Đọc báo Pháp – 31/03/2020
Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn các nền dân chủ
Anh VũĐại dịch virus corona không chỉ làm hàng chục nghìn người chết, hơn 700 nghìn người nhiễm bệnh trong vòng vài tháng qua ở trên khắp hành tinh mà đang làm đảo lộn mọi giá trị, trật tự xã hội cả thế giới. Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng từ y tế, lan sang kinh tế rồi xã hội, chính trị.
Vậy nền dân chủ có liên quan gì đến khủng hoảng Covid-19 ?
Chắc chắn là có. Để lý giải câu hỏi này, nhật báo le Monde có bài « Dân chủ ở châu Âu đang bị thử thách ». Le Monde quan sát thấy, chỉ trong vòng vài tuần trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới, khắp châu Âu liên tiếp các lệnh hạn chế được ban hành : Cấm tụ họp, đi lại phải được phép trong giới hạn, sử dụng tàu lượn để theo dõi, truy tìm những người vi phạm, thu thập dữ liệu định vị cá nhân.
« Tình trạng khẩn cấp y tế được nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tuyên bố đang đặt các quyền tự do cơ bản, cốt lõi của nền dân chủ, trước thử thách khắc nghiệt », tờ báo nhận định.
Các biện pháp cực đoan được sử dụng ở Trung Quốc như huy động công nghệ nhận diện để theo dõi người bị cách ly, giờ đây đang thu hút sự quan tâm ở lục địa châu Âu, vốn vẫn được coi là cái nôi của những giá trị dân chủ. Tờ báo nhận xét, trước một thảm họa các chính phủ phải hành động là điều đương nhiên. Nhưng « chưa bao giờ, trong thời bình, các biện pháp triệt tiêu quyền tự do mới hôm qua còn là điều không thể nghĩ tới, thì giờ được áp dụng trên đất châu Âu một cách nhanh chóng đến như vậy và lại được chấp nhận ».
Theo Le Monde, từ Tây Ban Nha, đến nước Ý, đối mặt với thảm cảnh bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, số người chết tăng lên từng ngày, không một ai phản đối sự hiện diện của quân đội, cảnh sát trong các khu phố hay việc các công ty dịch vụ điện thoại cung cấp dự liệu cho chính quyền về chuyện di chuyển của người dân.
Tương tự ở Anh Quốc, nước vốn tự hào về nền dân chủ nghị viện của mình, nhưng cuối cùng đến ngày 23/03 vừa qua cũng ra lệnh phong tỏa dân cư. Cho đến nay quyết định này hầu như chưa có ý kiến phản đối nào từ dư luận truyền thông cho đến đảng phái chính trị. Ở nhiều nơi, người ta bắt đầu cho sử dụng thiết bị bay để theo dõi những người dạo bộ trong công viên có tuân thủ quy định hay không.
Tại Phần Lan, từ hôm 25/03, chính phủ cho phong tỏa cả một vùng Uusima gần Helsinki. Khoảng 1,7 triệu dân cư trong vòng không được quyền rời khỏi địa phương trước ngày 19/4 vì bất kỳ lý do gì.
Tại Đức, lệnh phong tỏa gần như đã được áp dụng từ hôm 23/03 và đã được tán đồng rộng rãi. Dư luận Đức chỉ nhắc nhở rằng các hạn chế quyền tự do này chỉ chính đáng khi được áp dụng tạm thời.
Le Monde đưa ví dụ ở Hungary, vốn được coi là thành viên ngỗ nghịch của Liên Hiệp Châu Âu về vấn đề dân chủ. Thủ tướng Viktor Orban muốn nhân cơ hội khủng hoảng y tế để luật hóa cho chính phủ được toàn quyền trong mọi lĩnh vực không giới hạn thời gian.
Trong bài xã luận Le Monde khẳng định : Không ai có thể phủ nhận thực tế « tình trạng khẩn cấp y tế » và sự cần thiết của những biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn đại dịch… Đấu tranh chống một đại dịch đang phá hủy đời sống con người và đe dọa hành tinh là một ưu tiên tuyệt đối. Cần phải ủng hộ ngay những biện pháp y tế, cổ vũ thực thi các biện pháp đó và người vi phạm phải bị phạt. Đó là tôn trọng và hỗ trợ cho các nhân viên y tế đang mệt lả trên tuyến đầu chống dịch. Giữa sức khỏe và các quyền tự do, chúng ta không có gì phải lựa chọn. Là mối đe dọa sống còn, Covid-19 đang thách thức nền dân chủ.
« Nước Mỹ trước tiên » và khó khăn trước mặt
Vẫn trên góc độ tác động của đại dịch vào địa chính trị, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Cuộc khủng hoảng y tế đang phơi bày trục trặc vai trò thủ lĩnh của nước Mỹ ».
Theo bài báo, làn sóng djch Covid-19 đang tấn công ồ ạt vào Hoa Kỳ. Nước Mỹ sẽ phải tập trung toàn lực của mình trong những tuần tới để chống dịch. Cuộc khủng hoảng y tế này đang làm nổi rõ đường lối biệt lập mà chính quyền Donald Trump theo đuổi từ 3 năm qua, khiến nước Mỹ rời xa hơn vai trò điều hành trật tự thế giới mà nhờ đó Washington được hưởng lợi chính từ nhiều thập kỷ nay.
Bài báo điểm lại các phản ứng của chính quyền Trump từ đầu dịch đến giờ khi tình hình ngày càng trở nên trầm trọng với nước Mỹ. Có điều dễ thấy là tổng thống Mỹ luôn tỏ từ chối hành động chung trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này. Ngay ở trong nước, Washington cũng tỏ ra chậm trễ khiến các thống đốc bang phải tự hành động trước.
Nhưng theo Le Figaro, sau một thời gian dài cố giảm nhẹ quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch, tổng thống Donald Trump cuối cùng đã phải thay đổi, trước áp lực mối đe dọa của dịch virus corona đã trở nên quá lớn với nước Mỹ. Từ vài ngay qua, người ta đã thấy ông Trump trong cương vị của một tổng thống thời khủng hoảng.
Trong bài xã luận mang tiêu đề « trận chiến đơn độc », Le Figaro nhận xét : Nước Mỹ rộng lớn và cơ cấu liên bang phức tạp đang có nguy cơ khiến dịch lan tràn còn nhanh hơn cả ở những nơi khác. Tờ báo nhấn mạnh « chúng ta đều bình đẳng trước virus corona, là cường quốc kinh tế, quân sự đứng đầu thế giới nhưng nước Mỹ tỏ cho thấy cũng không chuẩn bị tốt hơn so với phần còn lại của thế giới ».
Thậm chí nước Mỹ còn có vẻ hơi yếu vì tổ chức xã hội bất bình đẳng sâu sắc. Hệ thống y tế tư nhân có giá nhất thế giới nhưng nước Mỹ lại có số lượng bệnh viện và bác sĩ tính trên đầu người còn thấp hơn nhiều nước phát triển. Ngoài các bệnh viện tư và phòng thí nghiệm tiên tiến hiện đại, 1/3 dân Mỹ không dám đi khám chữa bệnh vì thiếu tiền.
Vì sao Pháp chậm làm xét nghiệm Covid-19 đại trà ?
Chuyển qua với nhật báo kinh tế Les Echos. Tiêu đề chính của tờ báo : « Xét nghiệm Covid-19 : Cuộc chạy đua với thời gian ».
Les Echos cho biết trước tình trạng thiếu thiết bị xét nghiệm Covid-19 trầm trọng, các hãng công nghiệp đang phải tăng công suất gấp đôi cho dù khả năng sản xuất là không đủ. Hiện tại, Pháp xếp gần chót bảng chỉ có thể làm được hơn 36 nghìn xét nghiệm mỗi ngày, chỉ hơn có Tây Ban Nha làm được mỗi ngày 30 nghìn xét nghiệm. Trong khi đó, nước Đức muốn tăng khả năng năng làm từ 167 nghìn hiện nay lên 200 nghìn xét nghiệm mỗi ngày.
Chính phủ Pháp bắt đầu chủ trương chiến lược tầm soát bệnh đại trà diện rộng. Các phương pháp xét nghiệm máu sẽ được tiến hành.
Trong bối cảnh đó, các công ty công nghệ sinh học tại Pháp đang lao vào cuộc chạy đua sản xuất các thiết bị xét nghiệm. Nhưng Les Echos cho biết, vấn đề là tổ chức sản xuất. Cũng giống như thuốc men, khẩu trang, lĩnh vực công nghiệp chuyên sản xuất thiết bị chẩn đoán bệnh cũng đã được toàn cầu hóa. Thế giới bị phong tỏa đang làm rối loạn chuỗi cung ứng, nhất là các nguyên vật liệu cơ bản giờ hầu như được sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó các nhà máy của các hãng công nghiệp có khả năng chế tạo dụng cụ xét nghiệm thường nằm rải rác khắp thế giới.
Đại dịch Covid-19 : Trong cái rủi vẫn còn có cái may
Đại dịch virus corona đang tàn phá cuộc sống của loài người, đánh quỵ cả các cường quốc kinh tế chủ chốt của thế giới. Nhưng đại dịch cũng tạo ra những hệ quả bất ngờ, ít nhiều tích cực.
Đó là nội dung bài viết « Xung đột, ô nhiễm, tội phạm… những hệ quả bất ngờ của dịch » Covid-19 trên Les Echos. Tờ báo ghi nhận : siêu vi corona mới, vô cùng nhỏ bé nhưng độc hại kinh khủng. Từ nhiều tuần qua, người ta đã thấy nó hoành hành, gây ra làn sóng bệnh nhân ồ ạt đổ vào các bệnh viện trên khắp thế giới. Con virus đó khiến cho hơn 3 tỷ dân bị quản thúc tại gia, hàng nghìn nhà máy ngừng hoạt động và dường như nó đang quyết tâm kéo cả hành tinh vào trong suy sụp kinh tế chưa từng có.
Thế nhưng, trong cái rủi vẫn còn có cái may. Sự xuất hiện Covid-19 đã tạo nên sự đảo lộn đáng ngạc nhiên. Điều mà không có nền ngoại giao, chính trị, công đoàn hay các cuộc biểu tình của dân chúng hay thậm chí cả các cuộc chiến trong nhiều thập kỷ qua có thể làm được. Nhưng virus corona làm được điều đó triệt để, hiệu quả và rất khoa học.
Les Echos điểm lại từ khi có dịch virus corona, ô nhiễm trên toàn cầu giảm một cách ngoạn mục, nhất là ở các nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc, nay đến Mỹ, châu Âu. Hàng thập kỷ nay, có không biết bao nhiêu hội nghị quốc tế, cam kết, quyết định chính trị cũng không làm biến chuyển tình trạng ô nhiễm là bao. Vậy mà giờ đây vào thời dịch bệnh tràn lan, chất lượng không khí ở khắp nơi được cải thiện chưa từng có.
Các cuộc xung đột đẫm máu trên khắp thế giới cũng im tiếng súng, các tranh chấp địa chính trị ở nhũng điểm nóng cũng hạ nhiệt nhanh chóng. Về mặt kinh tế, trước cú sốc mạnh, khắp các quốc gia tư bản chủ nghĩa đã có những hành động chưa từng thấy là Nhà nước rút tiền ra ứng cứu thị trường và sản xuất kinh tế.
Về mặt xã hội, tình trạng tội phạm, trộm cắp giảm hẳn vì lệnh phong tỏa cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát. Biên giới các quốc gia đóng cửa, buôn lậu động vật hoang dã cho đến ma túy cũng phải dừng.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200331-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19-l%C3%A0m-%C4%91%E1%BA%A3o-l%E1%BB%99n-c%C3%A1c-n%E1%BB%81n-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7
Tin tổng hợp
(Le Figaro) – Bình Nhưỡng lại dọa không đối thoại Mỹ.
Bình Nhưỡng tận dụng mọi cơ hội để gây sức ép với Washington. Tuần trước, ngoại trưởng Mỹ mời gọi Bắc Triều Tiên nối lại đàm phán và cùng lúc kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục gây áp lực kinh tế và ngoại giao để Bình Nhưỡng ngưng chế tạo bom hạt nhân. Hãng KCNA, trong bản tin ngày 30/03/2020, trích dẫn một quan chức đặc trách đàm phán tuyên bố nào là Bắc Triều Tiên “đi theo con đường vạch sẵn”, nào là “những lời cường điệu của Pompeo làm chúng ta từ bỏ mọi hy vọng đối thoại với Mỹ”.
(AFP) – Bảo tàng đóng cửa vì Covid-19, kẻ trộm lợi dụng để ăn cắp tranh.
Bảo tàng Singer Laren, cách thành phố Amsterdam chừng 30 cây số, hôm 30/03/2020 thông báo, bức họa Khu vườn mùa xuân tại tu viện Nuenen được danh họa Vincent Van Gogh vẽ năm 1884, đã bị đánh cắp. Đây là một tác phẩm mà chính bảo tàng đã đi mượn và được trưng bày ở lối vào của bảo tàng. Kẻ trộm đã ra tay đúng vào sinh nhật của họa sĩ Van Gogh.
(AFP) – Thế Vận Hội Tokyo 2020 sẽ khai mạc ngày 23/07/2021.
Đó là thông báo của chủ tịch ủy ban tổ chức NhậtYoshiro Mori ngày 30/03/2020. Như vậy là do tình hình đại dịch Covid-19, Thế Vận Hội Tokyo sẽ khai mạc đúng một năm sau ngày dự trù ban đầu, tức là ngày 24/07/2020. Quyết định dời lại sự kiện thể thao này đã được công bố cách đây một tuần.
(AFP) – Vatican : Một hồng y bị nhiễm virus corona.
Ngày 30/03/2020, giáo phận Roma thông báo hồng y Angelo De Donatis, 66 tuổi, người giữ chức giám mục Roma thay quyền giáo hoàng Phanxicô đã được xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh Covid-19. Thứ Bảy 21/03, Tòa Thánh thông báo chính thức có 6 ca nhiễm Covid-19 trong số các nhân viên và cư dân của Vatican, nhấn mạnh là giáo hoàng và những người thân cận nhất không bị lây nhiễm.
(AFP) – Viện bào chế Johnson&Johnson thử nghiệm vác-xin.
Ngày 30/03/2020, hãng dược phẩm Mỹ thông báo đã chọn một loại thuốc vác-xin chống virus corona và sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ nay tới tháng 9/2020, “từ nay tới đầu năm 2021, vác-xin này sẽ sẵn sàng để được dùng trong trường hợp khẩn cấp”.
(AFP) – Hy Lạp kêu gọi chính trị gia tặng lương để chống Covid-19.
Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi các bộ trưởng và dân biểu tặng 50% lương tháng trong mục tiêu chống virus corona. Ngày 31/03/2020, tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, vừa nhậm chức hôm 13/03, đã lập tức hưởng ứng và thông báo sẽ dành một nửa số tiền lương trong hai tháng Tư và tháng Năm để góp sức với toàn dân chống Covid-19.
(AFP) – Covid-19: TT Nga kêu gọi người dân Matxcơva tôn trọng lệnh phong tỏa.
Ông Putin đã đưa ra lời kêu gọi trên vào ngày 30/03/2020 để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19. Không chỉ thủ đô Nga, nhiều vùng khác đã noi theo ban hành lệnh cấm ra đường. Trong tuần qua, tổng thống Nga đã tuyên bố tuần lễ ngưng làm việc từ ngày 28/03 đến 5/04 và khuyên người dân ở nhà. Tối Chủ Nhật 29/03, đô trưởng Matxcơva Sergueï Sobianine đã quyết định giới hạn việc di chuyển của cư dân thủ đô. Nga chính thức có 9 người chết và1.836 ca nhiễm Covid-19, riêng thủ đô có hơn 1.200 ca.
(CNew) – Thiếu niên Bồ Đào Nha 14 tuổi chết vì virus corona.
Nhập viện ngày 29/03/2020, Victor Godinho được xét nghiệm dương tính với siêu vi corona, đã qua đời vào hôm sau. Theo các bác sĩ, cậu bé Bồ Đào Nha này mang bệnh ngoài da Psoriasis, vảy nến, làm giảm sức đề kháng miễn dịch của cơ thể. Tin buồn này gây xúc động đến tận Liên đoàn Bóng đá Quốc gia vì Victor Godinho là cầu thủ thiếu niên có thành tích trong một câu lạc bộ ở Aveiro, tây bắc Bồ Đào Nha.
(Reuters) – Tổng thống Mỹ và Nga đồng ý ổn định thị trường dầu hỏa.
Theo thông báo của điện Kremlin, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại hôm 30/03/2020, hai tổng thống Putin và Trump đã đồng ý cho tổ chức một cuộc gặp giữa lãnh đạo ngành năng lượng hai bên để thảo luận về thị trường dầu hỏa thế giới đang sụp đổ, một mặt do dịch Covid-19 tác hại mạnh đến những ngành tiêu thụ nhiều dầu lửa (hàng không, xe hơi) và mặt khác, do tranh chấp hiện nay giữa Nga và khối OPEP do Ả Rập Xê Út dẫn đầu.
(AFP) – Tổng thống Brazil không có duyên với các mạng xã hội.
Sau Twitter đế, lượt Facebook và Instagram hôm 30/03/2020 xóa video do ông Jair Bolsonaro đăng tải. Nội dung bị xóa cho thấy tổng thống Brazil đi chợ, tiếp xúc với đám đông bất chấp lệnh phong tỏa được ban hành để ngăn ngừa dịch Covid-19. Tương tự như Twitter, Facebook và Instagram cùng cho rằng nội dung của những đoạn video nói trên góp phần “phát tán thông tin sai lệch và làm hại cho nhiều người”.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200331-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 31/3:
Nam Cực ghi nhận
đợt nắng nóng bất thường đầu tiên
Lục DuMục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (31/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Nam Cực ghi nhận đợt nắng nóng bất thường đầu tiên
Các nhà khoa học đã ghi nhận một đợt nắng nóng đầu tiên diễn ra ở Nam Cực, với lo ngại rằng nó sẽ có tác động lâu dài đối với thực vật, động vật và hệ sinh thái ở đây, theo bản tin ngày thứ Ba (31/3) của SBS News.
Nhiệt độ cực đại và cực tiểu đã được ghi nhận từ ngày 23 đến 26/1 tại trạm nghiên cứu Casey ở phía đông Nam Cực. Theo đó, nhiệt độ thấp nhất Casey là trên 0 độ C trong khi mức cao nhất là trên 7,5 độ C. Mức nhiệt cao nhất được ghi nhận tại Casey là 9,2 độ C vào ngày 24/1, cao hơn gần 7 độ C so với mức nhiệt trung bình cao nhất từng ghi nhận tại trạm.
Các nhà khoa học tin rằng thời tiết ấm hơn ở Nam Cực có liên quan đến việc vỡ lỗ thủng tầng ozone vào cuối năm 2019.
Những phát hiện này được công bố trong một nghiên cứu vào thứ Ba trên tạp chí khoa học Global Change Biology.
Một gia đình 17 người ở Anh đều nhiễm virus Vũ Hán
17 thành viên trong một gia đình ở Anh đã cùng bị nhiễm virus Vũ Hán sau khi tham dự một đám tang của một người thân tử vong vì COVID-19, Fox News đưa tin hôm thứ Hai (30/3).
Bà Sheila Brooks, 86 tuổi, đã qua đời vào đầu tháng trước vì virus Vũ Hán, một thời gian sau một cháu gái 65 tuổi của bà Sheila tên là Susan Nelson cũng qua đời. Sau đó thì 16 thành viên khác trong gia đình đều cho kết quả dương tình với nCoV.
“Bà chết vào tháng Hai, chúng tôi đã có rất nhiều người nhiễm virus, tôi nghĩ chỉ có thể là nhiễm từ đám tang đó. Hiện tại chúng tôi có một thành viên khác trong gia đình ở trong bệnh viện mà có lẽ sẽ khó qua khỏi”, con gái của bà Nelson nói với South West News Service.
Mỹ gặp khó khi tìm hiểu Covid-19 tại 4 nước, trong đó có Trung Quốc
Trong khi các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ tìm cách lắp ráp một bức tranh chính xác về sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán của thế giới, họ phát hiện những lỗ hổng thông tin lớn về tình hình dịch bệnh của Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, các nguồn thạo tin nói với Reuters.
Các cơ quan gián điệp Hoa Kỳ đánh giá 4 quốc gia này là “những mục tiêu khó” vì lực lượng cầm quyền ở đó luôn tìm cách che giấu thông tin thực sự, ngay cả trong điều kiện không có dịch bệnh.
Một chuyên gia nói rằng, những dữ liệu về tình hình dịch Covid-19 ở 4 quốc gia này đóng vai trò rất quan trọng, nó có thể giúp Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch tới sinh mệnh con người và kinh tế.
“Chúng tôi muốn có thông tin chính xác nhất, theo giời gian thực về tình hình dịch bệnh tại các điểm nóng trên toàn cầu, và những nơi mà đại dịch đang tấn công”, Jeremy Konyndyk, một chuyên gia tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, lãnh đạo của Văn phòng Hỗ trợ Thảm họa Nước ngoài của Hoa Kỳ từ năm 2013 đến năm 2017 nói. “Thế giới sẽ không thoát khỏi đại dịch cho đến khi chúng ta đẩy lùi nó ở mọi nơi”.
Mỹ: Vi phạm lệnh chống Covid-19, một mục sư bị bắt
Cảnh sát tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, đã bắt giữ một mục sư nhà thờ sau khi vị mục sư này cho tổ chức hai buổi lễ vào ngày Chủ nhật (29/3) với hàng trăm người tham dự, vi phạm yêu cầu hạn chế tập trung đông người để tránh lây lan virus Vũ Hán, theo AP.
Theo hồ sơ của nhà tù, mục sư Rodney Howard-Browne đã tự mình đến trình diện chính quyền vào chiều thứ Hai (30/3) tại Hạt Hernando, nơi ông sinh sống.
Ông Rodney bị buộc tội tụ tập bất hợp pháp và vi phạm mệnh lệnh khẩn cấp về y tế cộng đồng. Ông Rodney bị yêu cầu nộp phạt 500 USD, theo trang web của nhà tù, và ông đã được thả ra sau khi nộp tiền phạt.
Số người chết tăng lại, Ý nới thêm thời gian phong tỏa
Chính phủ Ý, hôm thứ Hai (30/3), đã gia hạn thêm thời gian phong tỏa đất nước lên đến “ít nhất” vào giữa tháng Tư để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán đã cướp đi sinh mạng của 11.739 người ở nước này, theo AFP.
Số người chết vì virus Vũ Hán ở Ý đã giảm đáng kể hai ngày liên tiếp nhưng lại tăng lại vào ngày thứ Hai với thêm 812 người chết, tuy nhiên số người nhiễm mới nCoV ở nước này tiếp tục cho thấy đà giảm dần.
Cụ thể, theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng ngày 31/3 (giờ Việt Nam), Ý có 101.739 người nhiễm virus Vũ Hán, tăng 4.050 ca nhiễm mới, mặc dù vậy số ca nhiễm mới vào ngày thứ Hai thấp hơn 5.217 ca nhiễm mới thống kê hôm Chủ nhật, tiếp tục xu hướng giảm tính từ thứ Tư tuần trước.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói rằng các biện pháp phong tỏa đi lại của người dân sẽ được nới lỏng từ từ để đảm bảo giữ được những thành quả chống dịch trong thời gian qua.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-31-3-nam-cuc-ghi-nhan-dot-nang-nong-bat-thuong-dau-tien.html
Điểm tin thế giới chiều 31/3:
Quan chức WHO
cảnh báo dịch Covid-19 ở châu Á còn kéo dài
Hải LamMục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (31/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Quan chức WHO cảnh báo dịch Covid-19 ở châu Á còn kéo dài
Ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay cảnh báo đại dịch Covid-19 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương “còn lâu mới hết” và các biện pháp hạn chế sự lây lan của virus hiện tại đang giúp các quốc gia có thêm thời gian chuẩn bị cho đợt lây lan quy mô lớn trong cộng đồng.
“Tôi xin được trình bày rõ, dịch bệnh ở châu Á – Thái Bình Dương còn lâu mới hết. Đây sẽ là trận chiến dài hạn và chúng ta không được mất cảnh giác. Chúng tôi cần mọi quốc gia chuẩn bị cho việc lây lan quy mô lớn trong cộng đồng”, Reuters dẫn phát biểu của ông Kasai trong cuộc họp báo trực tuyến.
Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cho biết thêm, ngay cả đã áp dụng tất cả biện pháp, nguy cơ lây nhiễm trong khu vực sẽ không biến mất nếu đại dịch vẫn còn đó. Ông lưu ý, hiện tâm dịch đang ở châu Âu, nhưng nó có thể sẽ chuyển sang các khu vực khác.
Mỹ dẫn đầu thế giới về xét nghiệm Covid-19 với hơn 1 triệu ca
Tổng thống Trump hôm 30/3 phát biểu tại Nhà Trắng rằng, Mỹ đã xét nghiệm nCov cho hơn 1 triệu người, đồng thời ông giới thiệu bộ xét nghiệm mới cho kết quả chỉ trong 5 phút. Tổng thống cho rằng, 1 triệu ca xét nghiệm là một dấu mốc lớn trong cuộc chiến chống lại virus corona.
NTD cho hay, Mỹ đã vượt qua Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu khác để trở thành nước đi đầu trong xét nghiệm sàng lọc virus Vũ Hán, Trung Quốc. Nhà Trắng tiết lộ rằng 90% các ca xét nghiệm tại Mỹ hiện nay do các phòng thí nghiệm tư nhân tiến hành.
Đài Loan sẽ thực hiện cách ly xã hội
Reuters đưa tin, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih Chung) hôm nay thông báo, hòn đảo sẽ đưa ra các biện pháp cách ly xã hội để giúp kiểm soát dịch viêm phổi Vũ Hán, song sẽ không xử phạt những ai vi phạm.
Ông Trần cho biết, các biện pháp cách ly xã hội yêu cầu mọi người trong không gian công cộng duy trì khoảng cách 1 mét với người khác nếu ở bên ngoài và 1,5 mét nếu ở trong không gian kín hơn.
Nếu điều này là không thể, ví dụ như trong các ga tàu đông đúc, thì mọi người phải đảm bảo việc đeo khẩu trang. Ông Trần nói thêm, thông tin chi tiết sẽ được công bố vào ngày 1/4.
Trung Quốc lùi lịch thi đại học
Reuters dẫn tin từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết, nước này sẽ hoãn kỳ thi tuyển sinh đại học một tháng, khi số ca nhiễm virus Vũ Hán “ngoại nhập” tiếp tục được ghi nhận, làm tăng mối lo về làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Theo lịch mới, kỳ thi đại học của Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 7/7 – 8/7. Tỉnh Hồ Bắc và thủ đô Bắc Kinh được phép tự cân nhắc lịch thi đại học.
Quyết định lùi kỳ thi quan trọng của khoảng 10 triệu thí sinh là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn để đưa nhịp sống trở lại bình thường sau một thời gian áp lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát dịch viêm phổi Vũ Hán.
Iran: Tạm dừng xuất khẩu dầu khí sang Thổ Nhĩ Kỳ vì đường dẫn bị tấn công
Ông Mehdi Jamshidi-Dana, giám đốc công ty Khí đốt Quốc gia Iran (NIGC) hôm nay nói với đài truyền hình nhà nước rằng, việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Thổ Nhĩ Kỳ phải tạm dừng vì bị những kẻ khủng bố tấn công.
“Sáng nay, những kẻ khủng bố đã tấn công một đường ống khí đốt tự nhiên ởThổ Nhĩ Kỳ, gần Bazargan, biên giới Iran – Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đây, đường ống từng bị nổ nhiều lần. Cũng có khả năng nhóm PKK đã thực hiện vụ tấn công”, ông Mehdi Jamshidi-Dana nói với hãng thông tấn IRNA, đề cập đến Đảng Công nhân người Kurd ngoài vòng pháp luật.
IRNA cho biết, thông thường phải mất từ 3 – 4 ngày để sửa chữa mới có thể tiếp tục việc xuất khẩu.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-31-3-quan-chuc-who-canh-bao-dich-covid-19-o-chau-a-con-keo-dai.html
Tạp chí kinh tế
Trang thiết bị y tế,
Trung Quốc khởi động lại cỗ máy xuất khẩu
Thanh HàTrang thiết bị y tế là chìa khóa cho phép ngành xuất khẩu Trung Quốc bật dậy sau giấc ngủ đông virus corona. Chính quyền của ông Tập Cận Bình chứng minh rằng thế giới vấn « nghiện » hàng Trung Quốc. Trên đây là phân tích của chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp.
Vào lúc Âu Mỹ khốn khổ vì thiếu khẩu trang và máy trợ thở, truyền thông tại Bắc Kinh rầm rộ đưa tin những chuyến máy bay chở đầy ắp hàng made in China đã đáp xuống các phi trường quốc tế. Đấy là những kiện hàng chính quyền Trung Quốc « gửi tặng », của hãng điện thoại Xiaomi hay của nhà tỷ phú chủ nhân Alibaba, của một giáo hội công giáo nào đó ở Trung Quốc gửi tới nhằm giảm bớt áp lực virus corona gây nên.
Ý, Pháp, Tây Ban Nha cùng nhiều nước đông Âu đã nhận khẩu trang sản xuất từ Trung Quốc. Nhà tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, ông chủ Alibaba tặng không cho Hoa Kỳ một triệu khẩu trang made in China mà không thấy chính quyền Trump phản đối vì « cạnh tranh bất bình đẳng ».
Ngày 12/03/2020, chuyến bay đầu tiên từ Tứ Xuyên đáp xuống Roma với khoảng một chục bác sĩ và y tá. Cùng với kinh nghiệm dập dịch tại Hồ Bắc còn có cả 2 triệu khẩu trang y tế bình thường, 100.000 khẩu trang cao cấp, 50.000 kit xét nghiệm, và 1.000 máy hô hấp. Trước đó một tuần lễ, hãng điện thoại Xiaomi trên Facebook thông báo gửi vài chục ngàn khẩu trang sang Ý để cảm ơn nước này đã mở rộng vòng tay cho Xiaomi vào Ý hoạt động.
Với Paris, Bắc Kinh cũng đã có cử chỉ hào phóng tương tự. Tân Hoa Xã đưa tin ngày 18/03/2020 Trung Quốc gửi tặng Pháp 1 triệu khẩu trang, nhưng không thấy nhắc lại rằng trước đó đúng một tháng Pháp
đã chuyển 17 tấn trang thiết bị y tế đến Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng không nhắc tới 55 tấn hàng mà Liên Âu đã gửi sang quốc gia châu Á này. Rất nhiều quốc gia khác, từ Iran đến Philippines hay Ba Lan đều mang ơn Bắc Kinh khi nhận được tiếp tế vài chục ngàn khẩu trang.
Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation pour la Recherche Stratégique) nhấn mạnh, các cử chỉ hào phóng đó của Bắc Kinh trước hết bao hàm một ý nghĩa chính trị rất lớn. Trung Quốc tìm cách xóa tội đã ỉm thông tin về tầm mức nguy hiểm của virus corona chủng mới, để rồi, cả thế giới rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình muốn ghi một bàn thắng quan trọng với công luận trong nước rằng Trung Quốc không chỉ giúp đỡ các nước chậm phát triển, mà ngay cả những nền công nghiệp hàng đầu của thế giới, như Ý hay Pháp trong câu lạc bộ G7 cũng phải chịu ơn Bắc Kinh.
Dù vậy giới quan sát đặt nhiều nghi vấn về lòng tốt của Trung Quốc. Trên báo L’Obs (ngày 27/03/2020) nhà Trung Quốc học Stéphane Corcuff, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Lyon nêu thẳng vấn đề : những lô hàng của Trung Quốc chở sang châu Âu là hàng biếu hay là hàng xuất khẩu ? Về điểm này chuyên gia Antoine Bondaz trả lời :
“Có hai loại hàng được chuyển đến châu Âu : hàng tặng không và hàng xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc hay các quỹ từ thiện, các nhà mạnh thường quân Trung Quốc tặng không cho châu Âu khẩu trang. Nhưng đại đa số còn lại là hàng Trung Quốc bán cho châu Âu. Madrid đặt mua hơn 500 triệu khẩu trang y tế, 1.000 máy trợ thở. Đây là một thương vụ xuất nhập khẩu bình thường, nhưng lại rất quan trọng ở hai điểm.
Thứ nhất châu Âu đang có nhu cầu rất lớn về trang thiết bị y tế, về quần áo bảo hộ, về khẩu trang và máy hô hấp… Châu Âu không có khả năng đáp ứng nhu cầu đó thành thử ra Trung Quốc lợi dụng thời cơ mở rộng thị phần. Cuối tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc sản xuất trung bình 20 triệu khẩu trang một ngày, giờ đây công suất đạt 120 triệu.
Điểm thứ nhì cần lưu ý là Trung Quốc bắt buộc phải khởi động lại cỗ máy xuất khẩu. Giờ đây nhu cầu lớn nhất tập trung vào trang thiết bị y tế. Hơn thế nữa, khủng hoảng y tế lần này là một cơ hội đối với các tập đoàn Trung Quốc. Thí dụ, Alibaba đề nghị một phương pháp đọc ảnh X quang qua đó giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Hoa Vi thì đã tăng tốc các dịch vụ internet cho phép ngày càng nhiều các công ty trên thế giới hội họp qua video”.
Nói cách khác, Trung Quốc không chỉ tập trung vào việc may khẩu trang y tế, hay cung cấp quần áo bảo hộ mà còn đang chứng minh thế thượng phong của các doanh nghiệp nước này trong lĩnh vực công nghệ cao phục vụ cho y tế.
Một điểm khác nữa Antoine Bondaz, thuộc quỹ FRS của Pháp, đã nêu với RFI Việt ngữ đó là với dịch Covid-19 lần này, Bắc Kinh còn đang tìm cách quảng bá với phương Tây ngành y học cổ truyền Trung Quốc, Ông lưu ý : “đừng quên rằng dược phẩm đông y chiếm một phần quan trọng trong ngành công nghệ bào chế thuốc của nước này (…) Sau khi đã chinh phục nhiều nước Đông Nam Á , Bắc Kinh muốn từng bước thâm nhập vào châu Âu”.
Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới
Điều không thể chối cãi là trong chưa đầy mười tuần, Bắc Kinh đã đảo ngược thế cờ. Cuối tháng 2, “khả năng sản xuất tăng thêm 450%” như báo Libération (ngày 20/03/2020) ghi nhận. Trang mạng của bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận : “Trung Quốc cung cấp đến 95% khẩu trang y tế loại được sử dụng trong các phòng mổ và 60 % khẩu trang thông dụng cho thế giới”. Đâu là phép lạ cho phép Trung Quốc kiểm soát gần hết khẩu trang của thế giới ? Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích :
“Từ cuối tháng Giêng, Bắc Kinh đã huy động tất cả các cơ quan chính phủ, từ cấp Đảng đến các bộ, các công ty nhà nước để nâng cao khả năng sản xuất khẩu trang. Đúng là vào thời điểm đó và kể cả một hay hai tuần lễ đầu tháng 2, Trung Quốc thiếu khẩu trang y tế trầm trọng và phải nhập của châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu cũng đã gửi 55 tấn hàng sang giúp Trung Quốc. Nhưng trong hai tháng qua, Bắc Kinh đã tạo tất cả điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để khắc phục thiếu sót đó và Trung Quốc đã vượt qua được khó khăn này.
Điểm thứ ba nữa là ngay cả các tập đoàn trong những lĩnh vực khác cũng chuyển hướng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế. Từ thời điểm đó, Bắc Kinh huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu nội địa, và kế tới là hướng tới xuất khẩu. Tập đoàn BYD trong ngành xe hơi chuyển sang sản xuất 5 triệu khẩu trang y tế một ngày. Trong khi đó tại Pháp, phải vất vả lắm mới có được 1 triệu khẩu trang một ngày”.
Trong lúc trên toàn nước Pháp có bốn nhà cung cấp khẩu trang, thì tại Trung Quốc giờ đây đang có trên 3.000 hãng xưởng lao vào cuộc. Ngoài hãng xe BYD như Antoine Bondaz vừa nêu, tập đoàn hóa dầu China Petroleum and Chemical Corporation đã đầu tư 25 triệu euro chỉ để sản xuất khẩu trang y tế.
Để đối phó với đại dịch, các chính phủ từ Anh tới Mỹ và của Liên Âu “tổng động viên” khu vực sản xuất tiếp tay với những chiến sĩ áo trắng đang trên tuyến đầu. Theo quan điểm của chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, đây là thời điểm để châu Âu định nghĩa lại về chính sách công nghiệp, xét lại xem rằng y tế có thuộc phạm trù “chiến lược hay không”.
“Điểm then chốt ở đây đã được thể hiện rất rõ qua khủng hoảng lần này, đó là mức độ lệ thuộc của dây chuyền cung ứng và sản xuất tại châu Âu vào Trung Quốc. Châu Âu thừa nhân công để cũng có thể may hàng chục triệu khẩu trang như Trung Quốc nhưng đôi khi không có đủ nguyên liệu, không đủ máy may… Đó là điều châu Âu bắt buộc phải rà soát lại, phải xác định đâu là những lĩnh vực “chiến lược”, y tế có nằm trong danh sách đó hay không. Thậm chí câu hỏi này còn liên quan luôn cả đến chủ quyền quốc gia nữa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là dẹp bỏ mô hình kinh tế toàn cầu”.
Chuyên gia Pháp kết luận : Covid-19 đang cho phép ông Tập Cận Bình làm sống lại dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 tưởng chừng bị virus corona hạ gục. Trong cuộc điện đàm hôm 16/03/2020 với thủ tướng Ý Giuseppe Conte, nguyên thủ Trung Quốc đã đề cập tới khả năng Roma và Bắc Kinh cùng nhau xây dựng một “Con Đường Tơ Lụa Y Tế”.
http://www.rfi.fr/vi/kinh-t%E1%BA%BF/20200331-trang-thi%E1%BA%BFt-b%E1%BB%8B-y-t%E1%BA%BF-trung-qu%E1%BB%91c-kh%E1%BB%9Fi-%C4%91%E1%BB%99ng-l%E1%BA%A1i-c%E1%BB%97-m%C3%A1y-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u
Tạp chí Việt Nam
Việt Nam, Malaysia, Philippines:
Gác tranh chấp, chống Trung Quốc ở Biển Đông?
Thu HằngBiển Đông như cái ao nhà để Trung Quốc thỏa thích vùng vẫy. Tầu Hải Dương Địa Chất 8 quần thảo trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt hơn ba tháng và mới chỉ rút khỏi khu vực ngày 24/10/2019. Malaysia bị Trung Quốc đe dọa ở thềm lục địa trong dự án dầu khí. Tầu Trung Quốc ngang nhiên đi vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền từ suốt tháng 2 đến tháng 7/2019. (Tạp chí phát lần đầu ngày 28/10/2019)
Hành vi cậy lớn ăn hiếp bé của Trung Quốc bị phó tổng thống Mỹ Mike Pence lên án trong bài phát biểu bao quát về quan hệ Mỹ-Trung ngày 24/10 tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington : Dùng đội tầu “dân quân biển” để thường xuyên hăm dọa thủy thủ, ngư dân Philippines và Malaysia ; dùng hải cảnh để quấy nhiễu Việt Nam thăm dò dầu khí ngay trong vùng biển của chính Việt Nam.
Điều đáng tiếc là ba nước bị Trung Quốc ức hiếp chỉ biết phản đối, bám sát theo dõi hoạt động của tầu thuyền của Trung Quốc do quá chênh lệch về tiềm lực quân sự. Đơn lẻ không làm nên chuyện, tại sao chưa bao giờ Việt Nam, Philippines và Malaysia ngồi lại với nhau, bàn về bất đồng chủ quyền của ba nước để có thể hợp lực chống Trung Quốc ?
Đây là một trong số những thắc mắc được giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), gợi lên khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.
RFI : Từ nhiều năm gần đây, Biển Đông trở thành một điểm nóng. Xin ông giải thích tại sao ?
Benoît de Tréglodé : Trước tiên, tôi nghĩ rằng bước ngoặt quan trọng rõ nét là vào đầu những năm 1990, sau khi nhiều nước Đông Nam Á ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (tại Montego Bay, Jamaica). Sự kiện này đã giúp họ khám phá lại muôn mặt hàng hải, hay nói chung là biển cả, trong toàn khu vực. Chính Công ước này cũng khiến các nước trong vùng ý thức được rằng chủ quyền trong vùng Đông Nam Á liên quan chặt chẽ với tương lai sở hữu biển của họ.
Đây là điểm mới vì chúng ta vẫn thường quên rằng cho đến những năm 1980, biển cả vẫn là vấn đề gì đó khá xa vời. Lấy ví dụ trường hợp Việt Nam, họ không hẳn có truyền thống hàng hải. Ngành đánh bắt cá là mối liên hệ thực sự giữa biển và đất liền. Còn thực ra, khái niệm “không gian biển” thì sau này mới có.
Có thể nói việc ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là một bước ngoặt đáng chú ý. Về mặt địa-chính trị, dĩ nhiên là có nhiều thay đổi, biến động trong vùng, dẫn đến việc Trung Quốc gia tăng hoạt
động, hiện diện và ảnh hưởng trong vùng mà họ coi là vùng “ảnh hưởng trực tiếp”, vùng “vành đai”, “phạm vi” của họ.
Song song đó, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, đã diễn ra sự phân chia lại vị trí của Mỹ, cũng như của các đồng minh quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Tất cả những yếu tố này đã tạo ra một chỗ trống nhất định, làm suy yếu 50 năm quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, đồng thời cũng cho thấy rõ lĩnh vực hàng hải trở thành một vấn đề đối đầu giữa các nước trong khu vực
RFI : Một bài báo của Trung Quốc so sánh Biển Đông như vùng Vịnh, nơi có nguồn tài nguyên giầu có, vì vậy, phải xuống sâu hơn, và họ đã xuống tận Bãi Tư Chính (Vanguard Bank). Chiến lược của kiểu truyền thông này là gì ?
Benoît de Tréglodé : Phải trở lại quá khứ, dù mới đây thôi, chúng ta đừng quên là vào những năm 1970 đến 1974, Trung Quốc của Mao Trạch Đông tái chiếm hoặc chiếm các đảo và đá ở Hoàng Sa từ tay quân đội miền nam Việt Nam, bất chấp sự phản đối của chính quyền Cộng Sản Việt Nam kể từ năm 1975. Đây có thể là một “sự đã rồi” !
Ngay từ những năm 1970, Việt Nam chợt tỉnh ra rằng Trung Quốc có nguy cơ làm tương tự đối với quần đảo Trường Sa. Họ tự nhủ : Chính chúng ta phải tiến quân cờ ! Chính chúng ta phải chiếm một số thực thể ở Trường Sa ! Và Việt Nam bắt đầu kiểm soát quân sự một số đảo từ những năm 1970-1980. Phía Trung Quốc mất đến 10 năm để phản ứng, cho đến khi xảy ra vụ Trung Quốc xâm chiếm Gạc Ma năm 1988 để quay lại hiện diện trong quần đảo Trường Sa. Có nghĩa là Trung Quốc đến sau.
Sau hàng loạt sự kiện xảy ra ở Biển Đông thì dẫn đến các vấn đề về quyền, các quyền pháp lý. Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng dẫn đến vấn đề chồng chéo các vùng đặc quyền kinh tế giữa các nước khiếu nại, cụ thể là năm nước đều đòi chủ quyền đối một phần hoặc toàn bộ Biển Đông (Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei), cộng thêm Đài Loan.
Công ước UNCLOS không xóa được các tranh chấp hàng hải và chủ quyền chồng chéo và khiến quan hệ song phương, quan hệ giữa các nước trở nên phức tạp hơn trong những năm 2000. Những chuyện không xảy ra trong những năm 1980 thì xảy ra trong những năm 2000 bởi vì ý thức đòi chủ quyền đã thực sự trỗi dậy.
Ngoài ra, còn phải chú ý đến xã hội hiện nay, nổi bật với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong những năm 2000-2010. Một tầng lớp trung lưu xuất hiện, năng động hơn, quan tâm đến chất lượng cuộc sống, và bớt để chính quyền dễ dàng giật dây. Vì thế, những chế độ chuyên quyền hiểu ra rằng họ cũng cần đến những động lực mới để huy động dân. Do vậy, lòng yêu nước, vấn đề hàng hải trở thành công cụ vô cùng lợi hại cho các nước và các chính quyền để huy động nhân dân, đôi khi cũng khá kích động và cần tự do hơn.
RFI : Trước mối đe dọa của Trung Quốc, khối ASEAN không tìm được tiếng nói chung. Theo ông, liệu các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines có tìm được điểm chung để đối phó với đà tiến của Trung Quốc ?
Benoît de Tréglodé : Trước tiên, có một điểm đã thay đổi, bởi vì trong thập niên 1980, Trung Quốc luôn quảng bá về những vùng phát triển và khai thác chung, nhấn mạnh hợp tác chung với các nước Đông Nam Á trong những vùng tranh chấp. Đối với Việt Nam, Philippines và Malaysia, không có chuyện chấp nhận kiểu giải pháp này.
Hiện nay, chúng ta thấy Trung Quốc đã đẩy khá nhanh những quân cờ của họ. Tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào cuối tháng 09/2019, Philippines đã hoan nghênh mô hình hợp tác này với Trung Quốc ngay trong chính vùng đặc quyền kinh tế của họ (EEZ) hoặc trong những vùng biển có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila. Mọi chuyện đã thay đổi. Từ nay, chỉ còn mỗi Việt Nam có lập trường cứng rắn hơn.
Nhưng có điều chắc chắn là chính sách của Trung Quốc đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông đã hiện rõ nét ở Đông Nam Á và chia rẽ thực sự cộng đồng ASEAN. Đó là mức độ thứ nhất, có nghĩa là chia rẽ nội bộ do tác động của nước ngoài, từ bên ngoài. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đến mức độ hai, đó là ASEAN bị chia rẽ ngay trong nội bộ. Lấy ví dụ trường hợp Việt Nam. Nước này chưa bao giờ thực sự đề cập trực tiếp với Philippines hoặc với Malaysia về việc phân chia các đảo và đá ở Biển Đông.
Mặt khác, ASEAN vẫn tuân theo nguyên tắc bất di bất dịch là không can thiệp công việc nội bộ của các nước thành viên và đối tác. Quy luật này lại dẫn đến việc ASEAN và các nước thành viên bị ngoại lực chia rẽ, nội bộ thì bất hòa bởi vì họ thực sự không dám xử lý những vấn đề được cho là vô cùng nhạy cảm giữa các nước. Rõ ràng ASEAN chưa từng tạo được động lực để giải quyết những vấn đề đó.
RFI : Trong Tạp chí Quốc phòng (Revue de la Défense nationale) số mùa hè 2018, ông tham gia bài viết “Việt Nam-Trung Quốc, chiến tranh sẽ không xảy ra” (Vietnam-Chine, la guerre n’aura pas lieu). Ông có thể giải thích thêm về nhận định này ?
Benoît de Tréglodé : Câu hỏi vẫn hằn trong tâm trí các nhà phân tích và nghiên cứu là các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ đưa ra giải pháp nào ? Liệu họ có ngả sang liên minh với Mỹ hay không ? Hoa Kỳ sẽ cung cấp cơ sở để lập một nhóm mới nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và tham vọng của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương. Hay là chính quyền Việt Nam sẽ ngả sang Bắc Kinh ? Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và cũng là đối tác về tư tưởng và chính trị quan trọng của Việt Nam.
Những gì chúng tôi quan sát được từ vài năm gần đây, đó là nội bộ giới tinh hoa Việt Nam rõ ràng tránh lựa chọn. Không có kiểu phe ủng hộ Mỹ hay thân Trung Quốc mà có một logic rất Việt Nam, đó là tìm kiếm sự cân bằng thường trực để bảo tồn sự độc lập quốc gia. Hiện không có dấu hiệu nào giúp hiểu được Việt Nam sẽ ngả theo bên nào.
Về đối thoại với Trung Quốc, chúng tôi quan sát trên những vùng xung quanh nước này, như khu vực vịnh Bắc Bộ. Về vùng biển này, Việt Nam và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận biển vào năm 1989, và là nơi có cả sự hợp tác hàng hải, quân sự, hải cảnh và kinh tế dù đôi khi chỉ ở quy mô khá khiêm tốn, nhưng điều đó cho thấy một lần nữa rằng Hà Nội có chủ ý rất cụ thể, rất thực dụng là không quá tỏ ra đối đầu với Bắc Kinh vì Việt Nam biết rằng họ sẽ bị thua thiệt nhiều. Bắc Kinh cũng là một đồng minh ý thức hệ lớn mạnh trong một khu vực đang bị xáo trộn vì sự phát triển kinh tế, nơi mà các chế độ chuyên chế đôi khi bị một bộ phận người dân đặt nghi vấn. Vì thế, rõ ràng là Hà Nội cần sự ủng hộ về mặt chính trị.
Trong khi ASEAN, như chúng ta thấy với phát biểu của thủ tướng Singapore, sau đối thoại Shangri-La vào tháng 06/2019, vẫn có một chút oán giận về sự khác biệt giữa lịch sử Việt Nam và của cộng đồng các nước Đông Nam Á. Chúng ta đừng quên là khi ASEAN được thành lập vào năm 1967, trước hết là để có thể tách ra khỏi phe Đông Dương, hiếu chiến, theo Cộng Sản… khiến nhiều nước phải sợ trong khi những quốc gia này ưu tiên phát triển kinh tế, chỉ quan tâm đến tài sản và phòng vệ. Có nghĩa là ASEAN được thành lập từ sự đối đầu với một nước Việt Nam hơi “ngỗ ngược”. Từ khi Việt Nam gia nhập khối vào năm 1995, ASEAN phải xem xét lại bản sắc chính trị chung.
Ngoài ra, sau khi Philippines đưa vấn đề ra Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cách đây vài năm, chúng ta đã thấy và thường thấy, thông qua những phản đối của Việt Nam về việc Trung Quốc thâm nhập vùng Biển Đông, ASEAN không hẳn đã thích hành động đơn phương của các nước có liên quan. Vì thế, họ vừa cố bảo tồn “tính tập trung” của ASEAN, nhưng đồng thời họ cũng không muốn bỏ qua một sức ảnh hưởng mới, một mô hình kinh tế hiện đại mới mà Trung Quốc đề xuất cho khu vực này.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200330-vi%E1%BB%87t-nam-malaysia-philippines-g%C3%A1c-tranh-ch%E1%BA%A5p-ch%E1%BB%91ng-trung-qu%E1%BB%91c-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng
0 comments