Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 12/12/2019

Thursday, December 12, 2019 8:23:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 12/12/2019

Sự kiện ngáng đường Mỹ – Trung

Trong khi Trung Quốc lo ngại về sự khó đoán của Trump, Washington không chắc liệu Bắc Kinh có thực hiện những cải cách họ hứa hẹn.
Tổng thống Mỹ Trump từ hồi tháng 10 đã “nhá hàng” về thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc nhưng hiện giờ vẫn chưa có thỏa thuận nào trên giấy trắng mực đen, trong khi 15/2 – ngày Mỹ dự kiến áp thuế với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc đang cận kề. Một số nguồn tin thân cận với nỗ lực đàm phán nói rằng đòn thuế nhiều khả năng không đi vào hiệu lực nhưng cũng cho biết Mỹ – Trung khó đạt được thỏa thuận trước cuối tuần này.
Christopher Hill, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng dù cả hai đều thấy cần đạt được thỏa thuận giai đoạn một, “một núi hoài nghi” đang ngáng đường họ đến với thỏa thuận.
“Thiếu tin tưởng lẫn nhau là điều khó loại bỏ khỏi nỗ lực đàm phán nhất”, Hill nói. “Trung Quốc lo lắng rằng Trump hay thay đổi. Còn Mỹ cũng lo Trung Quốc sẽ không giữ lời hứa”, Hill nói.
Gần đây Trump đã đưa ra những tín hiệu bất nhất về tiến trình đàm phán. Có lúc ông nói rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra rất suôn sẻ và mong sớm đạt được thỏa thuận. Nhưng sau đó Trump lại cảnh báo có thể trì hoãn đạt thỏa thuận cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm tới.
“Nếu tôi là Trung Quốc, tôi sẽ lo ngại liệu thỏa thuận mà Trump đồng ý có phải là thỏa thuận mà ông sẽ đồng ý vào ngày mai và ngày hôm sau hay không. Còn nếu tôi là Trump, vấn đề lớn tôi cần làm là thuyết phục Trung Quốc rằng những gì tôi đang đề xuất thực sự là những gì tôi sẽ duy trì chứ không thay đổi”, ông nói.
Mỹ – Trung từng suýt đạt được thỏa thuận vào tháng 5 để chấm dứt chiến tranh thương mại bắt đầu vào tháng 7/2018. Nhưng cuộc đàm phán bất ngờ sụp đổ vì Mỹ cáo buộc Trung Quốc thay đổi vào phút chót, xóa đi nhiều cam kết, trong khi Bắc Kinh cho rằng Washington đưa ra yêu cầu quá đáng. Hồi tháng 7, Trump còn chỉ trích Bắc Kinh không giữ lời về việc hứa hẹn mua thêm nông sản Mỹ.
Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew cho rằng giới lãnh đạo Mỹ – Trung “nên lùi một bước” để tìm ra con đường đúng đắn. Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại những ý kiến đội ngũ quan chức Mỹ nêu ra khi đàm phán có thể không trùng với lập trường của Trump vì Tổng thống rất khó đoán.
“Vấn đề trong các cuộc đàm phán là đội ngũ của chúng ta đã trải qua nhiều vòng thảo luận nhưng không ai có thể chắc chắn lập trường cuối cùng của Tổng thống là gì. Điều này gây khó khăn cho nỗ lực đàm phán”, Lew nói thêm.
Steve Orleans, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung, cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc thất vọng về những động thái của Trump và cảm thấy không rõ ông muốn gì. “Bạn không biết chính quyền Trump đang đòi hỏi gì. Họ không cho thấy rõ Trung Quốc cần làm gì để đáp ứng họ”, ông nói.
Nhưng ông cũng chỉ ra Mỹ ngày càng bất mãn với những lời hứa hẹn không được thực hiện của Trung Quốc và thúc giục Bắc Kinh thay đổi, từ việc tạo ra một sân chơi bình đẳng, bảo vệ sở hữu trí tuệ cho đến hạn chế trợ cấp doanh nghiệp nhà nước. “Nếu bạn được hứa điều gì đó 20 lần và đến lần thứ 20 bạn vẫn không nhận được thì bạn sẽ nói ‘hừ, tôi sẽ chẳng bao giờ có được nó”, ông nói.
Hill cho rằng những nỗ lực giảm căng thẳng hiện tại là không đủ. “Tôi tin Mỹ và Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn để tìm ra những điểm hai bên có thể đồng thuận và thiết lập mô hình làm việc với Trung Quốc. Rồi sau đó, mô hình này có thể được sử dụng để giải quyết các bất đồng”, Hill nói thêm.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32062-su-kien-ngang-duong-my-trung.html

Quân đội Mỹ yêu cầu được phép thách thức

các tuyên bố chủ quyền biển của Trung Cộng

Wall Street Journal Tác giả: Adam Entous, Gordon Lubold and Julian E. Barnes Người dịch: Trần Văn Minh
Hành động này sẽ dẫn tới việc đưa máy bay của hải quân, tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo được Trung Cộng dựng nên trong vùng biển tranh chấp
Các viên chức Mỹ cho biết, quân đội Mỹ đang xem xét việc sử dụng máy bay và tàu chiến để trực tiếp thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Cộng trên một chuỗi các đảo nhân tạo đang được mở rộng nhanh chóng, một động thái có lẽ sẽ đưa đến căng thẳng trong một cuộc đối đầu khu vực về việc ai sẽ kiểm soát vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã yêu cầu thuộc cấp xem xét các phương thức đối phó bao gồm bay  máy bay do thám hải quân bên trên các hòn đảo và tàu hải quân Mỹ vào bên trong vùng 12 hải lý của các rạn san hô đãđược Trung Cộng xây dựng và tuyên bố chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Động thái như vậy, nếu được Tòa Bạch Ốc chấp thuận, sẽ được thiết kế để gửi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ đối với các yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng về các đảo nhân tạo ở khu vực mà Mỹ coi là vùng biển và không phận quốc tế.
Tính toán của Ngũ Giác Đài có thể là kế hoạch quân sự, và bất kỳ sự điều động nào khác, sẽ làm tăng áp lực lên Trung Cộng phải nhượng bộ đối với các đảo nhân tạo. Nhưng Bắc Kinh cũng có thể tiếp tục mở rộng việc xây dựngđể thách thức Mỹ và có thể thực hiện các bước để khẳng định thêm chủ quyền trong khu vực.
Mỹ đã nói sẽ không công nhận các hòn đảo nhân tạo như là lãnh thổ của Trung Cộng. Tuy nhiên, các viên chức quân sự cho biết, Hải quân cho đến nay chưa từng gửi máy bay quân sự hoặc tàu chiến vào trong vòng 12 hải lý củacác rạn san hô được bồi đắp để tránh gia tăng căng thẳng.
Nếu Mỹ thách chức các tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng bằng cách sử dụng tàu hoặc tàu chiến và Bắc Kinh vẫn khăng khăng lập trường, kết quả có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực, với sự gia tăng áp lực cho cả haibên để chứng tỏ sức mạnh quân sự trong vùng biển tranh chấp.
Theo ước tính của Mỹ, Trung Cộng đã mở rộng các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa nhiều tới mức 2.000 mẫu đất, tăng từ 500 mẫu vào năm ngoái. Tháng trước, hình ảnh vệ tinh từ nhà cung cấp thông tin tình báo quốc phòng IHS Jane cho thấy Trung Cộng đã bắt đầu xây dựng một phi đạo trên một trong những hòn đảo, mà dường như có thể đủ lớn để tiếp nhận máy bay chiến đấu và máy bay do thám.
Mỹ đã từng sử dụng quân đội để thách thức những tuyên bố khác của Trung Cộng mà Washington coi là vô căn cứ. Trong tháng 11 năm 2013, hai chiếc máy bay B-52 đã bay trên các hòn đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông để phản đối vùng nhận diện phòng không mà Bắc Kinh đã tuyên bố trong khu vực.
Các viên chức cho biết hiện nay ngày càng có xu hướng trong nội bộ Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc về việc cần phải thực hiện các biện pháp cụ thể để gửi tới Bắc Kinh một dấu hiệu rằng công trình xây cất gần đây ở Trường Sađã đi quá xa và cần phải dừng lại.
Các viên chức Trung Cộng đã bác bỏ các khiếu nại về việc xây dựng đảo. Họ nói rằng Bắc Kinh có quyền thực hiện các dự án xây dựng trong phạm vi lãnh thổ chủ quyền của họ. Họ nói rằng các cơ sở này sẽ được sử dụng chomục đích quân sự và dân sự.
​”Trung Cộng có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận,” phát ngôn viên tòa đại sứ Zhu Haiquan cho biết, bằng cách dùng tên tiếng Hoa cho quần đảo Trường Sa. “Việc xây dựng này, là hợp lý, chính đáng và hợp pháp, thực sự nằm trong lãnh thổ chủ quyền của Trung Cộng. Điều này không tác động hoặc nhắm tới bất kỳ nước nào, và do đó không thể phê phán”.
Ông Zhu nói rằng Bắc Kinh hy vọng “các bên liên quan”, ám chỉ quân đội Mỹ và các đồng minh khu vực, nên “kiềm chế không tạo ra căng thẳng hoặc làm bất cứ điều gì hại đến an ninh và sự tin cậy lẫn nhau”.
Trung Cộng  tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới, và những nỗ lực của họ để kiểm soát khu vực trong những năm gần đây đã gây ra mối quan tâm ngày càng lớn cho Mỹ và Á châu, nơi mà một số nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo, bao gồm Philippines, một đồng minh của Mỹ.
“Philippines tin rằng Hoa Kỳ, cũng như tất cả các thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đều có lợi ích và tiếng nói về những gì đang xảy ra ở Biển Đông,” Charles Jose, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biếthôm Thứ tư, dựa trên tự do hàng hải và dòng chảy thương mại không bị cản trở và những yếu tố khác.
Máy bay quân sự của Mỹ đã nhiều lần tiếp cận khu vực 12 hải lý mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền xung quanh các rạn san hô đang được xây dựng. Nhưng để tránh sự leo thang, những chiếc máy bay đã không thâm nhập vùng[12 hải lý]. Một viên chức quân sự cao cấp cho biết các chuyến bay “đã giữ một khoảng cách với các hòn đảo và tiến gần mốc 12 hải lý”.
Máy bay Mỹ đã bay gần các hòn đảo nơi xây dựng đang diễn ra, khiến các sĩ quan quân đội Trung Cộng phải báo cho máy bay Mỹ đang đến gần để cho phi công biết rằng họ đang tiến gần lãnh thổ có chủ quyền của Trung Cộng.Đáp lại, các phi công Mỹ đã nói với người Trung Cộng rằng họ đang bay qua không phận quốc tế.
Chiến hạm USS Fort Worth trong những ngày gần đây đã hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Trường Sa. Một viên chức cao cấp của Mỹ cho biết, “Chúng tôi chưa đi vào vòng 12 hải lý lần nào”.
Các đề xuất quân sự chưa được chính thức trình lên Tòa Bạch Ốc, là người phải phê chuẩn bất kỳ thay đổi nào trong tư thế của Mỹ. Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về sự thận trọng này.
Các viên chức cho biết đây là một vấn đề phức tạp bởi vì ít nhất một số các khu vực, nơi mà Trung Cộng đã và đang xây dựng, trong con mắt của chính phủ Mỹ, là những đảo hợp pháp có quyền được hưởng một vùng 12 hải lý.
Các viên chức nói, đề nghị đang được xem xét có lẽ sẽ là gửi tàu hải quân và máy bay vào trong vòng 12 hải lý của những địa điểm được xây dựng mà Mỹ không cho là những hòn đảo hợp pháp.
Các viên chức Mỹ nói, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các thực thể tái tạo không được phép hưởng vùng lãnh hải nếu các thực thể nguyên thủy không phải là đảo được công nhận theo công ước. Theo giải thích đó, Mỹ tin rằng họ không cần phải tôn trọng khu vực 12 hải lý xung quanh các rạn san hô đã từng không được coi là đảo trước khi công việc xây dựng ở đó bắt đầu.
Các viên chức Mỹ cho biết, nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực đã kín đáo thúc giục Tòa Bạch Ốc làm nhiều hơn nữa để đối phó với hành vi của Trung Cộng, cảnh báo Washington rằng sự bất động của Mỹ trong vùng BiểnĐông có nguy cơ vô tình củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Một số đồng minh khác trong khu vực, ngược lại, đã bày tỏ mối lo ngại tới Washington rằng một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ có thể vô tình kéo họ vào một cuộc xung đột.
Một viên chức Mỹ cho biết, “Điều quan trọng là tất cả mọi người trong khu vực có một sự hiểu biết rõ ràng về chính những gì Trung Cộng đang làm. Chúng tôi bắt buộc phải để mắt tới”. Hoa Kỳ đang sử dụng vệ tinh để giám sátcông việc xây dựng tại các hòn đảo.
Trong những tháng gần đây, Tòa Bạch Ốc đã tìm cách gia tăng áp lực lên Bắc Kinh để ngăn chặn việc xây dựng trên các đảo thông qua con đường ngoại giao, cũng như bằng cách gọi tênTrung Cộng ra một cách công khai tại cáccuộc họp báo gần đây và các báo cáo của chính phủ.
Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành “tự do giao thông hàng hải” trong khu vực, bao gồm cả qua Biển Đông. Nhưng Hải quân vẫn chưa nhận được sự ủy quyền rõ ràng từ chính quyền để làm như thế trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo.
Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry sẽ tới Bắc Kinh vào cuối tuần này để chuẩn bị cho một chuyến viếng thăm Mỹ vào tháng Chín của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, người đặt sự cải thiện quan hệ quân sự với Hoa Kỳ là một ưu tiên hàng đầu.
Một cuộc đối đầu mới với Trung Cộng sẽ cộng thêm vào các cuộc khủng hoảng an ninh gia tăng mà Hoa Kỳ đang đối mặt tại các vùng khác.
Năm ngoái, sau khi Nga chiếm lãnh thổ của Ukraina, Tòa Bạch Ốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow nhưng cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí của Ukraine. Tại Trung Đông, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã chiếm những mảng lớn của Iraq vào mùa hè năm ngoái, khiến Hoa Kỳ phải phát động một chiến dịch không kích nhắm vào nhóm này.
Mỹ đã từng chủ trương không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, mặc dù họ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Trong năm qua, các viên chức Mỹ đã gia tăng chỉ trích cácnỗ lực của Trung Cộng để thực thi và biện minh cho tuyên bố trong khu vực.
Các viên chức Mỹ nói họ lo ngại rằng một quyết định không gửi tàu hải quân vào vùng [12 hải lý] sẽ vô tình giúp Trung Cộng xây dựng vị thế của họ để chiếm chủ quyền trong khu vực.
Tàu tuần duyên Trung Cộng thường xuyên đi vào bên trong vùng 12 hải lý của quần đảo Senkaku, do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, mà họ gọi là Điếu Ngư.
Các viên chức Mỹ nói, họ tin rằng Trung Cộng gửi tàu vào khu vực Senkaku ở Biển Hoa Đông bởi vì họ muốn chứng minh với Tokyo và những nước khác rằng Bắc Kinh không công nhận các hòn đảo này là lãnh thổ của Nhật Bản.
Tuyên bố của Trung Cộng bao gồm lãnh hải kéo dài ra 12 hải lý tính từ tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà họ kiểm soát bảy rạn san hô – tất cả đã được mở rộng gần đây thành các đảo nhân tạo. Các bên tranh chấpđối thủ chiếm một số các hòn đảo, rạn san hô và đá khác.
Những hình ảnh lịch sử từ Google Earth và các nơi khác cho thấy công việc tái tạo trên hầu hết các rạn san hô do Trung Cộng chiếm giữ bắt đầu sau khi Chủ tịch Tập lên nắm quyền vào năm 2012.
Phần lớn việc xây dựng bắt đầu trong năm qua, bất kể có những phản đối từ các nước láng giềng, các mối quan hệ quân sự nồng ấm hơn với Washington, và một cố gắng mới của Trung Cộng để cải thiện quan hệ với các nước chung quanh.
Các viên chức Mỹ nói rằng họ đã liên tục yêu cầu Trung Cộng chấm dứt công việc xây dựng, nhưng không có kết quả.
Jeremy Page and Trefor Moss đóng góp cho bài viết này.
https://vietbao.com/a237690/quan-doi-my-yeu-cau-duoc-phep-thach-thuc-cac-tuyen-bo-chu-quyen-bien-cua-trung-cong

Lầu Năm Góc muốn phân bổ lực lượng

tới Châu Á – Thái Bình Dương

Lãnh đạo của Lầu Năm Góc muốn ưu tiên cho việc triển khai lực lượng của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo Bloomberg.
Ông Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết ông muốn chuyển lực lượng Hoa Kỳ đến đây từ các khu vực khác, bao gồm Afghanistan, để đối đầu với cuộc cạnh tranh quân sự đang gia tăng với Trung Quốc.
Những gì tôi muốn làm là tái phân bổ lực lượng cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông tuyên bố hôm thứ Bảy tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan, khi được hỏi về việc cắt giảm quân đội ở Afghanistan.
”Đó là sân khấu ưu tiên của tôi,” Mark Esper nói. ”Tôi không chỉ nhìn vào Afghanistan, mà là tất cả những nơi mà tôi có thể rút bớt quân” để đưa họ về nhà ”hoặc để đối đầu với Trung Quốc, để trấn an các đồng minh của chúng ta và tiến hành tập trận và huấn luyện.”
Chiến lược của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chuyển sang đối đầu với Trung Quốc và Nga, hiện là những thách thức chính, thay thế cho cuộc chiến chống khủng bố trước đây.
Trung Quốc, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đầu tư lớn vào khả năng quân sự để thách thức sự thống trị sau chiến tranh của Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện đang được các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ xem là mối đe dọa ngày càng tăng.
Giải thích quyết định điều quân về Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói từ Simi Valley, tiểu bang California.
”Những lợi thế quân sự của chúng ta đối về mặt cạnh tranh chiến lược đang bị thách thức. Trung Quốc và Nga, các cường quốc đang trở lại của thời đại này, đang tích cực hiện đại hóa quân đội của họ, đồng thời muốn đạt quyền phủ quyết đối với các quyết định kinh tế và an ninh của các quốc gia khác.”
Ngay cả khi Hoa Kỳ tìm cách quay trục chính về châu Á, họ đã bổ sung hàng ngàn binh sĩ đến Trung Đông để bảo vệ các tuyến vận tải dầu và bảo vệ Ả Rập Saudi chống lại Iran. Các nhà máy chế biến dầu khổng lồ của Aramco Saudi tại Abqaiq và Khurais đã bị tấn công ngày 14 tháng 9, một cuộc tấn công mà Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Ú Saudi Arabia cáo buộc Iran. Tehran phủ nhận tin mình đứng đằng sau vụ tấn công.
Khi được hỏi liệu việc chuyển sang châu Á có bị cản trở bởi sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Trung Đông không, Mark Esper nói, ”tôi phải đối mặt với điều đó, nhiều người tiền nhiệm của tôi cũng đã phải đối mặt với điều đó.”
Hoa Kỳ, một lần nữa, cần đảm bảo rằng mình có lực lượng đủ mạnh trên mặt đất, để trấn an các đồng minh của chúng ta, giúp bảo vệ họ, bảo vệ trật tự quốc tế và ngăn chặn hành vi xấu của Iran, ông Esper Esper nói.
”Chúng ta có một chiến lược nhưng bạn phải đối phó với thế giới bạn đang sống chứ không phải thế giới bạn muốn trên giấy.”
http://biendong.net/bi-n-nong/32045-lau-nam-goc-muon-phan-bo-luc-luong-toi-chau-a-thai-binh-duong.html

Đảo Nhật có thể thành

‘tàu sân bay không thể chìm’ của Mỹ

Đảo Mageshima có thể trở thành căn cứ vững chắc trên biển của quân đội Mỹ, Nhật đối phó với nguy cơ nổ ra xung đột trong khu vực.
Chính phủ Nhật Bản hồi đầu tháng thông báo đang đàm phán mua lại đảo hoang Mageshima cách bờ biển phía tây nam nước này 30 km với giá 146 triệu USD. Hòn đảo do một công ty tư nhân Nhật Bản sở hữu, có hai đường băng đất cắt nhau từ dự án phát triển bất động sản trước đó nhưng nay không còn được sử dụng.
Tokyo cho hay các đường băng bị bỏ hoang sẽ được cải tạo lại để máy bay hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng trong các bài tập mô phỏng cất hạ cánh trên tàu sân bay.
Chính phủ Nhật Bản không nêu rõ bao giờ thương vụ hoàn tất. Tuy nhiên, khi các cơ sở phù hợp được xây dựng lên, hòn đảo cũng có thể trở thành căn cứ thường trực cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách củng cố vị thế trên biển Hoa Đông, nơi họ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc liên quan tới chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Đảo Mageshima có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đóng vai trò giúp tăng cường khả năng răn đe của liên minh Mỹ – Nhật cũng như năng lực phòng thủ của Nhật Bản”, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết.
Quá trình đàm phán mua đảo Mageshima đã diễn ra suốt nhiều năm. Tasuton Airport, công ty sở hữu phần lớn hòn đảo, đạt được thỏa thuận với chính phủ vào cuối tháng 11.
Hòn đảo được đánh giá là địa điểm phù hợp để Mỹ sử dụng làm nơi huấn luyện, luyện tập hạ cánh trên tàu sân bay theo một thỏa thuận năm 2011 về việc tái bố trí lực lượng Mỹ tại Nhật.
Thỏa thuận 146 triệu USD được công bố giữa lúc quân đội Mỹ đang nỗ lực gia tăng các căn cứ chiến lược ở Đông Á nhằm đối phó với kho tên lửa đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Phần lớn lực lượng không quân chiến đấu của Mỹ ở Nhật hiện nay chỉ tập trung tại 6 căn cứ chính. Các nghiên cứu mới đây cho thấy với nguồn lực hiện tại, quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật sẽ sớm bị tên lửa Trung Quốc xóa sổ nếu xung đột nổ ra. Một biện pháp giúp tránh kịch bản trên là binh sĩ và khí tài Mỹ phải được dàn trải ra tại nhiều căn cứ.
“Theo thời gian, việc đa dạng hóa các căn cứ Nhật Bản và Mỹ (cả riêng hay chung) sẽ trở thành xu hướng”, Corey Wallace, nhà phân tích an ninh châu Á tại Đại học Freie ở Berlin, Đức, nhận xét. “Liên minh sẽ vững chãi hơn nếu các căn cứ và thiết bị quân sự được phân tán rộng hơn”.
Theo lý thuyết, bạn càng có nhiều căn cứ, đối phương càng phải khai hỏa nhiều tên lửa hơn nhằm giành lợi thế.
Các căn cứ trên đất liền được cho là có giá trị lớn hơn so với tàu sân bay bởi chúng có khả năng chịu đựng đòn tấn công trong thời gian lâu hơn và mạnh hơn. Về lý thuyết, một chiếc tàu sân bay hoàn toàn có thể bị hạ gục bởi chỉ một quả tên lửa hay ngư lôi.
Thiệt hại chiến đấu cũng có thể được khắc phục nhanh chóng hơn ở các căn cứ trên đất liền nếu so sánh với những cỗ máy chiến tranh phức tạp như tàu sân bay.
“Khi bạn bắn chìm một tàu sân bay, thiệt hại là không thể khắc phục”, Collin Koh, chuyên gia cấp cao tại Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế ở Singapore, bình luận. “Với một hòn đảo? Ít nhất nó không thể chìm… Bạn có thể khắc phục sau đòn tấn công và đưa nó hoạt động trở lại bình thường”.
Căn cứ mới đồng thời là dấu hiệu tích cực trong mối hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật vốn trở nên căng thẳng những năm gần đây, khi người dân địa phương gây áp lực lên chính quyền Nhật Bản đòi di chuyển mọi hoạt động quân sự của Mỹ ra khỏi những nơi tập trung đông dân cư và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục các đồng minh như Nhật Bản san sẻ bớt gánh nặng chi phí của Mỹ trong việc duy trì chiếc ô phòng thủ ở khu vực.
Về khía cạnh đầu tiên, Wallace cho rằng đảo Mageshima có thể san sẻ một số áp lực mà những căn cứ ở Okinawa và những đảo chính khác đang phải gánh chịu.
Tháng hai năm ngoái, người dân Okinawa, trong một cuộc trưng cầu dân ý, đã nhất trí với tỷ lệ áp đảo rằng căn cứ không quân Futenma của thủy quân lục chiến Mỹ nên được di dời khỏi đảo.
Cuộc trưng cầu dân ý này diễn ra sau hàng loạt sự cố máy bay Mỹ đánh rơi các vật thể xuống khu dân cư, hạ cánh bên ngoài căn cứ hay những mâu thuẫn giữa lính đồn trú Mỹ và người dân địa phương.
Trong bức tranh quốc tế rộng lớn hơn, Nhật Bản đang đi đúng hướng khi cố gắng làm cho Mỹ, đồng minh quan trọng nhất, cảm thấy vui, chuyên gia phân tích Koh nhận xét.
“Trump đang yêu cầu Nhật chi trả nhiều hơn. Việc mua hòn đảo này là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm cho thấy rằng Nhật Bản sẵn sàng san sẻ gánh nặng”, Koh nói.
Đảo Mageshima cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tập luyện của các phi công tàu sân bay Mỹ, khi rất nhiều máy bay hiện đồn trú tại căn cứ không quân Iwakuni trên đảo chính Honshu, Nhật Bản.
Các máy bay Mỹ hiện phải thực hiện các bài huấn luyện cất hạ cánh trên đảo Iwo Jima hay Iwo To, cách bờ biển Nhật Bản tới 1.360 km. Việc huấn luyện trên đảo Mageshima sẽ rút ngắn 960 km trong hành trình của họ.
Cuối cùng, theo Wallace, đảo Mageshima có thể mang đến những cơ sở hợp tác mới cho quân đội Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt là các hoạt động liên quan tới chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Nhật Bản đã thông báo sẽ nâng cấp tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để có thể tiếp nhận các tiêm kích F-35B Mỹ. Tokyo còn đang đặt mua hàng chục mẫu tiêm kích có thể hạ cánh thẳng đứng này.
“Nhật không có nhiều phi công có kinh nghiệm hạ cánh tiêm kích trên tàu sân bay. Tuy nhiên, đảo Mageshima sẽ giúp phi công Nhật có cơ hội để người Nhật làm quen với các hoạt động như vậy khi phối hợp huấn luyện với Mỹ”, Wallace nhận định. “Việc tiêm kích F-35 Nhật xuất hiện trên tàu chiến Mỹ sẽ là một tín hiệu mạnh”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32061-dao-nhat-co-the-thanh-tau-san-bay-khong-the-chim-cua-my.html

Mỹ sẽ nhân nhượng

nếu Bắc Triều Tiên ngừng khiêu khích

Thu Hằng
Hoa Kỳ sẵn sàng linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên về vấn đề dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều kiện được đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm 11/12/2019 là chế độ Bình Nhưỡng phải ngừng mọi hành vi khiêu khích mới.
Những bình luận trên được đại sứ Kelly Craft đưa ra tại một phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh hạn chót đàm phán (cuối năm 2019) do Bình Nhưỡng ấn định đang đến gần và có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên lại chuẩn bị bắn thử một tên lửa tầm xa.
Theo bà Kelly Craft, Hoa Kỳ « sẵn sàng linh hoạt… và công nhận cần có một thỏa thuận cân bằng, đáp ứng được những quan ngại của tất cả các bên ». Nhưng bà nhấn mạnh Washington « không thể tự mình làm được. Bắc Triều Tiên cũng phải đưa ra quyết định khó khăn nhưng táo bạo là làm việc cùng chúng tôi (Mỹ) ».
Vừa kêu gọi Bình Nhưỡng hợp tác, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo một vụ thử tên lửa mới chỉ làm phức tạp thêm nỗ lực để tiến hành thỏa thuận mà tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong Un đạt được tại thượng đỉnh Singapore tháng 06/2018.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Hai bên vẫn bất đồng về việc xác định Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa đến cấp độ nào để được Washington giảm bớt trừng phạt.
Bình Nhưỡng thường« đánh tiếng » có thể tái thử nghiệm bom hạt nhân và tên lửa liên lục địa (ICBM) nếu Washington không đưa ra những nhân nhượng trong các cuộc đàm phán đang bị bế tắc. Ngày 07/12, Bắc Triều Tiên thông báo đã tiến hành một « vụ thử quan trọng » tại khu thử nghiệm Sohae. Theo Hàn Quốc, đó là một vụ thử « động cơ tên lửa ».
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191212-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%BD-nh%C3%A2n-nh%C6%B0%E1%BB%A3ng-n%E1%BA%BFu-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-ng%E1%BB%ABng-khi%C3%AAu-kh%C3%ADch

Hoa Kỳ tăng cường chế tài

Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar

Hoa Kỳ ngày 10/12 siết chặt chế tài hơn nữa đối với Tổng tư lệnh quân đội Myanmar về những vụ tàn sát tập thể người Rohingya vào lúc nước ông đang phải tự biện hộ chống lại những cáo buộc diệt chủng trước tòa án cấp cao của Liên hiệp quốc.
Vào tháng 7 năm nay, Hoa Kỳ cấm Tướng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing không được đi thăm nước Mỹ, nhưng động thái ngày 10/12 đi xa hơn nữa bằng cách phong tỏa bất cứ tài sản nào của ông này tại Mỹ và hình sự hóa những giao dịch tài chánh của bất cứ người nào tại Mỹ đối với tướng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar.
Bộ Tài chánh Mỹ áp đặt những chế tài tương tự đối với 3 chỉ huy cao cấp khác của Myanmar, cũng như 14 cá nhân thuộc các nước khác nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.
Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin nói “Hoa Kỳ sẽ không dung thứ việc tra tấn, bắt cóc, bạo động tình dục, giết hại hay hành xử tàn bạo đối với thường dân vô tội.”
Ông Mnuchin nói tiếp “Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới trong việc chống lại vi phạm nhân quyền và chúng tôi qui tránh nhiệm cho các thủ phạm bất cứ họ hoạt động ở đâu.”
Quân đội Myanmar bị cáo buộc lãnh đạo một chiến dịch tàn bạo vào năm 2017 tại bang Rakhine chống lại người Rohingya, một sắc dân thiểu số phần lớn theo Hồi Giáo mà quốc gia đa số theo Phật giáo không xem những người này là công dân.
Có khoảng 740.000 người Rohingya trốn sang nước láng giềng Bangladesh sau khi bị quân đội Myanmar đàn áp đẫm máu vào năm 2017 mà các nhà điều tra Liên hiệp quốc đã mô tả là diệt chủng.
Hoa Kỳ cho biết đã có những “báo cáo đáng tin cậy” về những vụ hiếp dâm tràn lan và những vụ bạo động tình dục khác do các binh sĩ dưới quyền chỉ huy của Tướng Min Aung Hlaing gây ra.
Hành động mới nhất của Hoa Kỳ diễn ra vào lúc Myanmar tự biện hộ trước Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague về những cáo buộc là nước này vi phạm công ước về diệt chủng năm 1948.
Lãnh tụ dân sự Myanmar, Aung San Suu Kyi, khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình, hiện đang lãnh đạo việc biện hộ trong vụ kiện do Gambia, một quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo khởi xướng.
Hoa Kỳ cũng có hành động chống lại một tổ chức dân quân nổi tiếng của nước Cộng hòa Dân chủ Congo là Liên minh các Lực lượng Dân chủ, bị cáo buộc tàn sát thường dân trong nỗ lực ngăn họ gia nhập quân đội.
Bộ Tài chánh Mỹ áp đặt chế tài lên lãnh tụ của tổ chức là Musa Baluku, cũng như 5 người khác bị cáo buộc ủng hộ tổ chức này.
Hoa Kỳ cũng áp đặt chế tài lên 5 người khác về tội bạo hành tại Nam Sudan bị chiến tranh tàn phá, một chỉ huy cảnh sát Pakistan bị cáo buộc giết người trong những vụ đối đầu được dàn dựng, và một chỉ huy dân quân tại Libya.
Bộ Tài chánh Mỹ cũng chỉ định chế tài một doanh nhân châu Âu người Slovakia, Marian Kocner, về tội ra lệnh ám sát nhà báo điều tra Jan Kuciak vào năm 2018 trong lúc nhà báo này đang điều tra nạn hối lộ ở cấp cao.
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-k%E1%BB%B3-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-ch%E1%BA%BF-t%C3%A0i-t%E1%BB%95ng-t%C6%B0-l%E1%BB%87nh-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-myanmar-/5202820.html

Mỹ : Trump tố cáo thủ tục truất phế

để tranh thủ quyên góp tái tranh cử

Thu Hằng
Theo một cuộc điều tra gần đây, tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đánh bại mọi ứng viên đảng Dân Chủ tại bang Michigan, nơi ông giành thắng lợi với tỉ lệ sát sao trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Trump cũng đang tăng cường vận động ở hai bang chủ đạo, Pennsylvania và Wisconsin.
Theo thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington, thay vì bị suy yếu do thủ tục luận tội phế truất mà Hạ Viện đang tiến hành, tổng thống Mỹ biết nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy cử tri Cộng Hòa.
« Ông Donald Trump không ngừng tố cáo quá trình luận tội truất phế tổng thống mà đảng Dân Chủ tiến hành là « sự lừa đảo », « truy bắt phù thủy », thậm chí là « đảo chính »… Thế nhưng, đây cũng là công cụ vận động tranh cử tuyệt vời để gây quỹ cho tổng thống.
Ngay vào ngày 24/09, khi thủ tục phế truất được công bố, phe của tổng thống Donald Trump đã đầu tư ồ ạt vào quảng cáo trên Facebook. Từ đó, khoảng 5,4 triệu đô la đã được chi trên mạng xã hội này. Ngoài những thông điệp có chủ đích còn có rất nhiều tin nhắn kêu gọi quyên góp.
Ở mỗi giai đoạn mới của tiến trình luận tội phế truất, tin nhắn lại được gửi tới tấp đến điện thoại di động của tất cả những ai từng tham dự một buổi mít-tinh của tổng thống. Chiến lược này rất hiệu quả. Ví dụ, chỉ trong ngày đầu tiên của các phiên điều trần công khai tại Hạ Viện, đã có khoảng 3 triệu đô la được quyên góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống, với mức trung bình là gần 200 đô la mỗi người.
Song song với nỗ lực quảng cáo và tài chính này, các cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy lợi thế thiên về tổng thống. Hiện tại, ông Trump được cho là sẽ thắng cử ở ba bang quan trọng, cho dù đối thủ của ông là bất kỳ ứng viên đảng Dân Chủ nào ».
Ủy ban Tư pháp Hạ Viện thảo luận hai tội danh nhắm vào TT Trump
Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Mỹ đã họp tối 11/12/2019 để thảo luận về hai tội danh : lạm quyền và cản trở công việc của Quốc Hội – mà Hạ Viện nhắm vào tổng thống Donald Trump.
Theo AFP, khoảng 40 dân biểu thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện, gồm đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, tiếp tục bảo vệ lập trường riêng của mỗi bên. Theo phe Dân Chủ, tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực khi yêu cầu Ukraina điều tra về Joe Biden, đối thủ tiềm năng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Trong khi đó, đảng Cộng Hòa, một mặt khẳng định tổng thống Mỹ bác mọi hành vi gây sức ép đối với Kiev, mặt khác lên án đảng Dân Chủ tìm cách hạ gục một vị tổng thống mà họ biết sẽ không thắng được trong cuộc bầu cử sắp tới.
Sau cuộc thảo luận, tối 12/12, Ủy ban Tư pháp Hạ Viện sẽ bỏ phiếu thông qua hai tội danh nhắm vào tổng thống Trump. Tiếp theo, Hạ Viện sẽ bỏ phiếu văn bản trên trong phiên họp toàn thể, có thể vào đầu tuần tới.
Do đảng Dân Chủ chiếm đa số ở Hạ Viện, nên ông Donald Trump có thể trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị Hạ Viện luận tội. Tuy nhiên, ông sẽ không bị truất phế do đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Thượng Viện.
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191212-m%E1%BB%B9-trump-t%E1%BA%ADn-d%E1%BB%A5ng-th%E1%BB%A7-t%E1%BB%A5c-tru%E1%BA%A5t-ph%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%83-quy%C3%AAn-g%C3%B3p-t%C3%A1i-tranh-c%E1%BB%AD

Boeing: Cơ quan quản lý Mỹ thừa nhận

 ’sai lầm’ trong tai nạn máy bay 737 Max

Các nhà quản lý hàng không Hoa Kỳ cho phép 737 Max của Boeing tiếp tục bay dù biết nguy cơ có thêm các vụ rơi máy bay.
Phân tích sau vụ tai nạn đầu tiên năm 2018 dự đoán có thể có tới 15 thảm họa trong suốt vòng đời của máy bay nếu không thay đổi thiết kế.
Mặc dù vậy, Cục Hàng không Liên bang đã không cấm bay dòng 737 Max cho đến khi xảy ra vụ tai nạn thứ hai 5 tháng sau đó.
Giám đốc FAA Steve Dickson, người nhận chức hồi tháng 8, cho biết đây là một sai lầm.
Đánh giá rủi ro của FAA đã được tiết lộ trong phiên điều trần quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư. Các nhà lập pháp đang điều tra Boeing sau vụ tai nạn nghiêm trọng của 737 Max ở Indonesia vào tháng 10/2018 và ở Ethiopia vào tháng 3/2019. Các thảm họa khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Các quan chức an toàn hàng không điều tra đã xác định một hệ thống điều khiển tự động trong 737 Max 8, được gọi là MCAS, có liên quan đến cả hai vụ tai nạn.
Boeing cho biết hệ thống này dựa trên một cảm biến duy nhất, đã nhận được dữ liệu sai lệch, khiến nó bỏ qua các lệnh phi công và hướng máy bay chúc đầu xuống.
Hoa Kỳ: Boeing 737 Max 8 đạt tiêu chuẩn bay
Boeing bắt dừng bay toàn bộ Boeing 737 Max
Indonesia: Vì sao Boeing 737 mới tinh đã rơi?
Quanh vụ VietJet mua 100 máy bay Boeing của Mỹ
Trung Quốc tạm ngừng bay Boeing 737 Max-8
Ethiopian Airlines: ‘Không ai sống sót’ khi Boeing 737 rơi trên đường tới Kenya
Cuộc điều tra của FAA về vụ tai nạn tháng 10 ở Indonesia đã kêu gọi Boeing thiết kế lại hệ thống, cảnh báo nguy cơ sẽ có hơn một chục vụ tai nạn trong vòng đời 45 năm của khoảng 4.800 chiếc 737 máy bay Max đang hoạt động.
Cơ quan quản lý cũng đưa ra cảnh báo cho các hãng hàng không, nhưng cơ quan này đã không cấm bay loại máy bay cho đến sau vụ tai nạn ngày 10 tháng 3 ở Ethiopia, vài ngày sau khi các quốc gia khác hành động.
“Liệu đã có sai lầm?” hỏi nghị sĩ đảng Dân chủ Henry Johnson.
Ông Dickson, khi các câu hỏi sau đó, thừa nhận cơ quan đã phạm sai lầm tại một số điểm trong quy trình và cho biết: “Rõ ràng là kết quả không khả quan”.
‘Quan ngại lớn’
Boeing đang sửa đổi phần mềm MCAS, nhưng các nhà lập pháp nói rằng cuộc điều tra của họ cho thấy nhà sản xuất máy bay đã nhận thức được các lỗ hổng trong hệ thống từ trước.
Nhân viên Boeing cũng đưa ra quan ngại rằng công ty đang ưu tiên tốc độ hơn an toàn tại nhà máy sản xuất Max 737, điều này cũng góp phần gây ra tai nạn.
Ed Pierson, cựu quản lý cao cấp tại nhà máy, nói với Quốc hội rằng ông đã liên tục cảnh báo lãnh đạo của Boeing về những rủi ro an toàn gây ra bởi những gì ông mô tả là “xưởng máy hỗn loạn”, nhưng không mấy hiệu quả.
Ông cũng nói rằng, sau các vụ tai nạn, các nhà quản lý của chính phủ Hoa Kỳ cũng tỏ ra ít quan tâm đến những lo ngại của ông.
“Tôi vẫn rất lo ngại rằng …người đi máy bay sẽ vẫn gặp rủi ro trừ khi môi trường sản xuất không ổn định này được điều tra kỹ càng và theo dõi chặt chẽ bởi các nhà quản lý một cách thường xuyên,” ông nói theo một lời khai đã chuẩn bị trước.
Ông Dickson cho biết FAA đang thăm dò các vấn đề sản xuất. Ông cũng nói rằng đang xem xét các hành động giám sát Boeing sau đó.
Trong một tuyên bố, Boeing cho biết chính lời khai của ông Pierson cho thấy công ty đã nghiêm túc quan tâm đến các lo ngại ông nêu ra.
“Các giám đốc điều hành của công ty và các nhà lãnh đạo cấp cao trong chương trình 737 đã nhận thức được mối quan tâm của ông Pierson, thảo luận chi tiết và thực hiện các bước thích hợp để đánh giá chúng”, tuyên bố viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50753933

Mỹ: Cơ quan chức năng bênh vực

việc lập trường ‘giả’ để chống gian lận visa

Các cơ quan chức năng của chính phủ liên bang Hoa Kỳ phản bác những chỉ trích về việc họ đã dựng lên ngôi trường ‘giả’ để gài bẫy hàng trăm du học sinh, trong nỗ lực chống gian lận visa. Các cơ quan này nói rằng các ứng viên thừa biết là họ không đăng ký vào một trường học thực sự mà chỉ cốt tìm cách ở lại nước Mỹ.
Chiến dịch ngụy trang nhắm vào các sinh viên ghi danh vào đại học Farmington ở Farmington Hills là hợp pháp và giúp chống lại visa gian lận, Chưởng lý của quận Michigan và người đứng đầu bộ phận điều tra của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ tại Detroit, nói với tờ Detroit Free Press hôm 6/12.
“Các nhân viên đặc vụ của Cơ quan Điều tra Bộ An ninh Nội địa, trong khuôn khổ của chiến dịch bí mật này, đã nêu rõ trong các cuộc trao đổi với các ứng viên ghi danh vào đại học Farmington là trường không có chương trình văn hóa hay dạy nghề nào cả. Những cá nhân ghi danh vào đại học Farmington đều làm việc này có chủ ý,” ông Vance Callender, nhân viên đặc vụ phụ trách văn phòng Detroit của Cơ quan Điều tra Bộ An ninh Nội địa nói.
Các sinh viên này đặt chân tới Mỹ một cách hợp pháp, chủ yếu là từ Ấn Độ, với visa du học sinh F-1 khi ghi danh vào trường đại học giả điều hành bởi nhân viên hoạt vụ bí mật và một trang mạng giả. Gần 80% trong số 250 sinh viên bị bắt đã tình nguyện rời nước Mỹ, theo Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ.
Luật sư của các sinh viên nói họ tin là thân chủ của họ bị gài bẫy và không biết trường là giả khi ghi danh học.
Vào tháng 1 năm nay, các công tố viên liên bang loan báo là các nhân viên Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ đã bí mật thành lập những trường đại học giả, nhận đơn của hơn 600 sinh viên người nước ngoài học về khoa học và công nghệ. Bộ Tư pháp gọi đây là một vụ “chi tiền để được ở lại Mỹ”.
Vào tháng 11, tờ Free Press loan tin là con số sinh viên bị bắt vì vi phạm luật di trú đã lên đến 250 người. Vụ này được dư luận chú ý rộng rãi và một vài lãnh đạo chính trị đã chỉ trích hay nêu nghi vấn về chiến dịch này.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C6%A1-quan-ch%E1%BB%A9c-n%C4%83ng-b%C3%AAnh-v%E1%BB%B1c-vi%E1%BB%87c-l%E1%BA%ADp-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-gi%E1%BA%A3-%C4%91%E1%BB%83-ch%E1%BB%91ng-gian-l%E1%BA%ADn-visa/5202788.html

Thêm một đường hầm biên giới bị phát hiện ở Mỹ

Thêm một đường hầm biên giới từ Mexico sang Mỹ vừa được phát hiện tại Arizona sau khi Tuần tra Biên giới Mỹ bắt giữ 4 di dân bất hợp pháp.
Nhân viên tuần tra biên giới tại Nogales, Arizona, phát hiện ra đường hầm này hôm 8/12.
Lực lượng tuần tra biên giới lần theo dấu vết chuyến đi của các di dân bất hợp pháp này và phát hiện ra đường hầm được đào từ Nogales (Mexico) đến Nogales, Arizona (Mỹ).
Đường hầm này chỉ cách đường hầm được phát hiện vào tuần trước 46 mét và đang được đào dang dở. Tuần tra Biên giới Mỹ cho biết đã làm việc với nhà chức trách Mexico để lần dò theo đường hầm đến Mexico và đã phá hủy đường hầm này.
Đây là đường hầm thứ năm được phát hiện trong năm nay tại Khu vực Tuần tra Biên giới Tucson, bao phủ một vùng rộng lớn của Arizona.
https://www.voatiengviet.com/a/th%C3%AAm-m%E1%BB%99t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BA%A7m-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-b%E1%BB%8B-ph%C3%A1t-hi%E1%BB%87n-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-/5202400.html

Tân Hội Đồng Châu Âu họp phiên đầu tiên :

Khí hậu là chủ đề trọng tâm

Trọng Thành
Tiếp theo phiên họp tân Ủy Ban Châu Âu công bố ‘‘Thỏa ước Xanh’’ trước Nghị Viện, ngày hôm nay 12/12/2019 đến lượt tân Hội Đồng Châu Âu nhóm họp phiên đầu tiên. Khí hậu sẽ là chủ đề trọng tâm hai ngày làm việc của nguyên thủ và lãnh đạo các nước châu Âu.
Tân Hội Đồng Châu Âu, do chính trị gia người Bỉ Charles Michel đứng đầu, sẽ phải cố gắng đạt đồng thuận trong việc hướng đến mục tiêu châu lục ”trung hòa về khí thải” vào năm 2050. Mục tiêu đã được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất ngày hôm qua, với tham vọng đưa Liên Âu trở thành đầu tầu của nhân loại trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh.
Tuy nhiên, khối 28 nước không dễ đạt đồng thuận. Giới quan sát đặt câu hỏi : Liệu ngân sách 100 tỉ euro đầu tư, mà Ủy Ban Châu Âu công bố hôm qua trong khuôn khổ ”cơ chế chuyển hóa công bằng” cho các khu vực và các lĩnh vực dễ tổn thương nhất, có thuyết phục được ba quốc gia lưỡng lự nhất hay không ?
Một số nguồn tin trong Hội Đồng Châu Âu gần gũi với hồ sơ này cho RFI biết ba quốc gia lưỡng lự nhất – Ba Lan, Hungary và Cộng Hòa Séc – rất có thể sẽ quyết định tham gia vào mục tiêu chung của khối. Ba quốc gia Trung và Đông Âu nói trên, vốn rất phụ thuộc vào than đá, chờ đợi được Liên Âu hỗ trợ nhiều về tài chính. Trong khi đó, AFP dẫn một nguồn tin từ Ba Lan, cảnh báo là công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh ”rất tốn kém và mang lại nhiều thách thức” cho quốc gia này.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis ước tính công cuộc chuyển sang nền kinh tế ”trung hòa về các-bon” đòi hỏi ”một cái giá khổng lồ”: 26,5 tỉ euro đối với riêng Cộng Hòa Séc. Cộng Hòa Séc cũng yêu cầu Bruxelles xem hạt nhân là loại hình năng lượng có thể nhận được hỗ trợ của các tài trợ cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Đây cũng là lập trường của Pháp. Nhưng quan điểm này bị Đức, Áo và Luxembourg phản đối. Hôm qua, vấn đề năng lượng hạt nhân đã cản trở các nước châu Âu tìm được một đồng thuận về tài trợ Xanh.
Bên cạnh hồ sơ Khí hậu, ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 là một trọng tâm khác của thượng đỉnh hai ngày của Liên Hiệp Châu Âu. Các nước thành viên sẽ phải tìm cách thu hẹp bất đồng đặc biệt xung quanh mức độ đóng góp cho ngân sách chung của Liên Hiệp. 27 nước châu Âu cũng sẽ phải thảo luận về quan hệ tương lai với Luân Đôn vào ngày mai, sau kết quả cuộc bầu cử Nghị Viện Anh vốn đang được trông đợi.
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191212-t%C3%A2n-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-ch%C3%A2u-%C3%A2u-h%E1%BB%8Dp-phi%C3%AAn-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-l%C3%A0-ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%81-tr%E1%BB%8Dng-t%C3%A2m

Brexit : Khó khăn của đảng Bảo Thủ

nếu chỉ được đa số sát sao ở Hạ Viện

Ngày 12/12/2019, 46 triệu cử tri Anh Quốc được kêu gọi đi bầu cử Quốc Hội. Theo thăm dò ý kiến, đảng Bảo Thủ của thủ tướng Boris Johnson đang dẫn đầu về ý định bỏ phiếu, nhưng khoảng cách với Công Đảng ngày càng bị rút ngắn.
Nếu kịch bản này xảy ra, thủ tướng Boris Johnson và đảng Bảo Thủ gặp những khó khăn gì việc tiến hành Brexit ?
RFI tiếng việt đặt câu hỏi với luật sư Hoàng Đức Thắng tại Luân Đôn.
PV. Luật sư Hoàng Đức Thắng_Luân Đôn12/12/2019Nghe
RFI : Kết quả thăm dò gần đây của viện YouGov dự đoán đảng Bảo Thủ sẽ về đầu với số phiếu khá sát sao. Kết quả này có khả tín không ? Liệu có những yếu tố nào có thể làm đảo ngược cán cân so với kết quả thăm dò không ?
Mọi kết quả đánh giá, thăm dò chỉ đều có ý nghĩa tương đối. Trên thực tế, khó có thể dựa vào những kết quả thăm dò này, trừ trường hợp cán cân quá chênh lệch. Nếu chúng ta nhớ đến kết quả thăm dò lần trước, kết quả đó không cho rằng phe ủng hộ Brexit sẽ thắng cuộc với biên độ lên tới hơn 4%, tức là cũng tương đối lớn.
Trong trường hợp này, khó có thể nói rằng đảng Bảo Thủ sẽ thắng, mặc dù tất cả những diễn biến và thăm dò gần đây đều cho thấy rằng đảng Bảo Thủ có thể giành được đa số phiếu ở mức tối thiểu, dự
kiến là từ 5 đến 10 người trên mức quá bán. Còn những yếu tố nào có thể ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng ? Thực ra có rất là nhiều, nhưng tôi chỉ nêu ra ba điều.
Thứ nhất, vì đây là cuộc bầu cử Quốc Hội, chứ không phải là trưng cầu dân ý, cho nên bầu cử Quốc Hội ăn theo từng khu vực. Nếu cử tri của từng đảng một sống tập trung nhiều ở khu vực nào, thì khu vực đó được coi là « vùng an toàn », tức là ở vùng đó, chắc chắn ứng viên của đảng đó sẽ thắng.
Nhưng ở những vùng khác, nơi số cử tri tản mát hơn và không có một đa số phiếu rõ rệt cho từng đảng nào, thì đó là những khu vực mà những vận động cuối cùng có thể mang lại một sự thay đổi nhất định và từ đó, có thể ảnh hưởng tới ranh giới bỏ phiếu của các đảng.
Yếu tố thứ hai, trong vài ngày gần đây, người ta hay nói đến việc công bố thêm nhiều số liệu về kinh tế, có cả chuyện bới móc đời tư của các ứng cử viên. Những chuyện đó cũng có thể ảnh hưởng nhưng chỉ ở mức độ tương đối nhỏ, nhất định đối với tâm lý của cử tri trong vấn đề này.
Thứ ba cũng cần xét tới một yếu tố hơi độc đáo, đó là thời tiết của ngày hôm nay như thế nào. Nếu thời tiết hôm nay tốt, số lượng cử tri đi bầu sẽ cao hơn, còn nếu có mưa bão, giông, lốc…, số lượng cử tri ở nhà sẽ cao hơn. Và phải nói rằng, đối với dân châu Âu, cả Anh cũng như Pháp, thông thường chúng ta biết là có khoảng 1/4 cử tri sẽ không đi bầu cử vì họ cho rằng đảng nào lên cầm quyền thì cũng thế, không đáng mất công để họ đi bầu.
Trong trường hợp đảng Bảo Thủ giành được đa số phiếu, thủ tướng Boris Johnson sẽ còn phải đối mặt với những thách thức nào khác, vì ông hứa là có đa số ở Quốc Hội thì ông sẽ tiến hành Brexit ?
Câu hỏi này rất là rộng bởi vì khi nói đến khó khăn trong quá trình cầm quyền của các đảng phái ở châu Âu, thì rất là lớn. Riêng chính trường Anh còn phức tạp hơn một chút. Tính tự tôn và tự lập của các đại biểu dân cử Anh rất là cao. Và họ coi nghề nghiệp chính trị không phải là một nghề nghiệp mang tính chất để mà có thu nhập, kiếm sống, mà đó là một cách thể hiện cái tôi của mình. Cho nên họ sẵn sàng bỏ đảng của mình, giống như các bộ trưởng từ chức nếu cảm thấy không hài lòng hoặc không cùng quan điểm với giới chức lãnh đạo.
Nên trong hàng ngũ của các đảng lớn, bất kể đảng nào, luôn luôn có một số đảng viên được bầu lên nhưng lại sẵn sàng « rebell », tức là sẵn sàng phản loạn, đi ngược lại cương lĩnh của đảng, sẵn sàng bị gạch tên khỏi danh sách đảng viên, là chuyện luôn luôn có.
Trong trường hợp này, nếu ông Boris Johnson muốn thực sự có một con số an toàn nhất cho mình để thông qua các quyết định, các đạo luật theo định hướng của đảng Bảo Thủ, thì ông cần phải có một số lượng, tôi tạm gọi là số lượng « dự bị » hay là « dự phòng », phòng trường hợp có nhiều thành viên Quốc Hội thuộc đảng của mình không tuân theo quy định của đảng. Tôi nghĩ rằng ông cần tối thiểu 10% « dự phòng » như vậy, dựa trên số quá bán thì mới dễ dàng cho ông để thông qua các quy định.
Trong trường hợp ông chỉ có số « dự phòng » ở mức tối thiểu, tức là khoảng 5-6 đại biểu, mức đó thực sự không chắc chắn và trong nhiều trường hợp sẽ gây khó khăn cho ông Johnson trong việc thông qua những quyết định khác.
Chúng ta nhớ là trong quá trình bỏ phiếu Brexit vừa rồi và những đạo luật khác, đã từng có gần 30 đại biểu của đảng Bảo Thủ ở Hạ Viện vào thời điểm cao nhất, còn vào thời điểm khác, có khoảng 21 người, đã đưa ra quyết định ngược lại với cương lĩnh của đảng, mặc dù đảng tuyên bố thẳng người nào bỏ phiếu chống lại đảng trong trường hợp này thì sẽ bị loại tên khỏi danh sách của đảng, nhưng họ vẫn làm như vậy, trong đó có cả những vì mới cấp tiến và những vị lâu đời, được cho là « công thần » của đảng.
Nguy cơ thứ hai là sự liên kết của các đảng đối lập trong trường hợp đảng Bảo Thủ không giành được đa số phiếu, hoặc chỉ giành được đa số phiếu ở mức tối thiểu, cộng với một số nhỏ phản loạn ở trong nội bộ của đảng Bảo Thủ, thì có thể gây ra một thời kỳ bất ổn lâu dài trong tương lai sắp tới. Bởi vì, sau quá trình Brexit này, cứ cho là Brexit thành công nữa, thì sau vấn đề này, sẽ còn là quá trình đàm phán gam go trong thời gian tới, trong đó có việc phải thương lượng, thỏa thuận những gói nhượng bộ về kinh tế giữa hai bên. Đây cũng sẽ là thời điểm để các đảng đối lập xoáy vào, họ tìm mọi cách tấn công đảng cầm quyền, bất kể là đảng Bảo Thủ hay Công Đảng. Và các khó khăn sắp tới sẽ rất dồn dập đối với đảng cầm quyền.
Vậy Công Đảng có thể đóng được vai trò gì trong Quốc Hội sắp tới và trong tiến trình Brexit ?
Tương tự như chính trường Mỹ, tại Anh Quốc, có hai đảng đối lập chính, là đảng Bảo Thủ và Công đảng, cho nên dù Công đảng sắp tới có thất bại ở mức độ nào, họ vẫn là đảng đối lập trong Quốc Hội. Và quý vị biết đấy, đảng đối lập trong xã hội ở Anh Quốc không đơn giản chỉ là bên thua cuộc trong các cuộc bầu cử mà ở đây người ta còn dùng từ shadow, tức là cái bóng. Đây là một cơ chế giám sát về mặt chính trị, giám sát về mặt quyền lực một cách trực tiếp đối với lực lượng cầm quyền.
Tôi nói thế này để chị hiểu. Tại các bộ ngành của Anh Quốc, không đối diện trực tiếp nhưng chếch khoảng 2-3m với phòng với bộ trưởng, là văn phòng của bộ trưởng của phe đối lập, hay là người mà trong trường hợp đảng đối lập lên cầm quyền thì sẽ trở thành bộ trưởng của bộ đó. Và người đó, cùng với, tất nhiên là ít thôi, khoảng 5-6 người kiểm định, ngồi trong văn phòng đó, gần như thẳng đối diện với cửa phòng của ông bộ trưởng cầm quyền hiện nay. Như vậy, vai trò của họ ở đây đã được hệ thống chính trị ở đây nhìn nhận như là sẵn sàng tiếp quản chính quyền nếu như là cơ cấu quyền lực đổi chiều. Vai trò như thế cho phép họ giám sát gần như đến mức tối đa hoạt động của bộ đó.
Tôi muốn nói là đảng đối lập ở đây có vai trò giám sát rất lớn trong quyền lực của xã hội. Cũng như chị nhớ rằng vào ngày thứ Tư hàng tuần, đây không phải là một thông lệ mà là luật quy định rằng cứ vào thứ Tư hàng tuần thì có 3 giờ chất vấn thủ tướng đảng cầm quyền. Và trong thời gian đó, chính người đứng đầu đảng đối lập sẽ là người chất vấn thủ tướng cầm quyền trong ba giờ liên tục về các vấn đề đang xảy ra hàng ngày trên lãnh thổ của Anh Quốc và trong phạm vi hoạt động của chính phủ hiện nay.
Điều đó cho thấy là lãnh đạo của đảng đối lập được yêu cầu là phải đi sâu bám sát và ở một tư thế sẵn sàng chuyển sang quyền lực khi mà có thay đổi trong cơ cấu lựa chọn của người dân. Như thế, tôi muốn nói rằng vai trò của đảng đối lập ở đây là rất lớn và là điều mơ ước của nhiều chính đảng chứ không đơn giản là vì họ thua mà họ thành đảng đối lập.
RFI tiếng Việt xin cảm ơn luật sư Hoàng Đức Thắng tại Luân Đôn!
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191212-brexit-kh%C3%B3-kh%C4%83n-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A3ng-b%E1%BA%A3o-th%E1%BB%A7-n%E1%BA%BFu-ch%E1%BB%89-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%91a-s%E1%BB%91-s%C3%A1t-sao-%E1%BB%9F-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n

Bầu cử lập pháp trước thời hạn:

Ngày quyết định đối với TT Anh Boris Johnson

Hôm nay 12/12/2019 là ngày diễn ra bầu cử Quốc Hội trước thời hạn tại Anh Quốc, theo yêu cầu của thủ tướng Boris Johnson. 46 triệu cử tri được kêu gọi đi bầu cử.
Theo thăm dò ý kiến, đảng bảo thủ của thủ tướng Boris Johnson đang dẫn đầu về ý định bỏ phiếu, nhưng khoảng cách với Công đảng ngày càng bị rút ngắn. Thủ tướng Anh hy vọng có được đa số tuyệt đối ở Nghị Viện để có thể tiến hành Brexit muộn nhất là vào ngày 31/01/2020.
Còn tại Scotland, nhiều người tạm thời gạt sang một bên vấn đề ủng hộ hay phản đối việc Scotland đòi độc lập với Anh Quốc để tập trung vào vấn đề Brexit.
Từ Edimbourg, thông tín viên RFI Anastasia Becchio gửi về bài phóng sự:
“Đừng quên đi bỏ phiếu. Hãy bầu cử theo sách lược”. Trên một tuyến giao thông huyết mạch ở Edimbourg, những người tranh đấu để Anh Quốc ở lại Liên Hiệp Châu Âu vẫy cờ Liên Âu và hô hào người qua đường. Ông Stuart đang phân phát các tờ rơi. Ông nói: Tôi cố gắng để thuyết phục mọi người bầu cho những nhân vật muốn nước Anh ở lại Liên Âu.
Trên các tờ rơi, có tên của những ứng viên chống Brexit mà những người ủng hộ nước Anh ở lại Liên Âu muốn họ thắng cử nhất tại khu vực bỏ phiếu của mình. Tại đây, việc bầu chọn theo sách lược khá phức tạp do vấn đề độc lập của Scotland, theo như ông Sam Page thừa nhận. Sam Page là thành viên của phong trào “Edimbourg bảo vệ Liên Âu”. Bà phát biểu : Ở Scotland, có những người chống và có những người ủng hộ Scotland tách rời khỏi Anh Quốc, nhưng chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người gạt sang một bên bất đồng đó và chỉ tập trung vào việc bầu cho những ai chống Brexit. Chẳng hạn, nếu có một ứng viên thuộc Công đảng hay đảng Dân Chủ Tự Do ủng hộ Scotland thuộc về Anh Quốc ra tranh cử và đối đầu với một nhân vật của đảng bảo thủ, thì chúng tôi kêu gọi mọi người bầu cho người đó, cho dù họ ủng hộ việc Scotland độc lập với Anh Quốc, bởi vì điều chúng tôi muốn trước tiên là được ở lại Liên Hiệp Châu Âu.
Tại Edimbourg, đa phần các ứng viên thân Liên Âu được ủng hộ nhiều, nhất là các thành viên của SND, đảng Dân Tộc Scotland, đảng mà cô Patricia Strong chưa từng nghĩ sẽ có ngày bỏ phiếu ủng hộ. Cô giải thích: Lý do duy nhất là để chống lại Brexit. Tôi không ủng hộ Scotland độc lập khỏi nước Anh, nhưng tôi phản đối Brexit.
Cho dù kết quả bỏ phiếu là gì đi chăng nữa, thì các thành viên của phong trào Edimbourg ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục đấu tranh.”
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191212-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-l%E1%BA%ADp-ph%C3%A1p-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-th%E1%BB%9Di-h%E1%BA%A1n-ng%C3%A0y-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-tt-anh-boris-johnson

Cải tổ hưu trí : Chính phủ Pháp lâm vào thế kẹt

Thanh Phương
Mặc dù hôm qua, 11/12/2019, thủ tướng Edouard Philippe đã trình dự án cải tổ hệ thống hưu trí của Pháp, bảo đảm là mọi người sẽ được hưởng lợi từ hệ thống hưu trí « phổ quát », « công bằng hơn » và « vững chắc hơn », nhưng các công đoàn vẫn không chấp nhận và vẫn tiếp tục kêu gọi đình công và biểu tình phản đối.
Hưu trí từ lâu vẫn là một hồ sơ vô cùng nhạy cảm ở Pháp, vì người dân Pháp vẫn rất gắn bó với một trong những chế độ hưu bổng tốt nhất thế giới. Không phải đến bây giờ, mà trong hàng chục năm qua, hệ thống hưu trí của Pháp đã được cải tổ nhiều lần để thích ứng với tình trạng dân số già đi. Nhưng ngay từ năm 1991, cố thủ tướng Rocard đã từng tuyên bố : Chỉ cần cải tổ hưu trí là đủ để làm đổ nhiều chính phủ.
Chưa đến mức bị đổ, nhưng trước thời thủ tướng Edouard Philippe, nhiều chính phủ đã lao đao khốn khổ về cải tổ hưu trí, đặc biệt là chính phủ của thủ tướng Alain Juppé. Vào năm 1995, ông Juppé cũng đã từng muốn cải tổ các chế độ hưu trí đặc biệt, nhưng dự án chưa có mà nước Pháp đã bị tê liệt suốt 3 tuần lễ do phong trào đình công trong ngành giao thông công cộng. Bị phản đối quá mạnh, cuối cùng thủ tướng Juppé đã buộc phải từ bỏ việc cải tổ.
Cho tới nay, hệ thống hưu trí của Pháp đã nhiều lần được cải tổ từng phần và kể từ sau chính phủ Juppé, chưa ai dám đụng đến các chế độ hưu trí đặc biệt. Lần này, tổng thống Emmanuel Macron đã thực hiện đúng lời hứa khi tranh cử, đó là cải tổ triệt để hệ thống hưu trí của Pháp.
Để dự án cải tổ thuyết phục được công luận và để các công đoàn không còn lý do tiếp tục kêu gọi đình công biểu tình, chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe đã đưa vào đó nhiều bảo đảm để không có một ai, một ngành nào bị thiệt thòi trong một hệ thống hưu trí « phổ quát ». Hôm qua, khi trình bày dự án cải tổ, thủ tướng Philippe đã tưởng rằng công đoàn theo xu hướng cấp tiến CFDT sẽ ủng hộ và như vậy mặt trận công đoàn sẽ bị rạn nứt.
Nhưng cuối cùng, CFDT lại lên tiếng phản đối mạnh không kém các công đoàn kia và thậm chí còn kêu gọi tham gia xuống đường biểu tình toàn quốc ngày 17/12 tới. Mặt khác, không chỉ có ngành giao thông công cộng, mà giới giáo viên cũng hoài nghi về dự án cải tổ hưu trí, mặc dù thủ tướng Philippe hôm qua bảo đảm là lương hưu của họ sẽ không bị giảm và cam kết này sẽ được đưa vào luật. Ngay cả cảnh sát nay cũng nhập cuộc vì lo ngại cho lương hưu của họ sau khi cải tổ.
Ấy là chưa kể giới trẻ, nhất là sinh viên, sẽ rất bất bình vì hệ thống hưu trí phổ quát sẽ chỉ được áp dụng cho thế hệ sinh từ năm 1975 trở đi.
Nói cách khác, chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe nay giống như đang « tứ bề thọ địch » và ngày càng lún sâu vào thế kẹt, hầu như không còn lối thoát nào, ngoài việc từ bỏ dự án, hay ít ra là từ bỏ biện pháp bị phản đối mạnh nhất, theo như yêu cầu của toàn bộ các công đoàn, cũng như các đảng đối lập cánh tả. Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng của ông có lẽ tin tưởng rằng, bất chấp những chống đối đó, dự án cải tổ hưu trí của họ rồi cũng sẽ được toàn thể dân Pháp chấp nhận, và tỷ lệ dân Pháp ủng hộ phong trào đình công biểu tình rồi sẽ giảm. Đây là một nước cờ mạo hiểm, liều lĩnh, vì không ai có thể dự đoán được tình hình sẽ đi đến đâu trong những ngày tới, phong trào chống đối rất có thể sẽ kéo dài cho đến những ngày nghỉ lễ cuối năm, nếu chính phủ không nhượng bộ.
Trong thời gian cuộc đọ sức tiếp diễn, nước Pháp, đặc biệt là vùng Paris, tiếp tục bị tê liệt. Người đi làm sẽ tiếp tục chen chúc khốn khổ, « dài cổ » chờ tàu xe, những người buôn bán sẽ thất thu nặng nề, trong khi bình thường thì những ngày cuối năm là những ngày « hốt bạc ».
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191212-c%E1%BA%A3i-t%E1%BB%95-h%C6%B0u-tr%C3%AD-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-ph%C3%A1p-l%C3%A2m-v%C3%A0o-th%E1%BA%BF-k%E1%BA%B9t

Phong trào chống cải tổ hưu trí tiếp diễn

sau khi thủ tướng Pháp trình bày dự án

Thanh Phương
Hôm nay, 12/12/2019, phong trào đình công chống cải tổ hưu trí tại Pháp tiếp diễn và có thể sẽ gia tăng cường độ sau khi thủ tướng Edouard Philippe hôm qua trình bày dự án cải tổ, bị toàn bộ các công đoàn chỉ trích kịch liệt.
Thủ tướng Philippe đã nêu rõ những nét chính trong dự án tiến tới thiết lập một hệ thống hưu trí « phổ quát »: chấm dứt các chế độ hưu trí đặc biệt, tuổi được phép về hưu vẫn là 62, nhưng tuổi được lãnh đầy đủ lương hưu cơ bản sẽ là 64, hệ thống mới sẽ chỉ được áp dụng cho các thế hệ sinh từ năm 1975 trở đi. Ông còn bảo đảm là trong hệ thống mới, « mọi người đều sẽ được lợi ».
Nhưng ngay sau khi kế hoạch được thủ tướng Philippe công bố, hôm qua toàn bộ các công đoàn đã chỉ trích kịch liệt. Ngay cả công đoàn theo xu hướng cấp tiến CFDT, mà chính phủ đã hy vọng sẽ chấp nhận dự án cải tổ, cũng đã cực lực phản đối. Đối với lãnh đạo CFDT, Laurent Berger, chính phủ đã vượt qua « lằn ranh đỏ ». Công đoàn này đã kêu gọi các đoàn viên xuống đường vào ngày thứ Ba 17/12, ngày tổng đình công biểu tình toàn quốc. Hai công đoàn khác có tham gia thảo luận với chính phủ về dự án cải tổ hưu trí là CFTC và UNSA cũng kêu gọi biểu tình phản đối.
Mặc dù bị phản đối mạnh như vậy, trên đài truyền hình TF1 tối qua, thủ tướng Edouard Philippe vẫn tỏ quyết tâm xây dựng một hệ thống hưu trí « thật sự mang tính phổ quát », « công bằng hơn và vững chắc hơn ».
Không chỉ trong ngành giao thông công cộng, phong trào phản đối dự án cải tổ hưu trí sẽ tiếp diễn hoặc lan sang các ngành khác. Một công đoàn giáo viên đã kêu gọi đình công trở lại, còn công đoàn đại diện cho giới luật sư ngày mai sẽ biểu quyết về những hành động phản đối, trong khi đó các công đoàn chính của cảnh sát đe dọa sẽ huy động lực lượng mạnh hơn.
Hôm nay, giao thông tiếp tục bị xáo trộn nặng nề như hôm qua : chỉ 1/4 số chuyến xe lửa cao tốc TGV hoạt động trên toàn nước Pháp, cũng như chỉ 25% lượng xe lửa ngoại ô Paris vận hành, đa số các tuyến metro vẫn đóng cửa. Ngoài ra, cũng chỉ có 40% xe bus hoạt động ở vùng Paris.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191212-phong-tr%C3%A0o-ch%E1%BB%91ng-c%E1%BA%A3i-t%E1%BB%95-h%C6%B0u-tr%C3%AD-ti%E1%BA%BFp-di%E1%BB%85n-sau-khi-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-ph%C3%A1p-tr%C3%ACnh-b%C3%A0y-d%E1%BB%B1-%C3%A1n

Cháy trên tàu sân bay của Nga, hai thủy thủ bị thương

Hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga hôm 12/12 đã bắt lửa trong khi đang được bảo trì tại cảng Murmansk của Nga, làm hai thủy thủ bị thương, theo Reuters.
Tin cho hay, quân nhân trên tàu đã được sơ tán trong khi lực lượng ứng cứu khẩn cấp tìm cách dập lửa.
Tàu sân bay có tên gọi Admiral Kuznetsov từng tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Syria nhằm hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các máy bay trên tàu này đã tiến hành các vụ không kích nhằm vào lực lượng nổi dậy.
XEM THÊM:
Mỹ tố cáo Nga giúp Syria che giấu việc sử dụng vũ khí hóa học
Theo Reuters, hàng không mẫu hạm này từng gặp sự cố hồi năm ngoái khi đang được sửa chữa.
Các hãng thông tấn trước đó đưa tin rằng vụ hỏa hoạn ở Murmansk đã làm 6 người bị thương.
Reuters đưa tin rằng tàu Admiral Kuznetsov từng bị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon gọi là “con tàu đáng hổ thẹn” năm 2017.
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%A1y-tr%C3%AAn-t%C3%A0u-s%C3%A2n-bay-c%E1%BB%A7a-nga-hai-th%E1%BB%A7y-th%E1%BB%A7-b%E1%BB%8B-th%C6%B0%C6%A1ng-/5203211.html

Nga trục xuất hai nhà ngoại giao Đức

Nga hôm 12/12 đã trục xuất hai nhà ngoại giao Đức để trả đũa việc Đức trục xuất hai nhân viên của Đại sứ quán Nga ở Berlin tuần trước vì một vụ giết hại ở thủ đô của Đức mùa hè năm ngoái, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng nước này có bước đi như vậy “theo nguyên tắc có đi có lại” và yêu cầu họ phải rời Nga trong vòng bảy ngày tới.
Đức trục xuất hai nhân viên Đại sứ quán Nga hôm 4/12 sau khi chính quyền Nga không hồi đáp đề nghị của Đức về việc giúp đỡ làm sáng tỏ vụ giết hại một người Georgia giữa ban ngày hôm 23/8.
XEM THÊM:
Từ Berlin, ngoại trưởng Mỹ cảnh báo nghiêm khắc với Trung Quốc, Nga
Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Đức hôm 12/12 nói rằng việc Nga trục xuất các nhà ngoại giao Đức “phát đi một tín hiệu sai và không chính đáng”.
Tin cho hay, các công tố viên liên bang Đức đã đảm nhận cuộc điều tra sau khi kết luận rằng các bằng chứng cho thấy sự can dự của chính phủ Nga hoặc Chechnya.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này cáo buộc rằng người đàn ông bị giết là một “kẻ cướp” và “kẻ giết người”, và nói rằng Nga đã nhiều lần yêu cầu Đức dẫn độ ông này nhưng không được đáp ứng.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-tr%E1%BB%A5c-xu%E1%BA%A5t-hai-nh%C3%A0-ngo%E1%BA%A1i-giao-%C4%91%E1%BB%A9c/5203083.html

Lo ngại an ninh, Nhật Bản

cấm sử dụng máy bay không người lái do TQ sản xuất

Sau khi cấm sử dụng các loại sản phẩm công nghệ do Huawei và ZTE sản xuất, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (9/12) có ý định sẽ đình chỉ mua sắm và sử dụng các máy bay không người lái (UAV) chụp ảnh trên không cỡ nhỏ sản xuất tại Trung Quốc để tránh rò rỉ thông tin mật từ năm 2020.
Truyền thông Nhật Bản cho biết, Lực lượng Bảo vệ biển Nhật Bản (Japan Cost Guard) dự định sẽ ngừng mua và sử dụng các máy bay không người lái dùng chụp ảnh trên không do Trung Quốc sản xuất từ năm 2020. Ngoài ra, hàng chục máy bay không người lái dùng chụp ảnh trên không hiện đang được sử dụng cho việc cứu hộ cũng sẽ được thay thế bằng các loại sản phẩm khác để tránh rò rỉ thông tin bí mật. Một lần nữa, Nhật Bản quyết định loại bỏ các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc. Được biết, nhiệm vụ của Lượng bảo vệ biển Nhật Bản bao gồm ứng phó với các vụ tai nạn, cứu hộ trên biển, giám sát vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc và giám sát các tàu cá của Triều Tiên. Thông tin được họ xử lý bao gồm các vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh và tìm kiếm cứu hộ. Hàng chục máy bay không người lái chụp ảnh trên không hiện đang thuộc sở hữu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hầu hết đều được sản xuất tại Trung Quốc. Lúc đầu chúng được mua vì rẻ và tính năng vượt trội, nhưng nay trong kế hoạch bổ sung ngân sách mua sắm trong ngân sách năm 2020 chúng đã thay thế bằng các sản phẩm từ các quốc gia khác.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm mua và sử dụng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất. Công ty DJI của Trung Quốc, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới, là mục tiêu chính. T hứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua hàng và duy tu Ellen Lord (8/2019) cho biết “chúng tôi biết rằng rất nhiều thông tin được gửi về Trung Quốc từ những chiếc máy bay không người lái đó” và chúng “không phải là thứ mà chúng ta có thể sử dụng”. Bộ An ninh Nội địa Mỹ hồi tháng 5 cảnh báo các công ty Mỹ về những rủi ro đối với dữ liệu doanh nghiệp từ drone Trung Quốc. Thông báo có tiêu đề “Hệ thống máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất” cảnh báo rằng các quan chức Mỹ “quan ngại mạnh mẽ về bất kỳ sản phẩm công nghệ nào đưa dữ liệu của Mỹ vào lãnh thổ của một nhà nước độc đoán cho phép các cơ quan tình báo của họ truy cập vào dữ liệu đó hoặc lạm dụng sự truy cập đó”. Cùng quan điểm trên, Bộ Nội vụ Mỹ (1/11) thông báo đã ngừng sử dụng đội máy bay không người lái do Trung Quốc chế tạo của bộ này trong khi tiến hành đánh giá lại chương trình sử dụng máy bay không người lái do Trung Quốc chế tạo. Theo Người phát ngôn Bộ Nội vụ Mỹ Nick Goodwin, việc đánh giá lại chương trình sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc là lệnh của Bộ trưởng Nội vụ David Berhhardt. Ông không đưa ra lý do cho quyết định trên, tuy nhiên động thái này diễn ra trong bối cảnh các quan ngại an ninh của Mỹ đối với các thiết bị điện tử của Trung Quốc. Ông Goodwin nhấn
mạnh, “cho đến khi việc đánh giá này hoàn tất, Bộ trưởng Nội vụ chỉ thị rằng các máy bay không người lái chế tạo tại Trung Quốc hoặc lắp ráp từ các bộ phận của Trung Quốc sẽ không được cất cánh”. Tuy nhiên, ông Goodwin cho biết có ngoại lệ đối với các máy bay không người lái được sử dụng cho các mục đích khẩn cấp như chống cháy rừng, tìm kiếm – cứu hộ và đối phó với thiên tai.
Trong khi đó, Công ty DJI của Trung Quốc chế tạo khoảng 70% máy bay không người lái thương mại của thế giới, bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Bộ Nội vụ Mỹ. Lầu Năm Góc đã cấm quân đội sử dụng máy bay không người lái của DJI vì lí do an ninh từ năm 2017. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (1/11) cũng thời kêu gọi Mỹ tạo “môi trường không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Máy bay không người lái là một khái niệm khá quen thuộc trong thời gian gần đây. Ngay tên gọi đã khiến chúng ta có thể hình dung phần nào về sản phẩm công nghệ hiện đại bậc nhất này. Nói một cách đúng nhất chúng chính là những phương tiện bay không người lái và thường được gọi ngắn gọn là máy bay không người lái. UAS chính là những chiếc máy bay truyền thống được trang bị hệ thống điều khiển và lái một cách tự động. Những chiếc máy bay này xuất hiện từ rất sớm từ những năm 1950 và hầu hết dùng để phục vụ công tác chiến đấu. Giá thành loại máy bay này về lâu dài sử dụng được coi là khá rẻ. Không dừng lại ở đó những chiếc máy bay này không ngừng được đa dạng hóa và phát triển. Những phương tiện bay kiểu mới được chế tạo đa dạng có kích thước khá là nhỏ và động cơ hoạt động ở mức trung bình hoặc nhỏ được gọi là Drone. Một biến thể mới nhất của những UAV này đó chính là flycam. Đây chính là những Drone có lắp thêm camera để quan sát.
UAV hiện nay đang được sử dụng trong nhiều loại nhiệm vụ khác nhau. Có thể nói sự xuất hiện của các thiết bị bay không người lái UAV thực sự là cuộc cách mạng trong lĩnh vực thu thập số liệu, khảo sát, giám sát và theo dõi các đối tượng trên thực địa. Ngoài ra chúng được sử dụng với nhiều mục đích quan trọng khác. Một trong những lĩnh vực quan trọng đó chính là quân sự. Chúng được sử dụng phổ biến đầu tiên là để đáp ứng các nhu cầu và đòi hỏi của các nhiệm vụ quân sự và sau đó mới được mở rộng sang dân sự. Những thiết bị này có thể giám sát từ trên cao giúp bảo vệ an ninh một cách tối ưu. Trong những vụ tấn công nguy hiểm thì máy bay không người lái sẽ đảm bảo an toàn cho con người khi có thể thay thế hoàn toàn cho máy bay có người lái.
http://biendong.net/bien-dong/32087-lo-ngai-an-ninh-nhat-ban-cam-su-dung-may-bay-khong-nguoi-lai-do-tq-san-xuat.html

Triều Tiên tuyên bố ‘sẵn sàng đáp trả’ Mỹ

Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích việc Mỹ triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Reuters đưa tin, dẫn lại truyền thông Triều Tiên hôm 12/12.
Tin cho hay, Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng đáp trả tương ứng bất kỳ biện pháp nào mà Washington lựa chọn.
XEM THÊM:
Triều Tiên: ‘Trump là lão già thất thường’
“Hoa Kỳ nói về biện pháp tương ứng tại cuộc họp, vì chúng tôi nói chúng tôi không có gì để mất và chúng tôi sẵn sàng đáp trả bất kỳ biện pháp tương ứng nào mà Mỹ lựa chọn”, hãng tin nhà nước KCNA đưa tin, dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-%C4%91%C3%A1p-tr%E1%BA%A3-m%E1%BB%B9/5203409.html

TQ ra chiến dịch ’chống các thế lực nước ngoài’

can thiệp ở Hong Kong

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch quan hệ công chúng quyết liệt để chống lại sự chỉ trích quốc tế ngày càng gay gắt về cách họ giải quyết cuộc khủng hoảng Hong Kong hiện đã bước sang tháng thứ bảy.
SCMP cho hay rằng các chuyên gia ngoại giao và chính trị tin rằng việc các đặc phái viên Trung Quốc tăng cường hoạt động cho thấy ưu tiên hàng đầu của họ là ngăn chặn việc quốc tế hóa sâu rộng những gì mà Bắc Kinh tin là công việc nội bộ của mình, sau khi Washington thông qua luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong.
Dù đã bị bầm dập bởi cuộc chiến thương mại kéo dài, mối quan hệ Mỹ Trung lại thêm xấu đi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, vốn được các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ gần như tuyệt đối.
Carrie Lam sắp đi Bắc Kinh, Tập Cận Bình sẽ nói gì?
Nhìn lại 6 tháng biểu tình ở Hong Kong qua hình ảnh
Hong Kong: Phe ủng hộ dân chủ xuống đường rầm rộ
Đáng ngại hơn cho Bắc Kinh là người biểu tình Hong Kong đang thực hiện chiến dịch kêu gọi các nước khác làm theo Mỹ, ký các dự luật tương tự ủng hộ cho Hong Kong.
Đáp lại, các đại sứ ở châu Âu – nơi có sự thay đổi lớn trong quan hệ với Trung Quốc, và các quốc gia dọc theo đường đứt gãy địa chính trị Mỹ – Trung, đang lên tiếng như chưa từng có trước đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người tiền nhiệm, ủy viên Bộ Chính trị Dương Thiết Trì đã dẫn đầu trong việc tấn công cái mà Bắc Kinh coi là sự can thiệp của nước ngoài, khi Úc, Canada và Châu Âu tham gia cùng Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ người biểu tình Hong Kong.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, bận rộn hơn bao giờ hết kể từ khi biểu tình bùng nổ ở Hong Kong.
Bênh cạnh việc phát biểu, viết bài bình luận cho các tờ báo khắp thế giới, ông Lưu còn chủ trì ba cuộc họp báo về Hong Kong tại Anh, thu hút rất nhiều phóng viên Anh, Mỹ và Trung Quốc, theo website của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh.
Thông điệp của ông Lưu rất rõ ràng và nhất quán, đó là không ngừng ủng hộ chính phủ, lực lượng cảnh sát; lên án sự can thiệp của nước ngoài và bạo lực do người biểu tình gây ra.
Các đặc phái viên Trung Quốc tại châu Âu khác, như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Phần Lan và Hà Lan, cũng đã lên tiếng, đôi khi nhiều lần về vấn đề này.
Các đại sứ khác ở Canada và Singapore, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh đã đưa ra tuyên bố với truyền thông địa phương quan điểm chính thức của Bắc Kinh về các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Bộ Ngoại giao và các nhà ngoại giao của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã hoạt động tích cực trên trên Twitter, vốn bị chặn ở Trung Quốc đại lục. Các đặc phái viên Trung Quốc ở Mỹ, Anh, Iran, Ả Rập Saudi, Nam Phi và Áo năm nay bắt đầu viết Twitter.
Đặc phái viên Trung Quốc ở Úc mới viết bài cảnh báo Úc “nghĩ kỹ” trước khi bình luận về bất ổn ở Hong Kong.
Đại sứ Trung Quốc tại Czech thì vừa mắng truyền thông và các chính trị gia nước ngoài là “đạo đức giả”.
David Zweig, giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết sự tham gia của các đại sứ cho thấy “điều này đã trở thành một vấn đề về chính sách đối ngoại, và không chỉ là vấn đề nội bộ”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50753793

Ý đồ của TQ khi tìm cách gia tăng

các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí

trái phép ở Biển Đông

Để đáp ứng nguồn cung về nguồn năng lượng trong nước, cũng như giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, Trung Quốc đã chủ động thúc đẩy các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trái phép ở Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn thông qua hoạt động trên để gây sức ép, từng bước khẳng định “chủ quyền” trên Biển Đông.
Bắc Kinh đang khát năng lượng
Hiện nay, xét về mặt tiêu thụ năng lượng, Trung Quốc đang đứng hàng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế kéo dài suốt 30 năm qua, đi kèm với nó là sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số và đô thị hoá không ngừng. Nhu cầu đối với mọi dạng năng lượng – như than đá, dầu mỏ, khí đốt, điện, nước, các dạng năng lượng
khác có khả năng phục hồi và cả năng lượng hạt nhân, trở nên tăng vọt. Nhờ nguồn dự trữ lớn, hiện nay than đang là loại nhiên liệu số 1 của Trung Quốc và cung ứng 2/3 nhu cầu năng lượng của nước này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng cao, đặc biệt là dầu mỏ. Sau khi Trung Quốc quyết định mở rộng sản xuất khí đốt tự nhiên, gas có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh. Do sự phụ thuộc ngày một nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu nên Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực rất lớn để củng cố an ninh năng lượng quốc gia. Để đáp ứng nguồn cung về năng lượng, Trung Quốc một mặt tích cực thúc đẩy thăm dò, khai thác dầu khí ở trên lục địa cũng như các vùng biển. Hiện nay Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới.
Không những vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào mức độ thành công của Bắc Kinh trong việc đáp ứng các nhu cầu năng lượng không ngừng tăng của cả nước. Sự phụ thuộc ngày một nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bất an và lo lắng rằng, sự gián đoạn trong quá trình cung ứng nhiên liệu hoặc sự tăng giá không thể lường trước có thể làm kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Họ lo ngại rằng, bất kỳ sự giảm tốc nào cũng có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội và đến lượt mình sự bất ổn xã hội sẽ huỷ hoại quyền lực của họ cũng như quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản. Vì lẽ đó, an ninh năng lượng được xem là có quan hệ mật thiết với sự ổn định kinh tế và chính trị, đồng thời được coi là nhân tố chủ chốt trong việc duy trì vai trò lãnh đạo và giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Trong bối cảnh đó, vấn đề cung ứng nhiên liệu được đặt lên hàng đầu trong chương trình an ninh quốc gia Trung Quốc.
Trước tình hình trên, Trung Quốc đã đề xuất chương trình cải cách tổng thể trong nước và cả chiến lược an ninh nhập khẩu toàn cầu. Mục đích của Bắc Kinh là giữ cho sản xuất tiếp tục được duy trì tại các mỏ dầu truyền thống ở khu vực Đông Bắc, đồng thời mở rộng sản xuất tại miền Tây Trung Quốc. Ưu tiên hàng đầu được dành cho việc phát triển các mỏ dầu ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Biện pháp ứng phó
Theo thống kê, mức tiêu hao năng lượng để tạo ra GDP của Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư vốn, nhân lực và vật lực. Tiêu hao năng lượng cho một đơn vị GDP của Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao gấp 3-4 lần bình quân của thế giới. Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế, sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số, mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người tăng và đô thị hoá không ngừng… Theo IEA, lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng gấp 5 lần (từ 2 triệu thùng dầu mỗi ngày lên gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày) vào năm 2030. Thiếu hụt dầu mỏ và khí đốt sẽ trở thành những thiếu hụt nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ buộc phải nhập khẩu 80% lượng dầu mỏ tiêu dùng trong nước. Trung Quốc đang thực hiện giải pháp bảo đảm nguồn năng lượng tiêu dùng trong nước:
Thứ nhất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc sử dụng điện năng hiệu quả, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là vô cùng quan trọng. Vấn đề tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường đang là mục tiêu ưu tiên hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Trung Quốc đã tiến hành một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng để hạn chế sự gia tăng nhập khẩu năng lượng: thực hiện nghiêm ngặt tiết kiệm dầu mỏ trong nước, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng; cử các chuyên gia đi học tập kinh nghiệm tiên tiến nước ngoài… Thực hiện các công xưởng luân phiên ngừng sản xuất, tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm, kêu gọi toàn dân tiết kiệm và xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm năng lượng.
Thứ hai, đa dạng hóa nguồn cung, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế. Cùng với tiết kiệm năng lượng, chủ động đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống và đa dạng hóa các nguồn năng lượng mới thay thế: năng lượng hạt nhân và phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng đại dương…). Phát triển năng lượng tái sinh và các nguồn năng lượng thay thế khác đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng. Chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong tương lai có sự chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ sang các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (gồm thủy điện, năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học). Chiến lược này được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu (2005-2010): Năng lượng tái tạo đóng vai trò phụ trợ; Giai đoạn hai (2010-2020): Nguồn năng lượng thay thế dần dần cho các loại năng lượng khác; Giai đoạn ba (2020-2030): Năng lượng tái tạo sẽ vươn lên chiếm lĩnh.
Thứ ba, thu hút đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó phát triển năng lượng tái tạo được coi là một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và thân thiện với môi trường, giúp nguồn cung điện bớt phụ thuộc vào các nguồn truyền thống. Tuy nhiên, vốn đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo không hề nhỏ. Giá điện từ các nguồn năng lượng tái tạo có sự chênh lệch khá lớn với giá điện từ các nguồn truyền thống. Vì vậy, thu hút vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo rất khó khăn, cần có sự “chung tay” của các nguồn vốn đầu tư tư nhân cộng với “sức đẩy” từ sự trợ giúp của Chính phủ.
Thứ tư, đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng mới, được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Trung Quốc (cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản) trong gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh (cơ cấu của Trung Quốc là 35% so với của Hàn Quốc lên đến 80%). Trong đó, đầu tư tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh. Trung Quốc tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao… Trung Quốc cơ cấu lại 10 ngành, nghề chủ chốt (thép, ôtô, xi măng…) nhằm tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước hiện đại hóa các ngành chủ chốt để tiếp cận công nghệ xanh. Với ngành ôtô, Trung Quốc chuyển hướng chiến lược sản xuất ôtô tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Với ngành thép, khống chế sản lượng ở mức 300 triệu tấn/năm và loại bỏ công nghệ lạc hậu. Trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc coi phát triển “xanh” là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chiến lược tăng trưởng xanh là giải pháp để Trung Quốc và các quốc gia vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được Trung Quốc và mọi quốc gia hướng tới.
Một số hoạt động dầu khí phi pháp của Trung
Đầu tiên, Trung Quốc tăng cường thăm dò dầu khí ở Biển Đông, bao gồm cả những khu vực tranh chấp mà một số quốc gia ASEAN tuyên bố chủ quyền, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Thứ hai, Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao… để ngăn chặn các nước khai thác dầu khí ở Biển Đông. Trung Quốc (7/2014) chỉ trích việc Bộ Năng lượng Philippines đã gia hạn thêm một năm cho Forum Energy, một công ty dầu khí của Anh, tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong (tên quốc tế là Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng dùng ảnh hưởng và sức mạnh của mình để gây sức ép khiến PetroVietnam buộc phải dừng khoan thăm dò với các đối tác nước ngoài ở các lô 07.03 và 136.03 hồi tháng 3/2018 và 7/2017. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhiều lần ngang ngược tuyên bố: “Không có sự cho phép của Trung Quốc, việc khai thác dầu khí của bất kỳ công ty nước ngoài nào trong vùng biển dưới quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc là phi pháp và không có giá trị”; tiếp tục nhắc lại lập luận ngang ngược rằng Trung Quốc “có chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận.
Không những vậy, Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động đơn phương, ngăn chặn các nước ven Biển Đông thăm dò, khai thác dầu khí. Trung Quốc thường cáo buộc các nước ASEAN có yêu sách đã xâm phạm vào vùng biển của họ và cho rằng Trung Quốc có quyền thực thi các yêu sách chống lại các nước này. Chẳng hạn vào ngày 26 tháng 5 năm 2011, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của một tàu khảo sát đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển phía nam Việt Nam khoảng 120 km. Vào ngày 9 tháng 6, một tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm ngang cáp khảo sát của một con tàu khảo sát khác của Việt Nam. Năm 2011, Philipines đã báo cáo 7 sự cố liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Trong một trường hợp, vào ngày 2 tháng 3, hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã quấy rối một tàu thăm dò dầu khí trong khu vực mà Philippines yêu sách nằm cách bờ biển Palawan 250 km về phía Tây.
Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ủng hộ đối với các hoạt động phi pháp của doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông, như hỗ trợ trên các phương tiện chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, đưa ra chính sách ưu đãi khác thác như vốn đăng ký, thu thuế, thuế quan và tài chính, thiết lập quỹ khai thác rủi ro Biển Đông, đưa ra các chính sách phát triển ngành nghề hỗ trợ cần thiết để đẩy nhanh việc khai thác phi pháp ở Biển Đông.
Thứ tư, Trung Quốc cũng đơn phương kêu gọi, mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ở trong vùng biển của Việt Nam. Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã công bố mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2. Qua kiểm tra tọa độ do phía Trung Quốc công bố, các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn dầu khí quốc gia
Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay. Năm 2014, CNOCC loan báo sẽ phát thông báo mời các tập đoàn nước ngoài dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông, tổng diện tích của khu vực này là 126.000 km2. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam khẳng định, CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Năm 2016, CNOOC tiếp tục ra thông cáo mời thầu 18 lô dầu khí với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Trong các lô dầu khí ở Biển Đông năm 2016 này có một số lô nằm gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 2017, CNOOC lại mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch tại 22 lô ở vùng biển phía Nam Trung Quốc. Các lô này trải dài trên một vùng biển rộng 47.270 km2, bao gồm vùng biển của Việt Nam.
Điểm mặt một số giàn khoan của Trung Quốc từng hiện diện ở Biển Đông
Giàn khoan Dầu khí Hải dương 981 (HD-981) là giàn khoan biển sâu kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu. Ngày 2 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được Trung Quốc đưa tới hoạt động trái phép tại vị trí cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía Nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía Đông. Tiếp đến, Giàn khoan Lam Kình 1 là giàn khoan biển sâu loại nửa nổi nửa chìm lớn nhất thế giới với trọng lượng 42.000 tấn, chiều cao từ đáy đến đỉnh là 118 m, tương đương tòa nhà 37 tầng. Trong khoảng thời gian 8-9/2019, giàn khoan được Trung Quốc đưa tới hoạt động trái phép ở Biển Đông. Giàn khoan Dầu khí Hải dương 982 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, được Trung Quốc mệnh danh là “đảo nhân tạo trên biển. Trung Quốc cũng đã đưa giàn khoan này ra Biển Đông tác nghiệp, do nó được thiết kế chịu đựng mọi cơn bão khắc nghiệt ở vùng biển này. Ngoài ra, còn một số giàn khoan khác như Hưng Vượng, Nam Hải 9, Nam Hải 4, Hải Dương 943, Nam Hải 01, Nam Hải 05…
Việc Trung Quốc đưa những giàn khoan trên tới hoạt động phi pháp ở Biển Đông là nhằm: (1) Trung Quốc thông qua việc triển khai các loại hình giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông là nhằm kiểm tra, đánh giá trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và băng cháy ở Biển Đông, để tạo điều kiện thuận lợi hoạch định chính sách, biện pháp khai thác (đa phần là phi pháp) trong khu vực. (2) Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nếu họ chiếm được 3 yếu tố này chính là họ đã “làm chủ” tình hình trong khu vực. (3) Trung Quốc liên tục đưa các loại giàn khoan vào loại hiện đại và tiên tiến nhất thế giới vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có “chủ quyền” ở quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc cũng tiến hành xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa cho sự xâm chiếm trái phép đó. Khi tàu cá Việt Nam đánh bắt ở khu vực này thì Trung Quốc sẽ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa lên rằng tàu cá Việt Nam vi phạm. (4) Thông qua việc triển khai các giàn khoan trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng có ý định dùng giàn khoan dầu để từng bước giành quyền kiểm soát khu vực ngoài khơi, bước đầu là tạo một vùng kiểm soát không rõ ràng về pháp lý và chính trị rồi sau đó là chiếm lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực. (5) Triển khai gian khoan ra Biển Đông là bước đi “chiến lược” của Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, quấy rối dựa trên các chiêu bài núp bóng dân thường; Gây ảnh hưởng trên dư luận quốc tế, ngăn cản các nước lân cận theo đuổi các hành động trái với lợi ích của Trung Quốc; Lợi dụng luật pháp quốc tế và Trung Quốc nhằm khẳng định quyền lợi của nước này đồng thời phủ nhận hay thay đổi các điều khoản không có lợi trong tranh chấp ở Biển Đông. (6) Hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông đã một lần nữa khẳng định mưu đồ giành quyền kiểm soát vùng biển chiến lược này của Trung Quốc trong những năm gần đây.
http://biendong.net/bien-dong/32092-y-do-cua-tq-khi-tim-cach-gia-tang-cac-hoat-dong-tham-do-khai-thac-dau-khi-trai-phep-o-bien-dong.html

Điểm mặt số máy bay chiến đấu

trang bị cho Hạm đội tàu sân bay của TQ

Ngay sau khi sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị kỹ về lực lượng, phương tiện trang bị cho hạm đội tàu sân bay của nước này. Một trong những loại vũ khí được để ý nhất là số máy chiến đấu trang bị cho hạm đội tàu sân bay Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang có 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Type 001A. Liêu Ninh không có hệ thống phóng máy bay điện từ (catapult), thay vào đó sử dụng một đà trượt (ski jump) để máy bay cất cánh rời khỏi boong tàu. Trong khi đó, Type 001A về cơ bản là bản sao chép thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng có lượng giãn nước lớn hơn (trên 70.000 tấn đủ tải), thay hệ thống đà trượt máy bay bằng một góc boong (deck angle) nhỏ hơn cùng nhiều cải tiến khác, tốc độ cao nhất nhanh hơn (31 hải lý, chứ không phải là 29 hải lý của Liêu Ninh), phần nhô lên trên mặt boong nhỏ hơn để tạo ra không gian sàn boong lớn hơn, và nhà chứa máy bay (hangar) lớn hơn để chứa được 32 -36 máy bay tiêm kích J-15, chứ không phải 24 máy bay như trên tàu sân bay Liêu Ninh. Được đóng bởi Công ty công nghiệp đóng tàu Đại liên, tàu sân bay Type 001A được hạ thủy vào ngày 26/4/2017 và đang chuẩn bị bàn giao, biên chế cho hải quân Trung Quốc.
Tàu sân bay Type 001A được đặt tên là Shandong (Sơn Đông) dự kiến sẽ đặt nền móng cho các tàu sân bay tương lai, bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu sân bay thứ ba Type 002 của Trung Quốc là một bước đột phá lớn và sẽ có sàn boong thẳng, phẳng và hệ thống máy phóng máy bay (catapult) điện từ, cho phép phóng các máy bay tiêm kích tàng hình như J-20 Chengdu và J-31 Shenyang, cho dù những máy bay này sẽ đòi hỏi những sự cải tiến cho phù hợp hơn. Những khái niệm thiết kế của phiên bản máy bay J-31 có khả năng hoạt động trên tàu sân bay cũng đã được phát triển.
Máy bay tiêm kích
Vì chỉ có một kiểu máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay đang có trong trang bị của Trung Quốc, nên máy bay tiêm kích J-15 Flying Shark (Cá mập bay) trở thành nòng cốt của lực lượng không quân tàu sân bay của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN). Trung Quốc tuyên bố J-15 ưu việt hơn mẫu máy bay Su-33 Sukhoi – một trong những phiên bản của mẫu máy bay Flanker mà nó dựa theo mẫu để phát triển, cùng với các mẫu máy bay sao chép khác như J-11 và J-16. Máy bay J-15 được Công ty máy bay Shenyang (Thẩm Dương) phát triển, sau khi Trung Quốc mua mẫu máy bay hải quân chế tạo mẫu Su-33 từ Ucraina vào năm 2001, và máy bay đầu tiên bay thử vào tháng 8/2009. Máy bay J-15 bắt đầu hạ cánh và cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh vào tháng 11/2012, ngay sau khi tàu sân bay này bắt đầu đưa vào trang bị.
Máy bay J-15 rất giống với máy bay Su-33 với các cánh vịt (canard) để có đường chạy đà cất cánh ngắn hơn và khả năng cơ động được cải thiện, các cánh nâng xếp /cụp vào và các cánh đuôi nằm ngang, càng hạ cánh được gia cường với bánh kép phía mũi, càng phía đuôi (tailboom) ngắn, và một móc hãm (arrestor hook). Tuy nhiên, máy bay đã có những cải tiến hơn do Trung Quốc đã nâng cấp về thiết bị điện tử hàng không và vũ khí, cũng như các bộ phận cấu thành của khung máy bay nhằm giảm khối lượng, cho dù khối lượng cất cánh tối đa vẫn duy trì 33 tấn, vốn là một trong những máy bay hoạt động trên tàu sân bay có khối lượng lớn nhất thế giới. Máy bay J-15 Flying Shark kết hợp các đặc tính của máy bay J-11B hoạt động trên đất liền như buồng lái kính với 7 màn hình tinh thể lỏng và hệ thống cảnh báo tên lửa. Radar điều khiển hỏa lực của máy bay được cho là dựa trên khối radar Type 1493, nhưng có các khả năng được tăng cường về năng lực không đối hải. Máy bay J-15 sử dụng 2 động cơ AL-31F của Nga, nhưng mẫu chế thử đã được lắp động cơ tua-bin dòng thẳng WS-10H Taihang (Thái Hàng) do Trung Quốc chế tạo có lực đẩy 12.800 kN. Tuy nhiên, có lẽ do vấn đề về độ tin cậy và tính năng liên quan đến động cơ WS-10H chế tạo trong nước, nên cho đến nay, động cơ AL-31F hoàn thiện hơn vẫn được lựa chọn cho mẫu máy bay J-15.
Cho tới nay đã có hai chục máy bay J-15 được chế tạo cho tàu sân bay Liêu Ninh. Một số mẫu máy bay thử nghiệm cũng đã được chế tạo, gồm mẫu 2 ghế lái (có thể có ký hiệu J-15S), được dùng để huấn luyện. Mẫu máy bay này bay thử đầu tiên vào tháng 11/2012 từ các cơ sở của công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương (Shenyang), lắp các động cơ WS-10H. Mẫu máy bay này có thể được phát triển thành máy bay tác chiến điện tử có ký hiệu là J-15D, tương tự như máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler của Hải quân Mỹ. Trung Quốc cũng đã phát triển máy bay tiêm kích J-16 thành phiên bản máy bay tác chiến điện tử. Một phiên bản khác đã xuất hiện vào tháng 7/2016 là J-15 với càng hạ cánh tương thích với hệ thống phóng điện từ (catapult). Cũng sẽ có những cải tiến khác xa hơn nữa đối với vũ khí và thiết bị điện tử hàng không của J-15 để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay được trang bị hệ thống phóng CATOBAR của Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự dự đoán rằng, Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm radar mạng pha quét điện tử chủ động (AESA) cho máy bay J-15 với tầm phát hiện trên 170 km. Mẫu radar này có thể được lắp trên phiên bản máy bay J-15B cải tiến nâng cao.
Máy bay trực thăng
Mặc dù Hải quân Trung Quốc đang vận hành số lượng nhỏ máy bay trực thăng Ka-27/28 được mua từ Nga để phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và vận tải, và mẫu trực thăng Ka -31 phục vụ cho nhiệm vụ cảnh báo sớm trên không, nhưng dường như Trung Quốc đang thiên về sử dụng các thiết kế trong nước, thay thế cho các mẫu máy bay trực thăng mua của Nga, và do vậy năng lực chế tạo trong nước cũng đang tăng lên. Hai kiểu máy bay cánh quay quan trọng nhất hoạt động trên tàu sân bay là Z-8/Z-18 Changhe và Z-9 Harbin được phát triển dựa trên các mẫu trực thăng Super Frelon và AS365. Các mẫu trực thăng khác cũng đã được phát hiện trên tàu sân bay Liêu Ninh bao gồm trực thăng vận tải/đa dụng Z-18 và các phiên bản trực thăng tìm kiếm, cứu nạn/tải thương Z-8J/JH.
Ngoài các máy bay tiêm kích không được xác định cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm, tàu sân bay Liêu Ninh có thể tiếp nhận 6 máy bay trực thăng tác chiến chống ngầm Z-18F, 4 trực thăng cảnh báo sớm trên không Z-18J và 2 trực thăng đa dụng Z-9. Trực thăng Z-18F là một phiên bản trực thăng tác chiến chống ngầm chuyên dụng của mẫu trực thăng Z-8, nặng 13,8 tấn với đặc trưng radar sục sạo lắp ở mũi trực thăng, tháp khí tài quan sát phía trước, sonar thả chìm, và các giá treo vũ khí để treo các ngư lôi hạng nhẹ Yu-7.
Mẫu trực thăng tìm kiếm cứu nạn Z-9 đã được phát hiện trên tàu sân bay Liêu Ninh, cùng với các mẫu trực thăng chiến đấu Z-9C và D. Trong trang bị của Quân đội Trung Quốc, trực thăng Z-9C có số lượng lớn nhất, được trang bị ra-đa KLC-1 do Trung Quốc chế tạo hoặc ra-đa ORB-32 do Pháp chế tạo. Mẫu ra-đa KLC-1 có góc quét 180o và có khả năng phát hiện các mục tiêu nhỏ ở tầm 90 km và các tàu lớn hơn ở tầm lên tới 140 km. Các xen-xơ khác gồm có: xô-na thả chìm, và tháp khí tài quang điện tử được lắp trên thân của một số trực thăng. Z-9C có thể mang 2 ngư lôi A244S hoặc Yu-8K, rốc-két không điều khiển 57 mm và súng máy 12,7mm.
Mẫu trực thăng Z-9D cải tiến có khả năng mang theo tới 4 tên lửa đối hạm trên 2 cánh ngắn có thể thu vào bên trong thân. Những tên lửa này dường như là mẫu tên lửa đối hạm YJ-9 được phát triển từ mẫu tên lửa đối hạm được dẫn bằng ra-đa TL-10B với tầm tác chiến 15 km. Những thay đổi khác trên trực thăng Z-9C gồm có ra-đa sục sạo cải tiến nâng cấp (KLC-3B) và trên nhiều máy bay trực thăng được chuyển đổi sang vai trò tìm – cứu, được trang bị tháp khí tài hồng ngoại quan sát phía trước, đèn pha tìm kiếm và tời.
Máy bay trang bị cho tàu bảo vệ
Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu khác trong cụm chiến đấu tàu sân bay của Trung Quốc cũng có khả năng mang theo máy bay. Tàu sân bay Liêu Ninh đi cùng với 4 tàu khu trục Type 052C hoặc Type 052D làm nhiệm vụ phòng không (với một máy bay trực thăng Ka-27 hoặc Z-9C), 2 tàu frigat Type 054A làm nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước (với 1 trực thăng tác chiến chống ngầm Ka-28 hoặc Z-9C), một tàu ngầm hạt nhân Type 093 và một tàu cung ứng (điển hình là tàu Type 903A với một máy bay trực thăng hoặc là Z-8 hoặc là Z-9). Tàu sân bay Liêu Ninh còn được phát hiện đi cùng với các tàu hộ vệ tác chiến chống ngầm Type 056 với một sân bay trên boong dùng cho máy bay trực thăng, nhưng không có kho chứa máy bay.
Tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển mới, tiên tiến Type 055, được hạ thủy lần đầu tiên vào giữa năm 2017, sẽ thay thế cho tàu khu trục Type 052 trong vai trò phòng không, khi chúng chính thức được đưa vào trang bị vào năm 2019. Đây là một trong những tàu mặt nước đầu tiên của Trung Quốc có khả năng thực hiện nhiệm vụ tiến công đất liền, ngoài các nhiệm vụ tác chiến phòng không, chống tên lửa, chống hạm và chống ngầm. Mỗi tàu khu trục Type 055 sẽ mang theo 2 trực thăng chống ngầm Z-9C hoặc 2 trực thăng Z-18F.
Nhìn chung, tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc đã được thể hiện rõ trong những năm gần đây, những bước tiến đáng kể cũng đã đạt được, và Trung Quốc sẽ bắt kịp rất nhanh các nước phương Tây, vượt qua nhanh chóng các nước láng giềng như Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Mặc dù, các tàu sân bay và máy bay tiêm kích phản lực của Trung Quốc sẽ không mạo hiểm vươn ra quá xa ngoài vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc, cũng như eo biển Đài loan, song chúng cũng báo hiệu khả năng chiếm ưu thế trên biển của Trung Quốc, và sự chuyển đổi của họ để trở thành một cường quốc quân sự quan trọng trong khu vực.
http://biendong.net/bien-dong/32091-diem-mat-so-may-bay-chien-dau-trang-bi-cho-ham-doi-tau-san-bay-cua-tq.html

TQ tiến hành chiến dịch tuyên truyền,

phản bác các cáo buộc vi phạm, đàn áp

nhận quyền của Mỹ tại Tân Cương

Ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thông qua cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công” và “Đạo luật Chính sách nhân quyền Tân Cương năm 2019” lên án Bắc Kinh đàn áp, bóp nghẹt nhân quyền, các cơ quan ngoại giao, tuyên truyền của Trung Quốc đã ngay lập tức tiến hành một chiến dịch truyền thông rầm rộ để đáp trả các hành động của Washington.
(1) Đài Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) thuộc Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng hai bộ phim tài liệu bằng tiếng Anh về chống khủng bố tại Tân Cương, trong đó thể hiện những tổn hại do chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo gây ra cho Tân Cương, lên án tội ác của tổ chức khủng bố “Phong trào Hồi giáo Đông Tuockistan” tại khu vực tự trị này. Bộ phim tài liệu “Phong trào Hồi giáo Đông Tuockistan” (những kẻ chống lưng với các vụ tấn công khủng bố bạo lực ở Tân Cương), vạch trần các tội ác của “Phong trào Hồi giáo Đông Tuockistan” qua 3 phần nội dung, bao gồm “Mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh Trung Quốc”, “Sách lược chủ nghĩa ly khai của Phong trào Hồi giáo Đông Tuockistan” và “Nhiệm vụ chống khủng bố gánh nặng đường xa”.
(2) Sử dụng giới học giả, chức sắc các dân tộc và các giới Tân Cương lên án và phản đối sự can thiệp, các tuyên bố và hành động liên quan của Mỹ. Nghiên cứu viên Sở Nghiên cứu Trung Á của Viện Khoa học xã hội Tân Cương Cổ Lệ Yến chỉ trích “Đạo luật chính sách nhân quyền Tân Cương của Mỹ năm 2019” đã bóp méo sự thật, bôi nhọ và vô cớ chỉ trích tình trạng nhân quyền của Tân Cương, thể hiện chủ nghĩa bá quyền rõ rệt. Chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Tân Cương Abudulrekep Tumniaz phát biểu “thay mặt tất cả nhân sỹ giới Hồi giáo và đông đảo những người theo đạo Hồi ở Tân Cương, khuyến cáo những thế lực thù địch phương Tây âm mưu kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, phá hoại tình hình ổn định của Tân Cương, bôi nhọ Trung tâm giáo dục và đào tạo, không phao tin đồn nhảm và bôi nhọ Tân Cương”.
(3) Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, theo báo chí Trung Quốc thì ông Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh, gần đây, Mỹ thông qua cái gọi là “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công”, Hạ viện Mỹ thông qua cái gọi là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Tân Cương năm 2019”, quan chức Mỹ nhiều lần có ngôn luận bóp méo, tấn công chế độ chính trị và chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, đây là hành vi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp Quốc tế và chuẩn tắc cơ bản về quan hệ quốc tế, trái ngược nghiêm trọng với nguyện vọng của nhân dân hai nước Trung – Mỹ nói riêng, và cộng đồng quốc tế nói chung. Trung Quốc kiên quyết phản đối và cực lực lên án việc này.
(4) Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 6/12 cho biết, về việc tháng 10 Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng biện pháp hạn chế nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc ngày 4/12 đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, thông báo sẽ áp dụng biện pháp tương tự đối với phía Mỹ kể từ cùng ngày. Bà Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc luôn ủng hộ nhân viên ngoại giao các nước, trong đó có Mỹ triển khai các hoạt động công vụ bình thường tại Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cần thiết. Về việc Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 10 áp dụng biện pháp hạn chế nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc ngày 4/12 đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, thông báo sẽ áp dụng biện pháp tương tự đối với phía Mỹ kể từ cùng ngày. Trung Quốc sẽ đưa ra phản hồi tương ứng dựa theo cách làm của Mỹ. Bà Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc một lần nữa hối thúc Mỹ uốn nắn sai lầm, hủy bỏ quyết định liên quan, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ triển khai các hoạt động liên quan.
(5) Ngày 9/12, tại buổi họp báo của Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc, Phó Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Khu tự trị Tân Cương Shekelaiti Sakel cho biết, mới đây, Hạ viện Mỹ thông qua cái gọi là “Đạo luật chính sách nhân quyền Tân Cương năm 2019”, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Trung Quốc. Những biện pháp chống khủng bố, loại bỏ cực đoan hóa của Trung Quốc triển khai tại Tân Cương không có gì khác về bản chất so với biện pháp chống khủng bố, loại bỏ cực đoan hóa của nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ. Quan chức này còn cho biết, những năm qua, GDP Tân Cương trung bình tăng 8,5%/năm, thu nhập có thể chi phối bình quân đầu người ở thành thị và nông thôn trung bình tăng hơn
8%/năm. Năm 2018, Tân Cương tiếp đón 150 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, tăng 40,1% so với năm 2017.
http://biendong.net/bien-dong/32089-tq-tien-hanh-chien-dich-tuyen-truyen-phan-bac-cac-cao-buoc-vi-pham-dan-ap-nhan-quyen-cua-my-tai-tan-cuong.html

Tranh săn trâu

trong hang Sulawesi có 44 nghìn năm tuổi

Một bức tranh vẽ cảnh săn thú trên tường một hang đá ở đảo Sulawesi, Indonesia được xác định có 44 nghìn năm tuổi.
Địa điểm này là hang Leang Bulu’Sipong 4, phía Nam Sulawesi, hòn đảo nằm về phía Đông của Borneo.
Năm ngoái, người ta tìm ra tranh tương tự trên đảo Borneo, có tuổi ít nhất 40 nghìn năm.
Nay, giới nghiên cứu tin rằng có thể còn có các tranh người tiền sử vẽ trong hang động ở thời gian xa hơn nữa về quá khứ.
Về tinh tinh cao 3m từng sống ở Việt Nam
Thần thoại Ấn Độ ‘đã có phi cơ và tế bào gốc’
Đi tìm thành cổ Hy Lạp của vị vua lỡ giết cha cưới mẹ
Bài đăng trên tạp chí Nature viết:
“Cho tới nay, nghệ thuật hang đá ở các vùng châu Âu chỉ có tuổi 14 – 21 nghìn năm, mà đã được coi là lâu đời nhất thế giới.”
Nhưng tranh ở Đông Nam Á, và bức trên thành hang cao 5 mét ở Sulawesi có thể coi là “tranh hang động vẽ thú vật” cổ nhất.
Bài trên Nature do nhóm nhà khảo cổ từ Đại học Griffith, Brisbane của Australia đăng tải.
Tranh mô tả cảnh săn bắn: trâu anoa bị người mang hình quái thú cầm giáo và dây đuổi theo.
Ở Nam Phi còn có một tác phẩm được cho là “nét vẽ cổ nhất của loài người” trên phiến đá, có 73 nghìn năm tuổi.
Thế nhưng tranh trong hang ở Sulawesi là một tác phẩm lớn, đồ sộ và mô tả cảnh trí săn bắn, hình người, thú vật cụ thể.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-50762073

Myanmar ra tòa quốc tế

nhưng vẫn xử 100 người Rohingya

Aung San Suu Kyi: vì sao biểu tượng hòa bình tới phiên tòa diệt chủng?
Trong khi bà Aung San Suu Kyi bào chữa cho chính quyền Myanmar tại Tòa quốc tế ở Hà Lan, Myanmar đem gần 100 người Rohingya ra xử hôm 11/12/2019.
Họ bị bắt vì bỏ trốn khỏi quốc gia Đông Nam Á hiện đang bị cáo buộc “diệt chủng” và phải ra tòa ở Pathein, miền Tây của Myanmar.
‘Bác bỏ và phủ nhận’
Trước Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan, lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng bảo vệ cho quân đội nước này.
Trong bài phát biểu gần 30 phút, bà Suu Kyi, người nhận giải Nobel Hòa bình vì đóng góp cho công cuộc cải cách dân chủ ở Myanmanr, đã bác bỏ bác bỏ các cáo buộc về tội diệt chủng xảy ra ở nước bà, nhằm vào cộng đồng Rohingya theo đạo Hồi.
‘Tội ác chống loài người’ ở Myanmar
Bà Suu Kyi đối đầu vụ kiện diệt chủng tại Tòa quốc tế
Suu Kyi không sợ ‘giám sát’ của quốc tế
Nhà ngoại giao Mỹ chỉ trích Suu Kyi
Theo bà Suu Kyi, những cáo buộc đó “là không đầy đủ và không chính xác” (incomplete and incorrect).
Bà thừa nhận bất ổn ở bang Rakhine, nơi đa số người Rohingya sinh sống, “đã có từ nhiều thế kỷ”.
Bà cũng cho rằng đáng ra không nên có phiên xét xử này ở tòa án tối cao của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Myanmar, vì không thể có chuyện “diệt chủng” khi nhà chức trách nước này cũng đang điều tra các vi phạm của một số quân nhân.
Nước châu Phi là Gambia, với sự ủng hộ của 57 nước trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, nộp đơn kiện lên Tòa Công lý Quốc tế, nêu cáo buộc Myanmar phạm tội diệt chủng vì chiến dịch chống người Hồi giáo Rohingya.
Hàng nghìn người Rohingya bị giết, thiêu sống, hãm hiếp và chừng 700 nghìn đã bỏ nước chạy sang Bangladesh sau các chiến dịch của quân đội Myanmar, quốc gia có đa số theo Phật giáo, bắt đầu năm 2017.
Các cáo buộc diệt chủng là không đầy đủ và không chính xác Bà Suu Kyi
Chính quyền Myanmar từng cho xử tù 10 quân nhân của họ vì giết thường dân tại Rakhine nhưng chỉ ra bản án nhẹ.
Myanmar nói rằng việc “chống lại các phần tử cực đoan” là cần thiết, và giải thích rằng tình trạng bạo lực ở Rakhine “là vấn đề của cuộc xung đột vũ trang nội bộ”.
Theo chính quyền, thì một lực lượng dân quân Rohingya đã tấn công các cơ sở của quân đội và công an Myanmar, gây ra các cuộc phản kích.
Nhưng các điều tra quốc tế lại cho thấy quân đội Myanmar đốt phá làng mạc của dân Rohingya và nay dùng các vùng đất đó là nơi xây cất cơ sở quân sự, nhà cửa của chính quyền.
Với quốc tế, bà Aung San Suu Kyi từng là một biểu tượng nhân quyền nhưng ngày càng mờ nhạt và hiện bị Phương Tây chỉ trích gay gắt vì cuộc khủng hoảng Rohingya.
Cùng lúc, tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi được số đông người Myanmar cùng sắc tộc với bà coi là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ quốc tế.
Một số người Myanmar đã đến The Hague tuần này để ủng hộ bà, và cuộc biểu tình của họ trước Cung Hòa bình, nơi diễn ra phiên tòa của ICJ,
ASEAN im lặng như thường lệ?
Cho đến nay có vẻ như khối ASEAN không lên tiếng gì về chuyện bà Aung San Suu Kyi ra trước tòa ở Hà Lan để bào chữa cho quân đội Myanmar.
Trong ASEAN chỉ có Malaysia và Indonesia, hai quốc gia Hồi giáo, là nghiêng về hướng muốn nói đến các vụ việc ở Rakhine.
Tuy thế, báo chí khu vực cũng có bài về vấn đề này.
Cây bút Kornelius Purba trên báo Indonesia, tờ The Jakarta Post (10/12) đặt câu hỏi liệu Tổng thống Joko Widodo nên làm mạnh mẽ hơn để Myanmar chấm dứt việc đàn áp người Rohingya.
“Tổng thống Jokowi phải thuyết phục bà Suu Kyi thừa nhận các vụ giết chóc, tàn sát là có thật, và phải làm việc thực sự để chấm dứt các tội ác đó, vì chính quốc gia của bà.”
Còn ở Việt Nam, Phạm Lữ, trên báo Thanh Niên ở Việt Nam cùng ngày thì viết:
“Myanmar phải chủ động ứng phó và nhanh chóng xử lý dứt điểm…
…Nếu để bảo vệ Myanmar trước những cáo buộc như vậy ở bên ngoài, thì bà Aung San Suu Kyi là người hứa hẹn thành công nhất.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 11/12 thì gọi chuyến đến Hà Lan của bà Aung San Suu Kyi là “chuyến đi minh oan”.
Cho đến nay Hà Nội không lên tiếng như Indonesia và Malaysia về vấn đề Rohingya.
Tuy nhiên, hồi đầu năm 2019, báo chí quốc tế đưa tin trong chuyến thăm tới Bangladesh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã tuyên bố Việt Nam sẽ hỗ trợ 50.000 đô la và đóng góp cho Chương trình Thực phẩm Liên Hiệp Quốc thêm 50 nghìn nữa để giúp việc cứu trợ nhân đạo đối với người “di cư từ bang Rakhine, Myanmar” sang Bangladesh.
Được biết Việt Nam sẽ làm chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020 và vấn đề Rohingya sẽ không biến mất đi nhanh chóng.
Các bình luận quốc tế tin rằng dù Myanmar có bị phán quyết không ràng buộc của ICJ về “tội diệt chủng” hay không, thì vết đen cho chính quyền vẫn chịu ảnh hưởng của phe quân đội tại Myanmar vẫn còn đó.
Dự kiến ICJ sẽ ra phán quyết chung thẩm sau phiên tòa tuần này ở The Hague nhưng việc thực hiện, áp dụng thế nào còn là cả một thủ tục pháp lý lâu dài.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50757204

Cáo buộc diệt chủng người Rohingya :

Gambia lên án sự ”im lặng” của Aung San Suu Kyi

Trọng Thành
Hôm nay 12/12/2019 là ngày cuối cùng trong cuộc điều trần của lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi trước Tòa quốc tế về cáo buộc diệt chủng người Rohingya. Gambia, quốc gia đệ đơn kiện lên Tòa Công Lý Quốc Tế, lên án việc bà Aung San Suu Kyi im lặng trước các tội ác của quân đội Miến Điện.
Theo AFP, các luật sư của Gambia khẳng định lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện đã nhắm mắt làm ngơ trước các cáo buộc giết người hàng loạt, hãm hiếp, trục xuất người ồ ạt, khi bà Aung San Suu Kyi khẳng định quân đội Miến Điện chỉ nhắm vào các lực lượng phản kháng. Một luật sư nhấn mạnh là : ”Từ cưỡng hiếp đã không một lần nào” được lãnh đạo chính phủ Miến Điện nhắc đến.
Ngày hôm qua, bà Aung San Suu Kyi – dẫn đầu phái đoàn của chính quyền Miến Điện đến La Haye – bác bỏ cáo buộc quân đội Miến Điện ”chủ trương tiến hành chiến dịch diệt chủng”, tuy có thừa nhận không thể loại trừ việc quân đội Miến Điện đã ”sử dụng vũ lực thái quá”.
Một mặt cực lực bác bỏ tội danh ”diệt chủng”, mặt khác, lãnh đạo chính phủ Miến Điện Aung San Suu Kyi cũng so sánh việc khoảng 740.000 người Rohingya phải chạy ra nước ngoài tị nạn với làn sóng tị nạn của 200.000 người Serbia, chạy khỏi Croatia, do bị lực lượng vũ trang Croatia truy bức trong những năm 1990.
Lãnh đạo Miến Điện cũng nhấn mạnh là với việc chính quyền của bà đã ký kết một thỏa thuận với Bangladesh để người tị nạn được hồi hương, không thể quy cho chính quyền Miến Điện tội ác ”diệt chủng”. Buổi điều trần của Aung San Suu Kyi được truyền hình trực tiếp tại Miến Điện.
Cuối ngày hôm nay, phía Miến Điện sẽ đưa ra tuyên bố cuối cùng. Tòa Công Lý Quốc Tế không xác định ngày đưa ra ”các biện pháp tạm thời”, tuy nhiên, dự kiến các thông báo đầu tiên sẽ được đưa ra vào tháng Giêng năm tới.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191212-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-di%E1%BB%87t-ch%E1%BB%A7ng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-rohingya-gambia-l%C3%AAn-%C3%A1n-s%E1%BB%B1-im-l%E1%BA%B7ng-c%E1%BB%A7a-aung-san-suu-kyi

Ấn Độ : Hạ Viện thông qua luật cấp quốc tịch

cho dân tị nạn, loại trừ tín đồ Hồi Giáo

Trọng Thành
Trong đêm hôm qua 11/12, rạng sáng nay 12/12/2019, Hạ Viện Ấn Độ đã bỏ phiếu thông qua luật cấp quốc tịch cho công dân một số nước láng giềng sống tị nạn tại Ấn Độ, với 311 phiếu thuận, 80 phiếu chống.
Theo luật này, thì công dân ba nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan – là người theo Ấn Độ Giáo, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay Hỏa Giáo – có thể được nhập quốc tịch Ấn Độ. Tuy nhiên, người Hồi Giáo tị nạn không được cấp quốc tịch. Ba nước láng giềng nói trên là nơi dân cư đa số theo Hồi Giáo. Luật mới về cấp quốc tịch thay thế cho luật quốc tịch năm 1955, cấm cấp quốc tịch cho dân nhập cư bất hợp pháp. Thông tín viên Sébastian Farcis tường trình từ New Delhi :
”Giấc mơ của hàng triệu người là nạn nhân và bị loại trừ giờ đây đã trở thành hiện thực. Bộ trưởng Nội Vụ Ấn Độ ca ngợi luật vừa được thông qua. Đối với chính phủ Ấn Độ, do phe dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ Giáo điều hành, luật về cấp quốc tịch sẽ cho phép nhiều người Afghanistan, Bangladesh hay Pakistan, không theo đạo Hồi, được nhận quốc tịch Ấn Độ, nếu sống tại Ấn Độ từ 6 năm trở lên. Đối với những người nước ngoài khác, thời gian đòi hỏi là 11 năm.
Phe dân tộc chủ nghĩa theo Ấn Độ Giáo cầm quyền khẳng định luật này có mục tiêu bảo vệ các cộng đồng theo tôn giáo thiểu số ở ba quốc gia nói trên. Theo đối lập Ấn Độ, đây là một biện pháp để ngăn cản những tín đồ Hồi Giáo trong khu vực được cấp quốc tịch Ấn Độ. Thậm chí còn có khả năng tạo điều kiện trục xuất cả những người đã sống tại Ấn Độ.
Luật này thậm chí có thể là bất hợp pháp, vì xâm phạm các nguyên tắc bình đẳng và thế tục, được ghi trong Hiến pháp. Đối với ông Palaniappan Chidambaram, nghị sĩ đối lập đảng Quốc Đại, dự luật này sẽ phải bị đưa ra trước Tòa Án Tối Cao. Ông nói : Người ta đã đòi hỏi các nghị sĩ phải thực thi một điều vi hiến. Dự luật này sẽ phải được đưa ra để các thẩm phán xem xét về tính hợp hiến. Tôi cho rằng chính phủ này sẽ dùng quyền lực để luật được thông qua nhằm thực thi chính sách coi người Ấn là thượng đẳng. Đây là một ngày đáng buồn !.
Tòa Án Tối Cao, vốn được coi là một định chế độc lập tại Ấn Độ, nhưng gần đây các thẩm phán của Tòa đã đứng về phía phe Ấn Độ Giáo chống lại người theo đạo Hồi. Tình hình hiện nay có lợi cho chính phủ”.
Đối với nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền hay Hồi Giáo, đây là một nỗ lực mới của chính quyền của thủ tướng Narendra Modi nhằm gạt cộng đồng Hồi Giáo tại Ấn Độ sang bên lề. Đây là điều mà chính quyền Modi phủ nhận. Theo chính phủ Modi, luật mới không liên quan đến tín đồ Hồi Giáo sinh sống tại Ấn Độ. Tuy nhiên, dự luật gây lo ngại tại nhiều bang Ấn Độ miền đông bắc, những người phản đối lo ngại làn sóng tị nạn người Ấn Độ Giáo từ nước láng giềng Bangladesh tràn sang.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191212-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-th%C3%B4ng-qua-lu%E1%BA%ADt-c%E1%BA%A5p-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%8Bch-cho-d%C3%A2n-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-lo%E1%BA%A1i-tr%E1%BB%AB-t%C3%ADn-%C4%91%E1%BB%93-h%E1%BB%93i-gi%C3%A1o

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.