Đọc báo Pháp – 02/11/2019
Nga và Châu Phi: Ước mơ và ảo vọng
Trang bìa và hồ sơ chính các tạp chí Pháp của tuần lễ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019 này đều dành cho các chủ đề liên quan đến nước Pháp, đẩy lùi các đề tài quốc tế cũng rất lý thú vào những trang trong. Một trong những phân tích đáng chú ý là bài nhận định trên l’Express về tham vọng mới của tổng thống Nga Vladimir Putin tại châu Phi, muốn Matxcơva khôi phục hào quang của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên đối với tạp chí Pháp, thời thế đã thay đổi, và tham vọng của Nga chỉ là ảo vọng mà thôi.
Trong bài “Ước mơ và ảo vọng của Nga tại châu Phi”, nhà bình luận Christian Makarian của L’Express đã ghi nhận thái độ nôn nóng của Vladimir Putin, vừa mới ký kết xong thỏa thuận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về Syria, đã vội tiếp đón ngay khoảng 40 nguyên thủ quốc gia châu Phi ở Sotchi.
Nga muốn chi phối trở lại Châu Phi
Theo L’Express, mong muốn của giới lãnh đạo Nga là tái lập quyền chi phối châu Phi về mặt ý thức hệ như vào thời Liên Xô trước đây ngay khi lục địa này bắt đầu tiến trình phi thực dân hóa.
Nhưng từ khi Liên Xô phân rã, vai trò toàn cầu của Nga bắt đầu suy giảm, điều mà ông Putin đã biết ngăn chặn bằng cách đích thân công du các nước châu Phi.
Một bước tiến quan trọng đã được thực hiện ở Ai Cập, nơi mà ngành ngoại giao Nga đã khéo léo tận dụng những sai lầm của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, đã dấn thân quá sâu vào việc bảo vệ cựu tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi xuất thân từ hàng ngũ của Huynh Đệ Hồi Giáo.
Ngay khi quân đội Ai Cập dưới quyền thống chế Al-Sissi trở lại nắm quyền tại Cairo vào tháng 7 năm 2013, Putin đã lao ngay vào kẽ hở và ký kết nhiều hợp đồng với Ai Cập. Trước đó, tổng thống Nga đã làm điều tương tự với Algeri, với hy vọng khôi phục được quan hệ hữu nghị xưa cũ.
Tranh thủ cơ hội phương Tây có vẻ như muốn buông lơi châu Phi (Mỹ từ chối dấn thân sâu hơn vào lục địa châu Phi, trong lúc tổng thống Pháp tái khẳng định quyết tâm từ bỏ cách hành xử đáng chê trách của kiểu quan hệ truyền thống mẫu quốc-thuộc địa “Françafrique”), chủ nhân điện Kremlin tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo nhận định của tạp chí Pháp, nước Nga của Putin hoàn toàn không phải là Liên Xô; không còn ảnh hưởng ý thức hệ, không có chỗ dựa chính trị địa phương và thậm chí không đủ sức đầu tư cho các dự án lớn.
Việc bám rễ trở lại vào vùng Trung Đông nhờ cuộc xung đột rất đẫm máu tại Syria không có khả năng dẫn đến một động lực mới.
Matxcơva hiện không thu hoạch được bất kỳ lợi ích thực sự nào từ các xung đột nội bộ khác nhau đang khuấy động lục địa đen – như ở Sudan, ở Cộng Hòa Trung Phi, cũng như ở Nigeria, ở Nam Phi (quốc gia mà Putin rất thích), thậm chí ở Algeri cũng không.
Putin được một số nhà lãnh đạo châu Phi đánh giá tốt, nhưng ông còn lâu mới là bạn của châu Phi.
Chuyến xe hãi hùng đến xứ Anh
Một bài đáng chú ý khác được đăng trên tờ Courrier International liên quan đến vụ phát hiện 39 thi thể trong một chiếc xe tải đông lạnh vùng Essex. Trích dịch tạp chí kinh tế Anh The Economist ngày 24/10/2019, Courrier International cho rằng vụ việc đó làm nổi bật những hậu quả của chính sách nhập cư của Luân Đôn.
Trong bài mang tựa đề “Anh Quốc: Thị thực đến xứ kinh hoàng”, tuần báo Anh đã ghi nhận tính chất đáng sợ của vụ việc về số lượng người nhập cư thiệt mạng khi tìm cách vào Anh, mà những thông tin sau cùng xác định đó là người Việt. Tờ báo nhắc lại vụ Essex là thảm kich ghê gớm thứ hai sau vụ 58 người nhập cư Trung Quốc bị chết năm 2000 trong một chiếc xe tải được tìm thấy ở Dover. Riêng năm 2014, người ta đã cứu được 35 người Sikh Afghanistan trong một container ở Tilbury, và hầu hết đã sống sót.
Theo The Economist, khó mà biết chính xác số người nhập cư bất hợp pháp vào Anh Quốc mỗi năm là bao nhiêu, nhưng giới chuyên gia đều cho rằng một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh là thành phần đã đến Anh với thị thực du lịch hợp pháp rồi sau đó trốn ở lại. Nhiều người khác thì dùng giấy tờ giả.
Riêng những người vượt biển bằng tàu thuyền hoặc trốn bên trong các chiếc xe tải thường là những người đã không xin được thị thực.
Theo bà Madeleine Sumption, thuộc Đại Học Oxford: “Do chính sách cố ý gây khó khăn của chính phủ, thật khó mà đặt chân được lên Vương Quốc Anh để xin tị nạn. Do đó, những người đến từ các nước có số người xin tị nạn đông đảo sẽ gặp khó khăn trong việc xin thị thực du lịch để vào Anh”.
Những sự cố bi thảm liên quan đến người nhập cư lậu không chỉ diễn ra riêng tại Anh, mà ở nhiều nước khác. Năm 2008, tại Thái Lan, hệ thống điều hòa không khí trong một chiếc xe tải chở hải sản đã bị hỏng làm cho 54 người nhập cư Miến Điện trong số 121 người trong xe thiệt mạng. Vài năm sau, có 43 trong số 113 người nhập cư trốn vào Nam Phi trong một chiếc xe tải đã chết ngạt. Gần đây hơn, năm 2015, cảnh sát Áo đã phát hiện một chiếc xe kéo đông lạnh bỏ lại bên đường với 71 người tị nạn chết bên trong. Tất cả đều đến từ Irak, Iran, Syria và Afghanistan.
Những thảm kịch chết người kể trên đều xảy ra trong những chiếc xe chở hàng đông lạnh. Theo ông David Wood, cựu trưởng phòng nhập cư tại bộ Nội Vụ Anh, sở dĩ giới buôn người chuộng loại xe này, đó là vì việc phát hiện người trong những chiếc xe khó khăn hơn so với những loại xe bình thường có thành mỏng hơn.
Giới lãnh đạo chính trị hứa hẹn sẽ triệt hạ các băng đảng buôn người. Các nhóm nhân quyền thì kêu gọi thay đổi các quy định nhập cư. Nhưng không ai đề cập nghiêm túc đến khả năng sửa đổi thiết kế của loại xe tải được giới buôn người ưa chuộng.
The Economist nhắc lại: Vào giữa thế kỷ 20, các nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu các nhà sản xuất tủ lạnh là phải sử dụng phương thức đóng cửa bằng từ tính thay vì dùng khóa chốt sau nhiều vụ trẻ em bị ngạt thở sau khi tự nhốt mình trong những chiếc tủ lạnh bị bỏ phế.
Tuần báo Anh kết luận một cách châm biếm: Việc ra lệnh sửa cửa để cho việc thoát ra khỏi những chiếc xe tải đó được dễ dàng hơn, sẽ đơn giản về mặt chính trị hơn là giảm nhẹ các quy tắc nhập cảnh vào một quốc gia cụ thể. Và điều đó còn giúp cứu sống mạng người nữa.
L’Obs: Điều tra về lối sống
của các “đầy tớ nhân dân”
Chính trường Pháp là hồ sơ lớn của tạp chí L’Obs tuần này. Dưới tựa lớn trang bìa “Điều tra về lối sống của nền cộng hòa”, tạp chí dành cả 12 trang để xem xét các khoản chi tiêu của các tầng lớp phục vụ nhân dân, từ phủ tổng thống, các bộ, cho đến Quốc Hội.
Tạp chí đã gởi câu hỏi đến 577 dân biểu Pháp để biết chi phí giao tế và chiêu đãi của mỗi người. Kết quả chỉ có vỏn vẹn 47 người đồng ý trả lời, trong đó có 39 người chịu nêu chi tiết. Nhìn chung, chênh lệch giữa các khoản chi tiêu khá lớn, có người có thể xài đến 18.053 euro/năm, nhưng có người chỉ dùng 1.428 euro mà thôi. L’Obs ghi nhận là người ta có thể chi gấp đôi cho tiền hoa kỷ niệm hơn là cho một bữa ăn trưa làm việc!
L’Obs cũng nêu lên một chi tiết khá lý thú như tính toán của một dân biểu đối lập thích cả ngày mặc áo T-shirt, nhưng lại cho rằng việc Quốc Hội phải chi trả tiền “đồng phục dân biểu”, tức là toàn bộ quần áo của ông là điều chính đáng.
Tạp chí còn chú ý đến đội xe hơi của phủ tổng thống trong chiều hưởng ngày càng tăng. Thời tổng thống Giscard d’Estaing, đội này gồm 35 chiếc, đến thời Mitterrand lên tới 49 chiếc, qua thời Chirac là 61, rồi lên đến 96 chiếc thời ông Sarkozy.
Với đương kim tổng thống Macron, đội xe của tổng thống sụt xuống 82 chiếc và điện Élysée giải thích là đã cố gắng tiệt kiệm, mua xe đẳng cấp thấp hơn, tức là mua Peugeot 308 thay vì 508.
L’Express: Dân Pháp mất lòng tin nơi Tư Pháp?
L’Express cũng chú ý đến tình hình Pháp, nhưng trong quan hệ của người dân với ngành Tư Pháp. Tựa lớn trang bìa cố tìm hiểu “Tại sao người Pháp không còn tin tưởng nữa”, một câu hỏi đã được giải đáp trong một hồ sơ chiếm cả 11 trang trong.
Theo điều tra vào hạ tuần tháng 9 vừa qua của viện thăm dò Ifop theo đơn đặt hang của L’Express, chỉ còn 53% người được hỏi cho biết là còn tin tưởng vào định chế Tư Pháp, trong lúc có đến 62% nghĩ là Tư Pháp hoạt động không tốt, 56% cho là nếu phải ra trước Tư pháp thì họ rất e ngại.
Qua những câu trả lời, tạp chí ghi nhận là cái nhìn về ngành Tư Pháp đã xấu đi, người Pháp không còn hâm mộ giới thẩm phán như xưa.
Vẫn còn đến 63% nghĩ là giới thẩm phán thanh liêm, chính trực, nhưng con số này lên đến 83% năm 2008). Cũng như vậy, chỉ còn 71% nghĩ là thẩm phán tôn trọng luật lệ (giảm 14 điểm), 70% cho là họ có khả năng, thạo việc (mất 17 điểm). Những vụ tai tiếng tài chính-chính trị trong thập niên qua đã khiến hơn một nửa người được hỏi không tin là thẩm phán có thể giữ tư thế độc lập trước giới cầm quyền.
Về phía các thẩm phán, L’Express nhận thấy là dù họ rất dầy dạn, thái độ nghi ngờ của người dân cũng đã có tác động trên con số 8.400 thẩm phán Pháp. Bà Gwenola Joly-Croz, chủ tịch tòa án Pontoise (ngoại ô Paris) công nhận bà khó có thể hiểu được thái độ mâu thuẫn của người dân: “Họ nói là không tin tưởng chúng tôi, nhưng mà họ lại quay sang chúng tôi vì những vụ việc rất nhỏ. Ví dụ như một vụ cãi cọ giữa láng giềng, thay vì nói chuyện với nhau để giải quyết, thì thường khi họ lại đưa nhau ra trước tòa án và yêu cầu chúng tôi giải quyết”.
Le Point: Điệp viên Pháp sống như thế nào?
Le Point ngay trang bìa đưa độc giả vào bên trong cơ quan phản gián Pháp DGSE với dòng tựa đầy sức thu hút “Cuộc sống thật của gián điệp Pháp », và giới thiệu quyển sách của Jean Guisnel, một phóng viên của Le Point, tựa đề “Chuyện bí mật của DGSE”.
Trong một hồ sơ dài10 trang, Le Point giúp độc giả khám phá những thói quen (tật xấu) của giới hoạt động trong bóng tối, nhưng đã bắt đầu xuất hiện trên truyền hình Pháp, qua bộ phim nhiều tập, như của đạo diễn Eric Rochant và được chiếu trên Canal+.
Đạo diễn đã làm việc với một người trong cơ quan phản gián DGSE. Người này đã hiểu là nếu cơ quan tình báo Mỹ CIA hầu như chỉ làm công việc giao tế qua phim ảnh, công nghiệp giải trí, thì đó không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một chủ trương từ rất lâu.
Tập biên khảo kể lại với hàng ngàn chi tiết cụ thể về sự biến đổi của cơ quan DGSE trong một thập kỷ để đối phó với sự gia tăng của nạn khủng bố hoặc sự phổ biến của các loại công nghệ ngày càng phức tạp hơn bao giờ hết.
Quyển sách cũng đồng thời nói về những vũ khí mới để chống lại sự hung hăng của các cơ quan tình báo Nga hoặc Trung Quốc, mà mục tiêu ưu tiên hiện nay là tập trung gây bất ổn nơi các nền dân chủ song song với việc bảo vệ lợi ích quốc gia tương ứng của họ.
Đây là một tình huống mới thúc đẩy cơ quan DGSE phải bảo vệ chính mình chống lại cả những đồng minh “tốt nhất” của mình, bao gồm cả Hoa Kỳ thông qua cơ quan NSA nổi tiếng, quốc gia không còn ngần ngại theo dõi nhân sự chính trị Pháp ở cấp cao nhất.
Courrier International: Dân chủ lâm nguy vì tin vịt?
Hồ sơ chính của Courrier International tuần này được gói trong tựa chính trang bìa: “Những lời nói dối chi phối chúng ta”, bên trên một hàng tiểu tựa giải thích: “Giới chính khách, mạng xã hội, phương tiện truyền thông… Cách thức tin vịt phá hoại các nền dân chủ”.
Đối với Courrier International, ngày nay nhan nhản tin thất thiệt, nhưng vấn đề là không ai còn quan tâm nữa. Tạp chí đã nêu lên một loạt ví dụ như các lời khẳng định của cựu thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu theo đó nạn diệt chủng Do Thái Holocaust là một sáng tạo của giáo sĩ Hồi Giáo Jerusalem còn tướng Benny Gantz là mối đe dọa cho nền an ninh Israel, hay là tuyên bố theo đó một đám đông khổng lồ đã tham dự lễ nhậm chức của Donald Trump tại Washington, hoặc là lời đoan chắc của nhà tổng thống tỷ phú nước Mỹ là ông Barack Obama không phải là được sinh ra ở Hoa Kỳ.
Courrier International đã trích lời nhà xã hội học Eva Illouz, tác giả của bài báo rất dài trong hồ sơ, viết rằng: “Thời đại của chúng ta được đánh dấu bằng sự thoái hóa chưa từng thấy của một trong những di sản chính của thời đại Ánh Sáng: Sự thật trong tư cách là một trụ cột đạo đức và chính trị.”
Một câu hỏi đáng giá được đặt ra trong bối cảnh này : Làm thế nào để chống lại thông tin sai lệch? Đây là điều cần phải trả lời. Một số quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, đã ra luật chống lại việc thao túng thông tin hoặc kích động hận thù trên mạng. Với kết quả ra sao? Đó là điều còn khó biết…
Trận chiến còn lâu mới kết thúc.
Tin đọc nhanh
(AFP) – California huy động hơn 1.000 lính cứu hỏa.
Theo chính quyền California, khoảng 1.300 lính cứu hỏa đã được huy động để đối phó với một đợt cháy rừng mới. Hôm thứ Năm 31/10/2019, hỏa hoạn bùng lên ở gần thành phố Santa Paula, cách Los Angeles 110 km phía tây bắc. Những đợt cháy rừng trong mấy ngày qua đã thiêu rụi hàng hecta đất và đe dọa nhiều vùng dân cư, điểm khai thác dầu mỏ và ruộng vườn.
(AFP) – Mỹ cho điều tra về ứng dụng TikTok hiện trong tay Trung Quốc.
Theo nhật báo New York Times ngày 01/11/2019, Ủy Ban Đầu Tư Tài Chính Nước Ngoài tại Hoa Kỳ – chịu trách nhiệm xem xét các vụ mua lại công ty Mỹ do các thực thể nước ngoài thực hiện – đã quyết định mở cuộc điều tra về an ninh nhắm vào vụ tập đoàn Trung Quốc ByteDance mua lại ứng dụng TikTok. Đây là một ứng dụng chia sẻ video rất phổ biến nơi thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Cuộc điều tra được mở ra hai năm sau khi các thượng nghị sĩ Mỹ công khai bày tỏ thái độ quan ngại. Theo tiết lộ của một nguồn tin nặc danh, chính phủ Mỹ có bằng chứng cho thấy ứng dụng này gửi dữ liệu của người sử dụng về Trung Quốc.
(AFP) – Algeri biểu tình rầm rộ đòi cải cách.
Hôm 01/11/2019, hơn 100.000 người đã đổ về thủ đô Alger và nhiều thành phố lớn khác đòi giới cầm quyền hiện nay phải ra đi. Những người biểu tình còn yêu cầu quân đội chấm dứt can thiệp vào đời sống chính trị quốc gia. Cuộc biểu tình hôm qua có đông người tham dự hơn những cuộc xuống đường mỗi thứ Sáu trước đó. Thông báo tổ chức bầu cử tổng thống ngày 12/12/2019 không trấn an được người phản đối.
(AFP) – Bạo lực tiếp diễn tại Irak.
Nhiều vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình vẫn diễn ra vào tối 01/11/2019. Dân xuống đường tiếp tục chiếm đóng quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad để đòi hỏi “sự sụp đổ của chế độ”, bất chấp lời hứa cải cách của chính quyền. Bạo động đã kiến một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương tại khu vực hai cây cầu gần Tahrir: al-Joumhouriya dẫn vào Khu Vực Xanh, trụ sở của các cơ quan quyền lực và Senek ngoài rìa khu vực này. Kể từ ngày 01/10, đã có 256 người chết trong các cuộc biểu tình và bạo lực. Báo cáo chính thức mới nhất được công bố vào tối thứ Tư 30/10.
(AFP) – Quân đội Pháp phá hủy nơi trú ẩn của Daech tại Irak.
Bộ Quân Lực Pháp ngày 01/11/2019 khẳng định đợt dội bom phá hủy nơi trú ẩn của Daech tại Irak hôm thứ Năm 31/10 được tiến hành trong khuôn khổ chiến dịch « Chammal ». Thông cáo của bộ Quân Lực nêu rõ : « Mục tiêu là đánh sập nhiều đoạn hầm được Daech sử dụng để làm cơ sở cho các hoạt động của tổ chức và phá hỏng khả năng hậu cần cũng như là quân sự của nhóm này trong khu vực ».
(Reuters) – Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ gồm 3 giai đoạn.
Phát biểu với đài truyền hình Fox Business TV ngày 01/11/2011, ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng cho biết là Washington và Bắc Kinh đang đi đúng hướng trong việc hoàn thiện “giai đoạn 1″ của một hiệp định thương mại. Tuy nhiên sẽ cần thêm hai giai đoạn bổ sung để khắc phục tất cả các “tội trọng về cơ cấu” của Bắc Kinh. Theo ông Navarro, cột trụ của thỏa thuận là thiết lập một cơ chế kiểm soát cho phép chính quyền Mỹ áp thuế quan trên sản phẩm Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận, mà không sợ bị trả thù.
(AFP) – Cuba phủ nhận đứng sau các phong trào xã hội tại châu Mỹ Latinh.
Tại cuộc họp quốc tế quy tụ các phong trào cánh tả mang tên « Cuộc gặp chống được tổ chức tại thủ đô La Habana ngày 01/11/2019, ngoại trưởng Cuba, Bruno Rodriguez phản bác các cáo buộc của Mỹ và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OEA), cho rằng Cuba kích động các làn sóng phản đối mới đây tại châu Mỹ Latinh. Theo ngoại trưởng Cuba, « Hoa Kỳ cần đổ lỗi cho Cuba trước những thất bại hiển nhiên tại Venezuela và Hoa Kỳ cần biện minh cho việc gia tăng cấm vận » chống lại đảo quốc theo xã hội chủ nghĩa từ năm 1962.
0 comments