Đồng Tâm – Nước mắt và Máu
11-1-2020
Để có được một cái nhìn công bằng và toàn diện về vụ việc rất cần một hội nghị mở rộng và công khai để tranh luận. Tôi nói điều này cũng là để khẳng định rằng cho dù tôi có nỗ lực đến đâu thì những điều tôi nêu ra ở đây cũng chỉ có tính tương đối. Bởi một cá nhân với nguồn lực, tài liệu hạn chế thì nếu có thể cũng chỉ là tả được vài bộ phận chứ không vẽ được trọn vẹn cả con voi.
Chúng ta sẽ nhìn góc độ lịch sử & cơ sở pháp lý, cách hành xử của chính quyền, tâm lý người dân, lòng tin…
1. Lịch sử & cơ sở pháp lý:
Một trong những lập luận mà nhiều người dùng để chứng minh cho luận điểm của họ khi nói khu 59 héc ta thuộc đất quốc phòng là stt của Trung tướng Phi công AHLLVT Phạm Phú Thái. Theo ông Thái thì năm 1968 chính phủ đã cho phép quân đội xây dựng một sân bay bí mật ở khu vực Miếu Môn. Đồng thời xây dựng hệ thống hầm giấu máy bay trong các dãy núi song song với đường băng và cách từ vài trăm mét. Đầu tháng 4.1969 khi sân bay bằng đất và hệ thống hầm đã hoàn thành bước một thì ông Phạm Phú Thái và đồng đội đã được nhận lệnh hạ cánh thử nghiệm sân bay và hầm cất giấu máy bay. Các bạn có thể đọc bài viết ở đây.
Trong bài này trung tướng Phạm Phú Thái cho rằng:
1/ Bản đồ đất mà chính phủ giao cho quốc phòng làm sân bay có từ 1968.
2/ Đất này ko có tranh chấp vì đó là đất quân sự và ông khẳng định người dân đã “LẤN CHIẾM ĐẤT CÔNG.”
Ông Thái cũng thừa nhận là bộ quốc phòng không đưa ra được tấm bản đồ giao đất từ 1968 mà chỉ có bản đồ năm 1991. Theo tôi, lập luận của trung tướng Thái khá là mơ hồ, nhất là khi không có tài liệu chứng minh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc gọi việc không đưa ra được bằng chứng lịch sử là gót chân Asin lớn nhất của chính quyền.
Theo ông Quốc, từ thời thượng cổ khi nói về đất đai bao giờ cũng đi kèm với bản đồ. Kho địa bạ nhà Nguyễn làm trong 31 năm đã lập tất cả bản đồ của tất cả thửa đất dù nhỏ nhất trên toàn bộ lãnh thổ của 18.000 làng xã.
Ông Quốc nói:
“Nếu Chính phủ đưa ra một bản đồ về đất mà Thủ tướng Đỗ Mười trao cho Quốc phòng từ năm 1981 thì khỏi có chuyện gì xảy ra. Người dân hỏi tại sao không có bản đồ? Điều này gợi lại cho chúng ta câu chuyện Thủ Thiêm vì nhập nhằng trong bản đồ mà nhân dân bức xúc.
“Bản đồ là tối thiểu. Năm 1980, chúng ta ở trình độ cao. Bây giờ chúng ta không có bản đồ đưa ra, các bản đồ đều dựng lại từ năm 2013, 2014 thì làm sao người dân tin được. Những cán bộ địa phương khi đó chỉ là con cháu của thế hệ như ông Kình. Cho nên như vậy phải tin người dân, phải kiểm tra thẩm định, không nên đứng về một phía.”
Theo tôi phỏng đoán thì cái sân bay bí mật từ năm 1968 như trung tướng Phạm Phú Thái nói chính là tiền đề cho sân bay quân sự Miếu Môn mà cố thủ tướng Đỗ Mười đã kí quyết định 113TTg ngày 14/4/1980.
Ngày 10/11/1981, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (tên cũ) ra quyết định 386 QĐ/UB, tiến hành dự án giai đoạn I, thu hồi khu đất 47,36 ha thuộc phía đông của cánh đồng Đồng Sênh, có đền bù cho hợp tác xã Đồng Tâm và giao cho Bộ Tư lệnh Công binh, và sau này thuộc Lữ Đoàn 28, Quân chủng Phòng không, Không quân.
Từ 1981 đến 2015, dự án sân bay Miếu Môn không thực hiện được. Như vậy là dự án sẽ không có giai đoạn 2 và khu đất phía Đông của Đồng Sênh với diện tích 47,36 ha là khu đất duy nhất của Đồng Tâm được thu hồi và đền thù.
Ngày 27/3/2015, Bộ Tham mưu ra quyết định 551 thu hồi lại khu đất này và giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để xây dựng nhà máy sản xuất, nhưng theo chủ tịch Nguyễn Đức Chung thì là để xây dựng công trình quốc phòng A1.
Theo như ông Lê Đình Kình thì ranh giới và cột mốc của khu đất 47,36 vẫn còn và cơ sở pháp lý của mảnh đất này rõ ràng và giữa quân đội và người dân không hề có tranh chấp.
Vấn đề ở đây là nằm ở khu đất 59 hec-ta phía Tây của Đồng Sênh. Thanh tra Hà Nội và sau là Thanh tra Chính phủ khẳng định khu 59 héc-ta này là đất quốc phòng nhưng lại không hề đưa ra được quyết định thu hồi hay bản đồ nào. Đây chính là gót chân Asin như đại biểu Dương Trung Quốc nói. Trong khi ấy thì suốt mấy chục năm từ năm 1981 đến nay, người dân Đồng Tâm vẫn canh tác liên tục trên khu đất này, vẫn đóng thuế sử dụng đất đầy đủ. Khu đất 59 héc-ta chính là nguyên nhân của sự tranh chấp giữa người dân và chính quyền.
Ông Lê Đình Kình đã từng lập luận như trong những clip được phổ biến rộng rãi:
Ông Lê Đình Kình đã từng lập luận như trong những clip được phổ biến rộng rãi:
Một là: Nếu là đất quốc phòng thì sao Viettel và chính quyền Hà Nội lại bồi thường bố trí tái định cư cho các hộ dân ở đây? Chưa phạt họ chiếm dụng đất quốc phòng đã là may cho họ rồi, sao lại còn ưu đãi đền bù hàng tỷ đồng cho mỗi hộ dân và lập dự án bố trí tái định cư cho họ nữa?
Hai là: Khi có chuyện thu hồi đất, dân làng Đồng Tâm khiếu nại cơ quan chủ quản dự án sân bay Miếu Môn là Quân chủng Phòng không – Không quân thì họ đề nghị liên hệ với các cấp chính quyền Hà Nội. Thế nghĩa là đất dân sự, chứ nếu là đất quốc phòng thì sao Quân chủng đẩy trách nhiệm sang cho chính quyền Hà Nội được?
Ba là: Nếu là đất quốc phòng thì sao chính quyền xã Đồng Tâm bao lâu nay vẫn thu thuế đất nhà ở cho các hộ dân được xã cấp tạm đất?
Chính bởi những lý do quan trọng như trên mà người dân xã Đồng Tâm đã không phục chính quyền và họ nghi ngờ có sự không minh bạch và có lợi ích nhóm ở đây. Điều này họ nói trong những clip về cuộc họp thường kì của người dân.
2. Tâm lý và nguyện vọng của người dân Đồng Tâm:
Chính bởi chính quyền không đưa ra được bản đồ, quyết định thu hồi đất nên người dân không phục. Hơn nữa theo họ, Viettel là của bộ quốc phòng nhưng cũng là một doanh nghiệp, nếu muốn dùng đất nông nghiệp của dân thì phải thoả thuận bồi thường theo luật đất đai, có vậy họ mới có thể có điều kiện để chuyển đổi ngành nghề.
3. Dư luận:
Rất nhiều bạn phóng viên không biết có nghiên cứu kĩ về cơ sở pháp lý hay không nhưng đã khẳng định người dân Đồng Tâm chiếm đất quốc phòng và căn cứ vào việc đổ máu để kết luận những người phản kháng là tội phạm chứ không đại diện cho người dân.
Tôi chỉ lưu ý các bạn rằng việc đổ máu này là do chính quyền đã chủ động khởi phát. Theo luật định thì việc cưỡng chế đất đai phải thực hiện trong giờ hành chính và phải trước hay sau Tết nguyên đán 15 ngày. Không chỉ như vậy mà theo tôi, nếu cơ sở pháp lý của chính quyền đã không đầy đủ thì chính quyền cần phải có một cách ứng xử kiên nhẫn, mềm mại với người dân chứ không thể đánh úp vào nhà dân với một lực lượng được trang bị đến tận răng như vậy.
Quan điểm của riêng tôi là không ủng hộ bạo lực cả từ hai phía. Những chiến sỹ cảnh sát cũng là con em của dân, không có đất đai nào đáng giá bằng mạng người. Nhưng ở đây tôi cho rằng lỗi của chính quyền là phần lớn và sai về nhiều mặt.
Chính quyền làm thế này là làm mất đi hình ảnh trên trường quốc tế về mặt nhân quyền, về thái độ với người dân. Có nhiều bạn sẽ chửi rằng họ không phải là dân mà là tội phạm, nhưng đấy chỉ là một cách nói nguỵ biện, khi đã phải huy động tới cả nghìn quân thì đám đông “tội phạm” kia chính là dân đấy.
Chính quyền “do dân, vì dân” mà ứng xử với dân như với địch như vậy là không ổn.
Chính quyền nắm quyền trong tay, sao không làm truyền thông công khai để thuyết phục người dân và dư luận trước đi?
Chính quyền nắm quyền trong tay, sao không làm truyền thông công khai để thuyết phục người dân và dư luận trước đi?
Một điều lạ là khi tôi đọc những bài báo trên báo chí chính thống thì thông tin đều rất mơ hồ mà không bao giờ chỉ ra thực chất vấn đề.
Trong bối cảnh tham nhũng tràn lan, thì người dân có quyền đặt câu hỏi đằng sau sự mập mờ là cái gì?
Đây cũng chính là câu chuyện của niềm tin. Khi niềm tin thấp thì người dân rất khó đồng thuận với sự giải thích sơ sài.
Theo tôi, sự việc xảy ra chẳng những là một nỗi đau với cả nước, một thảm hoạ nhân đạo mà còn là một thất bại lớn của chính quyền.
Hãy để báo chí trong nước và nước ngoài, quốc hội, luật sư, và các tổ chức xã hội dân sự tham gia làm sáng tỏ sự việc này. Làm được thế là để tránh những thảm kịch Đồng Tâm khác.
Tôi viết không phải để bênh bên nào, mà với một mục đích duy nhất là để cố gắng chạm tới sự thật. Tôi biết sự cố gắng này là rất khó và chắc chắn sẽ không đầy đủ và có thể có thiếu sót nhưng ai cũng có quyền thu thập thông tin và phát ngôn quan điểm của mình.
Bàn về việc này không chỉ để nêu ra đúng sai của sự việc vừa xảy ra mà còn để ứng xử sao cho có tình có lý với hậu quả của sự việc.
Rồi đây những người dân bị bắt sẽ bị xử sao đây? Nhà cửa của họ tan hoang, mưu sinh khó khăn, gia đình xé nhỏ tan tác… nhưng lỗi của họ đến đâu? Ai, quyết định nào đã góp phần đẩy số phận của họ tới bước đường cùng ấy?
Các luật sư chắc hẳn sẽ đồng hành cùng họ. Nhưng như các nhà báo quốc doanh chế giễu các luật sư bênh người dân là các “luật sư toàn thua”, tôi thấy đấy chính là một sự thật cay đắng khi có luật nhưng luật sư ở Việt Nam không có tiếng nói thật sự.
Do vậy, hơn bao giờ hết công luận cần quan tâm tới những số phận kém may mắn kia, những con tim có lương tri cần đập những nhịp tha thiết và gần gũi hơn với đồng loại khốn khổ của mình.
Nếu không, tôi sợ rằng những sự việc đau lòng sẽ còn xảy ra nhiều hơn nữa trên đất nước của chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn các bạn đã quan tâm tới sự việc này. Xin các bạn hãy bổ sung để bức tranh “sự thật” được đầy đủ hơn. Xin cảm ơn!
0 comments