Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/10/2019

Monday, October 21, 2019 6:35:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 21/10/2019

TNLT Nguyễn Văn Đức Độ tuyệt thực phản đối

trại giam Xuân Lộc bán thức ăn giá “trên trời”

Thêm một tù nhân lương tâm ở trại giam Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai tuyệt thực để phản đối những áp bức của trại giam này đối với những người tù mang án chính trị là ông Nguyễn Văn Đức Độ, người bị tuyên án 11 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” trong một phiên tòa xử chung với các thành viên khác cùng tổ chức Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết hồi tháng 3 năm nay.
Ông Nguyễn Đức Hải cho hay, hôm 18 tháng 10 anh của ông là Nguyễn Văn Đức Ấn đi thăm ông Độ trong trại giam và được nghe nói ông đã tuyệt thực 5 ngày để phản đối việc làm của trại giam này.
Ông Hải nói qua điện thoại vào chiều 21 tháng 10 năm 2019 như sau:
Anh Độ phản đối về chuyện căng tin trong trại bán thức ăn cho tù nhân chính trị giá “cắt cổ”, bán giá gấp 4-5 lần bên ngoài mà thức ăn cho người nhà nhận 5 kg mỗi tháng thôi thì không đủ.
Anh Ấn nói anh Độ viết mấy hàng chữ lên mặt bàn là “Đả đảo cộng sản, Đả đảo trại giam hút máu của tù nhân chính trị!”
Anh Độ viết lên mặt bàn lúc họ cho ra ngoài phơi nắng, anh Độ cầm cái bàn đó đứng lên để biểu tình phản đối.”
Thông thường những tù nhân đứng lên phản đối việc làm của trại giam sẽ bị cán bộ quản giáo đưa đi kỷ luật. Ông Độ cho người nhà biết ông không bị kỷ luật do có nhiều tù nhân đồng tình phản đối việc làm này.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ cũng cho người nhà biết thêm là, ông Huỳnh Trương Ca, thành viên của nhóm Hiến pháp hiện đang thụ án ở trại Xuân Lộc, khi tuyệt thực đến ngày thứ 5 bị ngất xỉu, được công an đưa đi cấp cứu truyền nước biển.
Hôm 12/10, ông Huỳnh Trương Ca thông báo với gia đình ông và các tù nhân chính trị khác ở trại Xuân Lộc tuyệt thực từ ngày 4/10 để phản đối việc ông không được quản giáo chấp thuận cho ra ngoài trại giam để chữa trị vì bị nổi hạch ở cổ gây đau đớn.
Một tù nhân lương tâm khác trong trại giam này là ông Nguyễn Hoàng Nam, theo Phật giáo Hòa Hảo đấu tranh cho tự do tôn giáo cũng đang tuyệt thực vì bị chuyển từ trại giam K1 nơi có các tù nhân chính trị sang giam cùng với các tù nhân án ma túy.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-prisoner-of-conscience-in-xuan-loc-on-hunger-strike-10212019090954.html

Hàng ngàn người viếng ông Lê Hải An,

dư luận cảm thương, bàng hoàng

Lễ truy điệu cố Thứ trưởng Giáo dục Lê Hải An diễn ra sáng Thứ Hai 21/10 tại Hà Nội trong nỗi bàng hoàng và tiếc thương của rất nhiều người khi ông đột ngột qua đời.
Rất đông các đồng nghiệp, sinh viên, giáo viên và bạn bè tới viếng ông Lê Hải An, người qua đời khi mới 48 tuổi, tại Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Hải An được phát hiện rơi từ tầng 8 tòa nhà trụ sở Bộ Giáo dục – Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt, TP Hà Nội) xuống đất và đã tử vong khoảng 7h10 ngày 17/10.
Các đơn vị của Công an TP Hà Nội, Công an quận Hai Bà Trưng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, nhưng hiện chưa có thông tin gì về nguyên nhân cái chết của ông An.
Trong bài điếu văn truy điệu, ông Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trưởng ban tổ chức lễ tang, nói ông Lê Hải An để lại một “tấm gương sáng” như “một nhà giáo tận tụy, một nhà khoa học say mê nghiên cứu và một nhà quản lý giáo dục tâm huyết, trách nhiệm.”
Ông Nhạ cũng ca ngợi vị cố thứ trưởng là “một nhà quản lý, nhà lãnh đạo quyết đoán, có tầm nhìn nhưng rất khiêm tốn, giản dị, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trường ĐH Mỏ – Địa chất”.
Ông Lê Hải Khôi, anh trai cố Thứ trưởng Lê Hải An, “gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD-ĐT đã đến tiễn đưa người con của gia đình,” tờ Tuổi Trẻ tường thuật.
Ông Khôi trước đó viết trên Facebook: “Hải An ơi, em ra đi khi tuổi đời còn đang trẻ, khi sự nghiệp chỉ mới bắt đầu … Gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp … vô cùng thương tiếc em … R.I.P. Vĩnh biệt nhé, em trai yêu quí …”
Nội dung không có
Lễ hỏa táng ông Lê Hải An lúc 17h5 phút cùng ngày tại Đài hóa thân hoàn vũ (Hà Nội) và an táng tại Công viên Vĩnh Hằng, Nghĩa trang Thiên Đức, Phú Thọ.
“Người tử tế nhất bộ đã ra đi”
Từ hôm 17/10, mạng xã hội Việt Nam tràn ngập các dòng trạng thái bày tỏ lòng thương tiếc và bàng hoàng trước tin ông Lê Hải An đột ngột qua đời.
Nhà toán học Ngô Bảo Châu viết trên Facebook cá nhân hôm 17/10:
“Mới gặp anh hè vừa rồi hai lần nhưng đã có một ấn tượng rất tốt về anh, một lãnh đạo tự tin, thân thiện, hiểu biết và hết lòng vì công việc. Thật sự buồn khi biết tin anh đột ngột qua đời.
Kính cẩn nghiêng mình chào anh Lê Hải An.”
Ông Lê Đình Hiếu, người sáng lập Học viện G.A.P, đăng bài viết “Người tử tế nhất bộ đã ra đi” trên Facebook hôm 20/10.
“Khi nghe tin anh mất, nhiều nhà giáo, nhà tri thức đã lên tiếng trên mạng với nhiều thuyết âm mưu khác nhau, nhiều người đã nói “sẽ phải tìm ra sự thật của câu chuyện này”. Đó có thể là điều đúng cần phải làm.
“Phần mình, mình chọn sẽ tiếp tục con đường tử tế mà a đã và đang theo đuổi: Cải tổ và xây dựng lại một nền giáo dục đại học xuất sắc cho đất nước. Mỗi năm, 1 triệu bạn trẻ VN rời ghế nhà trường phổ thông – hệ thống đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, và các loại hình đào tạo khác mang 1 sứ mệnh nâng tầm bước chân 1 triệu bạn trẻ này.
Khi người tử tế nhất ra đi, những người khác sẽ phải gắng hết sức để những di sản tử tế mà người trước để lại không thành điều lãng phí.”
Nội dung không có
Giảng viên Đại học Nguyễn Hoàng Ánh viết trên Facebook ngày 21/10:
“VĨNH BIỆT ANH LÊ HẢI AN
Hôm nay, chúng ta sẽ phải chia tay với bạn Lê Hải An, một trí thức, một quan chức hiếm hoi được mọi người tôn trọng và yêu quý.
Cầu mong bạn an nghỉ và che chở cho vợ con, gia đình được an lành.”
Người ký thông báo kỷ luật vụ gian lận thi cử Hà Giang
Ông Lê Hải An là người đã ký Thông báo về việc xem xét kỷ luật công chức của Bộ GD-ĐT có trách nhiệm liên quan tới việc xảy ra gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
13 công chức được yêu cầu kiểm điểm liên quan kỳ thi THPT quốc gia 2018 gồm các cục trưởng, cục phó Cục Quản lý chất lượng, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, vụ trưởng Vụ Pháp chế…
Tuy nhiên, ngày 9/9/2019, Bộ GD-ĐT lại ký văn bản hủy bỏ các Quyết định và Thông báo trên.
Lý do hủy bỏ xem xét kỷ luật là các văn bản nội bộ này chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, đồng thời còn để tiến hành quy trình xem xét, kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng như hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Quá trình làm việc của ông An
Ông Lê Hải An sinh năm 1971 tại Hà Nội. Ông là con trai út của Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây tại Việt Nam.
Ông từng học Đại học Thăm dò địa chất tại Moskva (Nga), Thạc sĩ dầu khí tại Đại học Tổng hợp Brunei và Tiến sĩ dầu khí tại Đại học Heriot-Watt, Anh.
Ông An bắt đầu làm việc tại Trường đại học Mỏ – Địa chất từ tháng 12-1995 với vai trò trợ giảng bộ môn địa vật lý, khoa Dầu khí; rồi trở thành giảng viên chính thức và sau đó là Trưởng khoa Dầu khí của trường này.
Năm 2010, ông được công nhận chuẩn chức danh Phó Giáo sư và là Phó Hiệu trưởng từ năm 2011-2014.
Từ năm 2014, ông An là Bí thư, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất.
Tháng 11/2018, ông An được bổ nhiệm chức Thứ trưởng GD-ĐT, phụ trách giáo dục đại học, báo chí truyền thông, địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…
Tháng 2/2019, ông giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ GD-ĐT.
Ngoài ông An, Bộ GD-ĐT còn có hai thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Văn Phúc.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50125283

Nhiều tổ chức Phật Giáo

đệ đơn xin giảm tội cho Phạm Nhật Vũ

Nhiều tổ chức Phật giáo Việt Nam đồng loạt đệ đơn xin giảm nhẹ cho bị can Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG), được hưởng khoan hồng. Ông Vũ hiện bị truy tố về tội đưa hối lộ trong vụ MobiFone mua AVG gây thất thoát cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Truyền thông trong nước, vào ngày 21 tháng 10 cho biết thông tin vừa nêu.
Cụ thể, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao trong vụ án liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG gây thiệt hại tài sản Nhà nước lên đến 6.500 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vũ là bị can duy nhất trong số 14 bị can của vụ án bị truy tố về tội đưa hối lộ. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng cần áp dụng một số điều khoản quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 để xem xét và quyết định mức hình phạt giảm nhẹ cho bị can Phạm Nhật Vũ tương xứng qua các yếu tố được liệt kê; bao gồm:
-Bị can Phạm Nhật Vũ, trước khi khởi tố vụ án, đã chủ động nộp toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone hơn 8.400 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và hơn 300 tỷ tiền lãi phát sinh.
-Bị can Phạm Nhật Vũ tự nguyện khai báo và đầu thú trong quá trình điều tra hành vi đưa và nhận hối lộ; đồng thời tích cực cung cấp thông tin về các bị can khác nhận hối lộ cho Cơ quan Điều tra và VKSND nhằm giúp sớm kết thúc điều tra vụ án.
-Bị can Phạm Nhật Vũ được nhiều tổ chức Phật giáo Việt Nam đệ đơn trình bày ông Vũ từng có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua việc trùng tu di tích lịch sử văn hóa và trong lãnh vực giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo…Các đơn đề nghị của những tổ chức Phật Giáo Việt Nam xin cho bị can Phạm Nhật Vũ được hưởng khoan hồng.
Theo truyền thông trong nước, trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, bị can Phạm Nhật Vũ được hưởng lợi số tiền hơn 5.800 tỷ đồng.
Bị can Phạm Nhật Vũ đã hối lộ cho hai bị can là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông: ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu đô la Mỹ (USD) và ông Trương Minh Tuấn 200 ngàn USD. Bị can Phạm Nhật Vũ còn hối lộ cho bị can Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch MobiFone) 2,5 triệu USD và bị can Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc MobiFone) 500 ngàn USD.
Cáo trạng của VKSND Tối cáo xác định bị can Phạm Nhật Vũ không bị xử lý trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi hối lộ vi phạm về đầu tư công của bị can Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, dư luận trong nước phẫn nộ trước thông tin Cơ quan Điều tra đề nghị “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt” cho bị can Phạm Nhật Vũ.
Giới luật sư tại Việt Nam trưng dẫn theo Hiến pháp, trên nguyên tắc không có bất kỳ một đạo luật nào có thể đặt ra những quy chế đặc biệt dành cho bất kỳ công dân Việt Nam, kể cả người đó là quan chức cao cấp hay có công với đất nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/buddhist-organizations-call-for-pham-nhat-vu-guilty-mitigation-10212019092701.html

Dầu thải gây ô nhiễm nước sạch Sông Đà

là của gốm sứ Thanh Hà

Số dầu thải đổ ra đầu nguồn của nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco) gây ô nhiễm nước cho hàng vạn hộ dân ở Hà Nội có nguồn gốc từ Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ.
Thông tin trên do ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà, xác nhận với báo giới trong nước hôm 21/10.
Người đại diện Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà cũng xác định ông Trần Thành Chung, thủ kho vật tư của công ty, là người đã lén lút bán dầu thải từ các loại máy cơ khí cho nhóm người xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Trước đó hôm 20/10, truyền thông trong nước đưa tin người chủ mưu vụ đổ dầu xuống nguồn nước Viwasupco là Lý Đình Vũ (sinh năm 1982) đã ra đầu thú. Cơ quan chức năng trước đó, vào hôm 18/10, đã bắt giữ hai nghi phạm khác là Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986).
Theo báo trong nước, ông Lý Đình Vũ đã khai nhận với phía công an rằng đã được một nữ giám đốc tên Trang của Gốm sứ Thanh Hà thuê đổ dầu thải.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà bác bỏ thông tin trên và khẳng định công ty không có giám đốc nào tên Trang.
Tuy nhiên, ông này xác nhận cơ quan chức năng đã làm việc với con gái ông (tên Trang) hiện làm tại phòng kinh doanh của công ty và quản lý kho Trần Thành Chung.
Ông Truyền ngoài việc thừa nhận số dầu thải đổ ra sông Đà là của công ty gốm sứ Thanh Hà, ông cũng cho rằng từ trước đến nay công ty không có chủ trương đưa dầu thải tới các mối nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, mà luôn thu gom và chuyển cho công ty môi trường xử lý theo đúng quy định.
Theo thông tin ban đầu từ phía công an, nhóm nghi phạm hôm 6/10 đã lái một xe tải và một xe ô tô 4 chỗ từ Bắc Ninh đến Công ty Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ để nhận 10 thùng chứa khoảng 10m3 dầu thải.
Vào ngày 8/10, nhóm nghi phạm đã chở các thùng dầu thải đến khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để tiến hành xả thải.
Lượng dầu thải nói trên được xác định đã đổ vào suối Trầm dẫn đến hồ Đầm Bài, là nơi cung cấp nước nguyên liệu của Viwasupco cách đó khoảng 2,5km.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thanh-ha-ceramics-confirms-the-companys-waste-oil-10212019101645.html

Công ty nước Sông Đà công bố lãi lớn

giữa bê bối nước nhiễm dầu

Báo cáo tài chính quý 3/2019 của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) –đơn vị vừa cung cấp nước nhiễm dầu cho hàng ngàn hộ dân tại Hà Nội, cho thấy Viwasupco lãi hơn 72,4 tỉ đồng.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 21/10 trích dẫn báo cáo tài chính của Viwasupco.
Cụ thể, trong Báo cáo tài chính quý 3/2019, Viwasupco có doanh thu thuần đạt 137,8 tỉ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế hơn 72,4 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Công ty nước Sông Đà đạt 401,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 199 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu tăng 21% và lợi nhuận tăng 30%.
Hiện công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà có 2 cổ đông chính là Công ty MTV Năng lượng Gelex nắm hơn 60% cổ phần và Công ty Cơ điện lạnh REE nắm gần 36%.
Công ty nước Sông Đà là công ty cung cấp nước sạch cho một số quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của Hà Nội từ vùng thượng lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình.
Hôm 8/10, người dân tại một số quận ở Hà Nội thuộc khu vực được Công ty nước Sông Đà cung cấp nước sạch, thông báo nước sinh hoạt chuyển màu đen và có mùi khét. Tổng cục Môi trường sau đó đã điều tra và cho biết nước sạch từ nhà máy nước sông Đà cung cấp cho nhiều hộ dân tại Hà Nội có mùi lạ là do nhiễm bẩn dầu nhớt ở đầu nguồn.
Ngày 15/10, UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm xác định tỷ lệ chất styren có trong nước ở một số khu vực tại Hà Nội cao hơn 1,3 đến 3,6 lần mức bình thường. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không nên dùng nguồn nước này cho mục đích ăn uống.
Viwasupco cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho thành phố Hà Nội.
Hiện vụ việc đã được cơ quan điều tra huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự… Đã có 3 người bị bắt vì liên quan đến việc đổ dầu thải vào đầu nguồn nước nhà máy Nước sạch Sông Đà.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/song-da-water-supply-company-reports-high-profit-by-3rd-quarter-2019-10212019102154.html

Dự án sân bay Long Thành sẽ khởi công vào năm 2020?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ dồn lực làm các dự án hạ tầng trọng điểm trong năm 2020 như tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, thu phí tự động.
Tờ Vnexpress dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIV diễn ra vào sáng 21/10: “Chính phủ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trong đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển theo hình thức hợp tác công – tư“.
Truyền thông trong nước cho hay tại kỳ họp này, Chính phủ đã có báo cáo riêng gửi Quốc hội về nghiên cứu khả thi dự án xây dựng sân bay Long Thành, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 4,8 tỷ USD. Các
hạng mục giai đoạn 1 sẽ gồm một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm và các hạng mục phụ trợ.
Sáng 16 tháng 10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của các Bộ, ngành đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác triển khai dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành. Tại đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo đầu năm 2021 phải khởi công dự án sân bay Long Thành.
Trước đó hai ngày, ngày 14 tháng 10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13 xem xét, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty quản lý bay Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư nhiều hạng mục sân bay Long thành nhưng các đại biểu nói từ trước đến nay Quốc hội chưa bao giờ chỉ định thầu cho doanh nghiệp cụ thể.
Sân bay Long Thành là một dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của  Việt Nam có trị giá đầu tư ước tính lên đến 8 tỷ đô la, nhằm mục đích thay thế cho sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Đây là dự án gặp nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện có, thay vì đầu tư vào sân bay Long Thành.
Sân bay được dự kiến xây dựng trong 3 giai đoạn, kéo dài 30 năm. Giai đoạn đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/longthanh-airport-project-to-be-started-construction-in-2020-10212019101921.html

Thủ tướng: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng

các công trình giao thông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa trong năm 2020.
Báo trong nước loan tin ngày 21/10, trích phát biểu của Thủ tướng trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIV khi trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 diễn ra cùng ngày.
Theo báo cáo, Chính phủ trong năm 2019 đã bảo đảm nguồn vốn triển khai cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, bảo đảm hoàn thành trong năm 2021 cùng với các công trình sạt lở cấp bách.
Chính phủ cho biết đang phấn đấu trong năm 2020 hoàn thành dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan; cơ bản hoàn thành đoạn Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, nỗ lực thông xe một số gói thầu của 3 dự án đầu tư công trong dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông và lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần còn lại.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Chính phủ nhận xét đây là một dự án phức tạp nên dù có thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước và theo luật thì thời gian thẩm định là 90 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ thì thời gian thẩm định sẽ được kéo dài hơn. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 5/2020.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prime-minister-speeding-up-public-construction-10212019102003.html

Tàu ngầm hạt nhân TQ

‘trồi lên giữa’tàu cá VN ở Biển Đông?

Ngư dân Quảng Ngãi vừa công bố video clip và một số hình ảnh của tàu ngầm Trung Quốc ở gần quần đảo Trường Sa vào tháng 9.
Hôm 18/10, hai ngư dân xin giấu tên gửi cho anh Nguyễn Thế Bình hơn 40 tấm hình và một video clip tại khu vực có tọa độ tương đối là 18 vĩ độ bắc, 114 kinh độ đông, ở phía bắc, đông bắc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Anh Bình sau đó đăng lên Facebook công bố các video và hình ảnh cho thấy một tàu ngầm có treo cờ Trung Quốc xuất hiện bên cạnh các tàu cá Việt Nam.
Anh Bình nói với BBC rằng ngư dân cho biết ít nhất hai tàu cá giã cào của Việt Nam có mặt chứng kiện sự xuất hiện của tàu ngầm này.
Vì sao ‘Đường lưỡi bò’ của TQ nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN?
Bãi Tư Chính: Tàu Trung Quốc “tiếp tục quần đảo”
Quốc phòng Việt Nam: ‘Ba Không’ còn phù hợp?
Người dân cho biết họ mất gần một tháng để công bố clip, hình ảnh này vì trên biển sóng 4G yếu và tàu chưa kịp về đất liền.
Nhà phân tích chiến tranh tàu ngầm H.I. Sutton mới đây đã đăng một bài phân tích về vụ việc này trên tờ Forbes.
Theo ông Sutton, đây là loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, loại 094 lớp Jin 11.000 tấn của Trung Quốc.
Và “đó là một sự kiện bất thường”.
‘Không phải để gửi thông điệp’
“Lớp tàu Jin là tàu ngầm tên lửa mới nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc,” ông Mr Sutton.
“Sáu chiếc tàu đã được chế tạo và là xương sống của sự răn đe hạt nhân của Trung Quốc trên biển.”
“Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể hoạt động chìm trong nhiều tháng liền và ẩn dưới làn sóng trong suốt nhiệm vụ tuần tra.
“Trồi lên bên cạnh tàu của nước khác là không bình thường và cho thấy có gì đó không ổn. Một cái gì đó đủ nghiêm trọng để hy sinh thế mạnh lớn nhất của nó: tàng hình.
Và ông Sutton cho rằng đây không phải là loại tàu ngầm “để gửi thông điệp.”
TS. Hà Hoàng Hợp bình luận khả năng VN thay đổi chính sách quốc phòng sau vụ bãi Tư Chính.
“Trồi lên bên cạnh những tàu của một nước khác là không bình thường và cho thấy có gì đó không ổn,” ông Sutton trả lời tờ News của Úc.
“Một thứ gì đó đủ nghiêm trọng để hy sinh thế mạnh lớn nhất của nó: tàng hình.”
Tàu ngầm và tàu cá thường không “hợp nhau”, ông Sutton viết.
Ông Sutton cho rằng có thể tàu ngầm này đã bị vướng vào lưới đánh cá, hoặc sợ rằng nó sẽ như vậy.
Việc trồi lên “có thể đã cứu mạng các ngư dân, cũng như những lính thủy trong tàu ngầm”.
Ông Sutton dẫn chứng về vụ việc năm 1984, khi một chiếc tàu ngầm của Liên Xô đã vướng vào lưới của một tàu đánh cá Na Uy. Sau nhiều giờ cố gắng tự giải phóng, chiếc tàu ngầm đã phải nổi lên, bại lộ phi vụ ở ngay ngoài khơi một nước thuộc NATO.
Còn vào 1990, một chiếc tàu ngầm của Anh đã lái qua lưới của một chiếc thuyền đánh cá nhỏ ngoài khơi Scotland. Cả bốn phi hành đoàn đều chết khi thuyền của họ bị kéo xuống.
Ông Sutton lập luận có khả năng, tàu ngầm này của Trung Quốc đã bị vướng vào lưới đánh cá hoặc lo sợ sẽ bị vướng vào.
Và những rủi ro liên quan tới lưới đánh cá sẽ là một vấn đề khi tàu ngầm đem theo tên lửa của Trung Quốc tuần tra ở Biển Đông, thay vì ở Biển Hoa Đông và Hoàng Hải.
‘Không nhân nhượng’
Gần đây nhất, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 17/10, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Ông nói cần phải đặt vấn đề trong tổng thể, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển.
“Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó.”
“Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng”, ông nhấn mạnh.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50114092

Xe hơi Trung Quốc bán tại VN

sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”

Các mẫu xe hơi của Trung Quốc đang được bán tại thị trường Việt Nam, trên bản đồ định vị của các xe này có sử dụng “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Vnexpress (bản tiếng Anh) loan tin hôm 21/10 cho biết như vừa nêu.
Theo đó, Công ty Kylin-GX668 đã xin lỗi khi một khách hàng phát biện trong mẫu xe Zotye T600 có sử dụng “đường lưỡi bò” trong bản đồ định vị của xe.
Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc của Kylin-GX668 - đơn vị nhập khẩu và phân phối 4 loại xe hơi của Trung Quốc tại Việt Nam có trụ sở tại Hải Phòng, bao gồm các loại xe như Haima, Geely, Zotye và Basic được Vnexpress trích lời, lý giải rằng trước khi xe được bán ra thị trường, ứng dụng dẫn đường có xuất hiện “đường lưỡi bò” không thể sử dụng tại VN do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu.
Phía công ty cũng đã thừa nhận bất cẩn trong quá trình kiểm tra nên xảy ra tình trạng trên và đồng thời đề nghị các khách hàng đã mua xe liên hệ với các đại lý công ty để gỡ bỏ ứng dụng dẫn đường trên và hứa sẽ gỡ bỏ toàn bộ trên các lô hàng sắp được phân phối tại Việt Nam.
Sau khi sự việc bị phát hiện, hàng loạt đại lý của công ty tại các khu vực Sài Gòn và Hà Nội đã hạn chế khách hàng kiểm tra nội thất của các loại xe mới, cũng như một số đại lý đã phải đóng cửa vào buổi sáng để kiểm tra.
Được biết, nhiều người dùng các loại xe hơi này chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng, khi mua xe về nếu để bản đồ nguyên bản không thể dùng được định vụ nên phải cập nhật lại Vietmap hay Google Maps nên không chú ý đến sự xuất hiện đường lưỡi bò phi pháp này. Quy trình nhập khẩu của các loại xe hơi của Trung Quốc được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp thuận.
“Đường lưỡi bò” không chỉ xuất hiện trên các mẫu xe hơi của Trung Quốc nhập về Việt Nam. Mới hôm 13/10, phim hoạt hình Người Tuyết Bé Nhỏ của Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất cũng đã bị gỡ khỏi lịch chiếu của cụm rạp CGV sau khi ‘đường lưỡi bò’ xuất hiện trong một cảnh phim.
Trước đó vào ngày 18/10, Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh quyết định xử phạt 50 triệu đồng đối với công ty Saigontourist vì phát ấn phẩm có xuất hiện “đường lưỡi bò” cho khách hàng của mình.
Ngoài ra, mới đây trên ứng dụng The Weather Channel (TWC) dự báo thời tiết cũng đã phát hiện “đường lưỡi bò” trên các phiên bản Tiếng Việt, tiếng Indonesia, Nhật và tiếng Trung của bản đồ này nhưng không hiển thị trên bản đồ tiếng Anh, Pháp hay tiếng Hindi và bản dành riêng cho Đài Loan.
Biển Đông đang là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam, Brunei, Philippines, Malaysia, Indonesia.
Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc chín đoạn hay còn gọi là ‘đường lưỡi bò’ mà nước này đơn phương vẽ ra. Năm 2016, Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) ở Hà Lan đã bác bỏ tính pháp lý đường lưỡi bò của Trung Quốc trong vụ Phillipines kiện Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-cars-sold-in-vietnam-with-fraudulent-nine-dash-line-map-10212019085515.html

Rủi ro gian lận từ thế ‘kẹp’ Trung – Mỹ

9 tháng đầu năm 2019, VN nhập siêu và đón nguồn vốn FDI lớn nhất từ Trung Quốc, nhưng cũng lọt vào tốp 6 quốc gia xuất siêu, thâm hụt thương mại cao nhất với Mỹ.
Số liệu trên cùng một loạt vụ gian lận xuất xứ thương mại vừa qua cảnh báo rủi ro ở thế “kẹp” giữa hai siêu cường đối với VN là vô cùng khó lường.
VN đứng thứ 6 về xuất siêu sang Mỹ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019, xuất siêu của VN sang Mỹ đạt con số kỷ lục tăng tới 50% so với cùng kỳ, đạt 34,2 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc tăng đột biến lên 27,7 tỉ USD. Những sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính; dệt may; giày dép; sản phẩm gỗ. Trong khi nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu; điện tử, máy tính, linh kiện; máy móc và thiết bị phụ tùng; vải; sắt thép…
Dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến VN trở thành “cứ điểm” hàng hóa của các DN Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào VN, rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này có thể vô tình làm VN vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê)
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nhập siêu của Mỹ từ VN tăng khá mạnh từ năm 2014 đến năm 2018, từ mức hơn 24,8 tỉ USD năm 2014 lên gần 39,5 tỉ USD năm 2018. Năm 2018, VN trở thành quốc gia xuất siêu lớn thứ 6 vào Mỹ, còn Trung Quốc đứng đầu với 419,5 tỉ USD.
Ngoài cán cân thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào VN đang có sự thay đổi nhanh chóng. FDI từ các quốc gia truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần bị thay thế bởi Trung Quốc. Chỉ trong vòng 1 – 2 năm trở lại đây, Trung Quốc trở thành quốc gia đứng thứ 2 về vốn đăng ký, số lượng dự án FDI tại VN. 9 tháng năm 2019, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số dự án đăng ký mới. Trong đó, Hàn Quốc có 819 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỉ USD; Trung Quốc có hơn 400 dự án, tổng vốn đăng ký mới hơn 2 tỉ USD.
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Những đợt áp thuế liên tục của Mỹ đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc đã tạo thuận lợi cho hàng hóa của VN xâm nhập thị trường Mỹ. Song, nó cũng gây ra nhiều lo ngại về tình trạng hàng Trung Quốc “đột lốt” hàng Việt. Trên thực tế, lo ngại này là hoàn toàn có thật.
Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết thời gian vừa qua, cơ quan này phát hiện một loạt vụ việc gian lận xuất xứ thương mại. Điển hình, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trần Vượng trong tờ khai hải quan có khai báo là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100% có xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa thì phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro, trên thùng carton có ghi tiếng Việt, nội dung loa NANOMAX của CTCP xây dựng và điện tử Sơn Tùng, trụ sở tại TP.HCM, hàng Made in VN.
Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Thành Quý và Công ty TNHH thương mại Aeolus Henan cũng đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về, qua kiểm tra phát hiện 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan, nghi hàng giả nhãn mác. Công ty TNHH H.T khai báo nhập 6 container gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc, nhưng qua kiểm tra phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in VN” nhãn hiệu ROYALGRESPORCELANTATO, sản xuất tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Cơ quan hải quan cũng xác minh làm rõ nghi vấn việc đưa hơn 1 triệu tấn nhôm hình, có xuất xứ (C/O) Trung Quốc, gửi hàng kho ngoại quan ở tỉnh này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30982-rui-ro-gian-lan-tu-the-kep-trung-my.html

Thủ tướng Việt Nam nói không nhân nhượng

vấn đề chủ quyền Biển Đông,

nhưng không nhắc tên Trung Quốc

Báo cáo của chính phủ Việt Nam trình bày trước quốc hội trong kỳ họp quốc hội thứ 8 khóa 14 vừa mới khai mạc ở Hà Nội hôm 21/10 đã đề cập đến vấn đề Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh lập trường của Việt Nam là không nhân nhượng, nhưng không đề cập trực tiếp tên Trung Quốc.
Trong báo cáo kinh tế – xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc, chính phủ Việt Nam nhìn nhận tình hình khu vực, Biển Đông diễn biến rất phức tạp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trước Quốc hội: “Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận cấp cao”.
“Đảng và nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tiếp.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng cho biết Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời đấu tranh trên thực địa. Ông cũng không quên khẳng định Việt Nam vẫn muốn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.
Từ khoảng giữa tháng 6 đến nay, Việt Nam đã phải đối mặt với việc Trung Quốc liên tục điều các tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp những phản đối chính thức từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thậm chí còn tuyên bố vùng nước mà tàu Trung Quốc vào, thuộc chủ quyền của nước này và đòi Việt Nam phải ngưng toàn bộ các hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-pm-says-no-compromise-on-scs-sovereignty-not-mention-china-10212019093431.html

Quốc hội VN nhóm họp,

Biển Đông nằm trong nghị trình

Sáng 21/10, Quốc hội Việt Nam khai mạc kỳ họp thứ 8 khóa XIV. Theo phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân , trong ba nội dung chính sẽ được bàn thảo có vấn đề Biển Đông.
Báo Ấn Độ đăng tải lời đại sứ VN về Biển Đông
Biển Đông: ‘Né’ tên TQ, VN có kế sách riêng?
Theo diễn văn khai mạc của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ba nội dung chính là:
Một là, xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Hai là, xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Đáng chú ‎trong số này là xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội cũng nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông; xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Thứ ba, tiến hành xem xét các báo cáo; trong đó có các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Biển Đông trong chương trình nghị sự
Một trong những nội dung được chú ‎nhất là việc Quốc hội Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình bàn thảo.
Ngay trong bài phát biểu trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 21/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có chia sẻ về tình hình Biển Đông gần đây.
Ông Phúc khẳng định việc Việt Nam nhất quán với chủ trương, “những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.”
Theo đó, Việt Nam đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.
Liệu có gì thay đổi?
Thực ra, ngay khóa XIII, trong nhiều kỳ họp, Quốc hội Việt Nam cũng đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.
Đặc biệt, năm 2014, trong bối cảnh căng thẳng dâng cao với Trung Quốc quanh giàn khoan HD-981 mà nước này đặt tại khu vực biển Hoàng Sa, ngay trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phản đối hành vi này của Trung Quốc và nói việc nước này đặt giàn khoan là “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” và “bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao” giữa lãnh đạo hai đảng Cộng sản và hai nước.
Tuy nhiên, cuối cùng thì Quốc hội cũng chỉ họp kín về biển Đông.
Lần này, kỳ họp thứ tám diễn ra sau Hội nghị Trung ương thứ 11 (khóa XII), mà một trong những nội dung của kỳ họp của đảng Cộng sản có bàn thảo về Biển Đông.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có đưa ra yêu cầu về việc “phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra.”
Tiếp đó, khi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1, tại Hà Nội, khi đề cập đến quan hệ đối ngoại nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông, ông Trọng lại nhấn mạnh: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… Giữ đất nước yên bình để tiến lên, nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền. Giữ quan hệ cho tốt, nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng.”
GS Carl Thayer, Đại học New South Wales, được báo South China Morning Post trích lời, hôm 12/10, nói rằng, yêu cầu của ông Trọng có thể là một dấu hiệu cho thấy Hà Nội sẽ không lùi bước trước nguy cơ đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.
Điều này cũng khiến người ta lại hy vọng rằng, tại kỳ họp này, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa ra sách lược hành động cụ thể, chứ không chỉ bàn thảo kín như các kỳ họp trước đây.
Tất nhiên, những hành động nếu có, sẽ không ra ngoài những gì mà Hội nghị Trung ương đã bàn thảo.
Nhưng cũng cần nhắc lại là năm 2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI, diễn ra vào tháng 5, tức là ngay trong thời gian xảy ra căng thẳng với Trung Quốc quanh giàn khoan HD-981, thông báo của hội nghị này có nhắc đến việc Ban Chấp hành Trung ương “nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta”.
Thông báo trên cũng đưa ra yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Việt Nam khóa XIV sẽ còn kéo dài tới 27/11.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50120753

Người dân biểu tình ‘bị giải tán’

ngày Quốc hội khai mạc

Người dân từ các tỉnh có mặt ở Hà Nội hôm 21/10 để “kêu oan và đòi công lý” nhưng được cho là đã bị cơ quan chức năng “giải tán” khi kỳ họp thứ 8 của Quốc hội bắt đầu ngày làm việc đầu tiên.
Bà Phạm Hồng Thơm, một người tham gia nhóm biểu tình, chia sẻ với VOA sau khi nhóm của bà bị đưa lên xe quay về Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương tại quận Hà Đông của Hà Nội, cách nơi Quốc hội đang nhóm họp hơn 20 km:
“Đây là những người dân oan đòi quyền lợi. Buổi sáng ngày hôm nay có đến hàng mấy trăm người đến từ các vùng trên cả nước, chia thành các nhóm từ 5-7 người đến mấy chục người. Chúng tôi dự định đi đến số 22 Hùng Vương, Ba Đình, nơi mà Quốc hội khai mạc sáng hôm nay, nhưng họ chặn đường nên chúng tôi không đến đó được và họ bắt chúng tôi lên xe để quay về số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội”.
Bà Thơm cho biết thêm: “Người dân các tỉnh đều có mang theo băng rôn: Yêu cầu Chính phủ trả đất, trả nhà cho dân, Đề nghị các tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chống tham nhũng…
Ông Đoàn Thanh Giang, một người dân từ Đồng Nai ra Hà Nội “đòi công lý”, nói:
“Chúng tôi là những người dân oan đang ngủ vỉa hè, chính quyền sở tại đến lấy lý do họp Quốc hội, không cho chúng tôi che lều bạt, buộc ban ngày phải tháo xuống. Chúng tôi ra đây tố cáo quan tham cướp đất, cướp nhà, không còn con đường sống, ra Trung ương để yêu cầu giải quyết khiếu nại tố cáo, đòi đất, đòi nhà do quan tham địa phương cướp.”
Ông Nguyễn Đình Tu, một người dân Thanh Hóa cắm lều ở gần khu tiếp công dân, chia sẻ:
“Chính quyền ở đây dỡ bạt, phá lều không cho chúng tôi lưu trú. Chúng tôi khoảng 60 người lưu trú ở vỉa hè và có khoảng 200 người đang ở nhà trọ. Chúng tôi ra đây chờ Trung ương giải quyết trả tài sản cho chúng tôi.”
VOA chưa liên lạc được với Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương và chính quyền Hà Nội để hỏi về thông tin “giải tán” nhóm người biểu tình ngày 21/10.
Những người biểu tình cho VOA biết, họ không chỉ quan tâm đến việc đòi lại đất đai đã mất mà còn quan tâm đến các vấn đề như chống tham những, ô nhiễm môi trường, và chủ quyền biển đảo.
Truyền thông Việt Nam loan tin, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 14 khai mạc sáng hôm 21/10, và các đại biểu sẽ làm việc trong gần một tháng để xem xét tình hình kinh tế – xã hội và thông qua 12 luật.
Phát biểu tại phiên khai mạc được Đài truyền hình VTV truyền trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng kỳ họp thứ 8 diễn ra trong bối cảnh “tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp.”
Bà Ngân khẳng định “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia,” theo trang Quốc hội.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có chia sẻ ý kiến về tình hình Biển Đông.
Ông Phúc khẳng định rằng Việt Nam “không nhân nhượng” về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Theo VGP News, cổng thông tin chính phủ, ông Phúc nói: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.”
Nhận định về phát biểu của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ về tình hình Biển Đông, bà Phạm Hồng Thơm, nói:
“Vấn đề chủ quyền biển đảo được tất cả người dân quan tâm sâu sắc. Từ trước đến nay chúng tôi không hài lòng vì các lãnh đạo chưa nói nhiều về vấn đề chủ quyền biển đảo. Hôm nay Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội nói như vậy thì chúng tôi rất đồng tình. Chúng tôi mong muốn các lãnh đạo tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Tuy nhiên, bà Nguyễn Kim Chi, một người dân quê ở Tiền Giang, nói rằng phát biểu của lãnh đạo về Biển Đông như vậy “chưa đủ,” mà phải hành động mạnh hơn bằng cách đưa vụ việc tranh chấp ra tòa quốc tế, lúc đó mới có thể ý chí “không nhân nhượng” của Việt Nam.
“Theo quan điểm của tôi và của rất nhiều người xung quanh đây thì chúng tôi không tin những lời phát biểu của Quốc hội và Chính phủ. Họ cứ nói “bảo vệ,” nhưng vấn đề Biển Đông không phải mới đây mà đã có từ mấy năm nay. Gần đây Trung Quốc đã xâm nhập vào Bãi Tư Chính, họ lấn chiếm và không cho chúng ta khai thác dầu mỏ. [Việt Nam] chỉ nói thôi! Người dân chúng tôi lúc nào cũng muốn kiện [Trung Quốc] ra Tòa án Quốc tế để họ can thiệp”.
Bà Chi nói thêm: “Không nhân nhượng thì phải thực thi điều gì đó chứ! Phải làm cái gì đi! Chứ nói không nhân nhượng mà cứ ở đó trì hoãn hoài thì Trung Quốc đã xâm lược càng lúc càng gần rồi.”
Trước đó, tại một buổi tiếp xúc cử tri của Hà Nội hôm 15/10, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có thái độ dứt khoát “không nhân nhượng” trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đồng thời sẽ giải quyết căng thẳng trên Biển Đông một cách “khôn khéo.”
Hôm 7/10 tại Hội nghị Trung ương 11, ông Trọng “đề nghị Trung ương phân tích” về tình hình Biển Đông trong bối cảnh các tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau quanh khu vực Bãi Tư Chính.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-bieu-tinh-bi-giai-tan-ngay-quoc-hoi-khai-mac/5133101.html

Việt Nam định vay thêm gần nửa triệu tỷ đồng

để bù bội chi

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến cho năm 2020, chính phủ Việt Nam cho biết cần phải vay thêm 459 nghìn tỷ đồng để cân đối ngân sách trung ương, trong đó bao gồm vay bù đắp bội chi ngân sách hơn 217 nghìn tỷ đồng, vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương hơn 217 nghìn tỷ đồng và vay để nhận nợ bảo hiểm xã hội là 9,1 nghìn tỷ đồng.
VietNamNet dẫn báo cáo của chính phủ hôm 21/10 cho biết, nghĩa vụ trả nợ của chính phủ Việt Nam trong năm 2020 khoảng hơn 319 nghìn tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo này, khoản nợ trực tiếp mà chính phủ phải trả trong năm tới so với thu ngân sách nhà nước là khoảng 23%, gần tới ngưỡng 25% mà Quốc hội cho phép trong giai đoạn từ 2016-2020.
Mặc dù số nợ công của Việt Nam có giảm đi (58,4% GDP vào năm 2018), nhưng mức nợ công hiện vẫn ở mức khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, khiến mỗi người dân Việt Nam trung bình phải gánh khoảng 32 triệu đồng khoản nợ này.
Với số tiền vay thêm và các khoản nợ hiện có của chính phủ và chính quyền địa phương, Việt Nam dự báo đến cuối năm 2020 sẽ có mức nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ chính phủ khoảng 48,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% so với GDP.
Nợ công được xem là một trong những rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.
Năm 2019, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng mạnh trong khu vực, với dự đoán tăng trưởng từ 6,6% đến 6,8% trong năm nay, theo nghiên cứu của SSI tại Hà Nội. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng đột biến của Việt Nam thời gian gần đây được cho là vì Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, với việc chính phủ lên kế hoạch vay thêm gần nửa triệu tỷ đồng vào năm tới để bù đắp cho bội chi ngân sách cho thấy mức thu vào hiện nay vẫn không đủ để đáp ứng các khoản chi tiêu.
Trong báo cáo mới nhất, chính phủ Việt Nam thừa nhận tình trạng giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài, là “rất chậm”, dẫn đến việc hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay và ngân sách vẫn phải chịu các chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân.
Một đánh giá của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 7 ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc kiềm chế mức tăng nợ công, nhưng nói rằng Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc vốn của các ngân hàng thương
mại nhà nước, đồng thời cần giải quyết nạn tham nhũng, vốn là một trong những nguyên nhân gây trì trệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-dinh-vay-them-gan-nua-trieu-ty-dong-de-bu-boi-chi/5133148.html

“Xin lỗi phải để anh ngồi ghế nhân viên.

Ghế giám đốc hôm nay mới về”

Cao Phong
Hôm qua, cô nhân viên lễ tân gõ cửa phòng tôi, khuôn mặt và giọng nói rất áy náy: “Dạ xin lỗi anh, ghế của anh ngày mai mới giao về, mai em thay sớm cho anh nha anh. Anh chịu khó ngồi hết bữa nay nha”.
Tôi nhìn lại cái ghế đang ngồi. Vẫn tốt, chắc chắn, không hỏng chỗ nào. Sao phải thay?
Cô lễ tân: “Dạ tại vì hôm trước chưa mua kịp nên em đặt tạm ghế nhân viên vô cho anh, nhưng mà như vậy không được. Ghế của anh là ghế khác”.
Vỡ lòng các loại ghế
Công ty này tôi mới về được hai ngày, bàn ghế chỗ làm việc sạch sẽ, từng khu vực đều có bàn tay kiến trúc sư và nhà trang trí nội thất. Bàn làm việc màu trắng, ghế đen, trong tất cả các phòng đều có trang trí cây cảnh khá đẹp, hôm qua tôi thấy có nhân viên công ty công ty cây cảnh đến chăm sóc. Như tất cả mọi công ty khác. Nhưng điểm đặc biệt hóa ra lại ở cái ghế. Ai mà ngờ!
Thì ra cô ấy phải sắp xếp cho tôi cái ghế “Giám đốc”, theo đúng chức danh bổ nhiệm trong công ty. Nó rộng hơn ghế “nhân viên”, phần tay dựa bọc simili (tay dựa ghế nhân viên là thanh nhựa). Lưng ghế cũng dài hơn và có một dải kim loại màu bạc viền quanh. Nệm ghế bọc chất liệu giả da bóng mờ. Còn ghế nhân viên nệm bọc lưới mềm.
Ngoài ra chẳng còn gì khác. Cũng 5 chân xoay bằng thép mạ, cần chỉnh cao thấp như nhau.
Máu tò mò nổi lên, tôi đi một vòng quanh khu làm việc. Hóa ra không chỉ phân biệt ghế “giám đốc” với “ghế nhân viên”, còn có một loại ghế nữa gọi là “ghế leader” (trưởng nhóm. Trong các công ty lớn sản xuất nhiều mặt hàng hay chia các nhóm riêng biệt theo chuyên môn hẹp, hồi trước trong công ty nhà nước thường gọi là trưởng phòng, còn theo cách gọi thời thượng ở các công ty tư nhân Việt Nam hiện nay thì là “leader”).
Ghế leader thuộc loại nửa nọ nửa kia. Lưng ghế hình chữ S cong theo sống lưng, tựa vào dễ chịu hơn ghế giám đốc nhiều. Tay vịn simili, không có lớp viền kim loại nhưng có thêm phần tựa đầu cũng bằng loại lưới nửa cứng cùng loại với lưng ghế nên thoáng mát. Tóm lại, ngồi cái ghế này êm và mát hơn cái ghế giám đốc. Nhưng trong phòng máy lạnh như ở tất cả các công ty hiện nay thì điểm khác nhau này không đáng kể lắm, trừ  những ngày máy lạnh hư.
Thị trường bàn ghế văn phòng ở Việt Nam chia nhiều loại ghế. Những ghế to, chất liệu tốt, thiết kế sang trọng thường được các anh giám đốc ưa thích, nên qua một thời gian, nó được dân bán hàng mặc định là “ghế giám đốc”. Trên trang quảng cáo của công ty Hòa Phát, nó được quảng cáo “cực ấn tượng với kiểu dáng bề thế mang uy nghi của người lãnh đạo (…), form thiết kế rất sang trọng tạo cảm giác thoải mái, thư thái cho người sử dụng.
Một mẫu ghế giám đốc khác thì được quảng cáo: “Sử dụng 100% chất liệu da thuộc cao cấp cho phần tựa và đệm ngồi. Tay ghế vịn cố định hình hộp, ốp bọc da 2 tầng và được viền thép mạ vô cùng sang trọng. Bên hông phải có nút điều khiển độ ngả lên xuống tùy ý tạo sự tiện dụng đột phá cho sếp và tích hợp ổ cắm dây sạc điện thoại góp phần tạo điều kiện cho không gian văn phòng của sếp thêm chuyên nghiệp và tự tin hơn trong mắt đối tác, khách hàng. Quả thực đây là điều mà các sếp mong muốn” (nguyên văn).
Tìm các mẫu “ghế leader” của công ty này thì có trang hiển thị, nhưng đã bị xóa, hoặc trỏ đến trang “ghế VIP, ghế giám đốc”. Nghĩa là trước kia họ từng phân biệt “ghế giám đốc” với “ghế leader” hẳn hoi.
Ở trang web của một công ty khác, chiếc “ghế leader” của họ không khác gì “ghế giám đốc” cả.
Một số trang web khác phân biệt bằng tiếng Việt: Ghế lãnh đạo và Ghế trưởng phòng.
Đến “ghế nhân viên” thì dễ tìm hơn. Ghế văn phòng, ghế xoay… đều là nó.
Ở Việt Nam có nhiều cụm từ thời thượng. Tôi tìm một cụm. Tưởng điên điên mà té ra có thật.
Ghế  start up!
Tôi chưa  kịp khen trí thông minh của thiên hạ và của mình thì thất vọng: Hóa ra “ghế start up” không phải là ghế có đôi cánh (cho mơ ước bay cao), hay keo dính (start up là làm việc 20/24 tiếng), hay có nệm massage cho mông, vai, lưng và cổ; hoặc có cánh tay đòn đút thức ăn và cà phê cho người ngồi trên nó…
Mà chỉ là những cái ghế nhân viên hết sức thông thường.
Không rõ các nhà sản xuất xem thường start up hay có ý sâu xa, cười vào mũi những thằng start up kiểu “mơ tự do vẫy vùng cho lắm đi, trước sau gì chúng mài cũng dập mật ra rồi lại dài mặt ra mơ ước cuộc đời nhân viên nghèo nhưng bình yên”.
Hầu sếp như Ôsin
OK câu trên là chuyện ngoài lề và chuyện đùa. Nhưng khi hỏi kỹ cô lễ tân, tôi được biết công ty mới của tôi có quy định này và các cô phải thực hiện cho đúng. Nếu không, nhỡ có ai ngồi nhầm ghế theo nghĩa đen, tức lãnh đạo ngồi ghế trưởng phòng, hay leader ngồi ghế nhân viên mà họ thắc mắc, các cô sẽ ăn phạt. Trừ vào tiền lương.
Có lần, người giám đốc một bộ phận đã nghỉ việc. Khi thay ghế, chiếc ghế được bọc nilon kín, các cô nhất quyết không cho ai xé ra, dù cuộc họp cần nhiều người. “Ngồi thì ngồi tạm, nhưng không được xé. Phải để giám đốc mới vô mới xé được”-các cô nhất mực.
Tuy đọc đến đây tôi đoán ai cũng buồn cười, nhưng với các nhân viên cấp thấp ở công ty tôi, đó là quy định hết sức đúng đắn. Có lẽ vì nó thể hiện sự “đẳng cấp” mà họ nghĩ chỉ công ty lớn mới có được. Và do đó họ vô tình tự hào về việc mình được giao giữ gìn sự “chuyên nghiệp, đẳng cấp” đó.
Tôi đã thấy cô lao công trịnh trọng hâm thức ăn trong lò vi sóng, bày ra từng món trên chiếc khay, so đũa gọn gàng bưng vào cho sếp ăn trưa. Năm ngày trong tuần, ngày nào cũng thế, “chuông reo là bắn”. Chờ vị kia ăn xong, cô bưng chiếc khay dở dang thức ăn thừa đi đổ và rửa bát. Đến 2 giờ chiều, một cô khác pha một ly cà phê (từ loại cà phê 3 trong 1 rất thông thường công ty mua sẵn cho tất cả nhân viên), bỏ vài viên đá, bưng vào. Đều như vắt tranh.
Tôi không định chê bai công việc của cô nhân viên khi cô ấy được phân công, nhưng tôi khó kìm được cảm giác ghê ghê khi dọn dẹp thức ăn thừa, mà nó không từ người thân hay bạn bè mình, hay ít ra là công việc thuần túy chuyên môn như ở quán ăn, nhà hàng chẳng hạn.
Tôi chỉ thấy rõ sự “tranh thủ” của vị sếp có xuất thân đặc thù. Bữa ăn trưa mua ở quán, giá vài chục ngàn, không ngon miệng mấy; ly cà phê cũng rẻ tiền, chất lượng tương đương. Nhưng thà thế, tiết kiệm cho anh ta tháng chưa tới một triệu đồng.
Tôi cũng thấy sự khúm núm kính cẩn mang phong cách hầu hạ của các cô nhân viên trước cấp trên. Có lần, thậm chí các cô đã cao giọng với một nhân viên định mang hộp cơm trưa xuống hâm ở lò vi sóng, vì chiếc lò ở khu làm việc của họ bị hỏng. Họ nói: “Lò này chỉ để hâm thức ăn cho sếp thôi. Lỡ hâm cái khác lò hư thì làm sao kịp hâm thức ăn cho sếp!”
Tôi  hiểu đó chỉ là một cách biện minh, vì hễ dụng cụ nào hư hỏng thì lập tức văn phòng sẽ gọi sửa chữa hoặc thay thế. Nếu thức ăn của ông sếp nhất thiết phải được hâm trong chiếc lò vi sóng đặt tại công ty này, họ sẽ đi mua ngay chiếc lò khác trong vòng một nốt nhạc.
Nhưng, nếu ông sếp là một ông sếp thực thụ thì việc ăn một mình trong phòng riêng tất cả các bữa trưa sẽ là một thảm họa cho lĩnh vực ông ấy đang phụ trách. Vì ai làm kinh doanh cũng hiểu thấu nguyên tắc bàn chuyện kinh doanh tốt nhất là trên bàn ăn, hay như một cuốn sách bán rất chạy đã viết “Đừng bao giờ đi ăn một mình”.
Văn hóa công ty?
Một điều thú vị là những công ty nước ngoài thì không phân biệt các loại ghế, cũng như các loại lò vi sóng. Họ chỉ phân biệt lương, thưởng, quyền và trách nhiệm.
Một điều thú vị khác nữa, trang web phân biệt “ghế lãnh đạo”, “ghế trưởng phòng” tôi nhắc đến trên kia có địa chỉ trụ sở ở phía Bắc.
Điều thú vị thứ ba, vị sếp ăn trưa cô đơn có cùng nơi xuất thân với trang web kia.
Tuy hiện tại anh ta đang ở công ty tôi- là công ty tư nhân, nhưng gốc của anh ta là cơ quan nhà nước. Và hơn thế nữa, anh ta hiện tại ngồi ở công ty tôi với tư cách đại diện cho phần góp vốn của công ty nhà nước. Ngoài anh ta ra, các sếp thực sự, tức những người chủ dựng nên công ty, không ai có phong cách như vậy cả.
Tất cả những chuyện tôi vừa kể, tuy chỉ là những mắt thấy tai nghe trong thời gian làm qua các công ty ở Việt Nam, nhưng nó vẫn thể hiện một nét cốt tủy trong tư duy không ít người Việt hiện tại. Là sếp thì phải được đặc quyền đặc lợi, bao nhiêu cũng vơ. Là nhân viên thì phải đội sếp lên đầu, dù không thực lòng. Gốc rễ của nó cắm rất sâu từ nền quản lý nhà nước độc quyền hàng chục năm ở phía Bắc, khi cơm ăn áo mặc đều phụ thuộc sắc mặt lãnh đạo chứ không từ đóng góp của nhân viên. Mà sếp thì từ “vườn trẻ Trung tương”, COCC (con ông cháu cha), không có năng lực, sợ bị nhân viên khinh nên phải giải quyết khâu oai bằng mọi cách.
Những tinh hoa trong nghệ thuật quản lý và tạo thành văn hóa công ty như sự trân trọng, công bằng, quan tâm, khiến nhân viên được phát triển hết khả năng và có tình cảm gắn bó với công ty, ở những nơi vẫn còn dính chất nhà nước, dù nhiều hay ít, vẫn chỉ là nói như vẹt, hợp thời thượng mà thôi.
Hay đó mới chính là “văn hóa công ty” đúng chuẩn của các công ty đậm đặc gốc Việt?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/sorry-letting-you-sit-on-staff-chair-10202019143703.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.