Sau 5 ngày rạn nứt, vào lúc nửa đêm về sáng 1.8, đoạn quốc lộ 91 đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú , tỉnh An Giang đã sụp đổ bị chôn vùi xuống lòng sông Hậu.
Ngày 1.8, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND H.Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết đoạn quốc lộ 91 đi qua địa phận xã Bình Mỹ đã bị sạt lở xuống sông Hậu hết 1/2 mặt đường, nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản của dân.
Vết nứt bắt đầu lan rộng trên mặt đường với chiều dài khoảng 50m (hơn 1/3 đường nhựa), sau đó sạt hoàn toàn xuống lòng sông và ăn sâu vào đất liền hơn 10m. Đến 2 giờ 30 rạng sáng cùng ngày, sạt lở mở rộng chiếm 1/2 đường nhựa, dài khoảng 70m. Đến 5 giờ 30, đoạn sạt lở dài đến 85m tăng về phía hạ lưu.
Nhờ tuyến tránh bên trong đã được thông xe 2 ngày trước đó nên không ảnh hưởng đến tình hình giao thông cũng như thiệt hại về người và tài sản của dân. Chính quyền địa phương đang ra sức di dời dân khu vực kế cận và vẫn đang tiếp tục thả những bao cát xuống hố xoáy để hạn chế sạt lở.
“Tính từ mặt quốc lộ vào khoảng 40m thì có 26 nhà dân đang sinh sống thuộc vùng nguy hiểm cũng đã được hỗ trợ di dời tài sản, vật dụng có giá trị đi nơi khác. Tất cả các hộ dân này đều được bố trí chỗ ở hoặc ở nhờ nhà người thân gần đó”, ông Lâm cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hiệp (54 tuổi, ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú) cho biết: “Đoạn đường này lúc trước đã sạt lở một lần rồi cũng ngay chỗ đó, lúc đầu răng nứt sau đó “đi” luôn xuống lòng sông. Sống mấy chỗ sạt lở, người dân chúng tôi rất sợ, ngủ không được.
Lúc trước hễ xe chạy ngang nhà chúng tôi là như có người gõ cửa, chỗ này đất không có chân, thêm hố xoáy nên sạt lở ghê lắm. Chúng tôi mong mỏi chính quyền vào cuộc và kiếm chỗ ở ổn định cho dân để dân yên tâm sinh sống. Hơn nữa cái xã này chưa có quy hoạch khu dân cư”.
Theo báo cáo nhanh của Sở TN-MT tỉnh An Giang, từ lúc 7 giờ 30 ngày 27.7, tại khu vực này (cách vị trí sạt lở năm 2010 khoảng 100m) đã xuất hiện nhiều vết răng nứt sâu vào 1/3 mặt đường với chiều dài khoảng 30m, chiều rộng vết nứt ban đầu là 1cm chạy dài cặp theo bờ sông Hậu và có dấu hiệu tiếp tục mở rộng. Đến 6 giờ hôm sau, chiều dài đoạn răng nứt không thấy thay đổi nhiều nhưng chiều rộng vết nứt tiếp tục phát triển thêm lên 1,5 - 2cm…
Nguyên nhân bước đầu được xác định là chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông này, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu gây ra hiện tượng răng nứt. Đặc biệt, đây là 1 trong 6 đoạn bờ sông đã được ngành chức năng tỉnh An Giang đã có cảnh báo ở mức cực kỳ nguy hiểm trong nhiều năm qua.
Các ngành chức năng đã báo cáo ngay cơ quan chủ quản lý đường quốc lộ 91 biết để có hướng xử lý kịp thời và bảo đảm giao thông được an toàn trong thời gian tới. Riêng Sở NN-PTNT sớm khảo sát, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường:
Tô Văn
0 comments