Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 25/07/2019

Thursday, July 25, 2019 6:41:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 25/07/2019

Sự cần thiết phải có các cơ chế,

hình thức kiểm soát vũ khí, khí tài quân sự

của TQ ở Biển Đông

Trước tình trạng Trung Quốc ngày càng triển khai nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự trái phép tới Biển Đông như máy bay chiến đấu, tên lửa, rada, tàu chiến… nhằm biến những đảo nhân tạo do nước này bồi đắp thành những tiền đồn quân sự án ngữ ở cửa ngõ vùng biển này, giới nghiên cứu cho rằng ASEAN và các nước cần có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Bắc Kinh.
Đặt vấn đề sự cần thiết phải kiểm soát vũ khí, khí tài quân sự của TQ ở Biển Đông
Việc Trung Quốc quân sự hóa, cải tạo và bồi đắp đảo tại khu vực Biển Đông sẽ gây ra nhiều rủi ro cho khu vực, do đó cần thiết phải có một hình thức kiểm soát vũ khí để ngăn chặn quân sự hóa ngày càng gia tăng nếu Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) chưa có hoặc thất bại. Ngày 23/12/2016, hãng tin Fox News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) trên Biển Đông. Ngoài hệ thống tên lửa, trên các thực thể tranh chấp, Trung Quốc còn lắp đặt các loại súng phòng không cũng như các hệ thống vũ khí khép kín được thiết kế đặc biệt để chống người nhái của đối phương hoặc những kẻ phá hoại. Việc triển khai tên lửa tự đặt ra một số vấn đề nghi vấn.
Thứ nhất, hệ thống tên lửa này có phải để Trung Quốc sử dụng cho mục đích phòng thủ hay không? Về mặt chức năng, hệ thống tên lửa SAM được thiết kế để bảo vệ chống lại các máy bay và tên lửa của đối phương. Nói cách khác, hệ thống tên lửa SAM là lá chắn, không phải thanh kiếm. Điều này đặc biệt đúng đối với tên lửa SAM cầm tay được sử dụng với tầm ngắn và có hiệu quả đối với các máy bay bay thấp và chậm hơn. Tên lửa SAM cầm tay có phạm vi hoạt động tốt trong vòng 12 hải lý không phận chủ quyền. Nhưng hệ thống tên lửa SAM tầm xa như HQ-9 có khả năng đe dọa máy bay nước ngoài bay bên ngoài không phận chủ quyền, do đó nó được gắn với khả năng tấn công. Tuy nhiên, việc triển khai tên lửa SAM tầm xa vẫn sẽ được Bắc Kinh biện minh là để phòng thủ, như Trung Quốc từng làm như vậy sau một loạt hành động xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Thứ hai, việc Trung Quốc triển khai vĩnh viễn hệ thống vũ khí có tính di động tốt sẽ khiến các quốc gia tập hợp các phương tiện để tăng cường sức mạnh của họ. Chiến tranh sẽ không nổ ra đột ngột mà không có một thời gian căng thẳng trước đó, cho đến khi những phát súng đầu tiên được bắn ra. Trong thời gian đó, các bên tham chiến sẽ tăng cường lực lượng của họ tại các khu vực liên quan. Với khả năng hải quân và không quân, Trung Quốc có thể triển khai lực lượng quân sự chờ trực chiến ở ngoại vi những khu vực tranh chấp trong thời gian ngắn.
Điểm mấu chốt của vấn đề quân sự hóa Biển Đông không nằm ở việc các loại vũ khí là ngắn hạn hay dài hạn, hay chúng được triển khai vĩnh viễn. Đường băng dài 3.000 m được xây dựng trên thực thể tranh chấp sẽ cho phép Bắc Kinh khai thác lợi thế trước một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng, sử dụng các tài sản không vận (như máy bay vận tải chiến lược Y-20) để nhanh chóng triển khai các loại vũ khí ở ngay giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng. Bắc Kinh đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu làm giảm bớt tính nhạy cảm trước cộng đồng quốc tế bằng các chuyến bay dân sự đều đặn, đặc biệt là các chuyến bay từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm. Thực tế, sau khi một máy bay dân sự hạ cánh trên đảo Chữ thập vào tháng 1/2016, đến tháng 3/2016 Bắc Kinh đã công bố kế hoạch khai thác các chuyến bay dân sự thường xuyên đến đảo Phú Lâm. Và tháng 7/2016, máy bay dân sự của Trung Quốc đã hạ cánh trên hai hòn đảo nhân tạo khác là Vành Khăn và Subi. Những chuyến bay dân sự có vẻ vô hại này có thể là để thử nghiệm độ nhảy cảm của cộng đồng quốc tế trước khi tiến hành các hoạt động vận chuyển hàng không quân sự. Máy bay vận tải quân sự mang radar gần giống những chiếc máy bay thương mại. Sự tương đồng này có thể trở nên phức tạp hơn nữa khi Bắc Kinh sử dụng các phiên bản “dân sự hóa” của máy bay vận tải quân sự, chẳng hạn như trường hợp của máy bay vận tải Y-20. Hẳn chúng ta còn nhớ tháng 11 và 12/2015, Moscow đã chuyển giao hệ thống tên lửa tầm xa SAM S-400 cho Syria bằng máy bay vận tải hạng nặng Antonov An-124. Mặc dù không thể mạnh so với máy bay Nga, nhưng máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc có thể đáp ứng việc triển khai tương tự tới các đảo nhân tạo.
Những diễn biến này có ý nghĩa gì đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông? Trong nhiều năm qua, các bên yêu sách đã nói nhiều về việc ban hành một COC mang tính ràng buộc pháp lý để ngăn chặn tác động tiềm tàng của quân sự hóa. Sáng kiến này đã được nêu ra lần đầu tiên sau khi Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp một trong những thực thể của quần đảo Trường Sa, đảo Vành Khăn, trong những năm 1990 của thế kỷ trước. Nhưng nhiều năm đàm phán giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Bắc Kinh đã dẫn tới một phiên bản khác là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký vào tháng 11/2002. Mặc dù có sai sót song DOC được cho là một nỗ lực lớn giữa Trung Quốc và ASEAN để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong vùng biển tranh chấp. Những năm sau đó, các bên tranh chấp đã làm suy yếu hiệp ước này. Căng thẳng gia tăng gần đây, bao gồm cả quân sự hóa ở Biển Đông, là chất xúc tác thúc đẩy COC.
Các cơ chế, biện pháp có thể để kiểm soát hoạt động của TQ
Tuy nhiên, những vấn đề đeo đẳng DOC sẽ tiếp tục tồn tại khi các cuộc đàm phán về COC kéo dài. Rút cuộc, đó là vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường. Các sáng kiến hiện tại như COC sẽ được coi như “các biện pháp xây dựng lòng tin”, nhưng tinh thần của COC chính xác có liên quan đến kiểm soát vũ khí. Có 2 hình thức kiểm soát vũ khí là kiểm soát cấu trúc và kiểm soát hoạt động. Là hình thức truyền thống của kiểm soát vũ khí, các biện pháp kiểm soát cấu trúc nhằm mục đích hạn chế số lượng và chủng loại vũ khí. Hiệp ước Hải quân Washington và các điều ước sau này ở giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh là những ví dụ như vậy. Các biện pháp kiểm soát hoạt động nhằm vào cách thức chúng được triển khai. Các biện pháp này bao gồm khu vực phi quân sự, thông báo trước về hoạt động di chuyển quân và cơ chế triển khai vũ khí cũng như cơ chế quản lý khủng hoảng. COC có thể được coi là hình thức kiểm soát hoạt động của vũ khí.
Điều đó cho thấy hai biện pháp cấu trúc và hoạt động có nhiều vấn đề như nhau. Một là, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài và khó khăn hơn với nhiều bên và yêu sách đa dạng – và có thể xung đột – các lợi ích quốc gia liên quan. Điều này có thể trở nên phức tạp hơn bởi sự tham gia của các nước ngoài khu vực. Hai là, các cuộc đàm phán có thể bị sa lầy bởi những bất đồng kỹ thuật về những gì cấu thành vũ khí phòng thủ hay tấn công – một vấn đề chủ quan tùy thuộc vào không chỉ là đặc tính vốn có của vũ khí mà còn là bối cảnh nó được sử dụng. Cuối cùng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận, vấn đề từ lâu đeo đẳng các sáng kiến kiểm soát vũ khí có thể gây nguy hiểm cho sự tồn tại của thỏa thuận; đó là vấn đề về “tuân thủ, xác minh và thực thi”.
Từ những phân tích trên, không quá khó để nhận thấy việc triển khai vũ khí ở Biển Đông có nhiều tác động đối với COC. Các bên đơn giản có thể gạt tài liệu này sang một bên để triển khai các loại vũ khí có khả năng thấp như súng phòng không đến các thực thể tranh chấp. Đồng thời, họ có thể duy trì các hệ thống vũ khí tấn công mạnh hơn luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng ở các khu vực ngoại vi, để nhanh chóng triển khai chúng đến các thực thể trong thời điểm căng thẳng. Những hành động này có thể dễ dàng được cải trang hơn như các hoạt động thời bình tại các biên giới quốc gia hợp pháp, trong khi không nhất thiết phải hứng chịu những cáo buộc quân sự hóa Biển Đông. Dù có ràng buộc về pháp lý hay không thì COC cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Một vài bên nên thúc đẩy chính trị để hiện thức hóa COC trong thời gian tới. Tuy nhiên, vào thời điểm tốt nhất, việc vội vàng thúc đẩy ban hành COC mà không xem xét nghiêm túc các rủi ro liên quan vấn đề về “tuân thủ, xác minh và thực thi” sẽ cản trở sự kết thúc thành công đàm phán COC. Và ở kịch bản xấu nhất, nếu vội vã ban hành COC vì lý do chính trị, thỏa thuận này có thể trở thành một thất bại lớn trong lịch sử lâu dài của kiểm soát vũ khí.

Bãi Tư Chính:

Căng thẳng Biển Đông ở lô 06-1 vẫn tiếp tục


Đã nhiều tuần qua nhưng căng thẳng ở lô 06-1 gần Bãi Tư Chính có vẻ vẫn không thuyên giảm khi Trung Quốc vừa điều động hai tá phi cơ chiến đấu. Chuyện gì đang xảy ra?
Hôm 19/7, Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc “rút tàu khỏi vùng biển Việt Nam.”
Hôm 20/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố “quan ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực,” nhất là các hoạt động này của Việt Nam.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tuyên bố của Hoa Kỳ là “vô căn cứ” và “vu khống”.
Hiện vẫn chưa rõ tình hình ở Bãi Tư Chính sẽ ngã ngũ như thế nào.

Chống Trung Quốc ở Biển Đông:

Việt Nam làm gương cho Duterte ?

Trong những ngày qua, thời sự Biển Đông nổi cộm với vụ Trung Quốc vào đầu tháng cho tàu vào khảo sát khu vực Bãi Tư Chính gần Trường Sa, đồng thời sách nhiễu tàu tiếp tế phục vụ cho một giàn khoan dầu cho Việt Nam. Đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã lập tức cho tàu chấp pháp của mình ra ngăn chặn, và đã công khai lên tiếng đòi Trung Quốc rút tàu đi.
Trong lúc Việt Nam có phản ứng dứt khoát nhằm ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc, Philippines, một nước Đông Nam Á khác mà vùng đặc quyền kinh tế (gần đây nhất là tại khu vực Bãi Cỏ Rong) bị Trung Quốc xâm phạm, lại không nói gì. Thậm chí, trong thông điệp gởi toàn quốc hôm 22/07/2019, tổng thống Duterte lại công khai nhắc lại quan điểm “chủ bại” của ông khi cho rằng Trung Quốc đã “chiếm hữu và kiểm soát” được Biển Đông rồi, sức mạnh quân sự của Trung Quốc lại hùng hậu hơn Philippines gấp bội, vì thế không nên đụng với Bắc Kinh.
Trước hai cách phản ứng chống lại các hành động áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã cho rằng, thay vì có phản ứng khiếp nhược trước Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, Manila nên học tập cách ứng phó của Việt Nam.
Thói thường của Trung Quốc : Mềm nắn, rắn buông
Trong bài viết : “Malaysia và Việt Nam cho thấy là Philippines có thể kháng lại Trung Quốc – Malaysia, Vietnam show PH can stand up to China”, tờ báo mạng Philippines Rappler ngày 23/07/2019 đã trích lời chuyên gia Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS tại Washington, cho rằng : “Khi các nước có yêu sách chủ quyền (trên Biển Đông) chủ động vùng lên và không để mình bị hù dọa, trong đa số trường hợp, Bắc Kinh đều lùi bước, thay vì dùng võ lực”.
Ghi nhận trước tiên của tờ Rappler là Malaysia và Việt Nam vẫn tiếp tục các hoạt động dầu khí ở Biển Đông bất chấp các cuộc chạm trán căng thẳng với tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong vùng biển của mình. Điều đó cho thấy là Philippines có thể chống lại các hoạt động xâm lược của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho thăm dò dầu khí ở Biển Đông (mà Manila đã cải tên thành Biển Tây Philippines).
Trả lời phỏng vấn của trang mạng Rappler, ông Poling nêu bật sự kiện là cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Malaysia với Trung Quốc hiện đang diễn ra gần các giàn khoan dầu nằm ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước Đông Nam Á.
Dù bị TQ sách nhiễu, giàn khoan Việt Nam vẫn hoạt động
Liên tưởng đến khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Philippines, được cho là có trữ lượng dầu khá lớn mà Manila rất muốn khai thác, chuyên gia Mỹ cho rằng nếu thúc đẩy việc thăm dò khu vực này mà không được phép của Trung Quốc, thì chắc chắc Philippines sẽ bị “những kiểu sách nhiễu tương tự”.
Bãi Cỏ Rong là một khu vực ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, hiện do Manila kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Diễn biến tình hình hiện nay giữa Malaysia và Việt Nam với Trung Quốc, theo ông Poling, có thể giúp cho Philippines một bài học : Đó là “trong cả hai trường hợp Malaysia và Việt Nam, hành vi quấy rối của Trung Quốc đã không thể ngăn các giàn khoan Malaysia và Việt Nam hoạt động”.
Duterte cần học cách phản ứng cứng rắn của Aquino và Việt Nam
Nhận định về các hành vi quấy nhiễu của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam và Malaysia, giám đốc AMTI cho rằng điều đó cho thấy là chiến lược của Trung Quốc chỉ là sách nhiễu và hù dọa chứ không phải là dùng võ lực.
Trong chiều hướng đó, ông Poling khẳng định rằng nếu bị kháng cự, Bắc Kinh sẽ lùi bước. Chuyên gia Mỹ nhắc lại rằng vào năm 2014, thời tổng thống Aquino, chính quyền Philippines đã chống lại việc Trung Quốc phong tỏa Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal, mà người Philippines gọi là Ayungin), và “đó là điều mà chính quyền Malaysia và Việt Nam đang làm”.
Không chống lại Trung Quốc sẽ phải trả giá
Theo các nhà phân tích, nếu không làm gì để chống lại các hành vi sách nhiễu của Trung Quốc, Philippines tất nhiên sẽ phải trả giá.
Theo Rappler, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng gây chiến với Philippines nếu nước này khẳng định quyền của mình ở Biển Đông. Đối với các chuyên gia, đây là một lập luận sai lạc. Mặc dù vậy, ông Duterte tiếp tục nhắc lại các mối đe dọa về nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc mà Philippines chắc chắn sẽ bị thảm bại trong bài diễn văn gởi toàn quốc hôm 22 tháng 7 vừa qua.
Theo ông Poling, cho dù việc Philippines tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông hàm chứa một số rủi ro, nhưng Manila sẽ phải trả giá nặng nề hơn khi từ bỏ việc khẳng định các quyền hợp pháp của mình trong vùng biển của mình.
Chuyên gia Mỹ xác định nguyên văn như sau : “Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro không phải là không làm gì cả, mà là củng cố thêm quan hệ liên minh với Hoa Kỳ, làm cho rõ rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Philippines sẽ dẫn đến sự can thiệp của Mỹ, đồng thời bền bỉ khẳng định chủ quyền của mình để Trung Quốc hiểu rằng bắt nạt sẽ không có kết quả”.
Lời kết luận của ông Poling rất rõ ràng khi ông nhắc đến cách đối phó của Việt Nam : “Người ta sẽ không bao giờ nghe thấy các quan chức Việt Nam công khai than thở rằng họ không thể khẳng định các quyền của nước họ, vì họ không thể chiến đấu chống lại Trung Quốc. Ngược lại là khác, người Việt Nam đã chiến đấu chống Trung Quốc, đồng thời cho rằng bản thân Trung Quốc cũng không muốn chiến tranh như mọi nước khác”.
Biển Đông : Bắc Kinh không đối xử được với Hà Nội như với Philippines
Khác biệt trong đối sách Trung Quốc của Việt Nam và Philippines cũng đã được nhật báo Mỹ Forbes chú ý khi vừa xuất hiện những thông tin đầu tiên về vụ Việt Nam đưa tàu ra ngăn chặn tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính.
Trong bài viết ngày 13/07 mang tựa “Biển Đông : Bắc Kinh không thể đối xử với Việt Nam như là đối với Philippines – Beijing Shouldn’t Treat Vietnam Like The Philippines”, tờ báo Mỹ đã đăng ý kiến riêng của chuyên gia Panos Mourdoukoutas, công tác viên của Forbes.
Theo chuyên gia này, Bắc Kinh cũng muốn áp dụng chính sách chiêu dụ Hà Nội như đã thành công khi thuyết phục được ông Duterte “trở cờ”, và lặng thinh nhìn Trung Quốc hoành hành tại vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Thế nhưng Bắc Kinh đã thất bại.
Theo ông Mourdoukoutas, liên quan đến tranh chấp Biển Đông, chính sách chiêu dụ của Bắc Kinh không thành công với Việt Nam, và Hà Nội không xem Bắc Kinh là một người « bạn », giống như cách mà Tổng thống Rodrigo Duterte đã bày tỏ. Điều này đã được thấy khi Việt Nam triển khai lực lượng để đối đầu với tàu Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển mà Bắc Kinh tranh chấp với Hà Nội.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.