Tin Biển Đông – 23/03/2020
Đảo Hải Nam :
Tiền đồn quân sự Trung Quốc khống chế Biển Đông
Thu Hằng
Đảo Hải Nam có vị trí chiến lược đối với Trung Quốc trong vùng Biển Đông. Tại thành phố Tam Á, phía nam hòn đảo rộng 34.000 km2, Trung Quốc lập một căn cứ quân sự hùng hậu nhằm cân bằng với sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt phải kể đến đội tầu ngầm (tấn công quy ước và hạt nhân) thuộc Hạm Đội Nam Hải.(Tạp chí phát lần đầu ngày 04/06/2018)
Đảo Hải Nam còn hỗ trợ về mặt hậu cần và quân sự cho các đảo và đá bị Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nằm cách Hải Nam hơn 1.000 km.
Ngoài vai trò chiến lược về mặt quân sự, tháng 04/2018, chủ tịch Trung Quốc nâng tầm của Hải Nam lên một bậc khi quyết định biến hòn đảo thành vùng tự do thương mại. Chưa đầy một tháng sau, chính quyền địa phương đã khởi công ba dự án công nghiệp lớn trong khu vực Hainan Resort Software Community và đưa ra chính sách đãi ngộ nhằm thu hút một triệu tài năng, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Theo chính sách mới, công dân 59 nước được miễn visa du lịch với thời hạn lưu trú tối đa là 30 ngày với điều kiện đặt tour qua các hãng lữ hành.
Nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 300 km, chiến lược thay đổi trên đảo Hải Nam có tác động như thế nào đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như trong chiến lược đòi chủ quyền trên gần toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc ? Ban tiếng Việt đài RFI đã đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, chuyên gia về Trung Quốc, trợ lý giám đốc chương trình châu Á của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations).
T.S. Mathieu Duchatel_Hai Nam
RFI : Đảo Hải Nam có vị trí chiến lược như thế nào đối với miền bắc Việt Nam và trong vùng ?
Mathieu Duchâtel : Đảo Hải Nam dĩ nhiên là có một vị trí chiến lược theo hai hướng. Trước hết, bởi vì đảo là tiền đồn, vừa là của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, đặc biệt là Hải Quân và Không Quân nhằm phô trương sức mạnh Trung Hoa ở Biển Đông, vừa là của lực lượng dân quân, đóng chủ yếu ở bên bờ đông của đảo, giúp Trung Quốc duy trì sự hiện diện quan trọng ở Biển Đông. Chính vì vậy, đảo Hải Nam là một tiền đồn thực sự quan trọng đối với Trung Quốc.
Tiếp theo, yếu tố quan trọng nhất khi chúng ta chú ý một chút đến cách tiếp cận của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh hải, chính là ý đồ răn đe hạt nhân của Trung Quốc vì tại căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin), nằm ở phía nam đảo Hải Nam, có đội tầu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) đang tìm lối ra vùng biển sâu để có thể trú ẩn, xây dựng sức răn đe hạt nhân và khả năng tấn công của Trung Quốc.
Đây là một chi tiết thường ít được nhắc đến khi nói về vấn đề hàng hải ở Đông Nam Á, nhưng đây lại là yếu tố hoàn toàn mang tính quyết định để hiểu được cách tiếp cận của Trung Quốc và những gì mà nước này đang tiến hành, có nghĩa là các công trình xây dựng tiền đồn quân sự trên đảo Phú Lâm, ở quần đảo Hoàng Sa và trên các đá Chữ Thập, đá Xu Bi, đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, vừa để bảo vệ đội tầu ngầm vừa để đảm bảo sự hiện diện hải quân ở trong vùng.
RFI : Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam như thế nào ?
Mathieu Duchâtel : Điều quan trọng đối với tôi chính là đội tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo vì đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với mọi chính sách quốc phòng của Trung Quốc. Điều cần chú ý là Trung Quốc đã đưa ra chương trình trong những năm 1960 và cố đóng được một tầu ngầm tấn công có năng lực đáng tin cậy. Để thực hiện được điều này, yếu tố đầu tiên là tầu phải có khả năng ra khỏi căn cứ mà không bị theo dõi, một cách kín đáo và có thể ẩn trong đại dương, mà không bị tầu ngầm, hoặc máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ phát hiện.
Dù nếu không bị phát hiện, nhưng để có khả năng răn đe hạt nhân một cách tin cậy, tầu ngầm đó phải có khả năng bắn được các tên lửa liên lục địa. Tuy nhiên, về điểm này, Trung Quốc vẫn chưa phát triển được một cách khả quan, ví dụ theo những gì chúng tôi được biết, loại tên lửa JL-2 mà nước này đang phát triển chưa đạt hiệu quả. Còn tên lửa JL-3 thế hệ mới vẫn chưa hoạt động.
Điểm lý thú có thể nhận thấy trong sự năng động này, đó là Trung Quốc có căn cứ quân sự ở phía nam đảo Hải Nam, cùng với nhiều tầu ngầm tấn công, nhưng lại chưa có khả năng răn đe hạt nhân mà nước này vẫn tìm kiếm.
Vì thế, Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng tốc hiện đại hóa. Đây cũng là một cách giải thích cho những hoạt động của Trung Quốc ở phía nam đảo Hải Nam, ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc cần bảo vệ căn cứ hải quân và đội tầu ngầm này để sớm trang bị được khả năng răn đe dưới đại dương, hiện vẫn còn thiếu. Đó là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này giải thích một phần những công trình xây dựng quân sự mà chúng ta thấy được tiến hành với nhịp độ rất nhanh.
RFI : Sự kiện oanh tạc cơ Trung Quốc diễn tập hạ cánh ở đảo Phú Lâm có liên quan đến căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam hay không ?
Mathieu Duchâtel : Tôi cho rằng việc oanh tạc cơ chiến lược hạ cánh trên đảo Phú Lâm mang một ý nghĩa khác. Sự kiện đó mang ý nghĩa răn đe, không phải đối với Hoa Kỳ mà là với các nước trong khu vực đang có tranh chấp với Bắc Kinh, như Việt Nam, Philippines.
Loại oanh tạc cơ H-6K này được truyền thông giới thiệu rất nhiều là một loại oanh tạc cơ nguyên tử, điều này là đúng ! Và có khả năng tấn công đến tận đảo Guam, điều này cũng đúng ! Nhưng tôi không cho rằng Bắc Kinh muốn phô trương khả năng hạt nhân của loại oanh tạc cơ H-6K mà thực ra, muốn chứng tỏ với khu vực rằng Trung Quốc có khả năng tấn công quy ước, ví dụ đến những thực thể ở Trường Sa do các nước khác kiểm soát.
Ngược lại, những hoạt động mà Trung Quốc đang tiến hành ở các đá Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, như lập hệ thống phòng không, chống hạm, đúng là nhằm mục đích bảo vệ đội tầu ngầm hạt nhân và ngăn chặn điều cản trở nhất đối với Trung Quốc, có nghĩa là cách giám sát, chủ yếu là từ phía Mỹ, các hoạt động hàng hải và tầu ngầm mà Trung Quốc luôn tự cho mình là nạn nhân.
RFI : Đảo Hải Nam có vai trò như thế nào trong chiến lược đòi chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực ?
Mathieu Duchâtel : Trung Quốc có một logic là làm chuyện đã rồi về mặt hành chính trong khu vực. Có nghĩa là nói với các nước láng giềng trong khu vực và cộng đồng quốc tế, theo kiểu : « Hãy nhìn đây, tôi thực sự quản lý hành chính vùng này. Khu vực này nằm dưới quyền quản lý hành chính trực tiếp của chúng tôi ! »
Thành phố Tam Á (Sanya) được hình thành theo kiểu đó và là hình ảnh phản chiếu cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Trung Quốc đã quản lý vùng này. Vì vậy, Hải Nam đóng một vai trò quan trọng.
RFI : Khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định biến đảo Hải Nam thành một khu vực tự do thương mại, ông muốn đưa ra chiến lược gì ?
Mathieu Duchâtel : Có một điểm rất quan trọng là tất cả những gì liên quan đến kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, Hải Nam từng là một tỉnh đầu tầu trong chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình. Năm 2018, nhân dịp 30 năm thành lập tỉnh Hải Nam, ông Tập Cận Bình thông báo xây dựng một vùng tự do thương mại hướng đến lĩnh vực biển. Ông thậm chí còn nói là Hải Nam sẽ trở thành viên ngọc trai của Trung Quốc.
Như vậy, ông Tập biến Hải Nam thành biểu tượng của chính sách mở cửa của Trung Quốc và đặc biệt nhấn mạnh vào lĩnh vực du lịch. Hiện Hải Nam có cả một kế hoạch thu hút khách du lịch nước ngoài lưu lại lâu hơn trên đảo, như không cần visa, thời hạn lưu trú dài hơn so với những thành phố khác của Trung Quốc. Người ta nhận thấy có sự tăng tốc trong tiến trình mở cửa ở Hải Nam. Vì là một hòn đảo, Hải Nam không dính với phần còn lại của Trung Hoa lục địa nên có thể dễ dàng thử nghiệm hơn những chính sách theo hướng mở cửa.
Cũng cần chú ý là tất cả những gì liên quan đến kinh tế biển như vận tải hàng hải, chuyên chở container, du lịch biển, đánh bắt hải sản, tất cả những gì liên quan đến sinh vật biển, sử dụng sản vật biển để bào chế thuốc… đang phát triển rất mạnh. Đó là những lĩnh vực mà Trung Quốc chú trọng và đảo Hải Nam đóng một vai trò thực sự quan trọng.
Đây cũng là một thách thức chính trị, cạnh tranh giữa các tỉnh miền nam Trung Quốc, như Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang… để trở thành tỉnh dẫn đầu về ngành kinh tế biển. Ở điểm này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thật sự lựa chọn Hải Nam làm tiền đồn để phát triển một nền kinh tế hướng đến tự do trao đổi nhiều hơn, mở cửa hơn với những chính sách ưu đãi để phục vụ tiến trình quốc tế hóa của đảo. Những chính sách này rất có lợi cho sự phát triển của Hải Nam.
RFI : Du lịch Hải Nam phát triển mạnh có gây tác động đến Việt Nam và các nước khác trong vùng không ?
Mathieu Duchâtel : Có, tôi nghĩ là sẽ có tác động vì Trung Quốc đã phát triển du lịch ở quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm từ Việt Nam và đang quản lý hành chính. Thông qua hình thức du lịch, Trung Quốc tìm cách củng cố quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Dù bận chống dịch,
TQ vẫn không quên việc độc chiếm Biển Đông
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đồng thời là đất nước không có tài nguyên, người Nhật chọn con đường phát triển hòa bình. Trước đó, việc chọn con đường theo tư tưởng phát xít đã làm cho nước Nhật chịu thảm họa, thì khi chọn con đường phát triển hòa bình đã biến nước Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trung Quốc thì ngược lại, khi chọn con đường cải cách mở cửa để phát triển kinh tế thì họ lại đồng thời gây hấn với các nước trong khu vực, tranh chấp đảo với Nhật Bản, xâm chiếm và bồi đắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngang ngược hơn, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, công bố bản đồ có đường chín đoạn chiếm 80% diện tích Biển Đông.
Thực tế trong quá trình phát triển kinh tế, Trung Quốc đã thu hút được đầu tư của nhiều nước phát triển trong đó có Mỹ, Nhật và nhiều nước châu Âu. Các nước đầu tư cả tiền bạc và công nghệ góp phần để Trun Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới, vượt qua cả Nhật Bản.
Tham vọng thay thế Nhật trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới đã thành công, Trung Quốc tiếp tục nuôi mộng thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Nếu Trung Quốc chọn con đường phát triển hòa bình thì chắc chắn Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1. Song Trung Quốc không chỉ có tham vọng về kinh tế mà còn có tham vọng chiếm đoạt, làm chủ Biển Đông, Biển Hoa Đông. Thực tế việc chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa của Việt Nam không giúp cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Họ muốn chiếm trọn Biển Đông, khống chế con đường hàng hải quốc tế quan trọng của thế giới và muốn khẳng định chủ quyền phi lý ở các đảo chìm mà họ bồi đắp thành căn cứ quân sự, tiến tới lập vùng định dạng hàng không. Nghĩa là Trung Quốc buộc các nước phải phụ thuộc vào họ cả trên biển lẫn trên không ở khu vực Biển Đông.
Chính những hành động của Trung Quốc đã làm cho cả thế giới, trước hết là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, … quay lưng, phản đối Trung Quốc và ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, làm choTrung Quốc khó có thể vươn lên thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Khi Trung Quốc đang phải tập trung chống dịch Covid-19, thế gưới chia sẻ và giúp đỡ họ, nhưng Trung Quốc vẫn không quên tìm cách thôn tính Biển Đông. Lợi dụng việc giúp Italia chống dịch, họ đưa hình ảnh đường lưỡi bò vào các sản phẩm viện trợ. Hành động của Trung Quốc là phi nhân tính, không thể chấp nhận. Đây là một minh chứng nữa để khẳng định trong hoàn cảnh nào, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông.
0 comments