Tin Biển Đông – 18/09/2019
Khu vực biển phụ cận bãi ngầm Tư Chính
nằm ở vị trí nào theo Luật pháp quốc tế
Trả lời về việc tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 quay lại vùng biển Việt Nam tại họp báo thường kỳ ngày 19/8/2019, trước thông tin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 16/8/2019 đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam và Việt Nam sẽ căn cứ theo luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, tiếp tục có biện pháp thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, khẳng định: Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo “Nam Sa”( Trường Sa) và các vùng biển phụ cận, có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan. Tàu thuyền tác nghiệp của TQ luôn tác nghiệp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của TQ. Trong quá trình đó, tàu thuyền tác nghiệp căn cứ vào tình hình biển và nhu cầu thực tế điều chỉnh hợp lý kế hoạch tác nghiệp. Hy vọng các quốc gia liên quan thiết thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ và cùng với TQ duy trì an ninh hài hoà tại vùng biển liên quan.
Giới báo chí đã quá quen với nội dung trả lời này của phía Trung Quốc kể từ khi nhóm tàu khảo sát địa chất HD 08, cùng với sự hộ tống của một lực lượng tàu vũ trang, bán vũ trang hùng hậu, bao gồm các tàu Hải cảnh, tàu đánh cá có vũ trang, tàu Hải quân, được bố trí vòng trong, vòng ngoài, bài bản, lớp lang, triển khai các hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Tuy nhiên, nội dung được coi là lập trường của Trung Quốc về “sự kiện Tư Chính” không phải ai cũng có thể dễ dàng nhận ra được sự thật đúng sai của nó.
Để góp phần làm sáng tỏ bản chất của lập trường nói trên, chúng tôi xin tập trung bình luận, phân tích một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quần đảo Trường Sa, cũng như quần đảo Hoàng Sa là 2 quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình ở 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ (res-nullius), chí ít là từ thế kỷ VII. Việc chiếm hữu này
là thật sự, rõ ràng, liên tục và hoà bình; phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành, nguyên tắc chiếm hữu thật sự.
Trong khi đó, phía Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm và tạo ra tình trạng tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào những năm 1909, 1956, 1974 và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa năm 1946, 1950 (Trung Hoa Dân Quốc) và năm 1988 ( CHND Trung Hoa). Để biện minh cho sự xâm chiếm bằng vũ lực đó, phía Trung Quốc lập luận rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Tổ tiên người Trung Hoa từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử đã phát hiện, khai phá, chiếm hữu, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này. Nhưng lập luận này không phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ theo Luật pháp và Thực tiễn quốc tế hiện hành và đã bị các học giả quốc tế phê phán, bác bỏ. Mặc dù Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lich sử” của Trung Quốc đối với “ Tây Sa” và “Nam Sa”… Nhưng, theo nhận xét của giáo sư người Trung Quốc Lý Lệnh Hoa thì “chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó.”
Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: “người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết rằng ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này”…
2. Bãi cạn Tư Chính có phải là bộ phận cấu thành của “Nam Sa quần đảo” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) không? Và,“Vùng biển kế cận”, “Vùng biển liên quan” của “Nam Sa quần đảo” được đề cập trong tuyên bố nói trên là vùng biển nào? Liệu có phù hợp với UNCLOS 1982 không? Lập luận của Trung Quốc xuất phát từ cơ sở nào, đúng hay sai khi đối chiếu với UNCLOS 1982?
Mọi người đều biết rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn UNCLOS 1982, hơn nữa là một trong những thành viên tích cực của nhóm quốc gia đang phát triển, đã có nhiều đóng góp trong quá trình tham gia Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc tranh chấp địa-chính trị, địa- kinh tế, địa- chiến lược với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, cũng như các quốc gia ngoài khu vực có quyền và lợi ích liên quan khác, bất chấp Luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS1982; chẳng hạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” bao lấy trên 90% diện tích Biển Đông và tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý này bằng lập luận ngụy biện rằng:
- Đây là biên giới biển do lịch sử để lại, xuất hiện trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, vì vậy nó không chịu tác động bởi UNCLOS 1982;
-Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở vùng biển nằm trong đường biên giới này;
- Hơn nữa, Trung Quốc có chủ quyền đối với “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông ( bao gồm Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa ( tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa ( Pratas) và Trung Sa (vùng bãi cạn Macclesfield); vì vậy, “theo UNCLOS1982”, Trung Quốc có quyền mở rộng phạm vi các “vùng biển có liên quan” của Tứ Sa ra đến biên giới biển theo đường chữ U.
Lập luận nói trên của Trung Quốc, nếu theo thuật ngữ pháp lý, thì có thể được gọi là sự “giải thích và áp dung” quy định của UNCLOS 1982. Nhưng, sự “giải thích và áp dụng” này là hoàn toàn sai trái, là ngụy biện mà nhiều người cho rằng Trung Quốc đang muốn viết lại Luật Biển quốc tế có lợi cho họ. Chúng tôi xin vạch rõ tính ngụy biện trong cách “giải thích và áp dụng” UNCLOS1982 của Trung Quốc như sau:
Theo UNCLOS 1982, một quốc gia khi đã trở thành thành viên chính thức thì phải tuyệt đối tuân thủ và phải sửa đổi tất cả các quy định đã ban hành trước khi có Công ước, nếu chúng không phù hợp với các quy định của Công ước. Nếu không hủy bỏ và sửa đổi thì sẽ không có hiệu lực thi hành đối với các quốc gia thành viên khác. “Các quốc gia thành viên” (Etats Parties) là những quốc gia đã chấp nhận sự ràng buộc của Công ước và Công ước có hiệu lực đối với các quốc gia đó, và “Công ước được áp dụng mulatis mutandis (với những thay đổi cần thiết về chi tiết) cho những thực thể nói trong Điều 305
khoản 1, điểm b, c, d, e và f đã trở thành thành viên của Công ước, theo đúng với các điều kiện liên quan đến từng thực thể; trong giới hạn đó, thuật ngữ “quốc gia thành viên” cũng dùng để chỉ những thực thể này.”
Trong quá trình tiến hành Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3, các đoàn đại biểu đã thảo luận về việc có nên đưa khái niệm “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế không, cuối cùng khái niệm này đã bị gạt ra khỏi các quy định tại Phần V, từ Điều 55 đến Điều 75. Trong Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Philipines kiên Trung Quốc về vấn đề Biển Đông 12/7/2016, đã bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên” trong vùng biển đường “lưỡi bò” của Trung Quốc. Vậy thì, “Vùng biển kế cận”, “Vùng biển liên quan” của “Nam Sa quần đảo” được đề cập trong tuyên bố nói trên là vùng biển nào? Liệu có phù hợp với UNCLOS1982 không? Đây là nội dung liên quan đến hiệu lực của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa.
Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1998, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo.
Theo Phần IV của UNCLOS 1982, không có Điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo khi không phải là quốc gia quần đảo. Vì vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền phải vạch đường cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó. Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường có sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng được tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông.
Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” của các quần đảo ở giữa Biển Đông có chiều rộng đến 200 hải lý. Đây là một sai phạm tiếp theo sai phạm nói trên. Bởi vì, theo quy định của UNCLOS 1982, tại Phần VIII, Điều 121 quy định: 1. “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. 2. “Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác” 3. “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.”. Theo Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 , nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sông kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Như vậy, các bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rảnh sâu, không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo. Theo đó, bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của quần đảo Trường Sa và vùng biển bãi Tư Chính không được coi là “vùng biển liên quan” của quần đảo này.
Trò ‘sự đã rồi’ của TQ ở Biển Đông
Để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc nhiều năm qua đã ngang nhiên lợi dụng mọi kẽ hở để tạo ra “sự đã rồi”, bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc nhiều lần đánh lạc hướng dư luận bằng những tuyên bố rằng tình hình Biển Đông ổn định và được cải thiện. Thế nhưng những gì đã và đang diễn ra hoàn toàn không như Trung Quốc nói. Ngay ngoài kia, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vẫn đang ngang ngược vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam đã được xác định phù hợp với quy định trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Và đó chỉ là một trong hàng loạt hành vi nguy hiểm mà Trung Quốc tiến hành trong nhiều năm qua trên Biển Đông.
Hàng loạt chiêu trò
Chiêu bài “sự đã rồi” của Trung Quốc ở Biển Đông
Việc triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông có thể giúp Trung Quốc nhắm đến nhiều mục tiêu, bao gồm mục tiêu trên không cũng như giám sát tầng thấp để kiểm soát việc đánh bắt cá, thăm dò dầu khí, theo dõi tàu chiến và tàu thương mại đi qua khu vực. Mặc dù bản thân việc triển khai UAV trong không phận quốc tế không trái luật nhưng với Trung Quốc thì không loại trừ khả năng nước này có thể dùng UAV để gây áp lực hoặc cản trở phương tiện của các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trên Biển Đông.
Trả lời Thanh Niên, giáo sư về luật hàng hải quốc tế James Kraska tại Đại học Hải chiến Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc đã tiến hành một chiến lược nhất quán để hiện thực hóa mưu đồ kiểm soát Biển Đông, bắt đầu từ việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, các bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam từ năm 1988, tiếp đó là bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 – 2015, Trung Quốc tiến hành bồi đắp trái phép 7 bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, quân sự hóa chúng thành các tiền đồn, thậm chí xây dựng 3 đường băng đủ dài để các loại máy bay quân sự đáp xuống. Không những vậy, Bắc Kinh còn tổ chức diễn tập, điều động tên lửa, chiến đấu cơ đa nhiệm đến các thực thể ở Biển Đông.
Theo Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ): “Một chủ trương lớn trong chiến lược này là biến các vị trí chiếm đóng thành căn cứ hậu cần và căn cứ quân sự tiền phương, tạo bàn đạp cho các phương tiện như máy bay, tàu nổi, tàu ngầm của Trung Quốc tỏa ra thống lĩnh vùng trời và vùng biển ở Biển Đông”.
Bên cạnh các hành vi quân sự hóa, Trung Quốc còn tự cho mình quyền ấn định một lệnh “cấm đánh bắt” đối với các tàu treo cờ nước ngoài trên vùng đặc quyền kinh tế của chính các nước đó tại khu vực trong suốt nhiều năm qua. Giáo sư Kraska cho rằng Trung Quốc muốn bình thường hóa sự kiểm soát về đánh bắt ở Biển Đông, bất chấp việc điều đó đe dọa, xâm phạm các hoạt động và quyền lợi biển hợp pháp của các nước khác. “Trung Quốc còn dùng đội tàu cá khổng lồ của mình kết hợp với tàu vũ trang mang danh tàu chấp pháp để gây rối ngư dân các nước nhằm nội bộ hóa hoạt động đánh cá, mục
tiêu là tước bỏ quyền đánh cá của các nước trong chính EEZ của họ”, ông nhấn mạnh với Thanh Niên. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo sự nguy hiểm của dân quân biển ngụy trang dưới dạng tàu cá, tàu thương mại dân sự với chiến thuật “bắp cải” của Trung Quốc.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tìm cánh ngụy tạo “hồ sơ hành chính” nhằm tự vẽ nên quyền kiểm soát các thực thể ở Biển Đông. Hơn 7 năm trước, Trung Quốc tự lập ra cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý một khu vực rộng lớn, bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đến, Trung Quốc lại hình thành các cơ sở hành chính, rồi tổ chức du lịch đến các khu vực trên. Giới chuyên gia quốc tế đều nhận định đây là cách mà Trung Quốc tự “hợp pháp hóa” các biện pháp mang tính “bình phong”. Cụ thể, thông qua các giấy phép đầu tư, Trung Quốc có thể tự vẽ ra một “hồ sơ hành chính” về “liên tục quản lý” các đảo nhằm bao biện cho tuyên bố chủ quyền phi lý của mình.
Hệ lụy nguy hiểm
Theo các chuyên gia, Trung Quốc rõ ràng đang ra sức thực hiện mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” bằng cách tạo ra “sự đã rồi”, cái gọi là “trạng thái bình thường mới” hay “nguyên trạng mới”. Mới đây, nguyên Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cảnh báo Trung Quốc vẫn tận dụng các kẽ hở để tạo ra “sự đã rồi”. Ông đánh giá “sự đã rồi” là vấn đề khó nhất về mặt quân sự và đây cũng là thách thức lớn với các quốc gia đang quan ngại về những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bài trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Vuving cảnh báo trong khoảng 5 – 10 năm tới, Trung Quốc có thể tiến đến giai đoạn cuối trong quá trình tạo dựng và củng cố thế đứng trên Biển Đông, tức là giai đoạn mà từ các bàn đạp trên các đảo chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc có thể phản ứng tức thời và áp đảo lực lượng của bất kỳ nước nào khác trên bất cứ khu vực nào ở Biển Đông. Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc thì nói với Thanh Niên: “Những sự hiện diện quân sự, hành chính và thương mại vững chắc sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng gây áp lực ngay lập tức đối với bất kỳ quốc gia nào có hành động đi ngược với mong muốn của Bắc Kinh”.
Làn sóng mới lên án hành vi của TQ ở Biển Đông
là lợi thế cho Việt Nam sử dụng pháp lý
Từ khi Trung Quốc cho tàu Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hộ tống tiến hành khảo sát bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và uy hiếp, cản trở các hoạt động hợp tác dầu khí lâu nay của Việt Nam, đã có nhiều ý kiến đề xuất Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã làm năm 2013. Trong bài viết này xin đề cập đến một khía cạnh khác liên quan đến đấu tranh pháp lý: phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế lên án hành vi của Trung Quốc sẽ tạo lợi thế lớn cho Việt Nam khi sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.
Sau khi Mỹ lên tiếng mạnh mẽ lên án đích danh hành vi của Trung Quốc xâm lấn, bắt nạt Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ở nhiều cấp độ khác nhau từ tuyên bố của Bộ Ngoại giao đến Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ và từ các Nghị sĩ thuộc cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đên Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, đã xuất hiện một làn sóng mới trên quốc tế lên án hành vi cưỡng ép, dọa nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thủ tướng Úc, Thủ tướng Malaysiatrong chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam phê phán các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông; Ngoại trưởng Nhật rồi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát biểu phê phán các hành vi cưỡng chế ở Biển Đông, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ngoài phát biểu hôm 05/8 của bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đại diện cấp cao của Liên hiệp Châu Âu về an ninh và đối ngoại nhân chuyến thăm Việt Nam thìTuyên bố ngày 28/8/2019 của Người Phát ngôn Cơ quan đối ngoại Châu âu thuộc Liên hiệp Châu Âu một lần nữa bày tỏ quan ngại trước hành vi của Trung Quốc, nhấn mạnh“những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và tác hại đến môi trường an ninh biển”,“đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực”.
Đặc biệt, ngày 29/8/2019, Pháp, Đức, Anh ra Tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông. Đây là lần đầu tiên 3 nước lớn ở Châu Âu ra một Tuyên bố chung về Biển Đông. Trong phát biểu hay tuyên bố của các nước đều đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển được xác định phù hợp với (UNCLOS).
Như vậy, đã có 3/5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên tiếng công khai phê phán hành vi cưỡng ép của Trung Quốc. Một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khác là Nga, tuy không phát biểu công khai trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc, nhưng việc Chính phủ Nga hậu thuẫn cho công ty Rosneft kiên trì triển khai các hoạt động hợp tác dầu khí với Việt Nam ở lô 06-1 trên thềm lục địa Việt Nam là một sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính nghĩa của Việt Nam, thể hiện rõ quan điểm của Nga tuân thủ các quy định của UNCLOS.
Không rõ với tư cách Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc còn lại, những người cầm quyền ở Bắc Kinh nghĩ gì mà tiếp tục hành động bất chấp tất cả. Có lẽ với mục tiêu thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, ông Tập Cận Bình đang đưa đất nước Trung Quốc đi theo con đường của chủ nghĩa bá quyền hòng thống trị khu vực chăng? Nên ông ta bất chấp tất cả, một mình chống lại cả 4 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việc quốc tế, nhất là các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên tiếng phê phán hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế là có lợi cho Việt Nam khi kiện Trung Quốc ra Tòa bởi lẽ ý kiến của cộng đồng quốc tế là một nội dung các quan tòa phải xem xét trong quá trình xét xử và ra phán quyết. Đặc biệt, Tuyên bố chung của Anh, Pháp, Đức có đề cập đến phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, coi đây là một cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Điều này càng có lợi cho Việt Nam khi khởi kiện Trung Quốc vì phán quyết 12/7/2016 trở thành án lệ được cộng đồng quốc tế tôn trọng và thừa nhận.
Rõ ràng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực mà nhóm tàu HD8 của Trung Quốc đang xâm phạm được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và được cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (trừ Trung Quốc là nước đang xâm lấn ở đây) thừa nhận nên chắc chắn nếu Việt Nam khởi kiện sẽ giành được thắng lợi.
Mặt khác, từ đầu tháng 7 đến nay các bài viết, phát biểu của các học giả, nhà nghiên cứu hầu hết đều đứng về phía Việt Nam, lên án hành vi xâm lấn của Trung Quốc. Đây là một yếu tố rất thuận lợi cho Việt Nam trong trường hợp khởi kiện Trung Quốc.
Tóm lại, từ khi Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đã xuất hiện làn sóng mới lên án hành vi của Trung Quốc, nhất là trong những ngày gầy đây với việc lên tiếng của nhiều nước. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam khởi kiện Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và đe dọa uy hiếp các hoạt động dầu khí hợp pháp lâu năm của Việt Nam. Trong bối cảnh, Trung Quốc không chấm dứt hành vi xâm lấn, Việt Nam nên sử dụng biện pháp pháp lý.
0 comments