Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 07/12/2019

Saturday, December 7, 2019 7:50:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 07/12/2019

Không gian dân sự ở Việt Nam bị đánh giá ‘vẫn ngột ngạt’

Việt Nam nằm trong số 24 quốc gia trên thế giới có không gian hoạt động dân sự ‘ngột ngạt’ (closed civic space), có ‘rất ít tiến bộ’ và thế giới cần áp lực buộc Việt Nam thực hiện những cam kết của mình, một tổ chức nhân quyền cho biết trong phúc trình thường niên về không gian dân sự toàn cầu.
So với năm 2018 thì môi trường dân sự Việt Nam không có gì thay đổi và quốc gia này vẫn nằm trong nhóm nước bóp nghẹt các hoạt động dân sự nhiều nhất, theo phúc trình nhan đề ‘Quyền lực Người dân bị Tấn công’.
Báo cáo này vừa được CIVICUS, một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi hoạt động dân sự toàn cầu có trụ sở ở Nam Phi, công bố hôm 4/12 ở Bangkok, Thái Lan, trong đó đánh giá tình hình thực hiện những quyền cơ bản của người dân ở các quốc gia.
Tổng cộng có 196 nước và vùng lãnh thổ được khảo sát và đánh giá theo năm thang bậc: cởi mở, hạn hẹp, cản trở, đàn áp và khép kín. Trên toàn cầu có 43 nước được đánh giá là ‘cởi mở’, chủ yếu tập trung ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Hầu hết các nước và vùng lãnh thổ được đánh giá là ‘khép kín’ đối với hoạt động dân sự nằm ở châu Á và châu Phi. Cùng với Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Lào là các quốc gia Đông Á nằm trong nhóm khép kín này.
Đại diện duy nhất của châu Á được xếp hạng cao nhất là vùng lãnh thổ Đài Loan. Theo CIVICUS, Đài Loan được đánh giá cao trong năm nay nhờ vào việc vùng lãnh thổ này đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Trong khi đó, ‘điểm tối’ trong năm 2019 mà phúc trình này kêu gọi cần sự quan tâm đặc biệt là Hong Kong. Theo đó, kể từ khi cuộc biểu tình đòi dân chủ bùng phát từ tháng 6, cảnh sát Hong Kong bị cáo buộc là ‘dùng vũ lực thái quá’ cùng với ‘nhiều vụ bắt giữ tùy tiện’ mà trong đó có người ‘bị tra tấn’ và
‘bị ngược đãi’. Phúc trình cũng thừa nhận là bên cạnh bạo lực của cảnh sát, người biểu tình Hong Kong ‘cũng leo thang bạo lực’.
‘Rất ít tiến bộ’
Trao đổi với VOA từ Malaysia, ông Josef Benedict, nghiên cứu viên của CIVICUS, một trong những người phụ trách phần đánh giá về châu Á trong phúc trình, cho biết Việt Nam ‘có rất ít tiến bộ trong vòng một năm qua’.
“Về cơ bản có rất ít không gian cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động ở Việt Nam và những người dám lên tiếng (phản đối chính quyền) đang phải chịu rất nhiều sự thống khổ,” ông Benedict cho biết.
Ông nêu lên tình trạng những người ‘dám nêu lên những vấn đề nhức nhối ở Việt Nam đang đối mặt với việc sách nhiễu, dọa nạt và thậm chí là án tù’ và những cuộc ‘biểu tình ôn hòa’ chống lại luật an ninh mạng ‘bị công an đáp trả bằng bạo lực quyết liệt’.
“Nhiều người đã bị bắt và bị giam giữ,” ông nói với VOA.
“Chúng tôi cũng thấy rằng ở Việt Nam không gian cho tự do báo chí và tự do truyền thông không hề tồn tại,” ông nói thêm.
Vị chuyên gia này cho biết chính phủ Việt Nam ‘đã cam kết rất nhiều’ về nhân quyền, chẳng hạn như đại diện của Việt Nam đã nói trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng họ sẽ có những bộ luật đi vào nhân quyền nhưng trên thực tế thì nhiều nhà hoạt động bị chặn lại ở sân bay và bị thẩm vấn sau khi đi nước ngoài về và có người ‘bị án tù nặng nề’.
Ông cũng nêu lên một ‘vấn đề lớn’ ở Việt Nam là nhiều tù nhân chính trị ‘bị đưa đi giam rất xa nơi họ sống’ và dẫn chứng là bà Trần Thị Nga, nhà hoạt động công đoàn, đã từng bị di lý cách gia đình cả ngàn cây số, gây khó khăn cho việc thăm nuôi.
Trả lời câu hỏi của VOA là nếu những nhà hoạt động này bị kết tội là ‘xâm phạm an ninh quốc gia’ thì phải chăng việc họ bị tuyên án tù cũng là phù hợp với luật pháp, ông Benedict nói rằng các đạo luật an ninh quốc gia ở Việt Nam ‘không có cơ sở gì hết’.
“Các luật này được chính phủ Việt Nam sử dụng để biện hộ cho việc họ đàn áp các nhà hoạt động. Theo CIVICUS thì không có cơ sở gì để truy tố và bỏ tù các nhà hoạt động,” ông nói.
Chuyên viên này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là Liên minh châu Âu (EU), nên quan tâm nhiều hơn nữa đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Theo đề xuất của ông, khối EU nên xem nhân quyền là vấn đề quan trọng trong việc thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, tức EVFTA.
“EU nên đàm phán để buộc Việt Nam hành động nhiều hơn nữa và cần phải lên tiếng cho những người bị bỏ tù chỉ vì họ đòi tự do ngôn luận hay hoạt động dân chủ,” ông nói.
Ngoài ra, ông còn kêu gọi các nước ASEAN cởi mở hơn và cấp tiến hơn như Malaysia hay Indonesia phải ‘nêu đích danh Việt Nam’ mỗi khi Hà Nội có những vi phạm nhân quyền trầm trọng và đưa những vấn đề này đến các cuộc họp của khối.
Tuy nhiên, khối ASEAN lâu nay hoạt động trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và rất nhiều nước trong khối, từ Campuchia, Philippines Brunei, Lào, Myanmar cho đến Singapore, Thái Lan đều có thành tích nhân quyền tồi tệ.
Ông Benedict cũng thừa nhận điều này khi được yêu cầu so sánh tình trạng nhân quyền của Việt Nam với các nước láng giềng nhưng ông cho rằng ở những nước có mức độ đàn áp cao như Campuchia hay Singapore, các tổ chức xã hội dân sự độc lập vẫn có không gian hoạt động trong khi ‘ở Việt Nam thì không’.
Về kiến nghị đối với chính quyền Việt Nam, ông đề nghị dỡ bỏ các đạo luật về an ninh quốc gia (như luật an ninh mạng), khôi phục quyền tự do ngôn luận cho người dân vì Việt Nam đã ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền chính trị và Dân sự cũng như phải mở rộng không gian hoạt động cho các tổ chức dân sự độc lập.

Hà Giang cấm đường để đoàn xe Vinfast diễu hành

Tin từ Hà Giang: Nhà cầm quyền tỉnh Hà Giang đã yêu cầu một số phương tiện giao thông không được vận hành ở một số tuyến đường nhất định trong hai ngày 07-08/12 nhằm phục vụ cho đội xe hơi của Công ty Vinfast diễu hành.
Theo công văn của Sở giao thông vận tải ký ngày 05/12 thì xe máy chuyên dùng và một số loại xe tải không được tham gia giao thông trên quốc lộ 4C, đường Cột cờ quốc gia Lũng Cú, đường Yên Minh-Mậu Duệ-Mèo Vạc trong hai ngày trên để phục vụ “chuyến hành trình cộng đồng Vinfast chinh phục cực Bắc Tổ quốc và khám phá mùa hoa Tam giác mạch Hà Giang.”
Sở cũng yêu cầu đài truyền hình và đài phát thanh tỉnh, các đài địa phương và báo chí trong tỉnh thông báo rộng rãi tin này trong dân chúng.
Khi tin về việc cấm đường này phát tán trên mạng Internet, hàng nghìn người đã chỉ trích nhà cầm quyền tỉnh Hà Giang vì một lệnh cấm phục vụ cho một công ty tư nhân mà gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương và khách vãng lai.
Công ty Vinfast là công ty con của Tập đoàn Vingroup, là đơn vị “sản xuất” xe hơi đầu tiên của Việt Nam, nhưng thực chất là lắp ráp loại xe hơi mang nhãn hiệu Fadil. Giá thành bán ra của Fadil không rẻ hơn nhiều so với nhiều loại xe tốt của Nhật và Hàn Quốc nhưng phẩm cấp của xe đang bị đặt dấu hỏi. Trên diễn đàn Otofun hay mạng xã hội Facebook, nhiều người đưa tin nhiều xe hơi Fadil gặp trục trặc kỹ thuật ngay khi mới chạy.
Gần đây, Vinfast cho biết công ty này bị lỗ 400 triệu đồng (17.000 Mỹ kim) cho mỗi xe bán ra. Tập đoàn Vingroup cũng bị chỉ trích vì bắt nhân viên của mình phải mua xe hơi Fadil hoặc điện thoại thông minh VinSmart mà không được sử dụng nhãn hiệu khác nếu không muốn bị kỷ luật.
Không rõ Vingroup được chống lưng bởi lãnh đạo cao cấp nào của chế độ cộng sản Việt Nam.
Quốc Tuấn

Tàu “không người” của Trung Cộng

nằm ở bờ biển Hà Tĩnh

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ loan tin, vào tối ngày 6 tháng 12 năm 2019, người dân ở thôn Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện một con tàu mang ký hiệu của Trung Cộng trôi dạt vào cảng Sơn Dương trên địa bàn.
Theo Cảng vụ Hà Tĩnh, con tàu này có chiều dài khoảng 30m, có tải trọng hàng trăm tấn và là tàu vận tải. Thời điểm người dân phát hiện ra chiếc tàu trên thì không có bất kỳ ai trên tàu. Tuy nhiên trên tàu có hàng hoá gì không thì không được tờ báo đề cập đến.
Đến sáng ngày 7 tháng 12, chiếc tàu đã bị sóng đánh chìm do thuỷ triều lên. Vì vậy, nhà chức trách đang phải xác định vị trí tàu chìm để trục vớt.
Trước đó, vào ngày 12 tháng 3, một chiếc tàu chở hàng của Trung Cộng cũng đã trôi dạt trên vùng biển Hà Tĩnh. Chiếc tàu này có chiều dài 39m, rộng 8m, cao 3,7m. Đây cũng là chiếc tàu được xác định là dùng để chở hàng.
Tuy nhiên, có một điều lạ là toàn bộ hệ thống điện tử, và định vị của chiếc tàu đã bị cố ý phá, ngay đến số hiệu của chiếc tàu cũng đã bị tẩy xoá, thay đổi.
An Nhiên

Dân kêu cứu khi chất thải Formosa

được dùng san lấp mặt bằng

Người dân Tổ dân phố Tây Yên, tỉnh Hà Tĩnh kêu cứu trên mạng về việc một dự án mới ở Khu kinh tế Vũng Áng đang tiến hành san lấp mặt bằng với chất thải của Nhà máy thép Formosa chưa qua xử lý.
Cụ thể, trong phần chia sẻ, người dân cho biết tại khu vực phía đông khu kinh tế Vũng Áng nằm cạnh trạm trộn bê tông Tâm Viết Hải, hoạt động thi công san lấp mặt bằng cho dự án mới đang được tiến hành. Theo nghi vấn ban đầu thì vật liệu san lấp mặt bằng là chất thải rắn từ nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh.
Người dân, đặc biệt những người đang sống tại Tổ dân phố Tây Yên gần sát dự án, tỏ ra lo ngại không biết chất thải đó đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên- Môi trường lấy mẫu đối chứng để kiểm tra, phân tích chính xác và cho ra kết quả về mức độ nguy hại trước khi đưa vào sử dụng trong công trình hay chưa. Vì theo họ, nếu nền của dự án này được san lấp bằng chất thải không qua xử lý sẽ rất nguy hại đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, và hậu quả về lâu dài sẽ không lường trước được.
Chất thải đấy ở trong Formosa hiện tại đã chất đầy, trong Formosa không có bãi chứa nên họ muốn tuồn ra ngoài nên công ty ngoài này lợi dụng chất thải ấy vừa đem ra san lấp mặt bằng để vừa có tiền trong Formosa vừa có tiền của mặt bằng ở ngoài. - TT.
Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với người dân Tây Yên để tìm hiểu rõ hơn về việc này và được anh TT., hiện đang sống tại xã Tây Yên và làm việc tại nhà máy Formosa, đồng thời cũng là người trực tiếp tiếp xúc với chất thải của công ty này cho biết sự việc như sau:
“Đây là một bãi đất trống, bây giờ san lấp mặt bằng cho một nhà máy ép gỗ sau này sẽ xây dựng ở đây. Hiện tại họ đang lấy chất thải trong Formosa, luyện cốc khi lò cao luyện thép lấy chì ra, cái đấy cực độc. Họ đem về lấp san mặt bằng. Chất thải đấy ở trong Formosa hiện tại đã chất đầy, trong Formosa không có bãi chứa nên họ muốn tuồn ra ngoài nên công ty ngoài này lợi dụng chất thải ấy vừa đem ra san lấp mặt bằng để vừa có tiền trong Formosa vừa có tiền của mặt bằng ở ngoài.”
Giải thích rõ hơn về chất thải tại Formosa, anh TT. cho biết khi chất thải mới ở trong lò luyện ra thì hôi nhưng khi đổ xuống, qua quá trình xe máy ủi qua để lấp mặt bằng thì không còn hôi nữa. Vẫn theo anh TT., dù chất thải không còn mùi tuy nhiên vẫn rất độc. Khi anh TT. làm phép thử tại khu vực mặt bằng vừa được san lấp ở Khu Kinh tế Vũng Áng, kết quả cho thấy người dân đang lo ngại đúng:
“Khi sử dụng nam châm để thử thì nó hút lên tất cả các loại chất thải có chất sắt, cacbon rất nhiều.”
Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng vào hạ tuần tháng 7 vưa qua đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát làm chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Chúng tôi có liên lạc với Công ty An Việt Phát để hỏi rõ hơn về sự việc này thì nhận được từ chối:
“Em không trả lời qua điện thoại. Nếu ở đâu đến có văn bản, giấy tờ hay giới thiệu cơ quan nào đến thì em sẽ trả lời.”
Anh TT. cho biết người dân đã cầu cứu việc này lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức cũng như biện pháp hỗ trợ nào từ phía chức năng:
“Hiện tại bên chính quyền có người đã lên tiếng, chính quyền thôn Hậu cũng đã lên tiếng nhưng hầu như các chính quyền thôn, phường và thị xã bị công ty này cho tiền hay tiếp tay cho nó. Họ đổ mấy ngày hôm nay liên tục, dân đã phản ánh mà họ không có động thái nào. Hai ngày hôm nay anh em chúng tôi, thanh niên trong làng cảm thấy mối nguy hiểm nên lập một nhóm lên trên đấy chặn xe dừng lại không cho đổ. Buổi sáng chúng tôi lên làm việc họ dừng lại nhưng chiều lại làm tiếp.”
Trong những đoạn video được đăng tải và lan truyền trên mạng, công an phường, xã đã có mặt tại bãi san lấp nhưng họ vẫn không trả lời kiến nghị của người dân.
Việc này là khẩn cấp. Thế nhưng chính quyền và báo chí vẫn câm lặng. Nếu không ngăn chặn và nạo vét kịp thời thì hậu quả là quá khủng khiếp, ảnh hưởng đến tính mạng của hàng vạn người dân. - Người dân
Chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Hồ Huy Thành, Giám Đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để hỏi về sự việc chủ đầu tư một dự án ở khu kinh tế Vũng Áng tiến hành san lấp mặt bằng bằng chất thải của Nhà máy thép Formosa và được ông trả lời:
“Tôi không rõ lắm, để tôi kiểm tra lại xem. Có gì đăng ký làm việc ở cơ quan đi.”
Vụ công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển hồi năm 2016 dẫn đến thảm họa môi trường khiến cá, hải sản chết hằng loạt dọc theo 4 tỉnh miền Trung tác động đến cuộc sống của người dân ven biển. Sau vụ việc, Fomrosa đã phải công khai xin lỗi và nộp 500 triệu đô la tiền bồi thường.
Vào tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường và các ban ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải của nhà máy Formosa. Số liệu cụ thể được nêu ra là mỗi năm Formosa xả ra môi trường hơn 3 triệu 300 ngàn tấn chất thải rắn.
Người dân lo ngại khối chất thải đó sau khi chất đầy nhà máy nay Formosa và công ty An Việt Phát ‘móc nối’ với nhau tuồn ra ngoài, gây nguy hại đến môi trường.
Trao đổi với RFA qua Facebook Messenger, một người dân Tây Yên hy vọng chính quyền cần nhanh chóng giải quyết vụ việc này:
“Việc này là khẩn cấp. Thế nhưng chính quyền và báo chí vẫn câm lặng. Nếu không ngăn chặn và nạo vét kịp thời thì hậu quả là quá khủng khiếp, ảnh hưởng đến tính mạng của hàng vạn người dân.”

Nước biển gần khu kinh tế Dung Quất

đổi màu đen như cà phê

Tin từ Quảng Ngãi: Trang tin Zing.vn đưa tin nước vùng biển gần khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) bị nhuộm đen màu cà phê và nổi bọt tràn vào bãi biển Khe Hai rồi lan rộng ra xung quanh.
Người dân địa phương cho biết hiện tượng trên xảy ra trong suốt một tuần qua khi nước biển ở bãi tắm Khe Hai và khu vực làng chài thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn  chuyển màu đen trong khi bọt màu vàng đục cũng xuất hiện mỗi khi sóng xô bờ.
Một người dân cho biết nước biển mày đen tràn vào bờ đặc quánh như nhựa đường. Cư dân ở đây rất lo lắng trước hiện tượng bất thường này, và ngư dân không bắt được con cá nào trong khu vực nên ai cũng lo sợ môi trường biển bị ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống lâu dài.
Một người từng sống ở đây hơn 50 năm qua nói ngày hè nước biển màu xanh ngọc bích nhưng không hiểu sao những ngày gần đây lại chuyển màu đen đặc như cà phê. Cư dân nói nhà máy hay tàu hàng hoạt động ở Khu kinh tế Dung Quất hoặc Chu Lai xả thải xuống biển thì mới xảy ra hiện tượng bất thường như vậy.
Cơ quan phụ trách môi trường ở địa phương cho biết không có tàu nào mắc cạn gần đó và khu vực cảng Dung Quất không xảy ra sự cố dầu tràn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên đã cử người đến lấy mẫu nước để xét nghiệm nhưng chưa có kết quả.
Chế độ cộng sản Việt Nam ưu tiên phát triển nóng kinh tế mà không quan tâm đến môi trường. Năm 2016, nhà máy thép Formosa của Đài Loan và Trung Cộng đã xả thải ra ven biển miền Trung, gây ra thảm hoạ môi trường cho gần 200 km bờ biển từ Nghệ An đến Quảng Bình, ảnh hưởng đến sinh nhai của hàng trăm nghìn người ở khu vực này.
Quốc Tuấn

JEBO Nhật nêu rõ Chủ tịch Hà Nội nói sai sự thật

Tổ chức Xúc tiến Thương Mại- Môi trường Nhật Bản (JEBO) vào ngày 7 tháng 12 phản bác lại cáo buộc ‘chưa xin phép thành phố Hà Nội để xử lý thí điểm tại Sông Tô Lịch’ mà ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung đưa ra hôm thứ sáu 6/12.
Theo thông cáo báo chí mà JEBO phát đi thì trước khi triển khai thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor, JEBO đã xin phép thành phố Hà Nội và được chấp thuận.
JEBO nêu rõ họ ‘thấy buồn vì Ngài Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thông tin sai sự thật’ vì việc triển khai thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được thực hiện theo văn bản Thông báo số 142/TB-VP ngày 9 tháng 5 của chính UBND Thành phố Hà Nội. Văn bản nêu rõ đồng ý cho phép JEBO thực hiện hoạt động này.
Thông cáo báo chí của JEBO chính thức phản bác thông tin sai sự thật và nhấn mạnh việc công bố tài liệu bằng chứng liên quan để rộng đường dư luận được thực hiện trên tinh thần trách nhiệm, nhân cách và khí phách của người Nhật.
Phản bác của JEBO được đưa ra sau khi vào ngày 6 tháng 12, ông Nguyển Đức Chung, chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm rằng phía đơn vị của Nhật vào thử nghiệm mà không hề xin phép thành phố, chỉ thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại Sông Tô Lịch.
Trái với phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, JEBO trình bày rõ vào ngày 11 tháng 4 năm nay, tổ chức này có cuộc làm việc với thủ tướng chính phủ Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, về việc triển khai thí điểm làm sạch Sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật. Ông Phúc
đề nghị các chuyên gia Nhật và Công ty Cải thiện Môi trường Nhật- Việt (JVE) làm việc với Bộ Tài Nguyên- Môi trường và UBND TP Hà Nội.
Vào ngày 26 tháng 4 năm 2019 một cuộc họp do phó chủ tịch UBND Tp Hà Nội, Nguyễn Thế Hùng, chủ trì được tiến hành ngay tại trụ sở ủy ban. Các sở Xây Dựng, Ngoại Vụ, Tài nguyên-Môi trường, Khoa học- Công nghệ, Văn phòng UBND Tp Hà Nội, Ban quản lý dự án công trình cấp- thoát nước và môi trường, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cùng tham dự.
Kết luận buổi họp, ông Nguyễn Thế Hùng đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợi với Công ty JVE thực hiện thí điểm việc làm sạch môi trường nước trên một đoạn Sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây.
Trong quá trình thực hiện, xảy ra một vụ việc là vào ngày 9 tháng 7, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả khoảng 1,5 triệu mét nước Hồ Tây vào Sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch, khiên toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong vòng gần 2 tháng bị cuốn trôi.
Tuy nhiên, đến ngày 8 tháng 8. Chuyên gia Nhật Bản, tiến sĩ Kubo Jun, chứng minh hiệu quả của thí điểm làm sạch nước Sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano- Bioreactor qua việc tắm bằng nước sông Tô Lịch đã qua xử lý.
Hoạt động thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật chính thức được khởi động từ tháng 5 năm 2019.
Vào ngày 3 tháng 12 vừa qua, JEBO thông báo sẽ đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây bằng giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống xả bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản. Nếu thành công, JEBO sẽ cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý và vận hành.

Công ty Nhật tài trợ 100% để làm sạch sông Tô Lịch

khiến nhà cầm quyền Hà Nội “phát khùng”

Tin Vietnam.- Truyền thông trong nước ngày 7 tháng 12 năm 2019 loan tin, tổ chức Xúc tiến thương mại- môi trường Nhật Bản đã bày tỏ cảm xúc buồn vì ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nói sai sự thật.
Trước đó, vào chiều ngày 6 tháng 12, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, ông Chung đã nói rằng tổ chức của Nhật đã tự ý thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch mà không xin phép nhà cầm quyền Hà Nội. Tiếp đến, ông Chung khẳng định không có công nghệ nào, kể cả công nghệ của Nhật có thể làm sạch được sự ô nhiễm trên sông Tô Lịch.
Chính vì vậy, ông Chung đã ngụ ý rằng, phía Nhật đang làm trò đùa cho cả thiên hạ. Và ông sẽ không để cho họ vào làm trò đùa cho cả thiên hạ, gây bất mãn xã hội.
Đáp lại thông tin này, đại diện phía tổ chức của Nhật nói rằng, họ có đầy đủ tài liệu chứng minh nhà cầm quyền Hà Nội cho phép họ thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, nên ông Chung đã nói sai sự thật.
Trước đó, không chỉ ông Chung mà ngay đến ông Lê Văn Dục, Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cũng phát biểu sai sự thật khi nói thực nghiệm của công nghệ Nhật đã thất bại.
Phản ứng theo kiểu “ăn cháo đá bát” này của nhà cầm quyền Hà Nội được dư luận cho rằng, có thể do phía Nhật đã làm cản trở một vụ làm ăn của viên chức Hà Nội. Khi vào cuối tháng 11 năm 2019, nhà cầm quyền Hà Nội đã lên dự án chi 150 tỷ đồng để bơm nước sông Hồng vào “rửa” sông Tô Lịch để làm sạch.
Đây là việc làm được đánh giá là chưa nước nào trên thế giới làm, vì đang có nhiều cống xả thải xả ra sông Tô Lịch chứ không phải sông Tô Lịch tự ô nhiễm.
Đến ngày 3 tháng 12, phía Nhật tuyên bố sẽ tài trợ miễn phí 100% để làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ của Nhật. Tuyên bố này của Nhật đã khiến cho nhà cầm quyền Hà Nội như phát khùng, vì khiến họ không thể tham nhũng được.
An Nhiên

Báo chí ‘gắn liền’ với đảng có còn tự do?

Tại Hội thảo “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm 6/12 tại Hà Nội, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, cho rằng, một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng về công tác tư tưởng, văn hoá; thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Hùng còn cho rằng, báo chí  đã xa rời sự quản lý của nhà nước, xa rời tôn chỉ mục đích, một số bài báo có thông tin không trung thực, thiếu chính xác. Tuy nhiên ông Hùng không nói rõ có phải báo chí thiếu chính xác có phải vì đưa tin không theo ý đảng. (!?)
Cũng tại buổi  Hội thảo, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng để tăng cường sự lãnh đạo và tạo điều kiện để báo chí phát triển, phải định hướng hoạt động báo chí, trong đó xác định công tác xây dựng đảng trong cơ quan báo chí phải giữ vai trò quan trọng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ban Tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam là cơ quan tham mưu của đảng trong công tác xây dựng đảng về tư tưởng và chủ trương của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, văn hoá…
Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin- Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Họ còn nói báo chí Việt Nam bây giờ có nhiều nhà báo ‘hư hỏng’, người ta dùng từ ‘hư hỏng’. Trong khi ‘hư hỏng’ chỉ dùng khi bố mẹ dạy con cái thôi, chứ không thể dùng cho người đang làm việc hay đúng hơn là những người đang làm nhiệm vụ, làm báo chí.
-Nhà báo Sương Quỳnh
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 6/12, nhà báo Sương Quỳnh, nhận định:
“Đối với chế độ, nguyên tắc của báo chí Việt Nam, hay đúng hơn là do các ổng tự dựng lên, mặc dù luật báo chí là tự do báo chí, nhưng luôn luôn báo chí Việt Nam phải viết theo định hướng. Đảng lãnh đạo toàn diện thì phải chấp nhận nghe lệnh của đảng thôi, trong khi đó hiến pháp của Việt Nam thì vẫn ghi trong điều 2 là tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng có bao giờ nhà báo nào được tự do để viết đâu, dám viết thẳng viết thật đâu?”
Nhà báo Sương Quỳnh cũng bày tỏ sự không đồng tình khi xem Hội thảo “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí” trên Đài Truyền hình Việt Nam VTV, Ban Tuyên giáo Trung ương đã dùng từ ‘hư hỏng’ khi nói về các nhà báo xa rời đảng:
“Họ còn nói báo chí Việt Nam bây giờ có nhiều nhà báo ‘hư hỏng’, người ta dùng từ ‘hư hỏng’. Trong khi ‘hư hỏng’ chỉ dùng khi bố mẹ dạy con cái thôi, chứ không thể dùng cho người đang làm việc hay đúng hơn là những người đang làm nhiệm vụ, làm báo chí. Nếu có nói thì họ chỉ có thể tự kết luận là vi phạm luật pháp, hoặc không vi phạm, hoặc vi phạm quy định của báo chí chứ không được dùng từ của bố mẹ dạy con cái đó là từ ‘hư hỏng’. Từ ‘hư hỏng’ là phạm trù đạo đức hay anh dạy tôi không được và anh không nghe lệnh tôi là anh ‘hư hỏng’. Tư tưởng của đảng như vậy thì làm sao một nền báo chí có tự do được.”
Trong khi trước đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khi phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc vào ngày 28 tháng 12 năm 2018, đã thừa nhận báo chí Nhà Nước đi sau mạng xã hội và kêu gọi cải tổ để cạnh tranh. Theo ông Thưởng nhiều trường hợp, báo chí chính thống có trước thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của báo chí đã “trao tặng” lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin.
Tuy nhiên vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lại không nói rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này? Có phải là do thông tin phải chờ sự kiểm duyệt của cơ quan Tuyên giáo của đảng?
Quan sát từ một góc nhìn khác, nhà báo Minh Hải từ Quảng Nam nhận định với RFA hôm 6/12:
“Thật ra ông Hùng nói thì, tại sao lãnh đạo đảng có gì mà xa rời lãnh đạo của đảng thì phải coi lại tư cách của lãnh đạo. Chứ đổ cho báo chí là thế nào? Chẳng hạn, nhiều khi phóng viên muốn gặp ông lãnh đạo nào đó để phỏng vấn thì ổng có chịu gặp hay không? Qua trung gian nào đó, qua một bộ phận nào đó giúp việc, rồi hẹn tới hẹn lui, nhưng lại bảo ông này bận này bận kia không gặp được. Ổng phát ngôn ẩu, quá bừa bãi.”
Ban Tuyên giáo Trung ương kêu gọi đổi mới toàn diện công tác báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên với thể chế độc đảng, không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí như hiện nay, liệu báo chí chính thống có thể đổi mới như mong muốn của Ban Tuyên giáo Trung ương?
Chưa kể, liệu đổi mới có làm báo chí ‘xa rời đảng’ như lời của Ban Tuyên giáo Trung ương?
Trả lời RFA hôm 6/12 từ Quảng Trị, Nhà báo Hoàng Đức, nói:
“Thời gian qua theo dõi báo chí Việt Nam thì tôi thấy có một thực tế, vì báo chí Việt Nam đưa tin theo định hướng nên ít sự quan tâm của bạn đọc, bây giờ đài truyền hình hay một số tờ báo in lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên thì còn bán được, còn tất cả báo khác thì rất ảm đạm, người ta không quan tâm đến báo chí lắm. Bây giờ thông tin nhiều trên mạng xã hội thì có lẽ người ta quan tâm hơn, còn báo chí nhà nước thì ít được sự quan tâm của độc giả. ”
Báo chí Việt Nam mang tính chất tuyên truyền, định hướng… mà đã tuyên truyền thì hàm lượng sự thật trong đó rất là ít, thậm chí không đáng kể, cho nên người khán giả xem đài, độc giả ít quan tâm.
-Nhà báo Hoàng Đức
Theo Nhà báo Hoàng Đức, báo chí Việt Nam mang tính chất tuyên truyền, định hướng… mà đã tuyên truyền thì hàm lượng sự thật trong đó rất là ít, thậm chí không đáng kể, cho nên người khán giả xem đài, độc giả ít quan tâm, vì những thông tin đó chậm, tuyên truyền định hướng, không hấp dẫn, không còn mang tính chất báo chí nữa.
Nhà báo Minh Hải, nhận định thêm:
“Báo chí Việt Nam hiện nay rất tào lao, nó tào lao có nghĩa là nó đang chìm lún về quản lý của báo chí. Chẳng hạn báo chí nói sự thật, nhưng ngày sau người ta lại phản bác nói báo chí thêu dệt cái này cái kia. Ngoài ra báo chí Việt Nam hiện nay tệ nhất là vấn đề con ông cháu cha, sân sau này, sân sau kia, cứ báo chí mà viết về họ là hôm sau bị dập lại là ‘tờ báo này, tờ báo kia’… sân sau của các ông lớn mà. Biết bao nhiêu công ty sân sau, khi mà đổ vỡ ra, những vụ lớn, mấy ngàn tỷ, đều có liên quan mấy ổng… Trong khi trước đó báo chí không hề nói… Cái đó là đáng lo ngại nhất của báo chí Việt Nam.”
Một số nhà báo cho rằng, phải trả cho báo chí đúng chức năng, nhiệm vụ, ý nghĩa của báo chí trong xã hội; phải có báo chí tư nhân và phải có hệ thống báo chí độc lập với hệ thống chính trị hiện nay. Như thế nhà báo mới có thể nói và họ chịu trách nhiệm về thông tin họ đưa ra trước pháp luật.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.