Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 26/12/2019

Thursday, December 26, 2019 4:59:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 26/12/2019

TQ sẽ tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam

trong hoạt động khai thác dầu khí năm 2020?

Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép lên Việt Nam nếu công ty Rosneft nối lại hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông trong năm 2020, theo nhận định của một chuyên gia quốc tế về tình hình khu vực, đưa ra nhân dịp cuối năm 2019.
Trong bài phân tích hôm 16/12, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định:
“Năm 2020 sẽ rất quan trọng. Nếu (công ty) Rosneft Vietnam nối lại hoạt động khai thác tại lô dầu khí của công ty thì (công ty) sẽ có nguy cơ bị các tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy nhiễu”.
Theo giáo sư Carl Thayer: “Trong năm 2020, chúng ta sẽ có khả năng thấy sự tiếp tục của những nỗ lực từ phía Trung Quốc để gây sức ép lên các quốc gia ven Biển Đông để ngưng hoặc chấm dứt các hoạt động của các tàu khai thác dầu của nước ngoài”.
Từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước Malaysia và Việt Nam, quấy nhiễu các  hoạt động khai thác dầu khí ở hai nước.
Từ giữa tháng 6, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh vào vùng thềm lục địa Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động hậu cần phục vụ giàn khoan dầu ở lô 06 – 01 thuộc công ty liên doanh giữa Nga và Việt Nam là Rosneft Vietnam. Theo báo cáo của Minh Bạch Hàng Hải (một trang chuyên theo dõi về an ninh biển), tàu hải cảnh của Trung Quốc đã có lúc đi rất sát, gây nguy hiểm cho tàu hậu cần phục vụ giàn khoan dầu của Việt Nam.
Từ khoảng đầu tháng 7, Trung Quốc cũng điều hàng chục tàu bao gồm hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực phía bắc Bãi Tư Chính của Việt Nam. Tàu khảo sát Hải Dương đã có lúc chỉ còn cách bờ biển Phát Thiết ở miền trung của Việt Nam khoảng 185 km, tức là trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, căn cứ theo luật quốc tế.
Hôm 24/10, Trung Quốc tuyên bố rút tàu thăm dò Hải Dương 8 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau khi có thông tin giàn khoan Hakuryu 5 phục vụ lô 06 – 01 đã được rút đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Giáo sư Carl Thayer, trong năm 2020: “Các tàu khảo sát của Trung Quốc sẽ không xin phép khi vào vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Điều này cho thấy là Trung Quốc đòi quyền đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất cứ khi nào Trung Quốc muốn”.
Vào khi quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh căng thẳng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên tiếng khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với toàn bộ vùng nước ở Bãi Tư Chính. Trung Quốc coi vùng nước này thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mà nước này đòi chủ quyền toàn bộ.
“Kể từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở Wan’an Tan (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc. Nó cũng vi phạm thỏa thuận song phương về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều 5 của Tuyên bố chung của các bên ở Biển Đông (DOC), và các điều khoản liên quan trong UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc). Việt Nam nên ngay lập tức dừng các hoạt động vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh tại vùng nước liên quan”, ông Cảnh Sảng phát biểu trước các phóng viên ở Bắc Kinh hôm 18/9.
Giáo sư Carl Thayer, trong bài viết của mình hôm 16/9 cũng nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục huy động sự có mặt thường xuyên của các tàu chiến, hải cảnh, dân binh và tàu cá ở khu vực Biển Đông.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện những tuần tra khẳng định chủ quyền tại những vùng nước mà đường đứt khúc 9 đoạn đi qua chồng lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển”, giáo sư Carl Thayer viết.
Đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc đòi chủ quyền đến khoảng 90% diện tích khu vực Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo đang tranh chấp với các nước là Hoàng Sa và Trường Sa. Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague, trong một phán quyết vào năm 2016, đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.
Không những thế, Giáo sư Carl Thayer cũng nhận định, trong năm 2020, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục “quân sự hóa các đảo nhân tạo theo từng bước một, tiến hành những cải tiến về chất lượng đối với các hệ thống vũ khí (trên các đảo)”.
Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh có thể triển khai tàu. Họ có thể triển khai tàu hải cảnh và thậm chí tàu dân quân biển đến các nơi và thường trực ở đó 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong toàn bộ khu vực nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn.  – Chuyên gia Greg Poling
Từ khoảng cuối năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra các đảo này, bất chấp phản đối của quốc tế.
Theo đánh giá của chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI), việc xây lấp các đảo nhân tạo đã giúp Trung Quốc gây sức ép lên các nước khác và duy trì sự hiện diện của các tàu nước này tại các vùng biển xa.
“Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh có thể triển khai tàu. Họ có thể triển khai tàu hải cảnh và thậm chí tàu dân quân biển đến các nơi và thường trực ở đó 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần trong toàn bộ khu vực nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn. Họ có thể liên tục gây sách nhiễu theo cách mà họ đã không thể làm được vào năm 2015.”
Trong năm 2020, Trung Quốc được cho là cũng sẽ thúc đẩy việc hoàn tất các vòng tham vấn về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bắc Kinh trước đó đã đưa ra một khung thời gian để hoàn thành các vòng tham vấn này vào năm 2021.
Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, việc Bắc Kinh hối thúc các nước ASEAN hoàn tất các vòng tham vấn COC là khiến “các nước ASEAN sẽ có ít thời gian để mặc cả với Trung Quốc về các vấn đề còn tranh cãi như phạm vi địa lý, liệu COC có tính ràng buộc về pháp lý hay không, các tranh chấp sẽ được giải quyết thế nào, và việc giải quyết các tranh chấp sẽ được thực hiện ra sao, và vai trò của các bên thứ ba”.
Trong đề nghị về COC, Bắc Kinh cũng muốn loại bỏ việc tham gia khai thác dầu khí của các công ty ngoài khu vực tại Biển Đông.
Năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Đây được cho là cơ hội nhưng cũng là một thách thức đối với Việt Nam. Năm 2010, khi là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Hà Nội đã thành công trong việc khiến Mỹ lên tiếng khẳng định quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông ngay tại diễn đàn ASEAN. Lần này, theo Giáo sư Carl Thayer, Hà Nội có cơ hội tham vấn với các thành viên ASEAN, định hình nghị trình và kết quả các cuộc gặp của ASEAN và đưa ra tuyên bố của quốc gia chủ tịch. Mặc dù vậy thách thức cho Việt Nam là nguyên tắc đồng thuận của ASEAN trong mọi vấn đề. Đây cũng cũng chính
là nguyên tắc khiến ASEAN có lúc đã không thể đưa ra được các tuyên bố chung, nhất là khi nói đến các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.

TQ và Philippinse nhất trí đẩy mạnh

hợp tác khai thác dầu khí chung trên Biển Đông

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 14, tại Madrid, Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Philippines đã thống nhất đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí chung trên Biển Đông.
Theo thông tin trên, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Philippines nhằm thúc đẩy quá trình triển khai bản ghi nhớ (MOU) về khả năng khai thác dầu khí chung ở Biển Đông hiện có giữa hai nước. Đáp lại, người đồng cấp Teodoro Locsin nói rằng Philippines cũng sẵn sàng cùng Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình này.
Tuyên bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Philippines đưa ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó, tháng 11/2018, Manila đã đồng ý ký bản ghi nhớ về khả năng hợp tác phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông với Bắc Kinh trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã trao đổi, thảo luận về kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Tổng thống Duterte đề cập tới khả năng hợp tác giữa hai nước trong dự án khai thác dầu khí chung tại Biển Đông. Trong khi đố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cần có những bước tiến xa hơn trong hoạt động khai thác chung tài nguyên dầu khí tại vùng biển này. Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte đã chứng kiến lễ ký thành lập Ủy ban Điều phối chung liên chính phủ và một nhóm làm việc liên doanh nghiệp để cùng triển khai dự án khai thác dầu khí chung trên Biển Đông. Hoạt động này được thực hiện với mục đích thúc đẩy khai thác chung giữa hai nước đạt được tiến triển mang tính thực chất. Theo Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Romana, Trung Quốc và Philippines đã đồng ý về các điều khoản tham chiếu (TOR) đối với thỏa thuận khai thác dầu khí chung khả dĩ. Trong hai tháng qua, Philippines đã gửi bản đề xuất về các điều khoản tham chiếu đến phía Trung Quốc và phía Bắc Kinh đã đồng ý đồng thời gửi lại các văn bản, biên bản đồng ý của họ vào tháng 7 vừa qua. Như vậy cả hai đã đồng thuận hợp tác khai thác chung dầu khí ở Biển Đông.
Tuy nhiên, giới truyền thông nhận định khả năng Trung Quốc và Philippines chính thức đi đến hợp tác khai thác chung trên Biển Đông còn xa vời, chủ yếu là do: (i) Sự trở ngại của luật pháp Philippines. Hiến pháp Philippines có những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; yêu cầu việc này phải được thực hiện dưới sự kiểm soát và giám sát toàn diện của nhà nước. Quy định “Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện các hoạt động trên hoặc có thể ký hợp đồng cùng sản xuất, liên doanh hoặc thỏa thuận phân chia sản lượng với công dân Philippines hoặc với công ty do công dân Philippines kiểm soát 60% số vốn trở lên”. Hiến pháp cũng có những quy định nghiêm ngặt đối với các công ty hoặc tổ chức này. Ngoài ra, năm 2006 Philippines còn có thêm quy định hành chính của chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Philippines chia lô đấu thầu và cấm mọi thỏa thuận chuyển nhượng của cơ quan chính phủ, bao gồm cả hợp đồng thăm dò. Sự thay đổi này đã khiến các doanh nghiệp nhà nước Philippines bị hạn chế trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài. Mặc dù ông Duterte mong muốn thay đổi những quy định này, nhưng không dễ để sửa lại luật. (ii) Hiện trạng quan hệ Trung Quốc – Philippines vẫn đang trong giai đoạn biến đổi mạnh mẽ và những trở ngại chính trị đối với việc khai thác chung là không nhỏ. Ông Duterte kể từ khi nhậm chức đã đến thăm Trung Quốc 5 lần, tỏ rõ rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc so với chính phủ trước đây và có thái độ thực dụng và ôn hòa hơn nhiều trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cuộc đối đầu nguy hiểm do vụ kiện trọng tài Biển Đông thực sự đã xảy ra cách đây 3 năm; cho dù việc biến chuyển quan hệ Trung Quốc – Philippines diễn ra nhanh chóng, nhưng rất khó để bù đắp thiệt hại gây ra vào thời điểm đó. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ người dân Philippines ủng hộ ông Duterte cầm quyền là 80% hoặc cao hơn; nhưng hầu hết người Philippines bày tỏ họ không tin tưởng vào Trung Quốc; 71% tin rằng vấn đề Biển Đông nên được chính phủ mở rộng, kêu gọi sự chú ý của quốc tế. Có thể thấy rằng đường lối “thân Trung” của ông Duterte dựa vào mức độ được hoan nghênh và uy quyền của chính phủ. Tuy nhiên, trong nước Philippines dù là giới chính trị, quân sự hay dân chúng đều thiếu cơ sở để thay đổi hoàn toàn quan hệ Trung Quốc – Philippines. Hiện tượng mất niềm tin đối với Trung Quốc vẫn tồn tại. (iii) Thăm dò chung ở Biển Đông không phải là chuyện ưu tiên trong giai đoạn này. Theo văn bản chính thức của Trung Quốc, khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ ông Duterte ngày 29 tháng 8, đã bày tỏ hai bên có thể “đi những bước mạnh hơn” trong hợp tác khai thác chung dầu khí trên biển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và Philippines nên “tập trung tinh lực vào hợp tác, làm những việc thiết thực và tìm kiếm sự phát triển”, nhưng việc hợp tác khai thác chung Biển Đông có thể không phải là khía cạnh cấp bách nhất trong hợp tác và phát triển của ông Duterte. Sau khi đắc cử tổng thống, ông Duterte đã đến thăm Trung Quốc hàng năm. Năm nay ông đến thăm Trung Quốc hai lần, thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh. Đầu tư của Trung Quốc vào Philippines trong những năm gần đây đã tăng hàng trăm lần so với trước kia. Tuy nhiên, điều đó không đủ đối với chính phủ của ông Duterte. Theo ông Ernesto Pernia Cục trưởng Quy hoạch Kinh tế Philippines, trong hai năm qua, Philippines chỉ ký được với Trung Quốc hợp đồng vay 73 triệu USD để cấp vốn cho một dự án thủy lợi ở phía bắc Manila và một thỏa thuận Trung Quốc cho vay 75 triệu USD để xây dựng hai cây cầu ở Manila. Theo báo chí Philippines, các dự án khác ở Philippines, chẳng hạn như nhà máy thủy điện trị giá 1 tỷ USD do Tập đoàn Điện lực Trung Quốc xây dựng ở khu vực Mindanao; Nhà máy Thép không gỉ trị giá 700 triệu USD do Tập đoàn kim loại màu Trung Quốc xây dựng đều bị gác lại với những lý do khác nhau. (iv) Hoạt động thăm dò chung Trung – Philippines có rất ít trọng lượng trong toàn bộ tiến trình thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuy Trung Quốc coi trọng khía cạnh thực tiễn của hợp tác Trung – Philippines, nhưng hợp tác thăm dò dầu khí chỉ là phần rất nhỏ trong toàn bộ việc làm dịu tình hình và hợp tác ở Biển Đông. Vấn đề ngày càng cấp bách hơn và có ý nghĩa lịch sử hơn là xây dựng cơ chế ổn định Biển Đông.
Ngoài ra, tờ South China Morning Post dẫn nghiên cứu mới đây của chuyên gia Tống Tuyết thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) phân tích thất bại của 19 dự án hợp tác khai thác trên toàn thế giới từ năm 1958 đến năm 2008 trong bối cảnh Philippines chuẩn bị tiến hành một dự án tương tự với Trung Quốc ở Biển Đông. Các dự án này bị đánh giá là thất bại dựa trên hai tiêu chí: Không có tiến triển trong vòng năm năm kể từ ngày ký kết hoặc dự án bị hủy bỏ trước thời hạn. Trong hầu hết các trường hợp, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là nguyên nhân chính dẫn đến hợp tác thất bại dù ban đầu hai bên hợp tác để giải quyết chính các bất đồng trên. Theo thời gian, quan hệ song phương trở nên căng thẳng và điểm bùng phát là sự sụp đổ các dự án khai thác chung. Đáng chú ý, nghiên cứu cũng khẳng định các yếu tố như chênh lệch thương mại song phương, không có động lực kinh tế, phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, bất ổn chính trị, có can thiệp từ bên thứ ba hay bất đồng về nội dung hợp tác đều không dẫn đến các thất bại trên.
Năm 2008, Trung Quốc và Nhật Bản cùng đồng ý hợp tác đầu tư và hưởng lợi nhuận từ các dự án khí đốt ở biển Hoa Ðông. Những khu vực khai thác chung gồm mỏ khí Xuân Hiểu, cách đường giới tuyến do Nhật Bản xác định vài cây số về phía tây và các vùng biển xung quanh các mỏ khí như Ðoạn Kiều và Long Tỉnh. Hai bên cũng nhất trí rằng phần phía đông vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản cũng sẽ được đưa vào khu vực khai thác chung trong tương lai. Tuy nhiên, thỏa thuận sau đó không được ký kết do bất đồng kéo dài về phân định biên giới biển hai bên.
Trong khi đó, đối với hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc, điều kiện để thỏa thuận trên đi vào thực tế là Manila phải gạt sang một bên phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài vốn bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Sử dụng thế mạnh quân sự, Bắc Kinh từng bước cưỡng ép các nước khác phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền hoặc cho phép Trung Quốc khai thác chung. Về lâu dài, “khai thác chung” sẽ là công cụ để Trung Quốc đẩy Philippines ra khỏi vùng biển của họ và các nước đang có ý định hợp tác khai thác chung với Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ chịu kết cục tương tự. Mặt khác, cái gật đầu của Manila khiến Bắc Kinh càng mạnh bạo hơn trong hành vi quấy rối, cưỡng ép và ngăn cản các bên khác tiến hành hoạt động dầu khí hợp pháp và lâu dài ở những khu vực không tranh chấp. Nếu các khu vực này nằm trong phạm vi của yêu sách đường chín đoạn trái phép của Trung Quốc, các quốc gia này sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận đàm phán để Bắc Kinh khai thác chung.
Do đó, Philippines cần cân nhắc cẩn trọng, tránh đề rơi vào thế bị động rồi mới tìm cách thay đổi quyết định. Lợi ích kinh tế tuy quan trọng, song nó không thể mang ra để so sánh, đánh đối đối với lợi ích và chủ quyền quốc gia.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.