Tin Việt Nam – 12/12/2019
Thursday, December 12, 2019
8:41:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Chủ tịch Tân Bình quyết ngăn dân giữ đất Lộc Hưng
Chủ tịch Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh- Ông Châu Văn La, vào ngày 12 tháng 12 cho biết hằng ngày quận phải duy trì một lực lượng từ 80 đến 100 người để thực hiện công tác gọi là ‘ngăn chặn người dân tái chiếm khu đất đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế tại phường 6, lâu nay thường được gọi là ‘Vườn rau Lộc Hưng’.Phát biểu của ông Châu Văn La, chủ tịch Quận Tân Bình, được đưa ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng thực hiện chỉ thị của Thành ủy về công tác tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Châu Văn La vào những ngày cao điểm, số người mà địa phương huy động đến khu đất Vườn Rau Lộc Hưng lên đến hằng trăm người. Mục tiêu ngoài việc được nói là ngăn chặn ‘tái chiếm để xây dựng không phép’ còn để kịp thời tuyên truyền, vận động người dân.
Mạng báo Tiền Phong dẫn phát biểu của Ông Châu Văn La rằng ‘đến nay, khu đất này không xảy ra tình trạng tái chiếm dù có nhiều thông tin tuyên truyền, kích động không đúng trên mạng.’
Vào chiều tối ngày 12 tháng 12, Đài Á Châu Tự Do liên lạc một người dân có nhà bị chính quyền địa phương cưỡng chế tại Vườn Rau Lộc Hưng hồi tháng 1 vừa qua là ông Cao Hà Trực và được người này cho biết ý kiến đối với phát biểu của ông chủ tịch quận Tân Bình,- Châu Văn La:
Việc ông nói nó sai nhiều vấn đề, Thứ nhất là chỉ thị 23 thì cái chỉ thị đó được họp vào ngày 25/7/2019 mà ổng nói là ổng đã triển khai chỉ thị đó bằng cách đập 100 căn nhà của bà con VRLH nhưng thật ra họ đập 100 căn nhà đó vào ngày 4 và 8/1/2019 nên làm gì mà biết trước cái chỉ thị 23 đó mà thực hiện. Chỉ thị 23 là ngăn chặn trái phép và xây dựng không giấy phép nên có nghĩa là nói láo đủ điều hết. Thứ hai ổng nói là huy động 80-100 người để tránh tình trạng bà con tái chiếm khu đất VRLH thì điều này lại nói ngược ngạo, có nghĩa sau khi cưỡng chế đất xong thì trả lời với báo đài rằng ổng chỉ cưỡng chế những nhà xây dựng trái phép chứ không có thu hồi đất nên bà con vẫn ra vô bình thường.
Theo ông Cao Hà Trực thì báo cáo của ông Châu Văn La có mâu thuẫn. Đó là bằng chứng rõ ràng về việc cướp đất của người dân, đẩy dân ra khỏi mảnh đất của họ đã chủ sở hữu từ năm 1954 đến nay.
Vào hai ngày 4 và 8 tháng 1 năm nay, cơ quan chức năng Phường 6 và quận Tân Bình đã huy động lực lượng đến san ủi, cưỡng chế gần 200 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng, bất chấp sự phản đối của người dân. Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất mà họ xây nhà được sử dụng từ đời cha ông sau năm 1954 khi di cư từ Bắc vào. Họ có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất và hóa đơn nộp thuế qua các thời kỳ. Trong khi đó chính quyền nói rằng việc cưỡng chế được thực hiện với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018.
Chính quyền sau đó đề nghị hỗ trợ hơn 7 triệu đồng/m2 đất vườn rau cho những hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những người dân ở đây cho biết vẫn còn hơn 100 hộ không đồng ý với đề nghị đền bù của chính quyền và kiên quết đòi đối thoại.
Người dân đã nhiều lần yêu cầu đối thoại với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố về vụ cưỡng chế khu đất. Tuy nhiên mọi nổ lực đều không được đáp ứng.
Hôm 28/01 và ngày 18/02/19, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp ký văn bản đề nghị Chính quyền TP.HCM giữ nguyên hiện trường khu đất trong khi chờ giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân và tiếp xúc, đối thoại với công dân vườn rau Lộc Hưng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tan-binh-chairman-of-people-s-committee-obstinately-keeps-the-disputed-land-12122019074415.html
Giải quyết vụ Vườn Rau Lộc Hưng tưởng đã xong,
nào ngờ…
Thiện ÝGiải quyết vụ Vườn Rau Lộc Hưng (VRLH) tưởng đã xong, nào ngờ chính quyền quận Tân Bình hôm 3/12 lại đưa hàng trăm người tới khu đất mà bà con ở đây nói là thuộc sở hữu của họ để ‘cắt cỏ’ và thay đổi bảng dự án.
Như vậy là gần một năm sau khi nhà cầm quyền thực hiện việc mà họ gọi là “giải tỏa các công trình trái phép” ở Vườn rau Lộc Hưng, chính quyền quận Tân Bình hôm 3/12 lại đưa hàng trăm người tới khu đất mà bà con ở đây nói là thuộc sở hữu của họ để ‘cắt cỏ’ và thay đổi bảng dự án.
I – DIỄN TIẾN SỰ VIỆC
Một người dân của khu VRLH bị mất đất, anh Cao Hà Trực, nói với VOA hôm 4/12 rằng “Từ 6 giờ rưỡi, (nhà cầm quyền) đã huy động lực lượng và 7 giờ rưỡi họ thực hiện việc họ nói là cắt cỏ,” anh Trực nói. “Họ nói họ cắt cỏ nhưng trên thực tế họ đưa một lực lượng gần 300 người tới để thay bảng quy hoạch – trước đây là ‘trường học đạt chuẩn quốc gia’ thì nay là ‘trường học’. (Điều đó) có nghĩa là họ thay dự án của cụm trường học đó.”
Đây là lần thứ 5 chính quyền địa phương thay đổi dự án mà người dân VRLH gọi là các dự án “ma.” Khu đất đầy tranh chấp này ban đầu được quy hoạch cho ngành bưu điện vào năm 2001, theo anh Trực, nhưng sau đó đổi thành xây bệnh viện trước khi được dự kiến xây chung cư cao tầng rồi xây trường học trong những năm tiếp theo….
Như vậy là việc tranh chấp đất đai của bà con ở khu vực VRLH và chính quyền địa phương đã diễn ra nhiều năm qua và vụ việc lên đến đỉnh điểm khi chính quyền quận Tân Bình đưa khoảng một ngàn người tới “giải tỏa” khu vườn trong hai ngày 4 và 8 tháng 1 năm nay. Sự thể này đã làm tan cửa nát nhà, đưa hàng trăm gia đình vào cảnh khốn cùng, bị công luận trong và ngoài nước lên án như là việc làm bất nhân, vô đạo. Bởi vì nhà cầm quyền Tân Bình đã cưỡng chế vào những ngày giáp Tết Âm Lịch có tính thiệng liêng đối với dân Việt Nam. Nay cũng gần đến ngày gần Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, ngày 3/12/2019 vừa qua lại huy động lực lượng gần 300 người đến khu VRLH bị giải tỏa gần một năm qua để “cắt cỏ” và thay đổi bảng hiệu “quy hoạch”.Người ta tự hỏi nhà cầm quyền Tân Bình đang toán tính gì đây? Trong khi các nạn nhân bị cướp đất phá nhà trái phép ở VRLH đã và đang chờ đợi chính quyền Trung ương cứu xét, giải quyết thỏa đáng.
II – CHỜ ĐỢI VÀ HY VỌNG CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG GIẢI QUYẾT THỎA ĐÁNG
Thật vậy, nạn nhân đang kiên nhẫn chớ đợi và nuôi nhiều hy vọng “Đèn trời soi xét” khi thấy có những dấu hiệu đáng mừng cho người dân Vườn Rau Lộc Hưng (VRLH) được tìm thấy trong bản tường trình của LS Trần Hồng Phong Eco Law, do một luật sư hổ trợ pháp lý cho VRLH gửi cho chúng tôi, cũng đã được phổ biến rộng rãi trên FB. Nội dung bản tường trình ghi lại diễn tiến cuộc họp sáng ngày 27/6/2019 tại phòng họp Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), Hà Nội; để xem xét và giải quyết khiếu tố của người dân VRLH bị cưỡng chế trái pháp luật.
Đáng mừng vì theo lời một luật sư thiện nguyện hổ trợ pháp lý cho người dân VRLH cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu yêu cầu Ủy Ban Nhân dân TP.HCM phải giải trình về VRLH và Bộ TNMT có trách nhiệm tham mưu cho Chính Phủ…..Vì vậy, cuộc họp giữa “Nhóm luật sư Vườn Rau Lộc Hưng và bà con Vườn Rau Lộc Hưng làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng và sự hiện diện của Chánh Thanh tra Bộ TNMT.
Nội dung bản tường trình thế nào và người dân VRLH đánh giá dấu hiệu đáng mừng ra sao? Người dân VRLH thực sự muốn gì?
1 – Nội dưng bản tường trình thế nào?
Để bạn đọc biết diễn tiến cuộc họp sáng ngày 27/6/2019 tại phòng họp Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), Hà Nội…như thế nào, chúng tôi mạn phép tác giả đăng lai toàn văn bản tường trình như sau:
“ Sáng nay 27/6/2019, đại diện bà con #VRLH gồm anh Cao Hà Chánh, anh Cao Hà Trực, chị Trần Minh Thi cùng LS Trần Hồng Phong và LS Đặng Dũng làm việc với Lãnh đạo Bộ TNMT.
Phía lãnh đạo Bộ TNMT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, ông Lê Quốc Trung – Chánh thanh tra, cùng lãnh đạo Tổng cục địa chính và các ban, tổng cộng 7 người.
Ông Trung cho biết theo kế hoạch Bộ trưởng sẽ tiếp đoàn nhưng do bận tham dự G20 nên không có mặt. Tuy nhiên Bộ cử đầy đủ thành phần tham dự buổi làm việc tiếp đoàn bà con VRLH và nhóm luật sư.
Chúng tôi khá bất ngờ khi thấy thành phần dự họp của Bộ khá đông với sự tham gia của nhiều cục nghiệp vụ. Quá trình làm việc thể hiện sự trọng thị, lịch sự, lắng nghe ý kiến trình bày của đoàn.
Mục đích chính của buổi làm việc này, về phía người dân là yêu cầu Bộ TNMT làm rõ giá trị pháp lý của văn bản do Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ ký năm 2006. Vì chính do văn bản này mà chính quyền địa phương đã không cấp GCNQSDĐ cho người dân.
Mở đầu, Chánh thanh tra Lê Quốc Trung cho biết vụ việc VRLH đã được Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Vừa qua Thủ tướng tổ chức cuộc họp về vụ việc, Bộ TNMT có tham gia. UBND TPHCM đã có báo cáo mới nhất, tuy nhiên là văn bản mật nên không thể công bố. Bộ TNMT trong chức năng của mình sẽ có ý kiến giúp Thủ tướng về mặt chuyên môn.
Bộ TNMT cho biết đã xem đơn và hồ sơ do bà con gửi, liên quan đến việc làm rõ giá trị pháp lý của văn bản số 5201 năm 2006 do Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký. Bộ đề nghị bà con cho biết có bổ sung thêm vấn đề nào không?
Anh Chánh đại diện bà con trình bày về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, nỗi thống khổ, khó khăn của người dân do hậu quả của đợt cưỡng chế kinh hoàng ngày 4,8/1/2019, huỷ hoại 503 căn nhà, người dân bị đuổi ra khỏi mảnh đất của mình. Anh cho biết chính quyền không cho đăng ký sử dụng đất, không giải quyết khiếu nại của người dân suốt hơn 20 năm qua.
Anh Trực trình bày thêm, tự tay đưa bản vẽ tờ bản đồ khổ lớn khu đất VRLH cho Bộ. Anh nêu rõ cùng nguồn gốc đất như nhau, năm 2002 những căn nhà khu rìa Vườn rau đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, khu vực do Bưu điện chiếm làm nhà cho cán bộ nhân viên cũng đã được rào riêng, cấp giấy – thì tại sao phần đất VRLH không được cấp?!
Anh Trực còn cung cấp thông tin gây choáng là năm 2006, khi ông Phó chủ tịch UBND TPHCM xuống làm việc có đưa ra quyết định thu hồi khu đất C30 không phải là VRLH nhưng lại nói là quyết định thu hồi VRLH. Việc này là do TPHCM nhầm lẫn, hay cố tình đánh lận để cướp đất của người dân? Trong lúc trình bày anh Trực bật khóc vì uất ức, tủi phận cho người dân vườn rau.
Chị Thi tấm tức cho rằng việc Đoàn cưỡng chế chính quyền tàn phá nhà cửa của người dân ngay ngày tết là vô nhân đạo, tàn ác. Tại sao họ nói không cưỡng chế thu hồi đất, mà đến nay vẫn ngăn cản không cho người dân vào đất của mình? Hãy để chúng tôi nói, chúng tôi có nhu cầu và nguyện vọng nói vì lâu nay không ai nghe người dân nói, chính quyền thì né tránh đối thoại…
Nghe các anh chị trình bày, có những lúc chúng tôi cảm thấy nhói lòng, xúc động.
LS Đặng Dũng cho biết chiều hôm qua đã làm việc với Thanh tra Bộ giáo dục đào tạo, khiếu nại chính quyền TPHCM vẽ ra dự án “cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia” trên khu đất VRLH, thực chất là việc lợi dụng nhóm từ tốt đẹp để lừa dối dư luận, vì dự án này là mơ hồ, trái quy định. Ngoài ra, trên cùng một khu đất thì lại cấp cho cán bộ bưu điện.
LS Phong đề nghị Bộ lưu ý giải quyết đúng kiến nghị của người dân: giá trị pháp lý của văn bản ông Đặng Hùng Võ ký. Ngoài ra, hiện nay chính quyền TPHCM nói rằng đất VRLH là “đất công” và TP đã thu hồi theo Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977. Vậy đất công là gì? Điều khoản nào trong QĐ 111/CP được TP áp dụng, trong khi đây là chính sách cải tạo XHCN, đánh vào giới nhà giàu?
Chánh thanh tra Bộ cho biết văn bản của Bộ năm 2006 chỉ là giải thích nghiệp vụ trên cơ sở thông tin và hỏi của địa phương, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Việc hướng dẫn người dân đăng ký, xem xét cấp GCNQSDĐ là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương. Bộ không thể làm thay. Về khái niệm “đất công” luật không có quy định. Về QĐ 111/CP trong văn bản của Bộ năm 2006 không đề cập đến. Bộ khẳng định sẽ có văn bản trả lời bà con.
Kết thúc, Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết đã lắng nghe, ghi nhận và sẽ có ý kiến về vụ việc theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bà con hãy yên tâm.
Đoàn ra về, với niềm mong mỏi công lý và sự thật sẽ được sáng tỏ, quyền lợi hợp pháp của người dân sẽ được giải quyết. Cuộc họp dù sao cũng mở ra một tia hy vọng. Tuy nhiên, mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn. Dù vậy, việc công bố Kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm trong cùng buổi sáng nay đã phần nào cho thấy sai phạm trong quản lý đất tại TPHCM trước sau gì cũng sẽ bị phơi bày.”
(Tường thuật của LS Trần Hồng Phong Eco Law từ cuộc họp sáng ngày 27/6/2019 tại phòng họp Bộ TNMT, Hà Nội).
2 – Người dân VRLH đánh giá dấu hiệu đáng mửng này ra sao?
Câu trả lời tổng quát có thể trích ra từ phần cuối của bản tường thuật trên, rằng “Đoàn ra về, với niềm mong mỏi công lý và sự thật sẽ được sáng tỏ, quyền lợi hợp pháp của người dân sẽ được giải quyết. Cuộc họp dù sao cũng mở ra một tia hy vọng. Tuy nhiên, mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn…”. Điều này có nghĩa là dấu hiệu đáng vui mừng mới “mở ra một tia hy vọng”trong sự hoài nghi về kết quả sau cùng liệu có giải quyết được thỏa đáng những yêu cầu hợp pháp và chính đáng của người dân VRLH khiếu kiện hay không. Vì nghi ngờ nên “mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn…”. Vì sao?
Có thể là vì kinh nghiệm thưc tế cho thấy đã có nhiều vụ khiếu kiện đất đai giải tỏa của người dân ở các địa phương kéo dài nhiều năm, đến các cơ quan chức năng trung ương từng được Thủ tướng Chính phủ hay các lãnh đạo cơ quan chức năng Trung ương chỉ đạo phải giải quyết đúng theo chủ trương, chính sách và pháp luật. Thế nhưng, kết quả sau cùng vẫn như điều mà người dân thường nói “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ”. Nghĩa là, các cơ quan điều tra trung ương thường đồng tình với những sai phạm của địa phương để bao che với động lực không trong sáng.
Tỷ như người dân xã Đồng Tâm gần Hà Nội, khiếu kiện nhiều năm về diện tích đất đai thuộc quyền sử dụng của người dân địa phương, không phải là đất sử dụng cho quốc phòng. Nhưng chính quyền địa phương đã cưỡng chế khiến người dân xã Đồng Tâm buộc phải có phản ứng quyết liệt vi phạm pháp luật, là bắt giam những nhân viên đến cưỡng chế làm con tin. Để giải thoát con tin, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải ký giấy cam kết không truy tố trách nhiệm hình sự và giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân xã Đồng tâm theo đúng pháp luật. Thế nhưng sau đó một số người cầm đầu vẫn bị truy tố và cho đến nay kết quả điều tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ trung ương vẫn kết luận diện tích đất mà người dân khiếu kiện bao lâu nay, không thuộc quyền sử dụng của họ, vì là “đất trưng dụng cho quốc phòng”, trong khi thực tế được sử dụng vào một đề án kinh doanh của quân đội; để chỉ “yểm trợ” những cư dân mất đất theo quy định đơn phương áp đặt, không chịu “bồi thường” theo thỏa thuận song phương. Vì giá đất “bồi thường” trên một mét vuông cao hơn nhiều so với tiền gọi là “hổ trợ”. Vì vậy người dân Xã Đồng Tâm như bị dồn vào chân tường đã thề quyết tâm liều mạng đấu tranh đến cùng…Hiện tại cả tháng nay, họ lại phải một lần nữa “nổi loạn” chống lại nhà cầm quyền, chưa biết hệ quả ra sao.
Tương tự như hoàn cảnh của người dân VRLH, bị chính quyền địa phương Phường 6 Quận Tân Bình, TPHCM giải tỏa và cưỡng chế trái pháp luật và cũng chỉ “hổ trợ” chứ không chịu “bồi thường” thỏa đáng cho dân theo đúng pháp luật. Đồng thời lý do giải tỏa VRLH dường như cũng mang tính giả tạo,vi luật. Tương tự như vụ xã Đồng Tâm nói là trưng dụng làm “đất quốc phòng” thực tế lại sử dụng cho một công ty làm kinh tế. Theo như bản tường thuật đã ghi lại , rằng:
“LS Đặng Dũng cho biết chiều hôm qua đã làm việc với Thanh tra Bộ giáo dục đào tạo, khiếu nại chính quyền TPHCM vẽ ra dự án “cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia” trên khu đất VRLH, thực chất là việc lợi dụng nhóm từ tốt đẹp để lừa dối dư luận, vì dự án này là mơ hồ, trái quy định. Ngoài ra, trên cùng một khu đất thì lại cấp cho cán bộ bưu điện…”
3.- Người dân VRLH muốn gì?
Vậy thì, để biến những dấu hiệm đáng mừng thành niềm vui mừng thực sự cho người dân VRLH, thiết tưởng cơ quan chức năng Trung ương theo chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ là Bộ TNMT, có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ khiếu tố, kêu oan của người dân VRLH. Nghĩa là cần giải quyết thỏa đáng theo đúng pháp luật nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân, được thể hiện trong THƯ NGỎ đã gửi cho Bí thư Thành Ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cũng là Ủy Viên Bộ Chính Trị và là Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM. Nội dung Thư Ngỏ đã cho thấy nguyện vọng của người dân vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế là gì, cần được chính quyền giải quyết ra sao?`
(1)- Căn cứ trên Luật Đất Đai hiện hành và các văn bản pháp lý, hành chánh dưới luật có liên quan, xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân VRLH, trên cơ sở nguồn gốc hợp pháp (do sở hữu chủ chân chính là Tòa Giám Mục Saigon cho phép), sử dụng ổn định lâu dài, có đóng thuế, không có tranh chấp. Việc không có giấy xác nhận quyền sử dụng đất là do lỗi của chính quyền địa phương (có ý đồ chiếm dụng), đã liên tục từ chối đơn xin của người dân, mà không đưa ra lý do chính đáng, hợp pháp.
(2)- Trên cơ sở hơp pháp hóa quyền sử dụng đất đai do thực tế hội đủ điều kiện luật định, buộc chính quyền các cấp có liên quan phải “bồi thường” thỏa đáng dựa trên đồng thuận chứ không phải “hổ trợ” đơn phương mang tích áp đặt của chính quyền, vi phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân VRLH.
(3)- Bồi thường thiệt hại tài sản (nhà cửa, đồ đạc..) bị phá hủy cho người dân VRLH do việc cưỡng chế trái pháp luật gây ra.
(4)- Ưu tiên cho các nạn nhân được mua nhà cửa và huấn nghệ để sớm an cư lạc nghiệp cho người dân VRLH bị cưỡng chế đang phải sống trong tình cảnh vô gia cư, vô nghề nghiệp.
(5)- Xem xét, xác định lý do giải tỏa đất VRLH có đúng là để thực hiện “ dự án “cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia”hay không? Nếu không đúng thì cần giải quyết thế nào cho thỏa đáng cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân VRLH
III – KẾT LUẬN
Tựu chung, nếu các cơ quan chức năng Trung ương giải quyết theo đúng nguyện vọng trên của người dân VRLH, sẽ là một điểm son cho chính quyền, được người dân VRLH biết ơn.Đồng thời tạo ra một tiền lệ cho việc giải quyết nghiêm túc, dứt điểm các vụ khiếu kiện đất đai bị giải tỏa kéo dài nhiều năm qua theo đúng pháp luật, bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.Và như thế, chính quyền không còn phải lo đối phó với “các thế lực thù địch” lợi dụng chống phá “chế độ ta”. Vì nguyên nhân chống phá của “Phản động” đều xuất phát từ những xâm hại các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền của nhà cầm quyền các cấp. Nếu “Đảng và Nhà nước ta” làm đúng pháp luật, tôn trọng và bảo vệ cho các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền, thì làm gì có các vụ khiếu kiện kêu oan để cho “Các thế lực thù địch” lợi dụng, chống phá Nhà nước. Đúng không ạ, thưa Bí thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân?
https://www.voatiengviet.com/a/vuon-rau-loc-hung-chua-xong/5201814.html
Tù nhân lương tâm Đào Quang Thựcbị an táng
ở trại giam, bất chấp phản đối của gia đình
Tù nhân chính t rị Đào Quang Thực qua đời trong khi đang thụ án tù với cáo buộc tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hôm 10-12-2019 tại Bệnh viện Đa Khoa Hữu Nghị Nghệ An bị buộc phải an táng trong Trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An ngay trong cùng ngày.Ông Đào Duy Tùng, con trai thầy giáo tiểu học đã nghỉ hưu Đào Quang Thực thuật lại qua điện thoại vào tối 12-12-2019 như sau:
“Hôm đó bố tôi phải an táng ở nghĩa trang trong trại rồi. Trại giam họ làm một mảnh đất ở gần trại giam, nó cũng thuộc trong phạm vi của trại.
Phía bên trại giam họ cũng cho những nghi lễ cơ bản cho gia đình tổ chức tang lễ.
Họ vẫn có những cái cơ bản như áo quan, đồ lễ, các thầy cúng để cho phù hợp với nghi lễ an táng của người Việt Nam mình.”
Tuy nhiên theo ông Tùng, các nghi thức tang lễ diễn ra gấp gáp và gia đình, dòng họ chỉ có 12 người được tham dự, và đến 3 năm sau gia đình mới có thể nhận lại hài cốt người đã khuất.
Từ ngày 3-12, tù nhân mang án chính trị Đào Quang Thực có dấu hiệu bị đau nên cán bộ Trại giam số 6 đã chuyển ông đến bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An để cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, nhưng qua hôm sau mới báo cho người thân của ông Thực đến chăm sóc.
Chưa đầy 1 tuần lễ sau đó, ngày 10-12, ông Thực trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện với chuẩn đoán ban đầu là xuất huyết não và viêm phổi.
Mặc dù gia đình ông có nguyện vọng đưa thi thể ông về quê an táng tuy nhiên phía chính quyền Nghệ An buộc người thân phải cho khám nghiệm tử thi và chôn luôn ngay trong Trại giam số 6.
Khi tin tức tù nhân lương tâm Đào Quang thực đột nhiên qua đời khi đang thụ án được loan ra, Tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu trại giam cho phép được mang thi thể ông về quê chôn cất nhưng bị phớt lờ.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc Phân ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watcht ngay sau đó cũng đặt câu hỏi lý do tại sao trại giam không cho phép gia đình nhận xác để mai táng thay vì chôn ở trại, trại có điều gì giấu diếm hay không?
Theo HRW, thế giới đang chờ và đang lắng nghe giải thích của cơ quan chức năng về những gì xảy ra đối với ông Đào Quang Thực.
Thầy giáo Đào Quang Thực sinh năm 1960, từng giảng dạy tại trường tiểu học Triệu Phúc Lịch, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình trong hơn 30 năm trước khi về hưu.
Ông bị cơ quan an ninh điều tra bắt giữ vào tháng 10 năm 2017 vì bị cho là ông dùng 2 tài khoản Facebook “thường xuyên đăng tải nhiều bài viết, bài chia sẻ, bình luận có nội dung chống Nhà nước.”
Ông bị Tòa án tỉnh Hòa Bình tuyên 14 năm tù vào phiên sơ thẩm và giảm còn 13 năm tù ở phiên phúc thẩm ngày 17 tháng 1 năm 2019.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/diceased-political-prisoner-dao-quang-thuc-buried-in-prison-6-12122019065148.html
“Xử lý Hoàng Trung Hải là đụng đến vấn đề cán bộ
do Trung Nam Hải quản lý”: Nhà quan sát
Hai ngày sau khi có tin Bí thư Hà Nội, cựu phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bị xem xét để kỷ luật, một nhà quan sát kỳ cựu đưa ra nhận định việc kỷ luật ông Hải là đụng đến Trung Quốc.Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải có những vi phạm trong thời gian làm Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó thủ tướng chính phủ khi chỉ đạo dự án Gang Thép Thái Nguyên II (TISCO II). Những vi phạm này cần phải xem xét kỷ luật.
Đây là kết luận của Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra tại kỳ họp thứ 41 từ ngày 4 đến 6 tháng 12 vừa qua và được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 9 tháng 12.
Theo đó thì ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II.
Ông Hải làm phó thủ tướng phụ trách kinh tế ngành từ tháng 8 năm 2007 đến tháng 4 năm 2016.
Việc ông Hải, đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội bất ngờ bị lật lại sai phạm thời còn làm phó thủ tướng từ hơn ba năm trước làm dấy lên suy đoán rằng ông này sẽ có kết cục tương tự cựu Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, người đang thụ án tổng cộng 30 năm tù vì những sai phạm thời ông làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia.
Hôm 11/12, nhà báo tự do Phạm Thành, tức blogger Bà Đầm Xòe, nói với RFA:
“Trước hết tôi thấy một sự khác biệt. Ông Đinh La Thăng, dưới quan điểm của tôi, ông ấy có tinh thần chống sự ảnh hưởng của Tàu Cộng đối với vấn đề của Việt Nam nói chung. Còn Hoàng Trung Hải là tay trong của Tàu Cộng, được cài cắm vào trong lãnh đạo Việt Nam có mục tiêu phá hoại kinh tế Việt Nam và bằng mọi cách làm suy yếu nước Việt Nam, để Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Tàu Cộng.”
“Còn sự giống nhau thì họ đều là hai quan chức Cộng sản, họ làm gì thì đều theo chủ trương đường lối của Đảng hết. Và họ là những người nằm trong tổ chức mà với tôi bây giờ thấy là tổ chức này không có mục đích kiến tạo cho Việt Nam ngày một phát triển về kinh tế cũng như về tiến bộ xã hội.”
Cựu nhà báo từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam và là tác giả cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” nhận định rằng “về mặt tội đồ thì hai ông này như nhau nhưng mà mục tiêu thì mỗi người có một nét riêng”.
Ông Phạm Thành lý giải về việc đưa cáo buộc ông Hoàng Trung Hải “liên quan đến Trung Quốc”:
“Trước hết, ông Hoàng Trung Hải có một lý lịch, bố ông ấy là người Tàu. Ngày xưa, đã có rất nhiều người phản đối khi đưa ông Hoàng Trung Hải lên bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Khi đó, rất nhiều cựu chiến binh tố cáo ông Hải, một là nhân thân có bố là người Tàu, khi chết chôn ở tỉnh Thái Bình. Hai là các cán bộ cao cấp thời đó đã phản đối nhưng ông Hải được sự nâng đỡ của ông Nông Đức Mạnh nên vẫn giữ chức bộ trưởng.”
“Tôi nắm được tư liệu này là vì khi ấy tôi còn làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Một trợ lý của ông Nông Đức Mạnh đã mang tài liệu đó đến cho tôi cũng như nhiều nhà báo khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, các nhà báo khác trong hệ thống báo chí nhà nước. Nhưng mà vụ việc, các đơn tố cáo bị chìm xuồng. Các nhà báo thì không ai dám lên tiếng cả.”
“Bây giờ thì có thể nhìn vào hồ sơ mà Ủy ban trung ương vừa kết luận, ông này là chuyên gia kiến tạo để nhằm tất cả nguồn điện than vào Việt Nam mà thế giới người ta bỏ đi, Trung Quốc cũng bỏ đi, thế nhưng ông Hải vẫn đứng ra chủ trì để đưa nhiệt điện phế thải của Trung Quốc vào Việt Nam.”
Ông Phạm Thành nhắc lại hậu quả mà các báo nhà nước Việt Nam tường thuật rằng dự án Gang Thép Thái Nguyên “đã có trên 8.100 tỷ đồng đầu tư mấy chục năm nay, cuối cùng thành bãi thải rác” và “rất nhiều dự án nhiệt điện khác do ông Hải khi còn ở cương vị phó thủ tướng đưa về”.
Bây giờ thì có thể nhìn vào hồ sơ mà Ủy ban trung ương vừa kết luận, ông này là chuyên gia kiến tạo để nhằm tất cả nguồn điện than vào Việt Nam mà thế giới người ta bỏ đi, Trung Quốc cũng bỏ đi, thế nhưng ông Hải vẫn đứng ra chủ trì để đưa nhiệt điện phế thải của Trung Quốc vào Việt Nam. – Nhà báo Phạm Thành
Ông Phạm Thành cũng đề cập chuyện blogger, nhà báo tự do Lê Anh Hùng “từng viết tố cáo ông Hoàng Trung Hải ‘làm tay trong của Trung Quốc’ từ hàng chục năm nay mà không ai xử lý”.
Đề cập về mối liên hệ giữa việc ông Hoàng Trung Hải sắp bị đảng Cộng sản Việt Nam xử lý kỷ luật và chuyện đấu đá phe phái trước Đại hội Đảng 13, ông Phạm Thành nói:
“Đại hội nào chẳng có đấu đá phe cánh, đương nhiên phe cánh này loại phe cánh kia. Tôi thấy rằng việc đưa được Hoàng Trung Hải ra để xử lý như vậy không biết tới đâu, nhưng nếu làm triệt để thì cũng là dấu hiệu tốt.”
“Bởi vì cái sự nguy hiểm của Hoàng Trung Hải là âm thầm, phá hoại cơ sở hạ tầng mạnh hơn những người khác. Nên nếu mà xử lý được, tống tù ông ta như Đinh La Thăng thì quá tốt. Nhưng mà tôi sợ rằng họ cũng chỉ làm tới mức đó thôi. Vì xử lý Hoàng Trung Hải là đụng đến vấn đề cán bộ do Trung Nam Hải quản lý. Nên việc này là rất khó. Người dân vui và hy vọng, những người có tư tưởng thoát Tàu cũng vui và đang chờ xem các phe phái đấu nhau thế này là đi tới đâu. Bắt Hoàng Trung Hải vào tù là dấu hiệu tốt, cũng có thể là tín hiệu tốt trong việc giữ gìn độc lập và thoát Trung. Chúng ta còn phải chờ xem.”
Từ một góc độ khác, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, nói với RFA hôm 12/12 về việc ông Hoàng Trung Hải sắp bị kỷ luật:
“Cái thứ nhất là việc chống tham nhũng không có vùng cấm. Người nào, bất cứ cương vị nào mà có sai phạm thì đều bị xử, không có loại trừ. Cũng không xử nội bộ mà xử công khai. Nghị quyết của Đảng cũng nói rằng sai phạm của một bộ phận không nhỏ, kể cả cấp quản lý, lãnh đạo bên trên.”
“Cái thứ hai là việc [ông Hoàng Trung Hải ]đã nghỉ rồi, tức là cái việc xảy ra cách đây ba bốn năm thì đã có tiền lệ rồi. Xử một số ông bộ trưởng, rồi xử ông Đinh La Thăng cũng nguyên là Bộ Chính trị. Cho nên cái này không có gì mới. Về ông Đinh La Thăng thì có khác một chút là khi Ban Chấp hành trung ương đã cách chức ra khỏi Bộ Chính trị rồi, sau đó thì mới khởi tố. Còn bây giờ ông Hoàng Trung Hải đương là Bộ Chính trị, đương chức, bị đề nghị kỷ luật. Gần đây có những văn bản quy định pháp luật trong nội bộ mà tôi cũng không nắm được. Thường thì những người đương là Bộ Chính trị mà việc bị xử lý kỷ luật là của Ban Chấp hành trung ương. Còn bây giờ Ban Chấp hành trung ương đã ủy quyền cho Bộ Chính trị thì cái đó có một số văn bản không công khai thì tôi không nắm được.”
Đề cập về cáo buộc ông Hoàng Trung Hải “có yếu tố cài cắm liên quan đến Trung Quốc”, Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết rằng “người ta nói lâu rồi nhưng cái kỳ thị sắc tộc thế là âm mưu sai lầm”.
Ông giải thích:
“Bố ông Hoàng Trung Hải là người Việt gốc Hoa, tham gia kháng chiến thời chống Pháp. Sau thì con ông ấy lại tiếp tục tham gia cách mạng, hoạt động rồi trưởng thành như thế thì cũng là bình thường chứ không phải là người mới tinh hay là người Hoa mới nhập tịch Việt Nam. Đó là câu chuyện khác. Tôi có nghe bố ông Hải là thiếu tướng, sau đó ông Hoàng Trung Hải là con rồi trưởng thành lên. Cho nên nếu như vậy mà nói cài cắm thì lộ quá.”
Không bàn luận sâu về mối liên quan giữa vụ việc của ông Hoàng Trung Hải và đấu đá phe phái trước Đại hội Đảng 13, nhưng Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng “thực tế là có hiện tượng như thế nhưng có sai phạm và có chứng cứ rõ ràng thì mới xử được, như vậy phải chăng là có phe chống tiêu cực và phe tiêu cực” và “cũng có thể là có câu chuyện ấy nhưng đâu phải là do mình dựng lên và muốn xử ai cũng được”.
Trong cùng vụ việc TISCO II, các ông Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ- cùng là nguyên phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ; ông Nguyễn Văn Tài-nguyên phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành; ông Đỗ Cảnh Dương-Tổng cục trưởng Tổng Cục Địa Chất và Khoáng Sản, Bộ Tài nguyên- Môi trường, nguyên cán bộ Văn Phòng Chính Phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II.
Dự án TISCO II được phê duyệt vào năm 2005 với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng (tương đương hơn 240 triệu đô la Mỹ). Dự án này có 2 gói thầu chính: gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với giá trị thánh toán trên 220 tỷ đồng; gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim được tổ chức đấu thầu và Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc MCC trúng thầu với giá hơn 160 triệu đô la Mỹ.
Theo kết luận thanh tra toàn diện về dự án TISCO II của Thanh Tra Chính phủ Hà Nội thì TISCO điều chỉnh sai qui định từ 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng. Đến năm 2013 MCC và các nhà thầu dừng thi công dự án; đến nay một số thiết bị gỉ sét, hư hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.
Vào tháng 4 năm nay, Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Bộ Công an Việt Nam thông báo đã khởi tố vụ án về tội ‘vi phạm qui định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’. Thông báo được đưa ra khi điều tra mở rộng 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án TISCO II.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong 12 dự án ngàn tỷ bị cho là yếu kém của ngành Công Thương Việt Nam đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-case-of-former-deputy-pm-hoang-trung-hai-is-managed-by-zhongnanhai-observer-12122019091528.html
Gần 20 cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước
bị triệu tập đến phiên tòa xử
cựu Phó chủ tịch TP Hồ Chí Minh
Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định triệu tập 18 cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên xử cựu Phó Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cùng đồng phạm vào ngày 26/12 tới. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 11/12.Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.
Ông Nguyễn Hữu Tín bị truy tố theo điều 219 Bộ luật Hình sự – “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Theo truyền thông trong nước, tòa án triệu tập đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo 09 của thành phố, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Cục thuế. Ngoài ra, 6 cơ quan nhà nước khác trực thuộc sở, ngành của thành phố cũng bị triệu tập đến tòa.
Tòa cũng gửi thư triệu tập đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, giám định viên Bộ Tài Chính.
Ông Nguyễn Hữu Tín từng là Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, môi trường của thành phố cho đến khi chính thức nghỉ hưu vào tháng 11 năm 2017.
Ông Tín cùng 4 đồng phạm khác là các cựu lãnh đạo các cơ quan phụ trách nhà đất, môi trường, và văn phòng của Ủy ban Nhân dân thành phố bị truy tố vì có liên quan đến việc giao nhà, đất tại số 15 Thi Sách, Quận 1, cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, gây thất thoát tài sản của nhà nước lên đến 6,7 tỷ đồng.
Cựu sĩ quan công an Vũ “nhôm” là người hiện đang phải chịu án tù với một loạt các tội danh bao gồm cố ý làm lộ bí mật nhà nước, trốn thuế, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nearly-20-individuals-companies-organizations-summoned-to-trial-of-former-vice-chairman-of-hcm-city-12122019073845.html
Công an nói nhiều người ‘nước ngoài’
chọn Đà Nẵng làm địa bàn phạm tội
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, hôm 12/12 nói tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân TP. Đà Nẵng rằng có nhiều người ‘nước ngoài’ chọn thành phố làm địa bàn phạm tội và thừa nhận có những sơ hở trong quản lý lưu trú của cơ quan chức năng.Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày trích lời ông Giám đốc Công an Đà Nẵng nói người nước ngoài đến thành phố ngoài mục đích du lịch, một số đã lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất, nhập cảnh để vi phạm pháp luật.
Ông Viên khẳng định những người nước ngoại vi phạm ‘gần như không thiếu hành vi nào’, từ trộm cắp, ma túy, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo công nghệ cao, đánh bạc, sản xuất phim đồi trụy phát tán lên Internet.
Một điểm đáng chú ý được ông Viên nói là hiện nay có một số phụ nữ trẻ sinh năm 1993 – 1994 từ địa phương khác đến Đà Nẵng xin lập doanh nghiệp và sau vài tháng thì chuyển cho người ‘nước ngoài’. Việc này được đánh giá có dấu hiệu người ‘nước ngoài’ núp bóng người Việt Nam để kinh doanh trái phép.
Tuy nhiên, báo trong nước không cho biết người đứng đầu ngành Công an Đà Nẵng nói những người ‘nước ngoài’ phạm tội là từ nước nào.
Thực tế cho thấy Đà Nẵng đang là điểm đến của nhiều khách du lịch Trung Quốc và là địa bàn của nhiều tội phạm từ Hoa Lục đến.
Hôm 15/10, chính quyền Đà Nẵng công bố có hơn 400 người Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm đã bị trả về Hoa Lục.
Nhiều vụ việc người Trung Quốc vi phạm tại Đà Nẵng được mô tả giống lời ông Giám đốc Công an thành phố như vụ bắt 5 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc đang bị truy nã hôm 24/11, vụ 5 người Trung Quốc thuê các em gái vị thành viên quay phim khiêu dâm hồi giữa tháng 9, vụ 34 người Trung Quốc dùng công nghệ cao thao túng chứng khoán bị phát hiện hôm 14/9.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-said-many-foreigners-chose-da-nang-as-a-destination-to-perform-criminal-acts-12122019072703.html
VN: sếp bỏ sinh hoạt Đảng,
cấp dưới công tác nước ngoài quá hạn
Hôm 12/12, hai cán bộ thuộc Vụ Thị trường Trong nước của Bộ Công Thương Việt Nam bị kỷ luật “khiển trách” do đi công tác ở châu Âu và ở lại quá hạn trong khi ông vụ trưởng bị tố “bỏ sinh hoạt Đảng.”Tại cuộc họp báo của Bộ Công thương chiều 12/12, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hai công chức Bùi Đức Điền và Phan Hữu Việt Đức chịu hình thức khiển trách do đi công tác nước ngoài “về muộn hơn kế hoạch” và “chưa được lãnh đạo phê duyệt,” theo báo Thanh Niên.
Vụ việc chỉ được phanh khui khi một cán bộ của Vụ này viết đơn tố cáo nói rằng đoàn công tác của Vụ đến các nước Tây Ban Nha, Pháp, Đức vào tháng 4/2018 có “những hành vi không đúng quy định của cán bộ công chức.”
Theo một văn bản của Bộ vào tháng trước, hai công chức Bùi Đức Điền và Phan Hữu Việt Đức chịu hình thức “khiển trách,” trong khi đó cấp trên của hai cán bộ này là ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước, bị “phê bình nghiêm khắc” do “vi phạm quy chế làm việc.”
Theo thông tin của Bộ Công thương, ông Bùi Đức Điền là Phó Trưởng phòng Phân phối Hoàng hóa và Dịch vụ Thương mại, và ông Phan Hữu Việt Đức là Phó Trưởng phòng Hạ tầng Thương mại thuộc Vụ Thị trường Trong nước.
Bộ Công Thương đã lập hội đồng kỷ luật công chức đối với ông Trần Duy Đông, do “có đơn tố cáo và cung cấp hình ảnh liên quan đến việc ông Trần Duy Đông chủ trì đoàn công tác tại các nước Tây Ban Nha, Pháp, Đức vào tháng 4/2018 cho thấy ông đã kết hợp đi tham quan nhiều điểm du lịch, đi du thuyền và chơi golf, xem bóng đá…” theo báo Đất Việt.
Tuy nhiên, báo Đất Việt dẫn lời lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng “hình ảnh chưa đủ căn cứ kết luận đoàn công tác kết hợp đi du lịch.”
Báo VNExpress dẫn đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Dung, một cán bộ của Vụ, cho biết ông Đông “không sinh hoạt Đảng 4 lần trong năm, vi phạm điều lệ Đảng.”
Việc Chi bộ Vụ Thị trường Trong nước không sinh hoạt 4 tháng trong năm 2018, theo Bộ Công Thương, “là vi phạm quy định điều lệ Đảng,” và “Vụ trưởng Trần Duy Đông, với tư cách bí thư chi bộ, có trách nhiệm trong việc này,” trang VNExpress dẫn lời Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nói.
Một thành viên khác của Bộ là ông Nguyễn Văn Hội, với vai trò là trưởng đoàn công tác, Bộ yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chế độ báo cáo kết quả công tác theo quy định,” theo báo Đất Việt.
Cũng tại Bộ Công thương vào cuối 1/2019, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương “bị xem xét sai phạm” trong vụ ông cho điều xe biển xanh đón vợ mình ở phi trường Nội Bài. Vụ việc khiến ông Tuấn Anh phải viết thư xin lỗi.
https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-xep-bo-sinh-hoat-dang-cap-duoi-cong-tac-nuoc-ngoai-qua-han/5203234.html
Bộ GD&DT: 161 sinh viên Việt vắng mặt,
chứ không mất tích
Bộ Giáo dục Đào tạo và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang tiếp tục điều tra vụ 161 sinh viên Việt Nam biến mất khỏi Trường Đại học Quốc gia Incheon, theo tin Vietnamnet.Bản tin dẫn lời ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ GD&ĐT, nói 164 sinh viên đang học tiếng Hàn ở Đại học Quốc gia Incheon –161 sinh viên Việt Nam, và 3 sinh viên Uzbekistan, đã không đến trường trong 15 ngày, chứ không mất tích như một số nguồn tin tường trình.
Ông Hưng nói rằng Bộ GD&ĐT sẽ tìm hiểu các sinh viên đó đã sang Hàn quốc học tập theo hình thức nào, và bất cứ vụ vi phạm nào về quy định cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Báo The Star nói rằng các sinh viên ấy nằm trong số khoảng 1900 sinh viên Việt Nam tham gia khóa đào tạo 1 năm tại Viện Ngôn ngữ Hàn quốc thuộc Đại học Quốc gia Incheon. Khóa đào tạo này đã bắt đầu cách đây 4 tháng, tức là vào tháng 8.
Tờ báo này dẫn lời cảnh sát Hàn Quốc tin rằng các sinh viên Việt Nam đã tìm được việc làm sau một thời gian ngắn học tiếng Hàn.
Báo the Star cho biết nhà trường đã trình báo với chính quyền Hàn Quốc hôm 10/12, nói rằng các sinh viên đã không đến trường trong 15 ngày. Giới hữu trách nghi ngờ các du học sinh đã bỏ trốn, và mục đích của họ khi tới Hàn Quốc là tìm được việc làm.
Bản tin của VNA nói rằng Hàn Quốc có thể sẽ siết chặt chính sách cấp giấy nhập cảnh cho du sinh Việt Nam, sau tai tiếng mới nhất này.
Hãng thông tấn Yonhap nói theo luật cư trú Hàn Quốc các trường đại học phải trình báo cho cảnh sát nếu du học sinh nước ngoài không tới trường trong hơn 15 ngày.
Một người phát ngôn của Đại học Incheon được Yonhap dẫn lời nói rằng: “Nhiều sinh viên trả rất nhiều tiền cho những nhà môi giới tại Việt Nam để sang Hàn Quốc theo học các khóa ngoại ngữ ngắn hạn. Nhưng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.”
ĐH Incheon và Cục Xuất Nhập cảnh Hàn Quốc đang tìm các biện pháp ngăn chặn hành vi lợi dụng du học để sang lao động bất hợp pháp tại nước này.
Theo Vietnam News và Asia News Network, tổng cộng hiện có hơn 37.400 sinh viên Việt Nam trên khắp Hàn Quốc, tăng hơn 10.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-gddt-161-sinh-vien-vn-vang-mat-chu-khong-mat-tich/5203378.html
Có thể xóa nạn tham nhũng
do tư bản cấu kết cùng chính quyền?
Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10 được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 12, với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.Liêm chính trong kinh doanh
Tại Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10, thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, phát biểu rằng Hội nghị thành công không chỉ ở việc các nước cùng trao đổi, thảo luận và thống nhất các giải pháp, chương trình hành động phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, cơ sở hạ tầng mà còn là cơ hội làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các nước thành viên và vùng lãnh thổ cùng các đối tác phát triển quan trọng.
Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng được báo giới quốc nội dẫn lời cho biết rằng những giải pháp cho giai đoạn tiếp theo về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng được đề cập trong hội nghị này sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, và theo các giải pháp đó, Việt Nam sẽ đồng hành cùng các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như trong công việc phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực này.
Châu Á-Thái Bình Dương là một diễn đàn. Tất cả các nghị quyết của Châu Á-Thái Bình Dương thì không mang tính bắt buộc, mà chỉ mang tính khuyến nghị đối với các nước thành viên cho nên có sự khác biệt so với của Liên Hiệp Quốc (LHQ). LHQ có Công ước Phòng, chống tham nhũng và một loạt các công ước khác như chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố…Những công ước đó của LHQ mạnh hơn, góp phần cho Việt Nam một cách căn bản, nhiều hơn là của Châu Á-THái Bình Dương
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Đài RFA ghi nhận, trong các buổi thảo luận tại Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10, một đại biểu của Việt Nam là ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh về yếu tố doanh nghiệp cần phải nhận thức được sự liêm chính trong kinh doanh là nền tảng tương tác giữa cộng đồng và chính phủ; đồng thời đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét sửa đổi, xóa bỏ các điểm còn chồng chéo trong Luật Đầu tư để phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị còn thống nhất rằng việc phòng, chống tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi sự tham gia chủ động và quyết liệt của toàn xã hội.
Hiệu ứng từ Hội nghị?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ở Singapore lên tiếng với RFA rằng yếu tố liêm chính và minh bạch trong kinh doanh đóng vai trò chủ chốt đối với vấn đề phòng, chống tham nhũng, không chỉ trong các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà trong mọi lĩnh vực của một quốc gia. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp viện dẫn một trường hợp điển hình vừa mới xảy ra tại Việt Nam:
“Vừa qua mới có một vụ rất lớn liên quan một công ty của chính phủ là Công ty Mobifone mua Công ty AVG của tư nhân và đã xảy ra chuyện tính toán giá trị công ty bị sai. Sau khi AVG trả lại tiền thì đã phát hiện ra có sự nhận hối lộ trong thương vụ này và dẫn đến chuyện hàng chục người bị bắt, mà trong đó có 2 cựu bộ trưởng. Đấy là một ví dụ lớn nhất mà Chính phủ Việt Nam đã làm được trong việc liêm chính và minh bạch trong mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Đấy là việc họ làm tốt.”
Theo ghi nhận của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì kể từ khi Việt Nam ký tham gia Công ước Phòng, chống tham nhũng của LHQ hồi năm 2003 cho đến nay thì Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực hơn trong việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định rằng Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chẳng hạn như Hội nghị lần thứ 10 được tổ chức tại Việt Nam không có tác động bao nhiêu cho công cuộc chống tham nhũng của Chính phủ Hà Nội:
“Châu Á-Thái Bình Dương là một diễn đàn. Tất cả các nghị quyết của Châu Á-Thái Bình Dương thì không mang tính bắt buộc, mà chỉ mang tính khuyến nghị đối với các nước thành viên cho nên có sự khác biệt so với của Liên Hiệp Quốc (LHQ). LHQ có Công ước Phòng, chống tham nhũng và một loạt các công ước khác như chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố…Những công ước đó của LHQ mạnh hơn, góp phần cho Việt Nam một cách căn bản, nhiều hơn là của Châu Á-THái Bình Dương.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội nêu lên quan điểm của ông đối với một số ý kiến đề nghị cho phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã được đưa ra tại Hội nghị Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 10:
“Người ta đặt vấn đề ‘liêm chính’ thì gần như là một lời kêu gọi các ông (doanh nghiệp) phải thế này, thế nọ, thế kia…Nhưng tôi nghĩ không hiểu quả. Còn cũng là lời kêu gọi ‘tất cả xã hội tham gia’ mà không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí thì tham gia kiểu gì? Cho nên, nghe thì có vẻ hay nhưng thật sự là không giải quyết được vấn đề gì cả.”
Chống tham nhũng không hiệu quả
Nhà nước Việt Nam trong những năm gần đây thể hiện quyết tâm chống tham nhũng một cách quyết liệt, qua những lời tuyên bố đanh thép của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như qua các vụ đại án lần lượt được xét xử, gây chú ý trong dự luận trong và ngoài nước.
Mặc dù vậy, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International-TI) công bố báo cáo hàng năm hồi năm 2018 đã xếp hạng Việt Nam 107/180 nước và tụt 10 hạng trong năm 2019, đứng thứ 117/180.
Trong phần báo cáo về tình hình tham nhũng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, phổ biến vào cuối tháng 1 năm 2019, Việt Nam được nêu danh có dính líu đến những vụ tham nhũng liên quan các công ty của Đan Mạch, Nhật Bản và Hoa Kỳ từ năm 2015 đến năm 2017.
Mới đây nhất, Công ty viễn thông Ericsson của Thụy Điển, trong tháng 12 năm 2019 đã thừa nhận đã đút lót cho các quan chức chính phủ của một số nước ở Châu Á, trong đó có Việt Nam để nhận được các hợp đồng lớn.
Từ Na-Uy, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng Việt Nam muốn đạt được hiệu quả trong chống tham nhũng thì phải hướng tới hai khía cạnh bao gồm kỹ thuật và thể chế. Qua ứng dụng messenger, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích:
Tôi nghĩ rằng 3 việc, tức là phải có một nền pháp trị nghiêm minh, phải có tư pháp độc lập và phải có tự do báo chí, tự do ngôn luận thì có cả 3 thành tố đấy mới giúp cho vấn đề tham nhũng giảm được
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
“Về mặt kỹ thuật thì để chống tham nhũng, một chính quyền cần thiết lập các cơ chế sao cho nhân viên chính phủ không có cơ hội để tham nhũng, không tìm cách tham nhũng vì đã được bảo đảm một mức thu nhập tốt và không dám tham nhũng vì mức phạt rất nặng. Có rất nhiều cách khác nhau nhằm đảm bảo nhân viên chính phủ không có cơ hội để tham nhũng chẳng hạn như không cho người gửi hồ sơ và người xét duyệt hồ sơ được tiếp xúc trực tiếp với nhau, hồ sơ được nộp trực tuyến, ẩn danh người nộp hồ sơ, luân chuyển người xét duyệt, tổ chức xét duyệt theo hội đồng, công bố quy định thời gian và quy chuẩn xét duyệt công khai, minh bạch…Nhưng quan trọng nhất là ở khía cạnh thể chế và quyết tâm chính trị. Muốn chống tham nhũng thì thể chế phải trước hết bảo đảm một nhà nước thượng tôn pháp luật, pháp luật phải được thực hiện công bằng và minh bạch, không ai được đứng trên hoặc bẻ cong pháp luật. Có như vậy, khi mà tất cả các công dân đều tuân thủ pháp luật thì các vấn đề về mặt kỹ thuật chống tham nhũng nêu trên mới mang lại hiệu quả.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhấn với RFA rằng “Một nền tư pháp độc lập là yếu tố cần thiết để hạn chế tham nhũng.”
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định:
“Tôi nghĩ rằng 3 việc, tức là phải có một nền pháp trị nghiêm minh, phải có tư pháp độc lập và phải có tự do báo chí, tự do ngôn luận thì có cả 3 thành tố đấy mới giúp cho vấn đề tham nhũng giảm được.”
Tuy nhiên, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam lại cho là khi nào còn thể chế độc đảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước thì khi đó tình trạng tham nhũng vẫn tiếp diễn và thậm chí ngày một tệ hại hơn, như ý kiến của nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu-Ban Dân vận Trung ương, ông Nguyễn Khắc Mai rằng:
“Điều này gần như là thói quen và quy luật rồi. Bởi vì rất dễ hiểu là khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát. Có lần ông Trọng từng nhận định là phải chống tham nhũng trong bộ phận đi chống tham nhũng. Cho nên chuyện này gần như là đương nhiên và đây là một nỗi đau lớn của dân tộc.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-possible-to-eradicate-corruption-by-crony-capitalism-12112019125947.html
Tin tặc Việt Nam được chính phủ hậu thuẫn
đánh cắp bí mật thương mại của BMW và Huyndai
Nhóm tin tặc Việt Nam có tên ‘Ocean Lotus (Hoa Sen Đại Dương) bị cho đã thâm nhập vào mạng của hai tập đoàn xe hơi BMW và Huyndai để đánh cắp bí mật thương mại, theo các trang tin và truyền hình của Đức.Theo đó, nhóm tin tặc ký hiệu APT32, và cũng có tên Ocean Lotus, được nhà nước Việt Nam hỗ trợ, trong mấy tháng qua đã thâm nhập mạng máy tính của hai tập đoàn BMW và Hyundai rồi cài đặt mã do thám vào.
Theo các bản tin này, APT32 cài đặt công cụ gọi là Cobalt Strike giúp cho tin tặc có thể tiến hành do thám trên máy tính.
Tập đoàn BMW sau khi phát hiện bị thâm nhập đã cho đội ngũ an ninh mạng của tập đoàn theo dõi hoạt động tin tặc trước khi trục xuất chúng ra khỏi mạng của tập đoàn vào đầu tháng 12 vừa qua.
BMW trong thông báo của mình sau đó nói rõ tập đoàn này đã thực hiện những bước kỹ thuật nhằm giảm thiểu đến mức tối đa nguy cơ truy cập không phép từ bên ngoài vào mạng của tập đoàn. Song song đó tập đoàn có thể phát hiện nhanh chóng, tái thiết kế và phục hồi trong trường hợp xảy ra sự cố.
Các trang tin của Đức cho rằng nhóm hackers này đã tìm kiếm các bí mật thương mại của BMW để giúp cho VinFast, công ty xe hơi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
VinFast hồi năm ngoái đã ra mắt xe hơi sản xuất tại Việt Nam, sử dụng công nghệ bản quyền của BMW mà hãng này mua của BMW.
Trong trường hợp Huyndai, đến nay chưa có thêm chi tiết nào về vụ bị tấn công bởi tin tặc được nhà nước Việt Nam hỗ trợ.
Nhóm APT32 hay Ocean Lotus được biết đến qua những hoạt động gián điệp mạng và trước đây từng nhắm đến những doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Nhóm này trước đó cũng có liên quan đến một vụ tấn công nhắm vào công ty xe hơi Nhật Bản là Toyota ở Australia, Nhật và Việt Nam.
Theo báo chí Đức, một số các chuyên gia nước ngoài cho rằng, chính phủ Việt Nam đang học theo cách của Trung Quốc là cho tin tặc xâm nhập vào mạng các công ty nước ngoài để đánh cắp bí mật thương mại để sử dụng cho các công ty trong nước.
Trung Quốc đã sử dụng cách này để phát triển công nghiệp hàng không của mình. Các chuyên gia quốc tế tin là giờ đây Việt Nam cũng đang làm tương tự để giúp công ty xe hơi non trẻ VinFast.
Hiện hãng VinFast vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về những cáo buộc này trên báo chí Đức.
Nhóm FireEyes chuyên về an ninh mạng cho biết APT32 hay Ocean Lotus cũng nhắm đến các nhà hoạt động chính trị và những người cổ xúy cho tự do ngôn luận tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bmw-and-hyundai-compromised-by-vietnamese-state-backed-hackers-12122019081819.html
TP HCM diễn tập chống khủng bố vào ngày 15/12
Phó giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Sỹ Quang vào ngày 12 tháng 12 cho biết như vừa nêu tại buổi họp báo công bố cuộc diễn tập xử lý tình huống an ninh trật tự, chống khủng bố trên địa bàn thành phố.Đại tá Quang cũng cho biết đây sẽ là cuộc diễn tập có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều cơ quan như Công an TPHCM, Bộ tư lệnh TPHCM, UBND TPHCM, Cảng quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất…
Vị phó giám đốc Công an TPHCM cũng cho rằng cuộc diễn tập nhằm đánh giá khả năng thực binh, ứng phó của các đơn vị khi có các sự cố xảy ra như: các thành phần xấu lợi dụng không gian mạng để kích động, gây rối trật tự hoặc nhóm khủng bố lợi dụng tình hình phức tạp để tấn công trụ sở, cơ quan nhà nước, bắt giữ cán bộ, hoặc dùng chất nổ đe dọa khủng bố cơ quan nhà nước .v.v.
Được biết, vào ngày 30/9/2019, một vụ nổ đã xảy ra tại trụ sở Cục thuế tỉnh Bình Dương và Cơ quan an ninh điều tra công an Bình Dương sau đó xác định vụ nổ xảy ra do các đối tượng khủng bố thực hiện nên đã khởi tố vụ án hình sự “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-holds-anti-terrorism-drill-in-dec15-12122019072617.html
David Hutt: ‘Việt Nam sẽ mất đảng CS nhanh hơn
nếu liên kết với Trung Quốc’
Tina Hà GiangBBC News Tiếng ViệtTrước tình trạng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, Hà Nội ngày càng khó giữ được sự cân bằng trong liên hệ ngoại giao với hai cường quốc đối thủ, tác giả David Hutt bình luận.
David Hutt, nhà báo làm việc tại Á châu, chuyên viết trong mục ‘Đông Nam Á’ của The Diplomat, đưa ra nhận định này trong bài ‘‘Cạnh tranh giữa Mỹ và TQ khiến Việt Nam khó xoay sở’‘.
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 10/12, David Hutt giải thích rằng Hà Nội thật ra không có lựa chọn nào hơn là giải pháp ngoại giao – có vẻ không hữu hiệu, trước một Trung Quốc ngày càng trở nên táo bạo và không có lý do gì phải nhượng bộ.
Tình trạng được David Hutt gọi là tiến thoái lưỡng nan này xảy ra là vì, theo ông, bận tâm lớn nhất của Hà Nội là không muốn mất chế độ cộng sản, vì thế mọi quyết định liên quan đến chính sách ngoại giao đều bị nỗi ám ảnh sợ mất đảng chi phối.
Thế nhưng ông cũng cho rằng Việt Nam cũng không muốn mất nước (khẳng định chủ quyền trên vùng Biển Đông), vì nếu để mất nước thì ”tính chính danh của nhà nước Việt Nam sẽ bị đe dọa.”
Carl Thayer: ‘Tam giác ngoại giao VN, TQ và Mỹ sẽ còn căng’
VN ‘quá rụt rè trước TQ’ trong vấn đề Biển Đông
Điều gì đang ‘đẩy’ VN ra xa Trung Quốc và tới gần Mỹ hơn?
Giữa thế tiến thoái lưỡng nan này, David Hutt kết luận rằng Hà Nội sẽ mất đảng nhanh hơn nếu liên kết với Trung Quốc.
David Hutt: Vấn đề của Hà Nội là, khi Trung Quốc trở nên táo bạo hơn, Hà Nội mất đi nhiều lựa chọn. Hiện tại, những gì Việt Nam có chỉ là ngoại giao. Hà Nội cố gắng đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh, điều này đôi khi có kết quả, nhưng biện pháp ngoại giao đòi hỏi Bắc Kinh phải tử tế.
Trung Quốc giờ đã xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông, nên các tàu của họ không cần phải quay trở lại đất liền để lấy thêm nguyên liệu, vì vậy họ có thể quấy rối tàu biển Việt Nam thường xuyên hơn và lâu hơn.
Ngoài ra, nếu Bắc Kinh thuyết phục được ASEAN ký kết bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông với các điều khoản Bắc Kinh muốn, thì chẳng lâu sau đó Hà Nội có thể sẽ buộc phải ngừng khoan dầu với các đối tác nước ngoài – hiện đang là các công ty Mỹ và Nga, cũng như tham gia hợp tác quân sự với Mỹ. Vì vậy, Hà Nội sớm có thể mất đi phòng thủ chính của mình.
Hà Nội còn có những lựa chọn nào khác? Việt Nam không thể đụng độ quân sự vì quân đội của họ yếu hơn hẳn so với Trung Quốc, và tại thời điểm này, nếu có chiến tranh, Hà Nội không tin là Mỹ sẽ đến hỗ trợ. Điều tôi muốn nói là Hà Nội cần nghĩ ra những ý tưởng mới và không thể phụ thuộc vào mong muốn rằng tình huống nguyên trạng sẽ kéo dài.
Ví dụ, ông Trọng hoặc ông Phúc có thể đến Washington, nâng cao quan hệ đối tác của họ thành một đối tác chiến lược, và thậm chí đưa ra ý tưởng về một liên minh hiệp ước – để nếu có cuộc tấn công vào Việt Nam thì Hoa Kỳ sẽ phải đáp trả.
Điều này sẽ thay đổi chính sách đối ngoại được quyết định vào thập niên 1990 của Việt Nam. Mọi thứ bây giờ rất khác xưa và Hà Nội cần phải bắt đầu có những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ nếu muốn làm chủ được tình hình. Thật thế, Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ không chủ động thích ứng được với các sự kiện chung quanh.
Hà Nội đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, vấn đề là hình như họ không có vẻ như muốn ra khỏi vị trí đó, nơi họ ngày càng bị đẩy sâu vào hơn.
BBC:Bài viết của ông trích dẫn câu châm ngôn ”chơi với Mỹ mất chế độ, chơi với Trung Quốc mất nước”. Theo ông thì nếu bắt buộc phải chọn, Hà Nội sẵn lòng bỏ chủ nghĩa cộng sản hơn hay sẵn lòng bỏ lãnh thổ hơn?
David Hutt: Ồ, họ không muốn bỏ cái nào. Tôi đoán là Đảng Cộng sản có lẽ muốn tự cứu mình nhiều hơn. Nhưng bây giờ đảng và nước gắn liền với nhau. Tôi nghĩ rằng, ngoài tăng trưởng kinh tế, bảo vệ lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông giờ đây là điều duy nhất mang lại đến cho đảng chút tính hợp pháp. Từ bỏ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông là điều tôi cho là có thể khiến đảng Cộng sản Việt Nam bị sụp đổ.
BBC: Ông nhận định rằng nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam sẽ cao hơn nếu Hà Nội liên kết với TQ thay vì nghiêng hẳn về phía Mỹ. Xin giải thích tại sao.
David Hutt: Đúng! Việt Nam sẽ có thể mất đảng nhanh hơn nếu liên kết với Trung Quốc.
Trước hết, theo tôi, chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay mãnh liệt đến mức nó thực sự đe dọa Đảng Cộng sản. Nguyễn Tấn Dũng quản lý tinh thần bài Trung khá tốt khi ông còn là Thủ tướng, như trong các sự kiện năm 2012. Nhưng kể từ năm 2016, nhiều người dân Việt Nam bây giờ cho rằng thấy nhiều lãnh đạo của Đảng hiện nay, đặc biệt là những người như Nguyễn Phú Trọng, là tay sai của Bắc Kinh.
Hãy nhìn vào các cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu năm ngoái hoặc các cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016; đó là những sự kiện khiến công chúng Việt Nam thực sự tức giận và đang dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt trong đảng. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn liên kết với Bắc Kinh, trong trường hợp đó sẽ phải từ bỏ chủ quyền của mình ở Biển Đông, tôi nghiêm túc nghĩ rằng điều đó sẽ dẫn đến sự tức giận công khai đến mức Đảng Cộng sản bị đe dọa.
Thứ hai, chính phủ Hoa Kỳ không có mục đích thay đổi chế độ, tạo ”diễn biến hòa bình” hay sự ”tự chuyển hóa” ở Việt Nam. Họ muốn từ Hà Nội một chính phủ thân thiện, phản đối sự bành trướng của Trung Quốc, điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang làm. Các dân biểu Mỹ nói đúng, chính quyền Hoa Kỳ đã vuốt ve Việt Nam. Hãy nhìn cách họ nhân nhượng với Việt Nam, chẳng hạn như khi Obama rút lệnh cấm bán vũ khí mà không bắt Hà Nội phải có bất kỳ tiến bộ nhân quyền lớn nào.
So sánh điều này với cách Mỹ đối phó với Campuchia hoặc Thái Lan. Tập đoàn Podesta, với mối liên hệ chặt chẽ với Đảng Dân chủ và Trump, đã vận động chính phủ Việt Nam trong nhiều năm và giết chết các dự luật đòi hỏi VN phải có nhiều tiến bộ về nhân quyền của Hoa Kỳ. John Kerry cũng bị cáo buộc đã làm việc chăm chỉ trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao để ngăn chặn bất kỳ dự luật nào như vậy đi qua Quốc hội.
Nhưng nếu Việt Nam không còn tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông và không còn đưa ra một thái độ chống Trung Quốc trong ASEAN, thì Mỹ không có lý do gì để nâng niu Việt Nam. Nếu Hà Nội gắn kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, thì Mỹ sẽ tìm cách thay đổi chế độ ở Hà Nội. Và nếu Hà Nội liên kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, người dân Việt Nam sẽ phản đối với con số lớn chưa hề thấy trong nhiều thập niên. Theo tôi, Đảng Cộng sản có nhiều thứ để mất trong nước và quốc tế nếu nó nghiêng hẳn về với Bắc Kinh hơn với Washington.
BBC:Gỉa sử nhận định vừa rồi là đúng, ông có nghĩ rằng Hà Nội cũng nhận ra điều đó và vì thế không muốn hoàn toàn liên kết với Trung Quốc, hay là họ có những lý do khác để không muốn làm như vậy?
David Hutt: Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng sản, trước hết, không thích thay đổi. Nó muốn mọi thứ, trong nước và quốc tế, được giữ nguyên trạng như hiện tại. Xét cho cùng, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao hơn – ví dụ, có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – và Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền.
Vì vậy, với các nhà lãnh đạo đảng mọi thứ bây giờ khá tốt. Nhưng mọi thứ cũng đang thay đổi và tôi không nghĩ rằng Đảng Cộng sản, về bản chất, giỏi thích nghi với thay đổi. Về mặt tư tưởng, họ muốn gần gũi với Bắc Kinh, với tư cách là anh em xã hội chủ nghĩa, và chắc chắn họ nghi ngờ ý đồ của Hoa Kỳ – mặc dù, như tôi đã nói trước đây, nỗi sợ về sự tiến hóa hòa bình của Hà Nội thực sự không phù hợp với thực tế.
Tôi không thấy có các phe thân Mỹ hoặc thân Trung Quốc trong đảng – Tôi nghĩ rằng nhận định này từ đâu đó là điều đã bị cường điệu hóa. Nhưng hiện Hà Nội đang đứng trước một tình huống rất khó khăn phải giải quyết.
Nếu không làm gì và hy vọng rằng mọi việc sẽ còn ở nguyên trạng, Hà Nội có nguy cơ không thể chủ động thích ứng được với các sự kiện. Nhưng nếu liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, Việt Nam có nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc và các vấn đề kinh tế. Mặt khác, nếu nó liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc, họ sẽ mất quyền khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và có nguy cơ khiến Washington ngày càng tức giận và có biện pháp trừng phạt.
Vì vậy, như tôi đã viết trong bài, Hà Nội phải chọn một con đường ít xấu nhất, và đó là một quyết định thực sự khó khăn. Tôi chỉ muốn nói đây là một quyết định mà Hà Nội sẽ phải đưa ra vào một lúc nào đó.
BBC: Điều gì cần xảy ra để giúp Hà Nội thoát khỏi tình huống khó xoay sở này? Và nếu được hỏi, ông khuyên chính phủ Việt Nam nên làm gì?
David Hutt: Tự hào về điều mình là người ủng hộ phong trào dân chủ hóa Việt Nam, và những người dũng cảm đấu tranh cho quyền tự trị của chính họ – như Phạm Chí Dũng vừa bị bắt tháng trước – tôi sẽ khuyên Đảng Cộng sản cải cách hệ thống chính trị, cho các đảng độc lập được phép hoạt động và cho người dân Việt Nam có được bầu cử dân chủ thực sự. Tôi nói điều này với tất cả sự chân thành và cẩn trọng.
Vấn đề đối với Hà Nội ngay bây giờ là chính sách đối ngoại chỉ đứng hàng thứ yếu so với sự tồn tại của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản nghĩ về vị trí của chính mình trước, rồi mới nghĩ đến chính sách đối ngoại.
Vì vậy, nếu Việt Nam bắt đầu dân chủ hóa, thì chính sách đối ngoại sẽ trở nên đơn giản hơn: Hà Nội sẽ không phải lo lắng về việc Mỹ muốn đổi chế độ; sẽ không phải lo lắng về việc xúc phạm người anh em xã hội chủ nghĩa ở Bắc Kinh; và sẽ không còn phải lo lắng là những người bất đồng chính kiến muốn nổi loạn và lật đổ toàn bộ hệ thống nhà nước.
Tâm trạng luôn lo lắng về sự sống còn của đảng CSVN là nguyên nhân tạo ra tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này. Lịch sử dạy chúng ta rằng chính sách đối ngoại của các chế độ và nhà nước độc tài hiếm khi tốt về lâu dài, bởi vì họ luôn thận trọng quá mức về những gì xảy ra trong nước.
Trong một nền dân chủ, nếu một chính sách đối ngoại thất bại, thì sau cuộc bầu cử, chính phủ mới bước vào sẽ tìm cách giải quyết tình hình – và nhà nước vẫn tương đối ổn định. Chỉ cần nhìn vào các sự kiện ở Mỹ sau khi Mỹ bị thua trận trong cuộc chiến Việt Nam, đã không có bất kỳ vấn đề chính trị hay cuộc cách mạng lớn nào. Nhưng ở một quốc gia độc tài như Việt Nam, một chính sách đối ngoại thất bại có thể sẽ gây ra một cuộc cách mạng có nguy cơ tàn phá hủy toàn bộ nhà nước. Nguy cơ này khiến chính phủ thận trọng hơn, bảo thủ hơn và luôn tự phải lo lắng về sự sống còn hơn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50742453
Việt Nam rập theo khuôn
kiểm soát internet của Trung Quốc?
Sao chép Trung Quốc nhưng có khác!Luật An ninh Mạng của Việt Nam cho thấy chính phủ Hà Nội đang gắng chạy theo mô hình kiểm soát internet mà Bắc Kinh áp dụng lâu nay.
Nhận định vừa nêu được tác giả Justin Sherman, thành viên Chính sách an ninh mạng thuộc định chế có tên New America trụ sở chính ở thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, đăng trên tạp chí The Diplomat hôm 11 tháng 12 năm 2019. Tác giả này đồng thời là thành viên của Trung tâm Luật & Công nghệ tại Đại học Luật Duke.
Ông Justin Sherman nhắc lại Luật An ninh Mạng của Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, sau khi được thông qua tại Quốc hội Việt Nam vào tháng 6 năm 2018. Luật này tăng cường sức mạnh cho chính phủ trong biện pháp giám sát hệ thống thông tin và truyền thông ở Việt Nam, chặn và xóa nội dung dữ liệu trực tuyến.
Tác giả Justin Sherman cho rằng Việt Nam nằm trong số các quốc gia ở Đông Nam Á thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát trong lĩnh vực này. Trong năm 2018, số quốc gia trên thế giới bắt đầu kiểm soát internet chặt chẽ hơn ngày càng nhiều.
Những thay đổi chính sách trong lĩnh vực quản trị mạng được đưa ra với nhiều lý do, bao gồm mong muốn bảo vệ đất nước tốt hơn, loại trừ các mối đe dọa an ninh mạng từ nước ngoài, buộc dữ liệu được lưu trữ trong nước để thúc đẩy sáng kiến nội địa.. Tất cả đều là mong muốn kiểm duyệt internet dễ dàng hơn.
Thật sự khi phản đối dự luật an ninh mạng, lúc nó còn là dự luật, chúng tôi đã vạch rõ là nó copy đến bao nhiêu phần từ luật tương tự của Trung Quốc.
-TS. Nguyễn Quang A
Trên thực tế, một số nhà phân tích đã so sánh luật mới của Việt Nam với chế độ quản trị internet của Trung Quốc, một luật được đánh dấu bằng sự kiểm soát, kiểm duyệt và giám sát internet phổ biến. Freedom House đã coi Trung Quốc là “kẻ lạm dụng tự do internet tồi tệ nhất thế giới”suốt 4 năm liên tiếp.
Một số điểm quan yếu trong nỗ lực của chính phủ Việt Nam thúc đẩy kiểm soát hơn nữa mạng Internet cho thấy Hà Nội đang rập khuôn Trung Quốc; dù rằng đối với một số vấn đề khác gồm địa chính trị và kỹ thuật hai nước vẫn bất đồng.
Trả lời RFA hôm 11/12 từ Hà Nội liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, nhận định:
“Thật sự khi phản đối dự luật an ninh mạng, lúc nó còn là dự luật, chúng tôi đã vạch rõ là nó copy đến bao nhiêu phần từ luật tương tự của Trung Quốc, Sự sao chép đấy là hiển nhiên, và tất nhiên Bộ Công an, họ hợp tác với Trung Quốc để làm chuyện này, kể cả chuyện thực thi. Nhưng ở Việt Nam khác với Trung Quốc, ở đó họ không có internet, mà chỉ có mạng nội bộ giống internet thôi. Còn Việt Nam có internet thật, nhưng thỉnh thoảng dựng tường lửa chặn này chặn kia.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết thêm, dù có những điểm khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng rõ ràng là Việt Nam đang sao chép kiểm duyệt internet từ Trung Quốc, mặt dù không thể dễ dàng kiểm soát như Trung Quốc:
“Trung Quốc họ có nhiều nền tảng mạng xã hội của họ như Weibo, Wechat… nhưng Việt Nam thì không có cái đấy. Bây giờ VN bắt chước thì không thành công, cái thành công nhất thì cũng từ nền tảng Trung Quốc như Zalo chẳng hạn. Nó khác nhau ở những cái đó, ngoài ra nó còn khác nhau khả năng về kỹ thuật, con người… của VN không thể bằng TQ được. Một điểm khác nữa là giới đấu tranh của VN, không dám nói là mạnh hơn TQ, nhưng đã dày dạng với sự đàn áp từ trước khi có luật an ninh mạng.”
Việt Nam có bắt chước Bắc Kinh không?
Tác giả Justin Sherman cho rằng chuyện so sánh mô hình quản trị internet theo chủ quyền và có kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào với Trung Quốc là lẽ thường. Cách so sánh như thế chính xác và có giá trị theo một số ngữ cảnh nào đó. Lý do Chính phủ Trung Quốc dẫn đầu thế giới kiểm soát chặt chẽ không gian mạng trong nước.
Tuy nhiên, có một số điều khiến cho hệ thống quản trị internet của họ trở nên độc đáo. Chế độ kiểm duyệt internet của Trung Quốc cực kỳ tinh vi, rộng khắp. Chính phủ có nhân lực mạnh và khả năng công nghệ để thực hiện phân loại nội dung thủ côngvà kiểm tra các ứng dụng… Ngoài ra, Bắc Kinh dễ dàng bơm tài nguyên vào quản lý và kiểm soát internet, trong khi đối với các quốc gia khác để làm được thế là không thể.
Mặc dù vậy, theo ông Justin Sherman, Luật pháp của Việt Nam phù hợp hơn với thông lệ của Bắc Kinh, trong việc khá ngang nhiên về việc theo dõi công dân và kiểm soát các luồng thông tin. Chẳng hạn, ngay sau khi có Luật An ninh mạng, chính phủ Việt Nam cho rằng công ty Facebook đã vi phạm luật pháp, bằng cách cho phép ‘nội dung vu khống chính phủ’ trên nền tảng mạng xã hội của mình. Hay việc luật này quy định, thông tin vu khống hoặc gây rối trở thành “sự xâm phạm an ninh mạng”.
Bản thân Luật an ninh mạng được xây dựng dựa trên luật pháp trước đó đã cho chính phủ những quyền lực rõ ràng trong việc lọc internet và gỡ bỏ nội dung không mong muốn về mặt chính trị.
Đây là một phần lý do tại sao Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists), vào tháng 10 năm 2019, đã xếp Việt Nam là một trong 10 quốc gia kiểm duyệt thông tin nhiều nhất trên thế giới.
Ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ tin học, sở hữu nhiều trang mạng, cho biết ý kiến về việc này:
“Tất nhiên ai cũng biết có những trang đối với nhà nước là nhạy cảm, thì nhà nước chặn lại bằng tường lửa, thì cũng có người bị ảnh hưởng vì không xem được thông tin theo một khía cạnh nào đó. Khi đó mình phải dùng công cụ khác để vào xem được, Trên internet có nhiều công cụ để vượt tường lửa, nhưng sẽ bị chậm vì bị chặn lại bớt. Giống như TQ chặn Facebook nhưng mình qua TQ mình vẫn dùng được nếu dùng công cụ. Tương tự ở VN cũng vậy nếu trang nào bị chặn thì mình sử dụng công cụ để xem.”
Một điểm khác nữa là giới đấu tranh của VN, không dám nói là mạnh hơn TQ, nhưng đã dày dạng với sự đàn áp từ trước khi có luật an ninh mạng.
-TS. Nguyễn Quang A
Ngoài ra tác giả bài phân tích trên The Diplomat còn nêu một số lý do cho thấy việc thúc đẩy kiểm soát internet của Việt Nam, tương tự như Trung Quốc, như luật nội địa hóa dữ liệu… Hay vai trò của Bộ Công an trong quy định an ninh mạng ở cả hai nước.
Tại Trung Quốc, Bộ Công an liên quan đến mọi thứ, từ quy định internet đến bảo vệ thông tin cá nhân; ngay cả với việc sắp xếp lại các cơ quan không gian mạng Trung Quốc, Bộ Công an vẫn giữ một vai trò nổi bật trong quản trị internet trong nước.
Ở Việt Nam, cũng có thể được nói là tương tự, trên thực tế, Bộ Công an Việt Nam đã soạn thảo và đề xuất luật an ninh mạng mới ngay từ đầu. Điều này một lần nữa có thể nhấn mạnh ý định của luật pháp nhằm mục đích kiểm soát nội dung trực tuyến nhiều hơn các động lực có thể khác, nghĩa là bảo vệ công dân khỏi các tác hại của an ninh mạng.
Nhìn chung, Việt Nam dường như bắt chước cách quản trị Internet của Trung Quốc vì mong muốn kiểm soát tốt hơn không gian mạng và đặc biệt là các luồng thông tin trong lãnh thổ của mình.
Tác giả Justin Sherman nhận định không có khả năng Việt Nam sẽ sớm từ bỏ việc theo đuổi kiểm soát internet chặt chẽ hơn. Báo cáo năm 2019 của Freedom House, nêu rõ thúc đẩy không ngừng biện pháp kiểm soát không gian mạng của Việt Nam cho thấy Internet tại Việt Nam hết sức bị giới hạn. Freedom House cho rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do chính trị và quyền tự do dân sự.
Cuối cùng ông Justin Sherman cho rằng, ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đối với quản trị internet vẫn còn mạnh mẽ và nó tiếp tục phát triển thông qua đầu tư nước ngoài, áp lực chính trị, tham gia ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế và các cơ chế khác. Mặc dù không phải quốc gia nào kiểm soát internet chặt chẽ cũng nên đem so sánh với Trung Quốc; nhưng qui định Internet chặt chẽ của Việt Nam cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia với khả năng cùng mong muốn tuân theo từng bước trong lĩnh vực kiểm soát internet của Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-s-internet-control-following-in-china-s-footsteps-12112019125153.html
Hai tàu quét mìn Nhật Bản thăm Đà Nẵng
Hai tàu quét mìn BUNGO và TAKASHIMA thuộc Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản cùng 180 thủy thủ và thuyền viên vào trưa ngày 12/12 đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm TP. Đà Nẵng từ ngày 12-15/12.Báo trong nước loan tin trong cùng ngày, cho biết thêm chuyến thăm lần này nằm trong khuôn khổ chương trình huấn luyện phối hợp với hải quân các nước trong khu vực Ấn Độ Dương, một phần của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Hai tàu quét mìn đến Đà Nẵng lần này do Đại tá Ikubo Seiji làm trưởng đoàn.
Thủy thủ tàu Nhật Bản cùng với Bộ Quốc phòng 2 nước sẽ tổ chức hoạt động trao đổi chuyên môn về lĩnh vực rà phá bom mìn dưới nước lần thứ nhất.
Tham mưu trưởng Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản – Đô đốc Yamamura Hiroshi hiện đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam cũng sẽ đến tham dự lễ khai mạc hoạt động này.
Ngoài ra, nhóm chỉ huy tàu phía Nhật sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Các thủy thủ nước mặt trời mọc sẽ thăm Lữ đoàn 161 Vùng 3 Hải quân; tham quan một số danh lam thắng cảnh tại Đà Nẵng.
Chuyến thăm Đà Nẵng lần này được nói nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản, cũng như giữa quân đội và hải quân hai nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2-japanese-minesweepers-visit-da-nang-12122019070913.html
Thấy gì qua vụ ông Phúc đối thoại với nông dân
Trân VănĐọc các bài tường thuật về cuộc đối thoại lần thứ hai giữa Thủ tướng và chính phủ Việt Nam với nông dân (diễn ra hôm 10 tháng 12 tại Cần Thơ), người ta ắt phải tự hỏi: Dường như cả Thủ tướng lẫn chính phủ Việt Nam vừa không biết phải làm gì để hoạt động quản trị, điều hành thật sự hữu ích cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, vừa là những… cao thủ trong việc chuyển hóa cả trách nhiệm cá nhân lẫn trách nhiệm tập thể cho giới chỉ quen “chân lấm, tay bùn” (1)!
Lẽ nào Thủ tướng – nhân vật đứng đầu một chính phủ – không biết phải làm thế nào để tránh: Giá thành sản phẩm cao trong khi đã hội nhập, sản phẩm nông nghiệp ngoại quốc đang ồ ạt tràn vào và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không cạnh tranh được! Lẽ nào chính phủ không khảo sát, không tính toán – chuẩn bị gì trước khi ký kết hàng loạt hiệp định tự do thương mại để bây giờ quay sang vấn kế nông dân: Làm gì để có sản phẩm tốt, giá thành hạ để bán cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu?..
Thủ tướng không chỉ vô duyên và vô dụng khi hỏi nông dân: Nhà nước, người dân phải làm gì? Lẽ ra Thủ tướng và các thành viên trong nội các phải chủ động thông báo với nông dân, chứ không phải nêu ra các vấn nạn để nhờ 300 nông dân của các tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tính giúp: Làm sao để nông dân vay được vốn. Các bộ hữu trách nên làm sao để giảm chi phí vận tải, chi phí logistic, nghiên cứu – tạo ra giống mới để thích nghi với biến đổi khí hậu…
Cứ như tường thuật của các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức về cuộc đối thoại vừa kể thì sau ba giờ nghe 19 nông dân nêu ra 53 câu hỏi. Thủ tướng Việt Nam chỉ có thể “đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân” và không thể trả lời câu hỏi nào. Động tác duy nhất là “chính phủ sẽ… tiếp thu, sẽ giao Văn phòng Chính phủ cùng Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện”.
So cuộc đối thoại lần này với cuộc đối thoại lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 4 năm ngoái ở Hải Dương (2), có thể thấy rất rõ là… không có gì mới! Nông dân vẫn tiếp tục than như bọng, cả Thủ tướng lẫn chính phủ tiếp tục “lắng nghe”, tiếp tục “tiếp thu” và hứa sẽ hỗ trợ. Sự khác biệt duy nhất giữa hai lần đối thoại là thay mặt chính phủ, Thủ tướng huỵch tọet: Nông dân Việt Nam phải tự nâng cao học vấn, kiến thức về khoa học công nghệ, thị trường. Phải có tinh thần tự lực, tự cường. Phải tự cứu mình, đừng chờ nhà nước cứu!
Dẫu trước nay, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới không ngừng suy tính – tìm đủ mọi cách để bảo trợ một cách hợp pháp và phát triển nông nghiệp một cách hợp lý, hỗ trợ nông dân làm giàu, gắn bó với nông thôn thì tại Việt Nam, ngoài việc cảnh báo nông dân phải “tự cứu”, Thủ tướng Việt Nam còn đòi nông dân phải tìm cho ra câu trả lời: “Làm gì để cùng nhà nước thực hiện câu nói của bác: Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”!
***
Nhân danh… “bác”, Thủ tướng và các đồng chí đã ra rả về “chính sách tam nông” (nông dân, nông thôn, nông nghiệp) vài thập niên. Thậm chí, vung tiền “xây dựng nông thôn mới”. Từ 2010 đến 2015, hệ thống công quyền Việt Nam đã chi 850 tỉ cho chương trình “xây dựng nông thôn mới”, chưa kể theo một thống kê được công bố hồi cuối năm 2017, có 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15.277 tỉ đồng do “xây dựng nông thôn mới” mà hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả (3)!16.000 tỉ đổ vào “xây dựng nông thôn mới” không những không làm “nông dân giàu, nước ta thịnh” mà còn tạo ra một hiện tượng mới: Nông dân trên khắp Việt Nam lũ lượt ly nông, ly hương dắt díu nhau đi làm thuê khắp nơi, kể cả ở nước ngoài! Người ta ước đoán, có 20% cư dân các tỉnh phía Bắc miền Trung, 20% cư dân các tỉnh duyên hải miền Trung, 18,4% cư dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ xứ tha phương cầu thực. Có những khu vực như ĐBSCL, tỉ lệ tăng trưởng dân số hiện nay là -0,13%!
Đáng nói là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn quyết định chi thêm 193 ngàn tỉ nữa để tiếp tục “xây dựng nông thôn mới” trong năm năm từ 2016 đến 2020 (4). Năm 2019 sắp hết, hơn hai tuần nữa là đến năm 2020 – thời điểm kết thúc kế hoạch năm năm “xây dựng nông thôn mới” lần thứ hai.
Nếu đem thực trạng của nông nghiệp, nông thôn, hiện tại cũng như tương lai của nông dân đặt bên cạnh chương trình “xây dựng nông thôn mới” và các dự án đủ loại liên quan đến nông nghiệp, ắt sẽ thấy Thủ tướng và các đồng chí chưa bao giờ vì nông dân, chẳng hề đoái hoài đến nông thôn và cũng không thèm bận tâm tới nông nghiệp. Thủ tướng quả là cao… cờ khi tổ chức “đối thoại với nông dân”, vừa cam kết “lắng nghe”, vừa hứa “tiếp thu” để chi hết trăm ngàn tỉ này tới trăm ngàn tỉ khác rổi bảo nông dân… “tự cứu”!
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-da-den-luc-nong-dan-cuu-minh-truoc-khi-doi-hoi-nha-nuoc-cuu-596660.html
(2) https://baohaiduong.vn/kinh-te—tieu-dung/thu-tuong-chinh-phu-doi-thoai-voi-nong-dan-87394
(3) http://www.thesaigontimes.vn/153485/Da-danh-hon-850000-ti-dong-cho-chuong-trinh-nong-thon-moi.html
(4) http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/hon-193-nghin-ty-dong-xay-dung-ntm-giai-doan-2016-2020_t114c1159n108008
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-xuan-phuc-doi-thoai-voi-nong-dan/5203228.html
0 comments