Tin Biển Đông – 12/072019
Trung Cộng đang thắng thếtrong cuộc chiến
giành quyền thống trị Biển Đông
Theo Bloomberg đưa tin, Thuyền trưởng tàu đánh cá Việt Nam Trần Văn Nhân và thuyền viên trên tàu bị bắt giơ hai tay ra sau đầu, giữ im lặng và quay mặt đi hướng khác trong khi các thủy thủ Trung Cộng với những cây gậy điện trên tay đánh cắp mẻ lưới đánh bắt của họ.
Những người ngư dân như ông Nhân đang đứng ở tuyến đầu của một cuộc tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhất châu Á, liên quan đến sáu bên yêu sách và các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ. Trung Cộng thường được xem là bên vi phạm nhiều nhất trong khu vực Biển Đông. Các bên yêu sách khác như Malaysia, Indonesia cũng có những hành động chống lại các tàu đánh cá từ Trung Cộng và các quốc gia khác để bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của họ. Vào tháng trước, xảy ra vụ tàu Trung Cộng đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông. Sự việc này gây ra những phát biểu mâu thuẫn từ các quan chức chính phủ và quân đội. Một số người kêu gọi Philippines khẳng định quyền lãnh thổ của đất nước, trong khi một số khác đưa ra lập trường mềm mỏng hơn. Tổng thống Duterte đưa ra bình luận vài ngày sau đó, cho rằng vụ va chạm chỉ là một tại nạn hàng hải trên biển.
Indonesia quyết định áp dụng một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với cuộc khủng hoảng đánh bắt cá, khẳng định lời tuyên bố sẽ phát triển các cơ sở lưu trữ đánh bắt cá trên Natuna
Regency, ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của Borneo. Để đối phó với nạn săn trộm, Indonesia phá hủy hàng chục tàu thuyền bị bắt trong vùng biển của nước này, đa số là của Trung Cộng.
Mặc dù thường xuyên được đưa ra để thảo luận, nhưng dự thảo quy tắc ứng xử với các quốc gia Đông Nam Á đạt được rất ít tiến bộ trong thập kỷ qua. Trung Cộng đang dần dần dành quyền thống trị trên biển Đông. (Mộc Miên)
Biển Đông : Mỹ tố cáo
yêu sách chủ quyền “phi pháp” của Trung Quốc
Chính quyền của tổng thống Donald Trump đã có một cách đặc biệt để đánh dấu sự kiện Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết Biển Đông bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng biển này.
Hôm qua, 11/07/2019, một hôm trước kỷ niệm ba năm ngày Tòa La Haye ra phán quyết, bộ Ngoại Giao Mỹ đã có tuyên bố lên án Trung Quốc phản bội lời hứa không quân sự hóa Biển Đông mà chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2015. Mỹ đồng thời tái khẳng định việc Washington cực lực phản đối các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền « bất hợp pháp » ở Biển Đông.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, « việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn tại vùng đang tranh chấp ở Biển Đông đã phản bội cam kết năm 2015 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là không tiến hành những hoạt động đó ».
Trong một cuộc hợp báo, bà Ortagus nhắc lại rằng đó là những hành vi « khiêu khích, phức tạp hóa việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đe dọa an ninh của các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định khu vực ».
Việc Mỹ tiếp tục gọi những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là « phi pháp » đã có cơ sở pháp lý là phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, phủ nhận « đường chín đoạn » mà Trung Quốc vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông.
Trong phát biểu hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ nhắc lại rằng Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các bên tranh chấp Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, dựa trên luật pháp, chứ không phải bằng vũ lực.
Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN bàn về Biển Đông
Vấn đề Biển Đông cũng được các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN thảo luận trong hội nghị thường niên vào hôm qua 11/07/2019 tại Bangkok (Thái Lan).
Theo hãng tin Nhật Kyodo, tuyên bố chung kết thúc hội nghị hoan nghênh cuộc thao diễn hải quân đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc được tiến hành vào năm ngoái, cũng như cuộc tập trận giữa Hải Quân ASEAN và Mỹ, dự trù vào cuối năm nay.
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon, người chủ trì cuộc họp, cho biết trong một cuộc họp báo rằng các bộ trưởng đã nhắc lại tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả theo thời hạn được các bên thống nhất.
Các bộ trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp tranh chấp hòa bình đúng theo luật pháp quốc tế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam
và Trung Quốc đối đầu ở Bãi Tư Chính
Có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Thông tin này được mạng báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post – SCMP) đăng tải vào chiều 12/7.
Mạng báo tiếng Anh có trụ sở ở Hồng Kông trích dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson – Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, hôm 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.
Trong khi đó, sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nói chuyện qua điện thoại vệ tinh với các chiến sĩ làm việc trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039.
Theo SCMP, cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.
Theo Wikipedia, Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông mà Việt Nam cho lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa.
Đài Loan và Trung Quốc quan niệm bãi này thuộc quần đảo Nam Sa. Khu vực bãi Tư Chính đã nhiều lần là đối tượng tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 1994, tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu thăm dò Shiyan 2 rời đi sau 3 ngày đối đầu.
Hiện phía Việt Nam cũng như Trung Quốc chưa có bình luận gì về vụ việc này.
Vào ngày 11 tháng 7, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam và lên tiếng cho rằng cơ quan này không được để bị động, bất ngờ trước các tình huống xảy ra trên biển.
Cũng vào chiều ngày 11 tháng 7, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa bà chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân với ông chủ tịch Nhân Đại Trung Quốc Lật Chiến Thư hai phía lặp lại cám kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của hai lãnh đạo cao cấp hai đảng, hai nước ‘thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc’.
0 comments