“Bom nổ chậm” từ dịch COVID-19
Saturday, February 15, 2020
3:25:00 PM
//
- Slider
,
Dịch bệnh
BTV Tiếng Dân
14-2-2020
Hôm qua là một ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, khi có khoảng 15.000 người mới bị nhiễm và thêm gần 250 người tử vong. Chỉ trong vòng 24 giờ, số người chết tăng gấp 2-3 lần bình thường, số người nhiễm bệnh cao gấp 10 lần của ngày hôm trước.
Diễn biến của các con số cho thấy dịch COVID-19 vẫn đang lây lan phức tạp và chưa được kiểm soát. Trung Quốc, nơi bùng phát dịch và có số lượng ca nhiễm virus chiếm hơn 99% tổng số ca nhiễm trên thế giới, hiện đang cố chứng minh họ vẫn đang kiểm soát được dịch, nhưng diễn biến cho thấy ngược lại. Còn Việt Nam, nước không chỉ nằm sát TQ mà còn bị Bắc Kinh chi phối, cũng đang cố bưng bít thông tin trước các dấu hiệu chẳng lành.
Biến động chính trị ở Trung Quốc liên quan tới dịch virus corona
Ngay khi Ủy ban Y tế Hồ Bắc công bố số người nhiễm cao bất thường, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc bị cách chức sau khi số người chết vì virus Corona tăng vọt, theo báo Thanh Niên. Tân Hoa xã dẫn thông báo của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, bổ nhiệm thị trưởng TP Thượng Hải Ứng Dũng làm bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, thay ông Tưởng Siêu Lương vừa bị sa thãi. Ông Tưởng đảm nhiệm chức vụ Bí thư tỉnh Hồ Bắc từ tháng 10/2016.
Bài báo lưu ý thêm, trước đó, vào ngày 11/2, “cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc thông báo Bí thư đảng ủy Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc Trương Tấn và Giám đốc cơ quan này là Lưu Anh Tư đã bị cách chức, nhưng không nêu lý do”.
Không dừng lại ở đó, sau bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc, đến lượt bí thư Thành ủy Vũ Hán mất chức, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Vương Trung Lâm, bí thư Thành ủy TP Tế Nam đã được bổ nhiệm làm bí thư Thành ủy TP Vũ Hán, (nơi đại dịch COVID-19 bùng phát), thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, thay cho ông Mã Quốc Cường là người chỉ mới bị bãi nhiệm trong ngày 13/2.
Bài báo nhận định, “như vậy, chỉ trong một ngày (13-2), chính quyền Trung Quốc đã công bố 2 thay đổi nhân sự lớn liên quan tới tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh COVID-19”. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc tiếp tục trì hoãn thời gian nối lại các hoạt động kinh doanh tới sớm nhất là ngày 20/2, nhưng vẫn chưa quyết định khi nào cho học sinh đi học trở lại.
Chưa hết, chính quyền TƯ TQ còn thay trưởng văn phòng Hong Kong, Macau giữa sức ép dịch corona, theo Zing. Ông Hạ Bảo Long, Phó chủ tịch Ủy ban Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân TQ, được thay thế ông Trương Hiểu Minh, giữ chức Giám đốc Văn phòng các Vấn đề Hong Kong và Macau. Ông Hạ từng là cấp phó của Tập Cận Bình thời Tập còn làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2003 đến 2007.
Một loạt các quyết định “thay ngựa giữa dòng” nói trên, cho thấy đại dịch COVID-19 đã tác động đến chính trường TQ thế nào. Nhà báo Đặng Sơn Duân bình luận: “Hồ Bắc một hai ngày qua có dấu hiệu bật lại trung ương, khi hôm qua tờ báo địa phương Trường Giang Nhật báo đăng bài mô tả khung cảnh ở Vũ Hán như trại tập trung Auschwitz. Cộng với số liệu mới, những mô tả này đi ngược lại nỗ lực bình ổn của trung ương do Tập chỉ đạo hòng hạn chế tổn thất kinh tế”.
Dịch virus corona đã tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội nghiêm trọng với quy mô chưa từng thấy ở TQ, kể từ sau kỷ nguyên Mao Trạch Đông. Ngày 8/2, trang Viet Times có bài: 80 thành phố Trung Quốc đã thực hiện “phong tỏa” với các quy mô khác nhau.
Ngày 12/2, đến cả Bắc Kinh và Thượng Hải cũng bắt đầu áp dụng quy chế “bán phong tỏa”. Thậm chí, không đợi chính quyền ra lệnh, các nhóm dân cư TQ còn tự cách ly, cô lập lẫn nhau, mỗi vùng tự lo cho sự tồn vong của mình và rất ngại tiếp xúc với người của vùng khác.
Một hệ quả của sự phân chia theo khu vực như vậy là… nội chiến khẩu trang. Cần nhắc lại, hôm 6/2 báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thành phố Đại Lý chặn xe lấy khẩu trang của ‘hàng xóm’ Trùng Khánh. Theo đó, chính quyền TP Đại Lý, đã bị cáo buộc đưa ra “yêu cầu khẩn cấp” để cướp một chuyến hàng chở khẩu trang tới TP Trùng Khánh. Phía Trùng Khánh yêu cầu Đại Lý trao trả chuyến hàng nhưng bị khước từ. Phía Đại Lý còn tuyên bố họ đã phân phát 598 hộp khẩu trang và không thể thu hồi.
Một số bình luận trên mạng xã hội còn nói rằng, tình hình xã hội TQ bây giờ giống như thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Đó là giai đoạn kéo dài từ khoảng thế kỷ V đến thế kỷ II trước Công nguyên, hoàng đế nhà Chu chỉ còn là vua bù nhìn, bảy khu vực chư hầu của nhà Chu lần lượt xưng vương, xây dựng quân đội riêng và sẵn sàng nuốt chửng nhau.
Tình hình TQ bây giờ chưa hẳn đã có nội chiến công khai như vậy, nhưng câu chuyện khẩu trang nói trên cho thấy, hình ảnh người TQ sẵn sàng đạp nhau lên để giành quyền sống vẫn không đổi sau hàng ngàn năm.
Việt Nam: Chưa loạn nhưng có bất ổn
Trong tình hình nền chính trị và xã hội TQ ngày càng căng thẳng như vậy, chính trị và xã hội VN cũng cho thấy một bức tranh có phần tương đồng nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Yếu tố đầu tiên cần lưu ý là ổ dịch Vĩnh Phúc. Trưa ngày 13/2, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ca nhiễm virus corona thứ 16 ở Việt Nam vẫn từ tâm dịch Vĩnh Phúc. Người bệnh thứ 16 này chính là cha của nữ công nhân N.T.D, một trong tám người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đó.
Như vậy, cả 4 người trong gia đình cô D. đều đã nhiễm COVID-19. Trước đó, báo chí “lề đảng” lưu ý trường hợp em gái cô D. là nữ sinh lớp 10 đã tiếp xúc với nhiều bạn cùng trường, dẫn đến việc theo dõi tập trung 26 học sinh Vĩnh Phúc từng tiếp xúc nữ sinh nhiễm Covid-19. Điều đáng lưu ý là tất cả tất cả người nhà cô D đều có biểu hiện phát bệnh trễ, em gái cô D vẫn có biểu hiện sức khỏe ổn định ngay cả khi đã được xác nhận nhiễm COVID-19.
Vĩnh Phúc cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi, hơn 10.000 dân không được ra khỏi xã, VTC đưa tin. Một cán bộ huyện Bình Xuyên xác nhận, ở xã này “hiện đang có 91 người nằm trong diện theo dõi tập trung ở tỉnh và 21 người ở Phòng khám đa khoa Quang Hà”. Từ ngày 13/2 đến 3/3, Công an tỉnh dự kiến lập 8 chốt “ngăn người ra vào xã Sơn Lôi để khoanh vùng dập dịch”.
Vấn đề là thông tin về ổ dịch Vĩnh Phúc thật ra đã lan truyền trên mạng xã hội từ gần 2 tuần trước đó, thời điểm em gái cô N.T.D còn chưa được phát hiện nhiễm bệnh. Thời điểm ấy, hững thông tin chưa được kiểm chứng đưa trên các diễn đàn “lề dân”, chia sẻ với nhau về một ổ dịch tiềm tàng đang hình thành ở gần Hà Nội. Không ít tuyên truyền viên “lề đảng” đã tìm cách phủ nhận, bôi nhọ những lời cảnh báo này, nhưng giờ thì thông tin về ổ dịch này đã rõ ràng.
Liệu phong tỏa khu vực xã Sơn Lôi có quá muộn không? Từ lúc em gái cô D tiếp xúc với cô này rồi sau đó tiếp xúc với các bạn cùng trường, rồi các bạn cùng trường đó lại tiếp xúc với người thân và phản ứng dây chuyền cứ tiếp tục, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc có được thống kê chính xác rằng đã có bao nhiêu người trong chuỗi tiếp xúc khởi đầu từ em gái cô D?
Nếu trong chuỗi tiếp xúc đó có những người ở ngoài xã Sơn Lôi, thậm chí ở ngoài tỉnh Vĩnh Phúc thì chuyện chỉ phong tỏa ở khu vực này còn đủ để ngăn chặn dịch bệnh? Có người lưu ý rằng, từ khu vực bị phong tỏa tới trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 50km, những người bị nhiễm bệnh có thể đã di chuyển tới Hà Nội.
Yếu tố thứ nhất này dẫn tới yếu tố thứ hai: Sự thiếu minh bạch và chủ quan của lãnh đạo CSVN trong vấn đề phòng dịch. Từ lúc xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở VN đến nay, bộ máy truyền thông “lề đảng” đã tìm mọi cách để cô lập, đàn áp các nguồn tin không do chính quyền kiểm soát. Điển hình là vụ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân và Cát Phượng bị phạt 10 triệu đồng với cáo buộc “cung cấp thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội”.
Đó là những người có số má trong xã hội. Còn với người dân thấp cổ bé miệng thì cơ quan chức năng còn nặng tay hơn, người dân bị mời lên các trụ sở công an làm việc, nghĩa là không chỉ bị phạt một số tiền lớn, mà còn bị đe dọa, có khi bị hành hung.
Sự bùng phát của ổ dịch tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, tin về COVID-19 nhiều khi là thông tin chưa được kiểm chứng chứ không hẳn thông tin sai. Vì chủng virus corona gây bệnh COVID-19 có thời gian ủ bệnh biến đổi và ít có triệu chứng biểu hiện, nên việc người dân lo sợ đề phòng là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng cơ quan chức năng lại vội vã xử phạt người dân trong khi chính họ còn không được đủ thông tin, cũng như tình hình lan truyền COVID-19 ở VN.
Quan sát tình hình mạng xã hội gần đây, có thể thấy ý kiến thể hiện sự bất tín về con số người nhiễm bệnh do quan chức CSVN công bố xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí đôi lúc tràn sang cả mục bình luận của báo “lề đảng”. Một số người lập luận, nước Mỹ cách TQ gần nửa vòng Trái đất, và đã có những biện pháp khá triệt để nhằm cách ly những trường hợp nghi nhiễm đến từ TQ, nhưng đã có 15 ca nhiễm bệnh, thì không thể nào VN nằm sát TQ và bị chi phối nặng bởi “bạn vàng”, lại chỉ có 16 ca nhiễm.
Ngoài ổ dịch lớn nhất ở VN là Vĩnh Phúc, các khu vực hiện có nguy cơ biến thành ổ dịch khác chính là thành Hồ. Cần điểm lại các con số mà báo chí “lề đảng” đã lưu ý, như báo Người Lao Động có bài: Quận Bình Tân tiếp nhận và theo dõi 1.024 trường hợp đến từ vùng dịch; báo Tiền Phong viết: TPHCM giám sát, cách ly hơn 2.100 người tại nơi cư trú; Zing lưu ý: 3 người Trung Quốc tự rời khỏi khu cách ly ở TP.HCM.
Trong tình hình có nguy cơ biến thành ổ dịch, nhưng lãnh đạo thành Hồ còn gấp rút chuẩn bị để học sinh trở lại trường vào ngày 17/2 sắp tới. Sở Y tế TP HCM thậm chí còn đề nghị giáo viên vừa dạy, vừa quan sát dấu hiệu học sinh nhiễm Covid-19. Một số ý kiến cảnh báo: Đến khi mấy giáo viên quan sát ra được biểu hiện nhiễm bệnh của học sinh thì ít nhất cả trường đã nhiễm bệnh.
Sự chủ quan không dừng lại ở đó khi Bộ Y tế, được Chính phủ “bật đèn xanh” thông báo, nếu không có ca bệnh mới, Việt Nam sẽ công bố hết dịch, báo Người Lao Động đưa tin sáng 13/2. Hiếm thấy mục bình luận của một tờ báo “lề đảng” mà hầu như tất cả độc giả đều bày tỏ sự nghi ngờ, không đồng tình với cách làm quá nóng vội như vậy. Có độc giả còn nói thẳng: “Trấn an người dân không thể bằng cách nói không đúng sự thật và bừa bãi”.
Trong lúc dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng lãnh đạo CSVN đã vội tìm cách nối lại hoạt động giao thương ở biên giới với TQ: Tin mới từ biên giới, hàng hóa xuất sang Trung Quốc hết ùn tắc, theo VietNamNet. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến xác nhận: “Ngày 13/2, tại cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai), hơn 100 xe nông sản đã được làm thủ tục thông quan. Nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã được giải quyết thông quan hết”.
Để hiểu được lãnh đạo CSVN đang xem thường rủi ro từ dịch COVID-19 như thế nào, cần xem lại bài báo của trên Zing, dẫn lời chuyên gia Trung Quốc: Virus corona mới có thể ủ bệnh đến 24 ngày. Nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn đã làm nghiên cứu dựa vào bệnh án của 1.099 bệnh nhân tại 552 bệnh viện trên toàn TQ.
Theo đó, “phát hiện về thời gian ủ bệnh, cá biệt lên đến 24 ngày ở một bệnh nhân, đi ngược lại kết luận trước đó của giới chuyên gia rằng thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1 đến 14 ngày, trung bình 5,2 ngày”. Đó là chưa nói đến các trường hợp “âm tính giả”, như vụ xét nghiệm lần thứ 4 mới xác định được bệnh nhân nhiễm vi rút corona mới.
Lý do của sự chủ quan này có thể thấy rõ: Vẫn là “bệnh thành tích” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đám bộ sậu của ông ta. Trong lúc các nhà khoa học trên thế giới còn chưa thấy hết khả năng của chủng corona mới lây nhiễm tràn lan, thì Thủ tướng đã vội phát biểu: Phải biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng, đưa đất nước tiến lên.
Chưa biết đất nước sẽ dập dịch thế nào khi Việt Nam bị bùng phát như ở Vũ Hán, nhưng Chính phủ “kiến tạo” đã vội bày vẽ chỉ tiêu: “Một số ngành như nông nghiệp, du lịch và hàng không của Việt Nam sẽ bị tác động mạnh. Vì thế, để đạt được kịch bản tăng trưởng 6,8% của cả năm nay đòi hỏi các bộ quản lý kinh tế và các tỉnh, thành trọng điểm phải rất quyết liệt trong phát triển. Vì nếu đạt được mục tiêu này thì trong 3 quý tiếp theo của năm nay, nền kinh tế phải đạt được mức tăng trưởng ít nhất 7,5%”.
Nhận định về chung về hai đảng cộng sản “anh em” đối phó dịch:
Chủng mới của virus corona gây bệnh COVID-19 thật sự là loại virus nguy hiểm. Chỉ khoảng một tháng sau khi bùng phát dịch, loại virus này đã lây nhiễm ít nhất hơn 60.000 trường hợp và giết chết ít nhất 1370. Nhưng yếu tố môi trường xã hội cũng tạo điều kiện thuận lợi để loại virus này lan truyền mạnh. TQ là một trong các nước kiểm soát thông tin và dư luận chặt chẽ nhất thế giới và điều này đang khiến người dân nước này trả giá rất đắt.
Vào thời điểm dịch COVID-19 chỉ vừa bùng phát từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, chính quyền TQ phản ứng bằng cách cô lập, đàn áp các tiếng nói cảnh báo dịch bệnh. Đến khi dịch bệnh bùng phát rồi mới bắt đầu phong tỏa, cách ly, dù đã quá muộn, nhưng chính quyền vẫn còn ém nhẹm thông tin. Virus gây bệnh COVID-19 thật sự giống như “chuột sa hũ nếp”, gặp được đúng cái nước không chỉ đông dân mà còn thiếu minh bạch, nên tha hồ lây lan.
Bây giờ đến lượt VN cũng đang có dấu hiệu đi vào vết xe đổ như TQ. Vẫn bưng bít thông tin và dùng mọi thủ đoạn để đàn áp các luồng dư luận không do chính quyền kiểm soát. Hệ quả là cách họ đối phó dịch cũng giống nhau: Bưng bít thông tin, bịt miệng dân để dập dịch.
Khi Thủ tướng Phúc phát biểu: Phải biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng, đưa đất nước tiến lên, thì ở Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên bố: “Thắng virus corona xong, Trung Quốc càng ‘phồn vinh hưng thịnh”. Đó là sự chủ quan của hai thể chế cộng sản đều hám danh, hám lợi, chỉ chăm chăm theo đuổi “chỉ tiêu”, “mục tiêu tăng trưởng” bất chấp tính mạng người dân đang bị đe dọa.
Hiện tại, dịch COVID-19 chưa bắt đầu bùng phát ở VN, nước láng giềng thì đang đau đầu đối phó với nó, nhưng Thủ tướng “ma-dze in Việt Nam” và các thuộc hạ của ông ta đã nghĩ đến viễn cảnh “công bố hết dịch” ngay trong Quý I để theo đuổi “chỉ tiêu tăng trưởng”.
Chính phủ của ông Phúc có thể dùng các trò mèo mỡ để “đi đêm” với quan chức EU, thúc đẩy được vụ EVFTA thông qua, bất chấp chuỗi vi phạm nhân quyền rành rành của họ, nhưng virus COVID-19 đâu phải là đối tượng mà Chính phủ ông Phúc có thể thỏa hiệp và mua chuộc được.
_____
Mời đọc thêm: Thêm một quan chức cấp cao ở tâm dịch Hồ Bắc bị cách chức (LĐ). – Số ca nhiễm tăng sốc, bí thư Hồ Bắc bị thay bởi thị trưởng Thượng Hải (Zing). – Dịch viêm phổi Vũ Hán: Trung Quốc cách chức Bí thư tỉnh Hồ Bắc (LĐ). – Số ca nhiễm virus Covid-19 tăng cao đột biến, Trung Quốc bãi chức Bí thư Hồ Bắc và Vũ Hán (VNF). – Vì sao hai quan chức Trung Quốc bị kỷ luật mất chức giữa lúc tâm điểm dịch bệnh bùng phát do virus COVID-19 (TQ).
– Vĩnh Phúc cô lập xã có 5 người nhiễm virus corona (Zing). – Phong tỏa khu vực có dịch Covid-19 (TN). – Vĩnh Phúc giám sát 259 người nghi nhiễm virus corona (VNE). – 38 học sinh tại vùng dịch Vĩnh Phúc ho, sốt và khó thở (DS). – Sức khỏe bé 3 tháng tuổi mắc Covid-19 ở Vĩnh Phúc ra sao? (TP). – Bố của nữ công nhân về từ Vũ Hán là ca thứ 16 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam (GDVN). – Nghệ An cách ly người đàn ông từng tiếp xúc với chồng của bệnh nhân dương tính với virus Corona (NA).
0 comments