Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 05/11/2019

Tuesday, November 5, 2019 8:02:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 05/11/2019

Chỉ vì có ý định tham giam biểu tình,

4 công dân Đồng Nai có thể bị tù nhiều năm

Tin từ Đồng Nai, ngày 05/11/2019: Nhà cầm quyền cộng sản có kế hoạch tổ chức phiên toà vào ngày 07/11 để xét xử 4 công dân địa phương với tội danh “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự chỉ vì họ có ý định tham gia biểu tình trong dịp tháng Tư năm nay.
Các ông Võ Thường Trung, Đoàn Viết Hoan, Nguyễn Đình Khuê và Ngô Xuân Thành có nguy cơ bị kết án từ 7 đến 15 năm tù giam nếu Toà án cộng sản tỉnh Đồng Nai cho rằng họ có tội.
Cả 4 ông bị bắt trong tháng Tư vừa qua, và bị cho là nghe lời kêu gọi của người Mỹ gốc Việt Lisa Phạm để chuẩn bị biểu tình phản đối cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam.
Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, ông được gia đình của Nguyễn Đình Khuê thuê để bào chữa. Nhưng cho đến ngày 05/11, ông vẫn chưa được gặp thân chủ để chuẩn bị bản bào chữa, và ông cũng chưa nhận được giấy mời của toà để tham dự phiên toà. Ông Miếng đề nghị hoãn phiên toà nhưng thư ký toà từ chối nhận đơn của ông.
Trong khi đó, luật sư Đặng Đình Mạnh được gia đình Đoàn Viết Hoan mời bào chữa nhưng toà không cấp giấy phép cho luật sư vì chưa có chữ ký của đương sự. Hai người còn lại chưa có luật sư.
Bộ công an trì hoãn việc xây dựng dự luật biểu tình, coi mọi hoạt động biểu tình là vi phạm pháp luật, người tham gia biểu tình thường bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” hoặc “phá rối an ninh.” Trong các cuộc biểu tình dịp 10/6/2018, nhà cầm quyền ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận.. đã bắt giữ hàng trăm người, đánh đập họ và kết án hơn 100 người về tội danh thứ nhất với mức án từ 8 tháng đến 54 tháng. Gần 3 tháng sau đó, hàng chục người bị bắt giữ khi chưa thực hiện biểu tình và nhiều trong số họ vẫn đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc thứ hai.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/chi-vi-co-y-dinh-tham-giam-bieu-tinh-4-cong-dan-dong-nai-co-the-bi-tu-nhieu-nam/

Chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh Khánh Hòa

bị cách các chức vụ trong đảng

Quyết định thi hành kỷ luật chủ tịch tỉnh Khánh Hòa –Lê Đức Vinh & nguyên chủ tịch tỉnh Khánh Hòa được Ban bí thư công bố trong ngày 5/11 với lý do ông Vinh, ông Thắng đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn đất đai, tài sản, ngân sách nhà nước.
Ông Lê Đức Vinh và ông Nguyễn Chiến Thắng đã trực tiếp ký các văn bản của ban cán sự đảng ủy UBND tỉnh Khánh Hòa về đất đai, đầu tư xây dựng các dự án, vi phạm nghiêm trọng các quy định của đảng, pháp luật nhà nước.
Ngoài ra, ông Đào Công Thiên, tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ và ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong đảng.
Theo Ban bí thư, ban thường vụ tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020 và ban cán sự đảng ủy UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc.
Ban thường vụ thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát lãng phí tài nguyên đất, tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.
Với tính chất, mức độ vi phạm như trên, ngoài việc kỷ luật Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban bí thứ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ban thường vụ tỉnh ủy; cảnh cáo ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa.
Cũng trong ngày, Ban bí thư thi hành kỷ luật một số cán bộ ở các tỉnh Khánh Hòa, Hòa Bình, Hà Giang và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chairman-former-chairman-khanh-hoa-province-disciplined-11052019084808.html

Cập nhật vụ 39 người chết

trong xe container ở Anh Quốc

Trung tướng Lương Tam Quang ngày 5/11 cho biết hiện bộ Công an đã có danh sách nạn nhân nhưng có thể sẽ không công bố toàn bộ vì lý do nhân đạo, do đó bộ Công an sẽ thông báo đến từng địa phương và gia đình nạn nhân.
Ông Quang cho truyền thông trong nước biết vào cùng ngày là theo luật pháp của Anh, mỗi ngày chỉ xác định một số nạn nhân nhất định (khoảng 10 người), sau đó thẩm phán mới là người ra quyết định chứng tử, công bố danh tính nạn nhân. Sau khi xác định chính xác danh tính nạn nhân và được thẩm phán của tòa án Anh ra phán quyết thì Việt Nam sẽ đưa nạn nhân về nước.
Đến ngày 5/11, trung tướng Lương Tam Quang vẫn chưa thể khẳng định có chính xác 39 người chết trong container ở Anh, tất cả, là người Việt Nam hay không, tuy nhiên ông khẳng định chắc chắn có nạn nhân người Việt nhưng bao nhiêu người thì phải chờ kết quả.
Hiện Việt Nam đã gửi qua điện tử các dấu vết đường vân tay, đặc điểm nhận dạng, sinh trắc học và DNA đến cảnh sát Anh.
Trong một diễn biến khác xảy ra vào chiều 4/11, giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết, công an tỉnh này đã bắt thêm một người liên quan đến việc đưa người đi nước ngoài nghi là nạn nhân trong vụ 39 người chết. Như vậy, tính đến hôm nay (5/11) đã có 9 người bị công an Nghệ An bắt giữ khẩn cấp.
Ông Cầu cho biết hiện chưa khởi tố bị can nhưng đã khởi tố vụ án, khi có đủ căn cứ khai nhận thực hiện hành vi phạm tội sẽ khởi tố bị can.
Trước đó, ngày 3/11 Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 8 người  liên quan đến đường dây đưa người ra nước ngoài. Tuy vậy, theo tướng Cầu, tám người bị bắt trong vụ việc này đã phủ nhận họ nằm trong đường dây đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép.
Ông Cầu cũng thừa nhận, trong số 8 người bị bắt trong ngày 4/11 có hai trường hợp vợ chồng mà chồng ở Nga, vợ ở Nghệ An, sau đó tổ chức đưa người từ Nghệ An sang Nga rồi từ Nga sang Đức và đi tiếp nước thứ 3.
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra vào sáng 5/11 lại gửi lời chia buồn đến thân nhân, gia đình các nạn nhân trong vụ 39 người thiệt mạng trên xe tải vào Anh và nhấn mạnh “chúng ta cố gắng làm hết sức mình trong công tác bảo hộ công dân”.
Ông Phúc yêu cầu Văn phòng Chính phủ ban hành ý kiến chỉ đạo của thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra, làm rõ, có biện pháp cần thiết phối hợp với nhà chức trách Anh để xử lý vụ việc.
Thủ tướng chính phủ Hà Nội cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ xử lý và động viên thân nhân của nạn nhân.
Trong cùng ngày, thứ trưởng bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã làm việc với đại diện Bộ Nội vụ Anh, cảnh sát hạt Essex. Ông cũng ký sổ tang, đặt hoa tưởng niện 39 nạn nhân tử vong tại hạt Essex, đông bắc London, Anh.
Thứ trưởng Dũng đã chỉ đạo Đại sứ quán VN tại Anh phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, chủ động chuẩn bị phương án để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-39-lorry-deaths-in-england-11052019074705.html

Từ Việt Nam nhập lậu Anh bằng vé VIP

& cái giá phải trả…

Thanh Trúc, RFA
VIP cũng có năm- bảy đường
Mặc dù 8 trong số 9 người không thừa nhận họ nằm trong đường dây đưa người sang Anh “chui” nhưng thông tin mới nhất từ giám đốc công an tỉnh Nghệ An thì trong đường dây đưa người ra nước ngoài đã xuất hiện thêm “lộ trình” mới, đó là từ Việt Nam sang Nga, rồi từ Nga sang Đức sau đó đi nước thứ 3.
Hôm 4 tháng Mười Một, giám đốc công an Nghệ An, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, nói với báo chí trong nước là nếu nói nhà chức trách địa phương chỉ chạy theo vụ việc là không đúng bởi trước giờ công an Nghệ An đã khởi tố nhiều vụ vụ đưa người đi nước ngoài trái phép, trong đó có những vụ đến 400 người dính líu.
Tin này cũng được  một người viết báo ở Nghệ An, yêu cầu đưa tên tắt là NT, xác nhận với đài Á Châu Tự Do, rằng 8 người bị bắt là dân Nghệ An cũng có mà ngoài địa phương cũng có. Điều quan trọng mà nhà báo này, cũng là cư dân Nghệ An cho biết cũng có người thân nhập lậu vào Anh, từ vụ 39 thi thể chết cóng trên xe tải đang chờ xác minh xem có phải toàn bộ là người Việt hay không, đường dây VIP đưa người bất hợp pháp sang Anh bắt đầu lộ diện:
Cũng dăm bảy năm nay rồi chứ không đơn giản đâu, nó có đường dây nó bay cả kêu là đường dây VIP, cứ rải rác thấy nhiều lắm, đường dây nó ma mách lắm.
Đầu tiên là mang tính chất du lịch, qua một nước nào đó rồi chờ đợi để tiếp tục đi nước khác nữa. Gia đình thì phải bán trâu bán bò, vay mượn ngân hàng, cắm nhà cắp đất để mà đi thôi, coi như đi chui sang Anh và các nước Âu Châu đấy.
Ngay khi có tin 39 thi thể chết cóng được phát hiện trên một xe tải đông lạnh chạy vào Anh quốc, hãng tin Reuters đã phỏng vấn được thân mẫu của nạn nhân Hoàng Văn Tiệp, 18 tuổi, một trong số 39 người xấu số. Mẹ của nạn nhân Hoàng Văn Tiệp nói rằng con trai bà đi theo đường VIP:
Do con mình bị mắc lừa, bị tin tưởng là họ đưa con đi VIP chứ cũng không phải là họ đưa con đi xe tải. Nếu có đi xe tải mà biết ri thì không cho con đi, cứ giữ con ở lại mà không đi xoay sở tiền thôi thì con không đi được.
Từ nước Đức, nhà báo Lê Trung Khoa nói thêm về đường dây chui gọi tên là VIP này:
Tôi cũng vừa tiếp xúc với một người đi theo đườntg VIP đó, họ được bố trí như người đi làm công tác ở nước ngoài, ví dụ ở Hungary hay một số nước mà rất dễ vào. Với visa nhập vào nước đó thì cuối cùng họ ở lại luôn, sau đó họ đổi giấy tờ tùy thân, biến thanh người có nhân thân khác, hộ chiếu khác rồi ở lại làm giấy tờ xin tị nạn ở Châu Âu. Đấy là kiểu đi VIP mà không phải lội rừng, tất nhiên đi kiểu đấy thì khá đắt và tôi đã gặp nhiều người như thế.
Đi VIP vẫn ngồi “xe thùng”
Từ tháng Ba 2019,  một bản phúc trình có tên Precarious Journey, Hành Trình Gian Khổ, cho thấy số phận bi thảm của những người tìm đường sang Anh và Âu Châu, những bấp bênh gian khổ của người lao động bất hợp pháp ở nước ngoài như thế nào.
Đây là phúc trình có sự đóng góp phối hợp giữa ECPAT UK – tổ chức chuyên hỗ trợ làm việc với nạn nhân buôn người, cùng với  Anti Slavery International Quốc Tế Phòng Chống Nô Lệ và và Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, đã hoạt động ở Việt Nam gần 2 thập niên qua. Bà Diệp Vương, chủ tịch Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, cho hay đường dây VIP là đường đi đã có hồi giờ chứ không phải gần đây
mới có. Lại nữa, vẫn theo lời bà Diệp Vương, dù có đi VIP thì vẫn phải ngồi xe thùng, xe tải hay container để vào Anh:
Thay vì vượt đường rừng, đi đường qua các nước, vừa đi vừa phải làm dần dần để kiếm tiền, có nhiều khi phải ở lại Nga làm cả năm chẳng hạn, những đường dây đó thì rủi ro hơn nhiều rồi mới tới Anh được.
Đường dây VIP có nghĩa là đi thẳng và nhanh hơn một, hai hay ba tuần gì đó, có nghĩa là đi có passport giả, đi thẳng tới một nước Đông Âu rồi từ đó đương nhiên đi đường bộ qua tới Pháp, từ bên Pháp thì cũng sẽ ngồi container đi vào Anh từ những ngõ khác nhau.
Vấn đề ở đây, đường dây VIP mà 39 người này phải trả một số tiền  11.000 Đô La để có một  ghế trong cuộc đánh cược với từ thần này. Mười một ngàn Đô La này là cái giá ticket VIP từ quãng đường qua Anh thôi, chứ còn tổng số tiền đi từ Việt Nam qua Anh thì khoản chừng 30.000 Bảng Anh tức 40.000 Đô La.
Thực tế chưa có con số chính xác về số lượng người Việt nhập cư trái phép vào Anh bao năm qua. Tuy nhiên, theo ước tính của Salvation Army chi nhánh Anh Quốc, số liệu mới nhất về người Việt nhập cư trái phép vào Anh từ tháng Bảy 2018 đến tháng Bảy 2019, mà Salvation Army tiếp cận được,  đã tăng kỷ lục ở mức 248% so với những năm trước đó.
Về phía ECPAT UK, giám đốc Debbie Biddle của tổ chức này cho biết phần lớn người Việt nhập cư bất hợp pháp được chuyển sang Anh trên những xe tải tương tự như chiếc xe thùng với 39 người chết cóng hôm 23 tháng Mười. Bà nói thêm rằng qua tìm hiểu thì hầu hết người nhập cư lậu đều nói dù đi bằng cách nào thì đó cũng là trải nghiệm kinh hoàng nhất trong đời họ.
Người cầm đầu ở đâu?
Về phía chính quyền Việt Nam, hôm 3/11, Giám đốc Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết, người Việt Nam chỉ là môi giới và người bên Anh mới chính là trực tiếp cho người nhập lậu ở lại nước này trái phép.  Nhà báo Lê Trung Khoa nhận định:
Đây là nhiều đường dây khác nhau chứ không phải một đường dây. Việc bắt 7 hay 8 hay hàng chục người ở Việt Nam cũng chưa giải quyết được vấn đề, cái không hiện ra thì chúng ta không thấy nhưng trước nay đã nghìn người hoặc thậm chí hàng chục nghìn người. Đường dây đấy phải rất lớn và hàng chục đường khác chồng chéo lên nhau.
“Tôi nghĩ đường dây môi giới đứng đầu ở đâu thì cũng chưa chắc gì họ có người cầm đầu ở Anh mà có thể người cầm đầu ở Nga hay ở Đức chẳng hạn. Cả một đường dây dài như thế này mà tìm biết người cầm đầu ở đâu là chuyện không đơn giản chút nào hết”, Chủ tịch Diệp Vương. 
Dưới mắt chủ tịch Diệp Vương của Vòng Tay Thái Bình, đây là công việc cực kỳ khó khăn, nhưng quan trọng phải tìm hiểu là tiền từ những thương vụ bạc tỷ đưa người đi này lọt vào tay ai:
Những số tiền này nhận như thế nào, trả như thế nào, chuyển như thế nào để đi ra khỏi Việt Nam, khi mở rộng điều tra người ta sẽ biết được rất nhiều người khác dính vào.
Tôi nghĩ đường dây môi giới đứng đầu ở đâu thì cũng chưa chắc gì họ có người cầm đầu ở Anh mà có thể người cầm đầu ở Nga hay ở Đức chẳng hạn. Cả một đường dây dài như thế này mà tìm biết người cầm đầu ở đâu là chuyện không đơn giản chút nào hết.
Từ lúc vụ việc 39 người tử vong trong container đông lạnh nhập lậu vào Anh, được phát hiện ngày 23 tháng Mười đến nay, Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành tâm điểm chú ý của dư luận vì gần như huyện nào, xã nào cũng có người dính vào đường dây đi “chui” sang Anh. Nhà báo NT cho biết nhiều xã như Đô Thành, Hoa Thành, Sơn Thành, Yên Thành ở Nghệ An, rồi huyện Can Lộc- Hà Tĩnh, đều có người nhà  đi Anh hết.
Đi vài tháng coi như có một trăm hay hai ba trăm triệu gởi về làm nhà làm cửa, tậu sắm các thứ là lên đời rồi. Đây là cái áp lực, người đi hai năm, lâu lắm là 3 năm, gởi tiền về xây nhà cao tầng. Ở Nghệ An này xã nào giàu bằng xã Đô Thành, tiền nước ngoài gởi về cả. Cho nên họ nhắm mắt họ đi, nhiều đợt chớ không phải một đâu. Ở nhà thì công ăn việc làm bèo bọt, chỉ 5 hay 7 triệu bạc thì không thể ngóc đầu lên được. Bây giờ vỡ chuyện ra thì muốn mất rồi.
Trả lời phỏng vấn với báo điện tử Zing.VN trong nước, giám đốc vận động chính sách của Vòng Tay Thái Bình, nói rằng các di dân Việt Nam, nhập cư lậu và bị bắt ở khu vực Pháp giáp giới Anh, khi được cảnh sát thẩm vấn đều chỉ có một câu trả lời là “ra đi vì muốn đổi đời, muốn có một tương lai tốt đẹp hơn”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/from-vietnam-traveling-to-england-illegal-by-vip-and-its-result-11052019102139.html

Vụ 39 người chết ở Anh: Tranh cãi về trách nhiệm

Chuyện trách nhiệm một lần nữa lại được báo chí Việt Nam đề cập, lần này liên quan đến trách nhiệm trong tấn thảm kịch 39 người tử nạn ở Anh.
Thánh lễ đặc biệt ở London cầu nguyện cho 39 nạn nhân
Vụ 39 người Việt chết: Trách nhiệm là của chính quyền?
Vụ 39 thi thể là người Việt Nam tìm thấy trong một chiếc container ở hạt Essex, Anh, tiếp tục nằm trong tâm điểm quan tâm của dư luận xã hội.
Sau lời chia buồn của các chính trị gia Việt Nam, các đoàn của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an nước này đã sang Anh để phối hợp với cơ quan chức năng nước này xác minh danh tính các nạn nhân.
Trong khi đó, truyền thông Việt Nam đã lên tiếng nhằm định hướng… trách nhiệm.
Có phải thời điểm thích hợp?
Đưa lậu người Việt: Điều tra băng đảng thứ hai
Vụ 39 người chết: Truyền thông quốc tế nói gì?
Những người Việt liều chết để vào Anh
Báo Nhân dân trong bài, “Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam!” cho rằng, một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là nỗi đau để cố đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, coi đó như là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam.
Ngay hôm sau, Báo Tuổi trẻ ngay lập tức tìm người phải chịu “trách nhiệm tối thượng” trong tấn thảm kịch ấy.
Bài báo nêu đích danh, đó là “chính sách nhập cư của các nước giàu.”
Bài báo viết: “Nhưng trách nhiệm đầu tiên của tấn thảm kịch có lẽ không phải là của (những) chính phủ mà từ đó công dân di cư lậu xuất phát, cũng không phải những nạn nhân đó và gia đình họ và thậm chí không phải của bọn buôn người.”
“Vấn đề chính là một chính sách nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu.”
Ông Nguyễn Đình Oánh, anh trai của Nguyễn Đình Lượng, người có thể nằm trong số 39 nạn nhân trên chuyến xe tải định mệnh tại Anh Quốc, đã nói với BBC hôm 2/11 rằng, mong muốn lớn nhất hiện tại của gia đình chỉ đơn giản là giả sử, nếu em trai anh nằm trong 39 nạn nhân vừa được khẳng định là người Việt Nam, thì gia đình chỉ mong làm sao được tạo điều kiện để sang Anh đưa thi thể của em về.
Họ không màng đến những chuyện như quốc tang hay những lễ tưởng niệm nào cả.
Nhưng trong khi họ chỉ mong được chia sẻ và thấu cảm, thì truyền thông nhà nước lại nêu ra chuyện trách nhiệm để gây bàn cãi.
Phải chăng điều này cho thấy sự thiếu nhạy cảm trước nỗi đau của đồng bào mình?
Nghề trồng cần sa lậu ở châu Âu và người Việt
Lao động xuất khẩu VN vỡ mộng ở xứ người
Người Việt di cư bất hợp pháp: Những giấc mơ không thành
Như ông Nguyễn Văn Dững, người từng là Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, viết trên Facebook: “Làm tư tưởng không phải cứ nhanh nhảu cãi nhau, nhất là với mạng xã hội, là được.
“Làm tư tưởng là thuyết phục, muốn thuyết phục thì phải chọn thời điểm mới có thể thu phục lòng người, trúng tâm lý và tâm trạng xã hội.
“Khi xong việc hậu sự, lúc đó mới cần mổ xẻ trách nhiệm từ các phía, nhất là trách nhiệm công dân.”
Chuyện trách nhiệm gây tranh cãi
Nhưng một khi đã đề cập đến chuyện trách nhiệm, phải chăng chính quyền Việt Nam có thể rũ bỏ trách nhiệm? Phải chăng những người ra đi nhận lãnh hậu quả từ chính sự lựa chọn ra đi của họ?
Điều này làm dấy lên những tranh cãi từ cả hai phía. Một bên cho rằng, chính quyền phải thấy trách nhiệm của mình, bên kia cho rằng, những người lao động di cư đã chọn ra đi và họ phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn ấy.
Bạn đọc Võ Hoài Thanh bình luận trên Facebook của BBC: “Có lẽ bất kỳ nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm với nhân dân mình là hiển nhiên, không thể từ chối với mọi lý do.”
Còn luật gia Hirota Fushihara, sống và làm việc lâu năm tại Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt thì nói rằng:
“Người dân quốc gia nào thì có quyền đòi hỏi quốc gia đó làm cho người dân hạnh phúc. Người dân được ấm no hạnh phúc là trách nhiệm quốc gia. Hạnh phúc đó bao gồm việc làm và rất nhiều thứ khác nữa. Thế thì chúng ta phải xem xét xem nhà nước đã làm đủ vai trò đó chưa. Nếu nhà nước làm tròn bổn
phận rồi, trong nước có đầy việc làm và việc làm đó đủ để có mức sống tối thiểu và có tương lai thì chắc chắn sẽ có ít người đi xuất khẩu lao động.”
Trên diễn đàn Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) cũng cho rằng, “không thể không nói đến nguyên nhân từ những hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước”.
Ông đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc, theo báo Tuổi trẻ.
Cũng về chuyện này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu viết trên Facebook:
“Mọi người đều có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Đúng thôi, nếu có quyền lựa chọn những khả năng ngang nhau. Còn giữa một bên là đói nghèo và bên kia ‘có khả năng giàu có’, chắc chắn nhiều người sẽ chọn tia sáng dù mong manh còn hơn chịu sống mòn trong đêm tối.
“Một vài người ‘tham, liều’ thì còn nói là do bản thân họ, nhưng hiện tượng này phổ biến ở nhiều làng quê, công khai, đến mức coi cái chết thảm chỉ là ‘không may’, thì rõ ràng nó không còn là chuyện của vài gia đình mà đó là chuyện của xã hội, của quốc gia. Trách nhiệm của nhà nước chính là ở đấy!,” vị tiến sĩ khảo cổ học này viết trên Facebook.
“Tôi chẳng hy vọng nhà nước Việt Nam có hình thức nào để tưởng niệm 39 người chết xa quê hương, vì bao tai nạn thảm khốc trong nước, như hồi sập cầu Cần Thơ hàng trăm ngươi chết còn không có tưởng niệm quốc tang gì nữa là… Một lời xin lỗi với nhân dân vì đã để xảy ra những thảm cảnh có lẽ là quá xa xỉ đối với những người, những cơ quan có trách nhiệm,” bà Hậu viết.
Ở chiều ngược lại, Tâm Ngôn viết trên trang Facebook “Việt Nam trong tim tôi” chỉ trích việc quy kết, đổ lỗi, chỉ trích chính quyền.
Facebooker này viết: “Rõ ràng, chính mỗi cá nhân phải là người lựa chọn, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn đó. Nhà nước cũng tạo điều kiện để công dân xuất khẩu lao động, vun vén kinh tế, cuộc sống gia đình nhưng đó phải là con đường chính thống, hợp pháp. Bởi lẽ, nhà nước sẽ khó khăn trong việc bảo hộ công dân mình nếu họ đi ra nước ngoài bằng con đường khác.”
Tranh cãi về trách nhiệm luôn nổi lên trên mạng xã hội mỗi khi có sự việc nào đó xảy ra, dẫn đến sự chỉ trích chính quyền. Nhưng rõ ràng, nếu một nhà nước tự xem là “của dân, do dân, vì dân” thì không thể trốn tránh trách nhiệm với mỗi người dân mình.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50286545

Vụ 39 người chết:

Việt Nam không muốn báo chí ‘làm nóng vấn đề lên’

Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam đăng bài sau 4h chiều ngày 5/11 cho hay “Chiều nay hoặc sáng mai, đoàn công tác Việt Nam phối hợp với phía Anh sẽ công bố danh tính các nạn nhân” trong vụ 39 người chết trong container ở Essex, Anh.
Cảnh sát Anh hôm 23/10 phát hiện thi thể của 39 người trong một container do xe tải kéo tại khu một công nghiệp ở gần London. Các nạn nhân được cho là những di dân bất hợp pháp cố gắng đi đến Anh từ Bỉ. Hôm 1/11, cảnh sát Anh nói họ “tin rằng các nạn nhân là công dân Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vụ việc kể trên là “sự việc đau lòng, gây bàng hoàng cho gia đình các nạn nhân, cho cộng đồng, từng trái tim người Việt”, theo trang Facebook Thông tin Chính phủ. “Đến nay, công tác xác định danh tính đang diễn ra”, Thủ tướng Phúc được trang này trích dẫn lại.
Vẫn theo Thông tin Chính phủ, vị thủ tướng cũng thay mặt chính phủ Việt Nam “gửi lời chia buồn” đến thân nhân, gia đình các nạn nhân. Trang này cho biết thêm rằng “ngay khi sự việc xảy ra, Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ ban hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra, làm rõ, có biện pháp cần thiết phối hợp với nhà chức trách Anh trong xử lý vụ việc”.
Cùng ngày 5/11, tại một cuộc họp báo vào buổi tối, được báo Tiền Phong tường thuật trực tiếp qua Facebook, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm:
“Công tác xác định danh tính nạn nhân đang được tiến hành hết sức khẩn trương, thận trọng và yêu cầu phải cần chính xác và chặt chẽ nhằm thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân. Danh tính các nạn nhân sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất”.
Theo thông tin VOA có được, đến nay 35 gia đình ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã chủ động liên lạc với nhà chức trách hai nước, hoặc được nhà chức trách tiếp xúc để trao đổi thông tin về thân nhân của họ, được cho là có thể nằm trong số 39 người thiệt mạng.
Tại cuộc họp báo, có sự tham gia của một số đại diện các bộ, ông Mai Tiến Dũng cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các 3 tỉnh nêu trên xem xét “hỗ trợ trong khả năng” của các tỉnh dành cho các gia đình nạn nhân, phần nào “bù đắp nỗi đau” của họ, theo video truyền trực tiếp của báo Tiền Phong.
Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam cũng nhân dịp này khẳng định Việt Nam “luôn luôn lên án mạnh mẽ những tội phạm buôn người, di cư bất hợp pháp như thế này”.
… báo chí cũng không làm nóng vấn đề này. Nó còn liên quan đến nếu không sẽ bị mở rộng, đưa lên thành vấn đề nhân quyền, thế nọ thế kia. Thứ hai là báo chí cũng hạn chế tiếp xúc các gia đình nạn nhân…
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo
Thảm kịch xảy ra với 39 người Việt Nam thu hút sự quan tâm của công luận và báo chí ở cả trong nước và quốc tế trong gần 2 tuần qua, với nhiều bài mổ xẻ lý do vì sao có nhiềungười Việt muốn di cư sang nước ngoài, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, nhằm “đổi đời”.
Một quan chức quản lý báo chí Việt Nam đã đưa ra những chỉ đạo về việc báo chí trong nước cần đưa tin như thế nào về vụ việc bi thảm này tại cuộc họp báo hôm 5/11.
Theo video truyền trực tiếp của báo Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu:
“Tôi đề nghị các đồng chí là báo chí khi nào có thông tin chính thức, xem là danh tínhngười Việt Nam là bao nhiêu, cách thức thế nào. Sáng nay [5/11] họp giao ban với báo chí, bọn tôi cũng đã định hướng cho các lãnh đạo, các tổng biên tập rồi, là báo chí cũng không làm nóng vấn đề này. Nó còn liên quan đến nếu không sẽ bị mở rộng, đưa lên thành vấn đề nhân quyền, thế nọ thế kia. Thứ hai là báo chí cũng hạn chế tiếp xúc các gia đình nạn nhân vì người ta đau khổ lắm rồi”.
Một ngày trước, trả lời báo chí bên lề cuộc họp quốc hội, Bộ trưởng Công an Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm, đề nghị báo chí không đưa tin về vụ 39 người thiệt mạng ở Anh theo những cách thức “làm phức tạp tình hình”.
Trang Thông tin Chính phủ cho biết “công an các địa phương đã khởi tố một số đối tượng và đang truy tìm các đối tượng liên quan để xử lý đến cùng vụ việc”.
Những thông tin VOA thu thập được cho đến nay cho thấy công an Hà Tĩnh đã bắt 2 nghi phạm, trong khi tỉnh Nghệ An lân cận bắt 8 nghi phạm khác. Những người này bị tình nghi có dính líu đến hoạt động “buôn người” hoặc “đưa người ra nước ngoài trái phép”. Danh tính của các nghi phạm chưa được nhà chức trách Việt Nam công bố.
Cũng liên quan đến vụ vệc, tin tức hôm 4/11 cho biết cảnh sát Anh đã buộc tội Maurice Robinson, 25 tuổi, đến từ Bắc Ireland, về tội ngộ sát và âm mưu buôn người. Theo cảnh sát, nghi can Robinson là người lái xe tải kéo chiếc container là hiện trường vụ án.
Trước đó, hôm 1/11, tại Ireland, cảnh sát đã bắt giữ Eamonn Harrison, 22 tuổi, theo lệnh của Anh. Người này sẽ bị dẫn độ đến Vương quốc Anh để truy tố và xét xử với cáo buộc ngộ sát.
https://www.voatiengviet.com/a/vu-39-nguoi-chet-vn-anh-se-cong-bo-danh-tinh-chieu-5-11-sang-6-11/5153026.html

Xây Dựng Trái Phép

Trần Khải
Ai có quyền xây dựng trái phép, nếu không dựa vào thế lực cán bộ lãnh đạo địa phương. Nhiều người vẫn còn nhớ chuyện hồi năm 2016, khi một người dân dựng lên chòi cây nuôi vịt trên đất của gia đình, công an Huyện Bình Chánh (Sài Gòn) lập tức buộc gỡ bỏ, vì là xây dựng trái phép, và đã “xâm phạm đến tình hình trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung của địa phương”… Thế đấy, xây dựng trái phép thực ra nhìn đâu cũng thấy.
Việt Nam Mới kể chuyện xây dựng trái phép kinh khủng: Trại heo ‘khủng’ đang thành hình gần nguồn cấp nước sạch cho TP.SG và Đồng Nai… Bản tin viết rằng dù đã bị phạt vì xây dựng trái phép nhưng chủ đầu tư trại heo “khủng” bên hồ Trị An (huyện Định Quán, Đồng Nai) vẫn tiếp tục được hoàn thiện.
Đây là mối đe dọa lớn đối với hồ Trị An, nơi cung cấp nước thô để xử lí thành nước sạch cung cấp cho hàng triệu hộ dân ở Đồng Nai và TP.SG.
Trại heo “khủng” này nằm tại ấp 94, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017. Trại nằm khuất trong rừng cao su và được xây dựng hệ thống tường rào bao quanh kĩ càng. Trại nằm kế bên hồ Trị An và hệ thống thoát nước cũng được dẫn ra phía tường rào, vị trí gần hồ. Bên trong trại là các dãy chuồng trại khổng lồ nằm cạnh nhau san sát, các khu nhà chức năng đã được xây dựng gần như hoàn thiện, luôn có người canh giữ không cho ai tới gần.
Infonet kể chuyện xây dựng trái phép ở Vũng Tàu: Không chỉ lấn biển xây nhà hàng, chủ đầu tư còn san gạt núi trái phép ở Vũng Tàu… Đoàn công tác của Sở Xây dựng Bà Rịa Vũng Tàu vừa phát hiện Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu (VCCT) đang tự ý san, gạt núi trái phép để xây dựng khu biệt thự. Đó là dự án lấp biển làm thủy cung.
Báo Xây Dựng cũng kể chuyện xây dựng trái phép ở Hà Tĩnh: Xử phạt 40 triệu đồng dự án nhà máy bia xây dựng trái phép… Nhà máy bia “nghìn tỷ” đang được thi công trái phép. Vừa qua, UBND thị xã Hồng Lĩnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1907/QĐ-XPVPHC ngày 08/10/2019 đối với Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn 40 triệu đồng do chưa được chấp thuận chủ trường đầu tư, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng đã huy động máy móc, triển khai thi công dự án nhà máy bia với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Diện tích hàng nghìn m2 đã được đổ bê tông cốt thép dày khoảng 1m. Trên bệ bê tông này, có khoảng 60 trụ thép cao khoảng 4m đã được chờ sẵn. Thi công khi chưa có hồ sơ pháp lý: Theo thông tin của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có mặt tại Tổ dân phô 8 phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh). Tại đây trên một dải đất dài nghìn mét, cạnh tuyến đường tránh QL1A, một công trình đồ sộ đang được triển khai đổ đất, san lấp mặt bằng. Trên diện tích khu đất, máy móc được tập kết rất nhiều, lán trại đã được dựng sẵn. Bên trong, một diện tích hàng nghìn m2 đã được đào sâu khoảng 2,5m và đổ bê tông cốt thép dày khoảng 1m. Trên bệ bê tông này, có khoảng 60 trụ thép cao khoảng 4m đã được chờ sẵn.
Tuy nhiên tại hiện trường, không hề có hình phối cảnh của dự án, không có biển cảnh báo công trường đang thi công. Qua tìm hiểu thì phóng viên được biết, đây là dự án nhà máy bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh với công suất 50 triệu lít/năm, do Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Hoàng Xuân T. phản ánh: “Dự án đang trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa có bất kỳ một hồ sơ pháp lý nào, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng chủ đầu tư đã tập trung máy móc, hình thành lán trại, triển khai thi công một cách rầm rộ mà không gặp bất kỳ sự can thiệp nào từ phía chính quyền”.
Báo Dân Trí kể chuyện xây trái phép ở Thanh Hóa: Phớt lờ quyết định xử phạt, công trình sai phép “hiên ngang” tồn tại… Dù đã bị UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng về hành vi xây sai phép đồng thời yêu cầu hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thế nhưng hơn 1 năm qua, Công ty Công Thanh vẫn “phớt lờ” và tiếp tục cho thi công hoàn thiện công trình sai phép. Theo Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ngày 17/8/2018, Công ty cổ phần xi măng Công Thanh (Công ty Công Thanh) đã xây dựng tòa nhà trong khu đất được thuê nhưng chưa xin phép xây dựng, bị xử phạt 40 triệu đồng.
Thời Báo Chứng Khoán kể xây trái phép ở rừng thông: Xử phạt, buộc tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép trên rừng thông Đà Lạt… Liên quan đến vụ việc xây trái phép 10 căn nhà dưới tán rừng thông tại tiểu khu 156a, phường 10, TP. Đà Lạt, vừa qua UBND TP. Đà Lạt đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Huy (tên gọi khác là Huy “Sò”, 35 tuổi, trú tại 34 Trần Quang Diệu, phường 10, TP. Đà Lạt).
Theo đó, ông Huy bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 25 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại khu vực Tiểu khu 156B (thuộc địa bàn P10, TP Đà Lạt). Ngoài việc xử phạt hành chính, cơ quan chức năng còn buộc ông Huy dừng thi công, tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại khu vực trên. Ngoài các công trình nhà không phép, tại đây còn xảy ra tình trạng san ủi đất rừng trái phép làm vùi lấp nhiều gốc thông hàng chục năm tuổi.
Thủ Đức cũng đang tưng bừng xây trái phép. Báo Thanh Niên kể: Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2019 tại Q.Thủ Đức (TP.SG) có 168 công trình xây dựng không phép, tăng 139 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Không chỉ người dân, mà ngay một số lãnh đạo quận cũng xây không phép dẫn đến tình trạng “vỡ trận” trật tự xây dựng. Điển hình là 7 công trình xây dựng không phép (XDKP) của ông Lê Hữu
Thành, Phó chủ tịch thường trực HĐND Q.Thủ Đức và nhiều người thân trong gia đình ông vẫn tồn tại nhiều năm qua trên diện tích hàng ngàn mét vuông.
Báo Người Lao Động kể chuyện xây dựng trái phép ngay giữa Biên Hòa: Công trình trăm tỉ xây dựng trái phép… Một công trình trái phép ở Đồng Nai đầu tư gần 680 tỉ đồng đã được đưa vào sử dụng một phần, phần còn lại đang xây dựng. Công an tỉnh Đồng Nai ngày 19-10 đang tiếp tục thu thập hồ sơ điều tra dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại số 15 Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là công trình xây dựng không phép, nằm ngay giữa trung tâm TP Biên Hòa, do Công ty CP Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư. Theo đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, tài liệu về khu đất có các công trình trên.
Dự án nói trên có diện tích hơn 22.000 m2 với 3 khối công trình “khủng”, tổng vốn đầu tư gần 680 tỉ đồng. Trong đó, khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện có quy mô 4 tầng và 1 tầng hầm, đã được đưa vào sử dụng; khu B là trung tâm thương mại dịch vụ quy mô 5 tầng và 1 tầng hầm đang thực hiện. Cách đây 2 năm, UBND TP Biên Hòa đã xử phạt hành chính đối với vi phạm ở dự án này và yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công. UBND tỉnh Đồng Nai sau đó cũng chỉ đạo cưỡng chế nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại.
Người dân đặt câu hỏi công trình xây dựng không phép như “con voi chui lọt lỗ kim”, UBND tỉnh đã chỉ đạo cưỡng chế nhưng tại sao vẫn tồn tại, ai đã ký cấp phép giấy đăng ký kinh doanh, ai kiểm tra PCCC, cấp phép cho trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện được hoạt động?
Cách đây vài tháng, Báo Người Lao Động cũng đã có bài viết “Công trình không phép ngày càng khủng” phản ánh việc ở Đồng Nai, người ta có thể xây dựng không phép cả một KCN, trung tâm thương mại, trường học… trước sự ngỡ ngàng của dư luận.
Báo Nhân Dân kể chuyện Hà Giang, nơi cũng xây trái phép: Dừng hoạt động công trình xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng… Ngày 14-10, ông Trần Thạch Hằng, Chánh Văn phòng UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, sáng 14-10, UBND huyện Mèo Vạc đã thành lập đoàn công tác do ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn đến đình chỉ hoạt động công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng.
Thực hiện ý kiến của đoàn công tác, chủ đầu tư công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama đã tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ và đã có biển thông báo không phục vụ du khách từ sáng 14-10…
Hiện trạng công trình được xây dựng nằm ngoài mốc giới danh thắng Mã Pì Lèng. Công trình có kết cấu bê-tông, cốt thép kết hợp các dàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh, gồm bảy cấp xây bám theo địa hình. Mặt trước công trình gồm hai đơn nguyên, đơn nguyên một gồm một tầng nổi và một tầng âm; đơn nguyên hai gồm một tầng nổi, một tum và một tầng âm. Sáu cấp còn lại được xây thấp dần theo sườn núi, mỗi cấp một tầng. Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng là 226m2 với tổng diện tích sàn là 476m2, cộng 78m2 sàn ngắm cảnh…
Xây dựng trái phép… cái chòi vịt còn bị gỡ bỏ, nhưng các công trình xây dựng khổng lồi trái phép vẫn xuất hiện, mới lạ.
https://vietbao.com/a300540/xay-dung-trai-phep

Làm sao để ngăn “Đường lưỡi bò” vào Việt Nam?

Diễm Thi, RFA
Mới đây, bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc lại xuất hiện trong giáo trình trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Điều này một lần nữa cho thấy chính phủ Việt Nam bị động trong việc kiểm duyệt, quản lý toàn diện các ấn phẩm, sản phẩm, văn hóa phẩm nhập vào Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc.
Lại “lọt lưới”
Liên tiếp những ngày gần đây, Việt Nam phát hiện khá nhiều sản phẩm từ du lịch, văn hóa phim ảnh đến bản đồ định vị của xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc đều có bản đồ “đường lưỡi bò”. Phát hiện và phạt rồi lại phát hiện và phạt, đó có phải là cách tốt nhất để ngăn chặn “đường lưỡi bò” vào Việt Nam?
Dư luận bắt đầu nản và không có niềm tin vào chính phủ thì cuối tuần qua, mọi người lại phát hiện trong giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung – Nhật trường Đại học Kinh doanh
và Công nghệ Hà Nội, tại cuốn Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” có bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” được in to, rõ nét.
Theo Điều 13 thông tư ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28 tháng 1 năm 2011, Hội đồng Khoa học – Đào tạo Khoa đề xuất danh mục các giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình Hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo.
Hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn giáo trình, duyệt danh mục giáo trình để đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của Hội đồng lựa chọn giáo trình, Hiệu trưởng xem xét và quyết định chọn giáo trình đã lựa chọn để phục vụ giảng dạy, học tập.
Hiệu trưởng có trách nhiệm xin phép chủ biên, tập thể tác giả hoặc cá nhân nhà khoa học và cơ sở đào tạo đã biên soạn giáo trình để được sử dụng giáo trình theo quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy quy trình kiểm duyệt chặt chẽ như vậy nhưng không vị nào trong Hội đồng kiểm duyệt phát hiện ra “đường lưỡi bò” hiện diện trong giáo trình mà chính sinh viên khi nghiên cứu đã phát hiện ra và báo lên Ban giám hiệu nhà trường vào đầu tháng 11.
Theo tôi biết thì Nhà nước có khá nhiều chỉ thị để ngăn ngừa chuyện đó. Nhưng vấn đề không phải chỉ về phía Nhà nước. Vấn đề là Nhà nước sẽ làm thế nào để nó thành ý chí và sự cảnh giác của toàn dân, chứ Nhà nước cũng không thể lường hết tất cả mọi chuyện được. – PGS-TS Hoàng Dũng
Sau khi sự việc xảy ra, bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó Chủ nhiệm Khoa Trung – Nhật Trường đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội phân trần với truyền thông trong nước rằng “Khoa chỉ tập trung xem bố cục mỗi bài thiết kế như thế nào, cách sắp xếp, giải thích ngữ pháp ra sao chứ không để ý đến hình vẽ. Khi xem xét sách cũng không thể mở từng trang ra một. Về cơ bản sẽ phải dựa vào phần mục lục, sau đó mở một bài bất kỳ để xem bố cục, chủ đề, cách phân tích ngữ pháp của bài ấy”.
Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2019” tổ chức hôm 1 tháng 11 tại Cần Thơ, Tiến sĩ Trần Việt Trường nhận định “Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về ‘đường lưỡi bò’ không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Từ việc cài cắm hết sức tinh vi trong truyền thông, văn hóa, giải trí, từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, dù là trong những lĩnh vực không liên quan như môi trường, cả trong nước lẫn trên thế giới”. Và, với những gì đang diễn ra tại Việt Nam trong những ngày qua, có thể những gì tiến sĩ Trần Việt Trường nhận định lại rất phù hợp?
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận xét, chuyện này không mới, chỉ có cơ quan chức năng Việt Nam là vô trách nhiệm và nhận thức kém về chủ quyền biển đảo:
“Họ tìm mọi cách quảng bá, truyền thông tin cho thế giới thấy rằng Biển Đông là của TQ và đường lưỡi bò phải là hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Không chỉ cho người Việt Nam. Họ muốn cho cả thế giới thấy rằng đường lưỡi bò là của Trung Quốc từ xa xưa.”
Về phía Trung Quốc thì như thế, còn về phía Việt Nam thì sao? Liệu Việt Nam có chính sách nào để phản bác “đường lưỡi bò” một cách xuyên suốt nhằm đối phó với Trung Quốc hay không?
PGS-TS Hoàng Dũng cho biết ý kiến của ông:
Theo tôi biết thì Nhà nước có khá nhiều chỉ thị để ngăn ngừa chuyện đó. Họ làm tích cực và họ cũng phạt nặng chứ không phải không đâu. Tôi có người quen làm trong ngành xuất bản, họ cho biết rất nhiều trường hợp cụ thể như vậy. Nhưng vấn đề không phải chỉ về phía Nhà nước. Vấn đề là Nhà nước sẽ làm thế nào để nó thành ý chí và sự cảnh giác của toàn dân, chứ Nhà nước cũng không thể lường hết tất cả mọi chuyện được.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng với những sự kiện liên quan “đường lưỡi bò” liên tiếp xảy ra và ngày một nhiều thì có lẽ Việt Nam không có một chính sách nhất quán. Chỉ khi nào dư luận lên tiếng thì Nhà nước mới tìm cách giải quyết. Ông nói:
“Tuy rằng nhà nước cộng sản có chính sách kiểm duyệt rất là nghiêm ngặt nhưng không rõ họ có một chính sách nhất quán hay không. Từ những thực tiễn thì thấy rằng có lẽ là không có.”
Giải quyết ra sao?
Chỉ trong tháng 10 năm 2019, ít nhất ba sự kiện liên quan “đường lưỡi bò” phi pháp lọt vào Việt Nam do người dân phát hiện, có thể kể ra như:
Phim hoạt hình Everest – người tuyết bé nhỏ có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp được công chiếu tại Việt Nam từ đầu tháng 10 và chỉ bị dừng chiếu sau 10 ngày ra rạp do khán giả phát hiện; khách hàng mua tour du lịch của Dịch vụ lữ hành Saigontourist lại phát hiện ấn phẩm giới thiệu du lịch có hình ảnh bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; xe hơi Zotye, BAIC… do Trung Quốc sản xuất
được nhập khẩu vào Việt Nam với phần mềm định vị có bản đồ với “đường lưỡi bò”, dù khi nhập khẩu, tất cả các xe đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định và ngày 4/11 Hải quan VN đã chưa cho tái xuất chiếc xe Volkswagen Tourareg trưng bày tại triển lãm ô tô VN 2019 có bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc loại bỏ các sản phẩm, ấn phẩm có đường lưỡi bò là việc vô cùng khó khăn bởi hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam quá nhiều, từ những món đồ gia dụng nhỏ của các bà nội trợ cũng có thể có hình “đường lưỡi bò” mà Nhà nước không thể nào kiểm soát được hết. Ông phân tích:
Nhà nước thì nguồn lực có hạn mà Trung Quốc thì trăm phương ngàn kế. Bất kể cái gì mà đụng đến bản đồ là nó phải có hình lưỡi bò. Đấy là một cái lệnh từ Tập Cận Bình trở xuống và mọi người, mọi công ty cứ răm rắp mà làm, mà quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc về hàng hóa thì quá nhiều. Cách hữu hiệu nhất là phải chống từ từng người dân, từ 90 triệu người dân ở Việt Nam.”
Nhưng mà rất đáng tiếc, chín năm trước đây chúng tôi làm những cái áo xóa ‘đường lưỡi bò’ (NO-U) thì cảnh sát nó tìm, nó lùng, nó cấm in, nó thấy người nào mặc thì nó theo dõi, kể cả chính sách của các cơ quan bảo vệ pháp luật kỳ quặc như thế thì cũng khó đi vào lòng dân lắm. – TS. Nguyễn Quang A
Còn Phó Giáo sư  Hoàng Dũng thì cho rằng việc quan trọng mà nhà nước cần làm là phải dựa vào dân, phải làm sao để toàn dân thấy “đường lưỡi bò” là phi pháp và toàn dân đấu tranh mọi lúc mọi nơi để kiên quyết loại bỏ. Nhưng theo ông thì việc này cũng vô cùng khó khăn vì chính sách của Nhà nước đối với Trung Quốc vẫn là “bốn tốt 16 chữ vàng”, không thể thuyết phục được dân. Ông nói:
Làm sao biến thành ý chí của toàn dân khi chính sách của nhà nước về việc này hết sức mâu thuẫn. Một mặt nói rằng Trung Quốc vạch ra đường lưỡi bò là tráo trở, là phi pháp nhưng một mặt thì vẫn “bốn tốt 16 chữ vàng”. Cái chính sách trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy mà còn thì khó lòng mà làm cho người dân ý thức được mối nguy hiểm từ Trung Quốc một cách sâu sắc.”
Không chỉ tuyên truyền “đường lưỡi bò” trên các sản phẩm văn hóa, giáo dục như chúng tôi đã dẫn chứng, Trung Quốc còn tuyên truyền bằng cách cho người Trung Quốc mặc áo thun có bản đồ kèm “đường lưỡi bò” phi pháp khi du lịch Việt Nam qua đường hàng không.
Hình ảnh hàng chục du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh vào đêm 13 tháng 5 năm 2019 đã gây phẫn nộ trên các trang mạng xã hội Việt Nam và công an cửa khẩu yêu cầu du khách thay áo.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh Nhà nước Việt Nam không thể tuyên truyền cho toàn dân ý thức chống “đường lưỡi bò” một khi chính quyền đã hành xử sai với dân. Ông nói:
Nhưng mà rất đáng tiếc, chín năm trước đây chúng tôi làm những cái áo xóa ‘đường lưỡi bò’ (NO-U) thì cảnh sát nó tìm, nó lùng, nó cấm in, nó thấy người nào mặc thì nó theo dõi, kể cả chính sách của các cơ quan bảo vệ pháp luật kỳ quặc như thế thì cũng khó đi vào lòng dân lắm.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-do-vn-prevent-products-with-the-nine-dash-dt-11042019131946.html

Các bộ ngành rà soát “đường lưỡi bò”

trên các sản phẩm vào Việt Nam

vào Việt Nam. Truyền thông trong nước đưa tin ngày 5/11/2019.
Cụ thể, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội làm rõ sai phạm của cá nhân, đơn vị có liên quan đến việc giáo trình của trường có ‘đường lưỡi bò’ đồng thời thu hồi các giáo trình, tài liệu có nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Bộ này cũng yêu cầu trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội rà soát lại toàn bộ quy trình lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình của tất cả các giáo trình đang được sử dụng, lưu hành tại trường, đảm bảo tất cả giáo trình được sử dụng phải đáp ứng quy định và gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT qua Vụ Giáo dục đại học trước ngày 5/11/2019.
Ngoài Bộ GD&ĐT, Bộ Công Thương cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động thương mại trên địa bàn để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc một số trường hợp doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam để bán, tham gia trưng
bày, giới thiệu có hình ảnh và thông tin về “đường lưỡi bò”, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, không mua, không sử dụng các sản phẩm đó.
Báo Đại Đoàn Kết dẫn lời đại diện Bộ Công Thương rằng, “Sự việc này có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm quy định pháp luật”.
Cũng tin liên quan, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM gỡ bỏ bản đồ có “đường lưỡi bò” trên chiếc xe Volkswagen Touareg CR745J và sung công quỹ chiếc xe này.
Chiếc xe này được Công ty TNHH ôtô Thế giới nhập khẩu vào Việt Nam, sử dụng thiết bị định vị vệ tinh có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường với bản đồ có “đường lưỡi bò”. Công ty TNHH ôtô Thế giới đã bàn giao cho Công ty TNHH ôtô VW Việt Nam chiếc xe này để tham dự hội chợ triển lãm ôtô Việt Nam 2019.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra thực tế các lô hàng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó lưu ý kiểm tra thiết bị định vị vệ tinh có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ hàng hóa, văn hóa phẩm, ấn phẩm vào Việt Nam có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Dù các cơ quan chức năng có những điều luật chặt chẽ để kiểm duyệt nhưng vẫn thường xuyên “lọt lưới”.
‘Đường lưỡi bò’ là cụm từ mà nhiều người so sánh với hình vẻ đường đứt khúc 9 đoạn do Trung Quốc vạch ra để tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông.
Đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA ở La Haye, Hòa Lan vào tháng 7 năm 2016 tuyên phi pháp vì không có cả căn cứ pháp lý lẫn lịch sử.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-ministries-review-nine-dash-line-on-products-imported-to-vn-11052019074244.html

Trung Cộng tặng sách có đường lưỡi bò,

đại học Hà Nội copy thêm 700 cuốn

Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 5 tháng 11 năm 2019 loan tin liên quan đến vụ trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội suốt 3 năm liền sử dụng sách có in đường lưỡi bò của Trung Cộng làm giáo trình dạy cho sinh viên.
Ông Vũ Văn Hoá,  hiệu phó cho biết đã làm việc với công an. Theo ông Hoá, cuốn sách Developing Chinese mà khoa Tiếng Trung, và Tiếng Nhật sử dụng dạy sinh viên là do đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành. Cuốn sách này phía đối tác Trung Cộng đã tặng cho các giảng viên của trường đại học Kinh doanh và Công nghệ trong dịp các giảng viên đi sang Trung Cộng. Sau khi được tặng, đầu năm học 2019 đến 2020, giảng viên của khoa Tiếng Trung, và Tiếng Nhật đã tự ý đưa vào giảng dạy cho sinh viên mà không phát hiện ra đường lưỡi bò. Hai khoa trên tự thẩm định chứ không hề đưa lên Hội đồng thẩm định của nhà trường.
Ngoài lấy sách gốc để làm gíao trình giảng dạy, các giáo viên đã photocopy thêm 716 cuốn sách trên để bán cho sinh viên với giá 30,000 đồng một cuốn. Hiện tại, nhà trường đã thu hồi toàn bộ số sách đã bán cho các sinh viên.
Tuy nhiên, trái ngược với thông tin của ông Hoá đưa ra, một số sinh viên cho biết, thực tế số sách trên đã được nhà trường đưa vào giảng dạy suốt 3 năm nay, chứ không phải đầu năm học này.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-tang-sach-co-duong-luoi-bo-dai-hoc-ha-noi-copy-them-700-cuon/

Người Trung Cộng cấp tiền

xây phim trường “bí ẩn” không phép tại Lạng Sơn

Tin Vietnam.- Báo Giao Thông ngày 5 tháng 11 năm 2019 loan tin, công trình phim trường BBK rộng 1,7 ha đất toạ lạc trên một quả đồi ở thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn là công trình được xây dựng bởi nguồn tiền của một người Trung Cộng.
Chủ nhân của diện tích đất trên là bà Nông Thị Minh Huệ. Bà Huệ cho biết, bà lấy chồng người tỉnh Chiết Giang, Trung Cộng từ nhiều năm nay nhưng chưa đăng ký kết hôn. Chồng bà đã gửi tiền cho bà mua khu đất trên, và đầu tư xây dựng phim trường, nhà hàng ăn uống, quán bar. Sau khi xây dựng xong, một số nhà làm phim Trung cộng đã đến dựng cảnh, sản xuất 2 bộ phim tại phim trường BBK.
Tuy nhiên, theo bà Huệ thì cả phim trường và quán bar đều đã tạm dừng hoạt động vài tháng nay. Bản thân bà Huệ và các con chủ yếu sống ở Hà Nội, lâu lâu mới về khu vực trên nên trong công trình chỉ có một số người trông nom.
Một số người dân sống ngay ở khu vực cổng ra vào của phim trường cho biết, từ lâu đã không có người sống ở công trình này, nhưng vào các buổi tối thì có người đến, sáng thì họ lại vội vàng đi ra.
Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, ông không hề nghe thấy thông tin có dự án đầu tư phim trường, quán bar nào ở khu vực trên. Ông sẽ chỉ đạo các cơ quan khác vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Ngoài ông Côi, viên chức cũng không hề biết đến sự tồn tại của công trình phim trường BBK.
Năm 2013 bà Huệ đã bị nhà cầm quyền cấp xã phạt 500,000 đồng về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Và đến năm 2017, người dân trên địa bàn đã tố cáo công trình trên về việc không có giấy phép xây dựng, sử dụng đất sai mục đích. Thanh tra chính phủ cũng đã vào cuộc. Tuy nhiên, công trình vẫn tồn tại, còn kết luận của Thanh tra Chính phủ không được ban hành.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-trung-cong-cap-tien-xay-phim-truong-bi-an-khong-phep-tai-lang-son/

Báo cáo tự do internet 2019 của Freedom House:

Việt Nam không có tự do internet

Việt Nam được xếp hạng trong số những quốc gia không có tự do internet trong năm 2019, theo báo cáo của Tổ chức Freedom House vừa công bố vào ngày 5  tháng 11.
Báo cáo về tự do internet năm 2019 với nhan đề “Khủng hoảng mạng xã hội” được Freedom House cho biết tiến hành khảo sát tự do internet ở 65 quốc gia, chiếm 87% người sử dụng internet toàn cầu, từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 5 năm 2019 và đưa ra kết luận rằng có bằng chứng cho thấy ít nhất 40 quốc gia sử dụng các chương trình giám sát mạng xã hội và 47 quốc gia bắt bớ những người dùng mạng xã hội liên quan đến bày tỏ chính chính kiến về các vấn đề chính trị, xã hội và tôn giáo. Trong số này có ít nhất 31 quốc gia mà nhiều trường hợp cá nhân dùng mạng xã hội bị trừng phạt bằng bạo lực.
Mạng xã hội và các phương tiện thông tin trên internet bị khóa tại ít nhất 20 nước và mạng lưới viễn thông không hoạt động ở 17 quốc gia, trong những thời điểm diễn ra bầu cử, biểu tình và biến động dân sự.
Theo báo cáo của Freedom House, tính từ tháng 6 năm 2018 có 33 quốc gia được đánh giá giảm giá trị về tự do internet. Một số nước bị xếp hạng liên tục không có tự do internet trong 9 năm liền bao gồm Brazil,  Bangladesh, Zimbabwe, Sudan và Kazakhstan.
Trung Quốc tiếp tục năm thứ 4 liên tiếp là quốc gia bị xếp hạng kiểm soát internet tồi tệ nhất thế giới, đặc biệt nghiêm trọng trong kiểm duyệt thông tin liên quan sự kiện kỷ niệm 30 năm biến cố Thiên An Môn và các cuộc biểu tình dai dẳng ở Hong Kong.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có điểm số từ 0 đến 39, là quốc gia không có tự do internet.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/freedom-on-the-net-2019-the-crisis-of-social-media-11052019072823.html

17 tổ chức xã hội dân sự đề nghị Nghị Viện Châu Âu

hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA

Tin từ Brussels, ngày 05/11/2019: 7 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và 10 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã gửi một thư ngỏ chung cho Chủ tịch Quốc hội châu Âu và các cơ quan trực thuộc để đề nghị Nghị viện Châu Âu hoãn việc phê chuẩn Hiệp dịnh Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp dịnh Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam cho đến khi nhà cầm quyền Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về nhân quyền.
Trong thư ngỏ chung, các tổ chức xã hội dân sự nêu bật việc chế độ cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp người bảo vệ nhân quyền, nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập, nhiều tổ chức tôn giáo và những cá nhân bày tỏ quan điểm chỉ trích chế độ. Quyền tự do ngôn luận, quan điểm, hội họp và tụ tập vẫn bị hạn chế nghiêm trọng trong khi hệ thống tư pháp cũng như truyền thông, xã hội dân sự, và các tổ chức tôn giáo độc lập bị nhà nước kiểm soát chặt. Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, môi trường, lao động, luật sư, nhân sĩ tôn giáo, blogger đã bị kết án hoặc bị bắt giam chỉ vì thực thi ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ, trong khi nhiều người khác bị đánh đập bởi côn đồ được nhà nước bảo trợ.
Các tổ chức, dẫn đầu là Human Rights Watch, nói rằng với việc Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách hệ thống và trầm trọng như vậy, thì EU nên thể hiện sức mạnh mềm của mình bằng cách không phê chuẩn hai hiệp định đã ký với Việt Nam.
Các tổ chức đề nghị EU nên kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền bằng cách trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, dừng việc đàn áp giới bất đồng chính kiến, chấp nhận báo chí tư nhân và bỏ kiểm duyệt, công nhận nghiệp đoàn lao động độc lập, bãi bỏ án tử hình…
Nghị viện châu Âu dự kiến họp toàn thể vào tháng 2 năm 2020 để xem xét việc bỏ phiếu có phê chuẩn hay không đối với EVFTA và IPA.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/17-to-chuc-xa-hoi-dan-su-de-nghi-nghi-vien-chau-au-hoan-phe-chuan-evfta-va-ipa/

Càng nghĩ càng thấy thương hội ‘No U’

Mặc Lâm
Trong thời gian gần đây “đường lưỡi bò” xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày một nhiều và tinh vi hơn. Nó có trong phim giải trí, trong bản đồ định vị của xe auto nhập khẩu, bây giờ nó xuất hiện trong giáo trình đại học của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Trong cuốn Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese”, bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc có thêm “đường lưỡi bò” được in to, rõ nét. Ở cuốn Nghe sơ cấp 1 “Developing Chinese”, hình ảnh in nhỏ hơn. Đây là giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung – Nhật.
Không như trước đây khi “đường lưỡi bò” xuất hiện thì chính quyền thường có thái độ thờ ơ, nếu buộc lắm chỉ phạt hành chánh và vật hay người mang nó hoàn toàn vô can. Nhưng lần này thì khác, đối với bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” thì Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh của bà Nguyễn Thị Thu Hà bị thu hồi và một số cán bộ trong hội đồng duyệt phim bị khiển trách. Những chiếc xe có hệ thống định vị GDP mặc định hình lưỡi bò trong bản đồ đều bị thu hồi và hành động kịp thời này đã chứng tỏ rằng chính quyền đã thay đổi thái độ còn động cơ tại sao thay đổi so với trước đây thì còn tùy thuộc vào nhận định từng người.
Đối với đường lưỡi bò trong bộ phim Everest – Người tuyết bé nhỏ, người xem sẽ nhanh chóng quên đi khi về đến nhà. Với chiếc bản đồ có hình lưỡi bò trong những chiếc xe xuất xứ từ Trung Quốc cũng dễ đối phó tuy nhiên với đường lưỡi bò nằm trong bộ sách giáo khoa dành cho sinh viên đại học thì lại là một vấn đề khác, nó cho thấy tâm lý ỷ lại của các cán bộ giáo dục đã lên tới đỉnh điểm, nó cũng vạch ra một nền giáo dục mà sách giáo khoa được gom nhặt từ nước ngoài rồi về photo copy lại để bán cho sinh viên làm giáo trình học tập. Và trên hết nó chỉ ra rằng không ai trong số những người mang sách phát cho sinh viên ý thức được sự nguy hiểm của “đường lưỡi bò” khi nó ăn sâu vào tư duy của sinh viên khoa Trung –Nhật của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Câu chuyện mới nghe tường như đùa, bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó Chủ nhiệm Khoa Trung- Nhật cho biết, cuốn sách này do sinh viên mang từ Trung Quốc về tặng khoa và vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Nhà trường cũng không thể mở từng trang để kiểm tra.
Để thanh minh sự vô tư của các người trách nhiệm, ông Bùi Văn Thanh, Trưởng khoa Trung – Nhật, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết bản đồ “đường lưỡi bò” xuất hiện trong bài 7 cuốn giáo trình do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành, được khoa đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019-2020. Hiện nay sinh viên mới học tới bài 5. Ông Thanh cũng cho biết hình ảnh đường lưỡi bò trong sách in quá nhỏ “li ti” nên cố gắng lắm mới trông thấy. Sự xác nhận của ông Trưởng khoa chỉ đến sau khi sinh viên phát hiện và hô hoán lên trước đó.
Theo ông Phó hiệu trưởng Vũ Văn Hóa, nhà trường đã thu hồi giáo trình của tất cả lớp, khoảng 500-700 cuốn, nhưng có thể vẫn còn do một số sinh viên mượn của bạn rồi photo.
Sự tắc trách đến từ ban giám đốc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không những gây lo âu cho giới sinh viên mà còn gián tiếp giúp ý đồ lan tỏa bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Việt Nam có cơ hội phát triển trong môi trường giáo dục đại học, một môi trường lý tưởng cho ý đồ nhuộm trắng tư duy của tuổi trẻ Việt Nam bằng giáo trình có đường lưỡi bò làm chủ đạo.
Trung Quốc đã chứng tỏ rất cao tay trong vấn đề “mượn dao giết người” mà kẻ đem dao từ Trung Quốc về lại Việt Nam chính là… người Việt Nam. Cộng với sự vô tư của họ là tính lười biếng của cán bộ giảng dạy đối với cả một chương trình đào tạo cần sự nghiên cứu và trải nghiệm của những người đứng lớp. Không ai thấy rằng sự tắc trách của họ sẽ mang đến hệ lụy thế nào đối thanh niên và cộng đồng, họ chỉ biết đưa ra những lời biện hộ ngô nghê lẽ ra không nên có từ miệng của những người trí thức.
Chống lại sự lan tỏa của đường lưỡi bò là một việc làm khó khăn cần sự tiếp tay của toàn xã hội, nhưng trước mắt chính quyền vẫn còn lúng túng chưa chọn được hướng giải quyết mạnh mẽ và tích cực. Mạnh mẽ khi có những chế tài đủ mạnh để răn đe những kẻ cơ hội và tham lam trước cám dỗ từ Trung Quốc. Tích cực từ những biện pháp ngăn ngừa cũng như khuyến khích người dân tiếp tay chống lại đường lưỡi bò một cách toàn diện. Những chính sách như thế vẫn chưa được áp dụng trong khi Bắc Kinh ngày đêm diễn tập biến đường lưỡi bò thành sự đã rồi trong các hội nghị cấp cao do họ tổ chức như Diễn Đàn Hương Sơn trong những ngày vừa qua.
Đã từ lâu Hà Nội xuất hiện một hội nhóm có cái tên rất ấn tượng đó là tổ chức No U, cắt đường lưỡi bò trong mọi lúc mọi nơi. Chiếc logo cắt hình lưỡi bò cho đến nay đã trở thành quen thuộc với rất nhiều người thế nhưng No U vẫn là cái gai trong mắt chính quyền Hà Nội, nó cho thấy tầm nhìn hạn hẹp của một chính phủ luôn lo sợ sự phản ứng của người dân với chế độ mà không lo sợ âm mưu tiệm cận của một chính sách trường kỳ mai phục của Bắc Kinh.
Cũng khá ngạc nhiên khác với mọi lần, câu chuyện đường lưỡi bò xuất hiện trong giáo trình giảng dạy của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bị Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an Hà Nội làm việc với trường trong ngày 3 tháng 11.
Sai sót của nhà trường đến từ sự cẩu thả của hệ thống giáo dục và người dân từng chứng kiến nhiều lần những tai hại của sách giáo khoa dạy học sinh như vẹt học nói về những câu chuyện có liên quan đến lịch sử, nhất là lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hôm nay là đường lưỡi bò trong khuôn viên nhà trường biết đâu ngày mai nó sẽ xuất hiện ngay trong vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, nơi mỗi lần người dân biểu tình chống Trung Quốc là xuất hiện những con người mang mặt nạ bằng sáp, vô cảm chống lại những người cảm thấy Trung Quốc chính là hậu hoạn khó lường của Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/no-u-dai-hoc-kinh-doanh-cong-nghe-ha-noi/5153336.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.