Tin Việt Nam – 06/11/2019
Wednesday, November 6, 2019
7:27:00 PM
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Tòa phúc thẩm giữ nguyên 18 tháng tù
đối với Nguyễn Hữu Linh
Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), sau 3 giờ xét xử kín trong ngày 6/11/19, ra quyết định giữ nguyên mức án sơ thẩm 18 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Hữu Linh, do có hành vi ôm hôn bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, ở quận 4 hồi tháng 4 vừa qua.Tin từ truyền thông trong nước vào ngày 6 tháng 11 cho biết Hội đồng Xét xử phiên phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hữu Linh và giữ nguyên khung phạt 18 tháng tù giam về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”; đồng thời bản án được tiến hành kể từ ngày thi hành án.
Ngay sau khi tòa phúc thẩm ra phán quyết cuối cùng, bị cáo Nguyễn Hữu Linh được tự do ra về mà không bị bắt giam.
Báo mạng vietnamdaily.net.vn dẫn lời của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM giải thích rằng việc thi hành án và có bắt giữ tại tòa hay không tùy thuộc vào mức độ, tính chất và hồ sơ vụ án.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết đối với trường hợp bị cáo Nguyễn Hữu Linh, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi có quyết định thi hành án, TAND TP.HCM sẽ chuyển quyết định này đến cơ quan thi hành án ở địa phương nơi bị cáo Nguyễn Hữu Linh cư trú. Tiếp theo, trong vòng 7 ngày sau khi nhận được quyết định thi hành án, bị cáo Nguyễn Hữu Linh phải có mặt ở cơ quan thi hành án hình sự. Và nếu sau 10 ngày, bị cáo Nguyễn Hữu Linh không xuất hiện để chấp hành án thì sẽ bị cảnh sát áp giải.
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào sáng 23/08/19, ngay sau khi bị tuyên án 18 tháng tù về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, bị cáo Nguyễn Hữu Linh đã viết và nộp ngay đơn kháng cáo cho tòa.
Bị cáo Nguyễn Hữu Linh cũng được tại ngoại ngay sau phiên tòa sơ thẩm ngày 23/08/19.
Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân Dân Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, ở quận 4 gây phẫn nộ trong dư luận và vụ án này được đặc biệt quan tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-court-maintains-18-month-sentence-against-nguyen-huu-linh-11062019071050.html
Tổ chức HRW kêu gọi trả tự do
cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh
Ngày 7/11 tới, tòa phúc thẩm ở TP Hồ Chí Minh sẽ có phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, một người đã lên tiếng phê phán chính quyền trên Facebook.Vợ Nguyễn Ngọc Ánh nói ‘tự hào về chồng’
Thầy giáo dạy trò bài hát ‘Trả lại cho dân’ bị khởi tố
Ông Ánh là một kỹ sư nuôi tôm, ở thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, năm nay 39 tuổi.
Truyền thông Việt Nam đưa tin rằng, ông Ánh đã chia sẻ các tin bài “phản động” nhằm “nói xấu” đảng và nhà nước, và kích động người dân biểu tình trong dịp quốc khánh.
Các bài viết của ông Ánh được ông đưa lên Facebook tập trung vào các chủ đề như nạn môi trường bị tàn phá do công ty Formosa thải độc gây ra vào tháng 4/2016, tình trạng thiếu tự do lựa chọn trong cuộc bầu cử năm 2016, hay các quan ngại về điều kiện sống của tù nhân chính trị…
Các bài viết này luôn thu hút sự quan tâm của công luận.
Cụ thể, báo thanh niên trong bài viết đăng khi ông Ánh bị xét xử lần đầu cho biết rằng, các nội dung này “đã phát tán đến hơn 2,4 triệu lượt người xem, hơn 45.000 lượt người thích và 133.000 bình luận.”
Ông Ánh bị công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt giữ hồi tháng 8/2018 với cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam,” chiếu theo điều 117 của Bộ luật Hình sự nước này.
Tháng 6/2019, sau một phiên xử diễn ra trong vài giờ đồng hồ, một tòa án ở tỉnh Bến Tre kết án ông 6 năm tù giam, cộng với 5 năm quản chế.
Luật sư của ông Ánh, ông Đặng Đình Mạnh cho BBC News Tiếng Việt biết hôm 6/11 qua điện thoại rằng, cả ông và ông Ánh đều bác bỏ hoàn toàn cáo buộc.
Luật sư Mạnh nói rằng tuy ông Ánh đã thừa nhận hành vi đăng tải những thông tin đó, nhưng điều đó chỉ là thực hiện quyền công dân của mình.
“Những cáo buộc đó hoàn toàn không công bằng. Anh Ánh không vi phạm như những gì anh đã bị truy tố. Anh Ánh có những trao đổi thông tin, hay những cuộc nói chuyện hay trao đổi quan điểm của anh về những vấn đề của đất nước như Forrmosa chẳng hạn thì thực ra anh đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình mà thôi.”
”Với quyền tự do ngôn luận của mình, anh có quyền đề cập đến những vấn đề của nhà nước, có thể là khen ngợi hay chỉ trích chính quyền, phê phán những chính sách chính quyền đang thực hiện không đáp ứng nguyện vọng người dân, thì đó là hết điều hết sức bình thường. Việc truy tố những hành vi như vậy thể hiện sự khắt khe với các quyền tự do dân chủ của người dân,” ông Mạnh nói.
Vi phạm quyền tự do ngôn luận
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), trong thông cáo phát đi hôm 6/11 cũng cho rằng, việc truy tố và giam giữ ông Ánh rõ ràng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông.
Tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ bản án và ngay lập tức trả tự do cho ông.
Ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á thuộc tổ chức trên, nói rằng:
“Ông Nguyễn Ngọc Ánh là một trường hợp trong số ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì bày tỏ ý kiến trên Facebook.
“Chính quyền Việt Nam dường như đang cho rằng việc sử dụng nền tảng mạng xã hội theo đúng mục đích thiết kế là một tội hình sự,” ông nói.
Ông Sifton, trong thông cáo trên, phân tích rằng, thoạt tiên nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù người dân để ngăn cản họ thực thi quyền tự do ngôn luận. Sau đó, nỗ lực dập tắt tiếng nói của những người trong gia đình họ muốn vận động đòi trả lại tự do cho họ.
Còn luật sư Mạnh thì cho biết, trong phiên phúc thẩm sẽ diễn ra ngày mai, ông sẽ bào chữa theo hướng ông Ánh vô tội. Việc ông Ánh bị truy tố và bỏ tù giam là hoàn toàn bị oan.
Bị đánh trong tù?
Vợ ông Ánh, bà Nguyễn Thị Châu, viết trên Facebook rằng, khi bà tới thăm chồng vào tháng 10/2019, ông “lết chân đi rất khó khăn.”
Bà Châu cho biết là ông Ánh kể ông vừa bị một người tù khác đánh đến bất tỉnh.
Ông có báo về vụ việc đánh đập với quản giáo nhưng không ai có động thái gì.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng xác nhận có chuyện xô xát trong tù với ông Ánh nhưng là giữa những người bị tạm giam với nhau chứ không phải do quản giáo đánh người. Và tất nhiên, theo ông Mạnh, để xảy ra vấn đề như vậy cũng có trách nhiệm quản lý của trại giam.
Vậy nhưng, ngày 23/10, Công an thị trấn Bình Đại, tỉnh Bến Tre triệu tập bà Châu đến để chất vấn.
Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền, bà Châu đã bị truy vấn quan hệ của bà với các gia đình tù nhân chính trị khác, về việc mặc áo phông phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng lãnh thổ trên biển đang tranh chấp, về việc đi đón tù nhân chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn và về việc bà đã trả lời phỏng vấn Đài Á châu tự do.
Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền, việc bỏ tù ông Ánh là một phần của đợt đàn áp đang tiếp diễn, nhắm vào những người phê phán đảng và chính phủ Việt Nam.
Theo tổ chức này, trong mười tháng đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam đã kết tội ít nhất là 20 người và xử họ với các mức án từ 6 tháng đến 10 năm tù vì phê phán chính quyền, vận động cho tự do tôn giáo cũng như các quyền cơ bản về chính trị và dân sự, hoặc chống tham nhũng.
“Việc chính quyền khắt khe với những hành vi chỉ trích hay nói xấu chính quyền thực ra không mới. Thậm chí sau những sự kiện nóng như Formosa, thì những tiếng nói của như vậy của người dân tăng lên. Tức là những chỉ trích tương ứng với sự kiện diễn ra trong nước,” ông Mạnh nhận xét.
Tổ chức Theo dõi nhân quyền đã kêu gọi các công ty internet công khai bày tỏ quan ngại về những trường hợp bị giam giữ bất công do bày tỏ chính kiến trên mạng.
Đồng thời, kêu gọi các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam công khai phê phán những sự đàn áp này và lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động.
Tổ chức này cũng kêu gọi Việt Nam sửa đổi các quy định pháp luật hà khắc về an ninh mạng và ngôn luận trên mạng.
Bà Châu, vợ ông Ánh, từng trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt và cho biết rằng, ông Ánh bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường từ năm 2014-2015.
Khi đó, ông chỉ nghiên cứu làm sao để làm sạch bãi rác thải quanh khu gia đình ở.
Từ lúc xảy ra sự cố Formosa, ông bắt đầu đi biểu tình, tìm hiểu thêm về môi trường, học đường, y tế và về dân oan về bất tuân dân sự.
Kể từ khi ông Ánh, trụ cột của gia đình bị bắt, bà Châu và con cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Châu cho biết khi ông Ánh bị bắt, con trai ông mới có 3 tuổi rưỡi.
Cha ông Ánh qua đời hồi tháng 3/2019, nhưng công an từ chối cho phép ông về chịu tang cha.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50313200
Facebooker ‘Giáo sư hớt tóc’ bị bắt
vì phát livestream ‘gây hoang mang trong nhân dân’
Ông Nguyễn Văn Nghiêm, tức Facebooker Nghiêm Nguyễn với biệt danh ‘Giáo sư hớt tóc’, ở tỉnh Hòa Bình bị bắt tạm giam 4 tháng và khởi tố vào ngày 5 tháng 11.Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Nghiêm ghi rõ ông: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.
Bản thân ông Nguyễn Văn Nghiêm được cộng đồng mạng biết đến qua những video phát trực tiếp trên kênh YouTube, với các chủ đề được ghi nhận gần đây là: “Dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục xâm lược bãi Tư Chính của Việt Nam” (phát hôm 4/11/2019), “Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh liệu có vào lò (hôm 4/11/2019), “Bài học sâu sắc là bài học nào?” (hôm 4/11/2019), “Tướng hèn đông như quân Nguyên, 3/11/2019), “Xin đừng gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là ”cóc”, 3/11/2019)…”
Hiện tất cả các clip của ông Nghiêm đã bị xóa khỏi YouTube và tài khoản Facebook, YouTube của ông này được cho là “công an đang kiểm soát”.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 6/11, bà Phạm Thị Xuân, vợ ông Nguyễn Văn Nghiêm, nói:
“Hôm qua [5/11] tôi đi chợ về thì có một phụ nữ mặc thường phục ở trước cửa nói tôi là làm tóc hộ, tôi từ chối. Cuối cùng họ làm đủ mọi cách thuyết phục tôi làm được. Tôi cũng đồng ý cho họ làm tóc nhưng rồi tôi từ chối, nói chồng tôi đang livestream ồn nên không cho làm. Tôi mở cửa, xách đồ ở xe vào trong bếp, thấy công an rất nhiều ập vào, chồng tôi đang livestream trên máy tính. Một số giữ tay chồng tôi, kéo ra chỗ cái phản mà anh ấy vừa làm vừa ngủ. Một số vào máy tính thu thập dữ liệu trên máy mà chồng tôi đang livestream. Họ giữ lại và thu thập, làm ra rồi bắt chồng tôi ký. Họ nói anh nhà tôi nguy hiểm nên lệnh bắt giữ là 120 ngày.”
Bà Xuân giải thích thêm về công việc của chồng:
“Anh nhà tôi đọc trên mạng xã hội, các báo thấy thông tin gì không tốt cho xã hội thì anh nhà tôi đưa lên và down về máy và in ra. Công an giữ lại các tờ giấy ấy. Các clip mà anh livestream đưa YouTube thì họ cũng tải về, in vào đĩa, bắt chồng tôi ký. Họ lệnh khám xét nhà, thu giữ toàn bộ máy móc, đồ dùng liên quan đến công việc của chồng tôi làm.”
“Riêng tôi thấy anh nói những cái đấy không có hại gì cho xã hội và đất nước cả. Vì anh chỉ có phản biện rằng những quan chức tham nhũng, những cán bộ mà ăn cơm dân nuôi, mà làm không được việc thì anh tôi bày tỏ quan điểm, ý kiến phản biện làm cho nó tốt lên cho xã hội. Nói chung các clip mà anh ấy làm có cái tôi nghe cũng bình thường, nhưng có cái tôi nghe anh phản biện thì hơi gắt một tí. Tôi lại khuyên anh nói nhẹ nhàng thôi, đừng gắt quá, những người nghe và người làm xấu sẽ không hài lòng, không thích.”
Bà Xuân cũng cho biết là ông Nguyễn Văn Nghiêm từng bị cơ quan chức năng phạt hành chính một lần vì live stream, tổng cộng 49 triệu đồng nhưng “không đóng” vì “anh nhà tôi bảo là phạt ít thì nộp, chứ còn phạt nhiều thì không có tiền nộp”.
Bà Xuân nói thêm:
“Cái việc làm của chồng tôi trên mạng xã hội thì rất nhiều người đồng tình ủng hộ. Từ hôm qua, nghe tin chồng tôi bị bắt thì nhiều người liên tục hỏi thăm anh ấy bị bắt thế nào, quan tâm đến. Trước khi bị bắt đưa đi, chồng tôi nhắn lại rằng em hãy điện cho các anh cùng làm các chương trình như anh đang làm, nhờ các anh dưới Hà Nội giúp đỡ cho.”
Ngoài ra, bà Phạm Thị Xuân xác nhận ông Nguyễn Văn Nghiêm “không thuộc tổ chức, hội nhóm nào” và hiện bà đã nhờ Luật sư Hà Huy Sơn trợ giúp pháp lý.
Hôm 6/11, phóng viên RFA gọi điện nhiều lần đến cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình nhưng không nhận được phản hồi.
Chính quyền Việt Nam từng bắt giữ, phạt tù nhiều Facebooker có hành vi tương tự ông Nguyễn Văn Nghiêm. Trường hợp gần nhất là hôm 29/10, ông Nguyễn Văn Phước, ngụ tại Mỹ Xuyên, thành phố
Long Xuyên tỉnh An Giang bị tuyên phạt 5 năm tù với cáo buộc sử dụng mạng xã hội chia sẻ thông tin xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 8/2018, ông Phước đã tự tạo và nhờ người thân tạo các tài khoản trên Facebook. Qua các tài khoản này, ông Phước dùng để theo dõi, gửi lời kết bạn với các tài khoản khác có ảnh đại diện liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa và các đối tượng được cho là phản động lưu vong.
Bên cạnh đó, ông Phước cũng nhiều lần livestream nói chuyện về tình hình chính trị và chia sẻ bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền và Đảng CSVN.
Vào ngày 31/10, kiến trúc sư Phạm Xuân Hào, thạc sĩ, giảng viên khoa công nghệ Đại học Cần Thơ bị kết án 1 năm tù vì chia sẻ bài viết được cho là trái chiều, xuyên tạc đường lối, chủ trương của đảng trên Facebook.
Trước đó, Tòa án Cần Thơ cũng đã tuyên phạt hai bị cáo Nguyễn Hồng Nguyên (nick name “Bồ Công Anh”) và Trương Đình Khang (tên tài khoản Hồ Mai Chi) cùng ngụ quận Cái Răng lần lượt 2 năm và 1 năm tù cùng với tội danh như trên.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebooker-dr-haircut-arrested-for-live-streaming-11062019073915.html
Greentrees phản bác
phóng sự ‘Núp bóng môi trường’ của VTV
Đài truyền hình Việt Nam, VTV mới đây trình chiếu một phóng sự cho rằng nhiều tổ chức đã “núp bóng môi trường” để kích động người dân biểu tình, gây mất trật tự công cộng.“Nhân danh bảo vệ môi trường để lôi kéo, tập hợp người dân xuống đường phản đối đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước,” là đoạn mở đầu của phóng sự “Núp bóng môi trường” trình chiếu tối 3/11.
Phát thanh viên nêu danh hai tổ chức là Greentrees và Save Sơn Trà là “các phần tử xấu lợi dụng để hướng cộng đồng đến những vấn đề chính trị khác nhằm phá hoại sự ổn định của đất nước.”
Sợ???: Bộ phim về giới đấu tranh thảm họa Formosa
Hà Nội: Nhóm Cây Xanh cáo buộc ‘bị cô lập’
Greentrees nói gì?
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt, Cao Vĩnh Thịnh, một thành viên của tổ chức Greentrees nói chị vô cùng “bức xúc vì những cáo buộc trắng trợn từ phía đài truyền hình”.
Chị Thịnh cho rằng phóng sự này của VTV “không thể nào thuyết phục được người dân, bởi người dân giờ có nhiều kênh tin tức để họ theo dõi chứ không còn bưng bít một chiều như xưa”.
Chị Thịnh cho rằng VTV cố tình gán ghép kết quả của hai sự kiện khác nhau với mục đích cố vẽ ra hình ảnh cho công chúng rằng: “Sự kiện người dân HN đồng loạt lên tiếng yêu cầu dừng chặt hạ 6708 cây xanh là hành động sai trái bởi vì những cây xanh đó vẫn sống khoẻ mạnh”.
Phóng sự của VTV có gì?
Phóng sự đề cập đến chủ trương thay thế 6700 cây xanh ở Hà Nội vào 2015 và cho rằng nhiều người đã nghe theo lời kêu gọi của các tổ chức này xuống đường.
“Họ giơ biểu ngữ đòi minh bạch cây xanh và giờ những biểu ngữ không liên quan đến môi trường.”
Phóng sự sau đó chiếu tiếp các hình ảnh người dân biểu tình trước trụ sở uỷ ban xã ở Hà Tĩnh với các kỹ xảo chèn ảnh nhập nhoè, kèm chiếc dấu “X” ngay chính giữa màn hình.
“Trong khi việc cần làm là đoàn kết chung tay với địa phương khắc phục sự cố thì có người chuyên kích động nhân dân tụ tập đông người gây rối tại các trụ sở cơ quan công quyền.”
“Các đối tượng hay tạo dựng cho mình một cái vỏ bọc đầy tính vì dân đó là bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh, bảo vệ biển từ đó tiến hành các hoạt động chống phá như là tuyên truyền xuyên tạc, hạ uy tín chính quyền các cấp, kích động phá hoại các chủ trương kinh tế xã hội.”
VTV sau đó dẫn lời Trung tá Hồ Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Đào tạo sau Đại học, Học viện An ninh Nhân dân cho rằng 100 cây xanh gần Kim Mã, hồ Thủ Lệ đang được chăm sóc tươi tốt.
Và thành phố thủ đô cũng đang tiến hành trồng thêm một triệu cây mới, và những nơi đã di dời cây, các công nhân đường sắt đang làm việc hăng say, phát thanh viên VTV cho biết.
“Bản thân chính quyền Hà Nội rút kinh nghiệm trong việc tuyên truyền chưa đầy đủ, tạo kẽ hỡ cho kẻ chống phá lợi dung xuyên tạc và kích động.”
“Người dân phải luôn đề cao cảnh giác trước âm mư thủ đoạn của các tổ chức núp bóng bảo vệ môi trường này.”
Lồng ghép hai sự kiện không liên quan?
Nhưng sự kiện này đã bị VTV gán ghép với sự kiện thứ hai.
Sự kiện thứ nhất là đề án “chặt hạ và thay thế 6708″ trên 190 tuyến phố chính của thủ đô, trong đề án này đã chỉ ra nhiều sai phạm của Sở xây dựng Hà Nội.
“Khi đó chính nhờ sức ép của người dân mà đã chỉ ra được những sai phạm của họ và hàng loạt quan chức đã bị cách chức.”
Thực tế, vào 19/5, Thanh tra TP Hà Nội đã xác định có sai phạm trong dự án chặt 6.700 cây xanh quanh Hà Nội và kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo TP, xử lý kỷ luật lãnh đạo Sở Xây dựng, theo báo Người Lao động.
Việc họ khuyến khích mọi người bảo vệ môi trường là chỉ hạn chế rác thải nhựa thôi là không đủ. Vậy còn việc bảo vệ rừng hay lên tiếng về thảm hoạ môi trường là sai là ko cần thiết ư? Thế những vụ việc như ô nhiễm nguồn nước Sông Đà, ô nhiễm độc thuỷ ngân, Vườn quốc gia Tam Đảo, Formosa thì sao?Cao Vĩnh Thịnh, Thành viên Tổ chức Greentrees
“Việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6708 cây là chưa khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố.”
Nhưng sự kiện này đã bị VTV gán ghép với sự kiện thứ hai – “việc dịch chuyển hơn 100 cây xà cừ” trên tuyến đường Kim Mã do Ban Quản lý đường sắt phối hợp cùng UBND thành phố thực hiện vào 2016.
Đề xuất chặt 1.300 cây: Dân Hà Nội ‘đành chịu’?
Ô nhiễm không khí cứ để dân tự lo?
Hà Nội lại xếp hàng lấy nước như quá khứ
Theo chị Thịnh, chính Greentrees đã đến gặp ADB, đơn vị cho vay vốn dự án và BQL dự án đường sắt trên cao để đối chất và yêu cầu họ trả lời những thắc mắc liên quan tới việc bảo vệ hàng cây xà cừ.
Sau khi đã minh bạch mọi vấn đề liên quan tới môi trường, Greentrees công khai các thông tin tường thuật buổi làm việc với ADB và BQL đường sắt trên cao tại trang Greentrees và nhóm Vì một Hà nội Xanh để mọi người an tâm với dự án này.
Cho nên nội dung của VTV khi nói về Greentrees thì đã rõ quan điểm của họ là “bôi nhọ danh dự và vu khống cho những thành viên bảo vệ môi trường”.
Chị Thịnh băn khoăn về quyết định làm phóng sự vào thời điểm này của VTV tuy nhiên chị cho biết trong năm 2019 các thành viên của Greentrees “luôn bị các lực lượng an ninh bắt cóc và câu lưu trong vòng 10-14 tiếng”.
“Họ cũng tịch thu các thiết bị và cấm xuất cảnh những nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Gần đây là thành viên Thịnh Nguyễn bị bắt và có liên quan hay không thì tôi không rõ. Tôi chỉ thấy rõ nhất việc VTV phát sóng trên truyền hình là hành vi vi phạm pháp luật vì đã bôi nhọ xúc phạm tới chúng tôi.”
“Việc họ khuyến khích mọi người bảo vệ môi trường là chỉ hạn chế rác thải nhựa thôi là không đủ. Vậy còn việc bảo vệ rừng hay lên tiếng về thảm hoạ môi trường là sai là ko cần thiết ư? Thế những vụ việc như ô nhiễm nguồn nước Sông Đà, ô nhiễm độc thuỷ ngân, Vườn quốc gia Tam Đảo, Formosa thì sao?”
Green Trees, có tên cũ là là Vì Một Hà Nội Xanh, là một tổ chức phi lợi nhuận, xã hội dân sự độc lập làm việc trong lĩnh bảo vệ môi trường. Ra đời ngày 30/3/2015 từ phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, tổ chức này đã có nhiều lời kêu gọi bảo vệ môi trường – tài nguyên ở Việt Nam.
Tổ chức này cho biết họ có các hoạt động yêu cầu minh bạch, giải trình của chính quyền trong các chính sách liên quan tới môi trường và phát triển.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50299399
Liên quan tiêu cực thi cử,
giám đốc & cựu giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình,
Hà Giang bị kỷ luật đảng
Theo thông báo được truyền thông trong nước loan ngày 5/11, ông Bùi Trọng Đắc với cương vị tỉnh ủy viên, bí thư đảng ủy, giám đốc Sở Giáo dục, Phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo kỳ thi, Chủ tịchHội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình bị kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong đảng nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Vũ Văn Sử, cựu giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Hà Giang, với cương vị tỉnh ủy viên, Chủ tịch hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang, bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng.
Hai ông Bùi Trọng Đắc và Vũ Văn Sử được cho là thiếu trách nhiệm, buông bỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức kỳ thi năm 2018 tại tỉnh, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây ảnh hưởng cấp dưới trực tiếp can thiệp, tác động nâng điểm cho các thi sinh trái quy định. Bên cạnh đó, để nhiều cán bộ cấp dưới vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự và rất nhiều cán bộ, đảng viên trong tỉnh bị kỷ luật vì liên quan đến vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình và Hà Giang.
Ban bí thư cho rằng vi phạm của ông Bùi Trọng Đắc và ông Vũ Văn Sử được xác định gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và các cá nhân, gây bức xúc dư luận xã hội, cần phải bị kỷ luật nghiêm minh theo quy định.
Ông Bùi Trọng Đắc được bổ nhiệm chức vụ giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình năm 2014.
Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hoà Bình đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Cách chức đối với ông Bùi Trọng Đắc (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo thi; Chủ tịch Hội đồng thi THPTQG năm 2017- 2018 tỉnh Hòa Bình) vì để xảy ra vụ tiêu cực thi THPT quốc gia tại tỉnh này.
Cuối tháng 9, Ủy ban Kiểm tra TƯ cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Bùi Trọng Đắc.
Liên quan vụ gian lận thi cử tại tỉnh Hà Giang, ngày 1/10/2019, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hà Giang đã công bố 46 đảng viên bị kỷ luật vì nâng điểm, hoặc nhờ nâng điểm cho con cháu trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Trong đó 42 đảng viên bị khiển trách, một người bị cảnh cáo, ba người bị khai trừ Đảng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/director-former-director-of-education-departments-of-hoabinh-hagiang-disciplined-11052019113253.html
Viên chức CSVN
mua quan, bán chức nhộn nhịp như chợ đen
Tin Vietnam.- Báo Dân trí loan tin, vào ngày 5 tháng 11 năm 2019, tại hội trường quốc hội cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu tỉnh Hoà Bình cho biết, vấn đề “chợ đen mua quan, bán chức” của các viên chức không dễ trả lời được ai mua và ai bán.Ông Sinh cho biết dư luận râm ra về chợ đen mua quan, bán chức thường diễn ra nhộn nhịp trong các dịp bầu cử, đại hội.
Về vấn đề chống tham nhũng của nhà cầm quyền, theo ông Sinh, trong công tác tổ chức cán bộ của nhà cầm quyền luôn xảy ra tình trạng tham nhũng, được xem là điểm nóng của tệ nạn tham nhũng. Tuy nhiên, CSVN vẫn xem công tác tổ chức cán bộ là vùng cấm, vì nhà cầm quyền chưa có các quy định của pháp luật để điều chỉnh một cách đồng bộ, và đầy đủ. Và đang có một bộ phận không nhỏ các viên chức, đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là do tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/vien-chuc-csvn-mua-quan-ban-chuc-nhon-nhip-nhu-cho-den/
Chính quyền huy động 153 người
đi cưỡng chế 12,000 con gà
Tin Vietnam.- Báo Tiền phong ngày 6 tháng 11 năm 2019 loan tin, vừa qua, uỷ ban nhân dân xã Tiên Phương và huyện Chương Mỹ, Hà Nội vừa huy động 153 người, cùng với số tiền gần 100 triệu đồng để thực hiện cưỡng chế 12,000 con gà của ông Vũ Huy Cường.Các thành phần ở cấp huyện tham gia đi cướp gà của người dân hay còn gọi là cưỡng chế gồm: công an, viên chức phòng Tài nguyên và môi trường, Tư pháp, Tài chính- Kế hoạch, Thanh tra, cai quản Đô thị, Kinh tế, Lao động- Thương binh và xã hội, ban Tiếp công dân, cai quản Thị trường và đô thị, Trung tâm
y tế, Trung tâm Văn hoá thể thao và du lịch. Còn cấp xã thì cũng có đầy đủ tất cả các thành phần đang làm việc trong bộ máy cầm quyền xã.
Tất cả những viên chức đi cướp gà này được hỗ trợ mỗi người 100,000 đồng tiền ăn một bữa trưa. Ngoài ra, nhà cầm quyền xã còn bỏ ra 61,73 triệu đồng lấy từ ngân sách xã để dùng vào việc huy động thực hiện cưỡng chế, và 12 triệu đồng là tiền thuê bắt 12,000 con gà.
Việc thực hiện bắt gà diễn ra trong vòng 2 ngày. Phía Uỷ ban xã Tiên Phương cho rằng, chủ trại gà đã thuê 4,500 m2 đất công ích, nhưng vào tháng 10 năm 2013 đã hết hạn hợp đồng, nhưng mãi đến nay chủ trại gà vẫn không chịu trả đất khiến một số người dân khiếu nại.
Theo báo Tiền phong, vào năm 2004, ông Tống Quang Hải thuê của Uỷ ban xã Tiên Phương 18,475 m2 đất để canh tác trồng trọt lúa, và hoa màu. Trong diện tích đất thuê này có cả khu vực mồ mả. Vào năm 2005, ông Vũ Huy Cường thuê lại của ông Hải. Sau đó, ông Cường bỏ công sức, tiền bạc ra để di dời mồ mả, san bằng đất, và xây dựng nhà xưởng chăn nuôi gà. Năm 2011, gia đình ông Cường ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với Uỷ ban xã với diện tích 4,497 m2. Tính cho đến thời điểm diễn ra buổi cưỡng chế, gia đình ông Cường vẫn nộp thuế đầy đủ cho nhà cầm quyền.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-huy-dong-153-nguoi-di-cuong-che-12000-con-ga/
Đại biểu QHVN muốn làm cho rõ
vụ 9 người ‘đi nhờ máy bay’
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa đưa ý kiến ”cần làm rõ vụ chín người “đi nhờ máy bay” sang Hàn Quốc có tham nhũng hay không tại nghị trường.Lao động xuất khẩu VN vỡ mộng ở xứ người
Hành trình người Việt sang Anh, thiên đường hay địa ngục?
Những người Việt liều chết để vào Anh
Trong cuộc họp về công tác phòng chống tội phạm và hoạt động ngành tư pháp tại Quốc hội ngày 4/11, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, đề xuất rằng ngành kiểm sát cần phải hoạt động ngang tầm nhiệm vụ, và rằng hoạt động tư pháp đang có các ‘khuyết tật’ cần ‘chữa trị’, trong đó có vai trò và vị trí của ngành Kiểm sát nhân dân.
Cụ thể, theo ông Bình Nhưỡng, Viện kiểm sát nhân dân có hai chức năng tối quan trọng là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng hiện đang không làm tốt.
Ông Nhưỡng đề nghị chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông tin về một số vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây, trong đó có vụ chín người ‘bỏ trốn ở lại Hàn Quốc’ sau khi ‘đi nhờ chuyên cơ’ công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng được đưa ra vào thời điểm toàn cầu đang rúng động trước vụ việc 39 người Việt Nam được phát hiện chết trong xe tải đông lạnh tại Anh, làm dấy lên quan ngại về nạn buôn người xuyên quốc gia và trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho dân của chính phủ.
“Vụ chín người lén lút đi nhờ chuyên cơ sang Hàn Quốc có tham nhũng không?” ông Nhưỡng đặt câu hỏi trước Quốc hội.
Chưa công bố danh tính
Vụ việc chín người ‘đi nhờ chuyên cơ’ đã gây xôn xao dư luận một thời gian qua nhưng danh tính của họ tới nay vẫn chưa được công khai.
Vụ việc chỉ được dư luận Việt Nam biết đến sau khi đài MBC của Hàn Quốc hôm 23/9/2019 đưa tin rằng có chín người trong đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam bỏ trốn lại nước này hồi tháng 12/2018.
Theo đó, đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân dẫ đầu, mang theo 162 người, trong đó 20 bộ trưởng và thứ trưởng đi riêng một chuyên cơ của Vietnam Airlines, để tham dự “Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Nam Hàn”, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nam Hàn là ông Moon Hee Sang.
Nhưng sau bốn ngày làm việc tại đây theo lịch trình, trong đoàn trở về Việt Nam không có tên chín người.
Sau đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc Hội Việt Nam nói với báo chí trong nước rằng những người này chỉ ‘đi nhờ’.
Việc chọn doanh nghiệp nào đi, ăn ở ra sao tại Hàn Quốc do Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam chịu trách nhiệm. Chín bộ này đã ‘đề nghị cho đoàn doanh nghiệp đi nhờ chuyên cơ của chủ tịch Quốc Hội,” theo lời ông Phúc.
Những người bỏ trốn không thuộc đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không có visa ngoại giao, vẫn theo lời ông Hạnh Phúc.
Tuy nhiên ông Hạnh Phúc không công bố danh tính chín người này.
Trong khi đó, Bộ Trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì nói với báo chí trong nước rằng đây là sự việc ‘đáng tiếc’ dù rằng bộ đã ‘chọn lọc rất kỹ’ những người được tham dự.
Theo truyền thông Việt Nam, khi chuyên cơ chở bà Ngân chuẩn bị cất cánh thì đoàn phát hiện thiếu chín người nhưng ‘không thể đợi’.
Phía Hàn Quốc thì cho hay ba người đã bị trục xuất nhưng sáu người vẫn còn ở lại Hàn Quốc.
Về giải pháp để tránh các sự việc tương tự trong tương lai, ông Hạnh Phúc nói rằng sẽ không cho đi nhờ chuyên cơ nữa.
Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã đề nghị Bộ Công An phối hợp với các bên liên quan của Hàn Quốc để “tìm, trục xuất những người đang bỏ trốn về Việt Nam, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.”
Mạng xã hội nói gì?
Facebooker Đình Ấm Nguyễnđặt câu hỏi: “Tại sao phải bí mật danh tính 9 người này?” và gọi đây là một ‘vụ buôn người sang trọng”.
“Từ gần một năm nay danh tính chín người “đi nhờ” máy bay chuyên cơ của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trốn ở Hàn Quốc vẫn được giữ kín. Đây là hành vi không thể chấp nhận do vụ này không chỉ sỉ nhục với dân Việt Nam mà còn có khả năng là một vụ buôn người sang trọng.”
“Một người bất kỳ đi máy bay đến bất cứ địa điểm nào nhất là sang Hàn Quốc đều phải có danh tính qua các cửa sau đây:”
- ”Hãng hàng không phải có danh sách tên, số chứng minh thư (hoặc các giấy tờ tương tự) để kiểm soát an toàn bay, mỗi khi không may máy bay bị tai nạn họ có căn cứ để xử lý hậu sự. Bất cứ chuyến bay nào khi thiếu một hành khách đã làm thủ tục cũng không thể khởi hành đến khi tìm ra nguyên nhân sự vắng mặt.”
- ”Trường hợp đi nước ngoài, ngoài danh sách hành khách của hãng Hong Kong thì còn phải qua cửa xuất cảnh của an ninh cửa khẩu. Trong trường hợp này danh sách người đi còn phải qua bộ công an phê duyệt.”
-”Khi đến nước kia (Hàn Quốc) thì tất cả hành khách trên chuyến bay đều có danh sách nhập cảnh vào nước ấy…”
-”Vậy tại sao đến nay mà văn phòng quốc hội, chủ chuyến bay mà không biết ai đi nhờ phương tiện của mình?”
-”Tại sao công an không biết mình đã phê duyệt, cho xuất cảnh những ai xuất cảnh trong chuyến đi đó?”
”Tại sao bộ kế hoạch đầu tư không biết được danh sách những người được mình cho đi?…”
“Đó là sự dối trá quá trắng trợn, xúc phạm dư luận cả nước.”
“… Dù ở trường hợp nào thì đây cũng là một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu bỏ qua vụ này chính là khuyến khích việc trốn đi nước ngoài bất hợp pháp, buôn người của nhà chức trách Việt Nam.”
Facebooker Hương Giang: ”Đa tạ bà Kim Ngân nếu không có bà cho đi nhờ máy bay thì chín người đã chết trong container rồi.”
Facebooker Lê Kiên: ”Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chắc chắn là không muốn để xảy ra sự cố “chín người bỏ trốn”. Sự việc xảy ra khiến họ phải bận tâm, đau đầu.”
“Chín kẻ làm nhục quốc thể này, mặc dù danh tính chưa được công bố, nhưng tôi chắc chắn bọn họ không thuộc loại “hoàng thân quốc thích”; hẳn cũng không thuộc loại doanh nghiệp có “máu mặt”.”
“Danh tính chín kẻ này và đường lên máy bay của chúng cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm người có trách nhiệm trực tiếp trong quá trình tổ chức phục vụ đoàn công tác…”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50299462
3 trong 9 người
“đi nhờ” chuyên cơ bỏ trốn ở Hàn Quốc đã về VN
Thông tin này được thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra ngày 5/11 và được truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.Thứ trưởng Ngọc khẳng định sẽ xử lý theo quy định và thông tin cho báo chí biết sau khi điều tra và phát hiện sai phạm trong vụ việc này.
Trước đó tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào ngày 2/10, báo giới quốc nội cũng đã được thứ trưởng kế hoạch đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết rằng ông đã nhận trách nhiệm trong việc 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc, tuy nhiên ông không thể cung cấp danh sách 9 người này vì “chưa có thẩm quyền”.
Hôm 18/10/2019, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã khẳng định 9 người bỏ trốn lại Hàn Quốc nằm trong đoàn doanh nghiệp VN do Bộ kế hoạch đầu tư lên danh sách, đi dự Diễn đàn đầu tư & thương mại hai nước tại Hàn Quốc.
Ông Phúc đã từng thông tin cụ thể về vụ này với Infonet.vn rằng: “Họ không ở trong đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch quốc hội dẫn đầu sang thăm chính thức Hàn Quốc. 9 người này chỉ đi nhờ chuyên cơ”.
Hơn 10 tháng sau khi phái đoàn ĐBQH Việt Nam, do Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc mới loan tin cho biết 9 trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018.
Tin cho biết, phái đoàn ĐBQH Việt Nam sang Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Ngoài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao là các Bộ trưởng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc 9 thành viên trong đoàn ĐBQH Việt Nam bỏ trốn cho tới khi một người trong số đã bỏ trốn xuất hiện ở sân bay hồi đầu năm 2019 và xin trở về Việt Nam thì vụ việc mới được vỡ lẽ.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khi trả lời phóng viên BBC tiếng Hàn hôm 24/9/2019 cho biết đã xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong chuyến thăm của phái đoàn ĐBQH Việt Nam, có 9 người nhập cư bất hợp pháp, 2 trong số họ đã trở về nước, 7 người vẫn còn đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Như vậy, tính đến ngày 5/11, theo thông tin của thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thì 3 trong số 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc đã về nước, 6 người vẫn còn đang ở lại xứ sở Kim Chi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/3-out-of-9-people-in-na-delegation-of-vn-return-vn-11052019120945.html
Bộ trưởng Công thương bị chất vấn
việc để lọt “đường lưỡi bò”
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên trả lời chất vấn sáng 6 tháng 11 năm 2019, khẳng định, các sản phẩm ô tô nhập khẩu có bản đồ đường lưỡi bò là vi phạm đến chủ quyền an ninh quốc gia.Sự việc liên quan đến chiếc ô tô Volkswagen Touareg CR745J do Công ty TNHH ôtô Thế giới nhập khẩu vào Việt Nam, sử dụng thiết bị định vị vệ tinh có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường với bản đồ có “đường lưỡi bò”. Công ty TNHH ôtô Thế giới đã bàn giao cho Công ty TNHH ôtô VW Việt Nam chiếc xe này để tham dự hội chợ triển lãm ôtô Việt Nam 2019.
Sau khi bị phát hiện, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM gỡ bỏ bản đồ có “đường lưỡi bò” và sung công quỹ chiếc xe này.
Hôm 5 tháng 11 năm 2019, Bộ Công thương ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc bộ và các sở công thương tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động thương mại trên địa bàn do thời gian gần đây có nhiều sản phẩm được bán, trưng bày có hình “đường lưỡi bò”. Bộ này cho rằng sự việc này có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm quy định pháp luật hiện hành.
Cũng trong ngày 5 tháng 11, trong buổi họp báo thường kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lên tiếng cho rằng “Nếu ‘đường lưỡi bò’ phát tán tràn lan ở Việt Nam thì phải suy nghĩ, phải có cảnh giác lưu tâm và trách nhiệm cao hơn”, và “việc ngăn chặn đường lưỡi bò gắn với trách nhiệm của các cơ quan liên quan”.
Ngoài vụ ô tô của Volkswagen với thiết bị định vị có cài phần mềm với đường lưỡi bò như vừa nêu, thêm 7 ô tô hiệu Hanteng xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào cảng Đình Vũ ở Hải Phòng hôm 31 tháng 10 cũng hiển thị bản đồ đường lưỡi bò tại màn hình ứng dụng định vị dẫn đường.
Về số 7 xe này, cục trưởng Cục Điều Tra chống buôn lâụ thuộc Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Hùng Anh, cho biết đang phối hợp với các đơn vị chức năng để làm rõ các dấu hiệu vi phạm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/minister-of-industry-trade-products-with-a-cow-tongue-map-violate-national-sovereignty-11062019070824.html
Bắt trẻ lớp Hai học xác suất – thống kê: Hại não trẻ!
Diễm Thi, RFATheo chương trình giáo dục phổ thông mới thì môn học xác suất – thống kê sẽ được áp dụng cho học sinh từ lớp 2. Việc này đang gây tranh cãi khi nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ lớp hai không thể tiếp thu môn học dành cho người lớn như vậy.
Ép trái non chín sớm
PGS.TS Ngô Hoàng Long, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết môn học xác suất – thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12.
Lý giải về việc này, PGS Long cho biết, ngoài các kỹ năng tư duy cơ bản thì học sinh ngày nay cần phải có kỹ năng tư duy về mặt thống kê và xác suất để vận dụng xử lý, phân tích thông tin. Việc có kiến thức về xác suất, thống kê sẽ giúp học sinh có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
Ông Chế Quốc Long, giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bật cười khi nghe tin này và nói vui rằng chỉ có người điên mới bắt trẻ con học môn này. Ông nói thêm:
“Môn này ngay cả sinh viên đại học còn học rất khó khăn. Với đứa trẻ 7 tuổi, tuổi để chơi chứ đâu phải vùi đầu vô học. Trẻ con hiện nay đã bị ép học quá sức với chương trình nặng nề, quá tải, thiên về nhồi nhét kiến thức, giết chết sáng tạo, làm cho trẻ em không thể suy nghĩ độc lập. Thêm môn học này thì nền giáo dục càng thêm bệ rạc.”
Cô giáo Xuân Mai thì chỉ biết kêu Trời khi nghe thông tin này qua báo chí vì theo cô môn học này rất khó, không phải ai cũng học được, phải là học sinh chuyên toán cấp 3 trở lên mới có thể học được. Cô cho rằng chương trình học bây giờ đã quá nặng, các cháu học ngày học đêm, học thêm, học không ăn không ngủ…bây giờ còn học xác suất thống kê thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần đứa trẻ. Cô nói:
“Học trò lớp hai còn nhỏ lắm làm sao nó học nổi? Môn đó đâu thể dành cho học sinh tiểu học. Cô nghĩ mấy ông việt cộng này muốn giết chết thế hệ trẻ. Nếu học sinh lớp hai bị bắt học như vậy thì các cháu sẽ bị tâm thần hết luôn.”
Ông Nguyễn Đình Ngọc từng tốt nghiệp cao học kinh tế cũng không thể tin vào mắt mình khi đọc thông tin này trên báo chí nhà nước. Theo ông, môn học xác suất – thống kê là một môn học vô cùng khó ngay cả đối với sinh viên đại học. Môn học này có hai phần là xác suất và thống kê. Mục đích của môn học này là để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày; Ứng dụng vào kinh tế để xác định mức độ rủi ro trong đầu tư, kinh doanh. Cao hơn nữa là để phân tích đường lối, dự báo kinh tế cho những chiến lược, kế hoạch dài hạn 10, 20 thậm chí 30 năm cho đất nước … Ông cũng cho rằng trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nếu bị nhồi nhét môn học của người lớn này:
“Tôi không biết những đứa trẻ lớp hai, làm còn chưa thông pháp cộng phép trừ mà được dạy xác suất thống kê thì dạy cái nỗi gì?
Tôi nghĩ đưa môn xác suất – thống kê vào thì các cháu sẽ bị hoảng loạn tâm lý nếu nhẹ, còn nặng thì bị tâm thần.”
Theo ghi nhận của RFA, hầu hết phụ huynh và giáo viên đều cho rằng chương trình học phổ thông của trẻ hiện nay quá nặng khiến đứa trẻ không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà chỉ biết lao đầu vào học đến kiệt sức nhưng kết quả lại không như ý muốn của cha mẹ và thầy cô nên nhiều trẻ có phản ứng rất tiêu cực.
Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011-2015 do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT công bố, mỗi năm, bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì áp lực học tập cũng đang có chiều hướng tăng bởi đứa trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học tập.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong một lần trao đổi với RFA về nền giáo dục hiện nay ở Việt Nam, Tiến sĩ Nghiêm Thuý Hằng, PGĐ trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng Việt Nam hiện nay đang rất cần một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc gia cho công cuộc cải cách giáo dục toàn diện. Muốn thực sự cải cách phải có kế hoạch và tài chính hùng hậu, phải có cái tâm trong sáng, có chính kiến, định hướng rõ ràng và phải “biết lắng nghe”.
Từ sau năm 1975, giáo dục ở Việt Nam đã nhiều lần cải cách với những thay đổi lớn liên quan đến chương trình học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học… khi Chính phủ ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục ở các đợt khác nhau (1998, 2005, 2009); chưa kể những thay đổi ở các bậc học khiến ngành giáo dục càng ngày càng mất cân đối.
Giáo dục Việt Nam bị cho là đang đi lạc đường với bao lần cải cách vì không dựa trên một hệ thống triết lý giáo dục rõ ràng nào.
Ông Nguyễn Đình Ngọc cho rằng:
“Việc đưa môn xác suất thống kê dạy cho trẻ lớp hai thì lại thêm một bằng chứng cho thấy giáo dục ở Việt Nam hiện nay là nền giáo dục phản khoa học, phản giáo dục, phi triết lý.
Những vị chấp bút soạn ra những giáo trình như vậy thì cần phải được xem xét lại xem trình độ của họ có đủ để làm nên một nền giáo dục thực tế không chạy theo những hư danh vô bổ hay không? Tôi nghĩ đây là trách nhiệm rất lớn của Bộ Giáo dục.”
Ông yêu cầu phụ huynh và các giáo viên phải lên tiếng bởi chưa chắc các thầy cô giáo ở bậc tiểu học (lớp 1 đến lớp 5) hiểu được môn học xác suất – thống kê này.
Cô Xuân Mai còn nói: “Xin lỗi chứ ông Bộ trưởng Nhạ chưa chắc học được chứ đừng nói tới mấy cháu.”
Theo nhận định của một số người quan tâm đến tình hình trong nước thì trách nhiệm chính trong việc một nền giáo dục cứ loay hoay trong cải cách như vậy chắc chắc thuộc về các vị lãnh đạo trong Bộ giáo dục, nhưng phụ huynh và giáo viên cũng không thể không chịu trách nhiệm liên quan khi chỉ biết nhắm mắt làm theo mệnh lệnh.
Với việc bắt trẻ lớp hai học môn học xác suất – thống kê, bà Trịnh, một phụ huynh có con nhỏ đang học lớp 1 ở TP.HCM nói với RFA rằng dù đã tốt nghiệp đại học nhưng bà vẫn không hiểu được môn học đó là gì mà chỉ nghe qua thôi. Bây giờ bắt trẻ con học thì buộc bà phải cho con đi học thêm chứ không biết đâu mà chỉ cho cháu, nhưng bà vẫn không lên tiếng với nhà trường hay giáo viên. Bà nói:
“Giờ chỉ có theo thôi chứ lên tiếng sao được? Ở đây là phải chịu vậy thôi. Thường cái gì đề xuất thì mạng xã hội như zalo, facebook quan tâm lên tiếng. Thầy cô giáo, hiệu trưởng cũng thấp cổ bé họng thôi, chỉ có “thằng” trên Bộ soạn sách, bán sách là có quyền.”
Với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, cô giáo Xuân Mai nhận định đứa trẻ phải được dạy dỗ, chăm sóc đúng cách để tư duy phát triển theo lứa tuổi cho nên vì quyền lợi của con trẻ thì phụ huynh phải lên tiếng. Cô nói:
“Không thể để nhà trường muốn làm gì thì làm. Lỗi cũng là do phụ huynh học sinh. Mình phải phản đối chứ. Con em mình đâu phải chuột bạch mà muốn đem ra thí nghiệm thì đem?!”
Ngoài những ý kiến mà RFA nhận được từ các nhà giáo, phụ huynh như đã nêu ở trên, chúng tôi cũng đã ghi nhận có khá nhiều ý kiến phản ứng của các facebookers về đề nghị đưa môn xác suất – thống kê vào lớp 2.
Trích sau đây nguyên cảm thán của facebooker Đỗ Văn Ngà đăng trên trang cá nhân của ông, để khép lại câu chuyện về cải cách “thụt lùi” của ngành giáo dục Việt Nam: “Ép bộ óc non nớt phải gánh vác nhiệm vụ của bộ óc trưởng thành là hình ảnh về phương pháp giáo dục sai. Đấu đá nội bộ là hình ảnh bộ máy quản lý giáo dục nát. Già vô đạo đức và trẻ thiếu hiểu biết là kết quả của ngành giáo dục ấy. Đấy là toàn cảnh của nền giáo dục Việt Nam, không biết bắt đầu từ đâu để sốc lại cho nó đi đúng hướng.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2-grade-child-learnt-probability-n-statistics-killing-the-younger-generation-dt-11052019141711.html
Việt Nam tịch thu xe, ‘rà soát lỗ hổng đường lưỡi bò’
Tổng cục Hải quan Việt Nam nói sẽ tịch thu 7 xe ô tô Hanteng xuất xứ Trung Quốc vì có bản đồ định vị vệ tinh “đường lười bò”.“Người Tuyết bé nhỏ” và “Ròm” – nghịch lý kiểm duyệt ở VN
TQ giận dữ, hủy bản đồ ‘gây tổn hại chủ quyền quốc gia’
Vì sao ‘Đường lưỡi bò’ của TQ nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN?
Các xe này bị phát hiện khi nhập khẩu vào Việt Nam tại cửa khẩu Đình Vũ (Hải Phòng) hôm 31/10.
Việc xe có bản đồ “đường lưỡi bò” bị Việt Nam xem là vi phạm chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục nhập khẩu đối với lô hàng trên là Công ty TNHH ô tô Hoa Mai đặt ở Hải Phòng.
Lô hàng hiện đang bị niêm phong tại cảng Đình Vũ.
Trong một diễn biến tương tự, Việt Nam nói đang xử lý việc hãng xe Volkswagen đã trưng bày chiếc xe ô tô Volkswagen Touareg nhập khẩu có bản đồ đường lưỡi bò.
Việc trưng bày diễn ra tại Hội chợ triển lãm ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show, diễn ra từ ngày 23/10/2019 đến 27/10/2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.
Theo Tổng cục Hải quan, chiếc xe do Công ty TNHH ô tô Thế giới thuê từ đối tác Wolkswagen Group Import Company Limited (Trung Quốc).
Hôm 10/10, hải quan Việt Nam làm thủ tục cho xe sau khi kiểm tra hàng hóa, tuy nhiên, không kiểm tra hệ thống định vị của xe.
Công ty TNHH Ô tô Thế giới đã bàn giao chiếc xe Volkswagen Touareg CR745J cho Công ty TNHH ô tô VW Việt Nam và được Công ty Vận tải Tín Nghĩa vận chuyển đến để tham dự Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn.
Ngày 6/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói tại Quốc hội rằng có lỗ hổng pháp lý mà các bộ cần rà soát, để tránh lặp lại.
“Đường lưỡi bò”, “đường chữ U” hay “đường chín đoạn” là một số cách gọi về yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
“Đường lưỡi bò” ban đầu gồm 11 đoạn nhưng vào năm 1953 đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ.
Theo bản đồ của Trung Quốc, đường lưỡi bò chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.
Chính phủ Việt Nam nói không chấp nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là đường yêu sách để tạo thành vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Tuy nhiên, các ấn phẩm của Trung Quốc có bản đồ ‘đường lưỡi bò’ đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường bất chấp chế độ kiểm duyệt được cho là ‘hà khắc’ ở đây.
Mới đây nhất, một du khách người Việt phát hiện công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist phát cho khách ẩn phẩm du lịch có hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò (đường chín đoạn) mà Trung Quốc tự vẽ và tự tuyên bố vùng chủ quyền trên Biển Đông.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50264235
Phát triển phần mềm
phát hiện bản đồ “đường lưỡi bò”
Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch vừa giao Trung tâm Công nghệ Thông tin của bộ này, xây dựng phần mềm để phát hiện hình ảnh, âm thanh, lời thoại vi phạm về chủ quyền như hình “đường lưỡi bò”.Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết cho báo chí trong nước biết tin này tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/11.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã đã xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng duyệt phim quốc gia, người đứng đầu Cục Điện ảnh về vụ việc “đường lưỡi bò” xuất hiện trong phim hoạt hình “Người tuyết bé nhỏ”.
Ba Trịnh Thị Thủy cho biết thêm, cơ quan chức năng ý thức rằng không chỉ dừng lại ở vụ việc “Người tuyết bé nhỏ” này, mà các hình ảnh vi phạm có thể sẽ tái diễn. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến hoạt động nghệ thuật, du lịch khẩn trương xem xét công tác thẩm định, cấp phép phim.
Ngoài việc kiện toàn lại Hội đồng duyệt phim quốc gia, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đang xem xét mời thêm các chuyên gia hỗ trợ trong việc thẩm định nội dung các ấn phẩm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/developing-software-to-detect-illegal-cow-s-tongue-line-map-11062019074525.html
VN lại đề nghị Facebook hợp tác
về thông tin cá nhân người sử dụng
Facebook lại được phía Việt Nam đề nghị hợp tác gỡ bỏ các thông tin mà Hà Nội cho là xấu độc và bảo vệ thông tin cá nhân người sử dụng, góp phần bảo đảm an nih mạng tại Việt Nam.Truyền thông trong nước vào ngày 6 tháng 11 dẫn phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh tế Trung ương Việt Nam trong buổi tiếp ông Silmon Milner, Phó chủ tịch phụ trách chính sách công khu vực Châu Á- Thái Bình dương của Tập đoàn Facebook.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Facebook phối hợp gỡ bỏ những thông tin mà ông này cho rằng xấu độc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân người sử dụng.
Vào tháng tư vừa qua, tại Diễn đàn Davos, ông Nguyễn Văn Bình cũng có cuộc gặp với tổng giám đốc điều hành của Facebook và đề nghị tập đoàn này hợp tác trong 3 lĩnh vực gồm an ninh mạng, nghiên cứu phát triển và đầu tư.
Về phần mình, ông Silmon Milner được mạng báo Zing dẫn lời là Facebook sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển hệ sinh thái số, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ nữ doanh nhân và cộng đồng start-up Việt Nam.
Từ giữa tháng 8, Bộ Thông tin Truyền thông (TT – TT) Việt Nam cho biết bộ này đang yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam và yêu cầu công ty này phải chia sẻ, cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn các tài khoản mạo danh, xuyên tạc, nói xấu.
Hôm 19/8, truyền thông trong nước đưa tin cho biết đại diện Facebook ở Việt Nam cho biết công ty sẽ gỡ bỏ những tài khoản không sử dụng tên thật và yêu cầu người dùng phải cung cấp danh tính của mình.
Bộ TT – TT Việt Nam cũng cho biết bộ này đã đề nghị Facebook và Google thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác riêng cho Việt Nam để trao đổi các vấn đề còn tồn tại bao gồm: vi phạm nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và khai thuế, mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo luật An Ninh Mạng.
Theo thông tin từ bộ TT – TT, đến thời điểm tháng 8 vừa qua, Google đã ngăn chặn hơn 8000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội; Facebook đã gỡ bỏ 249 trên 257 tài khoản giả mạo, hơn 251 link bài viết bị cho có nội dung chống phá đảng và nhà nước Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-suggests-facebook-to-cooperate-in-personal-data-for-cybersecurity-reason-11062019090254.html
Việt Nam & ghế Chủ tịch ASEAN 2020:
Cơ hội và Thách thức
Hoài Hương-VOAHHội nghị ASEAN + tổ chức tại Thái Lan vừa bế mạc vào đêm 4/11. Dịp này, nước chủ nhà đã chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN lại cho Việt Nam vì năm 2020 là tới lượt Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nhiều người Việt theo dõi hội nghị cấp cao khu vực với hy vọng khối ASEAN sẽ đưa ra một lập trường mạnh mẽ để phản đối những hành động của Bắc Kinh, vi phạm vùng dặc quyền kinh tế của một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhất là sau những gì diễn ra ở bãi Tư Chính. Một số bày tỏ thất vọng vì thông cáo chung chỉ nhắc qua loa tới Biển Đông với những lời lẽ mà nhiều người cho là đã ‘quá nhàm tai’. Hai nhà quan sát chia sẻ quan điểm với VOA-Việt ngữ về hội nghị ASEAN vừa kết thúc, và nhận định về những khó khăn cũng như những cơ hội thuận lợi mà Việt Nam có thể nắm bắt trong cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát và đoàn tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cản trở các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam đã gây phẫn nộ trong công chúng, và khiến nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam lần đầu tiên chính thức lên tiếng phản đối. Thế mà bản thông cáo chung 18 điểm của ASEAN và Trung Quốc chỉ lặp lại những điều mà ai cũng đã nghe qua nhiều lần, như: “hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải bên trong và bên ngoài Biển Đông”, và thông cáo nhấn mạnh
tới việc “tăng cường niềm tin, sự tin tưởng lẫn nhau”, các bên phải “tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình…”
VOA-Việt ngữ tìm hiểu ý kiến của các nhà quan sát tình hình Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy từng giảng dạy tại Đại học Paris 7, nói:
“Tôi không ngạc nhiên là cái thông cáo chung của ‘ASEAN không nhắc gì tới Biển Đông. Hơn 10 năm qua, Trung Quốc luôn luôn tìm mọi cách để áp lực các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, để họ không bao giờ có một tiếng nói chung tại vì nếu có tuyên bố chung mạnh mẽ thì Trung Quốc không thể áp đặt cái đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò đó.”
“…Tôi thấy Việt Nam cứ mở cửa hí hí, hé ra chút xíu để mà được giúp đỡ mà thôi. Sự thành tâm không có thành ra các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả Ấn Độ nữa nó cũng chừng mực thôi.”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Paris
Tiến sĩ Huy nói trong 10 nước ASEAN, phần lớn vẫn là các chế độ chuyên chế, và các nước này dễ bị Trung Quốc chi phối.
“Đối với các chế độ chuyên chế thì rất là giản dị, chỉ cần mua chuộc cấp lãnh đạo cao cấp nhất. Trung Quốc lấy đồng tiền ra để làm áp lực với lãnh đạo các quốc gia đó để chống lại Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền bãi Tư Chính.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, nhận định:
“Tổ chức ASEAN là chỗ để nói chuyện thôi, cho nên nếu một hay hai bên không đồng ý thì cả nhóm khó mà lên tiếng mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ lần này các thành viên của ASEAN cũng thấy Trung Quốc đã quá lố, không những ăn hiếp Việt Nam, mà còn ăn hiếp cà Malaysia và Philippines. Hai nước này bây giờ cũng tỏ ý rất lo ngại, mặc dù họ không nói thẳng ra. ”
“Việt Nam nên vận động mạnh hơn. Đằng nào Trung Quốc cũng đã gây rối hết sức rồi, Việt Nam mà không la làng, không vận động thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ rất là khó khăn.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nêu bật một điểm sáng của hội nghị ASEAN năm nay, đó là lập trường dứt khoát và những lời lên án thẳng thắn của Mỹ về hành động hiếp đáp của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng nhỏ hơn trên Biển Đông.
“Tôi chưa bao giờ thấy Mỹ nói thẳng như vậy. Mặc dù ông Trump không đến nhưng tiếng nói của Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng còn mạnh hơn. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ giúp một số nước trong khu vực thấy rằng bất chấp những khó khăn về nội bộ, giữa quốc hội và Nhà Trắng vv… nhưng lợi ích về xa về dài của Mỹ, đặc biệt về vấn đề an ninh, thì Mỹ vẫn lên tiếng mạnh mẽ. Tôi cho đây là một cái đà để Việt Nam khi làm Chủ tịch ASEAN trong năm tới, Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh hơn.”
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội ngàn năm, đến rất đúng lúc khi đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2020, và mặt khác trở thành thành viên (không thường trực) của Hội đồng Bảo an LHQ. Vậy Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội hiếm có để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích quốc gia đang bị Trung Quốc đe dọa?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy: “Chính quyền cộng sản Việt Nam từ trước tới nay luôn luôn có sự gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc. Việt Nam mà muốn tận dụng cơ hội này để vận động thì phải thật tâm mở cửa đối với Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Tôi thấy Việt Nam cứ mở cửa hí hí, hé ra chút xíu để mà được giúp đỡ hay ủng hộ nào đó mà thôi. Sự thành tâm không có thành ra các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản họ thấy Việt Nam không thành tâm, cho nên sự giúp đỡ của họ và cả Ấn Độ nữa nó cũng chừng mực mà thôi.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long thì cho rằng Việt Nam không có gì để mất trong tình hình hiện tại và vì vậy, Việt Nam nên mạnh dạn tận dụng dịp này để vận động quốc tế ủng hộ.
“Tôi nghĩ Việt Nam nên vận động mạnh hơn. Đằng nào Trung Quốc cũng đã gây rối hết sức rồi, Việt Nam mà không la làng, không vận động thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ rất là khó khăn.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói như những gì xảy ra ở bãi Tư Chính đã chứng minh rằng cả các nước ngoài ASEAN như Mỹ và EU, cũng sẽ ủng hộ, nếu Việt Nam có phản ứng quyết liệt và rõ ràng để tố cáo các hành vi ‘cá lớn nuốt cá bé’ của Bắc Kinh.
Giáo sư Long nói trong cương vị Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam nên tăng cường các nỗ lực vận động để được thế giới chống lưng.
“Sang năm Việt Nam ở trong một vị thế rất tốt. Tôi nghĩ Việt Nam nên vận động không những các thành viên trong Hội đồng Bảo an, mà Việt Nam cũng nên đến gặp các nước trong Liên Hiệp Quốc để vận động.”
Trong quá khứ Hà nội đôi khi tỏ ra quá thận trọng, quá rụt rè do dự và do đó rơi vào tình trạng cô lập trên trường quốc tế và ngay cả ở trong nước, khi những người biểu tình phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc bị đàn áp, có người bị bỏ tù. Việt Nam cần làm gì để vận động sự ủng hộ ở trong nước cũng như trên trường quốc tế để tránh bị cô lập trước Trung Quốc?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: “Phải để cho báo chí, phải để cho trí thức nói ra những vấn đề mà Việt Nam phải đối phó thì thế giới mới biết. Đàn áp dân chúng, không cho dân chúng và trí thức có tiếng nói thì sẽ có hại về lâu về dài cho đất nước.”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy:
“Đây là cơ hội để Việt Nam tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ, nhưng mà tôi thấy Việt Nam vẫn dùng chính sách đi nước đôi và không dám có một thái độ rõ ràng thành ra tôi nghĩ rằng trong năm 2020 sắp tới thì tình hình cũng sẽ không thay đổi bao nhiêu.”
Tiến sĩ Huy nói trong khi dân thực sự muốn thoát Trung, thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đi hàng hai.
“Người trong nước thì rất muốn Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc để xích lại gần với Mỹ, nhưng mà Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn như vậy. Sự giằng co này nó sẽ còn kéo dài trong suốt năm 2020.”
Trong các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam có lẽ là nước chịu nhiều thiệt thòi nhất vì tham vọng bành trướng của nước láng giềng phương Bắc. Trong khi Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy tỏ ra bi quan về tương lai Biển Đông vỉ hoài nghi thực tâm của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc, thì Giáo sư Ngô Vĩnh Long bày tỏ lạc quan, nói rằng nến nhìn lại lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, Ông nói với vị thế trên trường quốc tế hiện nay, Việt Nam ngày nay không có lý do gì để nhượng bộ Trung Quốc hơn so với các bậc tiền nhân trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, và người Việt Nam phải tận dụng vị thế đặc biệt thuận lợi trong năm tới để tranh thủ sự hậu thuẫn của thế giới. Ông nói trong năm tới, Việt Nam phải tận dụng vị thế Chủ tịch ASEAN và tư cách thành viên của Hội đồng Bảo an để bảo vệ các lợi ích quốc gia trong cuộc đọ sức bất cân xứng với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc.
VOA-Việt ngữ xin chân thành cảm tạ Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Maine, và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy từ Paris đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-ghe-chu-tich-asean-2020-co-hoi-thach-thuc/5153610.html
Việt Nam cân nhắc
việc kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung hôm 6/11 cho biết Việt Nam cân nhắc các biện pháp giải quyết căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong đó có cơ chế trọng tài và kiện.Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu điều này tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 do Học Viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinhd đã gia tăng trong khoảng 4 tháng qua sau khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh, dân binh, và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí lâu dài của Việt Nam.
Nói về các biện pháp giải quyết căng thẳng, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói:
“Chúng tôi biết rằng các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện”.
“Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này”, ông Trung nói tiếp.
Biển Đông là khu vực biển được cho là rất giàu nguồn tài nguyên dầu khí. Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này với đường đứt khúc 9 đoạn đòi chủ quyền lịch sử tới khoảng 90% diện tích vùng nước. Các nước khác cũng đòi chủ quyền tại khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế, yêu cầu tòa giải thích những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh.
Phán quyết năm 2016 của tòa đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra. Tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này.
Kể từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7, khi Trung Quốc điều các tàu vào vùng biển Việt Nam, nhiều chuyên gia trong và ngoài Việt Nam đã kêu gọi Hà Nội nên cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ở New York hôm 28/10, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc nhưng cũng đã nhắc tới biện pháp kiện ra tòa.
Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, hội thảo Biển Đông lần thứ 11 được tổ chức, với sự tham gia của hơn 50 diễn giả và khoảng 250 quan chức, học giả và nhà ngoại giao từ Việt Nam và nước ngoài.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc hội thảo, nhận định đây là cơ hội cho các luật sư trong và ngoài nước chia sẻ các biện pháp để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Hội Luật gia Việt Nam đang có tiếng nói ngày một quan trọng trong các vấn đề an ninh, bao gồm cả vấn đề Biển Đông, ông Quyền nói.
Giám đốc Học Viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng cho biết, kể từ khi hội thảo Biển Đông được bắt đầu 10 năm về trước, đến nay hội thảo đã trở thành một sự kiện quan trọng về Biển Đông, nơi các chuyên gia, học giả quan tâm đến vấn đề an ninh biển và Biển Đông chia sẻ thông tin và ý tưởng.
Hội thảo đã nhận được hơn 350 báo cáo từ các chuyên gia và học giả, chào đón hơn 2000 đại diện, ông Tùng cho biết.
Cũng tại hội thảo lần này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, vào tuần tới Việt Nam, Canada và EU sẽ phối hợp tổ chức một hội thảo về việc thực thi UNCLOS và các vấn đề biển mới nổi trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-mulls-legal-action-over-scs-dispute-11062019075738.html
Xã hội dân sự tác động
đến quá trình thực thi EVFTA qua cơ chế nào?
Tử Dương“Công đoạn thực thi EVFTA, có thể bắt đầu từ tháng 06/2020, sẽ quyết định liệu hiệp định này chỉ phục vụ các đại gia kinh tế, hay còn đem lại lợi ích cho cả những người dân bình thường. Chương 13 của EVFTA, xoay quanh ‘Thương mại và Phát triển Bền vững’, có các cơ chế để báo chí và xã hội dân sự Việt Nam tác động vào quá trình thực thi Hiệp định”.
Đó là thông điệp mà ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện Châu Âu (INTA), đưa ra trong buổi Tọa đàm “Cập nhật EVFTA I”, do Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển (IPS), Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và Viện Friedrich Ebert Stifung (FES) đồng tổ chức tại Hà Nội sáng 01/11/2019.
EVFTA có thể được phê chuẩn vào tháng 02/2020
Mới đây, ông Lange và phái đoàn INTA đã có chuyến công tác tới Hà Nội, nhằm đánh giá sự chuẩn bị của Việt Nam với việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Hai bên đã trao đổi nhằm thống nhất cách hiểu về một số vấn đề còn chưa được làm rõ trong Chương 13 của Hiệp định, xoay quanh “Thương mại và Phát triển Bền vững”.
Sau đó, Nghị viện Châu Âu (EP) sẽ tiếp tục thảo luận về Hiệp định vào ngày 06/11, trước khi bỏ phiếu vào ngày 31/01/2020. Nếu đủ phiếu thuận, EP sẽ phê chuẩn Hiệp định vào tháng 02/2020, mở đường cho Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định vào tháng 5, để EVFTA có hiệu lực từ tháng 6.
Lange cho biết ông “lạc quan” về khả năng phê chuẩn EVFTA, vì Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong cả 2 vấn đề chính của Chương 13, là quyền lao động và môi trường.
Cụ thể, về quyền lao động, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), xoay quanh việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Hai bên cũng đã thống nhất rằng Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn Công ước số 87 – Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức, và Công ước số 105 – Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức. Lange cho rằng việc Việt Nam bỏ phiếu thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 11 sẽ mở đường cho việc phê chuẩn hai công ước cơ bản còn lại của ILO, tạo một bước tiến lớn để thuyết phục EP thông qua EVFTA.
Về lĩnh vực môi trường, Việt Nam là một trong những nước mà EU có thể sớm thảo luận về vấn đề quản lý rừng bền vững, trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu.
Tuy nhiên, vì chỉ còn 3 tháng trước thời điểm bỏ phiếu về Hiệp định, ông Lange cho rằng quá trình trao đổi sẽ “khá gai góc”.
Xã hội dân sự tác động đến quá trình thực thi EVFTA qua cơ chế nào?
Trong buổi hội thảo, ông Bernd Lange cho biết quá trình thực thi EVFTA, có thể bắt đầu sau tháng 06/2020, mới là khâu quyết định liệu Hiệp định có hay không đem lại lợi ích cho những người dân bình thường. Chương 13 của EVFTA đã tạo ra một cơ chế giúp xã hội dân sự tác động vào quá trình thực thi Hiệp định, là “Nhóm Tư vấn Trong nước” (Domestic Advisory Group – DAG).
Theo đó, DAG là một hội đồng gồm đại diện của các tổ chức dân sự độc lập, nhóm họp để giám sát, tư vấn cho chính phủ về quá trình thực thi EVFTA. Báo cáo của DAG được công bố công khai sau khi trình lên Ủy ban chuyên trách về Thương mại và Phát triển Bền vững. Việt Nam và EU sẽ tự quyết định thủ tục để thành lập DAG, và bổ nhiệm thành viên cho DAG của mỗi bên. DAG của hai bên sẽ gặp nhau mỗi năm một lần để đối thoại.
Ông Lange cho rằng các tổ chức dân sự ở Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ chế DAG để tham gia vào quá trình thực hiện Chương 13 EVFTA. Việt Nam có thể tham khảo trường hợp của Canada, nơi DAG đã tích cực thúc đẩy việc giảm thiểu nhiệt điện than, và việc áp chế tài cụ thể cho các vi phạm.
Trong 5 năm tới, EU sẽ không ký thêm nhiều FTA, để tập trung vào việc giám sát thực hiện các FTA mới ký.
Cuối buổi tọa đàm, ban tổ chức đã khởi động Chương trình Hỗ trợ báo chí viết về EVFTA. Theo đó, IPS, CDI và FES sẽ thành lập nhóm tư vấn, hỗ trợ phóng viên khai thác tuyến đề tài liên quan đến thương mại và phát triển bền vững. Nếu đề tài được duyệt, phóng viên sẽ được hỗ trợ kinh phí để gặp gỡ người lao động và các tổ chức công đoàn, nhằm hoàn thành loạt bài viết.
Những trở ngại trong thực tế và giải pháp
Đa số các tổ chức dân sự Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ chế DAG, do chính quyền là bên quyết định danh sách thành viên của nhóm tư vấn này, cũng như cấp kinh phí cho nó hoạt động. Dù vậy, người viết cho rằng xã hội dân sự vẫn có thể tận dụng DAG để giám sát quá trình thực thi Chương 13 EVFTA, thông qua hai phương thức.
Một, là cung cấp thông tin về các vụ vi phạm cho DAG của EU.
Hai, là tác động đến các quyết định của DAG của Việt Nam bằng dư luận.
Ngoài ra, cũng nên khuyến khích DAG của Việt Nam tổ chức các cuộc thảo luận mở, cho phép nhiều bên tham gia, để cơ chế DAG nằm trong tầm với của xã hội dân sự.
Phụ lục 1 – Một số thông tin bổ sung:
- Link sự kiện:
https://www.facebook.com/events/968397890175170
- Thông tin và ảnh chụp của FES về buổi tọa đàm:
https://www.facebook.com/FriedrichEbertStiftung.Vietnam/posts/2768081063231624?__tn__=-R
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/how-civil-society-can-influence-evfta-implementation-11062019101739.html
0 comments