Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 01/01/2019

Wednesday, January 1, 2020 6:19:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 01/01/2019

Nhà cầm quyền bắn hư những chiếc flycam

quay bắn pháo hoa ở Sài Gòn

Tin Saigon.- Trang Zing ngày 1 tháng 1 năm 2020 loan tin, trong buổi bắn pháo chào mừng Tết dương lịch vào lúc 0 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 2019 tại Sài Gòn, lực lượng quân đội nhà cầm quyền Cộng sản đã sử dụng súng bắn hỏng flycam của người dân mang đến quay cảnh bắn pháo hoa.
Theo hình ảnh trên đoạn video mà trang Zing đưa tin thì lực lượng trực tiếp dùng thiết bị bắn flycam là những thanh niên dân quân tự vệ, và đứng bên chỉ đạo là quân đội Cộng sản.
Trang Zing cho biết, thiết bị bắn flycam được nhóm nghiên cứu của bộ môn tác chiến điện tử học viện Kỹ thuật quân sự Cộng sản Việt Nam nghiên cứu và chế tạo ra. Chúng được đặt tên là CA-18. Công dụng của CA-18 là làm giảm tín hiệu điều khiển của flycam khiến nó bị mất lái, rồi rơi xuống đất, hoặc là thu hẹp tầm hoạt động của flycam.
Đầu não của hệ thống CA-18 được đặt trong 1 chiếc vali bằng nhựa tổng hợp, với những rãnh tản nhiệt bằng lá nhôm, và hệ thống quạt thông hơi. Trên thiết bị bắn flycam có thiết kế hệ thống ngắm bắn điện tử. Mục đích bắn flycam của người dân là để ngăn cản người dân quay cảnh bắn pháo hoa, hay là để thử nghiệm CA-18 của quân đội Cộng sản thì không được trang Zing đề cập đến.
Và việc tại sao lại bắn hư tài sản của người dân trong trường hợp trên có hợp pháp hay không cũng chưa được phía quân đội giải thích, hay chứng minh rõ ràng.
An Nhiên

Viên chức xã chỉ cần xin nghỉ việc

sẽ nhận được gần 800 triệu

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 31 tháng 12 năm 2019 loan tin, nhiều viên chức Cộng sản ở cấp xã, thị trấn thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh khi xin việc sẽ được nhận ít nhất 100 triệu đồng, và cao nhất là 760 triệu đồng.
Theo đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Cộng sản đã có quyết định, huyện Nghi Xuân có 4 xã, thị trấn sẽ sáp nhập với nhau để tạo thành 1 xã và 1 thị trấn. Việc sáp nhập này sẽ khiến nhiều viên chức bị thừa, không có việc làm nên sẽ gây xáo trộn nội bộ của bộ máy hành chính của nhà cầm quyền cấp địa phương.
Và để giải quyết mâu thuẫn này, nhà cầm quyền đã lấy tiền ngân sách để chi cho các viên chức nghỉ việc, để nội bộ không bị ồn ào.
Ông Phan Văn Thư, Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Nghi Xuân cho biết, đã có 21 viên chức xã “tự nguyện” xin nghỉ việc. Những người này sẽ nhận được lương, và tiền hỗ trợ cao nhất là 760 triệu đồng.
Được biết, sắp tới, có 8 tỉnh bị nhà cầm quyền yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, và xã nhằm tinh giản biên chế. Trong đó, Hà Tĩnh là địa phương có số lượng đơn vị cấp xã phải sắp xếp lại
nhiều nhất. Vì vậy, phương án này ít nhiều cũng sẽ gây mâu thuẫn, ồn ào trong bộ máy hành chính của nhà cầm quyền cấp địa phương do nhiều người bỗng dưng mất việc, khiến họ không có thu nhập, và nhiều người đã lỡ bỏ một khoản tiền lớn ra để có công việc, hoặc mua chức vụ nhưng giờ đây bỗng dưng trắng tay. Chính vì vậy, để giải quyết mâu thuẫn này, nhà cầm quyền phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để giải quyết một cách “êm đẹp”.
An Nhiên

Việt Nam bắt đầu phạt người say xỉn khi đi xe đạp

Một nghị định của Việt Nam, trong đó nêu mức phạt lên tới 600 nghìn đồng đối với người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn, có hiệu lực từ ngày 1/1, theo báo chí trong nước.
Nghị định 100, với các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được chính phủ Việt Nam ban hành hai ngày trước đó.
Tin cho hay, lần đầu tiên chính phủ Việt Nam đưa ra mức phạt đối với người đi xe đạp thường và xe đạp điện.
Mức phạt tối đa đối với người điều khiển loại phương tiện này là 600 nghìn đồng khi “trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở”.
Theo quan sát của VOA tiếng Việt, quy định mới này, vốn còn đặt ra mức phạt đối với người lái xe ô tô và xe máy có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, đang gây ra nhiều tranh luận của độc giả truyền thông trong nước.
Theo truyền thông trong nước, ngày 1/1 cũng là thời điểm Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực.
Luật này được cho là “quy định một loạt hành vi như: Cấm người lái xe uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi…”
Ngoài ra, Luật cũng “cấm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ”.

Có nên tái bổ nhiệm công chức bị kỷ luật cách chức?

Bị kỷ luật và chuyển vị trí!
Một vụ việc liên quan là vụ ông Ngô Văn Tuấn, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vào tháng 1/2018 bị Thủ tướng ký quyết định cách chức vì những sai phạm của ông này trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, trong đó có việc “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Báo Thanh Niên loan tin hôm 30/12/2019 mấy hôm gần đây ông Ngô Văn Tuấn gửi đơn xin chuyển công tác với nguyện vọng được chuyển sang làm phó ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng – công nghiệp của tỉnh này. Vị trí này tương đương với phó giám đốc Sở.
Hồi tháng 3/2019, ông Tuấn xin quay lại Sở Xây dựng Thanh Hóa công tác, ngay sau khi ông Tuấn hết thời hạn kỷ luật 12 tháng. Khi đó Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có những động thái được xem là “lạ” khi ông Trần Xuân Hoàn, Chánh văn phòng sở tự nguyện làm đơn xin xuống làm Phó thanh tra Sở. Ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa ra văn bản xin được tiếp nhận ông Ngô Văn Tuấn và bổ nhiệm ông làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng “chiếc ghế” mà ông Hoàn vừa tự nguyện xin từ bỏ vị trí.
Theo Điều 82 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, công chức bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định
kỷ luật có hiệu lực. Như vậy, công chức vi phạm vẫn có cơ hội được bổ nhiệm lại nếu sau 12 tháng không có vi phạm nào đến mức phải bị xử lý kỷ luật.
Cụ thể luật qui định, khi công chức bị kỷ luật bằng khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; Khi công chức bị kỷ luật bằng giáng chức hoặc cách chức thì không bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Đặc biệt, khi hết các khoảng thời hạn nêu trên mà công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục được bổ nhiệm theo quy định.
Từ 1/7/2020, khi có quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương có hiệu lực, công chức không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn nhưng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc vào chức vụ thấp hơn. Quy định này cho thấy, Luật Cán bộ công chức sửa đổi dựa vào mức độ vi phạm, hình thức kỷ luật để xử lý công chức bị kỷ luật mà không áp dụng cách xử lý chung như hiện nay.
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, người từng làm Hội thẩm Nhân dân thành phố nhiều năm trao đổi với RFA hôm 30/12/2019 có nhận định rằng, về nguyên tắc chung thì khi đã vi phạm thì không được tái bổ nhiệm, nhưng đôi khi cũng thòng thêm điều để phòng những trường hợp những lỗi lầm không phải lớn;
“Thật ra nó tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ và xét trường hợp cụ thể nếu mà những cán bộ tái bổ nhiệm mà người ta vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi đã kỷ luật xong mà người ta ăn năn và làm bù lại những sai phạm quy định trước đó thì tôi thấy nó cũng được không đến nổi nào. Nhưng cơ bản không nên lạm dụng chuyện tái bổ nhiệm lại cán bộ đã bị xử lý kỷ luật trước đó 1 năm vì nhìn chung điều này không có lợi, sai phạm đã gây ảnh hưởng không tốt cho ngành công tác nói chung. Rất nhiều cán bộ không có sai phạm thì tại sao không sử dụng mà phải sử dụng lại ngoại trừ những nơi đã nói là khó tìm cán bộ.”
Từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn cho rằng việc tái bổ nhiệm sau thời hạn qui định không có gì trái với pháp luật hiện hành và đã được Quốc hội quyết định nên bản thân ông không có ý kiến; nhưng ông giải thích thêm hai vấn đề:
“Một nếu không cho bổ nhiệm lại thì nó cũng có tính răn đe để cho người khác không vi phạm nhưng bổ nhiệm lại cũng có điểm tích cực là tạo cơ hội cho những người vi phạm có cơ hội để sửa chửa những sai phạm của mình. Tái bổ nhiệm ở đây mức độ vi phạm chỉ ở mức vi phạm hành chính mà thôi chứ vi phạm về hình sự thì bộ luật hình sự cũng đã có những quy định rồi, một số tội không thể đảm nhiệm chức vụ thì cũng đã có quy định trong bộ luật hình sự.”
Quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thì việc tái bổ nhiệm người từng vi phạm cũng nên tùy trường hợp, nhất là những người có khả năng chuyên môn; còn những người kém đạo đức thì không cần bàn:
“Đó là hành lang pháp lý đặt ra để có những trường hợp cụ thể, giống như tôi từng nói là đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại, họ có sai sót về mặt kỹ thuật thì xem xét từng trường hợp cụ thể và có thể tái bổ nhiệm lại vì có thể họ là những người có tài mà bỏ đi thì cũng không nên nhưng nếu những người đó vi phạm về lộ bí mật chẳng hạn, công nghệ của công ty hay hành động ức hiếp, người đó tham ô về vấn đề tiền bạc thì không nên sử dụng tái bổ nhiệm.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, đối với trường hợp ông Tuấn xin vào vi trí cao hơn là nguyện vọng mong muốn của ông Tuấn nhưng về mặt nguyên tắc tổ chức Đảng thì người ta sẽ không làm như thế, do đo nếu Thanh Hóa mà bổ nhiệm ông Tuấn theo nguyện vọng là điều không hay và không nên làm.
“…vì Thanh Hóa là một tỉnh rất là đông dân, cụ thể những ghế ông nắm giữ cũng như sắp tới vị trí phó giám đốc Sở thì nó cũng ngay thành phố Thanh Hóa chứ không phải những nơi vùng sâu vùng xa mà tìm cán bộ khó khăn gì, vì Thanh Hóa ngoài ông Tuấn ra thì còn rất nhiều cán bộ khác cũng có đạo đức không kém đâu nên trong trường hợp đó không nên sử dụng lại ông Tuấn.”
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, các vị trí được ứng cử thì quyền của cử tri, đại biểu, hội đồng nhân dân họ có tín nhiệm hay không người ta bầu. Còn việc chức vụ do bổ nhiệm thì người có quyết định bổ nhiệm thì phải chịu trách nhiệm.
“Tùy vào từng chức vụ và thời gian bao nhiêu để cho nó hợp lý, thì điều này do các cơ quan làm luật họ cân nhắc thôi vì ngay cả những người có tội thì cũng có thời gian và tùy mức độ mà được xóa án tích nên đối với cán bộ công chức viên chức mà vi phạm kỷ luật thì tùy vào từng cấp độ thời hạn bổ nhiệm nó là bao nhiêu lâu thì vấn đề là như thế chứ không phải là cứ dứt khoác không được bổ nhiệm lại.”

Việt Nam 2020: Những chính sách mới có hiệu lực

Không ngược đãi động vật, tăng lương tối thiểu, không uống bia rượu nơi công sở…, là các quy định mới có hiệu lực năm 2020 ở Việt Nam.
Đi xe đạp sau khi uống rượu bia cũng bị phạt
Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, từ ngày 1/1/2020, hành vi đi xe ra đường, dù là ô tô, xe máy hay xe đạp điện, khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, đều bị cấm tiệt.
Nếu vi phạm, người lái ô tô bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến hai năm. Người đi xe máy bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến hai năm.
Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm bị phạt từ 400 – 600 ngàn đồng.
Luật này cũng quy định người dưới 18 tuổi không được uống rượu bia. Người bán rượu bia không được bán cho người dưới 18 tuổi. Không được lôi kéo, ép người khác uống rượu bia.
Trước khi giết vật nuôi phải gây ngất
Luật Chăn nuôi, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Cụ thể như không được đánh đập, hành vạ vật nuôi, phải có chuồng trại phù hợp, thông thoáng, cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi.
Đặc biệt, với vật nuôi để giết mổ, phải gây ngất trước khi giết mổ, và không để vật nuôi nhìn thấy cảnh đồng loại của mình bị giết mổ.
Người đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng
Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định ngoài sáu đối tượng được bố trí giam giữ riêng như quy định của luật hiện hành, thì nay bổ sung thêm một số đối tượng nữa.
Theo đó, người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính được giam giữ riêng.
Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi thì con được theo mẹ vào trại giam.
Tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương cơ sở
Theo Nghị định 90/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp, từ ngày 1/1/2020, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng, tùy theo vùng.
Đối với lương cơ sở, mặc dù có thể được tăng từ ngày 1/7 lên thành 1,6 triệu đồng/tháng, nghĩa là mức lương thấp nhất của công chức, viên chức được tăng thêm 148.500 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức lương thấp nhất của người lao động trong doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam 2019 có thực sự ‘tỏa sáng’

như lời ông Nguyễn Phú Trọng?

Trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng ngày 30/12, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam năm 2019 đã cho rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong khi kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm. Ông nhấn mạnh rằng: “Ngân hàng Thế giới – World Bank đã nhận định, mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam.”
Tranh cãi về đánh giá kinh tế Việt Nam 2019
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chánh ngân hàng cho rằng nhận xét của ông Nguyễn Phú Trọng khá lý thú, tuy nhiên dựa theo con số thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2019 thì cũng không quá đáng. Ông giảng giải:
“Dĩ nhiên những nhận định như thế mang tính cách của một chủ tịch nước. Nói chung tất cả những chỉ số kinh tế chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 có sự phát triển khả quan. GDP Việt Nam năm 2019 tăng 7,02%, từ năm ngoái tới năm nay là 2 năm vượt ngưỡng 7%, đó là một dấu hiệu tốt. Bên cạnh đó thì lạm phát bị kiềm chế ở mức 2,76%, xuất siêu 9 tỷ cũng như nguồn kiều hối về đến Việt Nam là 16,7 tỷ đô la. Tất cả những chỉ số đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định. Đó là các con số của Cục Thống kê cũng như một số tổ chức nước ngoài chẳng hạn như World Bank. Dĩ nhiên những con số này chính xác như thế nào thì có lẽ chúng ta cần có sự nghiên cứu xem những chỉ số thế này có bên nào nào mang tính độc lập kiểm chứng lại hay không.”
Những con số này chính xác như thế nào thì có lẽ chúng ta cần có sự nghiên cứu xem những chỉ số thế này có bên nào nào mang tính độc lập kiểm chứng lại hay không. - TS. Nguyễn Trí Hiếu
Cụ thể, báo trong nước trích lời Tổng Bí tư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về điểm sáng kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh kinh tế “tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, vượt kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD, bình quân 2.800 USD/người. Năm 1996, quy mô GDP trên đầu người chỉ có 300 USD/người, giờ tăng lên gấp nhiều lần trong khi dân số gần 100 triệu người.”
Nói về tính xác thực của những thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam, tờ Bloomberg vào ngày 30/12 có đăng tải bài viết cho rằng Việt Nam có vẻ tốt chỉ trên giấy tờ.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế lâu năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương không đồng ý với tiêu đề bài viết vừa nêu:
“Tôi nghĩ không hẳn như vậy, tôi nghĩ rằng có những tiến bộ và cải tiến thật sự trong đời sống người dân cũng như trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Tuy vậy phần đóng góp của doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn và đóng góp của đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn, nhưng không nên đánh giá đấy chỉ là những con số trên giấy.”
Thuận – nghịch chồng chéo!
Tác giả Shuli Ren trong bài phân tích đăng trên Bloomberg cho rằng Việt Nam có thể gặt hái thịnh vượng nhờ xuất khẩu và mối quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ thông qua một lực lượng lao động trẻ, bất động sản bùng nổ, ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Thực tiễn này khiến nhiều người so sánh Việt Nam với Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ trước. Đặc biệt, trong cuộc thương chiến Mỹ – Trung, Việt Nam được đánh giá là một gia hưởng nhiều lợi ích nhất. Tuy nhiên, theo tác giả thì cần thêm một điểm khi bước sang thập kỷ 2020: sự thịnh vượng không lợi ích.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, riêng về mặt đầu tư thì Việt Nam cũng có lợi thế do một số cơ sở nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc đã chuyển dịch cơ sở của họ sang Việt Nam nhưng con số chính xác thì ông không rõ. Tuy nhiên, dù thương chiến Mỹ – Trung đem lại nhiều mặt lợi, nhưng cũng có mặt hại. Ông nói rõ:
“Mặt bất lợi là có những hàng hóa tuồn từ Trung Quốc đến Việt Nam rồi từ Việt Nam xuất sang Mỹ. Những hàng này có thể cho là giả mạo nguồn gốc và có thể là rủi ro cho kinh tế Việ Nam nếu xem xem những mặt hàng đó là cách Trung Quốc tránh trừng phạt, tuồn vào Việt Nam và xem Việt Nam như trạm trung chuyển sang Mỹ. Thành ra có những rủi ro và những bất lợi khác. Chẳng hạn như hàng hóa nếu Trung Quốc không xuất đi Mỹ thì nước láng giềng ngay bên cạnh là Việt Nam có thể phải hứng những món hàng đó với giá rẻ chất lượng cao. Có thể làm cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh rất cao với hàng Trung Quốc.”
Bên cạnh đó, tác giả Shuli Ren cũng chỉ ra tình hình chứng khoán tại Việt Nam trong năm qua cũng không khởi sắc.
Theo tác giả Shuli Ren, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện bị chi phối bởi các ngân hàng và chỉ có một nhà phát triển bất động sản là Vingroup JSC. Trong khi đó, dù kinh doanh bất động sản vẫn là nguồn thu chính của Vingroup nhưng tập đoàn này đã chuyển sang sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.
Ngoài ra, vấn đề nợ xấu cũng đang là mối nguy hại với nền kinh tế Việt Nam.
Fitch Ratings, một tổ chức xếp hạng tín dụng của Mỹ và là một trong ba tổ chức xếp hạng thống kê được công nhận trên toàn quốc được chỉ định bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, gần đây cảnh báo rằng một nửa các ngân hàng ở Việt Nam không thể đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu 8%.
Do đó, các ngân hàng cần tăng vốn để tránh nợ xấu trong tương lai nhưng việc tăng vốn các ngân hàng là rất khó, ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần. Nguyên nhân được nói là do chính phủ áp mức giới hạn 30% cho sở hữu nước ngoài.
Lối ra nào?
Để giải quyết tình trạng này cũng như kéo chứng khoán Việt Nam đi lên, tác giả Shuli Ren cho rằng đến lúc Việt Nam cần gỡ bỏ các chính sách bảo hộ và mở cửa kinh tế thực sự.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng ý với ý kiến này, ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam phải mở cửa nhiều hơn nữa:
Phần đóng góp của doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn và đóng góp của đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn, nhưng không nên đánh giá đấy chỉ là những con số trên giấy. - TS. Lê Đăng Doanh
“Nền kinh tế Việt Nam cần tiến đến một giai đoạn, trạng thái một nền kinh tế thị trường thực thụ. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp có vốn nhà nước cần phải giảm thiểu để doanh nghiệp tư nhân có sân chơi cạnh tranh công bằng. Đây cũng đúng là chủ trương chính phủ. Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã tìm cách thoái vốn khỏi các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đã thành công trong một mức độ nào đó tư nhân hóa mà Việt Nam gọi là cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước để biến những doanh nghiệp đó trở thành doanh nghiệp tư nhân và cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần tiếp tục con đường này để tiến đến nền kinh tế thị trường hoàn hảo hơn cho đúng với ý nghĩa của nó.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nếu Việt Nam muốn mở cửa và muốn cắt giảm bảo hộ thì trước hết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Vì nếu như các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam chưa có tiến bộ lớn thì lúc bấy giờ rất khó mở cửa và cắt giảm bảo hộ, khi đó hàng hóa Việt Nam khó có thể cạnh tranh. Ông giải thích:
“Năm 2019, Việt Nam đã thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ CPTPP, trong đó hàng hóa các nước khác cũng bắt đầu cạnh tranh. Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang bị cạnh tranh rất mạnh đối với các sản phẩm nước ngoài như thịt bò Mỹ rẻ hơn rất nhiều so với thịt bò Việt Nam. Đấy cũng là một trong những thách thức mà sắp tới đây nền nông nghiệp Việt Nam sẽ còn phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa.”
Nhận định đúng thực chất phát triển, tỉnh táo trước những lời khen ‘có cánh’ để có những bước đi đúng đắn là điều cần thiết lúc này.

CSVN dường như đang từ bỏ mô hình kinh tế tập trung

Tin từ Việt Nam: Chế độ cộng sản Việt Nam dường như đang từ bỏ mô hình kinh tế tập trung vốn là đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản để tiến gần hơn đến mô hình kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản.
Theo VOA, nhà cầm quyền Sài Gòn, trung tâm kinh tế và thương mại của Việt Nam, cho thấy họ sẽ sẽ không đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế nữa mà sẽ tập trung vào quản lý môi trường đầu tư. Cụ thể, vai trò của Nhà nước là đối thoại với các bên liên quan và giải quyết các vấn đề về thuế, đất đai và các chính sách công khác khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng đầu tư nhà nước, thường là dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước, đã giảm trong những năm gần đây và sẽ giảm xuống 16% trong năm 2020 so với 32% năm 2005.
Theo ông Nhân, thành viên của Bộ chính trị đảng cẩm quyền, thì động cơ tăng trưởng kinh tế nằm ở khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Cổ phần hóa cũng là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Nó có mục tiêu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cho các nhà đầu tư tư nhân trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, nhưng đến nay chỉ mới đạt được khoảng 1/5 mục tiêu.
Tuy Việt Nam từ bỏ mô hình kinh tế tập trung, nền kinh tế vẫn chưa hẳn là kinh tế thị trường với rất nhiều viên chức cao cấp bảo kê doanh nghiệp sân sau để moi tiền ngân sách và bóc lột dân chúng trong khi các doanh nghiệp nhà nước còn lại là bầu sữa cho đảng cầm quyền và viên chức lãnh đạo.
Quốc Tuấn

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.