Dịch viêm phổi cấp và hệ thống… mắc dịch
Trân Văn
31-1-2020
Diễn biến dịch viêm phổi do nCoV (virus Corona) gây ra càng lúc càng phức tạp và đáng ngại. Ngoài việc chia sẻ thông tin, ý kiến về một đại họa nay đã có tầm vóc toàn cầu, người sử dụng mạng xã hội tiếng Việt còn thảo luận về một đại họa khác đáng ngại hơn tại Việt Nam, đó là hệ thống công quyền Việt Nam… mắc dịch.
***
Bất kể virus Corona lan rộng tại Trung Quốc và mầm bệnh gây viêm phổi cấp xuất hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới, ngày 24 tháng 1, Bộ Y tế Việt Nam vẫn dõng dạc khẳng định: Corona là bệnh lây lan hạn chế (1)!
Cho dù chính quyền Trung Quốc phải tiến hành cô lập một số khu vực, Bắc Hàn tuyên bố đóng cửa biên giới, không tiếp đón công dân Trung Quốc, chính quyền nhiều quốc gia cảnh báo công dân thận trọng trong tiếp xúc với những người từng hiện diện ở các vùng có dịch tại Trung Quốc, thiên hạ thì dõi theo những thông tin liên quan đến dịch viêm phổi cấp từng giờ chứ không còn từng ngày như trước thì ngày 27 tháng 1, ông Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng) yêu cầu xử lý những người tung tin thất thiệt về virus Corona (2).
Giữa lúc công chúng liên tục hối thúc chính quyền Việt Nam đóng cửa biên giới để ngăn chặn khả năng du khách Trung Quốc gieo rắc mầm bệnh cho nhiều người Việt và ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) tuyên bố: Chấp nhận thiệt hại kinh tế, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân (3) thì Đà Nẵng im lặng trước chuyện, đích thân Giám đốc Sở Du lịch dẫn CSCĐ đến khách sạn Danang Riverside răn đe cơ sở lưu trú này vì dám từ chối tiếp đón du khách Trung Quốc (4).
Và không chỉ Đà Nẵng, ngay trong ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch, Công an tỉnh Khánh Hòa đã triệu tập “một số facebooker” đến… làm việc vì “tung tin thất thiệt về dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra” đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm tất cả những facebooker có sai phạm tương tự (5). Thậm chí Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mẫn cán tới mức, triệu tập – làm việc và quyết định buộc ông Trần Văn Tùng nộp phạt 30 triệu đồng do “tung tin thất thiệt” khiến… 12.000 người không đến tỉnh này vui Xuân (6)!
Tuy nhiên những thông tin, ý kiến có tính chất cảnh báo bị xem là… “thất thiệt, gây hoang mang, nguy hại cho kinh tế – xã hội” lại… đúng! Tính đến ngày 29 tháng 1, ngoài 24 trường hợp đã được xuất viện, ở Đà Nẵng vẫn còn 28 trường hợp đang phải cách ly để theo dõi do nghi viêm phổi cấp (7). Còn ở Khánh Hòa, ngành y tế tỉnh này vừa cách ly thêm bốn người vì nghi ngờ nhiễm virus Corona, nâng tổng số trường hợp đang bị cách ly lên 15 người (8)…
Cần chú ý: Tất cả những người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Corona ở Việt Nam nếu không phải là du khách Trung Quốc thì cũng là những người Việt đã tiếp xúc với những du khách mang mầm bệnh! Không ít người Việt liên tưởng tâm sự của ông Chu Tiên Vượng, Thị trưởng Vũ Hán (tâm ổ dịch viêm phổi cấp ở Trung Quốc), rằng ông ta đang phải “đưa đầu chịu báng” do chậm chạp trong việc công bố dịch với hiện trạng tại Việt Nam. Ông Vượng có khác gì các đồng nghiệp Việt Nam khi phải chờ ý kiến cấp trên (9)?
Muốn hay không cũng phải thừa nhận, so với Trung Quốc, cách hành xử của hệ thống công quyền Việt Nam giống như được dập từ… cùng khuôn. Trung Quốc cũng vừa tuyên bố minh bạch, sẽ vì dân không sợ tổn hại kinh tế, vừa xử lý những người cung cấp thông tin, ý kiến về dịch viêm phổi cấp. Cũng do vậy, Tòa án Tối cao của Trung Quốc mới cấm công an xử lý những thông tin, ý kiến mà dân chúng cung cấp, chia sẻ trên mạng xã hội về sự nguy hiểm của virus Corona dù những thông tin ấy có xác thực hay không (10).
***
Phạm Đoan Trang gọi cách hành xử của hệ thống công quyền Việt Nam trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus Corona tại Việt Nam là… “dập dịch bằng chiêu mời về đồn” (11)! Trang nêu ra hàng loạt dẫn chứng, đây không phải là lần đầu tiên hệ thống công quyền Việt Nam dùng “chiêu” này để… dập dịch.
Thành ra trước giờ, không ít lần, hệ thống truyền thông chính thức loan báo: Một số người tham gia cảnh báo về đủ loại dịch xảy ra ở Việt Nam “biết việc làm của mình là không đúng nên đã lập tức xóa bài trên mạng, đồng thời xin lỗi những người bạn trên mạng vì thông tin thất thiệt do mình đưa ra”.
Trang đặt vấn đề: Tại sao bạn lại để cho mình bị công an đè đầu cưỡi cổ như vậy? Đưa tin, nêu quan điểm để kêu gọi cộng đồng cảnh giác với đại dịch, phòng bệnh hơn chữa bệnh, thì có gì sai? Sao lại có thể thành “gây hoang mang dư luận” được? Có ranh giới nào giữa việc cảnh báo và việc gây hoang mang dư luận?
Theo Trang: Đối phó với một đại dịch, một cộng đồng biết sợ và thu nhận nhiều thông tin (kể cả nhiều tới mức loạn) thì vẫn tốt hơn là một cộng đồng chẳng biết gì, không có chút thông tin nào. Bởi vì công chúng tự có cách sàng lọc. Càng nhiều thông tin thì khả năng đánh giá và sàng lọc của công chúng càng tốt thêm chứ không kém đi đâu. Ngay cả thời điểm này, số người nhận biết được và cảnh giác với “fake news” chắc hẳn cũng đã đông hơn rất nhiều so với thời mới xuất hiện mạng xã hội (giai đoạn 2005-2006).
Trường hợp bạn đưa tin sai hoặc cố tình tung tin nhảm (fake news) thì công chúng mới là người phán xét và trừng phạt, chứ cũng không đến thứ công an lôi bạn ra đồn “giáo dục”, “giải thích”. Cùng lắm thì công an chỉ có thể kêu gọi cộng đồng “thận trọng với tin nhảm” mà thôi – nghĩa là chẳng có quyền lực gì khác một người đọc bình thường.
Trang nhắn cả công an nói riêng lẫn hệ thống công quyền nói chung: Trong lúc tình hình có dấu hiệu căng thẳng, nhân dân cần thông tin đến mức như thế này, việc hăng hái… dập dịch bằng cách bắt người chỉ càng làm mọi thứ thêm rối loạn. Đấy mới gọi là “gây hoang mang dư luận” đấy các chiến “xĩ” ạ!
Bich Ngoc – một thân hữu của Trang – so sánh nỗ lực… dập dịch kiểu Việt Nam kèm thắc mắc: Tại sao báo chí rất thoải mái đưa lên trang nhất những tin nhảm nhí như Lý Nhã Kỳ cắn trúng lưỡi khi ăn bánh tráng trộn hoặc Ngọc Trinh trễ kinh? Nguyễn Danh Lam nói thêm: Đó là lý do người ta thà tin vào thông tin nhảm hơn là tin “tin nhà nước”!
Dẫn lại chuyện xảy ra tại Trung Quốc trước khi dịch viêm phổi cấp bùng phát (một bác sĩ ở Vũ Hán chỉ nhắn tin cho bạn bè về nguy cơ lây nhiễm viêm phổi cấp và một số người đã chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội để cảnh báo cho cộng đồng nên người bác sĩ đó và bạn bè bị công an Vũ Hán “xử lý nghiêm” vì “tung tin thất thiệt”), ông Chu Mộng Long hỏi bạn bè: Một chế độ mà nhà khoa học, bác sĩ không được phép dự báo, công dân không được phép nghi ngờ cả dịch bệnh thì chế độ đó có khác gì lò sát sinh?
Ông Long nhấn mạnh: Chính vì bị đàn áp ngay từ đầu trong thông tin nên dân Vũ Hán phải im lặng. Họ sợ bị phạt, bị tù hơn sợ dịch chỉ lo phòng tránh… chính quyền, nên mọi người không có biện pháp phòng tránh dịch. Một chính quyền làm cho dân sợ hơn sợ dịch thì chính quyền ấy rõ ràng là nguy hiểm hơn dịch.
Ngay cả khi dịch đã bùng phát và lan rộng khiến hàng loạt người chết, chính quyền Vũ Hán vẫn tiếp tục bưng bít thông tin, cho đến khi tình thế trở thành không thể cứu vãn mới thú nhận sự thật. Bây giờ, có lẽ chính quyền Bắc Kinh đã thấy cái giá phải trả. Hành vi bưng bít thông tin là một tội ngang tội nuôi virus diệt chủng.
Đối với Việt Nam, ông Long nhận định: Có lẽ chỉ thấy tiền, chưa thấy quan tài nên chính quyền một số địa phương vẫn còn dọa phạt công dân đưa tin về dịch. Đừng để dân sợ chính quyền hơn sợ dịch. Muốn phòng chống dịch hiệu quả, chính quyền phải cùng dân phát huy tinh thần cảnh giác cao độ với dịch, phòng ngừa từ xa.
Nhu Bang Dang lưu ý ông Long: Ngay cả chính quyền cấp phường mà còn bị bịt miệng khi cảnh báo về ô nhiễm hơi thủy ngân. Chính quyền trung ương thì bịt mặt toàn dân về ô nhiễm vùng biển phía Bắc miền Trung thì nhắc nhở của ông Long có đúng vẫn khó xảy ra. Và giống như nhiều người, Văn Thật Trần kết luận: Chính quyền mắc dịch!
Thêm một lần nữa, dịch viêm phổi cấp khắc họa bản chất của chính quyền Việt Nam và được Dương Quang Phú khái quát: Xấu che tốt khoe, sẵn sàng trù dập, thủ tiêu đấu tranh tích cực để giòi đục đến tủy mới công nhận. Xưa nay vẫn thế không thay đổi được đâu. Cat Nguyễn thì gọi răn đe, bưng bít thông tin là: Hành vi diệt chủng không ai trị (13)!
Chú thích
0 comments