Ước tính thiệt hại 'khủng khiếp' từ thương chiến Mỹ-Trung
Trước diễn biến tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, tam giác ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc - Mỹ lại nóng lên với những bình luận từ các bên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Cảnh Sảng hôm thứ Hai 19/8/2019 khẳng định tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng Tàu Hải Dương 8 "luôn hoạt động trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc" và Trung Quốc mong Việt Nam "thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ."
Sau đó hơn một ngày, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông John Bolton có dòng thông điệp trên trang mạng xã hội Twitter bày tỏ sự ủng hộ với những nước phản đối hành xử mang tính "cưỡng ép" của Trung Quốc.
"Những nỗ lực gia tăng gần đây của Trung Quốc để đe dọa không cho các nước khác phát triển nguồn lực ở Biển Đông là đáng lo ngại. Hoa Kỳ cương quyết ủng hộ những ai phản đối hành vi cưỡng chế và chiến lược bắt nạt gây đe dọa hòa bình và an ninh khu vực," ông John Bolton viết trên Twitter hôm 20/8.
Bản quyền hình ảnh BBC/Twitter Image caption Dòng tweet của ông John Bolton hôm 20/8
Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm thứ Ba 13/8, chưa đầy một tuần sau khi rời khỏi khu vực.
Con tàu này cùng các tàu hải cảnh hộ tống lần đầu tiên vào khu vực hồi đầu tháng Bảy.
Kể từ khi xảy ra cuộc đối đầu, tàu thuyền Trung Quốc cũng hoạt động trong một lô dầu khí của Việt Nam, nơi có giàn khoan của hãng dầu khí Nga Rosneft thuê đang hoạt động.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Cảnh Sảng
Trung Quốc mong Việt Nam"thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ"
Sau đây là toàn văn câu hỏi của truyền thông về tàu Hải Dương 8 và câu trả lời của ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo hôm 19/8:
Câu hỏi: Phản ứng trước tin tàu nghiên cứu khoa học Hải Dương 8 của Trung Quốc và các tàu hải cảnh đã quay trở lại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói hôm 16/8 rằng Việt Nam phản đối Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu này ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp để thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán theo luật Việt Nam và luật quốc tế. Ông có bình luận gì [về việc này]?
Trả lời: Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Nam Sa và các vùng biển lân cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan. Con tàu được nói đến của Trung Quốc vẫn luôn hoạt động trong vùng biển trong thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Trong quá trình đó, con tàu này đã điều chỉnh thích hợp kế hoạch hoạt động để phù hợp với các điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tiễn. Chúng tôi hy vọng rằng quốc gia có liên quan sẽ thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hòa hợp và bình yên tại các vùng biển này.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ
Bình luận của các tướng Mỹ
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam ngày 18 và 19 tháng Tám, Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cũng nói Mỹ tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam.
"Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra. Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực..."
"Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam, chúng tôi sẽ theo sát các hoạt động của chính phủ Việt Nam, sẵn sàng hợp tác làm việc với Việt Nam," truyền thông Việt Nam dẫn lời Đại tướng Goldfrein nói với báo giới hôm 18/8.
Những hoạt động của Trung Quốc như thế này sẽ đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ của chúng tôi đã làm là giữ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự doĐại tướng Charles Q. Brown Jr.
Trả lời câu hỏi về mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa tàu Hải Dương 8 vào thềm lục địa của Việt Nam, Đại tướng Charles Q. Brown Jr. nói:
"Về mục tiêu của Trung Quốc là gì, người tốt nhất chúng ta nên hỏi là Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát rất kỹ những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, và chúng tôi nhận định rằng những hoạt động của Trung Quốc như thế này sẽ đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ của chúng tôi đã làm là giữ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Rõ ràng những hoạt động của họ có tác động rất lớn, tác động không mong muốn và tác động quá đà, đặc biệt là đối với khu vực đặc quyền kinh tế của các nước.
"Khi nói về phản ứng của Mỹ, rất khó để nói trước các hoạt động của chúng tôi sẽ tiến hành như thế nào, nhưng với tư cách tư lệnh không quân Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhiệm vụ của chúng tôi là viết ra những phương án để các lãnh đạo, chính trị gia sẽ đưa ra quyết định dựa trên phương án mà chúng tôi đề xuất. Tôi xin lưu ý rằng với những phương án chúng tôi đề xuất, chúng tôi sẽ có trao đổi với Việt Nam cũng như phù hợp với những lợi ích của các nước trong khu vực mà các hoạt động diễn ra ở khu vực Biển Đông".
Việt Nam 'yêu cầu Trung Quốc rút tàu'
Ba ngày sau khi tàu Hải Dương 8 quay lại Bãi Tư Chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng:
"Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.
"Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
"Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
"Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế."
Hồi cuối tháng Bảy 2019, Việt Nam gửi công hàm phản đối và yêu cầu tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rút ngay khỏi vùng biển của Việt Nam.
Hiện chưa có thông tin chính thức và chi tiết thêm nào trên truyền thông Việt Nam về "các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán" mà Việt Nam đang thực hiện và tuyên bố thực hiện ở Biển Đông sau tuyên bố mới nhất của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
0 comments