Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 29/10/2019

Tuesday, October 29, 2019 6:59:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 29/10/2019

Hồng Kông, Irak, Liban, Chilê…

Đấu tranh toàn cầu hóa

Từ Hồng Kông, Trung Đông cho đến Nam Mỹ… hàng chục chế độ đối đầu với phong trào nhân dân phản kháng. Al Baghdadi chết nhưng Daech vẫn tồn tại. Đó là hai chủ đề lớn trên báo chí Pháp 29/10/2019.
Cùng biểu tượng, cùng thông điệp
Cùng đeo khẩu trang, mặt nạ, cùng biểu ngữ và biểu tượng, các cuộc biểu tình lan tỏa đó đây trên thế giới nói lên một thông điệp: cuộc tranh đấu của những người dân vô danh chống chính phủ của họ.
Khác với các đồng nghiệp tập trung vào từng nước, Liberation dành 6 trang kể cả trang bìa với tựa đậm : Cuộc Nổi Dậy : Hồng Kông, Chilê, Irak… Tất cả các phong trào này đều giống nhau một cách lạ thường. Tất cả đều tố cáo bất công xã hội, tố cáo tình trạng một thiểu số ưu quyền ngày càng bức hiếp đa số người dân còn lại. Từ 40 năm nay, lại có thêm tình trạng tầng lớp chính trị cấu kết với tầng lớp đại gia tài chính. Một yếu tố mới biến tâm trạng bất mãn thành hành động là tệ nạn tham ô công khai của tầng lớp lãnh đạo.
Ai được chia phần chiếc bánh lợi nhuận kinh tế ? Ai được phần to nhất ? Ai cầm dao cắt bánh? Branco Milanovic, cựu chuyên gia kinh tế của Ngân Hàng Thế Giới xác nhận người biểu tình thấm thía phương trình này. Trong 30 năm trở lại đây, dân nghèo và thành phần trung lưu, tức đại đa số dân chúng, là những người bị bỏ bên lề tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong khi đó, thành phần triệu phú, tỷ phú chỉ độ 1% dân số địa cầu, bỏ túi đến 2% thu nhập toàn cầu. 50% người nghèo nhất chia nhau 13% thu nhập.
Nhưng bên cạnh khủng hoảng kinh tế, còn có khủng hoảng niềm tin. « Chúng tôi cùng niềm đau với người Achentina », một sinh viên Algeri tâm sự. Một người bạn giải thích : chế độ ở mọi nơi đều già nua, có lẽ chúng tôi phải đoàn kết với nhau để chống độc tài trên khắp thế giới. Còn tại Chilê, « nhân dân phải nổi dậy vì không thể tin cậy vào tầng lớp chính trị tham ô », một tài xế taxi giải thích.
Dường như ý thức sức mạnh của tinh thần liên đới, trong mọi cuộc biểu tình dù ở châu lục nào đều có biểu ngữ cám ơn « phe bạn » : các nhà hoạt động ở Hồng Kông « sung sướng » vì nhận được lời cám ơn từ Chilê, từ Catalunya.
Khởi đầu một « mùa xuân thế giới » ?
Cũng theo Libération, cuộc tranh đấu của các phong trào xã hội này không chỉ tố cáo tình trạng tham ô, độc tài mà còn tố giác tình trạng bất công quá mức. Tại Irak, giới trẻ, sinh viên, học sinh chống « chính phủ ăn cướp », Hồng Kông « phẫn nộ Trung Quốc ». Phải chăng đây là những ngọn gió khởi đầu một « mùa xuân các dân tộc » ?
Nhận định về thời cuộc Irak, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và xã hội gia tăng, Les Echos cho rằng chế độ Bagdad đang đứng trước thách thức cực kỳ nguy hiểm vì từ thứ Hai, học sinh và sinh viên bắt đầu tham gia phong trào phản kháng. Hơn 250 người biểu tình chống vật giá leo thang và tham nhũng đã chết vì trúng đạn đàn áp, càng làm cho phong trào phản kháng mạnh thêm.
Quân đội Sudan chỉ lật đổ nhà độc tài Bachir sau khi đàn áp biểu tình làm cho hơn 300 người chết. Liệu các phong trào ở Irak, Chilê sẽ đi về đâu ?
Theo nhật báo thiên tả Liberation, nhược điểm của các phong trào phản kháng là không có lãnh đạo, không có thống nhất chỉ huy mà chỉ có khát vọng thay cũ đổi mới. Do vậy không nên vội hy vọng sẽ có một « mùa xuân thế giới ». Thất vọng vì toàn cầu hóa kinh tế, người dân sẽ quay về bản sắc dân tộc. Nhưng vì không có chương trình hành động, không có chiến lược lâu dài, không thỏa hiệp với chế độ, phong trào sẽ làm gì sau khi chiếm đường phố, công thự ? Nhật báo thiên tả cảnh báo : đấu tranh chính trị cũng giống như gieo hạt. Sau mùa xuân, phải tính chuyện thu hoạch. Một phong trào xã hội không liên kết với công đoàn, với các tác nhân trung gian, sẽ có nguy cơ trắng tay khi tàn cuộc.

Al Baghdadi: kẻ gây xương máu

Hai ngày sau khi thủ lĩnh Daech tự sát tại Syria, tương lai tổ chức thánh chiến Hồi Giáo khát máu này sẽ ra sao ? Tất cả báo Pháp đều lo ngại : Daech sẽ tồn tại. Không những tồn tại mà còn trở thành nguy hiểm hơn.
Trong bài Cái chết của thủ lĩnh Daech, Le Monde điểm qua bốn năm ngự trị của một người chỉ huy thánh chiến đầu tiên làm chủ được một lãnh thổ rộng lớn và áp đặt một trật tự đẫm máu: Từ một kẻ tội phạm hình sự người Jordani, tên thật là Abou Moussab Al Zarkaoui, vào năm 2003 thành lập một nhóm chiến binh quốc tế tại Irak, dần dần được Ben Laden, lúc còn sống, nhìn nhận là Al Qaida tại Irak bất chấp khác biệt về ý thức hệ và chiến lược.
Những hành động sau đó của thủ lĩnh Daech tương lai là tốc chiến tốc thắng tại Syria và Irak, bắt cóc, chặt đầu hàng loạt con tin Tây phương và Irak, ép buộc phụ nữ làm nô lệ tình dục, bạo ngược với người cùng đạo, ám sát giáo sĩ quản lý đền thờ Al-Nouri, đặt bom phá đền thờ ở Mossoul rồi xưng là « calif » thừa kế nhà Tiên Tri Mohamed. Cuối cùng bị liên quân quốc tế đánh tan, mất hết cơ đồ, mạng sống và giấc mơ tín đồ Hồi Giáo khắp thế giới quy thuận.
Trong bài xã luận « Từ thất bại này đến thất bại khác, Hồi Giáo chính trị tiến tới », Le Figaro chỉ trích các chính quyền Mỹ từ Obama cho đến Donald Trump và báo chí Mỹ thích làm rầm rộ kết quả truy diệt kẻ thù Ben Laden, Al Baghdadi. Thái độ này đưa đến hai hậu quả xấu : Một là kích thích giới trẻ Hồi Giáo bất mãn tìm theo thánh chiến. Hai là làm công luận Tây phương tưởng lầm là chỉ cần giết được một thủ lĩnh khủng bố là có thể xóa sổ được phong trào.
Tất cả những chiến thắng từ 2001 đến nay, nào là lật đổ chế độ Taliban ở Afhanistan, giết Ben Laden, tái chiếm Mossoul, giết Al Baghdadi và đập tan « giáo triều » Daech, tốn kém hàng trăm tỷ đôla, huy động hàng chục đồng minh vào cuộc chiến chống thánh chiến, cuối cùng phương Tây bất lực trước nhũng kẻ chỉ biết tin một cách ngây thơ vào Allah của họ.
Taliban hồi sinh tại Afghanistan, Huynh Đệ Hồi Giáo vẫn nằm đó tại Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, ở châu Phi, ở sa mạc Sahara, các nhóm Al Qaida địa phương vẫn thường xuyên tấn công thường dân, phục kích quân đội.
Theo Le Figaro, phương Tây, tuy có thực tâm hy sinh binh sĩ và tiền bạc để theo đuổi chính nghĩa chống khủng bố nhưng lại xem thường những xã hội đã đan kết chặt chẽ với Hồi Giáo truyền thống như cây bắt rễ trong đất.
Không những Deach không chết mà còn lan rộng. Bài phóng sự của Liberation tại thành phố Marawi, ở Philippines, nơi mà vào năm 2017, quân đội chính phủ phải mất đến nửa năm mới chiếm lại được từ tay Daech địa phương, ghi nhận « Chậm mà chắc, Daech phục hồi sinh lực ».
Hai năm sau trận chiến đẫm máu, một phần ba thành phố vẫn còn bị bỏ hoang. Chính phủ không trợ giúp, dân không có tiền xây lại nhà cửa. Tâm lý nghi kỵ chính quyền Manila trong dân địa phương là môi trường thuận lợi cho thánh chiến Deach.

Tiêu diệt thánh chiến với giải pháp trường kỳ

Đánh vào « căn nguyên nguồn cội của thánh chiến » đó là câu trả lời của nhật báo độc lập Le Monde. Đồng ý là phải tiêu diệt các thủ lĩnh khủng bố, nhưng theo Le Monde, ngay từ đầu lẽ ra phải để cho các cơ quan mật vụ đối phó chống Al Qaida, Washington đã sai lầm giao nhiệm vụ cho quân đội. Hệ quả là chiến tranh diễn ra khắp nơi và tạo điều kiện cho thánh chiến phát triển.
Le Monde kêu gọi phải phối hợp quân sự lẫn chính trị và văn hóa trong một cuộc chiến có thể kéo dài đến nhiều thế hệ. đã đến lúc phải có kết hoạch toàn cầu nhận dạng và tấn công vào những cội nguồn khủng bố.

Hồi Giáo tín ngưỡng chống Hồi Giáo chính trị ?

Nước Pháp, một trong những thành viên trong liên minh quốc tế chống khủng bố và cũng là nạn nhân của thánh chiến, đang đối mặt với một cuộc chiến rất tế nhị : chống Hồi Giáo chính trị nhưng không đụng tới tự ái tôn giáo của một bộ phận công dân. Làm cách nào ?
La Croix tỏ ra ít nhiều tin tưởng vào cuộc gặp gỡ hôm thứ Hai giữa tổng thống Macron và đại diện Ủy Ban Tín Ngưỡng Hồi Giáo tại Pháp. Trong bối cảnh mà mọi vụ việc liên quan đến đạo Hồi, từ khăn choàng đầu cho đến một vụ ấu đả, đều có thể bị bên này hay bên kia quy kết hoặc là kỳ thị tôn giáo hoặc là mù lòa không thấy nguy cơ khủng bố, tổng thống Pháp chọn thái độ khôn ngoan, kêu gọi đại diện Hồi Giáo » làm « phát ngôn viên » lên án Hồi Giáo chính trị.

Tòa Án Châu Âu : Máy bay đi trễ, công ty phải bồi thường

Xin kết thúc với một tin vui cho hành khách đi máy bay. Les Echos cho biết Tòa Án Châu Âu vừa ra phán quyết bênh vực hành khách trong trường hợp máy bay trễ hơn ba tiếng đồng hồ. Trong trường hợp này, công ty hàng không phải tự động bồi thường không cần phải chờ hành khách khiếu kiện. Đi trong châu Âu, tiền bồi thường từ 250 euro đến 600 euros.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Hai tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi và ZTE lại bị Mỹ đưa vào tầm nhắm. 
Ủy Ban Viễn Thông Liên Bang (FCC) vào hôm qua, 28/10/2019, cho biết vào ngày 19/11, sẽ bỏ phiếu về các quy định mới cấm các công ty viễn thông Mỹ dùng tài trợ của Liên Bang – khoảng 8,5 tỷ đô la – để mua thiết bị của các tập đoàn thuộc diện “hiểm họa cho nền an ninh quốc gia”. Hoa Vi và ZTE nằm trong diện này. FCC còn yêu cầu thay thế tất cả những thiết bị đã mua trước đây của 2 tập đoàn Trung Quốc. Bắc Kinh hôm nay tố cáo Mỹ “bắt nạt” Hoa Vi và ZTE.
(AFP) – Lào khánh thành đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong.
Nằm ở phía bắc Lào, công trình đập Xayaburi do công ty Thái Lan thực hiện có trị giá đầu tư hơn 4,5 tỷ đô la. Ngay từ khi khởi công năm 2012, Xayaburi đã bị các tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích vì những tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái. Đập Xayaburi có chiều dài 820 mét, có công suất 1285 megawatts. Lào có tới 44 đập thủy điện đi vào hoạt động. Chủ yếu các dự án trên do Trung Quốc và Thái Lan đầu tư tài chính. Hiện còn 46 dự án thủy điện khác đang trong quá trình xây dựng.
(Reuters) – Nhật Bản và Hàn Quốc bác bỏ tin về kế hoạch kinh tế chung nhằm giảm căng thẳng.
Theo thông tin của Kyodo hôm 28/10/2019, Seoul và Tokyo đang xem xét những kế hoạch kinh tế phối hợp công ty từ cả hai nước, nhằm giảm căng thẳng hiện tại trên hồ sơ Nhật Bản cưỡng bức lao động Triều Tiên thời Thế Chiến II. Nhưng Nhật Bản sẽ không tài trợ cho chương trình, vì cho rằng vấn đề cưỡng bức lao động đã được giải quyết trong một hiệp ước năm 1965. Hôm nay, phía Nhật nói tin trên không đúng sự thật và Hàn Quốc thì bác bỏ.
(AFP) – Liên Quân Quốc Tế chống Hồi Giáo Cực Đoan họp tại Washington ngày 14/11/2019.
Một quan chức Mỹ hôm qua 28/10 thông báo như trên, một ngày sau khi Mỹ loan tin về cái chết của thủ lĩnh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Abou Bark Al Baghdadi. Cuộc họp cấp bộ trưởng của hơn 30 thành viên liên minh bàn về những giải pháp tăng sự hiện diện của Liên Quân Quốc Tế tại miền đông bắc Syria.
(AFP) – Xác của thủ lĩnh Daech được thả xuống biển.
Cũng giống như trường hợp của Ben Laden trước đây, ngay sau khi thông báo loại trừ được trùm khủng bố của Daech, quân đội Mỹ đã cho nhận chìm xuống biển thi thể của Abou Bakr al Baghdadi. Một quan chức giấu tên của bộ Quốc Phòng Mỹ cho AFP biết thông tin trên ngày hôm qua 28/10/2019.
(AFP) – Lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ có thể tác động đến sức khỏe của người dân Iran. 
Tổ chức Human Rights Watch hôm 29/10/2019 lấy làm tiếc vì lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế hoạt động nhập khẩu dược phẩm của Iran. Mặ dù tự sản xuất được 96% thuốc, nhưng Iran vẫn phải nhập hơn 50% dược liệu và các loại thuốc chữa bệnh hiếm gặp. Chính quyền Mỹ khẳng định không cấm xuất nhập thực phẩm, thuốc men và hàng cứu trợ, nhưng đa phần các công ty tránh giao thương với Iran vì sợ bị Washington trừng phạt.
(RFI) – Chủ tịch Cuba công du nước Nga. 
Trong vòng công du châu Âu, sau khi thăm Ireland và tham dự thượng đỉnh các nước không liên kết tại Baku (Azerbaïdjan), ông Miguel Diaz Canel đến Matxcơva hôm nay 29/10/2019 để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin. Matxcơva và La Habana là đồng minh lịch sử. Từ ngày Liên Xô sụp đổ đến nay, chưa bao giờ quan hệ đối tác chiến lược song phương được đẩy mạnh như bây giờ.
(AFP) – California : Hỏa hoạn lớn tại những khu sang trọng của Los Angeles. 
Vào hôm qua, 28/10/2019, các đám cháy đã khiến nhiều ngôi nhà tại Los Angeles bị tàn phá, hàng chục ngàn người phải đi sơ tán, 1.100 lính cứu hỏa Los Angeles đã được huy động để chữa lửa. Viện Bảo Tàng nổi tiếng Getty bị đe dọa. Đây là nơi trưng bày nhiều bộ sưu tập có giá trị và tranh của các họa sĩ Van Gogh, Rembrandt, Monet …
(AFP) – Bolivia : 30 người bị thương trong các vụ xô xát giữa hai phe ủng hộ và chống tổng thống tân cử Evo Morales. 
Tám ngày sau khi tổng thống Bolivia tái cử ngay từ vòng 1 trước đối thủ Carlos Mesa, ngày 28/10/2019, hai phe vẫn tiếp tục huy động lực lượng xuống đường. Ông Morales, năm nay 60 tuổi, thuộc đảng Xã Hội, làm tổng thống liên tục 3 nhiệm kỳ, từ năm 2006. Ông tố cáo phe đối lập « đang chuẩn bị đảo chính».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.