Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 26/12/2019

Thursday, December 26, 2019 5:13:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 26/12/2019

Cá Biển Hồ giảm mạnh,

hồi kết được báo trước của làng nổi Cam Bốt

Thụy My
Libération hôm nay 26/12/2019 trên trang Môi trường báo động « Cam Bốt đang có dấu hiệu sút giảm dần lượng cá ». Trên Biển Hồ (Tonlé Sap) mênh mông, biến đổi khí hậu và nạn khai thác quá mức đã làm đảo lộn lãnh vực ngư nghiệp, khiến hai triệu người sống về nghề này lâm vào cảnh khó khăn.
Nước cạn, cá không vào Biển Hồ
Một người buôn cá từ 20 năm qua nói với đặc phái viên của Libération tại Phat Sanday, là trước đây mỗi ngày bà mua được một đến hai tấn cá từ sáu ngư dân quen, nhưng nay chỉ còn 200 ký. Trưởng xóm chài có 400 gia đình, ông Ly Kimsring cho biết thường thì nước dâng vào tháng Năm, tháng Sáu, đó là
lúc các loài cá từ sông Mêkông đến sinh sản. Nhưng năm nay đến tháng Bảy, tháng Tám nước mới ngập, và ngư dân biết rằng thu hoạch sẽ thất bát vì nước cạn, cá sẽ không vào Biển Hồ.
Những người đánh cá hy vọng nước sẽ dâng lên từ tháng 12 đến tháng Hai, nhưng mọi người đều bi quan. Biển Hồ cung cấp đến phân nửa lượng tôm cá cho cả nước Cam Bốt, gồm cá nước ngọt, nước mặn và cá nuôi. Hệ sinh thái ở đây dựa vào một sự thăng bằng mong manh, và là hiện tượng độc nhất trên thế giới. Vừa là hồ vừa là sông, nước Biển Hồ đổ vào sông Mêkông trong mùa khô và vào mùa mưa, nước từ Mêkông lại tràn vào Biển Hồ. Đây là nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 7% diện tích Cam Bốt.
Nhưng năm nay, mực nước sông Mêkông thấp đến mức lịch sử, thấp hơn trung bình 2,5 mét. Nhiều nhà nghiên cứu dự báo năm nay là năm khô hạn nhất thế kỷ đối với khu vực hạ lưu sông Mêkông. Bình thường thì những khu rừng ngập nước của Biển Hồ là nơi sinh sản ưa thích của các loài cá từ Mêkông sang, nhưng khi nước cạn, sẽ ảnh hưởng đến một số loài.
Theo tổ chức phi chính phủ Fact, số lượng ngư dân đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Có đến 2/15 triệu dân Cam Bốt sống nhờ vào nghề cá ở Biển Hồ. Hiện tượng trái đất nóng lên, lạm sát thủy sản, các đập thủy điện ở thượng nguồn khiến nạn nghèo đói đang đe dọa người dân sống quanh Biển Hồ. Ông Ly Kimsring cho biết, đa số gia đình ở Phat Sanday phải vay mượn, và đôi khi chủ nợ đến tịch thu ghe chài và nhà cửa của họ.
Đập thủy điện thượng nguồn đe dọa an ninh lương thực
Một hiện tượng gây chú ý cho Ủy ban Sông Mêkông (MRC) và tạp chí Nature : kích thước của cá ngày càng nhỏ đi. Rất nhiều ao hồ bị cạn nước khiến cá không thể di cư, và đến khi chúng đi được thì đầu to hơn thân, do không tìm được đầy đủ thức ăn khi mực nước quá thấp. Đối với nhiều chuyên gia và tổ chức phi chính phủ, việc số lượng và kích thước cá giảm còn do vô số các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkông.
Trên dòng chính của con sông quan trọng này, có đến 11 đập thủy điện lớn do Trung Quốc xây. Từ cuối tháng 10, thêm hai đập quy mô đi vào hoạt động tại Lào, bất chấp cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế ; và 9 đập khác đang được xây dựng tại Lào, Thái Lan, Cam Bốt. Một nghiên cứu của MRC cho thấy những đập thủy điện này đang đe dọa nặng nề an ninh lương thực của khu vực, làm giảm 40% đến 80% nguồn lợi thủy sản từ nay cho đến năm 2040.
Một số người dân xóm chài, nhất là những người trẻ, đã chuyển đi sống trên đất liền để tìm tương lai. Người vào làm việc ở các nhà máy dệt may, người khác đến Phnom Penh hoặc sang Thái Lan làm thuê, người lại chuyển sang trồng trọt. Hồi kết của những ngôi làng nổi, những căn nhà sàn trên sông đã được báo trước.

Bắc Kinh đóng vai người hòa giải Nhật-Hàn

Cũng liên quan đến châu Á nhưng về ngoại giao, Les Echos chú ý đến việc Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, mà tờ báo cho là « một mũi tên bắn ba con chim », trong lúc hình ảnh Bắc Kinh ngày càng trở nên xấu xí qua phong trào phản kháng của sinh viên Hồng Kông.
Tokyo và Seoul xung đột từ hơn một năm qua, hậu quả là số du khách Hàn Quốc thăm Nhật giảm mất 2/3, có đến 72% người dân Hàn tẩy chay hàng Nhật, cho đến nỗi bia Nhật xuất sang Hàn hầu như còn bằng 0. Đối thoại giữa đôi bên có thể dần dần được tái lập sau cuộc gặp ở Thành Đô (Tứ Xuyên). Cả ba nước Trung-Nhật-Hàn đều có mối quan tâm chung là sự đe dọa từ chế độ Bình Nhưỡng, và thông cáo chung ủng hộ việc « phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên và một nền hòa bình bền vững tại Đông Á ».
20 năm trận bão thế kỷ tại Pháp
Tại Pháp, nhân dịp Noël, Le Figaro quan tâm đến việc « Thiên Chúa giáo ở Pháp tìm cách đổi mới », còn La Croix nhìn sang một đất nước Phi châu bị quân Hồi giáo tấn công đúng ngày Noël làm 35 người chết, với dòng tựa « Burkina Faso sống trong sợ hãi ». Nhật báo kinh tế Les Echos cảnh báo « Tín dụng địa ốc, mối nguy mới cho các ngân hàng ». Hôm nay, đúng 20 năm kể từ trận bão thế kỷ năm 1999, Libération chạy tựa « 20 năm sau bão, cây rừng lại mọc rễ », và dành đến bốn trang báo để kỷ niệm sự kiện.
Các trận bão Lothar và Martin ập vào Pháp và các nước châu Âu khác trong những ngày 26, 27 và 28/12/1999 được các chuyên gia đánh giá là lịch sử. Chỉ trong ba ngày, đã có đến 88 người chết, những vạt lớn của các khu rừng Pháp bị hủy hoại toàn bộ, nhất là ở Lorraine, Aquitaine, Alsace…với gần một
triệu hecta rừng bị thiệt hại, tạo ra « đứt gãy trong kim tự tháp tuổi » của rừng, như đã từng xảy ra trong hai trận đại chiến thế giới. Bão năm 1999 cũng là thiên tai lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm Pháp với 7 tỉ euro đền bù cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Bài xã luận của Libération nhận định, với trên 80 người thiệt mạng, 1/10 diện tích rừng cả nước bị tàn phá, thảm họa này không chỉ đánh vào lòng hoài nhớ đất đai và cây rừng đã bị mất vì kỹ nghệ hóa, mà còn đánh thức lương tâm. Thiên nhiên đã tự làm lành một phần lớn vết thương, và Nhà nước sau đó đã ra sức trồng lại cây rừng. Bao phủ một phần ba diện tích nước Pháp, rừng hấp thụ khí một phần lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra. Nhưng cần phải chạy đua với thời gian : tình trạng trái đất nóng lên khiến côn trùng sinh sôi nảy nở, đe dọa cây rừng.

Công viên Versailles hồi sinh sau bão

Trong bài « Công viên Versailles sẵn sàng thách thức thể kỷ », Le Figaro cho biết sáng nay, 440 cây sồi đã được trồng tại đường Saint-Cyr trong công viên lớn của lâu đài Versailles, mà đúng vào ngày này 20 năm trước, cơn bão Lothar đã tàn phá.
Ngày 26/12/1999, trong suốt hai tiếng đồng hồ, các trận cuồng phong có tốc độ lên đến 210 km/h đã làm bật gốc 18.500 cây cổ thụ, phá hủy 80% các loại thảo mộc hiếm. Có những cây quý hiếm đã vĩnh viễn biến mất, như hai cây tulipier Virginie do hoàng hậu Marie-Antoinette trồng năm 1783, hay cây thông đảo Corse của hoàng đế Napoléon I. Trong những tuần lễ sau đó, còn phải đốn hạ thêm 30.000 cây cổ thụ có nguy cơ bị ngã.
Mặc dù trận bão thế kỷ hoành hành trên khắp nước Pháp, nhưng những thiệt hại ở điện Versailles gây xúc động lớn, vượt qua khỏi biên giới, tạo ra một làn sóng liên đới mạnh mẽ. Đợt quyên góp với nhiều nhân vật nổi tiếng cổ vũ như cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, nữ diễn viên Ý Claudia Cardinale…đã thu được 2,5 triệu euro ủng hộ từ hàng ngàn mạnh thường quân. Ngay cả thủ lãnh da đỏ Raoni cũng tham gia vào việc trồng lại rừng Versailles.
Theo ông Alain Baraton, người phụ trách khu vườn Trianon và công viên lớn của cung điện Versailles, thì trong cái rủi có cái may. Rừng Versailles năm 1999 vô cùng xinh đẹp nhưng già cỗi vì không được chăm sóc đúng mức, trận bão năm ấy đã thức tỉnh mọi người về di sản này ; nhiều người nhận bảo trợ những cây cổ thụ tại đây. Có những câu chuyện cảm động, như một người Mỹ đề nghị tặng một cây tulipier mới, nhóm của ông sang nhận và mang về Pháp đến 2.000 cây do người dân địa phương tặng.
Ngày nay cây cối được trồng với khoảng cách lớn hơn để cây có thể chống chọi với gió mạnh, đa dạng hóa các loài để tồn tại được nhiều thế kỷ nữa, và đặc biệt không dùng đến thuốc trừ sâu, 100% là bio (sinh thái).

Cuba hợp nhất hai loại đồng peso

Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, Les Echos nói về việc Cuba đang chuẩn bị hợp nhất hai đồng tiền : peso Cuba và peso chuyển đổi. Hệ thống này không còn phù hợp với việc mở cửa kinh tế của đất nước.
Đồng peso Cuba sẽ được duy trì, có tỉ giá 24 đồng đổi 1 đô la, được sử dụng trong các cửa hàng nhà nước và trả lương cho công chức, người về hưu, công nhân viên quốc doanh (chiếm 85% dân số). Còn đồng peso chuyển đổi có trị giá tương đương 1 đô la, sẽ biến mất. Đồng tiền này lâu nay được dùng để mua hàng nhập khẩu, người lao động khi muốn đổi được đồng tiền này phải xếp hàng dài dằng dặc. Các công ty quốc doanh được hưởng tỉ lệ ưu đãi là 1 peso Cuba đổi ngang 1 peso chuyển đổi, sự bất bình đẳng này tạo ra nạn buôn lậu.
Hệ thống hai đồng tiền như thể buộc phải kiểm tra rất chặt việc đổi tiền, trong khi nền kinh tế Cuba đang mở cửa một cách tương đối, nhất là qua du lịch. Từ hai tháng qua, người dân Cuba đã được phép mở tài khoản bằng đô la, và lệnh cấm sử dụng đô la có từ năm 2004 nay bị bãi bỏ. Lương công nhân viên từ 667 peso Cuba đã được tăng lên 1.067 peso. Theo nhà kinh tế Everleny Perez, việc hủy bỏ hệ thống hai đồng peso cần đi kèm với việc giảm hối suất, cải cách sản xuất để tránh lạm phát do tăng giá và thiếu hụt một số mặt hàng.

Năm sự kiện khoa học nổi bật trong năm 2019

Trên lãnh vực khoa học, Le Figaro điểm qua năm sự kiện đáng chú ý trong năm 2019.
Trước hết là chân dung của « lỗ đen » mà lần đầu tiên loài người có thể chứng kiến vào tháng Tư, đây là thành tựu khoa học quan trọng nhất trong năm. Để có được bức ảnh này, tất cả kính viễn vọng lớn nhất thế giới phải phối hợp với nhau, cùng lúc chiếu vào trung tâm lỗ đen ẩn trong siêu thiên hà M87. Tiếp theo là việc một tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh vào mặt tối của Mặt Trăng, chạy được 350 mét, vượt qua kỷ lục của chiếc Lunokhod (Liên Xô) năm 1971.
Sự kiện các nhà khảo cổ tìm thấy xương của những con khỉ đột đi bằng hai chân tại một hang động hóa thạch ở Bayern (Đức), đã đẩy lùi lại bốn triệu năm trước, khiến giả thiết sự tiến hóa của loài người hoàn toàn diễn ra ở châu Phi, khó thể đứng vững. Năm 2019 còn được đánh dấu bởi hội nghị khí hậu COP25 đáng thất vọng, mọi hồ sơ đều phải dời sang năm 2020. Cuối cùng là việc các loại thuốc vi lượng đồng căn (homéopathie), chủ đề tranh cãi lâu nay, sẽ không còn được bảo hiểm y tế Pháp thanh toán, vì không đủ bằng chứng cho thấy sự hiệu quả.
Tờ báo dự đoán năm 2020 sẽ là năm chạy đua lên Hỏa tinh, với bốn tàu thăm dò của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Trung Quốc, Châu Âu và NASA.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191226-c%C3%A1-bi%E1%BB%83n-h%E1%BB%93-gi%E1%BA%A3m-m%E1%BA%A1nh-h%E1%BB%93i-k%E1%BA%BFt-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-b%C3%A1o-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-c%E1%BB%A7a-nh%C3%A0-s%C3%A0n-cam-b%E1%BB%91t

Pháp: Truyền thống bán lịch cuối năm

của nhân viên bưu điện

Thu Hằng
Ngày Giáng Sinh 25/12/2019, các nhật báo lớn của Pháp đều nghỉ, chỉ có Le Monde ra báo giấy liền hai số. Trong một bài viết, Le Monde nói đến truyền thống bán lịch và bưu thiếp cuối năm của nhân viên bưu điện, « một ngành kinh doanh lên đến 100 triệu euro ».
Hàng năm, khoảng 8 đến 10 triệu cuốn lịch, tất cả đều được in tại Pháp, được nhân viên ngành bưu điện chào bán cho người dân. Truyền thống « mừng tuổi » này có từ thời vua Louis XIV và được phổ biến từ năm 1853 nhờ François-Charles Oberthür, sống ở vùng Alsace (phía đông nước Pháp). Để cảm ơn nhân viên bưu điện phát thư, người dân có thể mua lịch hoặc thiệp chúc mừng với giá tùy tâm, nhưng thường dao động từ 8 đến 10 euro.
Tại Pháp, hiện có ba nhà in lớn chuyên nhận đặt in lịch của người phát thư, trong đó Oberthur chiếm đến 40% thị trường. Các nhà in không có hợp đồng chính thức với Bưu điện Pháp (La Poste), ngoài việc đồng ý cho in logo của La Poste trên lịch để chứng thực « hàng thật ».
Việc bán lịch là ý tưởng của từng cá nhân. Vì nhân viên ngành bưu điện không có lương tháng thứ 13, như một số ngành nghề khác, nên hàng năm, họ có thể bán thêm lịch và bưu thiếp tại khu vực hoạt động hàng ngày của họ để bù khoản « thất thu » này. Nhiều nhân viên sẵn sàng nghỉ một tuần, chỉ để đi gõ cửa từng nhà bán lịch.
Ngay từ tháng Ba hàng năm, nhân viên bưu điện đặt mẫu lịch và số lượng trên website của các nhà in. Đứng đầu Top 10 các mẫu ảnh được sử dụng nhiều vẫn là hình ảnh đơn điệu như những chú chó, chú mèo, phong cảnh. Một số nhà in gợi ý nên có thêm « những lời khuyên, công thức nấu ăn, chuyện cười, hình ảnh các đức thánh, hay cảnh thủy triều lên đối với những vùng duyên hải… ».
Tổng giám đốc nhà in Oberthur cho biết: « Chúng tôi in thành ba đợt, vào tháng 06, tháng 07 và tháng 09. Thông thường, người phát thư không ứng tiền trước. Họ thanh toán vào tháng Giêng, sau khi nhận được tiền mừng tuổi ». Một số khác thì thanh toán thành 10 lần trong năm. Nhà in Oberthur có khoảng 30.000 nhân viên bưu điện là khách hàng và những « khách hàng trung thành » cũng được tri ân với « những món quà nhỏ ».
Tuy nhiên, dường như người dân Pháp, đặc biệt là ở Paris, không hiểu hết được công sức của người đưa thư. Người đưa thư mua mỗi một cuốn lịch với giá từ 1,81 đến 1,82 euro, bỏ công đến kho để vận chuyển, sau đó gõ cửa từng nhà, nhưng thông thường người dân chỉ tặng 5 euro.

Nghệ sĩ ballet Opéra de Paris đình công

bằng cách… biểu diễn ngoài đường

Thay vì khiến người dân Paris khốn đốn vì đi lại như phong trào đình công của ngành giao thông công cộng, các nghệ sĩ múa ballet của Nhà hát Paris (Opéra de Paris) có cách đình công riêng. Bất chấp cái
lạnh 9 độ C, khoảng 40 nghệ sĩ múa, trong trang phục váy xòe trắng và biểu diễn vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga ngay trước cửa Nhà hát vào ngày 24/12/2019.
Họ cũng là những người được hưởng quy chế đặc biệt, như nhân viên ngành đường sắt và điện lực. Nhà hát Opéra Paris và Nhà hát kịch Pháp là hai cơ quan văn hóa nằm trong loạt cải cách của chính phủ. Quy chế đặc biệt của Opéra Paris là một trong những quy chế lâu đời nhất của Pháp, có từ năm 1698, dưới thời vua Louis XIV.
Trang mạng báo Le Monde cho biết, từ 15 ngày nay, các nghệ sĩ đình công để phản đối kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhiều buổi biểu diễn đã bị hủy. Alexandre Carniato, một nghệ sĩ 41 tuổi, cho biết : « Từ năm 8 tuổi, người ta đã khắc trong tâm trí chúng tôi là chúng tôi có một nhiệm vụ cao cả và chúng tôi sẽ múa cho Nhà hát Opéra Paris, biểu tượng cho nước Pháp ». Một nghệ sĩ khác cho rằng « Toàn bộ Nhà hát bị ảnh hưởng. Nền nghệ thuật của chúng ta đang gặp nguy hiểm ».
Biểu diễn chân trần, trên nền đá cứng trước cả nhà hát, những nghệ sĩ múa ballet muốn cho công chúng thấy những khó khăn của nghề, như giải thích của Alexandre Carniato : « Đó là 15 năm cống hiến, đó là công việc hàng ngày. Và để đạt được đến trình độ này, phải chấp nhận giới hạn và gò bó. Nếu công chúng còn muốn tiếp tục thấy những nghệ sĩ múa xinh đẹp, họ không thể nào tiếp tục làm việc đến năm 64 tuổi. Đây là điều không thể ».
Hiện tại, chế độ đặc biệt cho phép các nghệ sĩ « nghỉ hưu » vào năm 42 tuổi, căn cứ vào « mức độ nặng nhọc » của nghề, cũng như nguy cơ chấn thương hoặc khó có thể để một nghệ sĩ cao tuổi tiếp tục biểu diễn với yêu cầu nghệ thuật cao trong những vở kịch lớn.

20 ngày đình công:

Ngành đường sắt Pháp thất thu 400 triệu euro

Ngày Giáng Sinh nhưng cũng là ngày đình công thứ 21 tại Pháp. Tân tổng giám đốc Nghiệp đoàn Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) thẩm định mỗi ngày thất thu 20 triệu euro, như vậy tổng cộng là 400 triệu euro tính từ đầu cuộc đình công, chưa kể những chi phí gián tiếp, chỉ có thể được thẩm định sau này.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde, tân tổng giám đốc SNCF Jean-Pierre Farandou khẳng định : « Từ giờ, mọi thứ đã được đặt trên bàn (đàm phán) », trừ quy chế đặc biệt, đã bị xóa trong đợt cải cách 2018. Có hai biện pháp đang được tiến hành để áp dụng quy định mới : Tính toán lương hưu cho khoảng 40% nhân viên (50.000 người) thuộc giai đoạn chuyển tiếp ; tính lương hưu cho những người thuộc hệ thống mới. Vấn đề tiếp theo là nâng dần tuổi nghỉ hưu, hiện là 52 tuổi đối với lái tầu và 57 tuổi đối với những nhân viên còn lại.
Từ năm 2020, công ty đường sắt Pháp sẽ có nhiều thay đổi. Trước tiên là chuyển sang quy chế mới, gồm nhiều công ty vô danh thay vì chỉ gồm những công ty công như trước đây. Mỗi công ty sẽ phải chặt chẽ về tài chính và phải biết tự quản lý nợ. Tiếp theo, công ty sẽ không tuyển nhân viên theo quy chế đặc biệt, mà theo hợp đồng lao động thông thường như những ngành nghề khác.
Ngành đường sắt Pháp nổi tiếng với « bản sắc riêng » thông qua những cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi, dấn thân… Nhưng thêm vào đó, tân tổng giám đốc SNCF muốn thêm một chút « linh động, táo bạo, canh tân, trách nhiệm và phi tập trung ». Theo ông, đó không phải là « biến đổi » mà chỉ là « quá độ » trong công ty SNCF.

SNCF – RATP : Hai tốc độ đàm phán khác nhau

Trong ngày đình công thứ 21, không có bất kỳ chuyến tầu cao tốc nào hoạt động vào sáng 25/12. Tại Paris, tuyến tầu A xuyên vùng Ile-de-France đóng cửa hoàn toàn, metro hoạt động cầm chừng trong giờ cao điểm.
Trên website, Le Figaro đặt câu hỏi : « Tại sao các cuộc đàm phán với SNCF lại nhanh hơn so với RATP ? ». Thực vậy, với ngành đường sắt SNCF, chính phủ đã tìm được một số tiền đề thỏa thuận, trong khi hướng giải pháp với công ty giao thông công cộng Paris và Ile-de-France (RATP) lại bị lùi sang năm 2020.
Chủ tịch nghiệp đoàn CGT tại RATP cho rằng nhân viên ngành giao thông cộng cộng Paris – Ile de France « bị đối xử không tốt bằng nhân viên ngành đường sắt. Bởi vì có thể là do chúng tôi làm phiền ít hơn ». Trong khi chính phủ vội vàng tìm ra được một tiếng nói chung với nghiệp đoàn UNSA-ferroviaire, một trong hai nghiệp đoàn ủng hộ cải cách, trước đợt đi lại lớn dịp cuối năm, thì « deal » tương tự đã không được đề xuất với RATP, bởi vì, theo Le Figaro, rất nhiều người dân Paris đi nghỉ vào dịp này.
Le Monde nhận định : « Cải cách hưu trí : không có « hưu chiến » đối với chính phủ ». Điện Matignon cho biết thủ tướng Edouard Philippe chia đổi thời gian nghỉ lễ giữa Paris và vùng Normandie. Lãnh đạo bộ Giao Thông Pháp « luôn túc trực ở Paris ». Tổng thống Emmanuel Macron tỏ ra kín tiếng. Ông sẽ gửi lời chúc mừng Năm Mới đến người dân vào tối 31/12 như thường lệ.

Algérie : Bước ngoặt trên thượng tầng

sau khi tướng Gaïd Salah qua đời ?

Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde đề cập các sự kiện « Algérie : tướng Gaïd Salah qua đời, làm đổi hướng quân bài trên thượng tầng Nhà nước » ; « Vụ Khashoggi : giới thân cận của « MBS » (Mohammad Bel Salmane) được trắng án » ; « Tiến trình cải cách Giáo triều khó khăn đối với giáo hoàng ».
Trang nhất của Le Monde cho rằng việc tướng Gaïd Salah, tổng tư lệnh quân đội Algérie, một nhân vật quan trọng trên chính trường, đột ngột qua đời chỉ một ngày sau khi quốc gia Bắc Phi này có tân tổng thống, đang định hình lại hệ thống chính trị Algérie. Từng ủng hộ chế độ Bouteflika, nhưng tướng Gaïd Salah đã lùi bước trước sức ép của công chúng.
Đối với một số người ủng hộ vị tổng tự lệnh, tướng Gaïd Salah đã giúp Algérie tránh một được bể máu. Nhưng đối với những người đối lập, tướng Gaïd Salah đã tận dụng phong trào phản kháng (Hirak) của dân chúng để lật đổ bè phái Bouteflika. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa vị tổng tư lệnh và công chúng lại trở nên xấu đi do tướng Gaïd Salah yêu cầu nhanh chóng tổ chức bầu tổng thống, trong khi người biểu tình đòi một chuyển tiếp dân chủ có thương lượng. Ông Gaïd Salah xuất hiện ở khắp nơi, làm lu mờ hình ảnh quyền tổng thống Abdelkader Bensalah.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, tổng thống tân cử Algérie là nguyên thủ có được ít số phiếu bầu nhất, do gần 70% người dân tẩy chay cuộc bầu cử, vì nhân vật này từng là thứ trưởng trong chính quyền cũ.

Vụ Khashoggi :

Giới thân cận của « MBS » được trắng án

Tư pháp Ả Rập Xê Út đã tuyên 5 bản án tử hình hôm 23/12/2019 trong vụ ám sát nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, theo Le Monde, hai nhân vật thân cận của hoàng thái tử Mohammed Ben Salman lại được trắng án : Người thứ nhất là Ahmed Al Assiri, nhân vật số 2 trong ngành tình báo Ả Rập Xê Út, cựu phát ngôn viên của liên quân Ả Rập tấn công vào Yemen, do « không có đủ bằng chứng » ; người thứ hai là Saoud Al Qahtani, cố vấn truyền thông của hoàng thái tử.
Ankara đánh giá bản án « không đáp ứng trông đợi » của Thổ Nhĩ Kỳ. Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc cho rằng bản án là « lời chế nhạo ngành Tư pháp ». Riêng bộ Ngoại Giao Pháp, đến sáng 24/12, chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20191225-ph%C3%A1p-truy%E1%BB%81n-th%E1%BB%91ng-b%C3%A1n-l%E1%BB%8Bch-v%C3%A0-b%C6%B0u-thi%E1%BA%BFp-cu%E1%BB%91i-n%C4%83m

Tạp chí Tiêu Điểm

Hồng Kông, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Mỹ :

Những thùng thuốc nổ năm 2019

Minh Anh
Năm 2019 là năm giầu biến cố, năm của mọi sự phẫn nộ. Từ châu Á sang châu Âu, từ châu Phi đến châu Mỹ, đất bằng như dậy sóng. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông gần như tăng lên đến đỉnh điểm. Tại Hoa Kỳ, chính trường cũng sôi sục vì thủ tục luận tội phế truất Donald Trump.
Hồng Kông : Mảnh đất tự do còn « sót lại » của Trung Quốc
Tại châu Á, mọi tâm điểm thời sự tập trung vào Hồng Kông, cựu thuộc địa của Anh Quốc, được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Từ sáu tháng qua, người dân Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ, những sinh viên – học sinh đã rầm rộ xuống đường, ban đầu chống đối ôn hòa dự luật dẫn độ của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sau chuyển thành các phong trào đòi dân chủ, phản đối Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do với mức độ bạo lực tăng dần.
Đỉnh điểm của những cuộc biểu tình là cuộc đọ sức giữa sinh viên với cảnh sát tại khuôn viên đại học Bách Khoa PolyU, tưởng chừng sắp có nội chiến. Nỗi bực tức của người dân Hồng Kông còn được thể hiện qua lá phiếu trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11/2019, với thắng lợi lớn của phe ủng hộ dân chủ.
Hình ảnh của chính quyền Bắc Kinh còn bị nhòe thêm cùng với tai tiếng Xinjianggate, khi tờ New York Times công bố những tiết lộ được cho là do một quan chức cao cấp Trung Quốc cung cấp về các trại tù bí mật giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.
Từ những sự việc này, ông François Bougon, cựu thông tín viên hãng thông tấn Pháp AFP, phụ trách mảng Quốc tế cho báo mạng độc lập Mediapart, trên đài France Culture có một nhận xét khá thú vị như sau :
« Hồng Kông cho thấy rõ ngay lập tức tính chất thời sự, đó là Trung Quốc, nhất là Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, khó thích ứng với sự đa dạng đến chừng nào. Điều thật sự khác biệt và thú vị là một số người Hồng Kông mà tôi có dịp tiếp xúc  nói với tôi rằng, không giống như ở Tân Cương, nơi ngự trị của sự im lặng, ít ra ở Hồng Kông người ta có thể bày tỏ chính kiến.
Chính nhờ vào vai trò của trung tâm tài chính này, vào quy chế đặc biệt mà Hồng Kông ngày nay đang thụ hưởng ʺMột đất nước, hai chế độʺ, mà người dân ở đây còn có khả năng bày tỏ chính kiến, thái độ. Trong khi mà nhiều cộng đồng thiểu số bị trấn áp khác như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ lại cực kỳ khó khăn để có tiếng nói trên trường quốc tế, ở nước ngoài.
Do vậy, điều gây ấn tượng ngay lập tức đối với tôi, đó là khả năng tiếng nói của người dân ở Hồng Kông còn được lắng nghe. Các phương tiện truyền thông nước ngoài vẫn có thể tới Hồng Kông, chứ còn tại Tân Cương hay Tây Tạng là điều bất khả ».
Chilê, Liban, Algeri, Iran, Irak : Nổi dậy đòi nhân phẩm !
Cùng lúc này tại những nước khác như Iran, Irak, Liban, Algeri, đi qua cả Pháp, rồi đến Ecuador, Chilê của châu Mỹ, người dân cũng ồ ạt xuống đường phản đối đời sống đắt đỏ, vật giá leo thang, đòi công bằng, tự do, nhân phẩm và chống đối một tầng lớp kỹ trị già nua.
Làn sóng phản kháng 2019 có gì khác biệt so với mùa xuân 1968 ở Pháp và mùa xuân Bắc Kinh năm 1989 ? Nhà chính trị học Dominique Moisi, trên đài RFI phân tích :
« Lý do cốt lõi là những người cầm quyền cảm nhận quá trễ nỗi tuyệt vọng của dân chúng, nỗi tuyệt vọng thúc đẩy giới trẻ phản kháng. Cũng vì thế mà cách nay 30 năm, vào năm 1989 tại Trung Quốc, xảy ra cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, hay ở Pháp, mùa xuân 1968, rồi ở các nước Bắc Phi, Trung Đông với phong trào Mùa Xuân Ả Rập 2010, 2011.
Nhưng giữa 1989 và 2019, tâm trạng phẫn nộ không giống nhau. Năm 1989, tuổi trẻ Trung Quốc đấu tranh vì cảm thấy có « niềm hy vọng » làm thay đổi cuộc đời. Nhưng không riêng gì tuổi trẻ mà các thành phần khác cũng đấu tranh vì thấy có hy vọng. Năm 2019, trái lại, thanh niên xuống đường vì tuyệt vọng, vì mất niềm tin. Đó là tâm trạng không thể tiếp tục chịu đựng mãi, không thể sống im lặng mãi trong điều kiện bị tước đoạt nhân phẩm.
Xuống đường phản kháng là sự « bùng nổ » của tình trạng bất công xã hội tích tụ. Trong một thế giới toàn cầu hóa, không có chuyện gì có thể che đậy mãi. Giới lãnh đạo ở mỗi nước đều nhận ra họ là « cá mè một lứa », bị dân ghét bỏ thì sớm muộn gì cũng chìm tàu. Họ có làm gì cũng muộn. »
Syria và chủ trương « phi phương Tây hóa » của Mỹ
Tình hình vịnh Ba Tư năm 2019 cũng không mấy gì khá hơn. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng đột biến tưởng chừng sắp có chiến sự xảy ra. Chính quyền Teheran trong năm 2019 này vẫn tiếp tục gồng mình chịu thêm đòn phạt của Mỹ, vốn dĩ bắt đầu có những tác động lên đời sống của người dân.
Nhưng đáng chú ý nhất là tình hình chiến sự tại Syria đã có những diễn biến ngoạn mục. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày Chủ Nhật 06/10/2019 bất ngờ thông báo rút quân khỏi vùng đông bắc Syria, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự tấn công người Kurdistan, một đồng minh chống khủng bố Daech của Mỹ từ bốn năm qua. Quyết định này của chủ nhân Nhà Trắng đã làm dấy lên nhiều chỉ trích từ nhiều nước trong liên minh quốc tế chống khủng bố.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Alexandra de Hoop Scheffer, nhà chính trị học, chuyên gia về Hoa Kỳ và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giám đốc hội cố vấn German Marshall Fund of the United States, trên đài France Culture, những sự kiện gần đây tại Syria và nền ngoại giao bất ổn của Donald Trump thể hiện một sự « phi phương Tây hóa » (désoccidentalisation) trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, và sự thoái lui của Hoa Kỳ với những cam kết và các đồng minh truyền thống của họ.
« Khi nói chuyện với các giới chức quân sự và các nhà ngoại giao Mỹ, thì đối với họ, lý tưởng nhất là việc chia sẻ gánh nặng chi phí, chia sẻ trách nhiệm có lẽ nên được dựa theo các tiêu chí địa lý. Thế nhưng, điều chúng ta thấy rất rõ hiện nay là trên phương diện đối ngoại, nỗi ám ảnh trước hết của Mỹ chính là Trung Quốc, tiếp đến là Nga.
Mối lo chống khủng bố ngày càng ít đi. Đúng là kể từ sau vụ khủng bố 11/9 chính quyền Washington đã lao vào cuộc chiến chống các nhóm khủng bố ở Irak, tại Afghanistan, gần đây nhất là ở Syria. Nhưng giờ đây Mỹ muốn thoái lui ra khỏi cuộc chiến này.
Trong khuôn khổ này, quyết tâm của Mỹ đã thấy rõ trong cách tiếp cận vấn đề từ dưới thời Obama, và cách tiếp cận này đã được thực hiện nhanh chóng dưới thời Trump đẩy nhanh : Đó là tìm cách ủy nhiệm, giao phó ngày càng nhiều trách nhiệm xử lý các cuộc khủng hoảng tại châu Phi và Trung Đông như Irak, Syria … cho các đồng minh. Đó là những đồng minh trong khu vực của Mỹ và cho cả chúng ta, nước Pháp và châu Âu nữa và điều này dẫn đến những hệ quả rất cụ thể đối với chúng ta. »
Donald Trump : Ngôi sao không thể dập tắt !
Chính trường Mỹ năm 2019 sôi động với thủ tục phế truất tổng thống Donald Trump vì vụ tai tiếng Ukrainegate. Sau một tháng lấy các lời khai nhân chứng, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp công khai, Hạ Viện Mỹ ngày 18/12/2019 đã thông qua bản luận tội tổng thống Mỹ Donald Trump.
Như vậy, Donald Trump là vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị đưa ra luận tội và bị đưa ra xét xử để phế truất. Tuy nhiên, cũng như hai vị tổng thống trước là Andrew Johnson và Bill Clinton, ông Donald Trump khó có thể bị phế truất, vì Thượng Viện là do đảng Cộng Hòa chiếm đa số. Vậy phải chăng đây là một chiến lược sai lầm của phe Dân chủ ?
Nhà báo Phạm Trần từ Washington phân tích :
« Khi cho rằng có sai lầm về chiến lược, vì họ nghĩ và thấy là việc luận tội ở tại Hạ Viện, dù đã quyết định luận tội ông Trump rồi, cuối cùng lên đến Thượng Viện ông Trump vẫn không bị truất phế và ông Trump vẫn làm tổng thống. Họ cho rằng là tình hình kinh tế thời Donald Trump là rất khá, tình hình kinh tế vẫn đi lên, thì như vậy việc luận tội này sẽ có hại cho đảng Dân Chủ, và uy tín của ông Trump sẽ còn tăng lên nhiều hơn so với trước khi chưa bị luận tội.
Các quan sát viên, các nhà bình luận cũng như các chuyên gia về vấn đề luật pháp của Hoa Kỳ cho rằng kế hoạch của đảng Dân Chủ muốn hạ bệ ông Trump chẳng những không thành công, mà còn làm cho uy tín của đảng Cộng Hòa đi lên. Nhưng đó là vì người dân Mỹ chỉ nhìn vào thực tế là khi họ có công ăn việc làm, họ có đời sống khá giả, thì họ không có quan tâm đến chuyện chính trị.
Người dân Mỹ nghĩ rằng ở Washington, cả Nhà Trắng, bên hành pháp lẫn lập pháp đã có những chuyện giằng co với nhau, những chuyện tranh cãi với nhau không làm việc gì lợi ích. Hiện bây giờ, ông Trump đã làm cho tình hình kinh tế đi lên, thất nghiệp giảm, đó mới chính là điều người dân Mỹ quan tâm.
Đấy chính là lý do tại sao các nhà quan sát cho rằng, đảng Dân chủ đã có những chiến lược sai lầm trong vấn đề luận tội ông Trump. »
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191226-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-trung-%C4%91%C3%B4ng-b%E1%BA%AFc-phi-nam-m%E1%BB%B9-2019

Tin tổng hợp

(AFP) – Tàu sân bay Trung Quốc lại đi qua eo biển Đài Loan. 
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan, chiếc hàng không mẫu hạm mới của Trung Quốc ngày 26/12/2019, lại đi qua eo biển Đài Loan, vài tuần trước khi cử tri trên đảo này đi bỏ phiếu bầu tân tổng thống. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết họ đang theo dõi sát chiếc Sơn Đông, hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc tự đóng. Vào tháng trước, Bắc Kinh xác nhận là chiếc tàu sân bay này đã đi qua eo biển Đài Loan để « tập huấn bình thường », gây quan ngại cho Hoa Kỳ. Vào lúc đó, Ngoại trưởng Đài Loan đã cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử trên đảo này, tuyên bố là « cử tri sẽ không dễ bị hù dọa như vậy ».
(AFP) – Miến Điện : Một quan chức thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi bị giết ở bang Rakhine. 
Ngày 26/12/2019, người phát ngôn của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ cho biết ông Ye Thein, chủ tịch đảng ở thị trấn Buthidaung, bị sát hại sau khi lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập hợp ủng hộ giới lãnh đạo quân đội trước những cáo buộc diệt chủng. Phía lực lượng vũ trang Arakan khẳng định vị quan chức trên bị giết trong vụ tấn công của quân đội vào đúng ngày Giáng Sinh. Ông Ye Thein bị phiến quân bắt từ ngày 11/12 trước khi diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ lãnh đạo Aung San Suu Kyi tại phiên điều trần trước Tòa án Công lý Quốc tế La Haye.
(AFP) – Trung Quốc-Nga-Iran tập trận chung ở Vịnh Oman. 
Trả lời báo giới ngày 26/12/2019, ông Ngô Khiêm (Wu Qian), một phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, cho biết đợt tập trận chung diễn ra trong ba ngày, từ 27-30/12, nhằm « tăng cường trao đổi và hợp tác giữa Hải Quân ba nước ». Tuy nhiên, ông không cho biết phía Trung Quốc huy động bao nhiêu tầu và quân nhân. Cuộc tập trận ba bên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Teheran và Washington, sau khi tổng thống Trump đơn phương rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
(AFP) – Một nhà đối lập Nga bị tống lên Bắc Cực. 
Hôm 25/12/2019, nhà đối lập hàng đầu Alexei Navalny cáo buộc chính quyền Nga đã « bắt cóc » một trong những cộng sự viên của ông và đưa ngay lập tức lên vùng Bắc Cực để thi hành nghĩa vụ quân sự. Khi bị bắt, Ruslan Chaveddinov, 23 tuổi, đang làm việc cho Quỹ chống tham nhũng của nhà đối lập Navalny. Tổ chức này đang bị điều tra về tội danh « rửa tiền » sau khi phanh phui nhiều vụ tham nhũng trong chính quyền Nga. Bản thân Navlany cũng vừa bị câu lưu trong vài tiếng hôm 26/12, sau khi trụ sở của Quỹ chống tham nhũng bị khám xét.
(AFP) – Bộ trưởng Giáo dục Ý từ chức. 
Hôm 26/12/2019, bộ trưởng Giáo dục Ý Loeno Fioramonti, thuộc Phong trào 5 Sao, đã thông báo từ chức do không cấp đủ ngân sách cần thiết để cải thiện tình hình các trường học và đại học. Vụ từ chức này là một vố đau đối với chính phủ liên minh bao gồm đảng cánh trung tả và Phong trào 5 Sao. Sau bốn tháng cầm quyền, liên minh này đã bộc lộ nhiều bất đồng nội bộ trên nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề di dân.
(Reuters) - Iran : Hai học giả nước ngoài tuyệt thực vô thời hạn. 
Nhà nhân chủng học Pháp – Iran Fariba Abdelkhah và nhà nghiên cứu người Úc Kylie Moore-Gilbert từ hôm 24/12 đã tuyệt thực vô thời hạn trong nhà tù nơi họ đang bị giam. Trong bức thư gởi từ nhà tù Evin ở Teheran, hai nữ học giả này tố cáo « những cáo buộc ngụy tạo » và cho biết trong tù họ bị « tra tấn tinh thần », bị « xâm phạm các quyền con người ». Fariba Abdelkhah, giám đốc nghiên cứu tại trường Sciences Po Paris, đã bị chính quyền Iran bắt từ tháng 6, với cáo buộc làm gián điệp, còn Kylie Moore-Gilbert, chuyên gia về các phong trào phản kháng tại Trung Đông, thì đang thọ án 10 năm tù cũng với tội danh làm gián điệp.
(AFP) – Không quân Israel oanh kích dải Gaza. 
Vụ tấn công diễn ra trong đêm 25 rạng sáng 26/12/2019 nhằm đáp trả việc một quả rocket được bắn từ dải Gaza, vùng đất do phong trào Hồi Giáo Hamas kiểm soát, sang phần lãnh thổ Israel và bị hệ thống phòng thủ Israel bắn chặn. Trong một thông cáo ngày 26/12, quân đội Israel nêu rõ « chiến đấu cơ và máy bay trực thăng (Israel) đã bắn vào nhiều mục tiêu của lực lượng khủng bố Hamas ở dải Gaza, trong số đó có nhiều trạm gác quân sự ».
(AFP) – Tù nhân Mỹ được tuyển làm nhân viên tổng đài trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của tỉ phú Michael Bloomberg. 
Nhà tỉ phú New York khẳng định không biết thông tin được trang The Intercept tiết lộ hôm 24/12/2019. Theo trang này, thông qua một đối tác, đội ngũ vận động của ông Bloomberg đã thuê một công ty lớn chuyên cung cấp dịch vụ gọi điện thoại. Công ty này có hai trung tâm nằm trong các nhà tù ở bang Oklahoma, trong đó có một nhà tù nữ. Những tù nhân được tuyển dụng gọi điện liên lạc với các cử tri để vận động bỏ phiếu cho ông Michael Bloomberg. Đội ngũ vận động của nhà tỉ phú Mỹ khẳng định đã ngừng dịch vụ này ngay khi được biết thông tin.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191226-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.