Đọc báo Pháp – 09/03/2020
Virus corona : Ý thiếu phương tiện,
không thể cứu bệnh nhân lớn tuổi
Thụy My
Tại một số bệnh viện ở miền bắc Ý, giờ đây chỉ những bệnh nhân trẻ được chuyển sang hồi sức tích cực : bệnh nhân lớn tuổi sẽ chiếm dụng các thiết bị trợ thở 15-20 ngày mà cũng không cứu được họ. Ban đầu chỉ những người trên 80 tuổi mới bị từ chối, nhưng nay là những bệnh nhân trên 70 tuổi và có bệnh nền. Các bác sĩ khóc khi phải chọn bệnh nhân để cứu, nhưng đành chịu vì không có đủ thiết bị trợ thở.
Dịch bệnh virus corona chiếm trang nhất và nhiều trang trong của tất cả các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay 09/03/2020.
Lần đầu tiên 15 triệu dân một nước châu Âu bị cô lập
« Cách ly, miền bắc nước Ý trước thử thách gay go », Libération nhận định. Với 366 trường hợp tử vong, trong đó có 133 người chết chỉ trong vòng 24 giờ qua, và gần 7.400 người bị lây nhiễm, chính quyền Ý đã ra lệnh cách ly hơn 15 triệu dân. Toàn bộ vùng Lombardia – trung tâm kinh tế tài chính của đất nước có thủ phủ là thành phố Milano nổi tiếng – cùng với 14 tỉnh đó trong đó Venise bị cô lập.
Chỉ 15 ngày sau khi ca đầu tiên xuất hiện, biện pháp vô tiền khoáng hậu tại châu Âu đã được áp dụng đối với hơn 15 triệu người dân Ý. Hai giờ sáng Chủ nhật 8/3, thủ tướng Giuseppe Conte đã quyết định như trên sau cuộc họp nội các khẩn cấp. Ông Conte nói rõ không chỉ cấm ra vào mà còn phải tránh di chuyển trong nội vùng, nếu không có giấy chứng nhận vì lý do nghề nghiệp, tình hình cấp thiết hay về y tế.
Tất cả các sự kiện tín ngưỡng, văn hóa, thể thao đều phải ngưng lại hoặc diễn ra không có khán giả. Trường học, nhà hát, rạp xi-nê, viện bảo tàng, hồ bơi, khu trượt tuyết đều phải đóng cửa. Các trung tâm thương mại đóng vào cuối tuần, các nhà hàng phải bảo đảm khách hàng ngồi cách nhau ít nhất 1 mét, nếu không sẽ bị rút giấy phép.
Tại Milano cũng như Codogneo và những thành phố bị cách ly lâu nay, vừa được ra khỏi vùng đỏ lại bị cách ly tiếp. Hàng trăm cảnh sát, quân nhân sẽ được điều đến miền bắc để chốt chặn và kiểm soát.
Thiếu thiết bị, các bệnh nhân lớn tuổi đành chờ chết
Trả lời phỏng vấn Libération, một bác sĩ ở Lombardia cho biết tình hình trầm trọng cho đến nỗi những bệnh nhân trên 70 tuổi bị nhiễm virus corona không còn được đưa sang khoa hồi sức vì không đủ phương tiện điều trị tích cực. Theo vị bác sĩ này, số lượng người chết vì con virus xuất phát từ Vũ Hán thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Với cái tên mượn là Giorgio, vị bác sĩ đang trên tuyến đầu thổ lộ hầu như tất cả các phương tiện y tế nơi ông làm việc đều đã bị trưng dụng để đón tiếp bệnh nhân. Một tình trạng « khủng khiếp, mà những người bên ngoài không thể hình dung được ».
Đội ngũ y tế nhận ra sự khác thường khi nhiều người bệnh đến khám với các triệu chứng không giống cúm thông thường. Ban đầu, những bệnh nhân nặng nhất được chuyển sang các bệnh viện có trang bị đầy đủ hơn ; nhưng chỉ vài ngày sau số người nhiễm Covid-19 bùng nổ. Họ chiếm 1/4 số giường của bệnh viện, rồi phân nửa và sau đó gần như chiếm trọn.
Nếu tình trạng người bệnh xấu đi, họ được cho thở oxy và các loại thuốc thường dùng để trị SIDA. Sau bốn năm ngày sẽ giảm sốt và dần hồi phục, hầu hết là người trẻ tuổi và phụ nữ ; còn nếu tệ hơn, sẽ gởi sang các cơ sở có trang bị hồi sức.
Nhưng nay chỉ những bệnh nhân trẻ được chuyển viện : các chuyên viên gây mê yêu cầu không gởi bệnh nhân lớn tuổi vì sẽ chiếm dụng các thiết bị trợ thở 15-20 ngày mà cũng không cứu được họ. Ban đầu chỉ những người trên 80 tuổi mới bị từ chối, nhưng nay là những bệnh nhân trên 70 tuổi và có bệnh nền. Bệnh viện giữ lại những người mà biết rằng không thể làm gì hơn được cho họ, người bệnh sẽ chết.
Có những tranh luận trong nội bộ về vấn đề này, nhưng lực bất tòng tâm. Riêng tại bệnh viện nơi bác sĩ Giorgio làm việc, mỗi ngày có một, hai người tử vong, và trên bình diện cả nước, số người chết chắc chắn nhiều hơn vì tỉ lệ người già ở Ý rất cao.
Bác sĩ khóc vì phải chọn bệnh nhân để cứu
Tương tự, La Croix báo động « Nước Ý thiếu trang bị để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ ». Các bác sĩ được đề nghị ưu tiên cho những ai có nhiều cơ may khỏi bệnh hơn. Ở miền Nam thì lại càng dễ tổn thương vì thiếu thốn trang thiết bị y tế.
Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ gây mê hồi sức Ý Flavia Petrini xác nhận với tờ báo công giáo : « Tại miền bắc, trên 500 bệnh nhân được sử dụng liệu pháp điều trị tích cực, các đồng nghiệp làm việc 24/24 buộc lòng mỗi ngày phải đánh giá xem các bệnh nhân nào có nhiều cơ hội sống sót hơn (…). Số bệnh nhân tăng lên từng giờ, nhưng số giường có hạn (dưới 6.000 tại các bệnh viện công), vả lại nhiều bác sĩ, y tá đã bị lây và đang bị cách ly, chúng tôi đành phải ưu tiên cho những ai còn trẻ, có nhiều khả năng vượt qua hơn ».
Một bác sĩ giấu tên ở Lombardia khẳng định sự chọn lựa khó khăn này : « Trong những ngày gần đây chẳng hạn, chúng tôi phải chọn giữa một bệnh nhân 40 tuổi và một người 60 tuổi, cả hai đều có nguy cơ tử vong, để cho thở máy. Thật đau đớn, các bác sĩ khóc với nhau, nhưng chúng tôi không có đủ thiết bị trợ thở ».
Nước Pháp giai đoạn 3 sẽ ra sao ?
Là nước láng giềng với Ý, nước Pháp đang trong thế khó với con số ca nhiễm đã lên đến cả ngàn, nhưng chính phủ vẫn quyết định duy trì ở giai đoạn 2. Một khi bước sang giai đoạn 3, Pháp sẽ như thế nào ? Le Figaro cho biết các biện pháp mới được áp dụng trên toàn quốc sẽ gồm hai mục tiêu : hạn chế tác động của dịch bệnh đồng thời duy trì hoạt động kinh tế xã hội trên cả nước.
Đối với chính phủ, ở giai đoạn này không chỉ là việc bảo vệ dân chúng, mà còn là giữ được hoạt động của xã hội ; nhưng không áp dụng cứng nhắc mà sẽ linh hoạt theo tình hình địa phương. Chẳng hạn đóng cửa nhà trẻ, cấm các hoạt động văn hóa thể thao, hạn chế thăm viếng các nhà dưỡng lão, ưu tiên cho đội ngũ nhân viên y tế.
Mỗi người dân phải tự hạn chế di chuyển, tốt nhất là dùng phương tiện cá nhân. Giá cả hàng hóa được giám sát, các doanh nghiệp kích hoạt kế hoạch duy trì hoạt động, như làm việc từ xa, giảm hội họp. Không còn xét nghiệm tất cả những ai nghi ngờ nhiễm virus, nhưng chỉ những người có dấu hiệu trầm trọng.
Cả thế giới gồng mình chống virus corona
Trong bài xã luận mang tựa đề « Một thử thách tập thể », Le Figaro nhận xét thế giới đang lao vào một cuộc chiến kỳ lạ, nhưng không phải giữa hai đạo quân. Từ Bắc Kinh đến Washington, từ Paris tới Canberra, toàn hành tinh phải chống lại cùng một kẻ xâm lăng.
Con virus corona đặt các chính phủ trong tình thế căng thẳng, làm rối loạn hoạt động xã hội, bóp nghẹt nền kinh tế, và khiến dân chúng run sợ. Các nền dân chủ và những thể chế độc tài đều phải tung ra những biện pháp đối phó, như ở Trung Quốc và tại miền bắc Ý kể từ hôm Chủ nhật 8/3 đều dùng cách cô lập.
Dù là trong ngôi làng toàn cầu hay từng nước, đây là thử thách tập thể. Vào thời buổi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, chủ nghĩa đa phương bị bác bỏ, con virus khiến con người và các quốc gia xích gần lại với nhau, buộc mọi người phải chung vai sát cánh, ít nhất là trong lúc này. Nhưng đến bao giờ ? Cuộc khủng hoảng dịch tễ này nếu kéo quá dài và phức tạp thêm, rốt cuộc có thể tác động ngược lại là đào sâu hố ngăn cách, gây ra những cuộc khủng hoảng chính trị và ngoại giao, và rồi thân ai nấy lo. Theo tờ báo, giữ cho được tình thần đoàn kết quốc gia là hết sức quan trọng.
Con virus của suy thoái
Xã luận của Les Echos cho đây là « Con virus của suy thoái ». Phải chăng đây là vận xui của những năm chẵn ? Vào đầu những năm 80, Hoa Kỳ bị rơi vào suy thoái nặng nề do ngân hàng trung ương tăng cao lãi suất để chống lạm phát. Châu Mỹ la-tinh mất gần một thập niên để hồi phục. Đến tháng 3/2000, bong bóng chứng khoán internet bùng nổ lại khiến kinh tế Mỹ thụt lùi, tấn công thô bạo vào châu Âu. Và thập niên 2020 mở ra với với một nạn dịch tầm cỡ chưa từng có kể từ một thế kỷ.
Bắt đầu bằng việc làm tê liệt kinh tế Trung Quốc, nay đã lan ra khắp các nước kỹ nghệ hóa. Con virus tấn công vào hệ hô hấp làm chết hàng ngàn người, và vào việc giao thương – đường hô hấp của nền kinh tế. Cú sốc thật kinh khủng, số lượng container từ Trung Quốc sụt mất phân nửa chỉ trong vòng một tháng. Sự sụp đổ của công xưởng thế giới chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến toàn cầu, tuy nhiên tác động khó thể đánh giá được.
Trước hết là tương lai không biết ra sao, chẳng hạn Trung Quốc có thể tái khởi động sản xuất được hay không. Thứ đến, nạn dịch gây tác động rất khác nhau trong từng nước và từng lãnh vực. Các nhà kinh tế của OCDE đưa ra những ước tính đầu tiên : tăng trưởng năm 2020 bị mất từ 0,5 đến 1,5%
Virus Vũ Hán sẽ gây đại dịch ?
Les Echos đặt vấn đề « Covid-19 : Sẽ là đại dịch ? Khi chuyển sang giai đoạn này, toàn nhân loại đều có nguy cơ bị con virus corona chủng mới tấn công.
Dự báo của nhà dịch tễ học Marc Lipsitch của đại học Havard hôm 24/2 trên The Atlantic gây chấn động : 40 đến 70% cư dân Trái Đất sẽ bị nhiễm, tuy nhiên cho biết còn quá nhiều nhân tố chưa rõ để có thể ước tính chính xác. Chẳng hạn R0, tức số người mà một bệnh nhân có thể lây cho. Ở trên 1 là có nguy cơ dịch : virus gây bệnh sởi có R0 18, HIV từ 2 đến 5, cúm mùa 1,3, corona chủng mới khoảng 2,5…
Tuy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ chối tuyên bố đại dịch trên toàn cầu, nhưng các ổ dịch liên tục mọc ra khắp nơi, đến nay là khoảng 80 nước. Ngay cả châu Phi nay cũng đã có 5 nước bị lây nhiễm, ê-kíp của nhà dịch tễ học Vittorria Colizza, Viện Pierre-Louis cho rằng Ai Cập, Algérie và Nam Phi là những nước có nguy cơ nhiều nhất ở châu Phi.
Các chuyên gia đưa ra hai kịch bản. Theo Stephen Morse thuộc Mailman School of Public Health, đại học Columbia, virus corona chủng mới có thể lây cho 60% dân số thế giới. Kịch bản thứ hai cho rằng con virus này sẽ biến mất theo mùa như virus cúm thông thường. Vấn đề đặt ra là con virus có thể biến thể để trở nên nguy hiểm hơn hay không. Nhà sinh học Michael Farzan, Viện Scripps ở California lúc đầu đã gây hoảng sợ khi nhắc nhở rằng loại virus chỉ có một sợi đơn ARN, như Covid-19, biến thể rất nhanh. Tuy nhiên cũng như SARS, con virus Vũ Hán sao chép chậm hơn virus cúm thông thường, và thậm chí sẽ yếu đi. Các nhà nghiên cứu còn phải làm việc nhiều để chứng minh điều này.
Tin tổng hợp
(RFI) – Pháp: Chính quyền cố thu hút cử tri tham gia cuộc bầu cử cấp thành phố và thị xã.
Ngày 15/03/2020 tới đây, cử tri Pháp được mời tham gia vòng một cuộc bầu cử các hôi đồng thành phố và thị xã. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan mạnh tại Pháp, chính quyền các cấp cố gắng tìm cách thuyết phục người dân đi bỏ phiếu. Theo các cuộc thăm dò mới nhất tỷ lệ cử tri đi bầu thấp hơn so với hồi năm 2014.
(Reuters) – Hồng Kông: Hàng trăm người biểu tình tưởng niệm một sinh viên bị tử nạn cách nay 5 tháng.
Hôm 08/03/2020, hàng trăm người trong trang phục màu đen, tay cầm nến, đã trở lại khu bãi đậu xe nơi một sinh viên đã bị rơi từ tầng ba xuống và thiệt mạng vào tháng 11/2019, khi cảnh sát giải tỏa đám đông biểu tình trong khu vực. Những người biểu tình thề sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc này.
(AFP) – Bắc Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo-
Trong vòng một tuần, Bình Nhưỡng hai lần phóng tên lửa ra biển Nhật Bản. Theo quân đội Hàn Quốc, trong vụ phóng hôm 09/03/2020 có ít nhất bốn tên lửa thuộc nhiều loại bay ra biển với độ cao 50 cây số, và tầm xa 200 km. Vài giờ sau, bộ Quốc Phòng Nhật cho biết thêm các tên lửa này thuộc loại « đạn đạo », và như vậy, Bắc Triều Tiên vi phạm một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
(AFP) – Afghanistan : Hai tổng thống cạnh tranh tuyên thệ cùng lúc.
Tổng thống Ashraf Ghani tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai vào sáng 09/03/2020 tại Kabul. Vài phút sau, đối thủ chính trị của ông là Abdullah Abdullah, lãnh đạo hành pháp trong chính phủ mãn nhiệm, cũng tự tuyên cáo là tổng thống Afghanistan. Vào lúc hai đối thủ tuyên thệ, nhiều tiếng nổ lớn từ hướng phủ tổng thống gây vang động thủ đô.
(RFI) – Cựu hoàng Tây Ban Nha bị điều tra nhận hối lộ 100 triệu đô la.
Báo chí Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, hồi đầu tháng Ba tiết lộ cựu hoàng Tây Ban Nha, Juan Carlos, là đối tượng điều tra của tư pháp Thụy Sĩ. Năm 2008, vua Carlos dường như đã nhận hối lộ 100 triệu đô la từ chính quyền Ả Rập Xê Út và đổi lại, Madrid cho tổ chức một cuộc đối thoại liên tôn giáo để đề cao hình ảnh Ả Rập Xê Út như là một nước ôn hòa, khoan dung, trong khi trên thực tế, đó là một quốc gia Hồi Giáo hà khắc. Số tiền hối lộ được chuyển vào tài khoản một người bạn thân của vua Carlos. Hoàng gia Tây Ban Nha chưa có phản ứng về thông tin này.
Điểm tin thế giới sáng 9/3:
Số ca nhiễm COVID-19 ở Anh tăng vọt
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Hai (9/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Số ca nhiễm COVID-19 của Anh tăng vọt
Reuters cho hay, giới chức Anh xác nhận số ca nhiễm nCov tại nước này tăng từ 64 trong hôm 7/3 lên 273 vào hôm 8/3. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Anh. Ngoài ra, 3 người đã tử vong vì COVID-19.
Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak cho biết chính phủ sẽ đầu tư bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với sự lây lan của virus, bao gồm chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ y tế và giúp đỡ các công ty gặp vấn đề về dòng tiền ngắn hạn.
Chính phủ Anh cho biết Bộ trưởng môi trường sẽ tổ chức một cuộc họp với giám đốc điều hành của các siêu thị lớn và các đại diện của ngành vào ngày 9/3 để thảo luận về các biện pháp đối phó với dịch bệnh.
Giới chức Anh khuyến cáo người dân tránh tới miền Bắc nước Ý nếu không cần thiết.
Người biểu tình Hồng Kông tưởng niệm nam sinh Châu Tử Lạc
Hong Kong Free Press đưa tin, hàng trăm người đã tập trung tại Tseung Kwan O vào Chủ nhật (8/3) để tưởng niệm nam sinh Châu Tử Lạc (Alex Chow Tsz-lok), người đã chết vào tháng 11 năm ngoái do ngã từ tầng 3 xuống tầng 2 của bãi đậu xe trong khu vực trên trong khi cảnh sát bắn hơi cay giải tán người biểu tình.
Vào lúc 19h30 (giờ Hồng Kông), đám đông bắt đầu có mặt tại ngã ba đường Tong Ming và đường Tong Chun. Họ đặt những bông hoa trắng và thắp nến ở bàn thờ được lập tạm thời bên ngoài bãi đậu xe. Người dân dành một phút mặc niệm vào lúc 20h09 – thời gian Châu qua đời vì ngừng tim vào ngày 8/11/2019. Áp phích ủng hộ dân chủ được dán trên các bức tường ở bãi đậu xe.
Vào lúc 20h20, cảnh sát giương cờ xanh tuyên bố việc tụ tập là bất hợp pháp, yêu cầu đám đông giải tán và chăng dây xung quanh nơi đám đông đứng. Nhiều người biểu tình vẫn ở lại, hô vang khẩu hiệu quen thuộc phong trào dân chủ. Nhà lập pháp Đảng Dân chủ Ted Hui đã đến nơi biểu tình sau 22h và cố gắng hòa giải giữa người dân và cảnh sát. Sau đó, nhiều người đã được phép rời đi, hầu hết mọi người vẫn ở lại sau 23h.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Brussels vào ngày 9/3
Hội đồng châu Âu hôm 8/3 cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ thăm Brussels vào ngày 9/3 để thảo luận về các vấn đề EU – Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm cả vấn đề liên quan đến Syria và di cư.
Ông Bare Barend Leyts, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cho biết trên Twitter rằng Tổng thống Erdogan sẽ gặp ông Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để thảo luận về vấn đề di cư, an ninh, ổn định trong khu vực và cuộc khủng hoảng ở Syria.
Triều Tiên bắn 3 vật thể không xác định về phía biển Nhật Bản
Yonhap dẫn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên sáng nay đã bắn 3 vật thể không xác định. 3 vật thể này được bắn từ khu vực Sondok ở tỉnh Nam Hamgyong, phía Đông Triều Tiên về phía biển Nhật Bản. Hiện chưa rõ thông tin chi tiết về loại vật thể mà Triều Tiên đã bắn.
Điểm tin thế giới chiều 9/3:
Ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc có dấu hiệu giảm
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (9/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc có dấu hiệu giảm
Hàn Quốc chiều nay đã báo cáo thêm 96 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 7.478, Reuters dẫn nguồn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc.
Con số cập nhật này cho thấy tốc độ gia tăng ca nhiễm mới đã giảm mức thấp nhất trong 11 ngày qua ở Hàn Quốc.
Hôm nay, Tổng thống Moon cho biết Hàn Quốc có thể bước vào “giai đoạn ổn định” nếu các ca nhiễm mới tiếp tục giảm.
Nhưng ông cũng nói rằng “còn quá sớm để lạc quan… xin hãy kiên nhẫn hơn một chút và tránh xa các cuộc tụ tập đông người cũng như các sự kiện tôn giáo”.
Qatar cấm du khách từ 14 quốc gia
Qatar hôm Chủ nhật (8/3) tuyên bố rằng, họ đang tạm thời cấm nhập cảnh các du khách từ 14 quốc gia khi số ca mắc virus corona ở quốc gia vùng Vịnh tăng lên 15, theo Aljazeera (9/3).
Bộ Y tế Qatar nêu trong một tuyên bố, lệnh cấm bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Iraq, Lebanon, Nepal, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Sri Lanka, Syria và Thái Lan.
Anh khuyến cáo công dân bay cùng chuyến với ‘bệnh nhân 17′
VOA hôm nay cho hay, Anh hôm 7/3 kêu gọi công dân nước này đi cùng chuyến bay tới Việt Nam với một nữ hành khách người Việt nhiễm COVID-19 “hợp tác với chính quyền Việt Nam”.
Lời khuyến cáo này được đưa ra một ngày trước khi Việt Nam thông báo có 9 người nước ngoài, trong đó có 7 người Anh, đi cùng chuyến bay với người được gọi là “bệnh nhân thứ 17” đã bị nhiễm COVID-19.
Hai trường học ở Úc đóng cửa khi có học sinh nhiễm COVID-19
2 trường học ở thành phố Sydney của Úc đã đóng cửa hôm thứ Hai (9/3), sau khi 3 học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, nâng tổng ca nhiễm của Úc lên hơn 80, Reuters thông tin.
Các ca nhiễm mới gồm 2 học sinh 10 tuổi tại trường St Patrick’s Marist College Dundas, Sydney, và một học sinh 7 tuổi trường nữ sinh Willoughby.
Phiên tòa xét xử nghi phạm trong vụ máy bay MH17 diễn ra tại Hà Lan
Phiên điều trần đầu tiên trong phiên tòa xét xử 4 nghi phạm bỏ trốn trong vụ bắn hạ Chuyến bay 17 của Hàng không Malaysia đã bắt đầu ở Amsterdam vào thứ Hai, hơn 5 năm sau khi máy bay bị bắn hạ ở Ukraine.
Các công tố viên cho biết các nghi phạm, 3 người Nga và 1 người Ukraine đã tham gia việc sắp xếp hệ thống tên lửa Nga dùng để bắn hạ máy bay dân sự MH17. Các nghi phạm được cho là ở Nga và vắng mặt trong phiên tòa.
MH17 đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur vào ngày 17/7/2014, khi nó bị bắn hạ bởi một tên lửa phóng ra từ lãnh thổ do phiến quân thân Nga nắm giữ trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ở miền đông Ukraine, khiến 298 người trên boong thiệt mạng. Nga phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào.
Giá vàng vượt mức 1.700 USD/ounce
Giá vàng đã vượt mức 1.700 USD/ounce lần đầu tiên kể từ cuối năm 2012 vào thứ Hai (9/3), khi dịch COVID-19 đang lan rộng và giá dầu thô lao dốc dẫn đến việc các nhà đầu tư bấn loạn và tìm nơi trú ẩn an toàn, theo Reuters.
Sự lây lan nhanh của dịch COVID-19 khiến giới đầu tư lo ngại khả năng phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Lần đầu tiên lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã rơi xuống dưới mức 0,5%/năm dù hiện đã hồi phục nhẹ.
0 comments