Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 07/02/2020

Friday, February 7, 2020 7:49:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 07/02/2020

Virus corona : Quá phẫn nộ,

người dân Trung Quốc không còn sợ hãi

Thụy My
Ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự giận dữ trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus 2019-nCoV. Sau khi Tập Cận Bình kêu gọi « tăng cường kiểm soát truyền thông và internet », một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất vẫn đăng bài « Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa », tố cáo độc tài, sự thất bại trước Donald Trump và cả ở Hồng Kông, Đài Loan.
Dịch bệnh virus corona, đặc biệt là cái chết của vị bác sĩ trẻ đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo ở Vũ Hán ; nước Mỹ tiếp tục chia rẽ sau vụ truất phế Donald Trump bất thành ; Kirk Douglas, huyền thoại cuối cùng của Hollywood qua đời ở tuổi 103. Đó là những chủ đề được các báo Pháp quan tâm nhất hôm nay.
Xã hội dân sự Trung Quốc dậy sóng
Trong bài « Sự phẫn nộ của xã hội dân sự Trung Quốc », Le Monde nhận xét việc quản lý khủng hoảng dịch corona hiện nay bị chỉ trích mạnh mẽ không chỉ trên mạng xã hội, mà cả từ truyền thông. Người ta không còn tự kềm chế việc phê phán chính quyền trung ương Trung Quốc.
Bác sĩ, trí thức, nhà báo hoặc chỉ là những người dân bình thường…ngày càng đông đảo người Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ hoặc thất vọng trên các mạng xã hội, trước sự lây lan nhanh chóng của con virus 2019-nCoV, mà đến hôm nay đã làm 636 người chết và 31.161 người nhiễm bệnh, theo số liệu chính thức.
Trước hết là 8 bác sĩ ở Vũ Hán, bị công an bắt hôm 01/01/2020 vì đã báo động « quá sớm » về sự nguy hiểm của virus corona mới. Dù Tòa án Tối cao đã phục hồi danh dự, nhưng cư dân mạng vẫn tiếp tục phê phán. Trên Vi Bác và WeChat, người ta viết « Thay vì xử lý vấn đề, họ lại bắt người cảnh báo », « Chính quyền Vũ Hán là những kẻ quan liêu, đây là nạn dịch của đất nước ». Nhiều người chia sẻ hình ảnh những người dẫn chương trình truyền hình trên CCTV hồi đầu tháng Giêng loan báo vụ bắt bớ này với dòng chữ « Tám người loan tin thất thiệt bị bắt và điều tra ».
Đọc thêm: Virus corona : Tòa án Trung Quốc phục hồi danh dự cho 8 bác sĩ
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng gây phẫn nộ tột đỉnh
Phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong tám bác sĩ nói trên đã qua đời, chính thức là vào ba giờ sáng hôm nay. Tất cả các báo Pháp không kịp đưa tin trên báo giấy, đều cập nhật trên mạng. Le Figaro nhận xét thảm kịch này gây phẫn uất trước một chế độ sẵn sàng thí mạng người dân với danh nghĩa « ổn định xã hội ».
Tin người bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi qua đời vào tối hôm qua đã gây xúc động lớn, khiến chính quyền sau đó nói rằng bác sĩ Lý đang được hồi sức tích cực, mãi đến bốn giờ sáng thì bệnh viện mới xác nhận. Le Monde nhận định, hiếm khi nào thấy những lời bình lại thống nhất như thế trên mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều cư dân mạng cho biết chờ đợi lời xin lỗi của chính quyền.
Le Figaro ghi nhận trong suốt mấy tiếng đồng hồ, hashtag « tự do ngôn luận » và bài hát « Do you hear the people sing ? » của người biểu tình Hồng Kông nở rộ trên mạng Vi Bác, thách thức kiểm duyệt. Một người viết «Tôi hy vọng có thể lập ra một đạo luật mang tên Lý Văn Lượng để xúc tiến tự do ngôn luận», câu này nay đã bị xóa trên Vi Bác.
La Croix cho biết thêm, người bác sĩ « tử đạo » có một con trai còn nhỏ, vợ đang mang bầu nhưng chị cũng bị nhiễm virus corona như cha mẹ. Theo tờ báo, trong trái tim người dân, bác sĩ Lý Văn Lượng không chỉ là hình mẫu của sự chính trực, nhưng còn là nạn nhân bi thảm của một hệ thống chính trị độc đoán, tham tàn. Hai ngày trước khi mất, từ giường bệnh ông đã thổ lộ với CNN : « Nếu chính quyền công bố sớm nạn dịch, tôi tin rằng tình hình đã tốt hơn. Họ cần phải cởi mở và minh bạch » - một di chúc thực sự.
Trước khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, đã có những bác sĩ Vũ Hán thẳng thắn tố cáo tình hình khác hẳn với trên tivi. Bác sĩ Peng Zhiyong nói với tạp chí Tài Kinh : « Tôi thường phải rơi nước mắt vì vô số bệnh nhân không được nhập viện, họ gào khóc trước bệnh viện. Một số còn quỳ gối xin tôi cho vào viện, nhưng tôi không thể làm gì cho họ vì các giường bệnh đều chật kín người ». Ông còn kể lại câu chuyện một phụ nữ mang thai từ nông thôn lên, đã chi ra số tiền tương đương 26.000 euro, rồi sau đó không còn khả năng đóng tiền tiếp và nay đã chết, trước khi nhà nước quyết định gánh chi phí. Cư dân mạng còn xúc động trước cái chết của Yan Cheng, một cậu bé bị liệt đã qua đời do cha và anh bị cách ly, không ai chăm sóc cậu.
Các « nhà báo công dân » dũng cảm đưa tin
Để nói lên sự thật, một số người đã quyết định vào cuộc. Luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi), người từng tường thuật các sự kiện ở Hồng Kông và bị công an cảnh cáo, đã lên chuyến tàu cuối cùng đến Vũ Hán trước khi thành phố này bị cô lập hôm 23/1. Từ đó đến nay, ông liên tục thông tin về tình hình tại chỗ, trong các video ông luôn xuất hiện với khẩu trang, kính bảo vệ.
Vị luật sư « chuyển nghề » thành nhà báo đi khắp các bệnh viện, hỏi chuyện những y tá hiếm hoi còn chịu phát biểu, và cùng với những người tình nguyện kiểm tra hư thực của các thông tin. Khi một cư dân mạng đăng video về ba xác người bị bỏ mặc trong hành lang một bệnh viện của Hồng thập tự, ông Trần xác nhận được tin này nhờ một y tá. Ông cũng báo động về vụ bắt giữ Fang Bin, một nhà báo công dân khác, người đã đếm các xác chết trong một xe tang đậu trước bệnh viện.
Sau khi Tập Cận Bình hôm 4/2 kêu gọi đảng Cộng Sản Trung Quốc « tăng cường kiểm soát truyền thông và internet », một trong những người chỉ trích ông Tập mạnh mẽ nhất là giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) vẫn đăng trên mạng xã hội ở nước ngoài một bài viết có tiêu đề « Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa ». Theo ông, « sự hỗn loạn ở Hồ Bắc chỉ là phần nổi của tảng băng, tất cả các tỉnh khác đều như thế ». Bài viết tố cáo các quan chức tham nhũng, chủ nghĩa toàn trị trong việc giám sát toàn dân, thất bại trước Donald Trump và cả ở Hồng Kông, Đài Loan.
Bây giờ phải chăng đến lượt chính quyền phải sợ ? Đó là ý kiến của Hồ Giai (Hu Jia), nhà đấu tranh nhân quyền từng được giải Sakharov của Nghị Viện Châu Âu. Ông cho biết bộ trưởng Công An mới đây đã tổ chức ba cuộc hội nghị về vấn đề « an ninh ».
Đọc thêm: Trung Quốc : Một đế quốc tử chiến với một con virus
Virus corona đe dọa Thượng Hải, nhiều địa phương âm thầm phong tỏa
La Croix lưu ý « Tại Trung Quốc, virus corona lan tràn và đang đe dọa Thượng Hải ». Con virus từ từ lan về phía đông, cách Vũ Hán 800 kilomet, tiến vào nhiều thành phố lớn vùng duyên hải, chiếc nôi của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Thậm chí Thượng Hải với 20 triệu dân, tủ kính trưng bày sự hiện đại của Trung Quốc trước thế giới, đang lâm vào vòng nguy hiểm. Việc cô lập thành phố khổng lồ này, sẽ có tác động như một trận động đất.
Nhưng trước mắt đã có trên 800 ca ở Chiết Giang, thành phố hơn 60 triệu dân (lớn hơn Hồ Bắc), còn Ôn Châu thì đã bị cách ly toàn bộ. Trên thực tế, rất nhiều thành phố nhỏ và trung bình đã lặng lẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát, cấm người từ địa phương khác đến, nhất là Hồ Bắc. Tại tỉnh Hà Nam (110 triệu dân, nằm ở phía bắc Hồ Bắc), thị trấn Trú Mã Điếm (Zhumadian) chỉ cho phép mỗi gia đình có một người được ra khỏi nhà năm ngày một lần, và hứa thưởng tiền cho những ai « chỉ điểm » người từ Hồ Bắc sang.
Tổng cộng số người đang bị cô lập ở Trung Quốc được ước tính lên đến khoảng 80 triệu, tuy chính quyền không chính thức công bố như ở Vũ Hán hôm 23/1. Vào lúc đó dưới áp lực quốc tế, Bắc Kinh muốn chứng tỏ có những biện pháp cứng rắn để chống dịch, tại thành phố ít được biết đến này. Vài phút sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoãn lại việc công bố tình trạng khẩn cấp quốc tế. Mãi đến ngày
30/1 rốt cuộc quyết định cũng được đưa ra, nhưng theo La Croix, lần lựa đến một tuần lễ, tình hình đã khác biệt một trời một vực.

Tàu Diamond Princess :

Chuyến du lịch trong mơ thành ác mộng

Le Figaro quan tâm đến sự kiện 3.700 hành khách trên chiếc tàu Diamond Princess bị cách ly ở Nhật vì virus corona. Chuyến du lịch bằng tàu biển tưởng như trong mơ bỗng biến thành ác mộng, sau khi một hành khách đã xuống tàu tại Hồng Kông bị phát hiện nhiễm bệnh. Khủng hoảng càng tăng thêm khi đến hôm nay, theo AFP, đã có 61 người trên tàu bị lây nhiễm !
Những người chính thức xác nhận bị nhiễm corona đã được đưa xuống tàu và nhập viện ở Nhật. Những khách còn lại trên tàu bị buộc phải ở trong ca-bin ít nhất 14 ngày, bữa ăn kiểu bệnh viện được các nhân viên y tế bịt mặt và đeo găng mang đến. Khách nào ở ca-bin không cửa sổ được lên boong tàu hóng gió tối đa 90 phút mỗi ngày, người này đứng đứng cách người kia một mét, bị nhân viên phụ trách cách ly theo dõi chặt chẽ. Le Monde cho biết thêm, chính quyền Nhật hôm 6/2 đã tiếp tế thực phẩm và vật liệu y tế, nhất là 7.200 khẩu trang và 4.000 nhiệt kế.
Một cặp vợ chồng người Mỹ qua CNN đã kêu gọi tổng thống Donald Trump gởi máy bay tới giải cứu. Lo âu tràn ngập đối với những ai đã từng tiếp cận những người nhiễm bệnh, trên tàu và cả ở những cảng mà chiếc tàu từng ghé qua sau khi xuất phát hôm 20/1 ở Yokohama : Hồng Kông, Việt Nam, Đài Loan, Okinawa…Riêng Nhật Bản hiện có đến 86 bệnh nhân nhiễm virus corona, nhiều nhất sau Trung Quốc. Chính quyền đang hoang mang khi sự kiện lớn được chuẩn bị từ nhiều năm qua là Olympic Tokyo ngày 24/7 sẽ khai mạc.
Đọc thêm: Trung Quốc và hậu quả địa chính trị của virus corona

Dịch bệnh, Hồng Kông : Do Tập Cận Bình độc tài

« Virus corona, Hồng Kông, những sai trái thấy trước của ông Tập ». Les Echos khẳng định việc đảng Cộng Sản Trung Quốc và Tập Cận Bình ngày càng siết chặt xã hội Trung Quốc một cách độc đoán đã làm chậm trễ việc đối phó với virus corona.
Theo tác giả, con virus này đã phong tỏa kinh tế Trung Quốc, làm hơn 600 người chết và trên 30.000 người bị nhiễm bệnh, nhưng bên cạnh đó còn có một nạn nhân khác : sự khả tín của bộ máy cầm quyền. Đảng Cộng Sản Trung Quốc thiếu minh bạch, nhưng người dân tuân lệnh vì hoạt động hiệu quả, nhất là về kinh tế – chỉ sau một thế hệ dân Trung Quốc đã giàu lên.
Việc giấu thông tin về con virus mới làm mất đi ít nhất 7 tuần lễ quý giá, khiến dịch bệnh lan tràn trên toàn quốc và vượt ra ngoài Hoa lục. Les Echos cho rằng trách nhiệm phần lớn là Tập Cận Bình. Nắm trọn quyền hành trong tay, đưa cả « tư tưởng Tập Cận Bình » vào Hiến pháp, tự giành cho mình quyền lãnh đạo trọn đời, ông ta đã thay đổi hẳn cách chọn người vào bộ máy từ thời Đặng Tiểu Bình.
Để thăng tiến, còn có những tiêu chí khác như lý lịch, nhưng tiêu chuẩn chọn người theo năng lực đã giúp cho bộ máy chính quyền các cấp có được những người tài. Ngày nay, vâng lời mới là tiêu chuẩn chính, và cuộc khủng hoảng virus corona ở Vũ Hán cho thấy quan chức đợi lệnh trên thay vì xử lý một cách hiệu quả. Đảng, tức là Tập Cận Bình, hôm 3/2 nhìn nhận dịch bệnh corona là « thử nghiệm quan trọng » cho năng lực điều hành đất nước. Tuy nhiên sai sót này đã được báo trước, con virus corona là sự cố đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng.
Một « sự cố » khác là Hồng Kông. Việc giới trẻ ở đặc khu nổi dậy sẽ không khi nào đạt được tầm vóc đại quy mô, nếu Tập Cận Bình không độc tài như thế.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200207-virus-corona-qu%C3%A1-ph%E1%BA%ABn-n%E1%BB%99-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-trung-qu%E1%BB%91c-kh%C3%B4ng-c%C3%B2n-s%E1%BB%A3-h%C3%A3i

Tin tổng hợp


(Reuters) – Giải thể chính quyền bang Thuringe, cử tri Đức phải bầu lại lãnh đạo. 
Ngày 06/02/2020 Thomas Kemmerich, thuộc đảng Tự Do Dân Chủ Đức đắc cử thủ hiến nhờ có sự ủng hộ của đảng cực hữu. Vấn đề đặt ra là đảng Tự Do Dân Chủ của ông đã liên kết với đảng CDU của thủ tướng Merkel để giành được chiếc ghế lãnh đạo Thuringe. Ngay lập tức thủ tướng Merkel lên tiếng phản đối. Trước áp lực quá lớn, Thomas Kemmerich đã tuyên bố từ nhiệm. Hậu quả là cử tri bang này phải quay trở lại phòng phiếu.
(AFP) – Israel tăng cường an ninh tại Jerusalem và Cisjordanie. 
Quyết định được đưa ra ngày 07/02/2020 một ngày sau một loạt các vụ đụng độ đẫm máu. Trưa hôm qua một chiếc xe đã tông vào các rào cản an ninh tại thành phố cổ Jerusalem làm khoảng 10 lính Israel bị thương. Tình báo Israel lo ngại nhiều vụ tấn công tương tự xảy ra trong ngày Thứ Sáu, ngày cầu nguyện, của người Hồi Giáo.
(South China Morning Post) – Philippines dễ bị tổn thương ở Biển Đông nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. 
Trước Thượng Viện, ngoại trưởng Philippine Locsin hôm qua 06/02/2020 cảnh báo nếu tổng thống Duterte từ bỏ thỏa thuận an ninh với Hoa Kỳ thì sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước Philippines và làm tăng nguy cơ Biển Đông bị xâm lược. Theo ngoại trưởng Locsin, thỏa thuận VFA, cho phép các lực lượng Mỹ đến Philippines để huấn luyện chung với quân đội Philippines, mang lại lợi ích quan trọng về an ninh, thương mại và kinh tế cho Philippines.
(AFP) – Chính quyền Mỹ thông báo đã tiêu diệt Qassem al Rimi, chỉ huy Al Qaida tại Yemen. 
Trong một thông cáo phát ngày hôm nay 07/02/2020, Nhà Trắng cho biết theo chỉ thị của tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã triển khai chiến dịch chống khủng bố tại Yemen và đã thành công trong việc diệt trừ thủ lĩnh lực lượng Al Qaida tại nước này. Qassem al Rimi đã chỉ huy các chiến dịch tàn bạo chống thường dân Yemen và là người đưa ra các ý tưởng tấn công nhắm vào Mỹ và các lực lượng của Washington.
(AFP) – Ngoại trưởng Nga tố cáo Mỹ thường xuyên khiêu khích Venezuela. 
Ông Lavrov đang có chuyến công du Bắc Mỹ. Hôm qua 06/02/2020, ngoại trưởng Nga đang thăm Mêhicô và đã gặp đồng nhiệm Mêhicô để bàn về tình hình Venezuela. Lời tố cáo Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nhà đối lập – tổng thống Venezuela tự phong Juan Guaido đã được tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tại phòng Bầu Dục hôm thứ Tư 05/02.
(AFP) – Anh Quốc chỉ định đại sứ mới tại Washington. 
Bà Karen Pierce, đương kim đại sứ Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc hôm 07/02/2020 được chỉ định đứng đầu cơ quan ngoại giao Anh tại Hoa Kỳ. Là phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức đại sứ Anh tại Mỹ, Karren Pierce thay thế ông Kim Darroch. Ông này đã phải từ chức hồi tháng 7/2019 vì đã có những lời phát biểu kém ngoại giao nhắm vào tổng thống Trump.
(AFP) – WHO : Thế giới thiếu trang thiết bị bảo hộ chống dịch “trầm trọng”. 
Vào lúc virus corona tiếp tục hoành hành, giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc ngày 07/02/2020 tuyên bố thế giới đang thiếu “khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ cá nhân” một cách “trầm trọng” và ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hiệp lực giải quyết tình trạng “thiếu hụt đó” trong dây chuyền sản xuất. Tổ chức Y Tế Thế Giới bị chỉ trích “bênh vực” Bắc Kinh trong việc xử lý khủng hoảng dịch viêm phổi cấp tính do chủng mới virus corona gây nên.
(RFI) - Thủ tướng Ấn Độ thăm bang Assam. 
Sau luật về quốc tịch gây phẫn nộ được thông qua cách đây 2 tháng, ngày 07/02/2020, lần đầu tiên thủ tướng Narendra Modi đến bang Assam, nằm giáp với Bangladesh, sau hai lần hủy trong vòng một tháng, nhằm trấn an dâ nchungs. Luật mới cho phép người nhập cư bất hợp pháp và người theo Ấn Độ Giáo từ Bangladesh có thể được nhập tịch một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người dân ở bang Assam liên tục xuống đường biểu tình phản đối luật trên do lo sợ bản sắc dân tộc trong vùng bị thay đổi sâu sắc.
(AFP) – Bulgari điều chỉnh pháp chế để gia nhập khu vực đồng euro. 
Ngày 05/02/2020, Nghị Viện Bulgari đã thông qua một tu chính quy định tỉ giá đồng tiền quốc gia từ được quyết định với các nước thuộc khối eurozone và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE). Trước đó, Ngân Hàng Nhà Nước có quyền ấn định tỉ giá và điều khoản này được khi trong luật và không thay đổi từ năm 1999. Là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2007, theo bà giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI), một người Bulgari, thì khả năng Bulgari gia nhập eurozone vào năm 2023 là hoàn toàn có thể.
(AFP) – Nga lên án Israel dùng máy bay dân sự để tránh phản công của Syria. 
Theo thông cáo của quân đội Nga ngày 07/02/2020, không quân Israel đã oanh kích một vùng ngoại ô Damas, buộc hệ thống phòng không Syria bắn trả. Tuy nhiên, trong lúc bắn trả chiến đấu cơ của Israel, một máy bay dân sự từ Teheran đến Damas chở 172 người, xuất hiện gần đó và chuẩn bị hạ cánh và chiến đấu cơ của Israel đã lợi dụng máy bay dân sự này để tránh đạn. Chiếc Boeing 320 đã được chuyển hướng, hạ cánh xuống sân bay ở khu căn cứ Hmeimim của Nga.
(AFP) – Syria : 17 thường dân chết vì oanh kích. 
Trong số người chết ngày 05/02/2020 do các trận oanh kích của quân đội Damas, được Nga yểm trở, ở Idlib, có rất nhiều trẻ em. Lực lượng Damas từng bước tiến vào thành phố chiến lược này, hiện vẫn do các lực lượng nổi dậy và khủng bố kiểm soát. Ngày 05/02, tại Liên Hiệp Quốc, các nước phương Tây kịch liệt lên án các cuộc tấn công trên. Trong khi Iran đề xuất làm trung gian để làm giảm căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
(AFP) – Google muốn tăng gấp ba số lượng nhân viên ở Canada. 
Theo thông báo của tập đoàn Mỹ ngày 06/02/2020, ngoài tăng số lượng nhân viên từ 1.500 lên thàng 5.000 người từ đây đến năm 2022, Google sẽ mở thêm ba văn phòng mới ở Montréal, Waterloo và Toronto. Hiện Google Canada đã có nhiều văn phòng ở ba thành phố trên, cũng như ở thủ đô Ottawa.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200207-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 7/2:

Bác sĩ đầu tiên cảnh báo về virus Vũ Hán qua đời

Lục Du
Sáng nay, thứ Sáu (7/2), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc nội dung tóm lược những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), 34 tuổi, người đầu tiên cảnh báo về sự bùng phát virus Vũ Hán, đã chết vào ngày thứ Sáu (7/2) sau khi nhiễm chính loại virus này, theo SBS News.
Bệnh viện trung tâm thành phố Vũ Hán (WCCH) cho biết bác sĩ Lý ra đi vào trước thời điểm 3 giờ 48 phút sáng. “Chúng tôi vô cùng hối tiếc và thương tiếc vì cái chết của anh ấy”, WCCH viết trên Weibo, một mạng xã hội của Trung Quốc. Chỉ trước đó ít giờ WCCH còn thông báo rằng họ sẽ cố gắng cứu bác sĩ Lý.
Thời báo New York đã viết về bác sĩ Lý trong một bài báo đăng ngày 1/2, nói rằng anh đã thông tin cho các đồng nghiệp về một loại bệnh đáng báo động giống như virus SARS, một chủng virus họ corona đã tàn phá Trung Quốc cách đây gần 20 năm. Nhưng cảnh báo của bác sĩ Lý đã khiến anh gặp phiền toái do cảnh sát đã tìm tới và gây sức ép buộc anh phải im lặng.
Công dân Mỹ bất ngờ mất tích ở Venezuela
Các công dân Hoa Kỳ bị chính phủ Maduro ở Venezuela giam giữ đã đột nhiên mất tích khiến người thân của họ lo ngại rằng có thể những người này đã gặp nguy hiểm tới tính mạng, theo Fox News.
Năm công dân Mỹ đã bị chính phủ thiên tả ở Venezuela giam lỏng hơn 2 năm qua, người thân của họ cho biết đã không còn liên lạc được với họ và suy đoán rằng họ đã bị cơ quan tình báo hàng đầu của Maduro SEBIN bắt đi.
Việc những người Mỹ mất tích xảy ra sau khi Nhà Trắng mời lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, tới tham dự buổi đọc Thông điệp liên bang 2020 của Tổng thống Trump và tuyên bố rằng sẽ chào đón ông Guaido tới thăm ông Trump, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng nếu chính phủ Maduro gây khó dễ cho việc trở về của vị lãnh đạo trẻ tuổi thì sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của Washington.
Mỹ-Trung xung đột về việc Đài Loan không được tham gia WHO
Đại diện của Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xung đột vào hôm thứ Năm (6/2) về vấn đề Bắc Kinh nhất quyết loại Đài Loan khỏi các cuộc họp của WHO, theo Reuters.
Trước đó, Đài Loan đã cáo buộc Trung Quốc cung cấp cho WHO thông tin sai về số trường hợp nhiễm virus Vũ Hán trên đảo. Đó có thể là một trong những lý do khiến ông Andrew Brprice, đại sứ Hoa Kỳ ở văn phòng của Liên Hợp Quốc đặt tại Geneva, nói với Ban điều hành WHO rằng cơ quan này nên làm việc trực tiếp với chính quyền Đài Loan.
Nhật Bản tỏ ra đồng tình với Mỹ về vấn đề này, Đại sứ Nhật Ken Okaniwa cho rằng WHO không nên tạo ra một khoảng trống địa lý khi cấm một vùng lãnh thổ tham gia các cuộc họp của tổ chức này ngay cả với tư cách một quan sát viên.
Đại diện của Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với những ý kiến này, cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và Bắc Kinh – Đài Bắc đã hợp tác sâu rộng trong vấn đề phòng chống đại dịch virus Vũ Hán.
Zimbabwe: Sập hầm, ít nhất 2 người thiệt mạng
Một mỏ vàng ở Zimbabwe đã bị sập vào hôm thứ Tư (5/2) khiến ít nhất 2 thợ mỏ thiệt mạng và 20 người mắc kẹt dưới lòng đất, Fox News đưa tin hôm thứ Năm, trích dẫn thông tin từ truyền thông Zimbabwe.
Một thợ mỏ nói với hãng tin New Zimbabwe về diễn biến của vụ sập hầm mỏ: “Chúng tôi đang làm việc dưới lòng đất vào khoảng 10 giờ thì đột nhiên nghe thấy tiếng ồn từ phía bên kia của khu vực khai thác. Khi chúng tôi tới đó để xem thế nào thì thấy một tảng đá rơi đè lên những người bạn của chúng tôi”.
Vào tháng 2 năm ngoái, ở Zimbabwe, cũng xảy ra một vụ tai nạn hầm mỏ khi một đường hầm dùng cho khai thác vàng bị ngập khiến hàng chục người chết. Việc khai thác vàng ở quốc gia này thường ít được kiểm soát nên rủi ro cao.
Ý: Tàu cao tốc trật bánh, 2 người chết
Một chuyến tàu cao tốc đang di chuyển ở miền Bắc Italy vào sáng thứ Năm (6/2) thì bị trật bánh khiến hai lái tàu thiệt mạng và nhiều người bị thương, đồng thời làm gián đoạn giao thông trên tuyến đường bận rộn giữa hai thành phố Milan và Bologna, theo Reuters.
Chuyến tàu bị trật khỏi đường ray khi đang di chuyển với tốc độ 280 km/h, toa kéo tàu đã chồm lên một đường ray liền kề trước khi dừng lại sau khi đã trượt xa hàng trăm mét so với vị trí trật bánh.
Chỉ có 33 người trên con tàu gặp nạn. Con tàu khởi hành từ thủ đô tài chính Milan của Ý lúc 5h10 sáng và gặp nạn sau 20 phút xuất phát.
Một người Anh nhiễm virus Vũ Hán từ một nước không phải Trung Quốc
Vương quốc Anh đã xác nhận ca thứ ba nhiễm virus Vũ Hán. Đây là một công dân Anh đã đến một quốc gia châu Á không phải Trung Quốc, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cho biết thông tin hôm thứ Năm (6/2), theo Reuters.
Người phát ngôn nói rằng đã hỏi quan chức Bộ y tế rằng ca nhiễm virus Vũ Hán mới này có phải người Anh không thì nhận được câu trả lời “Tôi tin là đúng…người này bị nhiễm virus từ một quốc gia châu Á…nhưng không phải Trung Quốc”.
Theo cập nhật mới nhất của AFP, có thêm 69 người tử vong vì virus Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của đại dịch, khiến số người chết bởi loại virus này ở Trung Quốc tăng lên 634 người, từ mức 565 người theo báo cáo ngày hôm qua, và số người nhiễm bệnh là 30.612, tăng hơn 2000 ca nhiễm so với một ngày trước.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-7-2-bac-si-dau-tien-canh-bao-ve-virus-vu-han-qua-doi.html

Điểm tin thế giới chiều 7/2:

Tập Cận Bình điện đàm với Donald Trump; Thêm 41 người

nhiễm virus corona trên du thuyền Nhật

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (7/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Tờ The Hill cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm (6/2) đã điện đàm với ông Tập Cận Bình về dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra. Đây là cuộc điện đàm công khai đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể khi dịch virus corona bùng phát.
“Tổng thống Trump bày tỏ sự tin tưởng vào sức mạnh và sự kiên cường của Trung Quốc trong việc đối phó với thách thức từ sự bùng phát của dịch virus corona mới 2019”, phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết trong một thông báo.
“Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục liên lạc và hợp tác sâu rộng giữa hai bên”, thông báo của Nhà Trắng cho biết thêm.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin, Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Trump rằng Trung Quốc đã “huy động toàn quốc, triển khai toàn diện và ứng phó nhanh chóng”, đồng thời thực hiện “các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt nhất”. Ông Tập cũng tuyên bố nước này “hoàn toàn tự
tin và có khả năng đánh bại dịch bệnh” và “xu hướng lâu dài với kinh tế Trung Quốc phát triển tốt hơn sẽ không thay đổi”.
Thêm 41 người nhiễm virus corona trên du thuyền Nhật
Tờ AFP thông tin, có thêm 41 ca dương tính với virus corona trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở cảng Nhật Bản, nâng tổng số ca nhiễm lên 61.
“Đã có kết quả xét nghiệm của 171 trường hợp, trong đó có thêm 41 ca dương tính với virus corona. Hôm nay họ sẽ được chuyển đến các bệnh viện và chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó. Tổng cộng, trong số 273 mẫu xét nghiệm, chúng tôi đã ghi nhận 61 trường hợp dương tính”, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato nói với các phóng viên ở Tokyo hôm nay.
Quan chức y tế Nhật Bản bắt đầu kiểm tra sàng lọc khoảng 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess, sau khi một hành khách 80 tuổi từ Hồng Kông đi trên tàu vào tháng trước dương tính với virus corona.
Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh nhóm al-Qaeda ở Yemen
Theo Reuters, Tổng thống Trump hôm 6/2 xác nhận đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Qassim al-Rimi, kẻ đứng đầu một trong những chi nhánh nguy hiểm nhất của tổ chức khủng bố al-Qaeda.
“Mỹ đã tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Yemen và tiêu diệt được Qassim al-Rimi, kẻ thành lập và lãnh đạo nhóm al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP)”, ông Trump cho biết trong thông cáo được Nhà Trắng công bố hôm 6/2.
“Cái chết của hắn sẽ tiếp tục làm suy yếu AQAP và al-Qaeda, giúp chúng ta tiến gần tới xóa sổ những mối đe dọa với an ninh quốc gia”, thông cáo cho biết thêm.
Một số nguồn tin cho rằng Rimi bị tiêu diệt trong đòn không kích bởi máy bay không người lái ở thành phố Marib, miền Trung Yemen. Trong khi đó, một quan chức giấu tên tiết lộ mục tiêu của đợt không kích tại Marib là một người khác.
Mỹ xem AQAP là một trong những nhánh nguy hiểm nhất của mạng lưới al-Qaeda trên toàn cầu, đứng sau nhiều âm mưu đánh bom nhằm vào Mỹ và các đồng minh.
Venezuela giam cựu lãnh đạo công ty dầu khí Mỹ
Hãng tin Reuters cho biết, cảnh sát Venezuela đã bắt giam 6 cựu lãnh đạo công ty Mỹ Citgo đang bị quản thúc tại gia sau khi Tổng thống Trump gặp thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.
6 người bị bắt giam gồm cựu chủ tịch Citgo Jose Pereira và các cựu phó chủ tịch Jose Luis Zambrano, Alirio Jose Zambrano, Jorge Toledo, Tomeu Vadell. Citgo là công ty con của công ty dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).
“Cảnh sát đêm 5/2 đến căn hộ của chúng tôi nói rằng họ sẽ đưa cha tôi đi. Họ tháo vòng định vị GPS ở cổ chân và đưa ông đi”, ông Carlos Anez, con trai của một cựu lãnh đạo Citgo bị bắt giam, nói. Cảnh sát thông báo sẽ đưa cha ông Anez đến trụ sở cơ quan tình báo Sebin của Venezuela để kiểm tra y tế.
“Citgo tin rằng việc bắt giam những người này làm tù nhân chính trị đã vi phạm các quyền con người cơ bản của họ. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ gia đình người bị bắt giam, bao gồm chi trả mọi chi phí pháp lý, bảo hiểm y tế và các hỗ trợ khác”, Citgo ra thông báo cho biết.
6 lãnh đạo của công ty bị bắt hồi tháng 11/2017 với cáo buộc tham ô, rửa tiền và âm mưu rửa tiền. Đến tháng 12/2019, họ bị quản thúc tại gia.
Mưa lớn ở Úc, nhiều đám cháy rừng được dập tắt
Theo BBC, khoảng 20 trong tổng số 60 đám cháy rừng ở phía Đông nước Úc đã được dập tắt nhờ những cơn mưa lớn vào hôm nay. Tuy nhiên, các quan chức Úc cũng cảnh báo những cơn mưa xối xả có thể gây ra lũ quét ở Sydney và các thành phố khác dọc bờ biển.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-7-2-tap-can-binh-dien-dam-voi-donald-trump-them-41-nguoi-nhiem-virus-corona-tren-du-thuyen-nhat.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.