Tin Biển Đông – 08/11/2019
Biển Đông : Bắc Kinh tố ngược Việt Nam
là đã xâm lấn vùng biển Trung Quốc
Chính quyền Bắc Kinh ngày 08/11/2019 tố cáo là Việt Nam xâm chiếm biển của Trung Quốc và kêu gọi nước này không nên “làm phức tạp” vấn đề Biển Đông.
Lời tố cáo ngược này được đưa ra ngay sau khi một quan chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam hàm ý cho rằng Hà Nội không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại một hội nghị khoa học bàn về Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ở Hà Nội hôm thứ Tư 06/11, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết Việt Nam chủ trương đàm phán để giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng cũng có những phương án khác, trong đó có cả biện pháp trọng tài và kiện tụng.
Khi được hỏi về ý kiến nói trên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 08/11 khẳng định rằng cốt lõi của vấn đề Biển Đông là việc Việt Nam và các nước có yêu sách khác đã “xâm chiếm và chiếm đóng” các hòn đảo của Trung Quốc.
Theo ông Cảnh Sảng, “Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận ở cấp cao mà hai nước đã đạt được, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, đồng thời tránh những hành động có thể làm phức tạp vấn đề, xáo trộn đại cục hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ song phương”.
Vấn đề Biển Đông đã gây căng thẳng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc kể từ tháng 7/2019 khi Trung Quốc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đưa tàu hải cảnh quấy phá hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng Bãi Tư Chính.
Bất chấp các phản đối liên tiếp của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục cho tàu của họ ngang nhiên đi lại trong vùng biển Việt Nam, và tàu khảo sát Trung Quốc chỉ rời khỏi vùng biển Việt Nam ngày 24/10/2019.
Chuyên gia cảnh báo: Các hành vi vi phạm của TQ
sẽ là thách thức dài hạn ở Biển Đông
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc có thế gia tăng sức ép và tiếp tục các hành vi hung hăng ở Biển Đông, thậm chí ở mức độ gay gắt hơn.
Cần tiếp tục cảnh giác với hành vi vi phạm của Trung Quốc trên biển
Murray Hierbert, chuyên gia về Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ cho rằng việc Trung Quốc rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam có thể chỉ là hành động tạm thời. “Trung Quốc đã buộc phải rút tàu, nhưng chúng ta vẫn chưa biết việc này sẽ kéo dài bao lâu”, chuyên gia của CSIS thận trọng.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông lần thứ 11, GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, Việt Nam hiện nay đang đàm phán các hợp đồng khai thác dầu khí với công ty ONGC của Ấn Độ và Exxon Mobile của Mỹ và trong tương lai là rất nhiều công ty, tập đoàn khác. Trong khi đó, Trung Quốc, trong bản dự thảo duy nhất của COC, không muốn các nước trong khu vực hợp tác khai thác dầu khí với các nước bên ngoài.
Vì vậy, các hành vi vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông “sẽ là thách thức trong dài hạn”, ông Carl Thayer nói.
Việt Nam đã ngày càng lên tiếng mạnh mẽ ở nhiều cấp độ, nhưng vẫn cần tiếp tục tạo áp lực, buộc Trung Quốc cư xử đúng mực, GS Úc khuyến cáo.
Trong khi đó, TS Hoàng Việt, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, Trung Quốc chưa ngưng tham vọng.
“Trung Quốc thách thức tất cả. Ta còn nhớ, phán quyết trong vụ kiện Philippines với Trung Quốc tuyên bố “Đường lưỡi bò” không có căn cứ pháp lý, trong đó, cái gọi là yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc với đường lưỡi bò là không có căn cứ pháp lý và vô giá trị. Nhưng trong thực tế, với sự kiện diễn ra ở khu vực gần bãi Tư Chính gần đây, Trung Quốc cho thấy rằng họ vẫn đang yêu sách nó trên thực tế. Trung Quốc đang muốn cho thấy rằng, luật pháp quốc tế với phán quyết của phiên tòa này không là gì với họ và sức mạnh của Trung Quốc mới là quan trọng”, TS Hoàng Việt nói với Trí Thức Trẻ ngày 6/11.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Trung Quốc đang thách thức trực tiếp tới trật tự của luật quốc tế, trong đó có trật tự mà Công ước luật biển (UNCLOS) mang lại. “Họ muốn áp đặt rằng Trung Quốc mới là luật, Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Họ cũng muốn ‘dằn mặt’ các quốc gia khác, trong đó có cả Hoa Kỳ rằng, khu vực này là bất khả xâm phạm của Trung Quốc, không nên đụng vào”.
Trung Quốc thiệt danh tiếng
So sánh với việc Trung Quốc từng đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trong vùng biển Việt Nam năm 2014, ông Collin Koh, Học viện Chiến lược và quốc phòng (Singapore) cho rằng, trong cách xử lý của Việt Nam, có hai điểm khác biệt chính. Đầu tiên, Việt Nam đã ở một vị thế tốt hơn để xử lý tốt hơn
tình huống này so với sự việc xảy ra vào năm 2014 bởi vì lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam giờ đây có năng lực tốt hơn.
Thứ hai, Việt Nam đã quản lý tốt tình hình trong nước, không để xảy ra các vụ lợi dụng tình hình gây rối như năm 2014.
Nhìn chung, Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, đồng thời duy trì kiểm soát tốt các diễn biến thông qua phương tiện quản lý xã hội thích hợp cũng như tự kiềm chế, chuyên gia Singapore nhận định.
Về các lựa chọn mà Việt Nam có thể sử dụng, ông Collin cho rằng, có những lựa chọn phi bạo lực hiệu quả mà Việt Nam có thể tận dụng. Ví dụ, Việt Nam có thể tận dụng vị thế của mình như một bên tham gia các cuộc đàm phán ASEAN – Trung Quốc về COC, để thúc đẩy các quốc gia thành viên ASEAN gây áp lực lên Bắc Kinh. Đồng thời, vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2020 sẽ cho phép Việt Nam có thêm công cụ kịp thời để gây áp lực với Trung Quốc.
Cũng theo nhà nghiên cứu người Singapore, tác động tiêu cực với Trung Quốc sau sự việc lần này là uy tín. Hành vi vi phạm của Trung Quốc được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế chính thống, thu hút sự chú ý của thế giới. Chẳng hạn, các cường quốc phương Tây cũng đã lên tiếng, gây áp lực với Trung Quốc.
Và điều này, một mặt đã phơi bày việc sử dụng hành vi cưỡng chế của Bắc Kinh, một mặt lại ủng hộ các cuộc đàm phán. Vụ việc ở gần bãi Tư Chính của Việt Nam, cũng như các vụ việc tương tự gần đây của Trung Quốc đối với Malaysia và Philippines ở Biển Đông sẽ làm tăng sự cảnh giác của một số thành viên ASEAN.
Do đó, điều này cũng có thể gây tác dụng ngược với Bắc Kinh. Trung Quốc, luôn muốn ngăn chặn các cường quốc ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông, thì nay, với các hành vi vi phạm tại EEZ và thềm lục địa gần bãi Tư Chính của Việt Nam, Trung Quốc thực sự phải nhận lấy điều ngược lại: các nước ngoài khu vực thậm chí còn bày tỏ quan ngại nhiều hơn về các động thái của Bắc Kinh, do đó dẫn đến việc tăng cường sự hiện diện của các nước ngoài khu vực ở Biển Đông.
TQ 6 lần bắn pháo sáng
vào máy bay quân sự Philippines trên Biển Đông
Hôm 5/11, Tướng quân đội Philippines cho hay trong năm nay, Trung Quốc đã 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines trên Biển Đông.
“Gần đây, Trung Quốc đã bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines ở Biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 1- 2/2019.
Trung Quốc đã 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo vào các máy bay Philippines khi làm nhiệm vụ tuần tra hàng hải”, CNN dẫn lời Thiếu tướng Reuben Basiao, Phó Chánh văn phòng tình báo của Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP).
Ngoài việc bắn pháo sáng cảnh cáo vào máy bay quân sự Philippines làm nhiệm vụ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông, Tướng Basiao cho biết thêm, Trung Quốc còn triển khai 17 tàu nghiên cứu vào vùng biển của Philippines trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 6/2019.
Theo ông Basiao, các tàu của Trung Quốc đang ngăn chặn Philippines tiến hành sứ mệnh tuần tra hàng hải và tiếp tế cho các tàu quân sự hoạt động ở Biển Đông.
Hồi tháng Năm, bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, một tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã chặn 3 tàu Philippines đang trên đường tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú trên BRP Sierra Madre, một tàu chiến bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Ngoài ra, kể từ tháng Hai, ít nhất 9 chiến hạm Trung Quốc cũng đi ngang qua vùng biển của Philippines mà không thông báo trước. Một vài lần tàu Trung Quốc đã tắt hệ thống định vị nhằm tránh bị phát hiện. Hành động của Trung Quốc buộc chính quyền Manila vài lần gửi công hàm phản đối.
Hôm 4/11, với vai trò trưởng phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN và Hội nghị Đông Á ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có hành động “hăm dọa” trên Biển Đông.
“Bắc Kinh dùng hành động hăm dọa để tìm cách ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác nguồn tài nguyên xa bờ, ngăn chặn việc tiếp cận trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2,5 ngàn tỷ USD . Các nước lớn không nên bắt nạt các nước khác”, Japan Times dẫn lời ông O’Brien.
Kết thúc hội nghị hôm 4/11, Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho công bố một bản báo cáo về chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bản báo cáo của Mỹ sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ “chưa từng có” để chỉ trích tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” .
“Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua bản đồ ‘đường chín đoạn’ phi lý là vô căn cứ, trái luật pháp và quá đáng”, bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông , nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
0 comments