Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 26/11/2019

Tuesday, November 26, 2019 6:33:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 26/11/2019

Thông điệp của TQ

khi đưa tàu sân bay nội địa Type 001A tới Biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức xác nhận tàu sân bay nội địa Type 001A đã di chuyển qua eo biển Đài Loan và đang tiến tới Biển Đông để tập trận; đồng thời cho rằng “hoạt động này không nhằm đối trọng với nước nào”.
Truyền thông Trung Quốc (18/11) dẫn thông báo của Hải quân Trung Quốc cho biết, đêm 17/11 tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo đã hành trình qua eo biển Đài Loan, hướng xuống Biển Đông để tiến hành thử nghiệm khoa học và huấn luyện. Thông báo nhấn mạnh, “các hoạt động thử nghiệm khoa học và huấn luyện của tàu sân bay Trung Quốc ở khu vực này là hoàn toàn bình thường trong quá trình chế tạo tàu sân bay. Chúng không nhằm vào bất kỳ mục tiêu cụ thể nào cũng như không liên quan đến tình hình hiện tại”. Hoạt động lần này của tàu sân bay Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của truyền thông và giới chuyên gia quân sự Trung Quốc. Theo chuyên gia Lý Kiệt, tàu sân bay là một trong những vũ khí trang bị quan trọng bậc nhất của Hải quân. Cấu trúc và chất lượng của nó cho thấy lực lượng hải quân đó có “đủ vốn” để hoạt động ở những khu vực biển sâu và xa đất liền hay không. Do đó, Mỹ và Nhật Bản đặc biệt chú ý đến tiến trình thử nghiệm của tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Việc đưa tàu sân bay này xuống phía Nam đặc biệt là đi qua eo biển Đài Loan cho thấy, tàu này đã được trang bị đầy đủ khả năng đối phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Ông Lý Kiệt cho rằng, tàu sân bay này sẽ dừng ở quân cảng Tam Á, sau đó sẽ bàn giao cho Hạm đội Nam Hải. Trước đó, nhiều đánh giá cho rằng tàu Type 001A sẽ mang số hiệu 17, tên là Sơn Đông. Tuy nhiên với việc hành trình xuống phía Nam và không bố trí ở căn cứ Thanh Đảo, nên có thể con tàu sẽ mang tên là Quảng Đông. Ngoài ra, nếu tàu sân bay này đồn trú ở Tam Á, Hải quân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường máy bay chiến đấu J-15 đến sân bay Lĩnh Thủy. Nhiều khả năng, Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành lễ bàn giao vào ngày 26/11.
Trong khi đó, truyền thông Đài Loan cho rằng Trung Quốc điều tàu Type 001A di chuyển qua eo biển Đài Loan và tiến tới tập trận ở Biển Đông khi chưa được đánh số hiệu và cũng chưa đưa vào phục vụ là do khu vực phía Đông Bắc Trung Quốc gần đây đã bắt đầu có tuyết rơi, điều này sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho việc thử nghiệm cất hạ cánh J-15 trên tàu. Ngoài ra, tàu sân bay này đột nhiên xuống phía Nam nhằm tạo yếu tố bất ngờ cho Mỹ và Nhật Bản. Dự kiến sau khi đến căn cứ Tam Á, tàu này sẽ thực hiện
ba sự kiện lớn gồm: Đánh số hiệu tàu, tổ chức lễ bàn giao và cuối cùng là tiến hành huấn luyện cất hạ cánh.
Được biết, Type 001A được thiết kế dựa trên phiên bản tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô. Tàu có chiều dài khoảng 300 mét, lượng choán nước khoảng 50.000 tấn (70.000 tấn khi đầy tải). Con tàu này sử dụng nồi hơi đốt dầu thông thường để chạy các tua bin hơi. Dự kiến, biên chế cho hạm đội tàu sân bay Type 001A sẽ tương tự như hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh, gồ: 02 tàu khu trục tên lửa Type 052C; 01 tàu khu trục tên lửa Type 052D; 02 tàu hộ vệ tên lửa Type 054A; 01 tàu hộ vệ tên lửa Type 056A; 01 tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A và tàu tấn công nhanh.
Nếu Trung Quốc triển khai tàu Type 001A ở Biển Đông sẽ đi ngược lại các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực. Đồng thời, hành động trên của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 37 khoản 1, Luật Biển Việt Nam 2012, quy định “các hành vi đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam là những hành vi bị nghiêm cấm”. Không những vậy, nó còn vi phạm Hiến chương LHQ. Là một thành viên tham gia ký kết Hiến chương LHQ và là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến chương LHQ.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp (vào năm 1988 và năm 1995, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tiến hành xây dựng, cải tạo và triển khai tên vũ khí tại một số thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể: Vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.
Ngoài ra, nếu triển khai tàu Type 001A ở Biển Đông cũng là vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.
Kế hoạch của Trung Quốc cũng sẽ vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương mà Trung Quốc đã ký kết. Việc Trung Quốc triển khai tàu Type 001A ở Biển Đông sẽ vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể: Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 4 (Việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa hoàn toàn đồng nghĩa với việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để răn đe, cảnh cáo các nước liên quan khi tìm cách giải quyết tranh chấp), Điều 5 (Hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực). Không những vậy, nó cũng đi ngược lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành vi đơn phương nào của phía Trung Quốc đều không chỉ xâm phạm đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam như đã nói ở trên mà còn gây ra căng thẳng, nguy cơ bất ổn và xung đột và ngăn cản việc thực thi các quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nhìn chung, nếu Trung Quốc triển khai tàu Type 001A ở Biển Đông sẽ không chỉ là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ, UNCLOS, Vi phạm các nguyên tắc trong tập quán quốc tế, mà còn đi ngược lại các thỏa thuận song phương, đa phương và cam kết của chính Trung Quốc như DOC, Thỏa thuận song phương Trung Quốc – Việt Nam… Những hành động trên của Trung Quốc không chỉ phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở châu Á-Thái Bình Dương, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, gây ảnh hưởng xấu đến chính hình tượng nước lớn có trách nhiệm mà Trung Quốc đang tự xây dựng, gây mất lòng tin chính trị giữa Trung Quốc với các nước và tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng quốc tế khi chỉ muốn dựa vào sức mạnh (quân sự, kinh tế) để áp đặt, xâm chiếm chủ quyền của nước khác.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Mỹ và đồng minh liên tục tập trận nhằm

ngăn chặn TQ chiếm quyền kiểm soát trên biển

Từ đầu tháng đến nay, để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ và đồng minh liên tục tiến hành các hoạt động tập trận trên biển.
Mỹ – Ấn tập trận “Tiger Triumph”
Từ ngày 13-21/11, lần đầu tiên 3 chi nhánh lực lượng vũ trang Ấn Độ tập trận cùng với Hải quân Mỹ trên Vịnh Bengal, nhằm tăng cường khả năng phối hợp chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Cuộc tập trận “Tiger Triumph” diễn ra dọc theo bờ biển phía Đông Vịnh Bengal. Đây là lần đầu tiên lục quân, không quân và hải quân Ấn Độ phối hợp tập trận với Hải quân Mỹ. Trọng tâm của cuộc tập trận là hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và phát triển khả năng hợp tác giữa các lực lượng. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết cuộc tập trận còn bao gồm các hoạt động hàng hải và đổ bộ. Cuộc tập trận được cho là một động thái thể hiện sự hợp tác giữa New Delhi và Washington trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khi đó, ác nhà phân tích cho rằng rất quan trọng để bảo vệ lợi ích chung của hai nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, một khu vực mà Trung Quốc đang cho thấy thái độ ngày càng quyết liệt hơn. Phó Giáo sư Pankaj Jha về quốc phòng và chiến lược, Đại học OP Jindal Global ở bang Haryana, Ấn Độ cho biết, “Ấn Độ vẫn chưa biết làm thế nào có thể sử dụng thỏa thuận an ninh Mỹ – Ấn năm 2018 trong môi trường đe dọa thực sự. Cuộc tập trận cho chúng tôi hiểu rằng thỏa thuận năm 2018 và bản ghi nhớ về hậu cần năm 2016 là những công cụ có thể được sử dụng khi cần thiết”. Thỏa thuận năm 2018 cho phép Mỹ chia sẻ thiết bị và mã liên lạc nhạy cảm với Ấn Độ, cho phép hai bên hoạt động trên cùng một tần số trong thời gian thực. Trong khi đó, bản ghi nhớ về hậu cần cho phép hai bên tiếp cận với các cơ sở quân sự để cung cấp thực phẩm, nước và nhiên liệu trong các chuyến thăm và huấn luyện chung.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng cuộc tập trận không làm tổn hại đến lợi ích và tham vọng của Trung Quốc, nó như là một sự tiến bộ tự nhiên trong việc tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ.
Mỹ, Nhật, Australia và Canada tập trận ANNUALEX ’19
Hải quân Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) cùng Hải quân Hoàng gia Australia và Hải quân Hoàng gia Canada tham gia cuộc diễn tập thường niên nhằm tăng khả năng hợp tác đối phó với tình huống bất ngờ. Cuộc tập trận diễn ra ngoài khơi bờ biển Philippines.
Theo thông tin trên, cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 10/11, đây là cuộc tập trận song phương thường niên giữa Lực lượng JMSDF và Hải quân Mỹ. Phó Đô đốc Hiroyuki Kasui, chỉ huy đội tàu Nhật Bản cho biết “tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng cuộc diễn tập song phương này sẽ tăng cường khả năng tương tác giữa JMSDF và Hải quân Mỹ, khả năng hợp tác đối phó với tình huống bất ngờ, và cuối cùng là độ tin
cậy và hiệu quả răn đe từ sự phối hợp an ninh Nhật – Mỹ”; đồng thời khẳng định “quan hệ giữa JMSDF và Hải quân Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Quan hệ bền chặt của chúng tôi sẽ góp phần thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”. Trong khi đó, Phó Đô đốc Bill Merz, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ cho biết “mọi thứ chúng tôi làm ở Hạm đội 7 đều giúp thúc đẩy và củng cố mục tiêu duy nhất là thúc đẩy an ninh và ổn định trên toàn khu vực”.
Trong cuộc diễn tập, lực lượng JMSDF và Mỹ sẽ phối hợp với nhau ở các chiến trường trên không, trên và dưới mặt biển, yêu cầu tất cả các đơn vị tham gia tập luyện theo một kịch bản toàn diện. Kịch bản này được thiết kế để họ thực hành các khả năng quan trọng cần thiết nhằm hỗ trợ sự phòng thủ của Nhật Bản và phản ứng với các tình huống khủng hoảng hoặc ngoài dự tính có thể xảy ra ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Được biết, trong năm 2019, ngoài việc đẩy mạnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Mỹ cũng tích cực tập trận song phương, đa phương với các nước đồng minh ở Biển Đông, nhằm ngăn chặn các hành vi phi pháp của Trung Quốc và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, cụ thể:
Mỹ và Anh (18/2) tiếp tục điều tàu chiến tiến hành huấn luyện an ninh hàng hải và hậu cần ở Biển Đông nhằm khẳng định quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi lại trong khu vực. Hải quân Mỹ đã triển khai tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe trong khi Hải quân Hoàng gia Anh triển khai tàu hộ vệ HMS Montrose tham gia cuộc tập trận hậu cần và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Trong cuộc tập trận trên, các binh sĩ Anh và Mỹ đã diễn tập kịch bản mô phỏng hoạt động lên tàu, khám xét và bắt giữ với sự tham gia của tàu Montrose và tàu Guadalupe. Đây là đợt hợp tác huấn luyện lần thứ ba giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh trong vài tháng gần đây.
Mỹ và Philippines (1-12/4) đã tiến hành tập trận thường niên quy mô lớn “Vai kề vai” (Balikatan), trong đó có cuộc tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển đảo Luzon đối diện với khu vực Biển Đông. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, khoảng 8.000 quân tham gia cuộc tập trận trên. Trong đó có 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 lính Mỹ cùng với 50 lính Australia và quan sát viên từ 7 quốc gia khác. Tương tự như năm ngoái, cuộc tập trận diễn ra chủ yếu ở khu vực phía Bắc của Philippines, tại nhiều khu vực thuộc các tỉnh Pampanga, Tarlac và Zambales. Giới chuyên gia nhận định, cuộc tập trận thường niên này nhằm chuẩn bị cho binh sĩ trước các cuộc khủng hoảng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tập trung vào an ninh biển – một mối lo ngại đang tăng lên khi Trung Quốc đang cố gắng chiếm quyền thống trị trên các tuyến đường thủy chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên tàu USS Wasp và các máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia vào cuộc tập trận Balikatan. Phía Mỹ cho rằng con tàu này xuất hiện cùng với các chiến đấu cơ “thể hiện sự gia tăng về khả năng quân sự nhằm thực hiện cam kết về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Trong khi đó, Trung Quốc thể hiện thái độ khó chịu và đưa ra những tuyên bố khiêu khích. Truyền thông nhà nước Trung Quốc lớn tiếng cảnh báo “người ngoài” không can thiệp tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và cho rằng các bài tập trận cho thấy nỗ lực gần đây của Manila khi lôi kéo người ngoài vào tranh chấp khu vực”. Tân Hoa xã từng có bài viết chỉ trích cuộc tập trận, cho rằng “những kẻ khởi xướng sẽ hứng đòn gậy ông đập lưng ông trước sự khiêu khích mang tính hăm dọa và không đúng lúc” như vậy. Theo Tân Hoa xã, “là một quốc gia lớn với những lợi ích sống còn ở châu Á, trước hết Mỹ cần làm rõ mục tiêu của chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược này cho tới nay không có gì khác ngoài sự vô nguyên tắc và mâu thuẫn giữa những hành động gây hoang mang dư luận và lời nói yêu chuộng hòa bình”.
Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines (2/5 – 8/5) cũng đã tiến hành tập trận ở Biển Đông. Theo đó, tham gia cuộc tập trận có tàu khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Mỹ, tàu sân bay trực thăng JS Izumo và tàu khu trục JS Murasame của Nhật Bản, tàu khu trục INS Kolkata và tàu tiếp liệu INS Shakti của Ấn Độ và tàu tuần tra BRP Andres Bonifacio của Philippines. Trong cuộc tập trận, hải quân 4 nước đã thực hiện nhiều bài tập lập đội hình, liên lạc, vận chuyển binh lính, trao đổi giữa các sĩ quan lãnh đạo. Đây là lần đầu bốn nước nói trên cùng tham gia tập trận tại Biển Đông.
Lực lượng tuần duyên của Mỹ và Philippines (15/5) tiến hành cuộc tập trận chung tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough, phía Tây đảo Luzon. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Philippines ở gần bãi cạn này. Các quan chức Philippines cho biết, 3 tàu, gồm tàu tuần duyên Bertholf của lực lượng tuần duyên Mỹ và tàu tìm kiếm cứu hộ của lực lượng tuần duyên Philippines, đã tham gia cuộc tập trận mô phỏng chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ sau khi một tàu chở khách bị chìm.
Hải quân Mỹ và ASEAN (2-6/9) tiến hành tập trận hải quân chung đầu tiên (AUMX), bao gồm các cuộc tập trận ở Biển Đông. Cuộc tập trận bắt đầu tại căn cứ hải quân Sattahip ở Thái Lan và kết thúc ở Singapore. Cuộc tập trận với chủ đề “Tăng cường hiểu biết lẫn nhau và năng lực tác chiến hàng hải hỗn
hợp”, nhằm mục đích thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải hàng không và các hoạt động thương mại không bị ngăn trở theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận. Theo chương trình dự kiến, các lực lượng hỗn hợp của ASEAN và Mỹ sẽ phải thực hiện các hoạt động trên biển và trên không trong khuôn khổ cuộc tập trận. Tình huống mô phỏng của cuộc tập trận là qua trao đổi thông tin, các lực lượng phát hiện ba tàu đáng ngờ, có hành vi vi phạm pháp luật trên biển tại vùng biển Đông Nam Á; sau đó, lực lượng hỗn hợp sẽ tiến hành truy tìm và bắt giữ các nghi phạm trên tàu. Cuộc tập trận có sự tham gia của 8 tàu chiến và 4 máy bay chiến đấu từ 7 quốc gia và 1.250 quân nhân của Mỹ và tất cả 10 nước ASEAN. Phía Mỹ cử liên đội tàu khu trục 7 thuộc Hạm đội 7 tham gia diễn tập, trong đó nổi bật nhất là tàu tuần duyên USS Montgomery, được hạ thuỷ vào năm 2016 và là một trong những tàu tuần duyên hiện đại nhất của hải quân Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam điều tàu Hải quân 18 – Bộ Tư lệnh Vùng 2 – Quân chủng Hải quân Việt Nam tham dự. Đây là tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang Flight III, với lượng giãn nước 1.200 tấn và giàn vũ khí mạnh.
Trong khuân khổ cuộc tập trận Sam-Sam Mỹ, Philippines và Nhật Bản (16/10) đã điều nhiều tàu chiến tập trận bảo vệ lực lượng trên biển, vô hiệu hóa thiết bị nổ, tác chiến chống phục kích trên cạn, trên không và theo dõi tàu đối phương ở vùng biển sát quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines Arman Balilo (16/10) cho biết một tàu tuần duyên Mỹ và ít nhất năm tàu hải quân Mỹ khác cùng lực lượng quân sự của nước này và Nhật Bản đã tham gia tập trận chung trên. Theo đó, Mỹ cử tuần duyên hạm bờ biển USCGC Stratton (WMSL-752), tuần duyên hạm bờ biển USS Montgomery, tàu đổ bộ USS Germantown, tàu đổ bộ tốc độ cao USNS Millinocket, tàu cứu hộ USNS Salvor, máy bay do thám P8-A Poseidon tham gia đợt diễn tập Sama-Sama.
Từ 9-19/10, Mỹ và Philippines tiến hành tập trận tác chiến trên không và trên biển thường niên Kamandag (Sự hợp tác của Các chiến binh trên biển) tại một số khu vực thuộc đảo Luzon và đảo Palawan. Cuộc tập trận trên nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc thiên tại. đó, Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết những hoạt động mới nhằm tăng cường khả năng “phối hợp đa quốc gia, tính sẵn sàng và các khả năng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc thiên tai”, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Ngoài ra, các nước đồng minh của Mỹ cũng gia tăng hoạt động tập trận ở Biển Đông. Theo đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (21/9) cho biết đã cử tàu khu trục Asagiri tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Malaysia nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đài NHK của Nhật Bản cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Somalia, tàu khu trục Asagiri (18/9) của Nhật Bản đã cập bến Kuantan, phía Đông Malaysia. Trong chuyến thăm Malaysia lần này, tàu khu trục Asagiri sẽ tiến hành tập trận chung trên biển với Hải quân Malaysia. Theo thuyền trưởng tàu Asagiri Yuichi Haeno, hoạt động chung với Hải quân Malaysia có ý nghĩa quan trọng, giúp đóng góp vào ổn định ở Biển Đông và khu vực lân cận; nhấn mạnh Nhật Bản kỳ vọng những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ tương tự trong tương lai.

Nga – Việt Nam

chuẩn bị diễn tập cứu hộ tàu ngầm trên Biển Đông

Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Nga (19/11) cho biết, Bộ Quốc phòng Nga sẽ cử tàu Igor Belousov tham gia thực hành nội dung cứu hộ tàu ngầm cùng hải quân Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 12/2019.
Theo thông tin trên, Bộ Quốc phòng Nga đã phê duyệt kế hoạch điều tàu cứu hộ Igor Belousov tham gia đợt diễn tập chung Việt – Nga trên Biển Đông vào tháng 12 với nội dung ứng cứu thủy thủ đoàn tàu ngầm gặp nạn dưới đáy biển. Tàu Igor Belousov do hãng CMDB Almaz thiết kế và hãng Admiralteiskie Verfi đóng tại nhà máy ở Saint Petersburg. Tàu Igor Belousov là một trong những tàu cứu hộ tàu ngầm hiện đại nhất của Nga, được đưa vào biên chế cuối năm 2015. Tàu dài gần 107 m, rộng 17 m, có lượng giãn nước hơn 5.000 tấn và thủy thủ đoàn 96 người. Tàu có thể tiếp nhận 120 người được giải cứu,
tương đương thủy thủ đoàn của một tàu ngầm hạt nhân chiến lược cỡ lớn. Ngoài ra, tàu còn có bãi đáp trực thăng và chở theo một tàu lặn cứu hộ Bester-1, được 6 người vận hành và có thể chở thêm 22 người, cùng một số thiết bị lặn khác. Theo TASS, tàu Igor Belousov gần đây diễn tập tại vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, trong đó tàu lặn Bester-1 được triển khai để tiếp cận một tàu ngầm giả định ở độ sâu 60 m.
Được biết, hợp tác quốc phòng Việt – Nga được tăng cường trong thời gian gần đây, khi Việt Nam lần đầu cử chiến hạm thăm Nga và tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 323 năm ngày truyền thống hải quân Nga. Moskva khẳng định cam kết hỗ trợ quân đội Việt Nam trên mọi phương diện, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Kartapolov nói trong cuộc gặp Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hà Nội hồi cuối tháng 10.
Hiện Việt Nam đang vận hành 6 tàu ngầm tấn công diesel – điện Đề án 636 “Varshavyanka”, còn gọi là lớp Kilo, do Nga chế tạo. Nga cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm huấn luyện thủy thủ đoàn tàu ngầm. Theo đó, tháng 12/2009, Việt Nam lần đầu tiên ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc Dự án 636 Varshavyanka (NATO định danh: Kilo cải tiến) trị giá 2 tỷ USD. Ngoài đóng tàu, hợp đồng bao gồm huấn luyện thủy thủ Việt Nam, cung cấp thiết bị, kỹ thuật. Tàu ngầm lớp Kilo nằm trong danh sách tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Các quốc gia đang vận hành hoặc đặt hàng gồm Nga, Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romania và Việt Nam. Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất lịch sử xuất khẩu khí tài hải quân của Nga. Việc mua tàu Kilo và lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên ra đời năm 2013 được đánh giá là mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam.
Tàu ngầm Kilo được chế tạo tại nhà máy Admiralty Verfi (St. Petersburg), một trong những cơ sở đóng tàu lâu đời nhất của Nga. Trong 313 năm hoạt động, nhà máy này đóng hơn 2.300 tàu mặt nước gồm thiết giáp hạm, tàu tuần dương, chế tạo hơn 300 tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân. Ngày 25/8/2010, chiếc đầu tiên trong hợp đồng được khởi đóng và hạ thủy sau đó hai năm. Từ khi hạ thủy, nó thực hiện hơn 100 lần thử nghiệm lặn tại những độ sâu khác nhau. Các thử nghiệm đều đạt và vượt yêu cầu. 5 tàu còn lại khởi đóng và hạ thủy trong vòng bốn năm sau đó. Ngày 28/5/2014, chiếc thứ sáu trong hợp đồng được cắt thép đóng, hạ thủy ngày 28/9/2015. Việt Nam đặt tên 6 con tàu gắn với các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo thiết kế, Kilo thuộc lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel – điện, có nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống ngầm. Đây là tàu ngầm thuộc hế hệ thứ ba (loại tiên tiến nhất thế giới), dài gần 74 m, rộng 10 m, lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ (37 km/h), lặn sâu tối đa 300 m, hoạt động độc lập 45 ngày đêm, thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm. Song vũ khí uy lực nhất là tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Klub-S. Tổ hợp này gồm ít nhất 5 mẫu tên lửa khác nhau, giúp chỉ huy tàu ngầm lựa chọn linh hoạt vũ khí trong tác chiến. Trong đó, phiên bản 3M54E chứa đầu nổ nặng 450 kg, tầm bắn tối đa 220 km, đủ sức phá hủy tàu mặt nước cỡ lớn. Phiên bản 3M-54E1 có tầm bắn 300 km, bay ở tốc độ cận âm 990 km/h; tên lửa 91RE1/RE2 chống ngầm có tầm bắn 50 km, có khả năng tự tách đầu đạn để ngư lôi tìm mục tiêu. Phiên bản 91RE1 tốc độ tối đa 2.900 km/h, ngư lôi mang đầu nổ 76 kg đủ sức đánh thủng vỏ tàu ngầm đối phương; tên lửa 3M-14E tấn công mặt đất có hệ thống định vị toàn cầu, sử dụng hệ thống đo độ cao, khớp ảnh địa hình nên có thể bay bám sát địa hình, khiến đối phương khó phát hiện.
Kilo 636 vận hành tốt trong vùng biển nông, có khả năng di chuyển ở gần khu vực đáy biển hơn các loại tàu ngầm tấn công khác. Nhờ công nghệ hiện đại làm giảm đáng kể độ ồn cho lớp Kilo, tàu ngầm có khả năng “tàng hình” trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại, ẩn mình tốt hơn trong lòng biển để tiếp cận đội tàu nổi của địch và tấn công trước khi bị phát hiện. Nhờ vũ khí hiện đại và khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo, Kilo 636 được hải quân Mỹ mệnh danh là “hố đen trong lòng đại dương”.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện cũng đã tự đóng được tàu cứu hộ ngầm. Theo đó, tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng 9316 do nhà máy Z189 của Việt Nam tự đó có lượng giãn nước gần 4.000 tấn, sàn đỗ trực thăng trước mũi; các hệ thống động lực và các hệ thống khác đảm bảo cho tàu hoạt động trong điều kiện đến cấp gió cấp 9 và cấp sóng 12 để tàu có thể thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn ngầm. Ngoài chức năng cơ bản là sẵn sàng cứu nạn cho thủy thủ đoàn khi tàu ngầm bị nạn tàu MSSARS “9316” còn có thể được sử dụng để dẫn dắt tàu ngầm ra vào cảng, làm sạch mặt biển trong vùng tàu ngầm huấn luyện, cùng nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác khi được biên chế cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Việc Hải quân Việt Nam sẽ đưa vào trang bị ky tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS trong tương lai gần sẽ đảm bảo cho các kíp chiến đấu tàu ngầm của Quân chủng Hải quân tự tin hơn khi thực hiện
các nhiệm vụ trên biển, là dự án kịp thời và rất cần thiết khi Hải quân Nhân dân Việt Nam được biên chế lực lượng tàu ngầm.

Nhà báo Thụy Điển:

Sẽ không có đồng thuận Việt-Trung về Biển Đông

Trên trang Asia Times ngày 15/11/2019, nhà báo Bertil Lintner nhận định : “Việt Nam và Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng thuận về Biển Đông”. Những lý do được nhà báo Thụy Điển đưa ra, có thể được tóm lược trong bốn ý chính, nhấn mạnh đến thái độ coi thường luật pháp quốc tế, thiếu trung thực của Trung Quốc, cũng như hành vi cậy lớn ăn hiếp các nước nhỏ trong vùng.
UNCLOS 1982 : Trung Quốc ký nhưng từ chối áp dụng
Lý do đầu tiên là bất đồng về việc áp dụng luật pháp quốc tế, cụ thể là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà cả Việt Nam và Trung Quốc cùng ký.
Trong hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực”, diễn ra tại Hà Nội ngày 06-07/11/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho rằng những xung đột gần đây ở bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cần được giải quyết theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hà Nội không loại trừ khả năng đưa vụ việc ra Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye.
Ngay ngày 08/11, Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Hà Nội, thông qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang), khi đe dọa Việt Nam “phải tránh đưa ra những biện pháp làm phức tạp thêm tình hình hoặc gây hại đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cũng như đến quan hệ song phương”. Trơ trẽn hơn, ông Cảnh Sảng còn khuyến cáo Việt Nam “phải đối mặt với thực tế lịch sử”, có nghĩa là phải chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông, mà Bắc Kinh một mực khẳng định có từ lâu đời.
Về khả năng Việt Nam đưa vụ việc ra Tòa Trọng tài La Haye nếu như hai bên không tìm được thỏa thuận bất chấp các cuộc đàm phán song phương hiện nay, nhà báo Bertil Lintner nhắc lại, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận phán quyết của Tòa vì đối với Bắc Kinh, phán quyết sẽ đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc.
Trường hợp điển hình chính là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 về đơn kiện của Philippines. Theo Tòa, những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc được thể hiện trong bản đồ “đường lưỡi bò” chiếm đến 90% diện tích Biển Đông là không có giá trị xét về mặt luật quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh bỏ ngoài tai phán quyết không mang tính ràng buộc, dù Trung Quốc đã ký UNCLOS.
Chính phản ứng ngoan cố của Trung Quốc trước những biện pháp của Philippines và Việt Nam buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét lại mức độ uy tín của Bắc Kinh trong việc tuân thủ quy định, luật pháp quốc tế.
Trung Quốc : Hứa suông và nuốt lời
Điểm thứ hai : Liệu có nên tin vào những lời hứa của Trung Quốc không ? Bắc Kinh ký UNCLOS, nhưng từ chối áp dụng thông qua sự kiện phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye. Chủ tịch Tập Cận Bình trịnh trọng phát biểu với tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 09/2015 tại Washington rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” ở Biển Đông.
“Nói một đằng, làm một nẻo”, trong nhiều năm liên tiếp, Trung Quốc cứ lặng lẽ bồi đắp các bãi cạn, rạn san hô thành đảo nhân đạo, xây nhà chứa máy bay, đường băng có thể phục vụ máy bay quân sự, trang bị hệ thống radar, xây cảng cho tầu chiến lưu trú, lắp hệ thống tên lửa… Hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự này giúp Bắc Kinh chiếm được ưu thế kiểm soát toàn bộ tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới.
Một ví dụ khác được nhà báo Thụy Điển nêu lên để xác định xem có nên tin vào lới hứa của Bắc Kinh hay không, đó là trường hợp Hồng Kông. Vào tháng 06/2017, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng từng phát biểu : “Hiện giờ Hồng Kông đã quay trở về với mẫu quốc từ 20 năm nay, tuyên bố chung giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc, với tư cách là tài liệu lịch sử, không có ý nghĩa thực tế… Tôi hy vọng các bên liên quan ghi nhận thực tế này”.
Theo các nhà quan sát ngoại giao trong khu vực, phát biểu của ông Lục Khảng đã trắng trợn bác những điều khoản trong Tuyên bố chung Anh-Trung Quốc được thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) và thủ tướng Anh Margaret Thatcher ký năm 1984. Theo văn kiện này, Hồng Kông được hưởng quy chế tự trị “một nhà nước, hai chế độ” và sẽ không có gì thay đổi trong giai đoạn 50 năm, cho đến năm 2047. Thực tế đang diễn ra ở Hồng Kông cho thấy điều ngược lại.
Khăng khăng đòi chủ quyền ở Biển Đông… dựa theo truyền thuyết
Trở lại với lời khuyến cáo Việt Nam “phải đối mặt với thực tế lịch sử” của ông Cảnh Sảng, nhà báo Bertil Lintner nhắc lại là những yêu sách đòi chủ quyền trong đường 9 đoạn của Bắc Kinh đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực bác bỏ. Các tấm bản đồ cổ của Trung Quốc không biết đến sự tồn tại của những hòn đảo, đá ngầm hiện đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Bắc Kinh nêu những chuyến hải trình của Trịnh Hòa (Zhang He, 1371-1433), nhà thám hiểm và thương nhân Trung Quốc ở thế kỷ XV, để biện minh cho đòi hỏi chủ quyền, nhưng Trịnh Hòa chưa đi qua, thậm chí là còn không nhắc đến những hòn đảo đó. Những tài liệu và bản đồ được Trịnh Hòa và Mã Hoan (Ma Huan) sưu tầm ghi danh mục 700 địa điểm ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, trong đó có nhiều đảo và cảng biển rất xa như quần đảo Andaman và Nicobar, Maldives và Lakshadweep, nhưng không nêu một điểm nào ở Biển Đông.
Nguyên nhân rất đơn giản, vì trên thực tế, đó không phải là những hòn đảo, mà chỉ là những bãi cạn, rạn san hô ngầm rất nguy hiểm, mà các đoàn thuyền vào thời kỳ đó, kể cả tầu của Trịnh Hòa, cũng phải đi vòng để tránh va chạm có nguy cơ làm vỡ tầu. Nhưng dưới tay chính quyền Bắc Kinh hiện nay, những bãi ngầm nửa chìm nửa nổi đó biến thành những hòn đảo nhân tạo.
Cấm quốc tế can thiệp “chuyện nội bộ” – Ỷ mạnh ép các nước Đông Nam Á
Trung Quốc luôn khẳng định, Biển Đông là vấn đề giữa Bắc Kinh và các nước có tranh chấp, là chuyện giữa Trung Quốc với các nước ASEAN và luôn cảnh báo, lên án mọi can thiệp vào “chuyện nội bộ”.
Việc Trung Quốc coi thường các công ước, luật pháp quốc tế sẽ không được cộng đồng quốc tế tha thứ. Nhưng, theo nhiều nhà phân tích, cho đến giờ Trung Quốc luôn ỷ mạnh gây sức ép với các nước nhỏ trong vùng.
Phát biểu hôm 09/11 trước các nhà báo Philippines, Dereck Grossman, chuyên gia phân tích của Rand Corporation cho rằng quyết định gần đây của tổng thống Rodrigo Duterte về việc tham gia khai thác dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông có thể được diễn giải như là một “phần thưởng” cho việc tạm gác sang một bên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài La Haye. Dĩ nhiên, việc thăm dò khai thác sẽ được tiến hành “theo quy định của Bắc Kinh” và “dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc”.
Một dấu hiệu khác cho thấy Philippines cúi mình trước Bắc Kinh, đó là vào tháng 11/2019, Manila đã cho đóng dấu vào hộ chiếu in hình bản đồ “đường lưỡi bò”, có nghĩa là công nhận bản đồ chính thức của Trung Quốc.
Trong bốn nước Đông Nam Á có chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei, cùng với Đài Loan), Việt Nam là nước duy nhất mạnh mẽ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở trong vùng, thông qua việc phản đối, theo dõi sát sao hoạt động của tầu Hải Dương Địa Chất 8 quần thảo trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vậy mà khi đáp trả những lời phản đối, kêu gọi tôn trọng chủ quyền từ phía Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, chuyển sang vu cáo Việt Nam và các nước có tranh chấp chủ quyền “xâm phạm và chiếm các đảo của Trung Quốc”.
Tác giả Bertil Lintner kết luận, với thái độ coi thường trắng trợn các định chế quốc tế, như Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, cùng với những lập luận nặng tính dân tộc về các hiệp ước dựa trên luật pháp, quan điểm của Trung Quốc về lịch sử hàng hải ở trong vùng sẽ tiếp tục gây nhiều sóng gió trong tương lai.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.