Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 22/09/2019

Sunday, September 22, 2019 6:36:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 22/09/2019

Bộ công an đề nghị mở cửa

cho Trung Cộng vào khu kinh tế ven biển

Tin từ Hà Nội, ngày 22/9/2019: Bộ công an cộng sản Việt Nam đang muốn mở toang cánh cửa cho người Trung Cộng vào các khu kinh tế ven biển, khi đề nghị bổ sung quy định miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào những khu vực như vậy.
Báo VnExpress.net đưa tin đề nghị trên của bộ công an đã được uỷ ban quốc phòng an ninh của quốc hội bù nhìn đồng tình trong buổi họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9.
Cụ thể, thứ trưởng Bùi Văn Nam trình bày dự luật, đề nghị miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển. “Người nước ngoài” ở đây ám chỉ dân Trung Cộng. Ông Nam nói “Quy định trên nhằm luật hóa việc tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, đồng thời có cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng với các khu kinh tế ven biển có điều kiện tương tự.”
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt tán thành đề xuất của Bộ Công an và giao chính phủ quyết định.
Đây là một trong nhiều hành động thái ưu ái của cộng sản Việt Nam dành cho người nước ngoài, và hưởng lợi nhiều nhất là dân Trung Cộng. Trong khi đó, nhà cầm quyền ở Hà Nội tiếp tục thực hiện chính sách hộ khẩu hà khắc đối với dân trong nước, và cấm xuất cảnh đối với hàng trăm người thuộc giới bất đồng chính kiến. CSVN cũng cho phép dân Trung Cộng tiếp tục được lái xe vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với việc trục xuất tội phạm người Trung Cộng mà không qua xét xử về những vi phạm pháp luật ở Việt Nam theo Hiệp định dẫn độ tội phạm ký lén lút vào năm 2015, nhiều người tự hỏi liệu Việt Nam còn có chủ quyền nữa hay không.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/bo-cong-an-de-nghi-mo-cua-cho-trung-cong-vao-khu-kinh-te-ven-bien/

Bộ Giao Thông Vận Tải biết lỗ nhưng

vẫn cố làm dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Tin từ Hà Nội, ngày 22/9/2019: Theo Kiểm toán Nhà nước, Ban lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) trong giai đoạn 2011-2016 biết dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông sẽ lỗ, nhưng vẫn cứ cho thực hiện dự án.
Báo Thanh Niên viết hai người chịu trách nhiệm chính của dự án này là bộ trưởng Đinh La Thăng và thứ trưởng phụ trách trực tiếp dự án Nguyễn Hồng Trường. Ông Thăng sau đó được bầu vào Bộ Chính trị rồi vào Sài Gòn làm bí thư thành uỷ, trước khi bị bắt và bị kết án vì nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế thời còn làm chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án này chậm tiến độ kéo dài, và lỗi phần lớn là do Tổng thầu EPC của Trung Cộng, nhưng BGTVT để xảy ra nhiều sai sót trong thẩm định, đấu thầu, phê duyệt điều chỉnh lại dự án.
Cục Đường sắt Việt Nam, một đơn vị không có kinh nghiệm chuyên môn và thiếu nhân lực, lại được bộ này giao làm chủ đầu tư. Cục này đã phê duyệt thiết kế dự án không phù hợp để rồi phải điều chỉnh nhiều lần, gây phát sinh thêm nhiều chi phí. Việc lựa chọn nhà thầu và phê duyệt trúng thầu vi phạm luật Đấu thầu.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt sai sót khác của chủ đầu tư trong phê duyệt dự toán, khi sử dụng kết quả thẩm định giá vật tư thiết bị cao hơn giá thị trường trong khi khối lượng thì bị đội lên. BGTVT đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tăng lên từ 8.769 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng mà chưa báo cáo thủ tướng xem xét và xin chủ trương của quốc hội.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam do nhà thầu Trung Cộng tiến hành trong nhiều năm gần đây, và tất cả các dự án này đều bị đội vốn rất cao trong khi thời gian thực hiện lại bị dây dưa. Chưa biết khi nào dự án này kết thúc và một số nhà chuyên môn cho rằng nó không đảm bảo an toàn.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/bo-giao-thong-van-tai-biet-lo-nhung-van-co-lam-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong/

Nhà cầm quyền ở Sài Gòn

 tiếp tục xin tiền để trả nợ tuyến metro số 1

Tin Saigon.- Báo Vnexpress ngày 21 tháng 9 năm 2019 loan tin, nhà cầm quyền cộng sản tại Sài Gòn vừa đề nghị trung ương cấp phát cho thành phố hơn 3,700 tỷ đồng để trả nợ cho các nhà thầu thực hiện tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên.
Theo chính quyền thành phố, số tiền mà họ xin là vốn ODA mà ngân sách trung ương chưa giải ngân cho thành phố trong năm 2019. Chính quyền thành phố giải thích rằng, nếu không có số tiền trên để trả cho nhà thầu, thì dự án sẽ không được thực hiện đúng tiến độ, và sẽ bị các nhà thầu khởi kiện.
Việc giải thích này, khiến dư luận đặt nghi vấn không biết nhà cầm quyền thành phố đã trả nợ số tiền 100,000 Mỹ kim cho nhà thầu Nhật hay chưa.
Theo báo Vnexpress, dự án metro Bến Thành- Suối Tiên được dự trù sẽ hoàn thành vào năm 2017, và đưa vào sử dụng năm 2018, với mức tổng đầu tư ban đầu là 17,400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án này mới thực hiẹn được khoảng 66% khối lượng công trình, và số vốn đầu tư được đội lên đến 47,000 tỷ đồng. Vào năm 2018, dự án này gây sự chú ý đặc biệt của dư luận khi đại diện Chính phủ Nhật bản, và Đại sứ quán nước này liên tục đòi nợ cho nhà thầu thực hiện dự án. Thậm chí, Đại sứ quán Nhật còn doạ sẽ khởi kiện nhà cầm quyền thành phố nếu tiếp tục chây ỳ không chịu trả nợ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-o-sai-gon-tiep-tuc-xin-tien-de-tra-no-tuyen-metro-so-1/

Phó Thủ tướng VN đề nghị Trung Quốc

tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của VN

Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lên tiếng đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển.
Ông Đam phát biểu như vậy trong cuộc hội đàm với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hàn Chính, và Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lộc Tâm Xã nhân Hội chợ thương mại Trung Quốc ASEAN (CAEXPO 16) ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Đây là lần lên tiếng đầu tiên từ phía chính phủ Việt Nam kể từ sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9 yêu cầu Việt Nam phải ngừng tất cả các hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính mà  Trung Quốc khẳng định thuộc chủ quyền của Bắc Kinh tính theo vùng nước quanh quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Bãi Tư Chính là một bãi ngầm nằm cách Vũng Tàu của Việt Nam khoảng 160 hải lý, tức thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982.
Theo truyền thông trong nước, đáp lại phát biểu của Phó Thủ tướng Việt Nam, Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính và Bí thư khu ủy Quảng Tây Lộc Tâm Xã đã hoan nghênh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự CAEXPO, CABIS lần thứ 16; khẳng định coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Từ giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương vào xung quanh Bãi Tư Chính, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-deputy-pm-asks-china-to-respect-vn-interests-09222019111507.html

Cháy rừng ở Indonesia

gây ô nhiễm không khí ở TP Hồ Chí Minh

Cháy rừng ở Indonesia là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày vừa qua, theo kết quả phân tích của Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, đại học Quốc gia TP HCM.
Theo kết quả do Trung tâm cung cấp cho báo chí, có hai nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm ở thành phố bao gồm: cháy rừng ở Indonesia, phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Truyền thông trong nước hôm 22/9 trích phát biểu của PSG – TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc trung tâm cho biết nguyên nhân chính là cháy rừng từ Indonesia, chất ô nhiễm bị gió thổi sang thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam Việt Nam.
Những ngày gần đây, thành phố HCM xuất hiện lớp sương mù dày đặc màu trắng đục, bao phủ nhiều nơi, có những ngày sương dày duy trì từ sáng đến chiều.
Theo số liệu từ AirVisual – một trang theo dõi chất lượng không khí ở nhiều thành phố trên thế giới, có một vài địa điểm ở thành phố có chỉ số chất lượng không khí liên tục ở mức 150 tức ở mức đỏ (ở mức 4 trong tháng 6 mức theo cách tính của Mỹ). Đây là mức được cho là nguy hiểm cho sức khỏe của tất cả mọi người.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/forest-fire-in-indonesia-polluted-hcm-city-air-09222019110949.html

Giải thưởng Tự do báo chí của nhà báo Phạm Đoan Trang

và Quyền tự do phát biểu tại Việt Nam

Tường An
Thứ bảy, ngày 21 tháng 9, Viện Nghiên cứu Á Châu, Đông Phương tại Lyon đã tổ chức một bàn tròn hội thảo về đề tài «Quyền tự do Phát biểu tại nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam » nhân dịp Tổ Chức Phóng Viên Không Biên giới trao giải thưởng năm 2019 với hạng mục “Ảnh Hưởng ” cho nhà báo, nhà văn, blogger, đồng sáng lập viên và là biên tập viên của Luật khoa Tạp chí Phạm Đoan Trang. Bà Ngoc Anh, thuộc hội Người Việt vùng Rhône, là một trong những người tổ chức buổi hội thảo cho biết tại sao bà muốn tổ chức buổi hội thảo này cho người Pháp và Việt đang sống tại Lyon và vùng phụ cận :
« Tôi sống tại Pháp, nơi là đất nước của quyền con người, và một trong những quyền cơ bản đó là quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Đối với chúng tôi dù có dòng máu Việt trong người hay không thì đều cảm thấy đấy là một chủ đề hay và quan trọng, liên quan đến cả người Pháp lẫn người Việt. Nên chúng tôi quyết định tổ chức buổi nói chuyện này nhân dịp Phạm Đoan Trang, một nhà báo, một nhà hoạt động xã hội đoạt giải tuần trước ở Berlin »
Francois Guillemot, một nhà nghiên cứu về lịch sử cận đại của Việt Nam, làm việc tại Viện Nghiên cứu Á Đông và cũng là người đồng tổ chức buổi hội thảo này, nói việc tổ chức buổi hội thảo này là cần thiết :
« Chúng tôi tổ chức bàn tròn hội luận này tại Trung tâm nghiên cứu của tôi vì cô Phạm Đoan Trang là một trường hợp rất là thú vị cho việc nghiên cứu về Việt Nam nói chung và cho tình trạng tự do ngôn luận hiện tại tại Việt Nam nói riêng.
Thứ nhất, Phạm Đoan Trang là một phụ nữ tranh đấu. Cô nói về sự tranh đấu của phụ nữ Việt Nam hiện nay phải làm như thế nào ? phụ nữ Việt Nam phải tiến lên phản kháng một cách mạnh mẽ ra sao ?
Phần thứ hai của buổi hội thảo là về tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận là vấn đề chính của Việt Nam. Cái mâu thuẩn lớn của chế độ này là nó phát triển rất nhiều mạng lưới về thông tin, về các tờ báo online, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng để làm một tờ báo độc lập thì rất khó, nguy hiểm và khó phát biểu ý kiến riêng của mình. Nếu đề cập đến vấn đề chính trị là không thể làm được vì đó là một lãnh vực riêng biệt của đảng cộng sản Việt Nam. Vì thế, nêu lên trường hợp Phạm Đoan Trang là vô cùng quan trọng vì nó đề cập đến 3 đề tài : phụ nữ, giới tính và tự do ngôn luận
»
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập chi nhánh của Tổ chức phóng viên không biên giới tại Đức, ngày 12/9 vừa qua tại thủ đô Berlin (Đức), Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (Reporters sans frontières) có trụ sở chính tại Paris đã trao giải Tự Do Báo Chí năm 2019 cho 3 người và tình cờ, đó cũng là 3 phụ nữ : Giải Độc Lập cho cô Caroline Muscat (người Malta) , giải « Can Đảm » cho cô Eman Al Nafjan (người Saudi Arabia) và giải « Ảnh Hưởng » cho cô Phạm Đoan Trang ( người Việt Nam). Là một người bạn thân của Phạm Đoan Trang, bà Ngọc Anh cho biết cảm xúc của bà khi nghe tin bạn mình nhận được một giải thưởng từ đất nước mà bà đang sinh sống :
« Cái cảm giác đầu tiên là rất là cảm động, thực sự là chúng tôi đã khóc khi xem truyền hình trực tiếp lễ trao giải đó. Vì tôi là bạn thân của Đoan Trang nên biết rõ những gì mà Đoan Trang trải qua từ nhiều năm nay, hoàn cảnh sống, quyết tâm và những việc làm cụ thể của Trang, cho nên chúng tôi cảm thấy đây là một phần thưởng mà Trang rất là xứng đáng, chúng tôi cũng ý thức được là phần thưởng này có một giá trị tinh thần rất lớn, không chỉ với Trang mà với tất cả các anh em đồng đội đang làm việc với Trang tại Việt Nam »
Anh Minh Toàn, một sinh viên du học và làm việc tại Lyon cho biết cảm tưởng sau buổi hội thảo :
« Buổi hội thảo này tốt cho những người Pháp, đẻ họ có thể hiểu thêm về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam và họ có thêm thông tin, tức tiếng nói từ Việt Nam có thể ra đến bên ngoài »
Chủ tịch Phóng viên Không Biên giới, ông Christophe Deloire nói: Từ ngày thành lập giải thưởng này năm 1992 đến nay, hầu hết những người nhận giải thưởng « Tự do Báo chí » đều không tự đi nhận giải được vì họ bị ngăn cấm bởi nhà cầm quyền. Ngày 12/9 vừa qua, cả ba người đều không đi nhận giải được, thay mặt cho nhà báo Phạm Đoan Trang, luật sư Trịnh Hữu Long, sáng lập viên và là Tổng Biên tập của Luật Khoá Tạp Chí đã đi nhận giải tại Berlin. Cũng có mặt tại buồi Hội thảo ở Lyon, ông Trịnh Hữu Long nhận định dù giải Tự do Báo chí năm này được chia làm ba hạng mục, thế nhưng nó cùng nói lên một điều duy nhất là sự can đảm, dấn thân để đạt được tiêu chí của một nhà báo :
« Đây là 3 tên gọi mang tính chất tượng trưng là chính, vì tất cả những nhà báo được giải thưởng hay đề cửa cho giải thưởng này, tất cả đều có ảnh hưởng rất là lớn, như cô nhà báo ở Malta được giải « can Đảm » thì ảnh hưởng của cô vô cùng lớn vì cô đã điều tra, phanh phui ra những đường dây tham nhũng cua quan chwusc chính phủ Malta. Đây chỉ là những tên gọi : 3 yêu tố mà họ trao giải : « Can đảm, Độc lập và Ảnh hưởng » là 3 yếu tố đánh giá sự hoạt động của một nhà báo. »
Tại Việt Nam, dưới sự kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền Hà Nội, liệu những tác phẩm của nhà báo Phạm Đoan Trang như “Chính trị Bình dân, Phản kháng Phi Bạo Lực, Carm Nang Nuôi Tù.v.v..”  có đến được với quần chúng và tầm ảnh hưởng của nó ra sao đối với đa số người dân hãy còn chưa vượt qua nỗi sợ ? Theo ông Francois, ảnh hưởng của những cuốn sách này hiện nay chưa được lan toả rộng rãi vì nó chưa đến tay của đại đa số quần chúng, nhưng ông tin rằng, những nhà nghiên cứu trong tương lai sẽ cần đến nó như một nguồn thông tin độc lập để biết về tự do báo chí một trong một giai đoạn lịch sử tại Việt Nam :
« Đến bây giờ, sự ảnh hưởng chắc là không lớn lắm tại vì tìm ra các cuốn sách này thì rất khó. Nhưng hoạt động viết ra cuốn sách và xuất bản nó là một hoạt động rất là quan trọng. Ví dụ ở Lyon này, tôi có một kho tư liệu về Việt Nam với khoảng 8000 cuốn sách bằng tiếng Việt, hôm này nó sẽ có thêm những cuốn sách của Phạm Đoan Trang, tại vì nó thuộc hoạt động văn hoá Việt Nam nói chung. Trong tương lai nó sẽ có ảnh hưởng nếu các nhà nghiên cứu chọn đề tài tự do báo chí ở Việt Nam thì họ sẽ cần sử dụng những cuốn sách của Đoan Trang »
Những tác phẩm của nhà báo Phạm Đoan Trang không được viết trong một bối cảnh bình thường, Bà Phạm Đoan Trang thường xuyên phải sống trong cảnh trốn tránh sự theo dõi của an ninh cộng sản Việt Nam, những quyển sách được ra đời giữa những cuộc di chuyển liên tục từ nhà trọ này sang nhà trọ. Thế nhưng, nó vẫn tiếp tục được xuất bản. Theo bà Ngọc Anh, bằng một cách nào đó, những quyển sách đầy những kiến thức cụ thể và gần gủi cho mọi giới cũng đã đến tay người đọc đặc biệt là giới lao động bình dân:
Khi trở về tiếp xúc với người đọc ở Việt Nam, tôi mới thấy rằng cuốn sách đã đến được tay của rất nhiều những người dân lao động, những người mà không có thời gian buổi tối để ngồi trước màn hình truy cập internet, truy cập báo mạng. Những người lao động đó họ mong muốn có một quyển sách trong tay để trong những giờ phút rãnh rổi, trong những giờ nghĩ giải lao thì họ có thể mở ra đọc. Tôi đã nhìn thấy những bà bán hàng rau, nhưng bác chạy xe ôm dắt những quyển sách ở dưới yên xe và khi nhìn thấy những hình ảnh đó thì thật sự rất là ấn tượng, rất là cảm động. Nhìn lại Việt Nam : khi có điều gì bất bình thì cũng đã lên tiếng nói và nói một cách mạnh mẽ, dù chỉ mới là nói, chưa biến thành hành động cụ thể nhưng nó cũng đã khác xa với cách đây 5 năm. Chính vì nhìn thấy sự khác biệt đó mà tôi biết rằng những cuốn sách như sách của Phạm Đoan Trang đã đem lại những tác động rất là cụ thể, nhất là đối với tầng lớp người dân lao động
Trước đây, vào năm 2013, blogger Huỳnh Ngọc Chênh cũng đã nhận được giải Netizen của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Ngoài giải thưởng của Tổ chức Phóng viên không Biên Giới, nhà báo Phạm Đoan Trang cũng đã được vinh danh là “một trong những nhân vật hàng đầu của bất đồng chính kiến Việt Nam đương đại » qua giải thưởng Homo Homini của tổ chức People In Need (Cộng Hoà Czec) cũng như một số các tổ chức quốc tế khác. Ông Trịnh Hữu Long cho biết ý nghĩa của các giải thưởng này đối với những người còn do dự, chưa dám dấn thân tại Việt Nam :
« Giải thưởng này là một ghi nhận cho những nổ lực không biết mệt mỏi, vô cùng bền bỉ và rất nhiều nước mắt, thậm chí cả máu nữa của Phạm Đoan Trang. Thực lòng mà nói, là một người làm việc cực kỳ gần gủi với Đoan Trang và theo dõi sát những bước tiến của chị Trang, chúng tôi thấy rằng khó có giải thưởng nào mà có thể ghi nhận hết những hy sinh của người phụ nữ vô cùng can đảm này. Tôi nghĩ rằng đó là một ghi nhận không những riêng cho Đoang Trang mà cho tất cả những ai đang dấn thân mình vào lãnh vực hoạt động dân chủ, họt động nhân quyền, hoạt động báo chí độc lập, hoạt động xuất bản độc lập. Và hy vọng rằng phần thưởng này cũng sẽ khuyến khích, động viên nhiều người khác dấn thân vào con đường này hơn »
Những quyển sách của nhà báo Phạm Đoan Trang được xuất bản và phát hành bởi Nhà xuất bản Tự do. Những thành viên của Nhà xuất bản này đã bị theo dõi, gây áp lực và thậm chí họ đã đóng rất nhiều tài khoản của nhà xuất bản khiến họ không còn tài chánh để hoạt động. Để có thể phát sách miễn phí cho người dân trong nước, nhà xuất bản chủ trương :« mỗi quyển sách được mua ở nước ngoài là một quyển sách được tặng cho người dân trong nước » bà Ngọc Anh, một ủng hộ viên, kêu gọi :
« Để ủng hộ cho nhà xuất bản tự do, có hai cách :
-       Vào Faceboook của Nhà xuất bản Tự do mua sách. Mỗi quyển sách được mua sẽ là một quyển sách được tặng cho độc giả ở Việt Nam
-       Vào trang Gofundme.com và gõ : « Hãy giúp độc giả Việt Nam có sách »
Mặc dù việc Nhà xuất bản tự do hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí nguy hiểm. Luật sư Trịnh Hữu Long vẫn tin tưởng vào một tương lai sáng lạng cho nền báo chí cũng như thị trường xuất bản tại Việt Nam :
« Việc bị đàn áp, bắt bớ, hạn chế hoạt động đã xảy ra từ nhiều tháng, nhiều năm nay rồi, tuy nhiên sách của nhà xuất bản vẫn tiếp tục được xuất bản, các đầu sách mới vẫn tiếp tục được ra đời.»
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/freedom-of-the-press-award-of-pham-doan-trang-09222019115026.html

Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn tây lắm tiền,

 dân Việt cứ đốt sống voi nhà đấy, thì sao?

Tâm Phong
Tấm ảnh trên là voi Pắck Cú, 33 tuổi, voi đực nặng 3 tấn của Công ty du lịch Thác Bảy nhánh-Buôn Đôn (Đắc Lắc). Năm 2010, Pắk Cú bị bọn săn ngà rình được trong một đêm voi được thả cho ăn ngoài rừng. Chúng chém Pắk Cú tổng cộng 217 nhát vào đầu, chân, thân và mông. Để lấy ngà và chặt đuôi voi đi bán lông. Chém mãi không chết vì Pắk Cú khỏe  vùng chạy. Chúng lấy xăng đốt cả phần mặt lẫn mông voi, thịt rớt ra, da cháy đen, người voi rách tơi tả.
PắK Cú chết sau gần 3 tháng chống chọi.
Trước đó chỉ gần hai năm, ngay giữa rừng Cát Lộc (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, thuộc địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên), con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam cũng đã bị thợ săn bắn chết, đục lấy sừng.
Chỉ hơn 20 năm trước, ở Việt Nam còn trên 1.000 con voi. Đến nay hơn 900 con đã chết (hầu hết do bị săn lấy ngà và lông đuôi, hoặc chết do rớt vào những hố nước người dân đào trong rẫy để lấy nước tưới tiêu), chỉ còn chưa đầy 100 con sống dọc biên giới Lào và Campuchia. Những con sống cũng không lành lặn: con cụt ngà, con cụt đuôi, con cụt chân. Tê giác hai sừng tuyệt chủng. Heo vòi tuyệt chủng. Cầy rái cá tuyệt chủng. Cá chình nhật tuyệt chủng. Cá chép gốc tuyệt chủng. Cá lợ thân thấp tuyệt chủng. Hươu sao tuyệt chủng. Cá sấu hoa cà tuyệt chủng. Bò xám (Bos sauveli) tuyệt chủng từ 1995. Rùa Batagur (Batagur affinis) tuyệt chủng. Loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), chính là Rùa Hoàn Kiếm, rùa hồ Gươm hay rùa Đồng Mô, chỉ còn hai con, nhưng mỗi con sinh sống ở một hồ khác nhau nên các nhà khoa học đã tìm nhiều cách mà không làm cho chúng sinh sản được. Rùa Trung Bộ (Mauremys annamesis), rùa hộp Zhou, sao la (Pseudoryx nghetinhensis)  tuyệt chủng. Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor) chỉ còn 60 con. Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) còn 70 con. Vượn Cạo Vít (Nomascus nasutus) còn 130 con. Voọc mông trắng (Trachypithecusdelacoun) và voọc mũi hếch  (Rhinopithecus avunculus) mỗi loài chỉ còn 200 con. Các loài hổ, mèo lớn, gấu và tê tê cũng đang bị cảnh báo sớm bị tuyệt chủng.
Đấy là theo số liệu vào năm 2018 của Tổng cục lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam). Trong hơn một năm qua, những loài sắp hoặc đã tuyệt chủng trên còn chưa thống kê được. Nhưng chắc chắn chỉ có mất thêm chứ không sinh thêm, hay bảo vệ được tốt hơn.
“Rừng vàng biển bạc”
Không tự nhiên mà Việt Nam được gắn với cái danh rừng vàng biển bạc. Việt Nam xếp hạng 16 trên toàn thế giới về đa dạng sinh học. 10.500 loài động vật trên cạn. 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước.  1.000 loài cá nước ngọt. Khoảng 2.500 loài cá, khoảng 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Dưới biển có 7.000 loài động vật không xương sống. Khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật.
Đặc biệt, có 75 loài duy nhất chỉ Việt Nam mới có.
Nói không ngoa, Việt Nam hoàn toàn có thể bán vé cho du khách, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu khắp thế giới để ngắm nghía, quan sát và nghiên cứu các loài động vật, thực vật sinh sống trong tự nhiên mà đại đa số quốc gia khác không có.
Nhưng chúng ta không làm thế. Chơi vậy dễ quá, Việt Nam anh hùng không thèm chơi!
Chúng ta chọn cách chơi sốc cho thiên hạ sợ.
Chỉ trong vòng 40 năm, từ 1970 đến 2010, số động vật hoang dã ở Việt Nam đã giảm đến 58%, dự báo sẽ tăng lên 67% vào năm 2020, do các hoạt động của con người. Năm 1992, chúng ta có 365 loài động vật được xếp vào danh mục loài quý hiếm. 12 năm sau, đến 2004 bổ sung thêm 42 loài, thành 407 loài quý hiếm. Chỉ ba năm sau nữa, đến 2017 thêm 11 loài bị đe dọa tuyệt chủng, nâng tổng số lên 418 loài.
Rồi ít năm nữa, với cái nhã thú ăn thịt “tiểu hổ”, “ăn bất cứ con gì nhúc nhích”, chắc đến lượt loài mèo nhà ở Việt Nam cũng sẽ biến mất.
Các safari hay Thảo cầm viên lúc đó tha hồ hốt khách. Dân Việt Nam sẽ xếp hàng nườm nượp cắm trại từ cả tháng trước để mua vé, háo hức trầm trồ:
-A con gì kêu meo meo đẹp quá ba ơi.
-Con gì có mào trên đầu kêu cục ta cục tác lạ quá bà nó!
-Bộ trưởng ơi bộ ta phải xin mua con kêu chít chít này về nghiên cứu gien!
Từ đây cho tới giờ khắc huy hoàng đó, dân Việt Nam luôn luôn vui thích sẵn lòng bỏ tiền sang Singapore hay Thái Lan, xa hơn là đi hẳn châu Phi xem heo vòi, hươu, nai, hổ báo… Xem cả cừu và dê. Không sao, điều đó chứng tỏ dân ta tốt bụng, luôn luôn hừng hực ý thức làm giàu cho người dân các nước khác. Có thể vì lý do đó mà mai mốt khi thú hoang ở Việt Nam chết tiệt hết đi rồi thì người dân các nước khác sẽ mua vé đến để xem dân Việt Nam ta chăng?
Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn nhà giàu
Trong một báo cáo của Trạm bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng (WAR-Wildlife at Risk), trong quá trình cứu hộ động vật hoang dã, họ chứng kiến ở một nhà hàng đặc sản tại quận 3 (Tp HCM) mấy chục con ba ba, cua đinh nuốt bao cao su, hay một con rùa biển ói ra đến 20 cái nắp chai bia. Ông Lê Xuân Lâm, Quản lý Trạm nhiều lần kể với báo chí: Bể kiếng thả ba ba, cua đinh, rùa biển… nằm sát khu vực thực khách ăn uống để quảng cáo cho chất lượng “thật, tươi” của các món nhậu. Dân nhậu ngồi ăn, khui nắp lon tiện tay ném cái vèo trúng vào bể, vậy là rùa biển đớp trúng. Trước sau gì chúng cũng lên thớt nên chẳng nhân viên nào buồn quan tâm.
Hai ba năm gần đây, a dua theo…  à quên, xin lỗi, chung tay với phong trào chống rác thải nhựa trên toàn thế giới, dân Việt Nam cũng hùng hục share hình ảnh rùa biển, cá voi, chim biển chết ngợp trong túi nilon hay với cái bao tử đầy rác nhựa. Nhà thờ Đức Bà Paris cháy, vô số nhân vật từ nổi tới chìm trên mạng xã hội đua nhau post hình đứng dưới tháp Eiffel thương khóc. Rừng Amazon cháy, lại thêm một đợt khóc thương phẫn nộ cho môi trường. OK nhưng ngay tại đất nước mà những nhân vật giàu tình thương đó đang ngày ngày hít thở không khí, thì nếu có dịp, họ vẫn rình rình chén một bữa thịt thú rừng (càng hiếm càng oách), săn một tấm da cọp trải sàn phòng khách (phong thủy tối cao, để trừ tà), cung tiến chiếc chân voi làm lục bình cắm mấy sợi lông công, mấy cái tay gấu để anh hầm ăn cho bổ khỏe lấy sức chăm sóc (các) chị nhà; chiếc đầu bò tót treo tường, hay bộ gạc hươu để treo hờ chiếc mũ phớt… Tệ lắm cũng phải vài bộ bàn ghế và phản gỗ sưa, ngọc am, hoàng đàn. Các lãnh đạo cấp cao nhất vẫn mách nhau uống sừng tê giác để giảm tác dụng phụ khi điều trị bệnh ung thư. Cũng chẳng thèm kín đáo giấu giếm cho lắm!
Thấp hơn thì tả pí lù, họ gán ghép và ăn tất những con côn trùng mà trước kia chưa từng được liệt vào danh sách thực phẩm. Ban đầu còn cao sang cá ngựa, tắc kè, riết rồi con sâu chít, con bổ củi, cho đến con rết, con bọ hung, con mối chúa.. cũng bị đào bới để ăn sạch. Chỉ cần quảng cáo ăn vô tăng cường sức mạnh đàn ông thì bất cứ con gì, cây gì, vật gì, thứ gì…  cũng bán sạch ở Việt Nam. Quả thật “làm giàu không khó”. (Không có lẽ đàn ông Việt Nam tự ti về khả năng chăn gối tới vậy, đến nỗi gần như ai cũng lùng mua và tin tưởng ba cái quảng cáo này).
Tháp nhu cầu của Maslow lan tới Việt Nam thì bó chiếu. Sai toét. Lý thuyết Maslow cho rằng khi con người thỏa mãn các nhu cầu thuộc về thể “lý” hay thể “xác” như ăn uống, tình dục, việc làm, gia đình, sức khỏe… thì sẽ vươn lên các tầng tiếp theo, mà cao nhất là “Thể hiện bản thân”. Cụ thể là thể hiện khả năng và bản thân, muốn được người khác công nhận và kính trọng… hiểu theo nghĩa cống hiến, sáng tạo. Không, ở Việt Nam, rất nhiều người “no cơm ấm cật” rồi thì tầng tháp cao nhất là “giậm giật tay chân”. Phải ăn, phải xài, phải chơi những gì hiếm quý nhất,  thậm chí ngoài vòng pháp luật và đạo đức nhân loại nhất, mới thể hiện được địa vị và tiền của.
Nên đừng có dở hơi đi thương cho voi Pắk Cú bị loài người tẩm xăng đốt sống. Đừng dở hơi quằn quại tiếc cho tiềm năng nền kinh tế du lịch-nghiên cứu của vô vàn loài cây, loài thú trên cạn, dưới biển và dưới kính hiển vi, và những dịch vụ xung quanh nó, vốn sẽ hốt ra vàng. Cũng đừng nghe các bậc lãnh đạo lên ti vi rưng rưng nước mắt phất tay hô bảo vệ môi trường. Diễn mà được tụi tây ngố bỏ tiền ra cho diễn thì dại gì mà không, có phỏng?
Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn nhà giàu. Còn chúng ta, quân man di mọi rợ, cứ học tập lãnh đạo chén được gì đẫy họng cứ chén, kẻo mai không có miếng mà ăn, có phỏng?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/protecting-environment-rich-western-people-job-09212019164411.html

Tiến ơi! Đừng sợ!

Đồng Phụng Việt
Kim Tiến yêu quý,
Lóng rày bạn thế nào? Hỏi thế cho phải phép chứ mình tin bạn vẫn ổn, thậm chí rất ổn. Cho dù ở xứ mình, “tiện dân” thường xuyên cảm thấy bất an vì đối diện với đủ loại bất ổn nhưng làm gì có… “thầy thuốc nhân dân” nào không ổn!
Theo dõi scandal đổi tên Đại học Y Dược TP.HCM thành Đại học Sức khỏe TP.HCM, thấy bạn vẫn còn hết sức vững vàng, mình mừng! Chẳng có bao nhiêu người đủ cả khả năng lẫn cơ hội khiến đám đông hoang mang, bất bình như bạn đâu. Cố lên Tiến nhé!
Kim Tiến yêu quý,
Đám “tiện dân” vốn đã rối vì “y dược” không bằng… “sức khỏe”, giờ lại tiếp tục vật vã do nhận ra “đại học” không phải là “trường đại học” nhưng mình tin bộ phim này chưa ngưng chiếu. Có phải bạn đang chờ chúng thấm đòn mới bồi thêm, rằng… Bộ Giáo dục – Đào tạo mới là nơi cung cấp “hẹ” cho “nồi canh hẹ” mà chúng đang phân vân có nên nuốt hay không, sau đó Quốc hội chế biến – bày ra bàn, thiếu Quốc hội, làm sao có luật như thế về đại học? Nếu đúng thì đó quả là… tuyệt chiêu!
Vài người biết bạn từ thưở hàn vi tâm sự, chưa bao giờ họ nghĩ, sẽ có ngày, tư duy của Kim Tiến – sinh viên Đại học Y Hà Nội – lại phát triển  theo hướng như vậy! Theo họ, dẫu bạn là cháu ngoại cụ Hà Huy Tập – một thứ “hồng phúc dân tộc” nên dứt khoát là có chỗ khác… người – song dù sao bạn cũng từng học trường y. Họ thắc mắc, ai đã dạy… thêm khiến bạn “tỉnh” tới mức bảo với “tiện dân”: Lỗi vaccine thì xử vaccine! Tặng quà sau điều trị là… cách thể hiện… tấm lòng người bệnh và… văn hóa Việt Nam!?.
Họ còn bảo rằng, họ đã thử tìm để xem trên thế giới này, từ cổ chí kim, có trường y nào dạy dỗ sinh viên theo tinh thần Hippocrates và ở Việt Nam có trường y nào dạy dỗ thêm y đức Hải Thượng Lãn Ông, lại khuyến khích sinh viên giả mù, giả câm, giả điếc trước tình cảnh bệnh nhân vật vã vì thiếu giường nằm, quằn quại vì thiếu thuốc, uổng tử do thuốc giả, chẩn đoán sai, điều trị không đúng cách,… nhưng tìm không ra! Nơi nào dạy bạn, một người vốn được đào tạo thành lương y, lại trở thành như đã thấy?..
Kệ họ Tiến ạ! Cho dù họ là những người… quen cũ nhưng xét cho đến cùng, họ cũng chỉ là… “tiện dân”. “Tiện dân” làm sao hiểu được sự tài tình, sáng suốt của đảng ta! “Tiện dân” làm sao có thể nhận ra những tư chất giúp bạn được đảng ta quy hoạch – sắp xếp làm “rường cột quốc gia”. Đâu phải tự nhiên mà cổ nhân bảo “dân ngu, khu đen”, đúng không? Đâu phải tự nhiên mà các “rường cột quốc gia” giống hệt nhau về tư duy, mỗi khi mở miệng là từ Tổng Bí thư trở xuống đều cho thấy dư khả năng khuấy động dư luận!
“Khu đen” tất nhiên là không có suất vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, không có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành chính trị, hay được công nhận tốt nghiệp… Cao cấp Lý   luận chính trị. Cho nên chẳng bao giờ “khu đen” có thể đủ “tinh thần lạc quan cách mạng” và… dũng khí để đưa ra những nhận định kiểu như: Nhìn một cách tổng quát, đất nước chưa bao giờ “được” như thế này! Chẳng phải chỉ có Tổng Bí thư, “khu… đỏ” nào, bất kể được qui hoạch làm gì, ở đâu mà không hệt như thế!
***
Kim Tiến yêu quý,
“Bọn xấu” đang mỉa mai Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – nơi mở ra cánh cửa đưa bạn vào qui hoạch “rường cột quốc gia” là Học viện… Kiến bu Ruồi đậu. Nhìn một cách tổng quát, dường như tất cả những cá nhân tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đều chỉ có thể đưa ra những tuyên bố, nhận định thuộc loại… “kiến bu”, thực hiện những hành vi thuộc loại… “ruồi đậu”, góp phần phát triển cả… kiến lẫn ruồi nhưng… kệ chúng Tiến ạ!
Hôm qua, “tiện dân” mỉa mai bạn vì dự tính đổi tên Đại học Y Dược TP.HCM thành Đại học Sức khỏe TP.HCM, hôm nay “tiện dân” xoay qua xỉa xói bạn Hùng vì bạn ấy tin: Việt Nam có thể làm những thứ thế giới chưa từng làm!… Tuy những lời mỉa mai, xỉa xói ấy có vẻ hữu lý thì cũng đừng sợ Tiến nhé! Chẳng đáng gì đâu! Có “rường cột quốc gia” nào của đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ chưa bị mỉa mai, xỉa xói. Mỉa mai, xỉa xói đến cỡ nào thì “rường cột quốc gia” vẫn cứ là “rường cột quốc gia”! Đúng không?
Với bối cảnh như hiện nay, mỉa mai, xỉa xói là một thứ van để đám “tiện dân” xả ẩn ức, thậm chí còn khiến một số sung sướng do được nhấm nháp cảm giác can đảm hơn cha anh vì dám… chỉ trích đấy Tiến ạ!
Cũng vì vậy, đừng để “hiện tượng” làm bạn chao đảo nhé! Hãy nhìn vào “bản chất” để giữ sự “kiên định” với “sự nghiệp cách mạng”. Sau mỉa mai, xỉa xói, chẳng phải “tiện dân” lại tiếp tục giao sức khỏe, tính mạng của mình và thân nhân cho bạn… chăm sóc, giao con cháu cho bạn Nhạ… giáo dục, ra khỏi nhà thì giao tiện nghi, an toàn cho bạn Thể… sắp đặt, giao trật tự, trị an cho bạn… Lâm giữ gìn, giao độc lập quốc gia, tự chủ của dân tộc cho bạn Lịch… bảo vệ – đó sao?
Có gì để phải lo, mỉa mai, xỉa xói dẫu dữ dội, thường xuyên thì sau đó, “tiện dân” vẫn ngoan ngoãn giao cả hiện tại lẫn tương lai cho đảng ta toàn quyền định đoạt! Rường mục, cột ruỗng thì những “hồng phúc dân tộc” mới sẽ thế chỗ làm… “rường cột quốc gia”!
Thật ra mình không tin bạn và những bạn khác lo, cũng không nghĩ bạn và những bạn khác cảm thấy buồn trước các phản ứng của đám “tiện dân”, bởi nếu có thì các bạn đã không tiếp tục nói và không tiếp tục làm như thế.
Tiếp tục vui sống và nhắc các bạn cứ như thế mãi vì “tiện dân” chỉ đến thế thôi Tiến nhé!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dont-be-afraid-tien-09212019163806.html

‘Hy sinh đời bố, củng cố đời con’

Mặc Lâm
Người dân thật sự bức xúc khi nghe bị can Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bị cáo buộc đã nhận 3 triệu USD (gần 66,5 tỷ đồng) từ chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ và hiện mới nộp hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Ông Son khai tiền nhận hối lộ đã giao cho con gái trong khoảng 10 lần song không có tài liệu chứng minh, và con gái của ông Son là Nguyễn Thị Thu Huyền đã phủ nhận việc này.
Ba triệu đô la không phải là một con số nhỏ so với những đại án tham nhũng khác vì đây là số tiến lấy trực tiếp từ ngân sách nhà nước tức là tiền tươi thóc thật nhưng ông Son lại xem thường luật pháp đến nỗi khai man rằng đã đưa cho con gái mình. Việc khai man này rất dễ phát hiện nhưng không hiểu sao
cơ quan điều tra, tòa án vẫn chịu bó tay và cho tới nay thời gian trôi qua khá lâu nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chưa bị bất cứ biện pháp chế tài nào hầu thu hồi số tiền mà y đã đút vào túi.
Lần theo thời gian, người ta không hề ngạc nhiên với trường hợp của Nguyễn Bắc Son vì đã có quá nhiều vụ tương tự xảy ra liên tiếp trong các đại án tham nhũng.
Vụ Vinashin trong suốt 5 năm cơ quan thi hành án chỉ thu hồi được 3 tỷ trong khi số tiền thất thoát lên đến 1.080 tỷ đồng. Vụ Vinalines không khá gì hơn chỉ thu được 10% số tiền mà tòa án giao cho cơ quan thi hành án.
Tháng 4 năm 2017, Cục trưởng Thi hành án dân sự Hà Nội, ông Lê Quang Tiến cho biết riêng vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, số tiền phải thi hành án là hơn 358 tỷ đồng nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng, và gần như không còn khả năng thu hồi thêm.
Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Ngân hàng ACB trên 100,146 tỷ đồng, trong đó có 100 triệu đồng án phí, phải truy nộp trên 100,046 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, nhưng tính đến cuối tháng 3 năm 2017, chỉ thi hành được 100 triệu đồng án phí và hơn 74 tỷ tiền truy nộp. Nguyễn Đức Kiên còn phải thi hành 26 tỷ 44 triệu đồng.
Có hơn 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và hơn 2.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Thị Bích Lương liên quan Ngân hàng Agribank… đều chưa được thu hồi.
Người dân chẳng những thất vọng họ còn nghi ngờ ngay cả cơ quan thi hành án đã toa rập với gia đình bị can để tiếp tục đút túi tiền hối lộ cho cán bộ hầu tránh bị tịch thu tài sản mà can phạm có dính líu tới. Theo nhiều cán bộ tư pháp cho biết sở dĩ việc thu hồi tài sản bị kéo dài, hiệu quả thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về mặt thể chế, do khâu tổ chức thực hiện, tài sản của đối tượng đã bị tẩu tán trước khi tòa án có phán quyết.
Một hiện tượng chung là khi xử một vụ đại án nào đó tòa án chuẩn bị hồ sơ quá lâu, chỉ khi câu chuyện được dân chúng gần như biết hết thì các nghi phạm mới bị đưa ra trước tòa. Họ có một thời gian dài tẩu tán tài sản bất minh kể cả khi tài sản đó quá lớn, khó chuyển đi trong lúc bình thường.
Trong thời gian gần đây chuyển tiền ra nước ngoài không còn là vấn đề khó khăn nữa. Tiền huê hồng cho việc chuyển chui qua nhiều đường giây dã giúp cho những đồng bạc bất chính luân chuyển một cách dễ dàng từ Việt Nam đi các châu lục khác kể cả Mỹ. Người ta không lạ khi có rất nhiều cán bộ Việt Nam vô tư mua nhà tại Mỹ mà không bị bất cứ cản trở nào vì họ không mang theo trong mình khi bay mà những khoản tiền rất lớn đã được chuyển đi từ trước.
Những hình thức rửa tiền đã được chuyền tai nhau trong đội ngũ cán bộ khiến họ có thể dùng những cơ sở business tại nước ngoài làm bình phong cho đồng tiền bất chính mà họ kiếm được. Việc rửa tiền đã trở thành quen thuộc đến nỗi có những số tiền lớn nhiều triệu đô la bỗng trở thành ít oi khi đã được rửa.
Ngoài ra theo Bộ Tư pháp, còn có những nguyên nhân khác khiến khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Một là, số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Ví dụ, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng và gần như không còn khả năng thu hồi thêm. Nguyên nhân này phải được làm rõ từng chi tiết xem số tiền thất thoát xảy ra từ đâu và cơ quan điều tra phải rà soát bằng được những đồng tiền nhỏ nhất để từ đó vây bắt những con cá mập còn ẩn mình trong vụ án.
Thứ hai là tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Trong trường hợp này cần quyết đoán tài sản do ai đứng tên và truy ra nguồn gốc bất kể giấy tờ sở hữu của chúng mập mờ như thế nào. Phần việc này rất dễ phát hiện từ những chuyên viên nhà đất ngoại trừ chính họ muốn có chuyện mập mờ nhằm tẩu tán tài sản.
Nguyên nhân thứ ba theo Bộ Tư pháp là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau nên ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Ví dụ vụ Phạm Công Danh, liên quan Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Vấn đề này Bộ Tư pháp phải có liên văn bản cho toàn quốc nhằm đưa ra quyền thi hành án cho các Cục Thi hành án tuân hành bản án bất cứ được xét xử ở đâu cũng đều có tư cách pháp lý như nhau.
Ngoài ra một số vụ không thể xử lý tội phạm tham nhũng do cơ chế hay do móc ngoặc ngay khi thụ lý hồ sơ nên tòa chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà không phải là tham nhũng. Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được.
Theo một chuyên gia quốc tế về vấn đề này, Ông Shervin Majlessi Cố vấn pháp luật cao cấp của Word Bank cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng thông qua quy trình truyền thống, nghĩa là qua kênh tố tụng và theo phán quyết của tòa án, thường ít mang lại hiệu quả. Do vậy, nhiều nước đã lựa chọn cách thức “tịch thu tài sản mà không cần tuyên án”. Ông cho biết “Ở Mỹ, trong một vụ việc mới đây nhất, nếu chờ quan tòa phán quyết sẽ mất rất nhiều thời gian nên lực lượng chức năng đã sử dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần tuyên án để tịch thu khoản tiền hơn 1 tỷ USD”
Theo ông Majlessi, cách thức áp dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần tuyên án ở mỗi nước có khác nhau nhưng đều có điểm chung là hướng vào tài sản bất minh chứ không phải cá nhân.
Chỉ khi nào luật pháp Việt Nam rạch ròi trong thi hành án cũng như áp dụng những biện pháp chế tài nhanh chóng, kể cả cô lập, phong tỏa tài sản của bất cứ nghi can nào khi Cơ quan điều tra bắt đầu thẩm cung. Bên cạnh đó là việc áp dụng biện pháp mạnh trong lúc thi hành án, bắt giữ những người cố tình bảo vệ, bao che, làm giả giấy tờ cho tài sản bất minh cùng hàng chục biện pháp khác. Lúc ấy may ra tài sản tham nhũng mới chạy về lại với ngân sách nhà nước bằng không câu nói biếm nhẽ của dân gian: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” vẫn là kim chỉ nam cho những người như cha con Nguyễn Bắc Son mà thôi.
https://www.voatiengviet.com/a/hy-sinh-doi-bo-cung-co-doi-con/5092070.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.