Tin Việt Nam – 28/01/2020
Tuesday, January 28, 2020
4:14:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Tai nạn giao thông khiến122 người tử vong
trong 6 ngày nghỉ Tết
Trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 (từ 29 đến mùng 4), trên cả nước Việt Nam xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông đường bộ khiến 122 người tử vong và 150 người bị thương.Đó là số liệu do ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố dựa theo báo cáo của Cục Cảnh sát Giao thông. Truyền thông trong nước loan tin hôm 28/1.
Theo đó, số vụ tai nạn giao thông dịp Tết năm nay giảm 14 vụ (7,4%), tăng 9 người chết (tăng 7,9%) và giảm 32 người bị thương (27,1%).
Nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông trong dịp Tết năm nay khiến các nạn nhân tử vong được nói vì có liên quan đến vi phạm quy định nồng độ cồn, vi phạm tốc độ và không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe đạp điện tại một số địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm mạnh so với các năm trước. Ông này nêu báo cáo của Bộ Y tế cho hay số ca cấp cứu do tai nạn giao thông Tết năm nay đã giảm hơn 18 % so với Tết năm ngoái.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm giao thông, tin cho hay trong ngày mùng 4 Tết, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra xử lý 2160 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, phạt tiền 1,6 tỷ đồng, tạm giữ 825 xe ô tô, 318 xe mô tô, tước 301 giấy phép lái xe. Trong số này có 867 trường hợp vi phạm nồng độ cồn được ghi nhận.
Riêng trong ngày mùng 4 Tết có 36 vụ tai nạn giao thông khiến 20 người tử vong được ghi nhận trên cả nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/traffic-accidents-caused-122-deaths-01282020074106.html
Thêm Facebooker bị công an triệu tập
với lý do đưa tin thất thiệt về virus corona
Công an thành phố Phan Thiết vừa triệu tập một phụ nữ để làm rõ thông tin mà người này đăng tải trên mạng xã hội Facebook rằng có 6 người Trung Quốc nhiễm virus corona bị cách ly ở Bệnh viện An Phước.Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh Online, vào ngày 28/1, dẫn nguồn từ Công an thành phố Phan Thiết cho biết người phụ nữ bị triệu tập tên Nguyễn Thị Liên Dung, 33 tuổi, cư ngụ tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Bà Dung được xác định là chủ tài khoản Facebook đã đăng tải thông tin như vừa nêu và bà Dung cũng đã xác nhận rằng nội dung đăng tải đó là sai sự thật.
Công an thành phố Phan Thiết cho biết việc triệu tập được tiến hành theo đề nghị trong văn bản của Bệnh viện Đa khoa An Phước gửi đến Sở Thông tin-Truyền thông để làm rõ thông tin đăng tải trên Facebook từ chiều ngày 27/1 rằng có 6 người Trung Quốc bị nhiễm virus corona nhập viện tại Bệnh viện An Phước.
Phó Giám đốc Bệnh viện An Phước, Bác sĩ Lê Văn Anh được Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh Online dẫn lời khẳng định rằng trong suốt thời gian từ trước cho đến sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Bệnh viện An Phước không cấp cứu bệnh nhân nào người Trung Quốc.
Cũng vào ngày 28 tháng 1, Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mời ông Trần Văn Tùng ngụ tại thành phố Vũng Tàu đến để chất vấn về thông tin mà người này đăng trên tài khoản mạng xã hội liên quan dịch bệnh coronavirus được điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu.
Theo tin mà người này đưa là có hai người Trung Quốc bị nghi nhiễm corona virus được điều trị tại Bệnh Viện Lê Lợi. Chỉ sau khi đăng vài phút, post của tài khoản Trần Văn Tùng nhận được hơn 400 bình luận và 600 lượt chia sẻ.
Tin nói lãnh đạo Bệnh Viện Lê Lợi trình báo với Cơ quan An ninh Điều tra thành phố Vũng Tàu yêu cầu làm rõ vì theo bệnh viện này thì chưa có trường hợp nào nghi nhiễm nCoV được đưa đến điều trị tại Bệnh Viện Lê Lợi tính đến thời điểm ngày 27 tháng 1.
Vào hôm 27/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật liên quan virus corona tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebookers-questioned-for-posting-coronavirus-news-01282020071236.html
Người Việt Nam học tiếng Anh
qua các cuộc trò chuyện với khách du lịch
Tin từ Saigon, Việt Nam – Cô Eranio Hương đến từ một ngôi làng nghèo ở miền trung Việt Nam. Chính vì vậy, cô không có điều kiện tốt để học ngoại ngữ ở trường trung học hoặc tại trường đại học. Tuy nhiên, đến khi nhận được bằng kế toán từ đại học Open University tại Saigon, cô cũng đã đủ trình độ ngoại ngữ để xin việc tại một công ty đa quốc gia. Hiện tại, cô đang cai quản 2 quán cà phê có tên là Coffee Talk English.Theo tờ Los Angeles Times đưa tin, mô hình này nhằm tạo không gian để thúc đẩy hoạt động giao tiếp bằng tiếng Anh. Ý tưởng này xuất phát từ việc cô học tiếng Anh bằng cách đến công viên để trò chuyện với khách du lịch phương Tây. Hiện tại, rất nhiều dòng vốn đầu tư ngoại quốc ồ ạt vào sản xuất tại Việt Nam. Chính vì nhu cầu hợp tác kinh doanh với người ngoại quốc nên các công ty đều yêu cầu nhân viên phải biết tiếng Anh. Các trung tâm ngoại ngữ tại Saigon bắt đầu mọc lên như nấm. Tuy nhiên, mức học phí quá đắt đỏ đối với những người như cô Hương. Vì vậy, hoạt động của quán cà phê này rất có ý nghĩa với nhiều người muốn luyện tập giao tiếp tiếng Anh. Ngoài ra, họ còn có các nhóm học tiếng Anh trên Facebook với người ngoại quốc.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-nam-hoc-tieng-anh-qua-cac-cuoc-tro-chuyen-voi-khach-du-lich/
Thầy trò Nguyễn Phú Trọng
đua nhau ‘bán bánh vẽ’ dịp Tết
Tư Ngộ/Người ViệtNhân dịp Tết, thầy trò ông “tổng” Trọng đua nhau bán bánh vẽ, với mục đích kích thích người ta quên đi những mệt mỏi, khốn khó trong cuộc sống hàng ngày.
Hôm 25 Tháng Giêng, tức mùng Một Tết Canh Tý, báo mạng VietNamNet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN phổ biến bài phỏng vấn để ông Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ “say sưa với giấc mơ Việt Nam hùng cường và khẳng định điều này là có cơ sở khoa học và thực tiễn.”
Trong đó ông Huệ vẽ ra hình ảnh, từ lợi tức đầu người trung bình $2,800 năm 2019 “đến năm 2030 đạt $8,000-$9,000/người.”
Rồi đến năm 2045, “Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có mức thu nhập cao trên thế giới” mà ông “tự sướng” trước cái bánh vẽ đó là “giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, giấc mơ Việt Nam hùng cường, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ.”
Cái “bánh vẽ” này từng được ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc rao bán mấy tuần lễ trước đây. Ngày 30 Tháng Mười Hai, 2019, ông Phúc được báo VNExpress dẫn lời: “Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng cao hàng năm để năm 2045 vào nhóm nước có thu nhập cao.”
Chẳng lẽ cả thế giới người ta ngồi chồm hổm bên đường để đợi các ông đội cái bánh vẽ đi tới?
Nếu người ta nhớ lại, khi ông Nông Đức Mạnh còn ngồi trên cái ghế tổng bí thư đảng CSVN gần 20 năm trước, đã khoác lác rằng đảng CSVN sẽ đưa nước Việt Nam “trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.” Trước ông Mạnh, hồi năm 1975, ông Lê Duẩn (cựu tổng bí thư đảng CSVN) cũng đã phét lác “dứt khoát 10 năm nữa (tức năm 1985) ta sẽ đuổi kịp Nhật.”
Qua những lời tuyên bố vừa kể, người ta thấy cái bánh vẽ mà các lãnh tụ CSVN đội trên đầu đi trước, bắt dân ôm bụng đói lếch thếch theo sau nên cứ mỗi ngày cái đích đến “thiên đường xã hội chủ nghĩa” của các ông cứ xa dần, xa dần.
Ngày 21 Tháng Giêng, 2020, báo Quân Đội Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng CSVN đăng tải bài phỏng vấn để ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tuyên truyền, khoe khoang. Trong đó ông khoe rằng: “…có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam.”
Một số người trên mạng xã hội liền lấy lại lời than vãn của ông Thuận Hữu, tổng biên tập báo Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng CSVN, đồng thời cũng là chủ tịch Hội Nhà Báo quốc doanh, phát biểu tại Quốc Hội ngày 30 Tháng Mười, 2019, là khi lên mạng Internet thì thấy “mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai; chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay.”
Đấy, nhân dân “trân trọng, tự hào, yêu thương” Đảng Cộng Sản Việt Nam như thế đấy. Cái bánh vẽ của các ông không lừa được đại chúng. (Tư Ngộ)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/thay-tro-nguyen-phu-trong-dua-nhau-ban-banh-ve-dip-tet/
Chùa Ba Vàng thông báo cúng
để “diệt” Coronavirus
Tin Vietnam.- Cùng với cách “tiêu diệt” dịch virus corona bằng cách “bịt” miệng dân của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, thì vừa qua, trên trang facebook cá nhân của sư quốc doanh mang tên Thầy Thích Trúc Thái Minh đã thông báo chương trình hoá giải dịch nạn virus corona bằng cách tu tập hồi hướng trong 49 ngày. Sau thông báo này trên trang facebook được ít phút, thì vị sư quốc doanh đã phát sóng trực tiếp trên facebook lễ tu tập hoá giải nạn dịch cúm corona.Ông Thích Trúc Thái Minh viết trên trang cá nhân rằng, mọi thiên tai, dịch bệnh gốc là do ác nghiệp của chúng sinh, đặc biệt là từ việc phá diệt Tam Bảo, huỷ hoại Phật pháp. và dịch virus corona được “sinh ra” là do nguyên nhân trên. Vì vậy, vị sư quốc doanh nói rằng, muốn “diệt” nạn dịch phải hoá giải bằng công đức phát nguyện Bồ Đề, tu tập chân thật của chư tăng, phật tử, và tất cả mọi người. Và cụ thể nhất là chùa Ba Vàng sẽ tổ chức chương trình tu tập tại chùa và phát động người dân trong vòng 49 ngày. Sau khi thông báo trên đưa ra, dư luận Việt Nam đã tức giận, chỉ trích không tiếc lời đối với vị sư quốc doanh này. Trước sự chỉ trích đông đảo của cộng đồng mạng xã hội, sư quốc doanh Thích Trúc Thái Minh đã gỡ thông báo trên khỏi trang mạng của mình.
Trước đó, vào năm 2019, vị sư này cũng đã làm nóng dư luận Việt Nam một thời gian vì tổ chức kinh doanh “giải vong” để lừa tiền nhiều người dân mê muội. Những tưởng sau hàng loạt bê bối này, ông Thái Minh sẽ bị Giáo hội phật giáo Cộng sản Việt Nam giải quyết, nhưng đến giờ thì ông Minh không hề hấn gì.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/chua-ba-vang-thong-bao-cung-de-diet-coronavirus/
Virus corona: Thể chế chuyên chế
làm mất niềm tin của công chúng?
Giữa khi lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chủng virus corona mới (2019-nCoV) lan truyền trên mạng xã hội, các facebooker Việt Nam đã bị công an thẩm vấn, yêu cầu xóa bài cảnh báo về virus corona trên Facebook.Mục tiêu của chính quyền là chặn đứng những thông tin thất thiệt, tin giả gây hoang mang dư luận. Nhưng việc hệ thống truyền thông dòng chính đánh mất niềm tin của công chúng và cách sử dụng hệ thống an ninh để ngăn chặn thông tin sẽ có hiệu quả cho việc kiểm soát dịch?
Việt Nam: xử lý người tung tin thất thiệt
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về ứng phó dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) chiều 26/1 (mùng 2 Tết) đã yêu cầu xử lý người tung tin thất thiệt về virus corona.
Hơn 100 người tử vong do virus Corona mới ở Trung Quốc
Coronavirus, súp dơi, Đảng Xanh và tầm tư duy năm mới
Virus viêm phổi corona đáng lo ngại tới đâu?
Khách Vũ Hán đến Đà Nẵng là “sơ hở và nguy hiểm”?
Báo điện tử VOV dẫn lời ông Đam yêu cầu “Bộ Công an phải theo dõi, đề phòng khi có đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh phải ngăn chặn ngay. Đây là hành động gây hoang mang, nguy hại phải xử ký nghiêm”.
Trước đó, một số facebooker ở tỉnh Khánh Hòa đã bị cơ quan công an mời lên làm việc, sau khi họ đăng lên Facebook thông tin về việc nhiễm virus corona tại tỉnh này.
Truyền thông nhà nước đưa tin rằng, công an tỉnh này đã triệu tập một số Facebooker đến các đồn cảnh sát để làm việc về các bài đăng gần đây của họ, trong đó có đưa tin “có du khách người Trung Quốc và cả người Nha Trang nhiễm virus corona”.
“Quá trình làm việc, các facebooker cho rằng, chỉ nghe qua một số người đồn đoán về người nhiễm bệnh do virus corona, khi chưa được kiểm chứng của các cơ quan chức năng đã đưa lên mạng xã hội”, báo Khánh Hòa loan tin.
Sau khi bị thẩm vấn, những người sử dụng facebook này đã phải xóa bài đăng nói trên.
Khánh Hòa là một trong những địa điểm du lịch của Việt Nam thu hút khá đông du khách đến từ Trung Quốc.
Nên điều người dân nơi đây rất lo lắng về nguy cơ bị nhiễm virus corona từ những khách du lịch này không có gì là lạ.
Trước đó, một số Facebooker địa phương cũng đưa tin vào ngày 9/1, một em nhỏ 10 tuổi, ở tỉnh này, tên là Lê Nguyễn Thị Thanh Hiền đã tử vong do chủng virus corona NL63 gây ra.
Các facebooker cũng tải lên mạng giấy chứng tử cấp bởi chính quyền xã nơi gia đình em cư trú.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng tại Khánh Hòa, gồm cả Sở Y tế tỉnh này, tuyên bố rằng tỉnh này chưa có bất kỳ trường hợp nhiễm virus corona nào. Và trường hợp tử vong nói trên là do chủng virus corona khác, không phải loại mới bùng phát gần đây ở Trung Quốc.
Hiện ở tỉnh này có năm trường hợp nghi ngờ, trong đó có ba khách du lịch Việt Nam và hai thanh niên Trung Quốc. Năm người này đang được theo dõi và xét nghiệm.
Tương tự Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng là địa phương có rất đông du khách Trung Quốc đến du lịch.
Chiều 27/1, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP Đà Nẵng, cho báo chí Việt Nam biết, tính đến trưa cùng ngày, trên địa bàn có gần 12.000 người Trung Quốc đang đi du lịch và làm việc.
Hiện Đà Nẵng ghi nhận 41 trường hợp có biểu hiện sốt; trong đó có 3 người phát hiện tại cửa khẩu, 38 người dân và du khách tự đến bệnh viện khám.
Bởi có lượng khách Trung Quốc nhiều như vậy nên tin đồn liên quan đến dịch bệnh này tại Đà Nẵng xuất hiện trên facebook khá nhiều.
Tranh cãi nổ ra gần đây ở Đà Nẵng liên quan tới việc một chủ khách sạn ở thành phố này dán bảng ngưng phục vụ khách đến từ Trung Quốc.
Theo chủ khách sạn, việc từ chối là để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách đang lưu trú tại khách sạn trong diễn biến lây lan của dịch bệnh, tờ Tuổi trẻ đưa tin.
Tuy nhiên, vẫn theo chủ khách sạn, một số đơn vị chức năng của Đà Nẵng đã đến vận động khách sạn tháo bảng ngưng phục vụ khách đến từ Trung Quốc và tôn trọng quyết định đặt phòng trước đó của họ.
Khách sạn phản ứng quyết liệt với lý do nếu có người nhiễm chủng virus corona vào khách sạn thì nơi này sẽ ảnh hưởng đến các du khách khác và tình hình kinh doanh.
Hiện khách sạn này vẫn từ chối nhận khách đến từ Trung Quốc và đưa sự việc lên mạng xã hội, gây ra nhiều tranh cãi gay gắt.
Trung Quốc: muốn làm im các chỉ trích
Cách ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam với các thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội thực ra không lạ.
Tại Trung Quốc, theo tờ New York Times, giữa khi bệnh do virus corona đang lây lan, các quan chức Vũ Hán đã mạnh miệng rằng bệnh đã được kiểm soát và có thể điều trị.
Cảnh sát Trung Quốc cũng đã thẩm vấn 8 người đăng trên phương tiện truyền thông xã hội về virus này vì cho rằng họ đã làm lan truyền tin đồn trên mạng.
Hai ngày trước khi công bố chính thức về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch, Vũ Hán cũng tổ chức một bữa tiệc với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình để đăng ký…. kỷ lục thế giới.
Vương Quảng Phát, Trưởng khoa Hô hấp và Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Bắc Kinh I, khi ấy cũng hậu thuẫn bằng lời khẳng định trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc vào ngày 10/1 rằng, tình trạng của các bệnh nhân ở Vũ Hán và tình trạng dịch bệnh đang lan rộng là có thể kiểm soát được.
Ông còn tuyên bố: “Phần lớn bệnh nhân được phân loại từ nhẹ đến trung bình”.
Khi một nhóm các nhà báo Hong Kong đến bệnh viện Vũ Hán, cảnh sát đã giữ họ trong vài giờ; kiểm tra điện thoại và máy ảnh. Nhóm nhà báo này sau đó bị buộc phải xóa video, theo New York Times.
Nhưng chính ông Vương, sau đó vài ngày, bị chuẩn đoán mắc chủng virus corona mới.
Chính những thông tin ‘loạn xì ngầu’ như vậy khiến người ta dần đánh mất niềm tin vào truyền thông dòng chính khi dịch bệnh chính thức được xác nhận với tình trạng “nghiêm trọng”.
Còn nhớ, năm 2003, lúc dịch SARS bùng nổ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc cố che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Khi đó, ở Trung Quốc, việc chính quyền địa phương tìm cách che đậy hay làm đẹp các con số, không dám báo cáo con số thật; tiếp đó là việc trì hoãn các biện pháp điều trị dự phòng đã khiến dịch lan rộng.
Với dịch viêm phổi cấp hiện tại, bài học đó xem ra đang được lặp lại.
Hôm 3/1, Công an Vũ Hán đã phạt 8 người vì “loan tin sai lệch vô căn cứ trên internet”. Công an cũng yêu cầu công dân ở Vũ Hán không truyền bá thông tin sai lệch.
Nhưng khi đó, đã có ít nhất là 27 trường hợp được chuẩn đoán đã nhiễm bệnh, theo trang web của Viện báo chí Poynter.
Những người này bị cáo buộc bởi họ đã đăng trên Weibo (một nền tảng truyền thông xã hội giống như Facebook) và trên các ứng dụng nhắn tin khác rằng, SARS đã quay lại.
“Chế độ chuyên chế không tốt cho sức khỏe”, Andrew Stroehlein, Giám đốc truyền thông khu vực châu Âu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, viết trên twitter.
Còn Rose Luqiu, Phó Giáo sư báo chí, cũng là người từng đưa tin về SARS với tư cách là phóng viên Đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong, nói với New York Times rằng: “Cách thức thông tin về chủng virus mới này với công chúng cũng tựa như với virus SARS 17 năm trước”.
Mất niềm tin vào nhà chức trách?
Xu Triyuan, người từng phê bình gay gắt cách thức chính phủ Trung Quốc việc xử lý dịch SARS viết rằng, “Hệ thống này đã thành công khi nó phá hủy sự chính trực của con người, đánh mất đi uy tín của các tổ chức và khả năng của xã hội để nói về những vấn đề của mình. Những gì còn lại chỉ là sự kiêu ngạo, một loạt các thông tin lộn xộn và những cá nhân yếu đuối, bị cách ly trong nỗi giận dữ”, theo tờ New York Times.
Tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Úc) nhận xét trên Facebook cá nhân rằng, tình trạng misinformation, tin giả liên quan đến chủng virus Corona mới, “không chỉ diễn ra trên mạng xã hội mà còn trên báo chí được xem là ‘chánh thống’… Ngạc nhiên thay, nhiều người tung tin nhảm lại là những facebooker nổi tiếng.”
“Cũng có thể họ mất niềm tin vào các nhà chức trách”, ông viết thêm.
Bởi vậy, muốn chống tin giả, thì bên cạnh việc người đọc tự ‘lượng giá thông tin’, đòi hỏi chính quyền cập nhật và minh bạch trong cung cấp thông tin.
Thay vì “mời” các facebooker lên đồn công an “uống trà”, giờ là lúc Việt Nam phải dân chủ hóa thông tin và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công chúng.
Đó mới là cách phòng chống tin giả và thông tin sai lệch hữu hiệu?
Virus Corona lây lan ngay cả ‘trước khi có triệu chứng bệnh’
2019-nCoV: Thị trường và giá dầu ‘gặp hạn’ vì virus
Bởi như Giáo sư Alfred Hermida, Giám đốc chương trình báo chí tại Đại học British Columbia, Canada lý giải về hiện tượng tin giả trỗi dậy cùng với sự lan rộng của chủng virus corona mới.
“Khi thiếu thông tin và sợ hãi, sẽ có tin đồn xuất hiện để lấp đầy khoảng trống đó”, ông nói với CBC.
Trong khi đó, báo chí nhà nước Việt Nam lại nói rằng, những tin đồn thất thiệt về dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới gây hoang mang trong dư luận.
Các báo dẫn các thông tin được lan truyền trên mạng xã hội như việc người dân đổ gục khi đang đi trên đường ở Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc che đậy số người chết thật sự, nhiều người tìm cách đào thoát khỏi khu cách ly… như những dân chứng của tin giả.
Báo chí Việt Nam viết rằng, để có được thông tin chính xác, người dân có thể theo dõi trang web chính thức của Bộ Y tế tại https://www.moh.gov.vn/ và thông tin từ báo chí chính thống.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51276207
Hàng chục tỉnh ở Việt Nam
có nguy cơ thành ổ dịch viêm phổi Vũ Hán
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Y Tế yêu cầu hàng chục tỉnh, thành từ Bắc đến Nam phối hợp với ngành y tế “điều tra, xử lý ổ dịch trong trường hợp phát hiện ca mắc hoặc nghi ngờ viêm phổi do virus Corona (nCoV) từ Trung Quốc,” do có nguy cơ phát triển thành ổ dịch bệnh.Cụ thể, các tỉnh thành gồm: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Kiên Giang phải “giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của khách du lịch, người lao động đến từ các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Nếu phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị và báo cáo đến cơ quan y tế.”
Theo báo VNExpress ngày 28 Tháng Giêng, 2020, các tỉnh, thành phố trên cũng phải lập danh sách những người bị bệnh, những người có tiếp xúc gần trong vòng hai mét để tổ chức cách ly tạm thời tức thì, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Bộ Y Tế cũng đề nghị năm Bộ gồm: Công An, Quốc Phòng, Ngoại Giao, Giao Thông Vận Tải, Thông Tin Truyền Thông, Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, cùng phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị chia sẻ thông tin về họ tên, tuổi, số sổ thông hành, lịch trình đi lại trong vòng 14 ngày gần nhất, số ghế ngồi trên các phương tiện vận tải, địa chỉ nơi cư trú Việt Nam, thông tin liên hệ và số điện thoại nếu có của công dân các nước khi nhập cảnh vào Việt Nam, được phát hiện mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Khu cách ly của Bệnh Viện Chợ Rẫy lúc nào cũng hai lớp để tránh lây lan dịch bệnh Corona. (Hình: Trần Tiến Dũng/Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ tại cuộc họp Ban Chỉ Đạo Phòng, Chống Dịch Bệnh Bộ Y Tế, chiều 28 Tháng Giêng, ông Đặng Quang Tấn, phó cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng, cho biết Việt Nam hiện có 27 trường hợp nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm (giảm 9 người so với ngày 27 Tháng Giêng). Trong đó, tại miền Bắc có 24 trường hợp, miền Trung và Tây Nguyên không có và miền Nam có năm trường hợp.
Ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y Tế, cho biết hiện tất cả các bệnh nhân thuộc diện nghi nhiễm virus Corona đều đang được cách ly, điều trị như đã nhiễm bệnh trong khi chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng.
Về hai trường hợp nhiễm nCoV đang được điều trị tại Bệnh Viện Chợ Rẫy (Sài Gòn), ông Sơn cho hay: Người con trai Li Zichao (28 tuổi) đã khỏi bệnh, còn người cha ông Li Ding (66 tuổi) mặc dù bị ung thư phải cắt phổi phải nhưng “tình hình tiến triển tích cực.” Hai cha con người Trung Quốc đã lây bệnh viêm phổi cấp cho nhau, do người cha từ Vũ Hán sang Việt Nam.
Bác Sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh Viện Chợ Rẫy, sáng 28 Tháng Giêng, cho biết bệnh nhân Li Zichao “hiện tỉnh táo, tự thở, ăn uống sinh hoạt bình thường. Phết họng làm xét nghiệm PCR 3 lần đều âm tính với virus nCoV, có thể sắp xuất viện.”
Còn người cha Li Ding “hiện tỉnh, ăn ngủ được, thở oxy qua máy, chỉ số SpO2 96%. Bệnh nhân ngưng sốt từ chiều 25 Tháng Giêng, chức năng gan thận bình thường. Xét nghiệm PCR ngày 26 và 27 vẫn còn dương tính, tiếp tục cách ly điều trị.”
Cũng tại cuộc họp, ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng CSVN sau khi nghe các cơ quan hữu trách báo cáo đã yêu cầu “tăng cường kiểm soát, quản lý người đi qua lại đường mòn, lối mở và các cửa khẩu quốc tế. Trước mắt tạm thời không cấp thị thực du lịch (bao gồm cả thị thực điện tử, thị thực thông thường và thị thực cửa khẩu) cho khách Trung Quốc đến từ khu vực có dịch bệnh, trừ trường hợp khẩn cấp.”
Giới chức Trung Quốc hôm nay cho biết số người thiệt mạng do dịch viêm phổi cấp đã tăng lên 106 và số ca bệnh vượt 4,500. Phần lớn bệnh nhân ở tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch vào tháng trước với vùng khởi phát Vũ Hán. Ngoài ra, có thêm gần 7,000 ca nghi mắc viêm phổi Vũ Hán đang chờ xác nhận.
Trong khi đó, Thị Trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng, thừa nhận “xử lý khủng hoảng chưa tốt,” không công bố thông tin kịp thời và sẵn sàng từ chức để xoa dịu dư luận. Tỉnh Trưởng Hồ Bắc Vương Hiểu Đông cũng nói rằng ông “rất đau khổ và cảm thấy có lỗi.” (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/hang-chuc-tinh-o-viet-nam-co-nguy-co-thanh-o-dich-viem-phoi-vu-han/
Phòng chống virus Corona cần
minh bạch, đồng bộ từ chính quyền
Diễm Thi, RFAHành xử ‘lạ’ của cơ quan chức năng VN?
Hôm 27 tháng 1 năm 2020, trên mạng xã hội lan truyền một biên bản làm việc của đoàn công tác công an thành phố Đà Nẵng, trong đó có cả cán bộ phòng quản lý xuất nhập cảnh, cán bộ phòng An ninh đối ngoại, yêu cầu Khách sạn Đà Nẵng Riverside phải lấy lý do khách sạn hết phòng để không nhận khách Trung Quốc chứ không nên để thông báo không tiếp nhận khách Trung Quốc. Lý do được nêu ra là làm thế gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh du lịch, tình hình đối ngoại của thành phố. Tuy nhiên, đại diện phía khách sạn từ chối gỡ bảng thông báo.
Anh Huy, tiếp tân Khách sạn Đà Nẵng Riverside nói với RFA tối 27 tháng 1:
“Nếu chị có coi thông tin trên mạng xã hội, trên facebook hoặc các trang báo điện tử thì sẽ thấy khách sạn này có chủ trương không nhận khách Trung Quốc. Cho đến giờ này khách sạn vẫn dán những thông báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau về việc này.
Ban Giám đốc chủ trương cho ban lễ tân không nhận khách và hủy phòng những đoàn khách Trung Quốc.
Việc nhận khách hay không thuộc về quyền của Ban Giám đốc khách sạn và điều này hợp lệ. Giờ này em chưa nhận thông tin Đà Nẵng không cho khách Trung Quốc nhập vào mà chỉ có thông tin khách sạn này không nhận khách Trung Quốc.”
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng từ Đà Nẵng nhận định rằng, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là kiểm dịch, là an toàn sức khỏe cộng đồng chứ vấn đề không phải là an ninh du lịch hay an ninh đối ngoại. Đây là vấn đề toàn cầu. Ông nhấn mạnh:
“Chính phủ nhiều nước đã truyên bố đóng cửa biên giới, hủy bỏ các tour du lịch và các chuyến bay đến từ Trung Quốc vì họ đánh giá được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh trong tình hình hiện nay.”
Ông Đinh Kim Phúc, Nhà nghiên cứu Biển Đông nói về việc này với tư cách người dân rằng, chính quyền “dạy” cho dân phải nói dóc. Ông cho rằng phía Nhà nước không có động thái nào đủ mạnh để dân an tâm, tin tưởng nên họ phải tự bảo vệ mình như vậy dù hành động bảo vệ đó chưa chắc đúng với quy trình phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan, nhiễm bệnh cúm Vũ Hán. Ông phân tích:
“Việc này cho thấy rằng về phía nhà nước thông tin rất trễ, dè dặt trong thời đại thông tin mạng toàn cầu. Không thể giấu người dân như vậy mà phải cho dân biết sự thật, biết mức độ nguy hiểm như thế nào và chuẩn bị đối phó ra sao?
Thông tin từ Vũ Hán thì như vậy nhưng máy bay từ Trung Quốc cứ đáp xuống Việt Nam liên tục thì người ta đâu có tin vào những tuyên bố cũng như những lời trấn an từ chính phủ!”
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam hôm 26 tháng 1 cho biết mỗi ngày có 260 chuyến bay đến Việt Nam từ Trung Quốc, trong đó Vietjet có 50 chuyến, với khoảng 200.000 hành khách vào Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, từ ngày 23 đến 26 tháng 1, tỉnh này đón gần 30.000 lượt khách đến từ Trung Quốc. Còn theo báo cáo nhanh của sở du lịch Quảng Ninh, từ ngày 24 đến hết ngày 26 tháng 1 năm 2020 đã có khoảng 6.700 khách Trung Quốc đến tham quan các tuyến điểm du lịch tại Quảng Ninh. Khách du lịch đến chủ yếu bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Riêng tại Đà Nẵng, báo cáo mới nhất vào chiều 27 tháng 1 đưa ra con số gần 12.000 người Trung Quốc đang đi du lịch và làm việc tại thành phố này. Tại các cửa khẩu và cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng đã ghi nhận 41 trường hợp có biểu hiện sốt. Thành phố đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho 15 bệnh nhân.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều tối ngày 26 tháng 1 tại Bộ Y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Chưa có người Việt nào mắc bệnh viêm phổi do virus corona, xử lý nghiêm đối tượng tung tin thất thiệt.”
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng cho hay, tính đến ngày 26 tháng 1, tại Trung Quốc đã có 30 tỉnh có người mắc virus corona với con số trên 2.000 người, trong đó có 56 ca tử vong, 15 cán bộ y tế nhiễm bệnh.
Dịch lây lan nhanh!
Dịch viêm phổi cấp do một loại coronavirus mới, WHO ký hiệu là 2019-nCoV bắt đầu vào giữa tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán ở miền Trung Trung Quốc. Các ca nghi ngờ đầu tiên được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 và ca tử vong đầu tiên được báo cáo là một người đàn ông ở Vũ Hán, chết ngày 9 tháng 1 năm 2020.
Đến ngày 27 tháng 1, con số chính thức được công bố toàn cầu có 2.886 ca nhiễm bệnh, trong đó có 2.825 người ở Trung Quốc; con số tử vong là 81 người, con số hồi phục là 59 người.
Dịch bệnh hiện đã lan ra nhiều nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Nepal, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Macau, Hong Kong. Cho đến lúc này, Việt Nam vẫn chỉ ghi nhận 2 ca bệnh (hai cha con đến từ Vũ Hán,Trung Quốc) dương tính với chủng mới của virus corona, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.
Hiện đã có hai quốc gia láng giềng của Trung Quốc tuyên bố đóng cửa biên giới với nước này, đó là Mông Cổ và Bắc Hàn.
Minh bạch thông tin
Tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 1, truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin Sở Văn hóa – Thể Thao – Du lịch tỉnh Lào Cai có văn bản yêu cầu các hiệp hội du lịch và công ty kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh này tạm ngừng xuất, nhập cảnh du khách tại cửa khẩu Lào Cai đến các vùng của Trung Quốc có nguy cơ lây nhiễm virus Corona mới.
Trong chiều cùng ngày, lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa cho hay, do Văn phòng Bộ Văn hóa Du lịch Trung Quốc thông báo sẽ tạm ngưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch virus Corona không lan rộng nên từ ngày 28 tháng 1, phần lớn các doanh nghiệp đón và phục vụ khách Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ tạm ngưng hoạt động.
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho rằng, về mặt truyền thông thì chính phủ hoặc chính quyền địa phương phải tuyên bố rõ mọi chuyện cho người dân biết để bảo vệ quốc gia. Nếu chính quyền không minh bạch, rõ ràng thì người dân sẽ có những hành động tự phát để bảo vệ mình. Đó là tâm lý bình thường. Ông lập luận:
“Thông tin có 218 du khách từ Vũ Hán bay đến Đà Nẵng được tuyên bố trên báo chí là chuyến bay trước khi có lệnh cấm. Tôi nghĩ chính quyền làm việc chậm trễ. Vì vậy người dân họ không thấy yên tâm. Họ thấy người Trung Quốc vẫn qua và người dân phải thận trọng.
Bản thân người dân cũng không biết việc kiểm dịch, việc khám các hành khách làm thủ tục ở sân bay như thế nào. Người dân không tin cậy nên lo lắng và hành xử như vậy. Đó là tâm lý bình thường.”
Ông nói thêm rằng, nếu người dân được biết là chính quyền cấm, kiểm soát nghiêm ngặt như thế nào ở cửa khẩu thì mức độ tin cậy sẽ tăng và người dân sẽ hợp tác với chính quyền dựa trên sự tin cậy và sự minh bạch của chính quyền. Chính phủ phải hành động đồng bộ, khẩn cấp đúng với lòng dân và phép nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-vn-gov-do-to-protect-citizen-dt-01272020140802.html
Việt Nam giám sát
những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm nCoV
Mười tám y, bác sĩ ở Hải Dương có tiếp xúc với bé trai Trung Quốc nghi nghiễm virus corona mới nCoVđang được giám sát, theo dõi.Theo tin từ trong ước thì 18 y, bác sĩ này thuộc Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Tất cả có tiếp xúc với bệnh nhân nhi 10 tuổi người Trung Quốc nghi nhiễm nCoV.
Bệnh nhân quê tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc này trong quá trình từ Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đi Hà Nội hôm 26 tháng 1 có biểu hiện khó thở nên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc với nghi ngờ nhiễm nCoV. Vào ngày 27 tháng 1, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hải Dương và rồi lên Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội.
Trong quá trình thăm, khám, điều trị có 18 cán bộ, y, bác sĩ thuộc hai đơn vị ở Hải Dương tiếp xúc với bệnh nhi nên phải được giám sát, theo dõi.
Cũng tin liên quan, Sở Y tế tỉnh Lào Cai được truyền thông vào ngày 28 tháng 1 dẫn lời là có 4 trường hợp người Việt bị sốt từ Trung Quốc về qua Cửa khẩu Lào Cai đạ được cách ly, giám sát.
Máy soi thân nhiệt phát hiện 4 trường hợp này trong quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh về Việt Nam. Họ sang Trung Quốc làm thuê hoặc có quan hệ buôn bán ở bên kia biên giới.
Tin cho biết thêm có hằng chục trường hợp công dân Trung Quốc hay nước thứ ba bị hệ thống máy soi thân nhiệt tại Cửa khẩu Lào Cai phát hiện triệu chứng sốt đã bị từ chối nhập cảnh Việt Nam.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam vào ngày 28 tháng 1 cũng cho truyền thông trong nước biết đang thực hiện cách ly một nữ bệnh nhân nghi nghiễm nCoV. Nữ bệnh nhân 29 tuổi là tiếp viên hàng không người Việt, trước tết có đến Thượng Hải từ ngày 18 đến 20/1.
Vào ngày 24 tháng 1 cô này có triệu chứng sốt, ho, viêm phổi, mệt mỏi nên mua thuốc tự uống. Thế nhưng không đỡ nên vào chiều ngày 26/1 vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, tại huyện Núi Thành để điều trị.
Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được gửi vào Viện Pasterur Nha Trang để xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur Tp Hồ Chí Minh vào ngày 28 tháng 1 loan tin hai trường hợp người Trung Quốc viêm phổi cấp do chủng nCoV xâm nhập đã ổn định sức khỏe. Một trong hai bệnh nhân đã âm tính với nCoV.
Cụ thể, người con trai sinh năm 1992 đã hết sốt hơn 4 ngày, đã tỉnh táo, ăn uống bình thường. Người cha từ Vũ Hán, Trung Quốc sang Việt Nam cũng hết sốt 3 ngày nay nhưng vẫn còn phải thở oxy.
Thông tin được đưa ra sau 5 ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận hai ca người Trung Quốc nhiễm nCoV được điều trị tại cơ sở này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-nCov-up-01282020080205.html
Một số tỉnh thành dừng đón khách Trung Quốc
Ba tỉnh tại Việt Nam gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lào Cai chính thức thông báo ngưng đón khách Trung Quốc đồng thời tạm dừng đưa khách Việt Nam đến vùng dịch và ngược lại. Lý do xuất phát từ lo ngại lây nhiễm virus Corona mới (nCoV).Truyền thông trong nước vào ngày 28 tháng 1 dẫn phát biểu của bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, rằng các công ty lữ hành đã tạm dừng đón khách Trung Quốc.
Trước đó một ngày, Sở Văn hóa – Thể Thao – Du lịch tỉnh Lào Cai có văn bản yêu cầu các hiệp hội du lịch và công ty kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh này tạm ngừng xuất, nhập cảnh du khách tại cửa khẩu Lào Cai đến các vùng của Trung Quốc có nguy cơ lây nhiễm.
Lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cũng nói rõ do Văn phòng Bộ Văn hóa Du lịch Trung Quốc thông báo sẽ tạm ngưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch nên từ ngày 28 tháng 1, phần lớn các doanh nghiệp đón và phục vụ khách Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tạm ngưng hoạt động -
Thống kê cho thấy Đà Nẵng có gần 12.000 người Trung Quốc đang đi du lịch và làm việc; Khánh Hòa đón gần 30.000 lượt khách đến từ Trung Quốc trong mấy ngày Tết; Quảng Ninh có khoảng 6.700 khách Trung Quốc đến tham quan các tuyến điểm du lịch từ ngày 24 đến hết ngày 26 tháng 1 năm 2020. Khách du lịch đến chủ yếu bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Trước đó, hôm 26 tháng 1, đoàn công tác công an thành phố Đà Nẵng yêu cầu khách sạn Danang Riverside gỡ bảng không nhận khách Trung Quốc với lý do gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh du lịch, tình hình đối ngoại của thành phố. Phía khách sạn không đồng ý gỡ bảng.
Báo trong nước dẫn lời ông Phạm Thanh, giám đốc khách sạn Danang Riverside rằng, “Những đoàn khách đã đặt trước cả hai tháng, chúng tôi vẫn từ chối hợp đồng, hoàn lại tiền cho khách. Chúng tôi chấp nhận lỗ để đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng các nước khác đang lưu trú”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/some-provinces-in-vn-suspend-receiving-chinese-tourists-01282020072029.html
Việt Nam phòng chống virus corona như thế nào?
Nằm sát Trung Quốc, trung tâm ổ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca nhiễm virus và khoảng 40 ca bị nghi lây nhiễm. Nhiều chuyên gia dự báo rất có thể Việt Nam sẽ là quốc gia bị dịch lây lan mạnh nhất ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc.Hôm qua, 27/01/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp và tuyên bố phải “chống dịch như chống giặc” để bảo vệ sức khỏe người dân.
Trên thực tế, công tác phòng chống dịch corona tại Việt Nam đang được thực hiện như thế nào ? RFI Tiếng Việt hôm nay 28/01 phỏng vấn bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm của bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn :
Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh, trước hết, xin bác sĩ cho biết là nguy cơ virus corona lây lan sang Việt Nam có lớn hay không ?
Tính ra hiện nay Việt Nam đang đóng dần các cửa khẩu và cả phía Trung Quốc cũng đóng dần cửa khẩu để hạn chế lưu thông từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu ngừng lại ở đó và kiểm soát tốt, thì khả năng lây nhiễm sẽ giảm. Tuy nhiên, biện pháp đó không đủ, mà cái chính là trong nước, mình phải cẩn thận hơn, bởi vì đã có một số người Việt Nam du lịch từ Trung Quốc, từ thành phố Vũ Hán trở về. Mình bắt buộc phải có những biện pháp thôi.
Việt Nam có những biện pháp gì để phòng ngừa lây lan ?
Thực ra ở Việt Nam cũng đã nhiều lần có những biện pháp phòng ngừa, như đã từng chuẩn bị đối phó với dịch SARS hay MERS, rồi Ebola. Hiện nay, tại các cửa khẩu Việt Nam, tất cả những người từ Trung Quốc qua đều phải làm một tờ khai y tế. Sau đó, họ được dặn là nếu bị bệnh thì phải tự cách ly ở nhà. Những ai bị sốt thì đến ngay sở y tế để xác định lại một lần nữa và dặn họ theo dõi trong vòng 14 ngày, đó là thời gian ủ bệnh tối đa của virus. Qua khỏi được 14 ngày thì thôi.
Còn đối với những người có khả năng tiếp xúc với các bệnh nhân Trung Quốc thì cũng đã phải trải qua quy trình như vậy ngay từ những hôm trước rồi. Ở Việt Nam, khối Y Tế Dự Phòng đảm nhiệm công tác đó. Họ phải nắm những thông tin đó và dặn dò những người có khả năng đã tiếp cận với virus. Khối Điều Trị thì chỉ đặc trách về khâu cách ly và làm xét nghiệm thôi.
Thông tin về tình hình dịch bệnh kỳ này có được thông báo rộng rãi không ?
Thực ra, việc này cũng đã được khởi động cả hơn một tuần nay rồi. Có nghĩa là ngay từ khi ở bên Trung Quốc có tin (về dịch viêm phổi cấp tính) thì cá nhân tôi cũng đã đi họp mấy buổi, cũng phải vào bệnh viện, nói chuyện với nhân viên y tế của bệnh viện, và cũng phải lên trên mạng cộng đồng chia sẻ chi tiết thông tin, để người dân cùng hiểu được bệnh này, để mọi người không lơ là, mà cũng không quá sức căng thẳng về dịch viêm phổi mới.
Mới đây, bộ Y Tế cũng gửi thông tin để mọi người cùng biết và trên hai trang web của Y Tế Dự Phòng Việt Nam và của Thành Phố Hồ Chí Minh. Tôi ở trong ban phòng chống, thường xuyên liên lạc với đơn vị phòng chống. Tôi có ông bác sĩ quen ở bên Cấp Cứu 115, tức đơn vị chuyển bệnh nhân từ sân bay vào bệnh viện trong trường hợp cần thiết. Tôi thường xuyên liên lạc với ông này để có thông tin. Đồng thời, tôi cũng có một người quen bên Y Tế Dự Phòng Thành Phố Hồ Chí Minh và thường xuyên liên lạc với người này để nắm rõ tình hình. Khi lên mạng, tôi xem có thông tin nào bị nhiễu, thì sẽ điều chỉnh lại tránh để công luận hoang mang. Hiện tại mức độ tuyên truyền ở Việt Nam đang rất là tốt.
Việt Nam có nhiều du khách Trung Quốc. Có nên hay không đóng cửa biên giới Trung Quốc để hạn chế nguy cơ lây lan ?
Hiện nay, có một số cửa khẩu tuyên bố đã giảm lượng du khách Trung Quốc vào Việt Nam. Chắc có lẽ là dần dần sẽ tới cái mức đó thôi. Mình cũng phải nghe ngóng xem tình hình diễn biến thế nào, theo dõi đánh giá của thế giới ra sao. Nhưng mà theo thông tin báo chí, có nhiều cửa khẩu đã tạm ngừng tiếp xúc với nguồn du khách từ Trung Quốc vào. Từ ngày 27/01, chính phủ Trung Quốc thông báo ngưng tổ chức các chuyến du lịch ra ngoại quốc. Bắc Kinh không cho công dân đi ra nước ngoài. Còn nhóm những người Việt Nam đi sang Trung Quốc bây giờ quay về nước, thì mình phải để cho họ vào chứ. Nhóm đó có thể mang theo virus thì mình phải xử lý. Tôi có một người quen đi Trung Quốc chơi và khoảng mồng 3 hay mồng 4 Tết mới trở về, rồi cũng có một đoàn đi Vũ Hán cũng phải quay về. Chắc chắn chúng ta phải theo dõi những ca này.
Những người này sẽ bị cách ly 14 ngày, tức là thời gian ủ bệnh ?
Cũng không hẳn là bắt buộc đâu, nhưng mình khuyên họ tự cách ly tại nhà, chứ không thể nhốt người ta được, người ta phải sinh hoạt. Rồi mình phải dặn người ta rất kỹ là nên khai báo nếu có triệu chứng, để có thể điều trị kịp thời. Cho tới hiện nay thì chúng tôi chưa thấy gì.
Bác sĩ có những lời khuyên nào để mọi người tự phòng ngừa ?
Theo tôi, về mặt khoa học, virus corona mới lan nhanh như vậy, thì thật ra, về nguyên tắc, một virus mới đối với tất cả những ai chưa từng tiếp xúc với loại siêu vi đó đều không được miễn dịch, có nghĩa là có khả năng sẽ bị lây. Một khi lây rồi, thì dần dần tất cả mọi người có miễn dịch với nó, khi đó mới không bị bệnh nữa. Giống như với H1N1 hồi 2009 thôi. Thành ra, cái chính là làm sao để virus đừng tấn công mình. Tốt nhất là mang khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc với đám đông. Nếu biết chắc những người chung quanh có bệnh về đường hô hấp, thì lại càng phải cẩn thận hơn.
Còn người đã bị bệnh, hay những người từ ổ dịch trở về, thì phải có trách nhiệm với cộng đồng, có nghĩa là phải ở nhà 14 ngày, khi nào biết chắc mình không bị nữa thì mới đi ra ngoài. Điều đó tất cả mọi người cùng phải làm thì mới có thể giảm được tốc độ lây lan. Chứ còn nếu mình đặt ra những vấn đề như là nguy hiểm quá, dịch lan nhanh quá … thì cũng không giải quyết được gì cả. Đó là điều tất yếu. Nếu không tự và cùng phòng chống, thì mức độ lây lan nó là như vậy. Bản chất của một con virus mới là như vậy.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200128-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-corona-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam
corona: Việt Nam sẽ bị nặng nhất, sau Trung Quốc ?
Thanh PhươngTại Việt Nam, hiện chỉ mới có hai ca nhiễm virus corona viêm phổi cấp tính được xác nhận, nhưng theo các số liệu mới nhất, gần 40 ca nghi nhiễm bệnh đang được cách ly theo dõi. Theo các chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia bị dịch bệnh nặng nhất, sau Trung Quốc.
Hôm qua, 27/01/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp về dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới gây ra. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố phải “chống dịch như chống giặc”, yêu cầu các ngành chức năng và 63 tỉnh thành trên toàn quốc đều phải tham gia. Thủ tướng Việt Nam còn khẳng định : “Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”.
Hiện giờ, theo báo chí trong nước hôm nay, tại Việt Nam, trong số 63 ca nghi nhiễm bệnh do trước đây có đi đến vùng có dịch ở Trung Quốc, 25 ca đã được loại trừ nhiễm virus corona, 38 ca vẫn được theo dõi cách ly, trong đó có 2 người Trung Quốc được xác nhận nhiễm virus, hiện đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, “ trong tình trạng ổn định”, theo lời các bác sĩ tại đây.
Tuy nhiên, vào lúc mà nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, mới đây nhất là Mông Cổ, đã đóng cửa biên giới, hoặc như Philippines đã ngưng cấp visa nhập cảnh cho khách Trung Quốc, để ngăn chận dịch bệnh, thì Việt Nam hiện chưa thi hành những biện pháp tương tự và vẫn đón tiếp rất nhiều du khách Trung Quốc.
Theo một hiệp định đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, công dân Trung Quốc đến Việt Nam không cần xin visa. Vào mỗi dịp Tết, rất đông người Trung Quốc đi du lịch sang Việt Nam. Năm nay, số khách này ít hơn mọi năm, vì hàng chục ngàn người quyết định ở nhà do lo sợ lây bệnh. Tuy vậy, ở một số địa phương, như Đà Nẵng, lượng du khách Trung Quốc vẫn rất đông, cho nên rất khó kiểm soát được tình hình. Ngày 22/01 vừa qua, một chuyến bay từ Vũ Hán chở theo 218 du khách Trung Quốc đã đáp xuống Đà Nẵng. Theo cơ quan y tế địa phương, do những du khách này “không có những triệu chứng nhiễm bệnh”, cho nên họ đã có thể tiếp tục đi du lịch đến tỉnh Khánh Hòa.
Trong những ngày qua, nhà chức trách Việt Nam đã gia tăng nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Kể từ ngày 25/01, hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu phải điền một tờ khai y tế. Ở cấp độ địa phương, theo báo chí trong nước hôm nay, Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tỉnh Lào Cai vừa ra văn bản yêu cầu tạm ngừng xuất, nhập cảnh du khách tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Tuy nhiên, theo hãng tin AsiaNews của Ý, trong bản tin đề ngày 27/01, nhiều chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc cảnh báo rằng, nếu chính quyền không thi hành kịp lúc các chính sách bảo vệ sức khỏe, không gia tăng kiểm soát biên giới với Trung Quốc, thì Việt Nam rất có thể sẽ là quốc gia có nhiều ca lây nhiễm virus corona nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200128-virus-corona-vi%E1%BB%87t-nam-s%E1%BA%BD-b%E1%BB%8B-n%E1%BA%B7ng-nh%E1%BA%A5t-sau-trung-qu%E1%BB%91c
nCoV-2019 có thể lây nhanh hơn SARS
Blogger Nguyễn Trang NhungMột nghiên cứu, được công bố vào ngày 26/1 trên website biorxiv.com, của một nhóm nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh (GDCDC) tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc về tính lây truyền của nCoV đã đưa ra nhận định rằng nCoV có thể lây nhanh hơn SARS.[1]
Nghiên cứu xem xét dữ liệu từ những ca nhiễm nCoV trước 23/1 được thu thập từ các hồ sơ y tế, điều tra dịch tễ và các website chính thức khác. Trong khi đó, dữ liệu về các ca nhiễm hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS) tại tỉnh Quảng Đông trong các năm 2002-2003 được lấy từ GDCDC.
Các phương pháp ước tính tăng trưởng hàm mũ (exponential growth, EG) và khả năng tối đa (maximum likelihood, ML) được áp dụng để ước tính hệ số lây truyền hiệu dụng R (effective reproductive number) (sau đây gọi ngắn gọn hơn là hệ số lây truyền) của nCoV và SARS.
Theo tính toán, các hệ số lây truyền của nCoV là 2,9 theo phương pháp EG và 2,92 theo phương pháp ML. Trong khi đó, các hệ số lây truyền tương ứng của SARS là 1,77 và 1,85. Nhóm nghiên cứu đã quan sát xu hướng theo thời gian từ khi triệu chứng phát tác ở bệnh nhân đến khi bệnh nhân được cách ly trong 2 trường hợp của 2 loại virus.
Hệ số lây truyền của nCoV thấp hơn của SARS có nghĩa là nCoV có nguy cơ lây truyền cao hơn so với SARS. Cứ mỗi ca nhiễm nCoV trung bình sẽ lây cho 2,9 hoặc 2,92 ca khác, trong khi cứ mỗi ca nhiễm SARS trung bình sẽ lây cho 1,77 hoặc 1,85 ca khác.
Nhóm nghiên cứu nhận định rằng mặc dù các nỗ lực y tế công cộng đã làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền của nCoV, song điều trên ngụ y rằng cần thiết phải có các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa nghiêm ngặt hơn để phát hiện, chuẩn đoán và điều trị sớm để kiềm chế sự lan rộng của virus.
Cho đến thời điểm nghiên cứu, nhiều trường hợp lây nhiễm ngoài Trung Quốc từ các nhân viên y tế cho thấy nCoV lây nhiễm nhanh giữa người với người. Trong nghiên cứu, do hạn chế về thông tin, nhóm nghiên cứu đã dùng thời gian phát tác triệu chứng từ ca sơ phát đến ca thứ phát (generation time, GT) của SARS để áp dụng cho nCoV là 8,4 ngày.
Sẽ cần thêm thời gian cho các nhà khoa học tìm hiểu về nCoV. Và từ giờ đến khi nCoV được kiểm soát và ngăn ngừa hiệu quả, điều nên làm cho tất cả mọi người là tuân theo các quy tắc vệ sinh (đặc biệt là cho đường hô hấp) như hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới,[2] và cùng với đó là hạn chế tiếp xúc đông người, thể hiện thái độ thận trọng tối đa trong việc phòng tránh lây nhiễm.
Chú thích:
[1] Transmission dynamics of 2019 novel coronavirus (2019-nCoV)
https://www.biorxiv.org/content/10.1101/2020.01.25.919787v1
[2] Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về vệ sinh nhằm phòng tránh nCoV
https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-f…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/nVoC-faster-Sars-01282020094008.html
0 comments