Tin Biển Đông – 01/08/2019
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines:
113 tàu TQ vây quanh đảo Thị Tứ
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon, Jr. ngày 31/7 nêu báo cáo có 113 tàu thuyền Trung Quốc được xác định di chuyển gần đảo Thị Tứ hồi tuần trước.Ông Esperon phát biểu tại diễn đàn Kapihan sa Manila Bay: “Có quá nhiều tàu đánh cá Trung Quốc trong khu vực. Hồi tháng 2 có 61 tàu. Ngày 24/7 vừa qua, có 113 tàu được xác định.”
Ông cho biết thêm, hiện nay số tàu cá nói trên đã không còn xuất hiện ở vùng biển quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Cũng trong sáng nay, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. thông báo trên Twitter rằng chính phủ nước này đã gửi công hàm phản đối liên quan việc hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc “lảng vảng” xung quanh đảo Thị Tứ.
Động thái của Bộ ngoại giao Philippines được đưa ra sau khi ông Esperon kiến nghị chính phủ gửi văn kiện phản đối theo hình thức này.
Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mới đây cho biết binh sĩ trên thực địa của nước này báo cáo, các tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi, Philippines 4 lần trong vòng 4 tháng.
Ông Lorenzana không loại trừ khả năng tàu sân bay Trung Quốc có thể đã di chuyển qua vùng biển Philippines trong đêm khiến quân đội nước này không quan sát thấy. Theo ông, 4 tàu hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu đã tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), khiến chúng không thể bị theo dõi, nhưng vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dù vậy, việc tàu Trung Quốc tắt AIS là không bình thường.
Liên quan đến các diễn biến ở đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/3 nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Đồng thời Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh
chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực”.
Vào đầu tháng 3, giới chức Philippines cáo buộc các tàu cá Trung Quốc ép ngư dân Philippines ra khỏi bãi cạn nằm trong lãnh hải đảo Thị Tứ – thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.
Báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ngày 7/2 xác định có gần 100 tàu Trung Quốc – bao gồm tác tàu hải quân, tàu cảnh sát biển và tàu cá, áp sát khu vực đảo Thị Tứ vào giữa tháng 12/2018. Báo cáo cho rằng đây là nỗ lực gây sức ép nhằm buộc Manila ngừng hoạt động cải tạo ở đảo này.
Ngày 4/3, quân đội Mỹ điều hai máy bay ném bom B52 bay qua biển Đông. Chiến dịch được thông báo là nhằm duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến của không quân Mỹ. Đến ngày 14/3, hai máy bay B52 khác được triển khai trong khu vực với mục tiêu hỗ trợ đồng minh, đối tác và củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
http://biendong.net/bi-n-nong/29666-co-van-an-ninh-quoc-gia-philippines-113-tau-tq-vay-quanh-dao-thi-tu.html
Các cường quốc can dự vào Biển Đông đến đâu?
Ngọc LễMặc dù các cường quốc trên thế giới đều ý thức những nguy cơ đến từ sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông và đều có những lợi ích chiến lược đối với vùng biển này, sự can dự của họ cùng với Mỹ để thách thức Trung Quốc có những hạn chế nhất định, các nhà nghiên cứu đến từ các cường quốc này cho biết tại một hội nghị về Biển Đông mới đây ở Washington, Mỹ.
Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP) mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi đầu tháng Sáu, Mỹ nhấn mạnh đến sự hợp tác của bốn cường quốc trong khu vực là Mỹ-Nhật-Ấn-Úc (còn gọi là Bộ Tứ) và kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn từ các nước châu Âu, nhất là Anh và Pháp, để đảm bảo cấu trúc an ninh trong khu vực trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Tại Hội nghị Biển Đông hằng năm lần thứ 9 hôm 24/7/2019, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đã mời các học giả đại diện các nước Nhật, Ấn, Úc và Đức (đại diện cho khối Âu châu) để trình bày về cam kết của các cường quốc này đối với an ninh trên Biển Đông.
Nhật ‘lo lắng’
Nhật Bản là nước ‘rất dễ bị tổn thương’ trước những diễn biến tiêu cực trên Biển Đông, Toshihiro Nakayama, giáo sư về quản lý chính sách ở Đại học Keio, khẳng định tại hội thảo.
“Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào giao thương…Hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển,” ông giải thích. “Do đó, vùng Biển Đông đặc biệt là huyết mạch hàng hải hết sức quan trọng đối với Nhật.”
“Nếu con đường hàng hải đó bị chặn hoặc nếu một quốc gia đơn lẻ nào đó làm chủ vùng biển đó thì Nhật sẽ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương.”
Do đó, ông cho biết ý đồ của Trung Quốc muốn biển Biển Đông thành vùng biển của riêng họ là ‘quan ngại lớn của Nhật’.
Cho đến nay, mặc dù Tokyo không tham gia vào các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông do Mỹ khởi xướng do những tranh cãi trong nước, nhưng nước này tham gia vào nhiều cuộc tập trận trong khu vực và công khai ủng hộ các chiến dịch FONOP của Mỹ, ông Nakayama nói.
“Hồi năm ngoái Nhật Bản đã công khai nói rằng họ đã tiến hành tập trận tàu ngầm ở Biển Đông và họ đã tập trận như thế hơn 15 năm nay,” ông cho biết và nói việc Nhật công khai việc tập trận là ‘diễn biến quan trọng’.
Tuy nhiên, ông cho biết ở Nhật hiện đang có cảm nhận rằng thế cân bằng chiến lược ở Biển Đông đang ‘nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc’ và lo lắng về cam kết của Mỹ đối với khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’.
“Chúng tôi nhìn thấy tham vọng của Trung Quốc để thay thế Mỹ hay gạt Mỹ ra rìa trong vai trò lãnh đạo ở châu Á-Thái Bình Dương,” ông nói.
Mặc dù không ai nói về sự thoái lui hoàn toàn của Mỹ khỏi khu vực nhưng nếu có những dấu hiệu mờ nhạt về việc này thì nó sẽ gây tác động tiêu cực cho khu vực, ông nói thêm.
“Chỉ cần một dấu hiệu nhỏ về sự thoái lui của Mỹ sẽ tạo ra thay đổi lớn trong cán cân quyền lực,” ông giải thích.
Ông Nakayama nói trước giờ ông đã trao đổi với rất nhiều quan chức ở khu vực đông nam Á và vấn đề Biển Đông ‘không bao giờ là về quyết tâm của Mỹ mà là về kiểm soát các vấn đề’.
“Nhưng giờ đây cảm nhận của các nước trong khu vực hay ít nhất là ở Nhật đã có sự thay đổi lớn,” ông nói. “Chúng ta có chính quyền Trump do đó có cảm giác chung là sự bất định về vai trò của Mỹ ở châu Á.”
Tổng thống Trump đã không đến dự các hội nghị thượng đỉnh của khu vực ở Singapore và Papua New Guinea hồi cuối năm ngoái mà cử phó Tổng thống Mike Pence đi thay trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã có sự xuất hiện nổi bật.
Ông cho rằng Tổng thống Trump nên quan tâm đến cảm nhận của khu vực về cam kết của Mỹ, về sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở khu vực. Đó là điều quan trọng hơn các chiến dịch FONOP hay triển khai vũ khí gì, nhất là trong bối cảnh Biển Đông.
Giáo sư Toshihiro Nakayama nói rằng nói rằng mặc dù ở Nhật mọi người đều lo về Trung Quốc nhưng họ ‘không muốn đối đầu trong quan hệ với Bắc Kinh’.
Hơn nữa, Nhật là nước ‘rất ngại rủi ro’ trong việc đảm nhận các vai trò an ninh nhưng ông cho rằng điều này ‘đang thay đổi đáng kể’.
Châu Âu quan ngại
Đối với các nước châu Âu, vấn đề Biển Đông không quan hệ lắm đối với lợi ích sát sườn của họ trừ một vài nước như Anh, Pháp, nhưng cách hành xử ngày càng quả quyết nói chung của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực đã khiến châu Âu quan ngại, bà Sarah Kirchberger đến từ Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel, Đức, cho biết.
“Mãi cho đến gần đây Biển Đông còn là một chủ đề ít người châu Âu biết đến hay quan tâm bởi vì nó xa xôi và không có liên hệ gì đối với họ mặc dù nhiều nước châu Âu dựa vào xuất khẩu qua hải lộ đó,” bà giải thích.
Bà cho biết trong vòng hai năm qua, châu Âu đã có ‘sự thay đổi đáng kể’ trong thái độ đối với Trung Quốc mà tất cả đều xuất phát từ cách hành xử ngày càng chuyên chế và quả quyết của Bắc Kinh.
Bà chỉ ra cách chính quyền Bắc Kinh đang kiểm soát và định hướng dư luận bên ngoài theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc và tìm cách bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích hay những cuộc thảo luận về những ‘tội ác’ trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội trong việc hợp tác với Trung Quốc, cộng đồng an ninh đã ‘cảnh giác hơn nhiều’, bà nói. “Một số người từng chủ trương thỏa hiệp với Trung Quốc đã thật sự thay đổi quan điểm.”
Ngoài ra, chiến lược ‘Made in China 2025’ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm vươn lên dẫn đầu thế giới trong những ngành công nghệ chủ chốt khiến Berlin đặc biệt quan ngại vì nó thách thức sự thịnh vượng của nước Đức.
“Nếu nhìn vào tin tức, trao đổi với các chuyên gia hay thậm chí với cộng đồng doanh nghiệp sẽ thấy mối quan ngại này – ngay cả Hiệp hội các ngành Kỹ nghệ Đức cũng đã ra cảnh báo các doanh nghiệp đừng có quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc,” bà nói thêm.
Bà cho biết châu Âu nhìn vào Trung Quốc với nhiều mối quan ngại trong bối cảnh cuộc cạnh tranh quyền lực của nước này với Mỹ. Thứ nhất là quan ngại về cán cân quân sự ngày càng thay đổi giữa Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai là Bắc Kinh ngày càng quả quyết trên một loạt phương diện từ quân sự cho đến kinh tế và ngoại giao và cách hành xử này đã ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu. Thứ ba là những dấu hiệu của mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc với Nga mà EU xem là mối đe dọa an ninh chính.
Vị đại diện đến từ nước Đức này so sánh cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan với hành động hung hăng của Nga ở Ukraine.
Bà Kirchberger dẫn ra các dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc ‘đang xây dựng một hệ thống quân sự chống ngầm mang tính kết nối dưới Biển Đông’ với các thiết bị giám sát mọi động tĩnh và phân tích những dữ liệu thu thập được từ hệ thống phao nổi và vệ tinh trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc có thể kiểm soát được hoạt động tàu ngầm của các nước khác, bà nói, thì điều này ‘sẽ thay đổi cán cân quân sự’ ở Biển Đông.
Với tư cách là đồng minh với Mỹ trong khối NATO, các nước châu Âu ‘trước hết phải đảm bảo an ninh cho ngôi nhà của mình để người Mỹ có thể rảnh tay triển khai ở khu vực Thái Bình Dương’, bà nói. Bên cạnh đó, một số nước châu Âu cũng có hành động giương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
“Tôi nghĩ Pháp là quốc gia ở vị trí tốt nhất ở châu Âu để tham gia tích cực vào các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) mà họ đã tham gia lâu nay,” bà Kirchberger cho biết. “Họ là quốc gia Thái Bình Dương (Pháp có nhiều lãnh thổ hải ngoại ở vùng biển này) và họ có sự hiện diện quân sự đáng kể ở Thái Bình Dương. Họ có nhiều kinh nghiệm và họ có năng lực hải quân rất tốt.”
“Do đó nếu có chiến dịch đa phương nào (của châu Âu) diễn ra thì theo quan điểm của tôi người Pháp sẽ nắm vai trò lãnh đạo bởi vì tàu chiến của họ thường đi qua khu vực này mà mới đây nhất chiến hạm Pháp đã băng qua eo biển Đài Loan trong một hành động bị Bắc Kinh lên án gay gắt.”
Việc Trung Quốc hủy bỏ lời mời Pháp tham dự sự kiện kỷ niệm ngày thành lập của Hải quân Trung Quốc ngay sau đó cho thấy ‘sự thay đổi trong cách hành xử của Trung Quốc chắn chắn đang ảnh ưởng đến các nước châu Âu’.
Về phần Đức, bà cho biết Berlin không sẵn sàng chấp nhận rủi ro về quân sự với Trung Quốc. ‘Hành động can đảm nhất’ mà Berlin có thể làm là dung chấp những người bất đồng chính kiến với chế độ như Ngãi Vị Vị hay Lưu Hà, vợ của Lưu Hiểu Ba.
Đức không muốn tham gia vào FONOP vì ‘không sẵn sàng’, bà nói và đưa ra lý do là hải quân Đức đã đi xuống sau nhiều thập niên bị bỏ bê và ở quốc gia có lịch sử gây chiến như Đức thì bất cứ hành động quân sự nào ‘cũng sẽ rất mất lòng dân và gần như là tự sát chính trị’. Do đó, hình thức đóng góp tốt nhất của Đức là tham gia vào một nỗ lực đa phương của châu Âu.
Ấn Độ ‘hướng Đông’
Về phần Ấn Độ, một quốc gia nằm trong ‘Bộ Tứ’ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, bà Pooja Bhatt, nghiên cứu sinh tiến sỹ đến từ Đại học Jawaharlal Nehru, nói rằng lập trường của New Delhi đối với Biển Đông là ‘hòa bình, ổn định và an ninh dựa trên luật pháp và chuẩn mực được quốc tế chấp nhận’, ‘ủng hộ tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại không bị gián đoạn’.
Bà Bhatt chỉ ra rằng Ấn Độ có nhiều lợi ích ở Biển Đông và cũng sẽ ‘là một nạn nhân’ nếu vùng biển này xảy ra bất ổn.
Trước hết là lợi ích năng lượng khi các tập đoàn dầu khí của Ấn Độ trong vòng 10 năm qua đã tham gia thăm dò hai lô trong vùng biển của Việt Nam. Thứ hai là bảo vệ con đường giao thương của Ấn Độ với hơn một nửa kim ngạch ngoại thương của nước này phải thông qua con đường Biển Đông. Thứ ba là Ấn Độ muốn có một cấu trúc khu vực mang tính hội nhập, mở và tự do vốn cho phép tất cả các nước có lợi ích đều được tham gia. Thứ tư, Ấn Độ muốn cùng các nước trong khu vực xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án kết nối các nước trên nguyên tắc ‘minh bạch và bình đẳng’.
Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại ‘Hướng Đông’, Ấn Độ trong những năm qua đã tích cực tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự với các nước xung quanh Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam – nước mà Ấn Độ xem là then chốt trong chiến lược ‘Hướng Đông’. Chính sách ‘Hướng
Đông’ này và lập trường về Biển Đông của Ấn Độ xuất phát từ khuôn khổ mối quan hệ ‘yêu và ghét’ của Ấn Độ đối với Trung Quốc, bà Bhatt cho biết.
“Mặc dù người Ấn Độ tự nhiên không thích các hành động của Trung Quốc vì những lý do lịch sử như chiến tranh và tranh chấp biên giới giữa hai nước, có một số nhân tố mà Ấn Độ phải xem xét,” bà nói về ý định của Ấn Độ có sẵn sàng đi xa hơn trong việc thách thức Trung Quốc hay không.
Trước hết năng lực của Ấn Độ hiện nay chưa đến mức có thể tham gia vào cuộc đối đầu với Trung Quốc. Thứ hai, Ấn Độ đang đa dạng hóa các lợi ích ‘do sự quan tâm của Mỹ đến khu vực ngày càng suy giảm còn Trung Quốc thì hung hăng’. Thứ ba là lợi ích của chính Ấn Độ trong giao thương với Trung Quốc.
Bà cũng lưu ý lập trường của các nước đông nam Á là ‘không muốn có thêm cấu trúc an ninh khu vực mới (kiểu như Bộ Tứ)’ mà thay vào đó ASEAN muốn ‘củng cố các cấu trúc an ninh có sẵn để có thêm các chức năng mới’.
Bà khuyên rằng Mỹ không xem Ấn Độ hay các nước khác trong khu vực chỉ đơn thuần là đối tác an ninh hay quân sự mà cần phải chú trọng mối quan hệ đối tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng như Trung Quốc đã làm với các dự án RCEP (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) và Ý tưởng Vành đai-Con đường (BRI).
“Tôi cho rằng các nước trong khu vực cảm thấy rất bất an khi trở thành đồng minh quân sự (với Mỹ),” bà nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay khi lên nắm quyền đã từ bỏ Hiệp ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các nước trong khu vực trước sức ảnh hưởng càng lớn của Trung Quốc.
Úc đề cao luật pháp
Cũng giống như các cường quốc bên ngoài khác, Canberra cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông và đây là ưu tiên trước hết của nước này, bà Bec Strating, giảng viên về Chính trị thuộc Đại học La Trobe, cho biết.
“Chính sách được công bố của Úc trong những năm qua là bày tỏ mối quan ngại lớn đối với các cường quốc đang nổi thách thức luật lệ trên biển, trên không và xem đó là mối đe dọa đối với ổn định khu vực – yếu tố rất quan trọng góp phần vào sự thịnh vượng và an ninh quốc gia của Úc,” bà nói.
Cũng giống như Ấn Độ và Nhật Bản, Úc có khối lượng hàng hóa lớn được giao thương qua con đường Biển Đông với gần hai phần ba. Tuy nhiên, Canberra không lo lắng về việc con đường giao thương này bị gián đoạn vì phần lớn hàng hóa đó đi đến hay đi từ Trung Quốc.
“Không có khả năng Trung Quốc gây cản trở cho việc giao thương này vì đó cũng là lợi ích của họ,” bà Strating giải thích. “Nguy cơ kinh tế thực sự đối với Úc là khả năng Trung Quốc sử dụng các đòn bẩy kinh tế mà họ có như buôn bán các mặt hàng thiết yếu, du lịch hay giáo dục bậc cao để trừng phạt Canberra nếu Úc có lập trường cứng rắn trên Biển Đông.”
Bà cho rằng quan hệ giao thương với Trung Quốc là rất quan trọng để giúp nền kinh tế Úc mạnh mẽ và duy trì sự thịnh vượng. Tuy nhiên, về lâu dài thì Úc có lợi ích trong việc ‘bảo đảm quyền tự do hàng hải’.
“Tôi cho rằng lợi ích then chốt của Úc nằm ở việc duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ,” bà nói. “Vấn đề là liệu sự xói mòn luật lệ về biển trên Biển Đông sẽ đe dọa tính hợp pháp của toàn bộ UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển) hay không.”
Úc có lợi ích lớn trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của UNCLOS vì nước này được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng đến 10 triệu km vuông, lớn thứ ba thế giới, theo quy định của UNCLOS.
“Úc dự đoán việc đánh bắt trái phép sẽ ngày càng tăng về quy mô và độ phức tạp trong vòng 20 năm tới trong vùng đặc quyền kinh tế của mình bởi vì tranh chấp Biển Đông sẽ đẩy các tàu cá xuống các vùng biển ở phía bắc Úc,” bà cho biết.
Cho nên việc Canberra bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, bảo vệ UNCLOS, không chỉ đơn thuần là bảo vệ cho hiện trạng khu vực dưới sự lãnh đạo của Mỹ mà còn là bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Úc liên quan đến chủ quyền và tài nguyên, bà giải thích.
Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Úc đã rất mạnh miệng công khai chỉ trích Trung Quốc không tuân thủ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo UNCLOS. “Điều này hơi đặc biệt vì các lãnh đạo Úc thường rất do dự trong việc công khai lên án Trung Quốc về những vấn đề như nhân quyền,” bà nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Strating, Úc cũng gặp vấn đề trong việc chỉ trích Trung Quốc vì nước này bị Bắc Kinh tố ngược là ‘đạo đức giả’ vì vi phạm luật pháp quốc tế trong tranh chấp chủ quyền với Đông Timor trên Biển Timor.
Do lịch sử an ninh vốn gắn chặt Úc với các cường quốc bên ngoài, trước hết là Anh và giờ là Mỹ, bà Strating cho rằng Úc vẫn là một đồng minh gắn bó với Mỹ và đã có lập trường mạnh mẽ trên các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Bà đưa ra bằng chứng là khác với Ấn Độ, Úc rất sốt sắng với ý tưởng về ‘Bộ Tứ’. Dù vậy, trên một số vấn đề, Canberra ‘vẫn không sẵn sàng gây sức ép lên Bắc Kinh’.
Bà nhìn nhận rằng ‘có sự cách biệt’ giữa lời nói và hành động của Úc trên Biển Đông vì Canberra tuyên bố rất mạnh miệng nhưng trên thực tế họ không có hành động gì mới.
“Các nhà hoạch định chính sách của Úc cho đến nay vẫn từ chối tham gia FONOP một phần là vì họ cho rằng điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông,” bà cho biết và nói rằng Canberra ‘không sẵn sàng chấp nhận rủi ro’ khi đưa tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý của các hòn đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông.
Đối với người dân Úc, họ biết những gì diễn ra ở Biển Đông nhưng họ không xem đó ảnh hưởng đến lợi ích sát sườn của Úc vốn được cho là giao thương và thịnh vượng, bà nói và cho biết nhiều người ở Úc ‘có quan điểm rất tích cực’ về quan hệ với Trung Quốc.
Về những gì mà Úc muốn ở Mỹ, bà Strating đề nghị chính quyền Trump nên quay trở lại với TPP và phê chuẩn UNCLOS. Vì không tham gia vào UNCLOS nên Mỹ không ở thế mạnh về pháp lý để đối phó với Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/c%C3%A1c-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-qu%E1%BB%91c-can-d%E1%BB%B1-v%C3%A0o-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-%C4%91%E1%BA%BFn-%C4%91%C3%A2u-/5023958.html
Biển Đông: VN khó đạt đồng thuận
tại thượng đỉnh ASEAN 2019
Mỹ HằngBBC, BangkokGiới quan sát cho rằng một ASEAN chia rẽ là lý do chính để hội nghị lần này khó ra được một tuyên bố chung mạnh mẽ hơn về Biển Đông.
“Việt Nam chắc chắn sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra tại các cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh này. Trong đó Việt Nam nhiều khả năng muốn dùng các ngôn từ mạnh mẽ để nêu đích danh hành vi Trung Quốc và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các luật pháp quốc tế liên quan. Nhưng tôi cho rằng các quốc gia ASEAN sẽ không thống nhất được việc đó,” TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) cho BBC hay hôm 31/7.
‘Khó đạt được đồng thuận’
“Ngôn từ không diễn đạt được hành động nhưng sẽ biểu đạt được tình đoàn kết của các quốc gia ASEAN, và thể hiện rằng các quốc gia có đồng ý với nhau về các vấn đề đang xảy ra ở khu vực Biển Đông hay không. Không thống nhất được ngôn từ nghĩa là các quốc gia Đông Nam Á không đoàn kết. Cũng giống các lần trước, các quốc gia ASEAN vẫn còn chia rẽ. Do đó các quốc gia ASEAN nhiều khả năng vẫn sử dụng các ngôn từ trước đây như ‘quan ngại’, và vẫn sẽ không dám chỉ đích danh Trung Quốc,” TS Nguyễn Thành Trung phân tích.
“Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam khi Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm tới, là cơ hội để Việt Nam thể hiện mình. Nhưng tôi nghi ngờ vào kết quả của hội nghị này,” ông Trung nói.
Bãi Tư Chính: ‘Vận động ngoại giao là thế tự vệ tốt nhất cho VN’
Bãi Tư Chính: “Đã đến lúc VN kiện TQ ra tòa quốc tế”?
‘ASEAN phân hoá nhưng còn hi vọng’
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu luật quốc tế, nói với BBC rằng quan điểm của Việt Nam về vấn đề Bãi Tư Chính nói riêng và Biển Đông nói chung là ‘mạnh mẽ và xuyên suốt’ “kiên quyết trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình”. Nhưng “muốn là một chuyện, làm được hay không còn phụ thuộc vào các nước ASEAN khác, trong đó có nước điều phối hội nghị lần này là Thái Lan.”
Ông Hoàng Việt nhận định:
“Hôm 30/7, trong khi một số quốc gia ASEAN nỗ lực đưa ra một tuyên bố chung liên quan đến sự kiện gần đây tại Bãi Tư Chính, thì một số quốc gia ra sức phản đối, trong đó có Campuchia. Chuyện này không lạ khi năm 2012 Hội nghị Bộ Trưởng ASEAN ở Phnom Penh đã không đưa ra được một tuyên bố chung vì sự ngăn cản của Campuchia.”
“Hội nghị lần này có thể cũng vậy, một số quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam sẽ cố gắng đưa được vấn đề Biển Đông và Trung Quốc trong tuyên bố chung. Nhưng số quốc gia không có lợi ích trực tiếp trên Biển Đông nhưng lại có ràng buộc kinh tế rất lớn với Trung Quốc như Campuchia, Malaysia, Lào, và ngay cả Thái Lan có thể tìm cách tìm cách ra tuyên bố nhắc tới vấn đề này một cách nhẹ nhàng hơn. Điều đó cho thấy là để vượt qua được những thách thức này cần nỗ lực rất lớn từ phía ASEAN.”
“Nguyên tắc chung của ASEAN là đồng thuận. Nếu một quốc gia không đồng tình thì ASEAN không thể ra quyết định được.”
Vai trò của Mỹ
Giới quan sát cho rằng dù có tiếng nói quan trọng trong vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh lần này, vai trò của Mỹ thực ra vẫn mang tính biểu tượng là chính.
TS Nguyễn Thành Trung nói: “Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẽ thể hiện quan điểm rằng Mỹ không có lợi ích riêng trên Biển Đông, nhưng Mỹ luôn muốn các quốc gia khác phải luôn tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là quan điểm xuyên suốt của Mỹ từ trước tới nay.”
Ý kiến về Bãi Tư Chính và Luật quốc tế
Vai trò Việt Nam ở Hội nghị Cấp cao Asean
“Tôi cho rằng ông Pompeo xuất hiện lần này để tạo ra sự thống nhất của các quốc gia ASEAN theo chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mở rộng mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng Sáu vừa rồi. Mỹ muốn cam kết rằng Mỹ luôn tôn trọng các quốc gia đồng minh và đối tác của mình. Nhưng tôi cho rằng việc này mang tính biểu tượng nhiều hơn. Về hành động thì Mỹ chưa có gì nhiều ngoài các tuyên bố như tự do tuần tra hàng hải.”
“Đó là về chính phủ Mỹ. Nhìn vào quốc hội Mỹ, vẫn rải rác có các nghị sỹ Mỹ kêu gọi Mỹ phải có các biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc. Dù vậy vẫn chưa tạo được sự đồng thuận lớn để thông qua một số đạo luật ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông. Chính vì vậy tôi nghĩ chưa có gì rõ rệt ngoài một số sáng kiến của Mỹ nằm trên giấy tờ nhiều hơn là trên thực tế.”
Nhìn nhận rằng nếu thiếu Mỹ, tiếng nói của ASEAN, trong đó có Việt Nam, sẽ ‘chìm ngỉm’, ông Hoàng Việt nói thái độ của Mỹ về Biển Đông có nhiều dấu hiệu tốt cho Việt Nam.
“Thái độ của Hoa Kỳ với Trung Quốc rất rõ ràng. Sau khi phía Việt Nam lên tiếng chính thức thì phía bộ Ngoại giao Mỹ đã ra một văn bản thông báo và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động khiêu khích và bắt nạt quốc gia láng giềng. Nếu không có Hoa Kỳ thì Trung Quốc đã tự tung tự tác trên Biển Đông.”
“Vào thời kỳ chuyển giao quyền lực từ chính quyền Obama, ông Trump đã rút ra khỏi một số định chế quốc tế khiến người ta từng lo ngại Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ. Nhưng gần đây qua cuộc chiến thương mại, Trung Quốc bắt đầu bộc lộ các điểm yếu của mình. Ngoài ra, nhiều quốc gia đang lo ngại khả năng vỡ nợ khi tham gia dự án Vành đai Con đường, và đã nói không với một số dự án của Trung Quốc. Điều đó cho thấy những nỗ lực của Việt Nam cũng sẽ được đền đáp phần nào.”
“Khả năng ông Pompeo sẽ là người đầu tiên nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị lần này… Nhưng nếu để nói hội nghị này có đáp ứng được mong muốn của Việt Nam về vấn đề Biển Đông hay không thì tôi cho rằng chưa được, còn cần thêm thời gian,” ông Hoàng Việt nói.
Chuyên gia quốc tế tung bằng chứng TQ chép sai bản đổ Anh để ngụy biện yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông
Ngày đăng 01-08-2019
Chuyên gia Bill Hayton dẫn chứng tài liệu cho thấy “đường 9 đoạn” là một yêu sách rất mới, xuất phát từ việc Trung Quốc sao chép lỗi sai trong bản đồ của Anh.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49174535
Bản đồ quần đảo châu Á,
do Công ty Eastward Stanford xuất bản năm 1918
Sự thật được phơi bàyPhát biểu tại Hội thảo về Biển Đông lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Mỹ (CSIS) tổ chức tại Washington ngày 24/7, chuyên gia Bill Hayton (Viện Chatham House của Anh) cho biết, yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc có nguồn gốc từ sự thiếu hiểu biết và nhầm lẫn nghiêm trọng về Biển Đông của Trung Quốc trong giai đoạn 1933 – 1947. Hayton dẫn các tài liệu và minh chứng lịch sử từ Trung Quốc cho thấy Trung Quốc chỉ bắt đầu quan tâm đến Hoàng Sa từ năm 1909, sau khi có thông tin Nhật Bản chiếm đóng và khai thác đảo Pratas, nằm gần Đài Loan. Đầu tháng 6/1909, Trung Quốc bắt đầu tổ chức đoàn khảo sát đi Hoàng Sa (nơi Việt Nam đã xác lập chủ quyền từ thế kỷ 17) và nêu yêu sách với quần đảo. Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát và nhiều năm sau đó, Trung Quốc không quan tâm và có bất cứ động thái gì để thể hiện “chủ quyền” với quần đảo này, thậm chí Trung Quốc còn coi Hoàng Sa là cái “bẫy chết người”, thường xuyên làm đắm tàu thuyền nước ngoài. Cho tới ngày 14/7/1933, sau khi Pháp, lúc đó là chính quyền bảo hộ cho Việt Nam, khẳng định có chủ quyền với các thực thể ở Trường Sa, nội bộ Trung Quốc hoàn toàn không hay biết về sự tồn tại của Trường Sa, vẫn nhầm tưởng Trường Sa và Hoàng Sa là một.
Trong một văn bản Bộ Hải quân Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/7/1933 nhằm xác minh thông tin về việc Pháp khẳng định chủ quyền với Trường Sa, bộ này khẳng định “sau khi khảo sát, không thấy có đảo nào ở 10 độ vĩ Bắc, 150 độ kinh Đông giữa Việt Nam và Philippines”. Tuy nhiên, vì nghi ngờ kết luận trên của Bộ Hải quân, chính phủ Trung Quốc lúc đó thành lập một “Uỷ ban điều tra về bản đồ đất nước” và đã tiến hành 25 cuộc họp từ giữa năm 1933 đến cuối năm 1934. Ủy ban này lập nên một danh sách 132 đảo được coi là của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuyên gia Bill Hayton cho biết, danh sách này được sao chép và biên dịch hoàn toàn từ tiếng Anh sang tiếng Trung từ một Bản đồ Thuỷ Văn về Biển Đông do Anh vẽ năm 1906. Trong bản danh sách sao chép đó, các tên đảo được phiên âm sang tiếng Trung từ tên tiếng Anh. Ví dụ, bãi James Shoal được dịch và phiên âm thành Bãi Tăng mẫu, Vanguard Bank (bãi Tư Chính của Việt Nam) thành Bãi Tiền vệ (sau này đổi tên thành Vạn An Bắc). Trong quá trình sao chép và phiên âm, Trung Quốc vô tình sao chép cả các lỗi và nhầm lẫn từ Bản đồ Thuỷ Văn của người Anh mà không hay biết. Nhiều thực thể trong danh sách không tồn tại trên thực địa vẫn được Trung Quốc đưa vào danh sách. Cho tới năm 1933, Trung Quốc chưa bao giờ quan tâm, có yêu sách, và cũng chưa bao giờ khảo sát toàn bộ Biển Đông.
Ngoài ra, một bằng chứng khác về việc Trung Quốc hoàn toàn không có thông tin về các thực thể ở Biển Đông là Trung Quốc đã máy móc dịch tên đảo và hiểu sai hoàn toàn bản chất các thực thể ở Biển Đông. Bãi ngầm, trong tiếng Anh gọi là “shoal”, đã được Trung Quốc dịch thành Bãi (滩 – Tan) và hiểu đó là các đảo, bãi nổi.
Đến năm 1936, do nhầm lẫn bản đồ của Anh, 1 số nhà địa lý học Trung Quốc đã vẽ một đường nét liền bao quanh các “đảo” trên Biển Đông, lấn sâu xuống phía Nam và phía Tây Biển Đông để thể hiện cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông của Trung Quốc. Dựa trên bản đồ đường chữ U sai trái mà họ hỗ trợ vẽ năm 1936, họ đã tiếp tục dựng lên bản đồ đường chữ U 11 đoạn đầu tiên cho chính phủ Trung Quốc vào năm 1947.
“Đường 9 đoạn” không được luật pháp quốc tế công nhận
Trong phát quyết mang tính lịch sử của Tòa Trọng tài (7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Tòa đã kết luận rằng:
Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy,
Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.
Ngay sau khi Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, đông đảo dư luận thế giới, trong đó có cả giới hoạch định chính sách và các chuyên gia nghiên cứu đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết này. Giới chuyên gia cho rằng, phán quyết có thể coi là một “đòn pháp lý” giáng mạnh vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và đánh dấu một “thất bại đáng bẽ mặt” của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, phán quyết thậm chí còn cứng rắn hơn, đi xa hơn so với dự đoán. Giáo sư Zhu Zhiqun, thuộc Đại học Bucknell ở Pennsylvania (Mỹ), cho rằng phán quyết có thể coi là “kịch bản tồi tệ nhất với Trung Quốc”. “Đây là một đòn ngoại giao giáng mạnh vào Trung Quốc, có lẽ mạnh nhất kể từ năm 1989”.
Chas Freeman, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và từng là phiên dịch viên cho cố Tổng thống Richard Nixon, cho rằng đây là chiến thắng cho Philippines và luật pháp quốc tế. Ông Paul Reichler, luật sư người Mỹ đóng vai trò trưởng nhóm cố vấn pháp lý cho chính phủ Philippines trong vụ kiện, cũng cho rằng đây không chỉ là chiến thắng của Philippines mà còn là chiến thắng của nền pháp trị và các mối quan hệ quốc tế. Theo ông Reichler, phán quyết đã giúp củng cố sức mạnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Ông Reichler, cho rằng phán quyết là tín hiệu quan trọng cho các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn khác ở Biển Đông như Việt Nam, Malaysia và Brunei khẳng định quyền chủ quyền của mình trước Trung Quốc. “Đường lưỡi bò bị coi là phi pháp như tòa đã tuyên, thì những tuyên bố tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với Việt Nam, Malaysia cũng bị coi là phi pháp”, ông Reichler nói.
Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ càng hung hăng hơn sau phán quyết. Giáo sư Bonnie Glaser tại Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington cho rằng Trung Quốc sẽ tìm nhiều cách để bảo vệ yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông.
Thực tế, ngay sau khi tòa trọng tài công bố phán quyết, Trung Quốc tiếp tục ngang ngược bác bỏ. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải lớn tiếng nói rằng Trung Quốc sẽ “làm tất cả những gì có thể để bảo vệ dòng chảy thương mại không bị cản trở và ngăn cản bất cứ nỗ lực nào mưu toan gây mất ổn định khu vực”. Không những vậy, hành động mới đây nhất của Trung Quốc khi đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam là ví dụ điển hình nhất về việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa. Bắc Kinh vẫn ngang ngược đưa ra yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn”.
Hành động sai trái này của Trung Quốc đã bị Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế phản đối và mạnh mẽ lên án. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (19/7) nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Như đã khẳng định tại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16/7, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu (20/7) cũng phát đi Thông cáo bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu khí ở ngoài khơi đã đe dọa tới an ninh năng lượng trong khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép trái phép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
http://biendong.net/bien-dong/29661-chuyen-gia-quoc-te-tung-bang-chung-tq-chep-sai-ban-do-anh-de-nguy-bien-yeu-sach-chu-quyen-o-bien-dong.html
BTQP Philippines 2 ngày liên tiếp lên án Bắc Kinh:
Biển Đông bình yên cho đến khi TQ gây hấn
Tình hình biển Đông sẽ hòa dịu và không có căng thẳng nếu như Trung Quốc không khơi mào những hành động gây hấn – Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu ngày 31/7.Bộ trưởng Lorenzana nhắc lại sự kiện Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi tháng 6, khi ông nêu nghi vấn về tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này không bắt nạt các nước khác và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nói về phản ứng của đại diện các nước khác, ông cho biết các bên tỏ ra hài lòng khi có người đứng lên phản bác tuyên bố của phía Trung Quốc.
“Họ cảm thấy vui vì có người lên tiếng,” ông Lorenzana trả lời phỏng vấn đài DZBB (Philippines). “Hành động của Trung Quốc ở biển Đông hiện cũng đang bị lên án, bởi vì nếu họ không khơi mào xây dựng đảo nhân tạo (trái phép) thì tình hình đã yên bình hơn. Đáng lý đã có hòa bình nếu như họ không trở nên hiếu chiến trên biển Đông.”
Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về việc Trung Quốc khẳng định chỉ bồi đắp, xây dựng [phi pháp] các cơ sở phòng thủ.
“Tại sao họ lại lắp đặt trang thiết bị quân sự ở đó (các đảo nhân tạo phi pháp)? Đó có phải là phòng ngự không? Có thể tôi tin vào điều đó, nhưng chúng cũng có thể được chuyển hóa thành có khả năng tấn công,” Bộ trưởng quốc phòng Philippines chỉ ra.
Dù vậy, ông vẫn hoan nghênh phát biểu của đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa hôm 29/7, khẳng định Bắc Kinh sẽ “không nổ súng trước” trong tranh chấp trên biển với Philippines hay các nước khác.
“Tôi muốn tin tưởng rằng họ cũng không mong có xung đột ở biển Đông,” ông nói, bổ sung rằng đại sứ Triệu nhấn mạnh với ông có một tỷ lệ lớn hàng hóa Trung Quốc lưu thông qua biển Đông, do đó hòa bình và ổn định khu vực cũng bảo đảm lợi ích của Trung Quốc.
Ngày hôm qua, 30/7, ông Lorenzana đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn của ông Triệu Giám Hoa, cho rằng giới chức Trung Quốc đã quá nhiều lần lặp lại giọng điệu này.
“Tôi đã nghe điều đó từ miệng [chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình khi tôi gặp ông ta cùng tổng thống [Rodrigo Duterte], lần đầu chúng tôi gặp nhau vào năm 2016. Tôi được nghe lại điều đó từ miệng các bộ trưởng khác. Và một lần nữa tại Đối thoại Shangri-La gần nhất, tôi lại được nghe điều này từ bộ trưởng quốc phòng của họ,” ông Lorenzana nêu.
“Điều quan trọng nhất là những lời họ nó ra không đồng nhất với hành động của họ tại biển Đông,” ông chỉ ra rằng việc người dân Philippines thể hiện thái độ không tin tưởng Trung Quốc là tự nhiên, kể từ khi Bắc Kinh “bắt đầu chiếm đảo, bắt nạt mọi người xung quanh”.
http://biendong.net/bi-n-nong/29667-btqp-philippines-2-ngay-lien-tiep-len-an-bac-kinh-bien-dong-binh-yen-cho-den-khi-tq-gay-han.html
0 comments