Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

TinViệt Nam – 04/11/2019

Monday, November 4, 2019 7:23:00 PM // ,

TinViệt Nam – 04/11/2019

Cựu Bí thư thị xã Bến Cát bị đưa ra xét xử

vì vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước

Ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương, hôm 4/11 bị TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử vì vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước
Ngoài ông Khanh, hai bị cáo khác cũng bị xét xử với cùng tội danh là Nguyễn Huy Hùng – nguyên giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Sài Gòn và Nguyễn Quang Lộc – phó Phòng Quản lý khách hàng doanh nghiệp 1- Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn.
Ngoài ra, 4 bị cáo khác bị xét xử về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2005 đến 2008, bà Hồ Thị H. vay của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn khoảng 72 tỷ đồng với tài sản thế chấp khoảng 80 tỷ đồng. Đến năm 2008, do không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu, cần bán tài sản để trả nợ.
Khi đó, ông Hùng và Lộc đã giao tài sản thế chấp lại cho bà H. tự bán không có văn bản, người mua là ông Khanh và thành viên gia đình. Đồng thời, ông Hùng và Lộc còn để bà H. nhận một khoản tiền mặt từ bán tài sản mà không đưa vào trả nợ cho ngân hàng.
Từ năm 2012 đến năm 2015, Khanh và bà H. thông qua ông Hùng, Lộc đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng Khanh mua được hơn 18 ha đất mà bà H. cầm cố tại BIDV.
Dự kiến, phiên tòa sơ thẩm sẽ kéo dài từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 11.
Cũng trong ngày 4/11/2019, VKSND tỉnh Phú Yên vừa truy tố Cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên- ông Lê Văn Phước cùng 3 cán bộ dưới quyền với cáo buộc tham ô tài sản.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Yên, từ năm 2010 đến tháng 8/2017, ông Phước cùng 4 thuộc cấp lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thống nhất lập khống chứng từ, sổ sách, chiếm đoạt hơn 2,8 tỷ đồng.
Cụ thể, khi được hỗ trợ kinh phí tập huấn, ông Phước chỉ đạo cấp dưới hạch toán chứng từ bằng nguồn ngân sách của trung ương. Còn nguồn kinh phí do ngân sách địa phương cấp, các bị cáo chia nhau sử dụng cá nhân rồi lập khống chứng từ, tài liệu để quyết toán.
Với thủ đoạn này, cựu Chánh án TAND Phú Yên cùng 3 thuộc cấp đã chiếm đoạt ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-party-secretary-of-ben-cat-town-binh-duong-province-indicted-11042019090044.html

Nguyên phó thủ tướng Vũ Văn Ninh

bị chính phủ kỷ luật cảnh cáo

Truyền thông trong nước loan tin này vào này 4 tháng 11.
Trước đó, theo tờ Tiền Phong, nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã bị Bộ Chính trị kỷ luật về Đảng.
Quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt hành chính nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh được Bộ chính trị đưa ra tại kỳ họp 37 của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 2 đến 4 tháng 7 vừa qua.
Theo kết luận lúc đó của Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận, vi phạm của ông Vũ Văn Ninh là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông. Cụ thể, ông Vũ Văn Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty CP cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại công ty CP cảng Quảng Ninh.
Ông Ninh cũng đồng ý để UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi nhận chuyển giao Công ty CP cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; đồng ý chủ trương cổ phần hóa công ty mẹ- Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam và cổ phần hóa 10 đoạn quản lý đường thủy nội địa, trong khi đây là các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa được quy định cổ phần hóa.
Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ tài chính kiêm Chủ tịch hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội VN, ông Ninh đã thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm sát để hai tổng giám đốc BHXH VN vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong việc ký các hợp đồng cho Công ty thuê tài chính II – một tổ chức tín dụng phi ngân hàng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn VN vay 1.010 tỉ đồng.
Theo Bộ chính trị, vi phạm của ông Ninh là nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn tiền của Nhà nước, ngoài việc gây ảnh hưởng uy tín của tổ chức đảng và cá nhân ông Ninh, sự việc còn gây dư luận xấu, do đó cần thi hành kỷ luật nghiêm minh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-deputy-prime-minister-vu-van-vinh-disciplined-by-government-11042019074632.html

Năm 2019: 6 trường hợp bị truy tố oan,

88 trường hợp bị truy tố thiếu căn cứ

Trong năm 2019, đã có 6 trường hợp Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố oan dẫn đến tòa án nhân dân cấp sơ thẩm tuyên vô tội; và 88 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến tòa án nhân dân sơ thẩm phải xét xử về khoản khác trong cùng điều luật hoặc tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh viện kiểm sát nhân dân đã truy tố.
Đó là thông tin trích từ báo cáo của Ủy ban Tư pháp Việt Nam thẩm tra báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2019. Truyền thông trong nước loan tin hôm 4/11.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng cho biết trong năm 2019, đã có 33 trường hợp viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn lệnh bắt người khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, tạm giam nhưng sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự. Ngoài ra, đã có 425 bị can không bị tạm giam, dẫn đến việc bỏ trốn và bị truy nã.
Số trường hợp bị xử oan được nói tăng 58,3% so với năm 2018. Đặc biệt trong năm 2019, cơ quan điều tra cấp trung ương đã điều tra cả những vụ án không thuộc thẩm quyền nhưng vẫn được viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn.
Ủy ban Tư pháp nhận định viện kiểm sát nhân dân ngang cấp ít phát hiện được vi phạm, dẫn đến số kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát nhân dân cấp trên chiếm 45%. Việc xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự được nói chưa có nhiều chuyển biến, vẫn còn gần 1700 đơn trong tổng số 813 vụ việc chưa được giải quyết.
Về công tác của ngành tòa án, Ủy ban Tư pháp cho biết vẫn còn 107 trường hợp phải hủy án; 275 trường hợp phải sửa án do nguyên nhân chủ quan; 81 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định.
Về công tác giải quyết các vụ việc dân sự, vẫn còn 61 vụ án để quá hạn luật định; 0,42% bản án bị hủy và 0,6% bản án bị sửa do nguyên nhân chủ quan.
Trong một diễn biến khác được truyền thông quốc nội loan cùng ngày,  Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết trong năm 2019, đã có 30 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự vì tội thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ cho biết đã xử lý 3 vụ việc quan chức, cán bộ nhận quà không đúng quy định với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Phúc.
Một số lãnh đạo Công an tỉnh Cao Bằng bị xử lý kỷ luật vì đã nhận quà tặng là xe ô tô từ năm 2016 trị giá 3,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã có 6 cá nhân nộp lại quà tặng với tổng trị giá 182 triệu đồng tại Trà Vinh, Thái Bình, Long An và Tiền Giang.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/six-cases-unjustly-prosecuted-88-cases-prosecuted-without-bases-in-2019-11042019074910.html

Nghệ An bắt 8 người

liên quan đến vụ 39 người chết ngạt ở Anh

Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án và bắt giữ 8 người liên quan 39 người chết ngạt trong thùng lạnh chở hàng phát hiện ở Essex, Anh Quốc.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 4 tháng 11 dẫn phát biểu của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, bên hành lang Quốc hội với báo giới như vừa nêu.
Theo lời của ông Nguyễn Hữu Cầu thì Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp các cơ quan trung ương tập hợp danh tính, lấy mẫu AND và vân tay của 21 người nghi vấn để phục vụ công tác giám định.
Công an tỉnh Nghệ An vào ngày 3 tháng 11 cũng cho bắt giữ 8 người  liên quan đến đường dây đưa người ra nước ngoài và sẽ tiếp tục điều tra làm rõ.
Vào sáng ngày 4 tháng 11, Tỉnh ủy Nghệ An đã họp về vụ việc liên quan; tuy vậy theo ông Nguyễn Hữu Cầu cần phải tuân thủ chỉ đạo của chính phủ trung ương. Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết vào ngày 3 tháng 11, phó thủ tướng thường trực Chính Phủ, ông Trương Hòa Bình và phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiến hành chỉ đạo cuộc họp liên ngành bàn cách đưa số người Việt bị thiệt mạng tại Anh Quốc về nước.
Vào ngày 1 tháng 11, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng cho bắt giữ hai người và triệu tập một số người đến để xét hỏi liên quan nghi vấn dính líu đến vụ 39 người thiệt mạng ở Anh Quốc.
Tại Hà Tĩnh có 10 gia đình trình báo có người thân không liên lạc được sau khi có tin 39 người thiệt mạng như vừa nêu.
Quảng Bình và Thừa Thiên- Huế cũng trình báo có hai trường hợp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nghe-an-pro–11042019075434.html

Công an Việt Nam bị tố tiếp tay

cho di dân lậu vào Châu Âu

Tin từ Berlin, ngày 04/11/2019: Một người Việt Nam ở Đức đã tố cáo công an Việt Nam tiếp tay cho nhiều người Việt di cư lậu sang châu Âu nhằm tìm kiếm cuộc sống dễ thở hơn so với quê nhà.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Lê Xuân Khoa của thoibao.de, một người giọng miền Trung nói anh đi cùng một nhóm người sang Ukraine để đi sang EU hoặc Anh Quốc. Khi xuất cảnh ở phi trường Nội Bài, anh và nhóm người đi cùng đã không phải xếp hàng như các hành khách khác mà được an ninh phi trường dẫn vào khu vực cách ly bằng cửa riêng biệt.
Anh này cũng kể về chặng đường gian nan từ Ukraine tới Đức mà nhóm của anh phải đối mặt. Đó là đói khát, bị đưa vào sống trong những căn nhà tồi tàn, phải đi bộ để vượt qua biên giới nhiều quốc gia để tránh sự truy lùng của cảnh sát… Nhiều người đã phải bỏ mạng trên đường đi tìm giấc mơ của mình.
Anh nói những kẻ môi giới đã hứa với người đi lậu rằng sang EU hoặc Anh Quốc họ sẽ được công việc có thu nhập cao gấp hàng chục lần ở quê nhà như trồng cần sa hoặc làm nail. Tuy nhiên, thực tế lại phũ phàng hơn.
Anh cũng nói nhà cầm quyền địa phương biết được chuyện các anh ra đi và thường đến gia đình của họ để vòi vĩnh đòi hối lộ.
Theo The New York Times, có khoảng 18,000 người Việt nhập cảnh lậu vào châu Âu hàng năm với cái giá phải trả từ 10,000 Mỹ kim đến 50,000 Mỹ kim mỗi người. Những kẻ môi giới người Việt thường chịu trách nhiệm đưa người Việt đến Pháp và Hoà Lan, từ nơi đây, nhóm tội phạm người Kurd và Albania, và trong trường hợp gần đây nhất là người Ireland hoặc Bắc Ireland thực hiện công đoạn còn lại là đưa họ vào Anh Quốc. Ở nước Anh hiện có từ 20,000 đến 35,000 người Việt không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp. Phần lớn trong số đó đến từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cong-an-viet-nam-bi-to-tiep-tay-cho-di-dan-lau-vao-chau-au/

Vụ 39 người chết: Nhiều người Việt tỏ ra ‘lạnh lùng’

Luật gia Nhật chỉ trích quan điểm của một số người Việt rằng ra nước ngoài “mưu cầu hạnh phúc” là “quyền con người”.
Trong phỏng vấn với BBC, luật gia Hirota Fushihara, sống và làm việc lâu năm tại Việt Nam, tỏ ra ngạc nhiên với thái độ “lạnh lùng” không thương xót nạn nhân của nhiều người Việt.
Trước hết ông Fushihara nói về cảm giác khi nghe tin người Việt là nạn nhân.
Hirota Fushihara: Khá nhiều người Việt Nam thể hiện là câu chuyện này là không đáng để thông cảm. Những người này không đáng được thương xót vì họ chủ động đi kiểu phạm pháp và để làm giàu. Thì câu hỏi của tôi là tại sao mọi người không thương xót. Nghe tin này rất nhiều người Nhật thương xót 39 người đó mà sao rất nhiều người Việt Nam lại có thái độ rất lạnh lùng. Còn tôi thì không bao giờ đồng ý với thái độ như vậy. Có thể nói tỉ lệ thương xót và không thương xót theo quan sát cá nhân tôi vào tầm 50-50. Tức là 50% biện luận là người ta muốn làm giàu rồi phạm pháp thì thương xót làm gì. Bí thư Tỉnh Nghệ An thì nói là “rất tiếc” vì họ không đi theo con đường chính thống.
Ở Việt Nam có rất nhiều bạn muốn thay đổi cuộc sống bằng cách đi nước ngoài và 39 người là những người trong số rất nhiều người Việt Nam đang muốn xây dựng cuộc sống mới bằng cách đi nước ngoài. Đi qua Trung Quốc hay là đi qua châu Âu bằng con đường xe tải là các con đường rất nhiều rủi ro mà không biết là gặp ai, đi đến điểm cuối cùng chỗ nào và người ta đối xử với mình như ra sao mà vẫn đi thì họ là những người rất dũng cảm.
Đó có thật sự lựa chọn minh mẫn của một số bạn trẻ Việt Nam hay không? Có thể họ thấy một số người đã từng đi và có vẻ khá giả và thành công về mặt kinh tế nhưng nó có thể đó là tin đồn và mình không rõ là mình đi thì có được như thế hay không. Tức là tôi thấy họ tiếp nhận thông tin một cách mơ hồ mà dám đi như vậy.
Đưa lậu người Việt: Điều tra băng đảng thứ hai
Những người Việt liều chết để vào Anh
BBC: Trong một bài viết, ông biện luận rằng là nhà nước thì nên chăng có một kế hoạch hay chính sách hiệu quả để chia sẻ thông điệp rằng là người dân sẽ có công ăn việc làm tốt hơn ổn định hơn ngay ở trên quê hương mình.
Dù là nghèo nhưng khi mình muốn thành công cái gì đó bằng nỗ lực của mình thì ai cũng ca ngợi cả.
Có một một số người có ý kiến rằng cái việc di cư ra nước ngoài mà tìm đến cuộc sống hay hơn giàu có hơn đó là quyền con người. Đó là quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng. Tức là người nghèo đang sống nước này sang nước khác để không nghèo nữa và coi đó là nhân quyền thì tôi không đồng ý về điều đó.
Vì nếu chấp nhận điều đó thì tất cả các quốc gia phải mở cửa biên giới cho dân các nước vào nước mình. Thì không có lý do nào để làm việc đó cả.
Mỗi một quốc gia đều lập ra nhà nước để nhà nước đó phục vụ cho phúc lợi, lợi ích và an sinh xã hội của quốc gia đó. Và phải thực hiện chính sách đó cho người có chủ quyền trên quốc gia đó. Tức là nhà nước phải bảo đảm nhân quyền cho nhân dân đang sống ở quốc gia đó.
Còn với người nước ngoài thì không có quốc gia nào có nghĩa vụ tiếp nhận trừ khi đó là thuộc diện tị nạn chính trị hay kinh tế ….đó là câu chuyện khác, luân lý hay lịch sử (chẳng hạn châu Âu hoàn cảnh với các nước cựu thuộc địa). Tức là không có qui phạm pháp luật nào nói chúng ta phải mở cửa biên giới để đón bất kỳ ai muốn tới.
Có một số báo Việt Nam nói người ta đi là quyền của người ta, tôi thấy không thể nói như vậy. Người ta đi không phải quyền của người ta, vì người dân sống hạnh phúc như thế nào thì được bảo vệ và điều tiết bởi một chính phủ hay quốc gia nào đó với ngân sách và chính sách của quốc gia đó.
Mà không ai sống trên một thế giới vô chính phủ cả. Ví dụ tôi là người Nhật thì được chính phủ Nhật bảo trợ. Tương tự vậy bạn là người Việt Nam thì được chính phủ Việt Nam bảo trợ.
Bác Hồ đã nói là trăm năm trồng người hay gì đó, thì đó là giáo dục. Vấn đề là chúng ta trồng người ra sao. Đây không phải chỉ là kiếm ăn mà phải xác định là chúng ta trồng người mà hình như trồng người không có kế hoạch.Hirota Fushihara, Luật gia
Cho nên chúng ta nếu nói đó là nhu cầu mưu cầu hạnh phúc thì chúng ta phải thận trọng. Hay có luận điệu là người ta thích ra đi thì đó là lựa chọn của người ta. Thì tôi không hiểu nổi.
Đó không phải là quyền con người. Ra nước ngoài đi tìm hạnh phúc không phải là quyền con người. Trước hết người Việt Nam phải được hạnh phúc ở tại Việt Nam. Thế thì câu hỏi là vai trò quốc gia là gì? Kệ người dân thích đi đâu thì đi à? Nếu nghĩ thế thì quốc gia còn vai trò gì?
Người dân quốc gia nào thì có quyền đòi hỏi quốc gia đó làm cho người dân hạnh phúc. Người dân được ấm no hạnh phúc là trách nhiệm quốc gia. Hạnh phúc đó bao gồm việc làm và rất nhiều thứ khác nữa. Thế thì chúng ta phải xem xét xem nhà nước đã làm đủ vai trò đó chưa. Nếu nhà nước làm tròn bổn phận rồi, trong nước có đầy việc làm và việc làm đó đủ để có mức sống tối thiểu và có tương lai thì chắc chắn sẽ có ít người đi XKLĐ.
Tôi có đọc rất nhiều ý kiến nói rằng đi bằng con đường chính thống thì may ra nhà nước bảo vệ cho chứ đằng này người ta [39 người] đi không chính thống thì nhà nước lấy gì mà bảo vệ, đi chui thì sao mà ngăn chặn hay bảo vệ được.
Nếu chỉ dừng lại ở chỗ này thì không sai. Nhưng vấn đề là đường dây đưa người qua Trung Quốc hay châu Âu như vậy không chỉ xảy ra với riêng vụ này mà tồn tại tự lâu rồi. Mà hiện tượng đó thì không thể nói cơ quan nhà nước không biết được.
Vấn đề đặt ra là gì, là những con đường nào đi mà có rủi ro thì nhà nước phải có biện pháp ngăn chặn những đường dây đó. Mới đây thì sau vụ 39 người thiệt mạng thì chính phủ có yêu cầu các ban ngành điều tra nguyên nhân thì đó chỉ là biện pháp đối phó thôi.
Người Việt làm lậu ở Anh: Ra đi có phải vì nghèo?
Vụ 39 người chết: Truyền thông quốc tế nói gì?
BBC: Ông cũng nói đến vai trò của môi giới XKLĐ?
Đã là môi giới thì đâu có giấy phép gì. Và Việt Nam toàn là môi giới cả. Nếu chúng ta mua bán đồ ăn hàng hóa bình thường hay thương mại thì đó là chuyện rất bình thường và nên khuyến khích.
Nhưng môi giới con người lại là câu chuyện khác. Vì liên quan rất nhiều câu chuyện liên quan về an toàn cũng như là sự tính toán của cuộc sống và rõ ràng là con người được phát triển nghề nghiệp cho bản thân và là nguồn nhân lực quan trọng cho quốc gia nên môi giới là phải có vai trò tích cực theo nghĩa đó.
Người dân được ấm no hạnh phúc là trách nhiệm quốc gia. Hạnh phúc đó bao gồm việc làm và rất nhiều thứ khác nữa.Hirota Fushihara, Luật gia
Một số người biện luận là Việt Nam có việc chứ, chẳng qua là người ta muốn ra đi, muốn làm giàu một cách ngoài lề như vậy cho nên người ta đi thì đâu phải trách nhiệm nhà nước.
Nhưng chính Việt Nam hiện cũng vẫn xúc tiến XKLĐ như một ngành công nghiệp chính qui để tạo thêm việc làm cho người dân cũng như kiếm ngoại tệ, thế nhưng vấn đề là sao cứ tăng cường XKLĐ trong thời buổi này làm gì vì bây giờ có phải như ngày xưa đâu. Chính sách đổi mới bao nhiêu năm rồi. Quan trọng nhất bây giờ là trồng người như thế nào. Rất nhiều người đi lao động nước ngoài về nước vẫn thất nghiệp vì những cái họ làm ở nước ngoài có mang về nước sử dụng được đâu.
Bác Hồ đã nói là trăm năm trồng người hay gì đó, thì đó là giáo dục. Vấn đề là chúng ta trồng người ra sao. Đây không phải chỉ là kiếm ăn mà phải xác định là chúng ta trồng người mà hình như trồng người không có kế hoạch.
BBC: Trở lại vụ việc 39 nạn nhân, thực tế rõ ràng là không chỉ có những cá nhân mà người nhà trong một số trường hợp trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc ra đi này, cụ thể là họ cũng phải thu xếp tài chính, phải thế chấp nhà/đất hoặc đi vay ngân hàng tức là cũng có thể có sự bàn bạc từ trước.
Có thể bố mẹ hay là anh chị em gia đình những người hỗ trợ vay tiền để họ đi nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người đều biết thông tin chắc chắn là chuyến đi đó sẽ mang lại ý nghĩa thế nào cho bản thân người đi đó.
Ngay cả mảng xuất khẩu lao động (XKLĐ) chính thống thì việc người ta vẫn nộp tiền cho công ty XKLĐ thì những thông tin liên quan về điều kiện lao động tại nước sở tại chưa được giải thích rõ ràng nhưng người ta vẫn đi, người ta vẫn nộp tiền cho những người môi giới và công ty xuất khẩu lao động.
Kể cả XKLĐ chính thống cũng không phải nhà nước hỗ trợ gì cả. XKLĐ chính thống và không chính thống thì có sự phân biệt gì?
Chỉ có sự phân biệt là có và không có visa nhập cảnh ở nước sở tại thôi. Vai trò của công ty XKLĐ là công ty mà tư nhân lập nên và có phép của Bộ lao động TBXH và Cục lao động ngoài nước.
Và trong rất nhiều trường hợp thì các công ty XKLĐ Việt Nam chưa giải thích rõ công việc họ sang nước ngoài làm là gì và điều kiện lao động ra sao. Đôi khi thông tin ban đầu chưa rõ ràng. Và đôi khi công ty XKLĐ đưa ra mức phí dịch vụ cao, cao hơn rất nhiều so với qui định của pháp luật. Nhiều người phải thế chấp nhà của bố mẹ.
Khi người ta bỏ ra 100 – 200 triệu để đi XKLĐ như đi Nhật chẳng hạn thì sau 2-3 năm trừ hết chi phí cuộc sống bên Nhật đi thì họ còn phải trả chi phí ban đầu là 100-200 triệu đó và như thế thì họ tính toán có hợp lý hay không.
Tức là trước khi đi thì họ đã tính toán kỹ càng về việc này hay chưa. Theo thống kê của Nhật Bản thì tỉ lệ người nước ngoài phạm tội tại Nhật cao nhất là người Việt Nam mặc dù tội là ăn cắp ăn trộm, tương đối không nghiêm trọng nhưng dù sao cũng là con số cao nhất.
Vừa qua cũng có thống kê là người nước ngoài bất hợp pháp tại Nhật, tức là cư trú không có visa là khoảng hơn 13 ngàn người, cũng là nhóm người nước ngoài cao nhất. Ngoài ra thì có dạng gọi là mất tích, tức là đi theo công ty XKLĐ nào đó rồi giữa chừng bỏ, và nếu họ không về Việt Nam thì họ là người cư trú bất hợp pháp.
Nhưng ở đây phải nói người Việt Nam vốn dĩ không xấu xí gì hơn so với người các dân tộc khác. Thế thì rõ ràng là có những cái stress được gây ra hoặc được tác động từ khâu chuẩn bị trước khi đi ra khỏi Việt Nam và sang nước ngoài. Tức là tính toán không thành công, ước mơ không đạt, không như mình mong muốn và thậm chí có người còn tử vong bất thường trong quá trình làm việc vì các lý do khác nữa như sức khỏe.
Trong quá trình người Việt Nam sang Nhật thì có rất nhiều trắc trở chẳng hạn như đối xử không công bằng và thông tin không rõ ràng bởi cơ chế gây ra hay có nhiều người Việt Nam gặp vấn đề trong quá trình thực hiện nộp tiền cho công ty XKLĐ và các bạn Việt Nam khi sang Nhật gặp rất nhiều vấn đề với giới chủ hay công ty tiếp nhận lao động như bị sa thải hay điều kiện lao động chưa hợp pháp, thì tôi đã và đang hỗ trợ.
Vì tôi sống ở Việt Nam nên đa phần là giúp để họ không bị lừa đảo. Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được thông tin kêu cứu từ các bạn Việt Nam đang ở Nhật và đôi khi tôi liên hệ với luật sư hay công đoàn bên Nhật giúp giải quyết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50287493

Cộng đồng người Việt tại Anh cầu nguyện

cho 39 đồng hương di dân lậu thiệt mạng

Tin từ London, Anh Quốc – Reuters đưa tin: cộng đồng người Việt ở Luân Đôn tập trung tại một buổi cầu nguyện để tưởng nhớ 39 nạn nhân Việt Nam thiệt mạng trong một xe vận tải container đông lạnh ở miền đông nam Anh Quốc.
Cộng đồng này khóc thương cho những nạn nhân chưa được xác định danh tính, những người đang cố gắng vượt biên vào Anh Quốc với hy vọng tìm được cuộc sống tốt hơn. Họ được phát hiện đã chết vào ngày 23 tháng 10 tại một khu công nghiệp ở thị trấn Grays. Buổi cầu nguyện tối hôm Thứ Bảy 2 tháng 11 được tiếp nối bởi một buổi lễ vào hôm Chủ Nhật tại Nhà thờ Tên Thánh và Đức Mẹ Thánh Tâm ở miền đông Luân Đôn.
Nhà chức trách chịu trách nhiệm cố gắng xác định danh tính các thi thể đang làm việc với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, để cố gắng thu thập thông tin về những người được gia đình báo cáo mất tích. 31 người đàn ông và tám phụ nữ được cho là trả tiền cho những kẻ buôn người để bí mật đi vào Anh Quốc.
Cảnh sát chưa cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch này. Cảnh sát Anh Quốc buộc tội nghi can Maurice Robinson, 25 tuổi, đến từ Bắc Ireland, với 39 tội danh ngộ sát và âm mưu buôn người. Họ cho biết rằng nghi can lái chiếc xe vận tải đến Purfleet, Anh Quốc, để đón phần container được chuyển đến bằng phà từ Zeebrugge ở Bỉ. Tại Ireland, nghi can Eamonn Harrison, 22 tuổi, bị bắt vào hôm thứ Sáu theo lệnh của Anh Quốc. Cảnh sát Essex ở Anh Quốc cho biết họ bắt đầu các thủ tục dẫn độ nhằm đưa anh đến Anh Quốc để đối mặt với các cáo buộc ngộ sát. Hai người đàn ông ở Việt Nam cũng bị bắt và bị nghi ngờ hỗ trợ tổ chức hoạt động buôn người. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cong-dong-nguoi-viet-tai-anh-cau-nguyen-cho-39-dong-huong-di-dan-lau-thiet-mang/

Câu chuyện người Việt và cây cần sa ở Đức

Lê Mạnh HùngGửi tới BBC từ Berlin, Đức
Nhận quốc tịch Đức vào khoảng cuối những năm 90, tôi nghĩ ngay đến việc du lịch Mỹ và Canada. Một thời gian sau đó tôi bắt tay vào việc thực hiện.
Biết vậy, một số bạn ở vài tòa soạn báo đặt tôi tìm hiểu về cộng đồng người Việt bên đó và cách thức làm ăn của họ. Tới nơi, tôi nhanh chóng nhận ra hai nghề đang hot lúc bấy giờ: nghề làm móng tay ở Mỹ và trồng cần sa ở Canada.
Nghề trồng cần sa lậu ở châu Âu và người Việt
Ba thiếu niên Việt được giải cứu khỏi một trại cần sa ở Anh
Băng đảng Việt bị Anh kết án vì hai tấn cần sa
Canada chính thức cho phép sử dụng cần sa
Máu tìm hiểu, cộng chịu khó ngoại giao, tôi nhanh chóng quen biết vài nhóm và một số nhân vật có “mác mỏ” trong hai lĩnh vực này. Thành thân thiết, tôi được họ giới thiệu tường tận về nghề, cho tham quan nhiều địa điểm ở nhiều thành phố khác nhau của Mỹ và Canada, được hút thử vài điếu và đi “lắc” với họ.
Trước khi chia tay, tôi nhận được lời mời “mở chi nhánh” ở Đức bởi tại Đức chưa hề phát triển hai nghề này. Tôi giải thích đại cho họ rằng cả hai nghề này đều không có triển vọng ở Đức vì các lý do a,b,c… Tôi thực tâm muốn quê hương thứ hai của tôi được yên bình.
Tôi đã sai lầm khi ngày ấy cho rằng nghề làm móng tay không thể phát triển ở Đức. Giờ thì nhan nhản khắp nơi các tiệm móng tay của người Việt, không ít người khấm khá, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Còn trồng cần sa?
Vài tháng sau đó có hai vị khách, thuộc dạng có tên tuổi trong làng trồng cần sa ở Canada sang Đức tìm gặp tôi. Họ tự giới thiệu vui là các “kỹ sư nông nghiệp” muốn đi khảo sát “vùng kinh tế mới” ở Đức.
Tôi nhận lời đưa họ đi xem các địa bàn và thầm nghĩ chỉ để khai thác thêm thông tin viết bài mà thôi. Tôi chẳng tin (và cũng chẳng muốn) họ làm được điều này ở Đức.
Việc đầu tiên: phải tìm hiểu sự quản lý của Đức trong lĩnh vực này, các luật lệ văn bản quy định ra sao. Ôi nước Đức – “Land des Gesetzes”/”Đất nước của các luật lệ.
Hai “kỹ sư trồng cỏ” từ Canada sang đã xanh hết cả mắt khi nghe tôi dịch cho nghe các điều quy định, các hình phạt liên quan đến ma túy, đến cần sa. Tiếp đến là phân tích thị trường, đánh giá nhu cầu sử dụng của người dân rồi đi tìm, nghiên cứu các địa điểm có thể triển khai.
Người Việt bị bắt tại trại trồng cần sa khổng lồ ở Anh
Xin phép được tới thăm một loạt các gia đình người Việt quen biết có nhà riêng ở nhiều vùng, địa bàn khác nhau, với lý do muốn tìm hiểu cách thức xây dựng và chất lượng nhà ở của Đức, tôi đã không giúp hai chuyên gia trồng cỏ Canada khỏi lắc đầu ngao ngán.
Diện tích nước Đức đâu có lớn như Canada, nhà dân xây san sát cạnh nhau. Nói hơi quá, nhà này ăn mắm tôm là nhà kia ngửi thấy mùi liền. Dân Đức xây nhà rất kiên cố, dùng cho nhiều đời, các tầng hầm đổ bê tông dày bự, làm sao khoan đục dễ dàng để mở các lỗ, ngách, chạy đường ống dẫn, lấy trộm điện, nước, lỗ thông hơi này nọ cho việc trồng cỏ như bên Canada “nhà bằng gỗ, cạc tông”.
“Lại còn cái gì thế này? Đồng hồ đo điện nước để hết trong tầng hầm à? Vậy người của công ty điện nước đi đọc đồng hồ lại được phép bước chân hẳn vào nhà dân ở sao? Đức lạc hậu thế á? Thế này thì lộ hết. Thiếu tôn trọng riêng tư người khác quá”.
“Bên Canada văn minh hơn?”, tôi hỏi lại. “Chứ sao! họ không được vào nhà. Đồng hồ đo điện nước để bên ngoài hết, chẳng cần mình, họ cũng bấm máy đọc được”.
Hỏi đến thủ tục mua nhà, cách thức thanh toán tiền mua nhà, tôi lại nhớ tới hình ảnh người Việt ở một số nước như Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và cả Canada, tay sách cả cái cặp bự đựng tiền mặt đi mua nhà.
Bên Canada, người ta mua cả cái nhà to như biệt thự giá chỉ chừng trên dưới nửa triệu đô, trồng cần sa thu nhập thuận lợi chỉ một thời gian không lâu gỡ được tiền nhà và bắt đầu có lãi to.
Chả biết ở các nước đó, thời đó và đến bây giờ việc quản lý lưu thông tiền tệ như thế nào chứ ở Đức thì từ khi tôi tới (năm 1991) đến nay chẳng có chuyện đó, mua cái nhà, cái xe mới đẹp đẹp một chút là chả hiểu bằng cách nào đó, sở thuế Đức cũng biết liền.
Mua đồ xây dựng các trại trồng cần sa ở đâu đây? Đương nhiên phải ra các siêu thị, các cửa hàng chuyên của Đức chứ sao. Người Việt ở Đức đâu có các cửa hàng bán đồ chuyên giống như bên Mỹ, Canada. Mà nếu bây giờ mở ra để phục vụ cho các quý đồng hương trồng cỏ thì khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Cảnh sát Đức thính mũi như “Bẹc giê” ấy. Khiếp chết được.
Khỏi nói hai “chuyên gia trồng cỏ” từ Canada đã buồn bã, thất vọng như thế nào. Nhìn hai khuôn mặt “dài như hai cái bơm” của họ là tôi biết liền. Tôi an ủi họ bằng mọi lý lẽ đáng thuyết phục nhất, cài thêm tí mê tín, dị đoan vào rằng tôi không mê cái ngành này lắm vì ngại nghiệp chướng lắm. Tôi chỉ biết cắm cổ đi học thêm, tìm công việc gì nó êm đềm, ổn định làm đủ sống để yên vui với vợ con.
Chia tay hai “kỹ sư trồng cỏ” Canada năm xưa, tôi vẫn tin chắc rằng chẳng bao giờ nghề trồng cần sa sẽ tới Đức. Vậy mà như thế nào đó ít năm sau này, tin tức cảnh sát Đức phá vỡ nhóm nọ, băng đảng kia trồng thuốc phiện, trồng cần sa, chứa người sống bất hợp pháp xuất hiện trên mặt báo Đức.
Vụ việc rộ lên chút ít một thời gian ngắn rồi im ắng. Có vẻ như chính quyền Đức đã thành công khi muốn dẹp bỏ tệ nạn này. Trong giới người Việt, tôi nghe thấy rất ít và phần lớn người ta chỉ tay về phía các nước khác, đặc biệt là nước Anh mỗi khi nói về trồng cần sa. Tôi chưa có dịp tìm hiểu kỹ vì sao ở Anh lại có thể phát triển được “ngành nông nghiệp mũi nhọn” này như thế.
Tệ nạn buôn bán thuốc lá, bắn giết nhau của người Việt Nam ở Đức giữa những năm 90 thế kỷ trước, đã cho cả chính quyền Đức và người Việt nhiều bài học quý giá để chung sống với nhau. Người Việt ở Đức tuy còn nhiều vấn đề, nhưng cũng đã có nhiều chuyển biến.
Ở một đất nước có bảo hiểm xã hội tốt như Đức, sống, làm ăn lương thiện và đầu tư nhiều thời gian cho gia đình, con cái, cho sức khỏe của bản thân mình sau khi đã trải qua nhiều năm vất vả, đó là sự đầu tư đúng đắn và vững chắc nhất. Tôi đã và vẫn đang nghĩ vậy.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng hiện đang sống tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50288793

Hơn 2,300 người ở Nghệ An không chịu về nước

sau khi hết hạn hợp đồng lao động

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 4 tháng 11 năm 2019 loan tin, sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến ngày 31 tháng 7 năm 2019, toàn tỉnh Nghệ An có 2,357 người đang cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn. Tất cả những người này đều đi sang Nam Hàn bằng con đường xuất cảng lao động. Tuy nhiên, sau khi hết hợp đồng lao động họ đã không về lại Việt Nam theo quy định.
Số liệu thống kê của sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh này cho biết, tính đến nay, Nghệ An có gần 10,000 lượt người đi xuất cảng lao động sang Nam Hàn. Mỗi năm, kiều hối gửi về nước của người lao động khoảng hơn 109 triệu Mỹ kim. Trong đó, lương cơ bản của người lao động ở Nam Hàn sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì trung bình mỗi người sẽ còn khoảng 35 triệu đồng một tháng. Mức thu nhập này cao hơn gấp nhiều lần của người lao động trong nước. Vì vậy, nhiều người sau khi sang Nam Hàn làm thuê thì không muốn về lại nước.
Trước tình trạng trên, phía Nam Hàn đã đưa 9 huyện, thị xã của tỉnh Nghệ An có người bỏ trốn vào danh sách các địa phương bị dừng tuyển chọn lao động đi xuất cảng sang nước này. Bà Đặng Thị Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động của sở Lao động- Thương binh và xã hội cho biết, việc những người lao động bỏ trốn ở lại Nam Hàn đã ảnh hưởng đến quyền lợi của những người dân có nhu cầu đi xuất cảng lao động sang nước này, nhiều người đã học sinh ngữ xong nhưng không được đi. Còn phía tỉnh Nghệ An thì đề ra mục tiêu, đến năm 2023, Nghệ An sẽ đưa 9 địa phương trên ra khỏi danh sách bị tạm dừng nhận lao động của Nam Hàn, với mục đích để cho người dân được đi tha phương cầu thực nhiều hơn.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hon-2300-nguoi-o-nghe-an-khong-chiu-ve-nuoc-sau-khi-het-han-hop-dong-lao-dong/

Nạn Buôn Người VN, Sản Phẩm XHCN

Vi Anh
VOA ngày 30- 10- 2019 có một bài viết, dẫn nhập như sau “Vụ 39 thi thể được tìm thấy trong thùng lạnh của xe tải bên ngoài thủ đô London của Anh, trong đó nghi là có những di dân lậu từ Việt Nam, thu hút sự chú ý về vấn đề xuất khẩu lao động bất hợp pháp vốn biến hàng ngàn người từ những vùng quê nghèo khó trở thành nạn nhân của tình trạng đưa lậu người và buôn người.”
Thời sự và sự kiện cho thấy nạn buôn người không có trong thời Việt Nam Cộng Hoà. Thời Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tức thời CSVN, nạn buôn người xảy ra rất thường. Buôn người Miền Tây qua Miên, Thái Lan làm nô lệ tình dục. Buôn người Miền Trung  qua Pháp, Anh trong cần sa, qua các nước Đông Âu hậu CS làm lao công rẻ tiền.Nhà Nước buôn 500,000 người đi Trung Đông, TC, Đài Loan dưới chính sách ‘ xuất khẩu lao động’ của Đảng Nhà Nước CSVN. Có thể nói buôn người  ‘chui’, lậu hay chánh thức là sản phẩm của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Thế giới đã hơn một lần hội họp phân tích, khuyến cáo CSVN nhưng vô ích.
Nhớ hồi năm 2007 cách nay hơn 12 năm, khi gom góp tài liệu, làm dàn bài chi tiết về chủ đề này, người viết bài này cảm thấy tủi nhục, cắn răng chịu đựng, như có một luồn điện tủi nhục chạy rầng rầng trên mặt. Trời ơi, Nhân Loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ 3 và thế kỷ 21 rồi; thế mà nước nhà VN dưới chế độ CS Hà nội, đồng bào VN vẫn còn bị bán làm nô lệ tình dục và lao nô!
Đau đớn nhứt là tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em VN đi làm nô lệ tình dục ở Miên, ở Mã, ở Nam Hàn và Đài Loan. Phụ nữ và trẻ em bị gạt đi “bán trôn nuôi miệng” đại đa số lại là dân Miền Tây Nam Việt, vựa lúa của cả nước, 95% nguồn gạo xuất cảng do dân Mièn Tây dầm mưa dãi nắng làm ra dã biến VN trở thành nước xuất cảng gạo hạng nhì thế giới.
Thế mà phụ nữ  và trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục. Còn người lớn nam hay nữ bị lừa gạt đi “ xuất khẩu lao động”, mà đại đa số bị chủ nhân ông ngoại quốc đối xử tàn tệ  như  gia nô, nông nô, lao nô. CS Hà nội ký hiệp ước “ xuất cảng lao động”. Các dịch vụ tay chân của cán bộ đảng viên có thẩm quyền “ móc ngoặc” khai thác, lạm dụng, lừa gạt dân nghèo phải đóng tiền thế chơn, tiên lệ phí giấy tờ và trả tiền  hối lộ giấy tờ, có người phải bán nhà, cầm thế đất để chi đi “lao động xuất khẩu”. Thế nhưng khi ra ngoại quốc bị các chủ nhơn bóc lột, quịt lương, đánh đập, hãm hiếp, bắt nhốt khi đòi hỏi chủ phải thực hiện đúng họp đồng. Điển hình  như vụ chủ Đại Hàn ở Samoa hành hạ công nhân VN, đánh đàn bà lọt tròng con mắt, mà tùy viên lao động và tòa đại sứ CS Hà nội im lặng đáng sợ. Người Mỹ gốc Việt vì tình đồng bào phải quyên tiền góp sức giúp đỡ kiện tụng tên chủ nô. Những tháng năm tới,  tin cho biết, CS Hà nội tăng cường  kế hoạch  “xuất khẩu lao động”  gấp đôi, gấp ba  sang Trung Đông, Châu Mỹ la Tinh. Với tình hình đem con bỏ chợ của CS Hà nội,  thì những người nam nữ VN nghèo đi theo chương trình “xuất khẩu lao động” chỉ có cách bán thân mẹo dậu mà thôi.
Sau đây là những con số tự nó đã nói lên tệ trạng buôn nô lệ ở VN vô cùng thê thảm khiến người Việt không thể không tủi nhục cho dân tộc, không thể không đau khổ cho đồng bào mình đã bị một chế độ  cai trị coi người dân như cỏ rác. Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ từng báo cáo. Theo điều tra của nhiều  tổ chức ngoài chính phủ của nhiều nước cho biết tệ nạn buôn người ở VN bắt đầu từ những năm 80 và ngày càng trở nên trầm trọng. Chính Bộ Công an VNCS cũng phải thừa nhận, số nạn nhân năm 2006 tăng hơn năm  trước 70%. Con số chánh thức có khai báo với nhà nước là thế, chớ con số thực tế ắt phải cao hơn vì bị làm xấu, làm nhục, bị hiếp đáp quá đáng, cực chẳng đã người ta mới thưa kiện. Gần 12 triệu người rơi vào trường hợp này trên thế giới, trong đó  có hơn 200 ngàn người  phụ nữ và trẻ em  Việt chịu thảm cảnh làm nô lệ tình dục, làm gia nô bị đánh đập mỗi năm, nhiều nhứt ở Miên, nhì ở Đài Loan.
Phạm trường bung ra khắp những nước Đông Nam Á như Cambodia, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Miến Điện, Ma Cao đến một  số nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Cộng Hoà Czech, Ba Lan và đến  cả Bắc Mỹ là Hoa kỳ  và Canada nữa.
Tổ chức East Meet West trụ sở ở California, Hoa Kỳ, giám đốc John Anner nói,  “Tình trạng buôn hiện nay [ở VN]  là vấn đề rất lớn….. Có 3 tỉnh đang xảy ra chuyện buôn người nhiều nhất là Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, là những tỉnh nằm sát biên giới Cambodia. Những người phụ nữ trẻ này bị bán hay bị lừa sang Cambodia để làm công việc mải dâm. Họ không phải là những cô gái mải dâm. Họ bị bắt buộc phải tiếp khách, không được trả tiền”. Tổ chức Nghĩa vụ Quốc tế Hoa Kỳ USIM, giám đốc Aaron Cohen nói, “Từ mấy năm nay tôi nhiều lần đi Kampuchea và Việt Nam để tìm hiểu tệ nạn buôn trẻ em ở hai nước này. Càng đi nhiều tôi càng bực tức hơn khi phát hiện vẫn còn nhiều em gái nhỏ Việt Nam phải trải qua những kiếp đời kinh hoàng trong những nhà chứa, quán ba, quán karaoke, tiệm massage ở Seam Reap, Batambang, thậm chí ở thủ đô Phnom Penh nữa”.
Tệ nạn đổ lên đầu người Việt, nam nữ và trẻ em, bọn  tội phạm có tổ chức, hành động bằng lường gạt, đã biến thành kỹ nghệ hái ra tiền. Họ hứa hẹn việc làm tốt với mức lương cao, làm vợ hay làm con nuôi để dụ dỗ đem đi bán cho các động mãi dâm và để sau cùng bị đối xử tàn tệ như lao nô và nô lệ tình dục.  Bơ vơ xứ lạ quê người, biết nơi nào để trốn chạy. Trốn thì họ đánh, họ thưa cơ sở dịch vụ mai mối. Cơ sở này móc ngoặc với Lảnh sự quán CS Hà nội  hăm he đuổi về nước. Về nước tiền đâu mà trả số nợ đã vay để chạy chọt đi làm làm ở nước ngoài. Hậu quả khó tránh là bịnh HIV/AIDS và chôn cuộc đời trong đường dây điều hành kỹ nghệ buôn người, mải dâm.
Ai là người chịu trách nhiệm? Nhà cầm quyền CS Hà nội, chớ không ai vào đó cả. Như đã biết không có sự tiếp tay của những người trong guống máy công quyền, những cán bộ đảng viên CS tham nhũng thì các dịch vụ lừa đão không thể nào qua ba cửa ải, công an, ngoại giao, lao động. Việc kiểm soát người dân của CS Hà nội rất chặt. Quyền lực  của Đảng Nhà Nước rất lớn. Mà Đảng Nhà nước CS không kiểm soát tệ nạn buôn người thì ai làm. Họ cầm quyền làm cái gì.
Nhà cầm quyền CS đổ tội tệ nạn này do cái nghèo, cái dốt  mà ra. Mỹ viện trợ tiền cho nhà cầm quyền CS để “ giáo dục và dạy nghề” cho nạn nhân, nhưng hầu như chẳng kết quả gì đáng kể.  UNICEF của  Liên Hiệp Quốc, UNIAP của  tổ chức  vùng sông Mê Kông cũng giúp diệt trừ nạn buôn người. Riêng Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này có  đóng góp nhiều cho nhà cầm quyền CS Hà nội để bài trừ tệ nạn này. Nhưng kết quả không đáng kể.
Luật hình của CS Hà nội lý thuyết trị rất nặng  từ 2 đến 20 năm đối tội phạm buôn người, nhưng thực tế số vụ buôn người bị truy tố và xử trị chẳng được bao nhiêu. Ông Arron Cohen, giám đốc điều hành của Tổ chức Nghĩa vụ Quốc tế Hoa Kỳ, lúc bấy giờ nhận định “Tôi tự hỏi, tại sao chính phủ Việt Nam [CS] không tạo áp lực với Kampuchea về vấn đề đó?”
Người Mỹ gốc Việt mở hội nghị nhiều lần, đánh động lương tâm chánh quyền Mỹ. Bà Jackie Bông từng mời đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tư Pháp  Mỹ, các viên chức thẩm quyền của các hội đoàn chống buôn người đến Little Saigon hội thảo. Nhận định chung, ai cũng bất bình về tệ nạn buôn người ở VN, muốn nhà cầm quyền CS Hà nội phải có trách nhiệm giải quyết.  Vấn đề đặt ra là liệu nhà cầm quyền CS có giải quyết được hay không với nạn tham nhũng, lạm quyền của cán bộ đảng viên CS trong cái chế độ CS độc tài, đảng toàn diện tại VN./.(VA)
https://vietbao.com/a300497/nan-buon-nguoi-vn-san-pham-xhcn

Vụ 39 người chết:

Mệnh lệnh câm mồm cho báo chí Việt Nam

Nghinh Phong
Trong khi các gia đình Việt Nam có con chết trong container ở cảng Essex (Anh) đang rơi vào tuyệt vọng cùng cực vì người mất, nợ còn. Trong khi nước Anh, Việt Nam và thế giới xem đây là một cơ hội-tuy đau lòng để khuấy động lương tri con người và thắt chặt các chính sách an ninh, luật pháp để bảo đảm hạn chế những cái chết đau lòng như vậy đến mức thấp nhất có thể. Trong khi người dân phải được hiểu rõ hơn bao giờ hết những nguyên nhân chủ quan và khách quan đẩy các thanh niên làng quê chui vào xe đông lạnh, đánh cược mạng sống để phải đến được nước Anh. Và lẽ ra những con số trần trụi về mức sống, cơ hội nghề nghiệp, thu nhập… của mấy chục triệu người dân suốt 5 địa phương có số người di dân lớn nhất cả nước phải là một vấn đề quan trọng bậc nhất được bàn luận trong chương trình nghị sự của Quốc hội, đang diễn ra tại Hà Nội.
Thì ngày 3/11, cơ quan Tuyên giáo Việt Nam tiếp tục giáng xuống các cơ quan báo chí mệnh lệnh câm mồm. Nội dung cụ thể như sau:
“Hiện cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Anh làm rõ nghi vấn một số người Việt Nam mất tích có liên quan đến 39 người chết trong container ở Anh.
Để không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc và hoạt động xuất khẩu lao động, đề nghị các báo KHÔNG mở rộng thông tin khi chưa có thông tin mới từ cơ quan chức năng; KHÔNG đưa tin về nhân thân, hoàn cảnh của các gia đình có người thân nghi mất tích; hạn chế đề cập tình trạng xuất khẩu lao động, di cư bất hợp pháp tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong thời điểm hiện nay.”
Nhân thân và hoàn cảnh sống là yếu tố đầu tiên và chủ yếu nhất phải làm rõ để vẽ được bức tranh toàn cảnh về con số người Việt Nam di dân bất hợp pháp đến Anh xếp cao thứ 3…. Họ kiếm được bao nhiêu tiền, làm được nghề nghiệp gì khi ở Việt Nam, số tiền đó đảm bảo cho bao nhiêu phần trăm cuộc sống của họ? Trong một báo cáo của Ban chỉ đạo 138/CP, từ 2008 đến 2016, có tổng cộng 8.366 người Việt là nạn nhân của các vụ buôn người. Trong giai đoạn 2008 đến giữa 2013, học vấn, nghề nghiệp và tình trạng giàu nghèo của họ được thống kê trong bảng dưới đây (Nguồn: Ban chỉ đạo 138/CP, tức Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ Việt Nam).
Thấy rõ, họ hầu hết đều bế tắc hoặc nghèo khổ ở quê hương, nên mới liều mình.
Bà Mimi Vũ, người Mỹ gốc Việt, giám đốc vận động chính sách của tổ chức chống buôn người mang tên Pacific Links, nói trong một bài báo với báo điện tử trong nước Zing.vn rằng, các di dân Việt Nam bị cảnh sát Pháp tạm giam tại khu vực gần biên giới với Anh luôn luôn trả lời bà “Đi vì muốn đổi đời, vì muốn có tương lai tốt đẹp hơn”.
Với đất nước Anh, những di dân bất hợp pháp đến để (hầu hết là) trồng cần sa hoặc làm nail lậu trong những cơ sở của đồng hương, chính là nguồn đe dọa an ninh trật tự và luật pháp của họ. Nhưng những người Anh đã đối xử với những nạn nhân hết sức nhân văn. Cảnh sát treo cờ rủ và làm lễ tưởng niệm, xếp hàng đứng nghiêm cúi đầu khi chiếc xe chết chóc đi qua trên đường đến nơi điều tra. Ở một đất nước xa xôi, những người không cùng chủng tộc nhấn mạnh: những người tử nạn đều là nạn nhân.
Thế mà có những đồng bào của họ, vốn hiểu rõ hơn bất cứ người nước ngoài nào về cuộc sống của nhân dân mình, lại có thể dựa vào vị trí “tuyên truyền, giáo dục” để bắt báo chí câm mồm.
Với cái vị trí được dựng ra đó, đáng lẽ họ phải là tổ chức đầu tiên khuyến khích hệ thống báo chí, tổ chức xã hội dân sự và người dân cung cấp các manh mối của đường dây buôn người, làm rõ bức tranh toàn cảnh và vận động thay đổi chính sách. Đáng tiếc, não trạng nô lệ cho bộ máy cầm quyền đã biến họ thành những kẻ phi nhân.
Vì thế…
Câm mồm! Mệnh lệnh này phải được đáp trả lại đúng những kẻ đã ban ra nó.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/39-victims-died-in-container-state-media-not-allowed-to-report-further-11042019085104.html

Hội chứng “Đổ lỗi nạn nhân”

và những cái chết trong tâm hồn người Việt

Đinh Yên Thảo, Dallas, Texas
Thói thường, những gì xảy ra cho mình thì thường được đổ “tại, bị, do, bởi vì…” một điều gì đó. Nhưng nếu xảy ra cho người khác thì rõ ràng nó phải là lỗi của họ, vì họ sai, dốt, tham, gian… hay gì đó. Đó là một hội chứng tâm lý học, gọi là “đổ lỗi nạn nhân” khá phổ biến trong bất cứ nền văn hóa nào. Nhưng đáng buồn hơn khi sự nhẫn tâm đã lên ngôi đến độ người ta đổ lỗi, kết án với những nạn nhân đã chết. Và đó là câu chuyện những người chỉ trích, lên án các nạn nhân người Việt bị chết thảm tại Anh. Lẽ nào tâm cảm một dân tộc từng dạy nhau ”bầu ơi thương lấy bí cùng” đã xuống đến mức này?
Ngành ”Nạn Nhân Học” (Victimology) thuộc khoa Tâm Lý Học và Tội Phạm Học chuyên nghiên cứu về nạn nhân của tội ác nào đó cùng các ảnh hưởng tâm lý nạn nhân, về mối liên hệ giữa nạn nhân và kẻ tội phạm, sự tương tác giữa nạn nhân cùng hệ thống hình luật, thường đứng về phía nạn nhân và tìm cách giảm nhẹ những định kiến cùng nhận thức chống lại nạn nhân, xem họ là những người chịu trách nhiệm một phần hay toàn bộ những bi kịch nào đó đã xảy ra với họ.
Điều thông thường gặp ở phương Tây là những đổ lỗi cho nạn nhân liên quan đến các cuộc tấn công tình dục hay bị cưỡng hiếp, đại loại là do nạn nhân ăn bận khêu gợi, say rượu, lả lơi hay mời chào đã kích thích kẻ cưỡng hiếp phạm tội. Hoặc những vụ bạo hành gia đình là do nạn nhân đã làm điều gì sai quấy nên dẫn đến sự tấn công của người phối ngẫu. Đây là một dạng phản ứng tiêu cực của xã hội được các nhà tâm lý xã hội học nghiên cứu và tìm giải pháp khắc phục. Nó bị các nhóm dân quyền phản đối, cũng như hệ thống pháp lý không xem là yếu tố truy xét trách nhiệm của nạn nhân hay kẻ phạm tội.
Nhưng người Mỹ hay phương Tây dường như chỉ dừng lại việc đổ lỗi nạn nhân trong những vụ xách nhiễu tình dục như vậy. Họ không chỉ trích, kết án những nạn nhân, đặc biệt những nạn nhân các vụ bạo lực, chết người. Trong khi phân định rạch ròi, một kẻ cướp bị cảnh sát hạ thủ không phải là nạn nhân, họ thương cảm, chia sẻ với nạn nhân của tai nạn, của tội phạm, của thiên tai. Của những người di dân lậu chết ngay biên giới cho dù đang tìm cách đi vào quốc gia của họ bất hợp pháp.
Họ không xem một thanh niên lạc tay lái là đáng bị chết vì chạy xe nhanh, ẩu nên lạc tay lái. Họ không xem một cô bé vì vói tay selfie rớt xuống vực là ngu dại. Họ không xem người tị nạn tìm cách vượt biên lậu vào Mỹ và chết đuối bên sông là đáng đời. Mà họ ngậm ngùi, họ thắp nến, đặt hoa để tưởng niệm những người mất. Bởi cái tình người với nhau. Còn có người Việt trong chúng ta lại ‘dửng dưng’ với lời phán đến tàn nhẫn “đáng đời”.
Nhìn ảnh một số em trong số 39 nạn nhân Việt Nam bị chết tại Anh, ai chẳng ngậm ngùi. Các em còn quá trẻ, mặt mày tươi sáng, còn cả một cuộc đời trước mắt. Các em chẳng phải là tội phạm hay là những kẻ thủ ác đã ra tay phạm tội tày đình nào đó. Các em chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng triệu, triệu người di dân lậu khắp thế giới. Ly lạc vì chiến tranh, vì lý do chính trị, kinh tế, vì nạn buôn người. Hay đơn giản hơn, vì đi tìm một đời sống mà họ tin sẽ tốt đẹp hơn nơi họ ra đi. Vì lý do gì thì họ đáng thương hơn bị hắt hủi, bị giận dữ, bị kết án. Bất quá, họ đang phạm luật nhập cư bất hợp pháp để bị trục xuất, trả về nguyên quán nếu bị bắt.
Hồi tháng Năm năm nay, trong sứ điệp nhân Ngày Di Dân và Tị Nạn 2019, Đức Giáo Hoàng Francis đã mời gọi thế giới phục hồi lại những chiều kích cốt lõi của tình tha nhân. Ngài bảo khi quan tâm đến người di dân và tị nạn ở bất cứ dạng gì là chúng ta đang quan tâm đến chính mình, vượt lên sự nghi kỵ và sợ hãi để không biến thành kẻ thiếu bao dung, khép kín, thậm chí là sự kỳ thị.
Vậy thì lý do gì người ta lại thiếu sự cảm thông và lòng trắc ẩn với các em? Bên dưới nhiều bài viết được đăng tải về tai nạn thương tâm này là không ít những chỉ trích, lên án các em và gia đình bằng lời lẽ khá nặng nề. Cả sự giận dữ vô cớ. Để lời chỉ trích của mình thêm sức nặng, họ võ đoán rằng các em “giàu có”, sang Anh chỉ để trồng cần sa. Họ chỉ trích sang cả những người bày tỏ lòng thương cảm với các em. Không lẽ thủ tướng, cảnh sát cho đến người dân Anh khi cúi đầu, thắp nến và đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân xa lạ từ nửa vòng trái đất cũng là những người ”đạo đức giả”?  Hãy nhớ rằng 39 nạn nhân này cho dù có là quốc tịch nào chăng nữa cũng cần được thương cảm trong tình đồng loại, huống hồ cái tình đồng bào, chung dòng máu Việt.
Thái độ thờ ơ, vô cảm, bàng quan của không ít người Việt vẫn đang diễn ra và đã được nói đến nhiều. Nhưng khi sự nhẫn tâm đến độc ác lên ngôi, có lẽ chúng ta cần nhìn nhận lại cả một xã hội. Nó không chỉ đáng buồn mà còn đáng báo động. Bởi khi sự lạnh lùng, giận dữ bao trùm thì đó là mầm mống của bạo lực lên ngôi.
Một nhà văn nào đó đã viết đại loại rằng, “trơ trơ trước cái chết của người khác tức đang khóc cho cái chết của chính tâm hồn mình”. Khi càng nhiều những cái chết trong tâm hồn xuất hiện thì đó là điềm báo tử cho giá trị đạo đức của một dân tộc đã manh nha.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/victim-fault-vn-11042019110255.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.