Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 25/10/2019

Friday, October 25, 2019 7:04:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 25/10/2019

Phó TT Pence: Các công ty Mỹ

‘bỏ lại lương tâm’ khi làm ăn ở TQ

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 24/10 chỉ trích các công ty Mỹ về việc cố bịt miệng những tiếng nói bày tỏ ủng hộ đối với các giá trị dân chủ, tự do để họ duy trì đường vào thị trường Trung Quốc, và ông cho rằng các tập đoàn nên tuân thủ các nguyên tắc của Mỹ khi làm ăn với quốc gia cộng sản này, theo New York Times.
Trong một bài phát biểu chính sách đề cập đến nhiều vấn đề về cái mà ông gọi là “tái cấu trúc cơ bản mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc”, ông Pence đã buộc tội Nike vì đã “bỏ lương tâm ngoài cửa”, và buộc tội các chủ sở hữu và cầu thủ chơi trong giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA vì đã “về phe với Đảng Cộng sản Trung Quốc” bằng cách đàn áp sự ủng hộ cho phong trào dân chủ ở Hong Kong. Ông Pence nêu bật những ví dụ đó để nói lên quan điểm rộng hơn về cách các công ty Mỹ thường thỏa hiệp với Trung Quốc, và như vậy, họ ở vào thế chống lại các giá trị tự do của phương Tây – và điều đó có tác động lâu dài đối với những thảo luận thẳng thắn về Trung Quốc giữa những người Mỹ.
“Bằng cách lợi dụng lòng tham của giới doanh nghiệp, Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi tư duy công luận Mỹ, cưỡng ép các doanh nghiệp Mỹ”, ông Pence nói. “Và có quá nhiều các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đã cúi đầu trước mồi nhử của đồng tiền và thị trường Trung Quốc và bằng cách không chỉ bịt miệng những tiếng nói chỉ trích của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà thậm chí những phát ngôn ủng hộ cho các giá trị của nước Mỹ”.
Liên đoàn NBA trong tháng này đã vấp phải nhiều sự chỉ trích, kể cả từ các nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng, khi ban đầu liên đoàn này đứng về phía chính phủ Trung Quốc trong việc tấn công một viên quản lý của đội bóng Houston Rockets, người đã bày tỏ ủng hộ phong trào dân chủ ở Hong Kong trong một ý kiến đăng trên Twitter.
Ông Pence, phát biểu tại một sự kiện của Trung tâm Wilson tại khách sạn Conrad ở thủ đô Washington, nói rằng các cửa hàng Nike ở Trung Quốc đã loại bỏ các mặt hàng liên quan đến đội Houston Rockets trong thời gian diễn ra vụ tranh cãi. (Nike đã không trả lời yêu cầu bình luận của New York Times về việc này.)
“Một số cầu thủ nổi tiếng nhất và một số chủ sở hữu lớn nhất của NBA, những người thường xuyên dùng quyền tự do ngôn luận để chỉ trích Mỹ, thì lại câm họng không dám nhắc tới quyền tự do và quyền lợi của người dân Trung Quốc”, ông Pence nói. “Với việc đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc và bịt miệng tự do ngôn luận, NBA đang hành động như một công ty hoàn toàn bị sở hữu bởi chế độ toàn trị [Trung Quốc]”.
Sau bài phát biểu của ông Pence, những người có quan hệ với NBA đã phản bác lại, theo New York Times. “Ngay từ đầu chúng tôi đã tôn trọng các giá trị cốt lõi của chúng tôi”, ông Adam Silver, ủy viên của NBA, cho biết trên chương trình “Inside the NBA” của kênh TNT. “Và tôi sẽ một lần nữa nói rằng chúng tôi sẽ cam kết nhiều hơn với người dân Trung Quốc, và Ấn Độ, và khắp châu Phi, trên khắp thế giới, bất kể chính phủ của họ”.
Charles Barkley, một cầu thủ đã giải nghệ và hiện là một nhà phân tích của chương trình, đã thẳng thừng hơn. Ông nói: “Phó tổng thống Pence cần câm miệng lại. Tất cả các công ty Mỹ đều đang làm ăn tại Trung Quốc”.
Đầu tháng 10, chính quyền Trump đã áp dụng một số hạn chế thương mại đối với các công ty công nghệ Trung Quốc và các tổ chức khác được cho là có liên quan đến việc đàn áp, và chính quyền đương nhiệm nói sẽ áp đặt lệnh cấm thị thực đối với các quan chức có liên quan.
https://www.voatiengviet.com/a/pho-tt-pence-cac-cong-ty-my-danh-mat-luong-tam-khi-lam-an-o-tq/5139395.html

Phó Tổng thống Mike Pence:

‘Mỹ ủng hộ người biểu tình Hong Kong’

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence hôm 24/10 cáo buộc Trung Quốc tước đoạt “quyền và tự do” tại Hong Kong và chỉ trích Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ đã đứng về phía Bắc Kinh trong vấn đề tự do ngôn luận, theo Reuters.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ nhân quyền Hong Kong
Biểu tình Hong Kong: Carrie Lam ủng hộ cảnh sát dùng vũ lực
Hong Kong: Tại sao Bắc Kinh chưa quyết liệt dẹp tan biểu tình?
Trong một bài phát biểu về các chính sách đối với Trung Quốc, động chạm đến hàng loạt vấn đề gây tranh cãi, diễn ra trước cuộc đàm phán với Bắc Kinh để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại, ôngPence nói rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm sự đối đầu hay thoát ly khỏi đối thủ kinh tế chính.
Nhưng ông cũng chẳng giữ kẽ gì khi đề cập đến một số rạn nứt chính trị giữa hai nước.
Chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng một “nhà nước giám sát”, và hành động quân sự “ngày càng khiêu khích”, ông Pence đã lấy nền dân chủ Đài Loan như ví dụ về đường lối tốt hơn cho người dân Trung Quốc và chỉ trích Bắc Kinh trong việc giải quyết các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển Hong Kong hơn bốn tháng qua.
“Hong Kong là một ví dụ sống động về những gì có thể xảy ra khi Trung Quốc bóp ngẹt tự do,” ông nói. “Trong vài năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng can thiệp vào Hong Kong và thực hiện các hành động nhằm hạn chế các quyền và tự do mà người dân Hong Kong được đảm bảo thông qua thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc.”
Ông nói rằng Hoa Kỳ đứng về phía những người biểu tình ở Hong Kong.
“Chúng tôi ủng hộ các bạn, chúng tôi được truyền cảm hứng từ các bạn. Chúng tôi đề nghị bạn tiếp tục đi trên con đường phản kháng phi bạo lực,” ông Pence Pence nói trong bài diễn văn của mình tại Washington.
Ông cũng chỉ trích các đối xử của Trung Quốc với người Uyghur theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương.
Ông Pence dùng những ngôn từ gay gắt nhất để chỉ trích hai hãng đồ may mặc thể thao Nike và NBA, cáo buộc họ đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến quyền tự do ngôn luận ở Hong Kong.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người thường đại diện cho các chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc của chính quyền Trump, cho biết NBA và Nike đã không bảo vệ Tổng Giám đốc Daryl Morey của đội bóng rổ Houston Rockets, sau khi ông này tweet ủng hộ người biểu tình Hong Kong hồi đầu tháng này.
“Một số đội bóng lớn nhất và chủ sở hữu lớn nhất của NBA, những người thường xuyên thực thi quyền tự do chỉ trích nước Mỹ, đã im lặng trước quyền và tự do của các dân tộc khác,” ông nói.
“Bằng cách đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc và chặn các phát biểu tự do, NBA đang hoạt động như một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của chế độ độc tài,” theo ông Pence Pence.
Các cửa hàng Nike ở Trung Quốc đã loại bỏ hàng hóa của Rockets sau khi Bắc Kinh chỉ trích ông Morey, ông Pence nói.
“Nike tự quảng cáo là nhà vô địch về công bằng xã hội, nhưng khi liên quan đến Hong Kong, họ bỏ lương tâm xã hội của mình ở ngoài cửa,” ông nói.
Ông Pence cho biết, “có quá nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đã lạy lục trước sự hấp dẫn của tiền và thị trường Trung Quốc bằng cách khóa mõm, không chỉ không chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà thậm chí còn không dám khẳng định những giá trị của Mỹ.”
Nike, NBA và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không đáp lại ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về nhận xét này.
Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc viết trong một bài xã luận rằng trong khi ông Pence nhắc lại nhiều lời chỉ trích trước đây của ông, “vẫn còn chỗ cho sự lạc quan”.
“Ông ấy nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không muốn ‘thoát ly’ và nhắc lại việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã sẵn sàng bắt đầu một tương lai mới với Trung Quốc như thế nào,” bài xã luận viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50178438

Phó Tổng thống Mỹ chỉ trích

Trung Quốc ‘lấy thịt đè người’ đối với Việt Nam

Trong bài phát biểu bao quát về các quan hệ Mỹ-Trung tại Trung tâm Woodrow Wilson, một trung tâm nghiên cứu–tư vấn phi đảng phái hôm qua, 24/10/2019, Phó Tổng thống Mike Pence tố cáo cách hành xử ‘ngày càng hung hăng’ của Trung Quốc, gây mất ổn định nhiều hơn cho khu vực trong năm qua.
Phó Tổng thống Mỹ nói 1 năm trước, ông có đề cập đến các chính sách của Trung Quốc ‘xâm hại các lợi ích và các giá trị của Mỹ’, trong đó có các hành động bành trướng quân sự, đàn áp tôn giáo, xây dựng một nhà nước kiểm soát nhất cử nhất động của dân, bên cạnh những chính sách không nhất quán của Trung Quốc, bất công cho các nước đối tác thương mại, trong đó có Mỹ.
Về vấn đề Biển Đông, Phó TT Mike Pence tố Bắc Kinh nói một đàng làm một nẻo vì sau khi tuyên bố tại Vườn Hồng Toà Bạch Ốc năm 2015, rằng “Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Biển Đông”, Trung Quốc sau đó đã triển khai phi đạn tiên tiến chống hạm và đối không tới các căn cứ quân sự được xây dụng trên những hòn đảo nhân tạo trong Biển Đông.
Ông Pence nói: “Bắc Kinh đã gia tăng sử dụng những tàu mà họ nói là của ‘dân quân biển’ để thường xuyên dọa nạt các thủy thủ và ngư dân Philippines và Malaysia”. Và ông chỉ trích Trung Quốc bắt nạt Việt Nam trong vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Ông nói: “Cảnh sát biển Trung Quốc đã cố lấy thịt đè người để ngăn cản Việt Nam khoan dầu khí ngoài khơi trong vùng biển của chính Việt Nam.”
Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Chính sách Châu Á-Thái Bình Dương, RAND Corporation, chia sẻ bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ trên trang Twitter của ông, và bình luận: “Việc Trung Quốc bắt nạt Việt Nam ở Biển Đông đã được Phó Tổng thống Mỹ nêu bật hôm nay. Không có một nước nào đứng lên để bảo vệ Việt Nam như vậy.”
Trong bài phát biểu, ông Mike Pence cũng nhắc đến các bản tin nói rằng Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận bí mật để thành lập một căn cứ hải quân tại Campuchia, và cũng đang ngắm nghé nhiều địa điểm trên Đại Tây Dương để lập căn cứ hải quân.
Ngoài ra, Phó Tổng thống Mỹ cũng đề cập tới các vấn đề nổi cộm khác liên quan tới Trung Quốc trong quan hệ Mỹ-Trung, như vấn đề Đài Loan và Hong Kong, và cuộc thương chiến vẫn kéo dài với Hoa Kỳ.
Ông Pence khẳng định Mỹ không tìm cách kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc, mà mưu tìm các quan hệ có tính xây dựng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, như đã có với nhân dân Trung Quốc trong suốt nhiều thế hệ qua.
Ông nói người Mỹ tuyệt đối tin tưởng rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể, và phải tận lực làm viêc để có thể “chia sẻ một tương lai hòa bình và thịnh vượng. Nhưng chỉ có đối thoại thành thực và thương thuyết có thiện chí mới có thể biến tương lai ấy thành hiện thực.”
https://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-my-chi-trich-tq-lay-thit-de-nguoi-doi-voi-vn/5139110.html

Mỹ, Úc lo ngại việc TQ tăng cường đầu tư

vào Thái Bình Dương

Solomon, một đảo quốc Thái Bình Dương, hôm 24/10, bất ngờ tuyên bố, sẽ hủy việc cho Trung Quốc thuê một hòn đảo ở nước này vì “trái luật.”
Động thái này diễn ra sau khi có nhiều lo ngại về việc Bắc Kinh phát triển quân sự tại hòn đảo trên, theo hãng tin Reuters.
Thông tin về hợp đồng cho với công ty Trung Quốc China Sam Enterprise Group thuê đảo Tulagi ở miền Trung Solomon rộ lên một thời gian ngắn sau khi đảo quốc này tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Úc gia tăng vai trò ở Thái Bình Dương vì ngại Trung Quốc
Bộ trưởng Úc nói Trung Quốc hành xử tồi tệ
Hãng tin này dẫn lời khẳng định hợp đồng cho thuê nói trên không đúng luật.
“Thỏa thuận không được văn phòng tổng công tố xem xét trước khi ký- tổng công tố John Muria của Solomon khẳng định hôm 24/10.
“Thỏa thuận này là trái luật, không khả thi và phải bị hủy ngay lập tức,” ông Muria nói.
Tulagi từng là nơi đặt các căn cứ của Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến, cũng là cố đô của Solomons, trước khi chuyển đến đảo Guadalcanal.
Thỏa thuận với Tập đoàn Sam Group, ký‎ ngày 22/9, cho phép công ty Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng trên Tulagi và các đảo xung quanh.
Có trụ sở tại Bắc Kinh, Sam Group là một tập đoàn của nhà nước được thành lập năm 1985; chuyên đầu tư vào công nghệ và năng lượng.
Trong một tuyên bố đưa trên trang mạng, Sam Group cho biết, đại diện của họ đã gặp Thủ tướng Solomons, Manasseh Sogavare đầu tháng 10, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
Hợp đồng nói trên đã khiến Đài Loan và Hoa Kỳ chỉ trích, khi cho rằng Bắc Kinh sẽ khiến đảo quốc này lâm vào các khoản nợ.
Yao Ming, phó trưởng phái đoàn ngoại giao Đại sứ quán Trung Quốc tại Papua New Guinea, cho biết trong một cuộc họp tại thủ đô Honomara rằng, họ sẽ đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng, gồm sân vận động thể thao, như một món quà của nước này.
Ông Yao Ming cho rằng, chính Hoa Kỳ và Anh mới có trách nhiệm lịch sử trong việc đưa đảo quốc này lâm vào cảnh khó khăn tài chính.
Mối lo ‘bẫy nợ’ Trung Quốc
Vanuatu và ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc
Nhiều quốc gia đang ‘cưỡng lại’ Trung Quốc?
Lâu nay, việc Trung Quốc tăng cường đầu tư cũng như viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương đã khiến nhiều quốc gia thấy lo ngại.
Các đảo quốc Thái Bình Dương luôn nằm trong ưu tiên chiến lược của các cường quốc, muốn liên minh với các nước này nhằm kiểm soát các vùng biển rộng lớn và giàu về tài nguyên.
Nhiều thập kỷ qua, Úc vẫn là nước viện trợ cho khu vực này nhiều nhất.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc cũng nổi lên như một nhà đầu tư lớn trong khu vực này.
Nếu Úc viện trợ cho các đảo quốc này thông qua các khoản tài trợ không kèm nghĩa vụ hoàn trả, phần lớn khoản chi của Trung Quốc dưới dạng các khoản cho vay.
Viện Lowy, một tổ chức phân tích chính sách quốc tế độc lập đặt tại Sydney, Úc, từng cảnh báo rằng, 6 đảo quốc Nam Thái Bình Dương bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu đang là con nợ của Trung Quốc.
Theo đó, từ năm 2011 đến năm 2018, Trung Quốc cho các nước này vay 6 tỷ USD, tương đương 21% GDP khu vực.
Báo cáo của viện này đưa ra hôm 21/10 mang tên ‘Ocean of Debt?’ (Đại dương của nợ nần?), nêu rõ rằng, “Quy mô cho vay của Trung Quốc và tình trạng thiếu cơ chế đảm bảo khả năng trả nợ dẫn tới nhiều nguy cơ lớn.”
Viện này kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh lại việc cho vay tại Thái Bình Dương.
Mục tiêu quân sự và ngoại giao của Trung Quốc
Trung Quốc cũng sử dụng đàm phán các khoản vay để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại.
Năm ngoái, có tin Trung Quốc cân nhắc đưa thiết bị quân sự đến một cảng lớn mà nước này đang xây, ở đảo quốc Vanuatu cũng tại Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, khi đó, cả Trung Quốc và Vanuatu đều bác bỏ tin tức trên.
Một báo cáo của Ủy ban đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung năm 2018 cho thấy, một căn cứ hoặc cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương sẽ kiềm chế quân đội Mỹ tiếp cận khu vực, và tăng cường ảnh hưởng đến các đối tác quan trọng của Mỹ, New Zealand và Úc.
Hơn thế, tuy dân số nhỏ nhoi, nhưng mỗi đảo quốc ở Thái Bình Dương cũng là một lá phiếu tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hiệp quốc.
Úc, Mỹ cũng ‘tiến vào Thái Bình Dương’
Ông James Borton, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học ngoại giao thuộc Đại học Tufts (Hoa Kỳ), trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 20/10, cho rằng, các hành động chiến lược của Bắc Kinh tại các đảo quốc Thái Bình Dương là rất đáng lo ngại.
“Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã củng cố đáng kể các mối quan hệ kinh tế với các đảo Thái Bình Dương thông qua thương mại, đầu tư trực tiếp, hỗ trợ phát triển và du lịch. Sự tham gia của Trung Quốc tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể đe dọa các lợi ích của Mỹ trong Thỏa ước Hiệp hội tự do được Hoa Kỳ k‎ý với Palau, Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia,” ông nói.
Có thể, bởi những lo ngại như vậy, mà hồi tháng 8 năm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tới ba đảo quốc Thái Bình Dương – còn gọi là Các quốc gia liên kết tự do (FAS), khu vực có tầm quan trọng chiến lược hơn với Mỹ trong những năm gần đây, nhằm gia hạn thỏa ước chung nói trên nhằm ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Theo thỏa ước này, quân đội Mỹ có quyền truy cập độc quyền vào không phận và lãnh hải của FAS; đổi lại, ba đảo quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ kinh tế từ Washington.
Cũng trong tháng 8, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố, nước này sẽ nâng chính sách tiếp cận khu vực “lên một cấp độ mới,” với việc công bố hàng loạt gói đầu tư và cho vay hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm đẩy mạnh hợp tác an ninh và kinh tế.
Canberra tuyên bố sẽ lập một quỹ hỗ trợ phát triển trị giá hơn 1,45 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Timor cùng các quốc gia Thái Bình Dương khác.
Úc cũng lập tạo ra một gói cho vay xuất khẩu trị giá hơn 729 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động đầu tư trong khu vực.
Ngoài ra, Canberra sẽ hỗ trợ tàu tuần tra và hợp tác xây căn cứ quân sự với Papua New Guinea.
Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm Chính sách Châu Á – Thái Bình Dương, RAND Corporation, nhận định với BBC News Tiếng Việt hôm 20/10:
“Úc đã gia tăng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương thông qua chương trình ‘Pacific Step Up’ (tạm dịch Bước vào Thái Bình Dương) và chúng ta có thể thấy, những nỗ lực này sẽ còn được gia tăng liên tục; cũng như sẽ có cả những nỗ lực từ Hoa Kỳ để cạnh tranh, và khi có thể, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50178800

Facebook bị chất vấn về chính sách kiểm tra nội dung

Mark Zuckerberg của Facebook bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ trích nặng nề về chính sách không kiểm tra nội dụng quảng cáo chính trị của công ty.
Trong một phiên điều trần ở Washington, người đứng đầu mạng xã hội bị cáo buộc để cho thông tin sai lạc về chính trị lan rộng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Mark Zuckerberg cũng không thể xác nhận nếu phát ngôn thù hận từ các ứng cử viên đang tranh cử sẽ bị loại ra khỏi Facebook.
Nhưng Zuckerberg nói giám sát những gì các chính trị gia nói không phải là công việc của công ty.
Ông chủ công nghệ xuất hiện trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện để bênh vực kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số Libra đang bị công kích của Facebook.
Nhưng tại đây Mark Zuckerberg thấy mình bị tấn công bởi một loạt các vấn đề khác, bao gồm việc không ngăn chặn việc khai thác trẻ em trên mạng xã hội và vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analatic.
Facebook ‘bị phạt 5 tỷ đô la’
Lại có nỗ lực dùng FB can thiệp bầu cử Mỹ
Facebook chia sẻ dữ liệu với các hãng TQ
Facebook: đồng tiền điện tử mới “vì mục tiêu cao cả”
Về chính sách của Facebook về quảng cáo chính trị, dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, đảng Dân chủ, hỏi: “Tôi chỉ muốn biết tôi có thể đi xa đến mức nào … tôi có thể chạy quảng cáo nhắm mục tiêu vào đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử sơ bộ nói rằng họ đã bỏ phiếu cho Thỏa thuận Xanh mới không?”
Thỏa thuận Xanh mới là một chính sách của đảng Dân chủ bị đa số đảng Cộng hòa phản đối quyết liệt.
Mark Zuckerberg cho biết Facebook sẽ gỡ bỏ các bài đăng từ bất kỳ ai, kể cả các chính trị gia, kêu gọi bạo lực hoặc tìm cách đàn áp sự tham gia của cử tri.
Tuy nhiên, đối với những tin không trung thực, ông Zuckerberg nói rằng vai trò của Facebook không phải để ngăn chặn “những người trong cuộc bầu cử thấy rằng bạn đã nói dối”.
Trong một thí dụ khác, dân biểu Sean Casten, đảng Dân chủ, hỏi liệu Facebook có xóa bỏ phát ngôn thù hận trong quảng cáo chính trị hay không. Ông nhắc đến một cựu thành viên của Đảng Quốc xã Mỹ ra tranh cử Quốc hội và giành được một vị trí chính trong đảng Cộng hòa vào năm 2018.
Ông Zuckerberg nói: “Dân biểu, tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào một loạt các chi tiết cụ thể mà tôi không quen thuộc với trường hợp này và không thể trả lời.”
“Chà, điều đó khá sốc,” ông Casten nói. “Tôi không nghĩ đó là một câu hỏi khó.”
Giám đốc điều hành Facebook cũng được hỏi liệu Facebook có xóa quảng cáo sai là thông tin của người nhập cư tham gia cuộc điều tra dân số Hoa Kỳ sẽ chia bị sẻ cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) hay không.
Ông Zuckerberg cho biết Facebook đang trong quá trình sửa đổi các chính sách liên quan của mình, đồng thời bổ sung rằng ông chưa thể nói “chi tiết cụ thể” sẽ là gì.
Mark Zuckerberg nói gì về tiền Libra?
Ông Zuckerberg cũng cố gắng tìm cách trấn an các nhà lập pháp Hoa Kỳ hoài nghi về sự an toàn của loại tiền kỹ thuật số Libra được Facebook đề xuất, nhưng hầu hết đều bị bác bỏ.
Dự án tiền kỹ thuật số Libra của Facebook đã phải đối mặt với một loạt thách thức gần đây, trong khi các tổ chức đối tác quan trọng đã rút ra và sự phản đối pháp lý ngày càng tăng.
Các thành viên Quốc hội nêu lên mối lo ngại là liệu tiền tệ có thể được sử dụng để rửa tiền, phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu hay trao cho Facebook quá nhiều quyền kiểm soát dữ liệu.
Ông Zuckerberg cho biết ông quyết tâm kiên trì với kế hoạch này, cho rằng nó có thể giúp hơn một tỷ người không có tài khoản ngân hàng trên toàn thế giới.
Nhưng ông nói thêm: “Tôi hiểu rằng tôi không phải là người đưa tin lý tưởng cho dự án này ngay bây giờ. Chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong vài năm qua và tôi chắc chắn có rất nhiều muốn người dự án này do bất cứ ai chứ không phải Facebook đề xuất.”
Chất vấn hay tấn công?
Phân tích của Dave Lee, phóng viên Công nghiệp Bắc Mỹ
Như thường thấy khi Mark Zuckerberg xuất hiện trước Quốc hội, chương trình nghị sự đi chệch khỏi chủ đề.
Trong một trao đổi nổi bật, Ann Wagner, một nữ dân biểu đảng Cộng hòa tại Missouri, nói rằng kế hoạch giới thiệu mã hóa đầu cuối trên ứng dụng Messenger của Facebook sẽ khiến nhà chức trách khó phát hiện ra những hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em được chia sẻ.
Điều này quan trọng: 12 triệu hình ảnh như vậy đã được chia sẻ trên Facebook vào năm ngoái. Facebook dường như là nền tảng lớn nhất cho loại chia sẻ tài liệu bất hợp pháp đó.
Trong khi các dịch vụ khác, như WhatsApp và Apple iMessage, được mã hóa, các chuyên gia về an toàn trẻ em cho biết nền tảng chính của Facebook là mối quan tâm lớn hơn khi nói đến những kẻ ấu dâm tìm kiếm, và o bế trẻ em – tất cả trên cùng một nền tảng.
“Ông đang làm gì để dẹp cái này?” Bà Wagner yêu cầu được biết.
Mark Zuckerberg trích dẫn các công cụ do Facebook phát triển để phát hiện tài liệu, nhưng cuối cùng thừa nhận: “Sẽ khó tìm thấy một số hành vi này”.
Ông Zuckerberg sẽ cần tìm câu trả lời tốt hơn – hoặc đối mặt với một vụ bê bối có lớn hơn tất cả những vụ bê bối khác.
Các thành viên khác nói gì?
Nhiều nhà lập pháp đặt câu hỏi tại sao họ phải tin tưởng vào sự đảm bảo của ông Zuckerberg về tiền Libra, khi Facebook đã có nhiều vấn đề trong quá khứ về các lĩnh vực khác.
Maxine Waters, chủ tịch của đảng Dân chủ, đã chỉ ra rằng Facebook đang là chủ đề của một cuộc điều tra chống độc quyền. Bà nói rằng nền tảng này đã “cho phép” Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.
“Sẽ có lợi cho tất cả nếu Facebook tập trung nỗ lực vào việc giải quyết nhiều thiếu sót và thất bại hiện có trước khi xúc tiến thêm về dự án Libra”, bà nói.
Tính chính trực của cá nhân ông Zuckerberg cũng bị tấn công, với dân biểu Madeleine Dean của đảng Dân chủ nói: “Chúng ta kiếm được sự tín nhiệm từng giọt một, nhưng đổ nó đi thì hàng thùng.”
Tuy nhiên, một số người người bảo vệ uy tín của ông chủ Facebook như một doanh nhân.
Patrick McHenry, dân chủ đảng Cộng hòa cao cấp nhất trong ủy ban nói: “Tôi có những ưu tư riêng về Facebook và Libra và những thiếu sót của công nghệ lớn”.
“Nhưng nếu lịch sử đã dạy chúng ta bất cứ điều gì, tốt hơn là đứng về nỗ lực đổi mới và phát mình của Mỹ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50163721

Tổng thống Trump yêu cầu các cơ quan liên bang

 hủy mua báo New York Times, Washington Post

Tin từ Washington, DC – Nhằm mục đích ngừng lan truyền tin tức, vào hôm thứ Năm (24 tháng 10), Tòa Bạch Ốc xác nhận việc tổng thống Trump có kế hoạch chỉ thị các cơ quan liên bang hủy mua báo New York Times và Washington Post, vốn là các tòa soạn mà tổng thống mô tả là lếu báo thêu dệt những câu chuyện đả kích tổng thống.
Theo tờ Wall Street Journal, hiện chưa rõ tổng thống Trump sẽ thực hiện kế hoạch như thế nào.  NBC News cho biết hiện không rõ có bao nhiêu cơ quan tiểu bang đã mua báo từ hai công ty trên. Một đại diện của tờ Times từ chối bình luận.
Các phóng viên của Washington Post lưu ý trên Twitter rằng các bài báo của họ cho phép bất kỳ ai có địa chỉ email .gov hoặc .mil hợp lệ được ghi danh nhận tin điện tử miễn phí.
Trong một cuộc phỏng vấn với ký giá Fox News Sean Hannity vào hôm thứ Hai (21 tháng 10), tổng thống Trump nói rằng tổng thống không muốn thấy những tờ báo này trong văn phòng Tòa Bạch Ốc. Theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang đến ngày 30/09/2019, chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump từng ghi danh mua báo từ NY Times, Wall Street Journal và Washington Post.
Tuy nhiên tổng thống Trump không phải lúc nào công kích tờ New York Times. Khi vừa nhậm chức năm 2016, tổng thống từng dành những lời ấm áp cho tờ báo, nói với ban biên tập rằng tổng thống coi tờ báo là một “viên ngọc vĩ đại của Hoa Kỳ, viên ngọc vĩ đại của thế giới”. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-yeu-cau-cac-co-quan-lien-bang-huy-mua-bao-new-york-times-washington-post/

Walmart, Rite Aid ngừng bán phấn em bé J&J 22 Ounce

Sau khi công ty chăm sóc sức khỏe Johnson & Johnson thu hồi sản phẩm phấn em bé nghi bị nhiễm asbestos vào cuối tuần trước, ba nhà bán lẻ lớn của Hoa Kỳ, kể cả Walmart, đang ngừng bán phấn em bé Johnson & Johnson loại 22 ounce.
Hôm thứ Năm (24 tháng 10), chuỗi tiệm thuốc tây Health Corp cũng sẽ loại sản phẩm này khỏi cửa hàng trực tuyến để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng. Chuỗi tiệm thuốc tây cho biết các kích cỡ hộp phấn khác vẫn còn bán trên gian hàng. Phát ngôn viên của chuỗi tiệm thuốc tây Rite Aid, Chris Savarese thông báo công ty ngừng bán phấn em bé Johnson’s Baby loại 22 ounce từ 18/10/2019, và lưu trữ sản phẩm này ở một nơi an toàn. Tối thứ Năm (24 tháng 10), CNBC cũng đưa tin rằng nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, Walmart quyết định ngừng bán tất cả sản phẩm phấn em bé trong diện thu hồi.
Hãng Reuters cho biết công ty vẫn chưa đưa ra lời bình luận.
J&J đang đối mặt với hàng ngàn vụ kiện cho nhiều loại sản phẩm, tuần trước cho biết họ đã thu hồi 33,000 chai phấn em bé ở Hoa Kỳ, sau khi một cơ quan giám sát y tế của Hoa Kỳ tìm thấy một lượng asbestos trong các mẫu lấy từ một chai phấn mua trực tuyến. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên J&J thu
hồi dòng sản phẩm phấn em bé nổi tiếng nghi bị nhiễm asbestos, đồng thời cũng là lần đầu tiên các cơ quan giám sát y tế phát hiện asbestos trong sản phẩm.
Asbestos là một chất gây ung thư thường liên quan đến bệnh u trung biểu mô chết người. Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư nhân Patriarch Organisation, Eric Schiffer cho biết các nhà bán lẻ khác dự kiến sẽ ngừng bán sản phẩm này vì họ muốn tránh trách nhiệm pháp lý. J&J đã nhiều lần nói rằng các sản phẩm chưa bột phấn talc của họ an toàn, và chỉ ra nhiều thập kỷ nghiên cứu cho thấy chúng không chứa asbestos và không gây ung thư. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/walmart-rite-aid-ngung-ban-phan-em-be-jj-22-ounce/

NATO ngậm bồ hòn làm ngọt

trước thành viên ngỗ nghịch Thổ Nhĩ Kỳ

Trọng Nghĩa
Là một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, nhưng mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại ngang nhiên đưa quân sang Syria tấn công vào đồng minh của khối trong cuộc chiến chống Daech là lực lượng người Kurdistan, sau đó lại liên kết với Nga, đối thủ của khối, để kiểm soát vùng chiếm đóng. Trước các hành động trên, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi trục xuất Ankara ra khỏi liên minh.
Thế nhưng vào hôm qua, 24/10/2019 nhân cuộc họp đầu tiên của NATO từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân qua Syria, các lãnh đạo Liên Minh như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận các lập luận của thành viên ngỗ nghịch, để khỏi bị mất đi một đồng minh chiến lược của toàn khối.
Theo hãng tin Pháp AFP, chính tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xác nhận rằng tranh cãi đã bùng lên gay gắt giữa các thành viên NATO, mà theo các nhà quan sát là giữa các nước Phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, ông Jens Stoltenberg từ chối lên án các hành đông của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tán thành “những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia” mà Ankara đưa ra để biện minh cho sự can thiệp quân sự vào Syria.
Một nhà ngoại giao cấp cao tham gia cuộc họp đã nói thẳng thừng rằng NATO không thể trừng phạt hay trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ vì hai lý do: Một là trong điều lệ NATO không có thủ tục trục xuất, và hai là “NATO không muốn mất Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là một đồng minh chiến lược”.
Về giá trị chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong hệ thống bố phòng của khối NATO, trả lời câu hỏi của đài truyền hình Pháp BFMTV mới đây, ông Jean Marcou, giáo sư trường Khoa Học Chính trị (Sciences Po) ở Grenoble, đồng thời là chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh đến thực tế theo đó Ankara là cường quốc quân sự lớn thứ hai của NATO.
Bên cạnh đó, về mặt địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Hắc Hải lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông.
Do vậy, theo giáo sư Jean Marcou, cho dù bị Ankara gây căng thẳng, Phương Tây không thể mạo hiểm cắt cầu với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ như đã hiểu rất rõ điều đó. Ngay từ trước khi nổ ra vụ tấn công vào Syria, Ankara đã phớt lờ các khuyến cáo của NATO để đăt mua hệ thống tên lửa S400 của Nga. Thế mà NATO vẫn không thể trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên bình diện pháp lý cũng vậy, NATO khó có thể đụng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời đài truyền hình France24, nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Học Viện Địa Chính Trị Pháp và Viện Thomas More, cho biết là trường hợp trục xuất không hề được dự trù trong khối NATO. Dĩ nhiên là giới lãnh đạo NATO có quyền đề ra khả năng này, nhưng do vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, một quyết định trục xuất nước này có nguy cơ làm cho NATO suy yếu hẳn đi.
Vả lại, theo chuyên gia Mongrenier, dù chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào người Kurdistan ở Syria đặt ra một vấn đề đạo đức đối với NATO, nhưng chiến dịch này không gây tổn hại cho lợi ích thiết yếu của các thành viên NATO.
Chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành nghĩa vụ trong khuôn khổ phòng thủ chung, và đừng gây nên những chuyện quá đáng tại Syria, thì các thành viên còn lại của NATO sẽ chấp nhận sự đã rồi.
Nhìn chung, chính những tính toán chiến lược kể trên đã khiến cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhẹ tay với Thổ Nhĩ Kỳ cho dù nước này đã tỏ ra ngang bướng.
Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biết rất rõ điều đó, và trong thời gian sắp tới đây, ông sẽ tiếp tục đóng vai ngỗ nghịch, nhưng sẽ cẩn thận để không đi quá trớn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191025-nato-ngam-bo-hon-lam-ngot-truoc-thanh-vien-ngo-nghich-tho-nhi-ky

Người dân Châu Âu nghĩ gì

sau ba thập niên chủ nghĩa cộng sản sụp đổ?

Ba mươi năm trước, một làn sóng lạc quan quét qua Châu Âu khi các bức tường ngăn cách và các chế độ cộng sản sụp đổ, và người dân bị áp bức lâu nay bắt đầu được đón nhận những xã hội mở, thị trường mở và một Châu Âu đoàn kết hơn.
Ba thập niên sau, dù rất ít người trong Khối Đông Âu cũ hối tiếc về những thay đổi lớn trong những năm 1989-1991, nhưng họ không hoàn toàn mãn nguyện với tình hình chính trị hoặc kinh tế hiện thời, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vừa công bố.
Cư dân các nước Trung và Đông Âu đã gia nhập Liên hiệp Châu Âu nhìn chung tin rằng tư cách thành viên có lợi cho nước của họ, và có sự ủng hộ rộng rãi trong khu vực đối với nhiều giá trị dân chủ, theo Pew. Tuy nhiên, dù đa số nhìn chung ủng hộ dân chủ, có sự khác biệt ở các nước về việc theo đuổi những nguyên tắc dân chủ cụ thể tới mức nào.
Khi được hỏi về sự dịch chuyển sang dân chủ đa đảng và kinh tế thị trường diễn ra sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, người dân ở Khối Đông Âu cũ, được Pew khảo sát, phần lớn tán thành những thay đổi này. Chẳng hạn, 85% người Ba Lan ủng hộ sự dịch chuyển sang cả nền dân chủ lẫn chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, sự ủng hộ không đồng nhất – hơn một phần ba người Bulgaria và người Ukraine không tán thành, cùng với khoảng phân nửa ở Nga.
Pew cho biết những câu hỏi về nền dân chủ và nền kinh tế thị trường lần đầu tiên được hỏi vào năm 1991, và sau đó là vào năm 2009. Ở một số quốc gia – Hungary, Lithuania và Ukraine – sự ủng hộ dành cho cả hai điều này suy giảm từ năm 1991 đến 2009 trước khi hồi phục đáng kể trong thập niên qua. Nga là quốc gia duy nhất mà sự ủng hộ dành cho nền dân chủ đa đảng và chủ nghĩa tư bản sụt giảm đáng kể từ năm 2009.
Theo đánh giá của Pew, các mức độ nhiệt tình khác nhau đối với dân chủ và thị trường tự do có thể được thúc đẩy một phần bởi các quan điểm khác nhau về mức độ tiến bộ mà các xã hội đã đạt được trong ba thập niên qua. Hầu hết người Ba Lan, Czech và Lithuania, và hơn bốn trên mười người Hungary và Slovakia, tin rằng tình hình kinh tế đối với hầu hết mọi người ở đất nước họ ngày nay tốt hơn dưới chế độ cộng sản. Và trong năm quốc gia này, có nhiều người giữ quan điểm đó hơn so với thời điểm năm 2009, khi Châu Âu đang vật lộn với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, ở Nga, Ukraine và Bulgaria, hơn một nửa người được khảo sát nói rằng mọi thứ tệ hơn đối với hầu hết mọi người bây giờ vào thời điểm này so với thời kì cộng sản.
Khi được hỏi liệu nước của họ có đạt được tiến bộ trong ba thập niên qua trong một loạt các vấn đề hay không, công chúng ở Trung và Đông Âu được Pew khảo sát nói họ cảm thấy tích cực nhất về các vấn đề như giáo dục và mức sống. Nhưng quan điểm chia rẽ nhiều hơn về sự tiến bộ trong lĩnh vực luật pháp, trật tự, giá trị gia đình, và hầu hết nói rằng những thay đổi đã có tác động tiêu cực đến y tế.
Có một sự đồng thuận rộng rãi rằng giới thượng lưu đã hưởng lợi nhiều hơn từ những thay đổi to lớn trong 30 năm qua so với công dân trung bình. Đa số những người được khảo sát ở tất cả các quốc gia Trung và Đông Âu nghĩ rằng các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã hưởng lợi, số người cho rằng người bình thường hưởng lợi xem ra ít hơn.
Cũng như có nhiều quan điểm khác nhau về mức độ tiến bộ của các quốc gia trong những năm gần đây, quan điểm cũng khác biệt về tương lai. Ở khắp các quốc gia từng là cộng sản được Pew khảo sát, người dân tương đối lạc quan về tương lai của mối quan hệ của đất nước họ với các quốc gia Châu Âu khác, nhưng đa phần bi quan về sự vận hành của hệ thống chính trị và các vấn đề kinh tế cụ thể như công ăn việc làm và sự bất bình đẳng.
Khắp Châu Âu, thái độ về một số chủ đề phản ánh sự phân chia Đông-Tây rõ nét. Về các vấn đề xã hội như đồng tính luyến ái và vai trò của phụ nữ trong xã hội, quan điểm khác nhau rõ rệt giữa Tây và Đông, với người Tây Âu thể hiện thái độ cấp tiến hơn nhiều.
Nhiều người ở Khối Soviet cũ bày tỏ hi vọng về triển vọng kinh tế cho thế hệ tiếp theo. Khoảng sáu trên mười người Ukraine, Ba Lan và Lithuania tin rằng khi trẻ em ở nước họ lớn lên, tài chính của họ sẽ dư dả hơn cha mẹ của họ. Ngược lại, khoảng một phần tư hoặc ít hơn giữ quan điểm này ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Anh và Pháp.
Nhìn nhận về thực trạng của nền kinh tế hiện tại, sự phân rẽ chính thường là giữa Bắc Âu tương đối hài lòng và Nam Âu hầu như bất mãn, nơi nhiều người vẫn chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế của một thập niên trước.
Các quốc gia thành viên EU chủ yếu đồng lòng bày tỏ sự ủng hộ đối với một cơ đồ Châu Âu rộng lớn. EU được nhìn nhận tích cực, với hầu hết thành viên nói rằng tư cách thành viên có lợi cho đất nước của họ và hầu hết tin rằng đất nước của họ đã hưởng lợi về mặt kinh tế vì là thành viên của EU, dù không phải ai cũng đánh giá tích cực về định chế này. Quan điểm tích cực nhất về EU là ở hai quốc gia từng theo cộng sản: Ba Lan và Lithuania. Cả hai đều trở thành thành viên EU vào năm 2004.
Các nghiên cứu trước đây của Trung tâm Pew đã chỉ ra rằng người châu Âu có xu hướng tin vào những lí tưởng của EU, nhưng họ than phiền về cách thức vận hành của nó. Hầu hết nói EU đại diện cho hòa bình, dân chủ và thịnh vượng, nhưng phần đông cũng tin rằng nó can thiệp vào công việc nội bộ và kém hữu hiệu và rằng EU không hiểu được nhu cầu của người dân bình thường.
Hai quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ chưa gia nhập EU – Nga và Ukraine – có quan điểm rất khác với các quốc gia EU được khảo sát về một số mặt. Họ ít tán thành những dịch chuyển sang nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản, ít ủng hộ các nguyên tắc dân chủ cụ thể và ít hài lòng với cuộc sống của họ.
Đây là một số trong những phát hiện chính từ cuộc khảo sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew tại 17 quốc gia, bao gồm 14 quốc gia EU, Nga, Ukraine và Mỹ.
Cuộc khảo sát bao gồm nhiều chủ đề, từ quan điểm về quá trình chuyển tiếp sang chính trị đa đảng và thị trường tự do, cho tới các giá trị dân chủ, EU, Đức, các nhà lãnh đạo chính trị, sự hài lòng về cuộc sống, điều kiện kinh tế, bình đẳng giới tính, các nhóm thiểu số và các đảng chính trị.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 18.979 người từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 12 tháng 8 năm 2019.
Nghiên cứu này được xây dựng dựa trên hai cuộc khảo sát trước đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew và cơ quan tiền thân. Cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện bởi Trung tâm Nhân dân & Báo chí Times Mirror (tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Pew) từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 31 tháng 5 năm 1991. Cuộc khảo sát thứ hai do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện từ ngày 27 tháng 8 đến ngày 24 tháng 9 năm 2009, ngay trước dịp kỉ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-chau-au-nghi-gi-sau-ba-thap-nien-chu-nghia-cong-san-sup-do/5138427.html

Thủ tướng Anh gọi bầu cử vào ngày 12 tháng 12

để phá vỡ thế bế tắc Brexit

Tin từ Luân Đôn, Anh Quốc – Vào hôm thứ Năm (24/10), thủ tướng Boris Johnson kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 12 tháng 12 để phá vỡ thế bế tắc Brexit của Anh Quốc.
Lần đầu tiên, ông Johnson thừa nhận rằng ông sẽ không thể biến Brexit thành hiện thực cho kịp hạn chót vào tuần tới 31/10. Trrong một lá thư gửi lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn, ông Johnson cho biết ông sẽ cho quốc hội thêm thời gian để phê chuẩn thỏa thuận Brexit, nhưng các nhà lập pháp phải ủng hộ một cuộc bầu cử vào tháng 12. Đây là nỗ lực lần thứ ba của ông Johnson để kêu gọi bỏ phiếu đột xuất.
Ông Corbyn cho biết ông sẽ chờ xem EU quyết định gì về việc trì hoãn Brexit trước khi quyết định bầu cử vào hôm thứ Hai. Ông nhắc lại chỉ có thể ủng hộ một cuộc bầu cử khi nguy cơ ông Johnson đưa Anh Quốc ra khỏi EU mà không có thỏa thuận hoàn toàn hủy bỏ.
Với các đảng đối lập khác từ chối lời đề nghị bầu cử, nỗ lực mới nhất của ông Johnson để thay thế một quốc hội nhiều lần gây trở ngại cho ông đang ngày càng có ít khả năng thành công.
Khi chỉ một tuần trước khi Anh Quốc rời khỏi EU, khối này có vẻ sẽ bằng lòng cho ông Johnson trì hoãn Brexit. Ông từng nhiều lần tuyên bố rằng ông không muốn, nhưng lại bị quốc hội buộc phải trì hoãn. Ông Johnson xem một cuộc bầu cử là cách duy nhất để phá vỡ thế bế tắc đối với Brexit, sau khi quốc hội bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận của ông ở giai đoạn đầu tiên. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-anh-goi-bau-cu-vao-ngay-12-thang-12-de-pha-vo-the-be-tac-brexit/

Gia đình Việt lo lắng người nhà

BBC đã nói chuyện với gia đình ba người Việt hiện lo lắng có người thân của họ trong container trên chiếc xe tải định mệnh được tìm thấy ở Essex, Anh.
Gia đình một phụ nữ cho biết cô đã nhắn tin mình bị ngạt thở trước khi họ mất liên lạc với cô.
Phạm Trà My, 26 tuổi, gửi tin nhắn cho gia đình đêm thứ Ba, sau đó gia đình chưa liên hệ được với cô. Gia đình cô cho biết họ đã trả 30.000 bảng cho nhóm buôn người đưa cô sang Anh.
Hai gia đình khác liên hệ với BBC có người nhà là một người đàn ông 26 tuổi và một phụ nữ 19 tuổi.
39 xác người trong xe tải ở Anh ‘là công dân TQ’
Phát hiện 39 thi thể trong xe thùng ở Anh Quốc
Cảnh sát vừa bắt hai người bị tình nghi đã ngộ sát 39 người được tìm thấy trong chiếc xe chở container đông lạnh.
Hai người, một nam và một nữ, đều 38 tuổi, từ thành phố Warrington, hạt Cheshire, cũng bị nghi vấn phạm tội buôn người.
Các thám tử vẫn đang tiếp tục tra hỏi tài xế xe tải.
Công tác giảo nghiệm tử thi sẽ sớm được tiến hành đối với một số trong 39 nạn nhân tử vong được tìm thấy trong chiếc xe tải ở Essex, Anh Quốc.
Thi thể 39 nạn nhân đã được phát hiện trong một xe tải chở đồ đông lạnh
Mười một thi thể đã được xe cứu thương đưa từ Cảng Tilbury tới Bệnh viện Broomfield, Chelmsford (nằm cách trung tâm London chừng 50km về phía đông bắc) vào tối hôm thứ Năm.
Cảnh sát tin rằng tám phụ nữ và 31 đàn ông trong chiếc xe chở đồ đông lạnh là người Trung Quốc, tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói hiện chưa thể xác nhận được quốc tịch của các nạn nhân.
Các nhân viên điều tra cũng đã được gia hạn thời gian tạm giữ tài xế xe tải Mo Robinson, 25 tuổi, bị tình nghi tội giết người.
Chiếc xe cứu thương tư mang theo các thi thể đã rời cảng vào lúc 19:41 giờ địa phương, với sự hộ tống của cảnh sát.
Phát ngôn nhân cảnh sát vùng Essex nói việc đưa toàn bộ các nạn nhân ra sẽ cần có thêm thời gian, và mối quan tâm chính của giới chức là chú trọng đảm bảo sự chỉn chu cho các thi thể.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, nói ông đã cử một nhóm tới Essex để giúp cảnh sát xác minh danh tính các nạn nhân. Ông nói thêm rằng vào lúc này, chưa thể khẳng xác nhận quốc tịch của họ.
Lo lắng từ cộng đồng người Việt
Trong lúc truyền thông và thông tin từ cảnh sát đến nay vẫn nói các nạn nhân là công dân Trung Quốc, thì trong cộng đồng người Việt tại Anh hiện đang có nỗi lo sợ rằng có thể có người Việt trong vụ việc bi thảm này.
Một số người nói rằng từ vài ngày nay, các thân nhân, cả ở Việt Nam và ở Anh, đã mất liên lạc với người nhà, là những người đang ở châu Âu và có ý định vào Anh.
Một số người tin rằng cách thức đi từ Bỉ hoặc Pháp vào Anh theo cách chui vào xe tải theo nhóm đông thường là cách làm của các di dân người Việt.
Ba ngôi nhà ở Bắc Ireland đã bị bố ráp, và Cơ quan Điều tra Tội phạm Quốc gia đang làm việc nhằm xác định xem có “các nhóm tội phạm có tổ chức” liên quan tới vụ này hay không.
Cảnh sát tin rằng phần đầu kéo của chiếc xe đã vào Anh qua ngả Holyhead ở bắc xứ Wales hôm Chủ Nhật, đi từ Dublin tới.
Phần chở hàng thì tới Purfleet on the River Thames của Anh từ vùng Zeebrugge của Bỉ vào 0:30 hôm thứ Tư, giờ địa phương.
Chiếc xe tải và phần chở hàng rời cảng Purfleet ngay sau đó lúc 1:05 cùng ngày.
Đại sứ quán Trung Quốc đã cử một nhóm do tham tán công sứ phụ trách các vấn đề lãnh sự tới Essex, Anh Quốc. Họ đã gặp cảnh sát địa phương, và cảnh sát nói họ đang xác minh danh tính 39 người tử vong, những người hiện chưa xác định được quốc tịchLưu Hiểu Minh, Đại sứ TQ tại London
Các nhân viên cấp cứu phát hiện ra các thi thể trong container ở Khu Công nghiệp Waterglade tại Grays sau đó chừng 30 phút, ngay sau 1:30.
Bác sỹ Richard Shepherd, một trong những nhà nghiên cứu bệnh học và giảo nghiệm hàng đầu của Anh, nói rằng việc xét nghiệm tử thi đối với 39 nạn nhân sẽ là một “tiến trình rất chậm, có tổ chức”.
“Đây là việc xét nghiệm tỉ mỉ, bắt đầu từ việc xem xét bên ngoài,” ông nói.
“Họ mặc quần áo gì? Có mang đồ trang sức nào giúp nhận dạng được họ không? Có mang theo bất kỳ giấy tờ gì không? Có cuốn hộ chiếu nào không?”
Bác sỹ Shepherd nói công tác nghiên cứu bệnh học cũng sẽ tìm kiếm manh mối về việc các nạn nhân đã vào thùng lạnh như thế nào.
“Những người này có bị hành hạ không? Họ có bị tấn công tình dục không? Họ có bị đánh đập, bị cưỡng bức phải vào hay không?”
Cảnh sát Essex nói các nạn nhân đều “được cho là công dân Trung Quốc”.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu, viết trên Twitter: “Đại sứ quán Trung Quốc đã cử một nhóm do tham tán công sứ phụ trách các vấn đề lãnh sự tới Essex, Anh Quốc. Họ đã gặp cảnh sát địa phương, và cảnh sát nói họ đang xác minh danh tính 39 người tử vong, những người hiện chưa xác định được quốc tịch.”
Công ty Global Trailer Rentals Ltd xác nhận với RTE News rằng họ sở hữu phần chở hàng và đã cho thuê phần này kể từ hôm 15/10.
Công ty này nói họ đã trao thông tin chi tiết cho Cảnh sát Essex về người và công ty mà họ cho thuê xe.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50159355

Pháp : Tổng thống Macron

lắng nghe những bất bình của đảo Réunion

Tú Anh
Tổng thống Pháp hôm nay 25/10/2019 kết thúc bốn ngày thăm viếng đảo Réunion, chặng thứ hai và cũng là chặng cuối trong vòng kinh lý lãnh thổ của Pháp tại Ấn Độ Dương. Trong các cuộc tiếp xúc với dân địa phương, chủ nhân Điện Elysée loan báo nhiều biện pháp trợ giúp, sau khi lắng nghe trực tiếp những bất bình về tình trạng thu nhập thấp và nạn thất nghiệp.
Theo đặc phái viên RFI, trong hai ngày cuối cùng 24 và 25 tháng 10, tổng thống Macron bị nhiều người dân chất vấn không khoan nhượng.
Tuy nhiên, tổng thống Pháp dường như đã tiên liệu trước nên luôn luôn chú tâm lắng nghe với tâm trạng của một nhà chính trị không tránh né khó khăn. Ông khẳng định không đến Réunion để kiếm phiếu mà để cùng người dân, nhất là giới trẻ mà tổng thống Macron khen ngợi là « can đảm và có tinh thần trách nhiệm », chuyển đổi bất bình thành năng lượng kiến tạo.
Trong lãnh vực giáo dục, dạy nghề và tạo công ăn việc làm, tổng thống Pháp thống báo một loạt biện pháp tài chính hàng trăm triệu euro, trợ giúp công ty tuyển dụng nhân viên. Biện pháp mới là cho phép người thất nghiệp đang lãnh trợ cấp có thể đi làm thêm để cải thiện thu nhập.
Để có thể biết rõ thực tế, Emmanuel Macron thường bất ngờ tới thăm những nơi không có trong chương trình, như một khu dân cư bị bỏ rơi trong nhiều năm vừa được canh tân. Đó là cơ hội bằng vàng để những người cảm thấy thua thiệt đòi tổng thống « thanh toán » lời hứa lúc vận động tranh cử cách đây hơn hai năm.
Trước khi trở về Paris, tổng thống Pháp đi thăm một nông trại và tham dự thảo luận bàn tròn với nông dân. Một kết quả thăm dò ý kiến được công bố sáng nay không mấy khích lệ : chủ nhân điện Elysée bị mất 7 điểm uy tín so với kết quả tháng 04/2018. Hai phần ba người hỏi ý kiến, 65% tỏ ra bất bình, 35% hài lòng.
http://vi.rfi.fr/phap/20191025-phap-tong-thong-macron-lang-nghe-bat-binh-cua-dao-reunion

Syrie : Ankara và Damas đấu khẩu

tại Hội Đồng Bảo An

Tú Anh
Washington thông báo sẽ tăng cường quân sự, hợp tác với lực lượng Dân Chủ Kurdisatan-Syria FDS để bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria. Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 24/10/2019, đại sứ của Damas lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược.
Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho 300.000 thường dân Kurdistan đi lánh nạn. Tình trạng nạn nhân chiến cuộc được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An ngày thứ Năm. Đại diện Syria và Thổ Nhĩ Kỳ làm bầu không khí căng thẳng.
Từ NewYork, thông tín viên Carrie Nooten tường thuật:
Lần đầu tiên tại Hội Đồng Bảo An, các thành viên dường như đồng thuận với nhau trên hồ sơ Syria : cần phải có một hành lang nhân đạo an toàn ở vùng biên giới bắc Syria. Tất cả thành viên, kể cả nước Nga, tỏ ra hài lòng thấy được bước đầu của một giải pháp chính trị : Hội đồng (soạn thảo) Hiến pháp Syria sẽ họp trong vài ngày nữa đây tại Genève.
Thế rồi, khi cuộc họp của Hội Đồng Bảo An đến những giờ cuối thì bầu không khí trở nên căng thẳng : Đại diện của Syria cực lực lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và kêu gọi mọi lực lượng ngoại nhập bất hợp pháp phải rút khỏi Syria. Đáp lại lời công kích này, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định, đối với Ankara, « mục tiêu đích thực » của chiến dịch quân sự « Nguồn hòa bình » là để « tiêu diệt khủng bố » mà thôi, và không có ý đồ gây hấn với Damas.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhân cơ hội phát biểu để công kích các nước Tây phương đang lo âu về viễn ảnh thánh chiến Hồi giáo trốn thoát : Ankara cam kết sẽ giam giữ nghiêm ngặt các chiến binh Daech bị lực lượng Kurdistan-Syria bắt được và canh giữ trong thời gian qua, nhưng giải pháp hay nhất vẫn là đem các chiến binh Hồi giáo này về quê hương gốc.
Mỹ tăng quân tại Syria
Một viên chức bộ Quốc Phòng Mỹ tiết lộ sẽ tăng cường quân sự cùng với lực lượng Dân Chủ Kurdisatan-Syria FDS, bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria, chống khủng bố Daech. Diễn biến mới này chứng tỏ Hoa Kỳ không có ý định rút khỏi Syria. Trái lại, các đơn vị còn ở lại sẽ được tăng viện « ngăn chận Daech và những phần tử gây rối » đánh phá trung tâm dầu khí. Theo AFP, hiện nay vẫn còn 200 binh sĩ Mỹ ở Deir Ezzor, miền đông Syria, gần biên giới Irak, nơi có khu mỏ dầu lớn nhất của Syria.
Trên thực địa, Tổ Chức Nhân Quyền Syria, một cơ quan phi chính phủ có mạng lưới quan sát đáng tin cậy cho biết thêm là lực lượng FDS đã rời một số căn cứ ở miền đông, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trái lại, nhiều đơn vị YPG, dân quân bảo vệ dân nhân Kurdistan mà Ankara xem là khủng bố, vẫn tiếp tục bám trụ dọc theo 440 km chiều dài biên giới.
Theo AFP, tuy lên án Mỹ phản bội, nhưng phe Kurdistan ở Syria vẫn giữ quan hệ tốt với Washington và phương Tây. Đại diện của FDS, ông Mazloum Abdi tuyên bố ủng hộ một đề xuất của bộ trưởng Quốc Phòng Đức, thành lập một vùng an toàn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở miền bắc Syria, một sáng kiến rất khó thực hiện vì Nga sẽ dùng quyền phủ quyết. Quân đội Nga hôm nay loan báo đưa thêm 300 biệt kích từ Tchetchenia sang vùng biên giới Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191025-syrie-ankara-va-damas-dau-khau-tai-hoi-dong-bao-an

Bắc Hàn muốn phá bỏ

những công trình “tư bản chủ nghĩa”

của Nam Hàn ở khu nghỉ mát núi Kim Cương

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Thêm một hành động cho thấy Bắc Hàn đang đẩy lùi những cố gắng cải thiện với Nam Hàn. Vào hôm thứ Sáu (25/10), chính quyền Bắc Hàn thông báo cho Seoul rằng họ muốn phá bỏ những công trình do phía Nam Hàn xây dựng tại khu nghỉ mát Núi Kim Cương của Bắc Hàn, là một biểu tượng hợp tác quan trọng giữa hai miền Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho rằng những công trình này là “xấu xí” và “tư bản chủ nghĩa”.
Trước đó, vào hôm thứ Tư (23/10),  chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tuyên bố rằng các cơ sở “lạc hậu” và “hổ lốn” này của Nam Hàn tại khu nghỉ mát phải được gỡ bỏ, và xây dựng lại theo cách mới. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ giữa hai bên đã lạnh nhạt hơn.
Theo Reuters, vào sáng hôm thứ Sáu (25/10), Bộ Thống nhất của Nam Hàn cho biết đã yêu cầu Bắc Hàn thảo luận về vấn đề này bằng văn bản. Bộ Thống nhất cho biết chính phủ sẽ tham khảo ý kiến với các cơ quan liên quan. Bộ sẽ cố gắng bảo vệ các tài sản của Nam Hàn, và vẫn cố gắng giữ mối quan hệ giữa hai miền.
Những nỗ lực của tổng thống Nam Hàn và cả tổng thống Trump trong việc tìm cách hòa giải quan hệ với Bắc Hàn đang ngày càng khó khăn. Trước đây, sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất, tổng thống Trump tuyên bố rằng mình xứng đáng được giải Nobel Hoà Bình cho cuộc gặp này (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bac-han-muon-pha-bo-nhung-cong-trinh-tu-ban-chu-nghia-cua-nam-han-o-khu-nghi-mat-nui-kim-cuong/

Đài Loan nhận thư

chấp thuận bán tiêm kích F-16 từ Mỹ

Đài Loan vừa nhận được một bản thảo thư chấp nhận (LOA) bán 66 máy bay F-16V từ phía Mỹ, được coi như một hợp đồng giữa quân đội Mỹ với một khách hàng quân sự nước ngoài. Hãng tin CNA đưa tin từ Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết như vậy hôm 24/10.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, sau khi nhân được Sau khi nhận được bản thảo LOA, Đài Loan sẽ phải đánh giá thêm nhu cầu của quân đội nước mình trước khi ký LOA chính thức và gửi lại cho Hoa Kỳ để hoàn tất thỏa thuận.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, nước này sẽ kiểm tra các chi tiết như giá cả, thiết bị quân sự và các mặt hàng khác và sẽ thảo luận về đề nghị với Hoa Kỳ trước khi ký LOA chính thức.
Vào tháng 9, Cơ quan lập pháp của Đài Loan đã phê duyệt dự thảo luật cho phép chính phủ dùng ngân sách đặc biệt lên tới 250 tỷ Đài tệ, tương đương 8,17 tỷ USD, để mua 66 máy bay chiến đấu F-16Vs.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, nước này hy vọng sẽ nhận được 66 máy bay chiến đấu vừa nói từ năm 2023 đến 2026.
Các máy bay F-16V dự kiến ​​sẽ được triển khai tại căn cứ không quân Zih-Hang ở hạt Taitung và Không quân Đài Loan có kế hoạch thành lập một lực lượng chiến đấu lên tới 1.000 binh sĩ.
Vào năm 2016, Không quân Đài Loan đã công bố một chương trình trị giá 110 tỷ Đài tệ để nâng cấp đội máy bay gồm 142 chiếc F-16 A/B hiện có lên các máy bay có cùng thông số kỹ thuật như F-16V. Dự kiến ​​chương trình sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và yêu cầu các nước tôn trọng nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’. Trong khi thừa nhận nguyên tắc này, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ và nâng cấp khả năng phòng thủ cho Đài Loan bằng Đạo luật quan hệ với Đài Loan năm 1979.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 8 vừa qua đã lên tiếng phản đối việc Mỹ muốn bán các máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan, cho rằng Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một nước Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/taiwan-receives-letter-from-us-offering-sale-of-f-16s-10252019074531.html

Diễn biến tình hình eo biển Đài Loan trong năm 2019:

Căng thẳng leo thang

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Trung Quốc liên tục có các động thái gây sức ép nhằm tìm cách thống nhất vơi Đài Loan. Trong khi đó, để bảo vệ Đài Loan, Mỹ và nhiều nước đồng minh liên tục gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực.
Trung Quốc gia tăng sức ép, tìm cách thống nhất với Đài Loan
Phát biểu tại buổi tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc công bố “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (1/2019) ca ngợi những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển quan hệ hai bờ eo biển sau 70 năm, nhấn mạnh Trung Quốc phải thống nhất và Đài Loan sẽ không vắng mặt trong tiến trình “phục hưng dân tộc Trung Hoa”, đồng thời khẳng định Trung Quốc thực hiện thống nhất sẽ mang lại cơ hội phát triển nhiều hơn cho các nước trên thế giới. Ông Tập Cận Bình cho rằng xuất phát từ xu thế lớn lịch sử, đại nghĩa dân tộc và mong muốn của người dân, đề xuất 5 chủ trương chính sách, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc, thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; tìm kiếm phương án Đài Loan “một nước hai chế độ”, làm phong phú thực tiễn thống nhất hòa bình; kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc, giữ gìn triển vọng thống nhất hòa bình; sâu sắc sự phát triển hội nhập giữa hai bờ, củng cố nền tảng thống nhất hòa bình; thực hiện gắn kết tâm tư nguyện vọng của nhân dân hai bờ, tăng cường sự đồng thuận đối với thống nhất hòa bình.
Không những vậy, Trung Quốc còn tìm cách sử dụng tiền tệ để lôi kéo các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhằm từng bước cô lập Đài Bắc trên diễn đàn quốc tế. Chí tính riêng trong Tháng 9/2019, Đài Loan liên tục mất 2 đồng minh lâu năm vì Trung Quốc. Theo đó, Quốc đảo Solomon và Kiribati tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (21/9) cho biết, “hiện chỉ còn một vài quốc gia chưa thiết lập quan hệ ngoại giao cùng Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng tại những quốc gia này sẽ ngày càng nhiều người có tầm nhìn. Đây là những người sẽ đứng ra và cất lời kêu gọi công lý hợp lẽ với tiến trình lịch sử”; đồng thời lồng ghép cảnh báo Đài Loan rằng “Trung Quốc phải và sẽ được thống nhất. Về mặt thực tế và pháp lí, đảo Đài Loan đã và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Tư cách này sẽ không thay đổi và không thể thay đổi”. Trong khi đó Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã chỉ trích Bắc Kinh đang cố tình “đàn áp và giảm sự hiện diện trên trường quốc tế của Đài Loan”; cho rằng “Trung Quốc đã dụ dỗ Kiribati thay đổi quan hệ ngoại giao bằng những lời hứa đầu tư và viện trợ”. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016 đến nay, trong khoảng thời gian 3 năm 4 tháng, bảy quốc gia đồng minh đã quyết định chấm dứt quan hệ với Đài Loan, hơn nữa đây là đều là những quốc gia có dân số lớn nhất và chiếm vị trí chiến lược quan trọng nhất trong khối đồng minh của Đài Loan.
Đáng chú ý, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc (24/7) đã công bố Sách trắng quốc phòng mang tên Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới. Trong văn bản này, Bắc Kinh mô tả lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập” và các hoạt động của nhóm này luôn là mối đe dọa thực sự lớn nhất đối với hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan và là trở ngại lớn nhất cho quá trình thống nhất của Trung Quốc. Sách Trắng cho rằng: Tình hình cuộc đấu tranh chống ly khai ngày càng nghiêm trọng. Chính quyền đảng Dân Tiến ngoan cố kiên quyết duy trì lập trường ly khai “Đài Loan độc lập”, từ chối công nhận “Đồng thuận 1992” – phản ánh nguyên tắc một Trung Quốc và đẩy mạnh việc thực thi “từ bỏ Trung Quốc hóa”, “tiến dần tới Đài Loan độc lập”… tăng cường sự đối đầu thù địch, dựa vào thế lực bên ngoài để đề cao bản thân và ngày càng tiến xa hơn nữa trên con đường chia rẽ. Lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập” và các hoạt động của họ luôn là mối đe dọa thực sự lớn nhất đối với hòa bình, ổn định của eo biển Đài Loan và là trở ngại lớn nhất cho sự thống nhất hòa bình của tổ quốc. Văn bản cũng tuyên bố, giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn quốc gia là lợi ích cơ bản của dân tộc Trung Hoa và là yêu cầu tất yếu để hiện thực hóa sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc duy trì phương châm “hòa bình thống nhất, một quốc gia hai chế độ, thúc đẩy sự phát triển hòa bình của quan hệ hai bờ eo biển, thúc đẩy quá trình thống nhất hòa bình của Trung Quốc, kiên quyết phản đối mọi ý đồ và hành động nhằm chia rẽ Trung Quốc và kiên quyết phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của thế lực nước ngoài. Trung Quốc phải được thống nhất và đương nhiên phải được thống nhất”. Văn bản này cũng nhấn mạnh, “nếu có người muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không tiếc mọi giá, kiên quyết đánh bại, bảo vệ sự thống nhất quốc gia”.
Phản ứng cứng rắn của Đài Loan
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (5/1) cho biết bà hy vọng mọi đảng phái ở Đài Loan sẽ công khai bác bỏ giải pháp “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đề nghị cho Đài Loan; nhấn mạnh mọi đối thoại giữa hai phía phải diễn ra giữa chính phủ của hai bên và Đài Loan không phản đối đối thoại nhưng Bắc Kinh phải “đi về dân chủ, bảo vệ nhân quyền và từ bỏ sử dụng vũ lực với Đài Bắc”. Trước đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng bác bỏ ý tưởng này của ông Tập Cận Bình khi tuyên bố: “Là nhà lãnh đạo của Đài Loan, tôi chính thức tuyên bố rằng chúng tôi không bao giờ chấp nhận “Đồng thuận 1992” vì lo ngại rằng văn bản được gọi là đồng thuận do chính quyền Bắc Kinh quy định này chỉ mang ý nghĩa “một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ”. Những gì ông Tập Cận Bình nói hôm nay đã xác nhận những lo ngại của chúng tôi và tôi phải khẳng định rằng Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Phần lớn dư luận Đài Loan cũng phản đối điều này”. Bà Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc đại lục, nhưng chỉ với tư cách là chính quyền dân chủ. Ngoài ra, bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào giữa hai bờ eo biển phải được trao quyền cũng như giám sát bởi cơ quan lập pháp và tiến hành dưới hình thức hai chính quyền với nhau. “Không cá nhân hay tổ chức nào có thể đại diện cho công chúng Đài Loan trong các cuộc đối thoại chính trị” với Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn nói. Đây được xem là sự quay lưng rõ ràng của nhà lãnh đạo Đài Loan đối với đề xuất thống nhất của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) do bà
Thái Anh Văn làm đại diện đã kiểm soát cơ quan lập pháp và kịch liệt phản đối các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Bà Thái Anh Văn cũng chỉ trích mạnh mẽ việc ông Tập mời các đảng, nhóm và cá nhân chính trị từ Đài Loan tham gia đàm phán về các vấn đề chính trị xuyên eo biển. Bà nói rằng trong một nền dân chủ, tất cả các cuộc đàm phán chính trị liên quan đến quan hệ qua eo biển đều cần có sự ủy nhiệm của người dân và phải được giám sát công khai. Bà Thái cũng một lần nữa nhắc lại đề nghị về 4 vấn đề trong mối quan hệ xuyên eo biển: Trung Quốc phải công nhận sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (tên gọi tự xưng của Đài Loan), tôn trọng nền dân chủ và tự do của 23 triệu người Đài Loan, giải quyết sự khác biệt một cách hòa bình và công bằng, tham gia vào các cuộc đàm phán với chính phủ Đài Loan hoặc một tổ chức có sự ủy nhiệm từ chính phủ Đài Loan.
Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cáo buộc ông Tập đang ép buộc nguyên tắc “Một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan bất chấp sự phản đối của Đài Loan. Người phát ngôn đảng Dân Tiến (DPP) Hà Mạnh Hoa phản đối việc Chủ tịch Tập dựa nguyên tắc “một Trung Quốc” để diễn giải hai bờ cùng thuộc một nước, cáo buộc nguyên tắc này nhằm mục đích xóa sổ Đài Loan rồi đưa hòn đảo này đặt dưới sự cai trị của Bắc Kinh theo kiểu “một quốc gia, hai chế độ”.
Đáng chú ý, để đề phòng trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, trong năm 2019, Đài Loan đã có nhiều động thái nhằm tăng cường sức mạnh quân sự. Đầu tiên, tăng ngân sách quốc phòng. Chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (15/8) tuyên bố Đài Bắc sẽ tăng chi tiêu ngân sách quân sự cao kỷ lục trong vòng hơn một thập niên qua, nhằm đối phó mối đe dọa của quân thù và đảm bảo an ninh. Theo văn phòng thống kế Đài Loan, lãnh đạo Thái Anh Văn đã ký thông qua quyết định tăng 8,3% ngân sách quân sự trong năm nay lên đến 411,3 Đài tệ (304.763 tỉ đồng). Nếu các nghị viên Đài Loan bỏ phiếu thông qua thì đây là mức tăng chi tiêu quân sự cao nhất kể từ năm 2008, giữa bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang với Trung Quốc, vốn vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại bỏ giải pháp sử dụng vũ lực để thâu tóm hòn đảo tự trị này. Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Bộ Quốc phòng Đài Loan) cho biết, “để đối phó mối đe dọa của quân thù và đảm bảo an ninh, ngân sách quân sự phải luôn được tăng dần”, đồng thời tuyên bố tập trung tăng chi tiêu quân sự mua các vũ khí tối tân của nước ngoài. Thứ hai, Quốc hội Mỹ (8/7) đã được thông báo về việc Bộ Ngoại giao chấp thuận việc bán cho Đài Loan 108 xe tăng Abrams M1A2T và những thiết bị liên quan, cùng với 250 tên lửa Stinger. Hợp đồng mua bán những chiếc xe tăng có trị giá lên tới 2 tỷ USD trong khi giá trị của 250 tên lửa đất đối không Stinger được ước tính vào khoảng 223 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ cũng thông qua thương vụ bán 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16V trị giá 8 tỉ USD cho Đài Bắc. Trước đó, bất chấp phản đối của chính quyền Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý thông qua 2 thỏa thuận vũ khí với Đài Loan trong vòng chưa đầy 18 tháng. Hai thỏa thuận lần lượt được thông qua vào tháng 6/2017 và tháng 9/2018 với giá trị là 1,4 tỷ USD và 330 triệu USD. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu phòng vệ của Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo này theo đúng quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan; nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục làm vậy nhằm hỗ trợ an ninh cho hòn đảo và bảo vệ hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan. Thứ ba, liên tục đưa ra các kế hoạch mua sắm trang thiết bị quốc phòng hiện đại để đề phòng khả năng bị Trung Quốc tấn công bất ngờ. Theo thông tin trên, bà Thái Anh Văn muốn mua F-35 nhằm nâng cao năng lực tác chiến và phòng không để đối phó với các mối uy hiếp về an ninh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhận định của giới truyền thông và chuyên gia quốc tế, ít khả năng Mỹ sẽ đồng ý bán F-35 cho Đài Loan trong bối cảnh hiện nay. F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu hiện đại hàng đầu của Mỹ, có khả năng tàng hình, có thể thực hiện đa nhiệm vụ như: yểm trợ cận chiến (CAS), ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không. Không những vậy, Đài Loan được cho là đang lên kế hoạch mua hệ thống pháo phản lực đa nòng di động (còn gọi là pháo hỏa tiễn) M142 và pháo tự hành M109A6 Paladi. Hệ thống pháo phản lực đa nòng (M142 High Mobility Artillery Rocket System, HIMARS) cỡ nòng 227mm có tầm bắn lên tới 300 km. Do tầm bắn của loại vũ khí này có thể bao trùm khu vực ven biển Trung Quốc đại lục ở bờ đối diện. Đáng chú ý, M142 được truyền thông Đài Loan đánh giá giống như tên lửa chiến thuật. Do tầm bắn xa, nó có thể chi viện các hoạt động tác chiến phòng thủ Bắc Nam của quân đội Đài Loan và tấn công các mục tiêu đổ bộ của đối phương. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng quyết định mua hơn 100 khẩu pháo tự hành M109A6 của Mỹ với ngân sách khoảng 30 tỷ tệ Đài Loan. Loại pháo tự hành M109A6 được chọn mua vì tính cơ động cao và tốc độ di chuyển nhanh. Theo thông số kỹ thuật, pháo tự hành M109A6 cần 4 người thao tác, sự dụng lựu pháo cỡ nòng 155mm, súng máy hạng nặng Brawning M2, tầm bắn tối đa 30 km, tốc độ bắn tối đa 4 phát/phút trong 3 phút, tốc độ di chuyển tối đa 62 km/h (hành tiến trên đường).
Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng đã tiến hành các cuộc tập trận bắn tên lửa nhằm đáp trả động thái khiêu khích của Trung Quốc và thể hiện quyết tâm bảo vệ lãnh thổ Đài Bắc. Theo đó, các tiêm kích F-16 của Đài Loan bắn tổng cộng 117 tên lửa tầm trung và tầm xa trong hai ngày 29-30/7. Lee Chao Ming, phát ngôn viên cơ quan quốc phòng Đài Loan, cho biết tên lửa được phóng đi từ căn cứ quân sự Jiupeng vào vùng biển ngoài khơi phía Đông đảo Đài Loan. Các tên lửa đạt tầm bắn khoảng 250 km. Cuộc tập trận gồm 5 loại hình đào tạo khác nhau cho lực lượng quân sự đảo Đài Loan. Được biết, Đài Loan đang tập trung vào việc tăng cường năng lực tự vệ và thông qua việc xây dựng mạng lưới phòng không và phòng thủ bờ biển toàn diện để chống lại mối đe dọa quân sự từ đại lục. Theo nhận định của giới chuyên gia, tên lửa Đài Loan sử dụng vừa qua là tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon. AGM-84 Harpoon là vũ khí chống hạm phổ biến của Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Với đầu đạn có đương lượng nổ 221kg, tên lửaHarpoon có thể đánh chìm những chiến hạm hàng ngàn tấn. Được phát triển từ cuối thập niên 1970, qua nhiều lần nâng cấp, loại tên lửa chống hạm này là một trong những vũ khí diệt hạm nguy hiểm nhất hiện nay.
Mỹ và đồng minh liên tục đưa ra tuyên bố, hành động cụ thể ủng hộ Đài Loan
Trong năm 2019, Mỹ và một số nước đồng minh liên tục điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, cụ thể: (i) Hải quân Mỹ (24/1) đã điều 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Theo Reuters, hành động này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa hòn đảo tự trị này với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Hải quân Mỹ (28/4) tiếp tục điều 2 tàu khu trục đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Người phát ngôn Hạm đội 7 của quân đội Mỹ Clay Doss cho biết, Mỹ đã điều 2 tàu khu trục William P. Lawrence và Stethem đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời xác nhận không có tương tác không an toàn hoặc không chuyên nghiệp đối với các tàu của quốc gia khác trong quá trình di chuyển. Đây là lần thứ 2 Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan trong năm 2019. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Clay Doss (23/5) cho biết, Mỹ đã điều 02 tàu khu trục trang bị tên lửa đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở. Theo đó, Mỹ đã cử tàu khu trục USS Preble và tàu chở dầu USNS Walter S. Diehl đi qua eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Clay Doss cho biết không có sự tương tác thiếu an toàn và không chuyên nghiệp nào giữa hai tàu chiến Mỹ với tàu nước ngoài trong quá trình di chuyển qua eo Đài Loan. Hạm đội 7 của Mỹ (24-25/7) đã điều tàu chiến USS Antietam đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời khẳng định Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay và đưa tàu đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép.Mỹ (23/8) đã điều tàu vận tải đổ bộ USS Green Bay (LPD-20) tuần tra qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực.Người phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Trung tá Reann Mommsen cho biết, việc tàu USS Green Bay đi qua eo biển Đài Loan là nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong khi đó, Cơ quan phòng vệ Đài Loan ra tuyên bố cho biết họ giám sát chặt chẽ tình hình trên eo biển, nhưng không đề cập trực tiếp đến tàu chiến Mỹ. (ii) Tàu hộ vệ HMCS Ottawa của Canada (10/9) đã di chuyển qua eo biển Đài Loan nhằm thực thi quyền tự do hàng hải và thể hiện cam kết ủng hộ Mỹ cũng như Đài Loan. Trong quá trình di chuyến từ cảng Pyeongtaek của Hàn Quốc đến Thái Lan, tàu hộ vệ HMCS Ottawa đã đi qua eo biển Đài Loan. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, trong quá trình di chuyển ở vùng biển này, tàu HMCS Ottawa đã kích hoạt hệ thống nhận dạng tự động nhằm đảm bảo không bị ngăn cản trong quá trình di chuyển. Trước đó, Hải quân Hoàng gia Canada đã 2 lần điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan, cũng như Biển Đông. Ngày 18/6, Hải quân Hoàng gia Canada đã điều tàu khu trục Regina (FFH 334) tuần tra qua vùng eo biển Đài Loan trước khi đi vào vùng biển Hoa Đông. Theo đó, tàu chiến của Canada tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở khu vực eo biển Đài Loan trước khi tiến ra Biển Hoa Đông để tham gia sứ mệnh giám sát các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Ngày 6/2, Canada đã điều tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix tham gia các hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Ba tàu đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng. Tàu Regina và Asterix tiếp tục chuyến hành trình dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông. Chuẩn đô đốc Bob Auchterlonie, Tư lệnh hải quân Canada tại Thái Bình Dương cho biết, trong đợt triển khai lần này, tàu Regina đã đi qua một số vùng biển đang có tranh chấp bao gồm Biển Đông. (iii) Ngoài ra, Hải quân Pháp (6/4) cũng đã điều tàu Vendemiaire thực hiện hành trình đi qua eo biển Đài Loan.
Không những vậy, Mỹ còn đưa ra các tuyên bố ủng hộ Đài Loan chống lại việc Trung Quốc lôi kéo, cô lập trên diễn đàn quốc tế. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc Trung Quốc lôi kéo các đồng minh của Đài Loan chuyển sang công nhận Bắc Kinh có hại đối sự ổn định khu vực. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, “chiến dịch tích cực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở hai bên eo biển, bao gồm cả việc lôi kéo các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, là có hại và làm xói mòn sự ổn định khu vực”; đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc đang hủy hoại khuôn khổ giúp duy trì hòa bình, ổn định và phát triển suốt nhiều thập kỷ”. Theo phát ngôn viên này, các quốc gia thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc chủ yếu với mong muốn kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, thường rồi sẽ nhận thấy đây là một “bước đi tồi tệ”. Cùng quan điểm trên, Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo các nước cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhằm thay đổi hiện trạng hai bờ eo biển, cho rằng động thái này “gây tổn hại và làm suy yếu sự ổn định khu vực”. Trong khi đó, một quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Mỹ cảnh báo Quần đảo Solomon sẽ phải “gánh chịu hậu quả” với quyết định cắt quan hệ với Đài Loan.
Ngoài ra, về quân sự, Mỹ (20/8) thông báo đã phê chuẩn bản hợp đồng bán 66 chiếc tiêm kích F-16V, 75 động cơ và trang thiết bị đi kèm trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan. Đây cũng chính là bản hợp đồng có trị giá lớn nhất của Đài Loan trong hơn một thập kỷ qua. Ngay lập tức, Trung Quốc đã lên án việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, coi đây là một động thái làm tăng sự thù địch giữa hai quốc gia, đồng thời yêu cầu Mỹ hủy bỏ hợp đồng.
Trung Quốc cay cú vì Mỹ ủng hộ, hỗ trợ Đài Loan
Về ngoại gia, Trung Quốc lên án hành động của Mỹ, đồng thời cảnh cáo Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp, bao gồm biện pháp quân sự để ngăn chặn Đài Loan độc lập và đáp trả thế lực bên ngoài can thiệp vào tình hình Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (24/7) cảnh báo sẵn sàng chiến tranh nếu có bất kỳ động thái nào liên quan đến độc lập Đài Loan, cáo buộc Mỹ phá hoại sự ổn định toàn cầu và chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo này. Ông Ngô Khiêm tuyên bố: “Chúng tôi phải dứt khoát chỉ ra rằng việc tìm kiếm độc lập cho Đài Loan là chuyện không thể. Nếu có những người dám cố tình chia cắt Đài Loan khỏi đất nước, quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.
Về quân sự, Trung Quốc điều máy bay chiến đấu Su-30 tập trận gần eo biển Đài Loan; triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20, hiện đại nhất của Trung Quốc cho Quân khu Miền Đông. Không những vậy, Trung Quốc cũng điều máy bay không người lái do thám Tường Long tiên tiến của Trung Quốc theo dõi tuần dương hạm Mỹ USS Antietam khi tàu này đi ngang qua eo biển Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều các tiêm kích J-11 và Su-30 bám sát tàu USS Antietam khi đi qua eo biển Đài Loan. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc được nói là đã cử chiến đấu cơ đi giám sát một chuyến đi ngang eo biển Đài Loan của tàu chiến Mỹ vào ban đêm.
Xu hương căng thẳng tiếp diễn
Trước tình hình ấy, một số chuyên gia an ninh đã bày tỏ quan ngại rằng trong vài năm tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ “ra tay”với Đài Loan và kéo Mỹ vào cuộc xung đột trên đảo tự trị này. Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/2018) đã cảnh báo “lợi ích căn bản” của Trung Quốc là đạt được “thống nhất toàn bộ” đất nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (5/4), ông Thôi nhấn mạnh “không ai có thể ngăn chặn cuộc tái thống nhất của Trung Quốc” và Bắc Kinh sẽ dùng mọi phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu này, đồng thời phản đối Mỹ bán thêm vũ khí cho Đài Loan. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8 đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng, Đài Loan và Biển Đông liên quan đến “sự toàn vẹn lãnh th” của Trung Quốc. Ông Ngụy Phụng Hòa ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc vẫn là nước lớn duy nhất trên thế giới chưa thống nhất lãnh thổ, quân đội Trung Quốc luôn luôn khắc cốt ghi tâm: lãnh thổ thiêng liêng của tổ tông để lại một tấc cũng không được để mất, cái gì của người khác một mẩu cũng không cần. Các đảo ở Biển Đông từ xưa tới nay là lãnh thổ Trung Quốc, do tổ tông để lại, một tấc cũng không để mất. Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông là thực hiện chủ quyền và quyền tự vệ quốc gia, không liên quan gì đến quân sự hóa. Trung Quốc phản đối các quốc gia ngoài khu vực viện cớ bảo vệ tự do hàng hải để đến Biển Đông diễu võ giương oai, khiêu khích và làm tăng căng thẳng trong khu vực. Về chính sách quốc phòng, Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự một cách phù hợp, để bảo vệ hòa bình và an ninh cho nhân dân lao động, xưa nay chưa từng uy hiếp quốc gia nào. Dù phát triển đến đâu đi nữa, Trung Quốc quyết vĩnh viễn không xưng hùng xưng bá, vĩnh viễn không chạy đua vũ trang.
Nhìn chung, Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”.
http://biendong.net/bien-dong/31106-dien-bien-tinh-hinh-eo-bien-dai-loan-trong-nam-2019-cang-thang-leo-thang.html

Hồng Kông :

Biểu tình ủng hộ phong trào ly khai Catalunya

Tú Anh
Hồng Kông, nơi mà phong trào dân chủ tổ chức các cuộc xuống đường chống Trung Quốc mỗi tuần.
Từ nay, một số người dân Hồng Kông cho là họ có nhiều điểm tương đồng với chủ trương đòi độc lập của người dân Catalunya chống chính quyền Madrid. Một chi tiết đáng được chú ý : cuộc biểu tình ngày hôm qua được chính quyền Hồng Kông cho phép.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy thu thập một số ý kiến :
« Catalunya-Hồng Kông cùng mục tiêu tranh đấu » : đó là động cơ thúc đẩy hàng ngàn người dân Hồng Kông tập họp tại công viên Charter Garden vào chiều thứ Năm để biểu dương tình liên đới với phong trào biểu tình ở Catalunya.
Martin, một kỹ sư 31 tuổi, vừa từ Barcelona trở về, giải thích những điểm tương đồng trong hai phong trào tranh đấu.
« Tôi nghĩ rằng hai bên đối mặt với cùng một vấn đề : cảnh sát đàn áp thô bạo, quyền tự do phát biểu bị ngăn cấm, các lãnh tụ chính trị bị giam cầm không khác chi tình trạng của chúng tôi ở Hồng Kông, những đại biểu dân cử không ủng hộ Trung Quốc bị tước quy chế nghị viên ».
Tuy nhiên, ủng hộ Catalunya có rủi ro tạo cơ hội cho chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh cáo buộc phong trào dân chủ có ý đồ đòi độc lập.
Martin cho biết có dự kiến đến tình huống này nhưng anh khẳng định : tự do ngôn luận là tự do ngôn luận, nơi nào cũng cùng giá trị. Vì nghĩ rằng tỏ tình liên đới, tương trợ với Catalunya là đúng nên chúng tôi đến. Người nào không thích thì không đến.
Cuộc biểu tình ngày hôm qua được cho phép, một điều ngày càng hiếm hoi tại Hồng Kông.
Cuối cùng mọi người giải tán trong tiếng nhạc và trong không có xung đột với cảnh sát.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191025-hong-kong-bieu-tinh-ung-ho-phong-trao-ly-khai-catalunya

Trung Quốc lên án Châu Âu

vì trao giải nhân quyền cho một học giả Uighur

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/10 lên án Quốc hội Châu Âu vì trao giải thưởng nhân quyền Sakharov cho một học giả người Uighur đang phải chịu án tù chung thân.
Học giả Ilham Tohti, người từng là một giáo sư kinh tế, được công bố nhận giải Sakharov hôm 24/10.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 25/10 lên tiếng tại họp báo ở Bắc Kinh rằng việc trao giải cho ông Tohti là một vấn đề, đồng thời gọi vị học giả này là một kẻ khủng bố.
Tôi hy vọng Châu Âu có thể tôn trọng chuyện nội bộ của Trung Quốc và chủ quyền tư pháp của Trung Quốc, tránh ca ngợi một kẻ khủng bố”, bà Hoa Xuân Oánh nói.
Ông Tohti bị Bắc Kinh kết tội chia rẽ tại một phiên tòa hồi năm 2014. Việc kết án ông Tohti đã gây ra nhiều phản đối từ chính phủ các nước và các tổ chức nhân quyền.
Khi công bố giải nhân quyền cho ông Tohti, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli đã thúc giục Bắc Kinh phải trả tự do cho ông Tohti ngay tức khắc, và gọi ông là tiếng nói ôn hòa và hòa giải.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế và các chuyên gia nhân quyền quốc tế cho biết hiện có hơn 1 triệu người Uighur và những người mà phần đông thuộc các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đang bị Bắc Kinh giam giữ trong các trại ở vùng Tân Cương.
Lúc đầu, Trung Quốc bác bỏ sự tồn tại của các trại này, tuy nhiên bây giờ Bắc Kinh thừa nhận là có các trường dạy nghề cần thiết cho việc chống khủng bố.
Trước khi bị bắt vào tháng 1/2014, học giả Tohti đã thiết lập một trang web có tên UighurOnline viết bằng tiếng Uighur và tiếng Trung về những vấn đề xã hội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-slam-european-parliament-for-award-to-terrorist-tohti-10252019084813.html

TQ bắt đầu gây sức ép ngược tới Mỹ

Giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump hân hoan về thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc đòi “xử” lại tranh chấp thương mại cũ.
Giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang có nhiều tín hiệu tích cực, phía Trung Quốc vừa gửi yêu cầu lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đòi trừng phạt 2,4 tỷ USD đối với Mỹ vì không thực hiện các nội dung bồi thường liên quan đến vụ tranh chấp vào năm 2012.
Reuters thông tin, Trung Quốc đã công khai văn bản gửi lên Cơ quan giải quyết tranh chấp (DBS) của WTO về yêu cầu trừng phạt 2,4 tỷ USD đối với Mỹ vào ngày 21/10. DBS đã lên kế hoạch xử lý yêu cầu này vào ngày 28/10 tới đây.
Trong một tuyên bố hồi tháng 7, WTO đồng ý với quan điểm từ Trung Quốc cho rằng Mỹ đã không tuân thủ đầy đủ một quy định của WTO và có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của Trung Quốc nếu Washington không dỡ bỏ một số loại thuế quan đã vi phạm các quy định của tổ chức này.
Hồi năm 2012, Trung Quốc đã khởi kiện lên WTO về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu của nước này, gồm tấm pin Mặt Trời, tháp điện gió, xilanh thép và ống nhôm với tổng giá trị lên là 7,3 tỷ USD vào thời điểm đó.
Phía Mỹ đã đánh giá suốt 5 năm, thực hiện 17 cuộc điều tra để đưa ra quyết định đánh thuế các mặt hàng trên của Trung Quốc.
Trước yêu cầu của Trung Quốc gửi lên DBS, Mỹ có thể phản đối việc bị trừng phạt mà Bắc Kinh yêu cầu. Khi đó, tranh chấp về vụ việc này sẽ còn kéo dài mãi và điều này có thể sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc lôi tranh chấp này ra Tòa trọng tài.
Việc Trung Quốc nhắc lại vụ tranh chấp thuế quan này diễn ra ngay giữa lúc ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ cả Mỹ và Trung Quốc liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi rất nhiều tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán mới nhất ngày 10- 11/10 cho thấy hai nước sớm đạt thỏa thuận thương mại và thậm chí có thể ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Tuy nhiên, trái ngược với những lạc quan của ông Trump, Bắc Kinh tỏ ra khá lạnh nhạt và cẩn trọng. Việc yêu cầu WTO có biện pháp với Mỹ hoặc Trung Quốc được phép đánh thuế Mỹ trị giá 2,4 tỷ USD là bằng chứng rõ ràng nhất về những phản hồi của Trung Quốc trước tin tức đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Những tín hiệu không thực sự lạc quan từ phía Trung Quốc đặt ra khả năng khó đoán về một lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện vào tháng 11 tới.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31052-tq-bat-dau-gay-suc-ep-nguoc-toi-my.html

Manila sắp bỏ lệnh cấm tàu nghiên cứu nước ngoài

 trong vùng biển của Philippines

Philippines sẽ dỡ bỏ lệnh cấm được ban hành vào năm 2018 về nghiên cứu khoa học nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế nước này, để có thể khai thác tài nguyên biển.
Reuters loan tin ngày 25/10, trích nội dung cố vấn an ninh quốc gia Philippines cho biết trong buổi trả lời truyền thông vào cùng ngày.
Trước đó, vào tháng 2/2018, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cấm tất cả các nghiên cứu khoa học của nước ngoài ở bờ biển Thái Bình Dương của Phi đồng thời ra lệnh cho hải quân xua đuổi các tàu trái phép.
Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon nói rằng việc cho phép các chính phủ và tổ chức nước ngoài thực hiện nghiên cứu hàng hải là điều tốt cho Philippines bởi vì điều này giúp Philippines biết hơn về các vấn đề hàng hải.
Vẫn theo ông Esperon, Philippines cũng đang tăng cường khả năng thực thi luật thủy sản nước này với kế hoạch mua thêm thiết bị bảo vệ bờ biển và phát triển tàu đánh cá đa năng.
Lệnh cấm nghiên cứu khoa học nước ngoài năm ngoái tập trung vào một khu vực gọi là Benham Rise mà Liên Hợp Quốc vào năm 2012 tuyên bố là một phần thềm lục địa thuộc Philippines.
Đây được cho là khu vực đa dạng sinh học và có nhiều cá ngừ. Các nhà khoa học từ Hoa Kỳ và Nhật Bản đã khảo sát nơi đây nhiều lần.
Ông Esperon cho biết trước khi có lệnh cấm, một số tổ chức đã đến mà không được phép, trong khi một vài tàu khác lại không cho phép các nhà khoa học Philippines lên tàu của họ. Tuy nhiên ông không nói rõ tàu của nước nào.
Trong năm nay, 2 tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã bị phát hiện xuất hiện trong vùng biển do Philippines kiểm soát. Điều này đã khiến Manila phải lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao vào tháng 8 vừa qua.
Philippines cũng phản đối sự hiện diện của hơn 100 tàu cá Trung Quốc ngoài khơi đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát, nằm gần đá Subi, một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lấp và quân sự hóa.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ trong một phán quyết vào năm 2016.
Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng là các bên có đòi hỏi chủ quyền tại vùng biển này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/philippines-to-lift-moratorium-on-foreign-research-ships-in-its-water-10252019085435.html

Chính quyền đảo quốc Salomon phủ quyết

việc cho Trung Quốc thuê đảo

Trọng Nghĩa
Nỗ lực của một tập đoàn Trung Quốc nhằm thuê nguyên một hòn đảo thuộc đảo quốc Salomon ở miền Nam Thái Bình Dương đã bị chính quyền Salomon vào hôm nay 25/10/2019 đánh giá là “bất hợp pháp”, do đó “sẽ không được phép xúc tiến”.
Trong một thông cáo, phủ thủ tướng đảo quốc Salomon xác định rằng hợp đồng giữa tỉnh Trung Tâm (Central Province) quần đảo Salomon với tập đoàn nhà nước Trung Quốc China Sam Group là một văn kiện “bất hợp pháp, không thể thi hành và phải chấm dứt ngay lập tức”.
Theo bản thông cáo từ văn phòng thủ tướng Manasseh Sogavare, chính quyền địa phương không có thẩm quyền thương lượng thỏa thuân liên quan đến đảo Tulagi, nơi có một hải cảng nước sâu rất được quân đội quan tâm.
Ngoài ra, cũng theo bản thông cáo, tập đoàn Trung Quốc China Sam không có quy chế một nhà đầu tư nước ngoài ở đảo quốc Salomon và không một thỏa thuận nào có thể được ký kết mà không có sự chấp thuận của tổng chưởng lý John Muria.
Thông cáo nói rõ: “Theo quy định, tất cả các thỏa thuận liên quan đến chính quyền Salomon, bao gồm cả các thỏa thuận của các chính quyền địa phương, đều phải thông qua tổng chưởng lý trước khi thi hành… Thỏa thuận (với Trung Quốc) đã không được văn phòng tổng chưởng lý xét duyệt trước khi ký kết”.
Tỉnh Trung Tâm Salomon đã ký một “thỏa thuận hợp tác chiến lược” với phía Trung Quốc hôm 22/09 vừa qua, tức là chỉ một hôm sau khi Trung Quốc và Salomon chính thức đặt quan hệ ngoại giao sau khi đảo quốc này quyết định đoạn giao với Đài Loan. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 10 vừa rồi thì thỏa thuận mới được biết đến khi giới truyền thông nắm được bản sao của văn kiện.
Theo thỏa thuận vừa bị phủ quyết thì tập đoàn Trung Quốc China Sam sẽ thuê đảo Tulagi trong vòng 75 năm, có thể triển hạn, để xây dựng nào là trạm hậu cần đánh bắt cá, trung tâm điều hành, xây mới hoặc cải tiến sân bay, thậm chí cả một nhà máy lọc dầu…
Chính quyền tỉnh Trung Tâm Solomon còn đồng ý cho China Sam thuê toàn bộ đảo Tulagi và các đảo lân cận trong tỉnh này để thành lập “đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp phù hợp cho mọi loại hình phát triển”.
Tulagi là một hòn đảo rộng khoảng 2 cây số vuông, có khoảng 1.200 dân. Nơi đây từng có một căn cứ hải quân Nhật Bản và đã kinh qua những trận đánh dữ dội thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Việc tập đoàn Trung Quốc có hợp đồng thuê đảo Tulagi đã khiến cho Mỹ và nhất là Úc, New Zealand hết sức quan ngại trước nguy cơ Bắc Kinh sẽ biến nơi này thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở khu vực miền Nam Thái Bình Dương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191025-chinh-quyen-dao-quoc-salomon-phu-quyet-viec-cho-trung-quoc-thue-dao

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.