Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 26/11/2019

Tuesday, November 26, 2019 6:28:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 26/11/2019

Vì sao Mỹ và TQ

khó chốt thỏa thuận thương mại “giai đoạn 2”?

Mỹ và Trung Quốc khó có khả năng tiến đến thỏa thuận “giai đoạn 2” khi hai bên vẫn đang phải nỗ lực rất nhiều để đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1″.
Một thỏa thuận thương mại “giai đoạn 2” đầy hoài bão giữa Mỹ và Trung Quốc ít khả năng trở thành hiện thực khi hai bên vẫn đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận sơ bộ “giai đoạn 1”, các quan chức, giới lập pháp của cả 2 phía cùng nhiều chuyên gia thương mại nhận định.
Thỏa thuận “giai đoạn 2” liệu có khả quan?
Hồi tháng 10/2019, phát biểu trong cuộc họp báo với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Tổng thống Trump cho biết, ông dự kiến nhanh chóng xúc tiến giai đoạn đàm phán thứ 2 một khi “giai đoạn 1” được hoàn thành. “Giai đoạn 2” sẽ tập trung vào khiếu nại chủ chốt của Mỹ là Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Washington bằng cách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ của họ cho các đối thủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ 2020 đến gần, những khó khăn trong việc hoàn thành thỏa thuận “giai đoạn 1”, cùng với nỗ lực của Nhà Trắng phối hợp với các quốc gia khác để gây sức ép với Bắc Kinh, đang làm lu mờ mọi hy vọng cho bất cứ kế hoạch nào mang tính hoài bão hơn trong tương lai gần.
Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung kéo dài 16 tháng đã khiến nhiều doanh nghiệp và người nông dân Mỹ lao đao, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và cản trở sự phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong khi đó, nhiều hành vi thương mại của Bắc Kinh mà một số nền kinh tế thị trường tự do xem là không công bằng vẫn chưa được giải quyết.
Reuters hôm 20/11 cho rằng, việc ký kết thỏa thuận “giai đoạn 1” có thể kéo dài sang năm 2020 khi hai nước vẫn tranh cãi về yêu cầu của Trung Quốc đòi dỡ bỏ thêm nhiều rào cản thuế quan. Các quan chức tại Bắc Kinh tuyên bố, họ sẽ không chủ động ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ để thảo luận về thỏa thuận “giai đoạn 2” trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vì họ muốn đợi để xem liệu ông Trump có tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 hay không. Một quan chức Trung Quốc nói: “Chính ông Trump là người muốn ký kết các thỏa thuận này chứ không phải chúng tôi. Chúng tôi có thể chờ đợi”.
Theo một quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump, ưu tiên chính của ông Trump ở thời điểm hiện tại là đảm bảo được một thỏa thuận “giai đoạn 1” lớn kết thúc bằng việc Trung Quốc thực hiện các giao dịch lớn mua nông sản của Mỹ, điều mà ông có thể xem như một chiến thắng quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của mình. Sau đó, Bắc Kinh có thể rút lại phần nào đó trong chương trình nghị sự về chính sách thương mại của ông Trump khi ông chuyển sang các vấn đề trong nước.
“Ngay khi chúng tôi hoàn thành “giai đoạn 1”, chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán “giai đoạn 2”. Về thời điểm khi nào giai đoạn 2 hoàn tất thì nằm ngoài suy đoán của tôi”, một quan chức khác trong chính quyền ông Trump nói.
Dễ nói nhưng khó làm…
Nhà Trắng ban đầu đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái cơ cấu quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó giải quyết những gì mà cuộc điều tra của Đại diện thương mại Mỹ năm 2018 đã kết luận, với cáo buộc Bắc Kinh đã có “các hành vi thương mại không công bằng, vô lý và gây lũng đoạn thị trường”.
Theo giới phân tích, dù ông Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng Mỹ trong nỗ lực buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với các cáo buộc gián điệp kinh tế, tấn công mạng, bắt buộc chuyển giao công nghệ và trợ cấp bán phá giá, nhưng nhiều trong số những vấn đề nói trên sẽ không được giải quyết ở thỏa thuận “giai đoạn một”, khi thỏa thuận này tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy Trung Quốc tăng cường mua sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, giảm thuế và đưa ra một số cam kết về sở hữu trí tuệ.
Vấn đề ngày càng trở nên phức tạp hơn khi các cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump đang bị chia rẽ. Một số người hối thúc Tổng thống Trump sớm đồng ý về một thỏa thuận “giai đoạn 1” để nhanh chóng xoa dịu thị trường và các nhà điều hành doanh nghiệp, số khác muốn ông thúc đẩy một thỏa thuận mang
tính toàn diện hơn. Trong khi đó, các quan chức tại Bắc Kinh đang cố gắng theo đuổi những cải cách cơ cấu sâu rộng hơn để quản lý nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Matthew Goodman, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều quan tâm đến việc sớm hoàn thành thỏa thuận “giai đoạn 1” để xoa dịu thị trường và những mối lo ngại đối với chính sách trong nước”. Chuyên gia này nhìn thấy cơ hội mà ở đó hai bên sẽ thực hiện một số điều khoản trong thỏa thuận “giai đoạn 1”, song ông cũng không tin tưởng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận rộng lớn hơn trước cuộc bầu cử Mỹ. “Vấn đề quan trọng là Mỹ đang thiếu một chiến lược chặt chẽ để đối phó với Trung Quốc”, Matthew Goodman nói.
“Tôi cho rằng thỏa thuận “giai đoạn 1” có thể xảy ra vì các nhà lãnh đạo hai nước đều muốn điều đó. Nhưng Trung Quốc hiện giờ chưa sẵn sàng thực hiện những thay đổi về cơ cấu – điều mà nhiều khả năng sẽ diễn ra trong mùa xuân tới. Họ vẫn chưa muốn làm điều đó”, ông Matthew Goodman nhận xét.
Josh Kallmer, cựu quan chức của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và hiện là phó chủ tịch điều hành Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin cho rằng: “Rất khó tưởng tượng Mỹ và Trung Quốc có thể đàm phán một thỏa thuận “giai đoạn 2” trong năm 2020”.
Theo các chuyên gia thương mại, Mỹ cần phối hợp tốt hơn với các đồng minh của nước này để gây sức ép buộc Trung Quốc thực hiện khẩn trương những thay đổi cơ cấu cần thiết, trong đó có việc chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ.  Tuy nhiên, châu Âu và nhiều đồng minh khác của Mỹ vẫn lưỡng lự tham gia chiến dịch gây sức ép của Washington với Bắc Kinh, một phần do thất vọng với những hành động đơn phương của chính quyền Tổng thống Trump, một phần do họ phụ thuộc vào đầu tư từ Trung Quốc.
“Chúng ta cần một liên minh quốc tế để đột phá thành công “giai đoạn 2”, Kellie Meiman Hock, cựu quan chức Đại diện Thương mại Mỹ, thành viên của McLarty Associates, đơn vị tư vấn chính sách và chính phủ nhấn mạnh
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31718-vi-sao-my-va-tq-kho-chot-thoa-thuan-thuong-mai-giai-doan-2.html

Một phụ nữ Trung Quốc bị tù

vì xâm phạm khu nghỉ dưỡng của Trump

Một công dân Trung Quốc đã bị kết án tám tháng tù vì tội xâm phạm khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida.
Trương Ngọc Tĩnh (Yujing Zhang), một nữ doanh nhân 33 tuổi đến từ Thượng Hải, bị nghi là gián điệp sau khi bị bắt vào ngày 30/3.
Các khám xét ban đầu cho thấy bà mang theo các thiết bị độc hại – nhưng các công tố viên sau đó cho biết đây có thể là “báo động giả”.
Bà Trương, người vẫn khẳng định mình vô tội, đã bị giam bảy tháng rưỡi trong khi chờ đợi xét xử.
Bộ trưởng Úc nói Trung Quốc hành xử tồi tệ
Chính khách Úc ‘ví’ Trung Quốc như phát xít Đức
Sinh viên TQ đại lục ‘tấn công’ sinh viên Hong Kong ở Úc
Úc ở thế tiến thoái lưỡng nan với Trung Quốc
Thẩm phán quận Roy Altman cũng kết án bà hai năm quản chế.
Ông Trump đã ở Mar-a-Lago vào cuối tuần đó, nhưng ở nơi khác vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Yujing Zhang bị kết tội gì?
Bà Trương đã bị kết án vào tháng Chín vì đi vào khu vực cấm và nói dối một nhân viên cảnh sát liên bang. Bà đã bị tạm giam cho đến khi tuyên án.
Khi bà đi vào khu Mar-a-Lago vào ngày 30/3, bà nói với nhân viên an ninh của khu nghỉ mát rằng bà vào đây để dùng hồ bơi.
Một lát sau, bà thay đổi câu chuyện của mình và nói rằng bà ở đó để tham dự một sự kiện của Liên Hiệp Quốc. Một nhân viên tiếp tân biết sự kiện đã bị huỷ bỏ và cảnh báo các nhân viên Mật vụ.
Tại thời điểm bị bắt giữ, bà Trương Ngọc Tĩnh đang mang nhiều thiết bị điện tử, khiến mọi người lo sợ rằng bà ta là gián điệp.
Trong phiên xét xử kéo dài hai ngày tại tòa án liên bang ở Fort Lauderdale, Trương Ngọc Tĩnh đã từ chối luật sư công và chọn cách đại diện cho chính mình – bất chấp những nỗ lực của thẩm phán thuyết phục bà không nên như vậy.
Trương Ngọc Tĩnh thường tỏ ra không thoải mái khi nói tiếng Anh, và cũng bị buộc tội giả vờ không hiểu thủ tục tố tụng.
Nhưng bà khẳng định mình chỉ đang cố gắng gặp Tổng thống Trump.
“Tôi đến khách sạn và chỉ làm theo hướng dẫn và hỏi đi đâu”, cô nói với tòa án. “Tôi không nghĩ rằng tôi đang nói dối. Tôi đến gặp tổng thống và gia đình chỉ để kết bạn.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50555124

Truyền thông Mỹ tiết lộ

cách TQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Báo New York Times (16/11) đăng toàn bộ 403 trang tài liệu bằng tiếng Hoa trên website về chủ trương, chính sách và hoạt động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Chính quyền Trung Quốc.
Theo những tài liệu bị rò rỉ trên, Bắc Kinh có cả một chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương. Trong đó, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh hành động “không thương tiếc” chống ly khai và cực đoan. Theo đó, trong một bài diễn văn năm 2014, sau khi xảy ra vụ một nhóm người Duy Ngô Nhĩ giết chết 31 người tại một nhà ga ở Tây Nam Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi “đấu tranh chống khủng bố, chống xâm nhập và ly khai” bằng cách sử dụng “những biện pháp độc tài” và “không thương tiếc”.
Ngoài ra, còn có một tập hướng dẫn sinh viên Duy Ngô Nhĩ, bị “mất tích” hoặc bị đưa vào trại tập trung, trả lời những câu hỏi của gia đình khi về nhà. Phía nhà chức trách nhận được chỉ thị giải thích cho gia đình các sinh viên bị đưa đi cải tạo là người thân của họ bị nhiễm “virus” tư tưởng cực đoan và cần được điều trị trước khi “căn bệnh trở nên trầm trọng”.
Theo phía truyền thông Mỹ, những tài liệu trên do một chính trị gia Trung Quốc ẩn danh tiết lộ, nhân vật này hy vọng rằng việc công bố tài liệu trên sẽ ngăn cản các nhà lãnh đạo, trong đó có ông Tập Cận Bình, “trốn tránh trách nhiệm trong việc giam giữ tập thể”. Việc tài liệu tối mật bị tiết lộ và với số lượng lớn như vậy cho thấy nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc bị chia rẽ và có một số người bất bình về chiến dịch trấn áp. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền nhận định có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị ép đi cải huấn trong vài trăm trại tập trung ở Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh, khi bị cộng đồng quốc tế lên án, khẳng định đó chỉ là những khu hướng nghiệp, đào tạo nghề.
Trái ngược với những tài liệu bị rò rỉ và thông tin do các nước phương Tây tiết lộ, Trung Quốc vẫn ngang ngược cho rằng Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ và chính quyền “tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào”. Theo đó, Trung Quốc là một quốc gia đa sắc tộc thống nhất và tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương là một thành viên của quốc gia Trung Quốc. Trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài, vận mệnh của Tân Cương luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, “các thế lực thù địch trong và ngoài nước, đặc biệt là các lực lượng ly khai dân tộc, các lực lượng cực đoan tôn giáo và các lực lượng khủng bố bạo lực, đã cố tình bóp méo lịch sử và nhầm lẫn đúng sai để đạt được mục đích chia rẽ và phá hoại Trung Quốc”; tìm cách xóa bỏ Tân Cương là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc; cho rằng Tân Cương không bao giờ là “Đông Turkistan”, người Duy Ngô Nhĩ được hình thành thông qua di cư và hội nhập lâu dài và là một phần của quốc gia Trung Quốc, Tân Cương là một khu vực có nhiều nền văn hóa và tôn giáo, Hồi giáo không phải là tôn giáo duy nhất của tín ngưỡng tự nhiên của người Duy Ngô Nhĩ.
Trước đó, Văn phòng báo chí Quốc Vụ Viện Trung Quốc (18/3) đã công bố Sách Trắng về đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và đảm bảo nhân quyền ở Tân Cương. Sách Trắng khẳng định Tân Cương là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, giới thiệu sự hình thành của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương, sự vi phạm nhân quyền của các hành vi khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ kiên trì việc chống khủng bố mang tính phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu, tổng kết kinh nghiệm và tiếp tục tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong chống khủng bố. Sách Trắng khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, cũng là đối tượng đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho biết, thời gian gần đây, khu vực Tân Cương và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước nhiều vụ tấn công khủng bố của ba thế lực, gồm: ly khai dân tộc, cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực. Sách Trắng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan ở Tân Cương phù hợp với tôn chỉ và nguyên tắc về chống khủng bố và bảo vệ những quyền cơ bản của con người của Liên Hợp Quốc.
Theo số liệu Sách Trắng đưa ra, từ năm 1990 đến cuối năm 2016, ba thế lực đã gây ra hàng nghìn vụ khủng bố bạo lực tại Tân Cương, làm nhiều dân thường bị sát hại, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát công an hy sinh, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, đáng chú ý là vụ bạo động xảy ra năm 2009 làm gần 200 người thiệt mạng, hơn 1.700 người bị thương và nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy. Từ năm 2014 đến nay, Tân Cương đã triệt hạ được 1.588 băng nhóm và bắt giữ được gần 13.000 phần tử khủng bố bạo lực, thu giữ hàng nghìn thiết bị nổ. Trung Quốc cho biết, bên cạnh việc nghiêm trị các tội phạm khủng bố bạo lực, nước này còn chú trọng việc cải thiện dân sinh, tăng cường công tác tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm đảm bảo quyền con người cơ bản cho người dân sở tại. Trung Quốc cũng tái khẳng định việc chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, song phản đối việc gắn liền chống khủng bố, cực đoan với một quốc gia mặc định nào đó hoặc các vấn đề dân tộc, tôn giáo, phản đối việc dùng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề chống khủng bố. Về hợp tác quốc tế, cùng với việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định quốc tế, trong đó ủng hộ vai trò chủ đạo và điều phối của Liên Hợp Quốc trong hợp tác quốc tế chống khủng bố, Trung Quốc còn ký kết nhiều Công ước quốc tế, tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố, tiến hành giao lưu hợp tác song phương và đa phương nhằm trao đổi thông tin tình báo và hợp tác tư pháp..
Trung Quốc liên tục công bố Sách Trắng liên quan Tân Cương là do Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều áp lực quốc tế liên quan đến cáo buộc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Một báo cáo của quốc hội Mỹ ước tính ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam trong “các trại cải huấn” tại khu tự trị này.
Trung Quốc từ lâu cho rằng khu vực Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ phiến quân Hồi giáo và những phần tử cực đoan, đồng thời bác bỏ các báo cáo về hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành từng tuyên bố các trại cải huấn mà truyền thông phương Tây đề cập thực chất là trường nghề và cơ sở đào tạo. Ông cho rằng nhờ những trung tâm đào tạo này, Tân Cương từ một khu vực chứng kiến hàng nghìn vụ tấn công khủng bố trong thập niên 1990 đã trở nên yên bình trong 27 tháng qua.
http://biendong.net/bien-dong/31722-truyen-thong-my-tiet-lo-cach-tq-dan-ap-nguoi-duy-ngo-nhi.html

Phần lớn các khu vực tại Hoa Kỳ

được dự báo sẽ có mưa và tuyết trong dịp lễ Tạ Ơn

Một loạt các cơn bão được dự báo sẽ đổ bộ vào phần lớn các khu vực của Hoa Kỳ trong tuần này. Tình hình thời tiết này sẽ mang đến mưa, băng và tuyết kéo dài, trong thời điểm hàng triệu người dự kiến sẽ ra đường trong dịp Lễ Tạ ơn. Hôm chủ nhật (24/11), thời tiết mùa đông bắt đầu ở phía bắc và đông bắc Hoa Kỳ. Tình trạng tuyết rơi dày và trơn trượt diễn ra tại các tiểu bang Ohio và Pennsylvania đến Massachusetts và Vermont.
Theo nguồn tin từ NBC News, Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ dự kiến hệ thống xa lộ vẫn sẽ bị tắc nghẽn trong suốt tuần này. Hiện tại, có đến hơn 49 triệu người dự định lái xe đến địa điểm du lịch của họ. Số lượng này được cho là nhiều nhất kể từ năm 2005, và tăng gần 3% so với năm 2018. Sự tắc nghẽn trên dự đoán sẽ diễn ra vào thứ tư  (27/11), tại các khu vực đô thị lớn như Atlanta, Los Angeles, New York và Houston. Cơ quan thời tiết quốc gia cho biết, bắt đầu từ thứ hai (25/11), tuyết và mưa đá được dự báo sẽ bao trùm từ phía tây nam đến Great Lakes. Trong khi đó, mưa rào sẽ tập trung vào khu vực giữa của Hoa Kỳ. Thời tiết ẩm ướt, lạnh lẽo này sẽ kéo dài đến hết tuần. Mưa và tuyết cũng sẽ xuất hiện tại tiểu bang California và Oregon đến khu vực Thượng Trung Tây và Bờ Đông
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/phan-lon-cac-khu-vuc-tai-hoa-ky-duoc-du-bao-se-co-mua-va-tuyet-trong-dip-le-ta-on/

Chú quân khuyển giúp truy sát thủ lĩnh IS

được chào đón tại Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/11 chào đón một vị khách đặc biệt đến Tòa Bạch Ốc:
Connan, chú quân khuyển đã giúp truy sát thủ lĩnh Abu Bakr al Baghdadi của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
“Đây là Conan, có lẽ hiện là con chó nổi tiếng nhất thế giới,” ông Trump tuyên bố khi đứng bên cạnh Conan.
Tổng thống Trump phát biểu với báo giới rằng ông rất vui chào đón Conan tại Tòa Bạch Ốc hôm nay và trao cho Conan một chứng chỉ cùng một giải thưởng.
Thủ lĩnh Baghdadi của Nhà nước Hồi giáo tự sát hồi tháng trước sau khi trốn chạy vào một đường hầm không lối thoát vì bị lực lượng đặc biệt Mỹ truy đuổi.
“Conan thật sự là một anh hùng,” Phó Tổng thống Pence nói về chú quân khuyển này. Chú chó đã bị thương trong chiến dịch đó
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%BA-qu%C3%A2n-khuy%E1%BB%83n-gi%C3%BAp-truy-s%C3%A1t-th%E1%BB%A7-l%C4%A9nh-is-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-ch%C3%A0o-%C4%91%C3%B3n-t%E1%BA%A1i-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-/5180859.html

Đầu tháng sau sẽ có báo cáo điều tra luận tội ông Trump

Chủ tịch ủy ban của Quốc hội Mỹ đang dẫn đầu cuộc điều tra vụ Tổng thống Donald Trump yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông là Joe Biden hôm 25/11 loan báo tiến trình luận tội Tổng thống sẽ qua bước kế tiếp ngay sau khi các nhà lập pháp trở lại Washington vào tuần tới sau kỳ nghỉ lễ.
Người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cho hay các ủy ban liên quan tới cuộc điều tra luận tội sẽ gửi báo cáo lên Ủy ban Tư pháp Hạ viện khi các nghị sĩ trở lại làm việc sau mùa lễ Tạ ơn.
Đưa ra báo cáo này là một điều kiện sơ khởi để có thể dẫn tới một cuộc biểu quyết tại Hạ viện về các cáo trạng chính thức đối với Tổng thống Trump.
Trong thư gửi các nghị sĩ, ông Schiff nói “đây là vấn đề cấp bách không thể chần chừ nếu chúng ta muốn bảo vệ an ninh quốc gia và sự liêm chính của các cuộc bầu cử.”
Ông Schiff cho biết cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và có thể có thêm các buổi điều trần. Vẫn theo lời ông, các bằng chứng có được cũng đủ mạnh dù chính quyền Trump không chịu giao nộp bất kỳ tài liệu nào được trát đòi.
Nếu các cáo trạng luận tội được chấp thuận, Thượng viện sẽ mở phiên xét xử về việc có tuyên bố ông Trump có tội và truất phế ông hay không.
Tổng thống Trump quả quyết không làm gì sai và cùng với nhiều nghị sĩ bên đảng Cộng hòa ở Quốc hội tố cáo cuộc điều tra luận tội là âm mưu của đảng Dân chủ muốn đảo ngược kết quả bầu cử Tổng thống 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A7u-th%C3%A1ng-sau-s%E1%BA%BD-c%C3%B3-b%C3%A1o-c%C3%A1o-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-lu%E1%BA%ADn-t%E1%BB%99i-%C3%B4ng-trump/5180855.html

LHQ : Phải giảm 7,6% khí thải mỗi năm

để tránh thảm họa khí hậu

Mai Vân
Trong một báo cáo được công bố hôm 26/11/2019, Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc (PNUE) cảnh báo : Nếu nhân loại muốn tránh thảm họa, phải giảm 7,6% lượng khí thải mỗi năm, trong vòng 10 năm tới đây, tức là kể từ 2020 đến 2030,
Theo cơ quan Liên Hiệp Quốc này, nếu không giảm lượng khí thải mỗi năm ở tỷ lệ nói trên thì không thể hy vọng kềm hãm đà gia tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5°C.
Trước mắt, theo Liên Hiệp Quốc, không có dấu hiệu cho thấy là lượng khí thải giảm đi. Năm 2018, hành tinh chúng ta đã đạt kỷ lục về mức tập trung khí thải CO2 với 55,3 giga tấn.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, nếu mức độ thải khí tiếp tục tăng như hiện nay, đến cuối thế kỷ này, hành tinh sẽ bị nóng thêm từ 3,4° đến 3,9°C.
Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc vẫn tin tưởng có thể đạt được mục tiêu kềm hãm mức hâm nóng Trái Đất nếu kể từ năm 2020 giảm ngay được lượng khí thải theo mức 7,6% mỗi năm, và các quốc gia, không những thật sự cố gắng thực hiện những cam kết đưa ra trong Hiệp Định Khí Hậu Paris, mà còn phải đi xa hơn nữa.
Theo Hiệp Định Paris, các quốc gia ký kết phải xem xét, đánh giá lại những cam kết của mình cho hội nghị khí hậu COP 26 vào cuối năm 2020 ở Glasgow. Thế nhưng hiện tại, chỉ có 68 quốc gia đồng ý làm việc này, và trong số này không có thành viên nào của nhóm G20.
Trong nhóm quốc gia thải khí nhiều nhất, chịu trách nhiệm đến 78% khí thải của hành tinh, mà Liên Hiệp Quốc đã nêu đích danh, một số nước như Hoa Kỳ hay Nhật Bản đã không muốn cam kết gì cả.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc được xem như một lời cảnh báo và thúc giục hành động, vài ngày trước hội nghị khí hậu COP 25 ở Tây Ban Nha.
Giáo hoàng kêu gọi thanh niên đấu tranh cho khí hậu
Hôm 26/11/2019, nhân ngày cuối trong chuyến thăm Nhật Bản,  giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi thanh niên bảo vệ Trái Đất và đấu tranh cho tương lai của hành tinh.Giáo hoàng đưa ra lời kêu gọi trên khi viếng trường đại học Sophia, một trong những trường Công Giáo tại Nhật.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191126-lhq-phai-giam-76-khi-thai-moi-nam-de-tranh-tham-hoa-khi-hau

Nghị viên kêu gọi EU ngừng phê chuẩn

hiệp định thương mại với Việt Nam vì nhân quyền

Một thành viên nghị viện châu Âu vừa lên tiếng kêu gọi khối này tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam để trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Dũng cũng như tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với quốc gia Đông Nam Á này cho đến khi tình hình nhân quyền được cải thiện.
Bà Saskia Bricmont, trong một bức thư gửi cho Chủ tịch Nghị viện châu Âu hôm 22/11, nói về việc ông Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập và từng là đảng viên Đảng Cộng sản, bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vì tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước.”
Trong một chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hôm 22/11, bà Bricmont, một thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, cho biết rằng ông Dũng, cũng là một blogger của VOA, đã viết một bức thư gửi tới chủ tịch Nghị viện EU cũng như tới các chủ tịch của các ủy ban thương mại quốc tế, các vấn đề quốc tế và nhân quyền để “đánh động họ về tình trạng suy thoái của tình hình (nhân quyền) Việt Nam.”
Bà Bricmont viết trong bức thư, được đăng kèm với phần chia sẻ trên Facebook cá nhân, rằng ông Dũng, trong bức thư gửi cho chủ tịch nghị viện EU hôm 10/11, “kêu gọi EP (Nghị viện châu Âu) hoãn phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu và Việt Nam) và IPA (Hiệp định bảo vệ đầu tư) cho tới khi chính phủ Việt Nam hoàn thành những cam kết của họ về nhân quyền” sau khi ngày càng gia tăng đáng kể việc đàn áp tự do dân sự.
“Trong khi EP đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình phê chuẩn EVFTA và IPA, hầu hết chúng tôi đã nêu lên tình trạng đáng lo ngại về nhân quyền và Bộ luật Hình sự được dùng như là một công cụ đàn áp tự do một cách đáng chú ý,” bà Bricmont viết trong bức thư.
EU và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do song phương hồi tháng 6 sau nhiều năm đàm phán và bất chấp những phản đối, gồm cả từ những thành viên trong Nghị viện châu Âu cùng các tổ chức quốc tế, do tình hình nhân quyền của Việt Nam.
VOA Tiếng Việt hôm 16/11 đăng một bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng, trong đó ông chỉ trích Liên minh châu Âu vì đã ký một hiệp định thương mại với Việt Nam bất chấp thành tích nhân quyền kém cỏi và thúc giục khối này xem xét lại hiệp định trước khi phê chuẩn.
XEM THÊM:
Vì sao EU vội vã và dễ dãi ký kết EVFTA và IPA?
Trong bài viết có tựa đề “Vì sao EU vội vã và dễ dãi ký kết EVFTA và IPA?”, blogger này đặt nghi vấn về việc phải chăng “một số doanh nghiệp thuộc EU, thông qua một số quan chức EU và người đứng đầu Phái đoàn EU tại Việt Nam – ông Bruno Angelet (vừa hết nhiệm kỳ tại Việt Nam năm 2019) để vận động Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu, Hội đồng châu Âu và Quốc hội châu Âu cho ký kết và phê chuẩn EVFTA và IPA nhưng bỏ mặc tình trạng vi phạm nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam?”
Ông Dũng, 53 tuổi – từng có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng, viết trong bài blog trên VOA rằng có “rất nhiều dấu hiệu trong thời gian gần đây cho thấy chính quyền Việt Nam đang chờ được Quốc hội châu Âu phê chuẩn EVFTA và IP là sẽ ra tay, với cường độ cao hơn hẳn tình trạng ‘bắt hạn chế’ vào lúc này, để bắt bớ hàng loạt tiếng nói bất đồng chính kiến trong nước, đặc biệt là những người dám phản đối Việt Nam vào EVFTA do vi phạm nhân quyền, và tiếp tục xử án tù nặng nề các công dân yêu nước dám phản kháng Trung Quốc.”
Bộ Công an Việt Nam hôm 21/11 cho biết họ đã khởi tố hình sự đối với ông Dũng về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Phó Giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, Phil Robertson, viết trên trang Twitter cá nhân hôm 23/11 rằng “đã đến thời điểm chiến dịch của Hà Nội nhằm có được một hiệp định thương mại với EU trực tiếp dẫn tới những vi phạm chống lại những người bất đồng chính kiến. EU cần lên tiếng cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng người chỉ đơn giản kêu gọi EU yêu cầu (Việt Nam) có cải thiện thực sự (về nhân quyền).”
Bà Bricmont, trong bức thư của mình, thúc giục chủ tịch Nghị viện EU “gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Hội đồng, Ủy ban và Chính phủ Việt Nam lặp lại lời kêu gọi của chúng tôi để thả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người bảo vệ nhân quyền và những tù nhân lương tâm bị giam giữ hoặc bị cầm tù chỉ vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt, bắt đầu với ông Phạm Chí Dũng người đã đánh động với chúng ta và yêu cầu giúp đỡ.”
https://www.voatiengviet.com/a/nghi-vien-keu-goi-eu-ngung-phe-chuan-hiep-dinh-thuong-mai-voi-vn-vi-nhan-quyen/5181815.html

Scotland lập đội đặc nhiệm

vì ‘số trẻ VN bị bóc lột gia tăng’

Scotland quyết định thành lập một đội cảnh sát đặc nhiệm chống buôn lậu trẻ em vì lo ngại số lượng nạn nhân trẻ Việt Nam gia tăng.
Vụ 39 thi thể: Sắp chuyển nạn nhân về nước?
Vụ 39 người chết: Quyên tiền giúp gia đình nạn nhân
Thống kê ghi nhận số trẻ Việt Nam tìm giúp đỡ ở thành phố Edinburgh gần đây tăng lên.
Tính tới 13/11, cơ quan chống buôn người của Scotland tiếp nhận 397 đơn, trong đó 196 đơn là người Việt.
Trong số 196 người này, có 90 người Việt tự khai rằng họ dưới 18 tuổi.
Báo Daily Record nói đội cảnh sát đặc nhiệm thành lập sau khi 12 trẻ Việt Nam liên hệ chính quyền ở Edinburgh xin giúp đỡ.
Tờ báo nói các trẻ này sắp bị bắt trồng cần sa, làm móng tay, rửa xe ô tô, hoặc có thể bị bắt làm gái bán dâm.
Một đại diện cảnh sát Scotland nói họ ghi nhận số đơn trình báo buôn người từ Việt Nam vào Scotland đang tăng lên.
Scotland từ chối cho biết có bao nhiêu cảnh sát trong đội đặc nhiệm.
Gần đây Vương quốc Anh chấn động vì vụ 39 người Việt đi lậu vào Anh đã chết trong xe tải ở vùng Essex.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50562805

LVMH chi 16,2 tỷ đô la mua hiệu kim hoàn Tiffany

Kim cương phải chăng là người bạn quý nhất của phụ nữ ? Trả lời câu hỏi này, thần tượng điện ảnh Marilyn Monroe trong bài hát Diamonds are a Girl’s Best Friend từng nhắc đến các hiệu kim hoàn sáng giá nhất : Tiffany, Cartier, Harry Winston. Kể từ hôm 25/11/2019, hiệu Tiffany được LVMH mua lại với giá 16,2 tỷ đô la.
Theo ông Bernard Arnault, tổng giám đốc tập đoàn LVMH chuyên về xa xỉ phẩm (Louis Vuitton & Moët Hennessy), một biểu tượng sang trọng của nước Mỹ giờ đây mang một nét gì đó của Pháp. Hiệu kim hoàn Tiffany đã nằm trong tầm nhắm của LVMH từ lâu, do tập đoàn của Pháp muốn củng cố thêm vị trí của mình trên lãnh vực đồng hồ và trang sức, một lãnh vực mà từ trước tới nay các tập đoàn Thụy Sĩ vẫn nắm ưu thế.
Sau nhiều lần thương thuyết ráo riết, đôi bên đã đạt tới thỏa thuận sau cùng. Công ty Tiffany chịu nhượng lại ở giá 135 đô la mỗi cổ phiếu và như vậy LVMH phải chi 16,2 tỷ đô la, tương đương với 14,7 tỷ euro, để giành lấy quyền sở hữu một trong những hiệu kim hoàn nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ.
Cuộc chạy đua giữa LVMH và Richemont
Qua việc mua lại thương hiệu Tiffany của Mỹ, tập đoàn Pháp LVMH thực hiện được một phần các mục tiêu từng đeo đuổi trong hơn hai thập niên qua. Từng bước một, LVMH đã củng cố vị trí của mình trên trường quốc tế, sau khi mua lại hiệu kim hoàn Chaumet vào năm 1999, rồi sau đó giành lấy quyền kiểm soát vào năm 2011 thương hiệu Bvlgari (kể cả trang sức, mỹ phẩm và phụ kiện thời trang).
Dần dần, LVMH trở thành một tập đoàn có trọng lượng trong ngành đồng hồ hạng sang và nữ trang cao cấp, rút ngắn khoảng cách với các đối thủ thủ cạnh tranh trong cuộc chạy đua, giành lấy thị phần. Tuy là tập đoàn số 1 trong ngành xa xỉ phẩm, nhưng cho tới giờ, LVMH vẫn còn lép vế so với đối thủ của mình là tập đoàn Thụy Sĩ Richemont, vốn sở hữu hai thương hiệu nổi tiếng thế giới là Cartier và Van Cleef & Arpels.
Trước mắt, ngành đồng hồ và trang sức của tập đoàn LVMH hiện bao gồm các thương hiệu như Tag Heuer, Hublot cũng như là Zenith & Fred. Trong năm 2018, chỉ riêng ngành này đã đem về cho LVMH hơn 4,5 tỷ đô la doanh thu, tương đương với 9% tổng doanh thu của tập đoàn xa xỉ phẩm này.
Đồng hồ và trang sức : doanh thu kỷ lục
Doanh thu trong năm 2018 của LVMH đã đạt tới mức kỷ lục 46,8 tỷ euro (51,5 tỷ đô la), nâng lợi nhuận thường niên lên tới mức 6,4 tỷ euro. LVHM hiện có khoảng 428 cửa hàng bán đồng hồ và trang sức trên toàn thế giới, việc mua lại hiệu Tiffany giúp cho hệ thống phân phối của tập đoàn LVMH có thêm 320 cửa hiệu.
Được ông Charles Lewis Tiffany thành lập vào năm 1837, cửa hàng nổi tiếng nhất của Tiffany (flagship) nằm trên đại lộ số 5 (5th Avenue) tại Manhattan, New York, bên cạnh toà nhà Trump Tower. Trong thời gian gần đây, hiệu kim hoàn Tiffany đã muốn thay đổi phong cách sáng tạo cũng như hình ảnh của mình, để thu hút thành phần khách hàng trẻ trung hơn.
Trong năm qua, Tiffany đã thực hiện 4,4 tỷ đô la doanh thu, tuy nhiên mức tăng trưởng này đang có dấu hiệu bị khựng lại, do đồng đô la đang được giá, khiến cho sức mua của du khách quốc tế cũng giảm xuống đáng kể. Nổi tiếng từ lâu nhờ nghệ thuật thiết kế các kiểu nhẫn kim cương sang trọng, quý phái, Tiffany còn đã đi vào dòng văn hoá phổ thông nhờ vào ca khúc để đời của Marilyn Monroe, cũng như thông qua bộ phim ‘‘Breakfast at Tiffany’s’’, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Truman Capote, với ngôi sao màn bạc Audrey Hepburn trong vai chính.
http://vi.rfi.fr/phap/20191125-lvmh-chi-162-ty-do-la-mua-hieu-kim-hoan-tiffany-pour-mardi-26112019

Pháp : 12 tỷ euro để cứu hệ thống bệnh viện công

Thanh Hà
Bất cân đối về cung-cầu và trong các khoản chi-thu là những thách thức đối với hệ thống bệnh viên công của Pháp. Pháp là nước dành đến hơn 9% GDP cho hệ thống y tế đó. Tỷ lệ này thuộc hàng cao nhất trong khối các nước phát triển thuộc OCDE.
Thực hư về khủng hoảng tại hơn 1.300 bệnh viện công ? Gói hỗ trợ 12 tỷ euro của bộ Y Tế chia sẻ phần nào gánh nặng với các bệnh viện công ? Giáo sư y khoa, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cohin-Paris, phân tích.
Ngày 20/11/2019, Paris thông báo một kế hoạch quy mô để cứu hệ thống y tế công được coi là một trong những mô hình “hiệu quả nhất, tốt nhất” của thế giới.
Từ tháng 03/2019, một bộ phận nhân viên y tế, từ các bác sĩ đến y tá, nhân viên điều dưỡng… liên tục bãi công đòi tăng nhân sự, tăng ngân sách cho bệnh viện và đòi tăng lương. Ban đầu, các đòi hỏi trên xuất phát từ khoa cấp cứu, nhưng rồi phong trào đã lan rộng. Đỉnh điểm là hôm 14/11/2019, ngành y tế đồng loạt xuống đường trong chiến dịch “Journée Hopital Mort” - một ngày không có bệnh viện.
Thống kê của bộ Y Tế Pháp nêu lên những con số như sau : Số lượng bệnh nhân nhờ đến các dịch vụ cấp cứu của các bệnh viện năm 2016 cao gấp hai lần so với hai thập niên trước đó. Mỗi năm, dịch vụ này phải giải quyết thêm 3,5% ca. Khoa cấp cứu do vậy bị quá tải. Gần đây, truyền thông nhiều lần đưa tin về một số trường hợp, bệnh nhân tử vong trong lúc đợi điều trị ở khâu “cấp cứu”. Dù gọi là “cấp cứu”, bệnh nhân có khi phải đợi 12 giờ đồng hồ sau mới được vào khám.
Vấn đề thứ nhì, vẫn theo bộ Y Tế, là trong vòng 20 năm, hệ thống bệnh viện công của Pháp đã cắt giảm 100.000 giường bệnh. Dù vậy, hệ thống y tế của Pháp dự trù 6,5 giường điều trị cho 1.000 dân. Để so sánh, tại Thụy Sĩ, tỷ lệ này là 4,7/1.000.
Vấn đề thứ ba của hệ thống bệnh viện công là món nợ 30 tỷ euro. Khoản nợ này tăng 40% trong thời gian 10 năm trở lại đây. Trong cùng thời kỳ, đầu tư của các bệnh viện vào nhân sự, vào máy móc hay cơ sở hạ tầng giảm đi phân nửa. Với mức nợ 30 tỷ euro, hàng năm, hệ thống y tế công của Pháp phải trả gần 90 triệu euro tiền lãi, thay vì dùng số tiền nói trên để đầu tư cho bệnh viện.
Cũng vì để khai thông những khúc mắc đã tích lũy từ lâu, hôm 20/11/2019, thủ tướng Edouard Philippe và bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn thông báo một kế hoạch “quy mô” để cứu hệ thống bệnh viện công. Các biện pháp đó gồm thứ nhất là chính phủ lãnh 1/3 số nợ của bệnh viện, một khoản tương đương với 10 tỷ euro từ nay tới cuối 2022. Thứ hai là tăng ngân sách gần 2 tỷ trong 3 năm sắp tới cho các bệnh viện công, cấp tiền thưởng cho một số các nhân viên y tế có thu nhập thấp.
Để hiểu rõ hơn về những khó khăn trong hệ thống bệnh viện công tại Pháp, RFI tiếng Việt đã tham khảo ý kiến giáo sư y khoa, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cochin, Paris.
Trước hết, bác sĩ Tuấn nêu bật khó khăn trong việc điều hành nhân sự tại bệnh viện.
http://vi.rfi.fr/phap/20191126-phap-12-ty-euro-de-cuu-he-thong-benh-vien-cong

Gruzia : 20.000 người biểu tình đòi chính phủ từ chức

Trọng Thành
Hôm 25/11/2019, bất chấp mùa đông lạnh giá, gần 20.000 người đã tập hợp tại thủ đô Tbilisi để gia tăng áp lực lên chính quyền, đang ngày càng bị phản đối sau cuộc đàn áp của cảnh sát hồi tuần trước. Hàng nghìn người phong tỏa lối vào Quốc Hội để lên án việc chính phủ đình chỉ kế hoạch sửa đổi luật bầu cử.
Phóng sự của đặc phái viên Daniel Vallot từ Tbilisi :
”Nổi bật trên đoàn tuần hành là những lá quốc kỳ Gruzia hai màu đỏ trắng, xen với cờ của Liên Hiệp Châu Âu. Trong đám đông, người ta hô vang các khẩu hiệu yêu cầu chính phủ hiện nay từ chức, tổ chức bầu cử sớm. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc xuống đường mới này là việc chính quyền bãi bỏ kế hoạch cải cách luật bầu cử trái với cam kết.
Một phụ nữ cho biết : Chính phủ hiện nay đã dựng lên một bức tường giữa nhà cầm quyền và xã hội, từ chối mọi thỏa hiệp, không thực hiện cam kết cải tổ luật bầu cử. Giờ đây chính quyền kiểm soát hoàn toàn Tư pháp và Nghị Viện.
Những người biểu tình lo ngại chính phủ tìm mọi cách bám víu quyền lực, với cái giá là các quyền tự do bị giới hạn, giống như những gì diễn ra tại Nga những năm gần đây.
Theo một người tuần hành khác, chính quyền sẽ tìm cách siết luật và hạn chế quyền công dân, và cuối cùng tình hình sẽ tương tự như tại Nga. Trong tương lai các đảng phái chính trị sẽ khó mà được đăng ký, khó tham gia vào các cuộc bầu cử. Sẽ có những rào cản phải vượt qua. Ông nhấn mạnh là nhân dân Gruzia không đáng phải chịu một tình cảnh như vậy.
Sau cuộc biểu tình, những nhà đối lập đã tỏa ra ngăn chặn các lối vào nhà Quốc Hội. Mục tiêu của họ là bám trụ ở đây suốt đêm, để không cho các nghị sĩ vào được trụ sở. Tuy nhiên, vào lúc tảng sáng, người biểu tình đã bị cảnh sát đẩy lùi”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191126-gruzia-20000-nguoi-bieu-tinh-doi-chinh-phu-tu-chuc

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thử tên lửa Nga S-400

Mai Vân
Bất chấp khuyến cáo của Mỹ, chính quyền Ankara vào ngày 25/11/2019, đã bắt đầu thử hệ thống tên lửa S-400 mua của Nga, và cho loại chiến đấu cơ F-16 của Mỹ bay trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ để làm mục tiêu thí nghiệm.
Thông tín viên RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, tường thuật :
« Trong khi chỉ còn một tuần nữa là đến thượng đỉnh NATO, dự trù trong hai ngày 02 và 03 tháng 12 tại Luân Đôn, Thổ Nhĩ Kỳ lại cho các lãnh đạo phương Tây thêm một lý do để nghi ngờ về chọn lựa chiến lược và chỗ đứng của Ankara trong Tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương. Liên tiếp trong hai ngày hôm qua và hôm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cho các chiến đấu cơ F-16 bay trên bầu trời thủ đô để thử hệ thống tên lửa phòng thủ Nga, S-400.
Nói cách khác, những chiếc radar mà Nga chế tạo, do nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ và Nga điều khiển, sẽ đánh giá đường bay và hiệu năng của một chiến đấu cơ Mỹ trên bầu trời của một quốc gia thành viên NATO.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không chính thức xác nhận lý do cho chiến đấu cơ F-16 bay ở các độ cao khác nhau, nhưng truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, với hình ảnh radar, đã khẳng định rằng đó là những thử nghiệm đầu tiên hệ thống S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận vào tháng 7 vừa qua, và theo chính quyền, có thể được đưa vào hoạt động vào tháng Tư năm 2020.
Việc một thành viên NATO mua hệ thống tên lửa phòng thủ của Nga đã gây lo ngại và tức giận trong NATO, nhất là ở Mỹ. Washington đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển F-35 mà Ankara đã đóng góp vào việc chế tạo và đã đặt mua hơn 100 chiếc. Ngoài ra, Ankara còn bị Washington đe dọa trừng phạt kinh tế. »
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua thêm S-400 của Nga ?
Hãng tin Reuters trích dẫn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ NTV, cho biết tổng thống Erdogan khẳng định đang nỗ lực giải quyết tranh chấp với Washington về vụ S-400 từ đây đến tháng Tư năm tới 2020. Trả lời báo giới hôm 25/11, ông cho biết hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực trên việc này.
Cho dù vậy, Ankara được cho là sẽ mua thêm vũ khí của Nga. Theo hãng thông tấn Nga Ria hôm 26/11, lãnh đạo tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, Alexander Mikheev đã tiết lộ kế hoạch ký một hợp đồng mới vào nửa đầu năm 2020 nhằm cung cấp thêm hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Mikheev, hợp tác quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dừng ở việc cung cấp S-400. Với hợp đồng mới, nếu được ký kết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sản xuất một số linh kiện của hệ thống này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191126-tho-nhi-ky-bat-dau-thu-ten-lua-nga-s-400

Đài Loan tố cáo

Trung Quốc xâm nhập phá hoại chế độ dân chủ

Tú Anh
Bị Trung Quốc gọi là tỉnh phản nghịch, Đài Loan chuẩn bị bầu cử tổng thống và Quốc Hội vào ngày 11/01/2020 trong bối cảnh có nhiều tin đồn Bắc Kinh can thiệp vào nội tình chính trị của hải đảo mà tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc. Hư thực ra sao và chiến lược của Bắc Kinh như thế nào ?
Đài Loan, Hồng Kông và Úc là ba mục tiêu tấn công của Trung Quốc bằng cách xâm nhập, mua chuộc, cài người vào giới giáo sư đại học, chính trị gia và báo chí. Lời tố giác này của Vương Lập Cường, một công dân Hoa lục 25 tuổi, tự xưng là điệp viên Trung Quốc, cùng vợ con xin tị nạn tại Úc, đã gây một làn sóng cảnh giác trong chính phủ Đài Bắc và Canberra.
Đặc biệt là tại Đài Loan, thông tin trên được xem là có cơ sở cho dù chưa có gì xác nhận Vương Lập Cường là điệp viên thật sự, hay chỉ là một « doanh nhân lừa đảo » như Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cáo buộc.
Ngày 25/11, hai doanh nhân nằm trong danh sách đen của Vương Lập Cường, đã bị bắt tại phi trường Đào Viên vào lúc chuẩn bị trở về Hồng Kông. Đó là ông Hướng Tâm (Xiang Xin), giám đốc điều hành công ty China Innovation Investment và nữ phụ tá giám đốc Cung Thanh. Hai nhân vật này nằm trong « chiến dịch tình báo phối hợp với đảng viên của đảng Cộng Sản Trung Quốc xâm nhập phá hoại phong trào dân chủ tại Hồng Kông ».
Điều tra
Trong giới chính trị Đài Loan, chủ tịch đảng Dân Tiến cầm quyền Trác Vinh Thái, thuộc xu hướng Đài Loan độc lập, kêu gọi cần phải mở rộng điều tra vì có nhiều tin giả từ Hoa lục phá hoại bầu cử Đài Loan. Trong cuộc họp báo tại Đài Bắc, chủ tịch đảng Dân Tiến gọi Trung Quốc là « kẻ thù của nền dân chủ, là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất ».
Những lời tố cáo của điệp viên Trung Quốc đào tị « đang được điều tra đến nơi đến chốn », tổng thống Thái Anh Văn cho biết như thế và kêu gọi khoan vội kết luận.
Theo Vương Lập Cường, một trong những chiến thuật của Bắc Kinh là định hướng truyền thông vào một số chính trị gia Đài Loan, đối thủ của tổng thống Thái AnhVăn, cụ thể là ứng cử viên Hàn Quốc Du, thuộc Quốc Dân đảng. Hàn Quốc Du hiện nay là thị trưởng thành phố cảng Cao Hùng, có lập trường công khai thân Hoa lục.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Quốc Dân đảng tố cáo chính phủ khai thác « tin đồn thất thiệt » để tác động lên cử tri. Về phần ứng cử viên Hàn Quốc Du, ông tuyên bố sẽ rút lui nếu có chứng cớ ông nhận tiền của Bắc Kinh.
Hư hư thực thực
Trong một bài phân tích về chiến lược đánh phá Đài Loan (tháng 04/2019) , giáo sư chính trị Minh Cư Chính (Ming Chu Cheng) cho biết không có tổ chức chính trị nào ở Đài Loan được Bắc Kinh xem là bạn cả. Trước tiên, đảng Cộng Sản Trung Quốc chia rẽ Dân Tiến đảng với Quốc Dân đảng. Tiếp theo là xâm nhập Quốc Dân đảng để đánh phong trào Sinh thái. Mục đích là để nội tình Đài Loan suy yếu, các phe đánh nhau chí tử , không thể đoàn kết chống Bắc Kinh.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có hàng nửa thế kỷ kinh nghiệm với chiến thuật « mặt trận thống nhất », kết đoàn với đối phương để gây bất đồng nội bộ. Trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật, Mao và Tưởng liên kết. Chiêu bài « mặt trận thống nhất » giúp cho đảng Cộng Sản mua chuộc được nhiều cán bộ cao cấp của Quốc Dân đảng và cả người dân bình thường.
Kết cục thế nào vào năm 1949, mọi người đều biết, giáo sư chính trị Minh Cư Chính kết luận.
Theo Reuters, ba nguồn tin ngoại giao và an ninh ở Đài Loan, mà hãng thông tấn đặt câu hỏi kiểm chứng, đều nghi ngờ Vương Lập Cường không phải là điệp viên thực sự, nhưng những lời ông cáo buộc Trung Quốc « là có cơ sở ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191126-dai-loan-to-cao-trung-quoc-xam-nhap-pha-hoai-che-do-dan-chu

Hong Kong:

Những gương mặt chính trị trẻ tuổi vừa thắng cử

Các cuộc bầu cử uỷ viên hội đồng quận của Hong Kong đã mang lại một chiến thắng chưa từng có cho phong trào dân chủ của thành phố, và đồng thời đã đem đến nhiều gương mặt mới trong danh sách những chính khách địa phương.
Họ đã đánh bật nhiều đối thủ là những chính trị giá kỳ cựu, hầu hết là những ứng cử viên thân Bắc Kinh.
Và đây là nhưng gương mặt trẻ tiêu biểu vừa trở thành uỷ viên hội đồng cấp quận Hong Kong.
Nhà hoạt động Jimmy Sham
Trong những tháng kể từ khi phong trào phản kháng bắt đầu, nhà lãnh đạo 32 tuổi của Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF), một trong những nhóm ủng hộ dân chủ lớn nhất Hong Kong đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành lớn.
Và trong thời gian đó, anh đã bị tấn công hai lần bằng búa và gậy bởi những kẻ tấn công lạ mặt vì những lý do vẫn chưa rõ ràng.
Nhưng Sham đã giành chiến thắng trong khu vực bầu cử Lek Yuen, đánh bại uỷ viên đương nhiệm Michael Wong của Lực lượng Dân sự thân Bắc Kinh với hơn gần 1000 phiếu.
Sham có thể đã nổi tiếng với tư cách là người lãnh đạo của CHRF nhưng anh cũng là một trong những nhà vận động quyền LGBT tích cực nhất trong nhiều năm qua.
Và vì là người đồng tính, trong nhiều tháng qua, Sham phải hứng chịu nhiều đợt công trên mạng xã hội.
Trong vụ tấn công gần đây nhất hồi tháng 10, Sham được trông thấy nằm trên đường với xung quanh đầy máu. CHRF cho rằng cuộc tấn công liên quan tới những người ủng hộ chính phủ.
Sham vẫn kiên trì với chiến dịch đấu tranh ôn hoà và sau khi giành chiến thắng đã phát biểu: “Dù Carrie Lam có quyền lực đến đâu, tôi hy vọng bà ấy có thể thực hiện theo mong muốn của mọi người, thực hiện năm yêu cầu [và] cho các bạn trẻ cơ hội.”
Cử nhân đại học Karrine Fu
Karrine Fu đã giành chiến thắng ở khu vực bầu cử Phố Fort với số phiếu chênh lệch chỉ hơn 59 phiếu.
Cô gái 23 tuổi sinh ra và lớn lên ở khu vực Fortress Hill. Cô là thế hệ thứ ba một gia đình Phúc Kiến ở Hong Kong thuộc một cộng đồng người Phúc Kiến, vốn bảo thủ và thân Bắc Kinh hơn.
Điều đó khiến chiến thắng của Fu trở nên đáng chú ý hơn.
Cô đã đánh bại Hung Lin Cham, 45 tuổi, một giáo viên trung học đại diện cho Liên minh Dân chủ ủng hộ Bắc Kinh (DAB), người đã giành chiến thắng trong ba cuộc bầu cử trước mà không một ai ra thách thức vị trí này.
Hung cũng là người gốc Phúc Kiến và đã nắm giữ quyền lực ở khu vực thành trì ủng hộ Bắc Kinh này từ năm 2007.
Theo HK01, Fu là một sinh viên ngành nghệ thuật vừa tốt nghiệp Đại học Hong Kong và đã quyết định tham gia tranh cử hội đồng quận sau khi chứng kiến các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Fu nói rằng phong trào biểu tình khiến cô cảm thấy “có thêm động lực” để làm nhiều hơn cho Hong Kong. Có tin cho hay Fu đã được mời làm việc ở một trường học nhưng từ chối vì muốn tham gia phong trào biểu tình.
Sinh viên năm cuối Jordan Pang
Sau giành chiến thắng tại khu vực bầu cử Sai Wan đêm qua, một sinh viên chính trị và hành chính công năm thứ tư đã đánh bại một cái tên vô cùng kỳ cựu: Horace Cheung.
Ông Cheung là phó chủ tịch của DAB, đảng thân Bắc Kinh lớn nhất của Hong Kong.
Jordan Pang nổi danh với sự thông minh và nhiệt huyết với phong trào biểu tình khi là lãnh đạo của Hội sinh viên trường đại học Hong Kong.
Anh đánh bại ông Cheung, một luật sư 45 tuổi, người đại diện cho Sai Wan từ năm 2011, với hơn gần 800 phiếu bầu.
Ông Cheung được gọi là siêu “ủy viên hội đồng” khi từng giữ ba vị trí uỷ viên hội đồng quận, uỷ viên Hội đồng Lập pháp và uỷ viên Hội đồng Điều hành.
Cheung nói kết quả cuộc bầu cử “không liên quan nhiều đến công việc của địa phương”.
Trong một tuyên bố trên Facebook, Pang nói rằng anh “vinh dự” vì đã giành chiến thắng nhưng nói thêm rằng “vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.
Chàng trai 21 tuổi này là một trong một số nhà lãnh đạo sinh viên nhận được tin nhắn nặc danh đe dọa. Pang nói có tin nhắn nói anh nên đầu hàng cảnh sát, hoặc đối mặt với cái chết – nhưng anh vẫn tiếp tục với chiến dịch của mình.
“Chiến thắng ngày hôm nay và tỷ lệ người tham gia bỏ phiếu kỷ lục phản ánh chính xác tiếng nói của người dân trong bối cảnh quan trọng này,” Pang nói với những người ủng hộ.
Nhân viên ngân hàng Jocelyn Chau
Chau là một nhân viên quản lý 23 tuổi ở một ngân hàng tại North Point. Cô bị từng bị bắt hồi tháng Tám khi đang livestream một cuộc biểu tình nhưng chưa bao giờ bị truy tố, theo New York Times.
Chau đánh bại Hui Ching-on, 53 tuổi, một nhà tư vấn tài chính, người đã giữ vị trí ủy viên ở North Point từ 1999 đến nay. Theo HK01, ông Hui chỉ nói vỏn vẹn đúng 80 giây trong các cuộc họp quận trong suốt 4 năm qua.
Chau cũng phải nhận nhiều cú điện thoại nặc danh, bị xô ngã và bị đấm vào đầu khi tham gia vận động hồi tháng 10.
Chau chỉ trích giới chức vì đã không có phản ứng thích đáng với tình trạng bạo lực trong quá trình tranh cử.
Chuyên viên pháp chế Cary Lo
Chiến thắng có lẽ bất ngờ nhất là của nhà hoạt động dân chủ Cary Lo của Đảng Dân chủ, sau khi ông đánh bại chính trị gia thân Bắc Kinh Junius Ho.
Viên chức 37 tuổi này đã đánh bại ông Ho, một trong những chính trị gia gây tranh cãi nhất của thành phố, với hơn 1.200 phiếu bầu trong khu vực bầu cử của Lok Tsui.
Ông Ho, một luật sư 57 tuổi, là thành viên của Hội đồng Lập pháp Hong Kong năm 2016 và vì vậy ông vẫn là một nhà lập pháp.
Nhưng gần đây ông Ho đã trở thành một cái gai trong mắt các nhà hoạt động dân chủ, sau khi có hình ảnh gây nghi ngờ là ông đã giúp dàn dựng một cuộc tấn công vào người biểu tình ở trạm tàu tại quận Yuen Long.
Ông Ho phủ nhận sự việc trên nhưng sự tức giận trong dân chúng có vẻ vẫn còn khi đầu tháng này ông đã bị đâm bởi một người đàn ông giả vờ là một trong những người ủng hộ ông.
Sau khi kết quả bầu cử được công bố, nhiều người dân Hong Kong đã tụ tập trước văn phòng của ông để ăn mừng sự thất bại của Ho.
“Tôi thực sự cảm động, phe đối lập áp đảo tôi bằng những lời chúc mừng,” Ho viết trên trang Facebook. “Đó không phải là một điều xấu khi biến sự tàn bạo của họ thành hòa hợp.”
Còn về Cary Lo, người đánh bại ông Ho, trang chiến dịch tranh cử trên Facebook của Lo có đoạn phim cho thấy ông chạy bộ dọc bờ sông và trò chuyện thân thiện với người dân.
Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng chỉ riêng việc là đối thủ của Junius Ho, cũng đã đem lại một lợi thế lớn cho Cary Lo.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50555526

Phe dân chủ thắng lớn trong bầu cử,

Hong Kong sẽ có gì thay đổi?

Ngọc Lễ
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong vẫn sẽ tiếp diễn trong khi chính quyền không có dấu hiệu gì sẽ nhượng bộ sau chiến thắng ngoạn mục của phe ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp cấp quận mặc dù chiến thắng này sẽ đem đến cho họ sức mạnh chính trị lớn hơn để gây sức ép lên chính quyền, một nhà quan sát chính trị Hong Kong nhận định.
Hơn 2,9 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu hôm 24/11 – con số đi bỏ phiếu kỷ lục. Số cử tri này đã giúp phe ủng hộ dân chủ chiến thắng ở 17 trong số 18 quận và chiếm hơn 80% số ghế được bầu, chiến thắng bầu cử lớn nhất cho phong trào dân chủ kể từ khi Hong Kong được bàn giao về cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Cho đến vào giữa thứ Hai ngày 25/11, các đảng ủng hộ dân chủ đã giành được 344 ghế hội đồng quận so với 58 ghế của phe ủng hộ Bắc Kinh, trong khi những người độc lập giành được 41 ghế và 9 khu vực bầu cử vẫn chưa công bố kết quả, theo số liệu được tờ South China Morning Post tổng hợp.
Cuộc bầu cử này được nhìn nhận là cơ hội hiếm hoi để người dân Hong Kong gửi cho các nhà lãnh đạo của họ thông điệp rõ ràng rằng họ muốn dân chủ chứ không phải sự kiểm soát quá mức của Bắc Kinh, theo nhận định của tờ Washington Post sau khi có kết quả bầu cử.
Tăng sức mạnh chính trị?
Các hội đồng địa phương ở Hong Kong không có quyền lực chính trị gì trên thực tế nhưng cuộc bầu cử hội đồng địa phương lần này, vốn diễn ra sau 6 tháng biểu tình ròng rã cùng với sự leo thang bạo lực, có ‘ý nghĩa rất quan trọng’ đối với phe đối lập, nhà báo Raymond Yam thuộc Ban Tiếng Quảng Đông của VOA chia sẻ.
Trước hết, thắng lợi này giúp các đảng phái thuộc phe ủng hộ dân chủ củng cố nguồn thu chính cho ngân quỹ bởi vì khi các thành viên của họ trúng cử vào hội đồng quận và được lãnh lương từ công việc này, phần lớn trong số họ sẽ đóng góp phân nửa số tiền lương vào hoạt động của đảng, ông Yam cho biết.
“Số tiền này rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động hàng ngày của các đảng phái.”
Thứ hai là nó làm mất đi lợi thế của các đảng phái thân Bắc Kinh trong lần bầu cử sau, vị ký giả theo dõi sát tình hình Hong Kong cho biết.
“Các đảng này thường tận dụng vị trí của họ ở các hội đồng địa phương để thông qua các dự án có lợi cho người dân địa phương để ghi điểm với cử tri trong kỳ bầu cử sau,” ông giải thích.
Thứ ba là với thắng lợi này, phe ủng hộ dân chủ có khả năng giành thêm 6 ghế trong tổng số 70 ghế trong cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp (Legislative Council, hay còn được gọi nôm na là LegCo), cơ quan lập pháp tối cao của Đặc khu Hong Kong, vào tháng 9 năm sau.
Theo đó, với thế đa số tại các hội đồng địa phương, phe ủng hộ dân chủ có thể bầu người của họ đại diện cho 5 ‘đại quận’ (super district) – mỗi đại quận một ghế đại diện trong LegCo.
Ghế còn lại được phân bổ theo thể thức theo các hiệp hội, nghiệp đoàn (luật sư, giáo viên, doanh nhân, ngư dân…) – mỗi hiệp hội một ghế. Do đó, sẽ có 1 ghế đại diện cho toàn bô 453 thành viên hội đồng địa phương tại LegCo. Với tỷ lệ trên 80% thành viên hội đồng địa phương là người của mình, các đảng dân chủ có thể dễ dàng nắm luôn ghế này tại LegCo, ông Yam cho biết.
Cuối cùng, trong tổng số 1.200 đại cử tri vốn sẽ bầu ra Đặc khu Trưởng quan (hiện tại là bà Carrie Lam), các hội đồng địa phương có được 117 ghế. Với thắng lợi trong cuộc bầu cử này, hiện tại, các đảng phái ủng hộ dân chủ nhiều khả năng sẽ chiếm hết 117 ghế đại cử tri của hội đồng địa phương. Do đó, tổng số ghế đại cử tri mà phe Dân chủ có được sẽ lên đến trên 500 ghế, ông Yam ước đoán.
Mặc dù con số này vẫn chưa vượt qua được mức quá bán để có thể bầu người của mình làm Đặc khu Trưởng quan hay chặn được ứng viên do Bắc Kinh chọn lựa đắc cử (700 ghế đại của tri còn lại là người của Bắc Kinh), nhưng đó vẫn là ‘thế thiểu số lớn’.
Thiểu số này sẽ phát huy tác dụng nếu Bắc Kinh đề cử hai ứng viên cho chức Đặc khu Trưởng quan. Khi đó, con số 700 lá phiếu của Bắc Kinh có thể sẽ bị chia rẽ và nhóm thiểu số đại cử tri của phe ủng hộ dân chủ sẽ đắc lợi.
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh chỉ đề cử một ứng viên thì phe ủng hộ Dân chủ không có cách nào chặn được ứng viên đó lên làm trưởng đặc khu, ông Yam nhìn nhận.
Mặc dù sức mạnh chính trị của phe đối lập có thể tăng sau kỳ bầu cử này, nhưng tác động của nó trên phương diện chính quyền hay chính sách ‘là rất hạn chế’, ông nói.
Ông cho biết chức năng của các hội đồng địa phương chỉ là ‘tư vấn cho chính quyền’ về việc sử dụng các tiện ích công cộng như công viên, thư viện, đường sá. Họ không có quyền ra luật, quyền phân bổ ngân sách vốn thuộc thẩm quyền của LegCo.
Ý nguyện người dân?
Tuy nhiên, nhà báo này cho rằng cuộc bầu cử địa phương lần này được người dân Hong Kong xem như là ‘cuộc trưng cầu dân ý’ đối với chính quyền của bà Carrie Lam bởi vì đó là cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu trực tiếp duy nhất mà người dân Hong Kong có thể tham gia.
“Trước ngày bầu cử đã có rất nhiều tin đồn rằng chính quyền muốn hoãn hoặc thậm chí hủy cuộc bầu cử với lý do là tình trạng hỗn loạn do biểu tình và bạo lực trên đường phố,” ông nói.
“Do đó người dân Hong Kong đã rất lo lắng và họ quyết định đã đến lúc họ phải lên tiếng,” ông nói thêm và cho biết người dân Hong Kong đã đổ đi bỏ phiếu rất nhiều trong trật tự và kiên nhẫn – có người chờ đến hàng tiếng đồng hồ để đến lượt bỏ phiếu.
Thông điệp mà các cử tri Hong Kong gửi đến chính quyền của bà Carrie Lam và Bắc Kinh trong cuộc bầu cử này là ‘họ không hài lòng với tình hình của Hong Kong’ và thể hiện sự bất mãn với các chính trị gia thân Bắc Kinh, người phóng viên từng nhiều lần sang Hong Kong ghi nhận và tường trình về các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong nhận xét.
Ông Yam cho biết nhiều ứng viên thuộc các đảng phái thân Bắc Kinh vốn trong thời gian qua đã lên tiếng chỉ trích nặng nề cuộc biểu tình và thể hiện sự ủng hộ đối với hành động của chính quyền đã thua trước các ứng viên của các đảng phái ủng hộ dân chủ.
Trong khi đó, những ứng viên đắc cử lại là những người hòa cùng thông điệp với người biểu tình là nhất mực đòi chính quyền thực hiện ‘5 yêu sách – không bớt một yêu sách nào’, trong đó có điều tra độc lập hành động được cho là ‘bạo lực thái quá’ của cảnh sát và khôi phục lại danh dự cho những người biểu tình.
Đề cập đến phát biểu của bà Lam sau khi có kết quả bầu cử mà trong đó bà hứa hẹn chính quyền ‘thấu hiểu những quan ngại của người dân và sẽ có sự điều chỉnh chính sách’, ông cho rằng chỉ là ‘lời đầu môi chót lưỡi (lip service)’ mà không đưa ra câu trả lời cụ thể cho ‘5 yêu sách’.
“Tôi không mong đợi cuộc bầu cử này sẽ thay đổi được điều gì cả,” ông nói.
Một khi ‘5 yêu sách’ này không được đáp ứng, ông Yam đoan chắc là người biểu tình Hong Kong sẽ tiếp tục hành động phản kháng mà trước hết là cuộc tuần hành được dự kiến diễn ra vào ngày thứ Năm 28/11, tức trùng với Lễ Tạ Ơn bên Mỹ, để bày tỏ sự ủng hộ với việc Quốc hội Mỹ thông qua Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.
“Ngay giờ đây sau khi bầu cử đã có ít nhất 90 vị ủy viên hội đồng địa phương vừa đắc cử đã tập hợp bên ngoài Đại học Bách khoa (nơi diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa cảnh sát và các sinh viên-học sinh biểu tình) để yêu cầu cảnh sát rút lui và cho phép người của họ vào trường gặp gỡ các sinh viên,” ông phân tích.
Ngoài ra, ông cũng đưa một bằng chứng là ông đã nhìn thấy những đoạn clip trên mạng cho thấy cảnh sát Hong Kong đã được triển khai đến một số khu vực để chuẩn bị đối phó biểu tình.
“Nếu chính quyền không đáp ứng 5 yêu sách, tôi không thấy dấu hiệu gì cho thấy người biểu tình sẽ lùi bước,” ông nói và nhận định rằng Hong Kong giờ đây ‘không còn là Hong Kong mà tôi biết 5 hay 6 tháng trước đây’.
“Khi đó, người dân Hong Kong chỉ muốn kiếm được nhiều tiền để cải thiện cuộc sống. Nhiều người thậm chí còn không quan tâm đến chính trị,” ông nói. “Nhưng trong 6 tháng qua, người dân Hong Kong đã phản kháng không chỉ dự luật dẫn độ mà còn là sự tàn bạo của cảnh sát.”
“Người dân Hong Kong cho rằng tự do và quyền của họ đã bị cảnh sát xâm phạm,” ông nói thêm và cho rằng phần lớn trong số ‘5 yêu sách’ là đòi hỏi công lý cho những người biểu tình.
Chính quyền sẽ làm gì?
Trong thời gian tới, nếu như Bắc Kinh hay chính quyền bà Lam có hành động gì ‘quá đà’ thì cơn giận dữ của công chúng sẽ leo thang, nhà báo này nhận định.
Ông cho rằng vào ngày 1/1 năm sau, tức là ngày các tân ủy viên hội đồng địa phương nhậm chức, nếu như chính quyền tái diễn hành động loại bỏ những người này vì những ‘lý do ngu ngốc’ như ‘họ không tuyên thệ nghiêm túc’ như họ đã từng làm với những người đắc cử vào LegCo hai năm trước đây, ‘chúng ta sẽ thấy kịch bản biểu tình lặp lại’.
“Còn nếu họ tiếp tục không làm gì cả người dân sẽ bất mãn và họ sẽ mất kiên nhẫn,” ông nhận định. “Nếu như họ mất kiên nhẫn họ sẽ có hành động.”
Về tại sao nhiều tháng biểu tình ở Hong Kong không làm cho Bắc Kinh lay chuyển, ông Yam nói rằng ‘vấn đề Hong Kong rất phức tạp’ khiến cho Bắc Kinh lâm vào thế khó.
Ông dẫn ra hai nguyên nhân làm phức tạp thêm vấn đề Hong Kong đối với Bắc Kinh là cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào đầu năm sau.
“Nếu Bắc Kinh đàn áp tàn bạo cuộc biểu tình thì thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và tình trạng rối loạn sẽ lan ra những nơi khác,” ông nói.
“Và còn cuộc bầu cử ở Đài Loan nữa. Bắc Kinh không muốn có nhiều đám lửa ở nhiều nơi cùng một lúc,” ông nói them.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-th%E1%BA%AFng-l%E1%BB%9Bn-trong-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-hong-kong-s%E1%BA%BD-c%C3%B3-g%C3%AC-thay-%C4%91%E1%BB%95i-/5181257.html

TQ lập trung tâm khủng hoảng Hong Kong ở đại lục

Nhằm siết chặt kiểm soát các nỗ lực giải quyết khủng hoảng ở Hong Kong, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thành lập một trung tâm chỉ huy xử lý khủng hoảng đặc khu ở bên trong đại lục, theo Reuters.
Trung Quốc cũng đang xem xét thay thế lãnh đạo Văn phòng Liên lạc của chính phủ trung ương tại Hong Kong.
Hong Kong: Phe ủng hộ dân chủ thắng lớn
Hong Kong: Người biểu tình muốn gửi thông điệp đến TQ
Hong Kong: Học sinh nam 12 tuổi bị kết án
Khi các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra ở Hong Kong, các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã nghiên cứu và tiến hành cách phản ứng từ một biệt thự ở ngoại ô Thâm Quyến, bỏ qua bộ máy chính thức mà Bắc Kinh đã sử dụng để giám sát Hong Kong trong hai thập kỷ qua.
Thông thường, thông tin liên lạc giữa Bắc Kinh và Hong Kong được thực hiện thông qua một cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc: Văn phòng Liên lạc của chính phủ trung ương ở Hong Kong. Văn phòng Liên lạc được đặt trong một tòa nhà chọc trời ở Hong Kong với dày đặc camera giám sát, được bao quanh bởi hàng rào thép.
Trong một dấu hiệu không hài lòng với cách xử lý khủng hoảng của Văn phòng Liên lạc, Bắc Kinh đang xem xét thay giám đốc Văn phòng, ông Vương Trí Dân. Ông Vương là quan chức chính trị cao cấp nhất đại lục ngồi tại Hong Kong.
Văn phòng Liên lạc bị chỉ trích vì đã đánh giá sai tình hình tại Hong Kong. “Văn phòng Liên lạc đã giao thiệp với những người giàu có và giới thượng lưu trong thành phố và tự cô lập với mọi người. Điều này cần phải thay đổi,” một quan chức Trung Quốc nói.
Văn phòng Liên lạc có thể phải đối mặt với sự gia tăng áp lực sau sự thất bại thảm hại của các đảng thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương vào Chủ nhật 25/11. Các ứng cử viên dân chủ đã giành được hơn 80% số ghế sau khi thực hiện chiến dịch chống lại sự can thiệp của Bắc Kinh vào các quyền tự do của Hong Kong.
Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao tại Trung Quốc và Văn phòng Liên lạc tại Hong Kong đã không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.
Văn phòng của lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam cũng chối bình luận về việc này.
Biệt thự Bauhinia
Trung tâm khủng hoảng được đặt tại Biệt thự Bauhinia hẻo lánh, một tòa nhà thuộc sở hữu của Văn phòng Liên lạc Hong Kong, theo các nguồn tin và theo truyền thông chính thống, và được đặt theo tên của loài hoa phong lan được in trên cờ và tiền Hong Kong.
Ngôi biệt thự, nằm ở ngay biên giới Hong Kong và đại lục, đã từng là một trung tâm khủng hoảng trước đây: Các quan chức cao cấp của Trung Quốc đã ở lại khu nghỉ dưỡng này khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ Dù Vàng nổ ra tại Hong Kong năm 2014.
Các quan chức hàng đầu của đại lục đã tập trung tại khu nghỉ dưỡng này để vạch ra chiến lược và đưa ra phương hướng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hong Kong, theo nguồn tin của Reuters.
Chính quyền Bắc Kinh đã triệu tập các quan chức Hong Kong tại đây trong suốt năm tháng qua khi các cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng dữ dội, các nguồn tin cho biết.
Trong số những người đã tham dự các cuộc họp tại biệt thự này, có lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam, người vào tháng Chín đã hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi vốn châm ngòi cho các cuộc biểu tình, với sự chấp thuận của lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Các cảnh sát Hong Kong, lãnh đạo doanh nghiệp và các chính trị gia địa phương ủng hộ Bắc Kinh cũng đã được triệu tập đến biệt thự này.
Trong một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của các hoạt động tại đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được biên bản các cuộc họp hàng ngày từ Biệt thự Bauhinia.
Các quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong được phỏng vấn cho bài viết này đã trả lời với điều kiện giấu tên, với lý do vấn đề này nhạy cảm.
Một doanh nhân người Thâm Quyến có quan hệ mật thiết với các quan chức Trung Quốc đã mô tả tổ hợp biệt thự này là một trung tâm chỉ huy tiền tuyến, nơi giới chức đang sử dụng làm căn cứ để điều phối và giám sát tình hình Hong Kong trong một môi trường an toàn. Khu phức hợp này có rất nhiều người, doanh nhân này nói.
Các nhà ngoại giao cho biết việc thành lập biệt thự Thâm Quyến như một trung tâm khủng hoảng với kênh liên lạc thẳng tới lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy sự nghiêm trọng của tình hình tại Hong Kong.
‘Song song với trụ sở chính’
Việc sử dụng Biệt thự Bauhinia để quản lý khủng hoảng đã thiết lập một kênh bổ sung cho hệ thống mà Bắc Kinh dùng để giám sát Hong Kong sau khi Trung Quốc giành lại quyền kiểm soát Hong Kong từ Anh năm 1997.
Văn phòng Liên lạc, chịu trách nhiệm báo cáo cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, từ lâu đã đóng vai trò là nền tảng để Bắc Kinh gây ảnh hưởng tại Hong Kong. Văn phòng này thúc đẩy mối quan hệ với chính phủ Hong Kong cũng như các nhân vật chủ chốt và một loạt các nhóm thân Bắc Kinh và các nhóm giới trẻ, bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp và các cộng đồng từ các tỉnh và các vùng thuộc Trung Quốc.
“Tình hình Hong Kong đang ngày càng khiến chính quyền Bắc Kinh khó chịu,” ông Sonny Lo, một nhà bình luận chính trị kỳ cựu của Hong Kong, nói. Mong muốn của họ về an ninh và toàn quyền hành động, theo ông, “là lý do họ chọn Thâm Quyến chứ không phải Hong Kong làm một trụ sở chính song song để đối phó với cuộc khủng hoảng ở Hong Kong”.
Giới chức cấp cao Trung Quốc ban đầu đã cố gắng tìm một điểm trung gian giữa việc không đáp ứng yêu cầu của người biểu tình, trong khi cố gắng tránh một cuộc đàn áp đẫm máu có thể phá hủy tầm vóc của Hong Kong như một trung tâm tài chính, theo nguồn tin của Reuters. Bắc Kinh tìm cách tỏ ra rằng họ không can thiệp vào Hong Kong ngay cả khi một triệu người đã xuống đưnờn biểu tình vào ngày 9/6, người dân nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50554771

TQ chơi dắt mũi ông Trump

trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1?

Giới quan sát cho rằng khả năng diễn ra đàm phán thỏa thuận thương mại “giai đoạn 2″ giữa Washington và Bắc Kinh là rất thấp, trong khi việc ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 nhiều khả năng sẽ bị lùi tới năm… 2020.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ các chuyên gia thương mại, quan chức và nghị sĩ của Mỹ và Trung Quốc cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020, những khó khăn trong việc hoàn thành giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận, cùng với việc Mỹ yêu cầu các nước gây áp lực lên Bắc Kinh đang làm giảm hi vọng sẽ có bất cứ tiến triển nào cho giai đoạn 2 trong tương lai gần.
Theo Reuters, việc ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có thể lùi sang năm 2020, khi Bắc Kinh muốn Mỹ phải gỡ bỏ thuế quan trên diện rộng trong khi ông Trump vẫn muốn giữ nguyên những đòi hỏi mà phía Trung Quốc không muốn đáp ứng.
Các quan chức ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ không thể ngồi xuống đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 trước cuộc bầu cử Mỹ tháng 11-2020, một phần vì họ muốn chờ xem liệu ông Trump có giành thắng lợi hay không.
“Là ông Trump muốn ký các thỏa thuận này chứ không phải chúng tôi. Chúng tôi có thể chờ” – một quan chức Trung Quốc giấu tên nói với Reuters. Hạ nghị sĩ Dân chủ Jim Costa cũng cho biết các nguồn tin Trung Quốc đã nói với ông điều tương tự.
Trong khi đó, một quan chức trong chính quyền ông Trump thừa nhận không thể biết được khi nào mới hoàn thành giai đoạn 2.
Có nhiều lý do để các chuyên gia và quan chức hai nước ít hi vọng về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 giữa Mỹ và Trung Quốc. Quốc hội Mỹ đã ủng hộ nỗ lực của ông Trump để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho hành vi gián điệp kinh tế, tấn công mạng, ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và bán phá giá hàng hóa nhờ sự trợ cấp của chính phủ.
Tuy nhiên nhiều trong những lo ngại quan trọng này sẽ không được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn 1.
“Đó là những vấn đề dễ. Các vấn đề khó hơn là gián điệp kinh tế, sở hữu trí tuệ, bảo mật và quyền riêng tư” – hạ nghị sĩ Costa nhìn nhận.
Ngoài ra, theoReuters, các cố vấn kinh tế của ông Trump cũng đang chia rẽ. Một số người thúc đẩy ông Trump đồng ý với một thỏa thuận giai đoạn 1 nhanh chóng để xoa dịu thị trường và doanh nghiệp trong khi số khác muốn ông thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện hơn.
Các chuyên gia thương mại và cựu quan chức Mỹ cho rằng Washington cần phối hợp tốt hơn với các đồng minh để gây sức ép buộc Bắc Kinh thực hiện các chuyển đổi cơ cấu kinh tế cần thiết, bao gồm chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc và bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn.
“Tôi nghĩ giai đoạn 1 sẽ xong vì cả hai lãnh đạo hai nước đều muốn” – ông Matthew Goodman, cựu quan chức chính phủ Mỹ và là chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết.
Tuy nhiên ông Goodman cho rằng Trung Quốc hiện không sẵn lòng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế vào mùa xuân 2020.
“Chúng ta cần một liên minh quốc tế để thúc đẩy giai đoạn 2″ – Kellie Meiman Hock, của tổ chức tư vấn thương mại McLarty Associates tại Washington, nói.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31710-tq-choi-dat-mui-ong-trump-trong-thoa-thuan-thuong-mai-giai-doan-1.html

Ngoại trưởng Trung Quốc:

‘Dù bầu bán ra sao, Hong Kong luôn thuộc TQ’

Ngay sau chiến thắng của phe ủng hộ dân chủ tại bầu cử hội đồng cấp quận ở Hong Kong, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng khẳng định Hong Kong luôn là một phần của Trung Quốc, bất kể chuyện gì xảy ra.
Ngoại trưởng Trung Quốc đã lên tiếng sau khi kết quả bỏ phiếu bắt đầu được công bố cho thấy phe ủng hộ dân chủ ở Hong Kong giành được hơn một nửa trong số 452 ghế hội đồng quận (tính đến trưa 25-11 giờ VN là 377/452 ghế).
“Đây chưa phải là kết quả cuối cùng. Chúng ta hãy chờ kết quả cuối cùng, được chứ? Nhưng rõ ràng là cho dù có bất cứ vấn đề gì xảy ra, Hong Kong là một phần của Trung Quốc và là đặc khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với các phóng viên sau cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ở Tokyo ngày 25-11.
“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rối Hong Kong, thậm chí làm tổn hại đến sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong đều sẽ không thành công”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.
Theo Hãng tin AFP, kết quả của cuộc bầu cử hội đồng cấp quận hôm 24-11 tại Hong Kong đã gửi một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ của dân chúng đối với phe ủng hộ dân chủ.
Việc đếm phiếu vẫn đang được tiến hành, những kết quả công bố sớm cho thấy phe dân chủ đã chiến thắng ở 17/18 hội đồng quận, theo báo SCMP.
Hong Kong rung chuyển trong 6 tháng qua bởi các cuộc biểu tình của phe ủng hộ dân chủ vì lo ngại Bắc Kinh đang tước đi các quyền đặc biệt của vùng lãnh thổ này, bao gồm tự do ngôn luận và tư pháp độc lập.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31711-ngoai-truong-trung-quoc-du-bau-ban-ra-sao-hong-kong-luon-thuoc-tq.html

TQ triệu tập đại sứ Mỹ

để phản đối dự luật nhân quyền Hong Kong

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ Terry Branstad hôm thứ Hai (25/11) để phản đối việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, mà Bắc Kinh nói đó là hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, theo Reuters.
Trong một thông báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trịnh Trạch yêu cầu Hoa Kỳ phải “sửa lỗi và ngừng can thiệp vào các vấn đề Hong Kong cũng như các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Những người biểu tình chống chính phủ đã biểu tình trên đường phố Hong Kong trong sáu tháng qua, giữa bối cảnh bạo lực ngày càng gia tăng và mối lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tăng cường phản ứng nhằm ngăn chặn tình trạng bất tuân dân sự.
Những người biểu tình nổi giận khi thấy Trung Quốc can thiệp vào các quyền tự do đã hứa cho Hong Kong sau khi đặc khu này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Hạ viện Hoa Kỳ đã chuyển hai dự luật liên quan đến Hong Kong tới Nhà Trắng vào hôm thứ Tư, sau khi cả hai được biểu quyết thông qua với tỉ lệ ủng hộ gần như hoàn toàn. Thượng viện đã nhất trí thông qua các dự luật này vào ngày hôm trước.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ ký thành luật các dự luật, bất chấp các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Bắc Kinh.
Thứ trưởng Trịnh nói rằng việc thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ là một hình thức khuyến khích bạo lực và cấu thành một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.
“Trung Quốc phẫn nộ mạnh mẽ và kiên quyết phản đối”, Reuters dẫn lại lời Thứ trưởng Trung Quốc trong bản tuyên bố.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết Đại sứ Branstad đã nói với ông Trịnh rằng Hoa Kỳ đang theo dõi các sự kiện ở Hong Kong với “mối quan ngại sâu sắc”.
“Đại sứ nói rằng chúng tôi lên án tất cả các hình thức bạo lực và đe dọa. Ông còn nói thêm rằng Hoa Kỳ tin rằng xã hội được phục vụ tốt nhất khi tất cả các quan điểm chính trị đa dạng đều có thể được biểu lộ trong các cuộc bầu cử thực sự tự do và công bằng”.
Trong khi đó, một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước đó nói rằng quyền tự trị của Hong Kong, việc tuân thủ luật pháp và cam kết bảo vệ các quyền tự do dân sự là “chìa khóa để bảo vệ tình trạng đặc biệt của thành phố theo luật pháp của Hoa Kỳ”.
“Như Chính phủ Hoa Kỳ từng nói nhiều lần, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tôn trọng lời hứa với người dân Hong Kong, họ chỉ muốn các quyền tự do và tình trạng tự do đã được hứa trong Tuyên bố chung Trung-Anh, một hiệp ước đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Tuyên bố chung là một thỏa thuận năm 1984 về các điều khoản phải thực hiện khi Anh trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, bao gồm cam kết về “mức độ tự trị cao” dành cho Hong Kong trong 50 năm kể từ ngày đó.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-tri%E1%BB%87u-t%E1%BA%ADp-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BB%83-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-hong-kong/5181746.html

Cảnh báo Pakistan đầu tư TQ: Mỹ không khác?

Mỹ đề nghị Pakistan đổi nhà đầu tư Trung Quốc, nhắc lại về ngoại giao bẫy nợ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á mới đây đã lên án kiểu đầu tư của Trung Quốc vào Pakistan.
Theo đó, ông đã kịch liệt lên án dự án tỷ USD Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) sẽ khiến cho kinh tế Pakistan thiệt hại dài hạn và chỉ có người dân nước này chịu thiệt.
Nhà ngoại giao cảnh báo nguồn đầu tư khủng của Trung Quốc không đem lại lợi ích gì cho Pakistan ngoại trừ tham nhũng và những khoản nợ.
CPEC là một kế hoạch tham vọng biến Pakistan trở thành một điểm chiến lược trên tuyến đường thương mại then chốt kết nối Trung Quốc trực tiếp ra Biển Arab. Dự án hợp tác này nằm trong chuỗi các dự án hạ tầng nằm trong Sáng kiến “Vành đai- Con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh.
Bà Alice Wells cho rằng, Bắc Kinh đang gây nguy hại đối với nền kinh tế Pakistan khi đầu tư các dự án đội vốn và buộc các quốc gia đó phải trả các khoản vay trong vòng 4-6 năm tới.
Nhà ngoại giao Mỹ giải thích chính sự thiếu “minh bạch” sẽ đội chi phí của dự án lên cao và dẫn tới tình cảnh gánh nặng về nợ chồng chất hơn.
Gợi ý cách giải quyết giúp Pakistan thoát khỏi tương lại u ám, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng quốc gia Nam Á nên hợp tác với Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ đề xuất những dự án tài trợ phát triển thay vì những khoản nợ, và khuyến khích các công ty tư nhân tự kinh doanh tại Pakistan.
“Nhắc nhở các bạn một chút, không giống Trung Quốc, Mỹ không bắt buộc hướng đi của các doanh nghiệp. Họ sẽ đi trên con đường nào có cơ hội lớn nhất đem về lợi ích chung” – bà Alice nhấn mạnh.
Bà Alice Wells không phải người đầu tiên ở Mỹ lên án các khoản đầu tư từ Trung Quốc vốn là các dự án hạ tầng đội vốn và đẩy các quốc gia nhận dự án vào bẫy nợ để rồi ép họ thực hiện các yêu cầu của mình về chủ quyền.
Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mỹ đã kịch liệt lên án kiểu đầu tư của Trung Quốc trên khắp thế giới. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã gọi các chính sách đầu tư của Trung Quốc  là “ngoại giao bẫy nợ” và “đầu tư cướp bóc”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói, các công ty quốc doanh Trung Quốc đang thể hiện sự thiếu minh bạch, không vận hành bằng thị trường và không nhằm mục đích mang tới lợi ích cho người bản địa, đơn cử là người dân tại Panama. Thay vào đó, các công ty này chỉ muốn gặt hái lợi ích cho chính quyền Trung Quốc.
“Khi Trung Quốc ngỏ lời, không phải lúc nào họ cũng quan tâm đến lợi ích của nhân dân đất nước các bạn. Khi họ xuất hiện với những đề nghị hấp dẫn đến khó tin, thường thì đúng là các bạn không nên tin”
- cổng thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại phát biểu của ông Pompeo.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tiếp tục công kích Trung Quốc khi có bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea hồi tháng 11/2018. Khi đó, ông Pence đã nói đầu tư Trung Quốc có thể gây hại cho chủ quyền quốc gia.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence
“Chúng tôi sẽ không nhấn chìm các đối tác của chúng tôi trong biển nợ. Chúng tôi không ép buộc, hối lộ hay gây tổn hại cho sự độc lập của các bạn. Mỹ thỏa thuận một cách công khai và công bằng, chúng tôi không đề xuất một vành đai siết chặt hay một con đường một chiều” – Phó Tổng thống Mỹ nói thêm.
Cách thức Bắc Kinh “ngoại giao bẫy nợ” là sử dụng các công ty thuộc sở hữu quốc doanh để tiến hành thực hiện dự án. Đây là sự thiếu minh bạch, không vận hành bằng thị trường và không nhằm mục đích mang tới lợi ích cho người bản địa. Thay vào đó, các công ty này chỉ muốn gặt hái lợi ích cho chính quyền Trung Quốc.
Đầu tư kiểu Mỹ sẽ khác Trung Quốc?
Phản ứng lại các tuyên bố này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, không một quốc gia đang phát triển nào phải dính nợ vì hợp tác với Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc cũng không quên dịp để lên án kiểu đầu tư của Mỹ. Tờ Hoàn cầu Thời báo gọi bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo là “thiếu tôn trọng”, đồng thời cáo buộc Mỹ “cố gắng gây chia rẽ” Trung Quốc và Mỹ Latinh.
“Nhiều nước tại khu vực đã thất vọng về Mỹ và muốn chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào họ. Các quốc gia khu vực Mỹ Latin hiểu rõ bản thân cần cân nhắc lợi ích như thế nào” – bài viết phản pháo, ám chỉ tới các nước ủng hộ đầu tư của Trung Quốc như Chile, Argentina và Brazil.
Thực tế, Mỹ cũng nhiều lần bị vạch mặt chiêu thức gieo chiến tranh để hút tài nguyên từ các quốc gia đó.
Còn nhớ trong một tuyên bố sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump dã nói về uộc chiến ở Iraq ám chỉ rằng, nếu muốn không chịu đựng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thì phải để nước Mỹ giữ dầu. Tổng thống Trump cho rằng, Mỹ có thể đã tránh được việc phải tốn hàng ngàn tỉ USD vào cuộc chiến chống IS nếu Mỹ quản lý dầu khi đưa quân vào Iraq năm 2003.
Nhiều người Mỹ coi Chiến tranh Iraq 2003 thực chất là 1 cuộc chiến vì dầu mỏ, trong đó Mỹ- Anh muốn dựng lên 1 chính phủ thân họ và sẵn sàng cho các công ty Mỹ và Anh vào khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của quốc gia Trung Đông này.
Chưa hết cuộc chiến Iraq, Mỹ mượn cớ chống khủng bố IS để tiến quân vào Syria – một quốc gia Trung Đông với nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú. Tới nay, Washington đã thể hiện rất rõ ý đồ này, tăng cường quân đội ở Trung Đông nhằm bảo vệ các giếng dầu.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31706-canh-bao-pakistan-dau-tu-tq-my-khong-khac.html

Chuyên gia khuyến cáo đại học Úc

chớ hợp tác với đại học Trung Quốc

Nên cấm các đại học Úc làm đối tác với hơn 100 đại học Trung Quốc vì các đại học Trung Quốc có quan hệ gần gũi với quân đội Trung Quốc, một trung tâm nghiên cứu hàng đầu cảnh báo.
Trước đây trong tháng, các đại học Úc hứa cân nhắc về bất kỳ mối liên hệ quân sự nào mà một cơ sở giáo dục bậc cao ở Trung Quốc có thể có khi xét đến các dự án nghiên cứu chung.
Dùng dữ liệu nguồn mở, Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc viết trong báo cáo đăng tải hôm 25/11 rằng 115 trường đại học Trung Quốc có liên hệ với các nghiên cứu quân sự hay các vi phạm nhân quyền, các mối liên hệ mà các đại học Úc không nên làm đối tác với họ.
Sinh viên nước ngoài đóng góp khoảng 24 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế Úc. Sinh viên Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 số này và Úc lo rằng Trung Quốc có thể dùng vị thế này để gây ảnh hưởng các đại học Úc.
Bắc Kinh trước nay khẳng định không có hoạt động nào không thỏa đáng, tố cáo Úc mang tinh thần chiến tranh lạnh.
Quan hệ giữa Úc với Trung Quốc những năm gần đây trở nên căng thẳng vì Úc lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc, cả nội địa lẫn xuyên khắp khu vực Thái Bình Dương.
https://www.voatiengviet.com/a/chuy%C3%AAn-gia-khuy%E1%BA%BFn-c%C3%A1o-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-%C3%BAc-ch%E1%BB%9B-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-v%E1%BB%9Bi-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-trung-qu%E1%BB%91c/5181256.html

Úc điều tra về chiến dịch của Bắc Kinh

cài gián điệp vào Quốc Hội

Trọng Thành
Cảnh sát Úc sẽ mở điều tra về các thông tin, do một “cựu điện viên” Trung Quốc cung cấp mới đây, cho thấy Bắc Kinh tìm cách tuyển mộ người để đưa vào Quốc Hội Úc.
Một giới chức cảnh sát Úc hôm 26/11/2019 cho hãng tin AFP biết cảnh sát liên bang Úc sẽ chính thức tiến hành điều tra về vụ ông Triệu Bác ( Bo “Nick” Zhao ), 32 tuổi, chủ một đại lý xe hơi hạng sang tại Melbourne, cũng là thành viên đảng Tự Do cầm quyền, tình nghi bị Trung Quốc tiếp cận để tuyển mộ làm gián điệp.
Trong các khai báo mới đây về các hoạt động gián điệp và can thiệp trên quy mô lớn của Trung Quốc trong khu vực, ”cựu điệp viên” Trung Quốc Vương Lập Cường (Wang Liqiang) cho biết tình báo Trung Quốc đã từng tìm cách tuyển mộ một doanh nhân ở Merlbourne, để tìm cách đưa vào Quốc Hội Úc. Ông Vương Lập Cường khẳng định đã tham gia vào nhiều hoạt động bí mật tại Đài Loan và Úc. Lời khai của ”cựu điệp viên” họ Vương có thể đã khiến vụ Bo ”’Nick” Zhao nổi lên trở lại.
Theo các thông tin được tiết lộ trong chương trình 60 phút (60 Minutes Australia) đài truyền hình Nine, hôm Chủ Nhật 24/11, ngay trước khi qua đời, doanh nhân nói trên đã thông báo với cơ quan phản gián Úc (ASIO) đã bị người của Bắc Kinh tiếp cận để tuyển mộ. Hồi tháng 3/2019, doanh nhân gốc Hoa Bo ”Nick” Zhao, mang hai quốc tịch Úc và Trung Quốc, được phát hiện đã chết tại một khách sạn ven đường. Ông Bo “Nick” Zhao có thể đã cự tuyệt đề nghị của tình báo Trung Quốc.
Cũng trong chương trình truyền hình nói trên, người phụ trách về tình báo trong Quốc Hội Úc, Andrew Hastie, nhấn mạnh đây là một ”nỗ lực do một quốc gia nước ngoài chủ trương, để đưa người vào Quốc Hội, với việc sử dụng một công dân Úc, như một nhân vật mang ảnh hưởng bên ngoài vào trong hệ thống dân chủ của chúng ta”.
Tối Chủ Nhật 24/11, lãnh đạo cơ quan phản gián Úc Mike Burgess đã ra một thông báo bất thường, khẳng định cơ quan này đang ”tích cực điều tra” về vụ Bo “Nick” Zhao. Lãnh đạo cơ quan phản gián Úc không đưa ra bình luận nào về cái chết của ông Zhao, vì lý do bí mật điều tra.
Hôm 25/11, thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết các cáo buộc liên quan đến vụ ông Bo Zhao là ”hết sức đáng ngại” và ”nước Úc ”không hề ngây thơ trước các đe dọa mà quốc gia này đang phải đối mặt”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191126-uc-dieu-tra-ve-chien-dich-cua-bac-kinh-dua-gian-diep-vao-quoc-hoi

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.