Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông -10/10/2019

Thursday, October 10, 2019 7:43:00 PM // ,

Tin Biển Đông -10/10/2019

Địa chất Hải Dương 8 ngang ngược:

TQ gặp nhiều rủi ro

Một loạt các yếu tố khu vực và nội bộ đang khiến Trung Quốc tăng áp lực lên Việt Nam ở biển Đông. Tuy nhiên, chiến lược này có nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Tính đến nay, nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo trang tin csis.org, ông Lucio Blanco Pitlo III , chuyên gia nghiên cứu của Đại học Manila (Philippines), nhận định trước các hành động hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam càng có cơ hội vận động được sự ủng hộ của ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đang tăng cường can thiệp vào các hoạt động kinh tế biển hợp pháp của các quốc gia ven biển lân cận, cũng như gây áp lực lên các công ty nước ngoài buộc họ ngừng các hoạt động khai thác không chỉ trong vùng biển nằm trong yêu sách đường chín đoạn phi pháp của Bắc Kinh mà cả ở vùng nước liền kề.
Theo đó, Trung Quốc đã đặc biệt gia tăng sức ép đối với Việt Nam. Điều này có thể được quy cho một số yếu tố sau:
Thứ nhất, các cuộc thảo luận về vấn đề khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc, mặc dù vẫn còn gây tranh cãi nhưng dường như đã được dàn xếp. Vì vậy, mũi nhọn tấn công bây giờ chỉ còn quay sang Việt Nam.
Thứ hai, trong bối cảnh Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng đóng góp cho sự phát triển hòa bình tại khu vực, trong đó chào đón sự hợp tác từ các doanh nghiệp nước ngoài. Trung Quốc triển khai các hoạt động phi pháp, xâm phạm biển Việt Nam, qua đó có ý đồ khiến doanh nghiệp nước ngoài do dự hoặc e dè trong việc vào cuộc ở biển Đông.
Tất nhiên, ý đồ hăm dọa và ngăn chặn của Trung Quốc không phải dễ thực hiện trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc đang căng thẳng thương chiến. Đồng thời, hai cường quốc đang đứng trước cuộc cạnh tranh mang tính chiến lược ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Thứ ba, áp lực cũng có thể được gây ra nhằm ảnh hưởng đến chính sách của Việt Nam với các nước thứ ba, đặc biệt là Mỹ và phương Tây.
Lý giải về hành động phạm pháp kéo dài và mở rộng của tàu Địa chất hải dương 8 ở biển VN, chuyên gia biển Đông Hoàng Việt, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng TQ muốn gây sức ép với VN trong bối cảnh VN tăng cường hợp tác và mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, trong đó có Mỹ – các nước thường chỉ trích sự hung hăng của TQ ở biển Đông. “Tương tự đối với Philippines , TQ có ý đồ đẩy các nước thứ ba ra khỏi biển Đông, cô lập VN và muốn VN sập bẫy gác tranh chấp, cùng khai thác” – chuyên gia Hoàng Việt lý giải thêm.
Thứ tư, Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm tới và Việt Nam có thể sẽ sử dụng cơ hội này để dẫn dắt khu vực đẩy lùi các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc muốn gây sức ép lên Việt Nam với ý đồ ngăn cản Việt Nam đưa vấn đề biển Đông ra bên ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam nhiều lần nêu quan điểm, lập trường về chủ quyền dựa vào luật quốc tế mà điển hình là UNCLOS năm 1982. Điều đó đồng nghĩa biển Đông sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn trên các diễn đàn đa phương trong thời gian tới. Đó sẽ là sức ép lớn về mặt dư luận quốc tế, kèm theo đó là các chính sách ứng phó của các nước nhằm vào Bắc Kinh.
Dịp kỷ niệm 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 đang đến gần, việc Trung Quốc quyết định điều tàu khảo sát vào vùng biển của các quốc gia duyên hải lân cận như Việt Nam thể hiện mức độ chấp nhận rủi ro lớn hơn.
Cụ thể hơn, chiến thuật gây sức ép này của Trung Quốc có thể phản tác dụng theo nhiều trường hợp. Đặc biệt là, điều đó có thể làm cho Việt Nam nâng cao hơn nữa quyết tâm bảo vệ lợi ích kinh tế biển; thúc đẩy chính phủ Mỹ ủng hộ các doanh nghiệp ngăn chặn áp lực từ Trung Quốc; và thúc đẩy ASEAN chặn đứng các ý đồ của Trung Quốc loại trừ các công ty nước ngoài khác đầu tư vào các dự án năng lượng ngoài khơi của họ.
Cơ sở pháp lý yếu kém của Trung Quốc đối với các yêu sách của họ vẫn là một lỗ hổng mà Việt Nam có thể chọn khai thác bằng cách đưa vụ việc của mình ra một cơ quan quốc tế, như Philippines đã làm vào năm 2013.
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, ĐH Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Việt Nam có thể xem xét các khả năng xin tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về việc diễn giải các phán quyết của Tòa trọng tài thường trực đối với vùng biển VN để tăng cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh của VN.
Đồng thời, VN cũng có thể sử dụng các kết quả tư vấn để vô hiệu hóa công hàm phản đối Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa VN do VN trình cũng như do VN hợp tác trình lên Ủy ban ranh giới ngoài của thềm lục địa Liên hiệp quốc.
Vì vậy, mặc dù có vẻ như Trung Quốc ra sức đe dọa các nước láng giềng ở biển Đông, nhưng thực tế cho thấy rủi ro mà Bắc Kinh phải đối mặt nếu tiếp tục chiến thuật gây áp lực lên Việt Nam.

Biển Đông: Ép Việt Nam,

Trung Quốc có nguy cơ bị phản đòn

Từ cuối tháng 6 đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc công khai cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dọc theo Biển Đông, vừa sách nhiễu công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng Bãi Tư Chính, vừa khảo sát một khu vực ngoài khơi miền nam Trung Bộ mà theo tiết lộ mới nhất trên một tài khoản Twitter, chỉ cách bờ biển Việt Nam 150 km vào hôm 09/10/2019.
Trong một bài phân tích ngày 08/10/2019 mang tựa đề: “Động lực và rủi ro của việc Trung Quốc gây sức ép trên Việt Nam – Drivers and risks of China’s pressure on Vietnam”, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã cảnh báo rằng “chiến lược gia tăng sức ép của Trung Quốc đối với Việt Nam hàm chứa nhiều rủi ro nghiêm trọng cho Bắc Kinh, và nếu đi quá trớn, có thể gây tác động ngược lại” vì “các hành vi hù dọa của Bắc Kinh có thể thúc đẩy ASEAN và cộng đồng quốc tế ủng hộ Hà Nội”.
Trong phần mở đầu bài phân tích, Lucio Blanco Pitlo III, giảng viên tại Trường Khoa Học Xã Hội thuộc Đại Học Ateneo de Manila ở Philippines đã nêu bật việc Trung Quốc đang tăng cường cản trở các hoạt động kinh tế trên biển chính đáng và hợp pháp của các láng giềng, cũng như gây áp lực đối với các công ty nước ngoài, buộc họ ngừng hoạt động thăm dò, không chỉ bên trong đường chín đoạn bị coi là không có giá trị pháp lý, mà cả trong vùng biển tiếp giáp.
Trước đây Bắc Kinh chỉ phản đối miệng, nhưng ngày nay họ đã tung một lực lượng hải quân, hải cảnh và dân quân biển hùng hậu xuống Biển Đông để áp đặt yêu sách. Và như vậy là Trung Quốc đã gia tăng sức ép với các nước nhỏ hơn mình,  nhất là đối với Việt Nam.
Các lý do thúc đẩy Trung Quốc chĩa mũi dùi vào Việt Nam
Theo tác giả bài viết, có khá nhiều yếu tố giải thích vì sao Bắc Kinh lại tập trung mũi dùi vào Việt Nam.
Lý do đầu tiên là Trung Quốc giờ đây đã nắm được Philippines, cho nên đã tương đối rảnh tay để đối phó với Việt Nam. Trước đây, trong số những nước có tranh chấp ở Biển Đông, Philippines và Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc phản đối các yêu sách quá trớn của Trung Quốc. Nhưng với việc Manila đang càng lúc càng sẵn sàng đồng khai thác với Bắc Kinh, Trung Quốc đã có thể tập trung đối phó với cản lực còn lại là Hà Nội.
Lý do thứ hai liên quan đến tập đoàn dầu hỏa Mỹ ExxonMobil, hiện là đối tác của Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Exxon sắp đưa ra quyết định về việc có nên tiếp tục đầu tư hay không, không riêng gì ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, từ Na Uy cho đến Vịnh Mêhicô. Bắc Kinh có lẽ đã muốn gây sự cố để khuyến khích Exxon thoái vốn ra khỏi Việt Nam. Trên vấn đề này, Trung Quốc muốn lập lại kịch bản trước đây, khi sức ép của Trung Quốc đã thành công, buộc được tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha rút đi.
Lý do thứ ba là ý đồ tác động đến chuyến thăm Mỹ từng được dự kiến của lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, với hồ sơ Cá Voi Xanh được cho là sẽ hiện diện trong chương trình nghị sự. Đã có nhiều nguồn tin là quan chức thuộc tập đoàn dầu khí PetroVietnam, đối tác của ExxonMobil trong dự án, sẽ tham gia phái đoàn thăm Mỹ.
Lý do thứ tư là Việt Nam sắp đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm tới và Hà Nội có thể sẽ sử dụng cơ hội này để thúc đẩy một sự đồng thuận khu vực vững chắc hơn nhằm đẩy lùi các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một lý do khác là việc vào năm 2021, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Bắc Kinh có thể muốn chứng minh là Đảng đã thành công trong việc bảo vệ quan điểm được mở rộng về lãnh thổ, quyền hàng hải và an ninh quốc gia.
Trung Quốc cũng có thể tính toán rằng Việt Nam sẽ không để tái diễn các cuộc bạo loạn như vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh cho cắm một giàn khoan nước sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vì bạo động có thể khiến các nhà đầu tư sợ hãi vào thời điểm Việt Nam đang thu hút các công ty chạy trốn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Hành động quá đáng của Trung Quốc có thể bị tác động dội lại
Tuy nhiên, đối với tác giả bài phân tích, việc Trung Quốc quyết định gửi tàu khảo sát vào vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam hàm chứa nhiều rủi ro to lớn, và nếu đi quá đà, Bắc Kinh có thể bị phản đòn trên nhiều mặt.
Theo chuyên gia Philippines, hành động của Trung Quốc có thể nâng cao hơn nữa quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi kinh tế trên biển của mình; thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ Exxon để chống lại áp lực của Trung Quốc, và thúc đẩy ASEAN đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc muốn loại trừ các công ty nước ngoài khác, không cho đầu tư vào các dự án năng lượng ngoài khơi của họ.
Mặt khác, cho dù phương án của Hà Nội đối phó với Bắc Kinh còn hạn chế, cơ sở pháp lý yếu kém của các yêu sách Trung Quốc vẫn là một lỗ hổng mà Việt Nam có thể khai thác bằng cách đưa vụ việc ra một định chế quốc tế, như Philippines đã làm vào năm 2013.
Phán quyết trọng tài vô hiệu hóa yêu sách dựa trên chủ quyền lịch sử của Trung Quốc, đã buộc Bắc Kinh phải đưa ra những lập luận mới để biện minh cho các yêu sách chủ quyền đối với bốn nhóm đảo khác nhau ở Biển Đông mà họ gọi là Tứ Sa. Tuy nhiên, do phán quyết của Tòa Trọng Tài đã khẳng định rằng không một thực thể nào ở Trường Sa có đủ điều kiện là hòn đảo có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, và các quyền đó phải dựa trên các đặc điểm riêng lẻ của từng đảo, chứ không thuộc nhóm đảo nói chung, việc Bắc Kinh sử dụng chiêu bài Tứ Sa làm cơ sở để đòi chủ quyền trên vùng biển và tài nguyên cũng sẽ không đứng vững.
Bắc Kinh không nên dùng biện pháp đe dọa để gây sức ép
Sự cởi mở của Trung Quốc đối với việc thăm dò và phát triển chung cũng như các biện pháp thiết thực khác ở Biển Đông có thể là cơ hội để thúc đẩy hợp tác và giải tỏa căng thẳng. Nhưng Bắc Kinh không nên dùng sự đe dọa hoặc áp lực để hạn chế lựa chọn của các láng giềng. Phát triển chung có thể tồn tại song song với các dự án hiện có liên quan đến những tác nhân nước ngoài khác. Trung Quốc có thể mua cổ phần của các công ty nước ngoài muốn thoái vốn ra khỏi Biển Đông, nhưng không nên dùng sự ép buộc để có những đề nghị và quyết định thoái vốn như vậy.
Mặc dù vào lúc này, có vẻ như là Bắc Kinh có thể ngang nhiên đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông mà không bị trừng phạt, nhưng trong thực tế, nếu tiếp tục chiến dịch gây áp lực trên Việt Nam, Bắc Kinh rõ ràng là sẽ gặp rủi ro. Việc thiếu vắng động thái xuống thang và đề nghị hợp tác thực sự từ phía Bắc Kinh, có thể làm cho các nước trong và ngoài khu vực cứng rắn hơn với Trung Quốc, qua đó giúp Hà Nội dễ dàng tổ chức một mặt trận phản công của cả ASEAN lẫn cộng đồng quốc tế.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.