Đại-Dương: Thư không Niêm…
Sunday, September 15, 2019
8:04:00 PM
//
Sanh hoạt Cộng Đồng
,
Slider
Virginia ngày 13 tháng 9 năm 2019
Kính thưa ông Chủ tịch Cộng đồng Người Việt DC-Virginia-Maryland, Lý Thanh Phi Bảo,
Nhân đọc bài phỏng vấn ngày 28/08/2019 của Đài VOA có liên quan đến Ông và Bức thư gửi Quý Đồng Hương của Chủ tịch Cộng đồng ngày 6 tháng 9 năm 2019 dài hơn 4,000 chữ nên có đôi lời thưa cùng Ông liên quan tới hai vấn đề: (1) Chủ trương “HÒA BÌNH TALKS”. (2) Sinh hoạt Cộng đồng.
Bài phỏng vấn của Đài VOA viết “Ông Bobby Lý, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam vùng Washington DC-Virginia-Maryland, nói với VOA rằng ông chưa hay tin về kế hoạch đến thăm cộng đồng gốc Việt vùng thủ đô của ông Trọng, nhưng nói thêm rằng nếu ông Trọng có đến thăm cộng đồng thì sẽ thu xếp gặp… Nếu họ muốn gặp gỡ đại diện của cộng đồng ở đây thì tôi sẽ bảo mọi người gặp. Không phải gặp họ nghĩa là hợp tác với họ. Gặp gỡ là một cơ hội xem họ muốn gì… Nhiều người sợ rằng việc gặp ông Trọng sẽ bị chụp mũ là ‘hợp tác chung,’ ‘bị gài,’ còn mình làm đúng thì không sợ gì”.
Trong thư gửi Quý Đồng Hương, Ông Chủ tịch Bobby Lý viết “Nếu ông Trọng muốn gặp các Đại Diện của các Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Việt, thì chúng ta nên nắm lấy cơ hội để trực diện với họ nói lên những mối quan tâm của chúng ta về hiện tình đất nước và để biết họ muốn những gì … Tôi thường đã nhận thấy và cũng đã đề cập với một số người rằng nhiều người trong chúng ta thường lo sợ bị người khác “CHỤP MŨ”. Nhưng cá nhân tôi thì không lo sợ như vậy. Trong chiến tranh luôn có khoảng thời gian dành cho “HÒA BÌNH TALKS”. Nếu chúng ta không tận dụng lợi thế của “HÒA BÌNH TALKS” thì cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc”.
Hai phần trích dẫn trên tuy có khác biệt về cách biểu đạt, nhưng, nội dung và ý nghĩa giống nhau: Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn gặp thì Chủ tịch Cộng đồng Lý Thanh Phi Bảo sẵn sàng.
Không phải lần đầu tiên mà một Nguyên thủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gặp các Cộng đồng Người Việt sống ở nước ngoài khi xuất ngoại vì: (1) Họ coi người Việt Hải ngoại là “công dân” Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bởi lý do huyết thống, dù có mang Việt tịch hay không. Đa số người Việt Hải ngoại chưa làm thủ tục từ bỏ Việt tịch vì ỷ lại đã có quốc tịch khác nên Nhà nước Cộng sản Việt Nam chẳng dám động tới. Do đó, Hà Nội mới coi người Việt Hải ngoại là “khúc ruột xa ngàn dặm” thay cho câu mà đám lãnh đạo Cộng sản Việt Nam từ Lê Duẩn trở xuống đã miệt thị sau tháng 4-1975 “bọn đĩ điếm ma cô … một bọn phản quốc … đồ rác rưởi trôi sông lạc chợ … cặn bã xã hội … chạy theo bơ thừa sửa cặn … bọn di tản đáng bị chặt đầu …” . (2) Nguyên thủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi xuất ngoại thường chính thức yêu cầu quốc gia sở tại đối xử tốt với kiều dân Việt Nam. Đồng thời, tìm mọi cách tiếp xúc với Đại diện của Cộng đồng Người Việt để phủ dụ và tạo điều kiện cho nhóm truyền thông tháp tùng vẽ vời và viết bài tán tụng sự đoàn kết trong ngoài đối với Nhà nước Cộng sản. (3) Tạo sự chia rẽ, chống đối, nghi kỵ lẫn nhau trong Cộng đồng Người Việt. Du học sinh, thương gia cộng sản và những kẻ chịu ơn mưa móc của Hà Nội có cơ hội mang cờ đỏ sao vàng đón “Bác Trọng” như thường xảy ra ở Nga, Đông Âu, Úc Châu. Tại Hoa Kỳ, chỉ diễn ra trong các Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán. (4) Kêu gọi đầu tư để kẻ vì tư lợi mà tự kiểm duyệt ngôn từ hoặc hạn chế hành động chống đối; cống hiến trí tuệ để bị vắt chanh bỏ vỏ.
Bất cứ cuộc “Hoà Bình Talk” nào muốn hữu hiệu cần đến các yếu tố: (a) Tương quan lực lượng. (b) Thiện chí hỗ tương. Nếu không, chỉ có lợi cho kẻ mạnh.
Hiệp định Đình chỉ Chiến sự Đông Dương tại Geneve 1954, tục gọi Hiệp định Geneve 1954, có sự tham dự của trực tiếp của 5 cường quốc (Pháp, Anh, Mỹ, Liên Sô, Trung Quốc) và 5 thực thể gián tiếp (Quốc gia Việt Nam, Vương Quốc Lào, Cao Miên, Pathet Lào, Khmer Issarak phải uỷ quyền cho Pháp) đã kết thúc vào ngày 20/07/1954. Đại diện của Hoa Kỳ và Quốc gia Việt Nam không ký vào Hiệp định.
Tuyên bố chung ngày 21/07/1954 đề cập đến vấn đề thống nhất đất nước bằng cuộc bầu cử tự do, bỏ phiếu kín và được quốc tế giám sát đã không được bất cứ quốc gia nào ký vào nên chỉ có tính cách “khuyến nghị” mà “không-cưỡng-hành”.
Hiệp định Geneve 1954 chỉ là một giải pháp quân sự thuần tuý, nhưng, phía Cộng sản đã vi phạm trầm trọng khi “chôn giấu võ khí, lưu 10,000 cán bộ, đảng viên ở lại, và còn gài những cán bộ lãnh đạo cao cấp ở lại Nam Việt Nam như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm …”. Theo Huy Đức viết trong “Bên Thắng Cuộc”. Hà Nội đưa quân qua vùng phi-quân-sự là vi phạm Hiệp định.
Hiệp định Chấm dứt Chiến tranh và Lập lại Hòa bình ở Việt Nam, tức Hiệp định Hoà bình Paris 1973 được Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà, Việt Nam Cộng Hoà, Cộng hoà Miền nam Việt Nam ký vào buổi sáng 27/01/1973. Văn bản thứ hai chỉ có Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký vào buổi chiều. Tất cả có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 28/01/1973 tại Việt Nam mở đầu cho cuộc tấn công quân sự từ Hà Nội để Đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt sự thống trị toàn cỏi Việt Nam. Miền Nam vĩ tuyến 17 sẽ lập Chính phủ Hoà giải Hoà hợp 3 thành phần: Việt Nam Cộng Hoà, Thành phần Thứ ba, Cộng hoà Miền Nam Việt Nam mà tới 30/04/1975 cũng chưa thành hình như mong đợi của Phe Dương Văn Minh!
Hai Hiệp định quốc tế này đã cho thấy sự khác biệt về lợi thế đàm phán. Phe Cộng sản bất chấp công pháp quốc tế mà yểm trợ vô-điều-kiện cho Hà Nội trong chiến lược nhuộm đỏ toàn cầu. Ngược lại, Phe Tự do bị dư luận chi phối và sự thay đổi chiến lược toàn cầu nên dân tộc Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ, hoà bình đã bị gánh kiếp nạn.
Sau tháng 4-1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng triệt để Học thuyết Marx-Lenin và Tư tưởng Mao Trạch Đông làm cho dân tộc rơi xuống đáy hố nghèo đói, khốn cùng nên Hà Nội phải xách bị gậy đi ăn xin khắp thế giới nhờ vào một số chuyên gia thời Việt Nam Cộng Hoà bị kẹt lại và vài nhóm trí thức, chính trị gia gốc Việt ở hải ngoại làm môi giới. Đồng thời, kêu gọi Hoà hợp Hoà giải để xây dựng đất nước làm cho một số con thiêu thân chính trị bị cháy.
Năm 1993, Hà Nội đồng ý cho Phong trào Thống nhất Dân tộc và Xây dựng Dân chủ của Giáo sư Nguyễn Đình Huy thuộc Đại Việt quốc nội cùng với Giáo sư Stephen Young, Tướng Westmoreland, Thượng nghị sĩ John McCain và một số chức sắc trong Tân Đại Việt ở hải ngoại đến Hà Nội tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế về Việt Nam. Nhưng, Hội nghị bị cấm một ngày trước khi khai mạc. Giáo sư Young bị công an thẩm vấn và trục xuất về Mỹ, một số đồng chí Tân Đại Việt hải ngoại tháp tùng ông Young bị giam cầm. Giáo sư Huy bị thêm 17 năm tù.
Giáo sư Lê Xuân Khoa và một số trí thức gốc Việt ở Mỹ đã nhiều lần tiếp xúc với các phái đoàn Cộng sản Việt Nam công du Hoa Kỳ, đặc biệt đã công khai việc hướng dẫn Phái đoàn của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin đến thăm Ngân hàng Thế giới (WB) và trường Đại học Hopkins trong hai ngày 13 và 14/06/2003. Ông Bin hứa cho phép tổ chức “Diễn đàn Trí thức Việt Nam góp Ý kiến Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc” tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội từ 29 đến 31 tháng Giêng 2004.
Giấy mời tham dự Diễn đàn được các Đại sứ quán Việt Nam ở ngoại quốc gửi đến một số trí thức và chuyên gia Việt Nam định cư ở nước ngoài khoảng cuối tháng Chín. Bỗng nhiên, Diễn đàn này bị hoãn vô hạn định vì “có nhiều việc quan trọng khác phải giải quyết” nên chuyện Hoà hợp, Hoà giải dân tộc rụng như trái sung!
Một vài du học sinh từ Việt Nam Cộng Hoà đã tham gia vào phong trào phản chiến ở Mỹ với các hành động cực đoan, nhưng, khi “sạch bóng quân thù” họ vẫn không thể hoà hợp với cộng sản nên cứ bám riết ở Hoa Kỳ.
Công đoàn Đoàn kết Ba Lan do Lech Walesa lãnh đạo có khoảng 10 triệu người (1/4 dân số) nên mới đủ điều kiện đọ sức với Nhà cầm quyền Cộng sản và giành thắng lợi. Nhà soạn kịch Vavlav Havel từ chối lưu vong, không tham dự vào Mùa Xuân Praha của Tổng bí thư Alexander Ducek vì kiểu cải cách nửa vời, cầm đầu cuộc cách mạng bất-bạo-động mới lật đổ được Nhà nước Cộng sản Tiệp Khắc.
Nhằm biện minh cho chủ trương Hoà Bình Talks mà Ông Chủ tịch Phi Bảo viết: Lấy một ví dụ nếu đoàn biểu tình đang đứng trước tòa Đại Sứ Việt Cộng đả đảo đồng thời nói lên nguyện vọng của họ và người trong tòa Đại Sứ Việt Cộng mở cửa bước ra để nói chuyện với họ thì họ sẽ hành xử như thế nào?
- Đoàn biểu tình sẽ đứng đó để trực diện nói chuyện với họ, để đòi hỏi những gì mình muốn cho tự do nhân quyền vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải cho Việt Nam.
- Hay là đoàn biểu tình sẽ dắt nhau bỏ chạy đi vì không muốn nói chuyện với Cộng Sản?
Thực tế, (1) Từ trước tới nay, chưa có một viên chức nào của Toà Đại sứ Cộng sản dám ra đối chất với đoàn biểu tình. (2) Các phái đoàn Hà Nội, kể cả nguyên thủ quốc gia cũng phải chui cửa hậu hoặc được lực lượng an ninh Mỹ hộ tống khi đi ngang đoàn biểu tình.
Viên chức Cộng sản ngán đoàn biểu tình chống Cộng chứ không phải sợ uy của Chủ tịch Cộng đồng!
Biểu tình chống phái đoàn Cộng sản để cho người ngoại quốc và giới lãnh đạo Cộng sản biết rõ sự chống đối quyết liệt, không khoan nhượng trước kiểu cai trị hà khắc đồng bào quốc nội.
Nếu Chủ tịch Lý Thanh Phi Bảo đàm đạo với Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng thì hoàn toàn lép vế vì chỉ tạo điều kiện cho truyền thông cộng sản vẽ vời bối cảnh thần phục của người Việt Hải ngoại đối với chế độ cộng sản. Một điều mà người tị nạn cộng sản với bất cứ lý do và hoàn cảnh nào cũng chống đối quyết liệt.
Thư của Chủ tịch Bobby Lý viết “Thoạt đầu, tôi nghĩ là tôi đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Cộng Đồng. Tôi nghĩ rằng họ đã sẳn sàng cho một người trẻ tuổi để lãnh đạo Cộng Đồng. Nhưng ngay sau đó tôi phát hiện ra điều tôi nghĩ không đúng. Một số người đã hứa với tôi rằng họ sẽ đứng bên cạnh tôi để hổ trợ tôi nhưng sự thật không đúng như vậy. Chỉ còn lại một vài người đứng bên cạnh tôi mà thôi … Mặc dù có những người ở thế hệ 1 ủng hộ tôi nhưng họ lại im lặng không lên tiếng. Có thể lý do họ giữ im lặng là vì họ sợ bị rắc rối nếu họ nói lên ý kiến của họ hoặc sợ bạn bè sẽ ghét họ nếu họ chọn đứng về một phía nào hoặc họ đã quen sống dưới sự cai trị của Cộng Sản để nghĩ rằng giữ im lặng là cách duy nhất để tồn tại một cách hòa bình hoặc là họ không thích sự thay đổi. Cho dù với lý do gì họ không chia xẻ với giới trẻ. Đó là một điểm yếu trong Cộng Đồng chúng ta”.
Trong sinh hoạt dân chủ không bao giờ có tình trạng “100% nhất trí” như chế độ độc tài toàn trị. Dân chủ là tìm sự đồng thuận thông qua tương nhượng để có mẫu số chung cho một giải pháp. Khi lãnh đạo mà chỉ “còn lại vài người đứng bên cạnh” thì cần phải xét lại đường lối hành động và cách ứng xử. Ý kiến của số đông không phải chân lý mà là chiếc đồng hồ đo mức độ ủng hộ và tán thành đối với chính sách và người cầm đầu.
Sự im lặng của dư luận không có nghĩa là sợ bị rắc rối hoặc “quen sống dưới sự cai trị của Cộng sản” mà vì tầm quan trọng của vấn đề có cần phải đề cập đến hay không? Hơn nữa, mỗi chút mỗi cãi thì Cộng đồng dễ rơi vào trường hợp cơm không lành canh chẳng ngọt.
Đáng tiếc, Chủ tịch Bobby Lý chỉ buộc tội mà không nêu lý do bị chống đối vì chính kiến, cách điều hành, cách ứng xử, chủ trương và đường lối hành động nên dư luận khó phân biệt ai đúng, ai sai mà phản ứng hoặc có ý kiến.
Người Việt Hải ngoại khắp nơi trên thế giới hiện nay rất phức tạp nên Tổ chức Cộng đồng cũng khó đồng nhất như trước kia. Nạn nhân cộng sản chiếm đa số, kế đến là di dân kinh tế, du sinh, người đi lao động, viên chức Nhà nước Cộng sản Việt Nam, người Việt sinh ra trên đất Mỹ nên tư tưởng và nhu cầu cuộc sống rất khác biệt, hôn nhân vì quốc tịch nước ngoài. Người tị nạn cộng sản giảm dần trong khi các thành khác gia tăng nên sinh hoạt của Cộng đồng người Việt Hải ngoại dễ bị Hà Nội lũng đoạn và thao túng hơn.
Tuy nhiên, không mấy ai muốn trở về sống dưới mái nhà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu chẳng có chiếc neo vững chắc ở hải ngoại. Thứ đến, với quốc tịch nước ngoài, một số người thích về Việt Nam kiếm chác hoặc khám phá. Một số khác cho rằng chuyện chống cộng đã có Chính phủ Mỹ lo từ A đến Z nên sợ gì Cộng sản, người Mỹ đã chẳng tiếp xúc với viên chức Việt Nam hay sao.
Hà Nội coi người Việt Hải ngoại như một bộ phận không thể tách rời của Chế độ Cộng sản nên khống chế được Cộng đồng người Việt Hải ngoại sẽ có “con gà đẻ trứng vàng” và một lực lượng chính trị trên đất khách mà không tốn chi phí. Mỗi năm, người Việt Hải ngoại gửi về nước số tiền khoảng 12% GDP của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chưa kể số tiền du hí, đầu tư và gửi chui.
Hà Nội đã khống chế hoàn toàn Cộng đồng người Việt ở Nga và một số quốc gia Đông Âu, đang cố gây ảnh hưởng tại Úc Châu, Âu Châu, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ.
Muốn Cộng đồng Người Việt Hải ngoại khỏi bị Hà Nội lũng đoạn thì Tổ chức Cộng đồng phải chứng tỏ sự độc lập hoàn toàn mà không phải là một phần của Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại diện Tổ chức Cộng đồng người Việt Hải ngoại không nên tiếp đón bất cứ viên chức Cộng sản nào vì để bọn cướp vào nhà không mất mạng cũng mất của!
Đại-Dương
0 comments