Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 12/10/2019

Saturday, October 12, 2019 5:39:00 PM // ,


Đọc báo Pháp – 12/10/2019

Có thật là Donald Trump cùng đường ?

Liệu Donald Trump có cơ may thoát hiểm truất phế ? Hậu quả của quyết định phản bội người Kurdistan ? Cấm đeo mặt nạ biểu tình ở Hồng Kông là biện pháp tốt hay tồi ? Phải chăng nhà nước Pháp đã bị Hồi Giáo cực đoan vô hiệu hóa ? Vì sao dân Irak xuống đường bất chấp súng đạn ? Phụ nữ Afghanistan thề không để Taliban cướp đoạt tự do. Bộ phim Jocker có lợi hay làm hại xã hội ? Trên đây là những vấn đề thế giới  được các tuần báo đề cập đến.
I am a crook !
Trên trang nhất, với bức hí họa một người có mái tóc vàng, hai tay đưa lên hình chữ V trong tư thế thách thức, miệng tuyên bố : « Tôi là kẻ lừa đảo », tuần báo Courrier International đánh dấu hỏi lớn : Liệu Donald Trump đã đến đường cùng ?
Trong bài xã luận, tuần báo Pháp Courrier International điểm qua bản lĩnh lợi hại của tổng thống thứ 45 của Mỹ. Với Donald Trump lúc nào cũng thế : vô phép tắc, « sớm nắng chiều mưa», to mồm áp đảo tinh thần, thậm chí dọa bắn vào chân di dân.
Nhưng trước 2016, truyền thông Mỹ không tinh tế nhìn ra Donald Trump là con ngựa phải về đầu, không nhận ra tiếng nói phẫn nộ của đại đa số quần chúng bình dân. Khi Donald Trump thắng rồi, thì cũng báo chí Mỹ, sau khi đánh giá thấp Donald Trump, tường thuật nhất cử nhất động của chủ nhân mới tại Nhà Trắng. Donald Trump sử dụng ngay lá bài này, mỗi thông điệp, mỗi tuyên bố sẽ được loan truyền ngay. Thế là Donald Trump liên tục đưa ra những lời khiêu khích và nói trước sửa sau. Gần đây nhất là sau khi hứa với Erdogan sẽ rút khỏi miền bắc Syria, Donald Trump đe dọa « phá nát » nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara đánh người Kurdistan.
Cho đến nay, Trump luôn luôn thoát hiểm
Nhưng liệu ông có thoát được chiếc bẫy sập « Impeachment » đang chờ hay không sau khi tai tiếng gây áp lực với tổng thống Ukraina bị tiết lộ ? Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, thủ tục truất phế được khởi động vì có liên quan đến chính sách đối ngoại. Donald Trump là kẻ phản quốc ?
Thế nhưng, giới báo chí Mỹ đều dự báo Donald Trump sẽ thoát nạn. Theo tờ The Atlantic, tổng thống Donald Trump có biệt tài biến mình thành nạn nhân oan ức. Ông đang kêu gào là bị hàng loạt kẻ nội thù, từ CIA,FBI cho đến các cơ quan nhà nước, chụp mũ. Một trong những chiêu thức phản công đánh vào tâm lý cử tri là đoạn băng video : « Trong khi đảng Dân Chủ tìm cách đánh Trump thì Trump tranh đấu cho quý vị ».
Một câu hỏi then chốt là liệu nước Mỹ có rơi vào nội chiến ? Boston Globe lo ngại Donald Trump, với những tuyên bố khiêu khích, sẽ huy động cử tri « da trắng thượng đẳng » phản đối bằng bạo lực nếu thần tượng của họ bị truất phế. Trái lại, The Washington Post không tin là sẽ xảy ra nội chiến bởi hai lý do : thứ nhất, đời sống quá tiện nghi, không ai muốn tái diễn chiến tranh nam – bắc, và thứ hai, số phận của Donald Trump sẽ được định đoạt qua bầu cử 2020. Về điểm này, tuần báo Pháp L’Express nhận định : chiến tranh toàn diện đã được loan báo, bầu cử 2020 sẽ là trận đánh « đẫm máu ». Đồng nghiệp thiên tả L’Obs dè dặt hơn : Nếu đảng bảo thủ tiếp tục ủng hộ Trump và nếu kinh tế vẫn tốt đẹp thì biết đâu sẽ tái đắc cử.
Nhượng bộ Erdogan là sai lầm
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn qua biên giới Syria để tấn công lực lượng Kurdistan-Syria, đồng minh của Mỹ và Tây phương trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, sau khi Donald Trump tuyên bố rút quân. Các phản ứng trái ngược nhau tại Washington sẽ dẫn đến những hậu quả như thế nào ?
Bức minh họa của New York Times mà Courrier International chọn đăng nói lên tình hình ở phía bắc Syria. Trong sân giác đấu, dũng sĩ Kurdistan đâm trúng con rồng lửa Daech, nhưng chưa giết chết thì sau lưng đã có con sư tử xuất hiện. Trên đài cao, Cesar Donald Trump bình thản thắt lại chiếc cà-vạt. Tuy nhiên, quyết định của Donald Trump bỏ rơi đồng minh đã bị chống đối, trước tiên là ngay trong nội bộ Cộng Hòa và… Lầu Năm Góc. Bộ Quốc Phòng Mỹ khẩn cấp tuyên bố : không rút lực lượng đặc biệt. Quốc hội Mỹ, gồm hai đảng, đe dọa trừng phạt Ankara.
Nói cách khác, quyết định của Donald Trump nhượng bộ tham vọng của Erdogan, và bỏ đồng minh, trong khi đối tượng chính là Deach chưa diệt xong, sẽ dẫn đến một hệ quả nghịch lý là đưa Hoa Kỳ vào một cuộc đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nước, Donald Trump sẽ xung đột với Quốc Hội lẫn bộ Quốc Phòng. New York Times dự báo là Donald Trump sẽ xét lại một phần hoặc toàn bộ quyết định. Nhưng từ nay có một đồng minh nào còn xem Hoa Kỳ là đối tác đáng tin cậy ? Và có một kẻ thù nào còn xem Mỹ là một đối thủ lợi hại và kiên quyết ?

Hồng Kông : Luật khẩn cấp phản tác dụng

Hồng Kông ban hành một đạo luật khẩn cấp để đối phó với phong trào phản kháng kéo dài từ tháng Sáu đến nay là sáng kiến tốt hay tồi ? Thêm hai ngày cuối tuần bạo lực, báo chí Hồng Kông đồng thanh khẳng định là « vô ích ».
Một đạo luật của thực dân Anh đem ra áp dụng để chống nhân dân chỉ gây hậu quả xấu hơn là kết quả tốt. Đó là phán xét của báo chí Hồng Kông về đạo luật cấm người biếu tình đeo mặt nạ để dễ đàn áp mà chính quyền thân Bắc Kinh « kích hoạt » trở lại vào ngày 05/10/2019.
Trước đó một ngày, báo kinh tế Shunpo đã cảnh báo trong bài xã luận : « Phản tác dụng ». Bởi vì từ thái độ bất động suốt bốn tháng, chính quyền mới bước sang hành động mà « không suy tính đến những tác động độc hại của quyết định ». Chính quyền Hồng Kông không thấy là tại Pháp, chính phủ Macron ban hành luật « chống biểu tình đập phá và cấm đeo mặt nạ » nhưng đó là vào thời điểm « biểu tình bạo lực đã giảm ». Từ đó đến nay, phong trào Áo Vàng « chống chính phủ vẫn tiếp diễn ».
South China Morning Post chỉ ra sự « vô tài » của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga : ra luật mà không thi hành được lại còn làm cho mọi người phẫn nộ thêm.
Apple Daily, nhật báo đối lập duy nhất còn tồn tại, thẳng thừng lên án tư pháp Hồng Kông không ngăn chận được chính quyền Hồng Kông phục hồi đạo luật về tình trạng khẩn cấp thời thực dân. Mục tiêu của Lâm Trịnh Nguyệt Nga là « muốn làm thay đổi trong nháy mắt hệ thống chính trị và kinh tế Hồng Kông », lạm dụng luật cũ để đặt Hồng Kông vào « chế độ cảnh sát trị ».

Nhà nước Pháp bị Hồi Giáo cực đoan xâm nhập ?

Tại Pháp, vụ bốn cảnh sát Pháp bị đồng nghiệp theo đạo Hồi dùng dao hạ sát hồi tuần trước ngay trong Sở Cảnh sát Paris cho thấy bộ máy an ninh có nhiều sơ hở. Bộ trưởng nội vụ Pháp nhìn nhận trách nhiệm trong cuộc điều trần với Quốc Hội. Công luận trong nước và châu Âu lo ngại nhà nước Pháp đã bị Hồi Giáo chính trị xâm nhập.
L’Express chạy tựa chua chát : Nhà nước bị Hồi Giáo chính trị làm nội gián từ bên trong.
Báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung cũng lo ngại nhà nước Pháp thiếu phương tiện bảo vệ công dân trước ảnh hưởng tuyên truyền của Hồi Giáo nguyên thủy cực đoan. Vụ thảm sát ngày 03/10 ở trụ sở cảnh sát Paris cho thấy những khó khăn của bộ máy công quyền đối phó với xu hướng « cực đoan hóa » của một thành phần thanh thiếu niên Pháp.
Theo nhật báo Đức, an ninh Pháp sơ hở, yếu kém trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho chính nhân viên của mình. Trong khi đó, ngành giáo dục biết cách tiếp cận vấn đề chống Hồi Giáo cực đoan ngay từ bậc tiểu học. Chính sách giảm phân nửa sĩ số học sinh lớp một, lớp hai từ 24 em xuống 12 em ở các khu xã hội khó khăn đã mang lại kết quả ngọan mục sau hai năm thực thi : trình độ đọc, viết, làm toán được cải thiện.
Chính sách đường dài của Pháp hay các « con sói đơn độc » của Daech, ai sẽ thắng ai ? Frankfurter Allgemeine Zeitung đánh cược vào chính sách canh tân giáo dục sẽ đào tạo được một thế hệ trẻ tương lai không bị rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn : học thức kém, tương lai bế tắc và tìm quên trong chủ nghĩa cực đoan.

Irak : Tương lai bế tắc, thanh niên Shia-Irak chống Shia-Iran

Trong nhiều tuần qua, người dân Irak, nhất là giới trẻ có học thức, liên tục xuống đường đòi công ăn việc làm và chống nạn tham nhũng. Hơn một trăm người bị bắn chết. Một nhật báo ở Liban cho biết thêm yếu tố nguồn cội.
Chế độ Bagdad không khác gì chính quyền Ai Cập và Liban : mỗi lần có biểu tình là quy cho các sứ quán Tây phương âm mưu giựt dây. Báo chí ba nước này không thể nói gì khác ngoài việc lên án kẻ thù Israel, đối tượng do Iran chỉ đạo, vì không dám nói lên thực chất vấn đề.
Báo Daraj khẳng định, các cuộc biểu tình tại Irak là do những người dân theo hệ phái Shia nghèo khó, nổi dậy đòi quyền sống đang bị một thiểu số trong chính quyền cũng theo hệ phái Shia nhưng thần phục Teheran lãnh đạo. Bài phân tích dài nói lên những bất cập trong chế độ và tình trạng tuyệt vọng của dân nghèo, không nước, không điện khi nhiệt độ mùa hè lên đến 45 – 50°C, còn lãnh đạo các phe đảng cầm quyền ở trong các biệt thự sang trọng.
Nhật báo Liban kết luận với câu hỏi : Chiến tranh đã kết thúc, Daech thuộc về quá khứ, đối với thanh niên Irak, thách thức ngày nay là nạn thất nghiệp, là nghèo đói. Với thùng thuốc súng như thế, liệu chế độ Bagdad có tránh được số phận của các chính quyền Ả Rập bị Mùa xuân Ả Rập quét sạch vào năm 2011 hay không ?
Trong khi đó, nhật báo Ấn Độ The Hindu khen ngợi thái độ dũng cảm các nữ ủng hộ viên bóng đá người Afghanistan. Cho dù bị Taliban đe dọa, sân vận động Kabul đông chật khán giả xem các trận bóng bảng A. Trong thời gian Taliban cầm quyền (1996-2001), sân vận động là pháp trường xử tử trong đó có nhiều nạn nhân là phụ nữ.
Khi nghe tin một nữ ủng hộ viên Iran, giả trai xem bóng đá ở Teheran, bị bắt, bị sỉ nhục phải tự tử, Mariam Atahi, một hoạt động viên nữ quyền ở Kabul đặt câu hỏi : Đạo Hồi đâu cấm xem bóng đá, vậy đi xem bóng đá phạm tội lỗi gì ?
Như nhiều phụ nữ Afghanistan khác, Mariam Atahi lo ngại Taliban trở lại chính quyền. Tuy nhiên, tất cả đều dứt khoát không để bị cướp đoạt các quyền tự do và không để cho tiến bộ xã hội trong 18 năm qua bị trôi sông vì Taliban.

Jocker : người hùng hay ác thú ?

Phim Jocker kẻ thù của Người Dơi lần đầu tiên ra mắt tại Pháp. Bộ phim bị nhiều người chỉ trích là gián tiếp « biện minh cho bạo lực », trình bày kẻ thù của Batman như là kẻ ác cần được thông cảm. Có nên tẩy chay hay không ?
L’Express cho là đã đủ rồi các loại anh hùng siêu nhân điện ảnh Mỹ.
Courrier International, thâm thúy hơn, trình bày hai ý kiến khác nhau. Bên chống bạo lực thì cho là phim Jocker làm chúng ta phải suy nghĩ. Còn phe ủng hộ phim thì lo ngại Jocker gây ảnh hưởng xấu vì biện minh cho các tay sát nhân hàng loạt và biết đâu sẽ làm cho những kẻ tâm lý không vững ra tay gây tội ác như… trên màn bạc.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina: Chính Donald Trump đã gây sức ép để triệu hồi bà về Washington. 
Tiếp tục vụ tai tiếng Donald Trump nhờ tổng thống Ukraina can thiệp nhằm loại đối thủ chính trị là cựu phó tổng thống Biden, trong cuộc điều trần trước một ủy ban tại Hạ Viện Mỹ hôm 11/10/2019, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Kiev, bà Marie Yovanovitch xác nhận : Tổng thống Trump đã gây sức ép để bộ Ngoại Giao cách chức bà trên cơ sở “những cáo buộc sai lệch”. Tháng 05/2019, đại sứ Mỹ tại Ukraina từ năm 2016 đột ngột bị gọi về nước. Cho dù bà không còn tại chức, nhưng trong cuộc điện đàm với tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng 07/2019, ông Trump vẫn chỉ trích bà.
(AFP) - Nhân vật số 2 của bộ Ngoại Giao Mỹ làm đại sứ tại Matxcơva. 
Ông John Sullivan, 59 tuổi, ngày 11/10/2019 được đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Nga. Đây là một chức vụ “nhạy cảm” trong bối cảnh Nga bị nghi ngờ can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và có thể là sẽ thao túng bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. Đề xuất chỉ định ông Sullivan làm đại sứ tại Nga còn phải vượt qua được cửa ải Thượng Viện.
(AFP) – Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Ả Rập Xê Út. 
Ngày 11/10/2019, Hoa Kỳ thông báo gởi hàng ngàn quân đến Ả Rập Xê Út để bảo vệ đồng minh chính yếu này tại Trung Đông chống lại những hành động “gây mất ổn định” của Iran. Trong một thông cáo, Lầu Năm Góc cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper đã cho phép gởi quân tăng viện đến Ả Rập Xê Út. Cùng với các đợt triển khai khác, tổng cộng có 3.000 quân bổ sung được kéo dài thời hạn phục vụ hoặc được cho phép triển khai trong những tháng gần đây ở Ả Rập Xê Út. Ngoài số binh lính nói trên, Hoa Kỳ còn triển khai đến Ả Rập Xê Út các tên lửa Patriot và hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD.
(Reuters) – Chính quyền Nhật khuyến cáo hơn 1 triệu người sơ tán tránh báo Hagibis.
Đây được coi là trận bão khốc liệt nhất thổi qua Nhật Bản từ 60 năm qua. Bão Hagibis sẽ ập vào khu vực gần thủ đô Tokyo vào tối 12/10/2019. Trước mắt, trận bão lớn này đã làm 1 người chết, 4 người bị thương tại thành phố Chiba cách Tokyo khoảng 40 cây số về hướng đông. Khoảng 16.000 ngôi nhà bị mất điện, hơn 1.500 chuyến bay bị hủy.
(AFP) – Phim Việt Nam đoạt giải tại Liên hoan Busan. 
Ngày 12/10/2019, một bộ phim của Việt Nam vừa đoạt một trong hai giải New Current, tương đương giải Phim hay nhất và là giải quan trọng nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Busan 2019 ở Hàn Quốc. Đó là bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy, một bộ phim chưa được cấp phép tại Việt Nam. Theo tờ Tuổi Trẻ, Cục Điện ảnh cho rằng phim Ròm”vi phạm pháp luật hiện hành” khi chưa có giấy phép phổ biến phim đã tự đăng ký và gửi phim tham dự Liên hoan Phim Quốc tế Busan 2019. Giải New Current thứ hai được trao cho đạo diễn Irak Mohamad Hayal với bộ phim Haifa Street.
(AFP) – Ban nhạc K-pop Hàn Quốc BTS làm mê hoặc giới trẻ tại vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út. 
Lần đầu tiên thanh niên tại quốc gia còn khép kín và bảo thủ này được tiếp cận với dòng nhạc pop Hàn Quốc. Trong buổi trình diễn đêm 11/10/2019, ban nhạc BTS đã chinh phục 70.000 khán giả tại sân vận động King Fahd International Stadium. Đây là bước kế tiếp trên con đường mở cửa Ả Rập Xê Út ra thế giới bên ngoài đang được thái từ Mohammad Ben Salman tiến hành. Tháng 07/2019, một số tên tuổi của làng nhạc quốc tế như Janet Jackson, Chris Brown đã đến biểu diễn tại thành phố Jeddhad. Ngược lại, ca sĩ nhạc Rap Nicki Minaj đã từ chối lời mời của Riyad để thể hiện bất bình trước các quyền của nữ giới vẫn bị chà đạp tại vương quốc này.
(AFP) – Đấu tranh vì môi trường, nữ diễn viên Jane Fonda bị còng tay trước Quốc Hội Mỹ. 
Năm nay 81 tuổi, bà Jane Fonda đã bị câu lưu hôm 11/10/2019 trong lúc biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội Mỹ, đánh động công luận về những thảm họa về môi trường do con người gây ra. Vào thập niên 1970, bà Jane Fonda từng đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.