Ngoại trưởng Philippines hé lộ Trung Quốc xuống nước, có nhượng bộ cơ bản trong vấn đề biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày thứ Tư (11/9) tiết lộ Trung Quốc từng khăng khăng đòi loại "các sức mạnh quân sự nước ngoài" khỏi bất đồng trên biển Đông.
Trả lời ABS-CBN News, ông cho biết đến nay Bắc Kinh đã tỏ ra ôn hòa hơn trong những yêu sách này và xóa bỏ một số trở ngại để hướng tới hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) giữa Trung Quốc với 10 nước ASEAN.
Ngoại trưởng Philippines cho biết quá trình đàm phán COC đã "có nhiều tranh cãi trong một thời gian", khi Trung Quốc khăng khăng rằng "không thế lực quân sự nước ngoài nào nên có hiện diện quân sự tại biển Đông" và "nếu anh muốn phát triển dầu khí thì phải làm với chúng tôi (Trung Quốc)".
"Các báo cáo mà chúng tôi nhận được hiện nay, trong vấn đề này, cho thấy Trung Quốc đang ôn hòa hơn. Họ không còn đòi hỏi phải loại trừ các sức mạnh bên ngoài [khỏi vấn đề khu vực]," ông Locsin nói, bổ sung rằng diễn biến mới này đã được Manila lưu ý đến các đồng minh của họ và "những đối thủ của Trung Quốc".
Theo ông, sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc có thể làm gia tăng triển vọng đạt được một bộ quy tắc "công bằng, công chính, khách quan". COC là thỏa thuận mang tính ràng buộc được kỳ vọng giúp ngăn chặn những rủi ro xung đột tiềm tàng do tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.
Hiện chính phủ Trung Quốc và các quan chức Mỹ chưa đưa ra bình luận sau tiết lộ của ngoại trưởng Philippines.
Trước đó, Bắc Kinh bị Manila cáo buộc là tác nhân làm trì trệ lộ trình đàm phán COC trong nhiều năm.
Theo AP, các ý kiến lên án cho rằng Trung Quốc chỉ chịu xúc tiến đối thoại chính thức với ASEAN sau khi nước này hoàn thành hoạt động cải tạo, xây cất và quân sự hóa phi pháp trên các thực thể chiếm đóng ở biển Đông. Sau khi hoàn thành, COC được cho là có thể hạn chế Bắc Kinh ngang nhiên tiến hành những hoạt động trái phép quy mô lớn như thế.
Trong chuyến công du Trung Quốc cuối tháng trước, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng việc hoàn thành COC cần phải được đẩy nhanh giữa bối cảnh căng thẳng có chiều hướng leo thang giữa các bên liên quan. Đáp lại, ông Tập kỳ vọng COC có thể hoàn thành trong vòng 3 năm.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã hứng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế bởi những hành vi đơn phương làm gia tăng căng thẳng và làm xói mòn lòng tin trong khu vực.
Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ hồi cuối tháng 8 lần lượt ra thông cáo lên án các hành động "cưỡng ép" của Trung Quốc trên biển Đông - bao gồm hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam và cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.
Nhóm E3 - gồm Đức, Pháp và Anh - bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông và khả năng diễn biến làm mất an ninh và ổn định trong khu vực. Nhóm này kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển Đông "có hành động và giải pháp làm giảm căng thẳng và đóng góp vào duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực - bao gồm quyền của các nước ven biển trong vùng nước của mình cũng như quyền tự do lưu thông hàng hải, hàng không trên biển Đông".
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố "tiếp tục ủng hộ 'toàn diện' tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt, nhằm thúc đẩy trật tự khu vực và quốc tế trên cơ sở các quy tắc, nhằm củng cố quan hệ hợp tác đa phương cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba". EU cũng bày tỏ kỳ vọng vào "sự hoàn thành các cuộc đối thoại nhanh chóng, minh bạch về Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý".
Ngoài ra, các nước khác như Ấn Độ, Australia cũng bày tỏ quan ngại trước "những hành động đơn phương" gây căng thẳng và làm tổn hại đến hòa bình, ổn định ở khu vực biển Đông.
0 comments