Biển Đông: Đấu khẩu Việt-Trung gay gắt trong hậu trường ASEAN
Tác giả : Trọng Nghĩa | Nguồn: RFI | Ngày đăng: 2019-11-02 |
Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự của ASEAN 2019 ở Thái Lan.CSIS
Hãng tin Mỹ AP ngày 02/11/2019 cho biết tranh cãi đã nổ ra gay gắt giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Bản dự thảo Tuyên Bố Chung Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng AP đọc được có đoạn ghi: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC (Bộ Quy Tắc Ứng Xử), và hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ gây sự cố, hiểu lầm và tính toán sai lầm”.
AP trích dẫn tiết lộ của hai nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết trong một cuộc họp, phía Việt Nam đã yêu cầu đưa vào bản tuyên bố chung một cụm từ nói đến hành vi xâm lấn mới đây của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Phía Trung Quốc, thông qua đồng minh Cam Bốt, đã phản đối đề nghị này.
Cũng theo nguồn tin trên, các nhà ngoại giao Việt Nam đã đặt lại vấn đề tiến bộ của Bộ Quy Tắc Ứng Xử trong khi mà Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam.
Trong vấn đề này, theo lời một trong hai nhà ngoại giao Đông Nam Á xin giấu tên, thì một nhà ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng ASEAN không được để cho Việt Nam phá hoại tiến trình đàm phán COC giữa toàn khối Đông Nam Á với Trung Quốc.
-----------
Hội nghị cấp cao ASEAN bàn nhiều vấn đề nóng
Tác giả : Văn Khoa | Nguồn: Thanh Niên | Ngày đăng: 2019-11-02 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua cùng các lãnh đạo ASEAN đã tham dự phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35
Tối 2.11, các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức bắt đầu phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Nội dung chính của phiên họp tập trung vào các vấn đề an ninh, phát triển bền vững và môi trường cũng như rác thải ra đại dương. Dự kiến Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 2 - 4.11 sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề như: các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025; các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó căng thẳng thương mại và Biển Đông được cho là sẽ được nêu bật.
Reuters dẫn một dự thảo tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh các nhà lãnh đạo sẽ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các căng thẳng thương mại gia tăng, những ý nghĩ bảo hộ và chống toàn cầu hóa. Ngoài ra, tờ Philippine Daily Inquirer hôm qua dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Philippines Junever Mahilum-West cho rằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chắc chắn sẽ được bàn trong các hội nghị.
Một số nguồn tin ngoại giao ASEAN cho hay Mỹ đang kêu gọi các nước cùng phản đối những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại các hội nghị ở Bangkok. Về phần mình, phái đoàn Mỹ sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại những hội nghị họ có mặt, bao gồm Hội nghị cấp cao Đông Á.
Cũng hôm qua, trong khuôn khổ các hội nghị trên, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham dự Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN lần thứ 20 (APSC-20) và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 24 (ACC-24).
Các bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp, khó lường, ASEAN cần tiếp tục duy trì đoàn kết nhất trí; củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt; ứng phó hiệu quả, kịp thời các thách thức; bảo đảm giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN.
Các bộ trưởng cũng trao đổi sâu rộng những vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có việc tăng cường hợp tác chống khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh hàng hải, xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo.
Nhấn mạnh năm 2020 là thời điểm quan trọng đánh dấu 5 năm thực hiện Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng các trụ cột cộng đồng, Phó thủ tướng cho rằng ASEAN cần sớm tiến hành đánh giá giữa kỳ công tác triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025; xác định tồn tại, đề ra phương thức, giải pháp phù hợp để khắc phục nhằm thực hiện thành công tầm nhìn, đồng thời đề ra định hướng mới, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và dựa trên luật lệ.
Phó thủ tướng đánh giá trong bối cảnh thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, việc củng cố đoàn kết thống nhất ASEAN sẽ tiếp tục có ý nghĩa chiến lược, là nền tảng cho thành công của ASEAN trong hơn nửa thế kỷ qua và tương lai.
Trong trụ cột chính trị - an ninh, Phó thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực đề cao và phổ biến những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử đã được thừa nhận chung trong khu vực song song với quá trình đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 và tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm, vị thế dẫn dắt của ASEAN trong các tiến trình hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Bên lề các hội nghị tại Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Tổng thư ký LHQ António Guterres. Cùng ngày, Thủ tướng dự lễ công bố, khai trương các đường bay mới của Vietnam Airlines và Vietjet.
Cũng trong hôm qua, Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Tổng công ty điện lực dầu khí VN và Công ty năng lượng B.Grimm (Thái Lan); chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Gulf về nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án điện khí LNG Cà Ná. Theo CTTĐTCP
------------
0 comments