Tin khắp nơi – 07/07/2019
Sunday, July 7, 2019
5:41:00 PM
//
- TinThế giới
,
Slider
Tập trận Mỹ – Úc : Canberra giám sát chặt chẽ
tầu do thám Trung Quốc
Minh AnhTruyền thông Úc ngày 07/07/2019 cho biết bộ Quốc Phòng Úc theo dõi chặt chẽ tầu dọ thám Trung Quốc công nghệ cao đang trên đường hướng về Úc trước ngày diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ – Úc mang tên Talisman Sabre trong tháng Bẩy này bên bờ biển Queensland.
Nhiều nguồn tin quân sự đã xác nhận với hãng tin ABC rằng tầu dọ thám điện tử lớp Đông Điều 815G của Trung Quốc sẽ đến theo dõi cuộc tập trận chung hai năm một lần giữa Úc và Mỹ dự kiến diễn ra trong tháng Bẩy.
Các nguồn tin trên khẳng định đã nhìn thấy tầu của Trung Quốc khởi hành đi về phía nam hồi cuối tuần trước và thấy con tầu này đã xuất hiện ngoài khơi phía bắc Papua New Guinea tối thứ Bảy 06/07.
Loại tầu Hỗ trợ Thông tin (Auxiliary General Intelligence AGI) được trang bị nhiều hệ thống liên lạc tân tiến và được thiết kế dùng cho nhiều mục đích quân sự khác nhau. Con tầu này đã từng đến theo dõi cuộc tập trận chung Mỹ – Úc, mang tên Talisman Sabre năm 2017.
Đây là một cuộc tập trận có quy mô lớn và năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 25.000 quân nhân, phần đông là Mỹ và Úc.
Điểm mới trong đợt tập trận này, là lần đầu tiên có sự tham gia của Nhật Bản. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến Trung Quốc chú ý, muốn biết xem Hải Quân của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản phối hợp tác chiến với quân đội Mỹ và Úc như thế nào.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190707-tap-tran-my-uc-canberra-giam-sat-chat-che-tau-do-tham-trung-quoc
Chuyên gia: ‘Vành đai Con đường’ sẽ thất bại
bởi sự vô đạo đức của chính quyền TQ
Chuyên gia Peter Skurkiss với nhiều bài viết trên American Thinker đã đưa ra dự đoán về sự thất bại của dự án “Vành đai Con đường” của Trung Quốc từ những yếu điểm nội tại của quốc gia tham vọng này.“Vành đai Con đường” (BRI) là nỗ lực hai gọng kìm của Trung Quốc nhằm xây dựng một Con đường tơ lụa mới. Gọng kìm đầu tiên là vành đai kinh tế như Con đường tơ lụa trên đất liền. Cái còn lại là Con đường tơ lụa trên biển. Cả hai đang được thực hiện đồng thời và được cho là một trong những dự án cơ sở hạ tầng tham vọng nhất từng được con người thực hiện.
BRI được dự định là một mạng lưới rộng lớn gồm đường sắt, cảng biển, đường ống dẫn khí đốt, dầu, và đường cao tốc được xây dựng bởi các công ty và lao động Trung Quốc. Trung Quốc cũng muốn xây dựng tới năm mươi đặc khu kinh tế dọc theo Con đường tơ lụa được mô phỏng theo Đặc khu kinh tế Thâm Quyến của mình. Hơn một nghìn tỷ đô la dự kiến sẽ chi cho các dự án này vào năm 2027. Cho đến nay, 60 quốc gia đã đăng ký BRI hoặc bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia.
Skurkiss cho rằng, hầu hết các quốc gia liên quan đến BRI đều là những nước đang phát triển. Họ đang tìm kiếm nguồn tài chính (vốn vay) của Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế tụt hậu của mình. Nhưng Trung Quốc không chỉ “đánh bắt dưới đáy”. Họ đã nhắm vào mục tiêu là các quốc gia ở Nam và Trung Âu. Vào tháng 3 năm nay, Ý đã trở thành quốc gia phát triển và là thành viên G-7 đầu tiên tham gia BRI.
Skurkiss phân tích, BRI được giao bán như một kế hoạch kinh tế đôi bên cùng có lợi, tuy nhiên, các nhà phê bình coi đó là một phương tiện để Trung Quốc tăng cường sức mạnh chính trị, củng cố vị thế quân sự và tìm kiếm các thị trường mới. Thông qua BRI, Trung Quốc hy vọng không gì khác hơn là xây dựng lại cán cân quyền lực địa chính trị và tiến tới khẳng định mình trên toàn thế giới.
Liệu các quốc gia trong BRI có nghĩ đến điểm bất lợi của việc tham gia hay không. Mối quan tâm được bàn tán nhiều nhất là ‘bẫy nợ’. Về cơ bản, Trung Quốc cho vay tiền dự án cơ sở hạ tầng, nhưng quốc gia nhận vốn cuối cùng sẽ mắc vào một khoản nợ lớn. Sau đó, Trung Quốc hoặc lấy một số tài sản thực tế từ nước này hoặc đạt được các nhượng bộ ngoại giao và/hoặc quân sự.
“Đây là chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Một ví dụ là Bắc Kinh đã nắm quyền kiểm soát cảng lớn nhất của Kenya vì các khoản vay chưa trả được của quốc gia này”.
“Ngoài ra còn có một vấn đề khác. Khi quan sát Trung Quốc không qua lăng kính màu hồng, người ta thấy rằng đó không chỉ là một quốc gia vô luân mà là một quốc gia vô đạo đức, không tôn trọng nhân quyền”, nhà bình luận Peter Skurkiss cho hay.
Ngoài những điều như chính sách một con của Trung Quốc, đôi khi khiến phụ nữ bị ép buộc phải phá thai, sau đây là bốn ví dụ khác để chứng minh quan điểm này.
Đầu tiên, là việc sử dụng công nghệ hiện đại để giám sát con người và kiểm soát hành vi của họ
Như Business Insider viết: “Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống giám sát rộng lớn để theo dõi từng người trong số 1,4 tỷ công dân của họ, bằng việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt từ cả những người đi bộ trên đường, buộc mọi người phải tải xuống ứng dụng có thể truy cập tất cả ảnh trên điện thoại thông minh của họ”.
Sự phát triển của công nghệ giám sát của Trung Quốc xuất hiện khi nhà nước tung ra một “hệ thống tín dụng xã hội” khổng lồ, xếp hạng công dân về hành vi của họ, và đưa ra phần thưởng lẫn hình phạt tùy thuộc vào điểm số của họ.“Đây là một hành động mà chúng ta chỉ có thể thấy trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng. Bao lâu nữa Trung Quốc sẽ xuất khẩu căn bệnh ung thư này ra ngoài biên giới?”, Peter Skurkiss lo ngại.
Thứ hai, Trung Quốc ngày nay điều hành rất nhiều các trại tập trung
Ông Skurkiss cho biết, tại Trung Quốc, “các nhà chức trách đã bắt giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Slovak, Hui, và những người theo tôn giáo như Hồi giáo, Kitô hữu, học viên Pháp Luân Công và một số công dân nước ngoài khác. Khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu lên vấn đề này, Trung Quốc đã bác bỏ các trại tập trung bí mật và gọi đó là ‘trường nội trú’”.
Thứ ba, là vấn đề thu hoạch nội tạng từ các tù nhân chính trị
“Một nguồn cung cấp nội tạng tươi đặc biệt phong phú cho ngành cấy ghép tạng của Trung Quốc trong những năm gần đây là các học viên Pháp Luân Công, những người tu luyện tâm tính theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và những bài tập cải thiện thân thể. Họ bi tuyên bố là tà giáo vào năm 1999 bởi Tổng bí thư Giang Trạch Dân. Hàng trăm ngàn, có lẽ hàng triệu
người, của nhóm đã bị bắt và biến mất vào một mạng lưới rộng lớn các nhà tù bí mật và họ không bao giờ được nhìn thấy nữa”, ông Skurkiss cho biết.
Dấu ấn tuần qua: Thế giới kỷ niệm 27 năm Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng
Thu hoạch nội tạng là một ngành kinh doanh đang bùng nổ ở Trung Quốc, và họ nắm giữ phần cung rất linh hoạt. Khi có một khách du lịch y tế có nhu cầu, đồng nghĩa với một tù nhân chính trị trẻ phù hợp sẽ được lựa chọn. Sau đó anh ta bị xử tử và trong vài giờ, một cơ quan nội tạng mới – có thể là phổi, tim, thận hoặc bất cứ thứ gì – sẽ được ghép cho khách hàng.
“Các quốc gia ký kết với BRI có thể hợp lý hóa hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc bằng cách nói rằng những vấn đề đó là nội bộ đối với Trung Quốc và nó không liên quan đến họ. Đó là một sự thiển cận. Nếu Trung Quốc đối xử với chính người dân của mình một cách vô nhân đạo, hãy tưởng tượng họ sẽ đối với người ngoài như thế nào khi thời điểm thích hợp”, Skurkiss cho hay.
Ông cũng bổ sung cho quan điểm của mình rằng, người Trung Quốc là những kẻ phân biệt chủng tộc bằng cách trích dẫn lời Gordon Chang đã viết trong cuốn “Sự vĩ đại của nước Mỹ”:
“Các học giả Trung Quốc ủng hộ quan niệm về sự tách biệt của Trung Quốc bằng thuyết tiến hóa mang tên ‘người Bắc Kinh’, khi cho rằng người Trung Quốc không có chung một tổ tiên với phần còn lại của loài người. Lý thuyết về sự tiến hóa độc đáo này của người Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên, củng cố quan điểm phân biệt chủng tộc”.
Do hậu quả của phân biệt chủng tộc, nhiều người ở Trung Quốc, bao gồm cả các quan chức, “tin rằng họ khác biệt về mặt chủng tộc và hoàn toàn vượt trội so với phần còn lại của nhân loại”, Fei-Ling Wang, tác giả của cuốn “Trật tự Trung Quốc: Trung tâm, Đế chế thế giới và bản chất sức mạnh Trung Quốc” (The China Order: Centralia, World Empire, and the Nature of Chinese Power) đã viết.
Truyền thông quốc tế đưa tin về nạn cướp tạng của chính quyền Trung Quốc
Thứ tư, là thương mại không trung thực
Chính quyền Trung Quốc đã lừa dối trong mọi thỏa thuận mà họ đã ký kết. Khi họ thực hiện điều này một cách nhất quán với ngay cả cường quốc như Hoa Kỳ, thì sẽ không có một bước nhảy vọt nào trong logic để tưởng tượng Trung Quốc sẽ đối phó với các nước yếu kém một cách tử tế hơn.
Trung Quốc đang cấp mật ngọt cho các nước mong muốn được vay để tham gia BRI. Nhưng sớm hay muộn những người tham gia BRI sẽ được nếm trải thực tế. Đừng ngạc nhiên nếu một quốc gia từ bỏ thỏa thuận với Trung Quốc vì các dự án cơ sở hạ tầng BRI đã không mang lại đúng lợi ích như dự án đã hứa hẹn.
“Điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng cuối cùng nó sẽ xảy ra. Bản chất của con người là như vậy, BRI không thể được duy trì lâu dài”, ông Skurkiss kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29152-chuyen-gia-vanh-dai-con-duong-se-that-bai-boi-su-vo-dao-duc-cua-chinh-quyen-tq.html
California thẩm định thiệt hại
sau địa chấn mạnh nhất 20 năm qua
Giới hữu trách ở Nam California đang thẩm định thiệt hại đối với các tòa nhà bị nứt và cháy, đường sá bị đứt gãy, đường ống nước và hơi gas bị rò rỉ cùng những cơ sở hạ tầng khác vào ngày thứ Bảy sau trận động đất lớn nhất mà khu vực này chứng kiến trong gần 20 năm qua, làm rung chuyển một khu vực từ thành phố Sacramento đến Las Vegas tới Mexico.Không có trường hợp tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng nào được báo cáo sau trận động đất mạnh 7.1 độ đêm thứ Sáu, AP đưa tin. Nhưng các nhà địa chấn học cảnh báo các dư chấn lớn dự kiến sẽ tiếp tục trong vài ngày tới, nếu không phải là vài tuần tới.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia California đã gửi 200 binh sĩ, hỗ trợ hậu cần và máy bay, Thiếu tướng David Baldwin cho biết. Lầu Năm Góc đã được thông báo, và toàn bộ Bộ Quân sự California đã được đặt trong tình trạng báo động, ông nói.
Trận động đất xảy ra lúc 8 giờ 19 phút tối ngày thứ Sáu và có tâm chấn cách thành phố Ridgecrest 18 km, cũng trong cùng khu vực thuộc Hoang mạc Mojave mà một trận động đất mạnh 6,4 độ xảy ra chỉ một ngày trước đó.
Tại Quận San Bernardino, nơi chứng kiến thiệt hại đáng kể, Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố tình trạng khẩn cấp “trong điều kiện cực kì nguy hiểm đối với sự an toàn của người và tài sản.”
Tại Ridgecrest, các quan chức cảnh sát và cứu hỏa địa phương cho biết ban đầu các cuộc gọi yêu cầu dịch vụ y tế và xe cứu thương dồn dập đổ tới. Nhưng cảnh sát trưởng Jed McLaughlin nói rằng không có ai bị thương nghiêm trọng ngoài những vết trầy xước và bầm tím.
Hai đám cháy nhanh chóng được dập tắt, ông cho biết. Có báo cáo rò rỉ hơi gas nhưng đường ống đã được khóa lại.
Trona, một thị trấn với khoảng 2.000 dân, được báo cáo là có ít nhất một tòa nhà bị sập. Đường sá bị chèn đứt gãy hoặc bị chặn lại, và cảnh sát đã kêu gọi cung cấp nước đóng chai cho cư dân.
Antoun Abdullatif, 59 tuổi, là chủ sở hữu các cửa hàng rượu và các cơ sở kinh doanh khác ở Ridgecrest và Trona.
“Tôi nghĩ 70% hàng tồn kho của tôi đã rơi vỡ trên sàn,” ông nói với hãng tin AP vào sáng ngày thứ Bảy tại Ridgecrest. “Mỗi khi quét dọn và đổ vào thùng rác là coi như vứt đi 200 đôla vào thùng rác.”
https://www.voatiengviet.com/a/california-tham-dinh-thiet-hai-sau-dia-chan-manh-nhat-20-nam-qua/4989339.html
Triệu phú Mỹ John McAfee đề nghị
giúp Cuba sử dụng tiền ảo
Minh AnhNhà triệu phú người Mỹ, John McAfee, người đã gây dựng cơ nghiệp nhờ vào các phần mềm chống virus tin học, hôm 06/07/2019 tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ông hy vọng sẽ nhận được đề cử của đảng Tự Do.
Cùng lúc, từ chiếc du thuyền đang neo đậu tại La Habana, John McAfee đề nghị giúp đỡ chính quyền Cuba sử dụng đồng tiền ảo để thực hiện các chính sách cải cách kinh tế.
Từ La Habana, đặc phái viên RFI Domitille Piron giải thích :
« Ngay khi chính phủ Cuba thông báo khả năng sử dụng các loại tiền ảo trong tương lai, John McAfee đã đề nghị hỗ trợ. Đang bị nước Mỹ truy lùng vì tội trốn thuế, ông đã neo đậu chiếc du thuyền của mình tại La Habana. Như vậy, ông đã vi phạm các quy định mới của Mỹ, nghiêm cấm các công dân Mỹ đi du lịch bằng tàu hay du thuyền đến đảo quốc.
Nhà tỷ phú Mỹ, hiện đang phát triển cho mình một loại tiền ảo, cho biết đang liên lạc với một nhà phát triển tiền ảo gốc Cuba. Trong số các biện pháp kinh tế được chính phủ thông báo gần đây, khả năng tạo một đồng tiền ảo thay thế đã được đề cập đến để đưa các ngành sản xuất Cuba thoát khỏi khủng hoảng.
Alejandro Gil Fernandez, bộ trưởng Kinh Tế và Kế Hoạch, trong chương trình truyền hình Cuba « Bàn tròn thảo luận », đã phát biểu : Không nên tự cho là đồng tiền này không dành cho chúng ta, những người dân Cuba, mà chỉ dành cho các thị trường khác. Trái lại, chúng ta sẽ còn đi xa hơn nữa và chúng tôi đã nghiên cứu việc sử dụng một loại tiền ảo để giao thương trong nước và với quốc tế. Đồng tiền này sẽ phải cho phép chúng ta tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của chúng ta.
Cùng với đồng tiền ảo, Cuba – cũng giống như John McAfee – dường như đều muốn lách các trừng phạt của Mỹ. Ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ hào phóng đề nghị trợ giúp Cuba, với hy vọng sẽ không bị dẫn độ về Hoa Kỳ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190707-trieu-phu-my-john-mcafee-de-nghi-giup-cuba-su-dung-tien-ao
Thành Babylone
được UNESCO xếp là di sản thế giới
Thanh PhươngNgày 05/07/2019, tổ chức UNESCO đã ghi vào danh sách các di sản thế giới thành phố cổ Babylone của Irak, quốc gia đã bị tàn phá nặng nề sau 40 năm chiến tranh và bị quân thánh chiến Hồi Giáo phá hoại nhiều di tích quý giá.
UNESCO đã thông qua quyết định nói trên trong một cuộc bỏ phiếu tại Bakou, thủ đô Azerbaidjan. Theo lời ông Qahtan al-Abeed, giám đốc đặc trách cổ vật của viện bảo tàng Bassora và là người đã nộp hồ sơ Babylone lên UNESCO, Babylone được xem là thành phố có đông dân nhất vào thời cổ đại, ra đời từ cách đây hơn 4000 năm, nằm cách thủ đô Bagdad 100 km về phía nam. Nếu như Irak tự hào là cái nôi của chữ viết, thì Babylone là biểu hiện của nền văn minh của chữ viết, của cơ quan hành chính và của khoa học.
Nói chung Babylone có một vị trí đặc biệt trong lịch sử nhân loại và trong thần thoại thế giới, nổi tiếng với Cổng Ishtar, các vườn treo và tháp Babel, cho tới nay vẫn gây nhiều tranh cãi về địa điểm chính xác của hai di tích này.
Tuy xếp Babylone vào danh sách di sản thế giới, nhưng UNESCO đã tỏ ra rất quan ngại về tình trạng hiện nay của thành phố cổ này, vì nhiều cấu trúc đang cần được tu bổ ngay lập tức và nhiều cấu trúc khác thì đang sắp bị sập.
Trước Babylone, Irak đã có 5 địa điểm được UNESCO xếp vào danh sách các di sản thế giới hoặc di sản đang bị nguy hiểm. Ngành du lịch nước này hy vọng là việc Babylone được thêm vào danh sách di sản thế giới sẽ giúp thu hút thêm du khách đến các khu di tích cổ của Irak
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190707-thanh-babylone-duoc-unesco-xep-la-di-san-the-gioi
Lễ diễu hành Pride ở London
kỷ niệm 50 năm phản kháng
Chia sẻ trên Facebook Chia sẻ trên Messenger Chia sẻ trên Twitter Chia sẻ trên Email Chia sẻCó tới 1,5 triệu người đã có mặt trên đường phố London tham gia cuộc diễu hành Pride (Tự hào), ngày hội lớn của cộng đồng LGBT hôm thứ Bảy, 06/7/2019.
Xuất phát từ Portland Place, cuộc diễu hành đi qua Oxford Circus và xuống đường Regent Street trước khi đến Whitehall qua Quảng trường Trafalgar.
Sự kiện năm nay kỷ niệm 50 năm kể từ cuộc nổi dậy Stonewall đầu tiên ở New York.
Cảnh sát London ‘tăng viện’ đối phó biểu tình vì môi trường
Guna Yala, ‘thiên đường cho giới tính thứ ba’
Tình yêu đồng giới và những định kiến ở VN
Mạng xã hội TQ thôi cấm nội dung đồng tính
Thị trưởng London Sadiq Khan nói ông hy vọng đây sẽ là sự kiện Pride lớn nhất được tổ chức tại London.
Hơn 30.000 người từ 600 nhóm, tổ chức và doanh nghiệp đã tham gia sự kiện mà năm nay chủ đề là Pride Jubilee (năm mươi năm Pride)
Phi đội Mũi tên đỏ (Red Arrows) – hay đội bay trình diễn nhào lộn của không lực Hoàng gia Anh thực hiện một chuyến bay ngang tạt qua vào lúc 13:25 BST.
Don Pepper, người có mặt tại sự kiện Pride đầu tiên ở London nói rằng sự kiện hồi đó rất khác biệt với hôm nay.
“Không có mặc quần áo như thế này – chỉ là mọi người ăn mặc bình thường”, ông nói và thêm rằng có lẽ có khoảng 1.000 người diễu hành khi đó.
“Có những sự lạm dụng từ ngữ từ những người đi xe hơi, trong khi bây giờ mọi người cổ vũ bạn, nhưng khi đó họ sẽ bảo bạn biến đi.
“Không có bất kỳ trò giải trí nào sau đó, chúng tôi chỉ ngồi xuống và đi dã ngoại và thế là xong.”
‘Nhộn nhịp, tưng bừng’
Có mặt tại sự kiện, Quốc Phương của BBC News Tiếng Việt ghi nhận:
“Thực là một ngày hội lớn mà bạn có thể thấy đủ các thành phần giới LGBT và những người cổ vũ, ủng hộ đến từ khắp nơi ở nước Anh, các doanh nghiệp, tổ chức, các địa phương và cả ở nước ngoài tham gia.
“Chúng tôi đã gặp những những nhóm lớn nhỏ, các cặp đôi, cá nhân cho biết là họ đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Ba Lan, Nga, Mỹ, Canada, Jamaica, Mexico, Úc, New Zealand v.v…
“Các nhóm diễu hành trăm hoa đua nở, thi thố đủ mọi phong cách, từ ăn mặc, trang hoàng, cho đến âm nhạc, nhảy múa, kể cả chơi bóng chuyền với nhau và với khán giả hai bên cổ vũ.
“Nhiều khẩu hiểu được nhìn thấy rõ ràng nói rõ quyền của cộng đồng LGBT cũng là nhân quyền, và kêu gọi mọi người, cộng đồng và chính quyền tôn trọng.
“Xen kẽ các khẩu hiệu ‘kinh điển’ như ‘Giao hoan, đừng giao chiến (Make Love not War!), cũng xuất hiện nhiều khẩu hiệu mới, đề cao niềm tự hào và kêu gọi đoàn kết với giới LGBT.
“Đặc biệt cũng có các thông điệp liên quan đến bảo vệ môi trường, yêu trái đất mà những người đi diễu hành hay công chúng hai bên đường mang theo để chia sẻ.
“Giao tiếp giữa hai bên đường và đoàn diễu hành rất vui vẻ, không khí và không gian thực sự tưng bừng, náo nhiệt mà thực sự là một ngày hội lớn, một điểm nhấn trong mùa Hè này ở London,” phóng viên của BBC Việt ngữ bình luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48892745
Chính quyền Trump ‘thiếu năng lực và bấp bênh’,
đại sứ Anh nói
Chính quyền Trump bị cho là “thiếu năng lực”, bấp bênh trong các email của đại sứ Anh tại Washington bị rò rỉ.Sir Kim Darroch nói rằng Nhà Trắng “rối loạn bất thường” và “chia rẽ” dưới thời Donald Trump.
Tổng thống Trump thăm Anh mang theo những gì?
Trump ‘khuyên Anh kiện EU’
Nữ hoàng Anh đón TT Trump ở Điện Buckingham
Brexit: Trump Jr chê Anh và EU gia hạn ‘có điều kiện’
Nhưng ông cũng cảnh báo rằng tổng thống Mỹ không nên bị phế truất.
Bộ Ngoại giao cho biết việc rò rỉ các bản ghi chú cho tờ the Mail on Sunday là “ác ý” nhưng không phủ nhận tính xác thực của chúng.
Nhà Trắng chưa phản hồi về vụ việc, nhưng họ có thể xem xét cái gọi là “mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh.
Trong các bức điện, Sir Kim nói: “Chúng tôi không thực sự tin rằng chính quyền này sẽ trở nên bình thường, ít rối loạn hơn, ít khó đoán hơn, ít phe phái hơn, ít vụng về ngoại giao hơn.”
Ông đặt câu hỏi liệu Nhà Trắng “có bao giờ đủ năng lực” hay không.
Đại sứ Kim cũng cảnh báo rằng chính quyền Trump sẽ vẫn “mang tính tư lợi”.
Sự khác biệt quan điểm giữa Mỹ và Anh về biến đổi khí hậu, quyền tự do báo chí và án tử hình có thể trở nên đáng kể hơn khi hai nước tìm cách cải thiện quan hệ thương mại hậu Brexit, bản ghi chú viết.
Trong một bức điện được gửi vào tháng trước, Sir Kim nhận định rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran là “rời rạc, hỗn loạn”.
Tuyên bố của ông Trump về việc ngừng không kích nhắm vào Teheran trong 10 phút chót vì lo rằng việc này sẽ gây ra 150 thương vong “là không có sức thuyết phục,” Sir Kim nói.
Thay vào đó, ông suy đoán rằng tổng thống Mỹ không muốn đảo ngược cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ không đưa Mỹ dính vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48898721
Anh triệu tập đại sứ TQ
phản đối những phát biểu liên quan vụ Hong Kong
Văn phòng đối ngoại Anh ngày 3-7 triệu đại sứ Trung Quốc tại London tới để phản đối về những tuyên bố mới nhất liên quan tới diễn biến bất ổn tại Hong Kong.Theo Đài DW (Đức), Văn phòng ngoại giao Anh mời đại sứ Trung Quốc Liu Xiaoming tới để trả lời các câu hỏi liên quan đến những bình luận mà phía Anh cho là “không thể chấp nhận và không chính xác” của nhà ngoại giao Trung Quốc này về vấn đề Hong Kong.
Trước đó, trong cuộc họp báo triệu tập khẩn tại London, ông Liu đã chỉ trích Ngoại trưởng Anh, ông Jeremy Hunt, vì ủng hộ “những người vi phạm pháp luật hung hãn” và cáo buộc Anh vẫn còn mang “tư tưởng thuộc địa” với Hong Kong.
“Trong tư duy của một số người, họ vẫn xem Hong Kong đang nằm trong quyền cai trị của Anh. Họ quên mất là Hong Kong lúc này đã được trả về tổ quốc”, ông Liu đã nói như vậy trước báo giới.
“Tôi đã nói với họ: hãy buông tay khỏi Hong Kong và thể hiện sự tôn trọng. Tư duy thuộc địa này vẫn ám ảnh tâm trí của một số quan chức hay chính trị gia”, ông Liu tiếp.
Trong cuộc họp báo ngày 3-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tiếp tục nhấn mạnh thêm luận điểm đó. Ông Cảnh nói ngoại trưởng Anh đã “cố tìm hồi quang đã nhạt của chủ nghĩa thực dân Anh”.
Theo Hãng tin AFP, ông Jeremy Hunt, một trong hai ứng cử viên cho vị trí tân thủ tướng Anh, cũng đã kêu gọi Bắc Kinh không lấy những cuộc biểu tình vừa qua làm “cái cớ để đàn áp”.
Ông Hunt cũng cảnh báo “những hậu quả nghiêm trọng” sẽ đến nếu Trung Quốc vi phạm các cam kết từng đạt được với London từ nhiều thập kỷ trước.
Chính những quan điểm này của ông Hunt đã xới lên một loạt tuyên bố phản ứng, chỉ trích gay gắt từ Trung Quốc, bắt đầu từ Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh và tiếp theo là Đại sứ quán Trung Quốc tại London.
Cảnh sát Hong Kong bắt ít nhất 13 người biểu tình
Theo Fox News, cảnh sát Hong Kong cho biết đã bắt ít nhất 13 người tham gia các cuộc biểu tình ngày 1-7 vừa qua. Trong đó một người đàn ông có họ là Poon bị buộc tội tấn công cảnh sát, phá hoại, đột nhập và lục lọi tại tòa nhà Hội đồng lập pháp Hong Kong.
12 người khác, trong đó có 11 nam giới và 1 phụ nữ, cũng đối mặt với nhiều cáo buộc tội danh khác nhau. Trong đó có tội sở hữu các loại vũ khí tấn công, tụ tập bất hợp pháp, tấn công cảnh sát, cản trở cảnh sát và không mang theo căn cước.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29149-anh-trieu-tap-dai-su-tq-phan-doi-nhung-phat-bieu-lien-quan-vu-hong-kong.html
Ý gây khó khăn cho thuyền nhân đạo cứu di dân
Minh AnhSau nhiều ngày lênh đênh ngoài khơi từ hôm 04/07/2019, chiếc tàu nhân đạo cứu di dân Alex vào sáng 06/07 đã cập cảng Lampedusa của Ý, với 46 thuyền nhân, bất chấp lệnh cấm của bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini.
Tuy nhiên, trước những lời chỉ trích của phe đối lập, ông Matteo Salvini buộc phải đổi ý cho số thuyền nhân lên bờ, sau nhiều giờ gây khó dễ và lớn tiếng « chửi mắng » những người thiện nguyện.
Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir cho biết thêm :
« Cuối cùng thì bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini cũng đã cho phép các thuyền nhân lên bờ, nhưng họ đã phải đợi hơn tám tiếng sau khi chiếc thuyền của tổ chức phi chính phủ Mediterranea cập cảng Lampedusa.
Vẫn còn một hành trình khổ ải nữa đối với các thuyền nhân, đứng chen chúc như « cá mòi hộp » trên cầu tàu, dưới trời nắng nóng 40°C và không thể nào sử dụng toa lét. Quả thật, thái độ độc ác chưa từng thấy của ông Salvini đã làm cho đảng trung tả nổi giận. Trước đó,
bộ trưởng Nội Vụ nói rằng « Đó là những kẻ đồng lõa với những tên dẫn đường, họ hoàn toàn xem thường luật pháp nước Ý. Họ đừng hòng đặt chân lên lãnh thổ chúng ta ».
Chỉ đến khi các nhân viên hải quan thông báo cho viên thuyền trưởng rằng chiếc thuyền cứu hộ Alex sẽ bị tạm giữ và bản thân viên thuyền trưởng sẽ bị điều tra vì đã giúp đỡ di dân bất hợp pháp, thì số thuyền nhân đó mới được phép lên bờ.
Những người này, phần đông đến từ châu Phi, vùng hạ Sahara, nhẹ nhõm nhưng kiệt sức hoàn toàn, đã được đưa về trại tiếp nhận ở Lampedusa từ sáng sớm ».
Tại Đức, hôm 06/07, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đất nước, ủng hộ việc cứu hộ di dân trên biển và tiếp nhận họ tại châu Âu. Tại thành phố Berlin, hàng nghìn người đã tập hợp lại, vài ngày sau vụ bắt giữ Carola Rackete, nữ thuyền trưởng người Đức của chiếc tàu nhân đạo Sea Watch 3, sau đó đã được tư pháp Ý trả tự do. Vụ việc đã làm dấy lên tinh thần liên đới mạnh mẽ tại Đức.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190707-y-gay-kho-khan-cho-thuyen-nhan-dao-cuu-di-dan
Hy Lạp : Bầu cử Quốc Hội,
đối lập cánh hữu có thể thắng lớn
Ngày 07/07/2019, Hy Lạp tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Từ 7 giờ sáng (giờ địa phương), các phòng phiếu đã mở cửa để đón khoảng 10 triệu cử tri.Bị thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương và Nghị Viện Châu Âu vào cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu, thủ tướng Alexis Tsipras, cầm quyền từ năm 2015 và trên nguyên tắc mãn nhiệm vào tháng 10/2019, đã đặt cược vào bầu cử Quốc Hội sớm với hy vọng đảo ngược tình thế. Tuy nhiên, theo các thăm dò gần đây, đảng Syriza của thủ tướng Tspiras có thể chỉ được từ 70 đến 82 trên tổng số 300 ghế ở Quốc Hội.
Thông tín viên RFI Charlotte Stievenard tường thuật từ Athens:
« Rất nhiều thăm dò ý kiến gần đây dự đoán đảng đối lập bảo thủ Dân Chủ Mới sẽ hơn các đối thủ 10 điểm. Đứng đầu là Kyriakos Mítotakis, đảng Dân Chủ Mới có thể nhận được hơn 30% phiếu bầu.
Đối với người dân Hy Lạp, đây là sự trở lại với cội nguồn, vì chính khách 51 tuổi này xuất thân từ một trong những gia đình làm chính trị lâu đời nhất ở Hy Lạp. Cha ông và chị ông đã từng là thủ tướng và đô trưởng Athens. Chính đảng của ông, đảng Dân Chủ Mới, đã cùng với đảng xã hội Pasok luân phiên nắm quyền ở Hy Lạp trong suốt 45 năm, cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng và các chương trình cứu trợ đã giúp đảng Syriza lên nắm quyền. Đảng cầm quyền hiện nay đã được bầu lên cách đây bốn năm nhờ chương trình chống chính sách thắt lưng buộc bụng.
Trong khi Hy Lạp kể từ năm 2018 không còn cần đến các kế hoạch cứu trợ và thủ tướng Alexis Tsipras không còn được tôn sùng như một « người cứu nước », dường như người dân Hy Lạp muốn trở lại với truyền thống và một chương trình tập trung vào việc bảo đảm an ninh, hướng nhiều hơn đến đầu tư và tầng lớp trung lưu ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190707-hy-lap-bau-cu-quoc-hoi-doi-lap-canh-huu-co-the-thang-lon
Iran dọa sẽ không tuân thủ
các cam kết hạt nhân khác “trong 60 ngày tới”
Thanh PhươngPhát biểu trước báo chí hôm 07/07/2019 tại Teheran, thứ trưởng Ngoại Giao Iran Abbas Araghchi vừa tuyên bố là nước này sẽ không tuân thủ các cam kết khác về hạt nhân « trong 60 ngày tới », trừ phi Teheran và các đối tác trong hiệp định hạt nhân tìm ra một giải pháp để đáp ứng các yêu cầu của Iran.
Trước mắt, Iran xác nhận ngày 07/07 sẽ vượt quá giới hạn cho phép về tỷ lệ làm giàu chất uranium theo quy định của hiệp định hạt nhân năm 2015. Quyết định làm giàu chất uranium với tỷ lệ trên 3,67% đã được tổng thống Rohani thông báo vào ngày 03/07.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :
« Sau khi đã vượt quá khối lượng 300 kg uranium được làm giàu mà hiệp định hạt nhân cho phép, Iran đã tuyên bố sẽ không tuân thủ giới hạn tỷ lệ làm giàu uranium ở mức 3,67% và sẽ khởi động trở lại nhà máy nước nặng Arak.
Người dân Iran, đặc biệt là tầng lớp nghèo và tầng lớp trung bình, gánh chịu ngày càng nhiều hậu quả của tình trạng kinh tế suy sụp kể từ khi Hoa Kỳ tái lập các trừng phạt, lại có suy nghĩ khác nhau về chiến lược của chính quyền Teheran.
Đối với Omid Mohammadi, một tài xế taxi nay buộc phải chuyển sang làm nghề bán hàng rong, những trừng phạt của Mỹ có sức tàn phá nặng nề. Anh nói : « Tình hình nay trở nên tồi tệ hơn gấp nghìn lần. Hoa Kỳ đã gây áp lực lên người dân. Cần phải dỡ bỏ các trừng phạt đó. Hai bên cần phải tìm ra đồng thuận. Nếu kinh tế tiếp tục trì trệ như vậy, đất nước sẽ ngày càng bị tê liệt ».
Đối với Rahman, một người lao động 50 tuổi, tuy mục tiêu là bãi bỏ các trừng phạt, nhưng ông đồng tình với chiến lược của chính phủ khởi động lại việc làm giàu chất uranium. Ông nói : « Làm giàu chất uranium để gây áp lực lên các nước châu Âu là một cách làm còn tốt hơn. Bằng mọi giá các trừng phạt phải được dỡ bỏ, vì chính người dân thường đang gánh chịu áp lực ».
Các lãnh đạo Iran vẫn tuyên bố rằng họ sẵn sàng quay trở lại tình hình như trước nếu các nước châu Âu cũng tuân thủ cam kết của họ, cho phép Iran, tuy đang bị Mỹ trừng phạt, vẫn được xuất khẩu dầu hỏa và duy trì các quan hệ ngân hàng và thương mại bình thường với các nước khác trên thế giới ».
Hoa Kỳ cảnh cáo Iran
Trong những ngày qua, chính quyền Donald Trump đã liên tục cảnh cáo Iran là Washington có thể sẽ trả đũa Teheran nếu nước Cộng Hòa Hồi Giáo này tiếp tục thách thức thế giới về hạt nhân.
Từ New York, thông tín viên Daniel Hoffman tường trình :
« Nhà Trắng đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo kể từ khi tổng thống Hassan Rohani thông báo Iran sẽ làm giàu chất uranium với một tỷ lệ cao hơn mức được quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015.
Trên mạng Twitter, ông Donald Trump đã ngụ ý cho biết là những lời đe dọa của Iran có thể sẽ gây tác dụng ngược đối với nước Cộng Hòa Hồi Giáo này, nhưng không nói cụ thể là Hoa Kỳ sẽ trả đũa như thế nào.
Hiện giờ, Washington tuyên bố muốn duy trì áp lực tối đa lên Teheran. Hoa Kỳ đặc biệt đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA vào thứ Tư 10/07. Cơ quan này xác nhận Iran đã vượt quá khối lượng chất uranium làm giàu với tỷ lệ thấp theo quy định của hiệp định hạt nhân 2015.
Bên cạnh những hành động ngoại giao, Hoa Kỳ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng trong giới thân cận tổng thống Trump, nhiều cố vấn đang công khai dự tính phương án quân sự. Vào cuối tháng Sáu, sau khi tổng thống Trump hủy bỏ vào giờ chót cuộc oanh kích vào Iran, nhân vật hiếu chiến nhất, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã cảnh cáo Teheran không nên xem thái độ thận trọng của Mỹ là một sự yếu kém ».
Pháp bày tỏ quan ngại
Về phản ứng của Pháp, tổng thống Emmanuel Macron hôm 06/07 đã bày tỏ với đồng nhiệm Iran Rohani mối quan ngại rất lớn của ông trước nguy cơ hiệp định hạt nhân Iran bị làm suy yếu và những hậu quả kèm theo đó. Trong cuộc điện đàm hơn một tiếng đồng hồ với ông Rohani, ông Macron cho biết từ đây đến 15/07 sẽ thăm dò những điều kiện để tái lập đối thoại giữa các bên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190707-iran-doa-se-khong-tuan-thu-cac-cam-ket-hat-nhan-khac-trong-60-ngay-toi
Quân đội Hàn Quốc tăng cường
giám sát ranh giới lãnh hải liên Triều
Minh AnhTrong một báo cáo công bố ngày 07/07/2019, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết quân đội dự kiến triển khai thêm một tầu chiến, gia tăng các chuyến bay tuần tra và lắp đặt thêm nhiều radar mới để giám sát an ninh ranh giới lãnh hải với Bắc Triều Tiên.
Theo báo cáo được hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn, quân đội sẽ điều thêm máy bay và trực thăng cùng với các thiết bị bay không người lái, như chiếc trực thăng trinh sát chiến thuật điều khiển từ xa Camcopter S-100, nhằm hỗ trợ cho pháo binh và giám sát lãnh hải.
Báo cáo cho biết thêm rằng những thiết bị nhìn ban đêm và nhiều trang thiết bị giám sát bờ biển khác cũng sẽ được lắp đặt. Hơn nữa, hải quân Hàn Quốc dự kiến kể từ tháng 09/2019 cho đến năm 2025 sẽ cho lắp đặt thêm một chục chiếc radar GPS200K.
Những biện pháp này được đệ trình lên Quốc Hội nhằm điều chỉnh lại những khe hỡ trong an ninh biên giới sau vụ một tàu đánh cá Bắc Triều Tiên vượt qua Lằn ranh giới tuyến Bắc NLL để cập cảng Samcheok mà không hề bị hải quân Hàn Quốc phát hiện.
Hoa Kỳ, Hàn Quốc và EU họp bàn về Bắc Triều Tiên
Liên quan đến Bắc Triều Tiên, đặc sứ Mỹ phụ trách Bắc Triều Tiên, ông Stephen Biegun sẽ gặp đồng nhiệm Hàn Quốc Lee Do Hoon cùng nhiều quan chức Liên Hiệp Châu Âu để họp bàn về Bắc Triều Tiên.
Theo lịch trình do bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo, ông Biegun sẽ có buổi họp tại Bruxelles trong hai ngày, thứ Hai mồng 08 và thứ Ba mồng 09/07. Sau đó, ông sẽ đến Berlin gặp các quan chức Liên Hiệp Châu Âu và đồng nhiệm Hàn Quốc trong hai ngày thứ Tư 10/07 và thứ Năm 11/07.
Thông cáo ghi rõ : « Mục tiêu của các cuộc gặp này là để thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm đi đến phi hạt nhân hoàn toàn và có thể kiểm chứng được tại Bắc Triều Tiên ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190707-quan-doi-han-quoc-tang-cuong-giam-sat-ranh-gioi-lanh-hai-lien-trieu
Người biểu tình Hong Kong
giải thích cho du khách đại lục
Hàng ngàn người biểu tình ở Hong Kong vào chiều 7/7 để giải thích cho du khách đại lục hiểu về làn sóng phản đối dự luật dẫn độ.Theo Reuters, các cuộc biểu tình phản đối dự luật đã quy tụ hàng triệu người ở Hong Kong trong những tuần gần đây. Điều này trở thành thách thức đáng kể nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Biểu tình Hong Kong: Căng thẳng lan sang Mỹ
Biểu tình Hong Kong và một góc nhìn từ Việt Nam
TQ đổ tội cho phương Tây về biểu tình Hong Kong
Biểu tình Hong Kong: Giới vận động VN nghĩ gì?
Dự luật, hiện đang bị đình chỉ, gây ra sự phẫn nộ ở Hong Kong trong bối cảnh có lo ngại nó đe dọa nền pháp trị của thành phố này.
Những người biểu tình chiếm Viện Lập pháp hôm 1/7 trước khi bị cảnh sát đẩy lùi bằng hơi cay.
Các cuộc biểu tình này ít được tường thuật ở Trung Quốc đại lục, nơi hệ thống kiểm duyệt chặn hầu hết các tin tức về biểu tình từ sau vụ Thiên An Môn.
Những người biểu tình Hong Kong lên kế hoạch gửi thông điệp trực tiếp tới du khách tới từ đại lục bằng một cuộc biểu tình kết thúc tại nhà ga đường sắt cao tốc kết nối thành phố này với đại lục.
Tập đoàn MTR điều hành tuyến tàu điện ngầm cho biết họ sẽ đóng tất cả các lối vào nhà ga West Kowloon ngoài một tuyến chỉ dành riêng cho hành khách. Các cửa hàng thực phẩm và đồ uống trong khu vực cũng sẽ bị đóng cửa.
Hiện vé tàu trực tuyến Hong Kong-Thâm Quyến được ghi nhận trong tình trạng “hết vé” từ 14:30 đến 18:30 giờ địa phương, trùng với thời điểm diễn ra biểu tình.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48898722
Nhiều tướng quân đội TQ sốt ruột
vì ông Tập vẫn “bình chân như vại” về Đài Loan
Chuyên gia Mỹ nhận định rằng ông Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo TQ khá tin tưởng vào “lợi thế thời gian” trong vấn đề Đài Loan, tuy nhiên phe “diều hâu” đã dần mất kiên nhẫn…Theo một nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), các quan chức cấp cao của lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang cảm thấy không bằng lòng với cách Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xử lý các vấn đề liên quan tới Đài Loan.
Dựa trên các thông tin thu thập được từ các nguồn tin nội bộ tại Trung Quốc, nhà nghiên cứu Bonnie Glaser của CSIS khẳng định rằng nhiều tướng lĩnh cấp cao của PLA đang bất mãn với sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, cũng như với các chính sách hiện tại của Văn phòng Quan hệ Đài Loan (TAO).
Nhận định trên của bà Glaser đã được đưa ra tại một sự kiện được một nhóm nghiên cứu khác có trụ sở tại Washington D.C, Quỹ Di sản, đứng ra tổ chức vào ngày 2/7 vừa qua.
Được biết, sự kiện trên là một diễn đàn có tên là “Quan hệ xuyên eo biển: Những thách thức hiện tại và phát triển trong tương lai”. Chủ nhiệm Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục (MAC) của Đài Loan, ông Trần Minh Thông, cũng tham dự hội nghị này.
Theo lời chuyên gia Glaser, phần lớn các lãnh đạo Trung Quốc đều tin rằng họ có lợi thế về thời gian trong vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, bà này cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ phe “diều hâu” trong quân đội nước này, những người mong muốn ông Tập có những hành động quyết đoán hơn đối với Đài Loan.
Cũng theo bà Glaser, một số nhân vật trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và PLA không ủng hộ ông Tập có thể sẽ sử dụng vấn đề Đài Loan làm đòn bẩy để gây áp lực lên những khía cạnh mà họ cho là điểm yếu của Chủ tịch Trung Quốc.
Về luồng ý kiến quan ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan nếu lãnh đạo đương nhiệm của đảo tự trị này – bà Thái Anh Văn – tiếp tục tái đắc cử trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 1/2020; chuyên gia Glaser lại đưa ra nhận định trái ngược. Theo bà này, ông Tập sẽ chưa vội hành động hay tấn công Đài Loan ngay cả khi bà Thái Anh văn tái đắc cử.
Thay vào đó, bà Glaser tin rằng chính phủ Trung Quốc và ông Tập dường như vẫn rất tự tin rằng họ có lợi thế về thời gian trong vấn đề này.
http://biendong.net/bi-n-nong/29153-nhieu-tuong-quan-doi-tq-sot-ruot-vi-ong-tap-van-binh-chan-nhu-vai-ve-dai-loan.html
Báo TQ đăng ảnh tập trận quân sự ở Hồng Kông
Một tờ báo có liên kết với quân đội Trung Quốc (PLA) đã đăng những bức ảnh về một cuộc tập trận quân sự kéo dài một tuần ở Hồng Kông.Các nhà phân tích mô tả động thái này như một cảnh báo gửi tới các nhà chỉ trích Bắc Kinh – trong khi Hồng Kông đang vật lộn với một làn sóng phản đối chính phủ, theo APP.
PLA đã duy trì một đơn vị đóng quân ở Hồng Kông – kể từ khi thuộc địa cũ của Anh chuyển giao trở lại Bắc Kinh vào năm 1997. Nhưng lực lượng này chỉ duy trì ở mức độ hiện diện thấp, và hiếm khi thấy họ mặc quân phục nơi công cộng.
Trước đây, các cuộc tập trận quân sự thường kỳ của đơn vị này thường không thu hút được nhiều sự quan tâm chú ý.
Nhưng một tờ báo có liên quan với PLA, vào hôm thứ Ba (2/7) đã đăng những bức ảnh về một cuộc tập trận quân sự tuần trước. Bài báo đưa ra sau một ngày khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ lục soát cơ quan lập pháp Hồng Kông, và để lại những thông điệp chống Bắc Kinh trên tường của cơ quan này trong một sự giận dữ chưa từng thấy.
Các cuộc biểu tình khổng lồ đã làm rung chuyển lãnh thổ bán tự trị kể từ tháng trước, bắt nguồn từ sự phản đối một dự luật dẫn độ cho phép chuyển nghi phạm sang Trung Quốc đại lục.
Tờ Nhật báo Quân đội Trung Quốc nói trên tài khoản mạng xã hội Weibo của họ, rằng cuộc tập trận chung vào thứ Tư tuần trước, có sự tham gia của lực lượng mặt đất, hải quân và không quân – nhằm mục đích rà soát và nâng cao khả năng chiến đấu của các đơn vị. Các bức ảnh cho thấy lính Trung Quốc đang chĩa súng trường tự động, trực thăng quân đội và tàu chiến.
“Ý định của bài tập này là rõ ràng. Nó nhằm cảnh báo các yếu tố độc lập của Hồng Kông và nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề Hồng Kông”, theo Ni Lexiong thuộc Viện Chiến lược Quốc phòng Thượng Hải.
“Nếu mọi thứ phát triển đến một mức độ cực đoan hơn, và nếu chính phủ Hồng Kông không thể đối phó với tình hình, chính quyền trung ương có thể dùng tới quân đội”, Ni Lexiong nói.
Máy bay quân sự Trung Quốc rơi xuống đảo Hải Nam
Trong khi đó, Zhu Yonghua, một chỉ huy hải quân tham gia cuộc tập trận, nói với cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng, các cuộc tập trận sẽ “giúp cải thiện khả năng của quân đội Trung Quốc nhằm giúp chính phủ Hồng Kông bảo vệ tính mạng và tài sản cho các công dân của họ”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29151-bao-tq-dang-anh-tap-tran-quan-su-o-hong-kong.html
Người TQ thấp thỏm lo Trump đổi ý
về ‘đình chiến’ thương mại
Nhiều người Trung Quốc cho rằng Trump rất khó đoán và hay thay đổi quyết định nên có thể đảo ngược động thái “đình chiến” với Bắc Kinh.Ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hoãn nâng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20. Trump còn cho phép các nhà cung cấp Mỹ bán linh kiện cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, miễn là chúng không đe dọa an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, động thái “đình chiến” của Trump không xua đi những lo ngại của nhiều người Trung Quốc. Họ cảm thấy tình hình này không ổn định vì không chắc liệu lệnh đình chiến duy trì được bao lâu, trong bối cảnh không nắm được nhiều thông tin về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra.
“Tôi cũng như nhiều chủ nhà máy sản xuất giày ở Đông Hoản đều cho rằng mặc dù vấn đề thuế quan đã được xoa dịu, tương lai vẫn chưa chắc chắn. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump đảo ngược quyết định? Ông ấy quá khó đoán”, doanh nhân Wang Jie nói. Nhà máy sản xuất giày của ông đã mất nhiều đơn đặt hàng từ Mỹ trong những tháng gần đây.
“Trump luôn thay đổi, vì vậy chúng tôi trở nên thận trọng hơn so với trước đây”, Wang cho biết.
“Ban đầu Trump gọi Huawei là mối đe dọa an ninh, giờ thì ông ấy quay sang nói rằng các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei. Các cuộc đàm phán và lệnh đình chiến có vẻ không đáng tin cậy”, Andy Xu, giám đốc tiếp thị của một công ty công nghệ có trụ sở tại Quảng Châu, nói. Ông và Wang Jie cho biết họ chỉ đọc thông tin về chiến tranh thương mại qua truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Bắc Kinh khẳng định tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thương mại và đầu tư nước ngoài duy trì tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm
nay. “Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã chuyển cơ sở ra khỏi Trung Quốc, nhưng con số này rất nhỏ”, Chu Shijia, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, nói.
Global Times, phụ san của People’s Daily, hôm 30/6 cho rằng sẽ còn nhiều thăng trầm trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai: “Vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Mỹ rất hay đổi ý”.
Người dùng mạng xã hội và các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là công ty xuất khẩu lớn ở Trung Quốc, thận trọng trong việc bày tỏ ý kiến. “Chúng tôi phải kín tiếng, không thể làm phật lòng bên nào. Thành thực mà nói, việc dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục khiến chúng tôi tổn thất lớn, bao gồm mất tài sản cố định, phải bồi thường cho công nhân và phải làm các thủ tục chuyển tiền”, một lãnh đạo công ty sản xuất thiết bị Đài Loan, nói.
Ethan Harris, chuyên gia từ Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, cho rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “ít khả năng sớm kết thúc”. “Cuộc chiến thương mại vẫn sẽ là vấn đề nóng của năm tới”, Harris nói. “Tình hình hiện giờ chỉ là sự bình yên trong mắt bão”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29146-nguoi-tq-thap-thom-lo-trump-doi-y-ve-dinh-chien-thuong-mai.html
Báo cáo điều tra: Tàu Trung Quốc
đã có thể tránh đâm tàu cá Philippines
Báo cáo điều tra của Tuần duyên và cơ quan Công nghiệp Hàng hải Philippines được gửi đến Tổng thống Rodrigo Duterte mới đây xác định tàu cá Trung Quốc đã có thể tránh đâm tàu cá Philippines hôm 9/6 và sau đó đã bỏ chạy, không cứu các ngư dân Philippines. Trang tin The Straits Times loan tin này hôm 6/7.Báo cáo cho biết chiếc tàu cá Trung Quốc Yuemaobiyu 422`2 vỏ thép của tỉnh Quảng Đông đã đâm vào đuôi tàu cá Gem-Ver, tàu cá gỗ của Philippines lúc đó đang neo đậu ở khu vực Biển Đông. Khi tàu Gem-Ver chìm, tàu Yuemaobinyu dừng lại rồi sau đó di chuyển ra xa 50 m cách tàu Gem – Ver, không cứu 22 ngư dân trên chiếc tàu Philippines đang bị chìm.
Những ngư dân Philippines sau đó được một tàu cá Việt Nam cứu sống và bàn giao cho Hải quân Philippines.
Báo cáo của Philippines xác định các ngư dân trên tàu Trung Quốc đã “không thực hiện các hành động thích hợp để tránh va chạm và giúp đỡ tàu gặp nạn”.
Báo cáo xác định, lúc bị đâm, tàu Gem-Ver có bật hai đèn, bao gồm cả đèn nháy ở đuôi tàu đủ sáng để nhìn thấy. Trong khi đó, thời thiết lúc xảy ra vụ đâm tầu cũng tốt và có trăng sáng, biển yên tĩnh.
Báo cáo của Philippines không nói vụ đâm tàu là cố ý nhưng cho rằng tàu cá của Trung Quố đã vi phạm luật hàng hải khi không cứu các ngư dân Philippines.
Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở vùng biển tranh chấp hồi tháng trước đã dẫn đến những phản đối chính thức từ phía chính phủ Philippines với Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc sau đó nói rằng vụ đâm là tai nạn và các ngư dân Trung Quốc đã tìm cách cứu các ngư dân Philippines nhưng không thành vì bị những tàu cá Philippines khác bao vây.
Tổng thống Duterte, người muốn có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2016, sau đó nói rằng vụ đâm tàu là tai nạn. Phát biểu của ông đã gặp phải nhiều chỉ tích tại Philippines.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/chinese-trawler-could-have-avoided-sinking-philippine-boat-probe-report-07072019092612.html
0 comments