Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 18/11/2019

Monday, November 18, 2019 7:05:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 18/11/2019

Kỷ luật hai viên chức công an có hành vi ngang ngược

 và 1 gian lận bằng cấp

Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết định xử lý kỷ luật đối với thượng úy Nguyễn Xô Việt liên quan đến hành vi hành hung 2 nhân viên của trạm dừng nghỉ Hải Đăng trên cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên xảy ra vào ngày 10/11 vừa qua.
Thông tin trên được lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên cho truyền thông trong nước biết vào ngày 18/11.
Theo đó, Công an Thái Nguyên đã hạ 1 cấp bậc hàm của ông Nguyễn Xô Việt từ Thượng úy xuống trung úy, đồng thời loại khỏi ngành, cho ông này xuất ngũ về địa phương từ ngày 19/11.
Ông Nguyễn Xô Việt, 35 tuổi là cán bộ Đội tổng hợp Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Liên quan đến vụ xử lý kỷ luật các công an gây rối, hành hung người khác, sáng 18/11 thiếu tướng Đào Thanh Hải, phó giám đốc Công an Hà Nội cũng đã ký quyết định xuất ngũ đối với trung úy Lê Thị Hiền, cán bộ đội cảnh sát giao thông, trật tự, phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa vì người này đã gây mất trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 11/8/2019.
Trước đó, Giám đốc công an Hà Nội cho biết nữ đại úy Lê Thị Hiền đã bị khai trừ Đảng.
Hành vi của Nguyễn Xô Việt và Lê Thị Hiền được cho là vi phạm về quy tắc ứng xử của lực lượng Công an nhân dân; gây hậu quả nghiêm trọng; làm mất uy tín của bản thân, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ chiến sĩ và nhân dân.
Cũng tin liên quan xảy ra trong ngày 18/11, đại tá Bùi Xuân Phong, Phó giám đốc công an tỉnh Lai Châu cho biết, ngày 13/11 Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định kỷ luật thượng tá Thái Đình Hoài, trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân vì đã sử dụng bằng trung học phổ thông giả. Công an tỉnh Lai Châu đang hoàn thiện thủ tục về công tác Đảng để trình cơ quan thẩm quyền xem xét.
Ông Thái Đình Hoài, sinh năm 1976, quê Nghệ An bị phát hiện sử dụng bằng THPT giả để vào ngành công an. Năm 2015, ông được bổ nhiệm làm trưởng phòng PC03. Trước khi bị phát hiện dùng văn bằng giả, ông Hoài đã được quy hoạch chức Phó giám đốc công an tỉnh Lai Châu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/punishment-to-officers-with-bad-behavior-and-fraud-11182019074254.html

Tòa án Lạng Sơn xét xử vụ buôn bán hơn 100kg ma túy

Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lạng Sơn, vào ngày 18 tháng 11 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Triệu Ký Voòng cùng 3 đồng phạm về tội mua bán chất ma túy trái phép.
Theo tin truyền thông Nhà nước Việt Nam thì 3 đồng phạm cùng ra tòa với trùm ma túy Triệu Ký Voòng trong ngày 18 tháng 11 bao gồm Phạm Xuân Lân (nguyên cán bộ kiểm lâm tỉnh Sơn La), Sồng A Sang và Liễu Văn Cây.
Theo cáo trạng, Công an tỉnh Lạng Sơn hồi ngày 15/06/18 đã phát hiện ra đường dây mua bán ma túy của 4 bị cáo khi đang vận chuyển 20 bánh heroin bằng xe ô tô. Sau khi bị bắt giữ, các bị cáo còn khai nhận đã mua bán hơn 103 kg heroin.
Bị cáo Triệu Ký Voòng được nói là trong những năm vừa qua được biết đến là một đại gia giàu có, chủ sở hữu nhiều bất động sản và chuỗi nhà hàng, khách sạn ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết Triệu Ký Voòng là người cầm đầu đường dây mua bán ma túy từ Sơn La về Lạng Sơn và bán qua Trung Quốc nên đã lập chuyên án để phá tổ chức mua bán chất ma túy trái phép này.
Báo giới dẫn nguồn từ TAND tỉnh Lạng Sơn cho biết Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát lệnh truy nã toàn quốc 1 đồng phạm khác trong vụ án là đối tượng Sồng A Sỉ. Đồng thời, phiên tòa được dự kiến sẽ tuyên án 4 bị cáo vào ngày mai, 19/11.
Cũng tin liên quan đến mua bán chất ma túy trái phép, báo giới dẫn nguồn từ Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết vào ngày 8 tháng 11 đã triệt phá được đường dây ma túy lớn ở tỉnh này, thu giữ gần 2,1 kg và 298 viên thuốc lắc cùng một số hung khí và vũ khí trong xe ô tô 7 chỗ.
Công an tỉnh Lâm Đồng còn cho biết người cầm đầu đường dây mua bán ma túy lớn nhất tỉnh này tên là Ngô Trường Dũng (sinh năm 1980), từng có tiền án 9 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và mới vừa mãn án tù.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trial-against-the-drug-leader-trieu-ky-voong-plans-to-take-place-in-2days-11182019082107.html

Vụ 39 nạn nhân:

Tiếng nói ‘đồng hương Nghệ Tĩnh’ xa quê

Một số lao động trẻ đang làm việc hợp đồng tại miền trung Nhật Bản cùng quê với nhiều nạn nhân trong số 39 người thiệt mạng trong vụ xe tải ở Anh nói với BBC News tiếng Việt về cảm giác đau xót.
“Họ không phải là người anh em bạn bè của tôi nhưng mà cũng là cùng quê hương của mình, đi nước ngoài để làm ăn.
“Do số phận không được may mắn nên đã bị vậy thì mình cũng rất buồn và đau xót cho các bạn và người nhà của các bạn,” Dương Văn Thanh, 25 tuổi, từ Hà Tĩnh nói.
Trong khi đó Lê Đình Tạo nói về cảm xúc đầu tiên khi nghe tin tất cả các nạn nhân là người Việt.
“Là người cùng hoàn cảnh những người con xa quê thì tôi rất đau xót và chia buồn cùng gia đình.
“Trong khi tôi đồng cảm với hoàn cảnh của những gia đình khó khăn đấy thì cũng không thể không nói tới trên mạng xã hội có một số ý kiến trái chiều,” thanh niên 22 tuổi, cũng từ Hà Tĩnh này nói. “Cá nhân tôi thấy các ý kiến này là không nên”.
Không may mắn
Quan điểm này cũng được một người từ Nghệ An hiện đang lao động tại Nhật Bản chia sẻ.
“Trong các bình luận [trên mạng xã hội] thì cũng có người thương tiếc nhưng cũng có một số người nói như là đi chui này nọ. Người ta cũng vì cuộc sống, người ta cũng như mình vậy, đôi khi mình không may mắn mình bị như người ta thì sao.
“Mình không được bình luận những câu làm cho xấu đi vì đằng nào người ta cũng mất rồi. Vậy thì chỉ cầu mong người ta được siêu thoát.
“Mình không được nói xấu một người đã mất. Đối với tôi thì tôi không bao giờ có ý định nói xấu gì về ai mà người ta đã mất,” Hoàng Trung Thông, 27 tuổi nói với BBC News Tiếng Việt.
39 nạn nhân: Nhìn lại vụ 58 người Trung Quốc ‘ngạt thở’ năm 2000
Mua bán người – Đừng đánh cược tương lai
Vụ 39 người chết: Nhiều người Việt tỏ ra ‘lạnh lùng’
Nghị sĩ Anh: Vụ 39 người chết là ‘hồi chuông thức tỉnh’
Vào ngày 8/11, website Bộ Công an Việt Nam và website cảnh sát hạt Essex của Anh chính thức công bố danh tính 39 nạn nhân trong xe tải ở Anh hôm 23/10.
Trong danh sách này, 21 người đến từ Nghệ An, 10 đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Phòng có 3 người, Hải Dương 1 và Thừa Thiên Huế 1.
Tin cho hay toàn bộ 39 nạn nhân thì người trẻ nhất 15 tuổi và cao tuổi nhất là 44 tuổi.
Hôm 8/11, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được báo Thanh Niên dẫn lời nói bên lề họp Quốc hội rằng “Các cơ quan liên quan của Việt Nam và Anh đang bàn kế hoạch để đưa thi hài các nạn nhân xấu số về nước. Vì đang bàn nên chưa thể xác định được ngày”.
Thứ trưởng Sơn khi đó nói “không tiết lộ phương tiện cũng như nguồn kinh phí” để đưa các nạn nhân về với lý do mọi việc vẫn đang trong giai đoạn bàn thảo và rằng “Chúng tôi sẽ công bố trong thời gian tới”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50456811

Sản phẩm, ấn phẩm có đường lưỡi bò

sẽ không được thông quan vào Việt Nam

Các lô hàng nhập khẩu bị Hải quan phát hiện có hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam sẽ bị dừng thông quan và bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đó là nội dung công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan gửi cho cục hải quan các tỉnh, thành phố, sau khi hàng loạt những sản phẩm, ấn phẩm có hình lưỡi bò vào Việt Nam bị phát hiện.
Tổng cục Hải quan yêu cầu cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải đặc biệt lưu ý tới các vi phạm nêu trên trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa. Nếu phát hiện thì tạm dừng thông quan, niêm phong hải quan, lập biên bản chứng nhận và báo cáo Tổng cục Hải quan để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng đối với mặt hàng ô tô, điện thoại di động nhập khẩu từ Trung Quốc, công chức kiểm hóa phải lựa chọn xác suất để kiểm tra nội dung hiển thị trên các màn hình.
Trong hơn 1 tháng qua, liên tiếp 5 sự kiện xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc tràn vào Việt Nam bị phát hiện, mà lẽ ra nó phải được ngăn chặn từ bên kia biên giới hoặc ít ra được phát hiện từ khâu kiểm duyệt tại Việt Nam.
Một số vụ việc gây xôn xao công luận gồm bộ phim hoạt hình Everest – Người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable); Ấn phẩm quảng bá du lịch Trung Quốc có hình “đường lưỡi bò” ở Hội chợ quốc tế du lịch diễn ra tại TP.HCM vào tháng 9 năm 2019; Ấn phẩm giới thiệu du lịch có hình ảnh bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc của Dịch vụ lữ hành Saigontourist; Các xe hơi Zotye, BAIC… do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam với phần mềm định vị có bản đồ với “đường lưỡi bò”; Vụ bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc xuất hiện trong giáo trình trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần hết Biển Đông với “đường lưỡi bò” phi pháp, trong khi đó Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ với Trung Quốc theo phương châm “16 chữ vàng”, “4 tốt”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/products-publications-with-a-u-lines-will-not-enter-vn-11182019072457.html

Người dân bị bắt đóng tiền san lấp mặt bằng

xây trụ sở xã

Tin Vietnam.- Báo Pháp luật ngày 16 tháng 11 năm 2019 loan tin, để xây trụ xã Uỷ ban mới, từ năm 2016 đến nay, nhà cầm quyền xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá đã ra nghị quyết bắt toàn bộ người dân trong xã phải nộp gần 600 triệu đồng để họ san lấp nền đất.
Cụ thể, mỗi gia đình phải đóng số tiền 450,000 đồng cho nhà cầm quyền, kể cả những gia đình được xếp vào danh sách nghèo. Người dân rất bất ngờ về việc thu tiền của nhà cầm quyền xã vì họ không được họp bàn. Bà Lê Thị Nga cho biết, năm nào gia đình nhà chị cũng nhận được thông báo về khoản tiền san lấp nền của Uỷ ban xã, nhưng do gia đình chị nghèo nên phải khất nợ. Ông Lê Văn Dũng, Trưởng thôn Chiền Khạt cho biết, cả thôn có 234 gia đình, trong đó có 10% các gia đình được xếp vào dạng nghèo. Từ năm 2016 đến nay, đã có một nửa số gia đình đóng đủ 450,000 đồng và tổng tiền thu là 70 triệu đồng. Số còn lại là các gia đình chưa nộp do họ thu nhập chủ yếu bằng nghề làm nông, cuộc
sống của họ khó khăn trăm bề. Bản thân ông Dũng cũng thấy việc bắt dân đóng tiền để san lấp nền trụ sở mà không có ý kiến của người dân là vô lý. Nhưng họ cũng đành phải nghe theo vì đây là nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.
Ông Lê Minh Phương, Chủ tịch Uỷ ban xã Đồng Lương lại nói rằng việc thu trên có biên bản họp và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, 3 năm qua số tiền xã thu được chưa đầy 100 triệu đồng. Người dân đã phản bác thông tin của ông Phương, vì thông tin họ biết được chỉ trong năm 2016, xã đã thu được số tiền gần 110 triệu đồng chứ chưa nói những năm sau.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-bi-bat-dong-tien-san-lap-mat-bang-xay-tru-so-xa/

Kỹ sư ở Silicon Valley gửi thư ngỏ

về ‘lạm thu’ ở một số sứ quán VN

Một kỹ sư Việt sống và làm việc ở Silicon Valley, hơn 10 năm tuần trước gửi một bức thư ngỏ cho chính phủ Việt Nam về tình trạng lạm thu phí và thiếu minh bạch tại một số sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài.
Trong bức thư gửi ngày 12/11, kỹ sư phần mềm Dương Ngọc Thái nói về những ‘bức xúc và uất ức’ của người Việt ở hải ngoại trước cái mà ông cho là tham nhũng và sách nhiễu người dân ở một số sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam.
Gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, kỹ sư Thái cũng đưa ra ba giải pháp cho chính phủ mà theo ông là cần làm trước tiên.
Vụ 39 nạn nhân: Tiếng nói từ ‘người đồng hương’
Việt Nam: Nghị trường bộc lộ năng lực quan chức
Kỹ sư Thái cũng nhắc đến Báo cáo Minh bạch Sứ quán 2019 mà nhóm của ông thực hiện, và đăng trong bức thư một tấm nhiệt đồ, trong đó các sứ quán/lãnh sự quán Việt Nam trên thế giới được tô màu từ hồng đến đỏ, với màu càng đậm chỉ mức lạm thu càng cao.
BBC đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam về bức thư ngỏ này, nhưng đến 18/11 chưa nhận được phản hồi.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn với Kỹ sư Dương Ngọc Thái được BBC thực hiện ngày 14/11.
BBC: Xin kỹ sư cho biết vì sao anh lại viết bức thư ngỏ này?
KS Dương Ngọc Thái: Tôi sống ở khu vực San Francisco cũng được gần 10 năm. Các anh chị em ở đây đa phần là du học sinh. Chúng tôi có công ăn việc làm ở đây, định cư ở đây. Mọi người cũng thường xuyên có các mối quan hệ và các chuyến về Việt Nam, phải làm giấy tờ thủ tục như hộ chiếu, giấy miễn thị thực hay giấy khai sinh cho mấy đứa con nít.
Từ năm 2012, bắt đầu trên nhóm của tôi mọi người có thảo luận về cái chuyện này làm giấy tờ này. Mỗi lần làm giấy tờ, mọi người lại nói thứ nhất là giá cả không có rõ ràng, mỗi lần gọi điện thoại lên lãnh sự quán là một cái giá khác nhau. Giá làm giấy tờ mà nó giống như giá thị trường chứng khoán vậy, lên xuống bất chợt theo cảm xúc của nhân viên lãnh sự.
Thứ hai, đa số mọi người nói nếu cái chi phí làm hộ chiếu, ví dụ 70 USD, mà là thấp quá thì nhà nước nhà nước có thể tăng lên miễn sao là làm cho nó hợp lý đàng hoàng và cái thái độ phải rõ ràng minh bạch.
Giá làm giấy tờ mà nó giống như giá thị trường chứng khoán vậy, lên xuống bất chợt theo cảm xúc của nhân viên lãnh sự.Dương Ngọc Thái, Kỹ sư phần mềm
Cái chính vẫn là mọi thứ vẫn mù mờ và mỗi lần làm giấy tờ là mỗi lần hồi hộp lo âu. Nộp hồ sơ đi không biết là nó sẽ như thế nào rồi nhận được điện thoại của họ là mình phải chuẩn bị tâm thế là phải đối phó với họ.
Mình đến bao nhiêu sứ quán, lãnh sự quán của các nước không gặp vấn đề gì hết, nhưng cứ đến [sứ quán/lãnh sự quán] Việt Nam là gặp vấn đề.
Sau đó tôi mới tìm hiểu thì thấy việc này đã diễn ra rất là lâu rồi. Nhiều người có tâm huyết đã có kiến nghị nhưng mãi bao lâu vẫn không giải quyết được.
Nên tôi thấy nếu mình phụ giúp cho mọi người được một tay thì mình làm. Đó là lý do tôi làm dự án Tôi và Sứ quán và tôi viết cái thư ngỏ.
BBC: Thường những người nào gặp khó khăn hay có bức xúc thì mới hay lên các diễn đàn để lên tiếng. Còn những người có những trải nghiệm tốt hay không gặp vấn đề gì thì họ lại không lên tiếng. Vậy nếu như anh làm một báo cáo, như Báo cáo Minh bạch Sứ quán 2019, mà chỉ dựa trên ý kiến của những người này như vậy thì có công bằng không?
KS Dương Ngọc Thái: Đó cũng là chỗ mà tôi rất chú ý tới khi làm cái báo cáo. Báo cáo Minh bạch Sứ quán hiện giờ tập trung vào chuyện than phiền của người dân. Đúng như chị nói là chỉ có những người muốn than phiền thì họ mới viết bài gửi than phiền. Còn những người có thể là họ không có than phiền thì họ sẽ không nói gì hết.
Đó là lý do mà tôi không có đưa ra kết luận gì về chuyện là trên phạm vi toàn thế giới này có bao nhiêu người than phiền vì cái dữ liệu của mình là nó không có được rõ ràng.
Sau khi tôi đưa báo cáo lên thì tôi mới nhận được một cái bảng ghi cứu rất là bài bản mà khoa học của nhóm Tôi và sứ quán. Năm 2016 họ làm một khảo sát ngẫu nhiên cho khoảng 1000 người trong đó họ đánh giá tất cả toàn diện tất cả các vấn đề liên quan đến Sứ quán. Không chỉ là chuyện lạm thu mà cả thời gian phục vụ, thái độ phục vụ, tất cả các vấn đề. Đó là một cái báo cáo rất là khoa học, rất là bài bản. Khi tôi đọc thì tôi thấy thứ nhất họ không bị vấn đề này vì cách họ thu thập dữ liệu là đúng với lại cách làm khảo sát, có nghĩa là mình thu thập dữ liệu ngẫu nhiên và dữ liệu không có định kiến trong đó.
Kết luận đầu tiên của họ cho thấy là 75% số người thực hiện khảo sát này nói họ bị lạm thu, và số tiền lạm thu trung bình là 60 đô la Mỹ. Tôi rất là ngạc nhiên vì trong báo cáo của tôi, khi tôi tính số tiền lạm thu dựa trên phản hồi của người dân trên Tôi và Sứ quán trên tổng số người than phiền thì tôi cũng ra được con số 60 đô la Mỹ này.
Có thể đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng nó cho thấy cái dữ liệu mình thấy cũng tượng trưng được chuyện lạm thu ở sứ quán.
Dĩ nhiên hiện giờ số lượng những người làm việc trên sứ quán có than phiền so với những người cảm thấy vui vẻ, không có vấn đề gì hết là con số gì mà mình không biết được. Thì sắp tới kế hoạch của tôi là sẽ làm lại một khảo sát dựa trên phương pháp mà bên Tôi và Sứ quán đã định ra từ 2016. Lúc đó mình sẽ có một cái nhìn chính xác và khoa học về vấn đề này.
BBC:Anh đã nhận được phản hồinào cho bức thư ngỏ của mình chưa?
KS Dương Ngọc Thái: Cho tới giờ thì tôi chưa nhận được phản hồi nào. Một vài người trong dự án của tôi cũng có mặt ở Quốc hội thì họ có nói là họ có gặp và trao đổi bên lề Quốc hội với Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Ông Phạm Bình Minh nói rằng ông sẽ xem, nhưng mà ông cũng nói là trên trang Tôi và Sứ quán có rất nhiều thông tin không chính xác. Đó là cái phản hồi duy nhất mà tôi nhận được cho đến thời điểm này.
BBC:Nếu những điều anh nói trong thư ngỏ, như lạm thu hay thái độ phục vụ không tốt của nhân viên sứ quán/lãnh sự quán, là có thật thì theo anh chính phủ Việt Nam nên làm gì để khắc phục?
KS Dương Ngọc Thái: Thực ra trong thư tôi cũng có đến những vấn đề mà chính phủ nên làm ngay. Thứ nhất là chuyện phải có hóa đơn rõ ràng. Nếu mà chị coi cái báo cáo của tôi thì có một phần nữa là tôi có một cái triển lãm mấy cái biên lai mà sứ quán cung cấp cho người dân. Đó là cái làm tăng tính minh bạch của chính phủ về thủ tục cho sứ quán. Nếu mình làm đàng hoàng tại sao mình không cấp biên lai đàng hoàng?
Nếu chính phủ không tin vào bản báo cáo [của tôi] thì chính phủ có thể tạo ra một cách để mình kiểm tra lẫn nhau bằng cách yêu cầu sứ quán phải cung cấp biên lai rõ ràng. Mà thực ra trong luật đã có Thông tư 264 của Bộ tài chính quy định về phí và lệ phí lãnh sự, trong đó có ghi rất rõ là lãnh sự phải cung cấp biên lai và có sẵn mẫu biên lai luôn.
Chuyện thứ hai là cung cấp cái bảng phí bảng lệ phí và phí trên website của các sứ quán. Trong báo cáo của tôi có một phần là phần đánh giá xếp hạng các sứ quán. Cái chuyện này là chuyện rất dễ kiểm tra.
Hiện giờ là trong báo cáo của tôi cho thấy đây là đa số sứ quán không có bảng phí phí và lệ phí. Thậm chí là có rất nhiều sứ quán website đàng hoàng cập nhật liên tục đầy đủ thủ tục chỉ thiếu mỗi phần phí và lệ phí, mặc dù các website này có cấu trúc giống hệt nhau. Tại sao chính phủ không kiểm tra chuyện này? Bây giờ đã có một cái đánh giá như vậy nhìn vô đánh giá là biết ngay là chỗ nào làm đàng hoàng chỗ nào làm không đàng hoàng.
Cái thứ ba mà tôi yêu cầu là khi nhân viên làm việc với người dân hay khách đến sứ quán thì phải có bảng tên và chức vụ và phải xưng tên và chức vụ để người ta biết mình đang làm việc với ai. Tại vì bây
giờ chính phủ nói lạm thu là chuyện của cá nhân sứ quán họ làm sai. Vậy thì phải biết tên và chức vụ thì mới biết là ai làm sai.
Họ đóng dấu ký tên mà chữ ký còn thua chữ ký bác sỹ nữa nên mình không biết mình làm việc với ai.
Ba yêu cầu này rất là đơn giản, mình không có yêu cầu muốn kết tội buộc tội ai hết.
BBC: Được biết anh đã nhiều lần viết thư ngỏ gửi Chính phủ Việt Nam về các vấn đề khác nhau. Chẳng hạn năm ngoái anh có viết thư ngỏ về Luật An ninh mạng. Vậy anh có kỳ vọng gì về phản ứng của chính phủ sau khi có bức thư ngỏ của anh lần này?
KS Dương Ngọc Thái: Thực ra cái kỳ vọng lớn nhất của tôi, như tôi vừa nói, là chính phủ đặt ra những kiểm soát để người dân có thể thay cho chính phủ kiểm soát những đơn vị này. Tại vì có thể họ ở xa, chính phủ có thể không có điều kiện, không có công cụ để mà giám sát họ.
Về kỳ vọng lâu dài thì thực ra cái chính của tôi vẫn là kỳ vọng vào người dân nhiều hơn là chính phủ. Mục tiêu chính của nhóm của tôi vẫn là muốn cung cấp thông tin về thủ tục lãnh sự, thông tin về lệ phí, về cách làm.
Tức là làm sao cho nó dễ hiểu – người ta vô là biết ngay mình muốn làm giấy tờ này thì phải làm sao. Khi mình đã có những thông tin đó rồi mình muốn mọi người sẽ thực thi những cách làm đó mà không có cố gắng mà làm trái luật. Tại vì khi một người làm trái luật thì sẽ tạo ra cái thói quen xấu cho sứ quán.
Tôi nghĩ về lâu dài, mục tiêu chính vẫn của dự án vẫn là tập trung cung cấp thông tin để làm sao cho mọi người biết là chẳng hạn, tôi muốn làm hộ chiếu thì tôi phải làm như vầy và tôi chỉ cần đóng chừng này tiền thôi. Và nếu mà sứ quán họ làm không đúng như vậy thì tôi có nơi để khiếu kiện, báo cáo và phản hồi.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50459921

Ít học sinh Sài Gòn chọn nhân vật lịch sử Việt Nam

trong ngày hội hoá thân

Tin từ Sài Gòn: Không có nhiều học sinh phổ thông trung học ở quận 3 (Sài Gòn) chọn nhân vật lịch sử của Việt Nam trong bài thi của mình trong sự kiện Cosplay History Festival (Ngày hội hóa thân thành các nhân vật lịch sử) tổ chức vào sáng 16/11 tại trường Lê Quý Đôn.
Chỉ có 19 trong tổng số 45 tiết mục được các học sinh trình diễn là sự hoá trang nhân vật lịch sử Việt Nam như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Lương Thế Vinh, Bùi Thị Xuân, Triệu Thị Trinh, Thái Hậu Dương Vân Nga, Huyền Trân Công Chúa…
Đa số học sinh còn lại chọn nhân vật của lịch sử thế giới để hóa thân như Abraham Lincoln, Alan Turing, Cleopatra, Marie Antoinette, và Elizabeth I. Rất nhiều nhân vật thuộc lịch sử Trung Hoa như Đát Kỷ, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân, và Võ Tắc Thiên… được học sinh sử dụng.
Một học sinh nói với báo Tuổi Trẻ rằng họ có ít tư liệu tham khảo về nhân vật lịch sử Việt Nam để thực hiện bài tập.
Một giám khảo giải thích về hiện tượng trên là trong khi phim ảnh và sách báo về nhiều nhân vật lịch sử thế giới dồi dào, thì chương trình giáo dục lịch sử của Việt Nam chưa chú trọng vào các nhân vật lịch sử mà tập trungvào các sự kiện. Thêm nữa, kênh phim ảnh để tuyên truyền về các nhân vật lịch sử Việt Nam không nhiều và ít hấp dẫn.
Chế độ cộng sản Việt Nam thường gắn tuyên truyền vào các môn học xã hội, đặc biệt là lịch sử. Nhiều nhân vật được tuyên giáo ngụy tạo như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé hoặc Nguyễn Văn Trỗi, làm học sinh không thích môn sử nước nhà. Hà Nội cũng tích cực cổ suý văn hoá Trung Hoa bằng cách phát tán rất nhiều phim ảnh và sách của Trung Cộng, khiến nhiều người dân thuộc làu sử Tàu mà mù tịt sử nước mình.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/it-hoc-sinh-sai-gon-chon-nhan-vat-lich-su-viet-nam-trong-ngay-hoi-hoa-than/

Tiềm lực của Việt Nam

để chống Trung Quốc ở Biển Đông

Thu Hằng
Biển Đông là một trong những trọng tâm thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra ngày 18/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Trước những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, khác với thái độ của một số nước ASEAN có tranh chấp.
Tránh và không thể đối đầu trực diện với Trung Quốc, Việt Nam «kiên quyết» nhưng «khôn khéo» trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Theo một số chuyên gia, Hà Nội đang khéo léo mở ba mặt trận chống Trung Quốc : tăng cường khả năng quân sự, đấu tranh về mặt ngoại giao và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Để đối phó với những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã chi 5,1 tỉ đô la cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2019, trong đó 32,5% dành cho việc mua trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Việt Nam dự kiến tăng hàng năm khoảng 9,43% trong giai đoạn 2020-2024, để đạt đến 7,9 tỉ đô la vào năm 2024. Tuy nhiên, tương quan lực lượng rõ ràng thiên về Trung Quốc, với ngân sách quốc phòng lên đến 228 tỉ đô la.
Ngoài ra, số quân nhân giữa hai nước cũng chênh lệch : Việt Nam có khoảng 482.000 quân nhân thường trực, trong khi Trung Quốc có gần 2,3 triệu quân. Nhiều dự liệu khác cũng cho thấy sự chênh lệnh : Việt Nam có 2.575 xe tăng so với 13.050 xe của Trung Quốc ; 6 tầu ngầm so với 76 ; 64 tầu chiến các loại so với 714 tầu, trong đó Việt Nam không có tầu sân bay, tầu khu trục.
Vậy Việt Nam có chiến lược gì để có thể kiềm chế nước láng giềng khổng lồ, đặc biệt là ở Biển Đông ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon)
PV. Laurent Gédéon17/11/2019Nghe
RFI : Xét về thực lực quân sự, Việt Nam không thể đối đầu trực diện với quân đội Trung Quốc. Vậy Việt Nam có thể làm được gì để hạn chế Trung Quốc tung hoành ?
Laurent Gédéon : Trước tiên cần đặt câu hỏi là nếu trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai bên, thì sẽ là ở đâu ? Việc Việt Nam có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc khiến người ta có thể hình dung đến khả năng xảy ra xung đột trên bộ. Nhưng trên thực tế, giả sử xảy ra xung đột, thì có lẽ sẽ diễn ra trên biển và có nhiều khả năng là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nếu như căn cứ vào thực tế cuộc xung đột trên biển hiện nay, không chỉ ở Biển Đông nói chung, mà kể cả trong vùng biển của Việt Nam, và trong giả thuyết này, lực lượng hải quân Việt Nam sẽ giữ thế phòng thủ, chủ yếu chống lại hành động của quân đội Trung Quốc và sẽ tiến hành những hành động có chủ đích giúp họ giữ được lợi thế kỹ thuật, bất chấp bối cảnh bất cân xứng với đối thủ.
Chính vì thế, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã mua nhiều trang thiết bị quân sự để cân bằng phương tiện. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua nhiều lĩnh vực, như việc mua 6 tầu ngầm, dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng giúp Hà Nội tăng khả năng răn đe so với lực lượng của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai nhiều phương tiện theo dõi quan trọng, trong đó có thiết bị bay không người lái, hệ thống radar thế hệ mới, các lực lượng tại chỗ và máy bay.
Quân đội Việt Nam có một bước phát triển hướng ngoại, thông qua chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial, A2/AD), một khái niệm chưa có trước đó ở Việt Nam. Chiến lược này nhằm bảo vệ những hòn đảo mà Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và dọc bờ biển Việt Nam. Chiến lược này cũng góp phần vào việc tăng khả năng phòng thủ của Việt Nam, thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mà Hà Nội trang bị nhiều trong những năm gần đây.
Theo tôi, trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp với quân đội Trung Quốc, Việt Nam sẽ không giành được chiến thắng về mặt quân sự, dù quân đội Việt Nam có nhiều chiến lược. Nhưng Việt Nam có thể sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc và sẽ khiến một cuộc tấn công của Trung Quốc trở nên kém hiệu quả hơn.
RFI : Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác quân sự với nước ngoài, liệu chiến lược này có nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi không ?
Laurent Gédéon : Điều đáng lưu ý là Việt Nam thực hiện chiến lược ngoại giao vận động hành lang từ nhiều năm nay. Và rõ ràng là Hà Nội nhận thấy sự phát triển những mối quan hệ này như một yếu tố cân bằng, một cách bù vào mức độ chênh lệch với Trung Quốc.
Hà Nội tìm cách phát triển quan hệ, chí ít là về mặt quân sự, với nhiều đối tác như đối tác chiến lược với Nhật Bản. Một ví dụ khác là mối quan hệ với Hoa Kỳ đã được tăng cường hơn rất nhiều. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào những điểm tương đồng về lợi ích giữa hai nước, khi mà cả hai đều lo ngại về ý đồ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Rõ ràng phía Mỹ sẽ tiếp tục và tăng cường sự năng động này trong tương lai, song song với việc số lượng trang thiết bị quân sự của Mỹ cung cấp cho Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ năm 2016. Từ đó, Hà Nội đã mua nhiều máy bay không người lái, tầu tuần duyên và nhiều trang thiết bị khác. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước khác, như Úc, Ấn Độ, cũng như nhiều nước châu Âu.
Về câu hỏi : Chiến lược này có phải là con dao hai lưỡi hay không ? Trong mọi trường hợp, đây là chiến lược cần được tiến hành một cách thận trọng bởi vì mục đích của Hà Nội là tăng cường khả năng quân sự nhưng không để bị phụ thuộc vào một hoặc nhiều đối tác. Ngoài ra, chiến lược này cũng không nên để Trung Quốc diễn giải như là một mối đe dọa. Vì vậy, Việt Nam tìm cách phát triển khả năng phòng thủ và điều chỉnh các tuyên bố trong giới hạn khuôn khổ đòi chủ quyền, như vẫn làm trong những thập niên qua, mà không bao gồm những khu vực không nằm trong những yêu sách trước đó.
Ngoài ra, về mặt thương mại, Hà Nội cũng phải tính đến việc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 5 vào Việt Nam với số tiền gần 2,5 tỉ đô la trong năm 2018. Đó là một số yếu tố khiến chiến lược của Việt Nam khá là tế nhị. Chiến lược đó không phải là không áp dụng được nhưng cần được Hà Nội tiến hành một cách rất thận trọng và đó là điều mà Việt Nam đang làm một cách hiệu quả.
RFI : Việt Nam đề ra chính sách « Ba không »(không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia), nhưng trước sự đe dọa của Trung Quốc, liệu Việt Nam có nên xem lại chính sách này không ?
Laurent Gédéon : Đây không phải là chính sách gần đây mà xuất hiện lần đầu tiên trong Sách Trắng Quốc Phòng năm 1998, sau đó thường xuyên được nhắc đến, vào năm 2004, 2009 và tiếp tục được nêu lên trong Luật Quốc Phòng mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Dù mang tính mệnh lệnh « Ba không » nhưng thực ra chính sách này không hoàn toàn bó buộc. Và Việt Nam đã khai thác khía cạnh này dưới góc độ « đối tác ». Có ba kiểu « đối tác », đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cụ thể, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc ; quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Úc, Pháp và đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Đáng chú ý là không có bất kỳ đối tác nào trong số này mang tên « liên minh quân sự ».
Có thể thấy là Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như hợp tác quân sự với nhiều cường quốc tham gia gìn giữ trật tự thế giới và đó là những lực lượng, với nhiều lý do khác nhau, tỏ ra ngờ vực Trung Quốc. Điều mà chúng ta có thể nói là Việt Nam vừa củng cố các phương tiện của mình, vừa phải làm việc trực tiếp với Bắc Kinh về các biện pháp xây dựng niềm tin nhằm ngăn cản Trung Quốc thống trị toàn bộ Biển Đông.
Nhưng Việt Nam cũng phải tự chuẩn bị trong trường hợp căng thẳng gia tăng. Và Hà Nội đang thực hiện điều này qua việc tăng cường quan hệ với các bên, trên thực tế, ít nhiều là những đối thủ của Bắc Kinh. Việt Nam phải tính đến việc bên cam kết mạnh nhất và có sức mạnh quân sự lớn nhất, đó là Mỹ và Hòa Kỳ lại có những mục tiêu riêng và những thách thức địa-chính trị riêng.
Và tình thế này cũng cần được cân nhắc với nhiều câu hỏi : Liệu Việt Nam có khả năng lấy lại các hòn đảo mà Hà Nội đòi chủ quyền mà không để xảy ra xung đột, mà cuộc xung đột đó lại do những nhân tố khác khởi xướng, ví dụ như Mỹ ? Liệu mâu thuẫn hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington, nếu gia tăng thêm, có cho Việt Nam cơ hội không bị cuốn theo hay không ? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Liệu những cam kết của Mỹ, trong trường hợp quan hệ với Bắc Kinh được cải thiện, có phải là « dấu chấm hết » cho những yêu sách và hy vọng của Việt Nam một ngày nào đó lấy lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa ?
Có thể thấy chính sách « Ba không » không ngăn cản Việt Nam có những thỏa thuận quân sự, nhưng có vẻ không chắc cho Việt Nam bởi vì chính sách đó bị hạn chế trong những đòi hỏi chủ quyền. Có nghĩa là để lấy lại chủ quyền đối với một số hòn đảo, có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang nhưng cuộc xung đột vũ trang đó sẽ kéo theo việc Việt Nam phải từ bỏ một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình. Vì thế, cho đến nay, những vấn đề này được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.
RFI : Biển Đông là một vấn đề căng thẳng trong thời gian gần đây, với sự hiện diện của tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc trong vòng nhiều tháng. Giả sử trong trường hợp xảy ra xung đột nhỏ, khẩn cấp, Việt Nam có khả năng giải quyết như thế nào ?
Laurent Gédéon : Trường hợp trên giống trường hợp Bắc Kinh điều giàn khoan đến ngoài khơi đảo Tri Tôn vào tháng 05/2014, có nghĩa là Trung Quốc dùng chính sách « sự đã rồi », nhưng không thiên về hướng đe dọa quân sự. Lần trước Việt Nam cũng đưa tầu ra bám sát và phản đối ngoại giao. Lần này, phía Việt Nam cũng kiên quyết về mặt chính trị, nhưng cũng không tìm cách dùng vũ lực đuổi tầu Trung Quốc.
Theo quan điểm của tôi, chiến lược này có lẽ là tốt nhất vì tránh được đối đầu trực diện, đẩy Việt Nam vào thế tấn công, không có lợi như thế phòng thủ. Và chiến lược này cũng cho phép Hà Nội duy trì được hình ảnh « kiềm chế, hợp pháp » trước hành động được coi là « xâm lược » của Bắc Kinh. Và hành động này mang tính tích cực trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc đang bị xấu đi trên thế giới.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon).
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191118-tiem-luc-cua-viet-nam-de-chong-trung-quoc-o-bien-dong

Công lý thương khóc

Võ Thị Hảo
Khóc muộn
Đã gần một tháng qua từ khi Anh quốc phát hiện vụ việc 39 người trẻ tuổi VN bị bọn buôn người giết chết trong chiếc container đông lạnh.
Mặc dù vậy, thân nhân của 39  nạn nhân ấy vẫn phải tức tưởi  đợi ngày nhận thi hài của người ruột thịt. Sự thấp thỏm chờ đợi càng khoan xoáy thêm đau thương.
Mạng xã hội lan truyền thông tin về việc gia đình một số nạn nhân đã bị công an đến canh chừng  phát ngôn ra công luận. Khi có người Anh và phóng viên báo chí đến tận nhà thăm hỏi thì bị công an cấm cản, xua đuổi. Người của chính quyền địa phương nói rằng muốn đưa thi hài người thân về nước thì phải nộp tiền, yêu cầu gia đình  làm đơn nhận tro cốt thay vì nhận thi hài, trong khi trước đó lại yêu cầu họ viết đơn xin nhận thi hài…
Nếu những thông tin nói trên là sự  thật, những hành vi đó thể hiện sự đe dọa, thậm chí để giấu nhẹm sự đồng lõa, bảo kê cho đường dây buôn người tại các địa phương. Thậm chí, thực tế đã quá nhiều lần chứng minh hành vi  “kiếm chác trên xác chết” cũng chẳng có gì xa lạ đối với bản chất tàn nhẫn và lưu manh của nhiều vị trong hệ thống chính quyền  VN.
Một điều chắc chắn là dưới áp lực của báo mạng “lề dân”, đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của nước Anh và công luận  thế giới, thi thể 39 nạn nhân ấy cũng sẽ về được VN.
Vì sao bỗng dưng 39 nạn nhân này được quan tâm đặc biệt, không bị chính quyền VN đối xử tàn nhẫn như vô số đồng bào VN đã chết mất xác, chết vô thừa nhận trên con đường di trú chạy trốn nạn độc tài toàn trị, nạn bất công và đói nghèo tại VN trước đây và  sau này?
Cái chết của gần trăm ngàn thuyền nhân VN trước đây đã đánh động lương tri thế giới và khiến họ ra tay cứu giúp những người còn sống sót. Trong khi đó nhà cầm quyền VN vẫn hoàn toàn vô cảm, mấy chục năm qua không một lời chia sẻ, tưởng niệm, một đánh giá công bằng, một lời xin lỗi và sám hối dù họ là thủ phạm dẫn tới những cuộc ra đi và hàng loạt cái chết đó. Ngay cả sự kiện 64 chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma bị TQ bắn giết tàn bạo mà VN còn giấu nhẹm, thậm chí còn cho côn đồ và dư luận viên khủng bố những người tưởng niệm, vậy thì 39 mạng người này, lại chết ở nước ngoài, tại sao lại khiến cho nhà cầm quyền VN phải chia buồn và hỗ trợ?
Công luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: nếu không có sức ép từ dư luận “lề dân” và truyền thông thế giới, nếu không có chính quyền Anh quốc tiên phong hành động , tạo ra một tấm gương, một đối lập về cách hành xử với VN, liệu 39 nạn nhân này có bị  nhà cầm quyền VN lạnh lùng bỏ mặc hay không?
Phải chăng sự quan tâm của VN chỉ là miễn cưỡng, dưới áp lực quốc tế, đặc biệt là từ nước Anh và áp lực “lề dân” rất mạnh mẽ trong thời đại Internet đã khiến nhà cầm quyền VN phải lên tiếng, và cũng là hết sức chậm trễ?
Chính phủ, nhiều cơ quan thiện nguyện, cảnh sát và người dân Anh và một số người VN tại Anh đã làm hết sức mình để hỗ trợ trong thủ tục xác nhận danh tính thi thể, các thủ tục ngoại giao và tài chính.  Nước Anh bị thiệt hại khi bị các đối tượng nhập cư trái phép nhưng lòng thương xót đồng loại là điểu mà họ đã bày tỏ. Mặt khác, cũng chính vì tình đồng loại và tôn trọng quyền tự do di trú của con người mà nước Anh và các quốc gia dân chủ, đa nguyên văn minh khác vẫn để sẵn trong Hiến pháp và Luật của họ một số quy định mang tính ân xá, giúp đỡ cho những người vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ quê hương ra đi, không nỡ đẩy họ vào tuyệt vọng.
Nước Anh đã thương khóc cho 39 nạn nhân VN không quản ngại thí mạng  mình để tìm miền lạc thổ, có cơ hội giúp mẹ cha, anh em, chồng vợ thoát khỏi đói nghèo nhưng họ đã bị giết chết trong độ tuổi  trẻ trung và cường tráng nhất của đời người.
Trước 39 cái chết này, khi mọi thông tin chi tiết đều được báo chí nước ngoài và người VN ở hải ngoại tường thuật cập nhật từng giờ phút, đã khiến nhiều người VN vượt qua nỗi sợ hãi “lưỡi hái” của  luật An ninh mạng. Sự khủng bố của nền “công an trị” ở tầm mức “tự do Internet” đứng hàng chót thế giới” cũng không thể đe dọa được những người lên tiếng chia sẻ xót thương và bày tỏ sự phẫn nộ, chê trách chính quyền VN đã quá chậm trễ trong việc thi hành trách nhiệm của mình.
Chờ mãi, đến 7.11, Thủ tướng VN cũng đã phải gửi thư chia buồn đến 39 gia đình nạn nhân.
Cuối cùng thì các gia đình này cũng được quan tâm ở cấp “nguyên thủ quốc gia”, nhưng đáng tiếc là quá chậm, chậm tới 11 ngày so với nguyên thủ Anh quốc. Ngay ngày 28.10, Thủ tướng Anh đã đến tận nơi phát hiện ra thảm họa để đặt vòng hoa, viết những lời chia buồn chân thành, sâu sắc và đốc thúc, bày tỏ quyết tâm cùng các nhà chức trách Anh điều tra tội phạm, tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình các nạn nhân và đưa thi hài người bị nạn về cố quốc, dù trong vụ việc này, các nạn nhân hoàn toàn không phải là đồng bào của họ và đã nhập cảnh trái phép vào Anh.
Bản thân cách ứng xử của hai nguyên thủ đã là sự tương phản về mức độ quan tâm, tình đồng loại, cách thức xử lý vụ việc. Điều này cũng thể hiện bản chất chế độ, giữa một bên là chính quyền cộng sản độc tài toàn trị với một bên là chính quyền thuộc hệ thống chính trị dân chủ đa nguyên.
Công lý
Thương khóc, tưởng niệm, hỗ trợ cho 39 nạn nhân hôm nay là thể hiện tình nghĩa đồng bào và đó là lương tri con người.
Nhưng thương khóc, hay bất cứ hành động gì của con người cũng đều liên quan đến công lý.
Nhân sự kiện đau thương này, người VN chúng ta hãy cùng nhau thiết lập chút công lý cho thương khóc.
Khóc 39 nạn nhân hôm nay, ta đừng quên đòi quyền được thương khóc, được giải oan bằng hành động, cho những nạn nhân khác. Họ cũng đã phải bỏ mạng lặng thầm và bị nhà cầm quyền cũng như trí nhớ cạn cợt của phù phiếm của con người cố tình lãng quên trên con đường di trú.
Cái chết của 39 nạn nhân hôm nay đã khiến thế giới phải rúng động kinh hoàng thay cho những gì mà người VN phải chịu đựng. Thế nhưng loạt 39 người chết này lại chỉ là một phần  rất nhỏ  trong hàng triệu người VN đã phải bỏ mạng mất xác trên hành trình tìm đường sống. Theo ước tính của Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc, chỉ từ 1975 đến 1997 đã có  ít nhất khoảng  84 ngàn thuyền nhân VN đi tị nạn hà khắc của chính quyền CS VN bỏ mạng trên biển. Ngoài những người thân còn sống sót và một số đồng bào cùng cảnh ngộ thương khóc, tưởng nhớ đến họ, chính quyền VN hoàn toàn vô cảm trước nỗi đau thương của người dân của một nửa đất nước, thậm chí còn coi đó chỉ là cái chết của kẻ thù. Như thế, mấy chục năm nay, dù vẫn lớn tiếng giả nhân nghĩa kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc nhưng không một lời xin lỗi hoặc bất kỳ một sự cảm thông, quan tâm nào đến những thuyền nhân đó. Cứu vớt, hồi sinh cho các thuyền nhân còn sống sót, chỉ vẫn là chính quyền của những nước dân chủ đa nguyên phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…mà thôi.
Phẫn nộ, thương khóc và chia sẻ nỗi buồn đau với người nhà 39 nạn nhân hôm nay, chúng ta không thể quên cái chết và nỗi đau của hàng triệu nạn nhân khác, lớp lớp đồng bào của chúng ta  đã lặng thầm tan xương nát thịt trên con đường lưu vong oan trái, dằng dặc trải qua nhiều thế kỷ, dưới các triều đại nhưng đặc biệt tàn nhẫn là kể từ năm 1945 đến nay.
Những người Bắc chết trên đường  di cư vào Nam năm 1954. Những nạn nhân của Cải cách ruộng đất, của vô số cuộc cải tạo…Hàng triệu người VN chết oan khuất dưới chế độ độc tài toàn trị này…Họ cần phải được công bằng thương khóc. Phải có công lý cho các nạn nhân.
Họ phải được thường xuyên kể đến. Họ phải được tưởng niệm. Họ phải được xin lỗi. Thân nhân của họ phải được đền bù. Hãy ngẩng lên nhìn bầu trời để thấy những cánh chim Việt tan nát đập vô vọng trong cơn hấp hối trước sự cưỡng bách phải di trú tìm đường sống.
Mùa lại mùa qua, lại vẫn ngẩng đầu lên trời nhìn những đàn én bay. Bao nhiêu cánh chim nhỏ bé xao xác lẫn trong mây xám đầu đông, trên hành trình đi từ chân trời lạnh tới chân trời ấm áp, có ai đếm được bao nhiêu cánh chim đã ngắc ngoải, đã hấp hối trong gió độc và rơi rụng, tan xương nát thịt, không bao giờ tới được miền đất cứu rỗi.
Hãy mãi mãi kiếm tìm về nỗi oan của họ. Hãy kiếm tìm vì sao họ chết và họ đã chết ra sao. Không bao giờ là đủ. Sao không lắng nghe tiếng nấc nghẹn tuyệt vọng của đồng bào mình? Hãy mường tượng vị mặn của những giọt máu ấy của đàn chim Việt thương đau chết bặt tăm thi thể giữa cái biển vô cảm của quá nhiều người VN. Không ai được phép xóa ký ức về họ. Trang sử chân thực và công lý khóc thương
là những bài học trưởng thành cho mỗi đất nước, mới khiến những kẻ cầm quyền bị lên án, bị đòi hỏi, buộc phải lựa chọn giữa việc bị phế truất hay là tuân theo mệnh lệnh tối thượng là hành động chỉ vì quyền tự do dân chủ và hạnh phúc của toàn dân.
Thương khóc cũng là dịp để thực thi công lý của lương tri.
Hãy tưởng niệm công bằng. 39 thi thể đông lạnh ấy đã tạc lên trời xanh thành một trong những biểu tượng đớn đau của người Việt. Ta khóc thương họ và đừng quên khóc thương những đồng bào VN khác. Nếu 39 thi thể đông lạnh là một tượng đài đau thương, thì cái tượng đài tạc bởi hàng triệu thi thể VN khác được dựng lên phải sừng sững tới mức sầm tối cả  bầu trời Việt.
Nhưng nó chắc chắn phải được dựng lên. Cái tượng đài tưởng niệm ấy, vì đó là lẽ công bằng mà chúng ta phải làm cho những đồng bào đã  oan chết.
Vì nếu ta biết thực thi công lý thương khóc, là ta sẽ tự biết thay đổi xã hội trong một ngày không xa.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/justice-of-crying-11182019091344.html

Xin cúi lạy Hồng Kông

Viết Từ Sài Gòn
Trong những năm tháng đất nước đầy chia lìa, người Nam kẻ Bắc gặp nhau nhưng trong nỗi phân li, với phận người chìm nổi, có người lênh đênh trùng dương rồi vĩnh viễn ở lại với sóng gió… Trong cuộc chia lìa ấy, Hồng Kông như một chiếc phao hi vọng, Hồng Kông dang tay, cưu mang và che chở hàng chục ngàn người Việt Nam, Hồng Kông như một bồ tát cứu độ giữa giờ vĩnh quyết. Và hàng triệu người Việt đã qua khỏi cửa tử, đã đặt chân lên những mảnh đất tự do, cũng nhờ vào những bồ tát cứu độ như Hồng Kông.
Bởi không đâu hiểu được giá trị nhân văn, không đâu dễ rủ lòng thương và không đâu dễ sẵn sàng chìa tay chia sẻ khốn khó với đồng loại nhanh hơn những người yêu tự do, yêu hòa bình và đã quen sống với tự do, hòa bình, tôn trọng phẩm hạnh con người. Hồng Kông đã sống như thế, đã hòa quyện màu sắc của mình trên bức tranh nhân bản của thế giới như vậy.
Và chính điều này lý giải tại sao người Việt, không riêng gì người miền Nam mà cả người miền Bắc cũng luôn cảm thấy Hồng Kông gần gũi hơn Trung Quốc, thậm chí gần gũi hơn Đài Loan mặc dù mối tương tác giữa người Việt và người Hồng Kông ít hơn rất nhiều so với việc tương tác với người Đài Loan, Trung Quốc. Bởi sức ảnh hưởng của dân chủ, của văn minh và cả sự giàu có, hào phóng của Hồng Kông đã hấp dẫn không riêng gì người Việt.
Thế rồi cái mốc 1997 như một định mệnh buồn, từ một nơi mặc dù chưa rõ chủ quyền quốc gia nhưng vẫn luôn được mặc định như một quốc gia hùng mạnh, một cảng thơm của nhân loại, Hồng Kông bị đùn đẩy về tay Trung Hoa Đại Lục. Và Trung Quốc cũng là một quốc gia mà ở đó, thứ chủ nghĩa đã khiến cho nhiều người Việt Nam phải bỏ mạng trên biển, nhiều người Việt Nam phải bỏ xứ mà lênh đênh giữa trùng dương và may mắn được Hồng Kông cứu độ một thời nay bỗng trở thành kẻ cai quản Hồng Kông. Và sự cai quản bằng thủ đoạn, cai quản bằng áp chế, thậm chí bằng đàn áp không bao giờ phù hợp với người Hồng Kông. Bởi hơn ai hết, người Hồng Kông đã trả qua và đã vượt qua những chặn đường đen tối của nhân loại từ rất lâu, nghiễm nhiên trở thành vùng đất của tự do, tình yêu và sáng tạo. Bỗng dưng nay mọi sự có khuynh hướng trở về thời đồ đá, thì với người Hồng Kông, không gì khủng khiếp và tệ hại hơn. Những cuộc đấu tranh nổ ra là điều tất yếu.
Và đêm qua, hay nhiều đêm sau nữa, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát, thậm chí quân đội với người dân Hồng Kông yêu tự do đang làm đổ máu. Máu của tự do, máu của văn minh, tiến bộ, máu của những người từng dang tay che chở cho chúng ta đổ xuống trong sự im lặng của chúng ta và của thế giới. Rất có thể ngày hôm sau, hay một ngày nào đó trong tương lai, Hoa Kỳ, Anh, Pháp hoặc Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp, sẽ có biện pháp hữu hiệu để giúp Hồng Kông thoát khỏi kiếp nạn. Nhưng, để đợi cho đến ngày ấy, cái ngày có thể là có thật mà cũng có thể là không có thật, đã có biết bao người Hồng Kông đã bỏ mạng vì lý tưởng tự do, hòa bình và thịnh vượng của mình?! Và, hầu hết những người ngã xuống đều là những người trẻ, điều này như một minh chứng cho thế giới tiến bộ thấy rằng chính thế hệ trẻ, thế hệ được tiếp cận với văn minh nhân loại một cách đầy đủ nhất, thế hệ yêu tự do và yêu sáng tạo, thế hệ mà không ai khác ngoài chính họ là những ông chủ tương lai của đất nước, là những người làm hoa tiêu và nắm tay lái đưa con tàu Hồng Kông đi vào tương lai kế tiếp đã thấy được họ cần gì, họ muốn tiến bộ ra sao và họ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để có được nó.
Điều đó cũng giống như trước đây gần nửa thế kỉ, cha ông của họ đã chấp nhận mọi thứ để cứu lấy những thuyền nhân Việt Nam và người chạy trốn từ các quốc gia mất tự do khác. Và sự giúp đỡ cứu rỗi của họ là bất vụ lợi bởi họ chỉ tốn kém tiền bạc và công sức cho việc này, bù lại họ không có được gì ngoài một sự mất đi, hi sinh cho đồng loại. Để rồi sau gần nửa thế kỉ, những con cháu của Hồng Kông đang dần trở thành nạn nhân của chế độ độc tài Cộng sản. Hơn ai hết, người Hồng Kông hiểu được một khi mất tự do, một khi rơi vào độc tài, con cháu của họ lại phải thành những thuyền nhân để rồi lênh đênh trên biển lịch sử và liệu lúc ấy, trên đại dương lịch sử có còn một Hồng Kông nào khác để con cháu họ tị nạn?!
Khi người Việt Nam chạy trốn khỏi độc tài Cộng sản, thế giới đã dang tay che chở, trong đó có Hồng Kông. Thế nhưng khi người trẻ Hồng Kông đứng lên đấu tranh để chống độc tài, để mưu cầu tự do thì dường như thế giới đang im lặng, Việt Nam cũng đang im lặng. Chúng ta im lặng bằng cách ồn ào ngay trên ngôi nhà của mình hoặc im lặng bằng cách thở dài hoặc im lặng bằng những lời bình luận chua chát để nói rằng đó như là sự đã rồi, đó là định mệnh của Hồng Kông hoặc đó là nỗi buồn của lịch sử… Nhưng có một thực tế, chúng ta chưa bao giờ lên tiếng theo đúng sự mách bảo của lương tri, chúng ta chưa bao giờ lên án Cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình một cách đầy đủ, thế giới vẫn chưa có (mà lẽ ra cho đến nay, phải có hàng ngàn, hàng triệu) thỉnh nguyện thư của trí thức năm châu, Việt Nam vẫn chưa có thỉnh nguyện thư gửi lên Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ hay những quốc gia tự do. Chúng ta cần một tiếng nói, nhiều tiếng nói và hàng triệu, hàng tỉ tiếng nói cho Hồng Kông. Bởi bảo vệ Hồng Kông không chỉ đơn giản là bảo vệ người trẻ, bảo vệ sinh mạng trước bạo tàn mà chúng ta đang bảo vệ cho lý tưởng của tự do, bác ái và dân chủ, cho tương lai tự do của chính chúng ta. Thế nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn im lặng và thế giới vẫn im lặng (trong sự lên tiếng có chừng mực của mình!).
Điều này, với thế giới tiến bộ, như là một sự sỉ nhục bởi chúng ta đang sổ toẹt vào chính lương tri của mình, và với Việt Nam, với cộng đồng người Việt từng hàm ơn Hồng Kông, thì đây là một sự vong ân, chúng ta đã tự cho thấy mình không xứng đáng để nhận được ân sủng của Chúa và Thượng Đế Tự Do, Bác Ái nếu như chúng ta chỉ bình chân quan sát, chúng ta vẫn giữ thái độ im lặng và chừng mực!
Và dù sao chăng nữa, tôi cũng xin cúi lạy Hồng Kông, xin cúi lạy những người trẻ Hồng Kông đã không may mắn trong công cuộc đấu tranh đầy ý nghĩa và giá trị nhân văn của mình nhằm bảo vệ tự do, bác ái và hòa bình cho quê hương của mình và nhân loại nói chung… Họ đã ngã xuống, đã chết đi trong đau đớn, đã chết trong sự lạnh lùng và tàn độc của đồng loại cũng như đã chết trong sự im lặng đầy vô cảm của thế giới. Tôi xin cúi lạy các bạn! Những người trẻ anh hùng và vắn số!
Tôi cũng xin cúi lạy Hồng Kông, một Hồng Kông tự do, thơm tho và văn minh vừa chết hay đã mang trọng thương trong cơn lửa đạn! Một Hồng Kông từng cứu lấy cha ông, họ hàng, thân quyến và đồng độc, đồng loại chúng tôi, để từ đó, những người được cứu có cơ hội đặt chân lên mảnh đất tự do, bước vào vùng trời nhân ái! Đáp lại điều này, chúng tôi đã chọn im lặng hoặc vô can. Điều ấy như một sự vong ơn và phản trắc trước văn minh nhân loại và tình người trên thế giới này! Xin cúi lạy Hồng Kông một lần nữa!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu  Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/take-a-bow-before-hong-kong-11182019110551.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.