Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/12/2019

Friday, December 13, 2019 5:46:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 13/12/2019

Bộ Công an truy nã

nguyên Phó giám đốc Petroland Trần Hữu Giang

Bộ Công an Việt Nam ngày 13/12 phát lệnh truy nã bị can Trần Hữu Giang, cựu phó giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí-Petroland.
Tờ Pháp Luật TPHCM loan tin cùng ngày cho biết ông Giang (54 tuổi, ngụ phường An Phú Quận 2 TPHCM) bị truy nã về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật hình sự.
Trong quyết định truy nã, Bộ Công an nêu rõ bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND gần nhất.
Hồi đầu tháng 10/2019, Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Bùi Minh Chính, chủ tịch HĐQT Petroland để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Petroland được thành lập vào năm 2007 từ Ban Quản lý dự án công trình xây dựng phía nam của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trụ sở tại 12 Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM.
Trong đó, Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) có 36,01% cổ phần, Tổng Công ty dầu Việt Nam 9%, số cổ phần còn lại là của nhà đầu tư. Cả 2 cổ đông này đều là công ty nhà nước nắm quyền chi phối, như Tổng Công ty dầu Việt Nam là đơn vị 100% vốn nhà nước, còn PVC có tới 54,45% vốn nhà nước.
Từ tháng 5.2009 đến năm 2012, ông Bùi Minh Chính làm Tổng giám đốc Petroland (là người đại diện vốn của PVC tại Petroland). Từ năm 2012 đến tháng 6.2017, PVC thay đổi chức danh tổng giám đốc thành giám đốc, ông Chính trở thành Giám đốc Petroland.
Được biết, trong quá trình xác minh về những sai phạm xảy ra tại Petroland theo kiến nghị khởi tố của Cục An ninh kinh tế – Bộ Công an, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 30-9, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Petroland.
Theo kết quả điều tra, ông Bùi Minh Chính đã ký hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và ký hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỉ đồng.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng đã mở rộng vụ án để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vice-director-of-Petroland-wanted-12132019090139.html

Dân bức xúc về Trạm thu phí BOT Bắc Bình Định

Nhiều cử tri huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho rằng dự án BOT Bắc Bình Định trên quốc lộ 1, qua địa bàn huyện Hoài Nhơn còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến đời sống dân sinh nhưng chủ đầu tư không hề quan tâm, giải quyết.
Ý kiến trên được cử tri Hoài Nhơn nêu tại phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XII diễn ra ngày 13/12.
Cụ thể, đại biểu Phạm Trương, cử tri huyện Hoài Nhơn cho rằng Công ty CP BOT Bắc Bình Định, chủ đầu tư dự án BOT Bắc Bình Định chỉ lo thu phí, trong khi đó hạ tầng giao thông một số đoạn qua các thôn Gia An Đông, Hoài Châu Bắc chưa thi công hoàn chỉnh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, một số nắp đậy hệ thống thoát nước tuyến QL1 đã hư hỏng, vị trí hệ thống thoát nước qua đường dân sinh không phù hợp cũng là nguyên nhân khiến thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại khu vực này. Sự việc đã được người dân phản ánh 3 năm nay nhưng chưa được giải quyết rốt ráo.
Trả lời những bức xúc của cử tri Phạm Trương, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định cho biết Sở đã phối hợp với địa phương yêu cầu chủ đầu tư BOT Bắc Bình Định khắc phục nhưng họ khắc phục không kịp thời nên hiện một số vị trí vẫn chưa sửa xong.
Ông Đoàn Văn Phi, Phó chủ tịch HĐND Bình Định chủ trì cuộc họp yêu cầu Sở GTVT phải phối hợp UBND huyện Hoài Nhơn giải quyết sớm những vấn đề liên quan đến các tồn tại, bất cập tại dự án BOT Bắc Bình Định.
Trong một diễn biến khác, mới đây Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý vận hành, thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ tại các trạm thu phí BOT.
Theo Bộ Giao thông, nhà đầu tư BOT phải phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí; đảm bảo không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở gây phiền hà trong thu phí; xử lý kịp thời các hành vi gian lận trong quá trình thu phí; nghiêm túc tuân thủ chế độ báo cáo lưu lượng, doanh thu thu phí; lưu giữ liệu đầy đủ theo quy định tại Thông tư 49/2016.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/local-residents-protest-bac-binh-dinh-bot-toll-booth-12132019074541.html

Quảng Nam:Tiểu thương bức xúc

khi bị chính quyền xã “ép” dời chợ…

Trao đổi với chúng tôi, tiểu thương tên T (không muốn nêu danh tánh thật vì sợ chính quyền xã) nói:
“Nguyện vọng của bà con là 100% ai cũng muốn ở lại hết, chỉ có xã là dùng mọi thủ đoạn để ép buộc chúng tôi.”
“Quyền tự do dân chủ của dân, tôi hỏi chính quyền lo cho dân được những gì? Trong lúc hàng hóa của chúng tôi chờ buôn bán Tết nhưng dời chợ ở dạng mời nhưng mà không thể gọi là mời, không phải là mời như ép buộc rồi”.-Chị tiểu thương hàng vải bức xúc.
Tiểu thương N. và H. cũng cho rằng chính quyền xã những ngày gần đây liên tục thúc ép, khiến họ lo sợ, nhất là trong những tháng cuối năm hàng hóa đang chất đầy kho để bán Tết.
“Mấy ảnh cứ điện nói đi nói lại, rồi gửi giấy mời miết, dọa nếu không đi sau này lỡ có chuyện gì đừng có kiện thưa nên trong lòng bà con sợ”
“Nhất là trong những dịp tết gần tới đây, bà con chuẩn bị hàng hóa về buôn bán mà cũng không dám. Tôi thấy chính quyền hù dọa miết, làm cho dân khá đâu không biết mà dân nghèo, đổ bệnh thêm.”
Lý do từ đâu?
Cách đây khoảng 2 năm, Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển đường cao tốc Việt Nam hỗ trợ cho chính quyền xã Điện Thọ xây dựng chợ nông thôn mới Phong Thử cách chợ Phong Thử truyền thống một đoạn đường khoảng 400m, trên diện tích đất gần 2ha, với tổng số vốn xây dựng là 15 tỷ đồng. Chợ hoàn thành vào giữa năm 2018 nhưng đến nay rất ít tiểu thương dời sang chợ mới. Họ lý giải không muốn sang chợ mới vì chợ mới xây trên nền đất thấp nên rất dễ ngập lụt; hơn nữa giá thuê sạp (ki ốt) và các chi phí khác tại chợ mới cao gấp 4 lần so với hiện tại. Tiểu thương tên N. cho biết:
“Cách đây hai năm lụt ở đây lên tới đây (gối chân) thì ở đó (chợ nông thôn mới) ngập đầu rồi, lút đầu rồi, những chiếc xe con của những nhà ở gần đó đều ngập hết. Tôi muốn mua đất chỗ đó mà xuống thấy ngập quá nên không mua nữa.”
Tháng 11/2018, tiểu thương ở chợ Phong Thử truyền thống đã phản đối việc UBND xã Điện Thọ yêu cầu các tiểu thương tiến hành đăng ký thuê mặt bằng tại Chợ nông thôn mới. Trước sự phản đối của các tiểu thương, UBND xã đã phải tạm ngừng việc đăng ký. Cứ tưởng chính quyền lắng nghe nguyện vọng của bà con, tuy nhiên đến tháng 11/2019, UBND xã Điện Thọ tiếp tục ra thông báo, yêu cầu các tiểu thương đăng ký, thuê mặt bằng tại chợ mới. Quá bức xúc, nhiều tiểu thương đã phản ứng dữ dội, họ còn thuê ô tô kéo đi gặp lãnh đạo Hội đồng nhân dân và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để gửi đơn khiếu nại.
Bà con tiểu thương khẳng định chính quyền xã Điện Thọ xây dựng chợ mới là để cho một doanh nghiệp nào đó thuê nhưng sau này do doanh nghiệp này thấy địa hình mới xây trên nền đất thấp, ngập lụt nên từ chối thuê, do đó giờ họ ép bà con tiểu thương thuê.
Tiểu thương M chia sẻ:
“Làm chợ mới đâu có họp dân gì đâu có. Đâu có họp dân, mình đâu có cái gì đâu có. Chừ ép dân xuống thôi.”
“Trước đây tỉnh, huyện đã quy hoạch chợ này thành khu phố chợ, bà con vào đây mong muốn để có cuộc sống ổn định lâu dài chứ không lẽ vào đây chưa ổn định đã xáo trộn lại.”- Tiểu thương H chia sẻ.
Chi phí quá cao
Theo tìm hiểu của chúng tôi. Chi phí mà bà con tiểu thương phải đóng để có một chổ bán tại chợ nông thôn mới Phong Thử cao hơn rất nhiều so với khi buôn bán ở chợ Phong Thử truyền thống. Cụ thể: mỗi ki-ốt ở Chợ nông thôn mới Phong Thử có diện tích khoảng 24m2, mỗi m2 có giá thuê 40.000VND cộng thêm các khoản phí môi trường, bảo vệ …trung bình mỗi tháng 1 hộ tiểu thương phải đóng từ 500- 1.000.000VND. Đây là số phí cao hơn rất nhiều lần so với hiện tại ở chợ truyền thống khi một năm một hộ kinh doanh chỉ đó 6 đến 7 trăm ngàn.
Tiểu thương M cho biết:
“Bán kilogam bún không lời bao nhiêu hết mà xuống dưới ấy tiền ni tiền kia đủ thứ hết, cao quá nên không có đáp ứng được.”.(2)
Trả lời đài RFA, ông Nguyễn Đạt -Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn cho biết theo phân hạng chợ thì chợ Phong Thử truyền thống là chợ loại III do cấp xã quản lý. Trước tình hình căng thẳng giữa hàng trăm hộ tiểu thương với UBND xã Điện Thọ xung quanh việc di dời địa điểm buôn bán, ông Đạt nói cơ quan đã giải quyết vụ việc bằng văn bản.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi hàng trăm tiểu thương chợ Phong Thử truyền thống cho biết giải quyết của lãnh đạo UBND Thị xã Điện Bàn là không ép buộc tiểu thương di dời nhưng ở cấp dưới là cấp xã, UBND xã Điện Thọ đã làm những việc trái ngược hoàn toàn như: cắt điện, cắt nước, lấp cống thoát nước gây ngập, ô nhiễm môi trường, mở loa thông báo liên tục việc di dời chợ hoặc nửa đêm gửi giấy mời để mời bà con đi làm việc…gây áp lực, ép bà con tiểu thương phải di dời việc buôn bán xuống chợ nông thôn mới, khiến việc sinh hoạt buôn bán của bà con gặp rất nhiều khó khăn, tâm lý lúc nào cũng lo lắng. Tiểu thương tên M. cho biết:
“Họ dọa đủ thứ. Họ nói năm ngày nữa là họ dỡ nhà vòm.”
“Về nhà ngủ không được. Ngủ không được, làm ở nhà chứ trông lên chợ coi thử họ có dỡ đồ của mình đi không?”
Chị tiểu thương T nói UBND xã Điện Thọ đã không từ thủ đoạn nào.
“Dọa thì không dám dọa nhưng nói chung là đem giấy tới nhà, đem đồ nửa đêm nửa hôm. Rồi còn cho người tung tin làm cái này cái nọ, nói chung là không từ thủ đoạn gì hết. Mà bà con chúng tôi 100% là ưng ở đây, không có đi đâu hết, buôn bán mấy chục năm khổ cực cũng nhờ cái chợ này chừ không có đi đâu hết.”
Chị tiểu thương hàng vải nói, hiện tình hình giữa chính quyền và tiểu thương sống với nhau như xã hội đen.
“Bảy giờ sáng thì loa Ủy ban phóng vào chúng tôi giao dịch không được. Dân với lại tiểu thương dùng loa phóng lại, sống mà giữa dân với chính quyền tôi thấy giống như xã hội đen vậy đó.”
“Bảy giờ sáng thì loa Ủy ban phóng vào chúng tôi giao dịch không được. Dân với lại tiểu thương dùng loa phóng lại, sống mà giữa dân với chính quyền tôi thấy giống như xã hội đen vậy đó.”, Tiểu thương cho biết
Trong khi đó, ông Nguyễn Đạt- Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn khẳng định với RFA thông qua cuộc gọi rằng không có chuyện ép buộc bà con tiểu thương vào chợ nông thôn mới Phong Thử buôn bán, mọi việc vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện.
“Không. Không có văn bản nào? Không có chủ trương của ai là bắt buộc người dân hết. Nói gọn là vậy thôi.”
“Chuyện đó là chuyện tự nguyện của người dân thôi.”
Trước đây, cũng vì căng thẳng giữa tiểu thương với chính quyền trong việc ép họ di dời việc buôn bán từ chợ truyền thống sang chợ mới mà vào tháng 2/2015, một nữ tiểu thương ở chợ Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tên Nguyễn Minh Tân đã dùng dầu hỏa đổ lên người rồi châm lửa “tự thiêu”./.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/small-traders-upset-as-commune-government-forcing-them-to-move-to-new-market-12122019134752.html

Công an CSVN huy động 4 ngàn người

diễn tập chống khủng bố tại Sài Gòn

Nguyễn Sĩ Quang- (Ảnh: Vietnamnet)
Tin Saigon.- Báo Vietnamnet loan tin, vào sáng ngày 12 tháng 12 năm 2019, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an Cộng sản tại Sài Gòn đã thông báo, sáng ngày 15 tháng 12 tới, Công an Cộng sản sẽ diễn tập đối phó các tình huống về an ninh trật tự, khủng bố, giải quyết chất độc, cứu hộ cứu nạn. Địa điểm để diễn tập là phi trường Tân Sơn Nhất, và khu vực trung tâm Sài Gòn. Số người thực hiện diễn tập là 4 ngàn.
Trong buổi diễn tập, phía Công an Cộng sản sẽ thực hiện 4 tình huống giả định như:
Thứ nhất, các phần tử xấu lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng một số tình hình phức tạp để kích động người dân, tập hợp lực lượng biểu tình được nhà cầm quyền gọi là gây rối, khủng bố phá hoại.
Hai là biểu tình xảy ra tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Ba là hàng trăm người sẽ dùng xe cơ giới tuần hành vào khu vực trung tâm thành phố để tấn công vào các trụ sở của Cộng sản.
Bốn là, người dân sẽ tấn công vào các trụ sở của Cộng sản, rồi khống chế, bắt giữ các con tin là viên chức cộng sản, tiếp đến là chiếm giữ cơ quan, đe doạ sát hại con tin bằng chất độc, chất hoá học.
Buổi diễn tập sẽ diễn ra từ 7 đến 11 giờ sáng ngày 15/12/2019.
Cuộc diễn tập này của Công an Cộng sản được dư luận đánh giá là hành động bi hài của dân tộc. Khi người dân nộp thuế để nuôi bộ máy nhà cầm quyền Cộng sản, nhưng lúc người dân lên tiếng chống lại bất công thì bị nhà cầm quyền gán ghép là khủng bố, là phản động, rồi diễn tập để đàn áp nhân dân.
Trong khi đó, Trung cộng liên tục xâm lược lãnh hải, và vùng biên giới của Việt Nam thì nhà cầm quyền không hề có bất kì một cuộc diễn tập nào chống lại kẻ thù xâm lược. Ngược lại, Cộng sản Việt Nam vẫn xem Trung cộng là “anh em”, là “bạn vàng 4 tốt”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cong-an-csvn-huy-dong-4-ngan-nguoi-dien-tap-chong-khung-bo-tai-sai-gon/

Người Trung Cộng liên tục đến Hạ Long tụ tập biểu diễn

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 12 tháng 12 năm 2019 loan tin, sự kiện 600 người Trung Cộng tổ chức cuộc thi biểu diễn thời trang tại Cung quy hoạch, nằm trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 10 tháng 12 vừa qua không phải là lần “tụ tập” đầu tiên của người Trung Cộng.
Đến nay, sự kiện này chưa kịp lắng xuống thì vào ngày 12 tháng 12, hơn 700 người Trung Cộng lại tụ tập ở Cung quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hoá tỉnh Quảng Ninh để chụp hình. Trước hành động này của người Trung cộng, nhà cầm quyền chỉ cử 30 người đến để giám sát chứ không cử lực lượng an ninh bịt khẩu trang đến đàn áp, đánh đập như các cuộc tụ tập của người dân Việt Nam.
Theo báo Thanh niên, đây không phải là những lần đầu tiên người Trung Cộng kéo đến Việt Nam, và tự do tụ tập đông người để thực hiện một hành động nào đó. Mà từ đầu năm 2019 đến nay, tại Hạ Long liên tục xuất hiện những đoàn lên đến hàng trăm người để tụ tập đồng diễn thể dục dưỡng sinh, hoặc các hoạt động khác rồi quay phim, chụp hình.
Tất cả các hành động trên của người Trung Cộng đều được thực hiện tự do, không cần phải xin giấy phép, trái ngược hoàn toàn với người Việt Nam đang sống ngay trên đất nước của mình. Ngoài ra, những người này còn được sở Văn hoá- Thể thao tỉnh Quảng Ninh bảo vệ là đã làm đúng luật, và không cần phải xin phép.
Tuy nhiên, một viên chức văn phòng Uỷ ban tỉnh Quảng Ninh lại khẳng định là những người Trung cộng trên phải xin phép thì mới đúng luật. Và công ty du lịch đã sai khi thực hiện tour không đúng mục đích.
Còn dư luận thì cho rằng, đoàn người Trung Cộng rất có thể đang thực hiện âm mưu “vịnh Hạ Long hoá Trung Cộng” để giới thiệu cho quốc tế và người dân trong nước họ rằng vịnh Hạ Long là của Trung Cộng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-trung-cong-lien-tuc-den-ha-long-tu-tap-bieu-dien/

Nhà thầu Trung Quốc nhiều lần thất hứa

trả đường mượn để xây cao tốc cho địa phương

Một nhà thầu Trung Quốc thi công cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị chính quyền địa phương tố cáo thất hứa nhiều lần trong việc sửa chữa và hoàn trả đường mượn để dùng cho gói thầu đường cao tốc.
Báo chí trong nước trích lời của lãnh đạo huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) hôm 12/12 cho biết Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc (gọi tắt là công ty Giang Tô) vừa xin chính quyền địa phương hoãn việc trả lại 7 tuyến đường mà công ty mượn của địa phương cho đến tháng 3 năm 2020. Lý do được công ty Giang Tô đưa ra là khó khăn về tài chính, không có nguồn vốn hoàn trả các tuyến đường cùng lúc.
Báo Tuổi Trẻ trích lời giới chức huyện Bình Sơn cho biết tất cả các tuyến đường đều cấp thiết cần sửa chửa và kinh phí dự trù sửa toàn bộ 7 tuyến là khoảng 10 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2014, công ty Giang Tô ký cam kết với huyện  Bình Sơn và xã Bình Trung, mượn tạm đường dân sinh để thi công gói thầu A3 (cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi). Dự kiến đến tháng 10 – 2017, các tuyến đường mượn sẽ được hoàn trả.
Theo truyền thông trong nước, đến nay cao tốc đã đi vào sử dụng hơn một năm nhưng các tuyến đường mượn dù xuống cấp trầm trọng mà vẫn chưa được hoàn trả, gây bức xúc trong dân.
Các nhà thầu Trung Quốc tham gia các công trình ở Việt Nam thời gian qua thường bị phàn nàn về tình trạng chậm tiến độ và đội vốn. Điển hình là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Vốn đổ vào dự án này đã bị tăng từ 550 triệu đô la lên 868 triệu đô la.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-sub-contractor-fails-to-deliver-promises-again-12132019073344.html

Liệu Việt Nam có thể

xử lý triệt để phần mềm dùng lậu?

Liên minh phần mềm (BSA) vừa công bố báo cáo với kết luận về thực trạng mơ hồ trong quá trình hợp pháp hóa việc sử dụng phần mềm tại Việt Nam. BSA sẽ mở chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép” nhắm vào khoảng 10.000 doanh nghiệp khắp Việt Nam, với hồ sơ của 3500 doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc, 1500 doanh nghiệp tại miền Trung và 5000 doanh nghiệp tại khu vực phía Nam.
Giảm nhưng không đáng kể
Theo BSA, các doanh nghiệp được vào tầm ngắm để kiểm tra thuộc các lĩnh vực kinh doanh như sản xuất, xây dựng, ngân hàng và tài chính, kỹ thuật, kiến trúc, truyền thông, thiết kế, y tế và đặc biệt là công nghệ thông tin.
Ông Tarun Sawney giám đốc cấp cao của BSA tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương phát biểu và được Báo Tuổi trẻ trích đăng ngày 5/12/2019  rằng “Có hàng chục ngàn công ty ở Việt Nam sử dụng phần mềm bất hợp pháp, và thực tế là có rất ít CEO đứng ra giải quyết vấn đề này, nhìn nhận đó là hành động vô trách nhiệm khi đặt vấn đề bảo mật dữ liệu của công chúng và quốc gia vào nguy cơ bị tấn công. Điều này cần phải dừng lại”.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/12 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ phần mềm BKAV, nhận định:
“Những năm trước đây có thể nói việc vi phạm bản quyền phần mềm còn trên 80-90% lận, nhưng đây cũng là vấn đề chung của thế giới nó phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Thông thường những nước đang phát triển thì việc vi phạm bản quyền nó sẽ cao hơn đó là tình chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Việc sử dụng phần mềm bản quyền thì thứ nhất là tôn trọng các quy định của pháp luật, thứ hai dùng phần mềm bản quyền sẽ được hỗ trợ cho các sự cập nhật mới, vá các lỗ hỏng thì chắc chắn nó tốt hơn rồi. Tuy nhiên đối với đất nước đang phát triển thì không phải cũng doanh nghiệp nào họ chịu hoạch toán cho các chi phí cho các phần mềm như vậy và đôi khi nó còn lớn hơn cả lợi nhuận mà thu lại được.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Máy tính – Truyền thông – Điều khiển cho rằng:
“Họ cũng nghĩ cũng tính nhưng những DN nhỏ mới bắt đầu mà phải bỏ tiền đầu tư nên họ cũng xót tiền và từ trước đến nay vẫn như vậy. Ví dụ một công ty khởi động, sinh viên ra trường được vài năm đi vay mượn hay bố mẹ cho được vài chục triệu để khởi động một doanh nghiệp gì đấy. Giờ trong vài chục triệu ấy mà bỏ mất 15 triệu ra để mà lo cho cái phần mềm là họ phải tính toán lại.”
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng sử dụng phần mềm lậu bất hợp pháp thì nó tồn tại ở VN từ hàng chục năm qua và kéo dài cho đến tận ngày nay, mấy năm gần đây có giảm bớt nhưng thật sự không đáng kể.
“Thật ra thì việc sử dụng phần mềm lậu chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân nên giải quyết các vấn đề này phải bằng pháp luật. Đối với pháp luật ở các nước phát triển thì tôi không nắm rõ nhưng tại VN thì pháp luật rất khó chế tài các doanh nghiệp tư nhân sử dụng phần mềm lậu. Đương nhiên người ta chẳng thích thú gì việc xử dụng phần mềm lậu thế nhưng nếu sử dụng phần mềm chính thức thì phải mua nên người ta cứ sử dụng lậu trong khi còn sử dụng được. Thật ra đây là lỗi của người Việt Nam nhưng thế giới vẫn cho tồn tại điều đó.”
Khó khăn xử lý
Theo khảo sát phần mềm toàn cầu 2018 của BSA, tỷ lệ sử dụng phần mềm không được cấp phép của Việt Nam là 75%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương là 57%. Cho đến nay, các công ty Việt Nam tại 33 tỉnh thành đã hợp pháp hóa tài sản phần mềm của họ nhưng chỉ có 50 công ty là được ghi nhận có nỗ lực đáng kể. TP.HCM đã hợp pháp hóa khoảng 30% so với Hà Nội. Các tập đoàn tại Việt Nam đã hợp pháp hóa được khoảng 200 máy tính.
Ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định với chúng tôi, trong vài năm trở lại đây tỉ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam đã liên tục giảm nhiều, bởi vì VN đã bắt đầu tham gia vào nhiều công ước và thỏa thuận quốc tế, sau các thỏa thuận đó sẽ có nhiều quy định liên quan về việc vi phạm bản quyền nên buộc các doanh nghiệp phải thay đổi.
Tuy nhiên ông Quảng nói tiếp “Việc vi phạm bản quyền hay tỉ lệ vi phạm bản quyền nó phụ thuộc vào sự phát triển của từng đất nước, nước nào càng phát triển thì tỉ lệ này càng thấp và ngược lại đang phát triển thì tỉ lệ sẽ rất cao và đôi khi đó cũng là một trong những chiến lược của các hãng cung cấp phần mềm. Nếu nhìn một cách tổng thể và công tâm thì chúng ta nhìn câu chuyện nó không hề đơn giản chỉ là vi phạm và không vi phạm mà đó là chiến lược của các tập đoàn và đối với người sử dụng nữa. Ví dụ mua phần mềm ở Việt Nam hay tại Mỹ thì giá cũng bằng nhau nhưng để làm ra 1 đồng tại VN thì nó lại rât khác so với 1 đồng tại Mỹ nên các doanh nghiệp họ cân đối điều này với hiệu quả nó mang lại. Microsoft không khó trong việc chặn tất cả các máy không có bản quyền thì không được dùng nhưng họ vẫn để cho dùng theo sự phát triển của đất nước đó họ sẽ sử dụng các điều khoản quốc tế mà VN đã ký kết và dần dần nó sẽ giảm được.”
Về giải pháp cho vấn nạn này tại Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A có ý kiến “Chỉ có cách phải nâng cao nhận thức các doanh nghiệp lên cho thấy việc tôn trọng bản quyền mới là quan trọng như thế nào và tất nhiên sẽ phải có những trừng phạt, cũng như đi kiểm tra rà soát và phạt thôi.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, việc chế tài phải có luật pháp rõ ràng, cá nhân hay doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị xử lý ra sao… Thế nhưng “…tại VN hiện nay chưa có luật pháp chế tài nào cụ thể nhưng nếu có luật pháp mà các doanh nghiệp tư nhân họ tuân thủ như thế nào cũng là một vấn đề tế nhị. Xã hội VN là xã hội đang phát triển chưa đạt trình độ cao như các nước tiên tiến nên những chuyện như thế này khó xử lý lắm.”
Do đó, tiến sĩ Phúc khẳng định nếu như bây giờ có một luật dùng để chế tài đối với các doanh nghiệp không mua bản quyền, phạt thích đáng đến mức ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh họ do dùng phần mềm lậu thì may ra họ mới buộc phải mua phần mềm mà sử dụng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-difficult-to-handle-the-use-of-unlicensed-software-12122019143919.html

Thừa nhận ‘thua’

trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền!

Tại diễn đàn ‘Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh’ diễn ra ngày 11/12, ông Nguyễn Đình Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An đưa ra nhận xét cho rằng việc đấu tranh với các thế lực thù địch của Việt Nam hiện còn yếu, thậm chí có nhiều mặt trận còn đang thua.
Cụ thể, ông Khánh cho rằng không ít thanh niên hiện nay đang xa rời lý tưởng, không theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, có cuộc sống thực dụng, buông thả, thậm chí nhiều thanh niên có biểu hiện tung hê, thích thú với các thông tin trái chiều.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng ý:
Bây giờ giới trẻ ai thèm đọc cái trò tuyên truyền ấy của họ nữa. Độ khoảng 20-30 năm nay, báo Nhân Dân không ai đọc trừ các Đảng viên lão thành. Những cái tương tự như thế thỉnh thoảng trên mạng người ta chia sẻ để người ta bêu rếu sự ngây ngô của nó thôi. - TS. Nguyễn Quang A
“Cậu ấy nhận xét thế là đúng vì bây giờ giới trẻ ai thèm đọc cái trò tuyên truyền ấy của họ nữa. Độ khoảng 20-30 năm nay, báo Nhân Dân không ai đọc trừ các Đảng viên lão thành. Những cái tương tự như thế thỉnh thoảng trên mạng người ta chia sẻ để người ta bêu rếu sự ngây ngô của nó thôi.”
Chính Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An cũng thừa nhận rằng những bài viết của báo chí chính thống đã không còn thu hút được độc giả. Ông Khánh nói: “Nhiều trang mang màu sắc đỏ thì đối tượng tiếp cận chủ yếu là anh em chúng ta, chúng ta nói cho nhau nghe chứ các thanh niên khác không nghe chúng ta nói.”
Đồng ý với quan điểm vừa nêu, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng hiện đang sống tại Hà Nội nhận định:
“Họ đã nhìn thấy tình hình thực tế vì chúng ta cũng thấy rằng khi mà nhà nước không kiểm soát được vấn đề độc quyền thông tin đại chúng nữa. Đó là một cái theo tôi đánh giá là là đòn cốt tử, đánh đúng vào điểm yếu nhất của chế độ. Chính vì thế những người trong lãnh đạo của công an tỉnh Nghệ An cũng nhận ra điều họ đang thua cả thông tin cho người dân. Tôi nghĩ do internet mà người dân đang giành thế mạnh thông tin về phía mình.”
Trước thực trạng này, Bí thư Đoàn Nguyễn Đình Khánh đưa ra câu hỏi vì sao trên các trang web chính thống, bài nào mang màu sắc chính trị, tuyên truyền thì không ai đọc. Trong khi đó, các ý kiến đối lập mà ông Khánh gọi là thành phần phản động viết bài đơn giản chỉ một câu, một bài thơ nhưng hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng trăm triệu lượt người xem?
Dưới góc nhìn cá nhân, blogger Nguyễn Ngọc Già đưa ra câu trả lời cho vấn đề trên:
“Bởi vì nó thuyết phục và thật. Không gì có thể thuyết phục thanh niên bằng sự thật, đó là chuyện bình thường của thanh niên. Như tôi cũng từng trải qua tuổi thanh niên rồi nhưng thế hệ chúng tôi hoàn toàn bị bưng bít thông tin và khoa học kỹ thuật lúc đó còn quá lạc hậu, chưa có internet như ngày nay. Vô hình chung cậu Bí thư Đoàn thanh niên Công an Nghệ An này làm cho người đọc càng bị thuyết phục là thanh niên ngày nay không thờ ơ, nhưng thanh niên bị kìm nén.”
Blogger Nguyễn Ngọc Già đưa ra ví dụ về trường hợp hai bạn trẻ Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên là những thanh niên yêu nước bị đưa ra tòa 7, 8 năm trước. Ông tiếp lời:
“Những người thanh niên yêu nước đó họ được bao nhiêu bạn thanh niên ngoài đời biết tới? Không biết. Trước đó nữa có Nguyễn Tiến Trung, sau này có Hà Văn Nam chuyên chống các trạm BOT bẩn, những cái đó người ta bóp méo hình ảnh và người ta chỉ trình bày trước dư luận cho đông đảo người dân và cho thanh niên nói riêng đó là những bộ phận phản động. Còn bây giờ nhờ có mạng xã hội nên thanh niên được tiếp cận sự thật vì vậy những bài báo mang màu sắc chính trị, tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam người ta không đọc đến là chuyện bình thường vì nó nhàm chán, phản khoa học và chỉ là lừa mị thôi.”
Với kinh nghiệm của một nhà báo lâu năm, ông Ngô Nhật Đăng lại có cách lý giải khác:
“Trên mặt trận thông tin, nhất là thông tin đại chúng thì có mấy yêu cầu: nhanh, trung thực và khách quan. Người đọc bây giờ rất thông minh, nhất là trong thế giới mà thông tin tràn ngập như thế này, người ta dễ dàng nhận xét đâu là thông tin đáng tin cậy, đâu là thông tin đã bị xuyên tạc và thông tin nào cung cấp thời sự.”
Trên mặt trận thông tin, nhất là thông tin đại chúng thì có mấy yêu cầu: nhanh, trung thực và khách quan. Người đọc bây giờ rất thông minh, nhất là trong thế giới mà thông tin tràn ngập như thế này, người ta dễ dàng nhận xét đâu là thông tin đáng tin cậy, đâu là thông tin đã bị xuyên tạc và thông tin nào cung cấp thời sự. - Ngô Nhật Đăng
Theo số liệu thống kê được đăng tải trên trang web Andrews.edu.vn vào ngày 7/10 vừa qua, tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam trong năm 2019 lên đến 64 triệu người với và dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet. Trong đó, có đến 62 triệu người dùng mạng xã hội.
Vì vậy, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng mạng xã hội là phương thức thúc đẩy tự do thông tin đến người dùng:
“Ta thấy là mạng xã hội khi có việc gì xảy ra trên đất nước chỉ cần 5 phút sau, thậm chí cả những nơi xa xôi trên thế giới là đã xuất hiện trên mạng xã hội rồi. Có rất nhiều hướng nhìn khác nhau để người đọc lựa chọn chứ không phải một thứ và tùy theo nhận xét của từng người mà người ta nhìn thấy thông tin nào đáng tin cậy.”
Trước những khó khăn nêu trên, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An đề nghị cần phải đủ 2 yếu tố bao gồm đam mê và trình độ khi phải đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc.
Bên cạnh đó, ông Khánh cũng đề nghị áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, khống chế các địa chỉ của lực lượng ‘phản động.’
Cách đây một năm, tại hội nghị tổng kết năm 2018 của ngành báo chí Nhà nước, ông Võ Văn Thưởng- Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận rằng báo chí chính thống đang bị mạng xã hội qua mặt.
Trong thực tế nhiều bạn đọc lâu nay không còn mấy mặn mà với những tin tức được truyền thông Nhà nước loan đi vì cho đến nay Ban Tuyên Giáo vẫn là tổng biên tập có toàn quyền đối với mấy trăm tờ báo và cơ quan truyền thông trên cả nước.
https://www.google.fr/search?rlz=1C2CHBD_frFR876FR876&source=hp&ei=ZbzzXeuONcTkgweEq7yABw&q=Jeff+Widener&oq=Jeff+Widener&gs_l=psy-ab.3..0l3j0i22i30l2j0i22i10i30j0i22i30l4.15580.15580..18124…0.0..0.396.396.3-1……0….2j1..gws-wiz.hP5bJ1_Za70&ved=0ahUKEwir1eXrhbPmAhVE8uAKHYQVD3AQ4dUDCAY&uact=5

Việt Nam trước chọn lựa ‘sinh tử’:

Hoa Kỳ hay Trung Quốc

Diễm Thi, RFA
Tiến thoái lưỡng nan
Báo mạng Asia Times vào ngày 4 tháng 12 đăng bài viết của tác giả David Hutt nói về tình thế của Việt Nam trong mối quan hệ Mỹ – Trung hiện nay với tựa đề “US, China rivalry puts Vietnam in a no-win bind” (Tạm dịch: Mỹ, Trung cạnh tranh đặt Việt Nam vào thế khó xử).
Trong bài viết này, ông David Hutt đề cập đến chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay được khẳng định là ‘duy trì hiện trạng’. Điều đó khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải cạnh tranh để giành được ảnh hưởng với Việt Nam, và để các tranh chấp được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán có lợi cho cả đôi bên.
Câu hỏi được đặt ra là liệu việc duy trì hiện trạng như vậy có lợi cho Việt Nam hay không trong khi Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán hơn trong việc ép Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí ở các khu vực tranh chấp.
Hồi tháng 3 năm 2018, PetroVietnam yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng dự án khai thác dầu ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam.
Trước đó gần một năm, tháng 7 năm 2017, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03, khi Repsol xác nhận đã tìm thấy một mỏ khí đốt quan trọng.
Cả hai lô dầu khí này được cho là nằm gần hoặc trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông để đòi chủ quyền dù năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho rằng Việt Nam hiện đang ở một thế vừa có cơ hội vừa có thách thức vì cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần Việt Nam. Nếu chính quyền Việt Nam giỏi điều hành thì sẽ biến nó thành cơ hội, còn không thì cơ hội sẽ thành thách thức. Ông giải thích:
“Trung Quốc luôn luôn muốn Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc (theo nghĩa hiện đại). Việt Nam có đường biên giới trên bộ sát với Trung Quốc, và Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc xuống ASEAN.
Còn về Hoa Kỳ, Hoa Kỳ hiện đang thực hiện chính sách đặt Trung Quốc là một nhân vậy nguy hiểm. Chính vì vậy Hoa Kỳ cần có các đối tác khác và Việt Nam là một đối tác mà Hoa Kỳ đang nhắm tới, bởi vì thứ nhất là Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc. Nếu Việt Nam độc lập được sẽ giúp rất nhiều trong việc chặn ảnh hưởng của Trung Quốc xuống khu vực dưới; thứ hai là Việt Nam, một nước ASEAN có lịch sử, truyền thống hàng ngàn năm chống Trung Quốc. Chính vì vậy nên Hoa Kỳ rất muốn tranh thủ Việt Nam.”
Theo Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, thì Trung Quốc là một cường quốc đang lên và chắc chắn Trung Quốc sẽ khẳng định vị thế của mình không những trong khu vực mà còn trên toàn thế giới, còn Hoa Kỳ không phải là một cường quốc đang xuống mà Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số 1 thế giới từ sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên từ thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã nhận thấy Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh chiến lược ‘một mất một còn’, cho nên dưới thời Tổng thống Obama đã có chiến lược ‘Chuyển trục về châu Á’ để tái cấu trúc mô hình hợp tác và phát triển giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực. Vì thế Việt Nam là một nước quan trọng và cần thiết trong chiến lược của Mỹ.
Với quan hệ Mỹ – Trung hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi bằng cách phải liên kết với Mỹ mạnh mẽ hơn. Ông nói:
“Việt Nam không thể di dời khỏi đường biên giới với Trung Quốc nên Việt Nam phải có chính sách hòa hoãn với Trung Quốc nhưng phải liên kết với thế giới bên ngoài, quan trọng là Hoa Kỳ. Muốn vậy thì Việt Nam phải xây dựng được nội lực. Muốn vậy Việt Nam phải có sự đoàn kết, mà muốn có đoàn kết thì Việt Nam phải có tự do, dân chủ. Tôi tin chắc rằng ĐCS đang có những bước chuẩn bị cho tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam.”
Việt Nam chọn Mỹ hay Trung Quốc?
Bài viết của tác giả David Hutt cũng đề cập đến một câu nói ở Việt Nam lâu nay về việc chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc của nhà cầm quyền Việt Nam: “Đi với Trung Quốc thì mất nước; đi với Mỹ thì mất đảng.”
Luật sư Vũ Đức Khanh phân tích:
“Việt Nam đi với Trung Quốc thì không mất đảng nhưng chắc chắn là sẽ mất nước. Việt Nam đi với Mỹ không nhất thiết sẽ mất đảng nhưng lại có cái lợi là Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như tính độc lập của mình.”
Từ nhiều năm qua, chính sách đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam là “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, liệu chính sách đó có còn phù hợp?
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định chuyện ‘đu dây’ là bình thường vì quốc gia nào cũng phải tìm cách cân bằng quyền lợi hết. Ông nói rõ hơn về trường hợp Việt Nam:
“Thực ra thì quốc gia nào cũng ‘đu dây’ chứ không riêng gì Việt Nam. Hoa Kỳ cũng vậy. Hoa Kỳ một mặt chống Trung Quốc nhưng một mặt vẫn hợp tác chứ không đặt vào thế đối đầu với Trung Quốc.
Quan điểm của Hoa Kỳ cũng đưa ra và hiểu được Việt Nam chỗ đó. Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam không cần phải chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ mà là chọn như thế nào để tất cả cùng hài hòa để mà phát triển.”
Hôm 24 tháng 11 năm 2019, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng một bài viết tố cáo Việt Nam liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc, với tựa đề “US can’t use energy cooperation with Vietnam to further its regional interests” (Tạm dịch: Hoa Kỳ không thể sử dụng hợp tác năng lượng với Việt Nam để tăng cường các lợi ích trong khu vực).
Bài viết cho rằng, Hoa Kỳ đã sử dụng việc tăng cường hợp tác với Hà Nội về năng lượng như một vỏ bọc để thúc đẩy Hà Nội tiến những bước lớn hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển, trong khi Việt Nam trông chờ Hoa Kỳ một sự đảm bảo cho những lợi ích kinh tế to lớn.
Bài báo dẫn lời đe dọa của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán cho các dự án chung với các nước khác nhưng sẽ không tha thứ cho bất kỳ tổn hại nào đối với chủ quyền của Trung Quốc.
Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12 tháng 2 năm 2019, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nói rằng Việt Nam nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.
Lúc đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA rằng, “Nếu như Việt Nam có căn cứ quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự và lúc đó Trung Quốc sẽ không thể làm gì được Việt Nam.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/both-china-and-us-need-vietnam-dt-12122019142956.html

Việt Nam nhập siêu hơn 30 tỷ đô la từ Trung Quốc

Việt Nam nhập siêu hơn 31 tỷ đô la từ Trung Quốc trong 11 tháng qua, tăng hơn 9 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoái, theo con số thống kê mới nhất của Tổng cục Hải Quan.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều trong 11 tháng qua đạt hơn 100 tỷ đô la, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới là khoảng 500 tỷ đô la.
Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch hai chiều trong 11 tháng qua là gần 69 tỷ đô la.
Theo báo Hải Quan, những mặt hàng mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ đô la chủ yếu là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, rau quả, thủy sản, xơ, sợi…
Trong chiều ngược lại, Trung Quốc cũng xuất nhiều mặt hàng điện tử và linh kiện, điện thoại sang Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên phụ liệu ngành dệt may và giày dép từ Trung Quốc.
Những năm qua, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại khi nhập siêu luôn ở mức cao.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung thời gian qua, nhiều chuyên gia lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ tìm cách đổ vào Việt Nam để bù đắp cho kim ngạch thiếu hụt từ thị trường Mỹ do thuế cao, đó là chưa kể hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam để dán mác giả rồi xuất sang Mỹ để tránh thuế.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-trade-deficit-reaches-usd-30-bil-12132019074922.html

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể

Hội đồng Liên bang Nga, Việt Nam đánh giá cao

lập trường của Nga về Biển Đông

Trong chương trình chuyến thăm chính thức Nga (11/12), nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự phiên họp toàn thể của Hội đồng Liên bang Nga và lần đầu tiên có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp, được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Nga.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội đồng Liên bang Nga. Nguồn: Sputnik
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Chủ tịch Matvienko và Hội đồng Liên bang Nga đã mời bà phát biểu tại Phiên họp toàn thể Hội đồng Liên bang Nga nhân chuyến thăm chính thức Nga lần này. “Vinh dự này thể hiện sinh động tính chất tin cậy đặc biệt của quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Nga, cũng như sự hợp tác giữa Quốc hội hai nước chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói.
Điểm lại những dấu ấn trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Nga, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam không bao giờ quên và sẽ mãi mãi luôn ghi nhớ, trân trọng sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mà nhân dân Liên Xô, trong đó có nhân dân Nga, đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành
độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sự nghiệp khôi phục và phát triển đất nước của Việt Nam cũng mang dấu ấn vô cùng tốt đẹp của tình đoàn kết Việt – Nga. “Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Nga là tài sản vô giá mà Việt Nam quyết tâm gìn giữ và phát huy”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đây là tiền đề để Việt Nam và Nga ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị năm 1994, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2001, và tiếp tục nâng cấp trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện” – khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam vào năm 2012, đánh dấu bước phát triển mới vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước.
Trên cơ sở đó, quan hệ Việt – Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Trong đó, hợp tác kinh tế Việt – Nga không ngừng phát triển, năm 2018 kim ngạch thương mại đạt mức kỷ lục 4,5 tỷ USD, 9 tháng đầu năm nay đạt 3,4 tỷ USD. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu năm 2015, mà Nga là thành viên chủ chốt. Đầu tư giữa hai nước tiếp tục được mở rộng, với nhiều dự án quy mô, hiện đại được triển khai tại cả Việt Nam và Nga, trong đó không thể không kể đến các dự án hợp tác dầu khí giữa hai nước… “Hiếm có một đất nước nào có được tình cảm sâu đậm trong lòng người Việt Nam như nước Nga; tình cảm đó xuất phát không chỉ từ sự ủng hộ, hợp tác chính trị và kinh tế mà Nga đã dành cho Việt Nam, mà còn từ sự đồng điệu trong tâm hồn, tình cảm giữa nhân dân, thể hiện qua sự giao lưu, kết nối văn hóa”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong tổng thể mối quan hệ tốt đẹp của 2 nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Nga không ngừng được củng cố và phát triển. Đánh giá tình hình thế giới và khu vực trong thời gian qua tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống; hòa bình, ổn định và hợp tác đang bị thách thức, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh đó, việc tiếp tục tăng cường, phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Nga không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, là sự lựa chọn chiến lược, yếu tố đảm bảo thực hiện thành công công cuộc đổi mới và phát triển của mỗi nước; đồng thời góp phần gìn giữ, củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Khẳng định Việt Nam đánh giá cao lập trường của Nga về Biển Đông, theo đó ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; ủng hộ thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của cá bên ở Biển Đông (COC), Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Nga, Quốc hội Nga, tiếp tục lên tiếng ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không chấp nhận hành vi gây căng thẳng, làm xói mòn lòng tin và đe dọa hòa bình, an ninh khu vực. “Chúng tôi tin tưởng, những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro tại vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục được duy trì, bảo đảm, không thể bị cản trở bởi bất kỳ thế lực nào”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu.
Tự hào nhìn lại chặng đường 70 năm quan hệ Việt – Nga, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng rằng, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga – Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, vượt qua mọi thách thức và khó khăn, xứng đáng với truyền thống hữu nghị gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc. Trong sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga -Việt, Quốc hội hai nước sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường giám sát, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận và dự án hợp tác, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên Nghị viện quốc tế, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
http://biendong.net/bien-dong/32118-phat-bieu-tai-phien-hop-toan-the-hoi-dong-lien-bang-nga-viet-nam-danh-gia-cao-lap-truong-cua-nga-ve-bien-dong.html

Hà Nội lắm tội nhưng không vội được đâu

Nguyễn Hùng
Dựa vào cách báo chí kháo các sai phạm của chính trị gia Hà thành, người ta có thể thấy cả bí thư lẫn chủ tịch Hà Nội đều đang trong tầm ngắm của chiếc lò thiêu đốt sự nghiệp của nhiều chính trị gia.
Hiển nhiên đường quan lộ của họ còn tuỳ xem kết quả điều tra các vụ án liên quan trong thời gian tới đây. Người ta đã chứng kiến cú ngã ngửa trên đường quan lộ kéo tới khúc quanh ngục lộ của bí thư Sài thành Đinh La Thăng. Câu “làm rõ tới đâu xử lý tới đó” là của sếp cũ của cả hai ông Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải, đương kim bí thư Hà Nội. Chỉ có điều dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng, các sai phạm của nhiều đồ đệ chưa bao giờ được làm rõ.
Sai phạm của ông Hải từ thời còn là phó của ông Dũng liên quan tới dự án ngàn tỷ nhằm mở rộng sản xuất ở Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Dự án đang đắp chiếu nhưng hiện vẫn phải trả lãi ngân hàng tới gần 500 tỷ mỗi năm, theo trang Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Hải được cho là đã có những chỉ đạo không đúng trong dự án mà vốn đã tăng từ chưa tới 4.000 tỷ lên trên 8.000 tỷ. Nhà thầu của dự án, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc, cũng được thanh toán tới trên 90% giá trị hợp đồng trong khi nhiều hạng mục của dự án chưa hoàn thành. Các nhà thầu cũng đã ngưng thi công từ nhiều năm nay.
Truyền hình kỹ thuật số VTC hôm 10/12 đăng trên Facebook: “La liệt hạng mục bị bỏ dở, sắt thép hoen gỉ, lau sậy và cỏ dại mọc um tùm, nước tù đọng ứ… không ai nhận ra được đây là dự án khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ đồng.” Hàng trăm người đã chia sẻ và bình luận tin này.
Người lấy tên Luu Vo viết: “Nó cứ ký chia nhau hoa hồng.” Người khác, Khai Hoang Xuan, viết: “Tôi chỉ mong Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sức khoẻ [tốt] để làm nốt.”
Bài trên trang mạng của VTC cho thấy cái gọi là dự án ngàn tỷ giờ chỉ còn là đống sắt rỉ nằm chờ thanh lý. Cho tới nay hai cựu chủ tịch hội đồng quản trị, hai tổng giám đốc và một phó tổng giám đốc trong ngành thép đã bị bắt giam chờ ngày hầu toà.
Một dự án khác khá khẩm hơn nhưng cũng đã muộn đưa vào hoạt động tới bốn năm nằm ngay tại Hà Nội – Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng này. Báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội, nói mỗi năm tiền trả lãi vay ngân hàng cho dự án chưa đi vào hoạt động này cũng ở mức gần 300 tỷ đồng.
Dự án này mức đầu tư ban đầu chưa tới 9.000 tỷ nhưng sau đã tăng lên tới 18.000 tỷ. Nhà thầu dự án cũng lại là một công ty Trung Quốc.
Nhưng dự án và công ty Trung Quốc này không phải là mối bận tâm chính của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Ông Chung có lẽ lo ngại hơn với tiến độ điều tra vụ “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các công ty liên quan. Nhật Cường được chính quyền Hà Nội trao cho những hợp đồng béo bở.
Vụ án này hồi tháng 11/2019 đã được đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sau một cuộc họp do đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Mười bị can đã bị khởi tố trong vụ Nhật Cường nhưng bị can chủ chốt Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc công ty, đã bỏ trốn, điều thường diễn ra trong các vụ án lớn trong thời gian gần đây.
Hà Nội dưới thời Chủ tịch Chung cũng còn nhiều vấn đề khác. Từ vụ Đồng Tâm tới ô nhiễm nước sinh hoạt, ô nhiễm nước sông, ô nhiễm không khí và mới đây nhất là vụ cắt đôi que thử xét nghiệm HIV và viêm gan B trái quy định ở bệnh viện Xanh Pôn.
Hồi đầu tháng này hàng trăm người cũng chia sẻ một bài viết của báo Lao Động cho thấy cảnh công nhân dùng máy xịt bụi bay mù mịt trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, điều báo mô tả là “kinh hoàng”. Còn kết quả điều tra các dự án, vốn sẽ ảnh hưởng tới quan lộ của hai quan chức hàng đầu của Hà Nội, có kinh hoàng hay không thì còn phải chờ thêm nhiều tháng nữa.
https://www.voatiengviet.com/a/hoang-trung-hai-nguyen-duc-chung/5203501.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.