Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 07/02/2020

Friday, February 7, 2020 7:44:00 PM // ,


Tin Biển Đông – 07/02/2020

Năm 2020, cộng đồng quốc tế cần chung tay

đối phó với mối đe dọa an ninh ở Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng thực hiện hóa âm mưu “độc chiếm” Biển Đông, biến vùng biển này thành “ao nhà” của Bắc Kinh. Để ngăn chặn những hành vi trên của Trung Quốc, các nước liên quan cần triển khai tổng hợp nhiều biện pháp, chung tay đối phó với Bắc Kinh nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Những hoạt động phi pháp của Trung Quốc thời gian gần đây
Trong những tháng cuối năm 2019, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và một số nước trong khu vực, gây ảnh hưởng, đe dọa lớn đến hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Hành động phi pháp của Trung Quốc không chỉ đi ngược lại các tuyên bố, cam kết của mình mà còn bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích. Theo đó, từ cuối tháng 6-10/2019, Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Không những vậy, Trung Quốc (10-27/5) tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur, Malaysia đã được cấp phép thăm dò. Đáng chú ý, khi Malaysia điều hai tàu tiếp tế đến phục vụ giàn khoan vào ngày 21/5, tàu hải cảnh Trung Quốc đã chạy quanh khiêu khích và tiếp cận hai tàu này trong phạm vi 80m. Mới đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Indonesia bắt đầu vào giữa tháng 12/2019 sau khi một tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, nằm ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna. Đến 19 – 24/12/2019, ít nhất 63 tàu đánh cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Natuna thuộc tỉnh Quần đảo Riau.
Không những vậy, Trung Quốc trong năm 2019 đã tổ chức hàng trăm cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Trong đó, Bắc Kinh (7/2019) lần đầu tập trận bắn thử 06 quả tên lửa đạn đạo đất đối hạm tầm trung DF-21D ra Biển Đông. Trung Quốc (7/2019) đã điều nhiều máy bay chiến đấu Su-35 tập trận trên Biển Đông nhằm “kiểm tra năng lực của các máy bay mới được cải tiến”. Theo thông tin trên, một đơn vị không quân thuộc Chiến khu Nam tham gia diễn tập sau khi nâng cấp mẫu tiêm kích do hãng Sukhoi của Nga chế tạo. Các cuộc diễn tập bao gồm 3 máy bay tấn công 1 mục tiêu trên biển, chiến thuật phối hợp khai hỏa và thao tác điều khiển bay và chiến dịch ban đêm, tạp chí trên đưa tin nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Được biết, tất cả 24 chiếc Su-35 của Trung Quốc được đưa vào biên chế một lữ đoàn không quân đóng gần thành phố Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông. Theo bản tin, lữ đoàn trên đã tăng tốc để rút ngắn thời gian nâng cấp các tiêm kích. Trước đó, từ 16/1 – 20/2, Trung Quốc đã điều lực lượng hải quân, không quân và tên lửa tiến hành tập trận phi pháp tại Biển Đông và Tây và Trung Thái Bình Dương. Tuyên bố từ thuộc Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh một số tàu chiến hiện đại nhất đã được quân đội Trung Quốc điều động tham gia đợt tập trận bao gồm tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì, tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn và tàu tiếp liệu Hồng Hồ. Ngoài tập trận, Trung Quốc còn triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc triển khai phi pháp tiêm kích J-10 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tác chiến; răn đe chiến lược đối với các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số nước có lợi ích trực tiếp trong khu vực (như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…); thăm dò, thử phản ứng của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành rầm rộ các hoạt động quân sự hóa; tuyên truyền, quảng bá năng lực quốc phòng và quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” biển đảo cho người dân Trung Quốc, để từ đó khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trực tiếp là trung thành với Tập Cận Bình.
Xu hướng hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2020
Trong năm 2020, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khảo sát trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông; gia tăng tần suất, quy mô các cuộc tập trận trên biển; chủ động hơn trong các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền và quân sự ở Biển Đông; thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chính sách cứng rắn trong yêu sách chủ quyền và ngăn chặn các nước lớn can dự vào vấn đề Biển Đông.
Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “mập mờ” về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, không đưa ra các giải thích cụ thể, làm rõ bản chất, nội dung và phạm vi liên quan yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử”; sử dụng “các đảo khác nhau ở Biển Đông” để né tránh lập trường công khai về quy chế pháp lý của nhóm hoặc từng thực thể ở Trường Sa; cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”, lấy các đảo ở Biển Đông là cơ sở chính để yêu sách nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ từ các đảo ở Biển Đông. Việc tách biệt giữa yêu sách
“nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải” với yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” quy thuộc cho “các đảo ở Biển Đông” để ngỏ khả năng diễn giải rằng thực thể có thể có quy chế pháp lý khác nhau. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, tăng cường khả năng kiểm soát trên thực địa, hoàn thành quá trình quân sự hóa ở Biển Đông; tập trung mọi nguồn lực để phát triển hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển; tích cực nghiên cứu, chế tạo và biên chế thêm nhiều loại khí tài quan trọng cho Hải quân, Cảnh sát biển, Ngư chính, Kiểm ngư; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát ở Biển Đông; tiếp tục củng cố chứng cứ pháp lý, ngụy tạo bằng chứng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp hàng năm, tích cực điều lực lượng chấp pháp trên biển ngăn chặn, bắt giữ ngư dân các nước ở Biển Đông.
Cộng đồng quốc tế cần chung tay đối phó với Trung Quốc
Để ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, các nước cần phối hợp, triển khai tổng hòa các biện pháp như ngoại giao, pháp lý, quân sự… để răn đe, kiềm chế Bắc Kinh.
Đầu tiên, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông cần thống nhất lập trường, quan điểm trong việc ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; tích cực đưa ra các tuyên bố lên án, chỉ trích hành động ngang ngược của Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Cụ thể: (1) Tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế và khu vực, lãnh đạo các nước liên quan cần tích cực đưa ra các tuyên bố, phát ngôn chỉ trích, lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian qua, rất nhiều nước, đặc biệt là những nước lớn trong khu vực cũng như trên thế giới đã tích cực thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc lên án những hành động khiêu khích, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Anh, Philippines, Singapore… đều nhiều lần đưa ra các tuyên bố thể hiện sự quan ngại, phản đối các hành động đơn phương, quân sự hóa của Bắc Kinh đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có các hành động cụ thể nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực. (2) Các nước liên quan cũng cần tăng cường can thiệp ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc nhằm thể hiện thái độ, quan điểm của mình đối với vấn đề Biển Đông. Trong những năm gần đây, tại các cuộc gặp cấp cao giữa một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam… với Trung Quốc, các nước đều đề cập quan điểm, thái độ liên quan tình hình Biển Đông. Hành động này của các nước liên quan đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực và kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. (3) Các nước liên quan tranh chấp cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất, tác động và ảnh hưởng của tranh chấp Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới. Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn là một vấn đề quốc tế, nhưng nó đang bị Trung Quốc kiềm hãm và tìm cách ngăn cản cộng đồng quốc tế can thiệp vào, khiến tình hình tranh chấp ngày càng xấu đi. (4) Các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, NATO, EU… cần thể hiện vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ngăn chặn các hành động phi pháp, khiêu khích trong khu vực, vì nếu tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước trong khu vực, những nước có hoạt động giao thương hàng hải qua Biển Đông.
Thứ hai, trước các hành động ngày càng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và Vùng đặc quyền kinh tế với Trung Quốc cần tăng cường sức mạnh quân sự và có các hành động cụ thể để bảo vệ những tuyến đường biển, cầu cảng cũng như các đường biên giới biển quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu, cung cấp nhiên liệu. (1) Các nước cần đầu tư, mua sắm trang thiết bị quân sự để đề phòng bị Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo, đá ở Biển Đông. Tuy khả năng xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn là không cao, song không thể loại trừ việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để xâm chiếm các đảo, đá ở Biển Đông và ép các nước, trong đó có Việt Nam phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, phần lớn các nước ASEAN tập trung mua sắm vũ khí hiện đại, đáp ứng cho hoạt động phòng không và phòng vệ trên biển như tàu chiến, tàu tuần tra, hệ thống radar, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tên lửa chống hạm. (2) Các nước cần tăng cường các hoạt động tập trận, tuần tra trong khu vực. Những hoạt động trên không chỉ góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đối phó với các mối đe dọa về an ninh phi truyền thống mà còn có tác dụng trực tiếp răn đe, ngăn chặn các hoạt động khiêu khích của Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, việc Mỹ và các nước đồng minh liên tục tiến hành tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực là một trong những ví dụ điển hình về việc ngăn chặn và thách thức hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ và các nước đồng minh đã liên tục cử tàu chiến
(bao gồm tàu ngầm, tàu sân bay, tàu khu trụ…), máy bay chiến đấu (máy bay trinh sát, máy bay ném bom B-52, máy bay tuần tra…) đến hoạt động trong khu vực Biển Đông. (3) Tăng cường các hoạt động quân sự, đáp trả hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc.
Thứ ba, việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016)… tạo tiền đề hợp pháp để các nước liên quan triển khai các biện pháp pháp lý đối phó với Trung Quốc: (1) Các nước cần chuẩn bị sẵn sàng về hồ sơ tài liệu để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế về việc vi phạm các quy định, cam kết liên quan vấn đề Biển Đông. Philippines là nước đầu tiên đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông. (2) Các nước liên quan cũng có thể khởi kiện Trung Quốc về việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực xâm chiếm phi pháp các đảo, đá ở Biển Đông; khởi kiện những hành động của Trung Quốc (quân sự hóa, cấm đánh bắt cá…) đe dọa các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, cũng như đe dọa hòa bình ổn định ở Biển Đông. (3) Không những vậy, các nước cũng có thể khởi kiện Trung Quốc về việc vi phạm các quy định liên quan nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, cũng như việc vi phạm các cam kết do chính Trung Quốc đưa ra đối với khu vực.
Thứ tư, để đảm bảo tối đa lợi ích kinh tế ở Biển Đông, các nước liên quan cần tăng cường phối hợp, hình thành các liên minh, hợp tác khai thác tài nguyên, khoáng sản, hải sản và dấu khí trong khu vực. Việc hợp tác kinh tế không chỉ giúp các nước đẩy nhanh quá trình thăm dò, khai thác tài nguyên ở Biển Đông mà còn giúp các nước hỗ trợ lẫn nhau trong việc ngăn chặn, đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể: (1) Các nước có thể hình hành một cơ chế hợp tác đánh bắt hải sản ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là nước đầu tiên ở ven Biển Đông đơn phương đưa ra những quy định phi pháp về lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đánh bắt hợp pháp các của các nước trong khu vực. Không những vậy, Trung Quốc còn thường xuyên sử dụng các lực lượng chấp pháp, các lực lượng bán vũ trang và cả những tàu cá trá hình để tấn công, đâm va, bắt bớ, thậm chí là nổ súng bắn phá tàu cá, ngư dân các nước. Nếu các nước ven Biển Đông có thể hình thanh một cơ chế hợp tác có thể sẽ ngăn chặn được các hoạt động phi pháp này của Trung Quốc. (2) Các nước cần tăng cường hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong khu vực. Nhìn chung, các nước ven Biển Đông đều có trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu hơn so với Trung Quốc, chính vì vậy, việc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Để khai thác được nguồn tài nguyên phong phú này, các nước liên quan cần tăng cường hợp tác với những nước có trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại và có đủ khả năng răn đe cũng như đáp trả các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ… Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vị thế quốc tế cũng như sức mạnh quân sự để đe dọa, ngăn chặn (phi pháp) các nước hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. (3) Ngoài ra, các nước liên quan cũng cần có các biện pháp chế tài về kinh tế, thương mại để phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Tuy Trung Quốc vừa là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, vừa là công xưởng sản xuất và thị trường lớn trên thế giới, nhưng nếu cộng động quốc tế cùng hợp tác ngăn chặn Trung Quốc thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Chỉ đơn cử một ví dụ, tất cả các nước cùng ngừng nhập khẩu các mặt hàng do Trung Quốc khai thác, đánh bắt trái phép ở Biển Đông thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế của Bắc Kinh. Và đương nhiên, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải có các biện pháp điều chỉnh chiến lược, ngừng các hành động leo thang căng thẳng cũng như hoạt động khiêu khích trong khu vực.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.