Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 03/08/2019

Saturday, August 3, 2019 7:59:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 03/08/2019

Ông Trần Bắc Hà chết

vì kiệt sức trong trại giam sau khi tuyệt thực?

Tin từ Hà Nội, ngày 03/8/2019: Một nguồn tin cho rằng ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chết trong buồng giam của Trại tạm giam 771 của Bộ quốc phòng vì kiệt sức sau nhiều ngày tuyệt thực.
Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng này thì khi mở cửa phòng giam vào lúc 17.30 giờ ngày 17/7, lính canh của trại tạm giam tìm thấy ông Hà, 66 tuổi, đã chết còng queo. Nguyên nhân chết có thể là do kiệt sức sau khi nhịn ăn nhiều ngày trước đó.
Nhiều cơ quan liên quan đến việc bắt giữ và điều tra vụ án đã họp ngay trong chiều tối cùng ngày, và thống nhất phương án giải thích về cái chết của ông Hà, rằng phía trại tạm giam đã phát hiện ông ta có biểu hiện sức khoẻ nguy cấp và đưa ông này đi cấp cứu ở Quân y viện nhưng đã chết trên đường trước khi tới bệnh viện.
Ông Hà bị bắt vào giữa tháng 11 năm ngoái với cáo buộc vi phạm quản lý ngân hàng và bị biệt giam trong Trại tạm giam của quân đội cộng sản. Ông này được cho là đã phản đối mọi cáo buộc, và đòi được đi chữa trị bệnh huyết áp cao và một số bệnh của tuổi già, nhưng không được đáp ứng và do đó ông ta đã tuyệt thực để phản đối từ ngày 12/7. Nguồn tin khẳng định ông Hà không có vấn đề về tim và gan.
Nguồn tin này khẳng định có kết quả khám nghiệm tử thi, trong đó có nói rằng dạ dày của ông này không có thức ăn. Nguồn tin còn nói rằng có video và hình chụp ông Hà nằm chết trong phòng biệt giam, nhưng vì lý do nhân đạo nên không công bố hình ảnh.
Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu nguồn tin này đúng, thì ông Hà đã bị đối xử vô nhân đạo trong quá trình điều tra và đây là nguyên nhân gây ra cái chết của ông ta. Nhiều người nói rằng thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, cục trưởng cục điều tra hình sự (C03) của Bộ công an cộng sản là người chịu trách nhiệm về việc này. Ngọc cũng là một trong những kẻ chỉ đạo công an thành phố Hà Nội đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Cộng từ năm 2011 đến 2018 với tư cách là phó giám đốc sở công an thành phố.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/ong-tran-bac-ha-chet-vi-kiet-suc-trong-trai-giam-sau-khi-tuyet-thuc/

Bảo vệ cởi áo tuyên bố nghỉ việc khi bị chỉ huy

yêu đầu đánh dân oan vườn rau Lộc Hưng

Tin Saigon.- Ngày 2 tháng 8 năm 2019, trên trang facebook mang tên Minh Thi Trần, một dân oan vườn rau Lộc Hưng, thuộc phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn cho biết, vào ngày 2 tháng 8, chính quyền quận Tân Bình đã huy động một lực lượng hơn 300 quân với đủ thành phần đến đàn áp, đánh dân nhằm phá căn lều tạm dựng để tổ chức đám tang chị Têrêsa Trần Thị Lý Hoa, vợ của dân oan Cao Hà Chánh.
Trong quá trình đàn áp người dân, một người đàn ông được cho là chỉ huy đã yêu cầu một thanh niên mặc áo đồng phục lao vào đánh người dân. Tuy nhiên, sau khi nhận lệnh, lương tri của nam thanh niên nổi dậy mạnh mẽ và không chấp nhận lệnh đánh dân. Lúc này, giữa viên chỉ huy và thanh niên cự cãi qua lại với nhau, rồi viên chỉ huy bỏ đi. Còn nam thanh niên quay sang nói với dân oan rằng, cậu ta chỉ được nhà cầm quyền trả mức lương 5 triệu đồng một tháng, nhưng bản thân thấy người dân phải chịu bất công, nên việc người dân chửi lại nhà cầm quyền là đúng. Và bản thân cậu thấy lương tâm mình bị cắn dứt, nên không bao giờ đi đàn áp người dân. Vì vậy, thanh niên này đã cởi đồng phục bảo vệ, tuyên bố bỏ việc, đồng thời hứa sẽ không bao giờ làm những chuyện thất đức đàn áp dân nữa.
Một lúc sau, người chỉ huy mới lúc trước yêu cầu thanh niên trên lao vào đánh dân, nay cũng chạy xe gắn máy quay lại để xin lỗi dân oan Lộc Hưng, đồng thời tuyên bố là bỏ việc ngay lập tức.
Cả hai người này vẫn còn lương tâm con người, đã  từ bỏ con đường tà đạo, hèn với giặc ác với nhân của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bao-ve-coi-ao-tuyen-bo-nghi-viec-khi-bi-chi-huy-yeu-dau-danh-dan-oan-vuon-rau-loc-hung/

Hai công an đánh cắp 11 kg ma tuý từ kho tang vật

Tin từ Sơn La, ngày 03/8/2019: Hai sỹ quan công an từng làm việc tại Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc sở công an tỉnh Sơn La đã đột nhập kho tang vật của Cục thi hành án tỉnh này để lấy đi 8kg heroin và hơn 3kg ma túy tổng hợp.
Cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh đã được chuyển sang Toà án tỉnh để truy tố 2 sỹ quan cảnh sát Nguyễn Văn Thườngvà Nguyễn Tùng Lâm và đồng phạm Phạm Tuân.
Sự việc xảy ra vào sáng sớm ngày 10/11/2018.Do biết vị trí của kho chứa vật chứng, ba tên đã tiến hành đột nhập để đánh cắp số hàng nói trên nhằm bán ra chợ đen. Trước khi gây án, Thường đã chuyển về Sở công an tỉnh Vĩnh Phúc, và Lâm đã bị sa thải khỏi ngành do vi phạm kỷ luật.
Cả ba sẽ bị đưa ra xét xử trong thời gian tới về cáo buộc “chiếm đoạt chất ma túy”theo khoản 4 Điều 252 củaBộ luật hình sự.
Việt Nam hiện là thiên đường của tội phạm ma tuý, là nơi tiêu thụ và trung chuyển ma tuý tổng hợp từ Trung Cộng, Lào và khu vực Tam giác vàng sang Philippines và nhiều quốc gia khác.
Hàng tấn ma tuý tổng hợp đã bị phát hiện trong thời gian gần đây, và hàng trăm tấn mỗi năm. Không rõ công an Việt Nam đã xử lý số lượng ma tuý thu giữ được như thế nào vì rất ít khi nhà chức trách công khai việc tiêu huỷ chúng. Nhiều người nghi ngờ tang vật ma tuý được lực lượng công an tuồn vào thị trường chợ đen.
Đây không phải là lần đầu tiên sỹ quan công an bị phát hiện đánh cắp tang vật là ma tuý.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/hai-cong-an-danh-cap-11-kg-ma-tuy-tu-kho-tang-vat/

Hòa Bình: 5 đảng viên có con được nâng điểm

bị đề nghị kỷ luật

Ủy ban kiểm tra tỉnh Hòa Bình vừa đề nghị kỷ luật 5 đảng viên là lãnh đạo tỉnh, có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 2/8.
Những lãnh đạo có con được nâng điểm ở Hòa Bình bao gồm ông Bùi Văn Thắng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc sở Giao thông vận tải, có con được nâng điểm vào Học viện An ninh Nhân dân; ông Phạm Hồng Hải, giám đốc Công ty Bảo việt Hòa bình, có con được nâng điểm vào Học viện An ninh Nhân dân; ba người khác có con được nâng điểm vào trường Đại học Kinh tế Quốc Dân là ông Trần Văn Tiệp – Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thông, ông Đỗ Hải Hồ – Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hòa Bình.
Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hòa Bình cũng đồng thời kỷ luật khiển trách đối với một loạt cán bộ tỉnh vì liên quan đến vụ nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. Trong số này có Đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc công an tỉnh, nguyên Phó Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh năm 2018.
Ngoài Hòa Bình, các tỉnh Sơn La và Hà Giang cũng phát hiện có nhiều con lãnh đạo được nâng điểm trong kỳ thi tôt nghiệp THPT 2018, tuy nhiên chỉ có Sơn La và Hòa Bình công bố tên của những phụ huynh có con được nâng điểm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hoabinh-discipline-parents-in-exam-fraud-08022019112251.html

Ngoại trưởng Việt Nam cùng ASEAN và TQ

thẳng thắn trao đổi về Biển Đông

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc thẳng thắn trao đổi về tình hình Biển Đông khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc.
Trong khuôn khổ Hội nghị AMM-52 và các hội nghị liên quan, chiều 31/7, tại Bangkok, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodore Locsin, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN và quan hệ ASEAN-Trung Quốc là một trong những quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả nhất của ASEAN, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Chia sẻ quan điểm này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN. Hai bên nhất trí tiếp tục hơn nữa các nỗ lực hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1.000 tỷ USD và đầu tư đạt 150 tỷ USD vào năm 2020; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, trong đó có phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo và thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối và phát triển bền vững.
Các Bộ trưởng hoan nghênh những đề xuất thông qua tuyên bố của lãnh đạo hai bên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 22 cuối năm 2018 về phát triển thành phố thông minh, đẩy mạnh giao lưu truyền thông và gắn kết kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI); nhất trí xác định năm 2020 là năm hợp tác ASEAN-Trung Quốc về kinh tế số.
Hai bên khẳng định lại cam kết sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP); ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên luật lệ.
Cũng trong sự kiện này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông. Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá chung của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khẳng định sẽ tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai
bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như kinh tế-thương mại-đầu tư, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân…
Về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của Tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.
Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
http://biendong.net/bi-n-nong/29644-ngoai-truong-viet-nam-cung-asean-va-tq-thang-than-trao-doi-ve-bien-dong.html

Ngư dân cần cờ hay hỗ trợ đóng tàu để ra khơi?

Trong những tuần qua, khi căng thẳng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đang gia tăng vì Bắc Kinh điều hàng chục tàu Hải cảnh cùng dân binh vào vùng nước Việt Nam, ngư dân ở nhiều nơi đã nhận được những lá cờ tổ quốc biểu chưng, khuyến khích họ bám biển.
Báo Người Lao Động trích lời một ngư dân được tặng cờ ở Quảng Ngãi nói rằng “Với những ngư dân như tôi, trao cờ Tổ quốc là trao cho chúng tôi niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để mỗi tàu cá cắm cờ đỏ sao vàng trở thành cột mốc sống giữ biển trời quê hương..”
Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” được báo Người Lao Động khởi xướng từ tháng 6. Tính đến nay, chương trình đã trao hơn 12.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Ngãi. Đây cũng là những nơi có nhiều ngư dân đi đánh bắt xa bờ và trở thành nạn nhân của những vụ đâm tàu, bắt bớ, đánh đập bởi tàu của các nước khác.
Bộ Ngoại giao Malaysia mới đây cho biết từ năm 2006 đến nay, nước này đã bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7000 ngư dân bị cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng nước của Malaysia.
Indonesia gần đây cũng đánh chìm 38 tàu cá Việt Nam với cáo buộc các tàu này đã xâm phạm vùng nước của Indonesia.
Một số ngư dân bị Indonesia bắt giữ cho Đài  Á Châu Tự Do biết họ đã đi đánh bắt ở tọa độ được Biên phòng Việt Nam xác nhận là trong vùng biển Việt Nam.
Cơ quan chức năng không công bố cụ thể có bao nhiêu tàu cá Việt Nam đã bị Trung Quốc đâm, bắt giữ trong những năm qua ở khu vực  Biển Đông nhưng những thông tin về các vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam hoặc cướp tàu cá Việt Nam thường xuyên xuất hiện trên mặt báo.
Mới đây, vào tháng 3, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở khu vực Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa  hai nước.
Hội Nghề cá Việt Nam hôm 29/7 cũng ra thông cáo phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nhận xét việc trao cờ mà chính phủ làm chỉ mang tính biểu dương đối với ngư dân:
“Trên một quốc gia ở vùng biển nó khác với vùng đất liền, vì vùng đất liền có thể cắm mốc được, có thể xây tường rào được biên giới lãnh thổ của mình nhưng ở trên biển thì không làm được việc đó. Do đó người ta ví rằng những ngư dân xuất hiện trên ngư trường khu vực biển đó chính là những cột mốc sống để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Tôi cho rằng hành động đó giống như là biểu dương và sự quan tâm của chính phủ đối với ngư dân thôi chứ không phải vì chính sách mà ngư dân bám biển.”
Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng xác nhận điều này chỉ mang tính chất khuyến khích tinh thần cho ngư dân, còn cờ thì không thể tồn tại lâu với ngư dân đi biển dài ngày.
“Đi một tháng về là mất lá cờ rồi, treo trên tàu nó phất phới một thời gian là rách nên mau hư nên mới có cuộc vận động đó, chúng ta cũng là những người vận động quyên góp để hỗ trợ cho bà con. Đó cũng chỉ là điểm để tăng thêm tinh thần thôi chứ thật ra tàu Việt Nam đi cũng là khẳng định chủ
quyền mà không có tàu ở đó cũng khẳng định chủ quyền chứ không hẳn là phải có lá cờ thì mới khẳng định chủ quyền.”
Kỹ sư tàu Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một trong những người chủ trương “Nhịp Cầu Hoàng Sa”, cho rằng việc kêu gọi trong thời điểm ngư dân gặp nhiều khó khăn như hiện này là điều không nên.
“Bởi vì ngọn cờ cấm ở đâu thì lãnh thổ đất đai tổ quốc ở đó, cắm trên tàu thì tàu cũng là một phần của đất nước Việt Nam nhưng cái đó nó nặng về tinh thần nhiều hơn, muốn chống được thì không phải chỉ có tinh thần mà người ngư dân gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, hiện nay về vấn đề các ngư trường, tàu thuyền vẫn còn gặp khó mà giờ họ còn nhiệm vụ bảo vệ đất nước nữa thì nó cũng khá là gay go.”
Ai giúp ngư dân bám biển, giữ chủ quyền?
Theo những ngư dân đã từng bị tàu Trung Quốc đâm va hoặc bị phía Indonesia hay Malaysia bắt giữ, những thiệt hại của mỗi lần như vậy được tính đến hàng tỷ đồng, bao gồm tiền tàu, thiết bị và và hải sản đánh bắt được.
Một ngư dân không muốn nêu tên tại khu vực huyện Ngọc Hiển, Cà Mau từng đi biển và bị phía Malaysia bắt cho biết:
“Mỗi lần đi như vậy nếu chuộc về thì khoảng chừng 1 tỷ cho 1 chiếc ghe lớn và mỗi người là khoảng từ 100 – 200 triệu tiền chuộc về. Nhiều khi bỏ ghe luôn không cho chuộc ghe mà chỉ cho chuộc người về thôi. Bỏ lại hết tất cả chỉ được người về thôi. Khi bị bắt là phải ở khoảng tầm từ 1 tháng đến 3 tháng mới cho chuộc về chứ không phải cứ bắt vô chuộc là cho về liền đâu.”
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch hội nghề cá Việt Nam khẳng định với RFA hôm 1/8/2019 rằng, có nhiều quỹ hỗ trợ giúp ngư dân trong những vụ như vậy. Ví dụ như ngư dân tự nguyện đóng góp với nhau, Quỹ nhân đạo nghề cá hay Quỹ Tấm lưới nghĩa tình.
“Nếu trong những trường hợp bị tàu đâm va thì nó cũng là dạng tai nạn nhưng chủ yếu là chính xác phát hiện được tàu nào gây tai nạn hay chuyện cướp bóc tàu bè… thì tất cả những cái đó chúng tôi cũng lên tiếng để bảo vệ cho bà con. Trong quá trình làm bị thiệt hại thì các quỹ tự nguyện của nhân dân và trong đó chính phủ cũng có hỗ trợ nhất định và đặc biệt tùy theo từng địa phương, tùy theo tàu nhỏ tàu to, thiệt hại ít hay nhiều và nếu có xảy ra tính mạng con người thì đều có hỗ trợ cả. Đó là chính sách nhân đạo nói chung.”
Tuy nhiên, Một ngư dân ở Cà Mau giấu tên cho biết trên thực tế điều này không xảy ra:
Không có hỗ trợ gì đâu, tự mình làm tự mình chịu thôi chứ không ai dính líu ai hết.”
Một thuyền trưởng giấu tên tại khu vực Bà Rịa Vũng Tàu, người đã từng bị mất tàu khi đánh bắt ngoài khơi ở vùng biển đang tranh chấp với Indonesia, cho biết:
“Hiện nay không có hỗ trợ gì cả, nói chung là vậy mà đôi khi họ còn hù ngư dân nữa. Họ nói là không có đất nước nào xâm chiếm hải phận của mình cả, chỉ là ngư dân qua đó đánh bắt nên họ dính về đây họ bắt tận nơi thôi. Họ nói ít trường hợp nào bị xâm lấn vào vùng biển của mình mà bắt vậy lắm, khi người dân khai báo thì họ không lắng nghe. Ngoại trừ có bằng chứng xác thực thì họ nghe và khuyên thôi cái đó cũng là cái xui rủi thì người dân cố gắng cam chịu làm kinh tế lại chứ không có hỗ trợ nào cả.”
Ngoài ra, vị thuyền trưởng còn cho biết thêm, hiện nay nhiều ngư dân thất vọng vì đã làm theo yêu cầu bám biển, nhưng họ vẫn cảm thấy không được bảo vệ:
“Mấy anh nói tụi tôi vi phạm thì hiện nay chúng tôi làm theo các anh và minh chứng chúng tôi không có vi phạm nhưng nếu chúng tôi bị bắt trên vùng biển Việt Nam thì ai sẽ bồi thường cho chúng tôi, thì Chi cục không dám trả lời chỉ cười trừ thôi. Có đưa đơn bao nhiêu chỗ cũng không ai hỗ trợ mình cả dù mình đúng, nên nhiều người thất vọng vô cùng. Người dân hiện nay đang tìm cách để mà đoàn kết, thông tin ngư trường thì người dân tự liên lạc với nhau tự bảo vệ nhau là chính.”
Kỹ sư tàu Đỗ Thái Bình cho chúng tôi biết, không có một chính sách nào riêng cho việc đền bù thiệt hại mà chính quyền Việt Nam chỉ trông chờ vào việc ngư dân mua bảo hiểm tàu cá mà thôi. Tuy nhiên.
“Đưa một cơ chế thị trường tức là vận động ngư dân là phải mua bảo hiểm nhưng thời gian vừa qua số lượng mua bảo hiểm rất ít và đền bù cũng rất kém, không phải đền bù cho những tai nạn do Trung Quốc phá rối mà ngay cả tai nạn do thiên tai, va chạm cũng kém nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn kêu gọi ngư dân làm hàng rào chiến đấu trên biển.”
Tàu vỏ thép hay tàu gỗ
Việt Nam vào năm 2014, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 67 về việc giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay để đóng mới tàu vỏ thép với công suất lớn, nâng cấp tàu phục vụ khai thác để ra khơi ra, bám biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào tháng 5/2017 xác nhận cả nước có gần 300 tàu cá vỏ thép theo nghị định 67, tuy nhiên, sau khi đưa vào sản xuất nhiều vấn đề xảy ra như việc tàu sắt thép bị hoen rỉ, sơn kém chất lượng, động cơ sai công suất, làm giả hồ sơ và nhiều vấn đề khác khiến tàu phải nằm bờ sửa chửa nhiều tháng trời, ngư dân không thể ra khơi và tính mạng ngư dân bị đe dọa.
Một số vụ việc bị cơ quan công an điều tra phát hiện như vụ việc gây bức xúc dư luận là công ty Hoàng Gia Phát và công ty Nam Triệu (thuộc Bộ Công an), công ty Đại Nguyên Dương đã làm giả hồ sơ cung cấp sai công suất động cơ, sản xuất chất lượng kém hiệu quả, hư hỏng.
Ngư dân tại Vũng Tàu xác nhận điều này với chúng tôi rằng, việc đóng tàu sắt thép phải theo quy trình của bên đối tác yêu cầu chứ ngư dân không có quyền tham gia nên nhiều khi chất lượng không được đảm bảo. Vì vậy nhiều ngư dân lại quay về tự đóng tàu vỏ gỗ:
“Hiện nay ngư dân của mình để bỏ tiền ra làm một tàu gỗ để đi đánh bắt thì nó lợi hơn rất nhiều vì tàu sắt mười mấy tỷ lận, còn tàu gỗ mức hạn mục dài và lớn như vậy thì mức vẫn thấp hơn, đóng theo ngư dân thì họ mua máy móc hợp lý hơn vì họ tiết kiệm mà.”
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc từ nhiều năm qua đã thực hiện chính sách hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt chắc chắn cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ. Không những thế, Trung Quốc còn sử dụng tàu ngư dân vỏ sắt như lực lượng dân quân biển để bảo vệ chủ quyền. Các tàu này sẵn sàng đâm va vào các tàu cá bằng gỗ của ngư dân các nước khác bao gồm cả tàu cá Việt Nam.
Nói về những khó khăn khi gặp tàu Trung Quốc, một ngư dân không muốn nêu tên ở Quảng Nam cho biết:
Cá thì hiện nay vẫn như mọi khi thôi nhưng tụi nó đạp quá, xua đuổi quá, hồi xưa tàu bè Trung Quốc chưa phát triển nó đã đi 10 chiếc rồi giờ kinh tế nó lên nó đi 20-30 chiếc thì cứ tính số lượng nó lên đông rồi nó đợp tàu mình miết thì mình làm sao làm gì được.”
Biết là khó khăn nhưng ông nói các ngư dân như ông không còn cách nào khác vẫn phải bám biển, dù vùng ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa của họ đang bị Trung Quốc chiếm.
Mình đi miết đó thôi giờ không đi thì biết làm gì đâu chỉ biết đi biển mà. Trung Quốc thì nó chiếm đóng tại vùng biển Hoàng Sa nó độc quyền nên mình ra là nó phá
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fishermen-need-flags-or-support-shipbuilding-to-sail-08022019145337.html

Giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường

Diễm Thi, RFA
Thể chế là rào cản của giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có đợt tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho giảng viên các trường sư phạm chủ chốt nhằm bồi dưỡng nhân sự tham gia phát triển tài liệu và bồi dưỡng giáo viên phổ thông, nâng cao năng lực thực hiện GDPT mới.
Đây là một trong các nỗ lực của ngành giáo dục nhằm giúp thay đổi chương trình học ngày một mới hơn, hiện đại hơn, nhưng nhiều người đang hoang mang về những loại hình mang tính chất “đổi mới” của ngành giáo dục Việt Nam. Bộ Bộ GD&ĐT đã từng thừa nhận những thiếu sót về lộ trình và bước triển khai chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo và còn có một bộ phận ngại đổi mới…trong Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam được triển khai từ năm 2013.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng là giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định rằng giáo dục Việt Nam hiện tồn tại rất nhiều vấn đề. Nếu không thay đổi cái chính là tư duy về nhân sự, đặt con người lên trên hết thì không giải quyết được gì cả. Ông nêu ra mấu chốt của vấn đề:
“Mấu chốt là vấn đề chính trị vì nền giáo dục của VN không dựa trên những tiêu chuẩn như nhân bản; khoa học; đại chúng; sáng tạo…mà dựa trên luật giáo dục là phải đào tạo ra con người XHCN. Nghĩa là giáo dục VN phải tuân thủ và đi theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Quy định không để nhân bản; không để vai trò của giáo viên, học sinh lên trên hết mà để vấn đề chính trị, tư tưởng lên trên hết. Một khi họ sai từ cơ bản thì họ sai hết tất cả. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra thì Bộ GD có sửa cách nào cũng vậy thôi.”
Mấu chốt là vấn đề chính trị vì nền giáo dục của VN không dựa trên những tiêu chuẩn như nhân bản; khoa học; đại chúng; sáng tạo…mà dựa trên luật giáo dục là phải đào tạo ra con người XHCN. Nghĩa là giáo dục VN phải tuân thủ và đi theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. – GS. Phạm Minh Hoàng
Từ sau năm 1975, giáo dục ở Việt Nam đã nhiều lần cải cách với những thay đổi lớn liên quan đến chương trình học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học… khi Chính phủ ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục ở các đợt khác nhau (1998, 2005, 2009); chưa kể những thay đổi ở các bậc học khiến ngành giáo dục càng ngày càng mất cân đối.
Mọi cải cách cho đến nay vẫn chỉ loay hoay trong “cải cách của cải cách” mà không dựa trên một hệ thống triết lý giáo dục rõ ràng nào.
Giảng viên đại học Chế Quốc Long từ Sài Gòn khẳng định, thể chế độc tài muốn kiểm soát tất cả nên không thể có sự thay đổi. Một khi con người trong ngành giáo dục được tư duy một cách tự do thì cải cách mới phát triển được. Ông nói thêm:
“Những cải tiến của Bộ GD- ĐT qua các thời kỳ bộ trưởng luôn có tính tình thế. Từ việc giảm tải chương trình, kết hợp các môn học khoa học tự nhiên hay xã hội, thay đổi phương thức thi cử…. Điều cần cải tiến thì bộ lại không làm được.
Chương trình giáo dục phổ thông quá giáo điều, hình thức, nặng nề, kìm hãm tư duy sáng tạo của người học. Việc duy trì một bộ sách giáo khoa độc quyền đã giết chết tính sáng tạo của cả người học và người dạy.”
Với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì tình hình giáo dục ở VN rất trầm trọng trong khi ông Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ lại có tư duy rất kém cỏi. Bây giờ muốn thay đổi thì phải thay đổi từ tư duy của người lãnh đạo về giáo dục và tuyên truyền. Phải thay đổi tư duy của Ban tuyên giáo, bởi Bộ GD-ĐT làm gì cũng phải có những điểm căn bản, phải nghe theo chỉ tiêu của Ban tuyên giáo. Ông dẫn chứng :
“Họ vẫn còn cái tư duy coi trường học không phải chỗ để mà trao đổi, để mà phổ biến cái hiểu biết của con người, hiểu biết của nền văn minh, hiểu biết của nhân loại. Mà họ coi trường học là phương tiện để tuyên truyền chính trị, cho nên họ đặt nặng những giáo trình không ăn nhập gì đến việc học hành mà họ bắt sinh viên phải thấu triệt, nếu không thì họ không cho đậu. Họ dùng nhà trường để tuyên truyền chính trị thì không bao giờ có nền giáo dục tốt được!”
Cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, với nhiều thay đổi so với hiện tại, nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực.
Tại buổi công bố, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận xét phần lớn những giáo chức ở VN không được đào tạo bài bản. Nếu được đào tạo bài bản thì chỉ bài bản về chuyên môn mà thôi, chứ cái triết lý giáo dục, cái nhân văn của giáo dục, cái tinh thần giáo dục họ không thấu triệt, cho nên họ không thực thi được những gì cần thiết cho nền giáo dục nước nhà.
Giáo dục cần một “nhạc trưởng” tài ba
Ngày 11 tháng 5 năm 2018, trong khi trình bày báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.” Ông Nhạ dẫn nguồn thông cáo báo chí của Ngân hàng Thế giới hai tháng trước đó rằng hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng của Trung Quốc và Việt Nam.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng ngôi nhà giáo dục Việt Nam đã mục nát mà cải tổ chỉ bằng cách quét vôi thì nó không thay đổi gì được cả. Vấn đề giáo dục của VN nó liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, nhiều bộ, nhiều ban ngành khác nhau như Bộ tài chính, Bộ nội vụ…
Do đó muốn sửa đổi những vấn về giáo dục thì phải sửa đổi cả những vấn đề của các ngành liên quan. Ông nêu một trong những điều quan trọng cần phải thay đổi đó là tăng lương cho giáo viên, xứng đáng với công sức họ bỏ ra, nếu không thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như chạy điểm, dạy không chất lượng để mở lớp dạy thêm riêng, dù biết là không dễ dàng vì Bộ Giáo dục không có toàn quyền quyết định. Ông nói:
Nền giáo dục VN không thể gọi là sai lầm, vì nếu sai lầm còn có thể sửa được, đằng này cái khổ là nó đi lạc đường. Nghĩa là giáo dục VN đang đi vào đường rừng, càng chặt cây, rẽ cành thì cũng chỉ loanh quanh trong điểm lạc mà thôi. – GsS. Nguyễn Đăng Hưng
“Họ cũng có nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình giáo dục ở VN, nhưng giáo dục ở VN có rất nhiều vấn đề ở dưới như vấn đề thi cử, vấn đề lương giáo viên, vấn đề sách giáo khoa. Đụng đâu cũng có vấn đề cả. Một vấn đề khá mấu chốt là vấn đề lương giáo viên. Trong các chính sách mới của Bộ GD, tôi không thấy họ đề cập đến lương giáo viên.”
Khi trao đổi với RFA về những cải cách của Bộ GD&ĐT Việt Nam vẫn đang làm, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng không kỳ vọng có một sự thay đổi nào trừ khi họ có sự thay đổi căn bản là thay đổi triết lý giáo dục, triết lý về nhà trường, triết lý về truyền bá hiểu biết cho người dân, cho sinh viên, cho tuổi trẻ. Ông khẳng định giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường:
“Nền giáo dục của Việt Nam đã lạc hậu trầm trọng cho nên muốn cải tiến thì không thể có những biện pháp hời hợt ngoài da được mà phải cải tạo đến xương đến tủy.
Vấn đề là phải quay đầu lại và đi con đường khác. Mà quan trọng là vấn đề con người, vấn đề nhân sự. Nền giáo dục VN không thể gọi là sai lầm, vì nếu sai lầm còn có thể sửa được, đằng này cái khổ là nó đi lạc đường. Nghĩa là giáo dục VN đang đi vào đường rừng, càng chặt cây, rẽ cành thì cũng chỉ loanh quanh trong điểm lạc mà thôi.
Tuy thất vọng về hiện tại nhưng vị giáo sư này vẫn tin vào một “vị cứu tinh”. “Vị cứu tinh” mà ông nói đến cũng xuất phát từ trong đảng nhưng họ nhận thức được hiện trạng cấp bách của nền giáo dục Việt Nam đem lại sự khai sáng trong đường hầm tăm tối hiện nay. Đó cũng là cách giúp kinh tế Việt Nam phát triển bởi giáo dục ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển của đất nước, nhất là về kinh tế.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-education-is-getting-lost-dt-08022019142041.html

“Giấc mộng Singapore” của Phú Quốc

không thể nào cứu vãn?

“Đảo ngọc-Điểm đến của thiên niên kỷ mới”
Không thể không nhắc đến hòn đảo ngọc du lịch Phú Quốc khi đề cập về thành quả phát triển du lịch ấn tượng và ngoạn mục của Việt Nam trong năm 2018, đã tiếp đón khoảng 15,6 triệu du khách quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa, thu về hơn 620 ngàn tỷ đồng.
Riêng Phú Quốc trong năm 2018, Chính quyền huyện Phú Quốc, được truyền thông quốc nội vào trung tuần tháng 2 năm 2019 dẫn lời cho biết Phú Quốc dự tính đón khoảng 2,5 triệu khách trong nước và quốc tế; tuy nhiên đã đón trên 4 triệu lượt khách, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017. Chính quyền huyện Phú Quốc còn cho biết tính đến trung tuần tháng 4 năm 2019 đã thu về gần 13 ngàn tỷ đồng từ các hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2018.
Mới đây nhất, có thể nói Phú Quốc thêm một lần nữa được cộng đồng du lịch toàn cầu chú ý khi thông tin nữ tỷ phú Kaabia Grewal, người Ấn Độ vào trung tuần tháng 7 đã chọn hòn đảo ngọc này để tổ chức đám cưới xa hoa, kéo dài 7 ngày đêm với sự tham dự của khoảng 700 khách cùng 125 nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để biểu diễn trong đám cưới bạc tỷ này.
Chia sẻ với truyền thông Việt Nam, cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah cho biết họ chọn Phú Quốc bởi vì rất ấn tượng với phong cảnh hoang sơ, đẹp tự nhiên của hòn đảo ngọc.
Phú Quốc với giấc mơ phiên bản của “Singapore”
Chính so sánh với Singapore thì Phú Quốc mới thành bê-tông. Chính sự so sánh biến Phú Quốc thành Singapore, vô hình trung đã biến tương lai của Phú Quốc thành một hòn đảo bê-tông. Vậy thì quy hoạch đã sai ngay từ đầu nên điều chỉnh quy hoạch đã không đi theo hướng tích cực, mà lại tiếp tục đi theo hướng tiêu cực nữa. …Tức là quy hoạch bị phá vỡ một cách nát bét luôn, không thể nào cứu vãn được
-Một Giám đốc dự án

Huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang, một hòn đảo ngoài khơi vùng biển Tây Nam của Việt Nam, ở Vịnh Thái Lan, được lãnh đạo Việt Nam mong muốn sẽ biến hòn đảo này trở thành một phiên bản như đảo quốc Singapore khi Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 633 vào tháng 5 năm 2010 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030.
Đảo Phú Quốc có diện tích 567 km2, dài 49 km và có 22 hòn đảo lớn nhỏ xung quanh. Do có sự tương đồng với Singapore về vị trí địa lý nên Phú Quốc được quy hoạch theo định hướng sẽ trở thành một đặc khu kinh tế-thương mại với mô hình một “Singapore” thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Sau gần một thập niên tiến hành quy hoạch, Phú Quốc gần như thay đổi diện mạo hoàn toàn, từ một hòn đảo thưa thớt dân cư và cách trở với đất liền bỗng chốc mọc lên nhiều khu resort nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp quốc tế và hiện có hơn 25 điểm đến du lịch hấp dẫn cùng 12 đường bay quốc tế mà chính quyền địa phương rất hãnh diện khi quảng bá về du lịch Phú Quốc với khẩu hiệu “Đảo ngọc-Điểm đến của thiên niên kỷ mới”. Phú Quốc cũng được bình chọn là 1 trong 19 điểm đến tốt nhất Châu Á năm 2019 và nằm trong tốp 5 điểm đến mùa thu hàng đầu tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ghi nhận của báo cáo mới nhất về tổng quan thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2018 và triển vọng năm 2019 thì Phú Quốc được đánh giá là thị trường du lịch sôi động bậc nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng, không ngừng tăng trưởng; tuy vậy nơi đây vẫn đang thiếu hụt chuỗi dịch vụ mua sắm, giải trí hiện đại.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, hồi hạ tuần tháng 1 năm 2019, được báo VnExpress Online dẫn lời nhận định rằng Phú Quốc được dự báo sẽ tiếp tục là vòng xoáy hút vốn để đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú và các dịch vụ mua sắm, giải trí bởi đà tăng trưởng du lịch bức phá hơn nữa trong tương lai của hòn đảo này.
Một bức tranh hỗn loạn
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Kiên Giang, mới vừa diễn ra ở thành phố Rạch Giá vào ngày 29 tháng 7, đã nhấn mạnh mặc dù Phú Quốc có tiềm năng và lợi thế để trở thành hòn ngọc tỏa sáng trên Vịnh Thái Lan, nhưng không nên đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật và không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo này. Ông Phúc còn đưa ra yêu cầu mạnh mẽ là không được “bê tông hóa” Phú Quốc.
Một giám đốc dự án của một công ty kinh doanh và du lịch tại Phú Quốc, không muốn nêu tên, lên tiếng với RFA rằng yêu cầu không được “bê tông hóa” của ông Thủ tướng thật sự là quá muộn màng bởi bức tranh quy hoạch và xây dựng tại đảo Phú Quốc trong vòng 10 năm qua đã quá hỗn loạn. Vị giám đốc ẩn danh trình bày ghi nhận của ông:
“Chính so sánh đó (so sánh với Singapore-pv) thì Phú Quốc mới thành bê-tông. Chính sự so sánh biến Phú Quốc thành Singapore, vô hình trung đã biến tương lai của Phú Quốc thành một hòn đảo bê-tông. Vậy thì quy hoạch đã sai ngay từ đầu nên điều chỉnh quy hoạch đã không đi theo hướng tích cực, mà lại tiếp tục đi theo hướng tiêu cực nữa. Ví dụ như theo quy định từ mực nước biển trung bình lên 50 mét sẽ không bao giờ có bất cứ một công trình nào được xây dựng thì trên thực tế, toàn bộ tất cả những công trình đều sở hữu bãi biển riêng của nhà đầu tư hết. Cho nên bản thân người dân ở tại thị trấn Dương Đông và ở tại hòn đảo Phú Quốc lại không có một bãi biển công cộng nào đúng nghĩa để tắm cho đến thời điểm này. Hay ví dụ như một vùng đất được quy hoạch dành cho phát triển giáo dục, đất dành cho du lịch sinh thái, đất dành cho những vùng nông nghiệp dự trữ…thì người ta không có tôn trọng những quy hoạch đặc thù đó…Tức là quy hoạch bị phá vỡ một cách nát bét luôn, không thể nào cứu vãn được.”
Đài RFA ghi nhận truyền thông quốc nội từ năm 2018 lần lượt đăng tải nhiều thông tin liên quan tình trạng xây dựng trái phép, sai quy hoạch của Chính phủ tại Phú Quốc kéo dài trong những năm qua, với đánh giá của một số nhà thầu chuyên nghiệp tại đảo Phú Quốc thì vi phạm trong xây dựng chiếm đến 90%. Tờ Tiền Phong Online hồi tháng 10 năm 2018, dẫn nguồn Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy một số dự án tại huyện đảo Phú Quốc được duyệt không đúng theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Báo giới còn ghi nhận mặc dù chưa có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, nhưng những sai phạm ở đảo Phú Quốc được nhìn từ góc độ trực quan thì đất nông nghiệp bị “băm nát” và tình trạng đào núi, lấn biển, xây dựng tràn lan.
Cuộc sống mới nhìn thoáng qua thì phồn vinh lắm nhưng không phải do kinh tế phát triển đâu mà chỉ do bán đất thôi. Nói ra thì không dám nói, nhưng sự thật thì ở đây thì người ta chỉ biết có tiền thôi. Cho nên bây giờ đi đến Phú Quốc thì không nghĩ đó là hòn đảo đâu…Thấy phồn vinh lắm nhưng tôi thấy sự thật là không khá vì không phải do bàn tay họ làm ra, mà do đất đâi thôi rồi có lúc sẽ bị chết thôi
-Cư dân Phú Quốc

Một phóng viên truyền hình ở đồng bằng Sông Cửu Long, vừa có một chuyến du lịch đến Phú Quốc, chia sẻ với RFA rằng ông cảm nhận các dự án “bê tông hóa” phục vụ du lịch ở Phú Quốc đang dần làm “sa mạc hóa” các đảo ở vùng biển Phú Quốc. Người phóng viên truyền hình không muốn nêu danh tính này, trong cương vị là một du khách cho biết khi trải nghiệm ngồi trên cáp treo Hòn Thơm-Phú Quốc, là cáp treo dài nhất thế giới, ông không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy một con đường đang xây dựng lấn biển mà ông mô tả giống như cái lưỡi của con quái thú đang lè ra liếm mặt nước biển trong xanh. Người phóng viên truyền hình nhấn mạnh với Đài Á Châu Tự Do:
“Đại ý là quá nhiều bê tông rồi. Bị đào xới nhiều lắm, làm riết muốn lở lói cái đảo luôn. Nói chung là bị đô thị hóa theo dạng kinh doanh.”
Còn một cư dân ở Phú Quốc, là một thầy giáo nghỉ hưu, chia sẻ với với RFA về nhận xét đời sống của người dân trên hòn đảo ngọc kể từ khi nó được “thay da đổi thịt” qua Quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ:
“Cuộc sống mới nhìn thoáng qua thì phồn vinh lắm nhưng không phải do kinh tế phát triển đâu mà chỉ do bán đất thôi. Nói ra thì không dám nói, nhưng sự thật thì ở đây thì người ta chỉ biết có tiền thôi. Cho nên bây giờ đi đến Phú Quốc thì không nghĩ đó là hòn đảo đâu. Ví dụ hồi trước con đường đi xuống biển tắm bây giờ người ta bán luôn, xây bít hết trơn. Muốn tắm biển thì phải vô khách sạn mới được tắm. Hồi giải phóng, họ (chính quyền) kết luận cuộc sống ở miền Nam là cuộc sống phồn vinh giả tạo. Sự thật tôi thấy lúc trước đâu có như vậy đâu, còn bây giờ thì tôi thấy có giả tạo. Bán đất, xây nhà, mu axe hơi…Thấy phồn vinh lắm nhưng tôi thấy sự thật là không khá vì không phải do bàn tay họ làm ra, mà do đất đâi thôi rồi có lúc sẽ bị chết thôi.”
Khó có giải pháp khắc phục
Là một người gắn bó và làm việc từ những ngày đầu ở Phú Quốc khi Quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, vị giám đốc dự án của công ty xây dựng và du lịch mà chúng tôi đã trích lời nhận xét ở phần trên, cho biết thêm ghi nhận của ông về nguyên nhân dẫn đến tình trạng Phú Quốc bị “bê tông hóa” như hiện nay:
“Quy hoạch một hòn đảo, một vùng miền đi liền với vấn đề xây dựng. Tuy nhiên, xây dựng tại Phú Quốc có thể nói rằng không theo một trật tự nào hết bởi vì một số yếu tố như: Trước tiên về gốc độ yếu tố Chính phủ là luật của Việt Nam không nghiêm, tức là xử lý những đại công trình, xử lý những hành lang biển hay nói chung là căn cứ theo quy hoạch được phê duyệt mà xử lý thì không có đồng bộ và không xử lý nghiêm về mặt pháp luật. Còn về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và của Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc. Từ chỗ luật pháp không ngiêm là vai trò của Chính quyền huyện Phú Quốc sử dụng một bộ máy chính quyền ở cấp huyện mà điều hành khối lượng công việc ở tầm của đặc khu cho nên họ theo không kịp kể cả về yếu tố con người lẫn vấn đề nhận thức và trình độ, do đó họ không thể quản lý được xuể. Đây chỉ là nói về mặt tích cực. Còn nếu bàn về mặt tiêu cực, nguyên nhân làm cho Phú Quốc bị hỗn loạn về trật tự xây dựng, thật sự là do tham nhũng hết. Phải nói rằng là nguyên nhân của tất cả các nguyên nhân là tham nhũng, nhóm lợi ích và tham nhũng kinh khiếp lắm, có thể nói là tàn khốc luôn.”
Có lạc quan với điều kiện sẽ có những giải pháp. Ví dụ như bây giờ không cho dự án treo nữa. Dự án treo nếu không xây dựng thì tiến hành giải tỏa đối với những tập đoàn mua đất, dành đất đợi cho có giá lên rồi bán. Thứ hai nữa là hạn chế bê tông hóa những dự án khai thác ở phía Bắc và phía Nam của đảo, những dự án này phải dừng lại hết. Những dự án nào đã triển khai rồi thì thôi, còn không cấp phép nữa. Hoặc là căn cứ theo bản đồ quy hoạch, chẳng hạn chỗ quy hoạch để xây dựng thảo cầm viên cho trẻ em nhưng thấy lại làm resort thì ngưng. Không được khai thác rừng, bảo vệ hiện trạng…Khả quan với điều kiện phải vào cuộc thật mạnh, chứ còn đánh trống bỏ dùi là không được
-Phóng viên ẩn danh

Vị giám đốc này khẳng định vấn đề nhóm lợi ích đã và đang làm uổng phí tài nguyên đất, rừng và môi trường sinh thái ở Phú Quốc và ông cho rằng không thể cứ “bê tông hóa” Phú Quốc thì nó sẽ trở thành một “thiên đường” du lịch, bằng những dự án gắn liền với lợi ích kinh tế vì tiền, mà không vì chỉ số hạnh phúc của người dân.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liệu rằng sẽ có dấu hiệu khả quan nào để có thể thay đổi hiện trạng “bê tông hóa” ở Phú Quốc qua yêu cầu mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay không, người phóng viên truyền hình ẩn danh ở đồng bằng Sông Cửu Long nêu lên quan điểm của mình:
“Có lạc quan với điều kiện sẽ có những giải pháp. Ví dụ như bây giờ không cho dự án treo nữa. Dự án treo nếu không xây dựng thì tiến hành giải tỏa đối với những tập đoàn mua đất, dành đất đợi cho có giá lên rồi bán. Thứ hai nữa là hạn chế bê tông hóa những dự án khai thác ở phía Bắc và phía Nam của đảo, những dự án này phải dừng lại hết. Những dự án nào đã triển khai rồi thì thôi, còn không cấp phép nữa. Hoặc là căn cứ theo bản đồ quy hoạch, chẳng hạn chỗ quy hoạch để xây dựng thảo cầm viên cho trẻ em nhưng thấy lại làm resort thì ngưng. Không được khai thác rừng, bảo vệ hiện trạng…Nhiều giải pháp lắm. Khả quan với điều kiện phải vào cuộc thật mạnh, chứ còn đánh trống bỏ dùi là không được.”
Trong khi đó, vị giám đốc dự án của công ty xây dựng và du lịch ở Phú Quốc quả quyết ông rất bi quan, vì:
“Việc Thủ tướng lên tiếng không ‘bê-tông hóa’ thì đã nhìn thấy một chục năm trước rồi, chứ không phải không thấy, nhưng dùng một từ để nói là nắm tay những kẻ cơ hội lại không kịp.”
Người giám đốc còn nhắc lại ngành du lịch ở Phú Quốc đóng góp đến 65% doanh thu cho hòn đảo ngọc, nhưng tỷ lệ du khách trở lại chỉ có 30% và theo nhận định của ông đó là một tỷ lệ tồi. Bên cạnh đó, những điểm mang tính chất đặc thù của Phú Quốc như cảm nhận của nữ tỷ phú người Ấn Độ sẽ không còn dấu tích, với nhiều casino nhanh chóng được mọc lên trong nay mai và khi huyện đảo này trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/phuquoc-after-one-decade-development-with-the-dream-as-singapore-08022019150329.html

Sharp chuẩn bị mở nhà máy ở Việt Nam vào năm tới

Công ty điện tử Sharp của Nhật Bản mới đây cho biết hãng này có kế hoạch mở một nhà máy ở gần thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2020. Trang tin Nikkei Asian Review rich lời giới chức công ty cho biết như vậy hôm 1/8.
Nhà máy mới sẽ chuyên lắp ráp màn hình LCD cho xe hơi để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra việc sản xuất máy tính điện tử cá nhân của chi nhánh Dynabook của công ty cũng được chuyển về nhà máy mới.
Giới chức công ty Sharp cho biết nhà máy mới cũng làm máy lọc khí và một số thiết bị điện tử khác để phục vụ cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, công ty không cho biết chi phí xây dựng nhà máy là bao nhiêu.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến nhiều công ty chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế cao mà Mỹ đánh lên hàng hóa của Trung Quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ hôm 1/8 đã quyết định đánh thuế 10% lên thêm 300 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 5, Mỹ đã tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc.
Theo Reuters, thương chiến Mỹ Trung đã khiến nhu cầu về hàng điện tử toàn cầu giảm sút, và ảnh hưởng đến Sharp cùng công ty Foxconn của Đài Loan. Foxconn và các công ty thuộc tập đoàn này hiện nắm giữ hơn 53% cổ phần của Sharp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/sharp-to-open-new-vn-factory-in-2020-08022019142000.html

Nhục đến mấy đời?

Thiên Hạ Luận
Trân Văn
Tuyên bố của Trung tướng Ngô Minh Tiến (Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) tại Lễ Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa, do Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam tổ chức: Vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu không chỉ là tâm nguyện của nhân dân và quân đội Việt Nam và Trung Quốc mà còn là tâm nguyện, khát vọng của thế giới văn minh ngày nay (1) – đang khuấy động dư luận trên mạng xã hội Việt ngữ.
Sau khi đọc tin tường thuật về sự kiện này trên trang facebook của Loc Pham, Lam Thanh Nguyen không giấu được phẫn nộ: Đó chỉ là tâm nguyện của chúng mày – lũ hèn nhát, bán nước – chứ không phải của nhân dân. Cút hết đi! Thanh Quach gọi tuyên bố đó là hệ quả của “độc đảng, độc tài, tham nhũng, bán nước, buôn dân, chưa đánh đã hàng, thà mất nước để giữ đảng, đem cả dân tộc làm nô lệ cho Tàu”. Liên Nguyen thì than: Giờ mới biết quân đội dùng để… vun đắp tình hữu nghị (2)!
Cũng với tâm trạng như vậy, Nguyễn Phan thắc mắc: Những lãnh đạo quân đội như thế có thấy nhục với tổ tiên như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung không nhỉ? Theo Nguyễn Phan thì chắc là… không! Nếu biết nhục thì đã không thốt lên những lời hèn mạt như thế. Với những lãnh đạo
như thế, đất nước sẽ sớm rơi vào vòng nô lệ Tàu Cộng thôi! Theo Nguyễn Phan: Mỗi người lính bình thường nhưng có sĩ khí, có lòng tự tôn dân tộc đều sẽ… chửi cha thằng tướng hèn hạ này (4).
Đúng là hết sức khó hiểu và đáng phẫn nộ khi Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam lại phát biểu như vừa kể, khi chuyện Trung Quốc vừa xâm nhập – thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vừa vu cáo Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính” càng lúc càng nóng cả ở Việt Nam lẫn các diễn đàn quốc tế. Đáng bận tâm hơn bởi dường như đó là nhận thức chung của đảng ta. Trên facebook của Nguyen Khanh, Lich Thanh Vu chụp lại bài tường thuật có tựa: “Tổng Bí thư: Nếu đụng độ trên biển ta có ngồi đây được không?” đăng trên SOHA ngày 8/12/2015 – và giới thiệu vừa như một ví dụ cụ thể, vừa như một cảnh báo (5)!
***
Có một điểm đáng chú ý, do sự phẫn nộ và khinh bỉ lan rộng, nhiều facebooker cùng họ với ông Tiến đồng thanh bảo ông là vết nhơ đáng xấu hổ của Ngô tộc.
Ngô Trường An viết hẳn một thư ngỏ gửi ông Tiến, đại ý: Trung Quốc nuôi dã tâm thôn tính Việt Nam đã hàng ngàn năm. Nếu học hành tử tế, ông phải biết, họ Ngô có những danh tướng như Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) đánh quân Tống, Ngô Thì Nhậm tham gia đánh quân Thanh… Là con cháu Ngô tộc, lẽ ra ông phải thấy, tiền nhân hết sức chống giặc Tàu để giữ yên bờ cõi cho con cháu thừa hưởng giang sơn. Nếu họ hèn hạ, sợ mất… hũ gạo, nhẫn nhục vun đắp tình hữu nghị với giặc như ông thì làm gì còn đất nước cho đảng của ông Tiến giành giật lãnh đạo? Theo Ngô Trường An: Là tướng mà không phân biệt được bạn – thù thì quá đần độn! Trước nay, Ngô tộc chẳng có tướng nào ngu dốt đến như thế! – và khuyên ông Tiến: Nên đổi họ khác giống như “cha già” của ông cho Ngô tộc khỏi nhục.
Ngo Dinh Thanh – một facebooker khác – tán thành: Chắc y mạo nhận chứ Ngô tộc không thể sinh ra loại tạp chủng này. Facebooker Phuong Trach Ngo nhắn ông Tiến: Ngu xuẩn và hèn hạ đến thế là cùng! Ông chỉ có thể đại diện cho chính ông. Còn nhân dân Việt Nam không bao giờ muốn “vun đắp tình hữu nghị bền lâu” với lũ cướp. Giống như nhiều facebooker cùng họ với ông Tiến, Phuong Trạch Ngo tỏ ra hết sức uất ức: Tại sao Ngô tộc lại có kẻ mang lon Trung tướng mà ngu xuẩn và dốt nát đến thế?.. Đã vậy mà Dung Nguyen còn nhận định giống như đổ dầu vào lửa: Có lẽ con cháu ba đời sau cũng chưa hết nhục vì phát biểu của ông Tiến! Để an ủi Ngô tộc, Trần Đức Đàn chen vào bảo rằng: Tuy “thằng” này họ Ngô nhưng là “ngô biến đổi gien” rồi (5)!
***
Vì ông Tiến cao giọng khẳng định “vun đắp cho tình hữu nghị bền lâu không chỉ là tâm nguyện của nhân dân và quân đội Việt Nam” nên trên mạng xã hội Việt ngữ, có rất nhiều facebooker dùng facebook nhắn với ông Tiến là họ không có trong số đó, chẳng hạn Long Huỳnh – một thân hữu của Ngô Trường An. Long nhấn mạnh: Không có tao trong đó mà cũng đ… có nhân dân nào trong đó, chỉ có… đảng chó tụi bay thôi! Còn Ha Lam cảnh cáo: Đừng đánh tráo, đừng mượn hai chữ nhân dân che giấu sự thật, che giấu bản chất của mối quan hệ không liên quan gì đến nhân dân hai nước cả! Kiet Le Nhan thì viết: Trách “chú” bỏ chữ vào miệng quân dân. Chưa trưng cầu quân ý, dân ý mà “chú” phán bừa!
Không chỉ có những facebooker như Ban Nguyen tin rằng: Viên tướng này không biết gì về lòng dân cả. Tội nghiệp! Minh Viet Nguyen hoang mang: Liệu “thằng” này có đại diện cho trí tuệ và chí khí của các tướng lĩnh Việt Nam hiện nay không (6)? Phuong Nguyen Tung nửa đùa, nửa thật: Tướng cỡ này thì quân đội mới anh hùng chứ (7)! Trên trang facebook của Ngô Trường An, Trong Phantran góp một trả lời: Phải có tư tưởng CẦU BẠI thì mới là TƯỚNG thời nay chứ! Khai Nguyen lý giải, nỗ lực đánh tráo tâm nguyện xuất phát từ chỗ đảng ta chỉ muốn duy trì quyền lực, quyền lợi của mình, thành ra có mất tất cả cũng không sao. Đó cũng là lý do, giống như nhiều facebooker, Le Phuong ngậm ngùi: Giờ mới biết thế nào là bán nước buôn dân (8)!
Chú thích
(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/military-officers-of-vn-china-vow-to-build-up-relationship-07312019091211.html
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2317411888350916&set=a.227252624033530&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2636323753053060&set=a.245249128827213&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/10156518830988181
(5) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2123960987714536&set=a.287641388013181&type=3&theater
(6) https://www.facebook.com/minhviet.nguyen.14661/posts/669904546821253
(7) https://www.facebook.com/phuong.nguyentung.31/posts/2341989319397587
(8) https://www.facebook.com/le.phuong.5454021/posts/2260739183975400
https://www.voatiengviet.com/a/trung-tuong-ngo-minh-tien-quan-he-trung-quoc/5026658.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.