Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 28/08/2019

Wednesday, August 28, 2019 4:56:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 28/08/2019

Tàu chiến Mỹ vào sát các đảo nhân tạo Trung Quốc

 nằm ở Biển Đông

Một tàu khu trục của hải quân Mỹ vừa vào sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc cơi nới trên Biển Đông, quân đội Mỹ nói.
Việc cho tàu thực hiện quyền tự do đi lại ở vùng biển có tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á diễn ra vào thời điểm hai nền kinh tế lớn trên thế giới đang gay gắt trong quan hệ kinh tế, thương mại.
Hoạt động mới nhất của khu trục hạm này nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh càng thêm tức giận.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào hôm thứ Sáu tuần trước, khi cả Bắc Kinh lẫn Washington đều tuyên bố trả đũa lẫn nhau với việc tăng thuế đánh vào lượng hàng hóa nhập khẩu từ nước kia.
Tàu khu trục Wayne E. Meyer thuộc lớp Arleigh Burke hôm thứ Tư 28/8 vào sát phạm vi 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa.
Đây là nơi có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan, nhưng Trung Quốc đã cơi nới thành đảo nhân tạo và xây cất các “cơ sở vật chất có khả năng dùng cho mục tiêu quân sự”.
Trên Đá Vành Khăn, Bắc Kinh đã xây cất đường băng và bãi đáp máy bay, còn Đá Chữ Thập được xây cất tòa nhà bê tông với hệ thống antenna radar cao tần.
Đá Chữ Thập cũng là nơi mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc được cho là đã ghé vào để tiếp liệu sau khi tạm rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính ở ngoài khơi Việt Nam khoảng gần một tuần hồi đầu tháng Tám.
Ngay trước khi khu trục hạm Wayne E. Meyer vào sát các đảo nhân tạo, Bắc Kinh hôm thứ Ba đã từ chối việc để một chiến hạm Mỹ ghé thành phố cảng Thanh Đảo của Trung Quốc, Reuters tường thuật.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã không cho hai chiến hạm khác của Hải quân Mỹ cập cảng Hong Kong, vùng đặc khu hành chính đang có các cuộc biểu tình kéo dài phản đối nhà cầm quyền thân Bắc Kinh.
Với việc để khu trục hạm Wayne E. Meyer thực thi quyền tự do đi lại trên biển, bà Reann Mommsen, phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ nói, là nhằm “thách thức các yêu sách quá quắt trên biển và bảo toàn quyền tiếp cận vào tuyến đường biển theo quy định của luật quốc tế”.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã liên tục đấu khẩu về điều mà Washington nói và việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông qua việc xây cất các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, các bãi đá ở đây.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi các nước khác trong khu vực gồm Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.

Kho hỏa tiễn ngày càng nhiều của Trung Quốc

khích lệ Bắc Kinh xâm chiếm thêm ở Biển Đông.

Kho hỏa tiễn ngày càng nhiều của Trung Quốc khích lệ Bắc Kinh xâm chiếm thêm ở Biển Đông.
Mạng báo Philstar của Philippines vào ngày 27 tháng 8 dẫn nguồn từ Trung tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ (USSC) thuộc Đại học Sydney như vừa nêu với cảnh báo kho hỏa tiễn tầm xa ngày càng tăng thêm của Bắc Kinh tạo nên mối đe dọa lớn cho Hoa Kỳ và đồng minh.
Vào tháng rồi, Trung Quốc phóng thử hỏa tiễn đạn đạo diệt hạm từ các tiền đồn quân sự ở Biển Đông. Theo USSC, ngoài hoạt động bắn thử hỏa tiển đạn đạo chống hạm DF-21D, Trung Quốc còn cho phóng thử những hỏa tiễn khác nhau nữa.
Phúc trình mang tên “ Tránh khủng hoảng: Chiến lược Hoa Kỳ, Ngân sách Quốc phòng và Phòng thủ chung tại Ấn Độ- Thái Bình Dương” đưa ra nhận định trong tương lai Trung Quốc có thể vượt Hoa Kỳ và đồng minh về phát triển những loại hỏa tiển siêu thanh tiên tiến.
Cùng với mối đe dọa hỏa tiễn ngày càng tăng cho các căn cứ của Mỹ và những đối tác trong khu vực, Bắc Kinh còn có thể chiếm những mục tiêu nhỏ hơn tại Biển Đông.
USSC nhận định những tiền đồn quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông giúp cho Bắc Kinh một ‘lực bắt nạt’ tạo nên thế ‘việc đã rồi’ trong khu vực.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc lâu nay thực hiện chiến thuật gọi là ‘lát cắt salami’ hay ‘tằm ăn dâu’ đặt các nước khác trước sự việc đã rồi.

Việt Nam là nước đầu tiên gánh chịu hệ quả

của việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông

Cách đây 5 năm khi dư luận đang tập trung sự chú ý vào việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam thì Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh việc bồi đắp, mở rộng các cấu trúc mà họ chiếm đóng bằng vũ lực năm 1988 thuộc khu vực Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khi đó, một số nhà nghiên cứu, phân tích đã nhận định Trung Quốc đang hướng dư luận vào vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam để rảnh tay triển khai các hành động xâm lấn ở các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa; đồng thời cảnh báo về sự nguy hại đối với hòa bình, ổn định, tự do an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông của việc Trung Quốc bồi đắp mở rộng các cấu trúc ở Biển Đông.
Từ khi đó (năm 2014), một số nhà phân tích còn cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ biến những cấu trúc này thành những căn cứ quân sự, tàu sân bay không thể đánh chìm để làm bàn đạp thực hiện tham vọng làm bá chủ ở Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Trải qua 5 năm, hiện nay các cấu trúc này thực sự đã trở thành những đồn điền quân sự của Trung Quốc với những trang thiết bị quân sự hiện đại, kể cả máy bay chiến đấu, tên lửa, các thiết bị gây nhiễu…. Trên các cấu trúc này, Trung Quốc đã xây dựng cầu cảng lớn, bãi neo đậu cho các tàu chiến, tàu chấp pháp (Hải cảnh, Kiểm ngư…) và các tàu cá dân binh của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.
Chính từ các căn cứ quân sự trên các cấu trúc này, tàu hải cảnh, tàu kiểm ngư, tàu cá dân binh của Trung Quốc tràn xuống phía Nam Biển Đông để uy hiếp, đe dọa và triển khai các hành động xâm lấn vùng biển của các nước ven biển phía Nam Biển Đông mà trước đây họ không thể triển khai được vì khu vực này nằm cách xa đảo Hải Nam của Trung Quốc 600-800 hải lý.
Hồi đầu năm nay, nhiều tàu cá dân binh của Trung Quốc xuất phát từ các căn cứ trên các cấu trúc này đã tiến hành vây hãm uy hiếp Philippines ở khu vực đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng. Một số nguồn tin tiết lộ, một số tàu của Trung Quốc xuất phát từ các căn cứ này để uy hiếp hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia.
Hoạt động gây hấn của Trung Quốc cho tàu Hải Dương 08 và nhiều tàu hộ tống tiến hành khảo sát địa chấn bất hợp pháp ở khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 có thể nói là hoạt động lớn nhất mà Trung Quốc sử dụng các căn cứ ở các cấu trúc bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa ở Trường Sa. Các tàu Hải cảnh và tàu cá dân binh của lực lượng dân quân biển Trung Quốc hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính hầu hết xuất phát từ các căn cứ này (có lúc tổng cộng lên tới trên 35 tàu các loại) và thay phiên nhau trở về các cấu trúc này để tiếp nhiên liệu.
Các nhà phân tích đều cho rằng nếu không có các bãi neo đậu, kho chứa nhiên liệu trên các cấu trúc Trung Quốc bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa ở Trường Sa thì tàu của Trung Quốc không thể đủ nhiên liệu để hoạt động dài ngày ở khu vực bãi Tư Chính, cách Trung Quốc đến 600 hải lý. Các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc hiện nay ở khu vực bãi Tư Chính là một cuộc tập dượt cho sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng Trung Quốc trong triển khai các hoạt động gây hấn ở phía Nam Biển Đông. Việc tập dượt phối hợp giữa các lực lượng tàu thuyền của Trung Quốc xuất phát từ các cấu trúc đó được tiến hành từ nhỏ đến lớn, từ 1 lực lượng đến nhiều lực lượng. Nếu như đối với vụ việc xung quanh đảo Thị Tứ hồi đầu năm thì chủ yếu là lực lượng dân quân biển thì trong vụ việc ở bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019 là sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Hải cảnh, tàu khảo sát, tàu cá dân binh theo nhiều tầng nấc.
Một số nhà phân tích còn cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không có chung tiếng nói ngăn chặn hành vi của Trung Quốc, sẽ đến lúc Trung Quốc còn triển khai thêm sự hợp đồng tác chiến của tàu chiến Hải quân và máy bay chiến đấu trong các hành động xâm lấn, gây hấn ở Biển. Điều này sẽ tạo nguy cơ rất lớn đối với hòa bình, ổn định của khu vực.
Có thể việc sử dụng bãi Tư Chính của Việt Nam đang trở thành nơi Trung Quốc tiến hành thử nghiệm các căn cứ đã xây dựng trên các cấu trúc nhân tạo ở Trường Sa 5 năm qua cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng trên biển của Trung Quốc. Nếu hành động xâm lấn của Trung Quốc tại bãi Tư Chính không được ngăn chặn, Trung Quốc sẽ càng được đà lấn tới. Vùng biển mà Trung Quốc sẽ gây hấn có thể là của Philippines, của Malaysia, của Indonesia, hay của Brunei vì yêu sách “đường lưỡi bò” đều xâm lấn vào vùng biển của các nước này.
Nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông hiện đang tập trung vào Việt Nam. Tuy nhiên, với chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh trong việc thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông thì các nước ven Biển Đông khác sẽ trở thành đối tượng xâm lấn của Trung Quốc trong tương lai không xa. Thậm chí các lực lượng đồn trú ở các cấu trúc do Trung Quốc bồi đắp, mở rộng ở Trường Sa sẽ vươn tới hoạt động ở eo biển Malacca để kiểm soát tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông.
Do vậy, những hành động xâm lăng của Bắc Kinh không chỉ là mối đe dọa của riêng Việt Nam mà còn là nguy cơ cho các nước khác ven Biển Đông khác, là nguy cơ đối với hòa bình, ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không của cả khu vực. Nguy cơ của việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, trong đó có các cấu trúc ở Trường Sa đang ngày càng hiện hữu hơn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn. Hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nước ven Biển Đông khác cũng như cả cộng đồng quốc tế về bản chất bành trướng, bá quyền của Trung Quốc.

Biển Đông: Tàu khảo sát Trung Quốc

tiến gần bãi Tư Chính của Việt Nam

Tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) hôm nay 28/08/2019 đến gần khu vực bãi Tư Chính, với mức độ khảo sát dày đặc hơn trước, theo quan sát của các nhà chuyên môn.
Trang Đại sự ký Biển Đông cho biết trong hai ngày qua, chiếc tàu này thay vì tiến sâu vào bờ biển Việt Nam theo kiểu zig zag, đã đổi hướng đến gần bãi Tư Chính. Có lúc Hải Dương Địa Chất 8 cùng với các tàu hải cảnh « chỉ cách vị trí giàn khoan Hakuryu 5 tại lô 06.1 (mỏ Lan Tây – Lan Đỏ) và chân đế Sao Vàng tại mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt khoảng 55 hải lý ».
Đây là hai nơi đang diễn ra các hoạt động dầu khí liên doanh Việt Nam và một số nước đối tác. Mật độ các vòng khảo sát cũng dày đặc hơn.
Trên Twitter, tài khoản South China Sea News dẫn nguồn từ Marine Traffic và giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Hoa Kỳ, cũng có cùng nhận định về hướng hoạt động của chiếc tàu khảo sát Trung Quốc.
Cũng theo Đại sự ký Biển Đông, hiện nay hai tàu hải cảnh hộ tống 46111 và 31302 của Trung Quốc đã rời đi về hướng khu vực Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Subi (Subi Reef). Tuy nhiên tàu hải cảnh 46301 vẫn luôn quanh quẩn gần lô 06.1, và luôn ở khoảng cách rất gần với các tàu bảo vệ giàn khoan của Việt Nam.
Đối với thông tin về sự hiện diện của chiến hạm Quang Trung tại bãi Tư Chính, nhà báo James Pearson của hãng tin Reuters đăng một ảnh vệ tinh từ trang Planet Labs cho thấy, cả bốn tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam đều đang nằm tại cảng Cam Ranh. Trong lúc đó dữ liệu của Marine Traffic khẳng định chiếc tàu mang tên VNPS Quang Trung vẫn đang trên đường di chuyển. Như vậy có thể kết luận đây là tàu cảnh sát biển chứ không phải chiếc tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung thuộc lớp Gepard của Hải quân Việt Nam.
Việt Nam tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Biển Đông
Việt Nam sẽ hợp tác với các láng giềng Đông Nam Á để tìm kiếm một giải pháp hòa bình trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm qua 27/08/2019 tuyên bố như trên sau cuộc gặp với đồng nhiệm Malaysia Mahathir Mohamad.
Báo Nhật Nikkei ghi nhận, tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ra thông cáo cho biết « cực kỳ quan ngại » trước việc Bắc Kinh leo thang bức hiếp nhắm vào hoạt động dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam trên Biển Đông, tố cáo « chiến lược bắt nạt » của Trung Quốc.

Carl Thayer: Bắt giữ Hải Dương Địa Chất 8

thông qua Interpol ?

Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales, Úc trong bài viết mang tựa đề « Việt Nam, Biển Đông và cộng đồng quốc tế trong đó có Úc », đăng tải hồi cuối tháng 8/2019, đề nghị Việt Nam nên tham khảo các chuyên gia pháp lý quốc tế, về tiến trình bắt giữ chiếc Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8), thông qua cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol.
Ông khuyến cáo cảnh sát biển Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì sự hiện diện ở bãi Tư Chính để bảo vệ chủ quyền. Song song đó, Việt Nam cần tiếp tục phản đối về mặt ngoại giao ở mọi cấp độ : đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, các lãnh đạo cao cấp của đảng và chính quyền, quân đội Trung Quốc.
Việt Nam cũng phải tiếp tục vận động các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế để tìm kiếm sự hỗ trợ trước các hành động bức hiếp của Trung Quốc. Cần nói rõ với các nước ASEAN là không thể chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử không bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS.
Giáo sư Thayer đề nghị Việt Nam tích cực hơn, rõ ràng và kịp thời hơn trong thông tin về các hành vi phi pháp của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Chẳng hạn mời báo chí nước ngoài đến quan sát trên thực địa, đưa thiết bị bay không người lái đến bãi Tư Chính để cung cấp cho báo chí các bằng chứng sống động.
Bên cạnh đó, đại sứ quán Việt Nam tại Washington nên thông tin kịp thời về hành động bức hiếp của Trung Quốc cho Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ, vận động thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Cuối cùng, Việt Nam cần duy trì khả năng kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS như Philippines đã làm năm 2013.
Được biết cơ quan cảnh sát quốc tế có trụ sở tại Lyon, Pháp, được phát hành các thông báo liên quan đến các nghi can bị truy nã vì những tội nghiêm trọng, người mất tích, các mối đe dọa tiềm tàng…Tuy nhiên các « thông báo đỏ » của Interpol không thể thay thế các phán quyết của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) hoặc các tòa án mang tính quốc tế khác.

ASEAN – Mỹ sẽ tổ chức tập trận hải quân chung

trên Biển Đông

Từ 2-6/9, Hải quân Mỹ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần đầu tiên tổ chức tập trận hải quân chung tại vịnh Thái Lan nhằm tăng cường giao lưu quân sự và phối hợp tác chiến giữa hải quân các nước để đối phó với các mối đe dọa an ninh ở các vùng biển của Đông Nam Á..
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (22/8) cho biết, cuộc diễn tập hàng hải ASEAN và Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2-6/9/2019. Đây là hoạt động được tiến hành theo thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập này.
Tờ Bangkok Post (24/8) dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Thái Lan yêu cầu giấu tên cho biết Tư lệnh Biên đội Tuần tra Thái Lan, Chuẩn Đô đốc Somphong Nakthong, sẽ được chỉ định lãnh đạo lực lượng phối hợp (CTF) trong cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa các nước ASEAN và Mỹ. Ngoài ra, Chỉ huy Biên đội tàu khu trục số 7 của Mỹ Matt Jerbi sẽ là Phó Tư lệnh của CTF. Theo thông tin trên, CTF bao gồm các sỹ quan hải quân từ hải quân các nước ASEAN và Mỹ. Lực lượng này, với tám tàu và hai máy bay, dự kiến sẽ thực hiện cả các chiến dịch trên biển và trên không trong cuộc tập trận. Các sỹ quan tham gia sẽ làm việc với nhau trong một tình huống giả định trong đó ba “tàu khả nghi” được phát hiện trong những vùng biển ngoài khơi Đông Nam Á. Các tàu này sẽ đi từ Eo biển Malacca gần Malaysia và trong các vùng gần với bờ biển Việt Nam. Mục đích sẽ là diễn tập thực hiện lục soát và bắt giữ những phần tử khả nghi trên các tàu đó. CTF sẽ làm việc chặt chẽ với một trung tâm giám sát chỉ huy có tên gọi là “Trung tâm Changi C2” ở Singapore để đảm bảo thành công của chiến dịch.
Trước đó, truyền thông Nhật Bản cho biết, cuộc tập trận trên biển ASEAN-Mỹ kéo dài 5 ngày với sự tham gia của ít nhất 8 tàu và các máy bay, sẽ bắt đầu tại căn cứ hải quân Sattahip ở tỉnh Chonburi và kéo dài đến vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau của Việt Nam.Để triển khai cuộc tập trận, một lực lượng hỗn hợp sẽ được thiết lập trên một tàu tuần tra của Thái Lan, dưới sự chỉ huy của một quan chức hải quân cao cấp quốc gia này cùng với sự tham gia của các thành viên hải quân Mỹ và các quốc gia thành viên ASEAN. Phía Mỹ sẽ cử đội tàu khu trục Destroyer Squadron 7 (thuộc Hạm đội hải quân 7), tham gia cuộc tập trận lần này.Tờ Bangkok Post của Thái Lan nhận định đây là một phần động thái nhằm cân bằng trong mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc đang ngày càng chú trọng gia tăng ảnh hưởng của mình vào khu vực Đông Nam Á.
Giới chuyên gia nhận định việc tập trận chung giữa Mỹ và ASEAN đã được đưa ra bàn thảo ngay trước khi Trung Quốc và ASEAN tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên trên biển, ở khu vực ngoài khơi Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tuyên bố về kế hoạch tập trận chung trong năm 2019 khi đó được coi như nỗ lực của Mỹ trong việc tăng cường các hoạt động quân sự của mình tại các quốc gia Đông Nam Á trong thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên Mỹ tìm cách mở rộng các hoạt động tập trận đa phương với các nước khác trong khối ASEAN. Đây là chủ đề dã được thảo luận từ vài năm qua, kể từ thời Tổng thống Obama. Tuy nhiên, mọi việc cho tới năm ngoái vẫn mới chỉ nằm trên giấy, cho tới khi quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Bộ trưởng Mattis của Mỹ tại Singapore, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 12 hồi cuối 10/2018.
Được biết, việc Trung Quốc tìm mọi cách kêu gọi ASEAN tiến hành tập trận chung ở Biển Đông là nhằm thực hiện âm mưu tuyên truyền về tình hình Biển Đông và ngăn chặn Mỹ cũng như các nước khác tăng cường hiện diện trong khu vực.Thứ nhất, Trung Quốc muốn tập trận quân sự và thăm dò năng lượng với các nước ASEAN ở Biển Đông, nhưng không có sự tham gia của các nước bên ngoài khu vực nhằm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông. Thứ hai, bằng cách đề xuất các cuộc diễn tập quân sự chung, Trung Quốc đang cố gắng gửi một thông điệp cho thế giới rằng ASEAN và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau và mọi thứ đang tiến triển tốt, do đó không cần sự tham gia từ bên ngoài vào vấn đề Biển Đông.Thứ ba, Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN. Bắc Kinh cũng muốn thông qua cuộc tập trận chung với các nước ASEAN để tuyên truyền về việc nước này đang tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.Thứ tư, Trung Quốc kêu gọi tập trận chung trên biển là nhằm phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước
bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông; đồng thời răn đe các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở trong khu vực.Trong khi đó, một số chuyên gia, học giả nhận định hành động này của Bắc Kinh không giúp cải thiện tình hình Biển Đông. Họ cho rằng các cuộc tập trận này được Trung Quốc coi là một “vụ thu hoạch sớm” trong quan hệ hợp tác dài hạn với khối ASEAN. Tuy nhiên, nếu bị Trung Quốc tấn công trên biển, các nước ASEAN có thể quay sang Mỹ để xin hỗ trợ. Washington không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng thường xuyên phái tàu chiến vào vùng biển này để khẳng định lập trường rằng Biển Đông phải được mở rộng cho tự do hàng hải. Trong khi đó, ông Jonathan Spangler cho rằng, cuộc tập trận chưa chắc đã giúp cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, tất cả đều phụ thuộc vào liệu Trung Quốc và ASEAN có thể giữ được đà tích cực như thế này hay không. Bởi vì các vụ tranh chấp về cơ bản chưa được giải quyết, điều đó có thể khó khăn về lâu về dài.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, khi Mỹ và các nước tiến hành các hoạt động tập trận, tuần tra ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối tuyên bố, hoạt động của phía Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia… ở Biển Đông, khẳng định tình hình Biển Đông đang được cải thiện và ổn định, cả ASEAN và Trung Quốc đều có ý chí mạnh mẽ về duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và đang tiến hành các hành động cụ thể để đạt được điều đó; buộc tội “một số nước” đang cố gắng khuấy lên rắc rối, tạo sóng to, gió lớn ở Biển Đông.
Trái ngược với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định việc Trung Quốc và Đài Loan liên tục tập trận bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không, gây căng thẳng phức tạp tình hình ở Biển Đông; nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đổi hành động này của Trung Quốc và Đài Loan, yêu cầu không tiến hành các hoạt động tương tự.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Việt Nam cung tuyên bố ủng hộ hoạt động của các nước ở Biển Đông, song nhấn mạnh hành động của các nước liên quan cần phục vụ mục đích hòa bình, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam có thách thức Trung Quốc

khi đặt giàn khoan Sao Vàng – Đại Nguyệt?

Ngày 18 tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã hạ đặt thành công giàn khai thác khí tại mỏ “Sao Vàng – Đại Nguyệt” thuộc các lô 05-1b và 05-1c gần lô dầu khí 06.1 nơi tàu hải cảnh của Trung Quốc nhiều tuần nay quấy nhiễu. Đây là hành động mà theo nhận định của một chuyên gia chuyên phân tích về tình hình an ninh chính trị quốc tế là hoàn toàn bình thường, theo đúng tiến độ dự án của Việt Nam.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cho biết:
Việc đặt giàn khoan này là hoàn toàn bình thường, không phải là có ý thách thức gì Trung Quốc vì nó thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Lô 05-1b và 05-1c nằm ở bể Nam Côn Sơn, thuộc liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và hai công ty Nhật Bản Idemitsu Kosan Co., LTd và Teikoku Oil Co. Ltd, nằm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 350 km về phía đông nam, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trang tin Phụ Nữ online ở Thành phố Hồ Chí Minh đăng tin này vào ngày 19/8 nhưng đã rút xuống sau đó mà không rõ nguyên nhân.
Từ ngày 12/8, thông báo được đăng tải trên trang web của Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Việt Nam cũng cho biết từ ngày 15/8 đến hết ngày 30/9, công ty Idemitsu Gas Production (Việt Nam) sẽ tiến hành lắp đặt giàn khoan ở khu vực 05-1b. Thông báo yêu cầu các tàu thuyền hành hải trong vùng biển này cần lưu ý đi xa vị trí tọa độ lắp đặt giàn khoan.
Theo thông tin từ các năm trước đó trên trang web của PVN, dòng khí Sao Vàng – Đại Nguyệt đầu tiên dự kiến sẽ về bờ vào năm 2020. Trữ lượng khí khai thác là 16 tỷ m3.
Đòi hỏi vô lý
Từ khoảng giữa tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh đến xung quanh khu vực lô dầu khí 06.1 thuộc liên doanh giữa Việt Nam với Nga và Ấn Độ để quấy nhiễu hoạt động khai thác tại mỏ này. Theo trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Mỹ, tàu hải cảnh Trung Quốc có lúc đi rất sát các tàu hậu cần phục vụ giàn khoan ở lô 06.1, gây nguy hiểm.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết lô 06.1 đã hoạt động từ năm 2013 nhưng năm nay, liên doanh mở rộng khai thác và đó là lý do khiến Trung Quốc tìm cách ngăn cản. Trung Quốc cũng tìm cách ngăn cản việc Việt Nam khai thác các lô dầu khí mới.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu với Hà Nội vào khoảng cuối tháng 5 vừa qua, đòi Việt Nam phải bỏ tất cả các liên doanh dầu khí với các nước nếu không Trung Quốc sẽ có hành động.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Đường đứt khúc này hay còn gọi là đường lưỡi bò cũng đi vào vùng thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của những nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 21/8 vừa qua lên án Trung Quốc đã gây sức ép lên Việt Nam, bắt Hà Nội phải bỏ các liên doanh với công ty đến từ các nước khác và phải liên doanh với các công ty của nhà nước Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đồng thời khẳng định các công ty hàng đầu của Mỹ đang hoạt động ở khu vực này và Mỹ cam kết sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Công ty ExxonMobil của Mỹ hiện cũng có liên doanh với Việt Nam trong khai thác khí ở mỏ Cá Voi Xanh thuộc các lô 117 – 119.
Ngoài ra theo nhà báo Bill Hayton, người đã viết các sách và bài phân tích về tranh chấp Biển Đông, ExxonMobil vào năm 2009 đã ký hợp đồng chia sản phẩm với Việt Nam ở 4 lô khác từ 156 – 159 thuộc khu vực Tư Chính – Vũng Mây trong bồn trũng Nam Côn Sơn. Đây cũng là khu vực Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc và là nơi tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống đã đi lại từ đầu tháng 7 đến nay.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh gây sức ép với Hà Nội và các công ty nước ngoài trong việc khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam.
Hồi năm 2017 và 2018, Trung Quốc cũng đòi Việt Nam phải yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng việc khoan tìm dầu khí ở các lô 07.3 và 136.03.
Vấp phải phản ứng gay gắt từ bộ 4
Trung Quốc đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ quốc tế trong năm nay khi tìm cách cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Chính phủ Hoa Kỳ từ tháng 7 đến giờ đã 3 lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước trong khu vực, đồng thời khẳng định cam kết bảo vệ các nước đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.
Hôm 7/8 vừa qua nhóm tàu san bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã đến đậu tại Manila, Philippines, vào giữa khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh và dân binh đến quấy nhiễu các hoạt động khai thác của các nước trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào ngày 26/7 cũng ra tuyên bố lên án Trung Quốc và một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định: “Phản ứng của Mỹ là đúng theo chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mở mà Mỹ đã công bố hồi đầu tháng 6 vừa rồi. Chiến lược này của Mỹ là cụ thể hóa của Chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia của Mỹ công bố hồi năm ngoái và họ cứ thế theo thế mà tiến hành”.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, trong chiến lược này, Hoa Kỳ đã kết hợp với các nước khác là Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong bộ tứ để đối phó với Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono trong cuộc họp báo ở Tokyo hôm 27/8 cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm của chính phủ Nhật Bản là “phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng Biển Đông”. Ông đồng thời khẳng định Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, có liên quan trực tiếp đến sự ổn định và hòa bình trong khu vực.
Hôm 1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết New Dehli ủng hộ tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Ông đồng thời cho biết các hoạt động khai thác dầu khí của Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục mà không bị ảnh hưởng bởi các hành động của Trung Quốc.
Thủ tướng Australia Scott Morrison trong chuyến thăm Việt Nam hồi tuần rồi cũng lên tiếng khẳng định lập trường của Úc là tự do hàng hải, hàng không và quyền khai thác kinh tế ở khu vực Biển Đông.

Chuyên gia: Việt Nam sẽ không nổ súng trước

trong vụ Bãi Tư Chính

Một chuyên gia người Mỹ về hải quân Trung Quốc mới nhận định rằng ông “không nghĩ Việt Nam sẽ nổ súng trước”, trong bối cảnh có tin nói rằng tàu thăm dò của quốc gia đông dân nhất thế giới “cách bờ biển Phan Thiết 185 km”.
“Có quá nhiều thứ có thể mất mát. Hải quân Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều. Nếu một cuộc đụng độ vũ trang xảy ra, Trung Quốc có lẽ có thể sử dụng chuyện đó làm cái cớ để chiếm quyền kiểm soát các hòn đảo hoặc tiền đồn thuộc quản lý của Việt Nam”, ông Ryan Martinson, chuyên gia của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, nói với VOA tiếng Việt.
Nhà nghiên cứu lâu năm về hải quân Trung Quốc cuối tuần trước viết trên Twitter rằng “dường như tàu Hải Dương 8 mở rộng thăm dò ở khu vực gần bờ biển Việt Nam hơn”. Hãng tin Reuters sau đó dẫn dữ liệu hàng hải nói rằng tàu này “khảo sát ở Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam”, “cách đảo Phú Quý 102 km về phía đông nam và cách bờ biển Phan Thiết 185 km”.
Diễn biến mới nhất chưa được cả Việt Nam và Trung Quốc xác nhận hay phủ nhận này đã gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Tới nay, Hà Nội cũng không có bình luận gì về tin nói rằng Việt Nam mới đây triển khai tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung đến gần Bãi Tư Chính.
Một bạn đọc có tên Liem Thanh viết trên trang Facebook của VOA tiếng Việt: “Tại sao để nó vào gần bờ? Tại sao không bắn hoặc bắt giữ nó?”
Một người khác tên là Duoc Nguyen bình luận: “Vấn đề là không để chúng biến không thành có (có nghĩa là biến vùng biển hòan toàn của Việt Nam… thành vùng biển đang tranh chấp)”.
Ông Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam ở Mỹ, hôm 24/8 tweet lại bản tin trước đó của Reuters về việc Hải Dương 8 tiến gần tới vùng duyên hải của Việt Nam, cũng như của ông Martinson về hoạt động gần đây của tàu này.
Vì là láng giềng của Trung Quốc, rõ ràng họ [Việt Nam] phải rất cẩn trọng trong quan hệ ở khu vực.
Đô đốc Schultz của Mỹ nói.
Một người sử dụng có tên Minh Hoàng đặt câu hỏi trong phần bình luận dưới đoạn tweet lại của ông Vinh rằng “tàu China [Trung Quốc] vào sâu trong lãnh thổ vậy nước ta không làm gì được sao thưa Ngài”, nhưng không nhận được câu trả lời.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao kỳ cựu này có dẫn lại tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trên cổng thông tin của chính phủ Việt Nam, trong đó có đoạn: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam”.
Trong một cuộc họp báo mới đây, khi được hỏi về việc Mỹ sẽ hợp tác như thế nào nhằm củng cố quyền tự do hàng hải với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, đề cập tới điều mà nhiều người từng nhận định là “thế kẹt” của Việt Nam.
“Vì là láng giềng của Trung Quốc, rõ ràng họ [Việt Nam] phải rất cẩn trọng trong quan hệ ở khu vực”, Đô đốc Schultz nói thêm.
Với việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hai nước đã nhiều lần lên tiếng đáp trả lẫn nhau đồng thời khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán về Bãi Tư Chính, ông Martinson cho rằng ông “không thấy” giải pháp mà hai nước có thể áp dụng để làm giảm căng thẳng hiện thời.
“Theo quan điểm của tôi, Việt Nam rõ ràng có sự hậu thuẫn của luật pháp quốc tế. Chính phủ Việt Nam biết điều này. Nhưng Trung Quốc cũng tin rằng công lý đứng về phía họ”, chuyên gia Martinson nhận định.
“Hơn thế, Bắc Kinh phải xem xét các hệ quả thực tiễn từ việc cho phép Việt Nam thực hiện hoạt động thăm dò. Các nước khác cũng có thể làm theo. Vì thế, tôi không thấy bất kỳ ai thoái lui”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.