Tin Việt Nam – 05/01/2020
Sunday, January 5, 2020
8:07:00 PM
//
- Tin Việt Nam
Nhà hoạt động Hồ Sỹ Quyết bị câu lưu,
tịch thu nhiều tài sản vì quảng bá
sách in bởi nhà xuất bản tự do
Tin từ Hưng Yên: Công an huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã tịch thu nhiều tài sản và tra khảo nhà hoạt động Hồ Sỹ Quyết trong 9 giờ về quan hệ của anh với Nhà Xuất bản Tự do, một nhà in độc lập thường in nhiều sách của giới bất đồng chính kiến.
Vào thứ Sáu ngày 03/1, hơn 10 công an Văn Giang xông vào căn hộ của vợ chồng anh Quyết ở Khu đô thị Ecopark để lục soát cho dù không có lệnh khám nhà. Sau khi lục tung căn nhà, công an thu Macbook, máy ảnh và phụ kiện, 4 điện thoại di động, một số sách in bởi Nhà Xuất bản Tự do, và thẻ ngân hàng rồi đưa cả hai vợ chồng anh về trụ sở công an huyện để tra khảo.
Công an trả tự do cho vợ anh vào cuối giờ chiều vì có con nhỏ, và chỉ trả tự do cho anh vào lúc nửa đêm. Phía công an yêu cầu anh không được tham gia các hoạt động xã hội, đe doạ nếu không sẽ bắt và truy tố.
Anh Quyết là một trong hàng chục người bị công an sách nhiễu vì đọc hoặc quảng bá sách in bởi Nhà Xuất bản Tự do kể từ tháng 10 năm 2019. Vài tháng trước đây, anh có làm videoclip để giới thiệu một số sách in bởi nhà in này.
Vào tháng 10, công an thành phố Sài Gòn bắt giữ nhà hoạt động Vũ Huy Hoàng khi anh đi giao sách của Nhà Xuất bản Tự do. Công an đã đánh đập và trao khảo anh trong nhiều giờ trước khi cho anh về nhà. Anh đã phải rời khỏi nhà để đi ẩn náu nhưng công an địa phương vẫn sách nhiễu vợ anh.
Tuần trước, công an thành phố Sài Gòn cũng đột nhiên kéo đến tư gia của một độc giả, đòi khám nhà dù không có lệnh của viện kiểm sát. Chúng bắt người này phải chứng minh mình “không phải người của Nhà Xuất bản Tự do.”
Quốc Tuấn
Người Việt Nam cư trú bất hợp pháp bị giam
vì làm việc cho khu vực sản xuất cần sa
Một người nhập cư bất hợp pháp từ Việt Nam đã được đưa vào một khuôn viên thuê ở ngôi làng quận Durham, và được giao chăm sóc hàng trăm cây cần sa ở đây. Người này tên là Triệu Đình Trần, 30 tuổi. Theo tòa án, anh dính vào hoạt động trồng cần sa quy mô lớn.
Theo tờ North Echo đưa tin, tòa án Durham Crown nhận được tin báo từ hàng xóm của ngôi nhà anh ở vì phát hiện ra mùi của cây cần sa. Vào ngày 24/11, cảnh sát đến kiểm tra bất ngờ địa điểm này và họ ngay lập tức phát hiện cây cần sa khi anh Triệu mở cửa. Họ thu hồi tổng cộng 230 cây đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau và thu giữ lượng lớn các thiết bị hỗ trợ cho việc canh tác. Theo ước tính, số cần sa này có thể mang lại lợi nhuận từ 60,000 đến gần 200,000 bảng Anh. Trong khai báo với cảnh sát, anh Triệu cho biết một người đàn ông anh gặp ở Birmingham đã đưa anh đến đây và đề nghị chăm sóc cây này, sau đó thu hoạch và phơi khô để đổi lại việc anh có thể sinh sống tại đây. Anh Triệu khẳng định cá nhân anh không biết việc trồng cần sa ở Anh Quốc là bất hợp pháp. Hiện nay, Triệu vẫn bị giam giữ tại nhà tù Durham kể từ khi bị bắt. Tòa án đã quyết định giảm nhẹ hình phạt cho anh Triệu vì anh chỉ đóng vai trò nhỏ và có rất ít lợi nhuận trong việc sản xuất phi pháp này.
Thẩm phán James Adkin áp dụng án tù 12 tháng cho trường hợp này và sau đó anh Triệu có thể được trả tự do hoặc bị trục xuất. Trường hợp của anh Triệu là khá phổ biến đối với những người tị nạn hy vọng có cuộc sống tốt hơn ở Anh Quốc.
Mộc Miên
Vũ “nhôm”: Cái đau, cái nhục
là cho các cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng
Tiếp tục diễn biến phiên toà xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (SN 1955) và Văn Hữu Chiến (SN 1954) thâu tóm đất công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sáng 5-1, bị cáo Phan Văn Anh Vũ khai lập càng nhiều doanh nghiệp càng có lợi trong đầu tư dự án và vay vốn ngân hàng.
(NÓNG TRONG TUẦN) Xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng, cô gái bị sát hại trong rẫy cà phê và bắt giang hồ Toàn “đen”
Cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng lý giải về việc bán nhà đất công giá rẻ cho Vũ “nhôm”
Hôm nay, xét xử hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Vũ) tham gia xét hỏi thân chủ của mình về việc nhận chuyển nhượng nhà đất công sản và dự án bất động sản ở thành phố Đà Nẵng, trong đó có dự án 29 ha thuộc Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Theo hồ sơ vụ án, năm 2006, Công ty TNHH Deawon (Hàn Quốc) được UBND TP Đà Nẵng cho phép đầu tư vào dự án 29 ha trên nguyên tắc liên doanh với một công ty Việt Nam để tiến hành khai thác.
Thời điểm đó, bị cáo Trần Văn Minh là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chấp thuận để Công ty Daewon đầu tư vào Khu đô thị mới Đa Phước theo hướng giao khu đất xây dựng nhà biệt thự, liền kề cho Vũ để liên doanh với Công ty TNHH Daewon thực hiện dự án.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
Bị cáo Vũ khai, để nhận được dự án 29 ha này sau khi đối tác là Công ty TNHH Deawon gửi văn bản cho UBND TP Đà Nẵng đề nghị cho liên doanh với doanh nghiệp của mình là Công ty cổ phần Xây dựng 79. Khi đó, dự án 29 ha được Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng theo dõi, trực tiếp chịu sự quản lý của bị cáo Văn Hữu Chiến, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Thời điểm công ty của Vũ liên doanh với đối tác nước ngoài thì khu đất 29 ha này chưa phải là đất sạch. Sau khi được bàn giao, Vũ chưa thể triển khai ngay dự án do Cơ quan điều tra Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ có văn bản thanh tra dự án.
“Khi đó bị cáo đã 3 lần gửi văn bản cho thành phố Đà Nẵng để xin lại số tiền đã nộp vào dự án này. Nhưng các nội dung này không được đưa vào cáo trạng, có thể gây khó khăn cho quá trình xét xử”, Vũ nói. Luật sư bào chữa giải thích với Vũ “Các tình tiết bị cáo nêu đã có trong một số bút lục ở hồ sơ vụ án, chỉ không xuất hiện trong cáo trạng”.
Bị cáo Văn Hữu Chiến.
Trả lời câu hỏi của luật sư về “Nguồn tiền dùng để mua nhà, đất công sản và dự án bất động sản ở thành phố Đà Nẵng?”, bị cáo Vũ trình bày, nếu tài sản do cá nhân bị cáo mua thì bị cáo sẽ chi tiền của mình ra để đầu tư. Còn nếu các công ty của bị cáo góp vốn mua tài sản thì sử dụng tiền của pháp nhân đó.
“Vì sao bị cáo thành lập 5 công ty như trong cáo trạng nêu?”, luật sư hỏi. Bị cáo Vũ trả lời “số lượng doanh nghiệp càng nhiều thì càng có lợi trong việc đầu tư các dự án, vay được nhiều vốn ngân hàng”. “Bị cáo đã bị tuyên phạt 30 năm tù rồi ở các vụ án trước rồi. Giờ HĐXX vụ án này có tuyên phạt bị cáo thêm 5-10 năm tù nữa cũng không thay đổi bản chất vụ án. Nhưng cái đau, cái nhục là cho các vị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng”, bị cáo Vũ kết thúc phần trả lời.
Bị cáo Trần Văn Minh.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng mối quan hệ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản của UBND TP Đà Nẵng do bị cáo Trần Văn Minh ký để thâu tóm thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố nhằm trục lợi cá nhân.
Vũ liên hệ và đề nghị bị cáo Trần Văn Minh và bị cáo Văn Hữu Chiến (khi cả hai đương chức) chỉ đạo cấp dưới nhanh chóng giao, chuyển nhượng 22 nhà, đất công sản và 7 dự án bất động sản trái quy định, không qua đấu giá cho các công ty do Vũ góp vốn. Hành vi của Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng. T
Trong đó, riêng việc giao trái quy định dự án 29 ha gây thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2002-2010, Vũ thành lập 5 công ty và sử dụng tư cách pháp nhân các công ty này mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, qua đó Vũ đã trục lợi 15/22 nhà, đất công sản và 4 dự án bất động sản ở thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19.000 tỷ đồng.
Ngày 6-1, phiên toà tạm nghỉ. Sáng thứ ba (7-1), phiên toà tiếp tục.
Nguyễn Hưng
Miền Tây đối diện với đợt hạn mặn khốc liệt nhất
trong 100 năm qua
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 4 tháng 1 năm 2020 loan tin, theo các chuyên gia, mùa khô năm 2015-2016 được xem là đợt hạn, mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua tại khu vực đồng bằng sông Cửu long. Tuy nhiên, đợt hạn, mặn tại mùa khô năm 2019-2020 được đánh giá là sẽ khốc liệt, phức tạp hơn năm 2015-2016.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cộng sản cho biết, tốc độ của xâm nhập mặn những năm gần đây rất nhanh. Hậu quả của đợt hạn hán, và xâm nhập mặn năm 2015-2016 đã để lại hậu quả nặng nề như: có 450,000 ha lúa bị ảnh hưởng, gây thiệt hại 1 triệu tấn lúa; ngoài ra còn có 136ha cây ăn quả bị tổn thương; nửa triệu dân trong vùng bị thiếu nước ngọt. Còn đối với mùa khô năm nay, biểu hiện của hạn, mặn khá nghiêm trọng. Từ tháng 9 năm 2019 đến nay, kết quả quan trắc cho biết, nguồn nước thượng nguồn về hạ lưu Đồng bằng sông Cửu long đã giảm từ 35 đến 50% tổng lượng nước ở lưu vực. Điều này ảnh hưởng lớn đến mùa khô năm nay, và cao điểm sẽ là từ tháng 1 đến tháng 3. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng trưởng cơ quan Thuỷ lợi, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông tin, mực nước bình quân tại trại Kratie từ đầu tháng 1 đến nay thấp hơn gần 2.33m so với trung bình nhiều năm, và thấp hơn 0.77m so với bình quân của cùng thời kỳ đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016.
Tỉnh Bến Tre là tỉnh bị ảnh hưởng đầu tiên của đợt hạn, mặn này. Ngay từ giữa tháng 12 năm 2019, nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã phải mua nước ngọt về tưới cho vườn hoa, cây cảnh do nước ngầm bị cạn.
Mộc Miên
Hoa Kỳ giúp đỡ
những người vượt biên Bắc Hàn bị bắt giữ tại Việt Nam
Tin từ Seoul, Nam Hàn — Vào tháng trước, 13 người trên đường đào thoát khỏi Bắc Hàn đã bị công an cộng sản Việt Nam bắt giữ. Họ đã được bảo đảm an toàn nhờ vào sự can thiệp kịp thời của chính phủ Hoa Kỳ. Các viên chức Hoa Kỳ lập tức hành động vì cộng sản Việt Nam có thể trục xuất họ về Bắc Hàn trong một vài ngày. Thường những việc này sẽ do chính phủ Nam Hàn đứng ra giải quyết.
Tuy nhiên, Nam Hàn không tích cực giúp đỡ và dường như phớt lờ những người tị nạn này. Chính quyền tổng thống Trump từng đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp và các nhà hoạt động vì không lên án đến cùng các sai phạm nhân quyền ở Bắc Hàn. Vào đầu tháng trước, những chỉ trích này càng gay gắt hơn khi Hoa Kỳ lựa chọn không triệu tập cuộc họp ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền của Bắc Hàn, nhưng trong cùng thời điểm đó, Hoa Kỳ đã buộc cộng sản Việt Nam không giao nộp những người đào thoát Bắc Hàn cho Trung Cộng hay Bắc Hàn. Thực tế, rất ít khi Hoa Kỳ có các can thiệp như vậy. 13 người tị nạn dường như không hề biết Hoa Kỳ đã giúp đỡ họ, bởi vì những vấn đề này thường được Nam Hàn giải quyết. Trong hiến pháp Nam Hàn viết rằng sẽ lập tức trao quyền công dân cho người đào tẩu Bắc Hàn, trừ một vài ngoại lệ. Sau khi nhậm chức vào năm 2017, tổng thống Moon luôn tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Bắc Hàn để đạt các thỏa thuận phi nguyên tử nhưng gặp phải sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền và chính trị gia về vấn đề nhân quyền.
Các chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ đã có bước ngoại giao mạo hiểm khi giúp người tị nạn Bắc Hàn. Những can thiệp này có thể khiến Bắc Hàn đình trệ các đàm phán nguyên tử. Trong nhiều thập niên qua, có hơn 30,000 người Bắc Hàn liều cả mạng sống để tìm cách đến Nam Hàn. Việt Nam là một trong những quốc gia họ phải đi qua trong hành trình đó.
Mộc Miên
Kinh tế Việt Nam liệu có ‘hay ho’ như số liệu GDP tính lại?
Nợ công ở Việt Nam hiện nay về thực chất không có gì ‘hay ho’ như các số liệu được ‘tính lại’ GDP mà chính phủ nước này đưa ra cho năm vừa qua và Việt Nam cần lưu ý tới những khía cạnh dài hạn, ổn định, thực chất hơn là nhất thời và ngắn hạn để có cái nhìn tỉnh táo hơn, theo một số nhà quan sát kinh tế – xã hội.
Khi được đề nghị đánh giá về thực chất của phá triển tại Việt Nam, đằng sau những con số được tính lại về Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) được chính phủ Việt Nam ‘tính lại’ và công bố lần gần nhất trước khi bước sang năm mới 2020, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A bình luận với BBC News Tiếng Việt:
“Số liệu thống kê luôn luôn là một vấn đề đối với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, bởi vì trong thời gian vừa qua thì chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã có một biện pháp là tính lại GDP, chuyện này cũng là chuyện bình thường ở các nước thôi, chứ không có gì là đặc biệt.
“Nhưng mà nó đặc biệt ở Việt Nam là trước năm chuẩn bị Đại hội đảng cộng sản, đang chuẩn bị cho Đại hội đảng và GDP của Việt Nam theo cách tính mới, so với cách tính cũ, tăng lên 26-27%.
Cái đó nó có tính chất tạm thời, bởi vì những cái tận dụng được cơ hội, thí dụ như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chẳng hạn, thì cái đó, nếu mà họ thỏa thuận được với nhau thì cơ hội đấy sẽ bớt điTiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A
“Và như thế cái mẫu số nó tăng lên như thế, cho nên tỷ lệ nợ công giảm xuống về mặt phần trăm, nhưng mà con số tuyệt đối của nợ công thì rất đáng tiếc là không giảm được cái gì cả.
“Bởi vì thực sự là tình trạng kinh tế của Việt Nam vẫn như thế thôi, bây giờ chỉ có điều là tính lại thì bảo rằng nó to hơn, đấy là vấn đề về tỉ lệ nợ công, thì chúng ta phải hiểu như vậy.
“Thực sự là tình hình nợ công không phải là hay ho gì cả ở Việt Nam.”
Tuy nhiên, về vấn đề tăng trưởng kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Phản biện Chính sách độc lập (IDS – đã tự giải thể) cho rằng Việt Nam cũng đã đạt được ‘điểm tốt’ tạm thời, Tiến sỹ Quang A bình luận tiếp:
“Còn về tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu v.v…, thì có thể nói rằng cả 12 chỉ tiêu mà Quốc hội đưa ra cho năm 2019 thì đều đạt được và tôi nghĩ rằng đấy là một điểm tốt của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh rất là khó khăn trên thế giới.
“Cũng may là Việt Nam ở vào một cái thế mà có thể tận dụng được kể cả cái khó khăn và cái thuận lợi của những người khác để phát triển, nhưng cái đó chỉ là những kết quả của một quá trình đã được khởi động lâu rồi và sự năng động của bản thân các doanh nghiệp cũng như là của người dân Việt Nam.
“Và một điểm nữa cần chú ý là cái đó nó có tính chất tạm thời, bởi vì những cái tận dụng được cơ hội, thí dụ như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chẳng hạn, thì cái đó, nếu mà họ thỏa thuận được với nhau thì cơ hội đấy sẽ bớt đi.”
Cần nhìn nhận tỉnh táo hơn?
Gần đây, có ý kiến cho rằng bầu trởi kinh tế của Việt Nam vẫn “trong sáng”, trong khi bầu trời kinh tế thế giới nói chung là ảm đạm, một nhà nghiên cứu phát triển và phát triển nông thôn của Việt Nam trong dịp này đưa ra bình luận:
“Từ báo cáo của World Bank vừa rồi mới công bố, lãnh đạo Việt Nam cũng tỏ ra rất lạc quan cùng với đánh giá của World Bank về bầu trời trong sáng của Việt Nam trong khi bầu trời kinh tế nói chung trên thế giới là ảm đạm,” ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phát triển Nông thôn (RDSC), nói.
“Tôi muốn lưu ý một nhận định của cơ quan đánh giá độc lập là Moody, họ cho biết là ở Việt Nam họ vẫn giữ nguyên mức tín nhiệm đối với tài chính của Việt Nam, nhưng họ cho rằng triển vọng tương lai là bị âm tính.
Còn nếu chúng ta chuyển sang được mức tăng trưởng như là của Malaysia, hay là Hàn Quốc chẳng hạn, thì không thể nào mà tăng trưởng 6-7% một năm đượcNhà nghiên cứu Đặng Ngọc Quang
“Họ đã chỉ ra ba yếu tố là dài hạn. Thứ nhất là yếu tố về xã hội, ví dụ như vấn đề về dân số chẳng hạn, sự già hóa về dân số Việt Nam đang kéo đến và từ lâu nay rồi chưa được mọi người quan tâm và chú ý giải quyết vấn đề về già hóa dân số. Thì những quy hoặc về dài hạn về mặt này là một yếu tố mà cần phải lo lắng.
“Thứ hai là những yếu tố mà người ta cho rằng là rủi ro về môi trường, chẳng hạn về biến đổi nhiệt độ khí quyển, rồi nước biển dâng rồi là xâm mặn, rồi có thể những rủi ro thiên tai như hạn hán kéo dài.
“Thế thì những triển vọng dài hạn như vậy, các nhà kinh tế Việt Nam, thông thường người ta cho rằng là câc nhà kinh tế Việt Nam chỉ lo đến ngắn hạn thôi, còn những cái dài hạn là chưa nghĩ đến, hoặc chưa có những biện pháp lo lắng để tính vào.
“Một cái nữa, người ta cũng lo lắng là triển vọng giải quyết những vấn đề liên quan đến thể chế cho đến tham nhũng, thì cũng có thể trong cái ngắn hạn nào đó chúng ta có thể lạc quan, tốc độ tăng trưởng như vậy nó có vẻ là cao.
“Thế nhưng mà chúng ta thấy rằng là ở ngưỡng thu nhập thấp, tăng trưởng cao như vậy thì nó cũng không phải là cái gì đó mà đặc biệt, tăng trưởng ở Việt Nam cũng giống như là một nước rất là nghèo như là Bangladesh chẳng hạn, cùng một nhịp độ tăng trưởng.
“Còn nếu chúng ta chuyển sang được mức tăng trưởng như là của Malaysia, hay là Hàn Quốc chẳng hạn, thì không thể nào mà tăng trưởng 6-7% một năm được, điều đấy thì chúng ta có thể hình dung được là mức độ tăng trưởng cao thì như vậy, thế nhưng phải hiểu rằng nó ở trong một bối cảnh mà mức phát triển của Việt Nam thấp, rất thấp… nó là như vậy thì chúng ta có thể là nhìn nhận một cách tỉnh táo hơn.
Cảnh báo nào cho năm 2020?
Trong một bài viết đầu năm mới trên Asia Times hôm 02/01, một nhà quan sát chuyên theo dõi châu Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, David Hutt cũng đưa ra một số nhận định mà theo tác giả này, giới tư vấn, hoạch định chiến lược và chính sách phát triển của Việt Nam cần lưu ý, bài viết có đoạn:
“Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có thể được tha lỗi, nếu triển vọng năm 2020 của họ bị chính trị hóa quá mức…
“Nhưng các nhà hoạch định kinh tế sẽ bị sai lầm khi bỏ qua các vấn đề dài hạn khác nhau đe dọa đưa đất nước vào cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”, trong đó đất nước có nguy cơ già đi trước khi trở nên giàu có…
“Hiện không thấy rõ ngay lập tức rằng các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam đang làm đủ để tránh cái bẫy đó. Điều đó bao gồm việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) không hiệu quả, ngân hàng tiếp tục”cố ngấu nghiến” chính sách cho vay trong sự bất lợi với khu vực tư nhân.”
Theo David Hutt, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, mà thường được biết đến với tên gọi ở Việt Nam là “cổ phần hóa”, được coi là rất quan trọng để gây quỹ cho các kho bạc nhà nước. Nhưng quá trình này đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây, với năm 2019 chứng tỏ một năm đặc yếu kém cho các chỉ số phát hành công khai lần đầu về chứng khoán (IPO).
Việc đẩy mạnh tư nhân hóa sẽ làm khó chịu những thế lực lợi ích của Đảng vốn đã trở nên giàu có trong những năm qua từ các cơ hội bảo trợ và tham nhũng mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đem lại cho họDavid Hutt, Asia Times
“Không có công ty tư nhân nào niêm yết cổ phiếu trong chín tháng đầu năm, trong khi một số danh sách doanh nghiệp nhà nước được lập trình đã bị lùi lại,” nhà quan sát này viết.
“Chính trị là một yếu tố trong sự chậm lại tư nhân hóa. Chẳng hạn, các thanh tra viên nhà nước thường đánh giá quá cao các tài sản của doanh nghiệp nhà nước được lên kế hoạch tư nhân hóa, sợ rằng việc mất tiền nhà nước thông qua việc định giá trị thấp hơn có thể bị phạt tù.
“Những lo ngại đó đã được khuếch đại thêm bởi một nỗ lực chống tham nhũng cấp cao mà trong những năm gần đây đã khiến nhiều cựu giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước, một số vì tham nhũng, một số khác có lẽ vì thất bại trong chính trị phe phái, bị sa bẫy.”
Và tác giả bài viết có tựa đề tạm dịch “Rủi ro kinh tế Việt Nam năm 2020 bị làm cho thu hẹp mức độ” đặt ra câu hỏi và vài cảnh báo từ một số khía cạnh mà ông tin là đáng lưu ý:
“Làm thế nào chính phủ tiến hành cân bằng lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, một điểm nóng tiềm năng thường được bùng phát qua các cuộc biểu tình công khai chống lại các bộ luật được đề xuất gây tranh cãi gần đây, mà sẽ được quyết định vào năm 2020.
“Một vấn đề bao trùm đối với các nhà hoạch định kinh tế là nhiều cải cách và thay đổi cần thiết để cải thiện năng suất và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư sẽ không nhất thiết phải phổ biến với người lao động địa phương, bao gồm biện pháp mới để tăng tuổi nghỉ hưu.
“Trong khi đó, việc đẩy mạnh tư nhân hóa sẽ làm khó chịu những thế lực lợi ích của Đảng vốn đã trở nên giàu có trong những năm qua từ các cơ hội bảo trợ và tham nhũng mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đem lại cho họ.
“Vì vậy, trong một năm khi các đảng viên sẽ tranh giành vị trí trước Đại hội toàn quốc của đảng vào năm 2021 và các nhà lãnh đạo của đảng nhắm tới việc tạo dấu ấn trên trường quốc tế, sẽ là rất thú vị chứng kiến nhiều thách thức kinh tế cấp bách của quốc gia này,” David Hutt viết trên Asia Times.
Người Việt ở Ba Lan và chuyện pháo giao thừa
Ngô Hoàng MinhGửi cho BBC News Tiếng Việt từ Warsaw
Ở Ba Lan gần đây người ta kêu gọi nên hạn chế bắn pháo hoa, để bảo vệ môi trường và để động vật khỏi hoảng sợ khi nghe thấy những tiếng nổ quá lớn.
Thậm chí nhiều bài báo đưa tin là sức khỏe của các trẻ em tự kỷ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều trong đêm giao thừa, khi có những tiếng nổ lớn. Do vậy, Giao thừa 2019/2020 nhiều thành phố ở quốc gia này không tổ chức bắn pháo hoa đại trà, chỉ người dân tự đốt riêng lẻ, vì luật pháp Ba Lan không cấm.
Người ta đã tổng kết là trong đêm giao thừa vừa qua trong toàn Ba Lan đã xảy ra 1.200 vụ cháy.
Riêng ở Warsaw, các đội cứu hỏa đã phải can thiệp 119 lần, “thú vị” nhất là thông tin về một người đàn ông chẳng biết tự đốt pháo như thế nào mà gây hậu quả là bị thương thân thể, đúng tại vùng kín (bộ phận sinh dục) của mình.
Ở thị trấn Ostrowia Mazowiecka có 23 đám cháy, có một người tử nạn.
Ở thành phố Szczecin có một ông cụ 70 tuổi mà vẫn hứng chí đốt pháo, hậu quả là bị cụt tay và bị thương ở hông.
Nhưng quyền tự do của mỗi người thường (bị) kết thúc, nếu động chạm vào quyền lợi và quyền tự do của người khác.Ngô Hoàng Minh
Ở nhiều nơi khác như là thị trấn Goleniów hay là thành phố Kołobrzeg, trẻ em 8, 9 tuổi mà đã tự đốt pháo, hậu quả là các cháu đã bị thương.
Trước khi ra Thành cổ ở Kraków vui Giao thừa, các bạn Ba Lan đã cảnh báo tôi là sẽ nguy hiểm vì ở đó thường có nhiều người say rượu, nơi có rất nhiều người Anh sang Kraków vui chơi.
Nhưng tôi đã mạnh dạn rủ các bạn Việt Nam ở đó cùng ra tham gia với những người dân đa sắc tộc khác và chúng tôi thấy là thành phố này khá yên bình. Suốt trong hơn một tiếng đồng hồ đứng đón giao thừa, chúng tôi chỉ thấy có một xe cảnh sát và một xe cứu thương đi qua Thành cổ để can thiệp ở đâu đó.
Đúng là có các vỏ chai sâm-panh bị vứt ở khắp nơi, nhưng không ai ném lên cao, mà có thể gây tai nạn như người ta thường đồn đại.
Trước đêm giao thừa, có nhiều bạn trẻ người Việt ở Ba Lan đã tích cực kêu gọi là cần ủng hộ những sáng kiến của người dân Ba Lan, tức là hạn chế đốt pháo.
Nhưng người ta vẫn thấy là người Châu Á vẫn rất thích phong tục đốt pháo, thậm chí với số lượng khá lớn. Có bạn người Việt còn phàn nàn trên trang mạng cộng đồng là thành phố Warsaw quá kém, không tổ chức bắn pháo hoa hoành tráng như các thành phố khác trên thế giới như là Paris, Sydney, Dubai v.v…
Cũng qua trang mạng, có một số người Việt khác cũng đã lên tiếng là đúng là những người đồng hương của họ tổ chức bắn pháo hoa với số lượng rất nhiều.
Quyền tự do và giới hạn
Ở Ba Lan, một quốc gia hậu cộng sản, người ta đang cố gắng tiến tới và xây dựng xã hội nơi đây thành một nền dân chủ theo phương thức Tây Âu. Điều này có nghĩa là mọi công dân có thể tự làm mọi việc nếu luật không cấm, trong đó có chuyện đốt pháo hoa.
Nhưng quyền tự do của mỗi người thường (bị) kết thúc, nếu động chạm vào quyền lợi và quyền tự do của người khác.
Rất tiếc là trong đêm giao thừa vừa qua đã có xảy ra một sự kiện với sự tham gia của người Việt và người dân bản xứ.
Theo như tường thuật của một người Ba Lan thì ông này sinh sống cùng vợ mình ở một căn nhà biệt thự ở vùng quê ngoại ô thủ đô Warsaw, nơi có nhiều người Việt vẫn làm ăn buôn bán và sinh sống. Hàng xóm của ông này là những người Việt, cũng sinh sống (hợp pháp) trong một biệt thự ngay bên cạnh nhà ông này.
Gia đình người Việt có khách vào đêm giao thừa. Họ đã tổ chức bắn pháo hoa ở vườn nhà mình. Ông hàng xóm Ba Lan thấy có gió thổi mạnh, lo ngại là khu cây cối trong vường nhà mình có thể bốc cháy, do vậy ông này đi sang nhà hàng xóm đề nghị mọi người hãy cẩn thận, nhưng rất tiếc là đã xảy ra chuyện cãi cọ.
Thấy bảo là đã có buông ra những lời lẽ nặng nề, như là “nhà tôi thì tôi làm đ… gì cũng được” hay là “cút đi” v.v…
Sau đó, ông Ba Lan đã kể lại là trên đường về cổng nhà mình thì ông này đã bị mấy người Việt đánh đập dã man đến bất tỉnh, gây vỡ xương sống mũi, gẫy một chiếc răng cửa và bị nhiều chấn thương khác.
Sau khi hồi tỉnh, ông này bò về được đến nhà và bà vợ của ông đã gọi cảnh sát và xe cứu thương.
Theo những lời tường thuật của những cảnh sát đến can thiệp thì nhà hàng xóm người Việt đã chối bỏ hoàn toàn, coi như là mình không hề can thiệp vào chuyện “bị tự ngã” hay “say rượu” của người hàng xóm Ba Lan.
Thậm chí, những người Việt đã có thiện chí chạy đến hỏi han giúp đỡ ông này khi ông ấy bị ngất, trong đó có chuyện là cô gái trẻ người Việt, con gái một nhà hàng xóm, nói sõi tiếng Ba Lan, đã tận tình hỏi thăm sức khỏe ông hàng xóm.
‘Lập hồ sơ hình sự’
Như vậy là đã có một tìm hiểu vụ việc hình sự được lập hồ sơ, khi ông Ba Lan đã thuê luật sư và có lẽ câu chuyện này không thể dừng lại ở chuyện là ông này đã “tự vả vào mặt mình” và muốn vu khống những người hàng xóm lương thiện bên cạnh nhà mình. Người ta sẽ tìm thêm các nhân chứng vụ việc này.
Bởi một điều rất đơn giản là ông này là một nhà báo khá nổi tiếng ở Ba Lan, chứ không phải là một người vô gia cư thường say rượu vấp ngã dọc đường, tức là ông ấy sẽ cố gắng yêu cầu chính quyền và giới báo chí can thiệp đến tận cùng, không để mình bị oan ức.
Khi có vụ án xảy ra, những lời khai của ông ấy sẽ có sự tin tưởng khá lớn đối với các cơ quan chức năng, chứ khó mà cho là ông ấy bịa chuyện để gây sự với những người có màu da khác mình.
Sự hợp tác của cộng đồng người Việt với người dân bản xứ là rất đáng khích lệ, để tránh những chuyện đáng tiếc trong tương laiNgô Hoàng Minh
Ông Ba Lan có thiện ý là không muốn làm to chuyện, mà chỉ muốn sinh sống yên ổn trên chính quê hương mình, do vậy nếu những người Việt đã có tham gia vào chuyện đáng tiếc kia, hãy dám tự nhận lỗi, đến trình diện cảnh sát, thì mọi điều ăn năn hối lỗi sẽ được ghi nhận nột cách tích cực, coi như xảy ra sau một đêm vui mừng giao thừa, sau khi có dùng chút ít men rượu bia.
Tất nhiên là vụ việc vẫn phải tiếp tục được điều tra, bởi vì xe cấp cứu và cảnh sát đã phải can thiệp, mọi bằng chứng hồ sơ đã được thành lập ra và tiếp tục điều tra cho đến khi có được kết quả cuối cùng và đưa ra phán quyết công lý.
Theo như kinh nghiệm của tôi thì đúng là ở Ba Lan thì sự việc sẽ không bị đưa vào quên lãng như ở một vài nơi khác mà vẫn xảy ra, bởi vì là ông người Ba Lan sẽ không muốn mình chỉ là bị hại, mà bị thiệt thòi quá nhiều.
Ngoài ra, khi sinh sống ở chính quê hương mình, ông ấy cũng ủng hộ chuyện xây dựng một cộng đồng đa văn hóa và rất bình đẳng, nhưng phải có công lý.
Do vậy sự hợp tác của cộng đồng người Việt với người dân bản xứ là rất đáng khích lệ, để tránh những chuyện đáng tiếc trong tương lai, mà cả hai dân tộc luôn có thể cùng xây dựng cho chính mình một môi trường sinh sống yên bình và thân thiện.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, người đang sinh sống ở Warsaw, thủ đô Ba Lan.
0 comments