Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tổng thống Trump chọn đối đầu trực diện với Quốc Hội

Thursday, October 10, 2019 8:09:00 PM // ,

RFI
Thanh Phương
10/10/219



Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện và tổng thống Mỹ Donal Trump giờ thành đối thủ trực tiếp (Ảnh chụp 05/02/2019).REUTERS/ Leah Millis

Khi từ chối hợp tác trong cuộc điều tra nhằm khởi động thủ tục truất phế ông, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn đối đầu trực diện với Quốc Hội, một chiến lược đầy rủi ro.

Các nghị sĩ Dân Chủ hiện đang điều tra để xác định tổng thống Trump đã gây áp lực đến mức độ nào đối với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm để lãnh đạo Ukraina tìm những thông tin bất lợi cho cựu phó tổng thống Joe Biden, nhân vật có thể sẽ là đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Phe Dân Chủ nghi là tổng thống Trump đã lạm dụng quyền hành vào mục đích tranh cử, rồi sau đó tìm cách bưng bít vụ việc.

Nhưng đối với Nhà Trắng, cuộc điều tra về vụ Ukraina là hoàn toàn thiên vị và không chính đáng, và đó là lý do chủ yếu khiến tổng thống Trump từ chối hợp tác trong cuộc điều tra này. Lãnh đạo phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, Mitch McConnell đã công khai ủng hộ chiến lược của tổng thống Trump đối đầu với Quốc Hội. Ông cho rằng Hạ Viện « đã không tuân thủ những thủ tục căn bản như đối với các vị tổng thống khác ».

Vấn đề là, theo phe Dân Chủ, cản trở Quốc Hội điều tra có thể bị xem là một hành vi cản trở pháp luật, và họ nhắc lại đây đã là một trong ba lý do để Quốc Hội Mỹ tiến hành truất phế tổng thống Richard Nixon năm 1974 trước khi ông từ chức.

Không chỉ từ chối hợp tác trong cuộc điều tra, Nhà Trắng hôm qua còn ngăn cản đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu Gordon Sondland ra điều trần trước các nghị sĩ Hạ Viện. Đại sứ Sondland, nguyên là một nhà doanh nghiệp thân cận với tổng thống Trump, được xem là một nhân vật chủ chốt trong vụ Ukraina, cho nên lãnh đạo các ủy ban đặc trách điều tra đã rất bất bình, cho rằng một lần nữa Nhà Trắng đang tìm cách cản trở cuộc điều tra. Không chịu thua, lãnh đạo các ủy ban này đã ra lệnh cho ông Sondland phải ra điều trần ngày 16/10 tới và đệ trình những tài liệu mà bộ Ngoại Giao Mỹ đã từ chối cung cấp.

Cuộc đối đầu sẽ không dừng ở đó, vì nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham, một đồng minh lớn của tổng thống Trump ở Thượng Viện, hôm qua thông báo sẽ mời luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, ra điều trần về nghi án tham nhũng ở Ukraina có liên quan đến ông Joe Biden.

Chưa biết chiến lược của Nhà Trắng đối đầu trực diện với Hạ Viện sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt đã có chuyển biến trong công luận Mỹ theo hướng ủng hộ thủ tục truất phế tổng thống Trump. Vào ngày mà phe dân chủ khởi động thủ tục truất phế, tức là ngày 24/09, chỉ có 38,7% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc truất phế tổng thống Trump, theo mức trung bình được trang mạng FiveThirtyEight tính toán. Nhưng chỉ sau hai tuần, xu hướng đã đảo ngược, vì theo kết quả thăm dò ngày 08/10, có đến 50,1% ủng hộ việc truất phế tổng thống Trump.

Khả năng đẩy ông Trump khỏi Nhà Trắng hiện vẫn là một viễn cảnh xa vời, nếu không muốn nói là không thể xảy ra. Nhưng rõ ràng mà vụ Ukraina đang làm sứt mẻ thêm uy tín của tổng thống Trump. Ấy là chưa kể những phát biểu tiền hậu bất nhất về việc rút quân khỏi Syria, bỏ rơi người Kurdistan khiến người ta càng bớt tin tưởng vào khả năng của ông Trump trong vai trò lãnh đạo cường quốc số một thế giới.

------------

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.