Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 10/02/2020

Monday, February 10, 2020 4:35:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 10/02/2020

Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI):

Tàu hải cảnh TQ gia tăng mức độ gây hấn

trong vùng biển Đông Nam Á

Trong báo cáo mới nhất, AMTI thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết các tàu hải cảnh Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2020 đã hoạt động trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước Đông Nam Á, cụ thể là đối với Indonesia, Malaysia và Brunei. Cảnh báo Trung Quốc hiện đang tận dụng các căn cứ nước này xây dựng phi pháp tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ và hàng hải của mình, tiến vào sâu hơn trong vùng biển của các nước.
Theo AMTI/CSIS, hành vi nói trên thể hiện quy luật chung của các hoạt động gần đây của hải cảnh Trung Quốc. Các cơ sở do nước này cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã hỗ trợ cho các hoạt động trên biển triển khai trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng của Trung Quốc, đến những điểm xa nhất thuộc cái gọi là yêu sách “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố.
Trong khi Malaysia và Brunei tiếp tục im lặng trước các hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc trong EEZ của mình, Indonesia lại công khai thách thức hoạt động trên biển của Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc cũng có hành vi tương tự khi hoạt động phi pháp trong vùng Đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam.
Cụ thể, trong một vài tuần bắt đầu từ cuối tháng 12/2019, các tàu hải cảnh Trung Quốc, xuất phát từ 3 cơ sở nhân tạo lớn mà nước này xây dựng trái phép tại đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập (đều thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam) hộ tống một nhóm tàu đánh cá Trung Quốc ở trong vùng biển của quần đảo Natuna, Indonesia. Các tàu đánh cá này được cho là thuộc lực lượng dân quân trên biển Trung Quốc triển khai ở Biển Đông, nhằm hỗ trợ lực lượng chấp pháp của nước này.
AMTI cũng ghi lại hải trình của 4 tàu hải cảnh, mặc dù các tàu này thường xuyên tắt tín hiệu định vị. Các tàu này tiến hành các cuộc tuần tra trong vùng biển của Malaysia và Brunei trước khi tiến vào EEZ của Indonesia. Các tàu CCG này bao gồm các tàu tuần tra Zhaolai với các tàu có số hiệu 5403, 5202, 5302 và CMS 2169. Một tàu hải cảnh khác, lớp Shucha II có số hiệu 5302 xuất phát từ đá Vành Khăn, đã gia nhập cùng các tàu hải cảnh khác khi ở trong EEZ của Malaysia vào đầu tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, CCG 5202 sau đó đã rời khỏi nhóm và đi về phía căn cứ trên đá Chữ Thập, có lẽ là để tiếp tế.
Sau đó, các tàu Trung Quốc số hiệu 5202, 5402, 5302 và 2169 bắt đầu rút về vào 11/1 và về đến Hải Nam ngày 16/1. Tàu CCG 46303, tham gia vào hoạt động một tuần trước đó, vẫn ở tại vị trí và có nhiệm vụ tuần tra ở bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, AMTI báo cáo. AMTI cũng nói thêm rằng, sự hiện diện của nhóm tàu của Trung Quốc trong vùng biển của Indonesia, Malaysia và Brunei sẽ có tác động kéo dài và đặc biệt nâng cao nhận thức trong giới chức lãnh đạo quân đội và chính trị Indonesia về tranh chấp ở Biển Đông.
Các hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc, một lần nữa, cho thấy rằng các căn cứ nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng đã tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động trên biển lớn hơn và dài ngày hơn của Trung Quốc. So với việc các tàu hải cảnh Trung Quốc từng nhiều lần hộ tống các nhóm tàu đánh cá xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa, thì hành động tương tự trong vùng Đặc quyền kinh tế của các quốc gia láng giềng là một mức độ gây hấn mới, AMTI nhận định. AMTI cũng nói rằng diễn biến mới nhất này là bằng chứng cho thấy ngay cả các quốc gia có xu hướng hạ thấp các tranh chấp hàng hải trong khu vực để ưu tiên các mối quan hệ tích cực cũng phải chịu sự ép buộc và đe dọa từ Trung Quốc.

Tuần tra tự do hàng hải đóng vai trò quan trọng

 trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn

sự bành trướng của TQ ở Biển Đông

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do của Chính quyền Tổng thống D.Trump hiện nay, hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) đóng vai trò quan trọng, nhất là ở khu vực Biển
Đông, nơi Trung Quốc không ngừng bành trướng và mở rộng ảnh hưởng. Theo thông kê, số lượng FONOPs của Mỹ ở Biển Đông đang gia tăng nhanh chóng cả về số lượng, mức độ và phạm vi.
Năm 2019
Theo các dữ liệu của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, năm 2019 Mỹ đã tiến hành tổng cộng 7 cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) trong khu vực 12 hải lý quanh các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng hoặc tuyên bố chủ quyền. Đây là con số lớn nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông năm 2014. “Mỹ thượng tôn quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc”, Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết. “Các hoạt động thuộc Chương trình Tự do Hàng hải được tiến hành một cách hòa bình và không thiên vị hay nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào”, bà Rachel nói thêm. Giải thích lý do Mỹ tăng nhanh số lượng các cuộc tuần tra tự do hàng hải như vậy, giới chuyên gia cho rằng: Thứ nhất, các tiền đồn này có khả năng củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với lãnh thổ, các nguồn tài nguyên và hoạt động đánh bắt cá sinh lợi ở quần đảo Trường Sa. Thứ hai, các đảo này có thể đóng vai trò là các phương tiện triển khai sức mạnh đối với quân đội Trung
Quốc (Trung Quốc đã xây dựng các đường băng trên một số hòn đảo này nhưng tuyên bố rằng các cơ sở này không nhằm mục đích “quân sự hóa Biển Đông”). Thứ ba, việc kiểm soát Biển Đông có thể đem lại cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc một thành lũy nước sâu để tránh bị kẻ thù phát hiện. Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, quần đảo Trường Sa đem lại cho Bắc Kinh một vị thế chắc chắn trên một tuyến đường biển có tính chất quan trọng sống còn về mặt chiến lược và thương mại mà một nửa khối lượng hàng hóa của thế giới đi qua đó mỗi ngày. Về phía Mỹ, các đảo nhân tạo của Trung Quốc đặt ra thêm một thách thức. Trong nhiều tranh cãi đang làm xáo trộn quan hệ Mỹ – Trung, vấn đề được cho là gây xáo trộn nhất là tự do hàng hải. Sự bất đồng này phần nào dựa trên các cách diễn giải trái ngược nhau của hai nước về Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Được hàng thế kỷ tiền lệ và đa số các nước trên toàn thế giới ủng hộ, Mỹ đang tìm cách duy trì một cơ chế hàng hải tự do đem lại các quyền tự do mở rộng cho các tàu trên “các vùng biển quốc tế”, hay nằm ngoài “lãnh hải” 12 hải lý mà UNCLOS dành cho tất cả các nước ven biển. Trung Quốc và một vài nước khác, chẳng hạn như Iran và Nicaragua, có một quan điểm hạn chế hơn về luật biển đem lại cho các nước chủ quyền mở rộng cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh hải của họ. Cách diễn giải này biểu lộ rõ trong các hạn chế nghiêm ngặt của Bắc Kinh đối với hoạt động của các tàu quân sự nước ngoài trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Trung Quốc, một quan điểm đã dẫn tới nhiều cuộc đối đầu ở Tây Thái Bình Dương giữa các tàu hải quân của Trung Quốc và Mỹ.
Năm 2018
Mỹ đã thực hiện 5 cuộc tuần tra tự do hàng hải trong năm 2018. Biển Đông là tuyến hàng hải với 1/3 hàng hóa thương mại toàn cầu thông thương, đã trở thành một điểm nóng trong những căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh. Trong đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% khu vực Biển Đông, đồng thời xây dựng các cơ sở quân sự tại đây. Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ thời gian này được xem là nhằm “chống lại tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình có tranh chấp”. Đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cạnh tranh nhau mà Mỹ không phải là một bên tham gia, chính sách của Mỹ là nước này nhìn chung không đứng về phía nào có yêu sách chủ quyền lãnh thổ, mà thay vào đó kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, đối với các tuyên bố chủ quyền biển quá mức, chính sách FON có từ lâu của Mỹ được áp dụng. Ngày 17/1/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”. Ngày 24/3, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 27/5, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 26/6, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. Ngày 30/9, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định. Ngày 29/11, Hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Năm 2017
Mỹ đã thực hiện 6 cuộc tuần tra tự do hàng hải trong năm 2017, đây cũng là năm đầu nhậm chức của Tổng thống D.Trump và ngay sau đó Mỹ đã công bố Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”. Chiến lược này tập trung chủ yếu vào sự can dự của Mỹ đồng thời ở nhiều lĩnh vực, gồm kinh tế, an ninh và có thể cả việc định ra những quy tắc, luật lệ vốn tuân theo lối tư duy chiến lược trước đó của Washington về khu vực này. Ở Biển Đông đang tranh chấp, ASEAN vẫn thận trọng trước khả năng hạn hẹp của Washington trong việc trừng phạt các hành động gây hấn bất đối xứng của Bắc Kinh. Những lãnh đạo của ASEAN như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc nước ngoài cách xa Manila. Các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ chỉ gây trở ngại hơn nữa sự can dự của Mỹ. Nếu yêu cầu của Bắc Kinh về việc không cho phép các nước ASEAN tập trận chung với cường quốc bên ngoài
được chấp thuận trong nội dung COC thì điều này sẽ xói mòn những nỗ lực của ASEAN khi muốn duy trì vai trò của Washington ở Đông Nam Á. Tháng 12/2017, Mỹ triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Năm 2016
Mỹ đã thực hiện 3 cuộc tuần tra tự do hàng hải vào năm 2016. Trong thời gian này, sự kiến đáng chú ý nhất là việc Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” mà theo đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, khẳng định việc này không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Mỹ đã thách thức về mặt ngoại giao và tác chiến các tuyên bố chủ quyền biển quá mức được khẳng định bởi các quốc gia ven biển ở mọi khu vực trên thế giới. Điều này bao gồm những thách thức của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền biển quá mức được khẳng định bởi một vài trong số các nhà nước tiếp giáp với Biển Đông. Trên thực tế, trước khi Chương trình FON của Mỹ chính thức được thiết lập vào những năm 1970, Mỹ đã phản đối về mặt ngoại giao tuyên bố chủ quyền biển quá mức được khẳng định bởi Cộng hòa Philippines vào năm 1961. Việc xem xét các báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng về Tự do hàng hải cho thấy rằng các hoạt động FON của Mỹ trong những năm gần đây đã được thực hiện nhất quán mà không có sự phân biệt đối xử chống lại các tuyên bố chủ quyền biển quá mức không chỉ được khẳng định bởi Trung Quốc, mà còn bởi Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Năm 2015
Mỹ đã thực hiện và 2 cuộc tuần tra tự do hàng hải vào năm 2015. Mặc dù số lượng ít, song do Mỹ không tiến hành đợt tuần tra tự do hàng hải nào trong năm 2014 nên hai cuộc tuần tra trên đã gây sự chú ý. Khi Mỹ tiến hành một hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các yêu sách biển quá mức đó, thì nước này không đứng về phía nào trong số các bên tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc địa lý này, mà thay vào đó Mỹ thách thức các yêu sách biển quá mức mà mỗi bên tuyên bố chủ quyền đang đòi hỏi trong các vùng biển xung quanh những cấu trúc đó. Về cơ bản, một hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong khắp các vùng biển xung quanh những cấu trúc địa hình đó có thể được coi là một hành động “trúng ba mục đích”.
Ngoài Mỹ, các nước như Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đang gia tăng các hoạt động tuần tra hàng hải và di chuyển qua Biển Đông. Phát biểu tại Hội thảo quân sự ở Adelaide, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (24/9/2018) cho biết bà có dự định thảo luận với Australia về việc cải thiện các hoạt động phối hợp tại Biển Đông, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực này. Bà Parly cho biết Pháp không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục cho tàu đi qua vùng biển này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ cử một nhóm công tác hàng hải đi cùng trực thăng và tàu biển của Anh ghé thăm Singapore, sau đó “tiến vào một số khu vực ở Biển Đông”. Dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng bà Parly dường như nhấn mạnh tàu Anh và Pháp sẽ đi qua vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép. Bà Florence Parly cho biết bằng cách thực thi hoạt động tự do hàng hải với các đồng minh và bạn bè, Paris đã góp phần thiết lập trật tự dựa trên những quy tắc ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ được triển khai đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện từ năm 2021, sau khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson nhấn mạnh rằng, Anh cùng với Pháp và Australia muốn đảm bảo quyền tự do qua lại ở Biển Đông; cho biết Anh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tự do hàng hải là điều quan trọng sống còn đối với London. Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones (8/2018) cho biết, Anh sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Đông, bất chấp phản ứng gần đây của Bắc Kinh cho rằng London có hành vi khiêu khích. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbul cho biết, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE của Anh đã được chọn để cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 35 tỷ AUD (khoảng 25,74 tỷ USD) cho Hải quân Hoàng gia Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh và Australia sẽ hợp tác để triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương và sẽ có những cuộc tuần tra chung với các tàu chiến của Australia. Trong khi đó, Ngoại trưởng Julie Bishop cũng khẳng định, Australia sẽ tiếp tục các hành động mà nước này đã làm trong thời gian qua như cử tàu và máy bay đến vùng biển quốc tế ở Biển Đông” và có thể là sẽ nâng tầng xuất của sự xuất hiện này.

Diễn biến tình hình Biển Đông

 là mối quan tâm, lo ngại của cộng đồng quốc tế

Trong những năm gần đây, “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông là một trong những chủ đề được giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông là mối quan tâm, lo ngại của tất cả các nước, nên về bản chất nó là một vấn đề quốc tế, không cần phải “quốc tế hóa”.
Biển Đông vốn là vấn đề quốc tế
Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 600 triệu người dân của các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ.
Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan … trong đó Indonesia là thành viên của OPEC. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, New Zealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Ngoài ra, lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz).
Vấn đề quốc tế không cần “quốc tế hóa”
Tranh chấp trên Biển Đông không chỉ là vấn đề của khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Á – Thái Bình Dương, việc tranh chấp trên Biển Đông đã đưa vấn đề vượt ra ngoài phạm vi khu vực, thu hút sự quan tâm của các cộng đồng quốc tế có liên quan đến những tranh chấp này. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước lớn có lợi ích quốc gia ở Biển Đông (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga…) đang ngày càng tăng cường hiện diện trong khu vực để ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như trên thế giới. Nhìn một cách tổng quan, tranh chấp Biển Đông đã tác động đến phân cực châu Á và thúc đẩy một cấu trúc cân bằng quyền lực mới ở châu Á – Thái Bình Dương; gia tăng căng thẳng trong khu vực Tây Thái Bình Dương; cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra các biện pháp ngăn chặn, phản đối hành vi phi pháp ở Biển Đông. Không những vậy, Biển Đông còn là một trung tâm tranh chấp của thế giới về mức độ phức tạp, số lượng các bên tranh chấp và sự quan tâm lợi ích của các cường quốc. Biển Đông là khu vực đặc thù, chứa đựng tất cả các yếu tố liên quan như quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo (Indonesia và Philippines), quốc gia không có biển hay bất lợi về mặt địa lý (Lào), các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, vùng đánh cá, phân định biển, vấn đề biển nửa kín, eo biển quốc tế, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật, các đàn cá di cư xa và đàn cá xuyên biên giới, khai thác chung, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chống cướp biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn…
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các tranh chấp trên biển ở Biển Đông không những chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước có liên quan, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, đến hòa bình, ổn định và sự hợp tác phát triển của khu vực và thế giới. Vì vậy, các nước đặc biệt quan tâm, thúc đẩy, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Các hoạt động không tính đến lợi ích của nước khác tất sẽ đưa đến sự chú ý của dư luận và các động thái nhằm tìm kiếm sự cân bằng có lợi cho hòa bình và phát triển trong khu vực. Ngoài ra, một khi trong khu vực xảy ra căng thẳng, xung đột khiến các tuyến đường hàng hải bị cắt đứt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của các nước nhập khẩu dầu lớn, đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, đánh mạnh vào buôn bán thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ.
Giáo sư Nhật Bản Kazunime Akimoto khẳng định rằng tất cả các quốc gia Đông Á đều liên quan đến Biển Đông. Nếu khu vực này bị một quốc gia nào đó độc chiếm, tác hại không chỉ xảy ra cho khu vực mà cả cho an ninh toàn thế giới. Do tranh chấp Biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế, theo nhiều nhà quan sát, công việc tìm giải pháp nên được quốc tế hoá. Quốc tế hoá không chỉ là đưa vấn đề ra các cuộc đàm phán đa phương, các định chế quốc tế, mà còn nhằm đánh động dư luận thế giới thông qua các Hội nghị hay diễn đàn thảo luận.
Trong hki đó, Phó Giáo sư Peter Dutton, Viện Nghiên cứu Biển Trung Hoa thuộc trường Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng cách tiếp cận mang tính quốc tế hóa đối với vấn đề Biển Đông là phù hợp nhất lúc này vì có nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền và có lợi ích tại đây. Tiến trình quốc tế hóa có thể sẽ thất bại nếu Trung Quốc không sẵn lòng tham gia các cuộc hội thảo cũng như tìm kiếm các giải pháp quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chịu nhiều áp lực phải chứng tỏ mình là một nước láng giềng tốt đối với các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng như các nước không tuyên bố chủ quyền, nhưng có tiếng nói hữu ích, giúp giải quyết các bất đồng. Trung Quốc có thể từ chối tham gia giải quyết vấn đề, nhưng điều đó sẽ khiến họ tự biến mình thành người ngoài cuộc. Cho dù các cuộc đàm phán quốc tế không giải quyết được từng vấn đề như chủ quyền đối với các hòn đảo hay đường lãnh hải, nhưng ít ra các cuộc thương thuyết đó sẽ tìm ra cách đẩy nhanh tiến trình tìm giải pháp.
Cách nhìn phiến diện từ Trung Quốc
Trái với những gì cộng đồng quốc tế đánh giá, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Trung Quốc đang tìm cách bôi lem chính sách Biển Đông của Việt Nam, cố tình xuyên tạc rằng việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là sách lược ứng phó có định hướng đặc biệt trong chiến lược biển quốc gia của Việt Nam.
Giới học giả Trung Quốc cố tình xuyên tạc, bội nhọ chính sách biển đảo của Việt Nam và sự thật lịch sử cũng như quy định luật pháp quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực Biển Đông. Họ cho rằng chính sách Biển Đông của Việt Nam vừa bao gồm đòi hỏi đối với chủ quyền hải đảo, quyền lợi biển, vừa bao gồm sử dụng nguồn lực Biển Đông để thực hiện phát triển bền vững đất nước. Họ nhận định rằng Việt Nam cho rằng quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược phi pháp trước đây, hiện hai nước vẫn còn tồn tại tranh chấp ở quần đảo này; đồng thời Việt Nam cho rằng chủ quyền của 29 đảo san hô ở quần đảo Trường Sa mà họ kiểm soát thuộc về Việt Nam, không có tranh chấp với nước khác. Từ nhiều năm trước, sách lược cơ bản của Chính phủ Việt Nam ứng phó với tranh chấp Biển Đông là
bảo vệ lợi ích vốn có, hạ giọng khi giải quyết tranh chấp, ngăn chặn ở mức tối đa việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông. Sách lược này bắt đầu thay đổi sau khi Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, ý đồ “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông dần hình thành.
Xem xét tổng quan chiến lược “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông của Việt Nam, động cơ của sách lược này về đại thể chia làm hai cấp độ: Bảo vệ an ninh quốc gia và ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống. Về an ninh quốc gia, Việt Nam mong muốn liên kết với các nước lớn bên ngoài khu vực và thông qua các tổ chức quốc tế mang tính khu vực để gây sức ép với Trung Quốc, hình thành hợp lực về đối nội và đối ngoại để duy trì nguyên trạng khu vực Biển Đông. Còn những lĩnh vực an ninh phi truyền thống như đánh bắt quá mức, phòng chống thiên tai, cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường, buôn bán người…, do sức mạnh tổng hợp của đất nước có hạn, Việt Nam có khuynh hướng tăng cường sự tham gia của cộng đồng quốc tế, thông qua nhiều hình thức hợp tác đa phương để ứng phó với thách thức.
Đồng thời, chiến lược Biển Đông của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở xem xét toàn diện quan hệ với Trung Quốc. Chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc luôn theo chủ trương vừa hợp tác vừa đấu tranh, sách lược quốc tế hóa vấn đề Biển Đông thể hiện đầy đủ chủ trương đó. Việt Nam một mặt sử dụng sự can dự của thế lực quốc tế, phá bỏ ý tưởng mà Trung Quốc đưa ra là đàm phán riêng rẽ với từng nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Mặt khác, Việt Nam lại có thể tránh được đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, đồng thời hình thành “kiềm chế mềm” mang tính thực chất đối với việc duy trì quyền lực của Trung Quốc. Trong quá trình quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, Việt Nam không những không từ bỏ đàm phán với Trung Quốc, ngược lại, lợi dụng nguồn gốc lịch sử của quan hệ hai đảng, hai quân đội để tích cực tiếp xúc với Trung Quốc. Ngoài ra, trong chiến lược ngoại giao của mình, Việt Nam còn từng tuyên bố nguyên tắc “ba không”, đó là không liên minh, không cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự và không liên hết với nước khác gây chiến với nước thứ ba. Chính sách này giúp Việt Nam triển khai hợp tác quốc phòng với nước khác vừa phù hợp với tình hình ở Việt Nam, vừa không gây thiệt hại đến nguyên tắc ngoại giao quốc gia.
Hiện tại, Việt Nam đang khai thác các tài nguyên ở Biển Đông, đặc biệt là dầu mỏ, đã triển khai hợp tác khai thác dầu mỏ quy mô lớn với các công ty dầu khí Exxo Mobil của Mỹ, ONGC của Ấn Độ, Gazprom của Nga và một công ty dầu khí của Nhật Bản. Thông qua hợp tác với các công ty xuyên quốc gia, Việt Nam không những có thể giành được nhiều lợi ích kinh tế ở Biển Đông mà còn có thể tác động đến thái độ của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đứng sau họ trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam “lợi dụng” sự hiện diện của các công ty xuyên quốc gia ở Biển Đông để cung cấp “chỗ dựa” mang tính hợp pháp để các nước lớn bên ngoài khu vực can dự vào vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, để củng cố và đảm bảo lợi ích biển hiện có, không bị ảnh hưởng tiêu cực từ hành động duy trì quyền lợi của Trung Quốc, Việt Nam còn “lợi dụng” các tổ chức quốc tế, tuyên truyền, “phóng đại” về các mối đe dọa mà họ phải chịu ở Biển Đông nhằm nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Những năm gần đây, từ hội nghị cấp cao ASEAN đến Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), rồi đến Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), cho đến Liên hợp quốc, đều được Việt Nam coi là mặt trận quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Chiến lược “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông mà Việt Nam thúc đẩy có quan hệ chặt chẽ với chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương mà Mỹ bắt đầu thực hiện từ năm 2009. Chính phủ Mỹ tiếp tục tuyên bố họ có lợi ích quan trọng ở khu vực Biển Đông, trong đó có tự do hàng hải và ổn định khu vực Biển Đông. Chính sách Biển Đông của Mỹ phù hợp tự nhiên với tính toán của Việt Nam giữ nguyên trạng Biển Đông. Thông qua tăng cường hợp tác với các nước lớn bên ngoài khu vực như Mỹ, Việt Nam không những có thể tránh đơn phương đối đầu với Trung Quốc, giảm bớt gánh nặng ngân sách và kinh tế của Việt Nam, mà còn có thể thu được lợi ích thiết thực như sự ủng hộ về đạo lý và hỗ trợ về vật chất. Đồng thời, triển khai hợp tác quốc phòng với các nước bên ngoài khu vực còn giúp nâng cao ảnh hưởng quân sự của Việt Nam ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mở rộng quyền phát ngôn chính trị của họ.
Nhìn chung, cách nhìn phiến diện của Trung Quốc là chuyên “cơm bữa” và điều này hoàn toàn không thể tác động đến xu hướng chung của cộng đồng quốc tế. Thời gian tới, các nước có lợi ích trong khu vực, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Đô, Anh, Pháp, Đức, Australia… sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến diễn biến tình hình Biển Đông, cũng như lên án, phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc.

Các nước đang ngày càng đẩy mạnh

 hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông

Biển Đông là một trong những vùng biển được đánh giá có trữ lượng dầu mỏ và khí đột lớn trên thế giới. Để khai thác nguồn tài nguyên trên, nhiều nước trong khu vực đã đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.
Trữ lượng dầu khí ở Biển Đông
Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán Biển Đông nắm giữ trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đã được chứng minh và ở dạng tiềm năng, con số này vượt xa so với những dự đoán trước đây và và thậm chí còn nhiều hơn các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của cả châu Âu. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cũng nhận định trữ lượng dầu mỏ tiềm năng ở Biển Đông vào khoảng 2,5 tỷ thùng dầu. Theo CIA World Factlook, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông ít hơn so với trữ lượng 14,8 tỷ thùng dầu đã được chứng minh của Trung Quốc và bằng khoảng một nửa trữ lượng dầu đã được chứng minh của Mỹ (20,6 tỷ thùng). Trong khi đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng ước tính khu vực này nắm giữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ m3 khí tự nhiên chưa được khám phá.
Theo EIA, khu vực này bao gồm hàng trăm hòn đảo nhỏ, đá và san hô, phần lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, khu vực quanh quần đảo Trường Sa hầu như chưa được kiểm chứng là có dầu và hầu hết các nguồn tài nguyên hydrocarbon được dự đoán nằm ở Bãi Cỏ Rong ở cuối phía Đông Bắc của quần đảo Trường Sa. Vùng đất thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện không có phát hiện dầu khí nào đáng kể và dự báo tiềm năng cũng không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, EIA nhận định việc khai thác nguồn tài nguyên giàu có này của Biển Đông sẽ rất khó khăn bởi các nhà khai thác sẽ phải xây dựng đường ống dưới biển rất tốn kém để dẫn khí vào bờ. Những thung lũng ngầm và các dòng chảy mạnh cũng gây ra những thách thức địa chất ghê gớm với việc khoan và đặt các cơ sở khai thác, chưa kể sức tàn phá kinh khủng của các cơn bão nhiệt đới nơi đây.
Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) là tập đoàn dầu khí của Trung Quốc có hoạt động mạnh nhất trong khu vực Biển Đông và tập đoàn này đang hợp tác với Husky ở mỏ khí Liwan (Liwan gas field) với trữ lượng đã được xác định và tiềm năng vào khoảng 4-6 tỷ feet khối. Thêm vào đó, CNOOC sẽ khoan khoảng 140 giếng thăm dò, thu thập xấp xỉ 15.400km (9.571 dặm) dữ liệu địa chấn 2D và 24.800 km2 (9.575 dặm2) dữ liệu địa chấn 3D và sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động thăm dò nước sâu. Tổng đầu tư cho các hoạt động là khoảng hơn 20 tỷ USD.
Trong những năm gần đây Trung Quốc đã đẩy mạnh nhiều hoạt động phi pháp trong khu vực, cụ thể: Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động đơn phương, ngăn chặn các nước ven Biển Đông thăm dò, khai thác dầu khí. Trung Quốc thường cáo buộc các nước ASEAN có yêu sách đã xâm phạm vào vùng biển của họ và cho rằng Trung Quốc có quyền thực thi các yêu sách chống lại các nước này. Chẳng hạn vào ngày 26 tháng 5 năm 2011, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của một tàu khảo sát đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển phía nam Việt Nam khoảng 120 km. Vào ngày 9 tháng 6, một tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm ngang cáp khảo sát của một con tàu khảo sát khác của Việt Nam. Năm 2011, Philipines đã báo cáo 7 sự cố liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Trong một trường hợp, vào ngày 2 tháng 3, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò dầu khí trong khu vực mà Philippines yêu sách nằm cách bờ biển Palawan 250 km về phía Tây. Không những vậy, Trung Quốc cũng đơn phương kêu gọi, mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở trong vùng biển của Việt Nam. Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2. Qua kiểm tra tọa độ do phía Trung Quốc công bố, các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay. Năm 2014, CNOCC loan báo sẽ phát thông báo mời các tập đoàn nước ngoài dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông, tổng diện tích của khu vực này là 126.000 km2. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam khẳng định, CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Năm 2016, CNOOC tiếp tục ra thông cáo mời thầu 18 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột
Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Trong các lô dầu khí ở Biển Đông năm 2016 này có một số lô nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 2017, CNOOC lại mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch tại 22 lô ở vùng biển phía Nam Trung Quốc. Các lô này trải dài trên một vùng biển rộng 47.270 km2, bao gồm vùng biển của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn lợi dụng sức ảnh hưởng và tiềm lực kinh tế, quốc phòng để tìm cách ngăn chặn các nước ven Biển Đông hợp tác thăm dò, khai thác dầu khi với nước ngoài. Trung Quốc (7/2014) chỉ trích việc Bộ Năng lượng Philippines đã gia hạn thêm một năm cho Forum Energy, một công ty dầu khí của Anh, tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong (tên quốc tế là Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng dùng ảnh hưởng và sức mạnh của mình để gây sức ép khiến PetroVietnam buộc phải dừng khoan thăm dò với các đối tác nước ngoài ở các lô 07.03 và 136.03 hồi tháng 3/2018 và 7/2017. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhiều lần ngang ngược tuyên bố: “Không có sự cho phép của Trung Quốc, việc khai thác dầu khí của bất kỳ công ty nước ngoài nào trong vùng biển dưới quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc là phi pháp và không có giá trị”; tiếp tục nhắc lại lập luận ngang ngược rằng Trung Quốc “có chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận. Tuy nhiên, bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc, cả Việt Nam và Philipines đều có kế hoạch xúc tiến các dự án thăm dò khí đốt hợp tác với các công ty nước ngoài. Trong đó có nhiều đối tác đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Ấn Độ, Tây Ban Nha…
Việt Nam gia tăng các hoạt động khai thác hợp pháp trên Biển Đông
Hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã được triển khai từ rất sớm (năm 1961), chủ yếu được thực hiện với sự giúp đỡ của Liên Xô tại phía Bắc. Sau khi Việt Nam có chính sách đổi mới năm 1986 và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ. Cấu trúc địa chất và triển vọng dầu khí tại một số khu vực trên đất liền (miền võng Hà Nội, Đồng bằng Sông Cửu Long) và các bể trầm tích ngoài khơi từ Bắc đến Nam như bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay-Thổ Chu, Tư Chính Vũng Mây, Trường Sa và Hoàng Sa đã từng bước được nghiên cứu và đánh giá ở các mức độ chi tiết khác nhau. Ngoài Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được thành lập từ năm 1981 (từ năm 1993, Liên bang Nga tiếp nhận quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô trong liên doanh) để tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí tại lô 09-1. Tính đến thời điểm Quý I/2017, được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam, PVN đã ký kết 106 Hợp đồng dầu khí với các công ty trong và ngoài nước, trong đó có 62 hợp đồng dầu khí còn hiệu lực, 1 hợp đồng hợp tác kinh doanh và 51 hợp đồng chi sản phẩm với tổng số gần 40 nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước đang tham gia các hợp đồng. Trong tổng số 62 hợp đồng dầu khí đang còn hiệu lực, có 18 hợp đồng đang trong giai đoạn khai thác, 7 hợp đồng đang trong giai đoạn chuẩn bị phát triển và phát triển, 37 hợp đồng đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò. Trong giai đoạn đầu, hoạt động tìm kiếm thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam chủ yếu do các công ty dầu khí nước ngoài thực hiện và PVN chỉ chính thức góp vốn đầu tư khi có phát hiện thương mại. Đối với các dự án có tiềm năng cao, PVN lấy quyền tham gia nhiều hơn và thành lập các công ty điều hành chung (JOC), trong đó các vị trí chủ chốt đều do người Việt Nam đảm nhận. Đến nay, trong tổng số 57 hợp đồng, dự án mà Tập đoàn đã tham gia ở trong nước, PVN điều hành trực tiếp tại 2 dự án (dự án Hải Thạch – Mộc Tinh, Lô B 48/95&52/97) và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) trực tiếp điều hành tại 14 dự án và tham gia điều hành chung tại 9 dự án.
Ngoài các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở trong nước, từ năm 2003, PVN chính thức đầu tư góp vốn tham gia các dự án ở nước ngoài. Đến nay, Tập đoàn đang tham gia đầu tư vào các dự án thăm dò, thẩm lượng và phát triển, khai thác dầu khí ở nước ngoài với các hình thức đầu tư khác nhau như: tự điều hành, điều hành chung và tham gia góp vốn. Tính đến 31/12/2015, PVN/PVEP đã tham gia vào 29 dự án thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài trong đó có 20 dự án đang còn hiệu lực (14 dự án đang thăm dò, thẩm lượng và 6 dự án đang phát triển, khai thác). Việt Nam bắt đầu khai thác dầu thô từ năm 1986 (mỏ Bạch Hổ ở thềm lục địa phía Nam). Tính đến thời điểm 31/12/2016 toàn ngành Dầu khí đã khai thác được 370,33 triệu tấn dầu/condensaste (trong đó, Xí Nghiệp Liên doanh Vietsopetro có sản lượng khai thác dầu thô của đạt trên 223 triệu tấn). Sản lượng khai thác dầu/condensate đạt mức đỉnh với sản lượng trên 20 triệu tấn/năm vào năm 2004 sau đó bắt đầu suy giảm. Ngoài mỏ Bạch Hổ, một số mỏ khác như: Ruby, Sư Tử Đen, Rạng Đông là các nguồn cung dầu thô chính tuy nhiên đến nay cũng đều suy giảm sản lượng, một số mỏ được đưa vào khai thác từ sau 2010 có mức sản lượng khá nhỏ. Năm 2016, sản lượng khai thác dầu condensast ở trong nước đạt mức 15,2 triệu tấn. Việc giá dầu suy giảm và giữ ở mức thấp từ cuối năm 2014 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác dầu khí của
Petrovietnam ở cả trong nước và ngoài nước. Một số mỏ ở trong nước có mức sản lượng nhỏ như Đại Hùng, Sông Đốc, Thăng Long – Đông Đô, Hải Sư Đen – Hải Sư Trắng, Nam Rồng – Đồi Mồi… hiện đang phải duy trì hoạt động khai thác ở dưới mức hòa vốn. Các mỏ đang khai thác ở nước ngoài như lô 433a-416a Algeria, PM 304 (Malaysia) có mức sản lượng thấp hơn so với kỳ vọng, công tác phát triển mỏ tại các lô 67- Peru, Junin 2- Venezuela gặp nhiều khó khăn do giá dầu suy giảm sâu, biến động bất lợi của môi trường đầu tư và rủi ro địa chất ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh tế dự án.
Trong số các mỏ dầu khí đang thăm dò, khai thác, Việt Nam có một số mỏ có trữ lượng lớn như: (1) Mỏ Bạch Hổ tại bể Cửu Long, ở lô 09-1; mỏ này hiện do Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (VietsovPetro) điều hành. (2) Cụm mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng và Sư Tử Nâu thuộc bể Cửu Long, ở lô 15-1, do Công ty Điều hành chung Cửu Long quản lý. (3) Mỏ Tê Giác Trắng, tại bể Cửu Long, lô 16-1, do Công ty Điều hành chung Hoàng Long quản lý. (4) Mỏ Lan Tây – Lan Đỏ, bể Nam Côn Sơn, lô 06-1, do Công ty Dầu khí Rosneft quản lý. (5) Bể Nam Côn Sơn, lô 11-2, do Công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc (KNOC) quản lý. (6) Mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, thuộc bể Nam Côn Sơn, lô 05-2 & 05-3, do Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông quản lý.
Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ
Đối với Indonesia, việc các mỏ trong nước như Duri và Minas đang dần cạn kiệt, tập đoàn dầu khí PT Pertamina của Indonesia đang hy vọng gia tăng sản lượng dựa vào những hợp đồng mới ở Biển Đông. Những hợp đồng đó bao gồm lô D-Alpha của Natuna và các lô trong bể Nam Côn Sơn của Việt Nam. Đối với Philippines, bể Palawan là nguồn chính cho nhu cầu khí nội địa của Philippin. Dàn khoan Malampaya hoạt động trong khu vực này được điều hành bởi Shell trong một hợp tác với Chevron và Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Philippin. Đối với Thái Lan, mỏ dầu lớn nhất của Thái Lan là mỏ Benjamas của Chevron ở phía Bắc của bể Pattani. Đồng thời, bể này cũng là nơi có sản lượng khí lớn nhất của Thái Lan tại Bongkot cùng với Tập đoàn BG. Singapore cũng đặt mục tiêu tham gia vào Biển Đông và đã nhận được quyền thăm dò các lô ở Vịnh Thái Lan, bể Cửa Sông Châu Giang (Pearl River Mouth) và ngoài khơi Indonesia. Mỏ dầu khí lớn nhất của Brunei là mỏ Champion, trong khi đó, mỏ Tây Nam Ampa đóng góp phần lớn tổng sản lượng khí của nước này.
Trong khi đó, Ngay từ những năm 1980, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. Công ty dầu khí ONGC Videsh Ltd (OVL) vào Việt Nam từ năm 1988 và đã có được giấy phép khai thác Lô 6.1. Đến năm 2006, công ty này được quyền thăm dò các Lô 127 và 128. Sau đó, Ấn Độ rút ra khỏi Lô 127 ở ngoài khơi Phú Khánh vì không tìm thấy dầu khí. Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ. Ấn Độ cũng bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ nhiều lần cập cảng Việt Nam và sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa. Vào tháng 10/2014, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định Lô 128 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS. Trước đó, vào năm 2011, Bắc Kinh đã cảnh báo phi lý OVL rằng, “các hoạt động thăm dò của công ty này ở bờ biển ngoài khơi Việt Nam là phi pháp và vi phạm chủ quyền Trung Quốc”, song OVL vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển này. ONGC từng tiết lộ dù bị Trung Quốc gây sức ép, song vẫn tiếp tục tiến hành thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam là do không có tàu lớn ra vào lô 127 và 128 mà Ấn Độ đang khai thác trong một thời gian dài; Tòa quốc tế ra phán quyết Trung Quốc vi phạm luật quốc tế. Nếu xảy ra đụng độ trong khu vực, cộng đồng quốc tế sẽ xem xét việc này một cách nghiêm túc. Hiện OVL đang giữ 45% cổ phần trong Lô 6.1, cách bờ biển Việt Nam 375km. Rosneft Vietnam BV nắm 35% và Petro Vietnam nắm giữ 20% còn lại. OVL đã hoàn thành khảo sát giai đoạn 1 tại Lô 128 khơi miền Trung Việt Nam do họ nắm 100% quyền điều hành. Việt Nam tiêu thụ gần ¼ sản lượng dầu khí của OVL, bao gồm 5,5 triệu tấn dầu và 3,3 tỷ mét khối khí trong giai đoạn 2014 – 2015.
Nhìn chung, cùng với việc nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt đang ngày càng khan hiếm, đã tác động trực tiếp đến tiến trình phát triển kinh tế của các nước trong khu vực. Do đó, những nước này đang ngày càng đẩy mạnh quá trình thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước ven Biển Đông, tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam là
không thể chấp nhận được. Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ các quy định liên quan và chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.