Nguyễn Phú Trọng với nguy cơ xảy ra một cuộc tổng biểu tình chống Tàu cộng xâm lược và viễn ảnh Nguyễn Tấn Dũng không nằm yên để bị Tổng Tịch cho vào lò
https://danlambaovn.blogspot.com/2019/07/nguyen-phu-trong-voi-nguy-co-xay-ra-mot.html
Vũ Đông Hà (Danlambao) – Sáng 20/07/2019, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, gọi tắt là Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng, đã dùng buổi gặp 90 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu năm 2019 và 10 cán bộ công đoàn nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất để đưa ra thông điệp “Tăng cường sức đề kháng trước sự chống phá, xuyên tạc của thế lực thù địch”. (1)
Đây không phải là một hành động ngẫu nhiên mà có chủ ý: Tìm cách ngăn chận sự bùng lên của công nhân trước sự kiện Bãi Tư Chính và tìm cách hoá giải những phản công của phe cánh Nguyễn Tấn Dũng.
Đây không phải là chuyện cần làm như thường lệ mà phải gấp rút làm trước những chuyển biến nghiêm trọng có thể xảy ra ở đằng sau sâu khấu chính trị đấu đá nhau. Do đó, mặc dù còn đến 1 tuần nữa nhưng Nguyễn Phú Trọng đã phải “nhân” kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2019) và ra quân sớm vào ngày 20/07/2019.
Để thấy được “vai trò” của công nhân và “bàn tay” của những “thế lực thù địch” trong đảng, chúng ta nhìn lại những biến động quá khứ:
Bình Dương 13/05/2014
- Ngày 13/05/2014, hơn 10000 công nhân Việt Nam tại Bình Dương và Sài Gòn đã xuống đường phản đối việc Bắc Kinh đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Cuộc tổng đình công và biểu tình đã lan rộng từ Bình Dương ra các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Sóng Thần, Việt Hương… và về đến Sài Gòn.
Đây là cuộc biểu tình lớn chưa từng có của công nhân đã khiến toàn bộ các khu công nghiệp và hệ thống an ninh Bình Dương bị tê liệt hoàn toàn. Và đây là cuộc biểu tình có tổ chức, có cờ đỏ, biểu ngữ đỏ được chuẩn bị trước đó, có kế hoạch kết hợp tham dự xuyên suốt bởi công nhân từ nhiều công ty. Nó đã xảy ra trong bối cảnh công nhân Việt Nam tự họ chưa có được sức mạnh công đoàn độc lập đủ để tổ chức những cuộc biểu tình lớn có phối hợp như vậy, cho dù chỉ đấu tranh cho một suất ăn trưa tệ bạc. Đó là một cuộc biểu tình có sự bảo kê và không bị đàn áp.
Tân Tạo 09/06/2018
- Trưa 09/06/2018, 50.000 công nhân Công ty Pouyuen VietNam tại khu Công nghiệp Tân Tạo đã đồng loạt đình công và biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu.
Những ngày trước đó, mặc dù dư luận xã hội đã phẫn nộ lên đến đỉnh điểm nhưng không hề có bất kỳ một lời kêu gọi biểu tình nào từ các tổ chức, nhóm hoạt động trong nước. Tuy nhiên, vào 3h sáng ngày 9 tháng 6 (8 giờ trước khi 50.000 công nhân Pouyuen biểu tình), Văn phòng Chính phủ đã loan tin hoãn việc thông qua Dự thảo Luật Đặc khu. Điều này cho thấy trong nội bộ đảng đã biết trước những gì đang sắp sửa xảy ra và hy vọng rằng việc thông báo gấp rút và bất thường vào 3 giờ sáng sẽ làm cho cuộc biểu tình đã dự tính sẽ tiến hành vào trưa hôm sau sẽ không còn lý do để xảy ra.
Tuy nhiên, 50.0000 công nhân vẫn tổng đình công, biểu tình, không đòi quyền lợi công nhân mà đòi huỷ Dự luật Đặc khu.
Một ngày sau, 10 tháng 6 năm 2018, hàng chục ngàn người dân tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sài Gòn đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng. Cuộc biểu tình khai mào của công nhân Pouyen đã lan rộng thành cuộc tổng biểu tình lớn nhất, với sự tham gia của nhiều thành phần quần chúng trên cả nước kể từ khi đảng CSVN nắm quyền toàn trị.
Từ 2014 đến 2018 và 2019 Chủ lò Nguyễn Phú Trọng và bóng ma Nguyễn Tấn Dũng
Biểu tình chống Tàu cộng xâm lược với giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5/2014 xảy ra dưới thời Nguyễn Tấn Dũng đang là Thủ tướng. Sau cuộc biểu tình, vài cá nhân “phá rối” bị bắt giữ và sau đó cho chìm xuồng.
Biểu tình chống Dự thảo Luật Đặc khu – nhằm chính thức hoá bằng luật âm mưu giao 3 địa bàn chiến lược Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc cho Tàu trong 99 năm – xảy ra trong lúc Nguyễn Phú Trọng gia tăng đốt lò và mọi người nghĩ rằng phe cánh Nguyễn Tấn Dũng đã ở vào tình trạng bị Nguyễn Phú Trọng truy cùng diệt tận. Sau cuộc biểu tình, hàng trăm công nhân bị ruồng bắt, xét xử và bỏ tù.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng vào sáng 20/07/2019 với thông điệp “Tăng cường sức đề kháng trước sự chống phá, xuyên tạc của thế lực thù địch… tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân…” cho thấy xác suất và nguy cơ về một cuộc tổng biểu tình tương tự như vào tháng 5, 2014 và tháng 6, 2018 vẫn còn đó.
Tiểu trận của Trọng và đại trận của Tập
Cuộc đấu đá, thanh trừng của Nguyễn Phú Trọng và các phe phái nội bộ đảng cộng sản có một mục tiêu duy nhất: nắm quyền và giữ tiền. Cho dù đó là Nguyễn Phú Trọng và tay chân đang nắm quyền và khát tiền, cho dù đó là Nguyễn Tấn Dũng đã mất quyền nhưng vẫn còn rất nhiều tiền và tay chân bộ hạ vẫn còn nhan nhãn trong mọi tầng của hệ thống cai trị; tất cả đều đặt quyền lợi cá nhân và sự sống còn của đảng lên trên đất nước. Đối với Bắc Kinh, tất cả lãnh đạo Ba Đình đều là những con tốt, mang bản chất hám quyền, mê tiền và sẵn sàng cúi đầu chịu làm quan to trong một nước nô lệ. Bàn cờ Ba Đình chỉ là một tiểu trận của những con tốt nằm trong bàn cờ lớn của những tướng sĩ tượng Bắc Kinh.
Phía Bắc Kinh, bàn cờ lớn hơn đã được khởi đi từ nhiều năm và Bắc Kinh đang muốn nhanh chóng chiếu tướng Việt Nam: Biến Việt Nam thành một chư hầu và trở thành một mắc xích quan trọng trong đại chiến lược của Trung Hoa vĩ đại – “Một Vành Đai, Một Con Đường”.
Ba đặc khu chiến lược Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cộng với đường cao tốc Bắc Nam kéo dài xuyên suốt Việt Nam là mục tiêu phải đạt được cho mắc xích Việt Nam đó.
Khi mục tiêu này bị khựng lại vì gặp phải sự chống đối mạnh mẽ và rộng khắp của người dân Việt Nam, Bắc Kinh đã tiến hành chiêu thức “dương đông kích tây”.
Bãi Tư Chính chính là “dương đông”. Nó hiệu quả vì Bắc Kinh biết chắc dân chúng Việt Nam sẽ phẫn nộ. Nó dễ dàng vì chỉ cần vài con tàu quấy nhiễu trong vùng biển của một nước mà lực lượng quân đội đã lấy chủ trương bỏ biển bám bờ là chính.
Cùng lúc, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam được “mời” sang Tàu (2). Được cho “tiếp khách” những giám đốc, đại doanh nhân của những công ty Tàu chuyên về xây dựng hạ tầng. Và qua buổi gặp gỡ, Tập Cận Bình nhấn mạnh thông điệp: cùng nhau hợp tác để phát huy “Một Vành Đai, Một Con Đường”.
Cũng cùng lúc, toàn bộ tuyên giáo, lãnh đạo đảng CSVN được lệnh im lặng trước trò “dương đông” của Bắc Kinh để nhân dân Việt Nam phẫn nộ. Cái “diện” Bãi Tư Chính để làm nguội lạnh cái “điểm” và đối tượng “kích tây” là đường Cao tốc Bắc Nam đã được tạm kết thúc bằng một chọn lựa có tính toán: để cho Lê Thị Thu Hằng lên tiếng và nêu đích danh Trung Quốc có hành vi vi phạm (3). Một số người Việt Nam sẽ cho “điểm tốt” cho đảng – “ít ra cũng nêu đích danh kẻ thù!”. Ngược lại, về mặt thể hiện sự trung thành thì Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội không hề tuyên bố điều gì liên quan đến những hành vi của thiên triều.
Như vậy, Nguyễn Phú Trọng mới tiếp tục được thiên triều ủng hộ, hướng dẫn, chỉ đạo phương thức đốt lò.
Như vậy, một ngày sau khi Lê Thị Thu Hằng “kiên quyết” phản đối Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng răn đe “tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân”.
Và cũng như vậy, 1 ngày sau Trọng, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng có mặt tại Tàu để gặp Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Hoàng Khôn Minh và Bí thư UB Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (4). Trấn an, kiểm soát truyền thông nội bộ, tuyên truyền đối đầu dư luận và kỷ luật nội bộ là “công tác” hàng đầu được Bắc Kinh huấn thị, hướng dẫn và theo đó thi hành.
Kết:
Đến bây giờ, với sự tiếp tay của Ba Đình, Bắc Kinh xem như đã thành công trong mục tiêu biến vùng biển chủ quyền Việt Nam thành vùng tranh chấp chủ quyền. Nhưng Bắc Kinh không thể biến Việt Nam thành lãnh thổ tranh chấp. Nó phải êm thắm thuộc về Trung Quốc theo dạng một vùng tự trị, một chư hầu bị khống chế hoàn toàn với sự đồng thuận bằng văn bản của chính phủ Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang tận tình thi hành mục tiêu đó.
Tương lai Việt Nam đã đen tối từ lâu. Nó đang đi vào giai đoạn tối đen cuối để mở ra thời kỳ Bắc thuộc mới. Trong toàn cảnh âm u của đất nước, không thể phủ nhận rằng trong nội bộ đảng CSVN đang có những rạn nức trầm trọng ở mức các chóp bu sẵn sàng giở trò “chết ngoại viện” với nhau (5). Không thể phủ nhận có những thành phần trong đảng, trong guồng máy, những đại gia, doanh nhân đang cấu kết với đảng làm giàu… bắt đầu nhận thức được rằng lãnh đạo chóp bu của họ đang tiếp tay, dọn đường cho Tàu cộng thống trị Việt Nam mà không cần súng đạn. Không thể phủ nhận rằng đối đầu với một hệ thống chính trị phân rã vẫn dễ hơn là chống lại một guồng máy độc tài tâm đầu ý hợp và đoàn kết từ trên xuống dưới.
Tuy nhiên, mọi cái gọi là “dễ hơn” vẫn là muôn vàn khó khăn và bất khả thi nếu chúng ta, những người dân sắp thành công dân hạng bét như người Tây Tạng, Tân Cương, không hành động.
Đã đến lúc chúng ta cùng nhau bỏ qua những khác biệt, hay chấp nhận sự khác biệt, hoặc ngay cả không thể “chịu” những khác biệt của nhau thì cũng dồn hết thì giờ công sức để làm những điều mà chính mình tin vào, thay vì tốn công, tốn sức và thì giờ để “giải quyết” những gì người khác tin. Giải quyết chế độ độc tài đảng trị, hèn với giặc ác với dân phải là ưu tiên hàng đầu.
Trong 2 năm qua, Bắc Kinh đã gia tăng nỗ lực thống trị VN và dẫn đến việc Ba Đình đàn áp, bỏ tù người dân với những bản án nặng nề. Những bản án từ 10 năm đến 20 năm thực sự đã ảnh hưởng đến tinh thần, hoạt động của cá nhân nhiều người tranh đấu. Chúng ta cần phải nỗ lực đứng dậy, khéo léo tự mình gầy dựng thêm lực lượng, thêm người, chuẩn bị để cùng nhau đáp ứng cho một cuộc tổng biểu tình cả trăm ngàn người có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nó không thể là giấc mơ, không thể là viễn tượng mà phải là hiện thực. Nếu không thì chúng ta, con cháu chúng ta, đất nước VN yêu dấu của chúng ta sẽ không còn cái gọi là tương lai.
*
Chú thích:
22.07.2019
0 comments