Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 17/02/2020

Monday, February 17, 2020 7:34:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 17/02/2020

Virus corona: Chuyện gì đã thực sự xảy ra ở Trung Quốc?

Thụy My
Làm thế nào có thể hiện diện tại Liên Hiệp Quốc với tư cách người bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế, nếu không tôn trọng Nhà nước pháp quyền tại chính nước mình ? Đó là vấn đề của Trung Quốc. Và là vấn đề của tất cả chúng ta, nếu nạn dịch corona biến thành đại dịch.
Thời sự nước Pháp hôm nay 17/02/2020 tập trung vào vụ ứng cử viên vào chức đô trưởng Paris của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) cầm quyền Benjamin Griveaux phải từ chức sau khi bị tung clip nhạy cảm, bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn thay thế trong lúc chỉ còn một tháng nữa là đến kỳ bầu cử. Bên cạnh đó là hồ sơ cải cách chế độ hưu : Quốc Hội bắt đầu họp phiên toàn thể để xem xét hôm nay, trong khi có đến 41.000 đề nghị sửa đổi.
Về quốc tế, hai chủ đề được báo chí Pháp chú ý nhiều nhất là dịch virus corona, và sự đối đầu Mỹ-Trung trong hội nghị an ninh tại Munich (München). Les Echos có một phóng sự dài mô tả « Cuộc sống tại Bắc Kinh trong thời kỳ virus corona ». Le Monde thì cho biết « Cảnh sống khép kín đầy khủng hoảng trên chiếc tàu du lịch Diamond Princess ». Le Figaro nói về « Bài học của một Tchernobyl dịch tễ ».
Không thể chấp nhận một nửa sự thật, trước tính mạng 1,4 tỉ người
Nhà bình luận Dominique Moisi đặt câu hỏi trên Les Echos « Chuyện gì đã thực sự xảy ra ở Trung Quốc? ». Dù không muốn bi kịch hóa tình hình, nhưng việc Bắc Kinh giữ bí mật số liệu khiến khó thể đánh giá đúng tầm mức của nạn dịch.
Tác giả nhắc lại việc trong dịch SARS năm 2003, thủ tướng Pháp thời đó là Jean-Pierre Raffarin vẫn giữ nguyên kế hoạch đến thăm Trung Quốc, và được Bắc Kinh coi là người thân thiết. Tuy nhiên tình bạn không có nghĩa là đồng lõa. Khi tính mạng của 1 tỉ 400 triệu người (và có thể hơn nữa) bị đe dọa, thì không thể chấp nhận một nửa sự thật, và trong trường hợp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), là phê phán nửa chừng.
Những gì xảy ra trên thực tế tại Hoa lục ? Y học chưa biết con virus sẽ biến thể ra sao, cộng với thói quen giấu diếm của chế độ Bắc Kinh, khiến khó thể trả lời được câu hỏi này. Nhiều tuần lễ quý giá đã mất đi, gây hậu quả không thể khắc phục được, tạo ra nỗi sợ hãi và chính quyền liền kiểm soát hầu như toàn bộ thông tin.
Để biện minh cho sự tập trung quyền lực, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu cao tinh thần đoàn kết phía sau Đảng. Và như thế, theo họ phải duy trì bí mật tình hình, không có tự do báo chí và các quyền tự do công dân. Tuy nhiên Les Echos nhấn mạnh, nhân danh đoàn kết quốc gia, Bắc Kinh siết chặt Hồng Kông và cứng rắn với Đài Loan, dẫn đến phong trào phản kháng ở cựu thuộc địa Anh ; còn người Đài Loan đặt tự do, Nhà nước pháp quyền lên trên sự gắn bó với « mẫu quốc ».
Tư cách ở Liên Hiệp Quốc ?
Bài viết cho rằng nếu nói về một « Tchernobyl Trung Quốc », hoặc so sánh cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) với vụ tự thiêu của người bán hàng Tunisie gây ra Mùa Xuân Ả Rập có thể đôi chút cường điệu. Tập Cận Bình không phải là Gorbatchev hay Ben Ali, Trung Quốc không phải là Tunisia, cũng không trong tình trạng như Liên Xô cuối thập niên 80. Tuy nhiên trước một nạn dịch quy mô như thế, sự thiếu vắng Nhà nước pháp quyền và đối lập khiến việc ngăn chận dịch bệnh cũng khó như tạo được niềm tin nơi người dân.
Tác giả Dominique Moisi cho biết, tháng 5/1986, khoảng 15 ngày sau thảm họa Tchernobyl, ông có mặt ở Matxcơva vì công việc. Rất nhiều lần, ông bị người dân chận lại hỏi với vẻ sợ hãi : « Ông là người phương Tây, có thể nói cho chúng tôi biết có thể ăn uống những thứ gì ? Chính quyền nói dối chúng tôi ».
Nhà nghiên cứu dự báo một khi ra khỏi khủng hoảng virus corona, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục độc quyền lãnh đạo, dù thời gian đầu giọng điệu có bớt vênh vang. Tuy nhiên một câu hỏi căn bản được đặt ra.
Chủ nghĩa toàn trị tuyệt đối bản thân nó ẩn chứa những nghịch lý. Làm thế nào có thể hiện diện tại Liên Hiệp Quốc với tư cách người bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế, nếu không tôn trọng Nhà nước pháp quyền tại chính nước mình ? Đó là vấn đề của Trung Quốc. Và là vấn đề của chúng ta, nếu nạn dịch corona biến thành đại dịch.
Virus corona thách thức mô hình toàn trị của Trung Quốc
Cũng trên Les Echos, chuyên gia tư vấn Jean-Joseph Boillot nhận định « Mô hình Nhà nước toàn trị theo kiểu Trung Quốc bị con virus thách thức ».
Hãy còn quá sớm để đánh giá tác động kinh tế ngắn và trung hạn của nạn dịch virus corona, nhưng đã có thể đặt câu hỏi về nguyên nhân và hậu quả với thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là hồi kết cho toàn cầu hóa quá tự do, và chủ trương tất cả cho thị trường. Còn cuộc khủng hoảng Trung Quốc năm 2020 là hồi chuông báo tử cho mô hình phát triển dưới thể chế độc tài.
Trong khi video về việc xây dựng cấp tốc một bệnh viện 1.000 giường có thể khiến một số người ngưỡng mộ mô hình Nhà nước toàn trị, thông tin về nạn dịch xảy ra ở Vũ Hán từ ngày 08/12/2019 đã khẳng định giả thiết của nhà kinh tế tên tuổi Amartya Sen về mối quan hệ giữa dân chủ và nạn đói. Đói kém không phải do thiếu lương thực, mà do chế độ độc tài kiểm soát thông tin.
Thứ đến, mô hình phát triển kiểu Bắc Kinh – đô thị hóa, kỹ nghệ hóa, kế hoạch hóa…đại quy mô – mang lại nghịch lý : tàu cao tốc, Con đường tơ lụa mới là lý tưởng để phát tán bệnh truyền nhiễm.
Khủng hoảng tính chính danh của đảng Cộng Sản
Trước mắt tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm tới sẽ sụt xuống dưới 4%, và hậu quả trong trung hạn được minh họa trong chính chữ Hán « nguy cơ » – vừa nguy hiểm vừa là cơ hội. Đây là sự khủng hoảng tính chính danh của một chế độ hứa hẹn thịnh vượng đổi lấy tự do, mà Hồng Kông và Đài Loan chỉ là bề nổi phía trên cơn sóng ngầm Tây Tạng và Tân Cương.
Từ một năm qua, người dân Trung Quốc rất bất mãn trước khủng hoảng dịch heo : 300 triệu con heo bị tiêu diệt, khiến giá thịt heo mà họ vốn ưa thích tăng vọt. Nhưng câu trả lời của Nhà nước là đầu tư cho những nhà máy kiêm nông trại 12 tầng lầu, để mặc các hộ chăn nuôi gia đình tự xoay sở, trong khi dân chúng mong muốn một cuộc sống « xanh và sạch », thuận với thiên nhiên.
Nhìn chung trên toàn cầu, cuộc khủng hoảng mô hình Bắc Kinh sẽ làm tăng quá trình phi toàn cầu hóa, tái chuyển dịch sản xuất. Những nước đang phát triển chẳng hạn ở châu Phi sẽ thoát được chế độ thực dân mới, còn với những nước phát triển, có thể hạn chế được tình trạng tiêu dùng quá lố, bất chấp hệ quả xã hội, môi trường. Như vậy con virus corona chưa hẳn chỉ mang lại toàn tin xấu.

« Ăn cắp », « nói dối »…Hoa Kỳ

và Trung Quốc đấu khẩu kịch liệt tại Munich

Về quan hệ Mỹ-Trung, đặc phái viên của Le Figaro cho biết « Tại Munich, sự đối địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nổ ra công khai ». Hội nghị về an ninh lần thứ 56 là dịp để Washington và Bắc Kinh đấu khẩu kịch liệt.
Người Trung Quốc là bọn ăn cắp, còn người Mỹ là những kẻ nói dối. Những từ ngữ nặng nề như thế đã được tung ra giữa đôi bên. Năm nay, đoàn đại biểu Mỹ đến Munich rất hùng hậu với ít nhất ba bộ trưởng và khoảng 40 dân biểu gồm đủ mọi khuynh hướng chính trị. Bất chấp nỗ lực đối phó với virus corona của Bắc Kinh, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ Mỹ đều tố cáo mối đe dọa từ Trung Quốc đang đè nặng lên thế giới tự do.
Loạt đạn dữ dội nhất là từ bộ trưởng Quốc Phòng Mark Ester, ngay từ sáng thứ Bảy 15/2, ông đã tấn công vào sự độc tài của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Rằng đảng « đi về một hướng sai lạc, có thái độ võ biền hung hăng. Trung Quốc xử sự theo kiểu phá hoại và đe nẹt trong khu vực. Chúng ta cần phải thức tỉnh ».
Bị chạm nọc, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả đũa, cho rằng cáo buộc trên là « dối trá », do « Hoa Kỳ không chấp nhận sự thành công của một nước xã hội chủ nghĩa ».
Ngoài việc bành trướng trên Biển Đông với việc quân đội Trung Quốc đe dọa tất cả các nước láng giềng và xung đột thương mại, Washington còn lo ngại trước tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, đặc biệt là dự án « Made in China 2025 ». Ông Mark Esper phẫn nộ : « Trung Quốc tiếp tục chính sách đi ăn cắp. Họ đánh cắp công nghệ ! »
Vương Nghị tự ca tụng : « Chúng tôi có đảng Cộng Sản hùng mạnh, có 5.000 năm lịch sử, không sức mạnh nào trên thế giới ngăn được chúng tôi ». Nhưng Mark Esper đáp trả : « Phương Tây có một tương lai rạng ngời và sẽ chiến thắng. Thượng Đế sẽ phù hộ cho thế giới tự do và Hoa Kỳ ».

Pháp : Phía sau việc tung video riêng tư

của ứng cử viên LREM

Về thời sự Pháp, Libération chạy tựa trang nhất « Tòa đô chính Paris : Buzyn cứu viện LREM ». Tương tự, trang nhất của Le Figaro đăng chân dung bộ trưởng Y Tế – bây giờ đã thành « cựu » với tựa đề « Giữa khủng hoảng, Macron đẩy bà Agnès Buzyn tranh cử ở Paris ». « Cú sốc sau sự suy sụp của Benjamin Griveaux » - tựa chính của Le Monde. La Croix đăng ảnh ông Benjamin Griveaux nhìn từ phía sau lưng trên nền tối sẫm, với hàng tít « Nền dân chủ bị gài bẫy ».
Le Figaro cho biết « Các nhà điều tra tìm kiếm những gì phía sau các video riêng tư của ông Griveaux ». Cuối tuần qua, cảnh sát bắt đầu thẩm vấn Piotr Pavlenski, nhà hoạt động Nga 35 tuổi tị nạn chính trị tại Pháp, và người phụ nữ sống chung với ông ta từ một năm qua là Alexandra de Taddeo, sinh viên luật 29 tuổi.
Pavlenski nhanh chóng tự nhận mình là người phát tán video nhạy cảm trên trang web pornopolitique.com của ông ta lập ra, khiến ứng cử viên chức đô trưởng Paris, ông Griveaux phải rút lui. Nhân vật tự nhận là « nghệ sĩ hoạt động chính trị » đã từng có vô số hành động gây sốc như tự may miệng, đốt một chi nhánh Ngân hàng Pháp ở Paris…
Người tình Alexandra de Taddeo của Pavlenski hồi tháng 5/2018 từng trao đổi với ông Griveaux qua các ứng dụng bảo mật, các tin nhắn tự xóa sau vài giây. Nhưng cô này chụp lại màn hình, và chờ đến hai năm sau mới tung ra, vào lúc chỉ còn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử đô trưởng. Bên cạnh đó còn có Juan Branco, luật sư 29 tuổi, luôn chống đối ông Macron, là bộ óc của phe Áo Vàng, và từng hiện diện khi phe này phá sập cánh cửa của cơ quan nơi ông Griveaux làm việc.
Luật sư của Benjamin Griveaux cho biết không hề tin rằng Pavlenski hành động một mình. Có bàn tay của Matxcơva chăng ? Nhiều tờ báo không quên nêu ra giả thiết này.

Tin tổng hợp

(Taipei Times) – Mỹ lại cho chiến hạm vượt qua eo biển Đài Loan. 
Tuần dương hạm USS Chancellorsville có trang bị tên lửa dẫn đường đã đi qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông hôm 15/02/2020. Đây là lần thứ 2 từ đầu năm 2020 đến nay mà tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Trước đó vào ngày 17/01, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường khác là USS Shiloh cũng thực hiện hành trình tương tự. Ngoài Hải Quân, Mỹ còn phái 2 oanh tạc cơ chiến lược B-52 thực hiện các chuyến bay về phía nam ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan.
(AFP) – Hoa Vi : Tổng thống Mỹ đe dọa đồng minh châu Âu. 
Tổng thống Donald Trump đã đe dọa ngưng chia sẻ thông tin tình báo với các nước châu Âu chấp nhận làm việc với tập đoàn Hoa Vi trong việc thành lập hệ thống 5G. Đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell, đã cho biết như trên vào hôm qua, 16/02/2020, giải thích thêm là tổng thống Mỹ đã chỉ thị cho ông “nói rõ là quốc gia nào quyết định nhờ đến một nguồn phân phối 5G không đáng tin cậy, là gây nguy hiểm cho khả năng chia sẻ thông tin tình báo và thông tin ở cấp cao nhất”. Ông Grenell còn cho biết là tổng thống Trump đã gọi cho ông từ máy bay Air Force One để chuyển thông điệp trên. Pháp và Anh đã từng cho biết không ngăn cản việc Hoa Vi tham gia vào hệ thống 5G của họ, nhưng sẽ đặt ra một số hạn chế.
(AFP) – Hồng Kông : Một nhóm có vũ trang cướp… giấy vệ sinh.
Ba người đàn ông cầm dao vào hôm nay, 17/02/2020 đã uy hiếp tài xế một xe chở hàng để cướp đi hàng trăm cuộn giấy vệ sinh. Hai trong số ba thủ phạm đã bị cảnh sát bắt giữ. Vụ cướp xẩy ra vào lúc người dân Hồng Kông ồ ạt vét hàng vì lo sợ dịch virus corona, với giấy vệ sinh trở thành mặt hàng khan hiếm, bất chấp việc chính quyền đảm bảo rằng nguồn cung không bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của virus. Ngoài giấy vệ sinh, tình trạng sốt hàng cũng xảy ra đối với các mặt hàng chủ lực như gạo và mì sợi cũng như thuốc nước rửa tay và các vật dụng vệ sinh khác.
(RFI) – Hoa Kỳ tăng cường truy lùng người không giấy tờ. 
Lực lượng tuần tra biên phòng gọi tắt là Bortac, sắp tới đây sẽ được phái đến hỗ trợ cho cảnh sát trong việc truy tìm người nhập cư không giấy tờ. Đây là lực lượng tinh nhuệ thường được triển khai ở biên giới với Mêhicô, trong những chiến dịch chống buôn lậu, tịch thu vũ khí, ma túy… Sắp tới họ sẽ được triển khai trong 4 tháng tại những thành phố từ 3 năm qua không hợp tác trong việc bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp như New York, San Francisco, Los Angeles. Nhiệm vụ của lực lượng Bortac là tăng tỷ lệ bắt giam ít ra là lên mức 35%.
(AFP) – Hai tập đoàn hóa chất Đức Bayer và BASF phải bồi thường nạn nhân thuốc diệt cỏ dicamba.
Một bồi thẩm đoàn Mỹ hôm 15/02/2020 đã phán quyết là hai hãng hóa chất lớn Bayer AG và BASF của Đức phải bồi thường 265 triệu đô la cho một nông dân Mỹ tại bang Missouri. Người này đã kiện thuốc diệt cỏ của hai hãng này đã hủy hoại vườn đào của nguyên đơn. Phán quyết này được cho là sẽ tác động đến 140 vụ kiện tương tự khác. Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, đây là vụ kiện đầu tiên về thuốc diệt cỏ dicamba tại Mỹ, loại thuốc bị cho là nguyên nhân khiến vụ mùa trên khắp vùng Trung Tây nước Mỹ bị hủy hoại vì thuốc phát tán sang cả những cây trồng không chịu được độ mạnh của thuốc này.

Điểm tin thế giới sáng 17/2:

Người Hồ Bắc bị cấm rời nhà

cho tới khi có thông báo mới

Lục Du
Sáng nay, thứ Hai (17/2), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Người Hồ Bắc bị cấm rời nhà cho tới khi có thông báo mới
Tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của đại dịch COVID-19, đã gia tăng các biện pháp hạn chế người dân di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo đó, vào Chủ nhật (16/2), nhà chức trách yêu cầu 58 triệu dân trong tỉnh, bao gồm 24 triệu người ở khu vực nông thôn, phải ở lại trong nhà cho đến khi có thông báo mới, theo SCMP.
Theo yêu cầu mới, các khu dân cư ở Hồ Bắc, bao gồm cả nông thôn và thành thị, sẽ bị phong tỏa chặt, chỉ cho phép có một lối vào được kiểm soát chặt chẽ. Mỗi gia đình trong các khu dân cư chỉ có một thành viên được phép ra ngoài, 3 ngày 1 lần, để mua các nhu yếu phẩm. Người được ra ngoài sẽ phải trang bị đồ bảo hộ và giữ khoảng cách ít nhất 1,5 mét so với người gần nhất trong quá trình tiếp xúc.
Yêu cầu này được đưa ra khi số người chết vì virus COVID-19 tiếp tục tăng cao và có thêm hai trường hợp bên ngoài Trung Quốc tử vong vì chủng mới của virus corona, một người ở châu Âu và một người ở Đài Loan.
Người Hồng Kông phản đối kế hoạch phòng dịch của chính quyền
Hôm Chủ nhật (16/2), hàng trăm người Hồng Kông tiếp tục xuống đường ngày thứ hai liên tiếp để biểu tình phản đối kế hoạch của chính quyền trưng dụng một số tòa nhà chung cư của họ thành các trung tâm cách ly dịch COVID-19, theo Reuters.
Khoảng 100 người đã không quản mưa gió tập trung ở quận Fo Tan, nơi các nhà chức trách có kế hoạch sử dụng một số tòa nhà chung cư mới xây do chính phủ trợ cấp cho việc phòng chống dịch virus corona chủng mới. Một phụ nữ 38 tuổi nói với Reuters rằng sở dĩ có biểu tình là vì chính quyền không tham khảo ý kiến trưng dụng nhà của người dân để phòng dịch cũng như không thông báo sẽ dùng nhà của họ cho việc này với thời gian bao lâu, trong khi họ đã phải chờ đợi gần 10 năm để được bàn giao căn hộ.
Vào hôm 14/2, chính quyền Hồng Kông đã xoa dịu sự giận giữ của người dân bị “mượn nhà” bằng việc thông báo rằng sẽ có một khoản trợ cấp dành cho họ. Tuy nhiên, người dân vẫn không thỏa mãn và tổ chức biểu tình.
Tính tới Chủ nhật, Hồng Kông có 57 trường hợp được xác nhận nhiễm virus COVID-19, và một trường hợp tử vong vì loại virus này.
Kim Jong Un tái xuất sau những ngày bùng phát dịch COVID-19
Truyền hình Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Bảy (15/2), ông Kim viếng Cung điện Mặt trời Kumsusan nhân dịp kỷ niệm ngày sinh 16/2 của cha ông là cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Chuyến viếng thăm này đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện trước công chúng sau 22 ngày dịch virus COVID-19 bùng phát.
Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus COVID-19. Truyền thông của nước này cho biết, chính phủ của họ yêu cầu cách ly 30 ngày đối với những người có triệu chứng nhiễm virus corona, tất cả người nước ngoài ở Triều Tiên cũng sẽ phải tuân thủ quy định này “vô điều kiện”.
Tờ Dong-a Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, một quan chức Triều Tiên đã bị xử tử vì tới nhà tắm công cộng trong khi người này đang trong thời gian phải cách ly để theo dõi nhiễm virus COVID-19 sau khi trở về từ Trung Quốc.
Pakistan: Biểu tình yêu cầu chính phủ đưa người từ Hồ Bắc về
Reuters đưa tin, hôm Chủ nhật (16/2), khoảng một trăm người Pakistan đã tập trung biểu tình yêu cầu chính phủ “đưa con em chúng tôi” đang bị kẹt ở vùng dịch Hồ Bắc, Trung Quốc trở về.
Cho tới nay, chính phủ Pakistan chưa có kế hoạch sơ tán hơn 1000 sinh viên của nước này ở Hồ Bắc trở về. Bộ trưởng Y tế Pakistan, Zafar Mirza, hôm 14/2, thông báo trên Twitter rằng ông và các bộ trưởng khác sẽ tổ chức một cuộc họp với các phụ huynh của những sinh viên đang du học ở Hồ Bắc vào tuần sau. Ông Zafar Mirza nói thêm chính phủ Pakistan đang làm việc với giới chức Trung Quốc để đảm bảo du học sinh Pakistan được chăm sóc.
Ông Zafar cũng cho biết, 6 sinh viên Pakistan ở Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch COVID-19, bị nhiễm bệnh nay đã hồi phục. Mặc dù vậy, một số sinh viên Pakistan nói với Reuters rằng họ muốn trở về nhà.
Somali: Một nhà báo truyền hình bị sát hại
Các tay súng ở Somali đã giết chết một nhà báo trẻ tuổi thường xuất hiện trên truyền hình và đài phát thanh, Reuters dẫn lời cảnh sát cho biết.
Nhà báo Abdiwali Ali Hassan, 25 tuổi, đã trúng nhiều phát đạn và chết trên đường đến bệnh viện, Đại úy Abdikadir Osman, chỉ huy cảnh sát của huyện Afgooye, ngoại thành thủ đô Mogadishu, nơi xảy ra vụ án, nói với Reuters.
Vẫn chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ ám sát nhà báo Hassan. Hiệp hội nhà báo Somali đã lên án vụ sát hại nhà báo Hassan và yêu cầu chính quyền nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Điểm tin thế giới chiều 17/2:

Trung Quốc hoãn họp Quốc hội do dịch COVID-19

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (17/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trung Quốc hoãn họp Quốc hội do dịch COVID-19
Cuộc họp quốc hội thường niên của Trung Quốc dự kiến diễn ra đầu tháng Ba đã bị hoãn lại, khả năng do dịch COVID-19.
Chưa có lý do cụ thể cho việc hoãn này, nhưng một nguồn tin nội bộ ở Trung Quốc đại lục cho biết, rủi ro cho việc tiến hành các phiên họp thường niên tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) là quá cao.
“Nguy cơ sức khỏe của việc triệu tập phiên họp thường niên vào đầu tháng tới là quá cao khi dịch virus corona chưa được ngăn chặn hiệu quả”, tờ South China Morning Post ngày 17/2 trích dẫn nguồn tin. “Nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ rất cao đối với gần 8.000 người… cũng như nhân viên chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc họp, ngay dưới mái nhà của Đại lễ đường Nhân dân”.
NPC có 2.980 đại biểu trong khi CPPCC có 2.158 đại biểu.
Chuyên cơ đưa Tổng thống Trump mở màn mùa thi đấu của giải NASCAR
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật (16/2) đã khai mạc giải NASCAR khi ngồi trên chuyên cơ Air Force One (Không lực Một) bay qua đường đua Daytona International ở độ cao chỉ 240 m. Sau khi chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay gần đó, Tổng thống Trump lên chuyên xa Quái thú và chạy một vòng đường đua.
Ban tổ chức NASCAR đã chọn ông Trump là tổng chỉ huy cho vòng đua Daytona 500, đưa ông trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên ra hiệu lệnh “nổ máy” cho 43 tay đua tham gia thi đấu hôm Chủ nhật.
NASCAR là giải đua xe danh giá nhất của Mỹ, có sức thu hút khán giả và truyền thông chỉ sau bóng bầu dục.
Đối thủ đảng Dân chủ thách thức tỉ phú Bloomberg: Hãy tranh luận
Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cho biết hôm Chủ nhật (16/2), tỷ phú Michael Bloomberg sẽ phải đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt tương tự các đối thủ của ông và họ sẽ hoan nghênh cơ hội đối đầu với ông trong một cuộc tranh luận tổng thống 2020, theo Reuters (17/2).
Ông Bloomberg, một ông trùm truyền thông và cựu thị trưởng Thành phố New York, đã vượt xa các ứng viên đảng Dân chủ khác trong các chiến dịch quảng cáo. Ông là người cuối cùng gia nhập cuộc đua đề cử năm 2020 để đối mặt với Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump vào tháng 11, và không đủ điều kiện cho bất kỳ cuộc tranh luận tổng thống nào.
“Ông ấy không thể trốn sau sóng phát thanh mãi được”, ứng cử viên và Thượng Nghị sĩ bang Minnesota, Amy Klobuchar, nói trên NBC. “Tôi không thể đánh bại ông ấy trên sóng phát thanh nhưng tôi có thể đánh bại ông ấy trên sân khấu tranh luận và tôi nghĩ người dân Mỹ xứng đáng để ra một quyết định”.
Bóng của ông Tập có hình gấu Pooh
Hôm thứ Sáu (14/2), đài truyền hình Đài Loan FTV đã phát đi một bản tin thời sự nói về ông Tập Cận Bình thay thế lãnh đạo ở Vũ Hán trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát. Phía sau ảnh ông Tập xuất hiện một cái bóng có đường nét của nhân vật hoạt hình gấu Pooh (Winnie the Pooh).
FTV xác nhận rằng thiết kế này là một trò đùa chủ ý nói về biệt danh của ông Tập tại Đài Loan, tờ Taiwan News trích dẫn báo cáo của Liberty Times. Nhà thiết kế nói rằng hình ảnh trên phông nền được cố tình đặt như vậy để mang lại tiếng cười cho người xem. Tất cả hình ảnh và thậm chí các phim về gấu Pooh đều bị cấm ở Trung Quốc.
Bão Dennis sẽ lan khắp Bắc Âu
Sau khi gây thiệt hại trên khắp nước Anh, bão Dennis sẽ lan rộng về phía nam và phía đông trên khắp Bắc Âu. Mưa đã lan khắp Pháp, Bỉ và Hà Lan vào đầu tuần này. Trao đổi với tờ UPI, nhà khí tượng học Maura Kelly cho biết: “Gió sẽ tăng cường suốt cả ngày Chủ nhật trên khắp nước Đức, Đan Mạch và miền nam Thụy Điển”.
Ngày 16/2, Cơ quan Thời tiết Anh đã ban bố cảnh báo đỏ ở South Wales, mức cảnh báo hiếm khi được đưa ra ở vùng này. Sáng sớm cùng ngày, gần 200 cảnh báo lũ đã được đưa ra ở các khu vực kéo dài từ sông Tweed ở Scotland đến Cornwall ở phía Tây Nam vùng England. Khu vực Aberdaron, phía nam xứ Wales, ghi nhận sức gió lên tới 150 km/giờ.
Trước đó, ngày 15/2, Anh đã hủy bỏ nhiều chuyến bay và huy động quân đội để ứng phó với bão Dennis.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.