Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Lên tiếng cho Đồng Tâm Facebookers bị 'mời' làm việc, khởi tố

Tuesday, January 21, 2020 11:27:00 AM // ,

BBC 
21 tha8ng 1 2020

Facebooker Nguyễn Thúy Hạnh, chủ tài khoản Vietcombank quyên tiền phúng điếu cụ Kình bị phong tỏa hôm 17/1, bị công an 'mời ' về đồn làm việc; trong khi một Facebooker khác lên tiếng vụ Đồng Tâm bị truy tố.
Kiến nghị trên change.org yêu cầu Vietcombank tháo khoán số tiền phúng điếu cụ Kình trong tài khoản của bà Hạnh
Image caption Kiến nghị trên change.org yêu cầu Vietcombank tháo khoán số tiền phúng điếu cụ Kình trong tài khoản của bà Hạnh
Bà Hạnh kể với BBC News Tiếng Việt trong cuộc phỏng vấn hôm 21/1:
"Khoảng 1:30 chiều ngày 20/1, vợ chồng tôi ra phòng giao dịch Tây Hồ thuộc chi nhánh Ba Đình của Vietcombank để làm việc liên quan đến về chuyện tài khoản nhận tiền phúng điếu cụ Kình của tôi tại ngân hàng này bị phong toả.
"Chúng tôi đã phải chờ 1 tiếng để bà Phó Giám đốc chi nhánh đến làm việc với tôi. Khi làm việc, tôi có hỏi về thông báo phong tỏa tài khoản của tôi, thì bà Phó Giám đốc này nói đã gửi đi từ ngày 13/1 rồi và chắc do trục trặc gì đó nên chưa đến tay.
"Khi tôi hỏi lý do phong tỏa tài khoản, bà này nói là do cơ quan chức năng yêu cầu. Tôi có hỏi cơ quan chức năng nào, thì bà không trả lời. Buổi làm việc do đó cũng nhanh chóng kết thúc sau khoảng 10 phút.

Bị mời làm việc vì quyên tiền

"Trên đường ra về, khi cách ngân hàng hoàng 1 km, chúng tôi bị một lực lượng mặc thường phục, đi cả xe máy và ô tô chặn xe máy của vợ chồng tôi lại. Sau đó họ mời tôi lên ô tô, một người khác ngồi sau lưng xe máy của chồng tôi và cùng đi về số 3 Nguyễn Gia Thiều. Lúc đó là vào khoảng 3 giờ chiều.
"Tại đây, an ninh làm việc với tôi về tài khoản ở Vietcombank. Thái độ của họ cũng ôn hòa thôi. Họ hỏi tôi tài khoản đó có đúng là tài khoản của tôi không; và trước khi kêu gọi tiền phúng điếu chuyển vào tài khoản của tôi thì tôi có quen hay thân thiết với cụ Kình không.
"Tôi trả lời đúng như thực tế, là tôi chỉ biết cụ Kình qua các thông tin từ năm 2017. Tôi rất quý mến và khâm phục tinh thần đấu tranh của ông.
"Phía công an lại hỏi:
"Chị có nghĩ trong số những người gửi tiền vào tài khoản của chị có cả những đối tượng khủng bố không?".
Tôi nói: "Quyên góp dược 528 triệu đồng mà từ 700 người góp vào, tức là mỗi người góp trung bình chưa tới 1 triệu thì sao lại gọi là ủng hộ khủng bố được. Hơn nữa, gia đình cụ Kình bây giờ còn toàn phụ nữ, người già, thì khoản tiền quyên góp ấy sao có thể 'tài trợ cho khủng bố' như cáo buộc được", bà Hạnh kể lại với BBC News Tiếng Việt.
Khi được công an hỏi về dự tính sẽ làm gì với số tiền trong tài khoản nếu việc phong tỏa được dỡ bỏ, có đưa cho Trịnh Bá Phương không bà Hạnh cho biết, bà trả lời rằng, bà sẽ chuyển khoản số tiền đó trực tiếp đến cho gia đình cụ Kình.
Sau khoảng ba tiếng đồng hồ làm việc, đến 6 giờ chiều, bà Hạnh được thả về.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, bà Hạnh cho biết là vào sáng 21/1, bà đã nhận được thông báo phong tỏa tài khoản từ Vietcombank gửi đến qua bưu điện. Văn bản này cũng không nêu lý do, hay cơ quan nào đã yêu cầu phong tỏa tài khoản.
Thông báo đề ngày 13/1 của Vietcombank chi nhánh Ba Đình viết:
"Theo quy định của pháp luật và thỏa thuận với khách hàng, chúng tôi xin thông báo tài khoản nêu trên của quý khách hàng đã bị phong tỏa toàn bộ từ ngày 13/01/2020 theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền".
Trước đó, bà Hạnh và ông Trịnh Bá Phương đã đứng ra kêu gọi việc quyên tiền phúng điếu cho cụ Kình. Chỉ sau vài ngày kêu gọi, đã có gần 700 người gửi về đóng góp số tiền hơn nửa tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 17/1, khi bà Hạnh đến phòng giao dịch của Vietcombank để rút tiền, với dự tính sẽ chuyển cho gia đình cụ Kình, thì phía ngân hàng trả lời là tài khoản đã bị phong tỏa.
Bộ Công an, cuối ngày 17/1 cũng ra thông báo xác nhận "cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan", trong đó có tài khoản ở Vietcombank của bà Hạnh.
Ngay sau khi Bộ Công an Việt Nam xác nhận việc phong tỏa nói trên, cộng đồng mạng xã hội đã kêu gọi ký tên vào kiến nghị trên change.org gửi Vietcombank, Mizuho Bank, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cùng các cấp thẩm quyền ngân hàng trên thế giới, yêu cầu Vietcombank phải tháo khoán số tiền 528 triệu đồng do đồng bào gửi tặng cho việc tang lễ cụ Lê Đình Kình.
Kiến nghị cho rằng, việc tùy tiện khoá tài khoản của khách hàng khi không có bằng chứng hợp pháp đã đặt dấu hỏi về sự tin tưởng ở Vietcombank, cũng như sự hợp lý và minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bị khởi tố vì viết về Đồng Tâm

Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, khởi tố và tạm giam Facebooker "Chương May Mắn" (tức ông Chung Hoàng Chương, sinh năm 1977) vì ông Chương viết và đăng tin liên quan đến vụ Đồng Tâm.
Trước đó, hôm 12/1, Công an quận Ninh Kiều đã tạm giữ ông Chương với cáo buộc về hành vi mà họ gọi là 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân'.
Facebooker Chương May Mắn Bản quyền hình ảnh OTHERS
Image caption Facebooker Chương May Mắn
Công an quận Ninh Kiều cũng khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Chương, thu giữ thiết bị lưu trữ điện tử, điện thoại.
Nhà cầm quyền Việt Nam cáo buộc ông Chương đã đăng trên mạng xã hội "nhiều bài viết có nội dung không đúng, gây mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội", theo báo chí Việt Nam.
Báo chí nhà nước cũng dẫn lời cơ quan công an Việt Nam nói rằng, 16 bài viết trên Facebook của ông Chương từ năm 2018 đến gần đây "chứa nội dung có tính chất tiêu cực gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
'Tập kích Đồng Tâm' qua lời kể của Trịnh Bá Phương:
Trước đó, vào năm 2017, ông Chương từng đăng hình cổng chào đường đèn nghệ thuật xuân Mậu Tuất ở Cần Thơ cùng hình chiếc quần lót ,với dòng trạng thái: "Ai đi Cần Thơ, đến chổ này thì nhớ là vừa chui qua rồi ghé vào bên phải là tiệm bán sim số may mắn của iem để mua SIM cho may mắn đoá nghe hôn?".
Năm 2016, ông Chương chia sẻ các bài viết liên quan đến Formosa, mà sau đó bị chính quyền cáo buộc là "có nội dung xuyên tạc, không chính xác về sự việc".
Trở lại với buổi làm việc của bà Hạnh với cơ quan công an nói trên, bà Hạnh cho biết là công an có nói với bà rằng Trịnh Bá Phương đang ở trong tình thế "đứng đầu sóng gió".
Ông Trịnh Bá Phương, trên Facebook cá nhân, xem đây là lời đe dọa và tuyên bố "Nếu tôi bị bắt thì càng chứng tỏ vụ Đồng Tâm có nhiều khuất tất và tôi cũng mong cộng đồng tiếp tục hướng về Đồng Tâm".

Chính quyền nói gì?

Liên quan đến việc phong tỏa tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh, Bộ Công an Việt Nam trong thông báo đăng trên Cổng thông tin điện tử của bộ này cho biết: "Qua công tác điều tra vụ án Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ngày 9.1.2020; Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho các đối tượng có liên quan trong vụ án.
"Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan", thông báo viết.
Liên quan đến việc cơ quan công an của Việt Nam khởi tố, bắt giam ông Chung Hoàng Chương, báo Tuổi trẻ của Việt Nam loan tin rằng: "Tại cơ quan điều tra, Chương thừa nhận thường xuyên dùng điện thoại di động truy cập Facebook xem các thông tin không rõ nguồn đăng tải, không kiểm chứng tính xác thực của các bài viết và chia sẻ trên trang cá nhân. Cụ thể là bài viết về sự việc xảy ra ngày 9/1 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội dù Chương không biết diễn biến vụ việc rõ ràng".

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.