Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 12/10/2019

Saturday, October 12, 2019 5:30:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 12/10/2019

BOT Cai Lậy sẽ bị “xoá sổ” sau hai năm dừng hoạt động

Việc kiến nghị trên được nêu ra tại buổi làm việc giữa chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTTW) và Bộ giao thông vận tải (GTVT), được truyền thông trong nước loan tin vào ngày 12 tháng 10.
Theo kiến nghị, chủ đầu tư BOT Trung Lương-Mỹ Thuận cho rằng dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy đang gặp phải khó khăn, gây rủi ro trong việc hoàn vốn vì bị ngưng thu phí gần 2 năm. Do đó, chủ đầu tư đề xuất UBKTTW kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT chấp nhận xoá bỏ trạm thu phí Cai Lậy. Ngược lại cho phép thu phí trở lại cao tốc TPHCM-Trung Lương và giao ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Trung Lương-Mỹ Thuận và tuyến tránh Cai Lậy quản lý sử dụng nguồn thu tại trạm thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ 1/8/2017. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu việc thu phí, trạm BOT này bị tài xế phản đối dữ dội. Đến 14/8/2017, dự án phải tạm dừng thu phí.
Sau đó, Bộ GTVT làm việc trực tiếp với tỉnh Tiền Giang và thống nhất phương án xử lý miễn giảm giá vé (giảm 30% cho toàn bộ phương tiện và miễn 50 – 100% cho 4 xã lân cận).
Đến 30/11/2017, BOT Cai Lậy hoạt động trở lại nhưng tiếp tục bị phản đối. Tại cuộc họp ngày 4/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tạm dừng thu phí để nghiên cứu phương án xử lý. Đến nay, BOT Cai Lậy vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau gần 2 năm tạm dừng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/deleting-cailay-bot-recollecting-trungluong-tphcm-highway-10122019113608.html

Cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn bị đề nghị xử lý

 liên quan đến vụ án đánh bạc ngàn tỉ

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ do hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá bảo kê.
Theo kết luận điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị xử lý cựu bộ trường Trương Minh Tuấn cùng nhiều cựu quan chức và quan chức đương nhiệm tại Bộ Thông tin Truyền thông liên quan đến đường dây đánh bạc này như cựu chánh thanh tra Bộ TT&TT Đặng Anh Tuấn; cựu thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng; Phó cục trưởng cục phát thanh truyền hình & thông tin điện tử Lê Quang Tự Do…
Báo Pháp Luật TPHCM loan tin này vào ngày 12 tháng 10.
Theo đó, cựu chánh thanh tra Bộ TT&TT Đặng Anh Tuấn bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cơ quan điều tra, cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn có dấu hiệu về mặt khách quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, công an Phú Thọ đề nghị Bộ TT&TT phối hợp cùng các cơ quan liên quan xử lý trách nhiệm của ông Tuấn theo qui định.
Cụ thể, ngày 5-10-2016, ông Tuấn ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý và sử dụng Internet. Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện hoạt động của 14 trò chơi mang yếu tố cờ bạc, trong đó có game bài Rikvip/Tip.Club.
Đoàn kiểm tra có ba báo cáo đề xuất gửi ông Tuấn. Tuy nhiên, cựu bộ trưởng chỉ có ý kiến chỉ đạo theo đề xuất của đoàn tại hai báo cáo ban đầu, đến báo cáo thứ ba thì không có chỉ đạo gì. Ngược lại, ông Tuấn còn đồng ý với đề xuất Đặng Anh Tuấn về việc dừng hoạt động của đoàn kiểm tra.
CQĐT xác định ông Tuấn đã không chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của mình, dẫn đến các trò chơi có yếu tố cờ bạc, trong đó có game bài Rikvip/Tip.Clup, tiếp tục hoạt động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.Làm việc với công an, ông Tuấn khai việc đồng ý cho dừng hoạt động của đoàn thanh tra là do tin tưởng vào sự tham mưu của bị can Đặng Anh Tuấn.
Liên quan đến vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ này, ngày 11/9/2019, CQĐT VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can đối với cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh về tội ra quyết định trái pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 371 BLHS. Việc khởi tố bị can đối với ông Vĩnh được tiến hành sau ba tháng CQĐT VKSND Tối cao ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nói trên.
Hiện ông Vĩnh đang là phạm nhân chấp hành bản án chín năm tù giam của TAND tỉnh Phú Thọ trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-minister-of-ic-proposed-treat-concerning-thousands-of-billion–10122019120846.html

Vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải

bị truy tố về tội “trốn thuế”

Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 12 thang 10.
Theo tin, ngoài 2 vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải, Ngô Tuyết Phương (bên mua nhà đất, trú Hà Nội) còn có hai bị can Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (bị kết luận chủ nhà đất) và Ngô Văn Lắm (em cùng mẹ khác cha của bà Hạnh, bên bán nhà, trú tại Nha Trang). Cả 4 bị can đều được tại ngoại và nhận được cáo trạng truy tố vào chiều 11/10/2019.
Theo cáo trạng, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa “khẳng định hành vi phạm tội” của bốn bị can nêu trên theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa về tội “trốn thuế”.
Theo điều luật đã khởi tố, truy tố đối với các bị can quy định “bị phạt tiền từ một đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”. Nhưng cáo trạng của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cũng nêu các bị can trong vụ án đều “phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định”.
Việc mua bán nhà 78/40 Tuệ Tĩnh, TP Nha Trang được thực hiện cách đây hơn 3 năm. Các bên mua bán nhà đất đều đã nộp đủ các khoản tiền nghĩa vụ tài chính đúng theo thông báo của Chi cục Thuế TP Nha Trang.
Vợ chồng luật sư Hải đã nộp lệ phí trước bạ (hơn 10,7 triệu đồng), ông Lắm và vợ đã nộp đủ thuế thu nhập cá nhân (hơn 42,8 triệu đồng).
Tuy nhiên, tháng 5-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “trốn thuế” trong vụ mua bán nhà đất nêu trên và kết luận điều tra cả bốn bị can đã “trốn thuế” hơn 280,25 triệu đồng.
Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã truy tố bốn bị can trên ra trước TAND TP Nha Trang để xét xử và phân công Viện KSND TP thực hành quyền công tố, kiểm soát xét xử vụ án “trốn thuế”.
Theo báo Tuổi Trẻ, đến ngày 15 tháng 7 đã có 4 luật sư được Công an Khánh Hoà cấp thông báo bào chữa cho luật sư Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương, gồm: luật sư Bùi Quang Nghiêm, Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn luật sư TPHCM); luật sư Hà Huy Sơn và Ngô Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nội).
Ngoài ra, ông Hải cho biết có nhiều luật sư khác cũng đăng ký tham gia bào chữa cho vợ chồng ông. Số luật sư này đã chuẩn bị thủ tục đăng ký bào chữa và gửi đăng ký tại Công an tỉnh Khánh Hòa.
Hôm 7 tháng 10 năm 2019, báo chí nhà nước dẫn thông tin cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố tội trốn thuế đối với 4 người trong đó có luật sư Trần Vũ Hải và vợ là Ngô Tuyết Phương bị cáo buộc tham gia với vai trò “giúp sức”.
Mạng báo Pháp luật TPHCM dẫn Kết luận điều tra cho biết năm 2016, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh có nhu cầu bán đất đã chỉ đạo cho em trai Ngô Văn Lắm thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng miếng đất tại đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang với giá hơn 16 tỷ đồng với vợ chồng ông Hải.
Tuy nhiên ông Ngô Văn Lắm ghi trên hợp đồng thỏa thuận thực tế là hơn 16 tỷ đồng, còn hợp đồng công chứng chỉ có 1,8 tỷ đồng nhằm giúp bà Hạnh trốn thuế thu nhập cá nhân trên 280 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Duy Bình, một trong 14 luật sư nhận bào chữa cho vợ chồng ông Trần Vũ Hải chiều ngày 7 tháng 10 khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng cả 4 người này đều không có tội khi ghi giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá thỏa thuận của 2 bên.
“Khi mà người dân ghi giá mua bán trong hợp đồng để làm cơ sở khai thuế, thường thường ghi thấp hơn thì cơ quan thuế sẽ áp dụng theo bảng giá đất theo các tỉnh thành để tính thuế.
Chính vì vậy người dân từ trước đến nay đều áp dụng phương thức như vậy, hầu như ai cũng ghi thấp cả, không phải riêng trường hợp mua bán của luật sư Trần Vũ Hải và bà Hạnh,” luật sư Bình nói qua điện thoại với RFA.
Theo luật sư Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra viện dẫn điều 17, Thông tư 92 về Hướng dẫn thực hiện Thuế thu nhập cá nhân quy định cơ quan thuế sẽ căn cứ theo bảng giá đất của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để tính thuế khi người dân ghi giá trị hợp đồng thấp hơn quy định; nhưng sau đó kết luận giám định thì lại áp theo giá thực tế, tức là hơn 16 tỷ đồng.
Điều này theo luật sư bào chữa cho ông Hải là mâu thuẫn với chính mình.
Trước đó, vào ngày 2 tháng 7 năm nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nhà riêng cùng với văn phòng làm việc tại Hà Nội đối với luật sư Trần Vũ Hải để điều tra về hành vi “trốn thuế” liên quan đến một vụ mua bán đất đai ở Khánh Hòa.
Tuy nhiên, khi khám xét công an lại thu giữ luôn cả những tài liệu bao gồm hồ sơ vụ việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do, được cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan về nước mà ông Hải đang là luật sư bào chữa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tranvuhai-lawyers-prosecuted-of-evading-tax-10122019105838.html

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh

bị đánh trong khi kháng án

Tin từ Bến Tre, ngày 12/10/2019: Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh đã bị đánh đập một cách nghiêm trọng trong khi đang bị giam giữ trong thời gian kháng án tại trại tạm giam của Sở công an cộng sản tỉnh Bến Tre.
Theo thông tin của vợ anh tên Châu thì anh bị một tù hình sự tên Đỗ Cao Cường đánh đập gây thương tích nặng nề ở chân, tay, cổ và đầu. Trong buổi gặp giữa hai vợ chồng ngày 11/10, anh Ánh đã phải lết một chân.
Anh Ánh kể cho vợ mình biết rằng anh bị giam chung phòng với tên Cường và một người khác. Từ đầu tháng 9, tên Cường khiêu khích, chửi mắng và đe doạ giết anh. Anh Ánh đã báo cho giám thị trại giam và đề nghị đổi phòng nhưng không được đáp ứng.
Đến giữa tháng 9, sau khi đi gặp giám thị về, tên Cường trở lên hung hãn hơn, và tấn công anh Ánh. Một hôm do bị tên Cường lén đạp từ phía sau, anh bị ngã xuống và gáy của anh đập vào bệ xi măng. Cho dù anh bị bất tỉnh, tên Cường vẫn tiếp tục đè chân và tay anh. Người tù kia can ngăn nên tên Cường mới dừng lại và anh Ánh thoát khỏi cơn cuồng loạn của tên Cường.
Anh Ánh cho rằng tên Cường đã được nhà cầm quyền tỉnh Bến Tre khuyến khích đánh anh với lời hứa được giảm án. Phía công an sử dụng tên Cường đánh đập anh nhằm trấn áp anh khi anh kiên quyết đòi kháng án bản án đã tuyên bởi toà án cộng sản tỉnh Bến Tre vào cuối tháng Tư năm nay.
Anh Ánh, một chủ đầm tôm ở tỉnh Bến Tre là một nhà hoạt động, thường có nhiều bài viết và live streams trên Facebook mang tên anh về những vấn đề nghiêm trọng của đất nước như Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, ô nhiễm môi trường và vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản độc tài Hà Nội.
Anh bị bắt ngày 30/8/2018 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Nửa năm sau, anh bị kết án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế. Anh được nhiều tổ chức nhân quyền xếp vào danh sách tù nhân lương tâm.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/tu-nhan-luong-tam-nguyen-ngoc-anh-bi-danh-trong-khi-khang-an/

Khu dân cư Hà Nội không dám dùng nước “sạch”

vì sợ độc

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 12 tháng 10 năm 2019 loan tin, vài ngày trở lại đây, nhiều người dân sống ở khu vực tổ hợp 12 toà HH, Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội hoang mang, không dám dùng nguồn nước sinh hoạt từ nước sạch sông Đà vì có mùi khét cháy.
Vì sợ nguồn nước “sạch” độc hại, nên hàng chục ngàn gia đình đã phải mua nước đóng chai, đóng bình về sử dụng làm nước ăn, uống cho gia đình. Không chỉ các gia đình, mà một số trường học trên địa bàn cũng đã ngưng sử dụng nguồn nước “sạch” sông Đà.
Bà Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng trường mầm non Nhân Trí cho biết, trường có bể chứa nước ngầm. Nhưng từ ngày 11 tháng 10, nước ngầm của trường cũng đã xuất hiện mùi khó chịu, nên trường đã ngưng sử dụng.
Trước sự việc trên, quản trị viên của trang thông tin cộng đồng cư dân HH2C Linh Đàm đã thông báo: nguyên nhân của việc nước có mùi khét cháy là do nhà máy nước đã “quá tay” khi bỏ Flo vào nước. Đại diện toà nhà đã cùng với trung tâm y tế quận Hoàng Mai kiểm tra nhanh, và có kết luận rằng lượng Clo dư trong nước vẫn trong ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, phía người dân vẫn chưa tin những lời giải thích trên, vẫn dùng nước sạch đóng bình, và chờ đợi kết quả từ một cuộc kiểm tra khác.
Được biết, nước sạch sông Đà thuộc Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Nước Sạch Sông Đà, công ty thành viên của VINACONEX. là công ty quốc doanh sau đó được cổ phần hoá. Đến ngày 11 tháng 1 năm 2019, nhà cầm quyền đã rút toàn bộ vốn tại công ty này.
Theo người dân, tình trạng nước bất thường tại công ty nước sạch sông Đà đã xảy ra từ lâu, người dân đã khiếu nại hơn 1 năm qua nhưng đều bị làm ngơ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/khu-dan-cu-ha-noi-khong-dam-dung-nuoc-sach-vi-so-doc/

Hàng Không Việt Nam từ chối

đổi chiếc Boeing 727-200 lấy bánh kẹo

Tin Vietnam.- Báo Vnexpress ngày 12 tháng 10 năm 2019 loan tin, ông Đinh Việt Thắng, Trưởng cơ quan Hàng không cộng sản Việt Nam cho biết, đơn vị đã từ chối lời đề nghị của một công ty mang bánh, kẹo, rượu, bia trị giá 3 tỷ đồng để đổi lấy chiếc Boeing 727-200  về làm khu vui chơi giải trí. Ngoài ra, cơ quan Hàng không cũng từ chối lời đề nghị đổi 3 suất dưỡng lão lấy chiếc phi cơ trên làm phương tiện trải nghiệm.
Theo báo Dân trí, chiếc phi cơ này trước đây là của hãng hàng không Royal Khmer Airlines- Cambodia. Sau vài chuyến bay chặng Siem Reap- Hà Nội thì chiếc phi cơ này gặp trục trặc kỹ thuật, rồi bị chủ hãng bỏ lại phi trường Nội Bài, Hà Nội từ ngày 1 tháng 5 năm 2007 đến nay. Từ đó đến cuối tháng 4 năm 2018, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã phải bỏ ra số tiền 832,000 Mỹ kim cho chiếc phi cơ này. Trong đó 753,800 Mỹ kim là tiền dịch vụ đậu tại phi trường, 78,900 Mỹ kim là tiền dịch vụ bảo vệ.
Ông Vũ Ngọc Kiệm, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, chiếc Boeing 727 này bị bỏ lại 12 năm qua đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sân bay, gây thiệt hại không nhỏ cho cảng, vì sân đậu của phi trường ít chỗ.
Ông Đinh Việt Thắng cho cho biết thêm, cơ quan ông đã thuê một đơn vị trong nước định giá chiếc Boeing 727 theo quy định của luật cai quản, sử dụng tài sản công, với số tiền 1,7 tỷ đồng. Sau khi được định giá, cơ quan Hàng không đề nghị với bộ Giao thông vận tải là nên giải quyết chiếc phi cơ trên theo hai cách: một là bán đấu giá, hai là giao cho Tổng Công Ty Hàng Không sử dụng chuyên ngành.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hang-khong-viet-nam-tu-choi-doi-chiec-boeing-727-200-lay-banh-keo/

Ông Trọng nhắc lại việc bảo vệ quyền chủ quyền biển,

đảo tại bế mạc Hội nghị Trung ương 11

Báo mạng Vnexpress dẫn lời ông Trọng tại lễ bế mạc diễn ra ngày 12 tháng 10.
Cụ thể, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Đảng cộng sản Việt Nam phát biểu mục tiêu nhiệm vụ năm 2020 là tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tính tự chủ và sức cạnh tranh… và “củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương lần thứ 11 diễn ra vào sáng 7/10/2019, ông Trọng cũng đã kêu gọi các chuyên gia phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp.
Đây được xem là phát biểu đầu tiên của người đứng đầu nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam sau hơn 3 tháng đội tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về luật biển 1982.
Ngoài việc nhấn mạnh kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh trong diễn văn bế mạc rằng năm 2020 là năm cuối thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm; năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường với những thay đổi lớn lao, tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức ở mức độ, quy mô và tính chất rất khác so với trước đây, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực, phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và nhiệm kỳ khóa XII.
Từ khoảng 3 tháng nay, Việt Nam đã phải đối đầu với việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng tình hình vẫn chưa có gì tiến triển.
Đã có những nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, tương tự như vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế PCA và có được phán quyết hồi năm 2016.
Hồi năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 vào vùng biển Việt Nam khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, cũng đã có những lời kêu gọi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế nhưng sau đó Trung Quốc đã rút giàn khoan và không có vụ kiện nào được thực hiện.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/party-chief-trong-repeat-island-sea-sovereignty-at-conference11-10122019132957.html

Biển Đông: ‘Việt Nam trước sau cũng sẽ kiện Trung Quốc’

Nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, bình luận khả năng Việt Nam thay đổi chính sách quốc phòng và đối phó pháp lý với Trung Quốc sau vụ bãi Tư Chính.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 10/10/2019, ngay trước Bàn tròn thứ Năm về đối sách của Việt Nam trong bối cảnh diễn ra Hội nghị TƯ11 khóa XII của Đảng Cộng sản, ông Hợp cho rằng Việt Nam trước sau cũng sẽ kiện Trung Quốc.
Bãi Tư Chính: Tàu Trung Quốc “tiếp tục quần đảo”
Bãi Tư Chính: “Chúng tôi mong muốn chính quyền VN sẽ lắng nghe”
Bãi Tư Chính, đối sách và Hội nghị TƯ 11 của Đảng CS
Bãi Tư Chính: “Tình hình cực kỳ nguy hiểm với chủ quyền của VN”
Bãi Tư Chính: Nhiều trí thức muốn Việt Nam kiện Trung Quốc
Nhà phân tích cho rằng Trung Quốc ‘đã phá bỏ’ mọi cơ sở pháp lý và pháp luật quốc tế ở Biển Đông khi ra tuyên bố nói bãi Tư Chính thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc có mọi quyền chủ quyền, quyền tài phán v.v…
Trong cuộc trao đổi này, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cũng cho rằng Việt Nam sẽ có thể có thay đổi trong Sách Trắng về Quốc phòng trong lần công bố tới đây, trong đó có thể vì tình hình và diễn biến mới, sẽ có điều chỉnh sách lược mà không chỉ đóng khung cứng nhắc vào nguyên tắc ‘ba không’ như được công bố lâu nay.
Ở phần cuối của trao đổi, nhà nghiên cứu bình luận một số khía cạnh từ năng lực quân sự cho tới sẽ có hay không một Nghị quyết của Đảng Cộng sản và Quốc hội Việt Nam về Biển Đông trong tình hình mới.
https://www.bbc.com/vietnamese/media-50026623

Thương chiến Mỹ-Trung: Thiếu lao động

chuyên môn cao khiến VN khó tận dụng cơ hội

Thiếu nhân lực trình độ cao khiến Việt Nam khó tận dụng cơ hội khi các công ty nước ngoài chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia khác do ảnh hưởng của cuộc chiến mậu dịch, theo bài viết trên Reuters.
Đến thời điểm này, tuy Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 trong vòng đàm phán thương mại mới nhất nhưng triển vọng của việc chấm dứt thương chiến Mỹ – Trung xem ra vẫn còn gian nan.
Trước đó, cuộc chiến mậu dịch đã khiến các công ty Hoa Kỳ nhắm mục tiêu chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia lân cận.
Việt Nam được cho là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thương chiến Mỹ-Trung: VN có thể sẽ không tận dụng được hết cơ hội
Thương chiến Mỹ-Trung: Sang Việt Nam để tránh thuế
David Hutt: ‘Mục tiêu thương chiến kế tiếp của Trump là VN’
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 21,5% trong tám tháng đầu năm nay. Và một số công ty gồm cả công ty mẹ của Google là Alphabet Inc và Nintendo đã công bố kế hoạch mới mở các cơ sở sản xuất tạiViệt Nam.
Các thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã k‎ý với các quốc gia khác, gồm cả Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà gần đây nước này đã k‎ với Liên minh châu Âu cũng trở thành một trong những yếu tố thu hút sự chú ‎đầu tư của các công ty ngoại quốc.
Tuy nhiên, sức hút của Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang gặp một trở lực lớn, đó là sự thiếu hụt của nguồn cung lao động có kỹ thuật cao ở Việt Nam.
Reuters có bài phân tích nhân định rằng điểm nghẽn về nhân lực sẽ khiến Việt Nam khó tận dụng cơ hội khi các công ty nước ngoài chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác.
Bài báo dẫn lời ông Jef Stokes thuộc công ty Maxport – một nhà sản xuất ngành hàng may, có trụ sở tại Việt Nam – nhận xét rẳng, tuy nguồn cung lao động phổ thông ở Việt Nam rất dồi dào, nhưng lao động có kỹ năng lại thiếu.
Ông nói rằng, ngay cả công nhân ngành may làm các công đoạn cơ bản cũng cần được đào tạo lại trong ít nhất trong sáu tháng. Nhưng nan giải nhất vẫn là việc thiếu lao động có trình độ cao.
Lao động thừa mà thiếu
Việt Nam là quốc gia có lực lượng lao động khá dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam có khoảng 94 triệu người, trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 55,16 triệu người. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước 54 triệu người.
Mỗi năm có hơn một triệu người Việt Nam tham gia thi trường lao động. Vậy nhưng, hiện có tới gần 80% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc có bằng cấp.
Reuters dẫn số liệu của công ty tuyển dụng Manpowergroup cho thấy, chỉ 12% trong tổng lực lượng lao động 57,5 triệu người ở Việt Nam có tay nghề cao.
Và nay, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, việc các công ty chuyển sang đầu tư tại Việt Nam, nhu cầu lao động có kỹ thuật cao tăng lên nhanh khiến tình trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật lại càng trở nên căng thẳng.
Bởi thế, trong một bài viết đăng trên ForeignPolicy, tác giả Bennett Murrat nhận xét rằng, tuy Việt Nam hưởng lợi nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhưng sẽ không thể tận dụng hết cơ hội mà một trong nhiều l‎‎ý do là “Nhu cầu lao động kỹ thuật nhanh chóng vượt xa mức cung nếu mức tăng trưởng đi quá nhanh.”
Cạnh tranh ‘săn đầu người’
Thiếu hụt nguồn cung lao động kỹ thuật cao đã khiến các công ty nước ngoài phải cạnh tranh nhau nhằm thu hút nhân lực.
Sieburg, một nhà tư vấn cho các công ty nước ngoài đang nhắm đến việc đầu tư vào Việt Nam, nói rằng, khi các công ty nước ngoài xem xét địa điểm để mở các cơ sở sản xuất kinh doanh, bên cạnh việc phân tích các đối thủ cạnh tranh về thị trường, còn tính đến nguồn cung nhân lực có kỹ thuật.
Bài báo nói trên của Reuters đưa ra câu chuyện của Nguyễn Quang Anh, một nhà phát triển phần mềm 28 tuổi đến từ Hà Nội làm ví dụ.
Anh cho biết đã được các công ty săn ‘đầu người’ tiếp cận nhiều lần ngay từ khi anh còn chưa tốt nghiệp đại học.
Sau khi tốt nghiệp, Anh đã chuyển việc tới bốn lần. Mỗi lần, mức lương của anh tăng ít nhất là 50%.
“Do thiếu lao động có trình độ cao, nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho chúng tôi mức lương cao hơn. Nếu một công ty công nghệ lớn chuyển cơ sở sang Việt Nam do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, tôi chắc chắn sẽ ứng tuyển” – Anh nói.
Còn một bài viết đăng trên Bloomberg thì dẫn một ví dụ khác cho thấy đang có cạnh tranh về thu hút nhân lực.
Theo biên bản cuộc họp ngày 21/8 giữa các công ty Đài Loan với các quan chức Bình Dương được đăng tải trên trang web của chính phủ, thì các công ty này cần thêm 20% đến 30% công nhân để đáp ứng mục tiêu sản xuất.
Và do cuộc chiến giành giật tài năng, mức lương cho các ứng cử viên lưu loát tiếng Phổ thông ở Bình Dương đã tăng khoảng 60% mỗi năm.
Nhắm đến nguồn lao động nước ngoài
Khi Vingroup bắt đầu đẩy mạnh các ngành sản xuất công nghiệp, tập đoàn này phải tuyển dụng lao động kỹ thuật cao từ các thị trường lao động khác.
Chẳng hạn, khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô, ít nhất năm người trong nhóm lãnh đạo của công ty này, trong đó có cả Giám đốc điều hành, được chiêu mộ từ General Motors.
Mô hình này thực ra cũng được nhiều công ty lớn khác của Việt Nam áp dụng.
Một giải pháp khác là phát triển đào tạo nghề.
Chính phủ Việt Nam từng công bố “Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020″ với những mục tiêu cụ thể như nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 lên 70% năm 2020; đến năm 2020, có bốn trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế…
Nhưng từ văn bản đến thực tế bao giờ cũng có những khoảng cách.
‘Điểm nghẽn’ do hệ thống giáo dục
Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân quan trọng của thực trạng thiếu hụt lao động lành nghề nói trên là từ hệ thống giáo dục.
Theo bài báo nói trên của Reuters, ở cấp phổ thông, các trường ở Việt Nam đạt điểm cao trong chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), một nghiên cứu của OECD nhằm đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước về đọc, toán và khoa học.
Theo dữ liệu PISA mới nhất, năm 2015, Việt Nam xếp thứ tám trong số 72 quốc gia về khả năng khoa học và đứng thứ 21 về tổng thế, tức là Việt Nam đứng trước cả Hoa Kỳ cũng như hầu hết các quốc gia Châu Âu khác.
Nhưng ở các bậc học cao hơn, kết quả lại khác.
Adam Sitkoff thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội nhận xét với Reuters rằng, nghiên cứu cho thấy, các chương trình giáo dục ở Việt Nam còn lạc hậu
Tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 28% học sinh từ 18-29 tuổi theo học đại học, so với con số 43% ở Thái Lan và 48% ở Malaysia.
Ông Adam Sitkoff cho Reuters biết rằng, một số nghiên cứu cho thấy, các chương trình giáo dục ở Việt Nam đã lạc hậu, giáo viên bị trả lương thấp, còn sinh viên khi tốt nghiệp lại thiếu các kỹ năng cần thiết để kiếm việc làm trong khu vực tư nhân.
Còn PGS. TS Trần Thị Thái Hà, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2025, trong một cuộc tọa đàm vào tháng 3/2019,thì cho biết, bất cập lớn nhất hiện nay của các cơ sở đào tạo là thiếu liên kết cơ bản với nơi sử dụng, nguyên nhân là do thiếu thông tin, thiếu động lực kết nối và thiếu năng lực kết nối.
Reuters trong khi đó lại đưa ra dẫn chứng cho thấy sự thiếu đổi mới trong hệ thống giáo dục, việc sinh viên các trường đại học tại Việt Nam, bất kể thuộc ngành khoa học từ nhiên hay xã hội, đều phải học các môn học về đường lối và lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khi các “đường hướng” phát triển đều phải đặt dưới sự lãnh đạo và bám sát đúng đường lối, thì thật khó có đất cho sự sáng tạo.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50012528

TQ xây đập trên Mekong: Việt Nam giải bài toán khó…

Dù Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Mekong với mục đích gì, quan trọng nhất vẫn là Việt Nam chịu tác động ra sao, ứng phó thế nào…
Tại hội thảo “Tác động từ những chính sách của Trung Quốc đối với sông Mekong” tổ chức ngày 8/10, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho rằng Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Mekong không phải để lấy điện mà muốn tích trữ nước cho tương lai.
Hiện Trung Quốc đã hoàn thành 11 đập thủy điện trong tổng số 19 đập ở thượng nguồn Mekong.
Trong khi đó, ở hạ nguồn Mekong, ước tính có khoảng 400 đập thủy điện sắp được xây dựng, trong đó Lào sẽ xây 300 đập. Trung Quốc tham gia với tư cách nhà đầu tư của các dự án này, cùng với Thái Lan.
Chia sẻ với Đất Việt, TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho biết, khi xây đập thủy điện, các quốc gia thường nhắm tới một số mục tiêu: phát điện; trữ nước; làm cho nhiệt độ khu vực có thủy điện hạ xuống; dâng mực nước lên cho tàu bè đi lại dễ dàng, khai thác giao thông thủy; tạo cảnh quan, khai thác du lịch…
Khẳng định Trung Quốc xây các đập thủy điện trên sông Mekong với mục đích gì là chuyện của họ, TS Dương Văn Ni cho rằng, điều quan trọng là các đập thủy điện đó tác động đến Việt Nam như thế nào và ta phải ứng phó ra sao.
Đối với Việt Nam, các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong để lại hai hệ lụy chính, đó là Việt Nam bị thiếu phù sa, nhất là nhóm phù sa thô (như cát), đồng thời làm thay đổi chế độ thủy văn ở hạ nguồn.
“Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt cát, không biết lấy ở đâu bù vào. Tương tự, trước đây cứ đến tháng 7 là nước về (Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ) thì bây giờ thủy điện trên thượng nguồn đã khiến quy luật đó thay đổi.
Chuyện nước về sớm, về muộn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Theo đó, nước lên lúc nào, rút lúc nào tạo ra nhịp sinh học hàng hàng ngàn năm nay, cứ tới mùa nước về là nhiều loài cá di cư, đẻ trứng… Nhưng khi thủy điện thay đổi quy luật đó, nhiều loài không thích nghi được dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng. Đó là những hệ lụy không tránh khỏi và Việt Nam phải đối phó lâu dài”, TS Dương Văn Ni nói.
Đề cập đến những biện pháp ứng phó của Việt Nam, trở lại hội thảo, chuyên gia Eyler cho rằng, Việt Nam cần lưu ý thảo luận giảm lũ với Trung Quốc vì Đồng bằng sông Cửu Long cần có lũ để phát triển. Còn với các đập thủy điện ở hạ nguồn, ông Eyler cho biết Việt Nam có thể hợp tác với Lào và Campuchia điều chỉnh theo hướng giảm số lượng đập thủy điện. Xét về cung cầu điện trong khu vực, Việt Nam được coi là khách hàng chính. Vì vậy, Việt Nam có thể “đặt hàng” để Lào và Campuchia phát triển các năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hóa sinh.
TS Dương Văn Ni chỉ đồng ý một nửa với đề xuất trên của vị chuyên gia Mỹ. Theo TS Ni, các đập thủy điện của Lào và Campuchia tác động lớn nhất đến Việt Nam trước hết là ở sản lượng cá.
Đoạn dưới sông Mekong đã khá phẳng, nhiều loài sử dụng dòng sông làm nơi ăn, sinh sản. Việc Lào, Campuchia xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn khiến nguồn cá tự nhiên của Việt Nam bị ảnh hưởng, đồng thời kéo theo tác động tới ngành chăn nuôi cá, vì cá nuôi phải ăn cá tự nhiên mới lớn được.
Bên cạnh đó, thủy điện của Lào, Campuchia có khả năng khiến hạn chồng hạn và lũ chồng lũ. Vào mùa hạn, thủy điện của các nước trên tích nước khiến Việt Nam đã hạn lại càng hạn thêm, mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng.
Tương tự, vào mùa lũ, Đồng bằng sông Cửu Long đã nhiều nước rồi, các nước lại xả xuống hàng loạt khiến lũ chồng lũ.
Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam phải ứng xử thế nào? Trả lời câu hỏi này, TS Dương Văn Ni nhắc lại đề xuất thương lượng với Lào, Campuchia mà chuyên gia Eyler đề cập tại hội thảo.
Theo TS Ni, hiện nay nhu cầu điện của Thái Lan gần như đã bão hòa, trong khi đó kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu điện tăng đáng kể. Chính vì thế, có thể coi Việt Nam là khách hàng tiềm năng duy nhất mà Lào có thể bán điện cho. Chưa kể, Lào không có đủ năng lực xây dựng đường truyền tải từ các đập thủy điện đấu nối vào đường điện quốc gia của Việt Nam. Do đó, Việt Nam có thể sử dụng ưu thế trên của mình để thương lượng với Lào giảm bớt các đập thủy điện trên sông Mekong.
“Trước đây, khi Lào xây đập Xayaburi, chúng tôi đã đề nghị với Chính phủ cố gắng thương lượng với Lào để họ dời thời gian xây dựng đập lại 10 năm để nghiên cứu cho cẩn thận. Chúng tôi tin rằng 10 năm sau giá điện mặt trời, giá điện gió sẽ rẻ hơn bây giờ và nó sẽ thay đổi quan điểm của nhà đầu tư.
Bây giờ, như đã nói, chúng ta là khách hàng tiềm năng, đồng thời là nhà đầu tư của Lào. Đó là chưa kể, điện gió, điện mặt trời của Việt Nam ngày càng phát triển, thậm chí thời gian qua đã xảy ra hiện tượng dư thừa điện ở Bình Thuận, do đó, trong tương lai không xa Việt Nam có thể tự thỏa mãn được phần lớn nhu cầu điện của mình. Chúng ta dựa vào những lợi thế đó để thương lượng với Lào về các đập thủy điện nhằm hạn chế suy giảm nguồn cá tự nhiên; giảm thiểu nguy cơ hạn chồng hạn, lũ chồng lũ ở Việt Nam”, TS Dương Văn Ni phân tích.
Riêng với các đập thủy điện của Trung Quốc, vị chuyên gia cho rằng việc thương lượng sẽ khó đem lại kết quả gì bởi Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 16% lượng nước trên sông Mekong. Đây chủ yếu là lượng nước trong mùa khô, Trung Quốc lấy băng tan từ dãy Himalaya xuống. Vào mùa khô, dẫu Trung Quốc có xả 16% đó thì cũng không đủ bù cho Lào, Thái Lan và Campuchia, chưa nói tới VIệt Nam.
“Đã quá trễ để thương lượng bởi Trung Quốc đã xây các đập thủy điện rồi, lại là các đập cao từ 100-200m, cá biệt có đập Tiểu Loan cao tới 292m. Hệ lụy lớn nhất của các đập này, như nói ở trên, là ngăn cản cát sỏi về hạ du. Dẫu Trung Quốc có mở cửa xả nước thì cát cũng không thể qua đập cao như vậy.
Năm 2015-2016 xảy ra hạn hán nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt Nam đã gửi công hàm đề nghị Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng, Trung Quốc đã xả nước nhưng nước không thể về tới Đồng bằng sông Cửu Long, bởi tới Bắc Campuchia là hết nước.
Xét về lượng nước, Trung Quốc không kiểm soát được dòng Mekong. Do đó, tôi cho rằng không cần mất thời gian thương lượng với Trung Quốc bởi chuyện đã rồi. Điều chúng ta có thể làm là thương lượng với Lào, Campuchia với lợi thế của một khách hàng mua điện tiềm năng duy nhất để họ giảm xây các đập thủy điện”, TS Dương Văn Ni chỉ rõ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30813-tq-xay-dap-tren-mekong-viet-nam-giai-bai-toan-kho.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.