì COVID-19 đều trên 80 tuổi.
Kênh truyền thông nhà nước ANSA đưa tin, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nhấn mạnh tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở vùng Lombardy và các nhà chức trách “chú ý tối đa” đến khu vực này.
“Các con số tiếp tục tăng lên”, ông Attilio Fontana, thống đốc của vùng Lombardy, nói với các phương tiện truyền thông địa phương. “Chúng tôi đang đến gần thời điểm không còn giường chăm sóc đặc biệt nữa”.
Ý phong tỏa toàn quốc kể từ 8/3 để ngăn dịch bệnh lây lan. Khoảng 60 triệu cư dân được yêu cầu ở nhà. Hầu hết các doanh nghiệp và tất cả trường học phải đóng cửa trong khi các sự kiện thể thao bị hủy.
https://www.dkn.tv/the-gioi/them-368-nguoi-o-y-tu-vong-vi-covid-19.html
Tổng thống Putin ký thành luật những thay đổi
Hiến Pháp, mở đường cho cuộc tái tranh cử
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký thành luật một loạt các sửa đổi hiến pháp, bao gồm cả một quy định cho phép ông tái tranh cử.Theo một tài liệu của chính phủ được công bố vào hôm thứ Bảy (15/3), các thay đổi phải được tòa án hiến pháp chấp thuận trong bảy ngày tới, trước khi được đem ra để trưng cầu dân ý tại Nga vào ngày 22 tháng 4. Tài liệu này cũng cho biết đa số cử tri phải chấp thuận những thay đổi để chúng được thông qua. Đầu tuần này, dự luật quy định chi tiết gần 400 thay đổi hiến pháp được gấp rút thông qua hạ viện và thượng viện của quốc hội trong cùng một ngày.
Quốc hội Nga bị chi phối bởi United Russia, đây là đảng chính trị có liên kết chặt chẽ nhất với tổng thống Putin. Hiến pháp hiện tại cho phép tổng thống phục vụ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, buộc ông Putin phải rời văn phòng vào năm 2024.
Ông Putin đã làm tổng thống hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ bốn năm, từ năm 2000 đến năm 2008. Sau đó, hiến pháp đã được sửa đổi thành mỗi nhiệm kỳ sáu năm, và Putin trở lại vị trí tổng thống vào năm 2012 và được bầu lại vào năm 2018.
Trong số những thay đổi hiến pháp gây tranh cãi nhất là một quy định về bắt đầu lại việc đếm các nhiệm kỳ của tổng thống Putin, có khả năng mở đường cho ông ở lại chức vị cho đến năm 2036. Theo tờ Tin Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin, tòa án hiến pháp Nga dự kiến sẽ phê chuẩn những thay đổi trong hiến pháp.
Chủ tịch Hội đồng Liên đoàn Valentina Ivanovna Matviyenko khẳng định cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra bất chấp khủng hoảng coronavirus. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-putin-ky-thanh-luat-nhung-thay-doi-hien-phap-mo-duong-cho-cuoc-tai-tranh-cu/
Hơn 850 người ở Iran chết vì COVID-19
Hải LamIran ghi nhận thêm 129 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, trong khi số ca nhiễm bệnh lên tới 14.991.
“Trong vòng 24 giờ qua, chúng tôi xác nhận 1.053 trường hợp nhiễm virus corona mới và thêm 129 trường hợp tử vong”, Alireza Vahabzadeh, một quan chức của Bộ Y tế Iran đăng trên Twitter hôm 16/3.
Như vậy, hiện Iran có 14.991 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 853 người đã tử vong. Nước này đang là ổ dịch lớn nhất khu vực Trung Đông và thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ý.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan hơn nữa, các quan chức Iran khuyến cáo người dân ở nhà.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/hon-850-nguoi-o-iran-chet-vi-covid-19.html
Dịch COVID-19: Iran cảnh báo các cơ sở y tế quá tải
Thiện LanHôm Chủ nhật (15/3), Iran cảnh báo rằng các cơ sở y tế của họ có thể bị quá tải bởi các ca nhiễm COVID-19.
Iran đã ghi nhận số ca nhiễm và số ca tử vong vì COVID-19 nhiều thứ ba thế giới.
Vào ngày 15/3, Iran báo cáo thêm 113 người chết vì virus corona chủng mới, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 724, The Hill dẫn từ AP.
“Nếu xu hướng này tăng, thì chúng tôi sẽ không đủ năng lực”, hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời ông Ali Reza Zali, người đứng đầu cơ quan chống dịch của Iran.
Iran đã xác nhận 14.000 trường hợp nhiễm nCoV, trở thành ổ dịch ở Trung Đông.
Một số quan chức cấp cao, bao gồm các bộ trưởng, thành viên Quốc hội, thành viên Lực lượng Bảo vệ Cách mạng và các quan chức của Bộ Y tế đã nhiễm COVID-19.
Một số lãnh đạo cấp cao Iran cũng đã tử vong sau khi nhiễm virus corona.
Ông Hossein Sheikholeslam, cựu cố vấn ngoại trưởng Iran và cựu đại sứ Iran tại Syria, qua đời hôm 5/3. Tướng cấp cao Vệ binh Cách mạng Iran Nasser Shabani, qua đời hôm 13/3, do dịch bệnh.
Nước này được cho là đã trang bị 110.000 giường bệnh, với 30.000 tại thủ đô Tehran, nếu cần thiết Iran sẽ xây thêm các bệnh viện di động, giới chức Iran cho biết.
Ông Zali nói rằng, nhiều người trong số những người chết vì virus đều là những người khỏe mạnh, khác với những tuyên bố của giới chức địa phương cho rằng căn bệnh này chỉ ảnh hưởng đến người già hoặc những người có tiểu sử bệnh tật. Khoảng 55% những trường hợp tử vong ở độ tuổi 60, trong khi 15% trẻ hơn, chưa đến 40 tuổi.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết hôm Chủ nhật rằng nước này sẽ không thực hiện cách ly toàn bộ và sẽ tiếp tục mở cửa biên giới.
Theo The Hill, Hoa Kỳ đã đề nghị cung cấp viện trợ nhân đạo nhưng Tehran từ chối.
Ngân hàng Trung ương Iran đã đề nghị vay khẩn cấp 5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm đối phó với dịch COVID-19.
Theo thống kê của worldometers, tính đến 10h15 sáng nay (giờ Hà Nội), virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc gây dịch COVID-19, đã khiến 169.605 người nhiễm, làm chết 6.516 trên toàn cầu, 77.772 người hồi phục. Dịch bệnh đã xuất hiện trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dich-covid-19-iran-canh-bao-cac-co-so-y-te-qua-tai.html
Iran trên hai mặt trận: Rượu lậu pha trộn và virus corona
Mai VânIran hiện là nước thứ 3 trên thế giới với số ca tử vong lên đến 724 người, và ca nhiễm gần 14.000 trường hợp. Tuy đà lây nhiễm có vẻ chậm lại trong những ngày qua, nhưng quốc gia này lại gặp một nạn khác : rượu pha chất tẩy javel, đã làm 126 người chết những ngày qua.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường thuật từ Teheran :
“Đây là một hậu quả gián tiếp của dịch virus corona. Trên các mạng xã hội những kẻ lừa đảo đã đăng tải thông tin, theo đó rượu có thể giúp chống virus.
Chỉ cần pha nước javel vào cồn công nghiệp để tạo màu sắc trắng rồi bán đi như là rượu sản xuất thủ công tại chỗ.
Ngoài số người chết, có hơn ngàn người khác bị trúng độc ở khắp Iran, một số trong tình trạng nghiêm trọng ở các bệnh viện.
Chính quyền đã bắt nhiều người đã bán loại “rượu pha trộn” này và cảnh báo người dân về việc tiêu thụ những sản phẩm đó.
Việc chế tạo rượu đã bị cấm ở Iran từ cuộc Cách Mạng Hồi Giáo năm 1979. Nhưng nhiều người dân vẫn tiêu thụ rượu làm tại chỗ: một loại vodka rất giống với rượu arak Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới y tế số nạn nhân của loại rượu pha trộn này sẽ còn gia tăng trong những ngày tới.”
Thành viên của hội đồng bổ nhiệm giáo chủ chết vì Covid-19
Tâm dịch số ba trên thế giới, danh sách nạn nhân Iran tăng cao trong hai ngày cuối tuần.Tổng cộng là 724 người chết,13.938 ca lây nhiễm, theo số liệu chính thức. Trong số người tử vong hôm Chủ Nhật, có ayatollah Hachem Bathayi Golpayégani, 78 tuổi, một nhân vật cao cấp, thành viên của hội đồng chuyên gia có vai trò bổ nhiệm và giám sát giáo chủ tối cao.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200316-coronavirus-iran-r%C6%B0%E1%BB%A3u-l%C3%A2%CC%A3u-pha-tr%C3%B4%CC%A3n
Họa sĩ Michael Soi của châu Phi
chỉ trích Trung Quốc bằng tranh vẽ
Băng ThanhMichael Soi, một họa sĩ đến từ Kenya, đã không hài lòng với sự tham gia của Trung Quốc tại châu Phi. Anh cảm thấy châu Phi giống như thuộc địa của Trung Quốc. Soi đã gây chú ý cho vấn đề này bằng cách vẽ khoảng 100 bức tranh khá “gai góc”.
Trong năm 2015, phần lớn các nghệ sĩ được chọn để đại diện cho Kenya tham gia triển lãm nghệ thuật Venice Biennale 2015 là người Trung Quốc. Tuy nhiên, những nghệ sĩ Trung Quốc này không có mối quan hệ với Kenya và họ cũng không đề cập đến Kenya trong các tác phẩm nghệ thuật của họ.
Điều này đã làm nhiều nghệ sĩ Kenya giận dữ, trong đó có Soi, người thấy được sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến văn hóa của đất nước anh. Sau đó, Soi bắt đầu loạt bức tranh với chủ đề “Trung Quốc yêu châu Phi” nhằm đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa Trung Quốc và lục địa nơi anh ở.
“Nó là một chủ đề khiến tôi có rất nhiều câu hỏi. Và thật không may, nó không chỉ xảy ra ở Kenya”, anh nói với tờ Quartz. “Về cơ bản, các nhà lãnh đạo châu Phi đang thế chấp châu Phi cho Trung Quốc”.
Các quan chức Trung Quốc sau đó đã đến thăm Soi. Họ nói với anh về những “đóng góp” của Trung Quốc đối với châu Phi và cách Soi đang làm là một hành động “vô ơn”. Những người này đã có hành vi thô bạo đối với các tác phẩm nghệ thuật trong phòng tranh của anh và thậm chí đã làm hư hỏng một vài tác phẩm. Soi sau đó biết được rằng một số người trong Đại sứ quán Trung Quốc, cũng như chính phủ Kenya không thích những nội dung trong các bức tranh của anh.
Soi có một cái nhìn rõ ràng về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi. Anh cho rằng sẽ là không đúng khi có cái nhìn tiêu cực về các khoản đầu tư của Trung Quốc, nhưng điều khiến anh khó chịu là tình trạng tham nhũng và sự yếu kém trong quản lý.
“Sự lãnh đạo tồi tệ tồn tại ở châu Phi là điều mà Trung Quốc biết rằng họ có thể đến và tận dụng thành công…. Nhưng hãy đừng quên, chính các nhà lãnh đạo châu Phi đã mời Trung Quốc. Những chính trị gia tham nhũng, những người quan tâm đến các vụ mua lại lớn là những người đã đưa họ đến đây”, Soi nói với tờ The New York Times.
Mối đe dọa của Trung Quốc đối với châu Phi
Khi sự giao dịch của châu Phi với Hoa Kỳ trong tình trạng suy giảm, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi. Vào năm 2017, trong khi giao dịch giữa Hoa Kỳ – châu Phi chỉ khoảng 39 tỷ USD thì giao dịch giữa Trung Quốc – châu Phi là 148 tỷ USD, gấp hơn 3 lần.
“Trong nửa đầu năm 2019, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc với châu Phi là 101,86 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái…. Tổng giá trị đầu tư và xây dựng của Trung Quốc tại châu Phi đã đạt gần 2 nghìn tỷ USD kể từ năm 2005”, kênh CNBC cho biết.
Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự suy giảm trong giao dịch giữa Hoa Kỳ – châu Phi là do nhu cầu năng lượng của Mỹ giảm. Năm 2008, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 99,5 tỷ USD dầu khí từ châu Phi. Nhưng 10 năm sau, vào năm 2018, con số này đã giảm xuống chỉ còn 17,6 tỷ USD.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã nhận thấy sự thay đổi này trong mối quan hệ giữa châu Phi với Hoa Kỳ và Trung Quốc, và hiện đang đề xuất một số dự án để đảo ngược xu hướng và đảm bảo rằng Mỹ tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lục địa này. Ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng có thể khuyến khích sự trỗi dậy của các chính phủ độc tài ở châu Phi, vốn đi ngược lại sự ủng hộ các giá trị dân chủ trong khu vực của Hoa Kỳ.
Theo Vision Times
Băng Thanh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/hoa-si-michael-soi-cua-chau-phi-chi-trich-trung-quoc-bang-tranh-ve.html
Kim Jong Un thị sát pháo binh Triều Tiên
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đích thân tới thị sát và chỉ đạo một cuộc thi của pháo binh nước này.Yonhap trích dẫn bản tin ngày 13/3 của hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) cho hay, pháo binh Triều Tiên đã thi bắn hôm 12/3. Cuộc thi nhằm mục đích “kiểm tra đột xuất và đánh giá có chọn lọc về cách các lực lượng pháo binh của mỗi quân đoàn đang sẵn sàng chiến đấu như thế nào”.
Theo KCNA, ông Kim đã kêu gọi các quân nhân “luôn luôn khắc sâu rằng, chiến tranh hiện đại chính là chiến tranh của các khẩu pháo và việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu của lính pháo binh chính là sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Triều Tiên”. Theo lệnh của ông, mọi khẩu pháo đã khai hỏa và biến mục tiêu thành biển lửa.
Hãng thông tấn Triều Tiên không tiết chính xác địa điểm tổ chức cuộc thi bắn nói trên. Song, theo Yonhap, lãnh đạo Bình Nhưỡng đã hai lần thị sát các vụ bắn thử vũ khí trong tháng này ở các thị trấn Wonsan và Sondok, miền đông Triều Tiên. Đây dường như là một phần trong chuỗi hoạt động diễn tập quân sự mùa đông của nước này.
Seoul đã yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế làm leo thang căng thẳng, nhấn mạnh các cuộc tập trận như trên sẽ không giúp đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Giới chức Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ thử tên lửa hồi năm ngoái, với vụ cuối cùng vào tháng 11. Trong khi đó, các cuộc thương lượng giữa Bình Nhưỡng và Washington hiện lâm vào bế tắc.
Phát biểu tại một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên cuối năm ngoái, ông Kim cho biết không còn cảm thấy bắt buộc phải thực hiện lệnh ngưng thử tên lửa đạn đạo tầm xa và vũ khí hạt nhân do Bình Nhưỡng tự áp đặt nữa. Người đứng đầu Bình Nhưỡng cảnh báo, thế giới sẽ chứng kiến một “vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần.
http://biendong.net/bi-n-nong/33561-kim-jong-un-thi-sat-phao-binh-trieu-tien.html
“Luật nhân quả”
đang đến với giới cầm quyền Bắc Kinh?
Trong lịch sử hiện đại, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã gây ra đau thương cho hầu hết các nước láng giềng để tranh giành lãnh thổ, biển đảo. Gần đây nhất, đối với người dân Việt Nam họ gây ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 làm chết biết bao dân thường và binh sĩ Việt Nam và dùng vũ lực đánh chiếm các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 gây ra cuộc tàn sát đẫm máu cho 64 binh sĩ hải quân Việt Nam trong cuộc đánh chiếm đá Gạc Ma ngày 14/3/1988.Thuyết về luật “nhân quả” chỉ ra rằng, anh gây đau thương chết chóc cho người khác thì anh sẽ phải gánh chịu một hệ quả khắc nhiệt. Giờ đây, sau hai tháng bùng phát dịch viêm phổi virus corona hoành hành ở Trung Quốc đã làm gần 3.000 người Trung Quốc thiệt mạng và những người cầm quyền ở Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc đối phó với dịch bệnh và đang bị hầu như cô lập với thế giới khi hàng chục quốc gia hủy bỏ đường bay tới Trung Quốc.
Nhìn lại thời gian qua, chúng ta thấy từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Bắc Kinh đã đưa ra mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa” đầy tham vọng nhằm đưa Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường dẫn đầu trên mọi lĩnh vực trong thế kỷ 21. Dịch viêm phổi virus corona bùng phát đã làm hao mòn nhiều nguồn lực của Trung Quốc, trở thành thách thức nghiêm trọng đối với tầm nhìn về chính trị, kinh tế tương lai của Chủ tịch Tập Cận Bình và ảnh hưởng tới tham vọng mở rộng ảnh hưởng của quốc gia này.
Một là, tham vọng trở thành siêu cường về kinh tế. Trước khi dịch bệnh do chủng mới virus corona bùng phát, Trung Quốc đang trên đà thực hiện cam kết tăng gấp đôi GDP và thu nhập trong vòng một thập kỷ, đưa đất nước này trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn quyết tâm thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên những lợi thế sẵn có như lao động giá rẻ, đồng nội tệ giảm và hệ thống các nhà máy sản xuất khổng lồ.
Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang đối mặt với bài toán khó, đó là làm sao vừa duy trì cuộc chiến chống Covid-19 lại vừa phải tìm cách khôi phục hoạt động sản xuất. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chịu nhiều sức ép sau hơn 1 năm chiến tranh thương mại với Mỹ, giờ trở nên suy yếu hơn. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 22/2 đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2020 xuống 5,6%, giảm 0,4 điểm % so với đánh giá hồi tháng 1 vừa qua.
Trong lĩnh vực công nghệ, giới lãnh đạo Bắc Kinh coi 5G là ưu tiên cấp quốc gia vì thế nước này đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới cùng dịch vụ mạng 5G trước các quốc gia khác. Sau khi bị nhiều quốc gia tẩy chay do lo sợ lộ lọt thông tin tình báo thì đến nay ngay cả việc đấu thầu cho 6 dự án 5G lớn, tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc (trong đó có Quảng Đông, Giang Tây và Cam Túc…) đã bị trì hoãn kể từ ngày 31/1/2020. Các công ty thiết bị viễn thông và đơn vị khai thác mạng hiện nay đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực lẫn khó khăn về vận chuyển, do biện pháp cách ly và phong tỏa các vùng dịch bệnh.
Hai là, về đối ngoại dịch viêm phổi virus corona cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc, làm xáo trộn quan hệ của Bắc Kinh với thế giới bên ngoài. Giới cầm quyền Bắc Kinh đã phải hủy bỏ nhiều hoạt động đối ngoại tập trung đối phó với dịch, mặt khác nhiều quốc gia thi hành các biện pháp hạn chế giao lưu với Trung Quốc, thậm chí xuất hiện tâm lý tẩy chay Trung Quốc
làm cho Bắc Kinh bị xa lánh ở khắp mọi nơi. Nhìn vào quan hệ giữa Trung Quốc với 2 nước quan trọng nhất là Nga và Mỹ cũng đủ phản ánh sự thực khách quan này.
Những chỉ trích lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề này đã càng làm nổi bật sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin giữa hai nước, đe dọa việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc vừa ký kết, khiến hai nước dễ quay trở lại trạng thái bế tắc ban đầu.
Không chỉ với Mỹ mà quan hệ giữa Trung Quốc với Nga cũng gặp nhiều sóng gió vì dịch viêm phổi. Hôm 20/2, Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với các công dân Trung Quốc. Đây được coi là biện pháp mạnh tay nhất mà nước này thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Trước đó, Nga đã đóng cửa 16 trên tổng số 25 cửa khẩu nằm ở khu vực biên giới giữa hai nước, hoãn cấp visa điện tử cho công dân Trung Quốc, dừng các chuyến bay và chuyến tàu đến và đi tới Trung Quốc. Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng xuất hiện những bất đồng mới, sau khi Trung Quốc quyết định hạn chế nhập khẩu thịt từ Nga, Moscow đã đáp trả bằng cách áp đặt hạn chế đối với một số mặt hàng nông sản của Bắc Kinh.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” vớikế hoạch đầy hoài bão là xây dựng hành lang thương mại kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Đây là “đứa con tinh thần” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này cho tới nay. Theo giới quan sát, việc thực thi sáng kiến này mang lại cho Trung Quốc cơ hội gia tăng ảnh hưởng về địa chính trị, khôi phục sức mạnh xưa trên trường quốc tế, làm Trung Quốc “vĩ đại” trở lại. Trên thực tế, thông qua sáng kiến này Trung Quốc đã từng bước mở rộng ảnh hưởng trên khắp các châu lục, trong đó có việc chiếm lĩnh được các vị trí cảng biển quan trọng.
Tuy nhiên, sáng kiến này đang trở thành “nạn nhân” mới nhất của dịch cúm virus corona. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều quốc gia đã hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc, trong đó có cả những người tham gia các dự án lớn đang được thực hiện theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Chưa hết, do phải huy động các nguồn lực lớn chống lại dịch bệnh, Trung Quốc buộc phải cắt giảm kinh phí cho dự án. Vì thiếu cả nhân lực lẫn vật lực nên Bắc Kinh khó có thể triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” theo đúng kế hoạch.
Dân gian có câu “gieo gió, ắt gặp bão”. Sau khi sử dụng sức mạnh kinh tế tập trung phát triển lực lượng hải quân, đẩy mạnh hoạt động xâm lấn hung hăng với các nước láng giềng ven Biển Đông, Trung Quốc vươn tới các vùng biển ở Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thực hiện tham vọng toàn cầu, Trung Quốc giờ đây đang phải hứng chịu những “cơn bão mạnh” do virus corona gây ra, tàn phá nền kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng mạnh đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. “Cơn bão virus” này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện những tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa” đưa Trung Quốc trở thành “cái rốn” của thế giới nói chung và việc thực hiện mục tiêu cường quốc biển nói riêng.
Trong bối cảnh như vậy mà nhà đương cục Bắc Kinh vẫn tiếp tục có thái độ trịch thượng khi tại Hội nghị An Ninh Munich lần thứ 56 ở Đức và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc bất thường tại Lào, ông Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vẫn ngạo mạn nói rằng “Trung Quốc đang nỗ lực cứu cả thế giới”. Phát biểu của ông Vương Nghị thật nực cười khi chính Trung Quốc là nơi xuất phát của dịch bệnh và làm virus corona lan ra khắp các châu lục, đến nay ít nhất trên 50 quốc gia đã phải gánh chịu hậu quả.
Chính nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bưng bít thông tin khi virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cách đây hơn 2 tháng. Chỉ sau khi bệnh dịch lan rộng, Bắc Kinh mới cung cấp thông tin. Chính sự vô trách nhiệm của những người cầm quyền Bắc Kinh trong công tác phòng chống dịch và cung cấp thông tin nên mới đặt cả thế giới trước nguy cơ dịch bệnh toàn cầu như cảnh báo của WHO.
Những lời nói của ông Vương Nghị tại các hội nghị nói trên càng làm cho thế giới thấy rõ bản chất dối trá của những người cầm quyền ở Bắc Kinh là luôn “đổi trắng, thay đen”, bóp méo sự thật. Chính Trung Quốc hung hăng gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông, song họ lại đổ lỗi cho Mỹ can thiệp gây căng thẳng ở Biển Đông. Trung Quốc cho tàu vào xâm lấn, tiến hành các hoạt động cưỡng ép trong vùng biển của các nước ven Biển Đông, nhưng họ lại đổ lỗi cho các nước gây ra căng thẳng….
Hy vọng thuyết luật “nhân quả” đang đến với giới chức cầm quyền Bắc Kinh sẽ giúp họ thức tỉnh để hành xử có trách nhiệm hơn nếu không người gánh chịu hậu quả lại là những người dân Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/33567-luat-nhan-qua-dang-den-voi-gioi-cam-quyen-bac-kinh.html
Trung Quốc đã cấy ghép phổi
cho bệnh nhân COVID-19 từ thu hoạch cưỡng bức
Minh HòaTheo trang Breitbart của Mỹ, một nhà nghiên cứu đã công bố tài liệu cho thấy chính quyền Trung Quốc đang sử dụng các lá phổi thu hoạch từ những tù nhân lương tâm còn sống để điều trị cho một số bệnh nhân mắc viêm phổi COVID-19.
Ông Matthew Robertson, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản (VOC – Victims of Communism Memorial Foundation), hôm 10/3 đã công bố một báo cáo mới của ông sau gần 10 năm nghiên cứu về hoạt động thu hoạch nội tạng và hành quyết phi pháp ở Trung Quốc.
Trong một sự kiện ngày 10/3 được tổ chức tại Đồi Nghị viện ở thủ đô Washington, ông Robertson đã phiên dịch những tuyên bố bằng tiếng Hoa của ông Yu Ming, người mới được tị nạn ở Mỹ sau khi bị đàn áp ở Trung Quốc. Ông Robertson cho biết ông Yu nói rằng các bác sĩ vô đạo đức ở Trung Quốc đã sử dụng các lá phổi bị thu hoạch cưỡng bức để cấy ghép cho một số người bị nhiễm virus corona.
Ông Robertson xác nhận với Breitbart về tuyên bố của ông Yu: “Chính quyền [Trung Quốc] sẽ nói rằng chúng [các lá phổi được sử dụng cho cấy ghép] là được hiến tặng, nhưng bất kỳ ai cũng có thể đưa ra lập luận hợp lý để phản bác điều đó”.
Trước đó, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin về những ca cấy ghép phổi cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 và thậm chí gợi ý rằng đây có thể là một phương án để cứu chữa cho các bệnh nhân nhiễm loại virus chết người đang hoành hành tại Trung Quốc.
Việc giới chức Trung Quốc tự tin về việc kiếm được những lá phổi khỏe mạnh để cấy ghép cho người mắc COVID-19 đã làm dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc của những nội tạng này, đặc biệt trong bối cảnh đã có nhiều báo cáo cho thấy tình trạng thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.
Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal) năm 2019 đã đưa ra phán quyết kết luận rằng Bắc Kinh là “chính quyền tội phạm” với hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đặc biệt nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.
Mổ cướp nội tạng là có thật
Nhà nghiên cứu Robertson đã dành gần một thập niên để điều tra từ cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Ông Robertson nói với Breitbart News về tình trạng mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc: “Nó là chuyện có thật và không có gì đáng ngạc nhiên”.
Báo cáo của ông có sử dụng các phân tích thống kê cho thấy chính quyền Trung Quốc làm giả dữ liệu đăng ký hiến tạng để biện minh cho số ca cấy ghép cao bất thường ở quốc gia này.
Trong bài báo ngày 13/3 đăng trên National Review, tác giả Marion Smith phân tích rằng tỷ lệ hiến tạng mà Bắc Kinh tuyên bố là “cao một cách đáng ngờ” – tăng từ 34 người vào năm 2010 lên 6.316 người vào năm 2016, và các con số tuân theo một phương trình bậc hai với mức độ tương thích là 99,9%.
Biểu đồ về số người đăng ký hiến tặng nội tạng giai đoạn 2010-2016 do chính quyền Trung Quốc công bố tuân theo một phương trình bậc hai trơn tru một cách phi lý (ảnh chụp màn hình báo cáo của ông Robertson đăng trên https://bmcmedethics.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12910-019-0406-6).
Một điều đáng ngờ nữa là việc Trung Quốc có thể cung cấp nội tạng theo yêu cầu trong thời gian cực nhanh, thậm chí bệnh nhân chỉ cần chờ vài tiếng hoặc vài ngày là tìm thấy nội tạng phù hợp, trong khi ở các nước phương Tây có tỷ lệ hiến tạng cao, bệnh nhân thường phải chờ vài năm.
Ông Smith, hiện là giám đốc VOC, kết luận: “Chỉ có mổ cướp nội tạng từ các tù nhân đã được thu thập thông tin về mẫu máu mới có thể đáp ứng được khoảng thời gian đó”.
‘Tựa như Đức Quốc Xã’
Hôm 10/3, VOC đã tổ chức buổi mít tinh tại trên Đồi Nghị viện Mỹ cùng với Liên minh Quốc tế chấm dứt lạm dụng cấy ghép tại Trung Quốc và Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ.
Trong sự kiện này, Hạ nghị sĩ Chris Smith (thuộc Đảng Cộng hòa, đại diện cho bang New Jersey), đã so sánh hoạt động thu hoạch tạng ở Trung Quốc là điều khủng khiếp ngang với hành vi của Đức Quốc Xã trong Thế chiến II.
Nghị sỹ Smith cho biết: “Đôi khi họ giết nạn nhân ngay từ đầu. Đôi khi các nạn nhân bị tử vong trong quá trình mổ lấy tạng. Thật kinh khủng, hành vi tựa như Đức Quốc Xã…”
Tuy vậy, tội ác này chưa bị phơi bày thích đáng. Ông Robertson viết trong báo cáo được công bố hôm 10/3: “Các chính phủ trên thế giới đã không công khai chất vấn Trung Quốc về nguồn cung cấp nội tạng của họ, các tổ chức y tế và nhân quyền quốc tế cũng đã thất bại trong việc bày tỏ mối quan ngại công khai cho cộng đồng về quy mô của hệ thống cấy ghép tạng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nguồn cung cấp nội tạng thực sự”.
Cuối bài báo hôm 10/3, Breitbart News lưu ý rằng Trung Quốc đã mở rộng việc thu hoạch nội tạng sống ở quy mô công nghiệp từ các học viên Pháp Luân Công sang người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Theo báo cáo năm 2016 của các nhà điều tra Kilgour, Matas và Gutmann, các nhóm nạn nhân khác bao gồm các Phật tử Tây Tạng và các tín đồ Cơ Đốc tại gia.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-da-cay-ghep-phoi-cho-benh-nhan-covid-19-tu-thu-hoach-cuong-buc.html
Trung Quốc đã ‘ứng dụng tư tưởng Mao Trạch Đông’
để đánh bại COVID-19 như thế nào?
Lục DuMặc dù dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, nhưng hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh đã hết lời ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông đã vận dụng sáng tạo ‘chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc’ và phát huy tối đa “tinh thần cách mạng” để đánh bại virus nCoV.
Hầu hết các trường học ở Trung Quốc đã đóng cửa để phòng tránh dịch COVID-19, và học sinh ở nước này đang học thông qua hình thức trực tuyến. Ở tỉnh Giang Tây, học sinh được học trực tuyến thông qua trang jxeduyun.com, và một trong những môn học bắt buộc đối với tất cả các cấp học ở tỉnh này, ngoại trừ hai lớp cuối cấp 2 và cấp 3, là môn “giáo dục văn hóa đỏ”.
“Trong môn học này, giáo viên của chúng cháu đã giải thích cách Mao Chủ tịch và các nhà cách mạng khác dựa vào tinh thần cách mạng mạnh mẽ của họ để vượt qua những khó khăn và nguy hiểm khác nhau trong Cuộc nổi dậy mùa thu”, một nam học sinh nói với Bitter Winter, đề cập tới cuộc nổi dậy do Mao Trạch Đông lãnh đạo tại các tỉnh Hồ Nam và Giang Tây vào ngày 7 tháng 9 năm 1927, sau cuộc nổi dậy này một chính quyền xô viết đã được thành lập tại tỉnh Hồ Nam và tồn tại được hai tháng. Khi cuộc nổi dậy thất bại, Mao Trạch Đông đã đưa binh lính đến Tĩnh Cương Sơn, thuộc dãy núi La tiêu Sơn, ranh giới giữa hai tỉnh Giang Tây và Hồ Nam, để hồi phục và củng cố lực lượng. Kể từ đó, “Tinh thần Tĩnh Cương Sơn” đã được chính quyền Trung Quốc sử dụng để mô tả ý chí cách mạng vượt qua khó khăn.
“Bây giờ chúng cháu cũng nên kế thừa tinh thần ‘Tĩnh Cương Sơn’ để đánh bại nCoV”, cậu bé học sinh nói, và cho biết thêm rằng sau khi được học bài học này, khi đến lớp, một số bạn của cậu đã tỏ rõ sự ngưỡng mộ đối với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một số phụ huynh đã bày tỏ sự phản đối với nội dung giảng dạy như vậy. “Tuyên truyền đỏ của ĐCSTQ gợi nhớ đến việc thần thánh hóa Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa”, một phụ huynh học sinh phàn nàn với Bitter Winter. “Tại sao ông Tập Cận Bình không đến Vũ Hán vào thời điểm tình hình dịch bệnh nặng nhất để dùng tinh thần Tĩnh Cương Sơn mà đánh bại nó? Tuyên truyền kiểu như thế thật là không biết xấu hổ và lố bịch!”.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Tư tưởng Mao Trạch Đông, hay Chủ nghĩa Mao, được chính quyền Trung Quốc quảng bá là “một quả bom nguyên tử tinh thần có sức mạnh vô hạn”, có thể giải quyết mọi khó khăn trên thực tế. Theo đó, tất cả phải ngỡ ngàng trước các kết quả “phi thường” nếu khi làm bất cứ việc gì mọi người đều chiều theo chủ nghĩa Mao, ngay cả đối với các việc như giết mổ lợn hoặc chiến đấu với dịch bệnh.
Nhiều bài báo trên các công cụ tuyên truyền của ĐCSTQ đã cho đăng tải các bài viết ca ngợi chủ nghĩa Mao và giới thiệu cách áp dụng chủ nghĩa Mao vào thực tiễn cuộc sống.
Vào ngày 1 tháng 10 năm 1966, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã cho xuất bản một bài báo với tiêu đề “Ứng dụng tư tưởng Mao Trạch Đông trong việc giết mổ lợn”.
Cũng trên tờ Nhân dân nhật báo, vào ngày 24 tháng 10 năm 1969, đã đăng một bài viết với tiêu đề “Áp dụng tư tưởng Mao Trạch Đông để khai mở một ‘Lĩnh vực không đường đi’ là chữa bệnh câm điếc”.
Sau đó hai năm, vào ngày 10 tháng 8 năm 1971, tờ Nhân dân nhật báo lại cho đăng một bài báo với ý tưởng tương tự, nhưng lần này chủ nghĩa Mao được áp dụng để điều trị bệnh tâm thần, bài báo với tiêu đề nguyên văn: “Áp dụng tư tưởng Mao Trạch Đông để điều trị các bệnh tâm thần”.
Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở Trung Quốc, hai nữ giảng viên tại khoa Chủ nghĩa Mác của trường Đại học Du lịch, một trường đại học thành viên của Đại học Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã viết một bài báo đăng trong một tạp chí học thuật, với tiêu đề “Niềm tin vào chủ nghĩa Mác: Một nội lực để đánh bại sự lây lan của nCoV”.
“Chủ nghĩa Mác là một lực lượng phù trợ cho chiến thắng tuyệt đối trong cuộc chiến chống lại COVID-19”, bài báo khẳng định. “Và đó là một hiện thân nổi bật cho thấy sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Bài báo này đã phải đối mặt với sự chỉ trích và chế nhạo lớn từ cộng đồng mạng Trung Quốc.
Vào tháng Hai, Vụ Khoa học Xã hội của Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phát hành một công văn yêu cầu các trường đại học phải tổ chức giảng dạy một khóa học về lý thuyết chính trị và tư tưởng trong tình hình dịch COVID-19 bùng phát. Các giảng viên được yêu cầu “Khởi động học kỳ mùa xuân 2020 bằng khóa học đầu tiên về lý thuyết chính trị và tư tưởng” và phải “đảm bảo đạt được kết quả như mong muốn”.
Trong khi dịch COVID-19 đang diễn ra, các trường tiểu học và trung học ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tình Giang Tô, đều sử dụng chung một nền tảng dạy và học trực tuyến có tên OECSP bao gồm trong đó một nội dung giáo dục lòng yêu nước thông qua “các bộ phim và câu chuyện đỏ”, tức những bộ phim và câu chuyện được lồng ghép bên trong thông điệp tuyên truyền của ĐSCTQ.
Chính quyền huyện Anping tỉnh Hà Bắc đã ra lệnh cho tất cả các học sinh trong địa bàn phải theo dõi trực tuyến các quan chức đảng địa phương phân tích về lịch sử cách mạng của dân tộc nhằm củng cố thêm quyết tâm và “niềm tin để chiến thắng đại dịch”.
Theo Bitter Winter, ĐCSTQ đã sử dụng bộ máy tuyên truyền của mình để che giấu những sai lầm trong việc phòng chống COVID-19, đổ trách nhiệm làm bùng đại dịch cho những lực lượng khác, bịt miệng những người chỉ trích, nhưng đồng thời ca ngợi sự lãnh đạo của họ. Các nhà phê bình tin rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra mối đe dọa chính trị chưa từng có đối với Tập Cận Bình, tuy nhiên công cụ tuyên truyền lại một lần nữa trở thành cứu tinh của ông Tập.
Mặc dù dịch bệnh chưa kết thúc, nhưng một nhà xuất bản của ĐCSTQ thông báo đã cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề: “Một cuộc chiến chống lại dịch bệnh: Trung Quốc chiến đấu với COVID-19 trong năm 2020”. Theo Bitter Winter nội dung của cuốn sách này chủ yếu tập trung ca ngợi chiến công của Tập Cận Bình và ĐCSTQ trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.
Theo Bitter Winter
Lục Du dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-da-ung-dung-tu-tuong-mao-trach-dong-de-danh-bai-covid-19-nhu-the-nao.html
Người nghèo Trung Quốc ‘lao đao’
vì đại dịch khởi phát từ Vũ Hán
Thiện LanNgười nghèo Trung Quốc đang phải gánh chịu hậu quả do đại dịch virus corona chủng mới (COVID-19) khởi phát từ Vũ Hán gây ra.
Các gia đình thuộc tầng lớp ‘bên lề’ xã hội Trung Quốc phải đối mặt với những áp lực từ các hạn chế đi lại và việc làm khi nguồn thu nhập của họ giảm dần, theo Finalcial Times ngày 15/3.
Ở Picun, một làng lao động nhập cư ở ngoại ô Bắc Kinh, dù có rất nhiều người chờ đợi ở trạm xe buýt, nhưng một người lái taxi bất hợp pháp ở đó khó có thể kiếm được cuốc chạy xe.
“Tôi đã từng kiếm được khoảng 600 đến 800 NDT (từ 86 đến 115 đô la) mỗi ngày, nhưng bây giờ giảm xuống còn 80 đến 100 NDT”, anh tài xế nói với phóng viên của Finalcial Times, trước khi bị một người quản lý giao thông yêu cầu rời đi mà chưa có khách nào.
Dữ liệu cho thấy sự bùng phát của COVID -19 đã lây nhiễm hơn 80.000 người và đang được kiểm soát ở Trung Quốc. Tuy nhiên sau nhiều tháng hạn chế đi lại và công việc, cuộc sống hàng ngày của các gia đình cận nghèo đang phải chịu áp lực rất lớn.
Một phần năm hộ gia đình Trung Quốc có thể sống được 2 – 3 tháng mà không có nguồn thu nhập, trong khi 40% không thể kéo dài tình trạng đó quá 3 tháng, theo kết quả khảo sát 120.000 người do Trung tâm Khảo sát và nghiên cứu tài chính hộ gia đình Trung Quốc ở Thành Đô thực hiện vào tuần trước.
“Chúng tôi không thể nói gì về tác động dịch bệnh lên việc làm là nửa năm, một năm hoặc lâu hơn, nhưng điều chắc chắn là nó sẽ vượt quá khả năng duy trì sinh kế của một vài bộ phận trong xã hội”, giáo sư kinh tế Gan Li, thuộc Đại học Texas A & M, cho biết.
Theo giáo sư Gan, Trung Quốc chi nhiều tiền cho mở rộng đường bộ, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác trên khắp cả nước, nhưng phân bổ ngân sách ít hơn nhiều cho các biện pháp hỗ trợ xã hội như nhà ở giá rẻ, chỉ chiếm khoảng 3% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 12% mà các quốc gia phát triển đạt được.
Việc thiếu các hỗ trợ xã hội ảnh hưởng đáng ngại cho những người lao động không hợp đồng như bà Wu, 50 tuổi, một di dân đến từ Hà Bắc, làm lao công cho một chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.
Bà Wu thường kiếm khoảng 2.000 NDT mỗi tháng nhưng bà đã không được trả tiền kể từ tháng 12. Để trả tiền thuê nhà hàng tháng là 1.000 NDT, bà đã cắt giảm chi phí sinh hoạt của mình để có thể tiết kiệm được chút ít.
Áp lực tài chính gia đình cũng đang đe dọa thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu, đặc biệt là các bậc cha mẹ trẻ, những người có xu hướng ít tiết kiệm hơn so với thế hệ cũ.
Hou Xiaogang, một nhân viên mát xa 35 tuổi sống ở Bắc Kinh, nói rằng dịch bệnh đã khiến cô từ bỏ ước mơ mua nhà mới để tránh phải trả góp 3.000 NDT mỗi tháng.
Những phản ứng từ phía người dân
Sự tức giận vì mất thu nhập và công việc bấp bênh đang bắt đầu sôi sục. Các chủ cửa hàng tuần trước đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ tại ít nhất 6 thành phố, từ vùng công nghiệp phía Đông Bắc Trung Quốc đến trung tâm sản xuất phía Nam Quảng Đông.
Một đoạn video về cuộc biểu tình gần đây ở Thâm Quyến, giáp biên giới Hồng Kông cho thấy các chủ cửa hàng hô hào “miễn tiền thuê mặt bằng” và vẫy các biển hiệu tự chế, ngay cả khi cảnh sát dùng loa phóng thanh để cảnh báo những người biểu tình rằng đám đông lớn có nguy cơ lây lan virus.
Không ngoại lệ, những đối tượng chịu ảnh hưởng từ đại dịch còn gồm những cửa hàng gia đình, các quầy hàng đường phố, các quán ăn nhỏ và các doanh nghiệp nhỏ với 230 triệu nhân công là nhóm đặc biệt dễ tổn thương vì họ ít vốn và khả năng vay thấp.
Theo một báo cáo của Ant Financial thì khu vực kinh doanh nhỏ chiếm khoảng 1/3 lượng tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng giao dịch của các doanh nghiệp nhỏ trong 2 tuần đầu của tháng Hai chỉ bằng một nửa so với năm trước. Số lượng giao dịch tại tỉnh Hồ Bắc, trung tâm khởi phát dịch bệnh virus corona, đã giảm 70% so với cùng kỳ.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm thuế và gia hạn cho vay, nhưng những điều này khó có thể giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp, giáo sư Gan nói.
Theo Finalcial Times
Thiện Lan dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-ngheo-trung-quoc-lao-dao-vi-dai-dich-khoi-phat-tu-vu-han.html
Bất chấp COVID-19,
gần 3.000 binh sĩ Campuchia tập trận lớn với TQ
Campuchia hôm nay 15-3 đã bắt đầu cuộc tập trận Rồng vàng với Trung Quốc. Gần 3.000 binh sĩ, hàng chục trực thăng, xe tăng và xe bọc thép chiến đấu đã được huy động.Đây là cuộc tập trận Rồng vàng thứ 4 giữa Campuchia và Trung Quốc.
Theo báo Khmer Times của Campuchia, cuộc tập trận Rồng vàng 2020 sẽ kéo dài tới đầu tháng 4 tới, với sự tham gia của 265 binh sĩ Trung Quốc và 2.746 lính Campuchia. Khu vực diễn tập có diện tích lên tới 10.000 ha.
Ít nhất 6 trực thăng, 9 xe tăng và 12 xe bọc thép chiến đấu đã được Campuchia huy động cho cuộc tập trận lần này. Phía Trung Quốc cũng chuyển đến Campuchia 6 trực thăng, 9 xe bọc thép và nhiều vũ khí hạng nặng khác.
Một vài trong số này đã có dịp phô diễn trong lễ khai mạc sáng 15-3 tại thao trường Kampot, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 150km về phía tây nam.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Campchia, cuộc tập trận năm nay sẽ tập trung chủ yếu vào chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo.
Những khoa mục thao diễn chủ yếu là rà phá bom mìn, phá hủy các vật liệu chưa nổ hoặc vũ khí hóa học, tác chiến với xe tăng, giải cứu con tin và các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên cùng khẳng định sẽ không hoãn cuộc diễn tập Rồng vàng 2020 bất chấp sự bùng phát của dịch COVID-19.
Thông báo trên được đưa ra tại lễ bàn giao thiết bị y tế bảo hộ chống dịch COVID-19 của Campuchia cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Bộ trưởng Tea Banh khi đó khẳng định Rồng vàng 2020 sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch và sự hợp tác Campuchia – Trung Quốc sẽ còn chủ động và mạnh mẽ hơn nhiều.
http://biendong.net/bi-n-nong/33540-bat-chap-covid-19-gan-3000-binh-si-campuchia-tap-tran-lon-voi-tq.html
Campuchia – Trung Quốc
diễn tập chung ‘Rồng vàng 2020′
Sáng 15/3, Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khởi động diễn tập chung thường niên lần thứ 4 mang tên “Rồng vàng 2020”.Cuộc diễn tập được tổ chức tại thao trường Chumkiri, thuộc Học viện Quân sự Techo Sen Chumkiri, tỉnh Kampot, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 150 km về phía Tây Nam.
Chủ trì lễ khai mạc cuộc diễn tập “Rồng vàng 2020” có Tổng tư lệnh RCAF Vong Pisen, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên. Đại diện Tùy viên quốc phòng một số nước như Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia… tham dự lễ khai mạc trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên, giới truyền thông Campuchia và quốc tế.
Cuộc diễn tập “Rồng vàng 2020” có khoảng 2.200 quân nhân tham gia với chủ đề “Chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo”. Sự kiện này dự kiến diễn ra từ ngày 15 – 30/3.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Campchia, cuộc diễn tập “Rồng vàng” giữa Campuchia và Trung Quốc được tổ chức liên tục trong năm thứ 4 liên tiếp. Cuộc diễn tập đầu tiên diễn ra năm 2016.
Những khoa mục thao diễn chủ yếu trong các cuộc diễn tập năm 2020 gồm rà phá bom mìn, phá hủy các vật liệu chưa nổ hoặc vũ khí hóa học, tác chiến với xe tăng, giải cứu con tin và các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Thông báo cũng nhấn mạnh cuộc diễn tập “Rồng vàng” nhằm tăng cường liên minh giữa quân đội hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố, duy trì hòa bình, hỗ trợ hoạt động cứu trợ khi xảy ra thảm họa và đảm bảo hòa bình – an ninh trong nước và toàn cầu.
Người phát ngôn RCAF, Thiếu tướng Thong Solimo cho biết thêm rằng cuộc diễn tập diễn ra trên khu vực rộng 1.000 ha tại huyện Chum Kiri thuộc tỉnh Kampot. Về phía RCAF sẽ huy động 8 máy bay trực thăng, 44 xe tăng và xe bọc thép chở quân cùng 9 khẩu pháo.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên cùng khẳng định sẽ không hoãn cuộc diễn tập “Rồng vàng 2020” bất chấp sự bùng phát của dịch COVID-19.
Thông báo trên được đưa ra tại lễ bàn giao thiết bị y tế bảo hộ chống dịch COVID-19 của Campuchia cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 2/3.
Bộ trưởng Tea Banh tuyên bố rõ rằng cuộc diễn tập “Rồng vàng 2020” diễn ra theo đúng kế hoạch và sự hợp tác Campuchia – Trung Quốc sẽ còn chủ động và mạnh mẽ hơn nhiều. Ông hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm xử lý được dịch COVID-19.
http://biendong.net/bi-n-nong/33552-campuchia-trung-quoc-dien-tap-chung-rong-vang-2020.html
Báo chí Philippines cảnh báo các nước cần cảnh giác
với việc TQ triển khai tàu nghiên cứu tới Biển Đông
Tờ Globalnation.inquirer của Philippines đã dẫn các phân tích của giới chuyên gia cho biết Trung Quốc gần đây đã triển khai tàu nghiên cứu, mang theo một tàu lặn có người lái đến Biển Đông để thực hiện một nghiên cứu khoa học biển. Đây là động thái được coi là nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp.Theo báo Philippines, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), kênh tin tức chính thức thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đưa tin vào ngày 11/3, tàu nghiên cứu khoa học biển mang tên Tansuo-1 của Trung Quốc, đi thuyền từ tỉnh Hải Nam của Biển Đông cho một nghiên cứu khoa học dưới biển sâu. Con tàu mang theo một tàu lặn có người lái mang tên “Chiến binh biển sâu”, cũng đã thực hiện một cuộc thám hiểm tương tự ở Biển Đông trong những năm gần đây. Nó có thể đạt tới độ sâu 4.500 m hoặc hơn 4 km.
Báo cáo cho biết, với 60 nhà nghiên cứu khoa học trên tàu, chuyến đi kéo dài 20 ngày sẽ hoàn thành việc đo thông số và thu thập mẫu của sinh vật biển, địa chất biển và hải dương học vật lý ở Biển Đông, báo cáo cho biết. Việc triển khai cũng được cho là có ý nghĩa vì nó đánh dấu sự chuyển đổi của cảng biển Nam Hải, từ một cảng hàng hóa thương mại thông thường sang một cảng biển đa chức năng để vận chuyển hàng hóa, nghiên cứu khoa học và bảo trì.
Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cho biết việc sử dụng nghiên cứu khoa học hàng hải của Trung Quốc có nghĩa là để hỗ trợ ngay cả những khẳng định của họ về quyền quá mức và cố gắng phát triển và dự án sức mạnh hàng hải. Vì khu vực hoạt động đã nêu là Biển Đông, điều này sẽ cho phép Trung Quốc ưu tiên các quốc gia khác tiến hành nghiên cứu dưới biển sâu trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc khu vực thềm lục địa của riêng họ, ông nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền quá mức và hết sức phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Biển Tây Philippines, trong đó đề cập đến các vùng biển mà người Philippines tuyên bố chủ quyền. Ngoài Philippines và Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có các yêu sách ở Biển Đông. Trước đây, giới khoa học cũng đã từng chứng kiến việc Trung Quốc đơn phương tiến hành các hoạt động khảo sát mang danh khoa học ngay cả ở vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia duyên hải khác ở Biển Đông và điều này sẽ không dừng lại, chuyên gia Batbacal cảnh báo.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông; thành lập thêm nhiều Viện, Trung tâm, Cơ sở nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau; tăng cường giao lưu học thuật quốc tế về Biển Đông nhằm tìm kiếm các nguồn tài nguyên và “bằng chứng lịch sử” để hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát, thăm dò tài nguyên với các nước không chỉ nhằm cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khu vực biển quốc tế trong đó có Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hoạt động này còn nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cường quốc biển” vào giữa thế kỷ 21. Rõ ràng là, thông qua việc triển khai các phương tiện tham gia, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm được sự gắn kết về chính trị, kinh tế với các nước, mà còn khảo sát được địa hình, địa chất đáy biển phục vụ cho các hoạt động quân sự của nước này, nhất là để xây dựng phương án tác chiến của tàu ngầm và tàu sân bay, thu thập tin tức về bố trí lực lượng của các nước. Ngoài ra, hoạt động hợp tác khảo sát nghiên cứu khoa học biển với các nước còn giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là “cường quốc biển có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và cùng các nước xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”
http://biendong.net/bien-dong/33560-bao-chi-philippines-canh-bao-cac-nuoc-can-canh-giac-voi-viec-tq-trien-khai-tau-nghien-cuu-toi-bien-dong.html
Indonesia quyết định đưa thêm tàu thuyền
đến biển Bắc Natuna để bảo vệ chủ quyền tại EEZ
Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo sẽ điều thêm 30 tàu cá lớn từ bờ biển Java đến biển Bắc Natuna để tăng cường lực lượng bảo vệ chủ quyền Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Vùng biển này thường xuyên xuất hiện tàu cá và hải quân của Trung Quốc do Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp.Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo sẽ điều thêm 30 tàu cá lớn từ bờ biển Java đến biển Bắc Natuna để tăng cường lực lượng bảo vệ EEZ của nước này, trong đó 29 tàu sẽ được triển khai ngay trong ngày 10/3. Những tàu này có trọng tải 100 tấn được thiết kế hoạt động xa bờ. Những tàu này được lực lượng thuộc Cơ quan Hàng hải hỗ trợ và bảo vệ. Cơ quan Hàng hải Indonesia vừa được Chính quyền nước này giao nhiệm vụ quản lý vùng biển Natuna.
Chính quyền Indonesia hôm 1/01 khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một phần tranh chấp trên Biển Đông giữa hai nước là “không có căn cứ pháp lý”. Indonesia đã lên tiếng phản đối tàu tuần duyên Trung Quốc xuất hiện trong EEZ của nước này, ngoài khơi đảo Natuna ở phía Bắc. Chính phủ Indonesia đã kịch liệt phản đối động thái từ Trung Quốc, đồng thời triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Jakarta đến trao đổi. “Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế, lấy lý do ngư dân nước họ từ lâu đã hoạt động trong khu vực, là không có cơ sở pháp lý và chưa từng được thừa nhận bởi UNCLOS 1982”, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển, cho rằng cả Trung Quốc và Indonesia có hoạt động đánh bắt cá “bình thường” trong khu vực.
Indonesia không nằm trong số các bên tranh chấp quần đảo Trường Sa. Mâu thuẫn chủ quyền trên biển giữa hai nước liên quan đến vùng biển ngoài đảo Natuna. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng tái khẳng định nước này không phải bên tranh chấp trong vấn đề Biển Đông, dù đã xảy ra nhiều vụ tàu chấp pháp và tàu cá hai nước đối mặt trên vùng biển thời gian qua. akarta luôn giữ quan điểm rằng mình không phải một bên tranh chấp hay ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng hành động rất cứng rắn trong khu vực tuyên bố EEZ. Việc Trung Quốc ra yêu sách “đường chín đoạn” cũng liên quan đến Indonesia. Năm 2017, Indonesia có động thái đáng chú ý khi đổi tên một vùng biển ngoài khơi Natuna thành “biển Bắc Natuna”, và đây được cho là hành động chọc giận Trung Quốc. Chuyên gia Richard Heydarian cho rằng đã có một sự thay đổi lớn trong chính sách của Indonesia khi công khai bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự trong các vùng tuyên bố chồng lấn vừa qua.
http://biendong.net/bien-dong/33563-indonesia-quyet-dinh-dua-them-tau-thuyen-den-bien-bac-natuna-de-bao-ve-chu-quyen-tai-eez.html
Bị Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt, Indonesia hủy bỏ
thỏa thuận mua vũ khí Nga và Trung Cộng
Chính quyền tổng thống Trump gây sức ép buộc Indonesia từ bỏ các thỏa thuận mua phi cơ chiến đấu do Nga sản xuất và các tàu hải quân Trung Cộng, đây là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn các đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ làm xói mòn ưu thế quân sự của nước này.Tờ Tin Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời một viên chức quen thuộc với sự việc cho biết, Indonesia gần đây đã quyết định hủy bỏ kế hoạch mua 11 phi cơ chiến đấu Sukhoi Su-35 với giá khoảng hơn 1 tỷ Mỹ Kim.
Viên chức này còn cho biết, vào tháng trước, Hoa Kỳ cũng gây áp lực với Indonesia trong việc đàm phán với Trung Cộng để mua một số tàu tuần tra hải quân với giá khoảng 200 triệu Mỹ Kim. Vị viên chức trên cho hay, các thỏa thuận trở nên khập khiễng sau khi các viên chức Hoa Kỳ nói rõ Indonesia có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt vì thỏa thuận với Nga.
Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo cũng lo lắng Hoa Kỳ sẽ có những hành động trừng phạt thương mại nếu Indonesia thỏa thuận với Trung Cộng. Theo thỏa thuận mua bán được công bố vào tháng 8 năm 2017, Indonesia sẽ mua 11 chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 để đổi lấy việc Nga mua hàng hóa của nước này như cao su, dầu cọ thô, cà phê, trà, đồ nội thất và gia vị. Thỏa thuận cuối cùng đã được ký bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu vào tháng 2 năm 2018.
Ông Ly Lyudmila Vorobieva, đại sứ Nga tại Indonesia, phản đối việc Hoa Kỳ gây áp lực đối với các quốc gia có ý định mua thiết bị quân sự của Nga, với mục đích rất rõ ràng là làm cho các quốc gia này từ chối nhận vũ khí từ Nga và chuyển sang Washington. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bi-hoa-ky-de-doa-trung-phat-indonesia-huy-bo-thoa-thuan-mua-vu-khi-nga-va-trung-cong/
Úc đang phải đối mặt
với mối đe dọa gián điệp ‘chưa từng có’
Mike Burgess, Tổng Giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), gần đây tuyên bố rằng nhiều quốc gia đang cố gắng để có được ảnh hưởng ở Úc bằng các hoạt động gián điệp nhắm vào các nhà lập pháp, lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ, học giả và truyền thông nươc này.Các mối đe dọa
“Mức độ đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt từ các hoạt động gián điệp và can thiệp nước ngoài hiện cao chưa từng có… Nó hiện cao hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, ông Burgess nói tại trụ sở của ASIO, theo báo cáo của Reuters. Mặc dù không trực tiếp nêu tên các quốc gia là mối đe dọa đối với Úc, nhưng các chuyên gia tin rằng ông đang nói đến Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2019 của Úc, Nghị viện nước này và 3 đảng chính trị đã bị tấn công mạng. Các báo cáo cho thấy, các quan chức tình báo Úc xác định Trung Quốc chính là thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, chính phủ Úc đã không buộc tội Trung Quốc do mối quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa hai quốc gia.
Trung Quốc về cơ bản là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Nếu Bắc Kinh nổi giận và trả đũa, thì Trung Quốc có thể sẽ cắt giảm nhập khẩu từ Úc. Điều này sẽ mang lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế Úc. Chính yếu tố này khiến chính phủ Úc không bước ra và vạch trần các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Gần đây, các trường đại học Úc đồng ý cung cấp tên các đối tác nghiên cứu ở nước ngoài cũng như các giao dịch tài chính của họ. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan tình báo nắm rõ hơn nơi tập trung các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các trường đại học Úc. Úc cũng đã ban lệnh cấm đối với thiết bị 5G của Huawei và đã từ chối xem xét lại quyết định này.
Gần đây, Chính phủ Úc đã đưa ra đề xuất cho phép Tổ chức Tình báo Úc có quyền thẩm vấn cưỡng bức các gián điệp nước ngoài bị nghi ngờ trong tối đa 24 giờ.
“Theo kế hoạch đang được chính phủ Thủ tướng Scott Morrison thực hiện, quyền thẩm vấn sẽ được mở rộng để áp dụng cho các nhân tố nước ngoài có liên quan – bao gồm các nhà hoạt động tình báo và đặc vụ ngầm – những người bị nghi ngờ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Điều này có thể bao gồm các gián điệp nước ngoài, hoặc các ủy viên của họ, những người đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng và can thiệp vào các cuộc bầu cử”, theo tờ The Sydney Morning Herald.
Tấn công ngân hàng
Trung tâm an ninh mạng Úc (ACSC) đã tiết lộ rằng, các ngân hàng của nước này đang bị một nhóm tin tặc nhắm đến, đe dọa sẽ tấn công từ chối dịch vụ (DoS) – cuộc tấn công nhằm ngăn cản người dùng truy cập tới các website hay các dịch vụ trực tuyến, cho đến khi ngân hàng đáp ứng yêu cầu tiền chuộc của họ.
“ACSC nhận thức được một số tấn công DoS liên quan đến các đe dọa đòi tiền chuộc đối với các tổ chức của Úc, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng… Các lời đe dọa được gửi qua email, và đe dọa người nhận sẽ bị tấn công DoS kéo dài trừ khi họ trả một khoản tiền chuộc qua tiền điện tử Monero”, IT News dẫn thông báo từ ACSC.
Chiến dịch tấn công mạng này được cho là do Silence, một nhóm hacker nói tiếng Nga, thường nhắm vào các tổ chức tài chính và ngân hàng. ACSC chưa thể xác minh liệu nhóm này có thực sự đứng sau các cuộc tấn công hay không. Tuy nhiên, ACSC thừa nhận rằng gần đây họ đã nhận được rất nhiều mối đe dọa tấn công mạng.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33556-uc-dang-phai-doi-mat-voi-moi-de-doa-gian-diep-chua-tung-co.html
0 comments